Người mang cho Vụng Cà sự sống (ký)
hoangtrongmuon 23.07.2010 00:22:56 (permalink)
NGƯỜI MANG CHO VỤNG CÀ SỰ SỐNG


 
Chúng tôi trở về Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam vào một buổi trưa gay gắt nắng. Cái nắng mới của những ngày cuối xuân ở một vùng quê nghèo toàn đồi núi, đá sỏi cũng đủ làm say lòng lữ khách trong cái oi ả, hanh hao. Con đường đê chật chội, gồ ghề, vênh váo những hòn đá hộc, cong cớn những chiếc ổ gà, ổ voi đang ồ ề thở trong tiếng phành phạch của những chiếc công nông đang nối đuôi nhau chở đầy đá tảng vừa được nạy ra từ trong núi.
 
Gió từ sông Đáy hắt lên mùi ngai ngái của cỏ cây, mùi tanh nồng của nước cũng không đủ sức làm dịu đi cái không khí đặc quánh có thể sắt ra thành từng miếng của cuộc sống lao động vất vả, ngột ngạt nơi đây, mà còn bốc từng nắm bụi dưới mặt đê vốn đã bị cày xới bởi bánh xe công nông đang lăn hối hả, tung lên mù mịt làm tối mắt tối mũi những người đi lại; rắc đầy lên những ngôi nhà cấp bốn lụp xụp hai bên đê một màu trắng đục của những lớp bụi ken dày, bám chặt lấy tường, lấy cửa, lấy những mái ngói đã ngả màu rêu phong của những năm tháng dài đã qua.
 
Ông Ngô Trung Kỳ, Chủ tịch xã Thanh Nghị dừng xe lại, phủi phủi bụi đường bám đầy trên quần áo, đầu tóc rồi chỉ tay ra phía trước, nơi có những dãy núi đá lô xô dựa vào nhau trùng trùng điệp điệp, nơi đồng ruộng chỉ là những vùng đất nhỏ bé nằm trong khe núi:
- Kia là núi Cà. Dưới chân núi là cánh đồng Vụng Cà đang vươn mình sống dậy cùng với sức trẻ của một ông chủ luôn ấp ủ những khát vọng làm giàu.
 
Rồi ông dẫn chúng tôi men theo tả ngạn sông Đáy, phía bên lở, bờ đê dựng đứng, chênh vênh trước con nước chơi vơi đang lững lờ trôi, len lỏi qua những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, quanh co toàn đường đất nhấp nhô làm cho xe nhảy chồm chồm như phi ngựa. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới ra tới Vụng Cà.
 
Gọi là cánh đồng nhưng thực ra nó chỉ như một thửa ruộng nhỏ chạy dài men theo chân núi Cà với diện tích khoảng 6,5 héc-ta đang xanh mơn mởn lúa thì con gái. Trước đây, Vụng Cà là một vùng nước trắng mênh mông. Đất hoang, đầm lầy toàn cỏ năn, cỏ nác mọc um tùm do đây thuộc địa phận phía tây sông Đáy, là nơi phân lũ. Hơn nghìn nhân khẩu của thôn Bồng Lạng chỉ trông chờ vào vài cánh đồng nhỏ bé khác, chỉ cấy một vụ vào mùa khô nên cuộc sống rất vất vả, cực nhọc quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Vì vậy, người ta phải nhao đi khai thác đá trong núi khi mà nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều. Thế là Vụng Cà đi vào quên lãng. Không còn ai nhớ tới khu đầm lầy này nữa.
 
Cái lí của người dân Bồng Lạng khá dễ hiểu khi đồng ruộng không thể nuôi sống họ vì cho thu hoạch thấp, năm nào cao nhất, năng suất cũng chỉ đạt được hơn một tạ mỗi sào, lại một vụ làm, một vụ chơi dài trong nỗi lo ngày đói. Vì thế, họ thà để ruộng hoang. Đi làm đá, thu nhập bình quân mỗi tháng cũng được từ 4 đến 5 trăm nghìn đồng một người, lại không phải bỏ vốn ra để đầu tư. Trong làng, nhà nào cũng đi làm đá cả, dần dà cuộc sống của họ cũng dễ chịu hơn. Thế nên chẳng ai dại gì mà bỏ công sức, tiền của vào Vụng Cà, vì như thế khác nào đổ xuống sông xuống biển.
 
Nhưng cách nghĩ này cũng dần dần thay đổi khi nghề làm đá vất vả quá, lại rất hại sức khoẻ nên nhiều người sau một thời gian đã không còn đủ sức để theo nữa, nhất là khi địa phương có chủ trương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên đồng ruộng, từ một vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ cá vào mùa lũ. Một số người sau khi xuất ngũ về làng, hoặc đi làm ăn xa trở về đã hăm hở nhận cải tạo nơi đây với hi vọng sẽ nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo. Nhưng sức người thì có hạn và thật nhỏ bé trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cái chí, cái gan làm giàu cũng không thể bù đắp được cho sự thiếu hiểu biết, thiếu tính toán dẫn đến những mùa cá bị thất thu do nước lũ quá to, cá đi hết cả. Những thất bại của những con người dũng cảm đó đã làm chùn bước chân mọi người dân Bồng Lạng. Và cái lí của họ lại một lần nữa khẳng định được vị trí của mình.
 
Có tiếng chào phía sau làm chúng tôi giật mình quay lại. Trước mặt tôi là một cậu thanh niên có dáng người nhỏ bé, gầy gò với gương mặt xương xương, nhàu nhĩ hằn sâu nỗi vất vả, khắc khổ nhưng đôi mắt khá tinh anh, chứa đầy nghị lực và niềm tin khiến tôi cảm nhận được một sức mạnh phi thường không gì có thể khuất phục nổi của con người này. Tôi chợt chạnh lòng nghĩ tới rất nhiều những thanh niên khác đang ở độ tuổi như anh. Họ khoẻ khoắn, tươi tỉnh, ăn mặc rất đẹp và luôn thích hưởng thụ. Dù nhiều người trong số họ rất có chí và biết làm ăn, rất năng động nhưng chẳng có ai tiều tuỵ như anh. Anh làm cho tôi nghĩ tới những người khổ hạnh và tự đầy đoạ thân xác mình. Anh là một con người bằng xương bằng thịt, cũng đang ở độ tuổi thanh xuân nhưng trông có vẻ già dặn và cam chịu. Cái đói, cái nghèo, cái khổ sở có lẽ đã làm cho anh nhàu nhĩ như thế. Không hiểu con người này sẽ xoay sở ra sao cho cuộc sống của mình ở một vùng núi heo hút này?
- Đây là anh Lê Nguyên Vũ, chủ của trang trại này.
Nghe đồng chí Chủ tịch xã giới thiệu, tôi hơi ngỡ ngàng. Một ông chủ mà lại gầy gò, ốm yếu như thế này sao? Liệu sức vóc của anh sẽ làm được gì để cải tạo cánh đồng Vụng Cà này chứ? Thế nhưng, tôi đã nhầm và thật bất ngờ khi biết được sâu sắc hơn con người của anh. Có thể nói là anh luôn làm cho tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một con người khá thú vị và khác xa những gì tôi vừa nghĩ!
 
Lê Vũ Nguyên sinh năm 1976 trong một gia đình nông dân nghèo. Nhà anh nghèo lắm, nghèo đến nỗi những bữa cơm thời thơ ấu, cậu ta thèm vô cùng được ăn một bát cơm trắng, không phải độn toàn sắn, nhai mỏi cả răng như những bữa cơm mà gia đình Nguyên đang phải trải qua. Nhưng đó luôn chỉ là những giấc mơ phù phiếm, xa xỉ của những đứa trẻ trong thôn Bồng Lạng. Như bao đứa trẻ khác trong làng, từ nhỏ, Nguyên đã phải làm lụng vất vả, phải lăn lộn ngoài đồng, phải lên núi giúp gia đình suốt từ sáng sớm đến khi tối mờ đất.
 
Học hết lớp Bảy, cậu phải bỏ học trong sự tiếc nuối ngậm ngùi khi mà gia đình không có đủ tiền cho cậu đóng góp. Một ngày, Nguyên từ biệt mẹ cha và người anh thứ hai để lên đường theo người anh cả vào Nam kiếm sống. Mưu sinh nơi đất khách quê người, hai anh em đã làm đủ các nghề, sau đó thấy nhu cầu chơi cây cảnh nhiều, Nguyên cùng người anh trai tổ chức sản xuất chậu cảnh, trồng tỉa các loại cây cảnh để bán buôn và bán lẻ. Cuộc sống cũng khá dần lên nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê vẫn canh cánh trong lòng suốt những tháng ngày bươn trải đi bán chậu cảnh trên từng con phố, ngõ hẻm, nơi tập trung những người giàu có, lắm tiền nhưng luôn coi khinh người lao động nghèo. Cuộc sống nay đây mai đó vô cùng cơ cực, chật vật, nhục nhã nhưng Nguyên không sợ, không ngại. Anh chỉ day dứt một điều là tại sao mình cứ phải lăn lộn ngoài đường kiếm sống cho qua ngày mà không thể làm giàu chính nơi mình đã gắn bó suốt quãng đời thơ ấu? Ở đó có gia đình, làng xóm, có những con người đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn nhếch nhác, đói khổ bởi không biết và không dám làm giàu.
 
Nghĩ thế nên anh quyết định gom góp vốn liếng đã tích luỹ được trong nhiều năm để trở về quê vào một ngày đầu năm 1997. Anh hiểu rằng, trong tư tưởng bao đời của người dân quê, đã đi làm ăn xa mà trở về tay trắng sẽ bị mọi người xì xèo, nhục nhã vô cùng. Còn ở quê mà làm giàu được thì không chỉ giúp cho mình khấm khá hơn mà còn giúp cho bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm để cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
 
Đã có rất nhiều người ở những vùng quê khác thoát nghèo, giàu lên nhờ mô hình trang trại, mô hình VAC mà hàng ngày vẫn được nêu tên trên các đài báo. Anh khao khát làm được như họ. Tại sao không cơ chứ, khi mà anh cũng có đủ trong tay sức khoẻ, khát vọng làm giàu và những bài học kinh nghiệm được tích luỹ từ những năm tháng mưu sinh nơi đất khách quê người. Anh cũng đã có chút vốn liếng giắt lưng và bây giờ chỉ còn tính xem sẽ phải làm gì nữa. Nhưng biết làm gì ở cái làng miền núi heo hút toàn đồi núi, đá sỏi này? Hàng ngày, nhìn những người dân phải gồng mình lên để hứng chịu bụi bặm, để nạy đá, phá đá, khuân đá… nhưng thu nhập thì chẳng đáng là bao, không đủ để bồi dưỡng, để bù đắp cho sự tiêu hao sức lực của mình, anh buồn lắm. Anh không thể làm như họ được. Nuôi vài chục con dê thì lời lãi chẳng đáng gì… Cứ suy nghĩ, trăn trở nhiều như vậy nhiều ngày đêm. Nguyên một mình lang thang khắp nơi trong làng.
 
Bước chân vô tình đưa anh đến Vụng Cà như một sự sắp đặt của số phận. Anh đã reo lên khi nhìn thấy nơi này, như nhìn thấy một cơ hội mười mươi mà thiên nhiên đã ban tặng cho anh. Mặc cho mọi người ra sức can ngăn, chí đã quyết, nghĩ đã kỹ, anh quyết định lên gặp Ban chủ nhiệm Hợp tác xã để xin thuê cải tạo Vụng Cà. Mọi người không lấy làm lạ vì có bao người đã liều như anh nhưng họ vẫn nghi ngờ về khả năng của anh. Hợp tác xã Bồng Lạng đã ký ngay hợp đồng cho anh nhận thầu để cải tạo Vụng Cà từ năm 1997 mà không hề thu một đồng thuế nào, chỉ yêu cầu anh đắp cho được một con đập ngăn nước để lấy diện tích cấy lúa chắc ăn mỗi năm một vụ. Anh đã thầu được 6,5 héc-ta ở đây với thời gian 8 tháng mỗi năm: từ tháng 5 đến tháng 12 dương lịch. Đó là khoảng thời gian nước lũ bắt đầu tràn về cùng với những trận mưa rào xối xả. Gần một nửa diện tích đó, anh được trồng cấy vào thời gian còn lại của năm cùng với khu núi Cà để chăn thả dê…
 
Có được khu đồng Vụng Cà, Nguyên vay vốn đắp đập để thả cá và ngăn nước để cấy lúa. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, Vụng Cà cũng cho anh thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Như thế, đối với nhiều người ở đây đã là quá đủ cho khát vọng làm giàu của mình. Nhưng với Nguyên, anh chưa bằng lòng với những gì mình đạt được, dù đó là niềm mơ ước của của rất nhiều người. Anh trồng cây ăn quả vào những chỗ đất trống. Năm 2000, Nguyên đầu tư 5 triệu đồng để xây chuồng dê, chuồng lợn rồi mua về 13 con dê giống hết 3,7 triệu đồng. Bây giờ thì anh đã có cả một đàn dê đông đúc với 42 con.
 
Như thế mà anh vẫn chưa bằng lòng và không chịu ngồi yên nhìn Vụng Cà rộng lớn, đầy tiềm năng lại bị bỏ phí với những loại cây trồng và những giống cá không cho năng suất cao như vậy. Anh cứ trằn trọc mãi khi cho rằng mình chưa khai thác hết tiềm năng ở đây, chưa thể làm cho mọi người tin rằng, Vụng Cà thực sự rất giàu có và có thể giúp anh làm giàu.
 
Nghe nói, nhiều nơi kinh tế đang phát triển rất mạnh nhờ nuôi tôm càng xanh và cá chim trắng, trong đó có cả huyện Kim Bảng ngay bên cạnh. Anh vội sắp xếp công việc rồi lặn lội sang tận nơi tìm hiểu. Đầu năm 2001, anh xuống Trung tâm Khuyến nông của tỉnh và sang Sở Nông nghiệp để liên hệ giống của hai loại đặc sản này. Đây là hai giống mới được đưa vào nuôi trồng ở địa bàn tỉnh ta, hơn nữa, ở Thanh Liêm, anh là người nhận nuôi thí điểm đầu tiên nên Trung tâm Khuyến nông đã lập dự án đầu tư cho anh 125 triệu đồng để lấy 26 vạn con tôm giống và 3 nghìn con cá chim trắng từ Hải Phòng về với một điều kiện anh phải trả cho Trung tâm một nửa số vốn này sau khi thu hoạch.
 
Đây là một cơ hội tốt nhưng đồng thời cũng là một thách thức và là một bài toán khó cho một ông chủ trẻ thừa ý chí, quyết tâm nhưng lại thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn. Hai loại thuỷ sản này phải nuôi công nghiệp, nhất là tôm càng xanh Bốt 15 thì phải nuôi bằng cám tăng trọng nên cần khá nhiều vốn để đầu tư. Cứ một tấn tôm thu được, phải đầu tư tới 2 tấn cám với giá thành cho một kilôgam cám là 14 nghìn đồng. Thức ăn đã đắt đỏ, lại phải dùng cả thuốc kích thích cho tôm lột vỏ nhanh. Nếu tốt nước và thức ăn, thì khoảng một tuần, tôm sẽ lột xác một lần nhưng thông thường vẫn phải dùng thuốc để kích thích sự tăng trưởng của tôm vì mỗi lần như vậy, tôm sẽ lớn nhanh hơn, mỡ màng hơn, cứng vỏ hơn nên có thể chống được một số loài cá tạp còn sót lại sau khi vệ sinh ao. Cũng may, Trung tâm Khuyến nông đã cử cô kỹ sư Quý xuống tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật cho anh và cung cấp thêm những tài liệu hướng dẫn để Nguyên tự mầy mò nghiên cứu thêm.
 
Nuôi tôm càng xanh vất vả bao nhiêu, kỳ công bao nhiêu thì 4 tháng sau đến ngày thu hoạch càng cơ cực bấy nhiêu. Cả mấy tấn tôm chưa có nơi tiêu thụ. Nhìn những con tôm được chăm sóc kỹ lưỡng với bao mồ hôi, công sức, tiền của, bây giờ lại không bán được, anh càng thấy xót xa và có lúc đã nghĩ rằng mình sai. Cầm trên tay những con tôm vừa được vớt lên, con to nhất cũng được khoảng ba lạng, con nhỏ cũng được hơn một lạng mà anh cứ như bị thôi miên, mất ăn mất ngủ. Cuối cùng, theo sự mách nước của một số người, Nguyên thu xếp hành lí, lặn lội xuống tận Ninh Bình, lên tận Hà Nội rao bán lẻ trong các khách sạn, nhà hàng.
 
Cũng may, số phận đã lại mỉm cười với anh khi đây là hai mặt hàng đặc sản đang có nhu cầu cao nên tôm đã không phụ lòng anh. Người ta đã về tận đầm lấy tôm của anh với giá 82 nghìn đồng một kilôgam và 19 nghìn đồng một cân cá chim trắng. Mấy ngày đầu thu hoạch có vẻ thuận lợi khiến cho anh nghĩ đến một mùa bội thu và sự giàu có không bao lâu nữa. Nhưng số phận lại thử thách anh, khi chỉ sau mấy ngày thu hoạch, nước lớn tràn về. Con đập vốn đã cũ, lại không chắc chắn nên đất bị lở từng mảng lớn, tôm dạt đi khắp nơi. Anh phải vất vả dồn tôm lại. Thế là chỉ trong 3 ngày, anh đã mất trắng hơn 12 triệu đồng do trong quá trình dồn lại, tôm bị chết chìm khoảng 1,2 tạ, lại toàn tôm giống với giá khoảng 110 nghìn đồng một kilôgam. Vụng Cà cũng không phụ công anh, bởi dù có thất bại thì cuối cùng anh cũng thu lại được một nửa số vốn ban đầu mà Trung tâm Khuyến nông đã đầu tư cho anh. Như vậy, anh cũng đã trả đủ tiền cho Trung tâm và dù không thu hoạch được gì sau một năm trời vất vả, cực nhọc nhưng bù lại, anh cũng đã có được những bài học kinh nghiệm xương máu, những bài học sẽ giúp cho anh tự tin hơn trong những năm tiếp theo.
 
Nguyên chỉ cho tôi thấy hai con đập lớn mà anh vừa bỏ ra 28 triệu đồng để thuê hàng trăm công nhân lao động đắp nên. Một đập dài 100 mét, còn đập kia nhỏ hơn, dài 60 mét, bao lấy một nửa Vụng Cà, khoanh vùng khu nuôi tôm càng xanh lại và chia thành 3 thửa khác nhau. Một thửa dành cho tôm mới nhập về, sau vài tuần tuổi cho tôm sang thửa lớn hơn và cuối cùng cho bung ra khu đầm lớn để nuôi thúc cho nhanh được bán.
 
Anh cũng đã đầu tư trên 5 triệu đồng để quy hoạch một cái ao rộng 7 sào, vệ sinh nguồn nước sạch sẽ; một hệ thống mương nuôi tôm mới nhập về được phơi thật khô để loại bỏ hết cá tạp và được lót áo mưa rất cẩn thận. Nghĩ mãi, cuối cùng năm nay Nguyên cũng quyết định bỏ nuôi cá chim trắng, tập trung diện tích nuôi tôm càng xanh. Để có vốn bỏ vào Vụng Cà, một lần nữa, anh phải chấp nhận vay ngân hàng 50 triệu đồng với mức lãi suất rất cao: 1,1% và vay mượn thêm anh em họ hàng 30 triệu.
 
- Mình đang cần vốn mà anh – Nguyên giải thích với tôi khi nhận ra sự băn khoăn trên nét mặt tôi - Với lại, Trung tâm Khuyến nông năm nay lại tiếp tục đầu tư cho em 50% số vốn để mua giống, chứ nếu không, em cũng chẳng biết xoay sở thế nào.
- Nguyên có sợ mình lại thất bại nữa không?
- Em chỉ sợ thất bại khi chưa có kinh nghiệm, chưa có hiểu biết, chưa có đủ sự tự tin thôi. Bây giờ thì yên tâm rồi.
- Tôi thấy ngay cả khi chỉ việc vớt tôm lên bán vẫn có sự thất bại đấy thôi.
- Vụ thu hoạch đầu mà anh. Em đã phải đi học ở rất nhiều nơi về quá trình thu hoạch tôm, anh ạ. Mới đầu phải tìm hiểu mô hình ở một số huyện ven biển có nuôi tôm ở Thái Bình. Sau đó đi Hải Lý, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Tam Điệp (Ninh Bình) để học hỏi thêm. Em đã học được cách đánh bắt tôm bằng đèn chứ không như năm ngoái, không biết làm vừa không hiệu quả, vừa mệt. Tôm thích ăn đèn nên khi thu hoạch chỉ việc làm nhiều đăng quây lại, mỗi đăng treo một chiếc đèn chai để nhử tôm. Cách đánh bắt này rất hiệu quả và thu hoạch được khoảng 90%, số tôm còn lại sẽ quét đầm bằng lưới thưa để bắt nốt.
 
Nhìn Nguyên say sưa kể về những kinh nghiệm đã học được qua vụ tôm vừa rồi, tôi chợt thấy thích thú vô cùng khi nghĩ đến đêm thu hoạch tôm. Cả đồng Vụng Cà treo vô số những ngọn đèn chai lấp lánh như mở hội hoa đăng. Ánh mắt sáng niềm tin của Nguyên đã giúp tôi hiểu hơn nỗi cơ cực, vất vả của một thanh niên nông thôn đã phải già đi rất nhiều so với tuổi 26 của mình, đã giúp tôi thấm thía hơn những khát khao được đổi đời trên chính mảnh đất quê hương của một người đã phải nhiều năm bôn ba đi tha hương cầu thực. Giá như có trong tay những điều ước có thể trở thành hiện thực, tôi sẽ giúp anh. Nhưng hơn bao giờ hết, tôi hiểu rằng, tự anh, anh cũng có thể đạt được những điều mình mơ ước mà không cần phải dựa vào ai, nhất là khi nghe anh tự tin khẳng định rằng, vụ tôm này, anh sẽ thu được hơn 4 tấn.
- Chỉ có một mình mà anh làm được tất cả mọi việc ở đây sao?
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Nguyên cười:
- Không. Cả vợ em nữa chứ. Em đã lấy vợ từ năm 1998 và đã có một cháu rồi. Những ngày cao điểm, vợ chồng em cũng phải thuê từ 10 đến 15 lao động.
 
Vợ chồng anh đã cải tạo Vụng Cà với mong muốn tạo ra được nhiều việc làm như thế. Hiện tại, đã có mấy người trong làng đến học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chim trắng và tôm càng xanh khiến anh vui lắm. Như vậy, mọi người trong làng đã tin là anh có thể làm giàu đươc ở đây. Người dân quê bao giờ cũng hồn hậu như thế và họ chỉ thực sự tin vào những gì họ nhìn thấy thôi. Anh sẵn sàng chỉ bảo tận tình những điều mình học được, những kinh nghiệm anh đã đúc kết sau những lần thất bại và sẵn sàng giúp đỡ về nơi mua giống, về thị trường tiêu thụ. Anh mong muốn mọi người cũng có thể làm giàu được như anh, dám nghĩ dám làm để vượt qua cảnh nghèo đói đã đeo đẳng bao đời.
 
Thanh Nghị, Thanh Liêm, 3 – 2002
 
Hoàng Trọng Muôn
(In trong Mùa hoa lộc vừng - Tập Ký và Tản văn – NXB Thanh Niên, 2007)
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9