TỈNH NGỘ (Tiểu thuyết TLXH Trung Hoa cổ)
Đào Phong Lưu 20.07.2010 09:09:27 (permalink)

TỈNH NGỘ
Tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lý Ngư

Đôi điều về tác giả, tác phẩm



Tác giả: Lý Ngư (1611-1680)

Lý Ngư là một tác giả tiểu thuyết, kịch bản và một nhà văn hoá lớn của Trung Quốc, ông sinh vào năm Vạn Lịch thứ 38 Triều Minh (1610) và mất vào năm Khang Hy thứ 19 Triều Thanh (1680). Ông là con trai một chủ tiệm thuốc Bắc nổi tiếng ở Lan Khê, tỉnh Chiết Giang. Tên thật của ông là Tiên Lã, tên chữ Trích Phàm, hiệu Thiên Đồ. Khi nhỏ được gia đình cho ăn học và hướng theo nghề kinh doanh thuốc, nhưng ông cũng rất yêu nghề chài cá, thường bỏ nhà theo những người dân chài đi đánh cá nên được mọi người gọi là Lý Ngư (cá chép). Khi theo nghề viết văn ông cũng lấy bút danh Lý Ngư, tên chữ đổi là Lạp Hồng, hiệu Lạp Ông. Trong nhiều tác phẩm ông còn ký tên Hồ thượng Lạp Ông (Ông già Lạp trên hồ).
Lý Ngư là một nhà văn tiên phong có công mở đầu cho trào lưu tiểu thuyết bạch thoại của Trung Quốc. Những tác phẩm truyện dài và tuyện vừa tiêu biểu của ông như “Đệm thịt”, “Mẹ Nam Mạnh dạy Hợp Tam Thiên”, “Kịch câm”, “Lầu 12”, “Truyện Hợp Miên Hồi Văn”, “Liên Thành Bích”, “Liên Thành Bích ngoại biên”, “Nhàn tình ngẫu kỳ”… Lý Ngư cũng để lại cho kho tàng kịch bản Trung Quốc một danh sách kịch mục khá đồ sộ như “Tân Đình tiêu khách”, “Giác Thế bái quan”, “Giác đạo nhân”, “Tuỳ am chủ nhân”, “ Lạp Ông thập chủng khúc”… Ông không chỉ viết kịch mà còn tổ chức kịch đoàn để đi biểu diễn ở khắp nơi. Đánh giá về tác phẩm của ông, giáo sư Patric Hanan, Chủ nhiệm khoa Đông Phương, Trường Đại học Harvert Hoa Kỳ đã gọi ông là “William Shakespeare phương đông”.
Tiểu thuyết “Tỉnh ngộ” (Giác hậu thiền) của ông xuất hiện lần đầu tiên vào năm Khang Hy thứ 10 (1671) với cái tên “Đệm thịt” (Nhục bồ đoàn - Nhục là thịt; bồ đoàn là tấm đệm đan bằng cây bồ hương cho người ngồi cầu nguyện , sám hối). Những lần tái bản sau mới đổi tên là “Tỉnh ngộ”. Trong hơn 330 năm tồn tại, tác phẩm này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, phát hành trên khắp thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như “chiếu cầu nguyện” (THE PRAYER MAT- nhà xuất bản University of Hawaii Press 1996) hoặc “Sắm hối từ xác thịt (Подстилка из плоти – Nhà xuất bản Mát-xcơ-va 1995)… Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc Việt Nam tác phẩm này với tên gọi giống như tên sách được xuất bản gần đây ở Đức, Nhật, Sinh Ga Po, Hồng Kông, Đài Loan… là “Tỉnh ngộ”.
Thông qua câu chuyện ăn chơi phóng đãng, ham muốn thú vui xác thịt của chàng thư sinh đẹp trai, hào hoa, phong nhã Vị Ương để cuối cùng chuốc lấy tai hoạ tan cửa nát nhà. Khi tỉnh ngộ ra mới qui y cửa Phật, khổ hạnh tu luyện để làm lại cuộc đời. Tác giả cũng muốn thông qua câu chuyện về cuộc đời của chàng thư sinh này để khẳng định một triết lý ở đời là “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, bất thị bất báo, thời khắc vị đáo” (Sống hiền lành, nhân từ sẽ gặp điều lành việc tốt, sống độc ác, bất nhân sẽ gặp điều rủi ro tàn khốc, chân lý ấy tất sẽ đến, chỉ sớm hay muộn mà thôi). Câu chuyện như một tác phẩm minh hoạ cho thuyết nhân quả của nhà Phật vậy. Cho nên tác phẩm này được coi như một tài liệu “gối đầu giường” của mọi người ở những nước thịnh hành đạo Phật như Ấn Độ, Miến Điện, Đài Loan… Vì cũng như lời tác giả đã nói ngay tại hồi đầu tiên của sách là “Nói chuyện dâm để chống bạo dâm, bàn tình tình dục nhằm ngừa dâm dục”, và “Ðó là cách người viết cuốn sách này, đã dùng lửa để dập lửa, lấy dâm dục phòng ngừa dâm đãng, lấy tính người để khuyên nhủ con người, để cho hương sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn vậy!”
Khi chuyển cuốn sách này sang tiếng Việt để giới thiệu cùng bạn đọc trong nước, chúng tôi cũng chỉ mong muốn được bạn đọc gạn đục khơi trong, đọc truyện ái tình để tránh những mối tình phóng đãng phi luân thường đạo lý như nhân vật chính Vị Ương sinh trong truyện, để xác định cho cuộc đời mình những tư tưởng đúng đắn, làm những việc trong sáng, cao đẹp, tránh được những hậu hoạ lẽ ra không đáng có trong đời.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng cuốn sách góp một phần nhỏ bé trong việc tuyên truyền giáo dục kiến thức giới tính cho các bạn mới bước vào cuộc sống hạnh phúc lứa đôi.
Hà Nội ngày 25 tháng 04 n ăm 2010
Người dịch
Đào Phong Lưu

Hồi 1
Nói chuyện dâm để tránh bạo dâm
Bàn tình dục nhằm ngừa dâm dục
(止淫風借淫事說法 談色事就色慾開端
Chỉ dâm phong giả dâm sự thuyết pháp, Đàm sắc sự tựu sắc dục khai đoan)

Lời rằng “Tóc xanh khó giữ, sắc đẹp mau tàn, người ta đâu phải cây tùng mà xanh tươi mãi mãi. Đắm đuối chuyện trăng hoa, dẫn đến thân bại danh liệt. Ham hố trò mèo chuột, phung phí tuổi thanh xuân, cho đời chóng lụi tàn. Các bậc vương tôn, mê ca nghiện sắc để cuộc đời sớm phải gắn bó với thuốc thang. Nơi lạc thú của thế gian, tựu trung lại vẫn ở the phòng. Cảnh vinh hoa nào cũng khoái trước buồn sau. Sớm sớm mua vui, nơi nơi yến rượu say xỉn, sợ tiếng chuông buổi sớm, mở mắt nhìn, khắp Đông cung toàn là nơi hành lạc”.
Người ta sinh ở trên đời luôn vất vả, phiền muộn trăm chiều, chẳng mấy khi hưởng thư nhàn sung sướng. Cũng may bậc thánh nhân mở ra trời đất, bày chuyện nam nữ ái ân để có cái giải muộn tiêu sầu. Các bậc nho sĩ xưa thì bảo cái vật dưới bẹn đàn bà là cửa sinh ra ta mà cũng là nấm mồ chôn ta đó. Nhưng không có cái ấy thì e tóc sẽ sớm bạc vài năm, đời sẽ ngắn đi mấy tuổi. Không tin cứ nhìn các vị hòa thượng, có mấy ai tuổi bốn năm mươi mà tóc còn xanh, có người nào tuổi bảy, tám mươi mà không lụ khụ. Nếu bảo rằng cứ lấy nhà sư ra làm thí dụ thì khó mà tin, thì hãy nhìn những cư sĩ tại gia, cũng đều như rứa cả. Họ gian dâm với đàn bà, trọc ghẹo bỡn cợt cả kẻ ăn người ở, nào có khác chi kẻ phàm phu tục tử, mất hết nề nếp gia phong. Còn như lũ thái giám ngày xưa, gian dâm với phụ nữ không được mà bỡn cợt với đồ đệ cũng chẳng xong, vì còn cái gì đâu để mà gian dâm, bỡn cợt. Da nhăn tóc bạc hơn người, tưởng phải sống được tới trăm năm, tiếng là đàn ông mà thực ra có khác chi đàn bà. Ở kinh đô Bắc Kinh, chỉ có hạng thứ dân là sống được lâu, chứ lũ thái giám nào có ai trăm tuổi. Thế mới biết hai chữ nữ sắc vốn không làm hại gì ai, chẳng qua vì trong Bảng Danh Mục Thuốc không từng ghi có vị thuốc này, cho nên việc hướng dẫn cách dùng không rõ chỉ định. Người cho đàn bà là thuốc bổ, kẻ lại coi là độc dược, nhưng xét cho kỹ thì quả có bổ dưỡng cho người. Dược tính của nó chẳng khác nhân sâm phụ tử, có thể dùng chung với các vị thuốc này. Có thể dùng như sâm mà không thể được coi như cơm bữa. Nếu không để ý tới liều lượng, không quan tâm tới giờ giấc, chỉ cốt sao cho ních thật no say phè phỡn thì độc hại vô cùng.
Cái lợi, cái hại của đàn bà là thế. Dùng lâu ngày thì âm dương điều tiết,
dùng quá liều thì xung khắc như nuớc với lửa, biết dùng như thuốc thì giải được trầm uất, tọng lắm vào như cơm bữa chỉ tổ báo hại huyết tinh.
Nếu người đời biết dùng đàn bà như là vị thuốc, không thưa thớt mà cũng đừng nên dồn dập, thì không thể bảo không tốt, mà cũng chẳng nói quá hay. Lúc chưa gần gũi đàn bà, thì nghĩ rằng vị thuốc này không độc tại sao mà lại sợ? Khi đã gần gũi rồi, lại nghĩ vị thuốc này không phải là cơm bữa thì sao cứ thèm khát mê say?
Như thế thì không những dương không quá, âm không bí, không có người chết non, mà có thể giúp cho trai có vợ, gái có chồng đúng theo qui luật của tạo hoá, không phải là vô ích. Chỉ có điều, vị thuốc này dược tính giống như nhân sâm, phụ tử, nhưng nơi bào chế, cách sử dụng thì có khác đôi chút ít nhiều, người ta cần tìm hiểu cho kỹ càng trước khi sử dụng.
Nói về nhân sâm, phụ tử, thì loại "Quà chợ" tốt. Loại "Cây nhà" có uống cũng chẳng ích gì, Còn nói về đàn bà thì ngược lại "Cây nhà" hay, chứ "Quà chợ" chẳng những vô ích mà còn có thể tổn hại cho người. Vậy thế nào là "Cây nhà"? Thế nào là "Quà chợ "? Trong nhà có sẵn thê, thiếp, nàng hầu chẳng phải tìm đâu, cũng không tốn kém tiền bạc, như thò tay vào túi lấy đồ lúc nào chẳng được, ta gọi đó là "Cây nhà". Với loại người này, ta mặc sức mà ăn nằm ngang ngửa, không gì trở ngại, gõ cửa lúc nào cũng được mở, không e dè sợ hãi. Ðã không làm hại nguyên khí mà còn lợi cho việc truyền nối giống nòi, một khi giao cảm thì toàn thân sảng khoái, gọi đó là bồi dưỡng sức người, há chẳng phải hay sao? Muốn tìm để thưởng thức đủ mùi này mẽ nọ, thì phải tìm đến "Quà chợ". Gà nhà vị nhạt, thịt không tươi ngon bằng gà đồng, ta gọi đó là "Quà chợ". Gặp hạng phụ nữ này thì không khỏi đêm mơ ngày tưởng, nghĩ cách chiếm đoạt cho bằng được. Tìm vật khêu gợi, rồi đem hiến tặng cho nàng, hoặc bẻ khoá trèo tường để tình tang hò hẹn, hoặc đào hang khoét ngạch để dấm dúi tư tình. Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản. Đấng mày râu vì bột phát nhất thời mà dễ sa vào vực sâu khôn tránh, đương đầu với mối họa khôn lường, đã âm thầm làm tổn thương đạo đức mà cũng trắng trợn để mất phẩm giá ở đời, có khi còn đi tong tính mạng. Mình chết đã không có người đền mạng, mà vợ con còn sống, cũng bị mang tiếng nhục với đời. Bao nhiêu tai họa thê thảm biết chừng nào, thế mới biết đàn ông ở đời đối với hai chữ nữ sắc nó nguy hại làm sao!
Rõ ràng là không thể bỏ cái gần mà tìm cái xa, kén cái tinh rồi loại cái thô, chê cái bình thường mà tìm cái quái dị. Do thấu rõ lòng dạ đàn bà, nên người viết bộ tiểu thuyết này muốn trình bày với đời, khuyên người dập tắt ngọn lửa dục tình, chứ không khuyến khích sự dâm dục thú tính, xin bạn đọc đừng hiểu lầm chủ ý của tác giả. Chắc bạn sẽ hỏi sao sách này viết theo lối tiểu thuyết phong tình lãng mạn? Ðiều này quả có một cái nhẽ riêng của nó. Thưa rằng, xưa nay không thiếu gì sách thánh hiền khuyên con người phải làm điều tốt đẹp. Nhưng con người vẫn cứ đi tìm sách phong tình để đọc tràn lan, trái với tôn chỉ thánh nhân, xem đó thì người đời đã chán ngán dăn dạy, thì sách càng chi tiết phong tình chừng nào càng được yêu chuộng
chừng đó, dẫn đến xã hội phi luân thường đạo lý.
Ngày xưa công cuộc trị thủy của Vũ Đế thật khó lắm thay, ngài đắp mãi cho đê cao ngang ngọn núi, đảo mắt nhìn tám hướng bao la, thấy được sự rộng lớn, thuận thời thuận sóng mà khai lạch đào mương đổ nước ra biển cả, cứu lụt lội cho dân chúng. Thời bây giờ cũng vậy, ai muốn khai mở bế tắc luân thường đạo lý cũng phải nương theo sóng tình mà cải biến lòng người. Nương theo chuyện vô luân thường để khuyên răn làm việc tốt. Người xưa dạy, làm cách này không được thì phải chọn cách khác ... Thiếu gì người ham hố chuyện phong tình gái gú, nhưng biết đâu chả có lúc nhận ra, là không có gì bằng mẹ đĩ ở nhà.
Mong bạn đọc hãy gạn đục khơi trong mà tự tìm lấy điều hay trong cuốn truyện. Ðó là cách người viết cuốn sách này, đã dùng lửa để dập lửa, lấy dâm dục phòng ngừa dâm đãng, lấy tính người để khuyên nhủ con người, để cho hương sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn vậy!
Vì thế mà:
Hãy nghiên cứu kỹ truyện này
Dâm thư hay cuốn sách hay tuỳ người.
Mô tả kỹ lưỡng chuyện đời
Cũng là phòng hoạ cho người đấy thôi.

Xin mời bắt đầu theo dõi câu chuyện tình của chàng Vị Ương sinh.






















Hồi 2
Lão Hoà thượng rao giảng luân lý phật
Tiểu môn sinh ước muốn đệm thịt người.
(老頭陀空張皮布袋 小居士受坐肉蒲團
Lão đầu đà không trương bì bố đại Tiểu cư sĩ thụ toạ nhục bồ đoàn)

Chuyện kể rằng vào đời Nhà Nguyên (1280-1368), năm Chí Hòa thứ nhất (1328). Trên núi Ðiểm Thương, có một nhà sư dòng Khất Thực, pháp danh Chính Nhất, đạo hiệu Cô Phong. Ông vốn người quận Châu, thụ giáo từ một vị cao tăng nổi tiếng. Nhưng bởi số trời, lúc mới sinh vừa đầy tháng còn nằm trong nôi đã phát ra tiếng ê a kỳ lạ, cứ như học trò học thuộc lòng vậy, cha mẹ ngạc nhiên lắm. Một hôm có nhà sư Khất Thực đi qua thấy a hoàn bế đứa bé khóc không ra khóc, cười chẳng ra cười. Nhà sư mới lắng tai nghe rồi nhận ra đứa bé đang tụng niệm “Chân kinh Lăng Nghiêm Ðại Tạng”. Thằng bé này chính là một vị cao tăng hoá kiếp đầu thai. Nhà sư xin với cha mẹ đứa bé cho được thu nhận làm đệ tử. Cha mẹ đứa bé cho là lời sư xằng bậy, không tin chuyện dị đoan. Nên dốc lòng cho con theo đòi thư sự. Thằng bé học đâu nhớ đó. Nhưng chuyện khoa bảng không phải điều nó thích, nhiều lần đã muốn bỏ học chữ Nho để theo học kinh Phật, nhưng đều bị cha mẹ la mắng thậm tệ. Nó phải buộc lòng đi thi chiếu lệ. Sau khi cha mẹ đều qua đời, chịu tang hai năm, rồi đem gia sản chia hết cho người trong họ, chỉ giữ lại một cái túi da lớn, chất mõ và kinh kệ vào trong, xong rồi cạo đầu lên núi tu hành.
Ai biết thì gọi ngài là Cô Phong trưởng lão, người không biết gọi là ông sư đeo bị lớn. Ngài không giống các nhà sư khác, chẳng những tuyệt đối kiêng rượu thịt, tà dâm mà còn thủ giới rất nghiêm, ngay cả với chốn tăng gia cũng luôn giữ “tam không” là không khất thực, không giảng kinh, không tu hành nơi núi rừng nổi tiếng.
Có người hỏi tại sao không khất thực, ngài bảo "Việc học Phật, bắt đầu từ những hành vi thiện. Phải cực khổ, phải vất vả, phải bị cái đói, cái rách bức bách hằng ngày thì cái ý niệm dâm ô mới không sinh ra dâm dục, sự ham muốn bị đẩy lùi, mà cái sự thanh tĩnh sẽ mỗi ngày mỗi đến, lâu dần rồi tự nhiên thành Phật, ngay cả kinh cũng có thể không bắt buộc phải niệm, mõ cũng có thể không bắt buộc phải gõ. Nếu không khốn cùng mà vẫn có ăn, không dệt vải mà vẫn có áo mặc, cả ngày chỉ trông cậy vào con nhang đệ tử cúng biếu, làm như vậy rõ ràng đã không thành Phật mà thân sa vào địa ngục mất hồi. Vì vậy, bần tăng làm lấy mà ăn, tự giới không khất thực."
Có người thắc mắc tại sao không giảng kinh, ngài nói: "Lời lẽ trong kinh tạng là từ Phật, Bồ Tát nói ra. Trừ phi Phật, Bồ Tát giảng thì được, chứ người khác ngày nào cũng đòi giảng thì có khác chi người điên giải mộng. Kinh kệ càng bàn, càng thành chi ly. Uyên Minh Ðào Tiềm đời Tấn, xưa kia chẳng nói "Ðọc sách không cần phải giải giải kỹ ", đủ rõ người Trung Quốc đọc sách Trung Quốc mà còn không dám mong giải cho rõ, huống hồ người Trung Quốc đọc sách Tây Tạng đòi bình giải, thì chỉ thêm sai mà thôi. Bần tăng không dám mong làm bậc công thần của Phật với Bồ Tát, chỉ muốn tránh không phạm tội với Phật thôi, thế nên tự giới không giảng kinh".
Có người lại hỏi tại sao không tìm nơi danh sơn mà trú ngụ, ngài trả lời: "Kẻ tu hành cấm không được ham gái đẹp. Muốn cho tâm không loạn thì phải tránh xa sắc dục, không những đó là giọng đàn tiếng quyển ngọt ngào, mà còn là ngọn gió mát lướt nhẹ trên da thịt, vầng trăng sáng làm thỏa thích tâm hồn, mà còn là tiếng chim hót líu lo vui tai, là thức ăn khoái khẩu, tất cả đều đáng yêu đáng mến. Trước cảnh sông núi linh thiêng đẹp đẽ, làm sao có thể không động lòng mà chẳng chấp bút đề thơ, chị trăng cô gió cũng theo người nhập định, thì đêm hôm khuya khoắt làm sao có thể ngồi yên trên đệm bồ hương? Cho nên vào danh sơn để học thì việc học khó thành, vào danh sơn để tu thì tình căn nan tịnh. Huống chi nơi danh sơn nào mà chẳng có các bà các cô đến lễ bái, rồi cùng đi với các cô, có các cậu sẽ giở trò ghẹo nguyệt trêu hoa. Vì thế bần tăng bỏ nơi danh sơn mà đến hoang sơn cùng cốc để mắt, tai khỏi bị nhiễm thói hư tật xấu ở đời, thế thôi."
Người hỏi rất khâm phục khi nghe ngài đối đáp, cho rằng từ xưa tới giờ chưa có vị sư tăng nào được như thế. Ngài chỉ thực hiện ba điều giới cấm mà tuy không cầu danh nhưng danh càng nổi, dân chúng xa gần ngưỡng mộ mà kéo đến chiêm bái thật đông. Nhưng ngài không thu nhận đệ tử ào ạt. Phải là kẻ có thiện căn thành tín thì mới được xuống tóc, nếu không đều bị cự tuyệt khước từ. Vì vậy tuy ngài xuất gia đã lâu mà đệ tử chẳng có mấy người. Một góc núi, một túp lều tranh, cày ruộng mà ăn, múc nước suối mà uống, trên cột trước cửa nhà viết một đôi câu đối:
Học Phật vô an lạc, thân tu hoạt du biến nhất thập bát tầng địa ngục.
Tham thiền phi dung dị, minh vấn dĩ tọa phá kỷ thiên bách cá bồ đoàn.
(Học Phật không thấy an lạc, nên chu du khắp mười tám tầng địa ngục.
Ngồi thiền chẳng cảm thoải mái, phải tự hỏi ngồi nát bao nhiêu đệm bồ hương.)
Chỉ cần gặp, là biết cuộc đời ngài khổ hạnh đến mức nào.
Một ngày thu trời vừa hửng sáng, gió hiu hắt tiếng mõ vừa ngưng, côn trùng kêu rả rích, nhà sư ra sân quét lá, thay nước cúng Phật, thắp hương xong rồi vào nhà trên trải đệm bồ hương ngồi thiền. Ngài sơ ý quên đóng cửa lại. Chợt có một thư sinh trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú cùng hai tiểu đồng bước vào. Thư sinh ấy làn da trắng hồng, dung mạo tựa Phan An, mặt trắng như con gái, mày dài quá mắt, đồng tử đen trắng phân minh, long lanh bất định. Ðôi mắt ấy, người đời gọi là sắc nhãn, mà đã là người có sắc nhãn thì thường không ưa nhìn thẳng, chỉ thích liếc ngang, lại không thích nhìn nơi nào bằng ngắn phụ nữ. Người có sắc nhãn không cứ chỉ thấy rõ ở gần, mà còn có thể từ xa hằng mấy mươi trượng, chỉ cần đảo cặp mắt qua là đã có thể biết được phụ nữ xấu đẹp ra sao. Gặp người đẹp tức khắc nhìn đắm đuối, nếu người ấy đứng đắn, sẽ phải cúi đầu mà tránh. Thấy vậy đôi mắt lại chìm đắm đuối về cõi hư vô. Nhưng nếu người phụ nữ cũng là loại có sắc nhãn, nghĩa là cùng một giộc như anh ta, thì bên này đắm đuối qua, bên kia đắm đuối lại, rồi thư tình một bức là xong. Cho nên dù trai hay gái, sinh ra có loại mắt này là một điềm chẳng lành, vì đó là căn do khiến danh dự sẽ tổn thương, tiết hạnh sẽ bại hoại. Quý bạn đọc, ai lỡ mà có đôi mắt ấy thì hãy nên thận trọng đấy!
Lúc chàng thư sinh bước vào, quỳ lạy bốn lạy trước tượng Phật, rồi cũng hướng về hòa thượng mà quỳ lạy bốn lạy, lạy xong đứng yên qua một bên. Hòa thượng vì đang nhập thiền, nên không tiện đáp lễ, ngay khi nhập thiền xong, ngài rời khỏi đệm bồ hương trang trọng đáp lễ bốn lạy. Ngài mời khách an tọa và hỏi thăm tên họ, Thư sinh đáp:
- Ðệ tử là khách phương xa, biệt hiệu Vị Ương Sinh, đi chơi ngang vùng Giang Triết, nhân nghe sư phụ là bậc danh tăng ở đời, là vị Phật sống trong thiên hạ, nên đã trai giới tắm gội, đến xin cầu kiến đấy ạ.
Tại sao hòa thượng hỏi tên, mà chàng thư sinh chỉ nói đến biệt hiệu mà thôi? Vì thời Nhà Nguyên, phàm những người đi học không thích gọi nhau bằng tên họ, mà chỉ gọi nhau bằng biệt danh thôi để tỏ ra là người có chữ. Trẻ thì xưng là mỗ sinh, đứng tuổi xưng là mỗ tử, cao niên xưng đạo nhân, chữ mỗ có nghĩa "tôi". Việc chọn biệt hiệu thì lại tùy theo tính tình của mỗi người mà đặt cho hợp, cốt sao cho mình tự hiểu. Thư sinh, sở dĩ lấy biệt hiệu Vị Ương sinh, là vì thứ nhất tuổi còn trẻ, thứ hai đam mê tửu sắc, thích ban đêm mà không thích ban ngày, lại thích nửa đêm trước mà không thích sau nửa đêm. Thấy trong Kinh Thi có câu “Dạ Vị Ương”, liền lấy biệt danh cho mình là Vị Ương sinh. Nghĩa là chàng sinh viên tên chữ là Vị Ương vậy!
Nghe thư sinh ca tụng mình có phần quá lời, hòa thượng bèn đáp lại bằng lời khiêm tốn. Thấy thầy trò họ từ xa đến chắc đã đói bụng, sẵn cơm vừa chín, liền giữ họ lại cùng dùng bữa cơm đạm bạc. Trong lúc thụ trai hai người đối tọa và cùng bàn luận đạo thiền rất tương đắc. Thì ra Vị Ương sinh vốn rất thông minh, không những đọc sâu học kỹ, mà cả tam giáo cửu lưu cũng rất uyên bác, không sách vở nào mà lọt khỏi mắt chàng.
Ðạo thiền vốn tinh thâm, đối với người khác phải giảng đi giảng lại trăm ngàn lần mà còn không hiểu thấu, vậy mà đối với chàng, hòa thượng chỉ cần nhắc câu đầu là chàng hiểu ngay cả đoạn sau. Tuy không nói ra nhưng hòa thượng đầy thắc mắc trong lòng: "Thật là một thanh niên thông tuệ! Chỉ tiếc một điều rằng đã là một người học Phật như vậy, tại sao tạo hóa lại ban cho một tướng mạo thật oan nghiệt. Trông hình dung xét cử chỉ, rõ ràng đây là con quỷ dâm dục hạng nặng. Nếu mình không thu phục nó vào trong bị được, chắc chắn sau này không biết bao nhiêu phụ nữ phải khổ vì nó mất thôi. Đã không thấy thì thôi, đã thấy một người gây loạn như thế mà mình không ra tay trừ nạn cho chúng sinh, thì đâu phải là đạo từ bi. Dẫu nghiệt căn của nó cố định, không lay chuyển được, nhưng mình cũng phải vận dụng hết lòng từ bi, xem có cứu được nó chút nào không?"
Nghĩ vậy hòa thượng bèn nói với Vị Ương sinh:
- Bần tăng từ khi lập tâm lánh đời đến nay, đôi mắt này đã nhìn thấu bao người. Cố nhiên là không nói đến bọn phàm phu tục tử rắp tâm huớng thiện, ngay cả những người có học thức, có địa vị, đã đến đây ngồi thiền nghe pháp, ai nấy đều là khách xa. Nói chung hiểu đạo và hiểu thiền là hai thứ thông minh khác nhau. Hiểu đạo dễ, hiểu thiền khó. Học nho nghe một có thể biết mười, còn học Phật may ra nghe mười chỉ biết hai mà thôi. Không ngờ gặp hiền cư sĩ thông minh mẫn tiệp đến thế. Với tài năng ấy, nếu học thiền thì chỉ trong vài năm là có thể đắc tam muội. Sống ở đời, cái dễ được là cái hình thể, cái khó được là cái tính tình, dễ qua là thời gian, khó qua là kiếp số. Cư sĩ lại đây với cầu kiến làm Phật, thì đừng theo đường ma. Vậy thì tại sao không nhân buổi sáng hôm nay cắt bỏ ái dục, lánh hẳn vào cửa thiền? Ý tứ của bần tăng tuy vụng, nhưng chắc bổ ích phần nào. Nếu có thể phát được đại nguyện này, ra sức chứng được đại nhân quả này, thì trăm năm sau sẽ có thể, trên phối hưởng với tăng môn, dưới không theo lệnh của La Sát, cư sĩ nghĩ sao?"
Vị Ương sinh đáp:
- Từ lâu đệ tử vốn tha thiết với đạo thiền, trước sau thế nào cũng quay về với pháp môn. Có điều tam niệm của đệ tử một khi chưa thỏa, thì khó thoát ly. Nay đệ tử tuổi còn nhỏ, trước khi quy y phải xong hai việc, hưởng thụ xong vài năm kẻo uổng cả đời người, rồi sau đó sẽ xin xuống tóc quy y cũng chưa muộn.
Hòa thuợng hỏi:
- Dám hỏi cư sĩ hai điều nguyện ấy thế nào? Phải chăng đó là công danh, phú quý, trước là cho bõ công ăn học, sau là để vẹn nghĩa vua tôi hay không?
Vị Ương sinh lắc lắc đầu:
- Thưa không, hai chữ công danh tuy nằm trong bổn phận của người đi học, nhưng người hiểu được thì ít, mà kẻ không thỏa chí thì nhiều. Hồi trước Lưu Bị cũng chưa từng thi đậu bao giờ, trong khi Lý Bạch là người đỗ đại đăng khoa, thế nên có tài mà cũng cần có mệnh, thì đệ tử làm sao tự làm chủ được mệnh? Ngay trong việc lập công danh sự nghiệp, cũng còn tùy số trời. Trời không cho, người không chịu, thì cho có lòng trung như Nhạc Vũ Mục, nghĩa khí như Quan Vân Trường cũng chịu thôi. Ðành nát lòng, bỏ xác, chứ chắc gì giúp được cho nước nhà. Hai chữ lợi danh mà người ta coi là quan trọng, đệ tử lại chẳng màng, nên nguyện ước của đệ tử không phải là ở chỗ đó.
Hòa thượng hỏi:
- Thế thì cuối cùng, sở nguyện của cư sĩ là gì?
Vị Ương sinh đáp:
- Sở nguyện của đệ tử chính là điều mà tự sức đệ tử có thể làm, là điều mà lòng đệ tử vẫn tin, tuyệt đối không phải là ảo tưởng, không là điều gì khó nói cho lắm. Không dám nói dấu sư phụ, trí nhớ của đệ tử khi đọc sách, sự giác ngộ của đệ tử khi nghe đạo, tài chấp bút của đệ tử khi viết văn, nhất nhất hơn người. Mấy tay danh sĩ đời nay chẳng qua chỉ chắp nối, ráp đầu này ghép đầu kia thế thôi, viết được vài ba thiên sách, in được một bộ thi văn là đã lập văn đàn nọ, mở thi đàn kia, múa may quay cuồng một cõi, thật chẳng qua chỉ toàn vay mượn. Theo đệ tử, muốn làm một danh sĩ chân chính, bắt buộc phải đọc hết các sách lạ trong thiên hạ, phải giao thiệp với tất cả các bậc kỳ sĩ ở đời, phải ngao du khắp các nơi danh sơn trong bốn cõi, rồi lui về mai danh ẩn tích, trứ thư lập ngôn để truyền lại cho đời sau, nếu may mà đề tên bảng vàng thì đem tài năng ra giúp nước, giúp đời, tạo dựng sự nghiệp, nếu vạn nhất văn phúc không tròn, cho dù ở địa vị thấp kém hơn người, còn lưu tiếng thơm muôn thuở. Vì thế đệ tử nhủ thầm trong bụng hai câu thơ sau đây: “Yếu tộ thế gian đệ nhất các tài tử”. (Muốn làm một người giỏi giang nhất trên đời.)
Hòa thượng nói:
- Ðấy là câu thứ nhất, thế còn ước nguyện thứ hai?
Vị Ương sinh dè dặt, như sợ bị hòa thượng cười, không dám nói ra.
Hòa thượng bảo:
- Còn câu hai, nếu cư sĩ ngại không nói ra thì để bần tăng nói thay cho.
Vị Ương sinh nói:
- Chuyện trong lòng đệ tử, làm sao sư phụ nói được?
Hòa thượng nói:
- Thì cứ để bần tăng nói đã, nếu sai thì phạt. Có điều nói ra mà đúng thì cư sĩ phải nhận là đúng, không được chối quanh.
Vị Ương sinh nói:
- Lời sư phụ không là của Bồ Tát thì cũng của Thần tiên, mà đã là của thần thánh, Con muốn được sư phụ chỉ dẫn đâu là đường mê nẻo tránh, há đâu dám chối quanh.
Hòa thượng ung dung chậm rãi nói:
- "Yếu thú thiên hạ đệ nhất vị giai nhân" (Muốn lấy được một người đẹp nhất thiên hạ).
Vị Ương sinh nghe xong bất giác ngẩn ngơ, miệng há mắt giương, đứng yên một lát mới cười, nói:
- Sư phụ quả là một bậc thần nhân. Hai câu này suốt ngày con chỉ đọc thầm trong bụng mà thôi. Vậy sư phụ như nghe được hết, đã đoán trúng được. Hòa thượng nói:
- Cư sĩ há không nghe câu: “Nhân gian tư ngữ Thiên hạ nhược lôi” sao? (Con người thì thầm với nhau, như sấm động ở tai trời).
Vị Ương sinh nói:
- Lẽ ra chuyện tình ái không nên đem bàn tại cửa thiền, nhưng sư phụ đã đề cập đến, đệ tử cũng xin phép đem thực tâm ra để giãi bày. Không nói dấu gì sư phụ, đệ tử nghĩ đến đạo thì ít mà tơ tưởng đến tình dục thì nhiều. Xưa nay, bốn chữ “tài tử giai nhân” chẳng luôn khăng khít với nhau ư? Đã là người tài hoa thì phải có gái đẹp mới xứng đôi, đã có gái đẹp thì phải có trai tài cho vừa lứa. Cho nên đệ tử chưa từng gặp tuyệt thế giai nhân, còn những phụ nữ có chút nhan sắc thì lại rơi vào tay bọn phàm phu tục tử, như vậy há không tủi phận hồng nhan lắm du? Tài hoa của đệ tử hẳn không còn phải nói làm gì, ngay cả tướng mạo đệ tử cũng biết là không tệ, nhiều khi soi gương, cho dù Phan An, Vệ Giới ngày nay tái thế, đệ tử quyết cũng không chịu nhường. Trời đã sinh ra một nam tử thế này, chẳng lẽ không sinh ra một nữ nhi thế kia cho xứng. Nay trên đời nếu không có giai nhân thì thôi, đã có thì đệ tử quyết tìm cho được. Vì vậy tuy đệ tử đã quá hai mươi tuổi mà vẫn chưa có chỗ nào, ý đệ tử không muốn phụ lòng trời đất đã ban cho cả tài lẫn mạo. Ðệ tử phải về tìm cho được giai nhân mà lấy, rồi sinh đứa con trai để nối dõi tông đường. Bấy giờ tâm nguyện đã thỏa, không còn ham muốn gì khác, đệ tử không những chỉ tự quay đầu trở lại, mà sẽ cảm hóa vợ con cùng rời bỏ sang bờ bên kia của sông mê bến mộng. Sư phụ nghĩ sao?
Hòa thượng nghe xong, im lặng một lúc rồi cười lạt nói:
- Nghe qua đoán biết cư sĩ có nhiều ý nghĩ đen tối. Có điều ông trời sinh ra con người, tạo nên vạn vật lắm khi không xứng. Nếu ban cho cư sĩ một hình hài xấu xí, thì có phải với trí thông minh sáng suốt không điều gì mà không hiểu rõ của cư sĩ, không chừng cư sĩ có thể quay về với chính quả. Chính vì vậy mà xưa nay những người sứt môi lồi rốn nhận chịu hình phạt của trời, lại dễ trở thành Tiên Phật. Cư sĩ được ông trời quá nuông chiều, chẳng khác nào đứa trẻ được cha mẹ nâng niu, lúc nhỏ không hề bị đòn, bị mắng bao giờ vì bậc cha mẹ sợ con khóc, con đau. Ðến khi lớn khôn, có làm điều sai trái mà bị quan đánh đòn, triều đình kết tội, bấy giờ lại trách cha mẹ xưa kia quá chiều chuộng. Ðẹp đẽ tài ba thật không phải là là một điềm lành vậy. Cư sĩ cậy mình có tài mạo nhất đời, cứ nằng nặc đòi tìm cho được đệ nhất giai nhân, rồi nghĩ ra trăm phương ngàn kế hòng thỏa mãn điều nguyện ước, bấy giờ sẽ xảy ra mọi việc có thể khiến cư sĩ sa vào địa ngục. Cư sĩ muốn xuống địa ngục, hay muốn lên thiên đàng? Nếu cam tâm muốn xuống địa ngục, thì hãy cứ đi tìm đệ nhất giai nhân, nếu còn muốn lên thiên đàng, thì hãy dẹp bỏ những ý nghĩ xằng bậy kia đi, mà xuất gia cùng hòa thượng già này.
Vị Ương sinh nói:
- Lời sư phụ vừa nói rất có ý vị, có điều bốn chữ thiên đường địa ngục e có phần khuôn sáo cho hạng tầm thường, không giống lời lẽ của một bậc cao tăng.
Hòa thượng nói:
- Nguyên tắc của ngồi thiền chẳng qua là muốn tự giác ngộ mà tu thân, tự dựng lập ở chỗ không sinh không diệt, tức là Phật. Vậy há thực sự có thiên đường để lên đó chăng? Cho dù vì thói nguyệt hoa mà phạm tội, thì cũng chẳng qua là tội làm điếm nhục đến danh giáo mà thôi. Vậy há thực sự có địa ngục mà xuống đó chăng? Người làm việc thiện thì lên thiên đường, kẻ làm điều ác thì xuống địa ngục, quả là hai câu sáo ngữ. Ðối với người học thức như chúng ta, thì việc gì cũng có thể thoát sáo được, riêng với việc tu thân thì không thể thoát được tí nào. Rõ ràng là thiên đường địa ngục đều không có thật, nhưng cho dù không có thiên đàng, cũng không thể dùng thiên đường để làm bậc tiến lên cõi thiện; cho dù không có địa ngục cũng không thể lấy địa ngục dể răn kẻ ác. Cư sĩ chán nghe những lời khuôn sáo, bần tăng sẽ gác bỏ chuyện âm báo trong tương lai mà chỉ nói dương báo trong hiện tại, có điều nói đi nói lại, e không tránh khỏi có vài câu sáo ngữ giáo điều. Nguời xưa có câu: "Mình không chim vợ người, thì người không ghẹo vợ mình", quả là hai câu sáo ngữ hết sức cũ kỹ, hết sức thô sơ, hết sức bình thường có từ hồi nào đến giờ. Có điều, những kẻ tham hoa hiếu sắc trên đời này có mấy ai thoát được khuôn sáo này? Mình chim chuột vợ người ta, thì vợ mình cũng bị người ta tròng ghẹo; mình làm nhục con gái người ta, thì con gái mình cũng bị người ta làm nhục. Muốn thoát được khuôn sáo thì chỉ có cách không gian, không dâm mà thôi; nếu muốn gian dâm thì khó có thể tránh được búa rìu của câu sáo ngữ. Cư sĩ muốn thoát sáo hay nhập sáo? Nếu muốn nhập sáo thì cứ việc đi tìm đệ nhất giai nhân, nếu muốn thoát sáo, thì xin dẹp bỏ những ý nghĩ xằng bậy kia, cùng xuất gia với hoà thượng già này.
Vị Ương sinh nói:
- Những lời của sư phụ rất thấu đáo. Có điều khi thuyết pháp cho bọn trẻ con ngu dốt thì phải nói tận tình, thế nào cho chúng toát mồ hôi hột mà không dám làm bậy, còn như thuyết lý với bọn đệ tử chúng con, e rằng không cần phải như thế. Ông trời lập pháp tuy nghiêm, nhưng lập pháp không phải là không có sự khoan thứ, trường hợp gian dâm ắt bị quả báo tuy nhiều nhưng trường hợp gian dâm mà không bị quả báo cũng không phải là ít. Cứ đi kiểm tra từng nhà thì rõ ngay. Nói chung lẽ tuần hoàn quả báo thật không sai, người làm điều bất thiện không thể không biết đến. Hòa thượng nói:
- Theo lời cư sĩ, thì những hành động gian dâm trên đời cũng có thể không bị quả báo chăng? Chỉ sợ ông trời sẽ không để sơ hở như vậy khi lập pháp, hay là vì cư sĩ mắt tai trung hậu nên hóa ra như thế. Chứ theo bần tăng thấy thì xưa nay chưa hề có sách nào ghi chép trường hợp gian dâm với vợ người ta mà không bị quả báo. Chỉ miệng đời truyền nhau thôi cũng không biết cơ man nào mà kể, riêng kẻ xuất gia thụ giới không tiện nói ra đấy thôi, cư sĩ thử nghĩ lại xem. Tuy nhiên đi gian dâm vợ con người ta còn tiện nói ra, chứ như vợ con mình bị người ta gian dâm thì không tiện nói ra, do vậy ít người biết. Chưa kể vợ giấu chồng, con gái giấu cha, ngay cả người trong nhà cũng không biết thấy, nên chuyện quả báo cứ bảo làm gì có, mãi đến khi nắp quan tài đậy lại thì mới biết lời xưa không ngoa, bấy giờ đã lộ liễu rồi, nhưng lại không thể nói ra cho người khác biết. Bất luận mình gian dâm vợ con người ta hay vợ con mình bị vì lẽ quả báo bị người ta gian dâm, chỉ cần khi ý nghĩ gian dâm đã nảy ra thì bất tri bất giác trong lòng của vợ con cũng sẽ bộc phát bao nhiêu là vọng niệm. Có một chuyện mà nhà nào cũng có xảy ra, người nào cũng có lần qua như thế này, nếu có những người đàn ông trong khi ân ái với người vợ xấu xí của mình đã nghĩ đến một người đàn bà xinh đẹp nào đó đã gặp lúc ban ngày, để tăng thêm khoái cảm, thì cũng có ngững người đàn bà lúc hành lạc với chồng xấu xí đã nghĩ đến một người đàn ông đẹp trai nào đó đã gặp lúc ban ngày để được khoái cảm hơn. Ðấy cũng là một hình thức quả báo. Quả báo trong tâm tưởng còn là thế, huống hồ xâm nhập nhà người ta, gian dâm vợ con người ta, thì quỷ thần nào không thấy, trời đất nào không giận, mà hòng danh tiết vợ con mình được trọn vẹn? Bần tăng nói như thế, chắc không phải là sáo ngữ giáo điều, cư sĩ nghĩ có đúng không?
Vị Ương sinh đáp:
- Sư phụ nói rất chí lý, riêng có một điều, dám xin hỏi lại sư phụ. Kẻ có vợ mà đi gian dâm với vợ con người khác thì vợ con mình sẽ bị quả báo, điều ấy đã hẳn rồi. Nhưng đối với người không vợ, không con, nếu đi gian dâm vợ con người ta thì sao? Họ đâu có gì để chịu quả báo? Luật trời như vậy há không phải là thiếu sót hay sao? Ấy là chưa nói trường hợp số vợ con của một người thì có hạn mà nữ sắc trong thiên hạ thì vô cùng. Thí dụ người ấy chỉ có một hai thê thiếp, một hai đứa con gái mà lại đi gian dâm vô số người khác, thì việc quả báo cho dù có chăng nữa, cũng không có gì là công bằng, như vậy có phải là bỏ ra vốn ít mà lãi quá nhiều hay không, ông trời sẽ tính sao đây?
Hòa thượng nghe Vị Ương sinh nói thế, thì biết đây là một tay cứng đầu không gì lay chuyển nổi, đành nửa úp nửa mở nói:
- Cư sĩ lý luận rất sắc bén, bần tăng thực không dám sánh lời. Có một điều, đó chỉ là lý thuyết suông, không có chi làm bằng, phải đợi khi nào sự việc xảy ra mới rõ. Cư sĩ hãy trở về tìm giai nhân mà cưới, sau đó sẽ có dịp ngồi trên đệm thịt mà thiền thì sẽ tỉnh ngộ ra. Từ đây về sau bần tăng sẽ không động khẩu nữa. Chỉ có một điều, đối với cư sĩ là người tài mạo siêu phàm, bần tăng thực không nỡ dứt đi cho được. Vậy thì sau này, chảng may cư sĩ hiểu được lẽ đạo, xin hãy về với bần tăng. Kể từ ngày mai trở đi, bần tăng sẽ ngóng cổ mong chờ.
Nói xong hòa thượng lấy giấy bút ra làm một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt:
Hãy quẳng ngay bị gậy
Bỏ ngồi đệm thịt người
Sống lòng kịp phản hồi
Khi chết rồi không thẹn.
Rồi gấp mảnh giấy lại trao cho Vị Ương sinh mà nói:
- Lão bần tăng dốt nát vì mến mộ cư sĩ, không cần lòng đặng trước sự mê muội sắc dục của cư sĩ mà viết bài kệ này. Mong cư sĩ hãy giữ lấy, mai sau sẽ có ứng nghiệm đấy.
Nói xong hoà thượng đứng dậy với cử chỉ như muốn tiễn khách ra về.
Vị Ương sinh biết không tiện nán ngồi dai nữa, nhưng vẫn nể hòa thượng là một bậc cao tăng, nên không dám tỏ vẻ hậm hực, mà chỉ cúi đầu tạ lễ, nói: - Tính đệ tử ngang bướng, mong sư phụ từ bi tha thứ, sau này đệ tử nếu có trở lại, kính xin sư phụ mở lòng dung nạp.
Nói xong lạy bốn lạy như lúc mới đến, hòa thượng cũng chắp tay đáp lễ và căn dặn thêm đôi điều lúc chia ly.
Đúng là:
Vị Ương kẻ thích chơi bời
Cô Phong mới chính là người chân tu.

Chuyện về hoà thượng Cô Phong đến đây tạm gác lại, Ngài sẽ chỉ tái xuất hiện khi kết thúc câu chuyện. Các phần sau chỉ tường thuật chuyện mê đắm sắc dục của Vị Ương sinh mà thôi.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9