Người ươm mầm cho đất (ký)
hoangtrongmuon 23.07.2010 00:14:15 (permalink)
NGƯỜI ƯƠM MẦM CHO ĐẤT
                                           

 
Tôi rất tình cờ gặp anh trong một lần về Thanh Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam). Có lẽ đó là cái duyên kỳ ngộ bởi nó cứ mãi ám ảnh trong tôi ý tưởng viết một cái gì đó về anh. Đó cũng là một dịp mùa xuân, tiết trời se lạnh. Những làn mưa bụi mỏng tang không đủ sức làm ướt áo ai nhưng lại có thể làm mềm đi những vạt đất trên những chân ruộng khô nứt nẻ đã được để ải từ sau khi thu hoạch vụ mùa. Và những làn mưa ấy, kỳ diệu thay lại có thể thay đổi được tạo hoá khi làm bật lên những chồi lộc non mơn mởn, đầy sức sống từ những thân cây già cỗi, gầy guộc, khẳng khiu, trơ trụi lá trong suốt mấy tháng mùa đông. Mưa bụi cũng làm nên những mầm sống mới, những mầm sống được gieo từ hạt dưới bàn tay chăm bẵm của con người. Trong cái không gian đó, tôi đã gặp anh, được nhìn anh làm việc, được nghe anh nói rất say sưa về sự sống nảy mầm từ đất.
 
Anh có cách nói chuyện rất có duyên. Chậm rãi thôi, nhỏ nhẹ thôi nhưng cũng như mưa dầm thấm lâu vậy, cuốn hút đến mê hoặc lòng người. Những câu chuyện của anh thật giản dị nhưng lại có một uy lực kì diệu bắt người ta phải lắng nghe, phải cảm nhận, phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc và sâu sắc bởi đó là những câu chuyện về cây, về đất, về công việc và về những con người lao động hết sức thú vị mà anh kể rất say sưa, say sưa đến nỗi tôi có cảm tưởng dường như anh đang tự nói với chính mình, tự đắm chìm những cảm xúc, những suy tưởng của mình vào trong đó. Và thật sự, tôi đã cảm nhận được niềm tin mãnh liệt nơi anh, nơi một con người cũng được sinh ra và lớn lên từ một khu đồng đất nghèo khổ và lam lũ. Đặc biệt, ánh mắt đầy quyết tâm của anh đã giúp cho tôi hiểu hơn về sự quằn quại, trăn trở của một con người luôn gắn bó với quê hương bằng cả tấm lòng và trái tim yêu thương cháy bỏng đang mong muốn có một sự "lột xác", một sự đổi đời ở nơi mình yêu quý nhất.
 
Nhưng có lẽ điều mà tôi ấn tượng hơn cả là cách anh chăm cây giống. Bàn tay có vẻ như thô nhám vụng về của anh lại có thể làm những động tác hết sức nhẹ nhàng, êm ái và thuần thục. Anh nhẹ nhàng nâng một tảng đất mọc chi chít những cây non mới nhú được chừng hai ba lá đặt lên lòng bàn tay trái. Bàn tay phải gỡ rất khẽ từng cây một ra khỏi tảng đất rồi cũng như vậy, anh cúi xuống đặt cây lên luống đất đã được xới rất nhỏ, tơi xốp, mềm mại rồi lại khẽ gột đất bột xung quanh vun cho cây. Có lẽ, phải có một tình yêu cây đến tha thiết anh mới có thể dành cho cây sự chăm sóc đến ân cần như thế. Dường như anh sợ cây bị đau khi những chiếc rễ còn hết sức non nớt bị gỡ ra khỏi tảng đất. Điều đó làm cho tôi cũng như nhiều người nghĩ anh là một nhà nông học, một kỹ sư nông nghiệp đang thử nghiệm và theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Nhưng chúng tôi đã nhầm và thực sự ngạc nhiên khi biết rằng anh là một dược sĩ, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nam. Anh Nguyễn Hữu Mạnh.
 
- Anh có biết cây gì đây không? - Thấy tôi có vẻ chú ý đến cách làm việc của anh, anh Mạnh đột ngột hỏi làm tôi làm giật mình - Đây là giống cây bạc hà SK33 mới được nhập về từ Nhật Bản đấy.
Tôi vốn biết cây bạc hà từ ngày còn rất nhỏ và quả thực mà nói, bây giờ những bụi bạc hà mọc hoang dại ven đường, hầu như ở quê chỗ nào chẳng có. Vì vậy, tôi tò mò:
- Cây bạc hà của Nhật này này có khác gì nhiều lắm so với giống bạc của mình không anh?
- Khác nhiều chứ.
 
Anh chỉ ra cho tôi thấy tính ưu việt nhất của cây bạc hà SK33 Nhật Bản là hàm lượng menton chiếm trên 70% trong tinh dầu, trong khi đó giống bạc hà cũ chỉ cho xấp xỉ 55-60%. Hơn nữa, tinh dầu của cây bạc hà mới này không có mùi hôi, nên có thể dùng làm thốc ho, thuốc cảm, kẹo cao su và một số loại bánh kẹo cao cấp khác. Ngoài lá để lấy tinh dầu ra, thân cây bạc hà SK33 được dùng làm bạc hà diệp chế thuốc ho. Mỗi sào Bắc bộ có thể thu hoạch được từ 60 đến 80 kilôgam thân cây phơi khô, có giá trị từ 210 đến 240 nghìn đồng và từ 4 đến 5 kilôgam tinh dầu với giá 145 nghìn đồng một kilôgam, trong khi tinh dầu của loại bạc hà cũ chỉ có giá thành 85 nghìn đồng một kilôgam. Đây là mức giá được niêm yết công khai khi Công ty ký hợp đồng trực tiếp với các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các Trạm y tế xã trước khi gieo trồng.
 
Giống bạc hà SK33 là giống đột biến gen của Nhật. Cây thích hợp trồng trên đất phù sa, đất thịt nhẹ và cả đất cát pha giàu dinh dưỡng, có độ PH trung tính. Thời vụ trồng tốt nhất là từ đầu tháng một đến hết tháng hai dương lịch mới đảm bảo sinh trưởng và năng suất cho cây. Kỹ thuật trồng cũng rất đơn giản, phân bón chủ yếu là phân chuồng, đặc biệt là tro bếp và một khối lượng nhỏ phân NPK, phân đạm u-rê. Chính vì vậy mà đầu tư cho trồng cây bạc hà một sào không lớn, ngoài lượng phân bón như trên, phải mua thêm 20 kilôgam giống với giá 2 nghìn 5 trăm đồng một kilôgam. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền giống này cộng với 50 nghìn đồng một sào mua phân bón được Công ty ứng trước và sẽ được trừ đi sau khi thu mua sản phẩm. Ngoài ra, Công ty còn cung cấp các thiết bị chưng cất tinh dầu với giá xấp xỉ 500 nghìn đồng và sẽ được khấu hao dần sau hai năm thu hoạch.
 
Cây bạc hà mới này ưa độ ẩm nhưng lại không chịu được chân ruộng ngập nước. Vì vậy, tưới tiêu thường xuyên cho cây một cách hợp lý là một công việc cần thiết. Tuy nhiên, cây có một đặc tính tốt là ít sâu bệnh, hãn hữu lắm mới có loại bọ cánh cứng nhỏ, nên không phải dùng đến thuốc trừ sâu. Đặc biệt hơn nữa là cây bạc hà có tính năng chống chuột rất tốt. Mùi của cây bạc hà sẽ làm cho chuột sợ không dám đến gần nên không những cây không bị chuột phá mà chân ruộng đó sau khi thu hoạch, có thể trồng lúa, trồng ngô cũng ít phải lo diệt chuột. Có một thuận lợi mà những người nông dân rất thích, đó là thời gian trồng cây rất ngắn, chỉ từ 100 đến 110 ngày là được thu hoạch. ở những chân ruộng không bị ngập nước vào mùa lũ, sau khi thu hoạch lứa đầu bằng cách dùng liềm hoặc dùng dao cắt sát gốc cây, có thể thu hoạch được lứa thứ hai, thứ ba từ những mầm cây mọc lên từ gốc trong khoảng thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên, những lứa thu hoạch sau đó, do chất lượng kém hơn nên không thể dùng để lấy tinh dầu mà chỉ phơi khô để lấy bạc hà diệp.
 
- Từ ý tưởng nào mà anh đưa cây bạc hà vào trồng ở vùng đất Thanh Thuỷ này? - Tôi hỏi khi anh vừa giảng giải xong một cách chi tiết về tính năng, công dụng, cách trồng và chăm bón cây bạc hà cho bà con nông dân.
Anh có vẻ bất ngờ vì câu hỏi của tôi. Phải im lặng mất một lúc khá lâu, anh mới chậm rãi lên tiếng:
- Đây là quê nuôi của tôi, anh ạ. Người ta thường chỉ có quê nội, quê ngoại nhưng với tôi còn có cả cha mẹ nuôi và một miền quê đầy ân tình nữa.
 
Quê hương Thanh Thủy của anh là một vùng đồng chiêm trũng. Cũng như bao vùng quê khác trong tỉnh, nơi đây vốn có truyền thống độc canh cây lúa lâu đời. Tuy những năm gần đây đã có sự thay đổi nhất định nhưng thu nhập của người nông dân rất thấp, đời sống còn rất khó khăn. Anh không phải là nông dân, cũng không phải là lãnh đạo ngành nông nghiệp nên anh cũng chẳng biết mình sẽ phải làm gì để cho những người nông dân đỡ khổ hơn, đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, từ sau khi biết Công ty dược phẩm Trung ương I đã nhập khẩu giống bạc hà của Nhật về, anh nảy sinh ý định đưa cây bạc hà và một số cây dược liệu khác về trồng thay cây lúa, vừa tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho Công ty, vừa giúp người dân có thêm thu nhập.
 
Nhưng nói và nghĩ thì có vẻ dễ dàng là vậy chứ khi thực sự bắt tay vào việc mới thấy vô vàn khó khăn. Người nông dân vốn tính bảo thủ, thích sự ổn định, ngại thay đổi nên với những cái mới lạ, họ thường tỏ ra dè dặt, lẩn tránh và thăm dò, nhất là với cây dược liệu vốn là loại cây vô cùng xa lạ trong suy nghĩ của họ. Nhưng chí đã quyết, anh Mạnh quyết định xây dựng hẳn một chương trình để vận động người dân trồng cây dược liệu. Anh trực tiếp cùng Ban lãnh đạo Công ty xuống tận các xã, các Hợp tác xã để gặp gỡ bà con nông dân, để nói cho họ hiểu, để vận động họ tham gia trồng giống cây mới này. Một lần chưa được thì xuống lần thứ hai, lần thứ ba... Mới đầu là vận động những chỗ quen biết, thân tình trước rồi nhờ người nọ vận động người kia. Không những thế, anh còn tổ chức cho một số đại biểu của nông dân đi tham quan thực tế và học tập ở một số tỉnh như Hưng Yên, Thái Bình... Những nơi đã rất thành công trong việc chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cây dược liệu.
 
Anh đưa cho tôi cả một tập giấy khổ A4 khá dày dặn đã được đánh máy vi tính với phông chữ rất to, đậm, rất dễ đọc, có thể dùng rất thuận tiện cho cả những người chưa đọc thông viết thạo, do chính anh soạn thảo khá chi tiết, công phu về tính năng, công dụng, chất lượng, quy trình trồng và chăm bón cũng như sản xuất tinh dầu từ cây bạc hà SK33 của Nhật Bản. Đây là tài liệu dùng để tập huấn cho bà con nông dân trước khi đưa một số cây bạc hà và một số cây dược liệu khác vào trồng thay cây lúa trên diện tích lớn. Cuối cùng thì người nông dân cũng đã không phụ công anh. Từ đầu năm 2002, khi anh đưa cây bạc hà vào trồng ở Thanh Thuỷ, Liêm Cần (Thanh Liêm), Bình Nghĩa (Bình Lục), Liên Sơn (Kim Bảng), cho đến cuối năm 2003 đã có 193 hộ tham gia trồng 170 sào bạc hà, chưng cất được 287 kilôgam tinh dầu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thu mua được 8,6 tấn cây và lá bạc hà khô. Trung bình mỗi hộ trồng cây bạc hà SK33 của Nhật Bản thu được từ 540 nghìn đến 600 nghìn đồng trên một sào mỗi vụ. Có những hộ ở thôn Ngô Khê, Cát Lại (Bình Nghĩa) còn thu nhập tới 900 nghìn đồng trên một sào một vụ, bằng xấp xỉ 4,5 tạ lúa. Rõ ràng, cây đã không phụ công người, đã mang lại lợi ích gấp 1,5 đến 2 lần trồng lúa. Ngoài cây bạc hà, anh Mạnh cũng đã vận động mọi người trồng cây ích mẫu ở các khu đất tận dụng trong các thung núi đá, thu được 41 tấn sản phẩm.
 
Những việc làm đó của anh, chính bản thân anh cũng không ngờ lại được Tỉnh uỷ đánh giá rất cao và hết sức khen ngợi vì với những điều đó, anh đã là một trong những người rất tích cực đi đầu theo tinh thần của Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Vì vậy, anh đã được Ngân hàng chính sách của tỉnh cho vay ưu đãi 180 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ vốn tạo việc làm. Những kết quả bước đầu đầy hứa hẹn đó đã bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho Công ty và từ cuối năm 2002 đến cuối năm 2003, giá trị sản phẩm hàng hoá của Công ty đã tăng từ 3,1 tỷ lên 5,2 tỷ đồng, nâng số lao động có việc làm thường xuyên từ 170 người lên 215 người với mức thu nhập bình quân 600 nghìn đồng một người một tháng.
 
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ hai năm qua, năm 2004, anh Mạnh quyết tâm mở rộng diện tích trồng bạc hà lên 300 sào và 400 sào cây ích mẫu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chỉ tính riêng cánh đồng ngoài đê ở xã Mộc Bắc (Duy Tiên), anh đã cho xuống giống được gần 100 mẫu bạc hà và dự kiến sẽ mở rộng ra 200 mẫu ở đây vào năm 2005. Trong "Dự án trồng cây bạc hà SK33 lấy tinh dầu xuất khẩu và cây thanh cao hoa vàng chiết suất thuốc sốt rét và sản xuất đông dược" của mình, anh đã đặt ra quyết tâm trong 5 năm, từ năm 2002 đến năm 2006 sẽ trồng được 150 héc-ta bạc hà, 150 héc-ta cây thanh cao trên đồng đất Hà Nam. Tuy nhiên, cái khó nhất đối với anh bây giờ vẫn là vốn. Anh rất cần có sự hỗ trợ về vốn từ phía Nhà nước để có thể hỗ trợ về giống và phân bón cho bà con nông dân cũng như thu mua sản phẩm cho dự án của mình.
 
Anh Mạnh chỉ cho tôi xem cây thanh cao được trồng rải rác ở một số khu vực ven núi đá ở Kim Bảng và Thanh Liêm. Cây thanh cao được gieo giống tập trung ở một khoảng đất mịn, sau đó mới được nhổ lên, mang đặt lên luống như kiểu người ta gơ dây lang vậy. Cây rất dễ sống và phát triển rất nhanh nên có thể trồng được ở những khoảng đất tận dụng, khô cằn như ở các bờ mương, ở các nghĩa địa, đất đồi núi..., thậm chí có thể trồng xen kẽ vào những vườn cây ăn quả, những vùng rừng mới trồng mà cây chưa kịp phát tán. Sau khi mọc được khoảng một tháng, cây thanh cao sẽ có tính năng tự diệt cỏ và mọc rất nhanh. Cây giống như cây rau đay, khi trưởng thành sẽ là cây thân gỗ, cao hơn đầu người, có lá nhỏ lăn tăn. Khoảng bảy tháng là có thể bắt đầu thu hoạch dần được những lá già. Sau đó, sẽ thu hoạch toàn bộ lá bằng cách chặt ngả cây xuống, xếp đống lại, để khoảng một, hai ngày, lá sẽ héo và rụng gần hết, chỉ việc cầm cả cây rũ thật mạnh là sẽ lấy được hết lá để phơi khô dùng làm thuốc. Một sào có thể thu hoạch được khoảng từ 70 đến 80 kilôgam lá khô và với giá thành của Công ty thu mua cho 1 kilôgam lá khô là 4500 đồng thì một sào đất tận dụng có thể cho thu nhập từ 300 đến 400 nghìn đồng. Ngoài ra, thân cây còn có thể tận dụng làm chất đốt rất tốt.
 
Năm nay, do thời tiết không mưa kéo dài, nhiều khu vực bị khô hạn, một số chân ruộng cao và những khu vực giáp núi không có nước để cấy lúa đều có thể tận dụng để trồng cây thanh cao. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2004, anh đã cùng các cán bộ của mình thường xuyên đi vận động người dân, nhất là những chủ trang trại, chủ rừng để đưa cây thanh cao vào trồng với quy mô và diện tích lớn. Và nếu như dự án về cây bạc hà và cây thanh cao của anh thành công, anh sẽ mở rộng được sản xuất ở Công ty, sẽ giải quyết được cho trên 1000 lao động có việc làm với thu nhập ổn định.
 
Có lẽ, những dự định và ước mơ của anh là thiết thực nhưng trước mắt, những kết quả của những việc làm đó còn khá khiêm tốn khi chỉ có mình anh với Công ty của mình phải thay đổi không chỉ là cơ cấu cây trồng trên đồng ruộng, mà còn thay đổi cả tư tưởng, cách nghĩ, cách làm và những tập quán canh tác lúa nước đã ăn sâu, bám rễ rất lâu đời trong tư tưởng của những cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, anh có vẻ như đã nắm chắc phần thắng trong tay mình:
- Người nông dân khi thu được lợi nhuận thực tế trên đồng ruộng của mình, họ sẽ không bỏ qua đâu - Anh Mạnh chợt quay sang tôi khi thấy tôi im lặng khá lâu. Có lẽ, anh cũng cảm nhận được sự hoài nghi của tôi về tính khả thi trong dự án của anh. Anh vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Những kết quả mà tôi đã cật lực làm việc để có được trong suốt hai năm qua sẽ là một đáp số đúng nhất cho bài toán thay đổi cơ cấu cây trồng mà người nông dân cứ loay hoay suốt bao nhiêu năm qua vẫn chưa tìm được lời giải thoả đáng.
- Nhưng anh có bao giờ nghĩ rằng, rồi một lúc nào đó, khi nông dân ở nhiều nơi cùng bỏ lúa để trồng bạc hà, trồng thanh cao, trồng dược liệu thì cây dược liệu làm ra lại quá nhiều, không thể tiêu thụ hết được không?
 
Tôi hỏi khá gay gắt như một người nông dân thực thụ đang chất vấn anh làm anh giật mình. Cũng như nhiều người nông dân khác đang phải chịu áp lực của việc thay đổi cây trồng ồ ạt, không có quy hoạch dẫn đến sản phẩm thu được bị rớt giá, không bán được, phải phá bỏ gây ra tổn thất rất lớn, tôi đã phải chứng kiến rất nhiều bài học nhãn tiền từ cây cà phê, từ mía... Điều đó khiến tôi không thể không đặt vấn đề này với anh.
 
Anh quay lại nhìn tôi một cách bình thản. Có lẽ câu hỏi của tôi không phải là lần đầu tiên anh được nghe mà ngay đến cả chính bản thân mình, anh cũng đã từng tự hỏi mình nhiều lần như vậy trước khi bắt tay vào xây dựng dự án. Anh nhẹ nhàng giải thích:
- Cây dược liệu khác rất nhiều so với cây nông sản hàng hoá và cây công nghiệp. Anh thấy đấy, bao nhiêu năm nay chúng ta phải nhập khẩu dược phẩm là chính chứ trong nước có sản xuất được là bao. Mà ngay cả những mặt hàng sản xuất được trong nước cũng phải nhập dược liệu từ bên ngoài nên giá cả thỉnh thoảng lại tăng vọt lên một cách đột biến như vậy, khiến cho người tiêu dùng lao đao. Hiện nay thị trường dược liệu đang còn bỏ ngỏ, đòi hỏi những Công ty dược như chúng tôi phải tự tìm những vùng sản xuất dược liệu ổn định cho mình. ở Hà Nam thì đây là lần đầu tiên có dự án trồng cây dược liệu và dù có sản xuất ra bao nhiêu thì chúng tôi cũng sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm. Đây là lời hứa danh dự đấy. Nói thế này để anh dễ hiểu: tinh dầu bạc hà dùng để xuất khẩu thì đang có nhu cầu rất lớn, còn bạc hà diệp để sản xuất thuốc ho thì hiện nay Công ty của chúng tôi đang tự chế được. Lá của cây thanh cao hoa vàng chiết suất thuốc chữa sốt rết đặc hiệu, có thể chữa được cả sốt rét ác tính. Bệnh ho và bệnh sốt rét là những căn bệnh phổ biến ở nước ta hiện nay mà chúng ta luôn thiếu thuốc đặc trị.
 
Có tiếng chuông điện thoại reo. Anh nâng máy lên và có vẻ khá bối rối. Có lẽ lại một cơ sở nào đó đang trồng cây dược liệu của Công ty gọi điện xin anh cho thêm cây giống, cho thêm sự chỉ đạo về kỹ thuật trong khi các cán bộ của anh đã xuống cơ sở hết. Anh đành hẹn tôi sẽ gặp lại vào một dịp khác rồi vội vã gọi lái xe. Nhìn dáng anh tất bật đi về với ruộng đồng, với những ước mơ, hoài bão của mình như người nông dân đang hăm hở ra đồng ươm trồng những mầm cây cho đất khi mùa xuân đến, chẳng ai nghĩ anh là một Giám đốc. Có lẽ tình đất, tình người đã làm cho anh yêu hơn, gắn bó hơn với những mầm sống đang nở hoa trong đất, những mầm sống mang lại cho cuộc đời những niềm hạnh phúc, mang lại cho đất đai sự giàu có và hồi sinh. Anh là người đang ươm những mầm cây như thế.
 
Xuân 2004
 
Hoàng Trọng Muôn
(In trong tập Mùa hoa lộc vừng - Tập Ký và Tản văn – NXB Thanh Niên, 2007)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9