MÙI QUÁ KHỨ - dành cho người già
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
kuclanga 17.08.2010 16:12:08 (permalink)
Mùi quá khứ ( tt 16)

Chương giật mình dậy khi thấy nhột nhạt bên tai. Anh biết Phượng đang vuốt ve mặt anh nên hỏi nhỏ:
- Gì đó?
Phượng thầm thì:
- 4 giờ sáng rồi.
Nghe giọng Phượng tỉnh queo, Chương hỏi:
- Dậy lâu chưa?
Phượng ngúng nguẩy:
- Ngủ đâu mà dậy.
Chương tỉnh ngay:
- Đừng nói cả đêm hổng ngủ nghen.
Phượng hờn dỗi:
- Chớ sao.
Chương cười trừ:
- Giận dai vậy.
Phượng nũng nịu:
- Hổng giận, mà canh cho anh ngủ.
Chương cười:
- Không phải xung quanh đây em bố trí đủ rồi sao. Cần gì phải canh.
Phượng ôm sát Chương:
- Em canh coi tối ngủ anh kêu tên ai.
Chương giả bộ:
- Kêu ai?
- Hổng có kêu tên ai hết.
- Vậy sao hổng ngủ ?
- Ngủ hổng được. thức luôn tới giờ.
Chương thở ra:
- Bữa nay nhiều việc lắm mà thức làm chi vậy hổng biết?
Phượng ôm Chương chặt hơn:
- Hai đứa mình làm vợ chồng nghen.
Chương cười đểu:
- Ngủ với nhau như vậy phải vợ chồng chưa?
Phượng lắc đầu:
- Không . Em muốn làm vợ chồng chính thức.
Chương giật mình:
- Không được đâu.
Phượng tự nhiên biến thành con người khác:
- Sao không được ? Vợ lớn anh thì bỏ đi rồi, còn con nhỏ ở Mỹ Tho hả? Em dẹp cái một.
Chương hăm:
- Đừng có làm bậy nghen.
Phượng ngang ngược:
- Có gì không được chớ. Cô ta cũng đâu phải vợ con chính thức gì với anh đâu, em làm chính thức thì cô ta phải đi chớ. Biết khôn thì em cho một mớ tiền rồi bỏ xứ, còn ương ngạnh thì em cho du đảng trị là xong liền.
Chương nhăn nhó:
- Lúc này sao nói chuyện gì không vậy?
Phương hôn ngấu nghiến anh:
- Em muốn vậy mà.
Chương suy nghĩ thật nhanh trong đầu, anh nói:
- Em mà lấy tôi thiệt, đám em út em nó coi thường em.
Phượng trợn mắt:
- Đứa nào dám.
Chương giả vờ:
- Tôi là người mới nhập hội, đâu có biết gì đâu, cũng đâu có công trạng gì.
Phượng cười lẳng lơ:
- Cần gì chớ. Anh mà sợ tụi nó sao?
- Sao không?
- Đừng có dại. Em là xếp của tụi nó, anh là xếp của em, tụi nó sợ anh chớ mắc gì anh sợ tụi nó.
Chương chửi thề:
- Xếp con mẹ gì, đi đâu cũng hổng biết, làm cục cứt gì cũng chờ phân công.
Phượng vuốt ve:
- Thôi mà đừng giận cưng. Sáng nay anh đi với em vô chỗ nhận hàng.
Chương cười mũi:
- Bãi giao cây ở hướng nào tôi còn chưa biết nữa là chỗ nhận hàng.
Phượng quấn chặt vào người Chương:
- Bữa nay giao ở hướng ……………. Còn nhận hàng thì phải đi qua biên giới thêm hai cây số nữa.
Chương làm bộ đẩy Phượng ra:
- Sáng rồi , thôi kỳ lắm.
Phượng nồng nàn gắn chặt môi anh. Chương nói nhỏ:
- Gì mà hăng dữ vậy, mới hôm qua mà.
Phượng phụng phịu:
- Lần nào anh cũng say mèm. Người ta muốn anh tỉnh táo kìa.
Chương vòng tay ôm cô. Anh biết việc mình phải làm.

Chương ra khỏi giường, vươn vai tập thể dục, anh suy nghĩ rất nhanh trong đầu. Phượng đã nói ra nơi giao hàng, dù chưa chính xác nhưng chắc chắn đồng nghiệp ở địa phương sẽ biết. Vấn đề là bây giờ anh phải đưa tin đi nhưng chưa biết làm thế nào. Phượng là con cáo tinh ma, ở bên cô rất khó mà xoay sở được. Anh chợt nghĩ một chuyện liền nhanh tay giấu cây bút trên bàn vào người rồi mặc quần áo bước ra cửa. Phước ngước lên hỏi anh?
- Đi đâu vậy?
Chương nhăn nhó:
- Đau bụng.

Anh ra nhà cầu, nhìn quanh quẩn. Dân địa phương ở đây không có thói quen sử dụng giấy vệ sinh, sang lắm thì dùng giấy báo cũ. Anh lục mãi mới tìm thấy tập giấy bẩn thỉu nhét ở gần mái nhà. Chương rút vội một tờ, ghi vào đó vài giòng.

Khi Chương vào nhà thấy Phượng đang ngồi chải tóc, mặt mũi cô bơ phờ qua một đêm mất ngủ và hoan lạc. Chương ngại ngùng ngồi xuống bên Phượng hỏi nhỏ:
- Em mệt không ?
Phượng lắc đầu. Chương giả vờ.
- Đi uống cà phê với anh không?
Phượng ngáp:
- Muốn ngủ thêm chút nữa.
Chương thương hại:
- Thôi em ngủ đi. Rồi như anh chợt đổi ý:
- Hay bữa nay em ở nhà đi, để anh đi cho.
Phượng lắc đầu:
- Không được. Phải có em đi.
Chương giả vờ giận dỗi:
- Anh làm xếp một lần không được sao?
Phượng ngần ngừ:
- Để em coi.
Chương ôm đầu Phượng:
- Thôi ở nhà ngủ cho khoẻ đi cưng, giao anh làm cho.
Rồi anh ra vẻ nghiêm trọng:
- Em phải giao cho anh thì tụi nó mới nể anh, chớ không tụi thằng Ba Đen coi thường anh dữ lắm.
Phượng khoát tay:
- Đi uống cà phê đi cái đã.

Chương dằn dỗi mặc áo khoác bỏ ra ngoài. Tự dưng anh đổi ý muốn cho Phượng ở lại. Không hiểu thật sự anh sợ con cáo già tinh ma đó đánh lạc hướng mình hoặc anh sợ có Phượng bên cạnh Chương sẽ bị vướng víu tay chân hay anh lo cho Phượng sẽ gặp nguy hiểm. Anh thật lòng không hiểu tâm trạng mình trong lúc đó.

Quán cà phê nằm một góc chợ, cái chợ chồm hỗm nhỏ xíu như mắt muỗi mà
cũng bán đủ thứ đồ. Chương vô quán thì đã thấy Tư Viễn, Ba Đen và ba bốn tên lạ mặt ngồi sẵn đó. Trong khi Tư Viễn niềm nở với anh thì Ba Đen khinh khỉnh lạnh nhạt, mấy tên lạ mặt ngó anh trừng trừng. Chương chưa kịp kêu cà phê thì anh bỗng trông thấy người phụ nữ bán kẹo hôm qua ở cổng khách sạn giằng co với Hạnh, hôm nay chị ta ăn mặc theo lối người bán hàng vừa bán vừa la bên mấy xề hàng hóa lung tung lẫn lộn. Chương hiểu ngay đó là đồng đội mình. Anh nói với Tư Viễn:
- Ông đi với tui không?
Tư Viễn hỏi:
- Đi đâu.
Chương nhăn nhó:
- Mua khăn mặt với bàn chải, kem đánh răng.
Anh chửi thề:
- Mẹ nó. Ở cái chỗ gì khỉ ho cò gáy, con mẹ gì cũng hổng có.
Tư Viễn lắc đầu:
- Ông đi một mình đi.

Chương bước nhanh về phía người đàn bà đang vừa bán vừa la, Sau lưng anh còn nghe tiếng Ba Đen chửi:
- Mẹ nó - thằng điếm thúi.
Người phụ nữ nhanh nhẩu:
- Mua cái gì mua giùm chú hai ơi. Lâu lâu mới có một kỳ, Hổng phải bánh mì ngày nào cũng có.

Chương vừa ngồi xuống chị đã nhanh tay luồn dưới xề ấn vào tay anh khẩu súng ngắn, Chương nhét vội vào bụng rồi giả vờ hỏi mua bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, dao cạo râu. Anh cầm tờ bạc đã được cuốn sẵn bên ngoài miếng báo cũ nhỏ xíu đưa cho chị. Chưa kịp nhận lại tiền thối thì đã thấy Ba Đen đứng bên cạnh , chị bán hàng nhanh miệng, giọng Quảng Trị đặc sệt:
- Mua giùm tui đi chú hai, có đủ thứ hết nghen chú. À trời nắng ni chú mua giùm cái mũ đội cho mát.
Ba Đen hất hàm:
- Tới đây bán lâu chưa? Sao thấy mặt lạ hoắc vậy?
Chị bán hàng cười hề hề.
- Chú hai vui tánh quá, chú nỏ biết tui chớ tui lạ chi chú. Mấy ông quản lý thị trường ở đây có ai không biết tui mô?
Người đàn ông bán xe bánh mì kế bên xác nhận:
- Chị Hai bán mấy thứ ni ở đây lâu rồi. Mấy anh lâu lâu ghé một lần chứ tụi tui ở đây có ai mà không biết.
Chị bán hàng mời thêm:
- Mua cái gì mua đi chú hai. Tui bán rẻ mà.
Rồi chị quay sang Chương:
- Mua cái mũ đội che nắng nghen chú Hai.
Chị lựa cho Chương một cái mũ sáng màu, đưa cho Chương đội thử rồi trầm trồ:
- Chú ni đẹp trai đội cái nớ ăn hình quá chừng.
Chương hiểu ý móc tiền ra trả, anh nói với Ba Đen:
- Anh Ba mua một cái đội cho mát đi.

Ba Đen không trả lời quay ngoắt đi. Chương thong thả trở về quán cà phê ngồi rung đùi. Tới giờ phút này anh biết đồng đội đã ở kế bên yểm trợ cho mình. Cố tình kéo rề rà hết chuyện này sang chuyện khác, sau cùng Chương đứng dậy:
- Thôi tui về trước.

Anh biết Ba Đen không muốn đi cùng anh, anh trở lại nơi hai người ngủ đêm trước. Phượng đã thay quần áo nhưng có vẻ uể oải. Tự nhiên Chương bỗng cảm thấy tội nghiệp người phụ nữ ranh ma này, anh hỏi:
- Còn mệt hả?
Phượng gật đầu: Chương thương hại:
- Tại thức cả đêm qua mà.
Phượng cáu bẳn:
- Ôm một đống vàng ai dám ngủ.
Chương an ủi:
- Thôi ở nhà ngủ đi. Đừng đi nữa.
Rồi anh khoe:
- Anh mới mua cái mũ đội cho mát nè.
Phượng phì cười:
- Trong rừng cần gì đội mũ.
Có tiếng người phía trước, rồi giọng Ba Đen vọng vào:
- Đi được rồi đó cô Tám.
Phượng và Chương sóng đôi đi ra, Tư Viễn buột miệng:
- Chị Tám sao xanh vậy?
Ba Đen hứ một tiếng. Phượng bỗng nổi xung:
- Hứ háy gì chớ. Nghe đây. Hôm nay anh Long sẽ thay tui đi giao hàng.
Ba Đen trừng mắt:
- Hai người ở nhà hết cho rồi.
Phượng quắc mắt:
- Đừng cãi.
Rồi thị dịu giọng:
- Nói thì nói vậy chớ Hai Long chưa biết gì, đi để học hỏi thôi. Mọi việc đều phải nhờ anh Ba.
Phượng cúi xuống thầm thì rồi giao cho Ba Đen cái giỏ xách ả vẫn mang theo bên mình. Ả căn dặn thêm:
- Anh Ba kỹ càng nghen. Coi chừng lầm thứ giả đó.
Rồi ả nói thêm:
- Nhớ canh kỹ tụi cá nhen.
Ba Đen không nói thêm, lầm lũi bước ra. Tư Viễn kéo nhẹ tay Chương:
- Đi.

Phượng nhìn Chương, muốn nói gì đó lại thôi. Chương bỗng chạnh lòng khi nhìn thấy vẻ dã dượi trên khuông mặt Phượng. Anh ngần ngừ một lát rồi đi theo Tư Viễn, qua bàn thiên trước cổng, anh quay lại nhìn Phượng, thị đã vào nhà trong. Làm như vô tình, Chương bứt mấy ngọn bông trang gần đó cắm lên bàn thờ. Ít ai biết rằng, trong mấy nhánh bông trang đó, có một nhánh xoay ngang, phần gốc chỉa vào căn nhà.
#16
    kuclanga 18.08.2010 18:19:43 (permalink)
    Mủi qúa khứ ( tiếp theo - 17)


    Đường vào rừng lồi lõm sống trâu, chiếc xe lắc lư nghiêng bên này ngã bên kia. Mấy cây gỗ chở trên xe cũng nghiến răng trèo trẹo. Chương không ngồi cùng Ba Đen phía trước mà đứng ở sau với Tư Viễn và mấy tên đồng bọn. Chương biết Ba Đen không ưa mình, anh nói với Tư Viễn:
    - Ngồi với ổng rét thấy mẹ.
    Tư Viễn cười khoái chí:
    - Chả vậy đó. Mà chả hổng ưa ông cũng phải. Hồi chưa lấy vợ chả chết mê chị Tám mà chỉ có thèm dòm đâu.
    Chương hỏi:
    - Rồi ổng lấy vợ ở đâu?
    Tư VIễn hỏi lại:
    - Ở đâu? Trai tứ chiến phải gặp gái giang hồ chớ. Con mẻ làm chủ chứa ở bên Bàu Cát đó.
    Chương cười cười:
    - Ông cũng tứ chiến mà sao hổng gặp giang hồ?
    Tư Viễn trợn mắt:
    - Tui khác. Tui văn nghệ mà.
    Chương hỏi khẽ:
    - Bây giờ mình đi đâu?
    - Ra bãi gỗ.
    Chương giả bộ ngây ngô:
    - Có một xe này thôi hả?
    Tư Viễn thương hại nhìn Chương:
    - Ba Đen ghét chú mày cũng phải. Mới vô chưa biết gì hết mà leo lên đầu cha người ta. Hổng phải bã khoái thì ba năm nữa chưa chắc gì ông lọt vô nỗi khúc này.
    Chương làm mặt nghệch ra:
    - Hổng lẽ còn đi đâu nữa hả?
    Tư Viễn thầm thì:
    - Xe gỗ này chỉ là che mắt thôi, lời lóm nỗi gì. Ăn là cái món sau kìa.
    Gã vẻ tay ra hiệu, Chương trợn mắt:
    - Cái vụ đó là ghê lắm đó cha.
    Tư Viễn cười khoái chí:
    - Sợ thì kêu dừng xe lại lội bộ về đi, còn kịp mà.
    Rồi gã nghiêm mặt lại quan trọng:
    - Bã kỹ lắm đó, ở đâu, gặp ai chỉ có mình bã biết thôi. Hồi nãy chắc dặn ổng rồi.

    Chương đâm lo. Không biết lời nói hồi đêm này của Phượng có là sự thật không. Nếu ả tinh ma như lời Tư Viễn thì hôm nay mẻ lưới anh và đồng đội giăng sẽ chẳng bắt được con cá nào ra hồn. Chương lấy chiếc mũ hồi sáng ra đội, anh quay ngược lưỡi trai về phía sau.

    Xe đã chạy sâu thêm vào rừng, lác đác mấy tốp thợ cưa, thợ làm bẫy đi bộ hoặc dắt xe thồ đi rãi rác. Chương thầm hỏi đâu là người nhà mình. Đoạn đường này anh chưa từng đi qua, bọn cáo này thay đổi địa điểm giao hàng liên tục. Nắng đã bắt đầu cao nhưng bên trong rừng vẫn mát mẻ. Chương bỗng bồi hồi nhớ lại các khu rừng mà trước đây anh đã sống. Với anh, rừng quá quen thuộc, như người mẹ hiền luôn mở rộng tay đón anh về. Rừng mỗi nơi có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn chung một tấm lòng che chở cho người biết nương dựa cũng như tấm lòng người mẹ nào cũng rộng rãi bao dung với con mình. Cho dù trong cuộc sống mỗi người mẹ có cách đối xử với con khác hẳn nhau nhưng điểm chung của họ vẫn là lòng bao la như trời biển. Mẹ Chương cũng thế. Bà đanh đá chua ngoa với hết mọi người, hầu như ngày còn trẻ Chương luôn nghe láng giềng than phiền vì cái tính đành hanh của mẹ. Ngay cả với ba Chương, ông cũng phải nhịn mẹ anh hết bảy phần. Vậy mà với Chương, bà luôn quan tâm chăm sóc chiều chuộng. Những điều gì bà làm cho anh, đôi lúc khiến Chương bực bội khó chịu, nhưng cuối cùng anh hiểu ra cũng chỉ vì bà hết lòng thương yêu anh, muốn anh được mọi điều tốt lành theo cái suy nghĩ của bà. Đương nhiên Chương biết không phải lúc nào mẹ anh cũng đúng nhưng anh hiểu mọi điều xuất phát chỉ từ mục đích lo lắng cho anh.

    Chương chợt thở dài khi tâm tư anh chuyển từ mẹ sang cô chủ nhỏ. Giá như mẹ đừng quá can thiệp vào có lẽ đời anh đã đổi khác. Có lẽ anh chỉ quẩn quanh đâu đó trong xã để làm một người đàn ông bình thường như những người khác. Có lẽ anh chỉ biết miếng đất, khu vườn, biết giọng nói tiếng cười của gia đình. Anh sẽ không có dịp vào những chốn hiểm nguy như thế này, không có cơ hội bay xa bay cao như hiện nay và cũng không phải mệt mõi đối mặt với từng giờ khắc căng thẳng trong hang ổ địch. Có phải số mệnh cuộc đời đã đặt để anh như thế, ràng buộc vào anh cái khắc khoải, cái lo toan, cái suy tính. Số mệnh không cho phép anh làm một người đàn ông nhàn nhã, hưởng một cuộc sống yên ả bình thường. Anh bỗng bâng khuâng khi nhìn những vạt nắng vàng chiếu lên trảng cỏ xanh. Thật lạ lùng giờ phút này anh không nghĩ đến vợ con mà nhớ về cô gái thắt hai bím tóc ngồi sau lưng anh gập ghềnh trên xe đạp, miệng líu lo hát Lý ngựa ô. Chương chông chênh trong quá khứ với hình ảnh cô ngồi đợi anh dưới gốc bằng lăng bên giòng suối nhỏ. Lúc đó trông cô yếu đuối làm sao, tội nghiệp làm sao. Rồi cô hét lên kinh hoàng khi thấy những con vắt ngo ngoe dính vào người . Rừng bây giờ đã không còn bao nhiêu vắt do ảnh hưởng của các loại thuốc hoá học nhưng ngày Chương đưa cô đi thì còn rất nhiều. Chương đã từng bực tức quát om lên khi thấy cô làm quẩn chân anh vì những con vật đối với anh thật là vô nghĩa. Rồi Chương lại rủn cả lòng khi bắt gặp những giọt nước mắt rưng rưng của cô. Ôi sao mà tình cảm con người lại rắc rối như vậy. Sao mà những hình ảnh từ cái hồi nảo hồi nào lại có thể rối loạn lòng anh khi mà anh sắp bước vào cuộc chiến sinh tử thế này. Tổ cha mấy thằng cha tiểu tư sản ăn rồi ở không làm thơ, sao mà họ lại có thể nói toàn những câu cả ngàn năm sau chắc vẫn còn đúng mãi. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (*7).

    Nghìn năm thì chưa biết chớ hai chục năm rồi Chương có quên nỗi đâu, dù thật lòng nhiều lúc anh muốn quên phức đi cho rồi, Như bây giờ chẳng hạn. Nhưng sao mà cái lũ bướm bay chập chờn kia nhắc anh nhớ đến nụ cười hớn hở của Cẩm khi tung tăng trong vạt cỏ mỹ còn ướt sương. Cái tiếng chim kêu ríu rít bên kia làm anh nhớ khi Cẩm nhại giọng con chim “Bắt cô trói cột”. Hai bàn tay này của anh đã dắt cô đi qua những đoạn đường dơ bẩn gập ghềnh, đã bắt cho cô từng con vắt, thấm miếng nước bọt xoa lên những vết kiến cắn trên mặt cô. Tay anh cũng đã đập chết con rắn cứu cô trong chớp mắt, vốc cho cô những ngụm nước suối ngọt ngào, nấu nướng cho cô ăn khi cô đói. Cứ như anh sinh ra để che chở cho cô, anh phải được tận tay chăm bón cho cô như một loài lan qúy thì anh mới yên lòng yên dạ. Chương bỗng xót xa nhớ lại bài thơ Tư Viễn thường ngâm nga:

    - Tôi nhớ người thôi hết mùa xuân
    Đường đi nghe mắt đã âm thầm
    Chân buồn lên đống đợi chiều xuống
    Và lá xanh lòng gây tiếc thương .

    -Thuở ấy tôi về ngang đất cũ
    Ngày thơ ngây cũng đẹp như hồn
    Người đi trên những con đường đó
    Lòng cũng xanh mùi cỏ mới thơm .

    - Em áo còn bay mùi ước hẹn
    Giấc mơ đời vị ngọt bâng khuâng
    Nắm tay dài mãi niềm lưu luyến
    Chân chậm dường như đến ngại ngùng.

    - Tôi giết đời tôi trong đất ấy
    Ôm người chưa chắc nỗi vòng lưng
    Chiếc hôn đầu chết trên vầng trán
    Môi đã nghìn năm biết tủi hờn

    – Tôi nhớ người thôi hết đời tôi
    Đường đi không hết nỗi câu cười
    Buồn hoang đến nửa thời thơ dại
    Trong những chiều ai mang áo phơi (*8).

    Từ ngày quen Tư Viễn, Chương bị nhiễm cái lối thơ thẩn của bạn, điều mà trước đây anh chưa hề có . Nhưng mà phải công nhận khi con người ta ở vào hoàn cảnh đó, mới thấy mấy ông nội nhà thơ sao hay quá chừng. Sao mà câu nào chữ nào cũng như xói vô tim vô ruột người ta. “Người đi trên những con đường đó – Lòng cũng xanh màu cỏ mới thơm” Cứ giống như ông nhà thơ nào đó đã nhìn thấy Cẩm đi bên Chương trong vạt cỏ đẫm sương đó, thấy bàn tay Chương kéo Cẩm vào người anh tránh vũng bùn, thấy những bước chân Cẩm rụt rè trong trảng cỏ.

    Chương tự nhiên thấy bụng mình thắt lại. Giống như bị một con dao nhọn xuyên qua. Chương lắc đầu xua đuổi cơn mơ quá khứ chập chờn. Anh cần tỉnh táo, cần sáng suốt phán đoán để hành động. Anh không còn cái quyền thơ thẩn mộng mơ nữa rồi. Trước mắt anh, sau lưng anh là những đồng đội. Họ đã phải băng rừng lội suối, họ đang luồn lách hay nép mình sau từng phiến lá để đợi chờ. Anh phải tỉnh táo để biết mình sẽ làm gì. Luồn tay vào bụng anh mân mê khẩu súng, nó không phải là cây súng lục bách phát bách trúng của anh, hình như nó hơi nặng hơn, Nhưng thôi, trong hoàn cảnh này mà có nó là tốt rồi, bọn Tư Đen vẫn tưởng anh là một loại công tử bột ngốc nghếch tay không tất sắc, anh khéo léo luồn tay đem súng vào vị trí thích hợp. Chưa biết hôm nay sáu viên đạn này sẽ dành cho ai đây. Liệu có phải là Tư Viễn, người bạn văn nghệ của anh chăng. Chương bỗng thấy có chút hối hận nào đó. Anh không muốn người bạn văn nghệ của mình phải vào vòng lao lý. Nếu hôm nay kế hoạch này thành công chắc Chương phải tìm cách giảm tội cho Tư Viễn.

    Anh lại chợt nghĩ tới Phượng, giờ này có lẽ Phượng đã bị bắt rồi. Cái nhánh bông trang nằm ngang của anh giờ chắc đã hoàn thành nhiệm vụ. Không biết đồng đội anh có khó khăn lắm không với con nữ tặc này. Thị vốn là một tay Teakwondo rất khá. Nghe đồn hồi xưa thị đánh bay Tư Đen chỉ trong 3 chiêu phủ đầu, không biết do giỏi thật sự hay Tư Đen loá mắt trước bông hồng tuyệt mỹ mà chấp nhận xin hàng. Chương nghĩ tới chị công an trong vai người bán đồ dạo, có lẽ đây cũng là một sỹ quan như anh, nét từng trải lộ trên khuông mặt dày dạn phong sương của chị. Có lẽ chị cũng tất tưởi bỏ quên đứa con nhỏ ở nhà, thay hình đổi dạng theo sát Chương hỗ trợ. Chương tự hỏi không biết liệu chị đủ sức khống chế Phượng không? Hay lại để con cáo già đó nhanh chân trốn thoát.

    Chiếc xe dừng lại trên một bãi gỗ không lớn lắm. Mọi người lục tục xuống xe. Chương đứng đằng xa nhìn Ba Đen hí hoáy ghi chép nguệch ngoạc . Tư Viễn thúc vào hông Chương:
    - Còn đi nữa đó nghen.
    Chương gật đầu. Tư Viễn đổ chai thuốc vắt ra bàn tay, phần còn lại đưa cho Chương. Anh giả bộ lúng túng bôi quẹt khắp người.

    Tiền đã lấy xong. Ba Đen ra hiệu chào rồi ngập ngừng một lúc. Chương đoán gã không muốn anh đi cùng. Chương sửa lại cái mũ, anh lấy mắt kiếng đeo vào, giả vờ lầu bầu mấy con kiến cắn dữ quá, hỏi Tư Viễn xem có đem theo chai dầu nào không ? Anh thấy Ba Đen nhổ một bãi nước bọt rồi bỏ đi. Đoàn người yên lặng đi theo sau lưng hắn. Chương cũng đi theo, anh đi sau cùng, cái mũ sáng chấp chới trên mái đầu cao nghệu của anh.

    Đoàn người băng qua một con suối nhỏ, thỉnh thoảng hết tên nọ đến tên kia quay lại cảnh giác. Rừng vẫn im lìm, chỉ có tiếng chân người khua khẽ trên lá cây, vài con thú chạy qua cũng làm bọn chúng giật mình, tên nào tên nấy gườm gườm nhìn quanh. Ba Đen giữ khư khư cái túi thụt xuống đi chính giữa. Chương băn khoăn không hiểu đồng đội mình có theo kịp anh không. Chẳng hiểu cái địa điểm Phượng nói hồi sáng với bây giờ có là một hay lại là cú lừa của con yêu tinh xảo quyệt đó nữa. Băng thêm qua một trảng cỏ nữa Chương thấy từ xa thấp thoáng chiếc chòi của dân thợ rừng. Anh căng mắt phát hiện ra hai tên gác với khẩu súng trên tay ẩn khuất. Chương kéo chiếc mũ ném nhẹ xuống đất, chậm chạp theo đám người vào khu vực chòi cỏ.
    #17
      kuclanga 20.08.2010 22:10:42 (permalink)
      Mùi quá khứ (tt - 18)


      Ba Đen chia người canh gác hai bên, hắn dắt Tư Viễn và Chương vào. Trong lều có 2 gã đen đủi ngồi sẵn, một trong hai gã hất hàm về Chương như muốn hỏi. Tư Viễn nhanh nhẩu xổ ra một tràng tiếng Lào. Bây giờ Chương mới hiểu vì sao bọn này coi trọng Tư Viễn. Anh vẫn thường cười thầm Tư Viễn là loại văn dốt võ nhát, cả đời chỉ biết uống rượu ngâm thơ mà cũng học đòi buôn lậu. Thì ra Tư Viễn thông thạo tiếng nước ngoài, điều mà Chương chưa bao giờ nghĩ tới và Tư cũng chẳng thổ lộ ra. Chương đảo mắt tìm vị trí thoát thân, lúc nãy bên ngoài anh đã tìm được chỗ phục kích cho mình. Bản năng người trinh sát trỗi dậy mạnh mẻ trong con người anh, thúc đẩy trong anh hừng hực sức sống. Hai bên nói qua nói lại một lúc rồi một trong hai gã người Lào lôi trong đống bao tải dơ dáy lộn xộn góc nhà ra một giỏ lát, loại của mấy bà già đi chợ mua đồ ăn. Gã moi ra một mớ cá khô đủ loại xong đẩy cho Ba Đen. Ba Đen lấy một que nhọn khảy khảy ra sau mấy lớp giấy, xoè tay hứng một chút bột trắng rồi kê lên miệng. Gã phun ra rồi hít hít mấy cái. Như chưa tin tưởng lắm gã bật quẹt đốt thêm một nhúm. Sau cùng có vẻ vừa lòng, Tư Đen kéo cái giỏ về phía mình, đẩy chiếc túi xách của Phượng cho 2 gã Lào. Một tên kéo phẹc mơ tuya, vốc tay vào vục ra một nắm vàng, ghé mắt coi kỹ, đưa lên răng cắn thử rồi gật gù đồng ý.

      Cuộc đổi chác coi như đã xong, hai bên chủ khách hồ hởi vui vẻ xởi lởi chào nhau. Chương nóng lòng không biết bên mình đã tới đến đâu thì nghe tên gác phía ngoài la lớn rồi có tiếng súng nổ. Nhanh như cắt anh lùi mình về phía cửa sau, trong khi hai bên chủ khách còn đang gườm nhau thủ thế thì Chương giật tung cửa, phóng ra ngoài, còn kịp nện một đá cho tên canh cửa ngã lăn bất tỉnh.

      Anh nhanh nhẹn luồn lách ra địa điểm mình đã chọn. Chương thấy lô nhô từng nhóm với đủ loại quần áo khắp sân. Nép mình sau một gốc cây lớn Chương thấy hai gã người Lào cầm súng máy xả liên tục vào nhóm thợ rừng, một số người ngã lăn ra gào thét. Chương nghiến răng nhắm bắn một phát, viên đạn không đủ cự ly bay lệch nhưng đủ để làm rớt được khẩu súng thứ nhất, anh chạy tới mấy bước vẫy thêm phát thứ hai, lần này thì vô hiệu hoá hoàn toàn khẩu súng. Chương nhanh nhẹn ẩn mặt vào phía sau, vòng qua phía bên kia, tránh mấy tên đồng bọn của Ba Đen đang vật nhau dưới đất, anh nép mình sau cây cột, canh đủ để làm tắt ngỏm thêm khẩu súng máy thứ hai. Không buồn để ý đến tên cầm súng đang bò lê dưới đất, anh lui nhanh về phía rừng, nấp sau một lùm cỏ. Đồng đội anh trong nhiều sắc phục ùa đến lúc càng đông. Chương im lặng giấu mình trong đám cỏ. Bỗng có tiếng động khẽ sau lưng, Chương theo phản xạ lăn mình đi tránh được lưỡi dao nhọn từ sau đâm đến nhưng nó vẫn đủ sức làm bụng anh đau rát. Quay lại Chương nhìn thấy đôi mắt hằn máu của Ba Đen. Gã nghiến răng:
      - Tao nghi mày lâu rồi.
      Chương cười khinh bỉ:
      - Vậy là mày hết sống.

      Tài bắn súng chính xác cộng với một cự ly ngắn đã đưa Ba Đen nhanh chóng về cõi âm. Đôi mắt gã còn trợn trừng uất hận. Chương lui về phía sau, anh không muốn nhìn xác Ba Đen máu me dơ dáy. Đồng đội anh bây giờ dư sức tóm gọn cái bọn vô lại này, anh chỉ lo cho Tư Viễn, không biết anh ta thế nào. Chương lẫn thật nhanh sau mấy gốc cây, anh muốn tránh xa cái vòng lộn xộn đó. Chợt anh nhìn thấy một trong hai tên người Lào cũng đang tìm chỗ thoát như anh, khẩu súng Chương lại vung lên khi gã chưa kịp nhìn thấy Chương, và lại qụy xuống với đầu gối trái đầy máu.

      Khi cuộc chiến đã chấm dứt, Chương bị còng tay với cái bụng và cánh tay băng bó, Viên đạn cuối cùng trong khẩu súng Chương đã tự nguyện ghim vào phần mềm cánh tay. Anh muốn tránh mọi cuộc trả thù. Đồng đội hiểu ý còng tay anh chung với cả bọn. Chương lầm lũi đi theo mọi người, hơi choáng váng vì mất máu. Chiếc xe chở gỗ khi nãy được mang đến chở những kẻ chết và bị thương của cả ba phía. Chương cũng ở trong số đó, anh nằm im vờ bất tỉnh.

      Khi xe ra tới chợ thì Chương đã thấy hai xe đặc chủng chở tội phạm chờ sẵn. Một trong hai xe có người đứng canh, Chương biết chắc Phượng đã bị bắt. Từng nhóm được áp giải lên xe tù, Chương nhìn thấy Phượng cố rướn cổ lên nhìn qua khung cửa sắt bé tẹo trên thùng xe. Lại một lần nữa Chương mũi lòng khi bắt gặp cái nhìn hốt hoảng của Phượng khi thấy người anh băng bó.

      Chương giả vờ lủi thủi đi sau Tư Viễn, hai người bị còng chung với nhau. Do tội phạm nhiều nên chỉ những kẻ có máu mặt bị ấn vào thùng xe. Chương và Tư Viễn được đứng phía ngoài. Xe chạy một đoạn, hai người Công an nháy mắt với nhau, một quay lưng lại chen vào giữa Chương và Tư Viễn, một nhanh nhẹn luồn mở chiếc khoá còng ở tay Chương. Gần đến đại lộ kinh hoàng, qua một khúc quanh, xe chạy chậm lại, nhận được cái liếc mắt của đồng đội, Chương giật mạnh tay, hét vào tai Tư Viễn:
      - Nhảy.

      Và không đợi Tư Viễn trả lời, anh nhảy xuống, lăn tròn mình vào những súc gỗ nằm lăn lóc bên đường. Hình như Tư Viễn cũng nhảy theo, xe phía sau cũng có vài tên bắt chước. Súng nổ, rồi thêm một màn rượt đuổi. Chương biết chắc sẽ kết thúc nhanh vì chỉ có anh thoát khỏi còng tay. Một lúc sau Chương nghe tiếng chửi rủa:
      - Mẹ cha tụi nó, trốn thoát một thằng rồi.

      Xe lại tiếp tục lăn bánh. Chương dựa người vào súc gỗ, ê ẩm vì cú nhảy ban nãy. Do đã mất máu từ trước nên anh không đủ sức nhảy đúng bài bản đã học. Hình như có cái gì đó không ổn ở cổ chân.

      Theo đúng kịch bản, vài phút sau một chiếc xe du lịch đỗ đến gần anh, họ xuống tìm và mang anh lên xe trong tình trạng mệt lả với ba vết thương và một viên đạn.
      ===========

      Chiếc xe đón Chương từ bệnh viện dừng lại trước Công an tỉnh Thừa Thiên. Anh được đưa đến gian phòng nhỏ trên lầu. Viên Trung tá bắt tay anh cười thiện cảm, giọng Huế đặc sệt:
      - Khoẻ rồi hỉ. Khi mô muốn về thì nói tui một tiếng.

      Chương hỏi sơ qua về tình hình trong mấy ngày anh nằm bệnh viện. Viên Trung tá kể vắn tắt lại, nói chung là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Sở Chỉ huy trong Sài Gòn đã tiếp nhận xong bọn tội phạm. Chương chỉ có việc về nhà nghỉ phép sau những ngày dài xa vợ con.

      Cửa mở, ba người mặc quân phục Công an bước vào, một là chị bán hàng hôm trước và một trong hai người đàn ông còn lại là người đã dẫm mạnh vào chân Chương trong khách sạn ở Đà Nẵng.

      Nhận ra nhau, mọi người nói cười ồn ả, Chương hỏi thăm người phụ nữ về Phượng, chị vui vẻ:
      - Hắn dữ dễ sợ, mà giỏi võ nữa tề. Bọn tui 3 người mà vất vả với hắn. May sao tự nhiên hắn bị cớ chi trong người nên chóng mặt ngã xuống. Vậy mà từ nớ cho tới khi đi còn chửi mắng om sòm.

      Chị ngần ngừ định nói thêm gì đó rồi thôi. Người công an anh gặp trong khách sạn an ủi Chương:
      - Thôi, hết vất vả rồi. Anh về nghỉ phép cho thong thả.
      Rồi anh công an cười tủm tỉm:
      - Quan trọng là về dỗ được vợ mới tài.
      Người Công an còn lại góp thêm:
      - Ông ni chắc giỏi lắm mới trị được hai con cọp cái.

      Chương đỏ mặt . Anh đã biết trước thái độ của Hạnh nhưng vẫn không khỏi ngượng ngùng trước đồng đội . Viên Trung tá chữa thẹn giùm anh.
      - Ối đàn bà là rứa. Có bà mô mà hiền.
      Rồi ông quay sang trêu chị Công an.
      - Bà ni cũng vậy nì. Tên Hiền chớ thử ai đụng tới chồng ả coi. Ả xé phay chấm muối ớt liền.
      Cả phòng cười ầm lên.

      Về tới nhà Chương bắt đầu phải hứng chịu cơn giận hờn của vợ. Anh dỗ dành ngon ngọt với Hạnh đủ điều. Đã được Sở Chỉ huy giải thích nhưng Hạnh vẫn không tin chồng, cô luôn luôn xoi mói, nhắc nhở bóng gió Chương về chuyện đó. Chương cũng không dám kể gì nhiều, chỉ nói qua loa đại khái. Chương biết nếu kể hết ra cơn giận của Hạnh sẽ không dừng lại ở đó.

      Hai tháng sau Chương theo lời mời, đến dự lễ nhận Huân chương của một Công ty thuộc tỉnh sát bên, Tổng Giám đốc Công ty này với anh trước đây có học chung lớp chính trị, kể ra cũng là người thân quen. Sau bữa tiệc liên hoan, trong lúc ra về Chương mãi mê bắt tay người nọ người kia thì nghe đâu đó tiếng ai gọi:
      - Chú Hai – chú Hai.
      Chương vẫn không quan tâm, mãi khi người kia gọi lớn:
      - Chú Hai Long, chú Hai Long, con nè.

      Chương giật mình nhìn lại. Anh sững người khi nhận ra đứa con gái riêng của người vợ nhỏ Tư Viễn xứ. Con nhỏ đứng sát hàng rào, gần kế bên là chiếc xe chở học sinh đi tham quan đang bị hư vỏ. Chắc con bé đi trong đoàn này.
      Giả vờ như người lạ, Chương thản nhiên bước đi nơi khác, trong tâm tư anh nỗi lên một chút gì áy náy.

      Hai tuần sau viên đại tá phụ trách chiến dịch gọi anh lên Sài Gòn. Ông lặng lẽ đưa cho anh tờ biên bản cái chết của Phượng trong nhà tù. Phần ghi chú có nói rõ việc Phượng rải cơm trên nền đất thành chữ đồ khốn nạn và cái đập vào mắt anh mạnh mẻ nhất là kết luận của pháp y xác nhận Phượng tự tử chết cùng đứa con đang mang trong bụng. Chương rùng mình nhớ đến nét dã dượi của Phượng trong ngày kết thúc chiến dịch và thái độ người nữ Công an tên Hiền ở Huế ngày nào. Chương có cảm giác anh vừa nuốt phải một cục gì đó đắng ngét.
      -----------
      #18
        kuclanga 23.08.2010 09:34:28 (permalink)

        Mùi quá khứ (tt - 19)

        Chương kể xong, anh lại đốt tiếp một điếu thuốc nữa, hít vài hơi lại dập tắt. Tôi nhẹ nhàng nhắc nhở:
        - Lớn tuổi rồi. Anh hút ít thôi.
        Chương không trả lời, anh nhìn đồng hồ:
        - Sáu giờ hơn rồi, hôm nay tôi mời cô Hai ăn với tôi một bữa cơm.
        Tôi ngần ngại:
        - Bây giờ ăn cơm xong mà về đến nhà thì trễ lắm anh Chương à.
        Chương không chịu:
        - Bây giờ là giờ gì mà nhịn đói vậy ? Có về nhà thì cũng phải ăn chớ. Mà nhà cô có ai đâu cô phải về sớm ?
        Tôi năn nỉ:
        - Thôi mà anh Chương. Tôi về già có nhiều tính xấu, thức khuya quá giờ là mất ngủ tới sáng. Từ đây về tới nhà tôi xe chạy hơn tiếng đồng hồ, trễ lắm đó anh Chương.

        Chương thở ra không nói gì. Anh bảo tôi chờ anh ở đó rồi xuống quầy lễ tân. Tôi tranh thủ vào nhà vệ sinh trang điểm lại nhẹ nhàng. Lúc tôi ra đã thấy Chương đứng chờ, trên tay là hai ổ bánh mì và chai nước khoáng. Chương cười:
        - Cô Hai sợ trễ thì tôi với cô ăn bánh mì vậy được chưa. Không biết sao mà hễ nghe cô hạ cái giọng xuống là tôi phải đầu hàng liền.
        Tôi đi cùng Chương ra khỏi nhà hàng. Chương bảo tôi:
        - Cô đứng đây chờ tôi lấy xe đưa cô về tới nhà.
        Tôi lúng túng:
        - Không cần thế đâu, anh đưa tôi ra đường lớn tôi tự đón xe về được mà.
        Chương lắc đầu cương quyết:
        - Đừng có cãi . Lần này tôi không đầu hàng nữa đâu.

        Rồi anh hấp tấp bước đi. Một lát sau anh quay lại với chiếc xe 7 chỗ ngồi sang trọng. Tôi ngồi bên anh, bánh mì và nước khoáng lăn lóc chính giữa. Chương kéo dây an toàn gài cho tôi.
        Cho xe chạy một đoạn, Chương hỏi:
        - Cô Hai đói chưa ?
        Không đợi tôi trả lời, Chương với tay lấy ổ bánh mì đưa cho tôi, anh pha trò:
        - Ngồi nhà hàng, đi xe máy lạnh mà gặm bánh mì. Chắc rằng chỉ có tôi với cô mà thôi.
        Rồi bỗng anh chợt hỏi:
        - Cô Hai có nhớ bữa ăn chung cuối cùng của tôi với cô Hai mấy mươi năm trước tụi mình ăn gì không ?
        Tôi cúi đầu giấu nụ cười:
        - Nhớ.

        Đó là ngày sau Tết năm lớp 12, tôi về Sài Gòn học. Thường thì Chương vẫn ăn cơm chung với gia đình tôi, điều đó có nghĩa là tôi và Chương đã ăn cùng với nhau không biết bao nhiêu bữa. Hôm đó tự nhiên tôi cao hứng đòi đi sớm nên chưa kịp ăn cơm, má sợ tôi đói nên gói cho tôi ổ bánh mì thịt. Chương như thường lệ phụ tôi xánh đồ đạc ra đường đón xe. Chắc má sợ đón xe lâu Chương đói nên làm thêm một ổ bánh nữa. Hai chúng tôi đi được một đoạn, tôi giở chứng đòi lấy bánh mì ra ăn. Mới đầu Chương không chịu, có lẽ lúc đó anh lớn hơn tôi, lại là thanh niên nên xấu hổ. Tôi mặc kệ anh, thoải mái vừa đi vừa nhai nhóp nhép. Có lẽ thấy tôi ăn ngon lành quá, ngứa mắt bên cuối cùng Chương cũng bắt chước. Hai chúng tôi ngồi dưới bóng cây xoài trước cửa nhà thờ, vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện. Chương cằn nhằn:
        - Thiệt là kỳ cục. Mọi lần 2 giờ chiều mới đi, bữa nay mới hơn 11 giờ là đòi đi. Bộ nhớ Sài Gòn lắm hả?
        Tôi đanh đá:
        - Chớ sao. Tôi nghỉ học nữa tháng rồi. Bây giờ thèm đi học.
        Chương lườm:
        -Thì đợi ăn cơm trưa rồi đi. Từ nhà ra đây chưa được bao xa mà tự nhiên bỏ cơm gặm bánh mì.
        Tôi càng bướng bỉnh:
        - Tôi đi học ngày nào cũng ăn bánh mì. Về đây nửa tháng không ăn thấy nhớ.
        Rồi tôi vặc lại:
        - Ai biểu anh ăn, bây giờ anh về nhà ăn cơm có sao đâu. Ai bắt anh ngồi đây vừa ăn vừa đau khổ.
        Chương phì cười:
        - Ăn mà đau khổ sao?
        Tôi trêu:
        - Chớ còn gì. Coi kìa. Anh ăn mà mặt mũi nhăn nhó, thở ra thở vô, cẳn nhẳn cằn nhằn, thôi nghỉ ăn cho rồi.
        Vừa nói tôi vừa giật ổ bánh của Chương. Chương lật đật giữ lại:
        - Đừng có ăn gian, phần ai nấy ăn.
        Tôi gật gù:
        - Bày đặt chê mà người khác giành thì tiếc.
        Chương không đùa nữa. Anh chợt nhìn tôi cười buồn:
        - Ăn chung với cô Hai bữa nay rồi biết mai mốt có còn được ăn nữa không?
        Tôi trố mắt ngạc nhiên:
        - Sao không ? Hè tôi về nữa mà. Hay là anh không ở nhà tôi nữa?
        Chương trả lời lững lơ:
        - Cũng chưa biết chừng. Mà có khi cô Hai đi học rồi ở luôn dưới Sài Gòn không về ai mà biết được.
        Tôi giận dỗi:
        - Ai nói với anh vậy? Nhà tôi ở đây, không về đây thì về đâu.
        Rồi tôi cương quyết:
        - Nhất định là về mà, giá nào cũng phải về.
        Chương không nói gì. Anh yên lặng cho tới khi có xe, tôi lên xe rồi còn thấy anh đứng nhìn theo cho tới khi tầm mắt tôi không còn trông thấy anh nữa.
        Đúng là từ đó cho đến hôm nay, chúng tôi không còn bữa nào ăn chung với nhau nữa, kể cả trong thời gian cùng đi thủy lợi vì Chương luôn được mời lên ăn với cán bộ đoàn.


        Chương bỗng bâng khuâng:
        - Hơn ba mươi năm trước, tôi với cô cũng cùng ăn bánh mì như vậy. Bây giờ tôi với cô lại một lần nữa ăn với nhau bữa sau cùng.
        Tôi phản đối nhẹ nhàng:
        - Anh nói sai rồi. Không sau cùng đâu. Ngày mai, ngày mốt tôi có thể mời anh đến nhà ăn với tôi một bữa cơm, hay anh có thể mời tôi đến quán nào đó cũng được.
        Tôi cười cười nói thêm:
        - Nhà tôi cách nhà anh chưa tới 10 cây số. Quan trọng là có muốn mời ăn hay không thôi.
        Chương im lặng một lát rồi thở dài:
        - Chỉ sợ không được như vậy.
        Tôi nhớ ra:
        - À anh sợ chị Hạnh không bằng lòng chớ gì. Không sao. Hôm nào anh Khang về, tôi mời cả hai vợ chồng.
        Chương lắc đầu:
        - Cô Hai hiểu lầm rồi. Hạnh đi du lịch Châu Âu gần cả tháng nay. Có ở nhà đâu mà ngăn sông cấm chợ.
        Tôi lườm anh:
        - Nói năng quá đáng.
        Chương cười trừ.

        Xe chạy được một lúc, bằng một tay anh khéo léo mở chai nước, rót vô chiếc ly giấy đưa cho tôi. Tôi lắc đầu:
        - Anh đâu cần phải vậy. Đáng lẽ ra tôi rảnh hai tay phải rót nước cho anh mới đúng.
        Chương cười buồn:
        - Biết tôi còn được mấy lần chăm sóc cho cô Hai.
        Tôi nhìn anh nghi ngờ:
        - Sao nãy giờ anh toàn ăn nói kiểu gì không vậy.

        Chương không nói thêm gì. Tôi cũng hơn ngần ngại ngồi im. Trong lòng tôi thoáng lên một câu hỏi: Chương có ý gì mà sắp xếp cuộc gặp mặt này, chỉ để nhắc lại những chuyện cũ xa xưa và nói những điều mà thật ra không nên nói. Giữa chúng tôi giờ có còn gì đâu, còn chăng chỉ là những mái tóc đã thay màu, những nếp nhăn xấu xí. Hơn ba mươi năm đã có quá nhiều thay đổi, chẳng còn kịp thời gian để cứu vớt bất cứ vấn đề gì. Tâm đã cằn, lực đã tận, gặp nhau chỉ còn đuôi con mắt liếc nhìn chớ lợi ích chi đâu.

        Xe chạy một đoạn đường dài, chúng tôi mỗi người mãi mê với suy nghĩ của mình. Chương bỗng hỏi tôi:
        - Cô Hai có nhớ hồi kỳ cô Hai thi đậu Tú tài một không?
        - Nhớ cái gì?
        - Chú Chín làm tiệc mừng cô Hai thi đậu, có mấy ông sĩ quan tới dự đó. Cô Hai nhớ cô Hai nói gì không ?
        Tôi phì cười:
        - Anh nhắc chi tới chuyện hồi con nít đó.
        Chương cãi:
        - Con nít gì chớ. Đậu Tú Tài một mà con nít sao được. Mà lời nói cô Hai lúc đó phải lời của con nít đâu.

        Tôi im ra không cãi lại. Hồi đó tôi đậu Tú tài một, lúc đó người ta chủ tâm bắt lính nên chuyện thi đậu quả là không phải dễ dàng. Tôi chỉ đậu trung bình thôi nhưng gia đình tôi mừng lắm. Ba tôi mở tiệc chiêu đãi bà con lối xóm, có mời mấy ông lính trong đơn vị tới chơi. Không hiểu sao từ nhỏ tôi đã ghét lính, giống như khi lớn ghét bộ đội vậy. Mặc dù ba tôi cũng là lính nhưng tôi lại không có thiện cảm với bộ quần áo màu cỏ úa. Với tôi họ có cái gì đó thô thiển, cái gì đó tàn nhẫn mà tôi không chấp nhận được.

        Thường thì rượu vào lời ra, ăn uống một lúc đã thấy bên phía bàn ba tôi lộn xộn. Người kêu ba tôi bằng ba, kẻ xí phần con dâu um sùm.Tất nhiên nội tôi đã báo trước cho tôi biết họ chỉ vui đùa nên tôi cũng không cáu gắt gì (đã nói là bà nội tôi cái gì cũng biết mà). Đến lúc có ba bốn ông lính nhất định đòi ba tôi phải chọn, một ông khác có vẻ lớn tuổi biểu ba tôi gọi tôi ra. Tôi và má, nội, Chương với mấy em ngồi ăn cách một vách buồng. Bà nội dặn khẽ tôi rồi bảo tôi ra chào khách. Đến bàn ba tôi giới thiệu tôi với mấy ông, ông khách già nhất trêu:
        - Nãy giờ cái đám giặc này nó giành nhau làm rể ba mày đó gái. Đây nè bác cho tụi nó sắp hàng, con lựa đứa nào nói cho bác biết.
        Ba bốn ông lính trẻ lau nhau:
        - Anh đây nè em.
        - Lựa anh đi em
        - Anh đẹp trai nhứt trung đội đây em.
        Tôi cười hồn nhiên:
        - Anh nào cũng được, miễn đừng có ăn hiếp em là được rồi.
        Cả bàn cười ồ. Mấy ông già cười tôi cô Tú thông minh quá. Khi tôi chào mọi người trở về bàn mình. Thằng em út tự nhiên phát biểu:
        - Vậy là chị Hai hổng lấy anh Chương rồi. Anh Chương toàn ăn hiếp chị Hai.
        Cả bàn lại được một trận cười lời nói ngây ngô của thằng nhỏ. Thằng lớn trề môi:
        - Mày biết gì. Chị Hai toàn ăn hiếp anh Chương.
        Má tôi cười đỏ cả mặt. Bà nội tôi cũng cười, bà nạt:
        - Mấy đứa này, ăn nói lộn xộn quá.
        Lúc ra sau hè đánh răng, Chương hỏi khẽ tôi:
        - Chọn được ông lính nào chưa?
        Tôi vênh mặt:
        - Sắp rồi.
        - Ai vậy?
        - Ai thương mình nhứt thì lấy họ.


        Chương lại hỏi:
        - Hồi đó cô Hai quen anh Khang lâu không mà cưới ?
        Tôi lúng túng kể lại chuyện tôi với Khang ngày trước, rồi buông một câu kết luận:
        - Chỉ có vậy thôi. Anh Khang kể khi về gia đình thưa chuyện, ba má anh Khang chẳng có phản ứng gì, coi như điều anh Khang lấy vợ là chuyện tất nhiên. Phía gia đình tôi cũng êm ái mọi điều. Cứ giống như hai gia đình đã biết điều này lâu rồi. Tụi tôi lấy nhau thuận thảo từ đó cho tới bây giờ.
        Chương trầm ngâm:
        - Kể cũng tức cười, anh Khang chẳng gần gũi cô, tự nhiên can đảm nói một câu vậy mà sống chung với cô êm đềm tới bạc đầu. Còn tôi cận kề cô suốt mấy năm trường, có một điều muốn nói hoài mà tới già vẫn chưa dám nói. Cô Hai thấy có nghịch lý không ?
        Tôi e dè:
        - Anh Chương à. Mình già rồi, có nên nhắc đi nhắc lại chuyện đã qua không ?
        Chương phản ứng ngay:
        - Sao lại không ? chính vì mình già rồi mới nói đến, nếu không nói cứ để nó âm ỉ trong lòng tới chết sao?
        Giọng anh bỗng nghẹn lại:
        - Liệu mình còn gặp lại nhau nữa mà nói không ?
        Tôi nhìn anh nghi ngờ:
        - Sao nãy giờ tôi thấy anh có vẻ không bình thường.
        Chương hỏi lại:
        - Cô thấy gì ?
        Tôi nhìn ra xa xăm:
        - Tự nhiên anh hẹn tôi gặp, nói chuyện ngày xửa ngày xưa, rồi anh cứ như là sắp xuất ngoại vậy. Lần sau cùng, lần sau cùng, anh làm tôi nghi ngờ quá.
        Chương hỏi gặng:
        - Cô nghi cái gì ?
        Tôi hỏi:
        - Bộ anh tính ra nước ngoài ở hay sao ?
        Chương im lặng. Một lát anh nói:
        - Cô thông minh lắm. Nhưng lần này cô đoán sai rồi. đúng là tôi sắp đi xa, ít nhất là xa cô, nhưng tôi không đi nước ngoài nước trong gì cả. Tôi…..
        #19
          kuclanga 24.08.2010 10:44:00 (permalink)
          Mùi quá khứ (tiếp theo và hết)


          Anh chợt tắt ngang giọng, rồi từ từ mở chiếc hộc nhỏ trong xe, lấy ra đưa cho tôi mấy cuốn sổ:
          - Cô đọc đi.
          Tôi nhận ra đó là những cuốn sổ khám bệnh của bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện Hoà Hảo, Trung tâm tai mũi họng, Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Pháp Việt, Tôi vội mở nhanh phần kết luận, Tất cả đều có chung một câu: K thanh quản. Tôi bàng hoàng nhìn Chương:
          - Anh không lừa tôi phải không?
          Chương cười khổ:
          - Chuyện này tôi lừa cô làm gì.
          Tôi thẩn thờ:
          - Có cách gì không ?
          Chương im lặng. Tôi bồi hồi không nói nên lời. Xe chạy thêm một khoảng xa tôi mới hỏi:
          - Chị Hạnh đã biết chưa ?
          Chương lắc đầu. Tôi thở ra:
          - Sao anh không cho chị biết?
          Chương buồn buồn:
          - Nói làm gì. Để cho cô ấy vui hưởng sung sướng cho trọn vẹn. Tôi đã làm khổ cô ấy nhiều rồi mà. Cô ấy biết thì vấn đề cũng có giải quyết được đâu.
          Tôi cãi:
          - Nhưng đã là vợ chồng thì lúc hoạn nạn cũng phải có nhau. Anh giấu chị về sau chị sẽ giận anh.
          Chương cười buồn:
          - Giận tôi. Hạnh đã giận tôi từ mấy năm nay rồi. Từ sau khi cô ấy bắt gặp tôi đi với Phượng trong khách sạn ra. Hôm đó nếu không có đồng nghiệp tôi nhanh tay kéo cô ấy lên xe thì cô ấy đã chém tôi với Phượng liền lúc đó. Tôi cũng chẳng thể chối cãi được điều gì. Sau khi kết thúc vụ án cô ấy vẫn chưa tha cho tôi. Nhưng kinh khủng nhất là từ khi Phượng tự tử, có người cho cô ấy biết Phượng chết với đứa con trong bụng. Gia đình tôi tan nát từ đó. Tôi bàng hoàng vì lỗi lầm của mình, còn Hạnh thì thẳng cánh phá nát chút hạnh phúc còn sót lại.

          Chương uống một ngụm nước:
          - Sau vụ án bề ngoài tôi được thăng tiến nhanh chóng, được huy chương, được tràn ngập lời ca ngợi. Đâu có mấy ai biết hạnh phúc gia đình tôi giống như căn nhà tranh từ từ rệu rã. Tôi mặc cảm vì tội lỗi của mình, Hạnh hết đập phá tới chửi rủa. Con cái tôi bất mãn cha mẹ. Sau cùng Hạnh nghĩ ra cách trừng phạt tôi thật cay nghiệt.

          Anh chạy xe chậm lại, đốt một điếu thuốc, hít vài hơi rồi nói:
          - Cô Hai biết Hạnh làm sao không ? Hạnh làm nhân viên bán bảo hiểm cho một công ty nước ngoài. Lợi dụng uy tín của tôi, Hạnh ép hầu hết người quen đều phải mua bảo hiểm của Hạnh. Cô cũng biết mà. Vợ xếp yêu cầu mua thì ai dám không mua. Chưa đủ, Hạnh còn nhận hết vụ hối lộ này đến vụ làm ăn khác, nhận xong Hạnh bắt tôi phải giải quyết. Tôi khốn khổ vì hậu quả của Hạnh gây ra. Tiền bạc vô nhà tôi ngày càng nhiều, Hạnh càng vênh vang với tôi, cô ấy khinh tôi có địa vị mà không biết hái ra tiền. Tôi càng xuống nước với Hạnh Hạnh càng đàn áp tôi ghê gớm hơn. Dần dần tôi tìm cách đi học hết lớp này tới lớp khác hoặc trốn mình trong cơ quan, sợ về nhà phải nghe giọng lưỡi chanh chua của Hạnh. Vậy mà cô ấy cũng không tha thứ cho tôi, tôi không về thì cô ấy gọi điện thoại biểu phải giải quyết vấn đề này, vụ việc kia. Tôi hoàn toàn hết cách với cô ấy.

          Giọng anh càng lúc càng cay đắng:
          - Gia đình tôi càng ngày càng tệ hại, tôi trốn đi thì Hạnh cũng bỏ đi. Các con tôi không ai dạy dỗ, tiền thì nhiều đâu biết để làm gì. Thằng lớn bỏ về thành phố nhập hội với bọn đua xe, cách đây hai năm tan xác. Tôi đâu dám ra mặt nhận con, chỉ đem về nhà báo là bị tai nạn giao thông trên đường về. Thằng nhỏ phải đem gởi về Trung tâm cai nghiện tuốt dưới miền Tây vì sợ dư luận. Cô coi có ông Trung tá Công an nào khốn nạn như tôi không ? Tôi chỉ huy người đi bắt tội phạm xã hội mà con tôi thì là tội phạm. May sao là còn được đứa con gái. Cô coi đó: Gia đình tôi có xe hơi nhà lầu mà có hạnh phúc đâu.

          Ngưng một lát anh tiếp:
          - Sau cái chết của con tôi Hạnh lại càng oán tôi hơn, cô ấy trút mọi trách nhiệm lên đầu tôi. Cô ấy nói tôi suốt đời chỉ lo đi học, đi lập chiến công cho riêng mình mà không thiết tha, dạy dỗ gì con cái . Cô ấy nói cũng có phần đúng, tất nhiên là trong đó phải có phần trách nhiệm của cả hai. Rồi Công ty bảo hiểm thấy cô bán được doanh số quá cao, cho cô đi hết nước này đến nước nọ. Càng đi nhiều Hạnh càng khinh tôi hơn, trong con mắt cô ấy tôi là loại đàn ông đốn mạc, ngu xuẩn mặc dù khi cần cô vẫn bắt tôi xuất hiện cùng cô ấy cười cười nói nói trước thiên hạ như đôi vợ chồng nồng thắm nhất.

          Chương không nói nữa, tôi cũng lặng im không dám nói tiếng nào. Trong giờ phút này qua ánh đèn đường tôi thấy thần sắc Chương thật thảm hại. Đâu rồi người anh hùng như cây thông trong huyền thoại, đâu rồi cây đại thụ vững chắc luôn bảo bọc che chở cho tôi. Chương giờ đây như thân cây bị mối mọt ăn luồn, ngoài cái vỏ bên ngoài còn sót lại, bên trong rỗng toét chỉ chờ cơ hội là gục xuống. Lâu nay tôi đâu hay biết gì về anh, ngay cả con anh chết tôi cũng mới nghe lần đầu. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc của gia đình đã khiến tôi lười biếng rúc mình vào vỏ, quên hẳn người bạn năm nào.

          Một lúc lâu sau tôi quay ra vấn đề khác:
          - Bây giờ anh định thế nào?
          - Nghỉ hết phép rồi có lẽ tôi cũng phải nghỉ hưu thôi.
          Tôi lại hỏi:
          - Bệnh viện họ nói sao với anh?
          Chương lơ đễnh:
          - Họ nói sao tôi cũng không nhớ kỹ, đại loại là sẽ giải phẫu, nếu thành công thì tôi mất đi tiếng nói, còn không thì … thôi.
          Tôi ngần ngừ:
          - Anh định bao giờ phẫu thuật?
          Chương cười nhẹ:
          - Cô Hai tính đi thăm tôi hả?
          Tôi gật đầu. Chương giả vờ ngao ngán:
          - Thôi cho tôi xin đi. Cô tới chỉ làm rách việc.
          - Sao vậy?
          Chương trêu:
          - Cô lại nước mắt ngắn nước mắt dài, mà tôi thì nằm ngay đót không biết làm sao mà dỗ cô.
          Tôi bùi ngùi:
          - Đã biết vậy sao anh còn kể ra.
          Chương nghiêm mặt:
          - Tôi không cho cô biết cô sẽ thắc mắc vì sao tôi lại gọi cô đến nói những điều ngớ ngẩn như vậy. Tôi đã nói với cô từ hồi chiều, nếu tôi không nói với cô lần này tôi sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội để nói với cô nữa. Cô có thấy tôi nói sự thật không?
          Tôi im lặng gật đầu.

          Chương đột nhiên rà xe lại, anh cho xe đỗ vào vườn cây cao su. Tôi bỗng nhiên hơi sợ, buổi tối rừng cao su không an toàn lắm, rồi bỗng phì cười mình ngớ ngẩn. Chương đi đâu có bao giờ mà không mang súng, đi với anh mà còn sợ cướp vặt thì đúng là sỉ nhục anh.
          Tôi hỏi:
          - Sao ngưng đây vậy anh Chương?
          Chương im lặng một lúc mới trả lời:
          - Cô Hai học nhiều có biết nguyên tắc các bí mật quốc gia được giữ trong vòng bao lâu không?
          Tôi đáp ngay:
          - Ba mươi năm.
          Chương gật gù:
          - Giỏi lắm. Cô thấy đó, ngay cả các sách trắng cũng chỉ ba mươi năm sau là được công bố. Cô biết vì sao mà có con số 30 năm không?
          Không đợi tôi trả lời Chương nói luôn:
          - Vì sau ba mươi năm tất cả đã đổi thay đủ để cho người ta không thể xoay chuyển điều gì nữa, có muốn điều gì cũng không được. Ba mươi năm là một khoảng thời gian quá dài để xoá hết mọi hiềm khích, để cho các quốc gia chuyển từ đối đầu qua đối thoại, chuyển từ kẻ thù sang bạn hữu.
          Tôi cười cười:
          - Giống như trước đây căm thù giặc Mỹ bây giờ thì mời giặc Mỹ vào hợp tác kinh tế đó hả?
          Chương gật gù:
          - Đúng là như vậy.

          Một lát anh lại tiếp:
          - Cô Hai. Tôi với cô Hai quen nhau trên ba mươi năm rồi. Đã qua thời hạn bí mật rồi. Mình giờ đã già, đầu hai thứ tóc, lực cũng bất tòng tâm. Bây giờ tôi cũng không còn là anh Chương ngày nào để an ủi, che chở hay gây rắc rối cho cô. Tôi bây giờ sống chết đếm từng ngày; trước khi không còn nói chuyện được nữa tôi muốn hỏi cô vài câu .
          Tôi rưng rưng nước mắt gật đầu:
          - Anh hỏi đi.
          Chương im lặng một lúc lâu, sau cùng anh nói:
          - Cô Hai từ từ suy nghĩ rồi trả lời mấy câu hỏi của tôi nghe. Thứ nhất: Không kể lúc cô còn đi học, thời gian sau đó có khi nào cô có chút tình cảm gì với tôi không, cô có tha thứ cho tôi không? Thứ hai: Phản ứng của cô khi hay tin tôi lập gia đình nó như thế nào.
          Anh ngừng lại một lúc rồi nói tiếp:
          - Suy nghĩ kỹ đi cô Hai rồi hãy nói. Sau này tôi có còn sống cũng không có dịp để hỏi cô nữa đâu. Cô đừng phụ lòng tôi.

          Tôi im lặng thẩn thờ Sao Chương lại muốn mọi việc phải rạch ròi sòng phẳng như thế này. Tình cảm con người chứ có phải tiền bạc đâu mà cân đong đo đếm. Ba mươi năm trước đã không nói thì thôi. Ba mươi năm sau có nói kiểu gì cũng chẳng đem lại kết quả tốt đẹp nào. Chương đã biết điều đó sao lại cố tình đẩy tôi vào tình cảnh này. Tôi nhắm mắt, cố nhớ lại mọi hình ảnh quá khứ của nhiều năm về trước. Một anh Chương hiền lành thân thiện, một anh Chương siêng năng giỏi giang, một anh Chương luôn dỗ dành chiều chuộng. Rồi đến một Chương xa cách lạnh lùng, một Chương bỗng nhiên chợt xa vời vợi, một Chương nửa ngập ngừng nửa hoang mang, thoát ẩn thoát hiện trong tầm nhớ của tôi. Tại sao vậy? Tại sao cả tôi và Chương đều kiêu hãnh, kiêu hãnh đến ngu dại để mọi việc như ly nước đã đổ đi không bao giờ còn hốt lại được. Tại sao cả hai chúng tôi lại tự hành hạ, tự dằn vặt mình một cách vô lý như thế. Lều nam và lều nữ của đợt thủy lợi năm nào chỉ cách nhau hơn hai sải tay mà cả tôi và Chương đều nghiến răng khóc hận một mình. Người này ráng kềm tiếng nấc không cho người bên kia biết. Tại sao lúc đó tôi không lên tiếng trách hờn anh lừa dối, tại sao tôi không oà ra khóc dễ dàng như ngày còn bên anh để anh lại có thể năn nỉ làm lành như trước. Tại sao tôi cắn chặt cổ áo kềm tiếng oà vỡ trong tim mình để nước mắt chảy nhạt nhoà, ướt đẫm bờ vai mà không đáp trả anh được một lời. Ai bắt mà tôi phải dại dột chịu đắng cay một mình như vậy ? Còn anh? Mồm mép ở đâu mà anh chỉ hỏi tôi được một câu rồi nín, sao anh không nói thêm câu thứ hai thứ ba. Anh kể anh tự sỉ vả nguyền rủa mình sao anh không nói lớn lên cho tôi nghe để tôi bớt uất hờn, sự cao ngạo trong người anh quá lớn để anh không thể xin lỗi tôi một tiếng sao. Tại sao cả tôi và anh đều chất ngất lòng tự cao tự đại đến dại dột như vậy? Cả tôi và anh đều đau đớn như thế sao cứ mãi chôn giấu trong lòng để hành hạ nhau. Cả một khoảng thời gian dài sau đó thiếu gì dịp để bày tỏ lòng mình tại sao cả hai cùng tránh né. Tại sao bề ngoài cứ phải dửng dưng như người xa lạ trong khi lại hoang mang bối rối nhìn nhau. Sao anh không nói nỗi với tôi một lời, sao tôi không dám bồi hồi nhìn lại đôi mắt nồng nàn tha thiết đó. Tại sao tôi không chảnh choẹ như hồi còn nhỏ để hỏi anh “Ngó gì mà ngó hoài vậy” để anh có dịp bày tỏ nỗi lòng. Tại sao tôi cứ phải quay đi né tránh, giả vờ không biết. Tại sao tôi cứ lẫn đi mỗi khi anh đến nhà, tại sao cả năm trường tôi lặng lẽ đi bên anh mà không có lấy một câu xởi lởi trong khi lòng tôi có thật sự ghét anh đến nỗi vậy đâu. Sao cả hai chúng tôi đều nông nỗi, đều ngang ngược như nhau vậy. Để rồi cho đến khi muộn màng, cho đến khi đổ vỡ lại tự cay đắng giày vò mình. Để rồi lại khóc hận một mình lần nữa trong ngày người này biết người kia có gia đình. Tại sao phải tự giết nhau lần mòn như vậy? Liệu có phải hai chúng tôi đều quá ngu xuẩn không? Có phải vì cả hai đều quá kiêu ngạo, quá hợm hĩnh không? Có phải vì cả hai đều mong chờ điều toàn mỹ nên cuối cùng ngậm ngùi chua xót thế này đây. Vậy thì Chương còn ép tôi phải nói làm gì chứ? Sao không để tất cả trôi qua, cho quá khứ chết mục nát, chết tang thương cho rồi. Còn khơi dậy làm gì đống tro tàn cũ kỹ?

          Thời gian cứ thế trôi đi, tôi vẫn không nói được tiếng nào. Chương lặng lẽ đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Sau cùng, chịu không nỗi, tôi lên tiếng:
          - Về đi anh.
          Chương thở dài:
          - Cô Hai chưa trả lời tôi mà.
          Tôi lắc đầu:
          - Đừng ép tôi.
          Chương bật đèn mui sáng lên, buồn bã:
          - Đến bây giờ mà cô Hai - không – em vẫn còn giận tôi sao ?
          Tôi cười thảm:
          - Tôi lấy tư cách gì mà giận anh chứ ?

          Giọng Chương càng lúc càng đục:
          - Em kín đáo, giữ kẻ với tôi suốt bao nhiêu năm trời, không lẽ mà tội tôi nặng đến mức độ em không thể tha thứ được sao. Tôi đã nói hết lời mà em vẫn không hiểu lòng tôi. Nếu không giận sao em không trả lời câu hỏi của tôi.
          Tôi im lặng. Một lúc Chương thở ra:
          - Thôi như vầy. Tôi sẽ hỏi nhiều hơn nhưng em không phải trả lời, ra hiệu là đủ rồi.
          Tôi ngần ngừ rồi sau cùng cũng đồng ý. Chương hỏi:
          - Lúc còn đi học, em có biết tôi để ý em không?
          Tôi lắc đầu. Chương hỏi:
          - Sau này, khi về nhà, em có giận tôi không?
          Tôi gật đầu. Chương hỏi:
          - Thời gian đó tôi đã rất hối hận, em có biết không?
          Tôi gật đầu. Chương tiếp:
          - Đã nhiều lần tôi rất muốn tỏ bày tình cảm với em, em có biết không?
          Tôi gật đầu. Chương hỏi:
          - Em có tha thứ cho tôi không?
          Tôi gật đầu. Chương lại hỏi:
          - Trong lòng em, lúc đó có chút tình cảm nào với tôi không ?
          Tôi gật đầu. Chương tiếp:
          - Nếu lúc đó tôi nói tôi sẽ đưa em đi rất xa, em có bằng lòng đi với tôi không?
          Tôi lắc đầu. Chương gặng lại:
          - Tại sao ?
          Tôi không nói. Một lúc anh thở dài, hỏi tiếp:
          - Khi tôi đi rồi, em có buồn không?
          Tôi ngần ngừ một lát rồi gật đầu. Dù sao thì tôi thực sự cũng đã thấy mình mất đi điều gì đó. Chương tựa đầu trên vô lăng trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
          - Khi nghe tin tôi lập gia đình, em như thế nào?
          Tôi không trả lời. Chương hỏi tiếp:
          - Thực lòng có buồn không?
          Tôi gật đầu. Chương hỏi:
          - Bao lâu?
          Tôi giơ 3 ngón tay. Chương hỏi:
          - Ba năm ?
          Tôi lắc đầu. Chương hạ xuống:
          - Ba tháng ?
          Tôi lại lắc đầu. Chương thất vọng:
          - Ba ngày ?
          Tôi gật đầu. Chương im lặng một lát rồi nói:
          - Dù sao cũng còn hơn không.
          Rồi anh quyết định:
          - Thôi ta về.

          Chương cho xe chạy tiếp. Con đường về đến nhà tôi đã không còn xa. Chương bỗng hỏi:
          - Sao lúc bà Ba hỏi chuyện tôi, em không có phản ứng gì?
          Tôi rầu rầu:
          - Trước đó tôi đã nghe nội tôi nói với má về suy nghĩ của gia đình anh. Tôi cũng như anh, thấy rằng mình không có cách gì thoát ra được.

          Chương không hỏi gì thêm. Xe chạy một đoạn nữa đã thấy từ xa sáng lấp lánh ánh đèn khu công nghiệp. Tôi sắp trở về với mái ấm gia đình, với đứa con ngoan hiền và người chồng hiền lành rộng lượng. Cuộc đời đã thật bao dung cho tôi, tôi đã hưởng trọn vẹn hạnh phúc mà người đàn bà nào cũng từng ước ao, cái hạnh phúc êm đềm nhẹ nhàng cuốn tròn tôi như con tằm lười biếng không buồn chui ra khỏi kén. Vợ chồng tôi không có xe hơi nhà lầu, không từng được bước lên đài danh vọng với những bằng khen, huy chương nhưng tôi không hề mơ ước gì hơn. Hạnh phúc đến cho những người biết tôn trọng cái mình hiện có. Chương là cây thông huyền thoại chỉ để tôi ngắm nhìn tự đằng xa hoặc gần gũi hơn là cây đại thụ bóng mát xum xuê che phủ tôi. Nhưng tôi không mơ ước được cây cao bóng cả như thế, tôi muốn được tự mình vươn lên, cứng cỏi trước gió, nắng và ngay cả trong từng cơn bão. Hôm nay Chương đã thổi đến trong tôi một cơn bão lòng, quay cuồng tôi trong miên man kỷ niệm, dẫn dắt tôi về những tháng ngày xa xôi vừa tươi đẹp vừa u buồn đó. Chương với chút sinh khí cuối cùng còn sót lại đã xô đẩy tôi dịu dàng vào mắt bão, quay cuồng tôi trong mùi vị quá khứ hỗn mang. Tôi không hề muốn gục ngã trong cái mùi quá khứ đó. Nó chỉ là mùi thôi, thoang thoáng đâu đây một chút hương vị ngọt ngào. Và chỉ là mùi nên nó không nuôi sống nỗi con người bằng xương bằng thịt này. Tôi cần một hạnh phúc đích thực. Một hạnh phúc đã được nhét vào tay tôi như quà tặng của thượng đế dành cho con người yếu đuối nhỏ hèn là tôi đây.

          Đã đến lối rẽ vào nhà tôi, Chương cho xe chạy chậm lại, anh như nói một mình:
          - Em biết không - mặc dù tôi biết là không còn cơ hội nhưng sao tôi vẫn ao ước rằng giá như có phép mầu nào đó cho thời gian quay ngược lại để tôi có thể nói với em rằng..
          Tôi giơ bàn tay lên ngăn lại:
          - Không cần nói đâu anh Chương, chúng ta tự hiểu mà.
          Chương thở dài. Anh bỗng quay sang tôi:
          - Cuối cùng , em có thể nói được với tôi điều gì đây.
          Tôi ngậm ngùi:
          - Em chỉ có thể nói được. Em phải về thôi . Đã trễ lắm rồi.
          Chương mơ màng:
          - Phải rồi. Đã trễ lắm rồi. Không còn thay đổi gì được nữa rồi.

          Chương dừng xe trước đầu ngõ cho tôi xuống, anh chờ tôi đến trước sân nhà mới pha đèn cho xe chạy. Trời đã về khuya, tôi không vội vào nhà, đứng thẩn thờ dựa vào thân cây bàng trước sân. Tôi lại trở về với ngôi nhà thân yêu nhỏ bé của mình, trở về với người chồng hiền lành nhân hậu của tôi. Không phải là cây đại thụ vươn lên kiêu hãnh hay cây thông huyền thoại, Khang như cây bàng quen thuộc trước cổng - Vâng - Khang chỉ bình dị như cây bàng, nhỏ bé mà đơn giản tỏa ra một bóng mát đủ che rợp khoảng sân nhỏ trước nhà là tôi đây, bao bọc che chở tôi suốt hơn hai mươi năm, mãi đến bây giờ và chắc chắn sẽ đến ngày tôi nhắm mắt lìa đời. Khang của tôi là thế đó. Cây bàng thân yêu và giản dị của tôi.

          Tôi lặng lẽ mở cửa vào nhà. Đã muộn quá rồi – cho tất cả.

          Bắt đầu viết ngày 20/1/2007.
          Viết xong ngày 28/9/2007
          Anchu

          Phần chú thích của tác giả:

          Lưu Ý: 90% sự việc trong tác phẩm này là hư cấu.

          (*1) thẳng: Tiếng người miền Nam gọi tắt: thằng đó.
          (*2) thiên nga: Tiếng lóng dùng để chỉ những cô gái thuộc Quân đội Việt Nam Cộng Hòa xinh đẹp,được CIA huấn luyện, dùng nhan sắc mình làm mỹ nhân kế.
          (*3) xề: một nốt nhạc thấp trong vọng cổ.
          (*4) Minh Cảnh: Một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thập niên 60.
          (*5)Bài thơ: Ngày rơi tháng rơi của tác giả Nam Hoa
          (*6) Hai câu thơ trong bài Đôi bờ của tác giả Quang Dũng
          (*7) Hai câu thơ của Thế Lữ.
          (*8) Bài thơ: Bài kỷ niệm của tác giả Trần Dạ Từ.
          #20
            kuclanga 24.08.2010 10:46:33 (permalink)
            Xin cảm ơn các bạn đã bỏ thời gian ra đọc tác phẩm Mùi quá khứ của Anchu. Nếu trong MQK có điều gì sai sót, xin thông cảm bỏ qua.


            Anchu
            #21
              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9