Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể 2 _ Gcinny & Jean-Jacque Sempé
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
doquang1977 09.08.2010 17:54:19 (permalink)
Bài học

 
Khi ở nhà biết rằng tôi đứng bét lớp môn số học, thì trong nhà xảy ra một chuyện khủng khiếp! Cứ như là lỗi tại tôi mà thằng Clotaire bị ốm và phải nghỉ học vào ngày kiểm tra môn số học! Đúng thế chứ còn sao nữa, suy cho cùng thì cũng phải có ai đó đứng bét lớp thay cho nó khi nó nghỉ học chứ!
Bố quát tháo ầm ĩ, bố đã bảo rằng tôi đã chuẩn bị cho mình một tương lai mới sáng sủa làm sao, ối chao ôi, rằng để đạt được một kết quả như vậy thì đúng là chẳng khó nhọc gì, nhưng tất nhiên tôi chỉ nghĩ đến chuyện chơi thôi, không bao giờ biết tự nhủ rằng một ngày nào đó bố sẽ không thể ở bên cạnh tôi để chu cấp cho mọi nhu cầu của tôi được nữa, rằng hồi bằng tuổi tôi bố lúc nào cũng đứng đầu lớp và bố của bố kinh khủng tự hào về bố, rằng bố đang tự hỏi không biết có nên đưa tôi vào học nghề ngay trong một xưởng thợ nào đó, thay vì tiếp tục cho tôi đến trường học; tôi nói với bố rằng tôi thấy học nghề cũng khá hay.
Thế là bố bắt đầu hét lên hàng đống thứ độc địa, còn mẹ thì bảo mẹ tin chắc tôi sẽ cố gắng để đạt được kết quả tốt hơn ở trường.
-Không, bố nói. Nếu thế thì dễ dàng quá; nó không thể thoát nạn dễ như vậy được. Anh sẽ tìm thầy giáo đến dạy nó tại nhà, cho dù có đắt một chút cũng được, nhưng anh không muốn nghe người ta bảo con trai của anh là một đứa ngu ngốc. Thứ năm hàng tuần, thay vì đi xem những thứ vớ vẩn ở rạp chiếu phim, nó sẽ ở nhà học thêm môn số học. Như thế sẽ tốt hơn nhiều cho nó.
Thế là tôi bật khóc, tôi gào lên và bắt đầu đá chân lung tung; tôi bảo rằng chẳng ai yêu tôi cả, rằng tôi sẽ giết tất cả mọi người rồi sau đó sẽ tự giết mình, và bố bảo tôi có mốn bị tét đít không; thế là tôi dỗi, và mẹ bảo rằng những buổi tối như thế này sẽ làm mẹ già đi mất nhiều tuổi,và cả nhà cùng xuống ăn tối. Bữa đó có món khoai tây rán. Tuyệt vời.
Ngày hôm sau, bố nói với mẹ rằng ông Barlier – một trong những người bạn làm cùng cơ quan với bố - đã giới thiệu cho bố một gia sư là con trai của một người họ hàng với ông ấy và xem ra là một người giỏi môn số học kinh khủng
-Cậu ấy là sinh viên, đây là lần đầu tiên cậu ấy đi dạy thêm, nhưng như vậy tốt hơn, cậu ấy sẽ có đầu óc mới mẻ và cậu ấy sẽ không bị trì trệ bởi những cách học cũ kỹ. Hơn nữa, giá cả cũng rất phải chăng.
Tôi thử khóc một chút xem thế nào, nhưng bố trợn mắt lên nhìn tôi và mẹ bảo nếu tôi tiếp tục giở trò như tối qua thì mẹ sẽ bỏ đi khỏi nhà. Thế là tôi không nói gì nữa cả, nhưng tôi dỗi rất ác cho đến tận món tráng miệng (bánh kem!)
Thế rồi, đến chiều thứ năm, có ai đó bấm chuông, mẹ ra mở cửa và đưa vào nhà một anh to béo đeo kính dày cộp, trông rất giống thằng Agnan, nhưng mà già hơn, tuy là không nhiều lắm
-Tên cháu là Cazalès, anh ấy nói. Cháu đến để dạy thêm.
-Tốt lắm, tốt lắm, mẹ nói. Cô là mẹ của Nicolas, còn đây là Nicolas, học trò của cháu. Nicolas ! Ra đây chào thầy của con đi.
Anh Cazalès và tôi bắt tay nhưng không siết chặt, bàn tay của anh Cazalès ướt đầm. Tôi hơi sợ một chút rồi mẹ bảo tôi đưa anh Cazalès lên phòng tôi để anh ta dạy tôi học. Chúng tôi vào phòng và ngồi trước bàn học của tôi
-Ờ… anh Cazalès nói. Các em làm gì ở trường?
-À, chúng em chơi trò Lancelot, tôi trả lời.
-Lancelot ư ? anh Cazalès hỏi.
-Vâng, cho tới tận tuần trước, chúng em vẫn còn chơi trò đuổi bóng, tôi giải thích, nhưng thầy Nước Lèo – tức thầy giám thị của bọn em – đã tịch thu mất quả bóng và bọn em không được phép mang thêm quả bóng nào đến trường cho đến hết học kỳ này. Thế còn, để chơi trò Lancelot một đứa cần bò ra đất để làm ngựa, và một đứa khác ngồi lên trên, tức là kỵ sỹ. Rồi các kỵ sỹ đánh nhau cách đấm vào mũi; chính thằng Eudus đã nghĩ ra trò này, mà Eudus thì…
-Em quay lại ngồi vào đây! Anh Cazalès nói và nhìn tôi bằng đôi mắt trợn tròn sau cặp kính.
Thế là tôi quay về chỗ ngồi, và anh Cazalès nói với tôi là anh không hỏi chúng tôi làm gì trong giờ ra chơi mà muốn hỏi trong giờ số học. Điều này làm tôi hơi bực, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ phải ngồi vào học ngay lập tức như vậy.
-Bọn em học phân số, tôi nói.
-Tốt, anh Cazalès nói, đưa vở cho anh xem nào.
Tôi đưa vở cho anh ấy xem và anh Cazalès nhìn vào quyển vở. Anh nhìn tôi, rồi tháo đôi kính ra, lấy khăn chùi mắt kính và lại nhìn vào quyển vở một lần nữa.
-Cái dòng chữ to đùng màu đỏ là do cô giáo viết vào đấy ạ, tôi giải thích.
-Phải, anh Cazalès nói, Nào, chúng ta bắt đầu. Phân số là gì?
Vì tôi chẳng trả lời gì cả, anh Cazalès lại nói:
-Là một số….
-Là một số, tôi nói
-Thể hiện một hoặc nhiều…
-Thể hiện một hoặc nhiều, tôi nói.
-Phần của một đơn vị…
-Phần của một đơn vị, tôi nói
-Được chia ra như thế nào? anh Cazalès hỏi tôi.
-Em không biết, tôi trả lời.
-Được chia ra đều nhau!
-Được chia ra đều nhau, tôi nói.
Anh Cazalès lau trán
-Xem nào, để lấy một vài ví dụ thực tế. Nếu như em có một chiếc bánh ga tô, hoặc một quả táo… Không, để cho dễ hơn, em có một trò chơi gì ở đây không?
Thế là chúng tôi mở tủ, có rất nhiều đồ chơi rơi ra, và anh Cazalès lấy những viên bi, anh để những viên bi xuống đất và rồi chúng tôi ngồi luôn xuống thảm.
-Ở đây có tám viên bi, anh Cazalès nói. Chúng ta sẽ giả sử rằng tám viên bi này sẽ thành một đơn vị. Anh lấy ba viên bi. Hãy cho anh biết phân số nào tượng trưng cho ba viên bi này so với một đơn vị… phân số đó là…
-Phân số đó là, tôi đáp.
Anh Cazalès lại bỏ kính ra lau và tôi nhìn thấy tay anh hơi run run. Lúc này thì đúng là anh làm tôi nhớ thằng Agnan, nó cũng run run mỗi khi tháo kính ra lau, vì lúc nào nó cũng sợ bị ai đó đánh trước khi nó kịp đeo kính vào.
-Thử lấy một ví dụ khác xem, anh Cazalès nói. Chúng ta sẽ lắp mười mẩu thanh ray vào nhau…
Lúc đó, tôi lắp mười thanh ray lại thành một đường tròn, và tôi hỏi anh ta tôi có được phéo để đầu tàu và một toa chở hàng lên trên không, đó là toa cuối cùng mà tôi còn giữ được kể từ khi thằng Alceste giẫm lên các toa chở khách. Alceste là một đứa rất nặng.
-Tùy em, anh Cazalès nói. Mười thanh ray này làm thành mười phần của đường tròn. Bây giờ, nếu anh lấy đi một thanh ray…
-Thế thì đoàn tàu sẽ bị trật bánh, tôi nói.
-Nhưng anh không nói chuyện với em về đoàn tàu! anh Cazalès hét lên. Chúng ta không ngồi đây để chơi trò tàu hỏa! Anh sẽ bỏ cái đoàn tàu này ra!
Anh ta có vẻ vô cùng tức giận và tôi bắt đầu khóc.
-Tôi không phản đối việc hai anh em chơi với nhau, nhưng ít nhất cũng đừng cãi nhau chứ!
Đó là câu nói của bố. Bố bước vào phòng và anh Cazalès nhìn bố bằng đôi mắt tròn xoe, hai tay vẫn còn cầm đầu tàu và toa chở hàng.
-Nhưng cháu… cháu… anh Cazalès lắp bắp.
Tôi cứ tưởng anh ta cũng sắp khóc đến nơi, nhưng rồi anh ta nói: “Ôi! Thôi cũng được!” Rồi anh ấy đứng lên và bỏ đi mất.
Anh Cazalès chẳng bao giờ quay lại nữa. Bố đã cãi nhau với ông Barlier, nhưng với tôi mọi chuyện đã khá hơn nhiều: Clotaire đã khỏi ốm và tôi chẳng còn xếp hạng bét trong lớp nữa.
#16
    doquang1977 09.08.2010 17:55:26 (permalink)
    Những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp

     
    Chúng tôi có khách đến ăn, vào tối nay. Hôm qua khi trở về nhà, bố có vẻ rất vui, bố nói với mẹ rằng trên đường bố đã tình cờ gặp lại người bạn cũ tên là Léon Labière, mà hàng năm nay rồi bố chưa gặp.
    “Léon, bố giải thích, là một anh bạn từ thuở bé, bọn anh đã đi học cùng với nhau. Có chung không biết bao những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp! Anh đã mời anh ấy đến ăn vào tối mai”.
    Bạn của bố sẽ đến lúc tám giờ, nhưng đến bảy giờ chúng tôi đã sẵn sàng. Mẹ tắm rửa sạch sẽ cho tôi, mẹ mặc cho tôi bộ quần áo màu xanh nước biển và chải tóc cho tôi bằng rất nhiều sáp, nếu không, mớ tóc phía sau gáy tôi nhất định sẽ chẳng chịu nằm yên. Còn bố thì dặn dò tôi đủ mọi thứ, bố bảo tôi phải thật ngoan, khi ngồi vào bàn tôi không được nói leo và tôi phải chăm chú nghe ông Léon bạn bố vì theo bố, đó là một người kinh khủng, rất thành công trong cuộc sống, và điều đó đã thể hiện rõ ngay từ khi còn đi học, và những người giống như ông ấy bây giờ chẳng còn nhiều, và đúng lúc đó có người nhấn chuông cửa.
    Bố đi ra mở cửa và một ông to béo mặt đỏ gay bước vào.
    - Léon! bố kêu lên. “Anh bạn cũ!”, ông đó thốt lên, thế rồi hai người bắt đầu vỗ vai nhau tới tấp, nhưng họ có vẻ rất phấn khởi, chứ không giống kiểu vỗ vai của bố với ông Blédurt, một người hàng xóm của chúng tôi rất thích trêu tức bố.
    Sau khi vỗ vai nhau, bố quay vào nhà và chỉ mẹ lúc ấy đang cười rất tươi và vừa từ bếp đi ra.
    - Đây là vợ tớ, Léon ạ. Em yêu, đây là bạn anh, Léon Labière.
    Mẹ chìa tay ra và ông Labière vừa bắt tay mẹ vừa nói rằng ông ta rất hân hạnh. Thế rồi bố ra hiệu cho tôi tiến lên và nói:
    - Còn đây là Nicolas, con trai tớ.
    Ông Labière có vẻ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, ông trố cả hai mắt ra, miệng huýt sáo và rồi ông nói:
    - Chà, một anh chàng lớn đùng! Ra dáng đàn ông ghê! Cháu đã đi học chưa?
    Rồi ông ta đưa tay xoa đầu tôi, luồn tay vào mớ tóc của tôi để pha trò. Tôi nhận thấy điều này có vẻ làm cho mẹ không vừa lòng, nhất là khi ông Labière nhìn bàn tay và hỏi:
    - Các cậu đổ cái gì lên đầu chú nhóc thế này?
    - C ậu thấy nó có giống tớ không? bố hỏi rất nhanh trước khi mẹ ịp trả lời.
    - Ờ, ông Labière đáp, trông giống cậu như đúc, có điều tóc nhiều hơn và bụng đỡ phệ hơn, rồi ông Labière bắt đầu cười rất to.
    Bố cũng cười, nhưng không to bằng, rồi mẹ nói chúng tôi sẽ bắt đầu dùng khai vị.
    Chúng tôi ngồi vào phòng khách và mẹ mang rượu khai vị ra; tôi không được uống rượu khai vị, nhưng mẹ cho phép tôi ăn ô-liu và bánh quy mặn nên tôi rất thích. Bố nâng ly lên và nói:
    - Vì những kỷ niệm chung, nào Léon, anh bạn cũ.
    - Anh bạn cũ, ông Labière nói và vỗ thật mạnh vào lưng bố khiến bố đánh rơi ly của mình xuống thảm.
    - Không sao đâu, mẹ nói.
    - Phải, sẽ khô ngay thôi mà, ông Labière nói, rồi ông ta nhấp một ngụm trong ly và nói với bố:
    - Tớ thấy cứ kỳ kỳ thế nào khi thấy cậu trong vai một ông bố già đạo mạo.
    Bố rót thêm rượu vào ly của mình và ngồi nhích ra một tẹo, để tránh những cú vỗ, bố hơi bị sặc một chút và nói:
    - Thôi nào, anh bạn, đừng có nói quá lên như thế, chúng ta cùng tuổi với nhau mà.
    - Ồ không, ông Labière nói, cậu không nhớ trong lớp cậu là đứa nhiều tuổi hơn cả à!
    - Chúng ta ngồi vào bàn chứ? mẹ hỏi.
    Chúng tôi ra bàn ăn và ông Labière ngồi đối diện tôi nói:
    - Thế nào cậu bé, sao cháu không nói gì cả? Chẳng ai nghe tiếng cháu cả!
    - Bác phải hỏi thì cháu mới được phép nói, tôi trả lời.
    Điều đó làm ông Labière cười một thôi một hồi, khiến ông ta đỏ hết mặt mày, còn đỏ hơn cả lúc trước và ông ta vỗ rất nhiều và mạnh, nhưng lần này là lên bàn, khiến những chiếc ly va vào nhau kêu lanh canh. Khi cười xong, ông Labière nói với bố rằng tôi đã được dạy dỗ rất chu đáo; bố nói rằ ng cũng bình thường thôi.
    - Thế nhưng, nếu như tớ nhớ không nhầm,thì trước đây cậu thật là kinh khủng, ông Labière nói.
    - Cậu ăn bánh mì đi, bố trả lời.
    Mẹ mang món đầu tiên tới và chúng tôi bắt đầu ăn.
    - Thế nào, Nicolas, ông Labière hỏi, rồi ông nuốt thức ăn trong miệng và nói tiếp, ở lớp cháu học có giỏi không?
    Vì được hỏi, nên tôi có thể trả lời: “thường thôi ạ”, tôi nói với ông Labière.
    - Bởi vì bố cháu hồi xưa rất trứ danh! Cậu có nhớ không, anh bạn?
    Bố vừa kịp tránh cú vỗ. Trông bố chẳng vui vẻ chút nào, còn với ông Labière, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc cười đùa.
    - Cậu có nhớ cái lần cậu đã đổ cả lọ mực vào túi áo của Ernest không?
    Bố nhìn ông Labière, rồi lại nhìn tôi, rồi nói:
    - Lọ mực à? Ernest ư? Không làm gì có chuyện đó.
    - Có đấy! ông Labière nói, thậm chí cậu còn bị phạt nghỉ học mất bốn ngày! Cũng giống như chuyện cái hình vẽ trên bảng đen ấy, cậu nhớ không?...
    - Các anh có dùng thêm một lát giăm-bông nữa không? mẹ nói.
    - Thế nào hả bố, cái chuyện hình vẽ trên bảng đen ấy? tôi hỏi bố.
    Bố bắt đầu hét lên, bố đập tay xuống bàn và bảo tôi rằng bố đã yêu cầu tôi phải ngồi ngoan trong bữa ăn và không được phép hỏi gì.
    - Câu chuyện về tấm bảng đen, là bố cháu đã vẽ hình biếm hoạ cô giáo lên trên bảng, và cô bước vào lớp đúng vào lúc bố cháu sắp vẽ xong! Thế là cô đã cho bố cháu liền ba điểm không!
    Tôi thấy chuyện này rất buồn cười,nhưng tôi nhìn mặt bố và biết rằng tốt nhất không nên cười ngay bây giờ.Tôi quyết định kìm lại để cười sau, khi tôi chỉ có một mình ở trên phòng, nhưng mà kìm cười thì chẳng dễ tẹo nào.
    mẹ mang món thịt quay tới và bố bắt đầu cắt thịt thành miếng nhỏ.
    - Tám lần bảy là bao nhiêu? ông Labière hỏi tôi.
    - Năm mươi sáu, thưa bác, tôi trả lời (chúng tôi vừa mới học ở trường sáng nay, may ghê!)
    - Hoan hô! ông Labière kêu lên, cháu làm bác ngạc nhiên ghê, vì bố cháu, với môn số học thì...
    Bố lại hét lên, nhưng lần này là vì bố vừa cắt phải ngón tay, thay vì cắt vào miếng thịt.bố mút ngón tay, trong khi ông Labière, ông này đúng là một người raast vui tính, thì cười rất nhiều và nói với bố rằng bố chẳng khéo léo hơn hồi còn đi học là mấy, cũng giống như cái lần ở trường, với quả bóng và cái ô cửa sổ trong lớp học. tôi không dám hỏi chuyện quả bóng và cái ô cửa sổ lớp học như thế nào, nhưng theo tôi, chắc bố đã làm vỡ kính của cái ô cửa sổ lớp học ấy.
    Mẹ mang món tráng miệng tới rất nhanh, ông Labière vẫn còn thịt quay trong đĩa, thì, bum! Bánh nhân sơ-ri cũng vừa tới.
    - Chúng tôi xin lỗi, mẹ nói, nhưng cháu bé phải đi ngủ sớm.
    - Đúng vậy, bố nói, con hãy ăn tráng miệng nhanh lên, Nicolas, rồi lên giường ngay. Ngày mai con còn phải đi học.
    - Cái cửa sổ ấy, có phải nó bị vỡ không, hả bố? toi hỏi.
    Tôi đã sai khi hỏi điều đó, vì bố đã tức giận đỏ hết mặt mũi, bố bảo tôi nuốt ngay miếng bánh nếu như tôi không muốn bị phạt.
    - còn phải nói nó bị vỡ thế nào nữa chứ, cáicửa sổ ấy! Thậm chí bố cháu còn bị lĩnh ngay một con không về điểm hạnh kiểm, ông Labière nói với tôi!
    - Ấp! Lên giường thôi! bố la lên.
    Bố rời khỏi bàn, bế xốc tôi lên và tung tôi lên trên không và nói: “Ấp-là”.
    Tôi vẫn còn đang ăn dở miếng bánh, đúng loại mà tôi thích, nhân sê-ri, nhưng khi bố giở trò với tôi, thì miếng bánh liền rơi ra. Thậm chí nó còn rơi dính lên áo vest của bố, nhưng bố vội vàng muốn tôi đi ngủ tới mức bố chẳng nói gì cả.
    Mãi sau, tôi nghe tiếng bố và mẹ đi lên phòng.
    - Chà, mẹ nói, các anh đúng là có khối kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp!
    - Được rồi, được rồi, bố nói, hình như không vui vẻ gì lắm, anh nghĩ chắc anh cũng sẽ chẳng gặp lại cái gã Léon này ngay đâu!
    Còn tôi, tôi thấy thật là tiếc nếu như không gặp lại ông Labière, tôi thấy ông ấy cũng hay đấy chứ.
    Nhất là hôm nay, tôi mang một con không về nhà, nhưng bố chẳng hề nói gì cả.
    #17
      doquang1977 09.08.2010 17:56:36 (permalink)
      Nhà thằng Geophphroy

       
      Thằng Geophphroy mời tôi đến nhà nó chơi chiều hôm nay. Nó nói với tôi cũng đã mời hàng đống những đứa khác, chắc chắn chúng tôi sẽ tha hồ mà vui!
      Bố thằng Geophphroy rất giàu và ông ấy mua cho nó đủ mọi thứ. Chẳng hạn như thằng Geophphroy rất thích chơi trò cải trang, vì thế bố nó đã mua cho nó hàng đống trang phục. Tôi rất thích được đến nhà Geophphroy, đây là lần đầu tiên và hình như nhà nó rất đẹp.
      Bố, tức là bố của tôi, đưa tôi đến nhà Geophphroy. Chúng tôi ngồi trong xe ô tô và xe chạy vào tận trong vườn trước nhà Geophphroy.
      Bố vừa cho xe chạy rất chậm vừa nhìn xung quanh, miệng huýt sáo khe khẽ. Rồi cả tôi và bố cùng nhìn thấy một lúc: một cái bể bơi! Một bể bơi rất to hình bầu dục, Đầy nước màu xanh biếc và rất nhiều bục nhảy!
      - Geophphroy nó có nhiều thứ đẹp quá, tôi nói với bố, con cũng muốn có những thứ giống như thế!
      Bố có vẻ lúng túng. Bố để tôi xuống trước cửa nhà Geophphroy và nói với tôi:
      - Bố sẽ quay lại lúc sáu giờ để đón con, đừng có ăn nhiều trứng cá hồi quá đấy!
      Tôi chưa kịp hỏi bố món trứng cá hồi là gì thì bố đã lái xe đi mất. Tôi không hiểu vì sao bố có vẻ không thích ngôi nhà đẹp đẽ của thằng Geophphroy lắm.
      Tôi nhấn chuông cửa và cảm thấy rất lạ, thay vì kêu reng reng như chuông cửa nhà tôi, thì chuông ở đây lại kêu bing boong như chiếc đồng hồ quả lắc của dì Léone vào lúc ba giờ. Cánh cửa mở ra và tôi thấy một ông mặc quần áo rất đẹp và bóng bẩy nhưng trông hơi buồn cười. Ông ấy mặc một bộ áo đen với vạt áo phía sau hơi dài, phía trước không cài khuy, một chiếc áo sơ mi trắng thẳng đơ và một chiếc nơ con bướm màu đen.
      - Cậu Geophphroy đang chờ cậu, ông ấy nói, mời cậu đi theo tôi.
      Tôi quay người lại để ngó, nhưng đúng là ông ấy đang nói chuyện với tôi, vì thế tôi đi theo ông ta. Ông ấy đi thẳng đơ người, trông y như cái áo sơ mi của ông ấy, đồng thời giậm thật nhẹ hai bàn chân xuống mặt đất, cứ như ông ấy không muốn làm nhàu những tấm thảm trải sàn rất đẹp của bố thằng Geophphroy. Tôi thử đi giống ông ấy, có lẽ trông chúng tôi, người đi trước người đi sau như vậy, phải buồn cười ghê lắm.
      Trong lúc chúng tôi đi lên một cầu thang rất rộng, tôi hỏi ông ấy món trứng cá hồi là gì. Lúc đó, tôi không muốn bị ông ấy chế nhạo một tí nào. Ông ấy nói với tôi rằng đó là trứng một loại cá để ăn trên tràng kỷ (trong tiếng Pháp từ “canapé” vừa có nghĩa là “tràng kỷ” lại vừa có nghĩa là “bánh mì lát” . Ở đây Nicolas đã hiểu từ này theo nghĩa đầu tiên nên tưởng là “ăn trứng cá hồi trên tràng kỷ” thay vì phải hiểu là “ăn trứng cá hồi kèm với bánh mì lát” ). Hay đấy chứ, thật là buồn cười khi nghĩ đến việc bọn cá nằm đẻ trứng trên ghế tràng kỷ trong phòng khách. Chúng tôi lên đến tầng trên và đứng trước một cánh cửa. Có rất nhiều âm thanh phát ra từ phía bên kia cánh cửa, những tiếng la hét, tiếng sủa. Cái ông mặc bộ quần áo đen đưa một tay lên ôm trán, ông ấy có vẻ hơi ngần ngừ, rồi ông ấy mở bật cửa, đẩy tôi vào bên trong căn phòng và đóng cửa lại rất nhanh sau lưng tôi.
      Tất cả lũ bạn thân của tôi đều đã có mặt, kể cả Hotdog, con chó của Geophphroy. Geophphroy mặc một bộ lính ngự lâm với một chiếc mũ đính lông chim rất to và một thanh kiếm. Có cả Alceste, cái thằng béo ăn suốt ngày, rồi cả thằng Eudes, to khoẻ và rất hay đấm vào mũi bọn khác trong lúc đùa, và một đống đứa khác nữa đang hò hét.
      - Vào đây, thằng Alceste bảo tôi, miệng lúng búng nhai, vào đây Nicolas, bọn mình cùng chơi cái tàu hoả chạy điện của Geophphroy!
      Tàu hoả của Geophphroy thật tuyệt!
      Chúng tôi làm cho tàu trật bánh rất ngoạn mục. Chỉ có điều đáng tiếc là thằng Eudes đã buộc đuôi toa nhà hàng vào đuôi Hotdog khiến nó bắt đầu chạy vòng quanh vì chẳng hề thích như vậy chút nào. Geophphroy cũng không hề thích như thế, vì vậy nó rút kiếm ra và hét lên:
      - Hãy coi chừng!
      Nhưng Eudes đã cho nó một cú đấm vào mũi. Đúng lúc đó, cửa mở ra và cái ông mặc bộ màu đen bước vào.
      - Trật tự nào! Trật tự nào! Ông ấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
      Tôi hỏi Geophphroy xem cái ông ăn mặc đẹp đẽ đó có phải là một người trong nhà nó không, nhưng Geophphroy trả lời không phải, mà đó là Albert, ông quản gia, cũng là người được giao trách nhiệm giám sát chúng tôi. Thằng Alceste nói nó nhớ ra đã từng nhìn thấy những ông quản gia trong phim, và bao giờ họ cũng là lũ sát nhân. Ông Albert nhìn Alceste với đôi mắt của một con cá đã đẻ ra một cái trứng cá quá to. Geophphroy nói là hay ra bể bơi chơi cho thích đi. Tất cả chúng tôi đều đồng ý và chạy cả ra ngoài, theo sau là ông Albert mà chúng tôi hơi xô đẩy một chút trong khi chạy ra, và Hotdog vừa sủa vừa làm ầm ĩ vì chúng tôi quên tháo cái toa nhà hàng ra cho nó. Chúng tôi xuống cầu thang bằng cách trượt trên thanh vịn, thật là tuyệt!
      Chúng tôi xúm xít quanh bể bơi và tất cả đều mặc quần lót và áo may-ô do Geophphroy cho mượn. Chỉ có thằng Alceste là không mượn được gì vì quá béo, mặc dù Geophphroy rất muốn cho Alceste mượn hai cái quần lót, nhưng Alceste nói không cần vì nó không thể bơi được, nó vừa mới ăn xong. Tội nghiệp thằng Alceste! Vì nó ăn suốt ngày, nên chẳng bao giờ được bơi.
      Tất cả chúng tôi đều nhảy xuống và chúng tôi chơi nhiều trò rất tuyệt: chúng tôi làm cá voi, làm thợ lặn, giả vờ chết đuối, làm cá heo. Chúng tôi thi xem đứa nào có thể ngụp dưới nước lâu nhất, cho tới lúc ông Albert, vẫn theo dõi chúng tôi từ trên bục nhảy để khỏi bị toé nước vào, ra lệnh cho chúng tôi lên bờ hết, ông Albert phát hiện ra Eudes vẫn còn nằm dưới đáy bể bơi. Ông Albert đã nhảy một cú tuyệt đẹp, vẫn mặc nguyên quần áo, và mang Eudes lên.Tất cả chúng tôi đều vỗ tay, trừ thằng Eudes thì vô cùng tức giận, vì nó đang muốn phá kỷ lục lặn dưới nước, đến nỗi nó đã giáng một cú đấm vào mũi ông Albert.
      Chúng tôi thay quần áo (Geophphroy cải trang thành người Da Đỏ, với rất nhiều lông chim) rồi chúng tôi sang phòng ăn nhà Geophphroy, trông rộng như một nhà hàng. Bữa chiều rất ngon, nhưng tất nhiên chẳng hề có món trứng cá hồi, đó chỉ là nói đùa thôi. Ông Albert cũng đã đi thay quần áo rồi quay trở lại. Ông ấy mặc một cái áo sơ mi kẻ ô và một áo khoác thể thao màu xanh. Cái mũi của ông ấy vẫn còn đỏ ửng và ông ấy nhìn Eudes cứ như thể cũng sắp đấm một cú lên mũi nó.
      Sau đó chúng tôi lại ra chơi tiếp. Geophphroy dẫn chúng tôi vào nhà xe, nó chỉ cho chúng tôi xem ba cái xe đạp và một cái ô tô màu đỏ có bàn đạp, còn có cả đèn pha bật sáng lên được nữa.
      - Thế nào? Geophphroy nói với chúng tôi, bọn mày thấy chưa? Tao có tất cả đồ chơi tao thích, bố tao mua cho tao mọi thứ! Điều này làm tôi không vui mấy và tôi nói với nó rằng ối dào! tất cả nhữnh thứ này chẳng là cái gì cả, ở trong kho nhà tôi có một cái xe ô tô tuyệt vời mà khi còn bé bố tôi đã tự làm bằng những hộp gỗ và bố tôi nói rằng những thứ như vậy các cửa hàng làm gì có mà bán. Tôi còn nói bố thằng Geophphroy còn lâu mới có thể tự làm được một cái ô tô như thế. Chúng tôi đang cãi nhau thì ông Albert đến bảo bố tôi đã đến đón tôi về.
      Trong xe, tôi kể cho bố nghe tất cả những gì chúng tôi đã làm và những thứ đồ chơi của Geophphroy. Bố nghe tôi kể và chẳng nói năng gì cả.
      Tối hôm đó, chúng tôi thấy chiếc xe ô tô to đùng và bóng loáng của bố thằng Geophphroy dừng lại trước cửa nhà. Bố của Geophphroy tỏ vẻ vô cùng bối rối, ông ấy nói chuyện với bố tôi. Ông ấy hỏi bố có thể bán cho ông ấy cái ô tô nằm trong nhà kho không, vì Geophphroy muốn ông ấy làm một cái như thế nhưng ông ấy lại chẳng biết phải làm như thế nào. Khi đó, bố nói rằng bố không thể bán chiếc xe đó được, bố rất quý nó, nhưng bố sẵn sàng chỉ cho ông ấy biết cách làm. Bố thằng Geophphroy ra về với vẻ rất hài lòng, luôn miệng nói cảm ơn, cảm ơn, và hứa hôm sau sẽ quay trở lại học cách làm ô tô.
      Bố tôi cũng rất hài lòng. Khi bố thằng Geophphroy đã ra về, bố tôi đi vòng quanh nhà, ngực ưỡn phồng lên, bố xoa đầu tôi và nói:
      - Hê hê! Hê hê!
      #18
        doquang1977 09.08.2010 17:58:05 (permalink)
        Pháo đài

         
        Chiều Chủ nhật,hai thằng Clotaire và Alceste đến nhà tôi chơi. Clotaire mang theo các chú lính chì còn Alceste đem tới 1 quả bóng đá mà nó đã bị tịch thu có tới tận cuối học kỳ vừa rồi,với cả 4 miếng bánh kẹp mứt nữa. Alceste mang theo bánh mì mứt cho riêng nó, để có thể cầm cự cho tới bữa chiều.

        Vì trời rất đẹp và có hàng đống nắng, nên bố đã cho phép chúng tôi có thể chơi ở ngoài vườn, nhưng bố bảo bố rất mệt, bố muốn nghỉ ngơi, vì thế chúng tôi không được quấy rầy bố. Rồi bố ngả người nằm vào chiếc ghế dài trước rặng thu hải đường, tay cầm 1 tờ báo.

        Tôi hỏi xin bố cho tôi lấy những cái hộp bìa các tông cũ để trong nhà kho.

        - Để làm gì? Bố hỏi tôi.

        - Để xây 1 pháo đài, để có thể cho hội lính của Clotaire vào trong đó, tôi giải thích.

        -Cũng được, bố nói. Nhưng không được làm ồn và cũng không được bày bừa ra nhé.

        Tôi liền đi lấy những chiếc hộp, và trong khi bố đọc báo, chúng tôi đặt chồng những chiếc hộp lên nhau.

        - Này mấy đứa, bố bảo, pháo đài của mấy đứa trông chả đẹp gì cả.

        - Không sao, tôi nói, cứ giả vờ như thế cũng được.

        - Có lẽ mấy đứa nên làm thêm cửa ra vào và cửa sổ, bố nói.

        Alceste lúng búng nói 1 câu gì đó nhưng miệng nó vẫn còn đầy vì đang nhai dở miếng bánh thứ 2.

        - Cháu nói gì thế? Bố hỏi.

        - Nó bảo:bác bảo chúng cháu phải làm cửa sổ bằng cái gì bây giờ? Clotaire giải thích, và Alceste gật đầu bảo đúng

        - Bác tự hỏi nếu không có cháu ở đây thì làm sao mọi người có thể hiểu được Alceste muốn nói gì, bố nói đùa. Dù sao đi nữa, để làm cửa ra vào và cửa sổ thì rất đơn giản thôi. Nicolas! Con vào nói với mẹ cho con mượn cái kéo. Con cứ bảo mẹ là bố sai con đi mượn mẹ.

        Tôi chạy vào nhà tìm mẹ và mẹ đưa kéo cho tôi, nhưng mẹ bảo tôi phải cẩn thận đừng để bị thương.

        -Mẹ nói đúng đấy bố bảo khi tôi quay ra vườn, để đấy bố làm cho.

        Thế là bố đứng lên khỏi chiếc ghế dài và với lấy cái hộp to nhất, rồi bố dùng khoét 1 cái cửa ra vào và những cửa sổ. Thật là tuyệt.

        -Đấy, bố nói, như thế có phải đẹp hơn không? Bây giờ chúng ta sẽ dùng những cái hộp khác làm thành những ngọn tháp.

        Và bố dùng kéo cắt ra 1 miếng bìa từ 1 chiếc hộp cá, rồi bỗng nhiên bố kêu lên 1 tiếng. Bố đưa ngón tay lên miệng mút, nhưng bố không cho tôi gọi mẹ để mẹ băng vết thương cho bố. Bố buộc 1 chiếc khăn mùi soa quanh ngón tay rồi lại làm tiếp. Bố có vẻ rất thích công việc đang làm.
        -Nicolas, bố bảo tôi,chạy đi lấy cho bố lọ hồ trong ngăn kéo bàn làm việc của bố!

        Tôi mang hồ lại, và bố cuộn tròn những miếng bìa và lấy hồ dán lại, đúng là trông giống như những ngọn tháp.

        - Tuyệt vời, bố nói. Giờ chúng ta sẽ gắn mỗi góc 1 một ngọn tháp ... Thế .. Này Alceste, cháu không được lấy tay dính đầy mứt sờ vào các ngọn tháp như thế chứ!

        Rồi Alceste lại nói cái gì đó,nhưng tôi chẳng biết nó nói gì vì Clotaire không chịu nhắc lại. Nhưng dù thế nào thì bố cũng chẳng để ý, vì bố còn đang bận làm sao cho những ngọn tháp có thể đứng vững, song chẳng dễ chút nào. Bố bắt đầu bị nóng! Mặt bố đầm đìa mồ hôi.

        - Mấy đứa biết bây giờ phải làm gì những không? Bố nói. Chúng ta còn phải khoét lỗ châu mai nữa, nếu không thì trông sẽ chẳng giống pháo đài thật.

        Rồi bố dùng 1 cây bút chì đánh dấu những lỗ châu mai rồi bắt đầu vừa dùng kéo khoét lỗ vừa thè lưỡi ra. Pháo đài đúng là trông tuyệt đẹp!

        - Nicolas, bố nói,ở trong ngăn kéo thứ 2 bên trái tủ có 1 ít giấy, con chạy đi lấy cho bố và mang cả bút chì màu của con ra đây nhé.

        Khi tôi quay kại vườn, bố đã ngồi bệt ra đất, đối diện với pháo đài, chăm chú làm việc, còn Clotaire và Alceste thì ngồi trong chiếc ghế dài để xem.

        - Chúng ta sẽ lấy giấy làm mái nhọn trên những ngọn tháp, bố giải thích, và làm cả những vọng gác bằng giấy nữa. Rồi chúng ta sẽ tô màu lên tất cả mọi thứ ...

        - Con bắt đầu tô được chưa? tôi hỏi.

        - Không,bố nói. Tốt nhất là để bố làm cho. Chắc mấy đứa muốn có 1 pháo đài trông giống như thật chứ, Bố sẽ bảo khi nào mấy đứa có thể giúp được. Đây! Thử đi tìm cho bố 1 cành cây để làm cột cờ.

        Khi chúng tôi đưa cho bố 1 cành cây nhỏ, bố liền cắt 1 mẩu giấy vuông,dán vào cành cây và giải thích với chúng tôi rằng đó là cờ, rồi bố tô lên đó màu xanh da trời và màu đỏ, ở giữa là màu trắng,giống như tất cả những là cờ khác, đúng là trông rất đẹp.

        - Alceste đang hỏi pháo đài đã xong chưa ạ, Clotaire nói.

        - Cháu trả lời cậu ấy là vẫn chưua,bố nói. Một công việc muốn làm tốt thì phải mất thời gian: Mấy đứa phải học cách không làm việc cẩu thả, Thay vì quấy rầy bác, các cháu hãy quan sát kỹ xem bác làm như thế, để lần sau các cháu còn biết cách làm.

        Thế rồi tiếng mẹ gọi từ cửa vọng ra:

        - Bữa chiều đã sẵn sàng! Vào bàn thôi!

        - Nào,bọn mình đi thôi! Alceste nói,mặc dù nó vừa mới ăn xong chiếc bánh kẹp mứt.

        Rồi chúng tôi chạy vào nhà, bố hét to bảo chúng tôi phải cẩn thận, vì suýt nữa thì Clotaire làm đổ 1 ngọn tháp, rằng thật không thể tin được là chúng tôi lại có thể cẩu thả đến vậy.

        Khi chúng tôi vào đến phòng ăn, mẹ tôi lại bảo tôi ra nói với bố vào ăn cùng chúng tôi, nhưng khi ra đến vườn,bố lại bảo tôi nói với mẹ rằng bố sẽ không uống trà, bố đang rất bận, và khi nào làm xong bố sẽ vào.

        Mẹ đã dọn sẵn cho chúng tôi 1 bữa chiều ngon tuyệt:có sô cô la, bánh xốp và mứt dâu, Alceste rất thích thú vì nó thích món mứt dâu hơn tất cả các loại mứt khác. Trong lúc ăn, chúng tôi nhìn thấy bố đi vào rất nhiều lần, lúc thì lấy chỉ và kim, lúc thì lấy thêm 1 lọ hồ nữa, rồi mực đen và 1 con dao bếp nhỏ rất sắc.

        Sau bữa chiều,tôi dẫn các bạn lên phòng tôi để chỉ cho các cậu ấy xem những chiếc ô tô nhỏ mà tôi vừa mới được mua, và chúng tôi đang mải cho xe chạy qua đua từ bàn học tới giường thì bố bước vào. Cái áo sơ mi của bố dính đầy vết bẩn, 1 vết mực trên má, 2 ngón tay quấn băng, và bố lấy cảnh tay để lau mồ hôi.

        -Đi nào, mấy đứa,pháo đài đã xong rồi đấy, bố nói.

        -Pháo đài nào cơ ạ? Clotaire hỏi.

        -Mày quên à, tôi đáp, pháo đài ý!

        -Ờ nhỉ, còn pháo đài nữa!

        Thế là chúng tôi chạy theo bố, bố bảo rồi chúng tôi sẽ thấy pháo đài của bố tuyệt vời như thế nào, rằng chúng tôi chưa bao giờ được thấy 1 pháo đài nào đẹp như thế rồi thì chúng tôi tha hồ mà chơi. Khi đi ngang qua phòng ăn, bố liền gọi cả mẹ cùng ra xem.

        Quả đúng là pháo đài trông rất tuyệt. Trông nó giống như 1 pháo đài thực sự, y như những pháo đài vẫn được bầy trong tủ kính các cửa hàng đồ chơi. Có 1 cột cờ với 1 lá cờ, 1 cây cầu rút trông giống như những bộ phim kỵ sỹ chiếu trên vô tuyến, và bố đã để các chú lính của Clotaire lên trên vọng gác trông cứ như là chúng đang đứng gác. Trông bố có vẻ rất tự hào, bố đứng vòng tay quàng qua vai mẹ. Bố cười rạng rỡ, mẹ cũng cười khi nhìn thấy bố cười, còn tôi thì rất sung sướng, khi thấy cả bố lẫn mẹ cùng cười.

        - Tốt rồi, bố nói, bố nghĩ là bố đã hoàn thành tốt công việc, đúng không? Bố xứng đáng được nghỉ ngơi, giờ thì bố sẽ ra nằm trên chiếc ghế dài của bố, còn mấy đứa thì có thể chơi với pháo đài đẹp đẽ của mấy đúa được rồi.

        - Tuyệt vời! Clotaire nói.Alceste, mang quả bóng đến đây!

        - Quả bóng à? Bố hỏi.

        - Xung phong! tôi gào lên.

        - Bắt đầu ném bom! Alceste hét

        Rồi bình! bình! bình! chỉ sau 3 cú ném bóng và vài cú đá chân, chúng tôi đã phá tan pháo đài, và chúng tôi thắng trận!
        #19
          doquang1977 09.08.2010 17:59:06 (permalink)
          Bài học về đồ vật


          - Ngày mai, cô giáo nói với chúng tôi, lớp ta sẽ có một bài học rất đặc biệt về đồ vật ; mỗi em sẽ mang đến một thứ gì đó, ví dụ một đồ kỉ niệm từ chuyến đi nghỉ. Chúng ta sẽ nhận xét và nghiên cứu mỗi đồ vật, từng em một sẽ giải thích cho cả lớp nguồn gốc và những kỉ niệm gắn với đồ vật đó. Bài học ngày mai sẽ vừa là một bài học về đồ vật, vừa là một giờ học địa lý và cũng giúp các em tập làm văn.
          -Nhưng thưa cô em nên mang đồ vật gì đến lớp ạ ? Clotaire hỏi.
          -Cô đã nói với lớp rồi, Clotaire, cô giáo trả lời. Một đồ vật thú vị nào đó với những câu chuyện gắn với nó. Các em biết không, vài năm trước đây, một học trò của cô đã mang đến một mẩu xương khủng long mà chú của em đã tìm được trong quá trình khảo cổ. Ai trong số các em có thể nói cho cô biết khủng long là con gì ?

          Agnan giơ tay, nhưng cả lớp đã tranh nhau nói những gì mỗi người nghĩ ra trong đầu, và với tiếng ồn do cô giáo đập thước xuống bàn, chẳng còn ai có thể nghe thấy đứa con cưng tồi tệ Agnan của cô đã nói gì.

          Ngay khi về đến nhà, tôi nói với bố rằng ngày mai mình sẽ phải mang đến lớp một đồ vật có kỉ niệm đặc biệt kinh khủng về các chuyến đi.
          -Những giờ thực hành kiểu đó là một ý kiến hay, bố nói. Việc quan sát các đồ vật sẽ đem lại những bài học không thể quên được. Cô giáo của con thật giỏi đấy, cô rất hiện đại. Bây giờ, để xem nào… Cái gì con nên mang đến lớp nhỉ ?
          -Cô giáo nói rằng, tôi giải thích, rằng tuyệt nhất là nên mang đến một mẩu xương khủng long.

          Bố trợn tròn mắt ngạc nhiên và hỏi tôi :
          -Xương khủng long ? Ý tưởng kiểu gì vậy ! Và con muốn bố moi đâu ra một mẩu xương khủng long bây giờ ? Không, Nicolas, bố chân thành khuyên con nên mang một thứ gì đó đơn giản hơn đến lớp.

          Thế là tôi nói với bố rằng mình không muốn những thứ đơn giản, rằng tôi muốn những thứ trộ được bọn bạn, và bố trả lời rằng bố không có những đồ vật có thể làm lũ bạn tôi kinh ngạc. Thế là tôi nói rằng vì bố đã trả lời như thế, nên chẳng việc gì phải mang đến lớp những thứ không lòe được ai, nên tôi thà ở nhà chứ không bao giờ đến lớp ngày mai, bố đáp lại rằng bố đã ngán ngẩm tôi và muốn cho tôi nghỉ món tráng miệng lắm rồi, và rằng cô giáo tôi có những ý tưởng thật là kì quái ; còn tôi, tôi đá chân vào cái tủ tường. Bố hỏi rằng tôi có muốn một cái phết không, và rồi tôi khóc nhè, làm mẹ từ trong bếp phải đi ra.
          -Gì nữa đây ? Mẹ hỏi. Tôi không thể nào để hai người với nhau mà không có chuyện xảy ra. Nicolas ! Không khóc nữa. Có chuyện gì vậy ?
          -Chuyện là, bố nói, con trai của em tức giận vì anh từ chối nó một mẩu xương khủng long.

          Mẹ nhìn hai bố con tôi và nói rằng có phải là tất cả mọi người trong cái nhà này đang bắt đầu lên cơn dở hơi không. Và thế là bố giải thích cho mẹ, và mẹ nói với tôi :
          -Nhưng rút cục thì, Nicolas, chẳng việc gì phải nghiêm trọng hóa vấn đề cả. Ở cái tủ tường kia kìa có những đồ kỉ niệm rất thú vị từ những chuyến đi nghỉ. Ví dụ, cái vỏ sò to đùng mà nhà mình đã mua ở Bains-les-Mers hồi chúng ta đi nghỉ hè ở đó.
          -Đúng rồi đấy ! Bố nói. Cái vỏ sò đấy có giá trị bằng tất cả chỗ xương khủng long trên thế giới !

          Tôi nói rằng không biết cái vỏ sò đó có làm lũ bạn tôi kinh ngạc không, nhưng mẹ đã an ủi tôi là lũ bạn tôi sẽ thấy nó rất tuyệt vời, còn cô giáo thì hẳn sẽ khen ngợi tôi. Bố tiến tới tủ lấy cho tôi cái vò sỏ, nó rất lớn và có một dòng chữ « Kỉ niệm Bains-les-Mers » viết trên đó, bố nói rằng tôi có thể làm cả thế giới kinh ngạc khi kể về chuyến nghỉ hè ở Bains-les-Mers, về cuộc đi chơi trên đảo Embruns, thậm chí cả cái giá tiền trọ mà nhà tôi phải trả nữa. Và nếu như cái vỏ sò không làm lũ bạn tôi kinh ngạc, thì đó là vì chúng nó là những người khó bị lòe mà thôi. Mẹ cười và gọi bố con tôi ra bàn ăn. Sáng hôm sau, tôi đến trường rất tự hào với chiếc vỏ sò bọc trong phong bì màu hạt dẻ.

          Khi tôi đến lớp thì tất cả lũ bạn đều đã ở đó, chúng nó hỏi tôi rằng mình đem gì đến lớp.
          -Thế còn chúng mày ? Tôi hỏi.
          -À tao sẽ chỉ giới thiệu trước lớp thôi, Geoffroy trả lời, nó lúc nào cũng làm ra vẻ bí ẩn.

          Những đứa khác cũng chẳng muốn trả lời, trừ Joachim, nó khoe với chúng tôi một con dao, con dao bảnh nhất mà chúng tôi từng thấy.
          -Đây là một con dao rọc giấy, Joachim giải thích, chú tao là Abdon đã đem nó về từ Tolède để làm quà cho bố tao. Nó là đồ Tây Ban Nha đấy.

          Bong bóng – giám thị của chúng tôi, nhưng đó không phải là tên thật của ông ý – nhìn thấy Joachim và lập tức tịch thu con dao rọc giấy, ông ta nói rằng mình đã nói cả nghìn lần về việc cấm không được mang các đồ vật nguy hiểm đến lớp.
          -Nhưng thưa thầy, Joachim thét lên, đó là theo yêu cầu của cô giáo mà.
          -À ? Bong bóng nói. Hóa ra là cô giáo của các cậu đề nghị mang đến lớp một vũ khí thế này à ? Tuyệt. Bây giờ thì tôi không chỉ tịch thu con dao mà tôi sẽ bắt cậu chia cho tôi động từ : « Em sẽ không nói dối thầy giám thị khi thầy đặt câu hỏi về một đồ vật đặc biệt nguy hiểm mà em đã lén lút mang đến trường. » Kêu la chỉ vô ích thôi, còn các cậu khác nữa, im lặng, trừ phi các cậu cũng muốn bị tôi phạt !

          Và rồi Bong bóng rung chuông, trong lúc chúng tôi đứng xếp hàng vào lớp thì Joachim không ngừng khóc.
          -Mọi việc bắt đầu suôn sẻ đấy nhỉ, cô giáo nói. Nào Joachim, có chuyện gì nào ?

          Sau khi nghe Joachim giải thích, cô giáo thở dài và nói rằng mang một con dao đến lớp không phải ý kiến hay, nhưng cô sẽ cố gắng thương lượng chuyện này với thầy Dubon, đó là tên thật của Bong bóng.
          -Nào, cô giáo nói. Hãy xem các em đã mang đến những gì. Cả lớp đặt đồ vật của mình lên mặt bàn nào.

          Và rồi tất cả đưa ra những đồ vật mang đến từ nhà : Alceste mang đến một thực đơn ở nhà hàng vùng Bretagne mà nó đã ăn rất ngon miệng với gia đình ; Eudes mang một chiếc bưu thiếp vùng Côte d’Azur ; Agnan, một quyển địa lý mà bố mẹ nó đã mua cho ở Normandie ; Clotaire mang đến một giấy xin phép, vì nó chẳng tìm thấy thứ gì ở nhà, nhưng thực tế thì là tại nó không hiểu yêu cầu của cô, nó cứ tưởng phải mang đến lớp một mẩu xương nào đó ; còn Maixent và Rufus thì, hai cái đứa ngu ngốc đấy, lại mang đến lớp mỗi đứa một cái vỏ sò.
          -À vâng, Rufus nói, nhưng mà vỏ sò này em đã tìm được trên bãi biển cái lần em cứu một người sắp chết đuối.
          -Đừng bốc phét đi, Maixent kêu lên. Đầu tiên, đến bơi ngửa mày còn không biết, và thứ hai là nếu mày tìm thấy nó trên bãi biển, thì tại sao trên vỏ sò của mày lại có dòng chữ : « Kỉ niệm Plage-des-Horizons » ?
          -Đúng rồi đấy ! Tôi cũng kêu lên.
          -Mày có muốn ăn tát không ? Rufus hỏi.
          -Rufus, ra khỏi lớp ! Cô giáo lớn tiếng. Em sẽ bị phạt ngày thứ Năm. Còn Nicolas và Maixent, hai em yên lặng nếu không muốn cũng bị phạt như Rufus !
          -Em mang đến lớp một đồ kỉ niệm Thụy Sĩ, Geoffroy vừa nói vừa nhe răng ra cười với vẻ tự hào. Đó là một chiếc đồng hồ vàng mà bố em đã mua ở đó.
          -Đồng hồ bằng vàng ? Cô giáo thét lên. Thế bố em có biết rằng em mang nó đến lớp không ?
          -À thì không ạ, Geoffroy nói. Nhưng nếu em nói rằng cô đã đề nghị em mang nó đến lớp, thì bố em sẽ không cằn nhằn đâu ạ.
          -Rằng tôi đã… ? Cô giáo lại thét lên. Ôi cái đứa bé vô ý thức này ! Em làm ơn cất ngay cái đồ trang sức đó vào túi cho cô.
          -Thế còn em, em mà không mang được con dao rọc giấy về nhà, thì bố em sẽ cằn nhằn em rất là kinh khủng đấy ạ, Joachim nói.
          -Tôi đã nói rồi, Joachim, là tôi sẽ lo việc đó, cô giáo kêu lên.
          -Cô ơi, Geoffroy hét lớn. Em không tìm thấy chiếc đồng hồ nữa ! Em đã để nó lại vào túi như lời cô, nhưng bây giờ em không thấy nó đâu nữa !
          -Nhưng mà cuối cùng thì, Geoffroy, cô giáo nói, nó cũng không thể ở đâu xa được đâu. Em đã tìm dưới đất chưa ?
          -Rồi ạ thưa cô, Geoffroy trả lời. Nó không có dưới đó.

          Và thế là cô giáo tiến tới bàn của Geoffroy và nhìn quanh dưới đất, rồi cô bắt chúng tôi cũng tìm nhưng chú ý là không được dẫm lên cái đồng hồ, còn Maixent thì đánh rơi vỏ sò của tôi xuống đất, tôi lập tức cho nó một cái tát. Cô giáo lại hét lên và phạt cả hai đứa chúng tôi, còn Geoffroy thì nói rằng nếu không tìm thấy chiếc đồng hồ, thì cô giáo nên đến nhà để nói chuyện với bố nó, trong khi ấy Joachim chen vào rằng cô cũng phải đến nhà nó nữa vì vụ con dao rọc giấy.

          Nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đấy vì Geoffroy đã tìm thấy chiếc đồng hò trong lớp lót của chiếc áo khoác, còn Bong bóng thì trả lại Joachim con dao rọc giấy và cô giáo thì tha cho tất cả những đứa bị phạt.

          Đó là một giờ học rất lý thú, và cô giáo nói với lũ chúng tôi rằng, nhờ có những đồ vật lũ tôi mang đến, cô sẽ không bao giờ quên được bài học này.
          #20
            doquang1977 09.08.2010 18:00:25 (permalink)
            Đoàng!



            HÔM THỨ NĂM, TÔI BỊ PHẠT Ở LẠI LỚP SAU GIỜ HỌC vì pháo.
            Chúng tôi đang ngồi yên trong lớp nghe cô giáo giảng sông Seine có rất nhiều nhánh, và đúng vào lúc cô quay lưng lại để chỉ sông Seine trên bản độ thì Đoàng! một quả pháo nổ. Cửa lớp học mở ra và thầy Hiệu trường bước vào. " Chuyện gì xảy ra vậy?", thầy hỏi." Một học sinh đã đốt pháo", cô giáo trả lời. "À! À! thầy HIệu trưởng nói, nếu vậy! Ai đã làm chuyện đó hãy tự nhận lỗi ngay đi, nếu không tất cả lớp sẽ bị phạt ở lại vào thứ Năm!" Thầy Hiệu trưởng khoanh tay đứng chờ, nhưng chẳng ai nói gì.
            Rồi thằng Rufus đứng lên."Thưa thầy", cậu ta nói." Gì vậy em?" thầy Hiệu trưởng trả lời. "là Geoffroy đấy, thưa thầy", Rufus nói. " Mày có bị hâm không", Geoffroy hỏi. "Mày đừng tưởng tao sẽ chịu mày thay vì việc mày nghịch pháo!", Rufus hét lên. Rồi hai đứa xông vào đánh nhau.
            Lớp học trở nên ồn ào kinh khủng, vì tất cả chúng tôi bắt đầu bàn tán với nhau và vì thấy Hiệu trưởng đấm rất mạnh xuống bàn cô giáo nhiều lần và quát lên:"Trật tự!". " Nếu đã vậy, nếu như không ai chịu nhận, thì thứ Năm tất cả sẽ bị phạt ở lại lớp!". Rồi thầy Hiệu trưởng đi mất, trong khi thằng Agnan, cục cưng của cô giáo, ngồi bệt xuống đất khóc và kêu rằng như thế là không công bằng, rằng sẽ không ở lại chịu phạt, rằng nó sẽ mách với bố mẹ và sẽ chuyển trường. Điều buồn cười nhất là chúng tôi vẫn không biết ai là người đã nghịch pháo.
            Chiều thứ năm, khi đến trường, chúng tôi chẳng cười đùa tẹo nào, nhất là thằng Agnan lần đầu tiên phải chịu phạt; nó khóc và còn nấc lên nữa. Trong sân, thầy Nước Lèo đã đứng sẵn chờ chúng tôi. Thầy Nước Lèo là thầy giám thị của chúng tôi; chúng tôi gọi thầy như vậy vì lúc nào thầy cũng bảo: " Nhìn thẳng vào mắt thầy đây", làm chúng tôi nghĩ tới những cái bong bóng tròn thô lố như mắt trong thùng nước lèo. Biệt hiệu ấy là do hội lớp lớn đã nghĩ ra. "Xếp hàng vào, một hai, một hai", thầy Nước Lèo nói. Và chúng tôi đi theo thầy.
            Khi chúng tôi ngồi vào lớp, thầy Nước Lèo nói:"Tất cả các em, nhìn thẳng vào mắt thầy đây! Vì lỗi của các em mà hôm nay thầy buộc phải ở lại trường. Thầy báo trước cho các em biết là thầy không thể chịu được bất cứ một sự vô kỉ luật nào! Các em hiểu chưa?"
            Chúng tôi không dám ho he gì vì chúng tôi thấy rõ bây giờ không phải là lúc đùa. Thầy Nước Lèo tiếp tục:" Giờ các em sẽ viết cho thầy ba trăm lần: không thể chấp nhận được chuyện nghịch pháo trong lớp rồi lại không chịu nhận lỗi". Rồi tất cả chúng tôi đừng lên vì thầy Hiệu trưởng bước vào lớp. " Thế nào, thầy Hiệu trường hỏi, những anh chàng mê nổ pháo của chúng ta ra sao rồi?". "Tạm được, thưa thầy Hiệu trưởng, thầy Nước Lèo đáp, tôi đã nói các học sinh viết ba trăm dòng đúng như thầy yêu cầu"." Tốt lắm, tốt lắm, thầy Hiệu trưởng nói, không một ai được ra khỏi đây chừng nào chưa viết xong từng ấy dòng. Như thế các em sẽ rút ra bài học". Thầy Hiệu trưởng nháy mắt với thầy Nước Lèo rồi bước ra khỏi lớp. Thầy Nước Lèo buông một tiếng thở dài rồi nhìn ra ngoài cửa số; bên ngoài trời nắng rất đẹp. Thằng Agnan lại bắt đầu khóc. Thầy Nước Lèo nổi cáu và thầy nói với Agnan nếu nó không thôi ngay cái trò đó thì cứ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Thế là Agnan ngồi bệt ra đất; nó bảo chẳng ai yêu nó sất cả, rồi mặt nó trở nên xanh lét. Thầy Nước Lèo phải ôm Agnan chạy ra ngoài.
            Thầy Nước Lèo ra ngoài khá lâu, được một lúc, Eudes nói: "Tao sẽ đi xem xảy ra chuyện gì". Rồi nó vào Joachim đi ra ngoài. Thầy Nước Lèo quay lại cùng với Agnan. Agnan có vẻ đã bình tình lại, thỉnh thoảng nó có sụt sịt đôi chút, nhưng cũng bắt đầu ngồi viết mà không nói năng gì.
            Rồi Eudes và Joachim quay lại: "Ôi, thầy đây rồi, Eudes nói với thầy, bọn em tìm thầy khắp nơi". mặt thầy Nước Lèo đỏ tía lên:"Thầy chán ngấy mấy trò hề của các em rồi, thầy quát lên. các em có nghe thầy Hiệu trưởng nói gì chưa, khẩn trương viết cho xong các dòng chữ của mình đi, nếu không, các em sẽ phải ở lại đây qua đêm cho mà xem!". "Thế còn bữa tối thì sao ạ?", thằng Alceste, cái thằng to béo ăn luôn mồm lên tiếng hỏi. "Thầy ơi, mẹ em không cho phép em về muộn buổi tối đâu ạ", tôi giải thích. "Em nghĩ nếu như có thể bớt số dòng đi, thì có lẽ chúng em sẽ viết xong nhanh hơn ạ", Joachim nói. "Giá mà có thể viết câu ngắn hơn, Clotaire nói, vì em không biết viết dúng chính tả chữ "chấp nhận". "Xì, tao viết bằng ch nhẹ", Eudes nói. Còn Rufus thì bắt đầu cười nhạo. Tất cả chúng tôi xôn xao bàn tan cho tới khi thầy Nước Lèo đấm mạnh xuống bàn. "Thay vì mất thời gian, thầy quát lên, các em tập trung vào viết chữ nhanh lên đi!"
            Thầy Nước Lèo có vẻ vông cùng sốt ruột, thầy đi đi lại lại trong lớp và chốc chốc, thầy dừng lại bên cửa số và buông một hơi thở dài nặng nề. "Thưa thầy!", Maixent nói. "Trật tự! Thầy không muốn nghe các con nói gì nữa! Một lời cũng không! Tuyệt đối không!", thầy lại quát lên. Trong lớp chỉ còn nghe thấy tiếng bút mực cạo trên giấy, tiếng thở dài của thầy Nước Lèo và tiếng sụt sịt của Agnan.
            Agnan là người đầu tiên viết đủ số dòng và mang tới cho thầy Nước Lèo. Thầy Nước Lèo tỏ ra rất hài lòng. Thầy vỗ nhẹ nhẹ lên đầu Agnan vào bảo chúng tôi phải học tập nó. Từng đứa một, chúng tôi lần lượt viết đủ số dòng và mang lên nộp cho thầy Nước Lèo. Chỉ còn có thằng Maixent là không viết gì cả. "Tất cả mọi người đang chờ em đấy, thầy Nước Lèo hét lên. Tại sao em không viết hả?". "Em bị hết mực, thưa thầy". Thầy Nước Lèo trợn tròn hai mắt." Thế tại sao em không nói với thầy?", thầy Nước Lèo hỏi. "Em đã định nói, thưa thầy, nhưng thầy bảo em trật tự", Maixent trả lời. Thầy Nước Lèo đưa tay ôm lấy mặt và thầy bảo chúng tôi đưa mực cho Maixent. Maixent bắt đầu ngồi viết rất chăm chú. Nó viết chữ rất đẹp. "Em viết được bao nhiêu dòng rồi?", thầy Nước Lèo hỏi. "Hai mươi ba, sang dòng thứ hai mươi tư ạ", Maixent trả lời. Thầy Nước Lèo có vẻ phân vân một lát, rồi thầy cầm lấy tờ giấy của Maixent, quay lại bàn của thầy, rút bút từ trong túi áo ra và bắt đầu ngồi viết từng dòng một rất nhanh, trong lúc chúng tôi nhìn thầy ngạc nhiên.
            Khi viết xong, thầy có vẻ rất hài lòng. "Agnan, đi báo với thầy Hiệu trưởng biết bài phạt đã được hoàn thành". Thầy Hiệu trưởng vào lớp, và thầy Nước Lèo đưa bài nộp cho thầy Hiệu trưởng. "Tốt lắm, tốt lắm, thầy Hiệu trưởng nói, thầy nghĩ buổi hôm nay đã dạy cho các em một bài học. Giờ thì các em có thể ra về được rồi". Và đúng lúc đó thì, Đoàng! một quả pháo lại nổ tung trong lớp và tất cả chúng tôi lại bị phạt ở lại trường vào thứ Năm tuần sau.
            #21
              lieucao 12.08.2010 16:57:38 (permalink)
              Rất cảm ơn bạn doquang1977 vì đã muốn đóng góp cho dự án Nhóc Nicolas, nhưng bạn ơi, bạn post cả truyện từ những tập khác vào đây rồi. Mình đang muốn up theo trình tự trong sách, để những bạn không có sách dễ dàng theo dõi hơn. Đây là tập 2 trong bộ "Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể"
              #22
                Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9