MÙI QUÁ KHỨ - dành cho người già
kuclanga 27.07.2010 22:12:03 (permalink)


MÙI QUÁ KHỨ - Tác giả ANCHU

Tôi bước vào nhà hàng, đưa cho người phục vụ tấm thiếp mời trong đó có ghi rõ: phòng … nhà hàng …. số…..đường…… Cô gái tiếp viên mặc váy tím lơ lững ngang đùi đưa tôi qua chiếc cầu thang cuốn, vào một phòng ăn nhỏ có cửa sổ quay mặt ra bờ sông. Ngoài dự đoán của tôi, trong phòng chỉ duy nhất một người đang nhìn ra cửa sổ, ông ta quay lại, khẽ khàng chào:
- Cô Hai.
Người phục vụ bước ra ngoài sau khi nhận được cái khoát tay của người đàn ông. Thoáng qua một chút ngạc nhiên rồi tôi bình thản bước đến bàn, kéo ghế ngồi không đợi mời. Ánh nắng nhẹ nhàng chiếu từ cửa sổ vào phòng, gió cũng lay lắt thổi mang đến cảm giác êm dịu của không khí tự nhiên chớ không phải là cái không gian tù túng của một căn phòng máy lạnh. Chờ tôi ngồi đâu đó đàng hoàng, Chương – đúng là Chương - mới hỏi:
- Gặp tôi ở đây, cô Hai có ngạc nhiên hông?
Tôi cởi áo khoác đặt trên lưng ghế, đáp không e dè:
- Tôi đã ngạc nhiên từ khi nhận được giấy mời, trong giấy ghi là Ban liên lạc Khoá học Bồi dưỡng Chính trị , mà tôi thì nhớ rõ ràng mình chưa bao giờ học, sao anh không gọi trực tiếp cho tôi có phải đơn giản hơn không ?
Chương chẳng vội trả lời câu hỏi của tôi, anh ấn chuông gọi phục vụ mang nước đến, cũng không cần biết xem tôi uống gì. Anh lại hỏi tôi một câu hỏi bâng quơ:
- Ông xã có nghi ngờ gì không ?
Tôi lắc đầu:
- Ảnh nói tôi chắc học nhiều khóa quá nên quên, chớ trên giấy mời ghi rõ ràng tên tuổi địa chỉ mà nhầm lẫn sao được. Ảnh biểu tôi cứ đi chơi cho vui, ở nhà một mình buồn lắm.
Chương cười khẽ:
- Tôi biết hôm nay anh Khang đi họp ở Sing mà.
Tôi hơi cong môi:
- Có gì qua mặt được Công an.
Chương chống cằm :
- Đừng có nhắc đến nghề nghiệp được không?
Tôi không nói thêm. Dù sao thì chẳng có gì mà phải bắt đầu quá căng thẳng. Chương cũng không nói, anh lặng lẽ nhìn tôi, một thói quen của anh nhiều năm về trước. Tôi thoáng ngại ngùng, rồi chuyển sang bức rức, hỏi:
- Vậy việc gì mà anh gọi tôi đến đây.
Chương lắc đầu:
- Không phải gọi. Mà là mời.
Tôi hừ mũi:
- Mời hay gọi thì cũng đâu có gì khác nhau. Đó là tiếng gọi chung trong ngành của các anh mà.
Chương nhăn mặt:
- Mình gặp nhau như đôi bạn cũ lâu ngày có được không? Cô Hai đừng có tự kỷ ám thị mãi như vậy.
Tôi hơi hối hận vì thái độ khiếm nhã của mình. Dù sao tôi với anh cũng đâu có ghét bỏ gì nhau. Sao tôi cứ mang nặng mãi cái mặc cảm trong lòng khi mà thời thế đã có quá nhiều thay đổi. Nghề nghiệp của anh bây giờ đâu còn ảnh hưởng gì đến tôi, tôi cũng không tin mình đã làm gì cho công an để mắt tới. Tôi mở giỏ xách, kín đáo soi lại mình trong gương rồi hỏi:
- Bữa nay anh rảnh lắm sao mà mời tôi đến đây ?
Chương trầm ngâm:
- Tôi đang nghỉ phép.
Tôi bỗng ngậm ngùi:
- Còn tôi thì dư thời giờ. Tôi đã về hưu rồi.
Chương gật gù:
- Tôi biết mà.
Tôi hơi khó chịu:
- Cái gì anh cũng biết sao ?
Chương nhìn tôi chăm chăm, nói chậm rãi:
- Đúng là như vậy đó cô Hai.
Rồi anh chợt thở ra, ngậm ngùi:
- Cô Hai có tin là mấy chục năm qua chuyện gì xảy ra cho cô Hai tôi đều biết không? Từ việc cô Hai lập gia đình, rồi bà Ba, chú Chín thím Chín qua đời, việc thăng trầm trong gia đình cô, nhất là gần đây đây khi mà cô Hai qua cơn bệnh nặng rồi xin về hưu non. Có chuyện gì về cô Hai mà tôi không biết đâu?
Tôi thoáng bực mình:
- Tôi đâu có bị án treo mà Công an phải theo dõi kỹ vậy. Ai trả lương hay anh làm không công?
Chương nhìn tôi giễu cợt:
- Cô Hai cũng còn đanh đá giống ba chục năm trước.
Tôi không vừa:
- Giang sơn dễ đổi, bản tính khó từ.
Chương im lặng nhẹ nhàng khuấy ly nước cam mà người phục vụ mang đến. Không gian như chìm xuống sau cuộc khẩu chiến đột biến. Sao tôi và Chương vẫn cứ hay thế này nhỉ, cứ phải hục hặc gây gỗ những chuyện không đầu không đuôi. Bỗng nhiên, Chương lại nói một câu bâng quơ:
- Tiếng nói của cô hay quá.
Một chút gì đó trong tôi chợt chao đảo như triệu chứng rối loạn tiền đình gần đây thường xuất hiện ở tuổi 50. Bình tĩnh bám chặt mép bàn tôi nhớ lại câu nói này.

Đó là câu nói mà tôi nghe được đầu tiên khi tôi gặp anh hơn ba mươi năm trước. Lúc đó tôi là con nhóc đang học lớp Mười về nhà trong kỳ nghỉ tết.
Về đến cửa nhà, chào bà nội ríu rít, ôm lấy má một cái, nựng nịu hai đứa nhỏ, tôi thay bộ đồ mát chạy tung tăng ra vườn kiếm coi có trái ổi nào còn sót lại không. Khuất sau mấy cọc tiêu rậm rạp là một người thanh niên tôi chưa gặp bao giờ. Đứng sững lại, chống nạnh hai quai tôi giở giọng:
- Anh là ai? Ai cho anh vô vườn nhà tôi?
Anh ta quay đầu nhìn tôi, đẹp trai khủng khiếp, nhưng trả lời một câu lãng xẹt:
- Tiếng nói của cô hay quá.
Sau này tôi mới biết gia đình anh mới dọn về gần nhà tôi vài tháng trước, anh thường qua nhà tôi giúp bà nội dọn dẹp vườn tiêu, vườn trầu.


Chương đẩy ly nước về phía tôi, tiếp tục khuấy ly còn lại, như thể anh chẳng còn gì để làm, như thể anh không nhìn tôi mà mông lung nhìn về một khoảng trời nào đó.
Tôi chậm rãi uống từng ngụm cam nhỏ, cái cảm giác quen được chăm sóc mất đi từ ngày lấy chồng nay đột nhiên trở lại. Khang - chồng tôi, hiền lành, yêu vợ con nhưng không có thói quen lãng mạn. Cơm ăn được thì tự ăn, nước uống được thì tự uống, không có cái kiểu năn nỉ dỗ dành. Mới đầu cũng thấy khó chịu nhưng dần thành quen lại cảm thấy thoải mái hơn.
Chương vẫn không nhìn tôi, tiếp tục nói một mình:
- Hồi đó quen cô Hai, tụi mình còn trẻ quá, vô tư quá.

Vâng, hơn ba mươi năm trước chúng tôi còn quá trẻ. Khi gia đình Chương dọn về xóm tôi anh mới mười chín tuổi nhưng do trốn lính nên khai rút đi còn có mười sáu, vì vậy nên tôi chẳng thèm xưng em với anh. Chương luôn gọi tôi bằng cô Hai nhưng gọi má tôi là thím Chín và bà nội tôi là bà Ba. Mỗi lần tôi hạch sách anh sao không gọi tôi bằng chị anh chỉ cười tủm tỉm. Chương siêng năng giúp dọn vườn tược, đôi lúc còn phụ má tôi bán phở, bán cà phê, tiền công thì bao nhiêu cũng được, không đòi hỏi. Má tôi thương anh như con nhưng bà nội tôi kỹ tính hơn, bà luôn giữ một khoảng cách với Chương. Tôi chỉ được nghỉ tết có một tuần, sau đó lại về Sài Gòn học, không hề vướng bận chút xíu nào trong lòng.

Chương lơ đãng nhìn ra bầu trời, tôi cũng không nói gì, chỉ có tiếng nhạc nhè nhẹ trôi trong gian phòng sang trọng. Không gian như lắng lại, thời gian như đọng từng chút một của những giọt cà phê phin mặc kệ ngoài kia ồn ào cuộc sống. Hai chúng tôi ngồi đây, người quen của hơn ba mươi năm trước, quen mà như không quen, gặp mà như không gặp. Đã bao nhiêu lâu rồi tôi không nhớ nỗi những lần tôi và Chương đã vô tình vội vã bước qua nhau như một câu thơ nào đó. Mỗi người chúng tôi có những cái riêng mà không bao giờ có thể gần lại được, mà cũng chưa bao giờ tôi và Chương như có thể gần nhau, chính xác là như có thể chứ chưa bao giờ có thể mặc dù đã từng có những tháng ngày tuổi trẻ sống bên nhau. Biết bao lần tôi và anh cùng nhau chạy lăng quăng trong khu vườn của nội, những buổi tối anh cùng tôi chẻ củi dưới trăng, những buổi kéo nước tưới cây hay những ngày đào kênh thủy lợi thấm đẫm mồ hôi. Tuổi thơ của tôi trôi qua có anh trong đó một phần. Từ những ngày tôi còn hồn nhiên nhảy chân sáo cho đến khi trở thành cô gái lạnh lùng trầm cảm. Hai chúng tôi gần mà như xa, xa lại như gần. Gần mà níu một tầm tay không tới, xa mà như quanh quẩn đâu đây. Trước mặt tôi bây giờ là ngài Trung tá Trưởng Công an lừng lẫy chiến công, cả huyện này có ai còn không biết tên anh, cái tên làm nhiều tay anh chị mang thành tích bất hảo mất ăn mất ngủ. Còn tôi, một người đàn bà năm mươi tuổi bình thường không có gì để nhớ, thậm chí ra đường gặp ai qua tuần sau hỏi lại có khi họ còn quên. Hai chúng tôi là hai thái cực đối lập với nhau, hai con người có vẻ như quen biết đó mà cũng như hai đường ray luôn song song chứ chẳng thể nào cắt nhau được.


Mỗi năm học tôi về nhà hai lần, Tết và hè. Thật ra chỉ trong mùa hè thời gian mới dài được gần ba tháng, còn tết thì chỉ vỏn vẹn có mười lăm ngày. Chương đến làm vườn cho bà nội tôi sau một thời gian ngắn gia đình anh dọn đến xóm tôi. Trước kia nghe đâu nhà anh ở Bình Dương hay Phước Long gì đó, tôi còn nhỏ nên cũng không rõ lắm. Gia đình tôi có một khu vườn rộng trồng tiêu, trầu và nhiều cây ăn trái đã lâu đời do ông nội tôi để lại và bà nội tôi trực tiếp chăm sóc, thỉnh thoảng khi nào cần lắm nội tôi mới mướn người phụ vài ngày. Má tôi mở một quán ăn nhỏ trong nhà kiếm thêm tiền chi dụng và có cái ăn cho gia đình. Chương thường đến uống cà phê ở quán và hay than thở chuyện khó kiếm được công việc làm. Lần đó bà nội tôi đi trong vườn trơn trợt té gãy xương đùi, không thể quán xuyến khu vườn thân yêu của bà được. Chương ngõ ý giúp bà nội tôi trông nom khu vườn. Mới đầu bà nội tôi không đồng ý nhưng xương người lớn tuổi khi gãy rất lâu hồi phục mà công việc má tôi túi bụi cả ngày, hết bán quán lại cơm nước chăm sóc nội, đâu còn thì giờ cho vườn tược. Chương cũng không cần sự đồng ý của bà nội, anh mau mắn làm việc mà không quan tâm đến công cán. Cái chiêu này của anh làm cho người đàn bà kỹ tính như nội tôi cũng xiêu lòng, nhưng vốn là người sâu sắc, bà không để lộ ra, hằng tháng vẫn trả đủ tiền công cho Chương.
Chương làm việc trong nhà tôi hơn hai năm, trong lúc tôi học ở trường, mỗi năm chỉ về hai lần. Trong con mắt của tất cả mọi người, kể cả tôi thì Chương là một người làm công, còn tôi là một cô chủ, đó là lý do Chương luôn gọi tôi bằng cô Hai. Tất cả mọi việc Chương làm chu đáo quá đến nỗi khó tính như bà nội tôi cũng không chê trách được. Má tôi thì hể hả mỗi lần nghe ai nhắc đến Chương bằng giọng nửa đùa nửa thật: “Rể bà Chín”. Tôi lúc đó chưa cảm nhận được điều gì, chỉ hơi khó chịu theo bản năng con gái mới lớn nghe người khác gán ghép mình. Nhưng bản tính tôi không quá quắt nên thật sự cũng chưa bao giờ bắt nạt hay chanh chua với Chương, từ “đanh đá” Chương dành cho tôi từ nhỏ như một câu chọc ghẹo chớ không có ý nói lên một tính xấu.
Tôi về nhà gặp lại Chương trong hè lớp Mười, Tết và hè năm lớp Mười một, Tết lớp mười hai. Chỉ vỏn vẹn có những ngày tháng đó thôi nhưng những ngày tháng trẻ con thật là vui nhộn và không hề có chút bối rối ngượng ngùng nào. Tuy thời gian này của tôi không lâu nhưng tôi được Chương quan tâm lắm. Chương thường hái cho tôi nhiều ổi và mận với một chén muối ớt đỏ lừng. Từ ngày có Chương tôi không phải vô vườn hái trái vì anh đã làm hết mọi việc, lũ em tôi cũng không phải nhổ cỏ bắt sâu vì đã có anh Chương. Tôi như một cô chủ nhỏ được phục vụ tận tình, còn Chương là anh lính hầu thông minh tháo vác. Anh Chương nhổ cỏ, anh Chương bắt sâu, anh Chương kéo nước, anh Chương chẻ củi, anh Chương hái tiêu. Nói tóm lại trong khoảng thời gian đó cứ như Chương được trời sai đến để phục vụ cho vui lòng hết mọi người trong nhà.
Nhưng như người ta thường nói “Chẳng có cuộc vui nào là trọn vẹn”. Hè năm lớp Mười hai tôi không còn hồn nhiên về khu vườn ăn ổi do Chương hái. Tháng 4 năm 1975 Cách mạng thành công mang đến niềm vui cho nhiều người mà cũng đem lại sự ủ rủ cho nhiều người. Gia đình tôi ở trong nhóm thứ hai. Ba tôi là Thiếu úy, đóng quân xa nhà, sau giải phóng bị giữ lại trại cải tạo. Bà nội và mẹ, em tôi theo dòng người chạy về Sài Gòn tránh bom đạn vô tình. Khi chiến trận kết thúc trở lại nhà xưa thì gia đình tôi không còn được đón nhận nữa, ngôi nhà đã được Nhà nước trưng dụng trở thành kho thương nghiệp; túng cùng gia đình tôi chen chúc nhau trong gian bếp chật hẹp. Bà nội tôi tức uất người khi thấy toàn bộ đồ thờ, tủ bàn, bộ ván ngựa được sắm từ hồi ba tôi còn ẳm ngửa bị sung công vì người ta ghép tội đó là đồ của Mỹ Ngụy. Khu vườn ngày xưa đẹp là thế bị bỏ phế hoang tàn. Gia đình tôi hoàn toàn trắng tay. Nhưng điều làm cho bà tôi đau đớn nhất lại chính là Chương. Bà không thể ngờ rằng cái thằng nhỏ dễ thương hết sức đó lại là Việt Cộng nằm vùng, cái gia đình bà thường xuyên cho lấy nước gạo, đồ ăn thừa về nuôi heo đó là gia đình Cách mạng, và cái chuyện Chương qua giúp gia đình tôi thực sự chỉ là cách thu thập thông tin và lợi dụng vườn tiêu rậm rạp của nội thành nơi chứa súng đạn. Thảo nào mà anh không cho bọn tôi ra vườn “Cô Hai với mấy em đừng ra đằng sau, rắn rít nguy hiểm, muốn ăn gì nói tôi hái cho”, “Bà Ba đừng lo, con làm cỏ sạch lắm, bà Ba cứ giao cho con miếng vườn này con chăm sóc như vườn nhà con vậy đó”. Má tôi cũng không ngờ những buổi tối hai thím cháu chẻ củi hầm xương nấu hủ tiếu lại chính là những tin tức được Chương chuyển đi qua các buổi nói chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9