Hôm nay mình sẽ giới thiệu tới các bạn trên vnthuquan một tuyệt phẩm của 2 nhà hài hước đại tài Goscinny và Sempé. Một tác phẩm dành tặng cả người lớn và trẻ em.
Đây là một trong series sáu cuốn đã được CTy Nhã Nam xuất bản: "Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2".
Hy vọng có thể giúp làm phong phú thêm cho vnthuquan.
Truyện đầu tiên:
Cơ quan của bố
THỨ NĂM, tôi đi chợ cùng với mẹ. Mẹ mua cho tôi một đôi giày màu vàng đẹp cực, và thật tiếc là tôi không thể xỏ vào được vì chúng làm tôi đau chân, có điều để khỏi làm cho mẹ phiền lòng và để cho vẫn ngoan, tôi không nói cho mẹ biết điều đó. Ra khỏi cửa hàng, mẹ chỉ cho tôi một tòa nhà rất to và mẹ bảo: “Cơ quan của bố ở trong tòa nhà kia; hay là mẹ con mình ghé thăm bố?” Tôi liền nói đó là một ý hay ơi là hay.
Đúng vào lúc mẹ mở cửa phòng làm việc của bố, chúng tôi nghe thấy một tiếng động rất to phát ra từ bên trong, rồi mẹ và tôi bước vào một căn phòng có hàng đống ông trông có vẻ rất bận rộn. Bố ngước đầu lên khỏi đống giấy tờ đang xem, rồi bố có vẻ cực kỳ ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi. “Ô kìa? Bố nói, hai người làm gì ở đây vậy? Thế mà mọi người cứ tưởng là sếp đang vào cơ đấy.” Các ông khác trong phòng, khi thấy chính là chúng tôi, thì trông đã có vẻ bớt bận rộn hơn trước.
“Các cậu, bố nói, tớ xin giới thiệu với các cậu vợ tớ và con trai tớ, Nicolas.” Các ông kia đứng dậy khỏi bàn và tiến đến chào chúng tôi. Bố giới thiệu họ với mẹ. “Cái cậu to béo kia là Barlier, một tay phàm ăn đấy,” bố nói. Ông Barlier liền cười; ông ấy giống thằng Alceste bạn tôi, có điều có thêm cái cà vạt. Alceste là cái thằng học cùng lớp với tôi, lúc nào cũng ăn liên mồm. “Còn đây là Duparc, bố tiếp tục giới thiệu, vua của các loại tàu bay giấy. Cái người đeo kính là Bongrain; nếu là một nhân viên kế toán thì cậu ta thường lắm, nhưng nếu xét khả năng trốn việc thì là quán quân đấy. Cái người mà thấp bé đằng kia là Patmouille, cậu ta có thể ngủ mà vẫn mở mắt được; tiếp đến là Brumoche, Trempé, và cuối cùng, cái người răng to tướng ấy, chính là Malbain.” “Ít nhất chúng tôi cũng không quấy rầy các vị chứ?” mẹ hỏi. “Ồ không, thưa chị, không hề, ông Bongrain đáp lời. Hơn nữa, ông Moucheboume, sếp của chúng tôi, bây giờ cũng không có ở đây.” “Thế nào, chính là Nicolas lừng danh mà người ta vẫn nói đến từ bao lâu nay đây phải không?” Ông Malbain, tức là cái ông có đống răng, bèn hỏi. Tôi liền trả lời rằng đúng là tôi, thế là tất cả các ông ấy đều xoa đầu tôi, và họ hỏi tôi một loạt câu hỏi xem ở trường tôi có học giỏi không, tôi có ngoan không và ở nhà bố tôi có rửa bát không. Câu hỏi nào tôi cũng trả lời có, để khỏi bị sinh sự, thế là tất cả các ông ấy đều cười. “Láu cá lắm, bố nói, cứ trả lời sự thật cho họ biết, Nicolas.” Thế là tôi liền nói rằng ở trường không phải lúc nào tôi cũng học tốt và các ông ấy lại còn cười to hơn cả lúc trước. Y như là đang trong giờ ra chơi vậy. Hay kinh khủng.
“Đấy, con thấy chưa Nicolas, bố nói với tôi, đây là chỗ bố làm việc đấy.” “Thỉnh thoảng thôi, giữa hai vụ rửa bát,” ông Trempé nói, và bố đấm ông ấy một phát vào cánh tay, còn ông Trempé thì gõ một phát lên đầu bố. Còn tôi, tôi ngó cái máy chữ nằm ở trên bàn. Ông Patmouille tiến lại gần tôi, và ông ấy hỏi tôi có muốn học đánh máy bằng máy chữ của ông ấy không, thế là tôi bảo rằng có, rằng tuy thế tôi không muốn làm phiền ông ấy. Ông Patmouille bảo rằng tôi đúng là một cậu bé ngoan, rằng ông ấy cũng đang dở việc, nhưng không sao cả, và ông ấy gỡ ra khỏi máy chữ một tờ giấy trên đó có viết badabadabadabudubudubodobodobodo, hàng đống những dòng như thế. Ông Patmouille chỉ cho tôi xem phải làm thế nào và tôi thử, nhưng tôi nhấn không đủ mạnh lên các phím, ông Patmouille bảo tôi đừng có sợ mà cứ gõ mạnh hơn nữa đi, thế là tôi liền đấm một phát xuống cái máy chữ, có rất nhiều tiếng kêu phát ra, và ông Patmouille có vẻ hơi bực mình, đến lượt mình ông ấy cũng thử gõ vào cái máy chữ và ông ấy nói có cái gì đó đã bị gãy, rồi ông ấy bắt đầu sửa cái máy.
Tôi đang đứng nhìn ông Patmouille với một mớ dây ruy băng đỏ và đen bày đầy khắp cả, đẹp ơi là đẹp, thì thấy có một cái tàu bay giấy bay vụt qua ngay dưới mũi. Đấy là ông Duparc đã ném nó cho tôi. Nó thật là kinh khủng, cái máy bay của ông Duparc, trên hai cánh của nó còn có các màu xanh, trắng, đỏ trông y như trên máy bay thật. “Cháu có thích cái máy bay đó không?” ông Duparc hỏi tôi; và tôi trả lời rằng có, thế là ông Duparc bảo tôi rằng ông ấy sẽ dạy cho tôi, rồi ông rút từ trong ngăn kéo bàn làm việc ra một tờ giấy trên đó có ghi chữ: “Công ty Moucheboume”, và rất nhanh, bằng kéo, hồ dán, và bút chì màu, ông làm ngay một cái máy bay khác. Ông Duparc này thật là may mắn; ở nhà ông ấy chắc phải có cả đống máy bay. “Cháu tập làm đi, ông Duparc bảo tôi, trên bàn có giấy đấy.”
Tôi bắt đầu gập máy bay, trong khi những người khác mải xúm quanh ông Patmouille lúc này đang rất bận rộn với cái máy chữ của ông ấy. Ông ấy có đầy những vết màu đỏ và màu đen trên mặt và tay, do cái ruy- băng gây ra, giống như cái bộ pyjama màu xanh dương của bố tôi. Bố và các ông khác thì đưa ra những lời khuyên để chọc cười ông Patmouille; người duy nhất không có mặt trong đám, đó là ông Barlier, ông ấy ngồi ở bàn làm việc của mình, hai chân gác lên mặt bàn và vừa ăn một quả táo vừa đọc báo.
Thế rồi, tất cả mọi người nghe thấy một tiếng ho thật to, và ai nấy đều ngoảnh lại. Cửa phòng làm việc mở ra, có một ông đã đứng ngay đó, có vẻ không hài lòng.
Tất cả các bạn của bố đều dừng lại không cười đùa nữa, và họ quay trở về bàn làm việc. Ông Barlier đã nhấc hai chân ra khỏi mặt bàn, ném tờ báo vào trong ngăn kéo cùng với phần còn lại của quả táo đang ăn dở, và ông ấy bắt đầu viết. Ông ấy làm tất cả những việc đó nhanh khủng khiếp, nhất là với một người béo thế. Ông Patmouille gõ vào máy chữ, nhưng tôi không tin là ông ấy có thể làm việc tốt bởi vì dây ruy-băng vẫn còn quấn đầy hai tay ông, trông giống như bố mỗi lần giữ len giúp mẹ để mẹ cuộn lại thành búp.
Bố bước lại gần ông kia, rồi bố nói với ông ấy: “Thưa sếp, vợ và con trai tôi ghé qua đây, hai người đến thăm để gây bất ngờ cho tôi.” Rồi bố quay về phía mẹ và nói với chúng tôi: “Em yêu, Nicolas, bố giới thiệu với hai mẹ con đây là ông Moucheboume.” Ông Moucheboume cười với chúng tôi mà chỉ hơi nhếch mép, ông ấy bắt tay mẹ, ông ấy nói rất hân hạnh, ông ấy đưa tay lên vuốt tóc tôi và hỏi ở trương tôi học có giỏi không và có ngoan không. Ông ấy chẳng nói gì tới việc rửa bát cả. Thế rồi ông Moucheboume nhìn cái máy bay tôi đang cầm trong tay, ông ấy bảo tôi có cái máy bay đẹp nhỉ, mà đúng là cái máy bay của tôi ổn thật. Đây là cái đầu tiên bay được, các cái trước đều bị hỏng và tôi đã phải vứt chúng đầy ra đất. “Cháu sẽ đưa nó cho bác, nếu bác thích,” tôi nói với ông Moucheboume. Vậy là ông Moucheboume liền cất tiếng cười thật sự, ông ấy cầm lấy cái máy bay, ông ấy nhìn nó, rồi ông ấy không cười nữa, ông ấy mở hai mắt tròn xoe to như hai quả trứng luộc mà mẹ vẫn chuẩn bị cho những buổi đi dã ngoại. “Nhưng đây là hợp đồng với ông Tripaine mà!” ông Moucheboume hét lên, “và ngày mai ông Tripaine sẽ tới đây để ký!”
Thế là tôi bắt đầu khóc, tôi nói rằng tôi đã tìm thấy giấy trên bàn của ông Duparc, và rằng tôi đã lấy giấy viết rồi để khỏi lãng phí giấy trắng. Ông Moucheboume hiền ơi là hiền, ông ấy nói chẳng sao cả đâu, vì ông Duparc và các đồng nghiệp của ông ấy sẽ rất sẵn lòng làm lại cái hợp đồng ấy, cho dù tối nay họ có phải ở lại muộn.
Lúc chúng tôi đi về, bố và các bạn của bố làm việc không hề gây ra tiếng động, còn ông Moucheboume thì đi đi lại lại giữa những cái bàn, hai tay chắp sau lưng, trông giống y như thấy Nước Lèo, thầy giám thị của chúng tôi, trong giờ kiểm tra môn số học. Tôi sốt ruột muốn nhanh thành người lớn kinh lắm, để khỏi phải đến trường nữa và để có thể làm việc trong một cơ quan, giống như của bố!
Bố bọn mình cũng là bạn
BUỔI TRƯA khi từ cơ quan trở về nhà ăn trưa, bố bảo tôi:
- Này, Nicolas, hôm nay có bố bạn con đến tìm bố; Eudes, hình như tên của nó đấy.
- À vâng, đúng đấy, tôi đáp. Đó là một đứa bạn hay cực, nó học cùng lớp với con. Nhưng bố đã gặp nó rồi còn gì, ở ngay nhà mình ấy.
- Phải, bố nói, đó là cái thằng nhóc lực lưỡng, đúng không? Khi bố nó bước vào phòng, bố đã nhủ thầm là bố đã gặp người này ở đâu đó, thế rồi bố nhớ ra rằng bố đã làm quen với ông ta trong buổi phát giải thưởng ở trường con năm ngoái, nhưng bố và ông ta chưa có dịp nói chuyện với nhau.
- Thế anh ta đến cơ quan của anh làm gì? Mẹ hỏi.
- Ôi dào, bố đáp, anh ta đến với tư cách một khách hàng. Đó là một người cũng hay, mặc dù khá chặt chẽ trong chuyện làm ăn. Tuy nhiên, sau khi anh và anh ta nhận ra nhau, anh ta đã trở nên mềm mỏng hơn rất nhiều, đến mức sáng ngày mai anh ta sẽ trở lại để ký hợp đồng. Moucheboume rất hài lòng. Mà để cho sếp hài lòng thì…Mà thôi, suy cho cùng thì cũng nhờ Nicolas mà vụ làm ăn này thành công!
Chúng tôi đều cười vui vẻ, rồi bố bảo:
- Khi nào gặp Eudes, con nhớ nói với nó rằng nó có một ông bố thật là đáng mến nhé.
Chúng tôi ăn xong bữa trưa (thịt bê đút lò, mì ống, táo) và tôi vội vàng chạy đến trường, bởi vì tôi chỉ muốn kể ngay cho thăng Eudes chuyện bố chúng tôi đã trở thành bạn.
Khi tôi đến trường, thằng Eudes đang đứng trong sân chơi bi với thằng Joachim.
- Này, Eudes, tôi hét lên, bố tao đã gặp bố mày và họ sẽ thực hiện hàng đống vụ làm ăn với nhau.
- Không đùa đấy chứ? Eudes nói, nó là cái thằng ăn trưa ở căng tin, và vì nó không về nhà ăn trưa nên bố nó chẳng thể kể gì cho nó nghe cả.
- Ừ, tôi đáp. Và bố tao đã bảo tao nói lại với mày rằng bố mày quá tuyệt.
- Đúng là bố tao quá tuyệt, Eudes nói. Mặc dù mỗi lần tao mang sổ liên lạc cuối kỳ về, bố tao đều làm loạn cả lên, và bố còn đưa cho tao xem một quyển sổ liên lạc cũ, trong đó bố tao đứng thứ nhất môn số học. Này, nói xem, có phải sẽ hay kinh khủng không, nếu bố mày trở thành bạn bố tao!
- Ồ! Đúng thế, tôi nói. Biết đâu họ lại chẳng đưa tao với mày đi xem phim cùng nhau, rồi còn đi ăn nhà hàng nữa chứ! À mà bố tao còn bảo bố mày rất chặt chẽ trong chuyện làm ăn.
- Thế có nghĩa là thế nào? Thằng Eudes hỏi tôi.
- Ôi dào, tao cũng chẳng biết nữa, tôi đáp. Tao tưởng mày phải biết chứ, vì đó là bố mày cơ mà.
- Tao biết đấy, Geoffroy nói, cái thằng vừa mới đi tới. Rất chặt chẽ trong chuyện làm ăn có nghĩa là không để yên khi kẻ khác định tìm cách xỏ mũi mình. Chính bố tao đã giải thích như vậy, và bố tao chả bao giờ để cho ai xỏ mũi cả.
- À, được lắm, này, thằng Eudes nói, bố tao cũng vậy, ông ấy chẳng để cho ai xỏ mũi đâu! Và mày có thể bảo với bố mày, Nicolas ạ, rằng nếu bố mày định xỏ mũi bố tao, thì cứ chờ đấy nhé!
- Nhưng bố tao có định xỏ mũi bố mày đâu cơ chứ! Tôi hét lên.
- Có đấy, thằng Eudes nói.
- Được lắm! tôi hét lên. Mà có phải bố tao đến chỗ bố mày đâu. Tự bố mày đã tìm đến đấy chứ! Chả ai mời bố mày đến sất! Suy cho cùng, cũng có ai cần đến bố mày đâu, phải đấy, đừng có mà đùa!
- Ái chà, không ai cần đến bố tao cả phải không? Thằng Eudes nói. Này, thế mà bố mày lại có vẻ rất vui mừng khi được gặp bố tao đấy!
- Đừng có làm tao phải phì cười, tôi nói. Bố tao rất bận và bố tao chẳng thích có hàng đống những kẻ thảm hại cứ đến quấy rầy bố tao đâu!
Thế là, thằng Eudes nhảy bổ vào người tôi và nó đấm tôi một quả vào mũi, còn tôi thì đá cho nó một phát, và trong khi chúng tôi đang mải đánh nhau thì thầy Nước Lèo chạy đến. Thầy Nước Lèo chính là thầy giám thị của chúng tôi, và thầy không hề thích nhìn thấy ai đánh nhau trong sân trường. Thầy tách chúng tôi ra, thầy túm lấy mỗi đứa bằng một tay rồi thầy bảo:
- Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây, cả hai cậu! Lần này thì đúng là quá lắm rồi nhé, lũ lỏi con! Tôi sẽ cho các cậu biết thế nào là đánh nhau! Đi nào! Cả hai cậu đi thẳng lên phòng Hiệu trưởng! Để rồi xem thầy Hiệu trưởng sẽ nói gì về hành vi của hai cậu!
Vậy là chúng tôi lúng túng hết sức, bởi vì mỗi lần chúng tôi bị dẫn lên phòng hiệu trưởng, thì thế nào cũng to chuyện, vì thầy Hiệu trưởng nhất định sẽ bắt phải chịu những hình phạt kinh khủng, thậm chí thầy còn đuổi ra khỏi trường, như thầy đã làm thế hai lần với thằng Alceste, may mà mọi chuyện cũng ổn thỏa cả. Thầy Nước Lèo gõ cửa phòng Hiệu trưởng, rồi thầy bảo chúng tôi đi vào. Riêng tôi cảm thấy một cục to đùng nghẹn trong cổ họng, và thằng Eudes trông cũng cứ nghệt ra.
- Chuyện gì vậy, thầy Dubon? Thầy Hiệu trưởng hỏi, thầy đang ngồi sau cái bàn làm việc to đùng của thầy, trên mặt bàn có một lọ mực to đùng, một tập giấy thấm và một quả bóng đá tịch thu được.
Thầy Dubon, chính là thầy Nước Lèo – đẩy chúng tôi đến trước mặt thầy Hiệu trưởng và nói:
- Hai trò này đang đánh nhau trong sân trường, thưa thầy Hiệu trưởng. Cả hai đều đã bị bắt gặp đánh nhau khá nhiều lần, nên tôi nghĩ có lẽ thầy muốn nói chuyện với chúng.
- Thầy làm rất đúng, thầy Dubon ạ, thầy Hiệu trưởng nói. Thế nào, các ông mãnh, các em đến trường để luyện đấm bốc hả? Các em cư xử như những kẻ lỗ mãng vậy hả? Các em không hề biết rằng các em đang đi vào con đường sai trái phải không, lũ trẻ đáng thương? Đó là con đường dẫn đến sự hư hỏng và tù tội chứ còn gì?... Rồi bố mẹ các em sẽ nói gì khi người ta đưa các em vào tù? Những ông bố bà mẹ tội nghiệp của các em, những người đã hy sinh mọi thứ vì các em và luôn là những tấm gương cho các em về cách cư xử đúng mực và đứng đắn… Thế còn, trước tiên, vì lý do gì lại xảy ra cuộc đánh nhau này?... Thế nào, thầy đang nghe đây!
Thế là cả Eudes và tôi đều bật khóc.
- Ôi không! Ôi không! Thầy Hiệu trưởng kêu lên. Thầy không thích cái kiểu đó chút nào! Nicolas, trả lời đi!
- Nó cứ bảo là bố em định xỏ mũi bố nó! Tôi đáp. Mà điều đó thì không hề đúng sự thật!
- Không, đúng thế đấy ạ! Thằng Eudes hét lên. Hơn nữa nó còn bảo bố nó nói rằng bố em là một kẻ thảm hại! Hơn nữa bố em khỏe hơn bố nó, vì thế nếu nó không chịu rút lại những lời đã nói, em sẽ bảo bố em chờ bố nó ở cổng trường và cho bố nó mấy quả đấm vào mũi!
- Bố mày cứ thử làm thế đi, xem nào! Tôi hét lên. Hơn nữa bố tao còn khỏe hơn bố mày! Khỏe hơn đứt! Cho nên nếu bố tao có xỏ mũi bố mày thì lại càng tốt!
Rồi cả hai chúng tôi đều khóc, và thầy Hiệu trưởng đấm một quả thật mạnh lên mặt bàn làm việc, và quả bóng đá nảy bật xuống đất.
- Trật tự! Thầy đã bảo trật tự, thầy hét lên. Trật… Thôi nào. Các em đã làm thầy phiền lòng quá thể. Các em đã lôi cả bố mình vào trận ẩu đả ngu ngốc mà chẳng có một chút lý do chính đáng nào cả. Chắc chắn bố của hai em đều tôn trọng nhau, bởi họ là những người đáng tôn trọng, thầy biết rõ họ, và nếu các em kể chuyện này cho bố các em nghe thì họ sẽ là những người đầu tiên thấy nực cười… Các em đã không suy nghĩ gì trước khi nói và chính vì thế thầy không muốn phạt các em. Thầy nghĩ rằng thế này cũng đủ là một bài học cho các em rồi và chẳng bao giờ thầy Nước… thầy Dubon phải dùng đến hình phạt đối với các em. Giờ thì các em hãy bắt tay nhau và quên ngay cái chuyện rắc rối vớ vẩn này đi.
Cả thằng Eudes và tôi đều vui hết sảy vì đã không bị đuổi ra khỏi trường và chúng tôi liền bắt tay nhau.
Thầy Hiệu trưởng cười rất tươi, chúng tôi xì mũi, chúng tôi ra khỏi phòng giám hiệu và chúng tôi vẫn còn có đủ thời gian làm một ván bi trước khi chuông reo.
Và ngày hôm sau, vào buổi trưa, bố hỏi tôi:
- Thế nào, Nicolas, cái thằng bạn Eudes của con sao rồi?
- À, tôi đáp, nó là một đứa bạn hay cực.
- Hả? bố thốt lên. Bởi vì bố của nó thì lại rất kỳ lạ. Sáng nay, ông ta đã gọi điện tới cơ quan và ông ta nói rằng bởi vì ông ta là cái đồ thảm hại nên cái hợp đồng với bố thì bố cứ việc giữ lấy, rằng ông ta sẽ đi làm ăn ở chỗ khác, rồi ông ta gác máy.
Anselme và Odile Patmouille
HÔM NAY, BỐ, MẸ VÀ TÔI sẽ sang uống trà ở nhà ông bà Patmouille. Ông Patmouille làm việc trong cùng cơ quan với bố tôi.
“ Nhất định con sẽ thích, Nicolas ạ, bố nói với tôi. Patmouille có hai đứa con, một trai và một gái, hình như chúng nó ngoan lắm. Bố mong con sẽ chứng tỏ cho chúng thấy con là con nhà có giáo dục…” Tôi liền đáp rằng tôi đồng ý. Ông bà Patmouille ra mở cửa cho chúng tôi và họ có vẻ vui mừng hết sảy khi nhìn thấy chúng tôi. “Anselme! Odile! Các con tới đây xem bạn Nicolas đến đây này!” Bà Patmouille kêu lên, và Anselme cùng Odile chạy tới. Anselme lớn hơn tôi một tẹo, còn con bé Odile nhỏ hơn. Chúng tôi cùng nói: “Chào.” “Tôi chắc chắn là Nicolas ở trường học rất giỏi, phải không chị?” Bà Patmouille hỏi mẹ. “Đừng có nói làm gì, chị à, mẹ đáp, nó làm chúng tôi phiền ghê lắm, nó nghịch dại vô cùng!” “Ái chà chà! Bà Patmouille nói, cái thằng cu nhà tôi thì kém gì hả chị! Còn con bé con thì suốt ngày ốm vặt. Ôi! Cái lũ trẻ này, chúng nó khiến chúng ta phải bận lòng biết bao!” “Anselme, Odile, ông Patmouille nói, các con dẫn bạn đi ăn lót dạ đi. Nhớ chơi vui vẻ với nhau và phải ngoan đấy!” Ông Patmouille giải thích với mẹ tôi rằng họ đã chuẩn bị bàn ăn bữa lót dạ cho chúng tôi trong phòng trẻ con, để chúng tôi giữ yên lặng. Thế rồi, ông ấy túm lấy cánh tay bố và ông ấy bắt đầu kể cho bố nghe những chuyện về ông Moucheboume, tức là sếp của bố và ông Patmouille, trong khi mẹ thì vừa cười ngặt nghẽo vừa kể cho bà Patmouille nghe về một trò nghịch ngợm của tôi, và điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì lúc tôi nghịch cái trò đó thì mẹ chẳng hề cười tẹo nào.
“Nào, mày có đi không?” thằng Anselme bảo tôi, và thế là tôi đi theo nó vào tận trong phòng của nó. Khi chúng tôi vào đến trong phòng, thằng Anselme liền quay lại với con Odile và bảo nó: “Tao có bảo mày đi theo tao đâu hả!” “Thế sao em lại không được theo? Con Odile hỏi. Cái phòng này cũng là phòng của em. Chưa kể em cũng được quyền ăn bánh như anh! Tại sao em lại không được đi theo hả?” “Ai bảo mày mũi đỏ, tại thế đấy!” thằng Anselme đáp. “Không đúng! Mũi em có đỏ đâu, con Odile gào lên. Em sẽ đi mách mẹ!” Và rồi bà Patmouille cùng mẹ tôi chạy đến. “Thế nào, bà Patmouille hỏi, các con vẫn còn chưa ăn hay sao? Sô-cô-la nguội đến nơi rồi.” “Anh ấy cứ bảo mũi con đỏ!” con Odile gào lên. Bà Patmouille và mẹ liền cười. “Chúng nó hay chành chọe nhau lắm,” bà Patmouille nói. Thế rồi bà ấy thôi không cười, và bà ấy trợn mắt nhìn thằng Anselme và con Odile rồi nói: “Ngồi vào bàn ngay và đừng có để mẹ nghe thấy tiếng các con nữa đấy!” rồi bà ấy và mẹ đi ra. Cả ba chúng tôi cùng ngồi quanh bàn, mỗi đứa một cốc sô-cô-la, một miếng bánh ngọt và có cả bánh mỳ tẩm gia vị với tẩm mứt nữa. Thích thật. “Mày là đồ mách lẻo!” Thằng Anselme bảo với con Odile. “Không phải, con Odile đáp, mà nếu anh còn nói em là đồ mách lẻo lần nữa thì em sẽ nói với mẹ!” “Còn tao, đêm nay tao sẽ dọa mày!” Thằng Anselme nói. “Ôi dào! Em chẳng sợ anh dọa, em chẳng sợ anh dọa…” con Odile hót. “Thế à! Không sợ hả? thằng Anselme hỏi, nếu thế thì tao sẽ làm quái vật cho mày thấy. Hú…ú…ú! Tao là quái vật đây!” “Ôi dào! Con Odile nói, em hết sợ quái vật rồi.” “Nếu thế, thằng Anselme lại bảo, tao sẽ làm con ma. Hú…ú…ú! Tao là con ma đây!” Con Odile ngoác miệng ra thật to, và nó bắt đầu khóc và gào lên: “Em không thích anh làm ma đâu!” Thế rồi bà Patmouille chạy đến, chẳng hài lòng tẹo nào. “Mẹ mà còn nghe thấy tiếng các con một lần nữa thôi, bà ấy nói, là mẹ sẽ phạt cả hai đứa đấy. Bạn Nicolas sẽ nghĩ gì cơ chứ? Các con không biết ngượng à? Nhìn xem Nicolas mới ngoan làm sao!” Rồi bà ấy đi ra.
Chúng tôi ăn xong, thằng Anselme bảo tôi: “Chúng mình chơi gì bây giờ?” “Hay chơi tàu điện đi?” con Odile hỏi. “Mày nhé, có ai hỏi mày đâu, thằng Anselme đáp. Trước hết, lũ con gái thì phải chơi búp bê chứ không phải là quấy rầy người lớn!” “Cái tàu đấy cũng là của em! Bố đã cho cả hai anh em cơ mà! Em cũng có quyền chơi nó như anh!” Thằng Anselme liền cười, nó vừa nhìn tôi vừa lấy tay chỉ con Odile. “Đấy, mày có nghe thấy con đó nó nói không?” nó bảo tôi. “Tất nhiên rồi, con Odile nói, cái tàu là của cả hai, nếu anh không để em chơi với, thì cũng không ai được chơi với nó cả!” Thằng Anselme nói và chạy tới chỗ cái tủ và bắt đầu lôi các đoạn đường ray cùng với một cái đầu tàu hết sảy và một đống toa tàu. “Không, không là không! Em cấm anh không được đụng đến tàu của em đấy!” con Odile hét lên. “Mày có muốn ăn cái tát không hả?” thằng Anselme hỏi, thế rồi cửa bật mở và ông Patmouille cùng bố bước vào. “Cậu trông này, ông Patmouille nói với bố, đây là phòng của bọn trẻ. Thế nào các con, chơi vui vẻ chứ?” “Anh ấy muốn chơi cái tàu của con nhưng không chịu cho con chơi với!” con Odile hét lên. “Tốt, tốt, cứ chơi tiếp đi, ông Patmouille đáp, vừa lấy tay xoa đầu Odile. Này cậu, cậu có nhớ cái lần lão Moucheboume đã gọi Barlier lại và bảo cậu ta dịch một bức thư bằng tiếng Anh không? Buồn cười chết được!” và cả bố lẫn ông Patmouille đi ra.
“Mày thấy chưa? Thằng Anselme bảo. Bố đã bảo bọn tao không cần chơi với mày mà vẫn có thể chơi cái tàu được!” “Không đúng! Bố bảo bố đã cho em cái tàu rồi!” con Odile gào lên. Thằng Anselme bắt đầu lắp đường ray vào. “Bọn mình sẽ cho tàu chạy dưới gầm giường nhé, rồi dưới gầm tủ, rồi ra sau bàn,” thằng Anselme giải thích với tôi. “Anh không được chơi cái tàu của em!” rồi con Odile đá một phát vào đường ray. Thằng Anselme tỏ ra rất bực mình, nó bèn tát cho con Odile một cái rõ đau. Con Odile có vẻ rất bất ngờ, nó ngồi phịch xuống đất, mặt nó đỏ hết lên đến nỗi chẳng còn nhìn thấy mũi nó nằm ở chỗ nào nữa. “Em sẽ giết chết anh! Em sẽ giết chết anh! Em sẽ giết chết anh!” nó hét lên, rồi nó nhặt cái đầu tàu hỏa bà bụp! nó ném thẳng chính vào giữa mặt thằng Anselme. “Trượt rồi! Trượt rùiiiii!” thằng Anselme kêu. Rồi nó dang hai cánh tay lên, và nó bảo: “Hú…ú…ú! Tao là con ma đây!” Đến lúc đó thì thật là kinh khủng, vì con Odile bắt đầu hét rống lên, rồi nó nhảy bổ vào thằng Anselme và cào cấu, còn thằng Anselme thì nắm lấy tóc nó mà kéo lên, rồi con đó cắn thằng anh, và thế là cả ông Patmouille, bố và mẹ cùng chạy vào trong khi thằng Anselme và con Odile lăn lông lốc dưới đất.
“Hai đứa có thôi đi ngay lập tức không!” bà Patmouille kêu lên. “Các con không biết xấu hổ hả?” ông Patmouille kêu lên. “Tại nó đấy, thằng Anselme gào lên, nó muốn phá cái tàu của con và nó đã ném cái đầu tàu vào con!” “Không phải! con Odile hét lên, chính anh ấy đã làm con ma rồi còn kéo tóc con nữa!” “Đủ rồi! ông Patmouille quát lên. Các con thật là nghịch ngợm và tối nay các con sẽ bị phạt! Sẽ không có món tráng miệng tối nay và cả tuần này không được xem ti-vi! Không việc gì phải khóc cả, nếu như các con không muốn mỗi đứa ăn một trận roi vào đít!” “Ôi! Trời ơi, mẹ nói với bố. Anh có để ý giờ không anh yêu? Đến giờ về rồi đấy…”
Và khi tôi về đến nhà, chỉ còn lại một mình trong phòng, tôi bắt đầu khóc.
Thật đấy, chẳng công bằng chút nào! Tại sao tôi lại không có một đứa em gái để chơi cùng cơ chứ!