RE: MÙI QUÁ KHỨ - dành cho người già
-
29.07.2010 16:20:50
MÙI QUÁ KHỨ (TT - 3)
Chuyện không có gì eo sèo đó sẽ thực sự tồn tại nếu như không có một ngày, một ngày quan trọng đối với gia đình tôi lúc bấy giờ, ngày mà Ủy ban xã cho dời kho thương nghiệp sang nơi khác, trả lại nhà cho gia đình tôi, Mặc dù ngôi nhà đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp do sau một thời gian dài chứa muối, mắm, cá khô; vẫn là một chỗ tốt hơn nhiều so với việc cả gia đình năm người chen chúc trong căn bếp nhỏ xíu.
Gia đình tôi hân hoan dọn dẹp lại mái ấm thân yêu của mình, đồ đạc trong nhà thì đã biến đi từ hồi nào, cái tủ thờ từ thời ông cố tôi để lại nghe đâu hân hạnh được làm bàn thờ nhà ông Chủ tịch, bộ ván ngựa 4 tấm cẩm lai hình như trôi dạt qua nhà chị gái Chương, bộ bàn ghế cẩm ba tôi rất qúy hình như đi xa đâu tuốt xóm trên, còn lại giường, tủ, bàn ghế vớ vẩn thì không biết ở đâu mà kể. Dù sao chúng tôi cũng còn lại cái xác nhà và miếng vườn, kể ra cũng vẫn còn phúc đức lắm.
Tôi vẫn đêm đêm đến lớp học bình dân, thường xuyên có Chương đi về cùng dù cách nhau một đoạn. Anh luôn giữ một khoảng cách với tôi trong cuộc sống, nhưng đôi khi tôi có cảm giác luôn bị cái bóng của anh bao phủ. Càng ngày tôi càng ít nói hơn, giữa hai chúng tôi ngày thêm kiệm lời. Nhưng trong giờ học tôi luôn né tránh ánh mắt của Chương mỗi khi cái nhìn thiêu đốt của anh làm má tôi nóng bỏng. Đôi khi tôi nghĩ tôi với Chương thật lạ, bao nhiêu cái líu lo, nhí nhảnh ngày xưa giữa chúng tôi trong một thời gian ngắn đã biến đâu hết, chỉ còn sót lại ánh mắt và sự im lặng triền miên.
Ở đời có câu “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, cái sự eo sèo mà tôi nhắc đến ở trên đến với tôi một thời gian sau khi gia đình tôi được trả nhà. Phấn khởi vì được trở lại ngôi nhà xưa dù không còn đồ đạc gì, gia đình tôi có vẻ vui vẻ với Chương hơn. Anh thường đưa em trai tôi vào rừng lấy mây, tre nứa, rồi hì hục giúp nó đóng các vật dụng trong nhà bằng những thứ kiếm được. Về chuyện này quả thật Chương có tài, trong một thời gian ngắn anh đã huấn luyện em trai tôi biết làm đủ thứ, ngay cả khó tính như nội tôi mà cũng thôi không lườm nguýt anh mỗi lần đến nữa. Tôi cũng không quá sức giữ kẻ với Chương như trước, thỉnh thoảng cũng mở miệng nói đôi câu tưng tửng với Chương, hình như có vài lần còn cười mỉm nữa. Không bù cho thời gian còn đi học tôi cười toe toét suốt ngày, còn thời gian sau này thì câm như thóc. Má tôi thì khỏi nói, bà như quên hẳn mọi chuyện trước đây của Chương, hai người cứ con con thím thím luôn miệng, lại tiếp tục sai Chương như trước kia, lại cười hể hả mỗi lần Chương đến.
Mà Chương thì còn thường xuyên đến hơn trước đây nữa, gần như ngày nào anh cũng đến. Có khi chỉ để hỏi má tôi điều gì đó, có hôm lại đưa thuốc đau lưng cho nội tôi hoặc rủ em tôi đi tát cá. Có lần trời chuyển mưa bất tử, anh hối hả chạy tới nhà chỉ để phụ tôi đem tiêu đang phơi vào. Tôi thấy đôi lúc trong lòng xốn xang khi thấy anh lại đối xử tốt với gia đình tôi như vậy.
Bỗng một lần tôi phát hiện rằng gần đây mọi người có vẻ xa lánh tôi, từ các anh chị trong lớp Bình dân học vụ cho đến bà bán cá ở chợ. Tôi vốn mang nặng mặc cảm nên không buồn quan tâm đến họ, càng cố tình rút mình vào vỏ. Cho tới một đêm các lớp học bình dân thay đổi bất thường vì có cuộc họp lớn mà hầu hết đều là các chú, các cô học sinh đều đi họp. Vì chỉ còn lại một số các em học sinh nên thầy cô giáo quyết định cho nghỉ sớm. Mới hơn 8 giờ, tôi quyết định đi ngõ tắt về nhà bằng cửa sau. Về tới nhà tôi thấy nhà vắng hoe, các em tôi đã đi chơi cả, chỉ có tiếng má tôi vọng ra buồn buồn:
- Con thấy cái tình nó nặng quá, không nỡ má à.
Bà nội tôi riết róng:
- Bây sai rồi vợ thằng Chín, con bé Hai còn nhỏ hổng biết nghĩ đã đành, không lẻ đầu hai thứ tóc rồi mà con còn nghĩ chưa ra sao ?
Nghe có tên mình, tôi lẳng lặng nép sát vào vách nhà, chú ý nghe trộm.
Má tôi thở ra, buông lửng.
- Nghĩ thì con cũng có nghĩ, nhưng mà thấy tội nghiệp.
Bà nội tôi dứt khoát:
- Không được là không được đâu con. Phải ngăn chận lại tức thì.
Tôi nghe tiếng nội tôi quờ lon nhổ cốt trầu, rồi bà cao giọng:
- Thương con thương cháu cái gì má cũng bỏ qua cho nó được, nhưng mà gia đình nó đâu có tha cho nhà mình. Người ta kể với tao là con mẹ Hai Thảnh nó đi rêu rao nhà mình bỏ bùa mê thuốc lú cho thằng đó, nên thẳng(*1) ra trước mặt Ủy ban nói tốt cho nhà mình để nhà mình có cơ lấy lại được cái nhà này. Nó còn nói thẳng qua đây làm mướn không công, nó nói vậy mà hổng sợ trẹo lưỡi sao chớ, hồi đó tháng nào mà tao không trả lương cho thằng Chương, mình thấp cổ bé miệng quá nên hổng lẽ tao nói thẳng mặt bà đánh tứ sắc hết tiền công của thằng nhỏ, ghét cái mình thất thời thì tum húm miệng ve, còn thiên hạ bây giờ quyền cao chức trọng thì toè loe miệng tộ, con mẽ còn nói với đầu làng cuối xóm là thằng Chương gom góp tiêu chuẩn đồ ăn xách hết đem qua nuôi mẹ con mình. Ờ thì coi như con mẹ Hai Thảnh nói cũng đúng, nhưng tao coi việc nó tốt với nhà mình chẳng qua là nó chuộc lỗi hồi xưa từng lợi dụng mình mà đem lại công trạng cho gia đình nó, chớ đâu phải nhà mình lợi dụng nó đâu. Nhưng tao bực nhứt là con chị nó chiều hôm qua chửi đổng nói con bé Hai là thiên nga thiên ngỗng gì đó, con thấy hông?
Rồi bà hạ giọng:
- Má muốn dứt khoát chuyện này, mặc dù thế nào cũng có người nói mình qua cầu rút ván, lấy được cái nhà ở rồi phủi tay. Nhưng mà dù gì thì gia đình mình cũng bị kêu là thành phần xấu rồi, bây giờ cho xấu thêm chút nữa cũng được.
Má tôi thấp giọng:
- Nhưng mà ba bé Hai còn ở trại cải tạo mà má, con muốn nhờ nó xin cho ảnh về.
Bà nội tôi hừ mũi:
- Bây làm như việc đó dễ lắm vậy, cả nhà nó xúm lại bảo lãnh còn chưa biết được không, một mình nó ăn thua gì. Tao còn chưa kể chuyện người ta nói mẹ nó chị nó ngày nào cũng xào xáo với nó vì con bé Hai.
Má tôi cũng tò mò không kém tôi:
- Sao vậy má?
Bà nội tôi đãi giọng:
- Họ nói con bé Hai tiểu tư sản, đi đứng thướt tha, làm gì cũng hổng nên thân, cấy lúa hổng biết bón phân hổng biết. Cưới cái thứ đó về nhà có nước mà mạt. Tao hỏi thiệt bây, họ đã có lòng ghét con mình rồi, bây cố rán liệu có được gì hông? Hay sau này cho con nhỏ khổ? Con cháu tao tao biết, tạng người nó không phải để ra oai ra quyền gì đâu mà làm dâu nổi gia đình cách mạng, kiếm nhà bình thường mà gã cho cháu tao yên thân.
Má tôi không nói gì thêm, tôi rón rén đi ra trước cổng nhà, tủi thân ngồi xuống thềm gạch. Quả thật là gia đình Chương nói đúng, tôi từ nhỏ chỉ biết đi học, chưa từng làm việc nặng nhọc gì cho tới khi chấm dứt chiến tranh. Đã thế lại còn vụng về, làm việc gì cũng chậm lụt thua người, hợp tác xã kêu đi làm cỏ thì quá trưa say nắng, đi rải phân thì lẹt đẹt về sau cùng. Nhưng họ cũng phải nghĩ cho tôi chứ, người khác quen nghề nông từ nhỏ, còn tôi ăn rồi đi học, tới tuổi này mới tập tễnh ra đồng, làm sao mà bằng họ được. Mà tôi cũng thực sự là dở ẹt, buôn bán không biết gì lại lầm lì ít nói, ngoài việc lên bảng làm cô giáo dạy học ra, xem chừng tôi chẳng thích hợp được với việc gì. Nhưng mà nghĩ cho cùng cũng đâu có quá tệ như họ nói đâu; bà nội tôi vẫn hay dạy tôi: “Nghề nào cũng tốt, chí hướng nào cũng đẹp”, đâu phải chỉ làm nông dân hay bán thương nghiệp mới được. Tự nhiên tôi giận Chương ngang xương, tôi với anh đã có gì đâu mà gia đình anh khinh rẻ tôi đến thế. Tôi hình dung ra cái trán trợt của bà Hai Thảnh và cặp môi trề của chị Chương, tôi cũng hình dung ra khuông mặt đẹp của Chương và đôi mắt nồng nàn ấy. Rồi tôi cũng đã miên man nghĩ xem là Chương giống ai trong nhà anh ta nhỉ ? Chắc là tổng hợp của cái đẹp trong nhà, cao ráo như mẹ, gương mặt vuông chữ điền, cái miệng mím chặt là của ông Hai rồi, còn cái mũi cao vút và đôi mắt sáng ngời kia là của ai thì chịu thua. Nhưng đẹp trai thì được cái gì chớ, chỉ làm phiền phức người khác.
Tôi chợt tức cười khi nghĩ tới đoạn này, rõ ràng hồi lúc nhỏ tôi hay phàn nàn là Chương gây phiền phức cho tôi.
Bắt đầu từ lần giáp Tết năm lớp Mười Chương nhận đem tiêu đi bán giùm cho nội tôi, bữa đó vì nhiều tiêu quá nên nội kêu tôi đi theo Chương. Tiêu được Chương chở trên xe ba gác, đáng lẽ ra tôi ngồi sau Chương nhưng lúc đó vốn tính trẻ con nên tôi nhảy tót ra ngồi với mấy bao tiêu. Con đường 5 cây số ổ gà lung tung, trời gần Tết nắng nóng bốc khói, lại thêm mùi tiêu làm tôi hắt hơi nhảy mũi liên tục, lay hoay thế nào để gió bay mất nón, không kịp kêu Chương dừng lại. Khi đến nơi giao hàng thấy tôi phơi mặt đỏ bừng Chương cứ xuýt xoa luôn miệng, không ngờ một đứa bạn cũ của tôi nhà gần đó nhìn thấy tôi đi cùng một anh chàng đẹp trai (cũng lại là đẹp trai – nếu không đẹp trai đâu có ai để ý) nên rình nghe. Giao hàng xong, sửa soạn về thì nó xuất hiện cười hi hí:
- Bữa nay tiểu thơ phơi nắng chút xíu làm người khác đau lòng quá nhen.
Rồi nó ghé tai tôi thì thầm:
- Mày kiếm đâu ra được ông bồ đẹp trai dữ vậy?
Tôi xấu hổ lườm nó:
- Mày đừng có nói bậy.
Chương cười tủm tỉm cứ như biết hết chúng tôi nói gì. Đoạn đường về như ngắn đi vì tôi ngồi sau Chương, đội mũ mới Chương mua và không còn mùi tiêu bốc lên nữa.
Gần đến nhà Chương cho xe chạy chậm lại, anh nói bâng quơ:
- Lần sau có ai chọc cô Hai, cô Hai nói cỡ như tôi ra đường thiếu gì người đẹp trai chạy theo, cần gì kiếm.
Tôi dấm dẳng:
- Ai biểu anh đẹp trai cho người khác chọc tôi.
Chương cười thích chí:
- Cái đó cô Hai hỏi ông Trời.
Tôi nguýt dài:
- Chẳng được cái tích sự gì, chỉ toàn gây phiền phức.
Lần khác sau Tết năm lớp Mười Một khi tôi chuẩn bị về Sài Gòn học, mang theo một valy quần áo và đủ thứ đồ bà rằn mẹ tôi gứi cho cô, dượng. Từ nhà tôi ra đường lộ đón xe đò hơi xa, mấy năm trước em trai và bà nội tôi thường đưa tôi ra xe; năm nay nội tôi đau chân, Chương tình nguyện thay cho cả hai người. Hai tay nặng trĩu va ly áo quần và quà bánh trái cây đủ thứ mà Chương đi nhanh không kém tôi chỉ toòng teeng cái xách nhỏ xíu. Tôi hỏi:
- Nặng hông anh Chương?
Chương hỏi lại:
- Hổng nặng sao phải kêu người xách giùm?
Tôi phụng phịu không thèm hỏi nữa. Chương vẫn giữ cái kiểu cười tủm tỉm dễ ghét. Nơi đón xe có mấy quán cà phê nhỏ, Chương rủ tôi vô quán ngồi chờ, tôi ngại ngần:
- Thôi, có xe là đi luôn.
Chương nhăn mặt:
- Bà Ba nói cô Hai hay say xe, bà Ba dặn tôi chờ chiếc xe nào cho rộng rãi, ngon lành mới đón cho cô Hai đi.
Tôi lại ngoan ngoãn theo anh vô quán, hồi đó Quốc lộ 20 đường xe còn ít, lâu lâu mới có một chuyến, mà chuyến nào anh cũng lắc đầu chê. Cô chủ quán ra ngồi bắt chuyện với Chương say sưa để tôi ngồi chèo queo trong góc. Giận quá tôi bước ra ngoài tự đón xe một mình, Chương vội vã chạy theo:
- Giận sao cô Hai?
Tôi ngúng nguẩy:
- Anh vô trong đó nói chuyện đi, tôi đón một mình được mà.
Rồi tôi nói trống không:
- Đẹp trai thiệt là phiền phức.
Chương nhìn tôi chăm chăm, anh chợt nói:
- Cô Hai nói lại câu mới hồi nãy cô Hai nói đi.
Tôi lườm anh:
- Tôi nói đẹp trai thiệt là phiền phức.
Bây giờ Chương lại nhận là anh gây phiền phức cho tôi, tôi chợt mĩm cười lặng lẽ khi thấy qua ba mươi năm sự nhận xét đã được hoán đổi. Không biết Chương có cùng ý nghĩ với tôi không, chỉ thấy anh bâng quơ:
- Đôi lúc tôi thèm nghe tiếng nói, giọng cười của cô Hai như hồi cô còn đi học.
Tôi cười lớn:
- Anh đừng làm tôi xấu hổ.
Chương lắc đầu:
- Cô Hai không biết đó thôi, tiếng nói thanh tao của cô ám ảnh tôi gần trót cuộc đời. Cô cũng thấy đó, tôi đâu phải là người quê mùa cổ hủ, vậy mà tôi đi gần trọn đất nước chưa có giọng nói nào làm tôi nhớ như giọng nói của cô Hai.
Rồi anh buồn buồn:
- Nhưng mà tôi với cô Hai chỉ vui vẻ trong một thời gian quá ít. Về sau này, ngoại trừ lúc cô lên lớp. Còn ngoài đời có mấy khi cô nói cười với tôi đâu.
Tôi ngại ngùng:
- Anh cũng hiểu mà.
Chúng tôi lại yên lặng.
Vâng chúng tôi quá hiểu để chỉ yên lặng cũng biết trong đầu hai đứa đang nghĩ gì.
Buổi tối hôm đó tôi đứng đợi một lúc rồi giả bộ mới đi dạy về, tắm rửa, chấm bài. Má tôi khẽ khàng gọi tôi ra sau bếp, tôi biết má muốn nói gì nhưng giả bộ:
- Gì vậy má?
Má tôi lần khần:
- Má muốn hỏi thiệt con, mà con phải nói thiệt nghen.
Tôi cười ôm lưng má.
- Sao bữa nay má rào đón kỹ vậy?
Má khẽ cụng đầu tôi, tôi biết dù tôi lớn thế nào má vẫn coi tôi như đứa trẻ.
- Lớn rồi nghen. Nghe má hỏi nè. Con với thằng Chương sao rồi.
Tôi tỉnh queo:
- Cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở. Má hỏi chi vậy?
Má tôi hắng giọng:
- Tao hỏi thiệt nghen – Nó có nói gì với con không vậy?
Tôi nói thật sự nghiêm trang:
- Không hề nói gì.
Quả đúng sự thật là Chương chưa bao giờ nói gì với tôi ngoài một vài câu buông lửng thông thường vô thưởng vô phạt. Má tôi lại hỏi.
- Còn con thì sao? Con có để ý nó không? Nói thiệt cho má nghe đi.
Tôi chợt ứa nước mắt, giá như khi nãy tôi không nghe trộm câu chuyện nội kể với má chắc tôi đã bày tỏ sự xao xuyến của trái tim mười chín tuổi về đôi mắt đã cuốn hút tôi, về cái người mà đối với gia đình tôi nửa ân nhân, nửa tội đồ. Tôi muốn kể cho má nghe sự quan tâm của Chương đối với tôi trên từng bước đường tôi đi, tôi muốn nói với má cái cảm giác lạ lùng khi bắt gặp đôi mắt Chương nhìn tôi nồng nàn âu yếm. Nhưng tiếc thay đã muộn mất rồi khi tôi nghe nội nói với má câu chuyện gia đình Chương nghĩ về tôi nên lòng tôi bỗng dưng hoá ra nguội lạnh, mơ hồ như giữa tôi và Chương là hai người xa lạ tự bao giờ. Tôi thản nhiên:
- Không có chút gì đâu má. Má đừng lo.
Má tôi thở phào:
- Thiệt vậy thì may quá.
Rồi bà hạ giọng:
- Nội con không muốn nó qua lại bên đây nữa, e tiếng tăm không tốt cho con. Má chỉ lo hai đứa bây lỡ thương nhau thì khó gỡ, còn chỉ coi nhau như anh em thì má mừng.
Bà bỗng đổi giọng:
- Ý má muốn nhờ thằng Chương xin cho ba con về, mà sự việc này rồi biết làm sao.
Tôi lẳng lặng bỏ đi nằm. Có phải trong tôi Chương chỉ như một người anh không? Tôi đã dối má hay tôi đã tự dối lòng? Chương coi tôi là gì? Cô chủ nhỏ? Bạn bè hay một người đáng cho Chương thương hại? Còn gia đình Chương, họ nghĩ gì? Tôi là một con thiên nga (*2) trong mắt nhìn của họ sao? Có bao giờ họ nghĩ tôi còn quá trẻ để không biết lợi dụng cái danh vọng của Chương? Tôi mường tượng ra khuông mặt đẹp của Chương, ánh mắt ngưỡng mộ của các cô gái trong xã, trong đoàn thủy lợi. Tôi càng nhớ ánh mắt thăm thẳm của Chương khi nhìn tôi, cái dịu dàng đằm thắm khi anh lặng lẽ đỡ đần tôi trong mọi công việc, cứ như anh sinh ra để làm việc đó, bình thản và đương nhiên, mặc kệ vài đôi con mắt nhìn ghen tức.
Tôi lại tưởng tượng đến mình, một cô gái nhí nhảnh yêu đời của ngày còn đi học, một cô gái u trầm khép kín sau một cuộc đổi đời. Tôi có gì trong tay, một vốn học thức nửa mùa, một thân hình tròn trịa phúc hậu như má, một làn da trắng ngần của nội, một giọng nói ngọt ngào. Không còn gia thế, không còn của hồi môn cũng không còn kỳ vọng gì ở tương lai. Có lẽ gia đình Chương sợ cái lý lịch của tôi làm cản trở con đường tiến thân của anh. Kể ra họ cũng không sai, Chương đang có thể bước dài trên con đường danh vọng, còn tôi như hòn đá chẹn ngang, liệu Chương có trông cậy gì ở tôi ? Một người con gái nhan sắc trung bình, có một lý lịch đen như đêm tối lại còn đeo thêm đạo Thiên Chúa. Một người như thế không làm tổn hại bước đường công danh của anh mới là chuyện lạ.
Tôi nghĩ như thế và tôi đã ngủ yên lành.