Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2 _ Gcinny & Jean-Jacque Sempé

Tác giả Bài
ladybjrd
  • Số bài : 6
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 04.08.2010
  • Nơi: Bách Hoa Cốc
Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2 _ Gcinny & Jean-Jacque Sempé - 04.08.2010 22:05:49
Hôm nay mình sẽ giới thiệu tới các bạn trên vnthuquan một tuyệt phẩm của 2 nhà hài hước đại tài Goscinny và Sempé. Một tác phẩm dành tặng cả người lớn và trẻ em.
Đây là một trong series sáu cuốn đã được CTy Nhã Nam xuất bản: "Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2".
Hy vọng có thể giúp làm phong phú thêm cho vnthuquan.
Truyện đầu tiên:
Cơ quan của bố
 
THỨ NĂM, tôi đi chợ cùng với mẹ. Mẹ mua cho tôi một đôi giày màu vàng đẹp cực, và thật tiếc là tôi không thể xỏ vào được vì chúng làm tôi đau chân, có điều để khỏi làm cho mẹ phiền lòng và để cho vẫn ngoan, tôi không nói cho mẹ biết điều đó. Ra khỏi cửa hàng, mẹ chỉ cho tôi một tòa nhà rất to và mẹ bảo: “Cơ quan của bố ở trong tòa nhà kia; hay là mẹ con mình ghé thăm bố?” Tôi liền nói đó là một ý hay ơi là hay.
Đúng vào lúc mẹ mở cửa phòng làm việc của bố, chúng tôi nghe thấy một tiếng động rất to phát ra từ bên trong, rồi mẹ và tôi bước vào một căn phòng có hàng đống ông trông có vẻ rất bận rộn. Bố ngước đầu lên khỏi đống giấy tờ đang xem, rồi bố có vẻ cực kỳ ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi. “Ô kìa? Bố nói, hai người làm gì ở đây vậy? Thế mà mọi người cứ tưởng là sếp đang vào cơ đấy.” Các ông khác trong phòng, khi thấy chính là chúng tôi, thì trông đã có vẻ bớt bận rộn hơn trước.
“Các cậu, bố nói, tớ xin giới thiệu với các cậu vợ tớ và con trai tớ, Nicolas.” Các ông kia đứng dậy khỏi bàn và tiến đến chào chúng tôi. Bố giới thiệu họ với mẹ. “Cái cậu to béo kia là Barlier, một tay phàm ăn đấy,” bố nói. Ông Barlier liền cười; ông ấy giống thằng Alceste bạn tôi, có điều có thêm cái cà vạt. Alceste là cái thằng học cùng lớp với tôi, lúc nào cũng ăn liên mồm. “Còn đây là Duparc, bố tiếp tục giới thiệu, vua của các loại tàu bay giấy. Cái người đeo kính là Bongrain; nếu là một nhân viên kế toán thì cậu ta thường lắm, nhưng nếu xét khả năng trốn việc thì là quán quân đấy. Cái người mà thấp bé đằng kia là Patmouille, cậu ta có thể ngủ mà vẫn mở mắt được; tiếp đến là Brumoche, Trempé, và cuối cùng, cái người răng to tướng ấy, chính là Malbain.” “Ít nhất chúng tôi cũng không quấy rầy các vị chứ?” mẹ hỏi. “Ồ không, thưa chị, không hề, ông Bongrain đáp lời. Hơn nữa, ông Moucheboume, sếp của chúng tôi, bây giờ cũng không có ở đây.” “Thế nào, chính là Nicolas lừng danh mà người ta vẫn nói đến từ bao lâu nay đây phải không?” Ông Malbain, tức là cái ông có đống răng, bèn hỏi. Tôi liền trả lời rằng đúng là tôi, thế là tất cả các ông ấy đều xoa đầu tôi, và họ hỏi tôi một loạt câu hỏi xem ở trường tôi có học giỏi không, tôi có ngoan không và ở nhà bố tôi có rửa bát không. Câu hỏi nào tôi cũng trả lời có, để khỏi bị sinh sự, thế là tất cả các ông ấy đều cười. “Láu cá lắm, bố nói, cứ trả lời sự thật cho họ biết, Nicolas.” Thế là tôi liền nói rằng ở trường không phải lúc nào tôi cũng học tốt và các ông ấy lại còn cười to hơn cả lúc trước. Y như là đang trong giờ ra chơi vậy. Hay kinh khủng.
“Đấy, con thấy chưa Nicolas, bố nói với tôi, đây là chỗ bố làm việc đấy.” “Thỉnh thoảng thôi, giữa hai vụ rửa bát,” ông Trempé nói, và bố đấm ông ấy một phát vào cánh tay, còn ông Trempé thì gõ một phát lên đầu bố. Còn tôi, tôi ngó cái máy chữ nằm ở trên bàn. Ông Patmouille tiến lại gần tôi, và ông ấy hỏi tôi có muốn học đánh máy bằng máy chữ của ông ấy không, thế là tôi bảo rằng có, rằng tuy thế tôi không muốn làm phiền ông ấy. Ông Patmouille bảo rằng tôi đúng là một cậu bé ngoan, rằng ông ấy cũng đang dở việc, nhưng không sao cả, và ông ấy gỡ ra khỏi máy chữ một tờ giấy trên đó có viết badabadabadabudubudubodobodobodo, hàng đống những dòng như thế. Ông Patmouille chỉ cho tôi xem phải làm thế nào và tôi thử, nhưng tôi nhấn không đủ mạnh lên các phím, ông Patmouille bảo tôi đừng có sợ mà cứ gõ mạnh hơn nữa đi, thế là tôi liền đấm một phát xuống cái máy chữ, có rất nhiều tiếng kêu phát ra, và ông Patmouille có vẻ hơi bực mình, đến lượt mình ông ấy cũng thử gõ vào cái máy chữ và ông ấy nói có cái gì đó đã bị gãy, rồi ông ấy bắt đầu sửa cái máy.
Tôi đang đứng nhìn ông Patmouille với một mớ dây ruy băng đỏ và đen bày đầy khắp cả, đẹp ơi là đẹp, thì thấy có một cái tàu bay giấy bay vụt qua ngay dưới mũi. Đấy là ông Duparc đã ném nó cho tôi. Nó thật là kinh khủng, cái máy bay của ông Duparc, trên hai cánh của nó còn có các màu xanh, trắng, đỏ trông y như trên máy bay thật. “Cháu có thích cái máy bay đó không?” ông Duparc hỏi tôi; và tôi trả lời rằng có, thế là ông Duparc bảo tôi rằng ông ấy sẽ dạy cho tôi, rồi ông rút từ trong ngăn kéo bàn làm việc ra một tờ giấy trên đó có ghi chữ: “Công ty Moucheboume”, và rất nhanh, bằng kéo, hồ dán, và bút chì màu, ông làm ngay một cái máy bay khác. Ông Duparc này thật là may mắn; ở nhà ông ấy chắc phải có cả đống máy bay. “Cháu tập làm đi, ông Duparc bảo tôi, trên bàn có giấy đấy.”
Tôi bắt đầu gập máy bay, trong khi những người khác mải xúm quanh ông Patmouille lúc này đang rất bận rộn với cái máy chữ của ông ấy. Ông ấy có đầy những vết màu đỏ và màu đen trên mặt và tay, do cái ruy- băng gây ra, giống như cái bộ pyjama màu xanh dương của bố tôi. Bố và các ông khác thì đưa ra những lời khuyên để chọc cười ông Patmouille; người duy nhất không có mặt trong đám, đó là ông Barlier, ông ấy ngồi ở bàn làm việc của mình, hai chân gác lên mặt bàn và vừa ăn một quả táo vừa đọc báo.
Thế rồi, tất cả mọi người nghe thấy một tiếng ho thật to, và ai nấy đều ngoảnh lại. Cửa phòng làm việc mở ra, có một ông đã đứng ngay đó, có vẻ không hài lòng.
Tất cả các bạn của bố đều dừng lại không cười đùa nữa, và họ quay trở về bàn làm việc. Ông Barlier đã nhấc hai chân ra khỏi mặt bàn, ném tờ báo vào trong ngăn kéo cùng với phần còn lại của quả táo đang ăn dở, và ông ấy bắt đầu viết. Ông ấy làm tất cả những việc đó nhanh khủng khiếp, nhất là với một người béo thế. Ông Patmouille gõ vào máy chữ, nhưng tôi không tin là ông ấy có thể làm việc tốt bởi vì dây ruy-băng vẫn còn quấn đầy hai tay ông, trông giống như bố mỗi lần giữ len giúp mẹ để mẹ cuộn lại thành búp.
Bố bước lại gần ông kia, rồi bố nói với ông ấy: “Thưa sếp, vợ và con trai tôi ghé qua đây, hai người đến thăm để gây bất ngờ cho tôi.” Rồi bố quay về phía mẹ và nói với chúng tôi: “Em yêu, Nicolas, bố giới thiệu với hai mẹ con đây là ông Moucheboume.” Ông Moucheboume cười với chúng tôi mà chỉ hơi  nhếch mép, ông ấy bắt tay mẹ, ông ấy nói rất hân hạnh, ông ấy đưa tay lên vuốt tóc tôi và hỏi ở trương tôi học có giỏi không và có ngoan không. Ông ấy chẳng nói gì tới việc rửa bát cả. Thế rồi ông Moucheboume nhìn cái máy bay tôi đang cầm trong tay, ông ấy bảo tôi có cái máy bay đẹp nhỉ, mà đúng là cái máy bay của tôi ổn thật. Đây là cái đầu tiên bay được, các cái trước đều bị hỏng và tôi đã phải vứt chúng đầy ra đất. “Cháu sẽ đưa nó cho bác, nếu bác thích,” tôi nói với ông Moucheboume. Vậy là ông Moucheboume liền cất tiếng cười thật sự, ông ấy cầm lấy cái máy bay, ông ấy nhìn nó, rồi ông ấy không cười nữa, ông ấy mở hai mắt tròn xoe to như hai quả trứng luộc mà mẹ vẫn chuẩn bị cho những buổi đi dã ngoại. “Nhưng đây là hợp đồng với ông Tripaine mà!” ông Moucheboume hét lên, “và ngày mai ông Tripaine sẽ tới đây để ký!”
Thế là tôi bắt đầu khóc, tôi nói rằng tôi đã tìm thấy giấy trên bàn của ông Duparc, và rằng tôi đã lấy giấy viết rồi để khỏi lãng phí giấy trắng. Ông Moucheboume hiền ơi là hiền, ông ấy nói chẳng sao cả đâu, vì ông Duparc và các đồng nghiệp của ông ấy sẽ rất sẵn lòng làm lại cái hợp đồng ấy, cho dù tối nay họ có phải ở lại muộn.
Lúc chúng tôi đi về, bố và các bạn của bố làm việc không hề gây ra tiếng động, còn ông Moucheboume thì đi đi lại lại giữa những cái bàn, hai tay chắp sau lưng, trông giống y như thấy Nước Lèo, thầy giám thị của chúng tôi, trong giờ kiểm tra môn số học. Tôi sốt ruột muốn nhanh thành người lớn kinh lắm, để khỏi phải đến trường nữa và để có thể làm việc trong một cơ quan, giống như của bố!


Bố bọn mình cũng là bạn
 
BUỔI TRƯA khi từ cơ quan trở về nhà ăn trưa, bố bảo tôi:
-     Này, Nicolas, hôm nay có bố bạn con đến tìm bố; Eudes, hình như tên của nó đấy.
-     À vâng, đúng đấy, tôi đáp. Đó là một đứa bạn hay cực, nó học cùng lớp với con. Nhưng bố đã gặp nó rồi còn gì, ở ngay nhà mình ấy.
-     Phải, bố nói, đó là cái thằng nhóc lực lưỡng, đúng không? Khi bố nó bước vào phòng, bố đã nhủ thầm là bố đã gặp người này ở đâu đó, thế rồi bố nhớ ra rằng bố đã làm quen với ông ta trong buổi phát giải thưởng ở trường con năm ngoái, nhưng bố và ông ta chưa có dịp nói chuyện với nhau.
-     Thế anh ta đến cơ quan của anh làm gì? Mẹ hỏi.
-     Ôi dào, bố đáp, anh ta đến với tư cách một khách hàng. Đó là một người cũng hay, mặc dù khá chặt chẽ trong chuyện làm ăn. Tuy nhiên, sau khi anh và anh ta nhận ra nhau, anh ta đã trở nên mềm mỏng hơn rất nhiều, đến mức sáng ngày mai anh ta sẽ trở lại để ký hợp đồng. Moucheboume rất hài lòng. Mà để cho sếp hài lòng thì…Mà thôi, suy cho cùng thì cũng nhờ Nicolas mà vụ làm ăn này thành công!
Chúng tôi đều cười vui vẻ, rồi bố bảo:
-     Khi nào gặp Eudes, con nhớ nói với nó rằng nó có một ông bố thật là đáng mến nhé.
Chúng tôi ăn xong bữa trưa (thịt bê đút lò, mì ống, táo) và tôi vội vàng chạy đến trường, bởi vì tôi chỉ muốn kể ngay cho thăng Eudes chuyện bố chúng tôi đã trở thành bạn. 
Khi tôi đến trường, thằng Eudes đang đứng trong sân chơi bi với thằng Joachim.
-     Này, Eudes, tôi hét lên, bố tao đã gặp bố mày và họ sẽ thực hiện hàng đống vụ làm ăn với nhau.
-     Không đùa đấy chứ? Eudes nói, nó là cái thằng ăn trưa ở căng tin, và vì nó không về nhà ăn trưa nên bố nó chẳng thể kể gì cho nó nghe cả.
-     Ừ, tôi đáp. Và bố tao đã bảo tao nói lại với mày rằng bố mày quá tuyệt.
-     Đúng là bố tao quá tuyệt, Eudes nói. Mặc dù mỗi lần tao mang sổ liên lạc cuối kỳ về, bố tao đều làm loạn cả lên, và bố còn đưa cho tao xem một quyển sổ liên lạc cũ, trong đó bố tao đứng thứ nhất môn số học. Này, nói xem, có phải sẽ hay kinh khủng không, nếu bố mày trở thành bạn bố tao!
-     Ồ! Đúng thế, tôi nói. Biết đâu họ lại chẳng đưa tao với mày đi xem phim cùng nhau, rồi còn đi ăn nhà hàng nữa chứ! À mà bố tao còn bảo bố mày rất chặt chẽ trong chuyện làm ăn.
-     Thế có nghĩa là thế nào? Thằng Eudes hỏi tôi.
-     Ôi dào, tao cũng chẳng biết nữa, tôi đáp. Tao tưởng mày phải biết chứ, vì đó là bố mày cơ mà.
-     Tao biết đấy, Geoffroy nói, cái thằng vừa mới đi tới. Rất chặt chẽ trong chuyện làm ăn có nghĩa là không để yên khi kẻ khác định tìm cách xỏ mũi mình. Chính bố tao đã giải thích như vậy, và bố tao chả bao giờ để cho ai xỏ mũi cả.
-     À, được lắm, này, thằng Eudes nói, bố tao cũng vậy, ông ấy chẳng để cho ai xỏ mũi đâu! Và mày có thể bảo với bố mày, Nicolas ạ, rằng nếu bố mày định xỏ mũi bố tao, thì cứ chờ đấy nhé!
-     Nhưng bố tao có định xỏ mũi bố mày đâu cơ chứ! Tôi hét lên.
-     Có đấy, thằng Eudes nói.
-     Được lắm! tôi hét lên. Mà có phải bố tao đến chỗ bố mày đâu. Tự bố mày đã tìm đến đấy chứ! Chả ai mời bố mày đến sất! Suy cho cùng, cũng có ai cần đến bố mày đâu, phải đấy, đừng có mà đùa!
-     Ái chà, không ai cần đến bố tao cả phải không? Thằng Eudes nói. Này, thế mà bố mày lại có vẻ rất vui mừng khi được gặp bố tao đấy!
-     Đừng có làm tao phải phì cười, tôi nói. Bố tao rất bận và bố tao chẳng thích có hàng đống những kẻ thảm hại cứ đến quấy rầy bố tao đâu!
Thế là, thằng Eudes nhảy bổ vào người tôi và nó đấm tôi một quả vào mũi, còn tôi thì đá cho nó một phát, và trong khi chúng tôi đang mải đánh nhau thì thầy Nước Lèo chạy đến. Thầy Nước Lèo chính là thầy giám thị của chúng tôi, và thầy không hề thích nhìn thấy ai đánh nhau trong sân trường. Thầy tách chúng tôi ra, thầy túm lấy mỗi đứa bằng một tay rồi thầy bảo:
-     Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây, cả hai cậu! Lần này thì đúng là quá lắm rồi nhé, lũ lỏi con! Tôi sẽ cho các cậu biết thế nào là đánh nhau! Đi nào! Cả hai cậu đi thẳng lên phòng Hiệu trưởng! Để rồi xem thầy Hiệu trưởng sẽ nói gì về hành vi của hai cậu!
Vậy là chúng tôi lúng túng hết sức, bởi vì mỗi lần chúng tôi bị dẫn lên phòng hiệu trưởng, thì thế nào cũng to chuyện, vì thầy Hiệu trưởng nhất định sẽ  bắt phải chịu những hình phạt kinh khủng, thậm chí thầy còn đuổi ra khỏi trường, như thầy đã làm thế hai lần với thằng Alceste, may mà mọi chuyện cũng ổn thỏa cả. Thầy Nước Lèo gõ cửa phòng Hiệu trưởng, rồi thầy bảo chúng tôi đi vào. Riêng tôi cảm thấy một cục to đùng nghẹn trong cổ họng, và thằng Eudes trông cũng cứ nghệt ra.
-     Chuyện gì vậy, thầy Dubon? Thầy Hiệu trưởng hỏi, thầy đang ngồi sau cái bàn làm việc to đùng của thầy, trên mặt bàn có một lọ mực to đùng, một tập giấy thấm và một quả bóng đá tịch thu được.
Thầy Dubon, chính là thầy Nước Lèo – đẩy chúng tôi đến trước mặt thầy Hiệu trưởng và nói:
-     Hai trò này đang đánh nhau trong sân trường, thưa thầy Hiệu trưởng. Cả hai đều đã bị bắt gặp đánh nhau khá nhiều lần, nên tôi nghĩ có lẽ thầy muốn nói chuyện với chúng.
-    Thầy làm rất đúng, thầy Dubon ạ, thầy Hiệu trưởng nói. Thế nào, các ông mãnh, các em đến trường để luyện đấm bốc hả? Các em cư xử như những kẻ lỗ mãng vậy hả? Các em không hề biết rằng các em đang đi vào con đường sai trái phải không, lũ trẻ đáng thương? Đó là con đường dẫn đến sự hư hỏng và tù tội chứ còn gì?... Rồi bố mẹ các em sẽ nói gì khi người ta đưa các em vào tù? Những ông bố bà mẹ tội nghiệp của các em, những người đã hy sinh mọi thứ vì các em và luôn là những tấm gương cho các em về cách cư xử đúng mực và đứng đắn… Thế còn, trước tiên, vì lý do gì lại xảy ra cuộc đánh nhau này?... Thế nào, thầy đang nghe đây!
Thế là cả Eudes và tôi đều bật khóc.
-     Ôi không! Ôi không! Thầy Hiệu trưởng kêu lên. Thầy không thích cái kiểu đó chút nào! Nicolas, trả lời đi!
-     Nó cứ bảo là bố em định xỏ mũi bố nó! Tôi đáp. Mà điều đó thì không hề đúng sự thật!
-     Không, đúng thế đấy ạ! Thằng Eudes hét lên. Hơn nữa nó còn bảo bố nó nói rằng bố em là một kẻ thảm hại! Hơn nữa bố em khỏe hơn bố nó, vì thế nếu nó không chịu rút lại những lời đã nói, em sẽ bảo bố em chờ bố nó ở cổng trường và cho bố nó mấy quả đấm vào mũi!
-     Bố mày cứ thử làm thế đi, xem nào! Tôi hét lên. Hơn nữa bố tao còn khỏe hơn bố mày! Khỏe hơn đứt! Cho nên nếu bố tao có xỏ mũi bố mày thì lại càng tốt!
Rồi cả hai chúng tôi đều khóc, và thầy Hiệu trưởng đấm một quả thật mạnh lên mặt bàn làm việc, và quả bóng đá nảy bật xuống đất.
-     Trật tự! Thầy đã bảo trật tự, thầy hét lên. Trật… Thôi nào. Các em đã làm thầy phiền lòng quá thể. Các em đã lôi cả bố mình vào trận ẩu đả ngu ngốc mà chẳng có một chút lý do chính đáng nào cả. Chắc chắn bố của hai em đều tôn trọng nhau, bởi họ là những người đáng tôn trọng, thầy biết rõ họ, và nếu các em kể chuyện này cho bố các em nghe thì họ sẽ là những người đầu tiên thấy nực cười… Các em đã không suy nghĩ gì trước khi nói và chính vì thế thầy không muốn phạt các em. Thầy nghĩ rằng thế này cũng đủ là một bài học cho các em rồi và chẳng bao giờ thầy Nước… thầy Dubon phải dùng đến hình phạt đối với các em. Giờ thì các em hãy bắt tay nhau và quên ngay cái chuyện rắc rối vớ vẩn này đi.
Cả thằng Eudes và tôi đều vui hết sảy vì đã không bị đuổi ra khỏi trường và chúng tôi liền bắt tay nhau.
Thầy Hiệu trưởng cười rất tươi, chúng tôi xì mũi, chúng tôi ra khỏi phòng giám hiệu và chúng tôi vẫn còn có đủ thời gian làm một ván bi trước khi chuông reo.
Và ngày hôm sau, vào buổi trưa, bố hỏi tôi:
-     Thế nào, Nicolas, cái thằng bạn Eudes của con sao rồi?
-     À, tôi đáp, nó là một đứa bạn hay cực.
-     Hả? bố thốt lên. Bởi vì bố của nó thì lại rất kỳ lạ. Sáng nay, ông ta đã gọi điện tới cơ quan và ông ta nói rằng bởi vì ông ta là cái đồ thảm hại nên cái hợp đồng với bố thì bố cứ việc giữ lấy, rằng ông ta sẽ đi làm ăn ở chỗ khác, rồi ông ta gác máy.
 
 
 
 

Anselme và Odile Patmouille
 
HÔM NAY, BỐ, MẸ VÀ TÔI sẽ sang uống trà ở nhà ông bà Patmouille. Ông Patmouille làm việc trong cùng cơ quan với bố tôi.
“ Nhất định con sẽ thích, Nicolas ạ, bố nói với tôi. Patmouille có hai đứa con, một trai và một gái, hình như chúng nó ngoan lắm. Bố mong con sẽ chứng tỏ cho chúng thấy con là con nhà có giáo dục…” Tôi liền đáp rằng tôi đồng ý. Ông bà Patmouille ra mở cửa cho chúng tôi và họ có vẻ vui mừng hết sảy khi nhìn thấy chúng tôi. “Anselme! Odile! Các con tới đây xem bạn Nicolas đến đây này!” Bà Patmouille kêu lên, và Anselme cùng Odile chạy tới. Anselme lớn hơn tôi một tẹo, còn con bé Odile nhỏ hơn. Chúng tôi cùng nói: “Chào.” “Tôi chắc chắn là Nicolas ở trường học rất giỏi, phải không chị?” Bà Patmouille hỏi mẹ. “Đừng có nói làm gì, chị à, mẹ đáp, nó làm chúng tôi phiền ghê lắm, nó nghịch dại vô cùng!” “Ái chà chà! Bà Patmouille nói, cái thằng cu nhà tôi thì kém gì hả chị! Còn con bé con thì suốt ngày ốm vặt. Ôi! Cái lũ trẻ này, chúng nó khiến chúng ta phải bận lòng biết bao!” “Anselme, Odile, ông Patmouille nói, các con dẫn bạn đi ăn lót dạ đi. Nhớ chơi vui vẻ với nhau và phải ngoan đấy!” Ông Patmouille giải thích với mẹ tôi rằng họ đã chuẩn bị bàn ăn bữa lót dạ cho chúng tôi trong phòng trẻ con, để chúng tôi giữ yên lặng. Thế rồi, ông ấy túm lấy cánh tay bố và ông ấy bắt đầu kể cho bố nghe những chuyện về ông Moucheboume, tức là sếp của bố và ông Patmouille, trong khi mẹ thì vừa cười ngặt nghẽo vừa kể cho bà Patmouille nghe về một trò nghịch ngợm của tôi, và điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì lúc tôi nghịch cái trò đó thì mẹ chẳng hề cười tẹo nào.
“Nào, mày có đi không?” thằng Anselme bảo tôi, và thế là tôi đi theo nó vào tận trong phòng của nó. Khi chúng tôi vào đến trong phòng, thằng Anselme liền quay lại với con Odile và bảo nó: “Tao có bảo mày đi theo tao đâu hả!” “Thế sao em lại không được theo? Con Odile hỏi. Cái phòng này cũng là phòng của em. Chưa kể em cũng được quyền ăn bánh như anh! Tại sao em lại không được đi theo hả?” “Ai bảo mày mũi đỏ, tại thế đấy!” thằng Anselme đáp. “Không đúng! Mũi em có đỏ đâu, con Odile gào lên. Em sẽ đi mách mẹ!” Và rồi bà Patmouille cùng mẹ tôi chạy đến. “Thế nào, bà Patmouille hỏi, các con vẫn còn chưa ăn hay sao? Sô-cô-la nguội đến nơi rồi.” “Anh ấy cứ bảo mũi con đỏ!” con Odile gào lên. Bà Patmouille và mẹ liền cười. “Chúng nó hay chành chọe nhau lắm,” bà Patmouille nói. Thế rồi bà ấy thôi không cười, và bà ấy trợn mắt nhìn thằng Anselme và con Odile rồi nói: “Ngồi vào bàn ngay và đừng có để mẹ nghe thấy tiếng các con nữa đấy!” rồi bà ấy và mẹ đi ra. Cả ba chúng tôi cùng ngồi quanh bàn, mỗi đứa một cốc sô-cô-la, một miếng bánh ngọt và có cả bánh mỳ tẩm gia vị với tẩm mứt nữa. Thích thật. “Mày là đồ mách lẻo!” Thằng Anselme bảo với con Odile. “Không phải, con Odile đáp, mà nếu anh còn nói em là đồ mách lẻo lần nữa thì em sẽ nói với mẹ!” “Còn tao, đêm nay tao sẽ dọa mày!” Thằng Anselme nói. “Ôi dào! Em chẳng sợ anh dọa, em chẳng sợ anh dọa…” con Odile hót. “Thế à! Không sợ hả? thằng Anselme hỏi, nếu thế thì tao sẽ làm quái vật cho mày thấy. Hú…ú…ú! Tao là quái vật đây!” “Ôi dào! Con Odile nói, em hết sợ quái vật rồi.” “Nếu thế, thằng Anselme lại bảo, tao sẽ làm con ma. Hú…ú…ú! Tao là con ma đây!” Con Odile ngoác miệng ra thật to, và nó bắt đầu khóc và gào lên: “Em không thích anh làm ma đâu!” Thế rồi bà Patmouille chạy đến, chẳng hài lòng tẹo nào. “Mẹ mà còn nghe thấy tiếng các con một lần nữa thôi, bà ấy nói, là mẹ sẽ phạt cả hai đứa đấy. Bạn Nicolas sẽ nghĩ gì cơ chứ? Các con không biết ngượng à? Nhìn xem Nicolas mới ngoan làm sao!” Rồi bà ấy đi ra.
Chúng tôi ăn xong, thằng Anselme bảo tôi: “Chúng mình chơi gì bây giờ?” “Hay chơi tàu điện đi?” con Odile hỏi. “Mày nhé, có ai hỏi mày đâu, thằng Anselme đáp. Trước hết, lũ con gái thì phải chơi búp bê chứ không phải là quấy rầy người lớn!” “Cái tàu đấy cũng là của em! Bố đã cho cả hai anh em cơ mà! Em cũng có quyền chơi nó như anh!” Thằng Anselme liền cười, nó vừa nhìn tôi vừa lấy tay chỉ con Odile. “Đấy, mày có nghe thấy con đó nó nói không?” nó bảo tôi. “Tất nhiên rồi, con Odile nói, cái tàu là của cả hai, nếu anh không để em chơi với, thì cũng không ai được chơi với nó cả!” Thằng Anselme nói và chạy tới chỗ cái tủ và bắt đầu lôi các đoạn đường ray cùng với một cái đầu tàu hết sảy và một đống toa tàu. “Không, không là không! Em cấm anh không được đụng đến tàu của em đấy!” con Odile hét lên. “Mày có muốn ăn cái tát không hả?” thằng Anselme hỏi, thế rồi cửa bật mở và ông Patmouille cùng bố bước vào. “Cậu trông này, ông Patmouille nói với bố, đây là phòng của bọn trẻ. Thế nào các con, chơi vui vẻ chứ?” “Anh ấy muốn chơi cái tàu của con nhưng không chịu cho con chơi với!” con Odile hét lên. “Tốt, tốt, cứ chơi tiếp đi, ông Patmouille đáp, vừa lấy tay xoa đầu Odile. Này cậu, cậu có nhớ cái lần lão Moucheboume đã gọi Barlier lại và bảo cậu ta dịch một bức thư bằng tiếng Anh không? Buồn cười chết được!” và cả bố lẫn ông Patmouille đi ra.
“Mày thấy chưa? Thằng Anselme bảo. Bố đã bảo bọn tao không cần chơi với mày mà vẫn có thể chơi cái tàu được!” “Không đúng! Bố bảo bố đã cho em cái tàu rồi!” con Odile gào lên. Thằng Anselme bắt đầu lắp đường ray vào. “Bọn mình sẽ cho tàu chạy dưới gầm giường nhé, rồi dưới gầm tủ, rồi ra sau bàn,” thằng Anselme giải thích với tôi. “Anh không được chơi cái tàu của em!” rồi con Odile đá một phát vào đường ray. Thằng Anselme tỏ ra rất bực mình, nó bèn tát cho con Odile một cái rõ đau. Con Odile có vẻ rất bất ngờ, nó ngồi phịch xuống đất, mặt nó đỏ hết lên đến nỗi chẳng còn nhìn thấy mũi nó nằm ở chỗ nào nữa. “Em sẽ giết chết anh! Em sẽ giết chết anh! Em sẽ giết chết anh!” nó hét lên, rồi nó nhặt cái đầu tàu hỏa bà bụp! nó ném thẳng chính vào giữa mặt thằng Anselme. “Trượt rồi! Trượt rùiiiii!” thằng Anselme kêu. Rồi nó dang hai cánh tay lên, và nó bảo: “Hú…ú…ú! Tao là con ma đây!” Đến lúc đó thì thật là kinh khủng, vì con Odile bắt đầu hét rống lên, rồi nó nhảy bổ vào thằng Anselme và cào cấu, còn thằng Anselme thì nắm lấy tóc nó mà kéo lên, rồi con đó cắn thằng anh, và thế là cả ông Patmouille, bố và mẹ cùng chạy vào trong khi thằng Anselme và con Odile lăn lông lốc dưới đất.
“Hai đứa có thôi đi ngay lập tức không!” bà Patmouille kêu lên. “Các con không biết xấu hổ hả?” ông Patmouille kêu lên. “Tại nó đấy, thằng Anselme gào lên, nó muốn phá cái tàu của con và nó đã ném cái đầu tàu vào con!” “Không phải! con Odile hét lên, chính anh ấy đã làm con ma rồi còn kéo tóc con nữa!” “Đủ rồi! ông Patmouille quát lên. Các con thật là nghịch ngợm và tối nay các con sẽ bị phạt! Sẽ không có món tráng miệng tối nay và cả tuần này không được xem ti-vi! Không việc gì phải khóc cả, nếu như các con không muốn mỗi đứa ăn một trận roi vào đít!” “Ôi! Trời ơi, mẹ nói với bố. Anh có để ý giờ không anh yêu? Đến giờ về rồi đấy…”
Và khi tôi về đến nhà, chỉ còn lại một mình trong phòng, tôi bắt đầu khóc.
Thật đấy, chẳng công bằng chút nào! Tại sao tôi lại không có một đứa em gái để chơi cùng cơ chứ!


Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đễnh chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu
---
https://ladybjrd.wordpress.com

ladybjrd
  • Số bài : 6
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 04.08.2010
  • Nơi: Bách Hoa Cốc
RE: Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2 _ Gcinny & Jean-Jacque Sempé - 06.08.2010 22:25:16
Alô!
 
THẰNG BẠN ALCESTE CỦA TÔI bảo tôi lúc ở trường: “Bố tao vừa lắp điện thoại, tối nay tao sẽ gọi mày” và tôi trả lời nó: “Hết sảy”.
Chúng tôi đang ăn tối ở nhà thì điện thoại reo. “Gì nữa đây?” bố vừa nói vừa vứt khăn ăn lên bàn. “Của con đấy,” tôi giải thích, nhưng lẽ ra phải để cho tôi ra nghe máy thì bố lại cười, bố đứng lên và chính bố đi ra nghe. Bố nhấc điện thoại, bố nói: “Alô?” và rồi bố kéo ống nghe ra thật xa tai. “Đừng có hét to như vậy!” bố nói. Tôi nghe thấy giọng của thằng Alceste từ trong điện thoại phát ra, nó bảo: “Alô! Alô! Nicolas hả? Alô! Alô! Alô!” Bố gọi tôi và bảo tôi có lý, đúng là điện thoại của tôi và tôi nên bảo đứa bạn tôi đừng có rú lên như thế. Tôi khoái chí lắm khi cầm máy điện thoại, vì tôi rất thích thằng Alceste, và cũng vì đây là lần đầu tiên tôi nghe nó nói chuyện qua điện thoại. Hơn nữa, tôi rất ít khi có điện thoại, mỗi khi có người gọi tôi, thì thường vẫn là bà hỏi tôi có ngoan không, rồi bảo tôi là anh chàng lớn tướng của bà, rằng bà thơm tôi và muốn tôi cũng thơm bà. “Alô! Alceste hả?” tôi nói. Mà đúng là thằng Alceste hét rất to, nó làm tôi đau hết cả tai và tôi liền làm giống bố, tôi đưa ống nghe ra xa khỏi tai. “Alô! Thằng Alceste gào lên. Nicolas hả? Alô! Alô!” “Đúng rồi, tao đây, Alceste, tôi nói. Nghe thấy tiếng mày khoái nhỉ.” “Alô! Thằng Alceste gào lên. Alô! Nicolas hả? Nói to lên! Alô!” “Alô! Tôi kêu lên. Mày nghe thấy tao không, Alceste? Alô!” “Có! Tuyệt thật! Bây giờ tao bỏ máy rồi mày gọi cho tao nhé! Sẽ tha hồ cười! Alô!” thằng Alceste hét lên rồi nó bỏ máy.
“Thằng Alceste đấy mà,” tôi giải thích với bố khi quay trở lại phòng ăn. “Bố cũng đoán thế, bố bảo tôi. Xem cái cách hai đứa gào lên như vậy thì chẳng cần đến điện thoại hai đứa cũng có thể nghe rõ tiếng nhau được. Giờ thì ngồi yên và ăn bát xúp của con đi, kẻo nó nguội đấy.” “Phải, mẹ nói, ăn nhanh lên không có món thịt quay sẽ chín quá mất bây giờ.” Và chuông điện thoại lại reo.
“Alô,” bố nói, rồi bố lại kéo ống nghe ra thật xa tai và gọi tôi. “Điện thoại của con đấy,” bố nói, và tôi có cảm giác là hình như bố bắt đầu không thấy thoải mái nữa. Tôi cầm lấy điện thoại và thằng Alceste hét lên: “Sao thế? Mày có gọi lại cho tao hay không hả?” “À, tao không thể gọi được, Alceste, mày có cho tao số điện thoại của mày đâu?” tôi giải thích với nó. “Alô! Thằng Alceste lại hét lên. Alô! Số nào cơ? Alô! Nói to lên nào!” “Số của mày ý! Số của mày! Alceste! Alô!” “Đủ rồi! bố hét lên. Lũ này làm mình phát điên lên mất! Bỏ máy xuống và lại đây ăn xúp đi!” “Tao đi ăn xúp cái đã, Alceste! Tôi hét. Chào mày nhé!” Và tôi gác máy.
Ngồi vào bàn, bố có vẻ không hài lòng chút nào, bố bảo tôi ăn xúp thật nhanh lên để mẹ có thể mang món tiếp theo ra, nhưng tôi không thể nghe lời bố được vì điện thoại lại reo. Tôi chạy ra trả lời, nhưng bố lại đi theo tôi và chưa bao giờ tôi thấy bố giận dữ đến như thế. Kinh khủng. “Bỏ máy xuống ngay, không tôi phát cho một cái vào đít bây giờ!” Bố hét lên. Tôi rất sợ và tôi bỏ máy xuống ngay lập tức. “Thế nào, hai bố con có quay trở lại bàn không? Mẹ hỏi, báo cho hai bố con biết, thịt quay đã được rồi đấy.” Thế rồi điện thoại lại reo.
“Alô! Bố hét lên, vẫn còn chưa thôi hử, đồ phá quấy?” rồi bố há hốc miệng và trợn tròn mắt và rồi bố nói rất nhẹ nhàng: “Tôi xin lỗi, thưa ông Moucheboume… Phải, thưa ông Moucheboume, một đứa bạn của Nicolas đã…Phải, chính vì thế mà… À, ra ông là người vừa mới… Vâng, tất nhiên… Đúng… Đúng… Đúng… Hẹn ngày mai, thưa ông Moucheboume.” Bố gác máy điện thoại rồi bố đưa tay vuốt mặt. “Thôi nào, bố nói, ra ăn thôi.” Và rồi điện thoại reo.
“Alô! Bố nói. À! Là cháu hả Alceste…” và trong điện thoại phát ra hàng đống tiếng động và bố trở nên đỏ dừ hết cả người và bố hét lên: “Không, Nicolas không thể quay lại nói chuyện với cháu được, nó đang ăn xúp… Mà có ăn lâu thế nào đi nữa thì cũng chẳng liên quan gì đến cháu cả nhé!... Đừng có hét lên như thế! Và đừng có gọi điện đến nhà này nữa. Nếu không, bác báo trước, bác sẽ đến nhà cháu và cho cháu một cái tét vào đít đấy, hiểu chưa? Rồi!” và bố gác máy. “Em không chịu trách nhiệm đâu đấy nhé, mẹ nói. Nicolas sẽ ăn súp nguội, còn cái miếng thịt quay thì thành than rồi” “Đó là lỗi của anh đấy chắc?” bố hét lên. “Dẫu sao cũng đâu phải em là người chơi với cái điện thoại!” mẹ đáp. “Ái chà, thế này thì nhất rồi, bố nói. Thế ra anh…” Và thế là điện thoại reo.
Tôi trả lời điện thoại. “Bỏ ngay cái máy ấy xuống!” bố hét lên. “Điện thoại của bố đấy, bố ạ,” tôi nói với bố. Thế là bố bình tĩnh lại và bố nói chắc đó là ông Moucheboume, ông sếp của bố, ông ấy đang rất lo lắng vì hợp đồng vẫn chưa chuẩn bị xong. “Alô! Bố nói. Ai cơ?... Bố của Alceste à?... À?... Chào anh, vâng, đúng… Tôi là bố của Nicolas… Sao cơ?... Tôi không được quyền dọa con anh?... Thế còn nó thì được quyền phá bữa ăn của tôi đấy chắc?... À! Này nhé, anh lịch sự một chút!... Anh cho một nắm đấm lên mặt tôi ư? Tôi cũng muốn xem thử thế nào đấy! Đừng có đùa! Đồ thô thiển! Tôi sẽ dạy cho anh biết thế nào là lễ độ! Phải đấy!” rồi bố bỏ máy, xoạch! “Giờ thì món thịt quay chẳng những cháy, mà còn lạnh ngắt rồi đây,” mẹ nói. “Mặc kệ! Tôi không quan tâm! Tôi hết đói rồi!” bố hét lên, còn mẹ thì bắt đầu khóc, mẹ bảo rằng thật là quá bất công, lẽ ra mẹ phải nghe lời mẹ của mẹ (tức bà tôi), và rằng mẹ thật bất hạnh. “Thôi, thôi, thôi, bố nói, tôi đã làm gì mới được chứ?” “Tôi sẽ gọi điện cho mẹ tôi để báo rằng tôi sẽ về nhà mẹ tôi cùng với Nicolas,” mẹ nói. “Đừng có ai nhắc đến điện thoại với tôi nữa!” bố hét lên. Và rồi có ai đó nhấn chuông cửa.
Đó chính là bố của Alceste. Ông ấy đến nhanh thật đấy, vì thằng Alceste ở rất gần nhà tôi, thế mới tuyệt. “Anh cứ thử nhắc lại xem nào,” bố Alceste nói. “Nhắc lại cái gì cơ? Bố đáp. Rằng cái thằng quỷ sứ nhà anh làm tôi phát điên lên vì cái điện thoại hả?” “Tôi lại không biết rằng tôi phải xin phép anh thì mới được lắp điện thoại cho nhà tôi đấy,” bố thằng Alceste nói. Thế rồi điện thoại lại reo và bố tôi bắt đầu cười nhạo. “Đấy, bố tôi nói với bố thằng Alceste, anh ra mà trả lời máy đi, thế anh mới có được may mắn nghe con trai anh hú lên chứ.” Bố thằng Alceste cầm lấy điện thoại và ông ấy nói: “Alô! Alceste hả?... Ai cơ?... Không!” rồi ông ấy gác máy. “Anh thấy rõ là không phải nó chứ, bố thằng Alceste nói. Giờ thì tôi đến đây để báo cho anh biết, nếu anh còn đe dọa thằng bé nhà tôi thêm lần nữa, tôi sẽ kiện anh đấy. Chào anh!” Và bố thằng Alceste chuẩn bị đi về thì bố tôi hỏi: “Mà này, thế ban nãy ai gọi điện đấy?” “Tôi biết thế nào được, bố thằng Alceste đáp, ai đó trong đám bạn bè của anh, ai đó tên Mouche hoặc gì đó tương tự. Dù sao đi nữa cũng chẳng phải thằng bé nhà tôi,” rồi ông ấy đi ra.
Ở nhà tôi, sau cùng, mọi thứ cũng được dàn xếp ổn thỏa. Bố hôn mẹ, bố bảo rằng bố rất thích ăn thịt quay quá chín, mẹ bảo rằng chính mẹ mới là người có lỗi và mẹ sẽ đi rán cho cả nhà một đĩa trứng cuộn giăm-bông, còn tôi thì hôn cả bố lẫn mẹ và tất cả mọi người đều rất hài lòng.
Có điều đáng tiếc là thằng Alceste sẽ chẳng thể gọi điện thoại cho tôi được nữa, vì bố đã cho tháo điện thoại nhà chúng tôi ra.
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đễnh chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu
---
https://ladybjrd.wordpress.com

ladybjrd
  • Số bài : 6
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 04.08.2010
  • Nơi: Bách Hoa Cốc
RE: Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2 _ Gcinny & Jean-Jacque Sempé - 06.08.2010 22:32:01
Buổi chiếu phim
 
MẸ ĐÃ ĐỌC những gì cô giáo viết trong sổ liên lạc của tôi: “Tháng này Nicolas tương đối ngoan.”
“Phải thưởng cho nó mới được,” mẹ nói v.ới bố. Thế là bố gõ nhẹ mấy cái lên đầu tôi và bảo: “Tốt lắm nhóc con của bố, tốt lắm nhóc con của bố” rồi bố lại quay lại đọc tờ báo. Thế nhưng mẹ lại bảo rằng như thế vẫn chưa đủ và rằng để động viên tôi thì bố sẽ phải đưa tôi đến rạp xem phim. Tôi mừng lắm, nhất là ở rạp chiếu phim đầu phố có tới tận sáu bộ phim hoạt hình và một bộ phim cao bồi có tên là Bí mật hầm mỏ bỏ hoang và trên tất cả các áp-phích người ta đều bảo rằng bộ phim này rất hay.
Nhưng bố lại chẳng muốn đi xem phim lắm. Bố thở dài đến hai hay ba lần và rồi bố bảo bố mệt lắm, bố đã làm việc cả tuần rồi và bố muốn ở nhà hơn. Mẹ trả lời bố rằng suy cho cùng thì có thể bố có lý và rằng nếu vậy bố có thể tranh thủ sơn lại nhà để xe vì việc đó cần kinh lên được. Bố liền gấp tờ báo lại và ngước mắt nhìn lên và với vẻ rất lạ, như kiểu bố sợ cái trần nhà sẽ rơi xuống đầu bố vậy. “Thôi được, bố nói, anh sẽ đi xem phim Bí mật hầm mỏ bỏ hoang.” Tôi ôm chầm lấy bố, còn mẹ thì cười rất tươi. Cả nhà cùng hài lòng.
Bữa trưa đối với tôi thật dài và tôi thấy không đói lắm. Bố và tôi mặc quần áo thật đẹp và cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến trước cửa rạp chiếu phim. Tới đây tôi nhận ra nhiều đứa bạn tôi cũng đang đứng chờ đến lượt vào xem phim. Thằng Geoffroy mặc một bộ quần áo cao bồi. Bố của Geoffroy rất giàu và bố nó mua cho nó đủ loại đồ chơi và các thứ. Thằng Geoffroy thích mặc các kiểu quần áo khác nhau tùy theo mỗi bộ phim. Lần trước có bộ phim nói về những tên lửa chuẩn bị bay lên mặt trăng và Geoffroy đã tới rạp chiếu phim trong trang phục sao Hỏa với một cái liễn thủy tinh ở trên đầu. Thậm chí đến giờ giải lao nó cũng chẳng bỏ ra để ăn kem. Cuối cùng, nó cảm thấy rất khó chịu trong cái liễn ấy của nó. Tôi cứ tự hỏi chẳng hiểu thằng Geoffroy sẽ ăn mặc như thế nào khi có phim về Tarzan. Thành con khỉ, chắc vậy.
Bố mua vé và chúng tôi vào trong rạp chiếu phim. Tôi rủ bố lên ngồi trên hàng ghế đầu tiên, ở đó có thể nghe được rõ nhất và hình ảnh trông có vẻ như dài ra. Bố không muốn thế, bố kéo tay tôi. Nhưng đèn đã tắt và cô hướng dẫn nói bố tôi phải quyết định ngồi chỗ này thôi vì cô ấy còn phải đi xếp chỗ cho những người khác nữa.
Trên hàng đầu, bố là người lớn duy nhất, bên cạnh bố là thằng bạn tôi, Alceste béo phị, lúc nào cũng ăn luôn mồm.
Cả sáu bộ phim hoạt hình đều chiếu xong. Đến giờ nghỉ giải lao, bố chỉ than phiền là bị đau đầu và nhức mắt.
Chúng tôi mua kem, một chiếc (sô-cô-la) cho tôi và một chiếc cho bố. Thằng Alceste mua tận bốn chiếc để có thể cầm cự được cho tới cuối phim.
Rồi đèn lại tắt đi lần nữa và bộ phim Bí mật hầm mỏ bỏ hoang bắt đầu. Thật là tuyệt! Có một người đàn ông mặc bộ đồ toàn đen, mặt bịt kín bằng một chiếc khăn đen và có một con ngựa đen. Ông ta giết chết một người thợ mỏ già và con gái của người thợ mỏ đó khóc lóc, rồi cảnh sát trưởng, mặc bộ đồ toàn trắng và không có khăn che mặt, đã thề sẽ tìm ra người đàn ông mặc đồ đen là ai. Cũng có cả một ông chủ nhà băng độc ác muốn chiếm lấy hầm mỏ sau cái chết của ông thợ mỏ.
Đúng lúc đó thì bố quay lại bảo với thằng bé ngồi sau lưng bố đừng có lấy chân đập vào sau ghế bố nữa. “Để cho thằng bé của tôi được yên!” một giọng nói thật to kêu lên trong bóng tối. “Tôi sẽ để nó yên nếu anh bảo nó đừng có lấy chân đá làm xương sống của tôi long ra mất bây giờ!” “Tôi làm long cái đầu của anh ra thì có, như vậy thằng bé nhà tôi sẽ được xem phim yên ổn! Ai bảo chen lên ngồi trên hàng đầu cơ chứ, đồ to đầu!” “Thế hả?” bố vừa nói vừa đứng lên. “Kem của cháu!” thằng Alceste hét lên. Trong khi đứng lên bố đã hất đống kem, mà thằng Alceste để trên thành ghế, đổ xuống quần áo bố (một chiếc vani và hai chiếc dâu tây). Mọi người kêu lên: “Trật tự!” và cả: “Đèn đâu?” Rồi ai nấy nghe thấy một tiếng nổ, đó là thằng Geoffroy đang bắn bằng những cây súng nhựa của nó. Alceste gọi cảnh sát trưởng ầm lên để đòi lại kem của nó. Cái ông giọng nói to ngồi trong bóng tối bảo rằng bố đã ăn kem của trẻ con. Tất cả mọi người đều thôi rồi là vui.
Thật tiếc, cô hướng dẫn đã chạy đến cùng với hai ông và chúng tôi phải ra ngoài. Alceste đi theo chúng tôi về đến tận nhà, nó muốn đòi lại chỗ kem bị dây ra quần áo bố. Bố có vẻ mệt mỏi.
Đêm hôm đó, tôi khát nước, và như thường lệ, tôi gọi bố để bố mang cho tôi một cốc nước. Nhưng chẳng thấy bố trả lời. Tôi liền đi xuống và nhìn thấy bố mặc bộ pyjama đang ngồi trong phòng khách.
Bố gọi điện đến rạp để hỏi xem có phải ông chủ nhà băng chính là người đàn ông vận đồ đen đã sát hại người thợ mỏ già hay không.
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đễnh chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu
---
https://ladybjrd.wordpress.com

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Bố là người quyết định - 09.08.2010 17:37:00
Bố là người quyết định

Hàng năm, tức là từ năm cuối cùng và những năm khác, bởi vì truớc đó thì đã lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ nữa, bố mẹ cãi nhau rất nhiều để quyết định sẽ đi nghỉ hè ở đâu. Rồi thì mẹ khóc và nói mẹ muốn về nhà bà ngọai và thế là tôi cũng khóc vì tôi rất yêu bà, nhưng ở đó chẳng có bãi biển, và bởi thế cuối cùng cả nhà đi nghỉ nơi mà mẹ thích nhưng không phải là nhà bà ngọai.
Hôm qua, sau bữa ăn tối, bố nhìn mẹ con tôi, hơi có chút buồn rầu và nói:
- Nghe này! Năm nay bố không muốn có thêm bất cứ sự tranh cãi nào nữa! bố sẽ là người quyết định! Chúng ta sẽ đi vào buổi trưa. Bố được biết một biệt thự cho thuê ở Plage-les-Pins. Có 3 phòng và điện nước đầy đủ. Bố không muốn nghĩ đến một khách sạn để đến và ăn những món ăn xoàng xĩnh.
- Ah, tuyệt đấy, anh yêu, mẹ nói, anh đưa ra một ý kiến thú vị đấy
- Chic! Tôi reo lên và nhảy lăng xăng quanh bàn vì vui sướng quá độ.
Bố mở to mắt như hơi có chút ngạc nhiên, và nói : “thế hả?”
Trong lúc mẹ dọn dẹp bàn ăn, bố chạy đi tìm chiếc cần câu dưới đáy biển trong tủ tường.
- Con sẽ thấy, Nicolas, bố nói, chúng ta sẽ đi câu đã đời. Cả hai bố con ta!
Điều này làm tôi hơi sợ một chút bởi vì tôi bơi chưa giỏi lắm, và không biết có thể có chỗ để tôi bơi ngửa không, nhưng bố nói đừng thắc mắc nhiều, bố sẽ dạy tôi bơi và ông đã từng đoạt giải nhất về bơi tự do liên tỉnh khi ông còn trẻ và thậm chí ông còn có thể phá kỷ lục nếu ông có nhiều thời gian để tập luyện hơn.
- Bố sẽ dạy con câu cá dưới đáy biển đấy! Tôi nói với mẹ khi mẹ từ bếp vào.
- Tuyệt vời, con yêu ạ. Mẹ đáp, nhưng trong biển Địa Trung Hải bây giờ, số người câu cá còn nhiều hơn cả cá.
- Làm gì có chuyện ấy, bố nói, nhưng mẹ nói chặn lại luôn rằng không nên đôi co trước mặt trẻ con và mẹ bắt đầu nhìn vào tờ nhật báo rồi sau đó mẹ bắt đầu đan tiếp cái áo len mà mẹ bắt đầu từ rất lâu rồi.
- Nhưng, tôi nói với bố, thế thì sẽ thật là buồn cười nếu chúng ta lặn xuống nơi mà chẳng có con cá nào.
Bố lặng lẽ đi xếp chiếc cần câu dưới biển vào trong tủ, còn tôi thì ỉu xìu vì đúng vậy, lần nào đi câu cá cùng bố cũng vậy chúng tôi chẳng mang về được con nào cả. Bố trở lại phòng và cầm tờ báo lên đọc.
- Thế tóm lại, tôi nói, ở đâu thì có cá để câu ạ?
- Hỏi mẹ con ấy, bố đáp, nhà dự báo đấy.
- Chúng có ở Đại Tây Dương, con yêu a. Mẹ nói. Tôi hỏi Đại Tây Dương có cách nơi chúng tôi sẽ đi xa không? Nhưng bố nói: nếu tôi học khá hơn ở trường một chút thì tôi sẽ không hỏi những câu như thế. Thật vô lý, vì ở trường chúng tôi có được học lớp câu cá đâu, nhưng tôi không hỏi thêm gì nữa vì hình như bố không muốn nói chuyện lắm.
- Sẽ cần phải lập ra một danh sách dài những thứ cần mang theo đấy, mẹ nói.
- À, không, bố kêu lên. Năm nay, chúng ta sẽ không đi với cả một cái xe cam-nhông trở theo đồ đạc mà chỉ cần quần áo tắm, quần soóc, vài áo quần đơn giản và vài cái áo len mỏng…
- Thế còn nồi niêu, máy pha cà-phê, tấm phủ màu đỏ và một ít bát đĩa thì sao? Mẹ nói.
Bố nhảy dựng dậy, đầy nhăn nhó, há to miệng ra nhưng bố chưa thể nói gì cả bởi mẹ đã chêm vào ngay:
- Anh biết đấy, như bác Blédurt đã kể cho chúng ta nghe chuyện kỳ nghỉ năm trước bác ấy đã thuê nhà nghỉ như thế nào rồi đấy. Tất cả bát đĩa chỉ vẻn vẹn có ba cái đĩa mẻ và một cái bếp với hai cái chảo mà trong đó có cái bị thủng cả một lỗ to tướng. Rồi họ đã phải mua những đồ đó trên bãi biển với giá cắt cổ đấy.
- Đấy là Blédurt không biết cách tự xoay sở đấy thôi, bố bình tĩnh nói.
- Có thể, mẹ đáp, dù cho anh câu được cá nhưng nếu anh muốn ăn súp cá, em sẽ không thể nào nấu cho anh bằng cái chảo thủng được.
Và thế là tôi lại rưng rức khóc, vì đúng vậy, thật là nực cười khi đi câu mà đến một bãi biển chẳng có con cá nào trong khi cách đó không xa là bãi biển Đại Tây Dương đầy cá. Mẹ đặt kim đan xuống và bế tôi lên rồi nói tôi đừng buồn vì những con cá, và tôi sẽ được toại nguyện khi sáng sáng tôi tỉnh dậy và thấy bãi biển ngay trước cửa sổ phong ngủ của mình.
- Nói thế nghĩa là, bố giải thích, chúng ta sẽ không nhìn thấy biển ngay trước biệt thự nhưng biển cách đó không xa lắm, chỉ khoảng hai kilomet thôi. Đấy là biệt thự cho thuê cuối cùng còn trống của bãi biển Palage-les-Pins.
- Tất nhiên rồi, con yêu, mẹ nói. Và mẹ thơm lên má tôi và tôi lại chơi dưới thảm với hai viên bi mà tôi thắng được của Eudes ở trường.
- Thế còn bãi biển, có phải là bãi biển đầy đá cuội không? Mẹ hỏi.
- Không, thưa quý bá! Không có một viên đá cuội nào cả! Bố trả lời đầy đắc thắng. Đó là bãi biển với cát mịn, mịn đến nỗi người ta chẳng thể nào tìm thấy một viên đá cuội nào ở đó hết cả.
- Rất tuyệt! Mẹ nói, vì như vậy thì Nicolas sẽ không thể la cà chơi ném đá thia lia trên mặt nước. Từ khi anh dạy con cách chơi, nó đã say sưa trò này quá.
Và tôi bắt đầu lại khóc rống lên vì thực sự mà nói trò chơi ném đá thia lia trên mặt nước thật tuyệt vời, rồi tôi đã nhảy xuống nước tới bốn lần, rồi quả thực là chúng tôi đã về khách sạn với những cái chảo thủng cách đó không xa, chẳng có cá cũng chẳng có viên đá cuội nào.
- Con muốn về nhà bà ngọai, tôi khóc và dẫm lên viên bi của Eudes.
Mẹ lại nhấc tôi lên và nói tôi đừng khóc nữa, bố sẽ là người có kỳ nghỉ dài nhất nhà và thật quá tệ là bố sẽ phải giả vờ là bố rất hài lòng để đi nơi mà bố muốn đến nghỉ.
- Nhưng, nhưng nhưng….. bố nói.
- Con muốn chơi trò ném đá thia lia trên mặt nước! Tôi nói
- Con sẽ chơi trò đó có lẽ là vào năm sau, mẹ nói, khi bố con quyết định chúng ta sẽ đi bái biển Bains-les-Mers.
- Ở đâu cơ? Bố hỏi, với cái miệng há hốc.
- Ở Bains-les-Mers, mẹ nói, ở Bretagne, nơi có biển Đại Tây Dương, rất nhiều cá và có khách sạn nhỏ nhắn với những viên đá cuội ở gần bãi tắm cát.
- Con muốn đi Bains-les-Mers! Tôi reo lên. Con muốn đi Bains-les-Mers!
- Nhưng con yêu, mẹ nói, còn phải có lý một chút, bố mới là người quyết định.
- Được rồi, tốt thôi, bố hiểu rồi. Cái khách sạn đó tên gì?
- Beau-Rivage, anh yêu ạ, mẹ nói.
Bố nói rồi ghi lại tên khách sạn để xem xem có còn phòng trống hay không.
- Ở đó vẫn còn phòng, anh yêu ạ, mẹ nói, và em đã đặt rồi. Chúng ta ở phòng 29, đối diện với biển và có phòng tắm bên trong.
Và mẹ nói bố đừng nhúc nhích nữa để mẹ xem chiều dài của chiếc áo mẹ đan đã được chưa bởi bãi biển ở Bretagne hơi lạnh một chút về đêm.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2010 17:41:53 bởi doquang1977 >

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Tôi bỏ nhà đi - 09.08.2010 17:38:01
Tôi bỏ nhà ra đi

Khi tôi đang chơi trong phòng khách một cách ngoan ngoãn, rồi chỉ đơn giản là tôi làm đổ lọ mực ra tấm thảm mới mua mà tôi bị mẹ mắng cho một trận.
Và thế là tôi khóc và tôi nói : tôi sẽ bỏ nhà mà đi và mọi người sẽ phải rất rất ân hận về điều đó ! Mẹ chỉ bảo : « Những việc đó sẽ làm sau, trước mắt thì mẹ còn phải đi chợ đã ! » và mẹ đi chợ .
Tôi chạy lên phòng mình để chuẩn bị những đồ đạc cần thiết cho chuyến bỏ nhà ra đi của mình . Tôi lấy cái cặp táp và bỏ vào trong đó một chiếc ô tô đỏ mà dì tôi tặng, một cái đầu xe lửa lò xo với một cái toa hàng duy nhất còn lại, vì những toa khác đã bị hỏng cả rồi, một miếng chocolat tôi để dành cho bữa ăn nhẹ buổi chiều. Tôi mang theo cả hộp tiền tiết kiêm, vì tôi có thể phải cần đến tiền, và tôi ra đi.
Thật là may mắn cho tôi khi mẹ không có nhà, vì chắc chắn mẹ sẽ cấm tôi bỏ nhà mà đi. Khi ra đến đường, tôi cắm đầu cắm cổ mà chạy. Bố mẹ sẽ phải rất đau khổ, rồi tôi sẽ trở về khi họ đã già, như bà tôi ấy, và tôi lúc đó sẽ rất giàu có, sẽ có cả một chiếc máy bay, một cái ô tô lớn và một cái thảm của riêng tôi, mà tôi có thể đổ mực lên trên đó , và bố mẹ sẽ thật sự sung sướng khi thấy tôi trở về.
Cứ thế, tôi mải miết chạy cho đến khi đứng trước cửa nhà Alceste, đứa bạn to khỏe và ham ăn mọi nơi mọi lúc của tôi mà đã có lần tôi kể cho các bạn nghe rồi đấy. Alceste đang ngồi trước cổng và đang ăn một cái bánh mỳ nhân mứt. « Cậu đi đâu thế ? » Alceste vừa ngọam một miếng thật to vừa hỏi tôi. Tôi giải thích cho nó biết là tôi đang bỏ nhà ra đi, và tôi hỏi xem nó có thích đi cùng tôi không ? « Chúng ta sẽ trở về, trong vài năm sau, khi chúng ta trở nên giàu có, với ô tô, máy bay, và bố mẹ chúng ta sẽ vui sướng nhường nào khi thấy chúng ta trở về, và họ sẽ không bao giờ dám quở mắng chúng ta nữa. » Nhưng dường như Alceste không có vẻ muốn đi : « Cậu không ngớ ngẩn đấy chứ ? nó nói, tối nay, mẹ tớ sẽ làm món dưa bắp cải, với mỡ, với súc-xích, tớ không thể đi được ! » Thế là tôi chào tạm biệt Alceste và nó vẫy tay một tay chào tôi, còn một tay đang bận nhét nốt mẩu bánh mỳ nhân mứt vào mồm.
Tôi rẽ vào một con phố và dừng lại nghỉ một chút bởi Alceste làm cho tôi hơi đói, và tôi lôi mẩu chocolat của mình ra ăn, ăn để cho tôi thêm sức lực để mà đi. Tôi muốn đi thật xa, thật xa, tới nơi nào mà bố mẹ tôi không thể tìm thấy tôi được nữa, chẳng hạn như Trung Quốc hay Arcachon, nơi chúng tôi đi nghỉ hè năm ngoái rất xa nơi tôi đang ở, nơi có bãi biển và những con huître ấy.
Nhưng muốn đi xa được thì phải mua ô tô hoặc máy bay. Tôi ngồi xuống vỉa hè và đập ống tiền tiết kiệm ra đếm . Để mua được ô tô hay máy bay, thì phải nói là nó không đủ, và thế là tôi rẽ vào tiệm bán bánh mỳ rồi mua một khoanh bánh kem khá ngon.
Khi tôi kết thúc miếng bánh một cách chớp nhoáng, tôi quyết định mình sẽ đi bộ tiếp, khá lâu đấy, nhưng không phải là hướng đi về nhà, cũng không phải là đường đi đến trường, tôi có đủ thời gian mà. Tôi sẽ không phải suy nghĩ gì đến trường lớp nữa, và tự nhủ với mình là ngày mai, cô giáo sẽ nói trước lớp rằng : « Nicolas tội nghiệp đã bỏ đi một mình, chỉ một mình thôi, và đi xa lắm. Bạn ấy sẽ trở nên giàu có , có ô tô và máy bay » và tất cả mọi người sẽ nói về tôi và sẽ đầy những thắc mắc rằng tại sao Alceste lại không đi cùng tôi. Sẽ thật tuyệt vời !
Tôi tiếp tục đi bộ, nhưng đã bắt đầu cảm thấy hơi mệt, hơn nữa, tôi không thể đi nhanh được nữa bởi tôi không có đôi chân dài như Maixen trong lớp tôi, mà tôi không thể mượn tạm đôi chân của nó để đi được. Ý nghĩ này chợt làm tôi nảy ra một ý kiến khác : tôi sẽ mượn một chiếc xe đạp của bạn tôi. Đúng lúc đó, tôi dừng chân trước cửa nhà Clotaire. Clotaire có một chiếc xe đạp màu vàng mới cứng, nhưng vấn đề là Clotaire không thích cho ai mượn đồ của nó cả.
Tôi bấm chuông gọi cửa và chính Clotaire ra mở cửa cho tôi. « Chào Nicolas, cậu muốn gì ? »
« Xe đạp của cậu ! » , tôi trả lời, và thế là Clotaire đóng cửa cái rầm. Tôi lại bấm chuông lần nữa nhưng vì Clotaire không chịu ra mở cửa nên tôi dí ngón tay liên tiếp trên nút chuông cửa. Từ trong nhà , tôi nghe vọng ra tiếng mẹ của Clotaire quát lên : « Ra mở cửa ngay ! » Và Clotaire chẳng vui vẻ gì khi thấy tôi vẫn còn đứng đó. « Tớ cần cái xe đạp của cậu, Clotaire, tôi nói. Tớ bỏ nhà ra đi, để bố mẹ tớ phải đau khổ, rồi tớ sẽ trở về sau một vài năm nữa khi tớ thật giàu có, có ô tô và máy bay »
Clotaire đáp rằng khi tôi quay trở lại, hãy đến gặp nó, khi đó, nó sẽ bán cho tôi cái xe đạp đó. Như thế thì chẳng giải quyết được cái gì cả, cái chuyện Clotaire vừa nói với tôi ấy, nhưng tôi nghĩ là tôi phải kiếm ra tiền, với số tiền đó, tôi sẽ có thể mua lại chiếc xe đạp của Clotaire. Clotaire thì thích tiền lắm !
Tôi tự hỏi mình : làm sao để kiếm tiền bây giờ ? Làm việc, tôi không thể. Thế là, tôi nảy ra ý nghĩ rằng tôi có thể bán đi những thứ trong cặp táp của mình để có tiền : một cái ô tô màu đỏ, một cái đầu tàu với cái toa chở hàng duy nhất còn lại. Bên kia đường, tôi thấy một cửa hàng bán đồ chơi, tôi tự nhủ chắc ở đó người ta sẽ thích mấy thứ của tôi.
Tôi bước vào cửa hàng và một ông rất tốt bụng mỉm cười với tôi rồi hỏi : « Cháu muốn mua gì, cậu bé ? Những viên bi hay một quả bóng chăng ? »
Tôi nói với ông ta rằng tôi không muốn mua gì cả , mà tôi chỉ muốn bán lại đồ chơi của mình. Thế rồi tôi mở cặp táp, bầy ra những đồ chơi của mình dưới đất, trước quầy tính tiền. Ông bán hàng hơi nghiêng người xuống nhìn đống đồ của tôi , thoáng chút ngạc nhiên và nói : « cậu bé, nhưng bác không mua đồ chơi, bác chỉ bán thôi. » Thế là tôi hỏi vậy những đồ chơi để bán, ông tìm thấy chúng ở đâu ? « Nhưng , nhưng, nhưng, ông đáp, bác không nhặt được chúng, bác mua ». « Vậy thì , hãy mua những đồ chơi của cháu đi ! », tôi nói. « Nhưng, nhưng, nhưng, ông nói với tôi, chúng phải mới cơ , ngài bé con ạ, cậu chưa hiểu à ? Bác mua đồ chơi từ những nhà máy, chứ không phải từ cháu, với cháu, bác chỉ bán thôi … nghĩa là… »
Ông ta dừng lại một chút rồi nói : « khi nào lớn lên, cháu sẽ hiểu » Nhưng ông ấy không biết rằng : nếu như tôi lớn rồi, thì tôi sẽ không cần xu nữa, nhất là khi tôi giàu có , với máy bay và ô tô. Tôi bật khóc. Ông bán hàng cảm thấy rất phiền lòng và thế là ông ấy đi vào trong bàn tính tiền và loay hoay tìm và đưa cho tôi một cái ô tô nhỏ rồi bảo tôi rời khỏi cửa hàng vì ông cũng phải đóng cửa hàng và vì những vị khách như tôi sẽ làm ông ấy cảm thấy mệt mỏi hơn sau một ngày làm việc.
Tôi rời khỏi cửa hàng một cách mãn nguyện với một chiếc đầu tàu và hai chiếc ô tô. Đúng là trời đã tối thật, trời bắt đầu tối đen và chỉ còn vài người đi lại trên đường phố, tôi chạy vội vàng. Khi tôi về đến nhà, mẹ quát tôi vì tôi về muộn cho bữa tối.
Và hầu như những lần như thế này, tôi tự hứa với mình là : ngày mai, tôi sẽ bỏ nhà ra đi ! Bố mẹ sẽ phải đau khổ, và tôi chỉ trở về sau nhiều năm sau, khi tôi trở nên giàu có, có ô tô và có máy bay !!!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2010 17:42:14 bởi doquang1977 >

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Bó hoa tuyệt vời - 09.08.2010 17:39:13
Bó hoa tuyệt vời
Vào sinh nhật của mẹ, tôi định sẽ mua cho bà một món quà như mọi năm, kể từ năm ngoái, bởi vì những năm trước tôi còn quá nhỏ.
Thật may là tôi có khá nhiều xu trong ống tiết kiệm, bởi tình cờ, mẹ vừa mới cho tôi tiền hôm qua. Tôi biết món quà tặng mẹ sẽ là những bông hoa để cắm trong lọ hoa lớn màu xanh đặt ở phòng khách, một bó hoa thật to và thật đẹp.
Ở trường, tôi sốt ruột chờ đến giờ tan lớp để có thể đi mua quà. Để không đánh rơi tiền, lúc nào tôi cũng để một tay trong túi, ngay cả khi tôi chơi đá bóng trong giờ ra chơi, nhưng vì tôi không làm thủ môn nên điều đó không vấn đề gì cả. Thủ môn là Alceste, đứa bạn rất béo và rất ham ăn. “Sao cậu chạy chỉ với một cánh tay thế?”, nó hỏi tôi. Khi tôi giải thích với nó là vì tôi sẽ mua hoa tặng mẹ tôi thì nó bảo nó thích đồ ăn gì đó như bánh gatô, kẹo ngậm hơn, nhưng, bởi món quà không phải cho nó nên tôi không để ý và tôi đã đá vào một quả. Chúng tôi đã thắng với tỉ số 44-32.
Khi tan học, Alceste đi cùng tôi đến cửa hàng hoa trong lúc tranh thủ ăn nốt nửa cái bánh mỳ sôcôla mà nó để dành trong giờ ngữ pháp. Vào cửa hàng, tôi dốc tất cả xu lên trên quầy thanh toán và nói với bà chủ rằng tôi muốn một bó hoa thật to cho mẹ tôi nhưng không phải là hoa thu hải đường, bởi vì trong vườn nhà tôi đã có nhiều rồi, sẽ chẳng cần thiết phải mua thêm nữa. “Chúng cháu muốn loại nào đó thật đẹp” Alceste nói rồi nó dí mũi vào những bông hoa trong tủ kính để ngửi xem có thơm không. Bà chủ cửa hàng đếm tiền và nói bà không thể bán cho tôi thật nhiều hoa được. Khi thấy tôi hơi xịu mặt, bà chủ nhìn tôi, nghĩ lại một chút rồi xoa đầu tôi, khen tôi thật là một đứa trẻ đáng yêu và bà sẽ dàn xếp chuyện này. Bà chủ cửa hàng chọn những bông hoa hết bên phải rồi bên trái và xếp chúng cùng với những chiếc lá xanh, cái làm cho Alceste liên tưởng đến những loại rau trong nồi thịt bò hầm. Bó hoa thật lớn và thật tuyệt vời được bà chủ cửa hàng bó lại bằng giấy bóng kính trong suốt, kêu sột sọat rồi bà dặn tôi phải cầm cẩn thận. Khi tôi nhận bó hoa và Alceste thôi không ngửi hoa nữa, tôi nói cám ơn bà chủ rồi chúng tôi ra về.
Tôi rất hài lòng với bó hoa của mình cho đến khi gặp Geophphoy, Clotaire và Ruphus, 3 đứa bạn cùng lớp. “ Nhìn Nicolas kìa, Geophphoy nói, trông nó mới ngớ ngẩn làm sao với bó hoa kìa”. “ Mày gặp may vì tao đang cầm hoa đấy, tôi đáp, nếu không mày sẽ ăn vài cú đấm. “Đưa chúng đây, hoa của cậu ấy, Alceste nói với tôi, để tớ giữ nó cho cậu đánh Geophphoy.” Và thế là tôi đưa bó hoa cho Alceste rồi Geophphoy choảng cho tôi một cú. Chúng tôi đánh lộn nhau rồi tôi nói đã muộn rồi, vì thế chúng ta phải dừng lại thôi. Nhưng tôi còn phải ở lại them một lúc nữa vì Clotaire noi: “Nhìn Alceste kìa, bây giờ thì nó như thằng ngớ ngẩn với những bông hoa kìa!” Thế là Alceste lấy bó hoa đạp một cú thật mạnh vào đầu Clotaire. “Những bông hoa của tớ! Tôi gào lên. Các cậu đang làm nát những bông hoa của tớ !” Và thật chẳng sai, Alceste liên tiếp vài cú đánh bằng bó hoa của tôi và những bông hoa bay tứ tung bởi giấy bóng kính đã bị rách. Clotaire kêu: “Chả đau gì cả!”
Khi Alceste thôi không đánh nữa, thì trên đầu Clotaire còn mấy cái lá của bó hoa trông không khác gì mấy cái rau trong nồi thịt bò hầm. Tôi bắt đầu nhặt lại những bông hoa vương vãi và nói với lũ bạn rằng chúng thật độc ác. “Đúng đấy, Ruphus nói, bọn cậu không tốt tí nào khi làm vậy với những bông hoa của Nicolas” “Mày, còn mày nữa đấy!” Geophphoy trả lời và hai đứa bắt đầu đánh lẫn nhau. Alceste thì rẽ về nhà vì cái đầu của Clotaire đã làm nó đói và nó không muốn về lỡ bữa ăn tối tẹo nào. Còn tôi thì đi với những bông hoa của mình. Chúng đã bị mất đi nhiều, chẳng còn những cọng rau cũng chẳng còn tờ giấy bóng kính nữa nhưng dẫu sao nó vẫn còn đẹp và chẳng mấy chốc, tôi gặp Eudes.
“Cậu có chơi một ván bi không?” Eudes hỏi tôi. “Tớ không thể, vì tớ còn phải về nhà và đưa những bông hoa này cho mẹ tớ.” Nhung Eudes nói vẫn còn sớm và thêm nữa, tôi vốn rất thích chơi bi, và chơi rất khá. Hầu như lúc nào tôi cũng thắng. Và thế là tôi đặt bó hoa lên vỉa hè và bắt đầu chơi với Eudes. Thật là thú vị khi chơi bi với Eudes vì nó thua suốt. Nhưng phiền một nỗi là khi thua, nó không chịu và đổ thừa rằng tại tôi chơi ăn gian rồi tôi nói nó là thằng nói láo, và thế là, nó đẩy tôi ngã lên bó hoa làm chúng nát thêm. “Tớ sẽ mách mẹ tớ những gì cậu đã làm với bó hoa của bà”, tôi nói với Eudes và nó hơi xìu mặt một chút. Rồi nó giúp tôi chọn những bông hoa đỡ bị nát hơn. Tôi rất quí Eudes, nó là thằng bạn tốt.
Tôi bước đi, bó hoa của tôi không còn to nữa nhưng những bông hoa còn lại thì cứ một bông bị nát lại có hai bông khác đỡ hơn. Và rồi tôi nhìn thấy Joachim đang đi xe đạp tới. Joachim là đứa bạn cùng lớp có một chiếc xe đạp.
Và, tôi đã quyết định sẽ không đánh đấm gì với ai nữa, vì nếu tôi còn tiếp tục đánh nhau với tất cả những đứa bạn tôi gặp trên đường thì chẳng mấy chốc tôi sẽ chẳng còn bông hoa nào để tặng mẹ tôi nữa. Cho nên, tốt hơn hết là không thấy chúng nó nữa, nếu tôi muốn tặng mẹ tôi hoa, đó là việc tôi phải làm và tôi tin là chúng nó sẽ phải ghen tị, vì đơn giản là mẹ tôi sẽ rất vui và bà sẽ cho tôi món tráng miệng thật ngon và nói tôi thật là ngoan và vì sao mà tất cả tụi nó lại trêu chọc tôi chứ?
“Chào Nicolas!” Joachim cất tiếng. “Bó hoa của tớ có gì chứ? Tôi gào lên với Joachim. Ngớ ngẩn à, cậu cũng thế!” Joachim dừng xe và trợn tròn mắt lên nhìn tôi rồi hỏi : “Bó hoa nào cơ?” “Đây này!” Tôi trả lời và dí bó hoa sát vào mặt nó. Tôi tin là Joachim không nghĩ là nó sẽ được đưa bó hoa sát mặt vì thế nó hất những bông hoa văng lên nóc của chiếc ô tô đang băng trên đường. “những bông hoa của tớ! Tôi kêu lên, Những bông hoa của mẹ tớ!” “ Cậu đừng lo cuống lên thế, Joachim nói với tôi, tớ sẽ đạp xe đuổi theo ô tô” Nó thật là tốt bụng, Joachim, nhưng nó đạp nhanh không nhanh lắm nhất là khi lên dốc, tuy nhiên, nó tập cho giải Tour de PHrance mà nó sẽ tham gia khi nó lớn. Joachim trở lại và nói với tôi rằng nó không thể đuổi kịp chiếc ô tô. Nhưng nó mang về cho tôi một bông hoa rơi xuống từ nóc chiếc ô tô đó. Nhưng thật chẳng may là bông hoa đó đã bị nát rồi.
Joachim đã phóng rất nhanhh và xuống dốc để về nhà nó còn tôi, tôi trở về nhà với bông hoa đã nhàu nhĩ của tôi. Cổ họng tôi nghẹn lại giống như khi tôi mang về nhà cái bảng điểm với những điểm 0.
Tôi mở cửa và nói với mẹ: “Chúc mừng sinh nhật mẹ!” và tôi bắt đầu khóc. Mẹ tôi nhìn bông hoa, thoáng chút ngạc nhiên và bà nhấc bổng tôi lên rồi thơm lên má tôi mấy lần, mẹ nói bà chưa bao giờ nhận được một bó hoa đẹp như thế này và mẹ cắm bông hoa vào cái lọ lớn màu xanh trong phòng khách.
Các bạn nói những gì các bạn muốn nhưng mẹ tôi, bà thật tuyệt vời!

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Ngày khai giảng - 09.08.2010 17:41:25
Ngày khai giảng

Mẹ bảo ngày mai chúng tôi sẽ đi mua một vài thứ để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
- Vài thứ gì?- Bố hỏi
- Nhiều thứ-Mẹ đáp. Này nhé: Một cái cặp mới, một hộp bút, và một đôi giày.
- Lại một đôi giày nữa ư?-Bố kêu lên. Không thể tin được! Cứ như nó ăn giày vậy!
- Không, nó chỉ ăn súp để chóng lớn thôi, mẹ nói. Và khi cu cậu lớn lên thì chân cũng to lên theo.
Ngày hôm sau, tôi theo mẹ đi mua đồ, tôi và mẹ hơi cãi nhau vì đôi giày. Tôi thì muốn mua một đôi giày thể thao, còn mẹ thì lại muốn mua cho tôi một đôi giày bằng da thật chắc chắn, nếu như tôi không ưng thì chúng tôi sẽ về nhà luôn, và chắc chắn bố sẽ không vui.
Cái chú bán ở cửa hàng thật tốt bụng: chú cho tôi thử một đống giày, rồi giải thích với mẹ tôi rằng đôi nào cũng tốt cả, nhưng mẹ không thể nào quyết định được. Rồi có một đôi giày màu hạt dẻ mà chú ấy rất thích, mẹ hỏi tôi có thấy thoải mái khi đi đôi giày đó không, tôi trả lời có vì tôi không muốn làm phiền lòng chú bán hàng, trong khi đôi giày đó làm tôi cảm thấy hơi đau.
Thế rồi mẹ mua cho tôi một chiếc cặp tuyệt vời, mà chúng tôi rất thích dùng cặp để nghịch với nhau mỗi khi tan học bằng cách lấy cặp ném vào chân lũ bạn khiến chúng vấp ngã, và tôi vô cùng mong được gặp lại bạn bè của tôi. Rồi mẹ lại mua cho tôi một cái hộp bút trông như bao súng lục, có điều thay vì khẩu súng lục thì bên trong lại có một cái gọt bút chì hình máy bay, một cục tẩy hình con chuột, một cái bút chì hình cây sáo và một đống thứ khác giống hình một loạt thứ, và chắc chắn với những thứ này chúng tôi sẽ tha hồ đùa nghịch trong lớp.
Đến tối, khi bố nhìn thấy tất cả những thứ mẹ đã mua cho tôi, bố nói bố mong tôi sẽ giữ gìn cẩn thận đồ dùng học tập của mình, và tôi nói vâng ạ. Đúng thế, tôi vẫn giữ rất cẩn thận đồ dùng học tập của tôi chứ, cho dù cái gọt bút chì vẫn bị vỡ trước bữa ăn tối, trong lúc giả vờ ném bom vào con chuột. Và bố nổi cáu, bố nói rằng thật không thể chịu nổi tôi từ khi chúng tôi trở về nhà, rằng bố sốt ruột mong sớm tới ngày khai giảng đi cho xong.
Đúng là cũng sắp đến ngày khai giảng, thế nhưng tôi và bố mẹ thì đã đi nghỉ hè về từ lâu rồi.
Kỳ nghỉ hè thật là tuyệt, chúng tôi đã vui chơi tha hồ. Chúng tôi ra biển nghỉ mát, và tôi đã làm biết bao chuyện kinh khủng: tôi đã bơi ra cực xa. Thế rồi, trên bãi biển, tôi đã thắng trong một cuộc thi, và người ta đã tặng cho tôi hai quyển truyện tranh cùng một tá cờ hiệu. Còn nữa, da tôi đã trở nên đỏ au dưới ánh nắng mặt trời, tôi trông thật oách.
Tất nhiên, về đến nhà một cái là tôi rất muốn cho lũ bạn thấy da tôi đỏ lên như thế nào. Nhưng có điều vô cùng chán trước ngày khai giảng là: chẳng gặp được một mống nào cả. Thằng Alceste-đứa ở gần nhà tôi nhất, và cũng là đứa tôi thân nhất, một tên béo tròn và suốt ngày ăn-cũng chẳng có ở nhà. Năm nào thằng Alceste cũng đi cùng bố mẹ đến nhà chú nó làm nghề bán thịt nguội ở Auvergne. Mà thằng Alceste còn đi nghỉ hè rất muộn, vì để đến ở nhà chú thì nó phải chờ chú nó đi nghỉ hè ở tận Côte d’Azur về. Ông Compani, là người bán tiệm tạp hóa trong khu phố chúng tôi, khi nhìn thấy tôi đã khen tôi đẹp trai ghê, rằng tôi trông giống miếng bánh mì tẩm gia vị, rồi ông ấy cho tôi một ít nho khô và một quả ô-liu, nhưng cũng làm sao mà bằng gặp được bọn bạn cơ chứ.
Và suy cho cùng, thật là bất công, nếu chẳng có ai nhìn thấy thì da có đỏ au lên cũng chẳng để làm gì, đâm ra tôi trở nên hết sức bực bội, và bối nói với tôi rằng đừng có mà giở trò văn nghệ như hàng năm nữa, rằng bố không muốn từ giờ đến ngày khai giảng tôi trở thành kẻ không ai chịu đựng được.
- Nhưng con sẽ trắng toát hết đến khi vào học!-tôi nói.
- Nó bị ám ảnh mất rồi!-Bố kêu lên. Từ khi đi nghỉ hè về, nó chỉ nghĩ tới làn da cháy nắng của nó thôi!... Nghe đây, Nicolas, con có biết con sẽ làm gì không? Con sẽ đi ra vườn và tha hồ mà phơi nắng. Như thế con sẽ không làm điếc tai bố nữa, và đến ngày con nhập học, trông con sẽ giống như một gã Tarzan thực thụ.
Thế là tôi ra vườn, nhưng tất nhiên ở ngoài vườn chẳng thể giống như trên bãi biển được, chưa kể trời còn đầy mây nữa.
Rồi mẹ lại gọi tôi:
- Nicolas! Con làm gì mà nằm dài ra bãi cỏ thế? Con không thấy trời bắt đầu mưa hả?
Mẹ nói rằng thằng nhóc làm cho mẹ phát điên lên mất, thế là tôi lại vào nhà; còn bố đang đọc dở một tờ báo thì nhìn tôi và nói rằng trông tôi đỏ thật, nhưng mà tôi phải đi lau đầu ngay đi vì tôi đã bị ướt.
- Không đúng! Tôi hét lên. Con chẳng đỏ lên được tẹo nào! Con muốn quay lại bãi biển!
- Nicolas! Bố quát lên. Con có thể tỏ ra biết điều và đừng ăn nói lung tung nữa được không? Nếu không thì con sẽ lên phòng ngay lập tức và bị phạt nhịn bữa tối! Con hiểu chưa?
Thế là tôi bắt đầu khóc, tôi nói thật là bất công, rằng tôi sẽ bỏ nhà đi và tôi sẽ đi một mình đến bãi biển, rằng tôi thà chết còn hơn là phải trắng bóc trở lại, rồi mẹ từ trong bếp chạy ra, mẹ nói mẹ đã chán ngấy phải nghe tôi khóc lóc cả ngày, rằng nếu đó là hậu quả của kỳ nghỉ hè thì năm sau mẹ thà nghỉ ở nhà, mặc kệ bố và tôi xoay xở trong kỳ nghỉ, vì mẹ cũng chẳng cần đi nghỉ mà làm gì.
- Thế chính em chả yêu cầu năm nay chúng ta quay lại nghỉ ở vùng Bains-les-Mers là gì, bố đáp. Dù sao đi nữa cũng chẳng phải là lỗi của tôi nếu cậu chàng này trở nên mè nheo như thế, bao giờ nó cũng là đứa khó chịu mỗi khi chúng ta quay về đến nhà!
- Bố bảo nếu ra vườn phơi nắng thì con sẽ trở thành một Tarzan thực thụ, tôi giải thích. Nhưng con chẳng thấy mình đỏ thêm tẹo nào.
Thế là mẹ bật cười, mẹ nói rằng mẹ thấy tôi vẫn rất đỏ, rằng tôi là Tarzan bé bỏng của mẹ, và mẹ chắc chắn rằng đến khi đi học tôi sẽ là đứa cháy nắng nhất trong lũ bạn. Rồi mẹ bảo tôi vào phòng chơi, đến bữa tối mẹ sẽ gọi.
Đến bữa ăn, tôi cố gắng để không nói chuyện với bố, nhưng bố làm đủ kiểu mặt hề khiến tôi bật cười, quả thật là ngộ nghĩnh. Mẹ làm món bánh mứt táo.
Thế rồi, ngày hôm sau, ông Compani cho chúng tôi biết gia đình Courteplaque là hàng xóm của chúng tôi, họ sống trong ngôi nhà ngay sát cạnh nhà tôi, và họ có một đứa con gái cùng tuổi với tôi tên là Marie-Edwige, có bộ tóc vàng và đôi mắt màu xanh nước biển tuyệt đẹp.
Về chuyện này tôi thấy thực sự lúng túng, bởi tôi rất muốn Marie-Edwige nhìn thấy tôi với làn da đỏ au, nhưng tôi không nói gì với bố, vì bố đã báo trước với tôi nếu tôi còn nói đến chuyện da cháy nắng một lần nữa thì cứ liệu hồn.
Vì ngoài trời có nắng nên tôi ra vườn phơi mình, rồi thỉnh thoảng lại chạy vào trong buồng tắm soi gương, nhưng tôi chẳng thấy mình đỏ lên tí nào, và tôi nghĩ rằng tôi sẽ thử ra vườn phơi nắng thêm một lần nữa, nếu như vẫn trắng thì tôi sẽ đi nói với bố.
Đúng vào lúc tôi chạy ra vườn, ô tô của ông Courteplaque dừng lại trước cửa nhà họ, với hàng đống đồ đạc xếp trên nóc xe.
Thế rồi Marie-Edwige xuống xe, và khi nhìn thấy tôi, cô nàng giờ tay vẫy chào.
Còn tôi, tôi đã đỏ lừ hết cả người.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Những kẻ bất bại - 09.08.2010 17:43:07
Những kẻ bất bại

Bọn mình sẽ lập ra một bắng… Chính thằng Geophphroy đã nghĩ ra ý đó. Trong giờ ra chơi, nó nói với chúng tôi nó vừa đọc xong một quyển truyện trong đó có một nhóm bạn đã lập ra một băng và sau đó, họ làm nhiều chuyện động trời, họ bảo vệ mọi người đánh lại bọn xấu, họ giúp đỡ người nghèo, tóm cổ lũ cướp, phải nói là vui kinh khủng.
- Băng của bọn mình sẽ lấy tên là Những Kẻ Bất Bại, giống như trong truyện. Sau giờ học, cả bọn sẽ tập trung trên bãi đất hoang, thằng Geophphroy nói với chúng tôi; mật khẩu sẽ là: “Dũng cảm không chùn!”
Khi tôi ra bãi đất hoang, cả lũ Geophphroy, Ruphus, Eudes, Alceste và Joachim đã có mặt. Tôi bị cô giáo giữ lại trong lớp một lát, cô nói tôi đã làm sai bài tập số học; tôi phải nhắc bố để bố làm cẩn thận hơn mới được.
- Mật khẩu? Thằng Alceste vừa hỏi vừa ném những mẩu bánh sừng bò vào mặt tôi (thằng Alceste này lúc nào mà nó chẳng ăn).
- “Dũng cảm không chùn”, tôi đáp.
- “Mày có thể vào”, nó nói..
Cái bãi đất hoang này thật tuyệt. Chúng tôi rất hay ra đây chơi; ở đây có cỏ, có lũ mèo, một đống vỏ đồ hộp, lốp ô tô và một chiếc xe ô tô đã mất hết bánh, những chúng tôi vẫn leo lên chơi rất vui, dỉn, dỉn! “Chúng ta sẽ họp mặt trong xe ô tô”, Geophphroy nói. Cái thằng Geophphroy này làm tôi buồn cười quá, nó rút từ trong cặp ra một cái mặt nạ che lên mắt, một cái áo choàng đen có chữ “Z” sau lưng và một cái mũ. Bố nó rất giàu, ông ta thường mua cho nó rất nhiều đồ chơi và quần áo cải trang. “Trông mày giống như một thằng hề”, tôi nói với Geophphroy, và nó có vẻ không hài lòng.
- Đây là một băng đảng mật, Geophphroy nói, vì tao là thủ lĩnh, nên không một ai được phép nhìn thấy mặt.
- Thủ lĩnh? Thằng Eudes nói, mày đùa đấy à? Tại sao mày lại được làm thủ lĩnh, có phải vì trông mày giống như một cái nấm với cái mũ trên đầu không?
- Không, Geophphroy nói, mà vì chính ta là người đã nghĩ ra ý tưởng lập băng, có thế thôi!
Rồi thằng Clotaire đến. Clotaire lúc nào cũng ra về sau tất cả lớp. Vì học dốt nhất lớp, nên nó luôn phải gặp cô giáo, nó còn phải chép phạt nữa. “Mật khẩu?” Alceste hỏi. “Dũng cảm kỳ lạ”, Clotaire đáp.
- Không, Alceste nói, mày không được vào. Đó không phải là mật khẩu.
- Cái gì, cái gì cơ, Clotaire nói, mày phải cho tao vào, cái đồ béo phì!
- Không, thằng Ruphus đáp lời. Mày chỉ được vào khi nào nói đúng mật hiệu, tao không đùa đâu! Alceste, hãy theo dõi nó.
- Theo tao, thằng Eudes nói, tao đề nghị bọn mình chọn ra thủ lĩnh, un deux trois…
- Không được! Thằng Geophphroy nói. Trong truyện, thủ lĩnh là người dũng cảm và khéo léo nhất. Thủ lĩnh phải là tao!
Thế là Eudes tặng luôn cho nó một quả đấm vào mũi, cái thằng Eudes ấy rất khoái làm như vậy. Geophphroy ngã lăn ra đất, cái mặt nạ lệch sang một bên và hai tay ôm lấy mũi.
- Đã thế, Geophphroy nói, mày sẽ không được vào trong băng nữa!
- Ôi dào! Eudes nói, tao thà về nhà chơi tàu hỏa chạy bằng điện còn hơn!
Rồi nó bỏ đi.
- Dũng cảm kinh khủng? Clotaire nói, và Alceste trả lời là không đúng, đó vẫn không phải là mật khẩu, và nó không được vào.
- Được rồi, Geophphroy nói, bây giờ chúng ta sẽ quyết định xem phải làm gì. Trong truyện, Những Kẻ Bất Bại lấy máy bay đi sang Mỹ tìm chú của đứa bé mồ côi đáng thương đã bị bọn xấu cướp mất của thừa kế.
- Tao không thể đi được đâu, sang Mỹ, rồi còn đi máy bay nữa, thằng Joachim nói. Mãi vừa rồi mẹ tao mới cho tao tự sang đường một mình.
- Chúng ta không thể nào chấp nhận bọn hèn nhát trong băng Những Kẻ Bất Bại!... Geophphroy hét lên.
Thế rồi, thật là tệ hại, Joachim nói như thế là quá đáng, rằng nó mới là người dũng cảm nhất trong cả đám, rằng đã thế thì nó sẽ bỏ đi, rằng cả bọn sẽ tha hồ mà tiếc. Rồi nó đi thật!
- Dũng cảm tuyệt vời? Clotaire hỏi.
- Không! Alceste vừa trả lời vừa ăn một cái bánh nhân sô-cô-la.
- Tất cả vào trong xe, Geophphroy nói, chúng ta sẽ bàn những kế hoạch bí mật.
Tôi thích thú vô cùng, tôi rất thích chui vào trong chiếc xe, cho dù thỉnh thoảng chúng tôi cứ bị đau bởi những cái lò xo lòi ra từ đệm ghế xe, giống như cái ghế sa-lông nhà tôi giờ đang nằm trong kho, vì mẹ nói thật là xấu hổ nếu cứ tiếp tục ngồi nó, nên bố đã mua một cái ghế mới.
- Tao sẽ vào trong xe, thằng Ruphus nói, với điều kiện tao phải được ngồi chỗ tay lái và lái xe.
- Không, đó là vị trí dành cho thủ lĩnh, Geophphroy trả lời.
- Mày chẳng có vẻ thủ lĩnh hơn tao tí nào, Ruphus nói, mà thằng Eudes nói đúng, trông mày giống như một thằng hề trong bộ cải trang của mày!...
- Mày nói như vậy chỉ vì mày là đồ ghen tị, Geophphroy đáp.
- Được rồi! đã thế, Ruphus nói, tao sẽ thành lập một băng bí mật khác, và chúng tao sẽ đập tan cái băng của mày, và chính chúng tao sẽ đi sang Mỹ để làm cái việc liên quan tới thằng bé mồ côi ấy.
- Không, Geophphroy hét lên, đó là thằng bé mồ côi của bọn tao chứ có phải của chúng mày đâu, chúng mày cứ đi mà tìm một đứa mồ côi khác đi… Không được, tao không đùa đâu đấy!...
- Cứ đợi đấy, Ruphus nói, rồi nó bỏ đi.
- Không chùn! Clotaire hét lên, đúng rồi. Không chùn!
- Gượm đã, Alceste nói, cứ đứng yên đó… thế rồi Alceste ra chỗ chúng tôi. “Mật khẩu là cái gì ý nhỉ?” nó hỏi.
- Sao cơ, thằng Geophphroy kêu lên, mày không nhớ mật khẩu là gì nữa rồi à?
- Không, là vì, Aleste nói, cái thằng Clotaire ngu ngốc ấy cứ nói với tao một loạt thứ, thành ra tao chẳng nhớ nữa…
Geophphroy vô cùng tức giận.
- Ái chà! Thật đẹp mặt cho cái băng Những Kẻ Bất Bại, nó nói, bọn mày chẳng phải là Những Kẻ Bất Bại, bọn mày là những đồ vô dụng!...
- Gì cơ? Alceste hỏi.
Thằng Clotaire tiến lại gần.
- Thế nào, tao có thể vào chứ, có hay là không? Nó nói.
Geophphroy ném cái mũ xuống đất.
- Mày không được phép vào. Mày đã không nói đúng mật hiệu! Băng đảng cần phải có mật khẩu, giống như trong truyện! Những kẻ không biết mật khẩu toàn là gián điệp!...
- Còn tao, Alceste hét lên, mày nghĩ là tao sẽ ở lại để nghe tất cả những thứ ngu ngốc thằng Clotaire nói với tao hả?... Mà tao cũng chẳng còn gì để ăn nữa cả; tao đi về nhà đây, nếu không tao sẽ bị muộn bữa quà chiều mất.
Và Alceste đi mất.
- Tao chẳng cần mày cho phép mới được vào đây, Clotaire nói với Geophphroy. Bãi đất hoang này chẳng phải của mày!... Ai cũng đều có quyền vào đây, kể cả gián điệp!
- Tao chán lắm rồi!... Nếu thế thì chúng mày cứ vào hết đi!... Geophphroy vừa nói vừa khóc sau tấm mặt nạ. Đúng thế, chúng mày chẳng biết chơi gì cả! Tự tao sẽ thành lập băng Những Kẻ Bất Bại một mình! Tao không thèm nói chuyện với chúng mày nữa!...
Chỉ còn hai chúng tôi ở lại, thằng Clotaire và tôi. Thế là tôi liền nói mật khẩu cho nó; như vậy nó không còn là gián điệp nữa, rồi chúng tôi chơi bi với nhau.
Thật là tuyệt vời, ý tưởng thành lập băng đảng của thằng Geophphroy. Tôi đã ăn được ba viên bi!

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Phòng ăn tập thể - 09.08.2010 17:44:08
Phòng ăn tập thể

Ở trường, có một cái phòng ăn tập thể, có một số đứa ăn cơm ở đó và chúng tôi gọi bọn ấy là bọn-bán-trú. Tôi và bọn bạn khác của tôi về nhà ăn cơm: đứa duy nhất ở lại là thằng Eudes, vì nhà nó ở khá xa.
Chính vì thế mà hôm qua, tôi rất ngạc nhiên và không thích chút nào khi bố mẹ nói với tôi rằng trưa nay, tôi sẽ ăn cơm ở trường.
- Ngày mai bố và mẹ phải đi xa, mẹ tôi nói, bố mẹ sẽ đi vắng gần như cả ngày. Chính vì vậy mà bố mẹ nghĩ, con yêu, con sẽ ăn cơm ở trường một hôm.
Còn tôi, tôi bắt đầu khóc và hét lên rằng tôi sẽ không ăn ở trường, rằng thật là kinh khủng, rằng chắc chắn ăn cơm ở đó rất chán và rằng tôi không muốn ở cả ngày không được ra khỏi trường, rằng nếu như mọi người cứ ép tôi thì tôi sẽ phát ốm, tôi sẽ bỏ nhà ra đi, tôi sẽ chết và tất cả mọi người sẽ tha hồ mà thương tiếc tôi.
- Thôi nào, anh chàng, ngoan nào, bố nói, chỉ một lần thôi mà. Hơn nữa, con cũng phải ăn trưa ở đâu đó, bố mẹ không thể mang con đi theo được. Ngoài ra, chắc chắn họ sẽ cho con ăn rất ngon.
Còn tôi thì càng khóc to hơn, tôi bảo tôi nghe nói ở trường người ta cho ăn thịt toàn mỡ, rồi người ta còn đánh những đứa trẻ nào không ăn thịt mỡ, nên tôi thà chẳng ăn gì cả còn hơn là ở lại trường. Bố gãi đầu và nhìn mẹ.
- Thế làm thế nào bây giờ? Bố hỏi.
- Chúng ta chẳng làm thế nào cả, mẹ nói. Mình đã báo với nhà trường rồi và Nicolas đã đủ lớn để phải biết nghe lời. Hơn nữa, dù thế nào thì điều đó cũng chẳng gây đau đớn gì cho nó; như vậy, nó sẽ biết trân trọng hơn những gì được ăn ở nhà. Thôi nào, Nicolas, ngoan đi, hôn mẹ một cái rồi nín đi.
Tôi dỗi một lúc và rồi tôi nhận ra khóc cũng chẳng để làm gì. Vì thế, tôi hôn mẹ, rồi hôn bố và bố mẹ hứa sẽ mang về cho tôi thật nhiều đồ chơi. Cả bố và mẹ đều tỏ ra rất vừa ý.
Sáng nay, khi đến trường, tôi cảm thấy như có một cục to đùng nghẹn trong cổ họng và rất muốn khóc.
- Tao ở lại ăn trưa ở phòng ăn tập thể, tôi giải thích khi lũ bạn hỏi tôi bị làm sao.
- Tuyệt vời! Thằng Eudes nói. Chúng ta sẽ xoay xở để được ngồi cùng bàn với nhau.
Thế là tôi bắt đầu khóc và thằng Alceste chia cho tôi một mẩu bánh sừng bò, điều này làm tôi ngạc nhiên tới mức tôi nín khóc ngay lập tức, vì đây là lần đầu tiên tôi thấy Alceste chia một thứ gì đó ăn được cho người khác. Thế rồi, suốt buổi sáng, tôi không nghĩ tới chuyện khóc nhè nưã, vì chúng tôi chơi với nhau rất vui.
Đến trưa, khi nhìn thấy các bạn về nhà ăn trưa, tôi lại bắt đầu cảm thấy một cục to đùng nghẹn ứ trong cổ họng. Tôi liền ra đứng tựa người vào tường và tôi chẳng muốn chơi bi với thằng Eudes. Sau đó chuông reo và chúng tôi ra xếp thành hàng. Thật buồn cười, xếp hàng để đi ăn, chẳng hề giống như mọi khi, vì tất cả các lớp được xếp lẫn lộn với nhau và chúng tôi đứng chung với những đứa hầu như chẳng quen. Cũng may mà còn có thằng Eudes đứng với tôi. Rồi một đứa đứng đằng trước quay lại nói với tôi:
- Xúc xích, khoai tây nghiền, thịt quay và bánh nhân kem. Hãy báo tiếp đi.
- Tuyệt vời! Eudes kêu lên, khi tôi báo lại như thế cho cậu ấy, có bánh nhân kem! Món ấy ngon kinh khủng.
- Trong hàng trật tự! Thầy Nước Lèo, tức là thầy giám thị của chúng tôi, hét lên.
Rồi thầy Nước Lèo tiến lại gần chúng tôi, thầy nhìn thấy tôi và nói:
- Ồ! Đúng rồi! Hôm nay Nicolas ở lại cùng chúng ta!
Rồi thầy Nước Lèo đưa tay vuốt tóc tôi và nở một nụ cười thật tươi trước khi chạy tới can hai đứa lớp nhỡ đang xô đẩy nhau. Có nhiều lúc thầy Nước Lèo thật đáng mến. Rồi hàng nhích lên dần, và chúng tôi tiến vào phòng ăn tập thể. Gian phòng khá lớn, có rất nhiều bàn với tám cái ghế xếp xung quanh.
- Lại đây nhanh lên! Eudes gọi tôi.
Tôi đi theo Eudes, nhưng quanh bàn của nó, tất cả các chỗ đều đã có đứa ngồi. Tôi vô cùng bối rối, vì tôi không muốn ngồi vào một bàn mà tôi chẳng quen ai cả. Lúc đó, Eudes giơ ngón tay lên và cậu ấy gọi thầy Nước Lèo.
- Thưa thầy! Thưa thầy! Bạn Nicolas có thể ngồi cạnh em được không, thưa thầy?
- Tất nhiên, thấy Nước Lèo đáp. Chắc chắn chúng ta không thể để khách mời ngày hôm nay của chúng ta ngồi lung tung rồi. Basile, hôm nay em nhường chỗ của mình cho Nicolas nhé… Hãy ngoan ngoãn một tí chứ nhỉ?
Thế là Basile, một đứa ở lớp tầng trên cầm lấy khăn ăn và thuốc của mình rồi đi sang bàn khác ngồi. Tôi rất vui vì được ngồi cùng bàn với Eudes; nó đúng là người bạn tốt, nhưng tôi chẳng thấy đói tí nào. Và khi hai bà làm việc trong nhà bếp đi qua với những chiếc giỏ đựng đầy bánh mì, tôi cũng lấy một miếng, nhưng đó chỉ là vì tôi sợ sẽ bị phạt nếu như không lấy bánh. Thế rồi người ta mang xúc xích tới, đúng loại mà tôi thích.
- Các con có thể nói chuyện, thầy Nước Lèo nói, nhưng không được làm ồn.
Thế là tất cả cùng bắt đầu hét lên, rồi cái đứa ngồi trước mặt chúng tôi pha trò cho chúng tôi cười, nó làm cho mắt lác xệch đi và giả vờ như không thể nào tìm nổi miệng để nhét miếng xúc xích vào. Sau đó người ta mang thịt quay và khoai tây nghiền tới, cũng may mà bánh mì lại được đưa đến thêm một lần nữa, vì thật là tuyệt khi dùng bánh mì để vét sạch nước xốt.
- Có ai muốn ăn thêm khoai tây nghiền không? Bác nấu bếp hỏi.
- Cháu! Tất cả chúng tôi cùng kêu lên.
- Bình tĩnh nào, thầy Nước Lèo nói. Nếu không, thầy sẽ không cho các em nói chuyện nữa. Hiểu không?
Nhưng rồi tất cả lại bắt đầu nói chuyện, vì thầy Nước Lèo trong giờ ăn trưa tuyệt vời hơn rất nhiều so với trong giờ ra chơi. Thế rồi chúng tôi được ăn món bánh kem,và món này, đúng là ngon kinh khủng! Tôi ăn đến hai lần, như món khoai tây nghiền.
Sau giờ ăn trưa, chúng tôi ra sân, rồi tôi và Eudes cùng chơi bi. Tôi thắng được ba viên bi thì lũ bạn về nhà bắt đầu quay trở lại, và tôi hơi hơi cảm thấy không vui khi nhìn thấy bọn nó, vì như thế có nghĩa là đã đến giờ vào lớp.
Khi tôi về nhà thì bố mẹ đã về từ trước. Tôi vô cùng mừng rỡ khi gặp lại bố mẹ, rồi chúng tôi ôm hôn nhau một thôi một hồi.
- Thế nào, con yêu, mẹ hỏi tôi, bữa ăn trưa nay không đến nỗi quá tệ chứ? Người ta cho con ăn gì?
- Xúc xích, tôi trả lời, thịt quay với khoai tây nghiền…
- Khoai tây nghiền à? Mẹ tôi nói, tội nghiệp gà con của mẹ, con rất ghét món ấy và ở nhà chẳng bao giờ con chịu ăn món ấy cả.
- Nhưng món ấy ở đấy rất tuyệt vời, tôi giải thích. Còn có cả nước xốt, và một đứa pha trò làm cả bọn cười, con ăn món ấy tận hai lần.
Mẹ nhìn tôi, rồi bảo mẹ sẽ đi dọn va-li rồi chuẩn bị bữa tối.
Đến bữa, mẹ tỏ ra rất mệt mỏi vì chuyến đi. Thế rồi mẹ mang ra một cái bánh ga-tô nhân sô-cô-la to đùng.
- Nhìn này, Nicolas! Mẹ nói với tôi; con xem bánh tráng miệng bố mẹ mua cho con có ngon không này!
- Tuyệt! tôi kêu lên. Nhưng mẹ biết không, trưa nay cũng rất tuyệt vời; bọn con được ăn món bánh nhân kem ngon cực! Con ăn tận hai lần, y như món khoai tây nghiền.
Thế là, mẹ nói rằng ngày hôm nay mẹ mệt mỏi quá, rằng mọi người ai cũng căng thẳng, rằng mẹ sẽ để bát đĩa ngày mai mới rửa, rằng mẹ sẽ lên phòng ngủ luôn.
- Mẹ bị ốm phải không? Tôi hỏi bố, thấy lo ơi là lo.
Bố cười, vỗ nhẹ lên má tôi và nói:
- Không có gì đâu, anh chàng ạ. Bố nghĩ đó là do món gì đó con ăn trưa nay có vẻ không ổn lắm.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Bóng chày - 09.08.2010 17:45:15
Bóng chày 

Hôm nay, tôi được học một trò chơi mới kinh khủng: bóng chày. Ông Blédurt, hàng xóm của chúng tôi, bước vào trong vườn với một cái hộp gỗ to trong tay. "Xem tôi sắm được cái gì cho tôi này", ông ta nói với bố. Ông mở cái hộp, và bố với tôi nhìn thấy ở bên trong là những quả bóng nhỏ bằng gỗ, với những cái kiểu như là búa nhưng có cán rất dài, cùng với những vòng uốn bằng sắt. "Ôi dào! bố nói, đây là trò chơi bóng chày mà, cũng có gì mà phải bò ra mà cười đâu." Trò chơi bóng chày là sao cơ?", tôi nói. "Tôi đâu có cần anh phải bò ra cười. tôi chỉ cho anh xem trò chơi bóng chày này và tôi không hiểu là anh có thích chơi hay không thôi", ông Blédurt nói. "Được thôi", bố đáp. "Cho con chơi với được không? Nào? Con chơi được kô?", tôi hỏi, nhưng bố không hề trả lời, bố đang bận hét ông Blédurt, ông này thì đang cắm một cái vòng uốn trên bãi cỏ vườn nhà tôi. "Này! bố nói, anh đừng có mà đục lỗ trên bãi cỏ nhà tôi chứ!" "Bãi cỏ? ông Blédurt nói. đừng có mà làm tôi buồn cười, cái chỗ ta đang đứng đây. cùng lắm thì cũng là một bãi đất hoang đầy cỏ rả mọc tốt bượp chả hàng chả lối gì sất." Ông Blédurt này sai rồi, vườn nhà tôi chả giống một tí tẹo nào với bãi đất hoang cả, bãi này thì đỉnh cực, có cả một cái ôtô mất bánh mà chúng tôi vẫn trèo vào trong và cứ lái "dỉn dỉn", thích ơi là thích. Còn bố, bố cũng khó chịu với những gì ông Blédurt nói, bố bảo rằng bố đâu có cho gọi ông, và rằng ông ta cứ đi mà khoét lỗ trong vườn nhà mình ấy, rằng nếu mà có chó thì bố sẽ xuỳ chó ra cho mà xem. "Ôi dào, thôi được! thôi được!", ông Blédurt nói, rồi thu lại cái hộp với những cái vòng, những quả bóng cùng những cái búa rồi ông ta đi.
Chúng tôi ở lại trong vườn, bố vừa xem cỏ vừa gãi gãi cái đầu, rồi bố nói rằng chắc chắn là sang tuần sau bố sẽ phải giải quyết vụ này. Còn tôi, tôi nghế người qua hàng rào và tôi nhìn thấy ông Blédurt đang cắm những cái vòng uốn khắp vườn nhà ông ấy, rồi ông bắt đầu đẩy một quả cầu gỗ vào một cái vòng uốn sắt. "Mình chơi vui ghê! ông Blédurt ngân nga, mình chơi vui thật!", đúng là ông ta đang có vẻ rất vui, mỗi một mình, ông huýt sáo và lẩm bẩm:"A! Mình đánh một quả thật là ác liệt, ái! chà chà!" Tôi, tôi cũng thích chơi lắm; dĩ nhiên là tôi chưa biết chơi trò đánh bóng chày, nhưng mà tôi học nhanh lắm, chỉ trừ mỗi mấy môn ngữ pháp, số học, địa lý, lịch sử với cả bài học thuộc lòng thì tôi không thể nào nhớ hết được các từ. "Con sang chơi với ông Blédurt nhé?", tôi hỏi bố. "Không dược, Nicolas, bố vừa nói vừa kêu lên rất to, con sẽ thắng ngay lập tức và ông Blédurt sẽ kêu con chơi ăn gian ngay." Ông Blédurt thò cái đầu to tướng đỏ lừ qua hàng rào. "Anh đã ma lanh đến thế thì, ông ta kêu lên, tôi cá một trăm phranc rằng tôi sẽ hạ anh!" Bố bắt đầu cười và bố nói rằng thế thì có khác nào móc túi ông, thế là ông Blédurt nói rằng bố chỉ là một kẻ dát chết và rằng có thể bố cũng chẳng lấy đâu ra một trăm phranc cả thế là bố nói: "Dát chết? tôi á? Anh sẽ biết tôi dát chết hay không nhé!" và bố đi sang vườn nhà ông Blédurt. Tôi đi theo. "Tôi nhận quả xanh lam, ông Blédurt nói, còn anh thì quả đỏ." "Còn cháu, cháu lấy quả xanh lục!", tôi kêu lên. Nhưng bố nói với tôi rằng tôi không biết chơi bóng chày và bố không muốn tôi chơi cá tiền thế này. Thế là tôi bắt đầu khóc và tôi nói rằng thật là không công bằng và rằng tôi sẽ đi mách mẹ. Thế là bố nói rằng để đến lần sau tôi sẽ chơi, còn lần này thì tôi chĩem để học chơi thôi và rằng tôi có thể chạy đi nhặt quả bóng của ông Blédurt khi mà bố dùng bóng của bố đánh bạt nó đi xa, và rằng với một trăm phranc của ông Blédurt, bố sẽ mua bánh gatô cho tôi. Vậy là tôi đồng ý, thôi cứ như thế cũng được.
Cái trò đánh bóng chày hay thật đấy, rất là khó hiểu. Bắt đầu chơi, các đối thủ cãi nhau xem ai sẽ được đánh trước. Và chính cái người nói rằng "Trước tiên cái trò này là của tôi, nếu mà anh không đồng ý, thì tôi sẽ cất ráo cả vào hộp, còn anh thì cứ việc đi đâu mặc anh" là người đánh đầu tiên. Vậy là, ông Bléđurt cầm lấy cái búa và bốp! ông ta đánh quả bóng xanh lam vào đám cây hoa vàng của bà Blédurt. Thế là người chơi kia, tức là bố tôi cười ngất, rồi bà Bléđurt mở cửa sổ ra và nói hàng đống những gì đó với ông Blédurt, nhưng mà đó thì không phải là trong trò chơi. Dẫu sao thì bà Blédurt cũng không có vẻ gì là chơi bóng cả.
Khi bố thôi cười, bố đánh nhè nhẹ quả bóng đỏ của bố lăn đến gần một cái vòng uốn. Thế rồi bố lấy chân đá nhẹ vào quả bóng, nhưng ông Blédurt chạy đến và nói:"Không được! Không được! anh đã đánh đến hai lần chày!" "Không đúng, tôi kêu lên, lần đánh thứ hai là bằng chân chứ!" Thế là bố, tôi thật chẳng hiểu tại sao, lại rất tức giận việc tôi đã bênh bố. "Nicolas! bố hét lên, con mà không im môm đi, thì con đi về nhà ngay!" Thế là tôi bắt đầu khóc, tôi nói rằng tôi muốn học chơi bóng chày, và rằng thật là không công bằng. "Thay vì quát lác thằng con bất hạnh của anh, ông Blédurt nói, thì hãy thử chơi cho nó trung thực một tí xem!"
Đến đó thì trò chơi bỗng trở nên cực kì phức tạp bởi vì hai đối thủ bỏ hết búa xuống, bọn họ người này túm ngực áo sơ mi người kia và rồi họ xô đẩy lẫn nhau.
và bà Blédurt mở cửa sổ, bà réo ông Blédurt và ông Blédurt toàn thân cứ đỏ rừ lên, rồi ông nói với bố rằng cần phải nói nhỏ mồm thôi bởi vì bà Blédurt đang có các bà bạn đến uống trà.
"Thôi được rồi, chơi lại từ đầu," ông Blédurt nói, và cầm búa lên. "Không có chuyện đó! bố nói, chỗ của tôi ngon rồi, tôi không chơi lại đâu." Đến đó, thì cực kì buồn cười, bởi vì các đối thủ lại có quyền đổi bóng giữa trận. Ông Blédurt đánh một cú rất mạnh và quả bóng đỏ của bố và ông nói: "Vậy nhé! bây giờ thì chỗ của anh cũng tồi đấy thôi!" Quả bóng đập vào tường nhà, bốp! và rồi bà Blédurt lại mở cửa sổ một lần nữa, không hề hài lòng tẹo nào. Bà bị bắn nước chè đầy ra váy, và bà hét lên rằng bức tranh trong phòng khách đã bị long ra rồi. Nhưng bố và ông Blédurt vẫn không ngừng chơi, bọn họ chơi đã bị say quá rồi. Cú đánh của ông Blédurt chắc phải cừ lắm, bởi vì bố có vẻ rất tức. "Anh giở trò ma lanh ra hử? bố nói, được lắm! bây giờ thì xem ai thắng nhé" và bố đánh một cú búa vào chân ông Blédurt khiến ông cứ "Ái dà, ái dà!" và ông cứ muốn vung búa lên đầu bố.
Có nhiều thứ mà tôi không hiểu trong trò chơi bóng chày, chẳng hạn như là không biết bóng và vòng uốn để làm gì. Nhưng không sao cả, cũng chẳng cần thiểt. Tôi sẽ cố gằng kiếm mấy cái búa, và ngày mai ở trường, tôi sẽ dạy bọn bạn chơi trò bóng chày.
Như thế giờ ra chơi mới vui.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Một kỷ niệm mà ta sẽ nâng niu - 09.08.2010 17:46:38
Một kỷ niệm mà ta sẽ nâng niu 

Sáng nay, tất cả chúng tôi khi đến trường đều rất khoái, bởi vì chúng tôi sẽ chụp chung cả lớp một bức ảnh mà với chúng tôi sẽ là một kỷ niệm rồi đây chúng tôi sẽ nâng niu suốt cả cuộc đời, như lời cô giáo đã nói với chúng tôi. Cô cũng nói chúng tôi khi đến lớp phải sạch sẽ và đầu tóc phải gọn gàng.
Với cái đầu bôi đầy sáp bóng tóc, tôi bước vào sân trường. Tất cả các bạn đã có mặt ở đó và cô giáo đang trách mắng thằng Geophphroy đến mà lại mặc trang phục người sao Hoả. Thằng Geophphroy có một ông bố rất giàu luôn mua cho no tất cả mọi thứ đồ chơi mà nó thích. Geophphroy nói với cô giáo rằng nó nhất định chỉ muốn chụp ảnh trong trang phục người sao Hoả và rằng nếu không thì nó sẽ bỏ đi.
Bác thợ ảnh cũng có ở đó cùng với máy ảnh của bác ấy, và cô giáo nói bác ấy phải nhanh nhanh lên, nếu không thì chúng tôi sẽ lỡ mất tiết số học. Agnan, cái thằng luôn đứng đầu lớp và là cục cưng của cô giáo, nói rằng nếu không học số học thì thật là tiếc, bởi nó rất thích số học và rằng nó đã giải hết tất cả bài tập. Eudes, một đưa rất khoẻ, muốn đấm cho thằng Agnan một quả vào mũi, nhưng Agnan lại đeo kính cho nên không phải bất kỳ lúc nào muốn đấm nó cũng được. Cô giáo bắt đầu hét lên rằng chúng tôi khkó chịu quá thể và rằng nếu chúng tôi cứ thế này thì sẽ không có ảnh iếc gì hết và cả lớp sẽ vào học luôn. Thế là bác thợ ảnh bèn nói: "Thôi nào, thôi nào, thôi nào, bình tĩnh, bình tĩnh. Tôi biết cách phải nói chuyện với bọn trẻ thế nào, tất cả đâu sẽ vào đấy ngay thôi."
Bác thợ ảnh quyết định là chúng tôi sẽ phải xếp thành 3 hàng: hàng đầu tiên sẽ ngồi sát đất, hàng thứ hai sẽ đứng xung quanh cô giáo còn cô thì ngồi trên một cái ghế, và hàng thứ ba thì đứng trên những cái hòm. Bác thợ ảnh đúng là có những sáng kiến rất hay.
Những cái hòm thì chúng tôi phải đi kiếm trong nhà kho của trường. Chúng tôi chơi thích cực, bởi vì trong nhà kho thì chẳng sáng mấy và thằng Ruphú thì đã trùm một cái túi cũ lên đầu và nó hú lên: "Hú! Tao là con ma đây." Thế rồi, chúng tôi thấy cô giáo tới. Cô có vẻ không hài lòng, vậy nên chúng tôi nhanh chóng khuân hòm đi. Đứa duy nhất vẫn ở lại, là thằng Ruphus. Túi trùm kín đầu, nó không biết chuyện gì xảy ra và nó tiếp tục hú lên: "Hú! Tao là con ma đây," và chính cô giáo đã lột cái túi trên đầu nó ra. Thằng Ruphus ngạc nhiên kinh lắm.
Trở lại sân trường, cô giáo buông tai thằng Ruphus và cô vỗ tay đánh bộp vào trán. "Nhưng mà các em đen sì hết thế này," cô nói. Đúng thế thật, trong khi làm trò ở trong nhà kho, chúng tôi đều hơi bẩn một tí. Cô giáo không hài lòng, nhưng bác thợ ảnh nói với cô rằng không sao đâu, chúng tôi vẫn còn thời gian để rửa ráy trong khi bác ấy xếp hòm và kê ghế để chụp ảnh. Trừ Agnan, thằng duy nhất có cái mặt sạch, với cả thằng Geophphroy, bởi vì đầu nó vẫn ở trong cái mũ sao Hoả, trông giống hệt một cái liễn. "Cô thấy chưa, thằng Geophphroy nói với cô giáo, nếu tất cả chúng nó đều mặc giống như em thì đã làm gì có chuyện." Tôi thấy rõ là cô giáo muốn kéo tai thằng Geophphroy lắm, nhưng mà cái liễn chẳng có chỗ nào để cầm. Đúng là một thủ đoạn rất khá, cái bộ trang phục sao Hoả này!
Chúng tôi trở lại sau khi đã rửa ráy và chải chuốt. Cả bọn có hơi bị ướt một tí, nhưng bác thợ ảnh nói chả làm sao cả, trong ảnh thì chẳng ai nhận ra điều đó.
"Được rồi, bác thợ ảnh nói với chúng tôi, các cháu có muốn làm cho cô giáo vui lòng không nào?" Chúng tôi trả lời rằng có, bởi vì chúng tôi rất yêu cô giáo, khi mà chúng tôi không khiến cô nổi giận thì cô hiền kinh lắm. "Vậy thì, bác thợ ảnh nói, các cháu hãy ngoan ngoãn đến chỗ của mình để chụp ảnh. Các cháu lớn đứng lên trên hòm, các cháu trung bình đứng không, các cháu nhỏ ngồi xuống." Chúng tôi đi vào chỗ và bác thợ ảnh giảng giải với cô giáo rằng đối với lũ trẻ ta có thể có đựơc tất cả mọi thứ miễn là ta kiên nhẫn, nhưng cô giáo không thể nghe bác ấy được đến cùng. Cô phải đến tách chúng tôi ra, bởi vì tất cả chúng tôi đều muốn đứng lên trên hòm.
"Chỉ có một mình tao là lớn ở đây thôi!" Thằng Eudes hét lên và nó đẩy tất cả những đứa muốn trèo lên hòm. Vì thằng Geophphroy cứ ngoan cố, Eudes đã đấm cho nó một quả vào cái liễn và nó có vẻ bị đau ghê. Cả lũ phải xúm lại để lôi cái liễn bị kẹt của thằng Geophphroy ra.
Cô giáo nói rằng cô cảnh báo lần này là lần cuối cùng, sau đấy thì cứ việc học số học, vì vậy chúng tôi tự nhủ phải giữ trật tự và chúng tôi bắt đầu đi vào chỗ. Thằng Geophphroy tiến lại gần bác thợ ảnh: "Máy ảnh của bác là cái gì vậy?" nó hỏi. Bác thợ ảnh cười và nói: "Đó là một cái hộp từ đó sắp sửa bay ra một con chim nhỏ, anh bạn ạ. - Máy của bác cũ rồi, thằng Geophphroy nói, bố cháu đã cho cháu một cái có cả chắn-mặt-trời, ống kính ngắm gần, ống kính ngắm xa, và dĩ nhiên cả các kính lọc..." Bác thợ ảnh có vẻ ngạc nhiên, bác ta ngừng cười và bác ta bảo Geophphroy quay trở về chỗ. "Ít ra thì bác cũng phải có một cái đo sáng điện tử chứ?" Geophphroy hỏi. "Đây là lần cuối cùng đấy, quay về chỗ của cháu đi!" bác thợ ảnh hét lên, bác ta, đột nhiên, lại có vẻ rất kích động.
Tất cả đâu đã vào đấy. Tôi thì ngồi sát đất, cạnh thằng Alceste. Alceste là bạn tôi, nó rất béo và ăn luôn mồm. Nó đang cắn một miếng bánh mì phết mứt và bác thợ ảnh bảo nó đừng ăn nữa, nhưng thằng Alceste trả lời rằng nó cần phải bồi bổ cho nó chứ. "Bỏ cái miếng bánh ấy ngay!" cô giáo ngồi ngay đằng sau Alceste hét lên.
Điều đó khiến thằng Alceste ngạc nhiên đến nỗi nó đánh rơi miếng bánh phết vào áo sơ mi của nó. "Thôi đứt rồi," Alceste vừa nói vừa cố lau vết mứt bằng miếng bánh của nó. Cô giáo bảo vẫn còn một việc phải làm. đấy là phải để thằng Alceste xuống hàng cuối cùng để không ai thấy vết bẩn trên áo sơ mi của nó nữa. "Eudes, cô giáo nói, em hãy nhường chỗ cho bạn của em nào. - Nó không phải là bạn của em, Eudes nói, nó sẽ không được chỗ của em đâu, và nó chỉ việc quay lưng lại chụp là xong, như vậy cũng không ai nhìn thấy vết bẩn và cái mặt phèn phẹt của nó." Cô giáo rất tức giận và cô đã phạt thằng Eudes phải chia động từ: "Tôi không được từ chối việc nhường chỗ cho một người bạn đã làm dây bánh phết mứt lên áo sơ mi." Eudes không nói gì, nó bước từ trên hòm xuống và nó đi lên hàng đầu, trong khi thằng Alceste thì đi xuống hàng cuối. Việc này cũng hơi lộn xộn một tí, nhất là khi Eudes đi ngang qua Alceste và đấm cho nó một quả vào mũi. Alceste muốn đá cho Eudes một cú, nhưng Eudes né được, cái thằng này nó nhanh lắm, và thằng Agnan phải nhận cú đá đó, may thay, đúng vào chỗ không có kính. Nhưng cái đó thì chẳng ngăn thằng Agnan bắt đầu khóc lóc và rú lên rằng nó không nhìn được nữa, rằng chẳng ai yêu nó sất, và nó muốn chết đi. Cô giáo vỗ về nó, hỉ mũi cho nó, chải lại đầu cho nó và phạt Alceste, thằng này phải viết 100 lần: "Tôi không được đánh một người bạn chẳng hể gây lộn với tôi và còn phải đeo kính." "Thế mới phải chứ," thằng Agnan nói. Vậy là, cô giáo cũng lại bắt nó phải chép phạt luôn. Agnan ngạc nhiên đến nỗi thậm chí nó không cả khóc. Cô giáo thật kỳ lạ bắt đầu phạt một loạt, và cả lũ có hàng đống dòng để mà chép, rồi cuối cùng, cô giáo nói với chúng tôi: "Bây giờ, các em nhất định phải giữ trật tự. Nếu các em ngoan, cô sẽ xoá tất cả các án phạt đi. Vì thế, các em hãy tạo dáng nào, bác đây sẽ chụp cho chúng ta một bức ảnh đẹp!" Vì chúng tôi không muốn làm cô giáo buồn lòng, chúng tôi vâng lời. Chúng tôi tất cả đều cười và đều tạo dáng.
Nhưng cái kỷ niệm mà chúng tôi sẽ nâng niu suốt cả cuộc đời, thì xong béng rồi, bởi vì chúng tôi nhận ra bác thợ ảnh đã không còn ở đó nữa. Bác ta đã đi mất, chẳng nói một lời.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Các chàng cao bồi - 09.08.2010 17:48:03
Các chàng cao bồi 

Chiều nay tôi mời bọn bạn đến nhà chơi trò cao bồi. Bọn chúng đến cùng với tất cả những đồ lề của mình. Thằng Ruphus mang một bộ sưu tập vũ khí của cảnh sát mà bố nó đã cho nó với mũ kê pi, còng tay, súng lục, gậy ba toong màu trắng, và một cái còi thổi nẩy hột; thằng Eudes mang một cái mũ hướng đạo sinh cũ của ông nó và một cái bao đựng những khẩu súng lục kinh khủng cso báng xương, đúng như kiểu xương của cái hộp đựng phấn mà bỗ đã mua cho mẹ sau khi bố mẹ cãi nhau vì món thịt quay bị chín quá nhưng mẹ lại nói là tại bố vì bố đã về muộn. Alceste thì đã thành tên Da đỏ, nó có một cái rìu gỗ và những cái lông vũ ở trên đầu, trông nó giống như một con gà to đùng; Geophphroy, cái thằng rất mê cải trang và có một ông bố rất giàu vẫn cho nó tất cả những thứ nó muốn, thì ăn mặc hoàn toàn là cao bồi, với một cái quần dài bằng da cừu, một gi lê da, một sơ mi kẻ ca rô, một cái mũ rộng vành, những khẩu súng lục có hạt nổ, những cái đinh thúc ngựa có mũi kinh khủng. Còn tôi, tôi có một cái mặt nạ đen mà tôi được tặng vào dịp lễ Thứ Ba-Béo, một khẩu súng bắn tên và một cái khăn mùi soa đỏ quấn quanh cổ vốn là cái khăn quàng cũ của mẹ. Cả lũ đều hết sảy!
Chúng tôi đang ở ngoài vườn và mẹ nói với chúng tôi rằng khi đến bữa quà chiều thì mẹ sẽ gọi. "Được, tôi nói, bây giờ thế này, tao là một chàng trai trẻ và tao có một con ngựa trắng còn chúng mày, chúng mày là bọn cướp, nhưng cuối cùng thì tao thắng." Những đứa khác không đồng ý, và đây là chuyện rất khó chịu, khi mà chơi một mình, thì chẳng thích tí nào, thế nhưng khi không chơi một mình, thì bọn khác lại gây ra hàng đống thứ cãi vã. "Tại sao tao lại không phải là chàng trai trẻ chứ, thằng Eudes nói, hơn nữa, tại sao tao cũng lại không có một con ngựa trắng? - Với cái đầu như của mày, thì mày không thể là chàng trai trẻ được," thằng Alceste nói. "Mày, thằng Da đỏ, im mồm đi không tao đá cho mày một phát vào phao câu bây giờ!" Eudes nói, nó là thằng rất khỏe và rất thích đấm vào mũi bạn bè nên một cú đá vào phao câu thật khiến tôi ngạc nhiên, mặc dù đúng là thằng Alceste trông giống một con gà to đùng. "Kiểu gì đi nữa, thằng Ruphus nói, thì tao cũng sẽ là cảnh sát trưởng. - Cảnh sát trưởng? thằng Geophphroy nói. Mày đã thấy ở đâu có cảnh sát trưởng đội mũ kê pi chưa, mày làm tao phì cười!" A, cái này thì thằng Ruphus thấy phật ý, bố của nó là một cảnh sát. "Bố tao, nó nói, ông ấy luôn đội một cái mũ kê pi và ông ấy không làm ai phì cười cả! - Ông ấy sẽ làm tất cả mọi người phì cười nếu ông ta ăn mặc như vậy ở Texas", thằng Geophphroy nói và Ruphus cho nó một cái tát, thế là, Geophphroy rút từ trong bao ra một khẩu súng lục và nó nói: "Mày sẽ hối tiếc về điều này, Joe à!" và Ruphus lại cho nó một cái tát nữa và Geophphroy ngã xuống đất trong khi bắn pằng! với khẩu súng của nó; vậy là thằng Ruphus áp hai tay vào bụng của nó, và nó làm đủ mọi loại điệu bộ và nó vừa ngã xuống vừa nói: "Mày đã hạ được tao, đồ bất lương, nhưng tao sẽ trả thù!"
Còn tôi thì phi nước đại ở trong vườn vừa phi vừa phát đồm độp vào quần đùi để phi nhanh hơn và thằng Eudes đã tiến lại gần. "Xuống ngựa ngay, nó nói. Con ngựa trắng là của tao", và thằng Eudes đã đấm một phát vào mũi tôi. Ruphus đã rúc tướng lên một hồi còi nẩy hột. "Mày là thằng ăn cắp ngựa, nó nói với thằng Eudes, và ở Kansas City, bọn ăn cắp ngựa bị treo cổ hết!" Thế là Alceste chạy đến và nó nói: "Đợi tí, Cảnh sát trưởng, mày không thể treo cổ nó, mà là tao! Ai bảo mày thế, đồ gà qué?" thằng Ruphus hỏi. Alceste, mặc dù không thích ẩu đả lắm, đã lấy cái rìu gỗ và cầm cán, bốp! nó đã đập một cú vào đầu Ruphus, cái thằng hoàn toàn bị bất ngờ. Cũng may trên đầu Ruphus còn có cái mũ kê pi. "Mũ kê pi của tao! Mày làm hỏng mũ kê pi của tao!" thằng Ruphus hét lên và đuổi theo Alceste, trong khi đó tôi lại phi nước đại quanh vườn một lần nữa.
Ê, bọn mày, thằng Eudes nói, dừng lại! Tao có một ý. Bọn mình sẽ là những người tốt, còn thằng Alceste là bộ tộc Da đỏ và nó cố gắng bắt tù binh, nhưng bọn mình sẽ đến và giải cứu tù binh và rồi Alceste chịu thua!" Tất cả chúng tôi đều ủng hộ cái ý kiến thật sự rất hay này, nhưng Alceste lại không đồng ý. "Tại sao tao phải làm Da đỏ?" Thằng Alceste nói. "Bởi vì mày có lông vũ trên đầu, thằng đần! Geophphroy nói, hơn nữa nếu mày không thích làm, thì mày đừng chơi nữa, thật sự đấy, mày làm bọn tao bực cả mình! - Được rồi, đã như thế, tao không chơi nữa", Alceste nói và nó ra một góc để dỗi và ăn một cái bánh mì nhỏ quết sô cô la mà nó để ở trong túi. "Cần phải để cho nó chơi, Eudes nói, nó là thằng Da đỏ duy nhất của bọn mình, mặt khác, nếu nó mà không chơi, tao sẽ vặt lông nó!" Alceste nói được, nó chơi cũng được, nhưng với điều kiện dứt khoát là một Da đỏ tốt. "Đồng ý, đồng ý, Geophphroy nói, mày có thể là ngược lại cũng chẳng sao! - Thế còn tù binh, sẽ là ai đây? tôi hỏi. - À, sẽ là Geophphroy, thằng Eudes nói, bọn mình sẽ trói nó vào cây bằng dây vải. - Đâu dễ thế được? thằng Geophphroy hỏi, tại sao lại là tao? Tao không thể nào là tù binh được, tao ăn mặc chỉnh tề nhất cả bọn! - Thì sao nào? Eudes trả lời, thế tao vẫn có một con ngựa trắng đấy mà tao có từ chối chơi đâu nào! - Con ngựa trắng là của tao!" tôi nói. Thằng Eudes rất tức, nó nói con ngựa trắng là của nó và rằng nếu tôi không vừa ý thì nó sẽ cho tôi một quả nữa vào mũi. "Cứ thử xem!" tôi nói và nó đã đấm liền. "Chớ động đậy, Oklahoma Kid!" Geophphroy kêu lên và nó vẩy súng lia lịa khắp nơi; Ruphus thì rúc còi nảy hột và nói: "Nào, tao là cảnh sát trưởng đây, nào, tao bắt tất cả chúng mày!" và Alceste vừa đập cho nó một cú bằng rìu lên mũ kê pi vừa nói nó bắt thằng này làm tù binh và Ruphus rất tức bởi cái còi nảy hột của nó đã bị rơi lẫn vào trong cỏ, còn tôi thì khóc và tôi nói với thằng Eudes rằng đây là nhà tao và tao không muốn nhìn thấy mặt mày nữa; cả bọn hét toáng lên, đúng là hết sảy, cả bọn chơi vui quá, thật kinh khủng.
Thế rồi, bố từ trong nhà đi ra. Vẻ không hài lòng. "Thế nào các cháu, tại sao lại làm inh ỏi lên thế này, các cháu không biết chơi đùa thế nào cho tử tế hay sao? - Chú ơi, tại thằng Geophphroy đấy ạ, tại nó không muốn làm tù binh!" thằng Eudes nói. "Mày muốn tao vả vào mặt mày không hử?" Geophphroy nói và bọn chúng bắt đâu ẩu đả, nhưng bố đã tách chúng ra. "Thôi nào các cháu, chú sẽ chỉ có các cháu cách chơi như thế nào. Chú sẽ làm tù binh cho!" Chúng tôi khoái chí kinh lên được! Bố tôi hay thế chứ! Chúng tôi trói bố và gốc cây bằng dây vải và chúng tôi vừa mới trói xong thì đã thấy ông Blédurt nhảy qua hàng rào khu vườn.
Ông Blédurt là hàng xóm của chúng tôi, rất thích chọc tức bố. "Tôi cũng muốn chơi, tôi sẽ là Da-Đỏ-Bò-Mộng-Đứng-Đực! - Biến đi Blédurt! có ai triệu anh đến đâu!" Ông Blédurt thật là tuyệt, ông ấy đứng trước bố, hai tay khoanh lại và ông ấy nói: "Sao cái mặt thì tái cái lưỡi thì dại đi kìa!" Bố cố gắng kinh khủng để thoát ra khỏỉ cái cây và ông Blédurt vừa bắt đầu nhảy xung quanh cái cây vừa hú hét. Chúng tôi rất muốn đứng lại để xem bố và ông Blédurt đùa cợt và làm trò nhưng mà không thể được vì mẹ đã gọi vào ăn quà chiều và sau đó cả bọn lên phòng tôi để chơi tàu điện. Điều tôi không ngờ là bố lại thích trò cao bồi đến thế. Khi chúng tôi đi xuống, trời đã tối rồi, ông Blédurt đã đi đâu mất, nhưng bố vẫn dính vào cái cây mà kêu gào và làm đủ thứ điệu bộ.
Biết cách chơi một mình mà vẫn vui như thế đúng là hết sảy!

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Louisette - 09.08.2010 17:49:11
Louisette

Tôi không vui tí nào khi mẹ nói với tôi rằng một cô bạn của mẹ sẽ đến uống trà cùng với đứa con gái của cô ta. Tôi ấy à, tôi không thích hội con gái. Thật ngu ngốc, hội ấy chẳng biết chơi gì khác ngoài búp bê với lại đồ hàng và khóc lóc thì suốt ngày. Dĩ nhiên là tôi thỉnh thoảng cũng vẫn khóc, nhưng đấy chỉ là những trường hợp nghiêm trọng, như là lần cái bình ở phòng khách bị vỡ và bố đã quát tôi và thế thì thật sự là không công bằng bởi vì tôi đã không hề cố ý với cả cái bình đó rất xấu và tôi cũng biết rõ rằng bố không thích tôi chơi bóng ở trong nhà, nhưng mà lúc đó ngoài trời đang mưa.
"Con sẽ phải chơi lịch sự với Louisette nhé, mẹ nói với tôi, đó là một cô bé duyên dáng và mẹ muốn con chứng tỏ mình là con nhà có giáo dục."
Khi mẹ muốn chứng tỏ rằng tôi là con nhà có giáo dục, mẹ mặc cho tôi bộ quần áo màu xanh với sơ mi màu trẳng và tôi trông giống như một con rối. Tôi nói với mẹ rằng tôi muốn đi cùng với bọn bạn đến rạp chiếu bóng xem phim cao bồi hơn, nhưng mẹ đã lừ mắt lên với tôi như thể mẹ không muốn đùa cợt tẹo nào.
"Và mẹ yêu cầu con không được thô bạo với cô bé đó, nếu không, con cứ liệu hồn đấy, mẹ nói, hiểu chưa?" Lúc bốn giờ, cô bạn của mẹ đã đến cùng với đứa con gái. Cô bạn của mẹ ôm hôn tôi, cô ta nói, mà ai cũng nói thế, rằng tôi là một cậu chàng lớn tướng, cô ta cũng nói với tôi: "À đây là Louisette." Louisette (L) và tôi cùng nhìn nhau. Con bé có mái tóc vàng, tết thành bím, hai mắt xanh một cái mũi và một cái váy đỏ. Chúng tôi chìa tay ra ngoặc ngón, rất nhanh. Mẹ bèn pha trà, như thế rất hay, bởi vì, khi có khách uống trà, là sẽ có bánh ga tô sô cô la và ta có thể được lấy đến hai lần. Trong bữa quà chiều, L và tôi không nói năng gì. Chúng tôi ăn và không hề nhìn nhau. Khi đã ăn uống xong, mẹ nói: "Bây giờ, hai đứa đi chơi đi. Nicolas, hãy đưa L lên phòng con và cho bạn ấy xem đồ chơi của con." Mẹ nói như vậy và nở một nụ cười rất to, nhưng cùng lúc mẹ đã đưa mắt cho tôi, mắt mẹ như thế thì tốt nhất là chớ dại mà đùa cợt. L và tôi cùng lên phòng tôi, và lên đến đó, tôi chẳng biết nói gì với nó cả. Chính L lại lên tiếng, nó nói: "Mày trông giống như một con khỉ." Điều đó khiến tôi thấy tức mình, thế là tôi nói: "Còn mày, mày chỉ là một đứa con gái!" và nó đã tát tôi một cái. Tôi thật sự muốn khóc lắm, nhưng tôi đã kìm lại, bởi vì mẹ muốn rằng tôi là con nhà có học, vì thế tôi đã kéo một trong số những lọn tóc của L và nó đã đá cho tôi một phát vào mắt cá chân.
Lúc ấy thì dù sao cũng phải kêu lên "ái ui, ái ui" bởi vì đúng là đau thật. Tôi sắp sửa tát cho nó một cái thì L lại lái sang chuyện khác, nó nói với tôi: "Thế đồ chơi của mày đâu, chỉ cho tao xem?" Tôi định nói với nó rằng đấy toàn là đồ chơi của con trai, thì nó nhìn thấy con gấu nhung lông của tôi, cái con gấu mà tôi mới chỉ cạo được một nửa bộ lông bởi vì dao cạo của bố chịu không nổi. "Mày chơi búp bê đấy à?" con bé L hỏi tôi, và nó cười phá lên. Tôi sắp sửa kéo tóc nó còn L đã giơ tay nó lên để vả vào mặt tôi thì cánh cửa mở ra và hai bà mẹ cùng bước vào. "Thế nào, hai đứa, mẹ tôi nói, hai đứa chơi vui chứ? - Vâng, vui ạ!" L trả lời với hai con mắt mở rõ to và rồi nó chớp chớp mi mắt rất nhanh và mẹ tôi vừa ôm lấy nó vừa nói: "Kháu quá, con bé kháu quá! Ôi sao mà yêu ơi là yêu!" và L còn hành hạ mi mắt của nó ghê hơn nữa. "Hãy cho L xem những cuốn sách tranh đẹp của con đi," mẹ nói với tôi, và bà mẹ kia thì nói rằng cả hai đứa chúng tôi đúng là yêu ơi là yêu và họ cùng đi ra.
Còn tôi, tôi lôi đống sách trong tủ hốc tường ra và tôi đưa cho L, nhưng nó không xem và nó quẳng chúng xuống đất, kể cả cuốn có hàng đống bọn Da đỏ và hay kinh khủng: "Sách của mày tao không quan tâm, con bé L nói với tôi, mày có cái gì thú hơn không?" và rồi nó nhìn vào tủ hốc tường và nó thấy cái máy bay của tôi, cái ấy hay cực, nó có một cái dây chun, nó màu đỏ và nó bay được hẳn hoi. "Để nguyên đấy, tôi nói, đấy không phải cho con gái, đấy là máy bay của tao!" và tôi cố giằng lại cái máy bay, nhưng L đã tránh ra xa. "Tao là khách mời, nó nói, tao có quyền chơi tất cả đồ chơi của mày, nếu mày không đồng ý, tao sẽ gọi mẹ tao và xem đứa nào có lý nào!" Tôi chẳng biết làm thế nào cả, tôi không muốn nó làm vỡ cái máy bay của tôi, nhưng tôi cũng không muốn nó gọi mẹ nó, bởi vì như thế chắc sẽ lại sinh chuyện. Trong khi tôi đứng đó suy nghĩ, L đã quay cánh quạt để lên dây chun và rồi nó thả cái máy bay ra. Nó thả máy bay ra ngoài cửa sổ phòng tôi vốn đang mở và cái máy bay phóng đi mất. "Mày làm gì thế, tôi kêu lê. Mày làm mất máy bay của tao rồi!" và tôi bắt đầu khóc. "Máy bay của mày mất làm sao được, đồ ngốc, L nói, nhìn xem, nó đã rơi xuống vườn rôi, bây giờ mình chỉ cần đi tìm thôi."
Chúng tôi đi xuống phòng khách và tôi hỏi mẹ xem chúng tôi có thể ra ngoài vườn chơi không và mẹ nói rằng ngoài trời quá lạnh, nhưng L đã chớp mi mắt và nó nói rằng nó muốn ngắm hoa đẹp. Thế là mẹ tôi nói rằng nó là một cục cưng kháu khỉnh và mẹ nói chúng tôi phải mặc ấm vào khi ra ngoài. Tôi cần phải học mới được, cái món chớp mi này, có vẻ hiệu nghiệm kinh khủng!
Trong vườn, tôi đã nhặt lại được chiếc máy bay, may thay, không bị làm sao hết, và L nói với tôi: "Thế mình làm gì đây? - Tao không biết, tôi nói với nó, mày nói muốn ngắm hoa, thì cứ ngắm đi, ở đằng kia có hàng đống." Nhưng L nói với tôi rằng nó thèm vào lũ hoa của tôi và rằng trông chúng thật là thảm hại. Tôi rất muốn đập cho nó một phát vào mũi, nhưng mà tôi không dám, bởi vì cái cửa sổ phòng khách mở ra vườn, và trong phòng khách thì lại có hai bà mẹ. "Tao không có đồ chơi gì ở đây cả, trừ một quả bóng ở trong ga ra." L nói với tôi rằng ý đó rất hay. Chúng tôi đi lấy bóng và tôi thấy ngại thật sự, tôi sợ rằng lũ bạn tôi nhìn thấy tôi chơi bóng với một đứa con gái. "Mày cứ đứng ở giữa hai cái cây đi, L nói với tôi, rồi mày cố mà bắt bóng."
Ô, con bé L này nó làm tôi phát phì cười, thế rồi, nó đã lấy đà và, bùm! một cú sút khủng khiếp! Quả bóng ấy, tôi không thể đỡ đựơc, và nó đã làm vỡ tan kính cửa sổ của ga ra.
Hai bà mẹ vội chạy ra khỏi nhà. Mẹ tôi nhìn cái cửa sổ ga ra và mẹ hiểu ngay lập tức. "Nicolas! mẹ nói với tôi, thay vì chơi những trò bạo lực, tốt hơn hết là con hãy quan tâm đến khách mời của con, nhất là với những người bạn lịch sự như là L!" Còn tôi, tôi liếc nhìn L, nó đã ở tít đằng kia, trong vườn, và đang ngắm hoa thu hải đường.
Buổi tối, tôi bị cấm không được ăn món tráng miệng, nhưng chuyện đó cũng không sao hết, L, cái con bé ấy kinh thật, đến khi nào chúng tôi lớn, chúng tôi sẽ lấy nhau.
Nó có cú sút đúng là kinh khủng!

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Thầy Nước lèo - 09.08.2010 17:50:31
Thầy Nước lèo

Hôm nay cô giáo vắng mặt ở trường. Chúng tôi đang xếp hàng ở sân để vào lớp thì thầy giáo giám thị nói với chúng tôi: "Cô giáo các em hôm nay bị ốm."
Thế rồi, ông Dubon, tức thầy giám thì, dẫn chúng tôi vào lớp. Khi thầy giám thị không có mặt ở đó, dĩ nhiên là chúng tôi lại gọi thầy là Nước Lèo. Cả bọn gọi thầy như vậy, bởi vì thầy này lúc nào cũng nói: "Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây", thế mà trong nước lèo thì có đầy những mắt là mắt. Tôi đầu tiên cũng không hiểu ra ngay đâu, chính là mấy đứa lớp lớn giải thích cho tôi như vậy. Thầy Nước Lèo có bộ ria mép to và dầy lúc nào cũng phạt, với thầy ấy, thì đừng có dại gì mà đùa cợt. Chính vì thế mà chúng tôi thấy bực mình là thầy ấy lại đến trông lớp, nhưng may thay, khi vào đến lớp, thầy nói với chúng tôi: "Tôi không thể ở lại với các em được, tôi phải làm việc với thầy Hiệu trưởng, vì thế, hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây và hứa với tôi là phải ngoan." Hàng đống mắt của chúng tôi nhìn vào hai mắt của thầy và chúng tôi hứa. Đằng nào cũng vậy, ngoan thì chúng tôi lúc nào mà chả ngoan.
Nhưng thầy thì có vẻ rất nghi ngờ, thầy Nước Lèo ấy, thế là thầy hỏi ai là học sinh giỏi nhất lớp này. "Là em thưa thầy,!" thằng Agnan nói, tự hào ra mặt. Đúng thế thật, Agnan là thằng đứng đầu lớp, và cũng là cục cưng của cô giáo và chúng tôi không thích nó lắm, nhưng mà cả bọn không phải lúc nào muốn đá nó cũng được, bởi vì cái kính của nó. "Được rồi, thầy Nước Lèo nói, em sẽ lên ngồi ở chỗ của cô giáo và em sẽ trông chừng tất cả các bạn em. Thầy thỉnh thoảng sẽ đến xem mọi thứ thế nào. Các em hãy ôn bài đi." Agnan, mãn nguyện hết sức, đi lên chỗ ngồi cảu cô giáo và thầy Nước Lèo đi ra.
"Được rồi, thằng Agnan (A) nói, chúng ta sẽ có giờ số học, cả lớp hãy giở vở ra, chúng ta sẽ làm một bài toán. - Mày có điên không đấy?" thằng Clotaire (C) hỏi. "Cậu C, hãy im đi!" A hét lên, nó có vẻ như đang tự coi nó là cô giáo. "Mày thử đến đây nói lại xem nào, nếu mày còn là đàn ông!" C nói và cánh cửa lớp bỗng mở toang ra và chúng tôi thấy thầy Nước Lèo bước vào, vẻ rất hài lòng. "Á à! thầy ấy nói. Tôi đã ở đằng sau cửa lớp để nghe. Cậu, cậu kia kìa, hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây!" C nhìn, nhưng chắc nó nhìn thấy thứ mà nó không thích thú gì. "Cậu sẽ chia cho tôi động từ: tôi không được thô lỗ với người ban đang có nhiệm vụ trông chừng tôi và muốn tôi làm bài tập số học." Sau khi nói thế, thầy Nước Lèo đi ra, nhưng thầy cam đoan với chúng tôi là sẽ quay lại.
Thằng Joachim (J) tự đề xuất sẽ rình thầy giám thị ở ngay cửa, tất cả chúng tôi đều nhất trí, trừ thằng A thì hết lên: "J, về chỗ của cậu ngay!" J thè lưỡi ra với thằng A, rồi nó ngồi trước cánh cửa và bắt đầu nhòm qua lỗ khoá. "Có ai không hả, J?" thằng C hỏi. J trả lời rằng nó không nhìn thấy gì cả. Vậy là C đứng lên và nó nói nó sẽ lên bắt thằng A phải ăn quyển sách số học của nó, thật là một ý tưởng kỳ lạ, nhưng thằng A thì chẳng thích tẹo nào liền hét lên: "Không! Tao còn có kính đây!" - Mày sẽ ăn cả kính nữa!" C nói, cái thằng đã kiên quyết cứ muốn A phải ăn một cái gì đó. Nhưng Geophphroy (G) đã nói rằng không nên mất thời gian vào những chuyện ngu ngốc nữa, tốt nhất là chúng ta chơi bóng đi. "Thế còn bài tập thì sao đây?" A chất vấn, nó có vẻ không hài lòng, nhưng chúng tôi thì chẳng thèm để ý và chúng tôi bắt đầu chuyền qua chuyền lại và đúng là chơi ở giữa các ghế băng thì thích cực. Khi nào tôi lớn, tôi sẽ mua hẳn một lớp học, chỉ để chơi thôi cho mà xem. Thế rồi, chúng tôi nghe thấy một tiếng kêu và chúng tôi thấy J ngã ngồi dưới đất hai tay ôm lấy mũi. Đó là do thầy Nước Lèo vừa mở cánh cửa và J đã không nhìn thấy thầy ấy đến. "Em làm sao vậy?" thầy Nước Lèo (NL) hết sức ngạc nhiên hỏi, nhưng J không trả lời, nó chỉ nói ái ui, ái ui, và chỉ có thế mà thôi, vậy là thầy NL bế nó lên trên tay và đưa nó ra ngoài. Chúng tôi nhặt quả bóng lại và chúng tôi quay về chỗ của mình.
Khi thầy NL quay lại cùng với J có cái mũi sưng tướng lên, thầy nói với chúng tôi rằng thầy bắt đầu phát chán lên rồi và rằng nếu cứ tiếp tục thế này, ta sẽ nhận được cái ta khắc phải nhận. "Tại sao các em không noi gương bạn A của các em kia? thầy hỏi, em ấy sao lại ngoan thế." Và thầy NL ra đi. Chúng tôi hỏi J xem nó bị làm sao vậy và nó trả lời chúng tôi rằng nó đã bị ngủ gật vì cứ cố nhìn qua lỗ khoá.
"Một người nông dân đi ra chợ, thằng A nói, tron một cái làn, có hai tám quả trứng giá năm trăm phranc một tá... - Chính là tại mày mà tao bị sưng mũi, J nói. - Ờ đúng! thằng C nói, chúng mình sẽ bắt nó ăn quyển sách số học của nó, với cả người nông dân, cả trứng và cả kính nữa!" Thế là thằng A bắt đầu khóc ầm lên. Nó nói với chúng tôi rằng chúng tôi là những kẻ độc ác và rằng nó sẽ đi mách bố mẹ nó và rằng bọn họ sẽ làm chúng tôi bị đuổi học hết và thầy NL mở toang cửa ra. Chúng tôi tất cả lại ngồi vào chỗ của mình và không nói gì hết và thầy NL nhìn thằng A cứ ngồi khóc lóc một mình trên bàn cô giáo. "Thế nào thế nhỉ, thầy NL cất tiếng, bây giờ thì lại đến lượt cậu phá quấy hả? Các cậu làm tôi điên lên mất! Mỗi một lần tôi đến, y rằng lại có một cậu khác giở trò! Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây, không trừ một ai! Nếu tôi trở lại thêm một lần nữa mà tôi thấy có gì bất thường, tôi sẽ nghiêm trị!" và thầy ấy lại đi nữa. Chúng tôi bèn tự boả nhau rằng bây giờ không phải là lúc giở trò được nữa đâu, bởi vì thầy giám thị, một khi đã tức lên, thì thầy ấy sẽ phạt kinh khủng lắm. Chúng tôi không hề động đậy, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng A sụt sịt mũi và tiếng nhai của Alceste, cái thằng lúc nào cũng ăn luông mồm. Thế rồi, chúng tôi nghe thấy một tiếng động nhẹ ở cạnh cửa. Chúng tôi nhìn thấy núm cửa xoay rất nhẹ rồi cánh cửa bắt đầu mở ra từng tí một và kêu cọt kẹt. Cả lũ chúng tôi đều nhìn và thậm chí còn nín thở, ngay cả thằng Alceste cũng ngừng nhai. Và rồi, đột nhiên, có đứa nào đó kêu lên: "Đích thị là NL đấy!" Cánh cửa mở toang và thầy NL bước vào, đỏ lừ cả người. "Ai vừa nói xong?" thầy ấy hỏi. "Chính Nicolas đấy ạ!" thằng A nói. "Không đúng, đồ dối trá bẩn thỉu!" và đúng là điều đó không hề đúng, cái đứa nói như thế, chính là thằng Ruphus (R). "Đúng là mày! Đúng là mày! Đúng là mày!" thằng A kêu lên và nó bắt đầu khóc lóc. "Cậu sẽ bị giữ lại trường!" thầy NL nói với tôi. Thế là tôi bắt đầu khóc ầm lên, tôi nói rằng thế thì thật là không công bằng và rằng tôi sẽ bỏ học và rằng người ta rồi sẽ tha hồ mà hối tiếc. "Không phải nó đâu, thưa thầy, chính là A đã nói NL đấy ạ!" Ruphus kêu lên. "Không phải tao nói NL!" thằng A hét lên. "Mày nói NL, tao nghe thấy mày nói NL, rõ mồn một, NL! - Thôi, đã vậy thì cứ vậy, thầy NL nói, tất cả các em sẽ phải ở lại hết!" "Tại sao lại là em chứ? thằng Alceste chất vấn. Em đâu có nói NL đâu!" "Tôi không muốn nghe cái biệt hiệu dị hợm ấy nữa, tất cả đã rõ chưa?" Thầy NL quát lên, thầy có vẻ đã bị kích động kỳ lạ. "Em không thể bị giữ lại được!" A hét lên và nó vừa lăn đùng ra đất vừa khóc lóc và nó cứ nấc lên và nó đỏ giần hết cả người lên rồi lại xanh nhợt đi. Cả lớp, hết thảy đều kêu gào hoặc khóc lóc và tôi tin rằng thầy NL chắc cũng sắp như vậy rồi, khi mà thầy Hiệu trưởng (HT) bước vào. "Có chuyện gì vậy hả thầy Nước... à thầy Dubon?" thầy HT hỏi. "Tôi không biết nữa, thưa thầy HT, thầy NL đáp, có một em lăn đùng ra đất, một em khác thì chảy máu mũi khi tôi mở cửa, số còn lại thì hú hét, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp thế này! Chưa bao giờ!" và thầy NL đưa hai tay lên vò đầu và ria mép của thầy động đậy tứ phía.
Ngày hôm sau, cô giáo đã trở lại, nhưng thầy NL thì vắng mặt.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Bóng đá - 09.08.2010 17:51:37
Bóng đá

Thằng Alceste đã hẹn chúng tôi, cả một đống bạn bè trong lớp, là chiều hôm nay ra bãi đất hoang, cũng chẳng cách xa nhà lắm. Alceste là bạn tôi, nó to béo, nó rất thích ăn, và nó đã đứng ra hẹn bởi vì bố nó đã cho nó một quả bóng đá mới cứng và chúng tôi sẽ chơi một trận kinh khủng. Cái thằng rất là hay, Alceste ấy.
Chúng tôi có mặt trên bãi đất hoang vào ba giờ chiều, có mười tám thằng cả thảy. Cần phải quyết định chia đội như thế nào đó để số cầu thủ hai bên phải bằng nhau.
Về trọng tài, thì rất dễ. Chúng tôi chọn ngay thằng Agnan (A). A là thằng luôn đứng đầu lớp, chúng tôi không ưa nó lắm, nhưng mà bởi vì nó đeo kính nên không phải cứ muốn là đả nó được, cái thằng như thế, thì làm trọng tài là phù hợp.
Mặt khác, cũng chẳng đội nào muốn nhận thằng A cả, bởi vì nó không khoẻ lắm để chơi thể thao và nó quá là dễ khóc. Còn chuyện mà chúng tôi phải tranh cãi, là lúc thằng A bảo phải đưa cho nó một cái còi. Mà thằng duy nấht có còi là Ruphus (R), vì bố nó là cảnh sát.
"Tao không thể cho mượn cái còi nẩy hột của tao được, thằng R nói, đây là vật kỷ niệm của gia đình." Chẳng thể nào làm gì được sất. Cuối cùng, chúng tôi quyết định là A sẽ báo cho R và R sẽ tuýt còi thay cho A.
Nhưng tình hình bây giờ lại rắc rối hơn, bởi vì nếu A làm trọng tài, thì chúng tôi lại có mười bảy cầu thủ, mà như thế chia ra thì thừa một. Rốt cuộc, chúng tôi đã nghĩ được một cách: sẽ có một trọng tài biên cầm một lá cờ và sẽ phất cờ mỗi khi bóng đi ra khỏi sân. Và thằng Maixent đã được chọn. Chỉ có một trọng tài biên để trông chừng toàn bộ sân thì không phải là nhiều lắm nhưng thằng Maixent (M) nó chạy rất nhanh, nó có cặp giò rất dài và gầy ơi là gầy, với đầu gối to bẩn ơi là bẩn. Nhưng M thì nó không cần biết, nó chỉ muốn đá bóng thôi, hơn nữa nó cũng chẳng có cờ. Nó rốt cuộc cũng chấp nhận làm trọng tài biên nhưng chỉ trong một hiệp thôi. Còn cờ, thì nó sẽ phất cái khăn mùi soa không được sạch lắm của nó, nhưng dĩ nhiên, khi ra khỏi nhà thì làm sao mà nó biết được khăn mùi soa của nó sẽ được dùng làm gì cơ chứ.
"Thế nào, bắt đầu chứ?" Alceste kêu lên.
Sau đó, thì dễ hơn hẳn, chúng tôi chỉ còn chẵn mười sáu cầu thủ.
Cần phải có một đội trưởng cho mỗi đội. Nhưng cả bọn đứa nào cũng muốn làm đội trưởng. Tất cả, chỉ trừ mỗi thằng Alceste thì muốn bắt gôn, bởi vì nó không thích chạy lắm. Chúng tôi đồng ý ngay, thằng Alceste ấy bắt gôn thì hợp; nó rất to và nó che gôn tốt. Nhưng dẫu sao vẫn còn đến mười lăm đội trưởng và rõ ràng như vậy là thừa quá nhiều .
"Tao là khoẻ nhất, Eudes (E) kêu lên, tao phải làm đội trưởng và tao sẽ đấm vào mũi thằng nào không đồng ý! - Đội trưởng phải là tao, tao ăn mặc xịn nhất!" thằng Geophphroy (G) kêu lên, và E đã đấm cho nó một quả vào mũi.
Đúng là thằng G ăn mặc xịn nhất thật, bố nó, một người rất giàu, đã mua cho nó một bộ trang phục cầu thủ bóng đá hoàn chỉnh, với một cái áo sọc đỏ trắng xanh.
"Nếu không cho tao làm đội trưởng, R hét lên, tao sẽ gọi bố tao và bố tao sẽ cho tất cả bọn mày vào tù!"
Còn tôi, tôi có ý tưởng là sẽ tung một đồng xu lên để quyết định. Nhưng phải tung đến hai đồng đầu tiên đã rơi mất trong cỏ và chúng tôi không tài nào tìm được. Đồng xu ấy là của Joachim (J) cho mượn và nó rất tức vì đã bị làm mất; nó bắt đầu đi tìm, mặc dù thằng G đã hứa là bố nó sẽ viết một tấm séc để đền cho thằng này. Cuối cùng, hai đội trưởng đã được chọn ra: G và tôi.
"Thế nào, tao không muốn bị muộn bữa quà chiều đâu đấy, thằng Alceste kêu lên. Đã chơi được chưa?"
Sau đó, còn phải chia đội nữa. Với tất cả mọi đứa thì đều ổn, chỉ trừ có thằng E. G và tôi, cả hai đều muốn có E, khi thằng ấy mà có bóng, thì chẳng ai chặn nó cả. Nó chơi cũng chẳng hay lắm, nhưng mà nó rất uy hiếp. Thằng J rất sung sướng vì nó đã tìm lại được đông xu, thế là chúng tôi hỏi mượn nó để chia thằng E, và chúng tôi lại làm mất đồng xu lần nữa. J lại bắt đầu đi tìm, lần này thì bực thật sự, và nhờ rút thăm bằng cọng rơm mà G đã có được thằng E. G chỉ định thằng này làm thủ môn, nó nói rằng sẽ không có đứa nào dám tiếp cận khung thành nữa và đưa bóng lọt qua lại càng không. E phật ý ngay tức thì. Alceste thì ngồi giữa hai hòn đá đánh dấu gôn và ăn bích quy. Nó có vẻ rất không phải lòng. "Thế nào, đã được chưa, hử?" nó gào lên.
Chúng tôi dàn quân trên sân. Bởi vì mỗi bên chỉ có bảy đứa, trừ thủ môn ra, nên cũng không dễ tí nào. Ở mỗi đội đều bắt đầu có cãi nhau. Có hàng đống thằng muốn làm trung phong. J muốn làm hậu vệ phải, nhưng chỉ là tại cái đồng tiền của nó rơi vào chỗ đó và nó muốn vừa chạy vừa tiếp tục tìm tiền.
Bên đội của thằng G, mọi việc sắp xếp nhanh hơn hẳn, bởi vì thằng E đã tung ra một đúng các cú đấm và các cầu thủ bắt đầu vừa đi về chỗ của mình vừa xoa mũi mà không phàn nàn gì. Nó đấm mạnh lắm, cái thằng E ấy!
Bên đội của tôi, cả lũ không thể nào thoả thuận với nhau được, cho tới tận lúc thằng E nói rằng nó cũng sẽ sang đấm vào mũi chúng tôi nữa: thế là, mọi thứ đâu mới vào đấy.
A nói với thằng R: "Tuýt đi!" và thằng R, chơi bên đội của tôi, thổi cú phát bóng lên. G không vừa ý. Nó nói: "Bọn mày ma lanh quá! Bọn tao bị mặt trời chiếu vào mắt! Không đời nào đội bọn tao phải chơi trên phần sân bất lợi này!"
Còn tôi, tôi trả lời nó rằng nếu mà mặt trời làm nó không hài lòng thì nó cứ việc nhắm mắt lại mà đá, có khi thế còn hay hơn. Thế là chúng tôi lao vào ẩu đả. Thằng R bắt đầu rúc tướng lên cái còi nẩy hột của nó.
"Tao đã ra lệnh thổi còi đâu, thằng A kêu lên, trọng tài là tao cơ mà!" Điều này khiến thằng R khó chịu nên nó nói rằng nó thổi cỏi không cần phải được thằng A cho phép, rằng nó muốn thổi lúc nào thì thổi, bất kể thế nào. Và nó bắt đầu thổi còi như một thằng điên. "Mày là đứa độc ác, mày tóm lại chỉ như vậy mà thôi!" thằng A hét lên và nó bắt đầu bật khóc.
"Này bọn kia!" thằng Alceste cất tiếng gọi từ gôn của nó.
Nhưng chẳng đứa nào nghe cả. Tôi tiếp tục đánh nhau với G, tôi xé tan cái áo đỏ trắng xanh đẹp của nó và nó thì nói: "Úi chà! Úi chà! Úi chà! Chả sao hết! Bố tao sẽ lại mua cho tao hàng đống nữa!" Và nó đá tôi lia lịa vào mắt cá chân. R thì đuổi theo thằng A đang gào lên: "Tao có kính đấy! Tao có kính đấy!" J chẳng để ý đến dứa nào hết, nó đang tìm tiền của nó nhưng mãi nó vẫn chẳng tìm thấy. Còn thằng E, ở mãi trong gôn cũng đã bắt đầu chán ngấy lên rồi, nó bắt đầu đấm tứ tung vào mũi những đứa nào ở gần nó, có nghĩa là những đứa trong đội của nó. Tất cả bọn đều kêu gào, và chạy. Cả bọn chơi thực sự quá là vui, đúng là hết sảy!
"Dừng lại ngay, bọn mày!" Alceste lại kêu lên lần nữa.
Thế là thằng E bực mình. "Mày cứ giục phải chơi ngay, nó nói với Alceste, thì đã chơi rồi đấy thôi. Nếu mày muốn nói gì nữa, thì hãy đợi lúc nghỉ giữa hiệp!"
"Giữa hiệp gì mới được? thằng Alceste hỏi. Tao vừa mới phát hiện ra bọn mình làm gì có bóng, tao đã để quên ở nhà mất rồi!"

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Bài học - 09.08.2010 17:54:19
Bài học

 
Khi ở nhà biết rằng tôi đứng bét lớp môn số học, thì trong nhà xảy ra một chuyện khủng khiếp! Cứ như là lỗi tại tôi mà thằng Clotaire bị ốm và phải nghỉ học vào ngày kiểm tra môn số học! Đúng thế chứ còn sao nữa, suy cho cùng thì cũng phải có ai đó đứng bét lớp thay cho nó khi nó nghỉ học chứ!
Bố quát tháo ầm ĩ, bố đã bảo rằng tôi đã chuẩn bị cho mình một tương lai mới sáng sủa làm sao, ối chao ôi, rằng để đạt được một kết quả như vậy thì đúng là chẳng khó nhọc gì, nhưng tất nhiên tôi chỉ nghĩ đến chuyện chơi thôi, không bao giờ biết tự nhủ rằng một ngày nào đó bố sẽ không thể ở bên cạnh tôi để chu cấp cho mọi nhu cầu của tôi được nữa, rằng hồi bằng tuổi tôi bố lúc nào cũng đứng đầu lớp và bố của bố kinh khủng tự hào về bố, rằng bố đang tự hỏi không biết có nên đưa tôi vào học nghề ngay trong một xưởng thợ nào đó, thay vì tiếp tục cho tôi đến trường học; tôi nói với bố rằng tôi thấy học nghề cũng khá hay.
Thế là bố bắt đầu hét lên hàng đống thứ độc địa, còn mẹ thì bảo mẹ tin chắc tôi sẽ cố gắng để đạt được kết quả tốt hơn ở trường.
-Không, bố nói. Nếu thế thì dễ dàng quá; nó không thể thoát nạn dễ như vậy được. Anh sẽ tìm thầy giáo đến dạy nó tại nhà, cho dù có đắt một chút cũng được, nhưng anh không muốn nghe người ta bảo con trai của anh là một đứa ngu ngốc. Thứ năm hàng tuần, thay vì đi xem những thứ vớ vẩn ở rạp chiếu phim, nó sẽ ở nhà học thêm môn số học. Như thế sẽ tốt hơn nhiều cho nó.
Thế là tôi bật khóc, tôi gào lên và bắt đầu đá chân lung tung; tôi bảo rằng chẳng ai yêu tôi cả, rằng tôi sẽ giết tất cả mọi người rồi sau đó sẽ tự giết mình, và bố bảo tôi có mốn bị tét đít không; thế là tôi dỗi, và mẹ bảo rằng những buổi tối như thế này sẽ làm mẹ già đi mất nhiều tuổi,và cả nhà cùng xuống ăn tối. Bữa đó có món khoai tây rán. Tuyệt vời.
Ngày hôm sau, bố nói với mẹ rằng ông Barlier – một trong những người bạn làm cùng cơ quan với bố - đã giới thiệu cho bố một gia sư là con trai của một người họ hàng với ông ấy và xem ra là một người giỏi môn số học kinh khủng
-Cậu ấy là sinh viên, đây là lần đầu tiên cậu ấy đi dạy thêm, nhưng như vậy tốt hơn, cậu ấy sẽ có đầu óc mới mẻ và cậu ấy sẽ không bị trì trệ bởi những cách học cũ kỹ. Hơn nữa, giá cả cũng rất phải chăng.
Tôi thử khóc một chút xem thế nào, nhưng bố trợn mắt lên nhìn tôi và mẹ bảo nếu tôi tiếp tục giở trò như tối qua thì mẹ sẽ bỏ đi khỏi nhà. Thế là tôi không nói gì nữa cả, nhưng tôi dỗi rất ác cho đến tận món tráng miệng (bánh kem!)
Thế rồi, đến chiều thứ năm, có ai đó bấm chuông, mẹ ra mở cửa và đưa vào nhà một anh to béo đeo kính dày cộp, trông rất giống thằng Agnan, nhưng mà già hơn, tuy là không nhiều lắm
-Tên cháu là Cazalès, anh ấy nói. Cháu đến để dạy thêm.
-Tốt lắm, tốt lắm, mẹ nói. Cô là mẹ của Nicolas, còn đây là Nicolas, học trò của cháu. Nicolas ! Ra đây chào thầy của con đi.
Anh Cazalès và tôi bắt tay nhưng không siết chặt, bàn tay của anh Cazalès ướt đầm. Tôi hơi sợ một chút rồi mẹ bảo tôi đưa anh Cazalès lên phòng tôi để anh ta dạy tôi học. Chúng tôi vào phòng và ngồi trước bàn học của tôi
-Ờ… anh Cazalès nói. Các em làm gì ở trường?
-À, chúng em chơi trò Lancelot, tôi trả lời.
-Lancelot ư ? anh Cazalès hỏi.
-Vâng, cho tới tận tuần trước, chúng em vẫn còn chơi trò đuổi bóng, tôi giải thích, nhưng thầy Nước Lèo – tức thầy giám thị của bọn em – đã tịch thu mất quả bóng và bọn em không được phép mang thêm quả bóng nào đến trường cho đến hết học kỳ này. Thế còn, để chơi trò Lancelot một đứa cần bò ra đất để làm ngựa, và một đứa khác ngồi lên trên, tức là kỵ sỹ. Rồi các kỵ sỹ đánh nhau cách đấm vào mũi; chính thằng Eudus đã nghĩ ra trò này, mà Eudus thì…
-Em quay lại ngồi vào đây! Anh Cazalès nói và nhìn tôi bằng đôi mắt trợn tròn sau cặp kính.
Thế là tôi quay về chỗ ngồi, và anh Cazalès nói với tôi là anh không hỏi chúng tôi làm gì trong giờ ra chơi mà muốn hỏi trong giờ số học. Điều này làm tôi hơi bực, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ phải ngồi vào học ngay lập tức như vậy.
-Bọn em học phân số, tôi nói.
-Tốt, anh Cazalès nói, đưa vở cho anh xem nào.
Tôi đưa vở cho anh ấy xem và anh Cazalès nhìn vào quyển vở. Anh nhìn tôi, rồi tháo đôi kính ra, lấy khăn chùi mắt kính và lại nhìn vào quyển vở một lần nữa.
-Cái dòng chữ to đùng màu đỏ là do cô giáo viết vào đấy ạ, tôi giải thích.
-Phải, anh Cazalès nói, Nào, chúng ta bắt đầu. Phân số là gì?
Vì tôi chẳng trả lời gì cả, anh Cazalès lại nói:
-Là một số….
-Là một số, tôi nói
-Thể hiện một hoặc nhiều…
-Thể hiện một hoặc nhiều, tôi nói.
-Phần của một đơn vị…
-Phần của một đơn vị, tôi nói
-Được chia ra như thế nào? anh Cazalès hỏi tôi.
-Em không biết, tôi trả lời.
-Được chia ra đều nhau!
-Được chia ra đều nhau, tôi nói.
Anh Cazalès lau trán
-Xem nào, để lấy một vài ví dụ thực tế. Nếu như em có một chiếc bánh ga tô, hoặc một quả táo… Không, để cho dễ hơn, em có một trò chơi gì ở đây không?
Thế là chúng tôi mở tủ, có rất nhiều đồ chơi rơi ra, và anh Cazalès lấy những viên bi, anh để những viên bi xuống đất và rồi chúng tôi ngồi luôn xuống thảm.
-Ở đây có tám viên bi, anh Cazalès nói. Chúng ta sẽ giả sử rằng tám viên bi này sẽ thành một đơn vị. Anh lấy ba viên bi. Hãy cho anh biết phân số nào tượng trưng cho ba viên bi này so với một đơn vị… phân số đó là…
-Phân số đó là, tôi đáp.
Anh Cazalès lại bỏ kính ra lau và tôi nhìn thấy tay anh hơi run run. Lúc này thì đúng là anh làm tôi nhớ thằng Agnan, nó cũng run run mỗi khi tháo kính ra lau, vì lúc nào nó cũng sợ bị ai đó đánh trước khi nó kịp đeo kính vào.
-Thử lấy một ví dụ khác xem, anh Cazalès nói. Chúng ta sẽ lắp mười mẩu thanh ray vào nhau…
Lúc đó, tôi lắp mười thanh ray lại thành một đường tròn, và tôi hỏi anh ta tôi có được phéo để đầu tàu và một toa chở hàng lên trên không, đó là toa cuối cùng mà tôi còn giữ được kể từ khi thằng Alceste giẫm lên các toa chở khách. Alceste là một đứa rất nặng.
-Tùy em, anh Cazalès nói. Mười thanh ray này làm thành mười phần của đường tròn. Bây giờ, nếu anh lấy đi một thanh ray…
-Thế thì đoàn tàu sẽ bị trật bánh, tôi nói.
-Nhưng anh không nói chuyện với em về đoàn tàu! anh Cazalès hét lên. Chúng ta không ngồi đây để chơi trò tàu hỏa! Anh sẽ bỏ cái đoàn tàu này ra!
Anh ta có vẻ vô cùng tức giận và tôi bắt đầu khóc.
-Tôi không phản đối việc hai anh em chơi với nhau, nhưng ít nhất cũng đừng cãi nhau chứ!
Đó là câu nói của bố. Bố bước vào phòng và anh Cazalès nhìn bố bằng đôi mắt tròn xoe, hai tay vẫn còn cầm đầu tàu và toa chở hàng.
-Nhưng cháu… cháu… anh Cazalès lắp bắp.
Tôi cứ tưởng anh ta cũng sắp khóc đến nơi, nhưng rồi anh ta nói: “Ôi! Thôi cũng được!” Rồi anh ấy đứng lên và bỏ đi mất.
Anh Cazalès chẳng bao giờ quay lại nữa. Bố đã cãi nhau với ông Barlier, nhưng với tôi mọi chuyện đã khá hơn nhiều: Clotaire đã khỏi ốm và tôi chẳng còn xếp hạng bét trong lớp nữa.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp - 09.08.2010 17:55:26
Những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp

 
Chúng tôi có khách đến ăn, vào tối nay. Hôm qua khi trở về nhà, bố có vẻ rất vui, bố nói với mẹ rằng trên đường bố đã tình cờ gặp lại người bạn cũ tên là Léon Labière, mà hàng năm nay rồi bố chưa gặp.
“Léon, bố giải thích, là một anh bạn từ thuở bé, bọn anh đã đi học cùng với nhau. Có chung không biết bao những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp! Anh đã mời anh ấy đến ăn vào tối mai”.
Bạn của bố sẽ đến lúc tám giờ, nhưng đến bảy giờ chúng tôi đã sẵn sàng. Mẹ tắm rửa sạch sẽ cho tôi, mẹ mặc cho tôi bộ quần áo màu xanh nước biển và chải tóc cho tôi bằng rất nhiều sáp, nếu không, mớ tóc phía sau gáy tôi nhất định sẽ chẳng chịu nằm yên. Còn bố thì dặn dò tôi đủ mọi thứ, bố bảo tôi phải thật ngoan, khi ngồi vào bàn tôi không được nói leo và tôi phải chăm chú nghe ông Léon bạn bố vì theo bố, đó là một người kinh khủng, rất thành công trong cuộc sống, và điều đó đã thể hiện rõ ngay từ khi còn đi học, và những người giống như ông ấy bây giờ chẳng còn nhiều, và đúng lúc đó có người nhấn chuông cửa.
Bố đi ra mở cửa và một ông to béo mặt đỏ gay bước vào.
- Léon! bố kêu lên. “Anh bạn cũ!”, ông đó thốt lên, thế rồi hai người bắt đầu vỗ vai nhau tới tấp, nhưng họ có vẻ rất phấn khởi, chứ không giống kiểu vỗ vai của bố với ông Blédurt, một người hàng xóm của chúng tôi rất thích trêu tức bố.
Sau khi vỗ vai nhau, bố quay vào nhà và chỉ mẹ lúc ấy đang cười rất tươi và vừa từ bếp đi ra.
- Đây là vợ tớ, Léon ạ. Em yêu, đây là bạn anh, Léon Labière.
Mẹ chìa tay ra và ông Labière vừa bắt tay mẹ vừa nói rằng ông ta rất hân hạnh. Thế rồi bố ra hiệu cho tôi tiến lên và nói:
- Còn đây là Nicolas, con trai tớ.
Ông Labière có vẻ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, ông trố cả hai mắt ra, miệng huýt sáo và rồi ông nói:
- Chà, một anh chàng lớn đùng! Ra dáng đàn ông ghê! Cháu đã đi học chưa?
Rồi ông ta đưa tay xoa đầu tôi, luồn tay vào mớ tóc của tôi để pha trò. Tôi nhận thấy điều này có vẻ làm cho mẹ không vừa lòng, nhất là khi ông Labière nhìn bàn tay và hỏi:
- Các cậu đổ cái gì lên đầu chú nhóc thế này?
- C ậu thấy nó có giống tớ không? bố hỏi rất nhanh trước khi mẹ ịp trả lời.
- Ờ, ông Labière đáp, trông giống cậu như đúc, có điều tóc nhiều hơn và bụng đỡ phệ hơn, rồi ông Labière bắt đầu cười rất to.
Bố cũng cười, nhưng không to bằng, rồi mẹ nói chúng tôi sẽ bắt đầu dùng khai vị.
Chúng tôi ngồi vào phòng khách và mẹ mang rượu khai vị ra; tôi không được uống rượu khai vị, nhưng mẹ cho phép tôi ăn ô-liu và bánh quy mặn nên tôi rất thích. Bố nâng ly lên và nói:
- Vì những kỷ niệm chung, nào Léon, anh bạn cũ.
- Anh bạn cũ, ông Labière nói và vỗ thật mạnh vào lưng bố khiến bố đánh rơi ly của mình xuống thảm.
- Không sao đâu, mẹ nói.
- Phải, sẽ khô ngay thôi mà, ông Labière nói, rồi ông ta nhấp một ngụm trong ly và nói với bố:
- Tớ thấy cứ kỳ kỳ thế nào khi thấy cậu trong vai một ông bố già đạo mạo.
Bố rót thêm rượu vào ly của mình và ngồi nhích ra một tẹo, để tránh những cú vỗ, bố hơi bị sặc một chút và nói:
- Thôi nào, anh bạn, đừng có nói quá lên như thế, chúng ta cùng tuổi với nhau mà.
- Ồ không, ông Labière nói, cậu không nhớ trong lớp cậu là đứa nhiều tuổi hơn cả à!
- Chúng ta ngồi vào bàn chứ? mẹ hỏi.
Chúng tôi ra bàn ăn và ông Labière ngồi đối diện tôi nói:
- Thế nào cậu bé, sao cháu không nói gì cả? Chẳng ai nghe tiếng cháu cả!
- Bác phải hỏi thì cháu mới được phép nói, tôi trả lời.
Điều đó làm ông Labière cười một thôi một hồi, khiến ông ta đỏ hết mặt mày, còn đỏ hơn cả lúc trước và ông ta vỗ rất nhiều và mạnh, nhưng lần này là lên bàn, khiến những chiếc ly va vào nhau kêu lanh canh. Khi cười xong, ông Labière nói với bố rằng tôi đã được dạy dỗ rất chu đáo; bố nói rằ ng cũng bình thường thôi.
- Thế nhưng, nếu như tớ nhớ không nhầm,thì trước đây cậu thật là kinh khủng, ông Labière nói.
- Cậu ăn bánh mì đi, bố trả lời.
Mẹ mang món đầu tiên tới và chúng tôi bắt đầu ăn.
- Thế nào, Nicolas, ông Labière hỏi, rồi ông nuốt thức ăn trong miệng và nói tiếp, ở lớp cháu học có giỏi không?
Vì được hỏi, nên tôi có thể trả lời: “thường thôi ạ”, tôi nói với ông Labière.
- Bởi vì bố cháu hồi xưa rất trứ danh! Cậu có nhớ không, anh bạn?
Bố vừa kịp tránh cú vỗ. Trông bố chẳng vui vẻ chút nào, còn với ông Labière, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc cười đùa.
- Cậu có nhớ cái lần cậu đã đổ cả lọ mực vào túi áo của Ernest không?
Bố nhìn ông Labière, rồi lại nhìn tôi, rồi nói:
- Lọ mực à? Ernest ư? Không làm gì có chuyện đó.
- Có đấy! ông Labière nói, thậm chí cậu còn bị phạt nghỉ học mất bốn ngày! Cũng giống như chuyện cái hình vẽ trên bảng đen ấy, cậu nhớ không?...
- Các anh có dùng thêm một lát giăm-bông nữa không? mẹ nói.
- Thế nào hả bố, cái chuyện hình vẽ trên bảng đen ấy? tôi hỏi bố.
Bố bắt đầu hét lên, bố đập tay xuống bàn và bảo tôi rằng bố đã yêu cầu tôi phải ngồi ngoan trong bữa ăn và không được phép hỏi gì.
- Câu chuyện về tấm bảng đen, là bố cháu đã vẽ hình biếm hoạ cô giáo lên trên bảng, và cô bước vào lớp đúng vào lúc bố cháu sắp vẽ xong! Thế là cô đã cho bố cháu liền ba điểm không!
Tôi thấy chuyện này rất buồn cười,nhưng tôi nhìn mặt bố và biết rằng tốt nhất không nên cười ngay bây giờ.Tôi quyết định kìm lại để cười sau, khi tôi chỉ có một mình ở trên phòng, nhưng mà kìm cười thì chẳng dễ tẹo nào.
mẹ mang món thịt quay tới và bố bắt đầu cắt thịt thành miếng nhỏ.
- Tám lần bảy là bao nhiêu? ông Labière hỏi tôi.
- Năm mươi sáu, thưa bác, tôi trả lời (chúng tôi vừa mới học ở trường sáng nay, may ghê!)
- Hoan hô! ông Labière kêu lên, cháu làm bác ngạc nhiên ghê, vì bố cháu, với môn số học thì...
Bố lại hét lên, nhưng lần này là vì bố vừa cắt phải ngón tay, thay vì cắt vào miếng thịt.bố mút ngón tay, trong khi ông Labière, ông này đúng là một người raast vui tính, thì cười rất nhiều và nói với bố rằng bố chẳng khéo léo hơn hồi còn đi học là mấy, cũng giống như cái lần ở trường, với quả bóng và cái ô cửa sổ trong lớp học. tôi không dám hỏi chuyện quả bóng và cái ô cửa sổ lớp học như thế nào, nhưng theo tôi, chắc bố đã làm vỡ kính của cái ô cửa sổ lớp học ấy.
Mẹ mang món tráng miệng tới rất nhanh, ông Labière vẫn còn thịt quay trong đĩa, thì, bum! Bánh nhân sơ-ri cũng vừa tới.
- Chúng tôi xin lỗi, mẹ nói, nhưng cháu bé phải đi ngủ sớm.
- Đúng vậy, bố nói, con hãy ăn tráng miệng nhanh lên, Nicolas, rồi lên giường ngay. Ngày mai con còn phải đi học.
- Cái cửa sổ ấy, có phải nó bị vỡ không, hả bố? toi hỏi.
Tôi đã sai khi hỏi điều đó, vì bố đã tức giận đỏ hết mặt mũi, bố bảo tôi nuốt ngay miếng bánh nếu như tôi không muốn bị phạt.
- còn phải nói nó bị vỡ thế nào nữa chứ, cáicửa sổ ấy! Thậm chí bố cháu còn bị lĩnh ngay một con không về điểm hạnh kiểm, ông Labière nói với tôi!
- Ấp! Lên giường thôi! bố la lên.
Bố rời khỏi bàn, bế xốc tôi lên và tung tôi lên trên không và nói: “Ấp-là”.
Tôi vẫn còn đang ăn dở miếng bánh, đúng loại mà tôi thích, nhân sê-ri, nhưng khi bố giở trò với tôi, thì miếng bánh liền rơi ra. Thậm chí nó còn rơi dính lên áo vest của bố, nhưng bố vội vàng muốn tôi đi ngủ tới mức bố chẳng nói gì cả.
Mãi sau, tôi nghe tiếng bố và mẹ đi lên phòng.
- Chà, mẹ nói, các anh đúng là có khối kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp!
- Được rồi, được rồi, bố nói, hình như không vui vẻ gì lắm, anh nghĩ chắc anh cũng sẽ chẳng gặp lại cái gã Léon này ngay đâu!
Còn tôi, tôi thấy thật là tiếc nếu như không gặp lại ông Labière, tôi thấy ông ấy cũng hay đấy chứ.
Nhất là hôm nay, tôi mang một con không về nhà, nhưng bố chẳng hề nói gì cả.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Nhà thằng Geophphroy - 09.08.2010 17:56:36
Nhà thằng Geophphroy

 
Thằng Geophphroy mời tôi đến nhà nó chơi chiều hôm nay. Nó nói với tôi cũng đã mời hàng đống những đứa khác, chắc chắn chúng tôi sẽ tha hồ mà vui!
Bố thằng Geophphroy rất giàu và ông ấy mua cho nó đủ mọi thứ. Chẳng hạn như thằng Geophphroy rất thích chơi trò cải trang, vì thế bố nó đã mua cho nó hàng đống trang phục. Tôi rất thích được đến nhà Geophphroy, đây là lần đầu tiên và hình như nhà nó rất đẹp.
Bố, tức là bố của tôi, đưa tôi đến nhà Geophphroy. Chúng tôi ngồi trong xe ô tô và xe chạy vào tận trong vườn trước nhà Geophphroy.
Bố vừa cho xe chạy rất chậm vừa nhìn xung quanh, miệng huýt sáo khe khẽ. Rồi cả tôi và bố cùng nhìn thấy một lúc: một cái bể bơi! Một bể bơi rất to hình bầu dục, Đầy nước màu xanh biếc và rất nhiều bục nhảy!
- Geophphroy nó có nhiều thứ đẹp quá, tôi nói với bố, con cũng muốn có những thứ giống như thế!
Bố có vẻ lúng túng. Bố để tôi xuống trước cửa nhà Geophphroy và nói với tôi:
- Bố sẽ quay lại lúc sáu giờ để đón con, đừng có ăn nhiều trứng cá hồi quá đấy!
Tôi chưa kịp hỏi bố món trứng cá hồi là gì thì bố đã lái xe đi mất. Tôi không hiểu vì sao bố có vẻ không thích ngôi nhà đẹp đẽ của thằng Geophphroy lắm.
Tôi nhấn chuông cửa và cảm thấy rất lạ, thay vì kêu reng reng như chuông cửa nhà tôi, thì chuông ở đây lại kêu bing boong như chiếc đồng hồ quả lắc của dì Léone vào lúc ba giờ. Cánh cửa mở ra và tôi thấy một ông mặc quần áo rất đẹp và bóng bẩy nhưng trông hơi buồn cười. Ông ấy mặc một bộ áo đen với vạt áo phía sau hơi dài, phía trước không cài khuy, một chiếc áo sơ mi trắng thẳng đơ và một chiếc nơ con bướm màu đen.
- Cậu Geophphroy đang chờ cậu, ông ấy nói, mời cậu đi theo tôi.
Tôi quay người lại để ngó, nhưng đúng là ông ấy đang nói chuyện với tôi, vì thế tôi đi theo ông ta. Ông ấy đi thẳng đơ người, trông y như cái áo sơ mi của ông ấy, đồng thời giậm thật nhẹ hai bàn chân xuống mặt đất, cứ như ông ấy không muốn làm nhàu những tấm thảm trải sàn rất đẹp của bố thằng Geophphroy. Tôi thử đi giống ông ấy, có lẽ trông chúng tôi, người đi trước người đi sau như vậy, phải buồn cười ghê lắm.
Trong lúc chúng tôi đi lên một cầu thang rất rộng, tôi hỏi ông ấy món trứng cá hồi là gì. Lúc đó, tôi không muốn bị ông ấy chế nhạo một tí nào. Ông ấy nói với tôi rằng đó là trứng một loại cá để ăn trên tràng kỷ (trong tiếng Pháp từ “canapé” vừa có nghĩa là “tràng kỷ” lại vừa có nghĩa là “bánh mì lát” . Ở đây Nicolas đã hiểu từ này theo nghĩa đầu tiên nên tưởng là “ăn trứng cá hồi trên tràng kỷ” thay vì phải hiểu là “ăn trứng cá hồi kèm với bánh mì lát” ). Hay đấy chứ, thật là buồn cười khi nghĩ đến việc bọn cá nằm đẻ trứng trên ghế tràng kỷ trong phòng khách. Chúng tôi lên đến tầng trên và đứng trước một cánh cửa. Có rất nhiều âm thanh phát ra từ phía bên kia cánh cửa, những tiếng la hét, tiếng sủa. Cái ông mặc bộ quần áo đen đưa một tay lên ôm trán, ông ấy có vẻ hơi ngần ngừ, rồi ông ấy mở bật cửa, đẩy tôi vào bên trong căn phòng và đóng cửa lại rất nhanh sau lưng tôi.
Tất cả lũ bạn thân của tôi đều đã có mặt, kể cả Hotdog, con chó của Geophphroy. Geophphroy mặc một bộ lính ngự lâm với một chiếc mũ đính lông chim rất to và một thanh kiếm. Có cả Alceste, cái thằng béo ăn suốt ngày, rồi cả thằng Eudes, to khoẻ và rất hay đấm vào mũi bọn khác trong lúc đùa, và một đống đứa khác nữa đang hò hét.
- Vào đây, thằng Alceste bảo tôi, miệng lúng búng nhai, vào đây Nicolas, bọn mình cùng chơi cái tàu hoả chạy điện của Geophphroy!
Tàu hoả của Geophphroy thật tuyệt!
Chúng tôi làm cho tàu trật bánh rất ngoạn mục. Chỉ có điều đáng tiếc là thằng Eudes đã buộc đuôi toa nhà hàng vào đuôi Hotdog khiến nó bắt đầu chạy vòng quanh vì chẳng hề thích như vậy chút nào. Geophphroy cũng không hề thích như thế, vì vậy nó rút kiếm ra và hét lên:
- Hãy coi chừng!
Nhưng Eudes đã cho nó một cú đấm vào mũi. Đúng lúc đó, cửa mở ra và cái ông mặc bộ màu đen bước vào.
- Trật tự nào! Trật tự nào! Ông ấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Tôi hỏi Geophphroy xem cái ông ăn mặc đẹp đẽ đó có phải là một người trong nhà nó không, nhưng Geophphroy trả lời không phải, mà đó là Albert, ông quản gia, cũng là người được giao trách nhiệm giám sát chúng tôi. Thằng Alceste nói nó nhớ ra đã từng nhìn thấy những ông quản gia trong phim, và bao giờ họ cũng là lũ sát nhân. Ông Albert nhìn Alceste với đôi mắt của một con cá đã đẻ ra một cái trứng cá quá to. Geophphroy nói là hay ra bể bơi chơi cho thích đi. Tất cả chúng tôi đều đồng ý và chạy cả ra ngoài, theo sau là ông Albert mà chúng tôi hơi xô đẩy một chút trong khi chạy ra, và Hotdog vừa sủa vừa làm ầm ĩ vì chúng tôi quên tháo cái toa nhà hàng ra cho nó. Chúng tôi xuống cầu thang bằng cách trượt trên thanh vịn, thật là tuyệt!
Chúng tôi xúm xít quanh bể bơi và tất cả đều mặc quần lót và áo may-ô do Geophphroy cho mượn. Chỉ có thằng Alceste là không mượn được gì vì quá béo, mặc dù Geophphroy rất muốn cho Alceste mượn hai cái quần lót, nhưng Alceste nói không cần vì nó không thể bơi được, nó vừa mới ăn xong. Tội nghiệp thằng Alceste! Vì nó ăn suốt ngày, nên chẳng bao giờ được bơi.
Tất cả chúng tôi đều nhảy xuống và chúng tôi chơi nhiều trò rất tuyệt: chúng tôi làm cá voi, làm thợ lặn, giả vờ chết đuối, làm cá heo. Chúng tôi thi xem đứa nào có thể ngụp dưới nước lâu nhất, cho tới lúc ông Albert, vẫn theo dõi chúng tôi từ trên bục nhảy để khỏi bị toé nước vào, ra lệnh cho chúng tôi lên bờ hết, ông Albert phát hiện ra Eudes vẫn còn nằm dưới đáy bể bơi. Ông Albert đã nhảy một cú tuyệt đẹp, vẫn mặc nguyên quần áo, và mang Eudes lên.Tất cả chúng tôi đều vỗ tay, trừ thằng Eudes thì vô cùng tức giận, vì nó đang muốn phá kỷ lục lặn dưới nước, đến nỗi nó đã giáng một cú đấm vào mũi ông Albert.
Chúng tôi thay quần áo (Geophphroy cải trang thành người Da Đỏ, với rất nhiều lông chim) rồi chúng tôi sang phòng ăn nhà Geophphroy, trông rộng như một nhà hàng. Bữa chiều rất ngon, nhưng tất nhiên chẳng hề có món trứng cá hồi, đó chỉ là nói đùa thôi. Ông Albert cũng đã đi thay quần áo rồi quay trở lại. Ông ấy mặc một cái áo sơ mi kẻ ô và một áo khoác thể thao màu xanh. Cái mũi của ông ấy vẫn còn đỏ ửng và ông ấy nhìn Eudes cứ như thể cũng sắp đấm một cú lên mũi nó.
Sau đó chúng tôi lại ra chơi tiếp. Geophphroy dẫn chúng tôi vào nhà xe, nó chỉ cho chúng tôi xem ba cái xe đạp và một cái ô tô màu đỏ có bàn đạp, còn có cả đèn pha bật sáng lên được nữa.
- Thế nào? Geophphroy nói với chúng tôi, bọn mày thấy chưa? Tao có tất cả đồ chơi tao thích, bố tao mua cho tao mọi thứ! Điều này làm tôi không vui mấy và tôi nói với nó rằng ối dào! tất cả nhữnh thứ này chẳng là cái gì cả, ở trong kho nhà tôi có một cái xe ô tô tuyệt vời mà khi còn bé bố tôi đã tự làm bằng những hộp gỗ và bố tôi nói rằng những thứ như vậy các cửa hàng làm gì có mà bán. Tôi còn nói bố thằng Geophphroy còn lâu mới có thể tự làm được một cái ô tô như thế. Chúng tôi đang cãi nhau thì ông Albert đến bảo bố tôi đã đến đón tôi về.
Trong xe, tôi kể cho bố nghe tất cả những gì chúng tôi đã làm và những thứ đồ chơi của Geophphroy. Bố nghe tôi kể và chẳng nói năng gì cả.
Tối hôm đó, chúng tôi thấy chiếc xe ô tô to đùng và bóng loáng của bố thằng Geophphroy dừng lại trước cửa nhà. Bố của Geophphroy tỏ vẻ vô cùng bối rối, ông ấy nói chuyện với bố tôi. Ông ấy hỏi bố có thể bán cho ông ấy cái ô tô nằm trong nhà kho không, vì Geophphroy muốn ông ấy làm một cái như thế nhưng ông ấy lại chẳng biết phải làm như thế nào. Khi đó, bố nói rằng bố không thể bán chiếc xe đó được, bố rất quý nó, nhưng bố sẵn sàng chỉ cho ông ấy biết cách làm. Bố thằng Geophphroy ra về với vẻ rất hài lòng, luôn miệng nói cảm ơn, cảm ơn, và hứa hôm sau sẽ quay trở lại học cách làm ô tô.
Bố tôi cũng rất hài lòng. Khi bố thằng Geophphroy đã ra về, bố tôi đi vòng quanh nhà, ngực ưỡn phồng lên, bố xoa đầu tôi và nói:
- Hê hê! Hê hê!

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Pháo đài - 09.08.2010 17:58:05
Pháo đài

 
Chiều Chủ nhật,hai thằng Clotaire và Alceste đến nhà tôi chơi. Clotaire mang theo các chú lính chì còn Alceste đem tới 1 quả bóng đá mà nó đã bị tịch thu có tới tận cuối học kỳ vừa rồi,với cả 4 miếng bánh kẹp mứt nữa. Alceste mang theo bánh mì mứt cho riêng nó, để có thể cầm cự cho tới bữa chiều.

Vì trời rất đẹp và có hàng đống nắng, nên bố đã cho phép chúng tôi có thể chơi ở ngoài vườn, nhưng bố bảo bố rất mệt, bố muốn nghỉ ngơi, vì thế chúng tôi không được quấy rầy bố. Rồi bố ngả người nằm vào chiếc ghế dài trước rặng thu hải đường, tay cầm 1 tờ báo.

Tôi hỏi xin bố cho tôi lấy những cái hộp bìa các tông cũ để trong nhà kho.

- Để làm gì? Bố hỏi tôi.

- Để xây 1 pháo đài, để có thể cho hội lính của Clotaire vào trong đó, tôi giải thích.

-Cũng được, bố nói. Nhưng không được làm ồn và cũng không được bày bừa ra nhé.

Tôi liền đi lấy những chiếc hộp, và trong khi bố đọc báo, chúng tôi đặt chồng những chiếc hộp lên nhau.

- Này mấy đứa, bố bảo, pháo đài của mấy đứa trông chả đẹp gì cả.

- Không sao, tôi nói, cứ giả vờ như thế cũng được.

- Có lẽ mấy đứa nên làm thêm cửa ra vào và cửa sổ, bố nói.

Alceste lúng búng nói 1 câu gì đó nhưng miệng nó vẫn còn đầy vì đang nhai dở miếng bánh thứ 2.

- Cháu nói gì thế? Bố hỏi.

- Nó bảo:bác bảo chúng cháu phải làm cửa sổ bằng cái gì bây giờ? Clotaire giải thích, và Alceste gật đầu bảo đúng

- Bác tự hỏi nếu không có cháu ở đây thì làm sao mọi người có thể hiểu được Alceste muốn nói gì, bố nói đùa. Dù sao đi nữa, để làm cửa ra vào và cửa sổ thì rất đơn giản thôi. Nicolas! Con vào nói với mẹ cho con mượn cái kéo. Con cứ bảo mẹ là bố sai con đi mượn mẹ.

Tôi chạy vào nhà tìm mẹ và mẹ đưa kéo cho tôi, nhưng mẹ bảo tôi phải cẩn thận đừng để bị thương.

-Mẹ nói đúng đấy bố bảo khi tôi quay ra vườn, để đấy bố làm cho.

Thế là bố đứng lên khỏi chiếc ghế dài và với lấy cái hộp to nhất, rồi bố dùng khoét 1 cái cửa ra vào và những cửa sổ. Thật là tuyệt.

-Đấy, bố nói, như thế có phải đẹp hơn không? Bây giờ chúng ta sẽ dùng những cái hộp khác làm thành những ngọn tháp.

Và bố dùng kéo cắt ra 1 miếng bìa từ 1 chiếc hộp cá, rồi bỗng nhiên bố kêu lên 1 tiếng. Bố đưa ngón tay lên miệng mút, nhưng bố không cho tôi gọi mẹ để mẹ băng vết thương cho bố. Bố buộc 1 chiếc khăn mùi soa quanh ngón tay rồi lại làm tiếp. Bố có vẻ rất thích công việc đang làm.
-Nicolas, bố bảo tôi,chạy đi lấy cho bố lọ hồ trong ngăn kéo bàn làm việc của bố!

Tôi mang hồ lại, và bố cuộn tròn những miếng bìa và lấy hồ dán lại, đúng là trông giống như những ngọn tháp.

- Tuyệt vời, bố nói. Giờ chúng ta sẽ gắn mỗi góc 1 một ngọn tháp ... Thế .. Này Alceste, cháu không được lấy tay dính đầy mứt sờ vào các ngọn tháp như thế chứ!

Rồi Alceste lại nói cái gì đó,nhưng tôi chẳng biết nó nói gì vì Clotaire không chịu nhắc lại. Nhưng dù thế nào thì bố cũng chẳng để ý, vì bố còn đang bận làm sao cho những ngọn tháp có thể đứng vững, song chẳng dễ chút nào. Bố bắt đầu bị nóng! Mặt bố đầm đìa mồ hôi.

- Mấy đứa biết bây giờ phải làm gì những không? Bố nói. Chúng ta còn phải khoét lỗ châu mai nữa, nếu không thì trông sẽ chẳng giống pháo đài thật.

Rồi bố dùng 1 cây bút chì đánh dấu những lỗ châu mai rồi bắt đầu vừa dùng kéo khoét lỗ vừa thè lưỡi ra. Pháo đài đúng là trông tuyệt đẹp!

- Nicolas, bố nói,ở trong ngăn kéo thứ 2 bên trái tủ có 1 ít giấy, con chạy đi lấy cho bố và mang cả bút chì màu của con ra đây nhé.

Khi tôi quay kại vườn, bố đã ngồi bệt ra đất, đối diện với pháo đài, chăm chú làm việc, còn Clotaire và Alceste thì ngồi trong chiếc ghế dài để xem.

- Chúng ta sẽ lấy giấy làm mái nhọn trên những ngọn tháp, bố giải thích, và làm cả những vọng gác bằng giấy nữa. Rồi chúng ta sẽ tô màu lên tất cả mọi thứ ...

- Con bắt đầu tô được chưa? tôi hỏi.

- Không,bố nói. Tốt nhất là để bố làm cho. Chắc mấy đứa muốn có 1 pháo đài trông giống như thật chứ, Bố sẽ bảo khi nào mấy đứa có thể giúp được. Đây! Thử đi tìm cho bố 1 cành cây để làm cột cờ.

Khi chúng tôi đưa cho bố 1 cành cây nhỏ, bố liền cắt 1 mẩu giấy vuông,dán vào cành cây và giải thích với chúng tôi rằng đó là cờ, rồi bố tô lên đó màu xanh da trời và màu đỏ, ở giữa là màu trắng,giống như tất cả những là cờ khác, đúng là trông rất đẹp.

- Alceste đang hỏi pháo đài đã xong chưa ạ, Clotaire nói.

- Cháu trả lời cậu ấy là vẫn chưua,bố nói. Một công việc muốn làm tốt thì phải mất thời gian: Mấy đứa phải học cách không làm việc cẩu thả, Thay vì quấy rầy bác, các cháu hãy quan sát kỹ xem bác làm như thế, để lần sau các cháu còn biết cách làm.

Thế rồi tiếng mẹ gọi từ cửa vọng ra:

- Bữa chiều đã sẵn sàng! Vào bàn thôi!

- Nào,bọn mình đi thôi! Alceste nói,mặc dù nó vừa mới ăn xong chiếc bánh kẹp mứt.

Rồi chúng tôi chạy vào nhà, bố hét to bảo chúng tôi phải cẩn thận, vì suýt nữa thì Clotaire làm đổ 1 ngọn tháp, rằng thật không thể tin được là chúng tôi lại có thể cẩu thả đến vậy.

Khi chúng tôi vào đến phòng ăn, mẹ tôi lại bảo tôi ra nói với bố vào ăn cùng chúng tôi, nhưng khi ra đến vườn,bố lại bảo tôi nói với mẹ rằng bố sẽ không uống trà, bố đang rất bận, và khi nào làm xong bố sẽ vào.

Mẹ đã dọn sẵn cho chúng tôi 1 bữa chiều ngon tuyệt:có sô cô la, bánh xốp và mứt dâu, Alceste rất thích thú vì nó thích món mứt dâu hơn tất cả các loại mứt khác. Trong lúc ăn, chúng tôi nhìn thấy bố đi vào rất nhiều lần, lúc thì lấy chỉ và kim, lúc thì lấy thêm 1 lọ hồ nữa, rồi mực đen và 1 con dao bếp nhỏ rất sắc.

Sau bữa chiều,tôi dẫn các bạn lên phòng tôi để chỉ cho các cậu ấy xem những chiếc ô tô nhỏ mà tôi vừa mới được mua, và chúng tôi đang mải cho xe chạy qua đua từ bàn học tới giường thì bố bước vào. Cái áo sơ mi của bố dính đầy vết bẩn, 1 vết mực trên má, 2 ngón tay quấn băng, và bố lấy cảnh tay để lau mồ hôi.

-Đi nào, mấy đứa,pháo đài đã xong rồi đấy, bố nói.

-Pháo đài nào cơ ạ? Clotaire hỏi.

-Mày quên à, tôi đáp, pháo đài ý!

-Ờ nhỉ, còn pháo đài nữa!

Thế là chúng tôi chạy theo bố, bố bảo rồi chúng tôi sẽ thấy pháo đài của bố tuyệt vời như thế nào, rằng chúng tôi chưa bao giờ được thấy 1 pháo đài nào đẹp như thế rồi thì chúng tôi tha hồ mà chơi. Khi đi ngang qua phòng ăn, bố liền gọi cả mẹ cùng ra xem.

Quả đúng là pháo đài trông rất tuyệt. Trông nó giống như 1 pháo đài thực sự, y như những pháo đài vẫn được bầy trong tủ kính các cửa hàng đồ chơi. Có 1 cột cờ với 1 lá cờ, 1 cây cầu rút trông giống như những bộ phim kỵ sỹ chiếu trên vô tuyến, và bố đã để các chú lính của Clotaire lên trên vọng gác trông cứ như là chúng đang đứng gác. Trông bố có vẻ rất tự hào, bố đứng vòng tay quàng qua vai mẹ. Bố cười rạng rỡ, mẹ cũng cười khi nhìn thấy bố cười, còn tôi thì rất sung sướng, khi thấy cả bố lẫn mẹ cùng cười.

- Tốt rồi, bố nói, bố nghĩ là bố đã hoàn thành tốt công việc, đúng không? Bố xứng đáng được nghỉ ngơi, giờ thì bố sẽ ra nằm trên chiếc ghế dài của bố, còn mấy đứa thì có thể chơi với pháo đài đẹp đẽ của mấy đúa được rồi.

- Tuyệt vời! Clotaire nói.Alceste, mang quả bóng đến đây!

- Quả bóng à? Bố hỏi.

- Xung phong! tôi gào lên.

- Bắt đầu ném bom! Alceste hét

Rồi bình! bình! bình! chỉ sau 3 cú ném bóng và vài cú đá chân, chúng tôi đã phá tan pháo đài, và chúng tôi thắng trận!

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Bài học về đồ vật - 09.08.2010 17:59:06
Bài học về đồ vật


- Ngày mai, cô giáo nói với chúng tôi, lớp ta sẽ có một bài học rất đặc biệt về đồ vật ; mỗi em sẽ mang đến một thứ gì đó, ví dụ một đồ kỉ niệm từ chuyến đi nghỉ. Chúng ta sẽ nhận xét và nghiên cứu mỗi đồ vật, từng em một sẽ giải thích cho cả lớp nguồn gốc và những kỉ niệm gắn với đồ vật đó. Bài học ngày mai sẽ vừa là một bài học về đồ vật, vừa là một giờ học địa lý và cũng giúp các em tập làm văn.
-Nhưng thưa cô em nên mang đồ vật gì đến lớp ạ ? Clotaire hỏi.
-Cô đã nói với lớp rồi, Clotaire, cô giáo trả lời. Một đồ vật thú vị nào đó với những câu chuyện gắn với nó. Các em biết không, vài năm trước đây, một học trò của cô đã mang đến một mẩu xương khủng long mà chú của em đã tìm được trong quá trình khảo cổ. Ai trong số các em có thể nói cho cô biết khủng long là con gì ?

Agnan giơ tay, nhưng cả lớp đã tranh nhau nói những gì mỗi người nghĩ ra trong đầu, và với tiếng ồn do cô giáo đập thước xuống bàn, chẳng còn ai có thể nghe thấy đứa con cưng tồi tệ Agnan của cô đã nói gì.

Ngay khi về đến nhà, tôi nói với bố rằng ngày mai mình sẽ phải mang đến lớp một đồ vật có kỉ niệm đặc biệt kinh khủng về các chuyến đi.
-Những giờ thực hành kiểu đó là một ý kiến hay, bố nói. Việc quan sát các đồ vật sẽ đem lại những bài học không thể quên được. Cô giáo của con thật giỏi đấy, cô rất hiện đại. Bây giờ, để xem nào… Cái gì con nên mang đến lớp nhỉ ?
-Cô giáo nói rằng, tôi giải thích, rằng tuyệt nhất là nên mang đến một mẩu xương khủng long.

Bố trợn tròn mắt ngạc nhiên và hỏi tôi :
-Xương khủng long ? Ý tưởng kiểu gì vậy ! Và con muốn bố moi đâu ra một mẩu xương khủng long bây giờ ? Không, Nicolas, bố chân thành khuyên con nên mang một thứ gì đó đơn giản hơn đến lớp.

Thế là tôi nói với bố rằng mình không muốn những thứ đơn giản, rằng tôi muốn những thứ trộ được bọn bạn, và bố trả lời rằng bố không có những đồ vật có thể làm lũ bạn tôi kinh ngạc. Thế là tôi nói rằng vì bố đã trả lời như thế, nên chẳng việc gì phải mang đến lớp những thứ không lòe được ai, nên tôi thà ở nhà chứ không bao giờ đến lớp ngày mai, bố đáp lại rằng bố đã ngán ngẩm tôi và muốn cho tôi nghỉ món tráng miệng lắm rồi, và rằng cô giáo tôi có những ý tưởng thật là kì quái ; còn tôi, tôi đá chân vào cái tủ tường. Bố hỏi rằng tôi có muốn một cái phết không, và rồi tôi khóc nhè, làm mẹ từ trong bếp phải đi ra.
-Gì nữa đây ? Mẹ hỏi. Tôi không thể nào để hai người với nhau mà không có chuyện xảy ra. Nicolas ! Không khóc nữa. Có chuyện gì vậy ?
-Chuyện là, bố nói, con trai của em tức giận vì anh từ chối nó một mẩu xương khủng long.

Mẹ nhìn hai bố con tôi và nói rằng có phải là tất cả mọi người trong cái nhà này đang bắt đầu lên cơn dở hơi không. Và thế là bố giải thích cho mẹ, và mẹ nói với tôi :
-Nhưng rút cục thì, Nicolas, chẳng việc gì phải nghiêm trọng hóa vấn đề cả. Ở cái tủ tường kia kìa có những đồ kỉ niệm rất thú vị từ những chuyến đi nghỉ. Ví dụ, cái vỏ sò to đùng mà nhà mình đã mua ở Bains-les-Mers hồi chúng ta đi nghỉ hè ở đó.
-Đúng rồi đấy ! Bố nói. Cái vỏ sò đấy có giá trị bằng tất cả chỗ xương khủng long trên thế giới !

Tôi nói rằng không biết cái vỏ sò đó có làm lũ bạn tôi kinh ngạc không, nhưng mẹ đã an ủi tôi là lũ bạn tôi sẽ thấy nó rất tuyệt vời, còn cô giáo thì hẳn sẽ khen ngợi tôi. Bố tiến tới tủ lấy cho tôi cái vò sỏ, nó rất lớn và có một dòng chữ « Kỉ niệm Bains-les-Mers » viết trên đó, bố nói rằng tôi có thể làm cả thế giới kinh ngạc khi kể về chuyến nghỉ hè ở Bains-les-Mers, về cuộc đi chơi trên đảo Embruns, thậm chí cả cái giá tiền trọ mà nhà tôi phải trả nữa. Và nếu như cái vỏ sò không làm lũ bạn tôi kinh ngạc, thì đó là vì chúng nó là những người khó bị lòe mà thôi. Mẹ cười và gọi bố con tôi ra bàn ăn. Sáng hôm sau, tôi đến trường rất tự hào với chiếc vỏ sò bọc trong phong bì màu hạt dẻ.

Khi tôi đến lớp thì tất cả lũ bạn đều đã ở đó, chúng nó hỏi tôi rằng mình đem gì đến lớp.
-Thế còn chúng mày ? Tôi hỏi.
-À tao sẽ chỉ giới thiệu trước lớp thôi, Geoffroy trả lời, nó lúc nào cũng làm ra vẻ bí ẩn.

Những đứa khác cũng chẳng muốn trả lời, trừ Joachim, nó khoe với chúng tôi một con dao, con dao bảnh nhất mà chúng tôi từng thấy.
-Đây là một con dao rọc giấy, Joachim giải thích, chú tao là Abdon đã đem nó về từ Tolède để làm quà cho bố tao. Nó là đồ Tây Ban Nha đấy.

Bong bóng – giám thị của chúng tôi, nhưng đó không phải là tên thật của ông ý – nhìn thấy Joachim và lập tức tịch thu con dao rọc giấy, ông ta nói rằng mình đã nói cả nghìn lần về việc cấm không được mang các đồ vật nguy hiểm đến lớp.
-Nhưng thưa thầy, Joachim thét lên, đó là theo yêu cầu của cô giáo mà.
-À ? Bong bóng nói. Hóa ra là cô giáo của các cậu đề nghị mang đến lớp một vũ khí thế này à ? Tuyệt. Bây giờ thì tôi không chỉ tịch thu con dao mà tôi sẽ bắt cậu chia cho tôi động từ : « Em sẽ không nói dối thầy giám thị khi thầy đặt câu hỏi về một đồ vật đặc biệt nguy hiểm mà em đã lén lút mang đến trường. » Kêu la chỉ vô ích thôi, còn các cậu khác nữa, im lặng, trừ phi các cậu cũng muốn bị tôi phạt !

Và rồi Bong bóng rung chuông, trong lúc chúng tôi đứng xếp hàng vào lớp thì Joachim không ngừng khóc.
-Mọi việc bắt đầu suôn sẻ đấy nhỉ, cô giáo nói. Nào Joachim, có chuyện gì nào ?

Sau khi nghe Joachim giải thích, cô giáo thở dài và nói rằng mang một con dao đến lớp không phải ý kiến hay, nhưng cô sẽ cố gắng thương lượng chuyện này với thầy Dubon, đó là tên thật của Bong bóng.
-Nào, cô giáo nói. Hãy xem các em đã mang đến những gì. Cả lớp đặt đồ vật của mình lên mặt bàn nào.

Và rồi tất cả đưa ra những đồ vật mang đến từ nhà : Alceste mang đến một thực đơn ở nhà hàng vùng Bretagne mà nó đã ăn rất ngon miệng với gia đình ; Eudes mang một chiếc bưu thiếp vùng Côte d’Azur ; Agnan, một quyển địa lý mà bố mẹ nó đã mua cho ở Normandie ; Clotaire mang đến một giấy xin phép, vì nó chẳng tìm thấy thứ gì ở nhà, nhưng thực tế thì là tại nó không hiểu yêu cầu của cô, nó cứ tưởng phải mang đến lớp một mẩu xương nào đó ; còn Maixent và Rufus thì, hai cái đứa ngu ngốc đấy, lại mang đến lớp mỗi đứa một cái vỏ sò.
-À vâng, Rufus nói, nhưng mà vỏ sò này em đã tìm được trên bãi biển cái lần em cứu một người sắp chết đuối.
-Đừng bốc phét đi, Maixent kêu lên. Đầu tiên, đến bơi ngửa mày còn không biết, và thứ hai là nếu mày tìm thấy nó trên bãi biển, thì tại sao trên vỏ sò của mày lại có dòng chữ : « Kỉ niệm Plage-des-Horizons » ?
-Đúng rồi đấy ! Tôi cũng kêu lên.
-Mày có muốn ăn tát không ? Rufus hỏi.
-Rufus, ra khỏi lớp ! Cô giáo lớn tiếng. Em sẽ bị phạt ngày thứ Năm. Còn Nicolas và Maixent, hai em yên lặng nếu không muốn cũng bị phạt như Rufus !
-Em mang đến lớp một đồ kỉ niệm Thụy Sĩ, Geoffroy vừa nói vừa nhe răng ra cười với vẻ tự hào. Đó là một chiếc đồng hồ vàng mà bố em đã mua ở đó.
-Đồng hồ bằng vàng ? Cô giáo thét lên. Thế bố em có biết rằng em mang nó đến lớp không ?
-À thì không ạ, Geoffroy nói. Nhưng nếu em nói rằng cô đã đề nghị em mang nó đến lớp, thì bố em sẽ không cằn nhằn đâu ạ.
-Rằng tôi đã… ? Cô giáo lại thét lên. Ôi cái đứa bé vô ý thức này ! Em làm ơn cất ngay cái đồ trang sức đó vào túi cho cô.
-Thế còn em, em mà không mang được con dao rọc giấy về nhà, thì bố em sẽ cằn nhằn em rất là kinh khủng đấy ạ, Joachim nói.
-Tôi đã nói rồi, Joachim, là tôi sẽ lo việc đó, cô giáo kêu lên.
-Cô ơi, Geoffroy hét lớn. Em không tìm thấy chiếc đồng hồ nữa ! Em đã để nó lại vào túi như lời cô, nhưng bây giờ em không thấy nó đâu nữa !
-Nhưng mà cuối cùng thì, Geoffroy, cô giáo nói, nó cũng không thể ở đâu xa được đâu. Em đã tìm dưới đất chưa ?
-Rồi ạ thưa cô, Geoffroy trả lời. Nó không có dưới đó.

Và thế là cô giáo tiến tới bàn của Geoffroy và nhìn quanh dưới đất, rồi cô bắt chúng tôi cũng tìm nhưng chú ý là không được dẫm lên cái đồng hồ, còn Maixent thì đánh rơi vỏ sò của tôi xuống đất, tôi lập tức cho nó một cái tát. Cô giáo lại hét lên và phạt cả hai đứa chúng tôi, còn Geoffroy thì nói rằng nếu không tìm thấy chiếc đồng hồ, thì cô giáo nên đến nhà để nói chuyện với bố nó, trong khi ấy Joachim chen vào rằng cô cũng phải đến nhà nó nữa vì vụ con dao rọc giấy.

Nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đấy vì Geoffroy đã tìm thấy chiếc đồng hò trong lớp lót của chiếc áo khoác, còn Bong bóng thì trả lại Joachim con dao rọc giấy và cô giáo thì tha cho tất cả những đứa bị phạt.

Đó là một giờ học rất lý thú, và cô giáo nói với lũ chúng tôi rằng, nhờ có những đồ vật lũ tôi mang đến, cô sẽ không bao giờ quên được bài học này.

doquang1977
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.03.2007
  • Nơi: Việt Nam
Đoàng! - 09.08.2010 18:00:25
Đoàng!



HÔM THỨ NĂM, TÔI BỊ PHẠT Ở LẠI LỚP SAU GIỜ HỌC vì pháo.
Chúng tôi đang ngồi yên trong lớp nghe cô giáo giảng sông Seine có rất nhiều nhánh, và đúng vào lúc cô quay lưng lại để chỉ sông Seine trên bản độ thì Đoàng! một quả pháo nổ. Cửa lớp học mở ra và thầy Hiệu trường bước vào. " Chuyện gì xảy ra vậy?", thầy hỏi." Một học sinh đã đốt pháo", cô giáo trả lời. "À! À! thầy HIệu trưởng nói, nếu vậy! Ai đã làm chuyện đó hãy tự nhận lỗi ngay đi, nếu không tất cả lớp sẽ bị phạt ở lại vào thứ Năm!" Thầy Hiệu trưởng khoanh tay đứng chờ, nhưng chẳng ai nói gì.
Rồi thằng Rufus đứng lên."Thưa thầy", cậu ta nói." Gì vậy em?" thầy Hiệu trưởng trả lời. "là Geoffroy đấy, thưa thầy", Rufus nói. " Mày có bị hâm không", Geoffroy hỏi. "Mày đừng tưởng tao sẽ chịu mày thay vì việc mày nghịch pháo!", Rufus hét lên. Rồi hai đứa xông vào đánh nhau.
Lớp học trở nên ồn ào kinh khủng, vì tất cả chúng tôi bắt đầu bàn tán với nhau và vì thấy Hiệu trưởng đấm rất mạnh xuống bàn cô giáo nhiều lần và quát lên:"Trật tự!". " Nếu đã vậy, nếu như không ai chịu nhận, thì thứ Năm tất cả sẽ bị phạt ở lại lớp!". Rồi thầy Hiệu trưởng đi mất, trong khi thằng Agnan, cục cưng của cô giáo, ngồi bệt xuống đất khóc và kêu rằng như thế là không công bằng, rằng sẽ không ở lại chịu phạt, rằng nó sẽ mách với bố mẹ và sẽ chuyển trường. Điều buồn cười nhất là chúng tôi vẫn không biết ai là người đã nghịch pháo.
Chiều thứ năm, khi đến trường, chúng tôi chẳng cười đùa tẹo nào, nhất là thằng Agnan lần đầu tiên phải chịu phạt; nó khóc và còn nấc lên nữa. Trong sân, thầy Nước Lèo đã đứng sẵn chờ chúng tôi. Thầy Nước Lèo là thầy giám thị của chúng tôi; chúng tôi gọi thầy như vậy vì lúc nào thầy cũng bảo: " Nhìn thẳng vào mắt thầy đây", làm chúng tôi nghĩ tới những cái bong bóng tròn thô lố như mắt trong thùng nước lèo. Biệt hiệu ấy là do hội lớp lớn đã nghĩ ra. "Xếp hàng vào, một hai, một hai", thầy Nước Lèo nói. Và chúng tôi đi theo thầy.
Khi chúng tôi ngồi vào lớp, thầy Nước Lèo nói:"Tất cả các em, nhìn thẳng vào mắt thầy đây! Vì lỗi của các em mà hôm nay thầy buộc phải ở lại trường. Thầy báo trước cho các em biết là thầy không thể chịu được bất cứ một sự vô kỉ luật nào! Các em hiểu chưa?"
Chúng tôi không dám ho he gì vì chúng tôi thấy rõ bây giờ không phải là lúc đùa. Thầy Nước Lèo tiếp tục:" Giờ các em sẽ viết cho thầy ba trăm lần: không thể chấp nhận được chuyện nghịch pháo trong lớp rồi lại không chịu nhận lỗi". Rồi tất cả chúng tôi đừng lên vì thầy Hiệu trưởng bước vào lớp. " Thế nào, thầy Hiệu trường hỏi, những anh chàng mê nổ pháo của chúng ta ra sao rồi?". "Tạm được, thưa thầy Hiệu trưởng, thầy Nước Lèo đáp, tôi đã nói các học sinh viết ba trăm dòng đúng như thầy yêu cầu"." Tốt lắm, tốt lắm, thầy Hiệu trưởng nói, không một ai được ra khỏi đây chừng nào chưa viết xong từng ấy dòng. Như thế các em sẽ rút ra bài học". Thầy Hiệu trưởng nháy mắt với thầy Nước Lèo rồi bước ra khỏi lớp. Thầy Nước Lèo buông một tiếng thở dài rồi nhìn ra ngoài cửa số; bên ngoài trời nắng rất đẹp. Thằng Agnan lại bắt đầu khóc. Thầy Nước Lèo nổi cáu và thầy nói với Agnan nếu nó không thôi ngay cái trò đó thì cứ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Thế là Agnan ngồi bệt ra đất; nó bảo chẳng ai yêu nó sất cả, rồi mặt nó trở nên xanh lét. Thầy Nước Lèo phải ôm Agnan chạy ra ngoài.
Thầy Nước Lèo ra ngoài khá lâu, được một lúc, Eudes nói: "Tao sẽ đi xem xảy ra chuyện gì". Rồi nó vào Joachim đi ra ngoài. Thầy Nước Lèo quay lại cùng với Agnan. Agnan có vẻ đã bình tình lại, thỉnh thoảng nó có sụt sịt đôi chút, nhưng cũng bắt đầu ngồi viết mà không nói năng gì.
Rồi Eudes và Joachim quay lại: "Ôi, thầy đây rồi, Eudes nói với thầy, bọn em tìm thầy khắp nơi". mặt thầy Nước Lèo đỏ tía lên:"Thầy chán ngấy mấy trò hề của các em rồi, thầy quát lên. các em có nghe thầy Hiệu trưởng nói gì chưa, khẩn trương viết cho xong các dòng chữ của mình đi, nếu không, các em sẽ phải ở lại đây qua đêm cho mà xem!". "Thế còn bữa tối thì sao ạ?", thằng Alceste, cái thằng to béo ăn luôn mồm lên tiếng hỏi. "Thầy ơi, mẹ em không cho phép em về muộn buổi tối đâu ạ", tôi giải thích. "Em nghĩ nếu như có thể bớt số dòng đi, thì có lẽ chúng em sẽ viết xong nhanh hơn ạ", Joachim nói. "Giá mà có thể viết câu ngắn hơn, Clotaire nói, vì em không biết viết dúng chính tả chữ "chấp nhận". "Xì, tao viết bằng ch nhẹ", Eudes nói. Còn Rufus thì bắt đầu cười nhạo. Tất cả chúng tôi xôn xao bàn tan cho tới khi thầy Nước Lèo đấm mạnh xuống bàn. "Thay vì mất thời gian, thầy quát lên, các em tập trung vào viết chữ nhanh lên đi!"
Thầy Nước Lèo có vẻ vông cùng sốt ruột, thầy đi đi lại lại trong lớp và chốc chốc, thầy dừng lại bên cửa số và buông một hơi thở dài nặng nề. "Thưa thầy!", Maixent nói. "Trật tự! Thầy không muốn nghe các con nói gì nữa! Một lời cũng không! Tuyệt đối không!", thầy lại quát lên. Trong lớp chỉ còn nghe thấy tiếng bút mực cạo trên giấy, tiếng thở dài của thầy Nước Lèo và tiếng sụt sịt của Agnan.
Agnan là người đầu tiên viết đủ số dòng và mang tới cho thầy Nước Lèo. Thầy Nước Lèo tỏ ra rất hài lòng. Thầy vỗ nhẹ nhẹ lên đầu Agnan vào bảo chúng tôi phải học tập nó. Từng đứa một, chúng tôi lần lượt viết đủ số dòng và mang lên nộp cho thầy Nước Lèo. Chỉ còn có thằng Maixent là không viết gì cả. "Tất cả mọi người đang chờ em đấy, thầy Nước Lèo hét lên. Tại sao em không viết hả?". "Em bị hết mực, thưa thầy". Thầy Nước Lèo trợn tròn hai mắt." Thế tại sao em không nói với thầy?", thầy Nước Lèo hỏi. "Em đã định nói, thưa thầy, nhưng thầy bảo em trật tự", Maixent trả lời. Thầy Nước Lèo đưa tay ôm lấy mặt và thầy bảo chúng tôi đưa mực cho Maixent. Maixent bắt đầu ngồi viết rất chăm chú. Nó viết chữ rất đẹp. "Em viết được bao nhiêu dòng rồi?", thầy Nước Lèo hỏi. "Hai mươi ba, sang dòng thứ hai mươi tư ạ", Maixent trả lời. Thầy Nước Lèo có vẻ phân vân một lát, rồi thầy cầm lấy tờ giấy của Maixent, quay lại bàn của thầy, rút bút từ trong túi áo ra và bắt đầu ngồi viết từng dòng một rất nhanh, trong lúc chúng tôi nhìn thầy ngạc nhiên.
Khi viết xong, thầy có vẻ rất hài lòng. "Agnan, đi báo với thầy Hiệu trưởng biết bài phạt đã được hoàn thành". Thầy Hiệu trưởng vào lớp, và thầy Nước Lèo đưa bài nộp cho thầy Hiệu trưởng. "Tốt lắm, tốt lắm, thầy Hiệu trưởng nói, thầy nghĩ buổi hôm nay đã dạy cho các em một bài học. Giờ thì các em có thể ra về được rồi". Và đúng lúc đó thì, Đoàng! một quả pháo lại nổ tung trong lớp và tất cả chúng tôi lại bị phạt ở lại trường vào thứ Năm tuần sau.

lieucao
  • Số bài : 1
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.08.2008
RE: Đoàng! - 12.08.2010 16:57:38
Rất cảm ơn bạn doquang1977 vì đã muốn đóng góp cho dự án Nhóc Nicolas, nhưng bạn ơi, bạn post cả truyện từ những tập khác vào đây rồi. Mình đang muốn up theo trình tự trong sách, để những bạn không có sách dễ dàng theo dõi hơn. Đây là tập 2 trong bộ "Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể"