THU DẠ LỮ HOÀI NGÂM -ĐINH NHẬT THẬN
phantien 25.07.2010 19:37:16 (permalink)
THU DẠ LỮ HOÀI NGÂM
( Khúc ngâm đêm thu của người lữ thứ)
--------------------
                                                      Đinh Nhật Thận

          Đinh Nhật Thận, tự Tử Quý, hiệu Bạch Mao Am, sinh năm Ất Hợi 1815, mất năm 1886, người làng Thanh Liêu, nay là xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ôngđỗ đầu hàng tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838) niên hiệu Minh Mệnh thứ 19, được triều đinh bổ làm tri phủ, tuy nhiên, sau một thời gian thì ông bị cách chức không rõ nguyên nhân.
          Năm 1843 được phục chức nhưng ông cáo bệnh không nhận. Tính tình ông phóng khoáng, thích làm thuốc, làm thơ giao du đây đó, lấy việc kết thân bạn hữu gần xa làm trọng. Ông là bạn chí thân của Cao Bá Quát (Bắc Ninh) và Nguyễn Hàm Ninh (Quảng Bình). Sau cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương của Cao Bá Quát, ông bị liên luỵ, triều đình bắt giữ và kiềm chế gắt gao. Biết ông là người học rộng tài cao nên Tự Đức quyết giữ ông lại trong cung, trước là để kiềm tỏa, sau là nhờ ông dạy cho các hoàng tôn.
          Sống  cảnh gò bó, chán chường, lúc nào ông cũng mang nặng nỗi lòng nhớ cố hương. Vào một đêm thu thanh vắng, độc ẩm, tức cảnh sinh tình, ông viết một mạch “Thu dạ lữ hoài ngâm ”. Khúc ngâm dồn nén tất cả những tâm tư tình cảm với gia đình, với quê hương xứ sở. Tác phẩm  được truyền tụng đến  tai vua. Vì mến phục tài đức của một nhân cách cao thượng, vua Tự Đức đã  hạ chỉ tha cho ông.
          Thu dạ lữ hoài ngâm được sáng tác là tác phẩm có ý nghĩa quan trọng làm nên tên tuổi Đinh Nhật Thận trong lịch sử văn học Việt Nam. Tác phẩm có 136 câu chữ Hán. Bản chúng tôi in ở đây, tương truyền do tác giả tự dịch.
          Thu dạ lữ hoài ngâm là tình thương nhớ quê hương, gia đình của một người bị bắt giam vô cớ, mặc dù ở giữa kinh đô nhưng lòng luôn luôn trống trải, lãnh lẽo và xa lạ.
          Thu dạ lữ hoài ngâm còn là khúc ngâm đặc biệt độc đáo vì tính chất thể loại của nó. Tác phẩm chữ Hán nhưng lại  được viết bằng thể song thất lục bát- một thể thơ hết sức thuần Việt và có ưu thế trong việc giãi bày tâm trạng.
          Chọn in Thu dạ lữ hoài ngâm vào " Thanh Chương, Xưa và Nay", chúng tôi mong muốn bạn đọc được tiếp xúc  trọn vẹn với một tác phẩm của một nhà thơ tài hoa của quê hương mà cuộc đời và sáng tác của ông đã đi vào công chúng như những huyền thoại.
                                                                                      BBT
 
(Bản phiên âm chữ Hán)
 
Thu dạ tĩnh thiên quang ẩn ước
Cách sở liêm đạm chước kim lôi
Thiên thời nhân sự tương thôi
Phù sinh nhược mộng kỷ hồi vi hoan?
Nhân đối cảnh hoa gian nguyệt chiếu
Cảnh liêu nhân, thọ diếu phong xuy
Giá ban liệu thiểu nhân tri
Nhàn lai phong nguyệt  dữ thuỳ vi thu?
 
Thi tứ tuyệt di du nhã ái
Tửu tam bôi tiêu sái li hoài
Đăng tiền độc đối thư trai,
Thương tâm khách địa hữu hoài cổ nhân!
 
Hương thuỷ ngoại hốt văn ngư vận
Tùng hà lai trạo tấn giang biên?
Bồi hồi nguyệt dạ sương thiên,
Hàn sơn cánh nhận khách thuyền cánh phi.
 
Khúc giang thuỷ, hà thì Đại Đỗ?
Nhất cô châu hệ cố viên tâm
Thời lưu bát thủ thi ngâm
Linh nhân lữ tứ chuyển thâm hương tình.
 
Tích ngã vãng thanh thanh liễu nhứ,
Lưỡng tam thanh sơ ngữ hoàng oanh
Nhi kim cúc dĩ hàm anh
Liếu âm đình ngoại hàn minh lưu thiền.
 
Tích ngã khứ phiên phiên đào kiểm,
Lưỡng tam chi sơ chiếm đông phong,
Nhi kim lan dĩ thành tùng,
Đào yêu hiên ngoại lạc tòng hàn sương.
 
Hồ vi hồ thê lương khách xá?
Nhật ưu du kỷ cá quan đồng!
An năng dạ dạ thư phòng?
Ba tiêu khấp lộ, côn trùng minh thu.
 
Hồ vi hồ di do lữ quán?
Tuế thoan tuần dĩ bán sương yên!
An năng mộ mộ tây hiên?
Phong dao đình trúc, nguyệt huyền ốc lương.
 
Bất thị tố hà lang đầu bút
Tương trung can vị quốc tùng quân.
Thử thân không tự phong trần,
Toạ trung hư thị tẩm thần đồ văn!
 
Bất thị tố hà nhân phủng hịch,
Tương hiếu tâm ly thích tùng quan
Tha hương hà sự bàn hoàn?
Bạch vân phi xứ mẫu đan khai thần.
 
Kim nhật tự hải tần viễn cố,
Nhật khinh phàm trực độ quy lăng.
Hương hồn phất phất như tăng,
Trực phàm hốt dĩ phá từng từng ba.
 
Minh nhật tự sơn gia viễn thiếu,
Phiến cô vân đái hiểu phù không.
Hương tâm niểu niểu như bồng
Tuỳ vân hốt dĩ quá trùng trùng san.
 
Hà xứ thị hương quan nhạn tín
Du tai nan tả tận tâm tình
Dạ văn Diệu Đế chung thanh
Hải môn cổ hưởng Ngự thành pháo thôi.
 
Giang khúc khúc trường hồi khúc khúc,
Cảnh du du dạ phục du du.
Tiêu điều quán lữ đình thu
Lân gia thung chữ, giang đầu tạo thanh.
 
Ta khách địa vu oanh tâm sự,
Thán khuê nhân tình tự khả liên.
Canh thâm đăng diệt án tiền
Hàm tình yểm phiến không huyền nguyệt minh.
 
Cô chẩm lý tam canh ngụ mị
Phiến u hoài thuỳ thị vi lân?
Tình đầu dạ bán vô nhân.
Thuỵ lai báo điệp, tỉnh thần minh kê.
 
Hữu thời hoặc hương khưê tịch chiếu
Hạ đường lai dục tạo hoa lâu.
Hốt kinh yến tráp nê sào
Loan tu chiếu kính phượng sầu lại sơ.
 
Hữu thời hoặc chức cơ dạ tĩnh
Hô đồng lai, sơ chính đăng minh
Hốt văn nhạn độ giang thanh
Cơ dung túc đạp, thoan đình thủ phao.
 
Khả lân dạ phần cao đạt đán
Dạ trầm trầm bất kiến giai âm
Trịch thoan vọng vọng đình âm
Sương hàn tất suất thỉnh ngâm thanh sầu.
 
Vọng bất kiến du du ngã độc
Cố khuê môn tái phục ngôn hoàn
Thính gia kê xướng tây lan
Hàm tình ỷ kỷ khiêu tàn cô đăng.
 
Khả lân nhật đăng đình tự tảo
Nhật tà tà bất đáo hồi thư
Lãm y bộ bộ khang cù
Thiền minh dương liễu đái sầu mi khan.
 
Vọng bất kiến phiên phiên ngã độc
Cố cầm hiên cưỡng dục vi tình.
Hốt chiêm điệp hí lan bình
Hàm thê xuyên cược phục hành tây viên.
 
Kim tất vị thu thiên tĩnh hảo,
Ngã lương nhân tương đáo qui kỳ
Hoàng tri thế lộ nghiêu khê!
Quan sơn thiên lý vị kỳ hạt lai!
 
Kim tất vị ngã ly vĩnh cửu
Tự Trường An hoặc bão khâm trù.
Phong tình quán tự phong lưu
Phồn hoa thần hữu hoàng châu đế thành.
 
Cầu phi hữu nhân tình dã  giả
Hồ nhi xuân nhi hạ nhi thu
Do lai tử các hồng lâu
Anh hùng bất trú trượng phu nan trì.
 
Như thử giả, thuỳ tri chi giả?
Yên ba trung sử ngã tâm sầu!
Ngang tàng khởi thiếu niên du
Phong lưu cựu thái, giang hồ cố gia.
 
Lữ cảnh mỗi tùng nga lý thống
Hương hồn không hướng mộng trung du
Giang sơn khách diệc tri hồ
Tình trung cánh thiết lộ đồ gian nan.
Tuy viết dĩ tảo tần phụ sự,
Nội tề gia thượng  tự tổ tiên.
Giản mao hoàng thuỷ vi kiền,
An tri chủ quỹ năng hiền phụ nhân.
 
Khả tri giả thập phần gia ấu,
Nhất môn trung cộng bảo vô nguy.
Biệt thời chính tại hài nhi
Niên lai tưởng dĩ phát thuỳ nha sinh.
 
Khả ái giả kỳ huynh chi tử
Niên thập tam, thập tứ trung lai
Ngô huynh diệc viết hạnh tai
Để kim vị giác thuỳ khai học đường.
 
Khả tư giả đồng song nhị khế
Chi lan hương tế tế do văn
Mã bôi tự ấp khinh trần
Vị thành thử hậu cố nhân diệc từ.
 
Bất tri hậu Bắc kì khởi phỉ
Nhị ngô huynh dĩ vị hồi thần
Ta tai đồng bệnh tương lân
Nhất Tiêu Tương, nhất hướng Tần, nhất phương.
 
Tương hà nhật cánh tương đối ngữ
Tự khuê tình hựu tự khách trung
Nhi kin thu nguyệt thu phong
Thu ngâm thu ẩm tình trung giả thuỳ?
 
Đối ly cảnh lệ thuỳ song nhãn,
Cố hương quan lộ hoạn trùng san,
Tửu tàn độc ỷ lan can
Giác lai nhãn khán dạ hoàn thê lương!
 
 
 
 
 
 
 
 
Bản dịch ( Tương truyền tác giả tự dịch)
 
Đêm thu lặng, bóng trời thấp thoáng
Cách rèm thưa chuốc chén kim lôi
“Thiên thời nhân sự tương thôi”
Kiếp chiêm bao dễ mấy hồi hân hoan?

Người đối cảnh, hoa gian trăng tỏ
Cảnh trêu người ngọn gió rung cây
Nỗi niềm ai biết chăng ai?
Cùng ai trăng gió đêm này với thu?

Thơ nhã ái, bốn câu buông vận
Rượu ly hoài ba chén làm khuây
Trước đèn trong chốn thư trai
Chạnh lòng đất khách, nhớ người đời xưa.

Ngoài Hương thủy tiếng ngư văng vẳng
Thuyền từ đâu chèo thẳng bên giang?
Lờ mờ đêm nguyệt trời sương
Thuyền ai tưởng khách non Hàn, lại không!

Khúc giang thủy nhớ ông Đại Đỗ
Buộc con thuyền lòng cũ bơ vơ[1]
Hứng thu đề tám bài thơ
Xui người đất khách ngẩn ngơ tình làng

Xưa ta đi liễu đang xanh thế
Chim hoàng anh thỏ thẻ ba câu.
Bằng nay cúc đã hoa thâu
Liễu kia nghĩ cũng âu sầu vì ve.

Xưa ta đi đào khoe tiếu kiểm
Ngọn đông phong mới điểm ba hàng
Bằng nay lan đã chồi sương
Đào non nghĩ cũng võ vàng vì thu

Làm chi vậy buồn rầu đất khách?
Ngày quán đồng mượn thích làm khuây
Có đêm nương bóng hồi tây
Tiếng sương khóc lá hơi may gọi trùng

Làm chi vậy lạnh lùng quán lữ.
Năm, sương yên hết nửa đi rồi
Có đêm ngồi nhẫn thư trai
Gió lay bên trúc, nguyệt cài trên lương.

Nào có phải như chàng ném bút
Vì vua mà đồng mác cho cam?
Luống đem thân thế cát lầm
Thấy, ngồi hổ mắt, nghe, nằm thẹn tai!

Nào có phải như ai vâng hịch
Vì thân mà xa cách cho xong?
Bỗng không cách địa bình bồng.
Trông mây lại nhớ, xem bông lại buồn.
 
Ngày nay đứng trông miền bể rộng
Một cánh lá buồm thẳng gióng về cồn.
Lòng quê đâu đã cuồn cuồn
Phút theo buồm vượt mấy ngàn sóng khơi.

Ngày mai đứng trông nơi non thẳm,
Một làn mây sớm ngắm trên không.
Lòng quê đâu đã bồng bồng.
Phút theo mây kéo mấy trùng non xa

Trông tin nhạn biết là đâu tá?
Tâm tình này ai tả cho nên?
Đêm, chùa Diệu Đế chuông rền
Trống vang cửa biển, súng rên thành vàng
 
Sông quằn quại ruột càng quằn quại.
Cảnh đìu hiu đêm lại đìu hiu.
Lữ du ai chẳng tiêu điều?
Tiếng chày trong xóm, tiếng chèo ngoài sông!...

Thân đất khách não nùng tâm sự,
Thương người quê tình tự bây giờ.
Đêm khuya cơn tỏ cơn mờ,
Gẫm tình che quạt luống chờ bóng trăng.

Năm canh những mơ màng trên gối,
Mảnh tình riêng biết nói cùng ai?
Thương thay đêm vắng không người,
Ngủ thời bướm báo, dậy thời gà kêu.

Hoặc có lúc bóng chiều trong khổn,
Bước xuống thềm, lại muốn lên lầu .
Phút nghe con én kêu sầu,
Lược rầu tóc chải, gương rầu mặt soi.

Hoặc có lúc đưa thoi đêm tối,
Gọi con tì vừa tới điểm đăng.
Phút nghe tiếng nhạn khơi chừng,
Máy lơi chân đạp, thoi ngừng tay đưa.

Thương thay có đêm chờ nửa gối,
Đêm gần qua, chẳng thấy thư về.
Gác thoi ra đứng bên hè,
Tai nghe tiếng dế rè rè khóc sương.

Trông chẳng thấy, chán chường than thở,
Đoái phòng khuê muốn trở gót giầy.
Gà ai eo óc hồi tây?
Gẫm tình dựa gối liền tay khêu đèn.

Thương thay có ngày nhìn sáu khắc
Ngày gần tàn chẳng gặp thư sang,
Xuống thềm, ra đứng bên đàng
Mày sầu lá liễu hàng hàng khóc ve.

Trông chẳng thấy, lại về đứng đợi,
Đoái cầm hiên toan gợi ngón đàn.
Bướm đâu trêu cợt bình lan?
Buồn tình mang dép ra vườn hái hoa.

Rày hẳn bảo: "Trời đà mát mẻ,
Lương nhân ta có lẽ gần về..."
Biết đâu đường thế nghiêu khê
Dặm ngàn hồ dễ đi về cho năng?

Rày hẳn nói mình chừng lâu ở,
Ôm chăn mền hoặc đã có người?
Phong lưu tính đã quen rồi,
Phồn hoa lịch sự lại mùi Tràng An!
 
Nếu chẳng thế, bàn hoàn chi mãi,
Hết xuân rồi, hạ lại sang thu?
Lầu hồng cung cấm ấy ru?
Anh hùng lại với trượng phu ai từ?

Như thế ấy, bây giờ, ai biết?
Trông yên ba khôn xiết dạ sầu.
Há còn trai trẻ chi đâu,
Phong lưu thói cũ, giang hồ lối xưa.

Cảnh du lữ câu thơ thổn thức,
Bóng hương quan trước mắt mơ màng
Non sông khách có biết chăng?
Vẫn tình thì nhớ nhưng đường thì khơi.

Tuy rằng nói đã người tần tảo,
Trên tôn đường, trong đạo tề gia.
Rau khe nước suối cũng là,
Mình xa chẳng biết ở nhà làm sao?

Duy biết trẻ đứa nào đứa nấy,
Trong gia đình đều thấy yên vui.
Lúc đi trẻ mới hay cười,
Tóc răng nay đã ra người lớn khôn.

Vài thằng cháu trời thương cũng khá,
Tuổi năm nay chừng đã trưởng thành.
Phúc nhà mừng trộm cho anh,
Năm nay biết đã học hành cùng ai?

Bạn đèn sách một hai tri thức,
Mùi lan chi sực nức một nhà.
Từ phen cất chén quan hà,
Vị thành lúc ấy rồi mà Dương Quan.

Sau chẳng biết ngoài miền Bắc động,
Hai anh ta có chóng hồi hương?
Than ôi đồng bệnh cùng thương,
Một Tần, lại một Tiêu Tương một trời.

Đến bao giờ cùng ngồi kể chuyện,
Kể hương tình cho đến khách trung.
Mà nay nào nguyệt, nào phong,
Nào thi, nào tửu biết cùng ai hay.

Sầu li biệt tuôn đầy hai mắt,
Bóng hương quan xa khuất dặm ngàn.
Rượu rồi ngồi dựa lan can
Chiêm bao tỉnh giấc đêm tàn về thu...
         
      ( Theo Hán văn tinh tuý-NXB TP Hồ Chí Minh-1992)
 

[1] Đỗ Phủ- nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Một buổi chiều trên sông Khúc, làm tám bài Thu hứng, trong đó có câu: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô châu nhất hệ cố viên tâm ( Tùng cúc vài phen tuôn lệ cũ / Con thuyền buộc chặt mối tình nhà). Đinh Nhật Thận đã mượn câu thơ trên của Đỗ Phủ
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2010 19:40:00 bởi phantien >
#1
    phantien 25.07.2010 19:41:32 (permalink)
    Tôn Gia Các
                Giáo sư Tôn Gia Các, dạy học tại Hà Nội, quê Võ Liệt, người luôn một tâm hồn bình thản, vui vẻ,  lạc quan. Nghe nói, từ 60 tuổi, mỗi năm ông làm một bài thơ Di chúc. Đến năm 66 tuổi thì ông mất. Trộm vía ông, chúng tôi xin đăng bài thơ truyền khẩu  này. DI CHÚC 2
     
    ( Thơ vui)
    Chắc rằng cha sắp “quy tiên”
    Bởi cha đến tuổi “tri thiên mệnh” rồi
    Mặc dầu sức khỏe còn dồi
    Nhưng mà sống chết, số trời biết đâu
    Nay cha dặn lại mấy câu
    Khi cha chết, cứ như sau mà làm:
    Thấy cha thẳng cẳng, chỉ nằm
    Để bông vào mũi, không còn bay bay
    Mấy thằng phải phóng đi ngay
    Báo cô Thu biết cha mày hết hơi
    Một thằng phi xuống chợ Giời
    Mua cha cỗ ván, rộng dài bằng cha
    Mua xong chở thẳng về nhà
    Thằng đầu, thằng cẳng, khênh cha bỏ vào
    Các con đừng khóc, đừng gào
    Cha chết là phải, sống nào ích chi
    Cỗ bàn bày biện làm gì
    Chúng mày không đói, cha thì nghỉ ăn
    Cũng đừng mũ, mấn, áo khăn
    Mỗi thằng một mẩu khăn tang được rồi
    Đừng nên bắt chước mọi người
    Khịa ra trướng đối, lôi thôi phiền hà
    Mai táng phí, lĩnh cho cha
    Làm sao tính toán tiêu pha cho vừa
    Cũng nên lưu ý phòng ngừa
    Nếu bệnh truyền nhiễm thì đưa đi liền
    Mẹ mày cùng với o Tiên
    Tuổi già lắm bệnh chớ nên khóc nhiều
    Ông mày chắc sống còn lâu
    Phải giữ sức khỏe mới hầu được ông
    Cha chết đi, rất yên lòng
    Ngậm cười chín suối, cha không hận gì
    Từ nay thôi hết thị phi
    Đổi mới, bảo thủ, kiểu gì cũng xong
    Văn chương chôn chặt ngoài đồng
    Tung hê, hồ thỉ, tang bồng mặc ai
    Nhưng mà có lẽ con ơi
    Phải xin bác Mạnh một bài điếu văn
    Khi truy điệu đọc một lần
    Đến khi hạ huyệt, nếu cần đọc thêm
    Nghe người, con hiểu cha hơn
    Rằng cha cũng chẳng “tầm thường” lắm đâu
    Người ta sẽ nói có câu
    Rằng “cha cống hiến rất lâu, rất nhiều”
    Rằng “cha đáng kính yêu”
    “Cha chết- tổn thất không sao đền bù”
    Nghe văn con chớ gật gù
    Văn cho người chết bao giờ cũng hay!
    Các con ơi! Thôi từ nay
    Âm dương cách biệt, chúng mày thiếu cha
    Chúng mày sẽ mở mắt ra
    “Trăm năm trong cõi người ta” nhọc nhằn
    Dễ gì kiếm được miếng ăn
    Cha còn sống, nói bao lần chẳng nghe
    Phận cha sống gửi, thác về
    Thiên đường, địa ngục âm ty mặc dầu!
    Đời cha chẳng thiết sống lâu
    Các con ơi! đấy là câu cuối cùng!
     
    #2
      phantien 25.07.2010 19:43:02 (permalink)
      Trần Nghệ
       
      GIÁ MỘT MÉT VUÔNG ĐẤT TRÊN TỔ QUỐC MÌNH
                                            Kính dâng hương hồn đồng đội
      Thời nay!
      Những kẻ hốt được "tiền chùa"
      Những cái đầu hãnh tiến
      Giương giương tự đắc
      Vênh váo! Trước mặt mọi người
      Gặp nhau: ồn ào bàn tán...
      Một m2 đất: Mấy cây? Mấy chỉ?
       
      Tôi tính mét vuông  đất
                                          bằng
                                                      máu- người- chiến- sỹ
      Đồng đội tắt thở
                              trên tay
                                          giữa Sài Gòn
                                          Trước rạng đông thành phố
      Mỗi  m2  đất
                              thấm tràn       
                                          Máu đỏ!
      Tháng tư này biết bao em nhỏ
      Thắm đỏ khăn quàng trong gió mai
      Đạp mi-ni trên những phố dài
      Anh nói cùng em- lời thương mến nhất...
      Giá mỗi m2  đất. Tổ quốc mình đây
      Lớn lên, em
                              - Chớ tính: Bằng cây
                                                                   bằng chỉ
       
      Quý vô giá: Máu triệu người-chiến-sỹ
      Không thể mua: máu đồng chí, đồng bào.
                  ( Rút từ: Mùa vải chín-NXB Nghệ An- 2010)
      Nhà giáo (đã nghỉ hưu), quê Thanh Hưng
      #3
        phantien 25.07.2010 19:44:22 (permalink)
        Nguyễn Lâm Cẩn*
        MƠ HẦU RƯỢU CỤ TẢN ĐÀ
        Rượu ư ?
        Mấy chén cỏn con
        Không người đối ẩm
        Rượu ngon bằng thừa.
        Xin hầu cụ uống say sưa
        Trời cao
        Nắng!
        Phận thấp
        Mưa!
        Xá đời!
        Uống cho cô độc thành đôi
        Đau thì dốc cạn
        Buồn trôi vào lòng!
        Thơ ư ?
        Xin cụ mấy dòng
        Đem rao ngoài chợ thêm đồng rượu khê
        Cái ngông ư cụ?
        Đem về
        Ủ men tôi cất vào be giải sầu
        Cái tình mau ngấm, say lâu
        Chát!
        Tom!
        Tom!
        Chát!
        Cô đầu cụ ơi!
        Chùa Hương rau sắng già rồi
        Giang hồ quảy gánh.
        Về thôi!
        Cạn ngày.
        Xin hầu cụ uống cho say
        Nay tôi
        Xưa cụ
        Đắng cay dồn vào.
        ( Rút từ Đêm trắng-NXB VHDT)
         
        #4
          phantien 25.07.2010 19:45:48 (permalink)
          Trịnh Phương Hà*
          HOÀI NIÊM ĐỒNG LÀNG
           Ta vẫn quen ngửi mùi rơm rạ
          Khói đốt đồng vẫn ngan ngát đâu đây
          Những ruộng đã xoay mùa chuyển vụ
          Thì còn đâu bát ngát cánh đồng xưa.
           
          Trách chi nữa... đầu ta sương trắng phủ
          Trở về làng phố đã kẻ thành ô
          Ta đã đi như trốn làng quê cũ
          Giờ về mơ gốc sung cũ ao nhà.
           
          Em đâu nữa... đuôi sam bờ ruộng vắng
          Cỏ may khâu sao kịp váy ngang đùi
          Làng với em đây...đâu mùa thu cũ
          Rạ rơm kia hết chỗ cháy rồi ư?
           
          Không cưỡng nổi đồng làng đành chấp nhận
          Những ngôi nhà ngạo nghễ mọc trên lưng
          Nhưng mùa thu ơi! Khói đốt đồng vẫn toả
          Trong hồn người xưa cũ  của quê hương.
          ( Rút từ Một mình với mùa thu-NXB Nghệ An-2007)
          * Quê Thanh Ngọc, công tác tại Hà Nội(tác giả đã mất)
          #5
            phantien 25.07.2010 19:48:20 (permalink)
            Lê Huy Mậu*
                        KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
            Ngỡ như người đã hát thay tôi
            Ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
            Tuổi thơ ơi!
            Quá nửa đời phiêu dạt
            Ta lại về
            Úp mặt vào sông quê
            Như thuở nhỏ
            Úp mặt vào lòng mẹ
            Để tìm sự chở che
             
            Xin bắt đầu từ hạt phù sa
            Ta cúi nhặt tình cờ bên sông tháng chạp
            Ôi! phù sa
            Những cá thể tự do trong hành trình của đất
            Đêm nao chớp bể mưa nguồn
            Trong cơn thác lũ
            Trong sóng đỏ
            Đất đi
            Kiến tạo
            Sinh thành…
            Em ơi!
            Quả ớt cay bổi hổi
            Trên bãi sông
            Thuở chưa dấu chân người
            Anh nghe nói có một thời
            Tất cả còn hoang dại
            Tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi
            Lại nghe nói
            Thuở ta chưa biết ăn gì cả
            Ta cùng cây cỏ sinh đôi
            Rồi cây cỏ ăn ta
            Rồi ta ăn cây cỏ
            Cũng là khi đắng cay ngọt bùi
            Ta và đất kết giao
            Lấy dòng sông làm thời thế non nước
            Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
            Mà đất lở sông ơi!
            Nơi ta chăn trâu, thả diều ngày cũ đã đâu rồi
            Hạt đất quê ta
            Giờ đã bồi về đâu chẳng biết
            Có làng xóm nào sinh
            Từ hạt đất bờ sông quê ta lở
            Như cuộc đời ta khuyết hao
            Để đắp bồi rồi rờ rỡ
            Những sớm má hồng ríu rít cháu con ta
            Này dòng sông
            Ai đã đặt tên cho sông là sông Cả
            Thế và
            Ai đã gọi sông Cả là sông Lam
            Ta đơn giản chỉ gọi là con sông
            Quê hương
            Tháng ba
            Phù sa sóng đỏ
            Cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
            Tháng năm
            Ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
            Tháng chín
            Cá lòng bong
            Ta thả câu bằng mồi con giun vạc
            Tháng chạp
            Ta nếm vị heo may
            Trên má em hồng…
            Để rồi ta đi khắp núi sông
            Ta lại gặp
            Tháng ba, tháng năm… tháng chạp
            Trong vị cá sông
            Trên má ai hồng
             
            Này dòng sông
            Ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
            Phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
            Sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
            Mẹ thuê ta một xu bánh đa vừng
            Ta ngoan hết một ngày
            Ta ngoan suốt cả năm
            Ta thương mẹ đến trọn đời ta sống
            Quê hương ta nghèo lắm
            Ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
            Ta mổ lợn
            Con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
            Cá dưới sông cũng có tết như người
            Trên bãi sông
            Ta trồng cây cải tươi
            Ta ăn lá
            Bướm ong thì hút mật
            Lúa gặt rồi- còn rạ, còn rơm
            Trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh
             
            Cùng một bến sông
            Phía dưới trâu đằm
            Phía trên ta tắm
            Trong kí ức ta
            Sao ngày xưa yên ổn quá chừng!
            Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng…
                  * Quê Thanh Tiên, công tác ở Ban Tuyên giáo Bà Rịa- Vũng Tàu
            #6
              phantien 25.07.2010 19:49:52 (permalink)
              Lê Văn Bằng*          
               
                          Hát với sông Giăng
              Trên bản đồ Tổ quốc
              Sông Giăng không có tên
              Với tình người xứ sở
              Sông Giăng không thể quên.
              Nguồn cao từ Trường Sơn
              Qua Con Cuông góp nước
              Cửa Vều rồi Lộp ốp
              Xuôi Hàn qua Đá Gân.
              Hợp với nước Rào Con
              Sông Giăng làm Thác Muối
              Một cái tên chờ đợi
              Náo nức người  Hạnh Lâm
              Về Chợ Chùa rất gần
              Sông biết dòng sắp trọn
              Trong xanh và chầm chậm
              Ôm Phong Hoa vào lòng!
              Tổ quốc biết sông Hồng
              Kể từ thời dựng nước
              Ôi sông Giăng thân thiết
              Ta biết tự khi nào?
              Lán trại người dựng đầu
              Chợ Giăng chợ Chùa đó?
              Cao một hòn Rú Ná
              Gợi cái thuở hồng hoang.
              * Nhà giáo,  quê Phong Thịnh
                          ( Rút từ Hát về sông Giăng- NXB Nghệ An)
              #7
                phantien 25.07.2010 19:51:50 (permalink)
                Nguyễn Bùi Vợi*
                            TIẾNG  NGHỆ
                Cái gầu thì bảo cái đài
                Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
                Chộ tức là thấy mình ơi
                Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
                Thích chi thì bảo là sèm
                Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
                Cá quả lại gọi cá tràu
                Vo troốc là bảo gội đầu đấy em...
                Nghe em giọng Bắc êm êm
                Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
                Răng chưa sang nhởi nhà choa
                Bà o đã nhốt con ga trong truồng
                Em cười bối rối mà thương
                Thương em một lại trăm đường thương quê
                Gió Lào thổi rạc bờ tre
                Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
                Chắt từ đã sỏi đất cằn
                Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
                * Quê Cát Văn, nhà thơ đã quá cố.
                           
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9