Tỷ phú sinh vật cảnh (ký)
hoangtrongmuon 22.07.2010 22:29:40 (permalink)
Tỷ phú sinh vật cảnh
Ký nhân vật

Không gặp được ông, có lẽ tôi cũng chẳng bao giờ có thể hình dung ra được công việc rất khó nhọc của những người làm sinh vật cảnh và cũng chẳng thể tưởng tượng nổi giá trị tới hàng chục triệu đồng của một cây lộc vừng hay một cây xanh nào đó đã được nhiều người đặt mua từ trước, cùng với nhiều điều lạ lẫm khác. Vì thế, nếu có gọi ông là một nghệ sỹ chắc cũng chẳng ngoa chút nào vì công việc này, ngoài hai bàn tay tài hoa, khéo léo, sự kiên trì, cần mẫn, tỉ mỉ, cần phải có một tâm hồn giàu cảm xúc của một nhà thơ, trí tưởng tượng phong phú và khả năng tạo hình của một hoạ sĩ, vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm đáng kể về cây, về đá và về các loại sinh vật cảnh. Ông như một nhà ảo thuật tài ba, có thể biến tất cả những thứ đó thành những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Cũng chính vì sinh vật cảnh mà ông bị mất dần tên khai sinh của mình là Nguyễn Văn Hưng vì mọi người đều yêu mến gọi ông là ông Cảnh Hưng (ông Hưng làm sinh vật cảnh). Ông Nguyễn Cảnh Hưng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam, người hiện giờ đang sở hữu một cơ ngơi với mặt bằng đất đai kéo dài hàng trăm mét ven Quốc lộ 21A và số sinh vật cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng.

Cái khó ló cái khôn

Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu lập nghiệp, ông không khỏi bồi hồi, xúc động. Vốn là người lính của Trung đoàn 803, sư đoàn 324, ông từng có một thời tung hoành trận mạc, lập nên bao chiến công oanh liệt, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được tặng Huân chương Giải phóng và được kết nạp Đảng ngay nơi chiến trận. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân (1968), tại Xuân Hoà, Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế), chân của ông đã vấp phải một quả M.79 của địch khi cùng đơn vị chiến đấu chống càn. Ông bị thương và đã để lại nửa bàn tay, cẳng chân nơi chiến trường ác liệt.

Chuyển ngành và trở về quê hương với một bên chân 6 lần bị cưa, phải lắp chân giả, cuộc sống của gia đình ông vô cùng cơ cực khi có 6 đứa con còn nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn và người mẹ già yếu. Trong nhà lúc này chỉ có ông và người vợ hiền lam lũ, tảo tần là lao động chính. Làm gì để nuôi được “hơn một nửa tiểu đội” và có tiền cho các con ăn học khi ngay cả bản thân ông đi lại, lao động đều rất khó khăn, lại chỉ có hai bàn tay trắng không còn lành lặn? Nỗi day dứt ấy hành hạ ông không kém gì những vết thương trên cơ thể mỗi khi trái gió trở trời. Cuối cùng ông quyết định vay tiền mua lại chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ đi chở dong về làm miến, tráng bánh đa. Nhưng việc đi lại của ông quá đau đớn, vất vả trong khi sức khoẻ chỉ còn lại 27%, ông đành chuyển sang nấu rượu, nuôi lợn, chăn nuôi gà, vịt. Tuy đã cố gắng rất nhiều nhưng gia đình ông vẫn trong tình cảnh túng bấn, sản phẩm làm ra, bán đi cũng không đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Bài toán cơm áo cứ làm ông trăn trở mãi mà không tìm ra một lời giải đúng.

Đúng lúc ấy, một vận may đã mỉm cười với ông khi huyện Thanh Liêm có chủ trương cấp đất cho những gia đình chính sách và ông đã làm đơn xin được mảnh đất cạnh đường 21A mà bây giờ ông đang ở. Có được mảnh đất rộng, màu mỡ, ông lại nhiều đêm mất ngủ để nghĩ xem nên trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và trong lúc khó khăn nhất, ông đã nghĩ đến việc trồng hoa. Hoa đã mang lại cho mảnh đất của ông sự sinh sôi, nảy nở, đã giúp gia đình ông có kinh tế khá dần lên và xoá được nghèo. Ông dựng một chiếc lán nhỏ bên cạnh đường làm nơi giao dịch bán hoa tươi, vòng hoa, câu đối và làm quán cóc bán nước.

Kinh tế đỡ khó khăn hơn, bắt đầu có đồng ra đồng vào, ông cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi. Và thật lạ, những lúc ấy, ông đều hoài niệm về thời quá khứ hào hùng của mình nơi cánh rừng Trường Sơn khắc nghiệt. Những cây lạ, những giò phong lan, những thế núi cứ chập chờn trong từng giấc ngủ của ông. Đến bây giờ sau bao năm lặn lội trong cuộc mưu sinh, ông mới tìm lại được cái cảm giác thư thái nơi cánh rừng chiều bình yên, mới cảm nhận được tình yêu thiên nhiên đến ngây dại của mình từ thời trai trẻ. Ông dành thời gian vào rừng Bồng Lạng tìm một vài cây xanh, cây lộc vừng và một ít đá cảnh có hình thù đẹp về hì hục trồng tỉa, chăm sóc và đắp non bộ. Những sản phẩm ấy, ông trưng bày xung quanh quán nước của mình để vừa thư giãn, vừa thu hút khách qua đường vào uống nước và mua hoa. Những lời bàn tán, góp ý của người qua đường được ông tiếp thu, tạo ra các sản phẩm sinh vật cảnh đầu tiên ưng ý. Nhiều người thích cứ hỏi mua mãi, vì cả nể ông đã bán cho họ. Thế là từ ý định chơi cây cảnh ban đầu, ông đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ sinh vật cảnh. Ông nhận ra cũng có rất nhiều người thích chơi cây cảnh như mình, kể cả các cơ quan, doanh nghiệp lớn trong khi chưa có ai chuyên nghiệp cung cấp những mặt hàng này. Từ đó, ông bỗng khám phá ra một hướng đi mới cho cuộc sống của gia đình mình: sản xuất sinh vật cảnh, một việc làm mà cả tỉnh Nam Hà vào năm 1990 chưa có ai từng làm.

Câu chuyện cổ tích thời nay

Làm nghề nào cũng vạn sự khởi đầu nan. Nói là làm sinh vật cảnh nhưng quả thực kiến thức về sinh vật cảnh của ông có đáng là bao. Không vốn liếng, không tay nghề, chỉ có một tình yêu cộng với những kỷ niệm thời quân ngũ đã thôi thúc ông lao vào cái nghề hoàn toàn mới lạ này. Lúc đầu, ông cùng mấy người con trai đạp xe vào núi tìm đá cảnh và chở về. Mà việc đi lại ngày đó chưa có đường nhựa, chưa có cầu cứng, chủ yếu là đi đò sang phía Tây sông Đáy nên rất khó khăn, vất vả. Hì hục mang được một đống gốc cây và đá núi về để ngổn ngang quanh nhà, nhiều người xung quanh không biết đã tỏ ý dè bỉu và cho là đầu óc của ông có vấn đề. Nhưng ông không nản chí. Ngày ngày, người ta vẫn thấy một thương binh nặng (2/4) cần mẫn trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ, lóc cóc đèo sau gác ba ga một tải đá nặng cùng những gốc cây, thân cây lạ từ rừng mang về. Có được nguyên vật liệu, ông tìm mua và mượn các loại sách dạy kỹ thuật về Bonsai, về tạo non bộ để theo đó tự mầy mò làm. Nghe tin ở đâu có người chơi sinh vật cảnh giỏi, ông liền tìm đến học hỏi thêm.

Vừa đi học, vừa tự mầy mò học, tay nghề của ông dần dần được nâng cao và đạt đến độ tinh tế của nghề. Từ chỗ mang nhiều loại đá tạp về, bây giờ ông đã biết chọn lựa đá, phải là đá mồ côi, nhất là loại đá bị bào mòn do ngoại lực, tạo thành những hình thù kì lạ. Ngày ngày, ông lang thang khắp nơi, lặn lội vào những khu rừng sâu nơi Thung Mơ (Kiện Khê-Thanh Liêm-Hà Nam), Thung Trứng (Kim Bảng, Hà Nam), Hà Trung (Thanh Hoá), Suối Tép (Chi Nê, Lạc Thuỷ, Hoà Bình), Nho Quan, Tam Điệp (Ninh Bình)… để tìm kiếm nguồn đá cảnh cũng như sinh vật cảnh. Tìm được những hòn đá ưng ý, ông thuê người địa phương khai thác rồi đánh xe ô tô đến chở về. Đi nhiều, tìm kiếm ở nhiều nơi, nhưng ông thấy loại đá mồ côi-loại đá tốt nhất để làm sinh vật cảnh và đáp ứng mọi yêu cầu dù khắt khe nhất, chủ yếu chỉ có ở Kim Bảng và Thanh Liêm (Hà Nam), chứ những nơi khác rất ít. Vì vậy, ông tìm đến các tổ khai thác đá, đặt mua của họ những hòn đá đẹp với giá trị xứng đáng để có thêm nguồn nguyên liệu dồi dào cho mình.

Có lẽ, do tạo hoá đã ban tặng cho vùng núi đá Hà Nam nhiều loại đá vôi làm sinh vật cảnh mà ông có thể thoải mái thể hiện các ý tưởng của mình, chế tác từ đá ra nhiều loại non bộ, thành ang, chậu, bể cảnh các loại. Nghề chơi cũng lắm công phu nên để có những hòn non bộ có giá trị đòi hỏi người chế tác phải có một không gian văn hoá nhất định, cách lắp đặt, sắp xếp các mảnh đá, bố trí các loại muông thú, cỏ cây, tượng người, cầu quán, chùa tháp… phải là một nghệ thuật thực sự. Suối chảy phải quanh co, uốn khúc và phải đổ từ độ cao hai phần ba hòn non bộ xuống. Chùa, tháp phải ở chon von trên đỉnh non cao, nơi khuất nẻo, hẻo lánh.

Chế tác non bộ kiêng kị nhất là ba điều mà người chơi sinh vật cảnh có hiểu biết không bao giờ chấp nhận. Đó là xuyên tâm (có lỗ hổng ở giữa núi), triệt lộ (không có đường lên núi) và tiêm đầu (núi nhọn đầu). Non bộ càng giống với núi thật ngoài đời càng có giá trị. Ông tạo cả rêu cho núi có vẻ già cỗi hơn và mang dáng vẻ trầm mặc, cổ kính bằng cách dùng nước cơm đặc quét lên bề mặt núi, để núi vào nơi ít ánh nắng, giữ độ ẩm, sau một thời gian ngắn, rêu sẽ mọc lên. Trên các đường mòn quanh co trên sườn núi, bao giờ cũng phải có mấy bụi dương sỉ, mấy khóm cây cằn cỗi… Và để có một hòn non bộ ưng ý cho khách hàng, có khi hàng chục người thợ của ông phải làm việc miệt mài trong vòng một tháng mới hoàn thành.

Chính sự độc đáo và cầu kỳ ấy mà tên tuổi của ông vang xa khắp trong Nam ngoài Bắc. Đá cảnh của ông có mặt trong nhiều công trình lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre… Đá cảnh của ông làm đẹp thêm cho khách sạn Hoàng Gia, văn phòng mỏ than Đèo Nai (Quảng Ninh), khách sạn Sài Gòn (Hạ Long), văn phòng tỉnh uỷ Yên Bái, UBND tỉnh Bắc Cạn, Bưu điện Lào Cai… và hàng trăm văn phòng các cấp huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… Tuy nhiên, đá cảnh của ông chủ yếu xuất cho công ty xây dựng Thủ Đô để trang trí những công trình xây dựng lớn. Hơn 100 tấn đá cảnh của ông cũng được trang trí trong quần thể khu di tích Phủ Dầy (Nam Định). Đặc biệt hơn, ông còn làm nên một kỳ tích mà có lẽ ngoài ông ra, ở Việt Nam mình khó có người làm được. Đó là mang đá vôi xuất khẩu. Năm 1999, cơ sở của ông bắt đầu xuất khẩu 6 công-ten-nơ với 150 khối đá cảnh sang châu Âu. Hiện nay, đá cảnh, chậu cảnh, bể cảnh (được chế tác từ đá) của ông thường xuyên được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, U-đôn-xay (Lào)…

Ông Hưng còn nổi tiếng về các loại cây cảnh, gỗ lũa và nuôi chim quý. Quanh nhà ông có hàng ngàn cây cảnh các loại, từ những cây có giá trị vàu ngàn đến những cây có giá trị đến hai, ba chục triệu đồng. Cây ở đây rất đa dạng, từ các loại thông thường như đa, xanh, si, sung, lộc vừng, thiên tuế, vạn tuế… đến các loại cây quý. Ông đặt cơ sở mua cây ở khắp các tỉnh thành. Rất nhiều cây to, cây quý mua từ các tỉnh thành miền nam xa xôi về, vừa được hạ thổ để chờ ông tạo dáng. Riêng chim cảnh, ông thường xuyên có khoảng 60 lồng chim cu gáy, hàng chục lồng chim các loại như yểng, yến, khướu, hoạ mi, sáo, vẹt…, 10 con gà tre, 6 con sóc… trị giá hàng chục triệu đồng.

Tấm lòng nhân ái

Hiện nay, ông Nguyễn Cảnh Hưng có rất nhiều cơ sở vệ tinh ở Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… Chỉ riêng ở phố Động (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam), nơi gia đình ông đang ở cũng có tới 4 cơ sở lớn của bố con ông. Hoạt động sinh vật cảnh của gia đình ông từ lâu đã trở thành một hoạt động chính ở nơi đây và làm cho con phố Động này ngày càng thêm nhộn nhịp, sầm uất. Vì thế, người ta vẫn gọi nơi đây là “phố cây cảnh”, “phố đá cảnh”, “phố sinh vật cảnh”. Tổng thu nhập năm 2003 và 2004 của bố con ông, mỗi năm đều đạt trên 2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí cũng thu được khoảng lãi trên 200 triệu đồng.
Mặc dù đã trở thành triệu phú từ khi làm sinh vật cảnh với thu nhập hàng năm khoảng 100 triệu đồng, nhưng ông Hưng vẫn luôn nghĩ đến những người nghèo khổ, những đồng đội, đồng chí của mình. Tại Trại điều dưỡng thương binh nặng Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà Nam), ông đã trực tiếp truyền nghề hướng dẫn làm sinh vật cảnh cho hàng chục thương binh. Ông tạo điều kiện cho hàng chục hộ nghèo vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Hàng năm, cơ sở của ông giải quyết việc làm cho từ 1500 đến 2000 lượt lao động là con em thương bệnh binh, gia đình nghèo, hàng xóm láng giềng với mức tiền công khá cao. Thợ làm cỏ và chăm sóc cây cảnh được trả 20 nghìn đồng một ngày công, cộng với bữa cơm trưa. Thợ làm chậu cảnh, bể cảnh và khai thác đá cảnh được trả 30 nghìn đồng một ngày công và bữa cơm trưa. Riêng thợ đắp non bộ do đòi hỏi cao về tay nghề nên ngoài bữa cơm trưa, được trả 50 nghìn đồng một ngày công lao động. Dù chỉ khoảng một phần ba số lao động trên có việc làm ổn định, còn lại là làm theo những khoảng thời gian nhất định nhưng điều đó cũng góp phần giải quyết việc làm cho người nông dân trong những lúc nông nhàn.

Ông Hưng rất nhiệt tình đóng góp, hỗ trợ cho các hoạt động tình nghĩa, các hoạt động phong trào văn hoá, thể dục thể thao, xây dựng các công trình phúc lợi. Hàng năm, ông dành khoảng hơn 4 triệu đồng tặng cho Quỹ khuyến học của tỉnh, của huyện, để làm phần thưởng cho học sinh giỏi và tài trợ cho các hoạt động của Hội sinh vật cảnh của tỉnh trên 10 triệu đồng; tặng mỗi năm mấy quyển sổ tình nghĩa cho những gia đình thương binh liệt sĩ, gặp khó khăn. Vừa qua, ông tài trợ hơn 10 triệu đồng để in tập thơ cho các hội viên sinh vật cảnh và tài trợ cho các hội viên Câu lạc bộ thơ Liễu Đôi (Thanh Liêm, Hà Nam)… Đặc biệt, hàng năm, ông dành hàng chục triệu cây cảnh với giá trị hàng chục triệu đồng tặng cho các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, di tích lịch sử của tỉnh, của huyện, xã…

Hiện nay, ngoài cương vị Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Cảnh Hưng còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội. Ông là hội viên Hội sinh vật cảnh Hà Nội, Uỷ viên Ban chấp hành Hội sinh vật cảnh Việt Nam, Uỷ viên uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam và huyện Thanh Liêm (khoá thứ 3 liên tiếp), Uỷ viên Ban đại diện Người Cao tuổi huyện Thanh Liêm… Gia đình ông đã được công nhận là Gia đình Văn hoá. Ông được mời đi báo cáo điển hình về nhiều lĩnh vực tại nhiều Hội nghị từ Trung ương đến địa phương. Năm 1999, ông là đại biểu duy nhất của tỉnh Hà Nam dự Hội nghị Thương binh – Gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Với sự nỗ lực vượt khó làm giàu, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, với nhiều đóng góp trong các hoạt động nhân đạo, các hoạt động xã hội, cho đến nay, ông Nguyễn Cảnh Hưng đã được tặng 21 Bằng khen của các cấp, các ngành. Năm 2002, ông được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay đang được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Hoàng Trọng Muôn
(In trong cuốn Doanh nghiệp Doanh nhân Việt Nam, văn hoá và trí tuệ - NXB Hội Nhà văn, 2005)
*************************************************************
P/S: Cuối năm 2006, ông Nguyễn Cảnh Hưng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2010, ông vừa được tặng thưởng danh hiệu CHIẾN SĨ THI ĐUA TOÀN QUỐC THỜI KỲ ĐỔI MỚI.

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.07.2010 00:16:56 bởi hoangtrongmuon >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9