Truyện ngắn của Nguyễn Kim
BĂNG NGUYỆT 06.08.2010 02:46:32 (permalink)
ĐƯỜNG QUÊ KỶ NIỆM

Ai đó xa quê nhiều tháng nhiều năm, mỗi khi thả hồn về ký ức tuổi thơ thường bắt đầu từ con đường làng quen thuộc. Sự mộc mạc, bình dị của các con đường quê khắp nơi gần như đều giống nhau, chất chứa biết bao tình cảm mát rượi hương lúa gió đồng. Con đường đất quanh co nối liền thôn xóm, bờ tre lả ngọn rợp bóng, hàng trâm bầu cứng cỏi che mát buổi trưa hè. Mùa mưa lầy lội, thương dáng mẹ gầy oằn vai gánh lúa, chân trần bám chặt đất trơn đem no đủ về cho đàn con đang tuổi lớn. Mùa nắng chói chang, chị lầm lũi gánh từng đôi nước trên đường quê lồi lõm sống trâu đau bầm gót nhỏ. Đặt gánh nghỉ chân, chị phe phẩy nón lá, giọt mồ hôi mặn thánh thót rơi cho đám em thơ dòng nước ngọt ngào, trong mát. Vệ cỏ ven đường những đêm trăng thanh là nơi hò hẹn nói lời yêu thương chân tình đôi lứa. Những bước chân đi trên đường quê, những đám cưới và đám tang, nụ cười và nước mắt, tất cả trôi dài theo thời gian, để lại vết hằn trong tâm tưởng mỗi người đã một thời gần gũi, thân thương. Những nẻo đường thường tụ hội một chỗ gọi là chợ quê, chọn nơi đất trống ven lộ lớn hoặc gần bến bãi sông rạch. Ngoài việc mua bán hàng hóa, ăn uống, đây là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện đồng áng với nhau. Người lớn mua chiếu, đệm, lờ, lọp…, trẻ con theo mẹ đi chợ ăn chén sương sáo, lúc về còn vòi vĩnh cho được miếng kẹo đục, cái bong bóng màu cầm tay. Khi nắng lên cao thì chợ tan, chỉ còn ít mái lều che lá cố định, đìu hiu. Đường quê ngoằn ngoèo lại bình thản đón người về, qua rào qua ngõ, cười vui mái ấm gia đình. Một không gian nhỏ mà đậm đà, sâu sắc tình quê. Cũng là con đường, cũng là chân bước, nhưng tình cảm dịu dàng khác xa phố sá rộn ràng thực dụng, nhựa đường bóng bẩy xa hoa!
Quê nội tôi ở một xã nghèo, nhưng là nơi ấp ủ thật nhiều kỷ niệm ngày thơ. Hồi chiến tranh, xã là vùng tranh chấp, du kích làm rào chiến đấu, đào đường cắm chông ngăn chận các cuộc bố ráp, càn quét của địch. Các ngã đường vào làng trồng trâm bầu hai bên rậm rạp và đào rất nhiều hầm trú ẩn. Lúc ấy tôi còn nhỏ có lần được má dắt về ăn đám giỗ. Đường đất lông chông, má giục đi không dám dừng lại vì sợ máy bay thấy người là bắn. Tới ngã ba làng, tai vừa nghe tiếng trực thăng ù ù thì hai bác đang nhổ mạ dưới ruộng chạy nhanh lên kéo má con tôi xuống hầm gần đó, phủ rơm nấp kín. Đám giỗ trong thời chiến không kéo dài, các bác các chú ăn uống vội vàng, súng để gần tay. Đường quê trong đêm thấp thoáng những bóng người liên lạc, canh gác, không khí thật khẩn trương, phập phồng bất trắc. Đường quê chứng kiến mấy thế hệ lên đường chiến đấu giữ gìn làng mạc, xóm thôn. Nhiều người trong họ hàng thân thuộc đã ngã xuống bên bờ tre, bụi chuối…, dòng máu chảy tràn thấm đất quê hương. Đất nước, làm sao kể xiết vạn vạn nẻo đường quê nuôi dưỡng khôn lớn biết bao tâm hồn, bền chí đấu tranh, xây dựng. Đã ba mươi lăm năm qua, cuộc sống thanh bình làm lắng đi những nhọc nhằn, gian khổ ngày ấy. Những người cao tuổi, nông dân cầm súng đánh giặc xưa kia nay không còn mấy người. Lâu lâu có dịp cùng ngồi với nhau hàn huyên chuyện cũ, nhắc nhớ những kỷ niệm đường quê gắn liền chiến tích, bùi ngùi thương tiếc đồng đội đi xa…
Những con đường quê bây giờ phần nhiều đã trở nên khang trang, thuận tiên việc đi lại hơn xưa. Học trò khăn quàng đỏ thắm, tíu tít chân sáo vô tư, hít thở không khí trong lành, tương lai ngày mới. Cụ già chậm rãi dắt tay cháu bé đi trên đường bê-tông bằng phẳng, ánh mắt trầm tư nhớ con đường đất chở biết bao người xuôi ngược cùng mồ hôi, nước mắt và máu. Mùi khét của khói súng, tiếng ì ầm của bom đạn…đã trở thành quá vãng. Tuổi thơ đôi lần va vấp gốc rễ khô cằn trên đường làng, nay sống đời an nhàn phố thị, có khi nào nếm miếng quà quê, ngắm bức tranh quê mà thảng thốt bùi ngùi?. Hoài niệm đường quê với rất nhiều ray rức để không quên bản sắc dân tộc, anh linh lớp lớp cha anh luôn còn phảng phất bên gốc trâm bầu, ngọn tre…dọc dài quá khứ!

NGUYỄN KIM




#1
    BĂNG NGUYỆT 06.08.2010 02:48:42 (permalink)
    CHUYỆN KỂ Ở QUÁN TRẦN AI

    Mỗi lần có dịp đi xa, thời gian ngồi trên xe khách tôi hay nhìn qua khung cửa quan sát các bảng hiệu hàng quán để tạm quên quãng đường dài. Chuyện nhỏ này cũng lắm điều thú vị. Hiệu giò chả thường là Ngọc Hương, Kim Hương, Thanh Hương…, buôn bán nữ trang thì hay Kim Tùng, Kim Mỹ, Kim Ngân…, làm đẹp cho phụ nữ có Chú Thoòng, Chú Cón, Chú Phò…, sửa xe lại khoái lấy tên A Lỳ, A Bảo, A Cáo…, hàng ăn uống tạo thương hiệu riêng bằng tên hoặc biệt hiệu chủ nhân như Ông Mập, Ông Ốm, Ba Cô, Năm Ngù…Buồn cười hơn khi gặp những quán nhậu gây ấn tượng tức thì, ví dụ Sống Trên Đời, Chính Nó, Nè, Bảy Món, Vào Đây Ngay…kèm hình vẽ cái thủ cấp chó nhe răng trừng trợn hay cái đầu dê với chòm râu khiêu khích do một cây cọ vườn nào đó ngẫu hứng thực hiện. Đối với tôi thì những tên hàng quán bình dân, là lạ dễ tạo sự chú ý và nằm vùng lâu hơn trong trí nhớ…
    Tối nọ, tôi cùng hai bạn thân Tuấn và Tùng ngồi xem trận bóng đá tới gần mười giờ mới chấm dứt. Chuyện phiếm thêm một lúc, Tuấn nổi hứng rủ đi quán dê nướng Trần Ai ở giáp hạt lai rai vài xị. Biết chữ giáp hạt có nghĩa là vùng đất phân ranh giữa các địa phương, nhưng quán mang cái tên có vẻ khinh bạc này thì tôi chưa đến bao giờ. Và tôi tán thành bởi Tuấn gợi ý “Ông chủ quán quen mình, nghe nói biết rất nhiều việc lạ lùng từng xảy ra ở nơi ấy mấy chục năm về trước, giá như tìm hiểu được thì hay lắm…”. Chung sự tò mò, ba đứa hai xe tà tà vượt đường xa hơn mười cây số tới một ngả ba. Đường vắng, Tùng kể cho nghe địa danh “cây me thắt cổ” gần đó, người ta đồn rằng từ lâu lắm sau khi có người thất tình, thất chí treo cổ trên cây me đó, oan hồn không siêu thoát nên đên khuya hay hiện hình vật vờ kêu khóc. Cây me giờ chẳng còn, chuyện huyển hoặc tôi không tin, nhưng bóng đêm luôn làm mình yếu đuối, sợ hãi vu vơ. Rẽ vào lộ đất nhỏ nhiều lùm bụi, hai bên là ruộng lúa, ao bưng, nhà cửa khá thưa thớt…dẫn đến gian nhà lợp lá, cất kiểu nông thôn. Bên rào dựng tấm bảng sơn trắng xiên xẹo dòng chữ “Dê nướng Trần Ai” đúng lời Tuấn giới thiệu. Một ngọn đèn măng-xông treo trước sân, độ mươi người khách đang gù gật tính tiền, loạng choạng kéo nhau về. Quán nhậu làng xã thường chỉ khách vãng lai vài chập là tan. Chúng tôi vào gặp lúc chú Năm chủ quán đang thắp nhang cho ba bàn thờ gian giữa, không gian âm u, leo lét ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn dầu nhỏ gợi nhớ mênh mang. Đợi chú làm xong phần việc thiêng liêng trên, chúng tôi mời cùng ngồi cái bàn nhỏ đặt gần gốc khế già cỗi, lần lượt mấy dĩa mồi nhậu được cô cháu gái ông chủ mang ra. Quan sát chú Năm tuổi trên dưới bảy mươi, gầy gò, mái tóc trắng dài cùng đôi mắt già lúc ủ rũ, khi linh hoạt, tôi cảm nhận trong ông có lẽ chất chứa khá nhiều uẩn khúc, buồn vui cuộc đời mà ít thố lộ. Chú nhiệt tình mời mọc :
    - Chú Tuấn chiêu đãi các bạn cho xôm lên nghen ! Sườn, thịt nây…tôi ướp nướng đặc biệt dành cho khách quen. Có dĩa cua gạch xào chua phụ họa thêm cho đỡ ngán, cứ ăn thiệt tình. Rượu ngâm chuối hột đường phèn loại cốt, uống vô bảo đảm sáng dậy không nhức đầu…Nào…vô !
    Không khí bở ngỡ ban đầu sớm được xua tan qua cuộc trò chuyện lan man đủ thứ đề tài, thường chỉ nghe được trong bàn rượu, có thể là lúc mỗi người chợt cảm thấy trống vắng và cần chia sẻ, cảm thông. Tôi cũng hào hứng tham gia, nhắc lại các mẫu chuyện mà ba tôi từng tham dự hoặc chứng kiến, thời đánh Tây sau trận Cầu Nổi tản cư qua miệt biển Lý Nhơn, Đồng Hòa. Hào hùng, bi thương, oan khuất có đủ, nhưng xuyên suốt vẫn là ý niệm đối trọng giữa thiện và ác. Hai bạn tôi lừ lừ đốt thuốc lắng nghe, nhấm nháp ly rượu, thỉnh thoảng góp lời. Trời về khuya, ánh sao dày đặc trên nền trời đen trông như cái bát úp thủng chi chít. Chú Năm đứng lên vào nhà thắp thêm tuần nhang, trở ra bảo chúng tôi cùng cụng ly rồi lên tiếng bằng giọng khàn khàn :
    - Tôi cảm ơn chú Tuấn đưa các bạn tới đây và vì quán tôi cũng sắp dời đi nên nhân dịp này kể cho nghe một câu chuyện thật về nhân quả hay báo ứng gì đó. Bao nhiêu năm nay, chuyện lạ lùng này nó cứ luẩn quẩn, ám ảnh trong tâm trí tôi hoài mà khó giải thích được. Mấy chú uống cầm chừng, đừng ngại trời khuya và xin chớ ngắt lời tôi…
    Từ giờ phút này, ba đứa chúng tôi chỉ im lặng đưa mắt cho nhau cùng hiểu ngầm là đã may mắn khơi đúng mạch nỗi sầu tư chất chứa trong lòng ông chủ quán dê nướng Trần Ai. Chú Năm hơi cúi đầu nhìn xuống, giọng đều đều, âm ỉ hòa tiếng côn trùng rã rích, tiếng gió lạnh lẽo lướt qua khu vườn…
    …Khoảng năm 1955 hay 1956, xóm làng này nhà cửa còn hẻo lắm, chỉ trong miệt vườn thì đông đông một chút. Dân phần nhiều là nghèo, sống cơ cực với miếng ruộng, cây dừa, châm bẫm làm sao cho đủ ăn là mừng. Khổ nhứt hạng là cái đồn lính Bảo an đoàn chưa đầy hai chục mạng mà nó hành người ta quá trời. Suốt ngày chúng quẩn quanh dòm ngó, chọc gái, kiếm chác nhậu nhẹt; ai cũng rủa thầm đám ôn hoàng dịch tể này. Lúc ấy tôi chừng mười hai, mười ba tuổi, giống như bà con rất có ác cảm với thằng cha Ba Đởm phó đồn. Hắn to khỏe, cỡ ba mươi tuổi, tính tình cộc cằn, tham lam và ác. Vợ hắn bị hành hạ, dằn vặt tới nỗi trốn biệt xứ, bỏ đứa con gái chín tuổi lại. Con nhỏ tên Hoa thui thủi một mình trong nhà thấy cũng tội nghiệp, nhưng đám trẻ trong xóm biệt đời không cho lân la chơi chung. Tôi còn nhớ lần nấp bên rào nhìn nó ngồi bệt dưới sân, lấy đất sét nắn vài hình người với vẻ say mê, đem phơi nắng một lúc rồi đặt nằm thành hàng. Biết nó làm gì không ? Cầm con dao găm của cha, nó đâm, chặt những hình người làm đôi mà môi mím lại, nghe hình như có tiếng rít trong họng. Tôi sợ, thật sự sợ con nhỏ. Nghe truyền miệng cha nó trước khi đổi về đây đã khét tiếng “ba ngày không thấy máu không ăn cơm” ở Tam Bình. Ba Đởm đóng đồn vùng giáp hạt mấy năm mà rất nhiều chuyện thương tâm xảy ra, nhưng tôi chỉ nhớ hai vụ. Vụ cướp nhà bà Cả Trọng đầu rạch Quao, một giờ sáng làng xóm đánh mõ, dộng thùng thiếc vang trời chẳng thấy làng lính tới tiếp cứu liền. Tội nghiệp bà Cả già nua, đơn chiếc mà bị trói đánh khảo chết ngất, máu me ướt mặt, chỗ giấu tiền trống trơn. Trong đồn bung ra lùng sục một buổi rồi thôi, đổ cho bọn cướp đâu ở bên cồn qua. Nói có đầu có đuôi, chiều hôm kia con trai một của bà theo nghề khai thác muối ở Lý Nhơn về giỗ cha, sẵn gởi mẹ số tiền khá lớn dự tính tháng mười sửa nhà, nào ngờ khuya sau xảy ra cớ sự đau lòng. Sau này người ta thì thào với nhau rằng lúc rời nhà ra bến đò, anh con trai bị lính Ba Đởm bắt về đồn lấy cung vì “tình nghi liên lạc phía bên kia”. Bị đánh mấy báng súng, anh nói thiệt tình cảnh với tên phó đồn và gởi mớ tiền “nhẫm xà” mới được tha. Bà Cả may còn sống, nhưng lơ láo thất thần, hai tháng sau cũng chết. Dư luận lén xầm xì rằng còn ai dám vô đây ăn cướp ?...
    Ngừng một lúc như để sự nặng nề lắng xuống, chú Năm mời tiếp vòng rượu rồi trầm ngâm thở dài :
    - Vụ thứ hai cách khoảng một năm, tôi nhớ vào giữa trưa ngày tết Đoan ngọ vì đang phụ má tôi soạn bánh cúng. Nghe tiếng la làng, tôi chạy theo mọi người vô tuốt vườn dừa ấp Kinh Một. Thiệt tán tận lương tâm, cầm thú không bằng ! Chị Hài con dâu bác Năm Thơ bị cưỡng hiếp, bóp cổ chết nằm trên bờ mương, thân nửa trên nửa dưới. Nhẫn tâm hơn là nghe bà con nói chị ấy đang có bầu ba tháng. Cảnh sát quận có xuống làm ăng-kết điều tra, ban đầu đặt nghi vấn Ba Đởm vì ngay trưa đó hắn nhậu chỉ xa nơi chị Hài chết ba dây ruộng và đường về đồn nhất thiết phải qua chỗ chị móc dừa khô rớt mương. Hồi trước hắn si mê chị Hài, òn ỉ xin cưới, nhưng gia đình bác Năm lần lựa né tránh, sau lén gã chị cho nhà quen biết, đàng hoàng. Chuyện tưởng đã yên, ngặt cái tên hung thần ác sát này thù dai đến độ điên cuồng vì dục vọng không thỏa mãn nên…hiếp, giết chị chăng ? Tới lui cả tuần không ra chứng cứ, tụi cảnh sát chấm dứt cuộc điều tra bằng trận nhậu rôm rã tại đồn. Sau đó có người tình cờ nghe Ba Đởm nhừa nhựa trong cơn say “Một phát hai mạng cho cha Năm Thơ khóc hận tới ngày xuống lổ !”. Chẳng hiểu sao trời đất lại sinh ra hạng hình người lòng thú như tên súc sinh này ?
    …Chỉ tay ra phía tây con đường, ông chủ quán nói rành mạch :
    - Nền nhà cũ Ba Đởm chỗ đó, năm bảy mươi chủ đất cho san phẵng cấy lúa, còn một gốc cây ô môi. Gò mã thì không xa mấy, thân nhân lấy cốt gần hết, chỉ sót vài cái mã lạng cầm cự ít năm rồi cũng trâu nằm heo ủi ráo ! Giờ chắc hơn nửa đêm, chú nào còn sức thì nhâm nhi chơi, bằng không uống trà nghe tôi kể để mà thấm thía chuyện trả vay nghiệt ngã này…
    Tuần xua xua khói thuốc trước mặt, tôi tưởng chừng anh đang khuấy động bóng tối cùng sự nghẹn uất chuyện vừa nghe. Tùng rót ly rượu đưa chú Năm, thấp giọng :
    - Những u uất trong lòng người sống, nếu nói ra được cũng là cách làm vơi nhẹ và biết đâu nỗi oan khiên của người chết nhân đó mà tiêu tan, siêu thoát…
    Ngửa cổ trút cạn ly, chú nhếch môi cười khó hiểu, nếp nhăn trên trán như dãn ra :
    - Ừ,,,số phận, cứ cho là như vậy sẽ thanh thản hơn phải không ? Có điều tôi suy nghĩ khác nên cái tâm mới khổ…
    Tôi xoay người tựa lưng vào thân cây khế lắng nghe từng lời ông chủ quán, trầm tư nghiền ngẫm nỗi thống khổ, áp bức kêu chẳng thấu trời cách nay hơn năm mươi năm của người dân quê chơn chất, ngay trên mảnh đất mình vừa đặt chân. Chú Năm ngó đăm đăm vào âm u bóng tối, nghiêng nghiêng đầu tựa hồ lắng nghe âm thanh huyền ảo của đêm về sáng. Chuyện kể khiến lòng tôi se thắt, miệng khô váng vất, không dám hỏi thêm điều gì nữa. Tuấn và Tùng cũng tay chống cằm, chắc khó mà hình dung ra được cảnh tượng gớm ghiếc vừa nghe. Rít một hơi thuốc, chú Năm nói tiếp :
    - Tôi bị gọi làm giấy lược giải cá nhân, có nghĩa là sắp bị bắt lính. Cha tôi vét bồ bán ba chục giạ lúa hối lộ tụi lính gác bến đò Vàm Còng để đưa tôi trốn lên Sài Gòn. Hơn một năm sau, ông chủ chành gạo người Tiều chỗ tôi làm đúng là quới nhơn. Ông thương, chạy cho cái giấy hoản dịch giả mà như thiệt, đỡ khổ. Đầu năm sau nữa, tôi về lại đây mới biết thêm nhiều việc trong thời gian ở Sài Gòn. Trời bất dung gian, Ba Đởm bị ai đó ra tay bắn hai phát đạn, một vào chân, một bể hàm. Hắn ra lính khoảng năm sáu ba, năm tôi về. Mất chức, hết quyền, chẳng ai thèm dính líu, đừng nói chi giúp đỡ làm ăn. Hắn tự biết thân, chìu lòn, chỉ chọc để ăn nhậu chực và dựa thế phần nào. Quên…con gái hắn trổ mã dậy thì, trắng đẹp giống mẹ, có điều trông ngơ ngơ, đồng bóng. Mấy nhà hàng xóm quả quyết rằng mỗi lúc Ba Đởm nhậu say về là…ngủ cùng con gái ruột, quả là tâm cuồng trí loạn. Cái ác khi đã ăn sâu vô trong máu thì chuyện gì mà nó không dám làm, kể cả đối với người ruột thịt. Chưa hết đâu, thằng đệ tử của tay phó đồn mới khoái con Hoa, cầm lựu đạn tới đòi Ba Đởm phải gã cho nó. Bị áp lực và cô thế, hắn đành nuốt hận chấp nhận. Ba cặp vịt “xin” của dân làm tiệc nhậu tới nửa đêm là xong lễ đón vợ về đồn. Mờ sáng, chó sủa dậy làng vì thằng “rể” Ba Đởm lôi con Hoa tới trả, hậm hực đòi bồi thường tiền tiệc nhậu. Nguyên do là trong đêm động phòng, con Hoa phát điên, xé quần áo, gào khóc van lạy tứ phía khiến bọn lính vừa bực vừa sợ. Nhìn con Hoa mà tôi hụt hẫng, xót thương cho một đời con gái sao quá bất hạnh. Tóc rối bù, mắt long sòng sọc vô cảm, lưỡi thì thè ra thụt vô như rắn đớp mồi. Có lúc nó lăn ra đất quẫy đạp, dãy dụa, chăp tay trước ngực xá lia xá lịa như sắp bị ai đó ăn tươi nuốt sống. Cho cơm, nó đổ xuống đất rồi gục mặt, há miệng lè lưỡi nuốt miếng được miếng đổ, ai thấy cũng lắc đầu bât nhẫn. Người thì cho là báo ứng nhỡn tiền, người bảo tội nghiệp ai làm nấy chịu mới công bằng chớ con nhỏ có hại ai đâu. Tồi chịu ý sau, nhưng không dám nói ra vì ý trước được nhiều người ủng hộ hơn. Ba Đởm với bộ dạng đen đúa, chân khập khiễng, miệng méo xệch rì rầm kéo con gái cột chân ở góc nhà. Cuối năm đó hắn càng tuột dốc thảm hại bởi người ta thân thế trình bằng khoán lên quận để đòi đất, đuổi nhà. Cha con Ba Đởm cất cái chòi lá gần gò mã, thui thủi sống xa mọi người. Hắn giăng câu, bắt cá bán có tiền ngoài việc đổ vô rượu, còn thì mua nhang tối tối đốt lập lòe trên những ngôi mộ, trong đó có mộ của bà Cả và chị Hài. Con Hoa cả ngày lang thang bờ bãi đầu trên xóm dưới, bà con cám cảnh thương cho ăn cho uống. Tới khuya nó về ngủ cạnh các ngôi mộ, trơ trụi lạnh lẽo. Có lần đi soi ếch, tôi thấy Ba Đởm nằm ôm con gái khóc mùi, tiếng khóc đàn ông trong đêm nghe rờn rợn, khó nhận ra đó là nỗi bi thương của kẻ một thời gây sợ hãi, tang tóc cho mọi người. Ác giả ác báo ! hắn chết đúng sớm ngày tết Đoan ngọ mùng năm tháng năm, trùng ngày giỗ chị Hài con bác Năm Thơ bị hiếp, giết. Ghe chở lá lợp nhà ngang cầu Sắt thấy xác hắn nằm sấp trên hai ngọn tầm vông xiên thủng ngực, bụng, đầu gục thỏng xuống gần mặt nước, hai chân quấn trong mớ kẽm gai bùng nhùng của bà con giăng chận lục bình. Phỏng đoán chung là Ba Đởm nhậu say về qua cầu té xuống ngọn tầm vông. Nhưng người tinh tế có nhận xét khoảng cách từ cầu tới chỗ xác hắn khá xa, cho dù cố tình nhảy cũng không thể được. Rõ ràng thi thể hắn tựa như có một sức mạnh kỳ bí nào đó nâng lên cao để rồi ép ấn xiên vào hai ngọn tầm vông nhọn. Không giải thích được thì thôi, bà con lấy dây thừng cột dong xác Ba Đởm theo đường sông tới ngọn vàm, đào cho cái huyệt, bó chiếu, lấp đất, coi như trục xuất vĩnh viễn hắn khỏi đất giáp hạt này. Con Hoa theo coi từ đàu tới cuối, nó cười ngặt nghẽo suốt mà nước mắt nước mũi ràn rụa. Chôn Ba Đởm xong, ba ngày sau con gái hắn bỗng dưng biến mất, cả làng xã chẳng ai biết đi đâu ? Cho tới giờ tôi vẫn không quên nét mặt con Hoa ngày còn nhỏ đối chọi với hình ảnh cô gái điên chịu đọa đày tinh thần, thân xác quá nhiều. Tội lỗi này thuộc về ai đây ? có lẽ cái hữu hình và vô hình có mối liên quan. Nhân quả, báo ứng chăng ?...
    Chú Năm vuốt vuốt mái tóc bạc trắng, khoát tay đứng lên ra ý chấm dứt câu chuyện :
    - Hai giờ sáng rồi , mấy chú muốn ở hoặc về lúc nào thì tùy. Tôi mệt xin nghỉ
    trước, bàn nhậu này là duyên may gặp, nhất định phải để cho tôi được mời. Chuyện kể rồi thuộc về quá khứ, tôi mong đừng ai có ý nghĩ sâu nặng hay bình phẩm khe khắt người trong cuộc. Tất cả chỉ là nghiệp chướng trả vay mà thôi !
    …Hơn tháng sau, rỗi việc tôi cùng Tuấn và Tùng trở lên quán dê nướng Trần Ai thì nơi ấy chỉ còn nền đất, trơ cây khế già. Hỏi người sống gần đó, họ cho biết chú Năm cùng đứa cháu đã dọn đi hai tuần trước, về đâu thì chú không nói. Chuyện kể này thực hư tôi chẳng tìm hiểu thêm làm chi bởi một đêm như thế trên vùng đất này đủ làm tôi trăn trở, khắc khoải về sự sống, cái chết cùng số phận mỗi con người !

    NGUYỄN KIM


    #2
      BĂNG NGUYỆT 17.08.2010 00:15:48 (permalink)
      HỌC TRÒ CŨ

      Ngôi nhà nhỏ lợp mái ngói âm dương nép mình khiêm tốn dưới cây xoài rợp bóng. Một mảnh vườn bao bọc chung quanh trồng các loại bông hoa thông thường, quen mắt như soi nhái, mười giờ…chen lẫn vài chậu mai vàng sần sùi, già cỗi. Làn gió nhẹ đong đưa những cành phong lan sắc màu kỳ diệu lủng lẳng trong vỏ dừa treo trên hàng hiên. Thầy ngồi tựa băng ghế trầm ngâm có đến hàng giờ, thói quen mỗi buổi sáng khi cô con gái duy nhất đã đi làm. Tuổi tác ngoài bảy mươi, bây giờ thầy hay hồi tưởng những kỷ niệm thời gian dạy học khá dài, gần như chiếm hết thời thanh xuân. Không thể nào nhớ đầy đủ những khuôn mặt thân quen, đồng nghiệp, học trò được. Có khi bất chợt, thầy thấy hiển hiện hình ảnh, tính ý hồn nhiên, nghịch ngợm của những đứa học trò mà từ khi rời lớp chưa một lần gặp lại. Thầy băn khoăn tự hỏi chúng nó giờ sống ra sao? có vất vả lắm không?, giá như biết chút tin tức thì an lòng hơn. Nói điều này ra, nhiều người cho là thầy lẩm cẩm lo xa bởi chắc gì những đứa học trò ấy nhớ thầy, cho dù chỉ mọt phút. Thầy không tranh luận mà nghĩ rằng những học trò cũ giống như những đứa con trong một gia đình lớn, khi trưởng thành thì phải chia tay nhau, kẻ nhớ người quên không trách. Mình là thầy, cần rộng mở tâm hồn cùng mong ước thiết tha chúng vào đời sống tốt, có ích cho xã hội là vui lắm rồi, còn gì hơn?. Lấy tờ thư trong túi áo ra, thầy vuốt ve mà không xem, tâm trí quay lại chuyện ba ngày trước…
      Mười giờ sáng chủ nhật, bốn học trò cũ của thầy cùng ghé thăm một lượt. Anh làm ăn thành đạt, anh có địa vị cao, tất cà đều sống ở thị xã và huyện gần bên. Nghe tin thầy bệnh, chuẩn bị lên thành phố mổ, họ hẹn nhau đến thăm hỏi. Ai cũng mang theo quà bánh, sữa đường cho thầy bồi dưỡng cùng sự kính trọng người khai sáng cho tương lai mình. Chuyện trò một lúc, một anh ra xe mang vào thùng bia cùng túi thịt nguội và xin thầy cho phép ra ngoài vườn vui chơi một lúc. Chuyện bình thường, thầy vui vẻ bằng lòng ngay. Bốn anh hứng thú bàn chuyện làm ăn, khoe sự quen biết rộng, hứa hẹn liên kết nhau sau này. Những tràng cười phấn khích rộ lên, ai cũng có vẻ tự mãn về cuộc sống hiện tại. Thầy ngồi nhấm nháp ly trà sâm, có lúc nhíu mày trầm tư khi nghe các học trò bày tỏ quan niệm trong đối nhân xử thế, hình như không đơn giản, dễ chịu giống thời thầy trước đây. Vừa lúc có khách đến chào thầy, mọi người ngờ ngợ hỏi nhau đôi câu mới biết khách cũng là học trò cũ của thầy. Anh cùng thầy vào nhà hồi lâu trở ra vườn, uống một ly bia rồi xin thôi. Thầy thân mật giới thiệu:
      - Đây là Hùng, học trên các em một lớp, mười mấy năm nay sinh sống ở Đồng Tháp. Có ghé thầy một lần, hồi cô mất. Đường xá xa xôi mà cũng cực công đến thăm, tình nghĩa này thiệt thầy không biết cảm ơn em ra sao cho…
      Hùng lễ phép cúi đầu:
      - Thưa thầy! xin thầy đừng nói vậy…Công ơn thầy dạy dỗ em bao nhiêu năm trời còn chưa đền đáp được…
      Qua phút ngỡ ngàng ban đầu, những người học trò cũ thay nhau nhắc từng kỷ niệm ngày chung mái trường thân quen. Ánh mắt thầy hiền dịu nhìn ra xa xa, tai lắng nghe từng lời gợi nhớ quãng đời bụi phấn rắc đầy tay. Nghe các bạn hỏi nhiều lần, Hùng mới cho biết từ khi thôi học anh làm đủ nghề kiếm sống, sự cực nhọc, lăn lộn đã nhiều. Cho tới khi lập gia đình, anh định cư hẳn ở Đồng Tháp, theo nghề làm ruộng, chăn nuôi. Nghe anh kể thêm về những khó khăn, thiếu thồn trong sinh hoạt miền quê cùng những thăng trầm nghề nghiệp bởi có năm thời tiết, giá cả thất thường, bốn người bạn nhìn nhau lắc đầu ái ngại. Thầy không nói gì, chỉ nhìn Hùng đăm đăm thương cảm. Ngó đôi chim sâu nhảy nhót bên rào, Hùng chợt nói:
      - Không biết thầy còn nhớ năm cuối em học thầy, dịp gần Tết có cơn bão ngang qua thị xã…Hết giờ học, thầy giữ cả lớp lại chưa cho về ngay vì sợ giông gió gây tai nạn. Em nhớ hoài câu chuyện thầy kể lúc đó…
      Vuốt mái tóc bạc trắng, thầy cười hiền hậu:
      - Thầy nghe mang máng như…Em nói tiếp đi!
      - Dạ…thầy kể chuyện con chim Từ Quy trong mùa đông giá rét không tìm được thức ăn đã dùng mõ rứt thịt mình cho đàn con no lòng. Đêm đó về em đã khóc, khóc vì tình thương vô bờ. Má hỏi vì sao, em kể lại làm má cũng rưng rưng. Nhà em nghèo lắm, ráng nuôi em ăn học được cũng lắm gian nan…Thầy thương, nhín nhút giúp cho em tập vở, giấy viết và tiếp thêm nghị lực. Mấy năm sau má em mất, khuya khuya em tỉnh giấc lại nhớ má, nhớ câu chuyện thầy kể và chỉ biết khóc một mình!
      Tất cả bỗng dưng cùng yên lặng. Hùng đứng lên khoanh tay trước ngực, lễ phép:
      - Thưa thầy! bây giờ em mới cảm nhận thêm điều này nữa. Thầy ví như chim Từ Quy, đem tâm huyết, sức lực cả đời dành cho lớp lớp học trò. Sự răn dạy điều hay lẽ phải ở đời cùng kiến thức của thầy truyền đạt, em không hề quên. Dù cuộc sống có nghèo nàn hay cao sang, có lẽ những học trò thầy vẫn luôn xứng đáng với bài học làm người mà thầy thường nghiêm khắc nhắc nhỡ khi xưa…
      Bốn người bạn cũng xúc động đứng lên nói lới biết ơn thầy rồi bịn rịn chia tay nhau sau khi trao đổi địa chỉ liên lạc. Hùng nán lại một chút, ân cần dặn dò thầy giữ gìn sức khỏe. Khoác chiếc áo bụi bặm lên người, anh xiết tay thầy từ giã. Đợi xe chạy xa khuất, thầy quay vào nhà. Lúc mở gói quà Hùng gởi, thầy sững sờ khi thấy chiếc phong bì đựng số tiến ba triệu cùng dòng thư ngắn “Thưa thầy! tình thầy trò em không dám đo bằng tiền, nhưng xin thầy nhận cho tấm lòng của gia đình em cùng chia sẻ trong lúc hoạn nạn. Hẹn lần sau gặp thầy được mạnh khỏe hơn. Đứa học trò cũ. Hùng”…
      Một tốp thợ xây dựng lưng áo đẫm mồ hôi đang khuân vác dụng cụ ngang nhà, tiếng cười đùa lao xao cắt ngang dòng suy nghĩ của thầy. Hai bé gái trông giống nhau- chắc là chị em- rụt rè kiễng chân với hái cành dâm bụt bên rào. Thầy nhìn ra, gật đầu ngụ ý khuyến khích, bằng lòng. Chúng vụt chạy đi với những bông hoa tươi thắm trên tay cùng tiếng cười trẻ con khúc khích. Những nếp nhăn trên trán như dãn ra, thầy lẩm bẩm một câu danh ngôn đã đọc “Trí óc lớn lên bằng những gì người ta nuôi dưỡng chúng”…

      NGUYỄN KIM
      #3
        BĂNG NGUYỆT 30.09.2010 10:27:04 (permalink)
                                                         CHUỘT
         
           Không hiểu vì sao Tùng luôn bị ám ảnh, bận rộn bởi loài chuột. Cũng chẳng phải thường xuyên kiểu lệch lạc tâm trí, nhưng bất chợt trong lúc rảnh rang hoặc có điều gì đó gợi liên tưởng là anh nhớ đến nó. Có lẽ vì anh phải sống nhiều năm ở xóm lao động nghèo, ẩm thấp này, buộc đi về chung đụng bọn chuột như với cộng đồng hàng xóm khó chịu, chuyên sống bằng sự bòn rút bản năng nên…bất đắc dĩ mà quen chăng?
           Xóm nhà ven sông dựng lên từ lâu, không theo một quy tắc nào, quan trọng là xoay sở chắp vá sao cho có mái che mưa nắng là được. Con đường duy nhất ra phố quá ngoằn ngoèo nên mọi người hay đi tắt ngả chợ cá, nhớp nhúa sá chi. Chiều tối chợ vắng biến thành nơi tụ họp tán gẫu, nhậu nhẹt dưới ánh đèn vàng tù mù, quen rồi thấy cũng lắm điều thú vị. Tùng hay ra đó vì anh chưa có điều kiện thay đổi nếp sinh hoạt, đành tự an ủi rằng sự thay đổi chưa hẳn là tốt, có khi lại tệ hại hơn thì sao? Cứ mặc xác dòng đời bình thản cuốn trôi, cả son phấn và rác rưởi, thơm tho và  hôi thối…Ngồi bên bàn nhậu anh ít nói, chăm chú nhìn những con chuột cống đen đúa, mập lút, lầm lì mà tinh quái tranh nhau lôi kéo, giằng xé đùm ruột cá nhầy nhụa, tanh tưởi. Có mấy con chuột già, da lỡ lói trắng hếu, co hai chân trước như ngồi chồm hổm một góc quan sát, thỉnh thoảng mắt bắt ánh đèn lóe lên, thờ ơ nhìn đồng loại, nhìn bọn người lam lũ đang gục gặt bên chai rượu trắng. Vài đứa trẻ lang thang dùng ná thun rình mò bắn những mục tiêu thập thò di động. Chuột cống tranh ăn dữ tơn như cá mập, cắn lẫn nhau, xô đẩy nhau lăn tỏm xuống cống rồi lục ục, lóp ngóp bò lên, tiếp tục. Đều đều khoảng hai giờ sáng, xe ba gát chở cá, chở heo mổ sẵn sắp lớp, phanh lồng ngực thịt xương đỏ hỏn chạy vào thớt để phân phối, nuôi sống con người. Những con chuột hay gầm mặt xuống thường vắn số, sức nặng mấy tạ của bánh xe lạnh lùng lướt qua, bụp một tiếng máu me ruột gan tung tóe. Miếng ăn ngang bằng sự sống, cuộc đổi chác nghiệt ngã của các loài động vật?.Nhà Tùng thuê cạnh bờ sông, chuột cống ít vãng lai nhưng chuột lắt khá nhiều. Chúng loắt choắt, chạy nhảy như làm xiếc, vừa từ nồi cơm phóng qua chảo cá đã xô ngã chai nước tương, lọ muối… Tùng ném cái nắp soong khua rổn rảng, bọn láu cá vụt biến ngay, chưa đầy một phút sau lại xuất hiện, lấp ló hai con mắt tròn xoe khinh thị, ngúc ngoắc những sợi ria, ngó chủ nhà trêu cợt, thách thức. Mua bẫy kẹp về gài dính được hai con rồi thôi, sau đó lâu lâu tóm được chú chuột xạ hôi rình chẳng bỏ công, Tùng đâm chán. Một lần anh chứng kiến chừng mươi con chuột lắt cắn đuôi nhau chầm chậm xoay ba vòng ở gian bếp rồi đi thẳng, cuộc biểu diễn hiếm hoi. Hồi nhỏ nghe bà ngoại kể chuyện chuột lấy cắp trứng, khoai ôm vào lòng cho đồng bọn kéo đi, việc ấy anh chưa hề thấy. Đám chuột xạ ít phá mà gây phiền không ít. Ban ngày ban mặt cứ chít chít cái mõm sát đất, lừ lừ ngang dọc khắp nhà, Tùng không ghét mà bực mình thói trêu ngươi, bất cần thiên hạ của chúng. Tìm cách tận diệt không được, anh đành giả phớt lờ cho bình an vô sự đôi bên. Nghĩ cũng lạ tính ý con người, nhiều lần Tùng nằm võng nhìn con chuột xạ quanh quẫn đánh hơi lòng vòng rồi ngước cái mõm lông lá hướng phía anh chít chít liên tục. Anh tặc lưỡi thương hại, vất cho cục cơm nguội nhỏ, nó nhẩn nha ăn hết sạch rồi chít chít lại gần chân con người độ lượng kỳ cục. Khác với chuột lắt, giống chuột xạ gan dạ trong ngu muội. Anh rón rén lấy dép cầm tay định đập một phát, nhưng rồi lắc đầu ngán ngẫm xua cho nó bỏ đi. Một đêm anh nằm mơ thấy mình là anh chàng thổi sáo lão luyện trong truyện cổ tích, có tài dẫn dụ tất cả chuột thành phố đi theo. Đi hoài, đi hoài đến kiệt sức mà không thấy sông hay biển để đưa chúng xuống, anh cuống cuồng sợ hãi, la hét và thức giấc, mồ hôi đẫm mặt. Chuột ở khắp xóm, mọi nhà mọi nơi, sục sạo tìm cơm thiu canh cặn riết quen mắt. Chị Ba bán bánh ú tuổi chưa tới hàng tư, thôi chồng, có một con gái, mỡ màng khá đầy đặn khiến nhiều cha sồn sồn mượn rượu ởm ờ gạ gẫm, chỉ uổng công tội nghiệp bởi chị đang trong giai đoạn chán chường, chặt dạ. Đêm nọ chị ngủ hớ hênh sao đó bị con chuột- chắc là chuột sắp thành tinh- cắn cho hai vết ở đùi trong phải đi chích ngừa. Cánh đàn ông mồm mép lén vợ tới hỏi thăm, cho sữa cho đường mà dặn chị đừng nói ra. Nắm bắt cơ hội từ con chuột đưa đến, mấy cha cứ thả câu  tỏ bày tình cảm, đời biết đâu được hên xui…
           Con hẻm mở rộng trông khá được mắt. Những nhà may mắn được đền bù, hỗ trợ, thêm tiền dành dụm xây lại cho có bộ mặt sáng sủa với người ta. Khi dở mái nhà lá, có người bắt được mấy ổ chuột lắt con đem cho ông Ba mài kéo cuối hẻm ngâm rượu. Những con chuột trắng hồng chưa mở mắt, lộ cả gân máu, ngo ngoe lọt tỏm vào hũ rượu ngâm đủ thứ hầm bà lằng. Tùng vẫn nhà nền đất, trừ phần trên lót gạch tàu, định năm tới dời đi nơi khác. Một sáng sớm uống cà phê về, anh đang xoay trần ngồi viết thì chợt phát hiện chỗ ngạch cửa đùn lên một đống đất lổn nhổn to tướng: chuột cống làm hang. Tùng bỗng dưng nổi giận với ý nghĩ rằng nơi định cư nhiều năm, ổn định và coi như có…chủ quyền của chúng là hệ thống cống khu chợ cá, can cớ chi mà lần mò tới đây?. Anh dồn tất cả số đất ấy xuống, tọng thêm vài cục đá xanh, lấy khúc gỗ to nện kỹ, chắc mẫm sẽ đuổi được những tên lấn chiếm. Ba ngày vắng nhà, khi trở về Tùng sửng sốt: đất đùn lên nhiều hơn trước, có cả mớ bao nhựa, giấy vụn, vài lon cá hộp rỗng…Như cuộc chiến đấu thật sự, Tùng hì hục nấu nồi nước sôi đổ xuống hang, ém chặt đất đá rồi dằn cái cối xay bột cũ bên trên. Phen này thắng hay thua biết liền!.
           Nửa tháng trôi qua, trận địa hang chuột êm ắng, Tùng thầm lặng hả hê với thành công khá dễ dàng trên. Nghe vài người quen ở bàn nhậu chợ cá than thở tình hình chuột lộng hành làm hang, làm ổ. Họ cho rằng hiện trạng nhà ở trước đây giống nhau, chuột phân bố đều khắp, nhưng chủ yếu tập trung khu chợ cá. Nay nhiều nhà xây cất lại kín đáo, cống cũ bắt đầu san lấp để làm mới nên binh đoàn chuột phân tán, chọn chỗ đào hang cho bầy đàn thê tử. Phía bên kia sông, xe ben, xe xúc, nhân công làm việc ì xèo hơn năm nay, ít ai chú ý. Chừng bờ kè hoàn thành, người ta mới giật mình thấy bao quanh công viên nhanh chóng mọc lên san sát nhà trọ, nhà hàng, quán nhậu…Đêm đêm, bên ấy đèn đuốc sáng rực, tiếng nhạc ầm ì, thiên hạ vung tiền hưởng thụ vật chất thừa mứa. Chỉ cách nhau một dòng sông nhỏ mà cuộc sinh hoạt tựa hai thế giới đối lập. Ông Hai sống trên chiếc ghe ọp ẹp làm nhà, chuyên nghề thả vó, giăng câu thề rằng đã tận mắt chứng kiến một cuộc di chuyển kỳ thú của bầy chuột. Hơn nửa đêm, chúng nối đuôi nhau trên bè lục bình dày đặc vượt sông qua vùng đất mới. Ông thều thào “Ở đâu béo bở là có chúng, bọn…chuột người, người chuột!”.Tùng góp chuyện, phổ biến kinh nghiệm lấp hang chuột, ai nấy nhìn anh cười khì, không tin tưởng. Quả đúng vậy thật! Chủ nhật sau anh dọn bếp, thở dài sườn sượt khi thấy phía sau bếp gas xuất hiện một đống đất mới. Anh hơi hoảng, hình dung ra các trận đồ ngõ ngách liền lạc nhau bên dưới của loài gậm nhấm, sự kiên nhẫn của chúng và quyết định hốt đổ hết số đất trên, dời bếp và không thèm lấp hang. Một thời gian dài, quên thì thôi, khi nhớ lại bùng lên cảm giác bị bao vây, bị buộc thỏa hiệp nhượng bộ bọn chuột cống, thiệt tệ! Tùng cố gạt chúng ra khỏi suy nghĩ, dù đôi khi bắt gặp cặp chuột cống to xù đủng đỉnh vào ra hang. Một xã hội chuột linh hoạt, thích ứng mọi bất trắc, mọi hoàn cảnh để ăn, để sống, ai làm gì được ai nào?...
           Tùng bỏ ra hai ngày để thu dọn, sắp xếp, đóng gói sách vở chuẩn bị dọn đi. Anh bần thần khi sắp rời xa nơi mình quen hơi quen tiếng ba năm trời, cái xóm lao động nghèo mà sự việc cùng con người ngồn ngộn chất liệu, đầy ắp suy tưởng trong tâm hồn. Ở nán lại đến cuối tuần, anh chủ ý theo dõi cái hang chuột, không động tịnh. Buổi sáng ra đi, vừa bóp khóa cửa thì Tùng nghe giọng hô hoán lên bên nhà hàng xóm:
          - Ôi trời ơi! chuột đào hang đây nè bà ơi! Nấu cho tui nồi nước sôi…
          - Hèn gì mấy đêm nay nó cứ rùng rục, đồ quỷ!
          - Bà bớt mồm bớt miệng một chút, chửi nó nghe lại thù vặt cắn bấy bá quần áo thì sao?
           Đẩy xe ra ngoài, Tùng hơi mỉm cười, lẩm bẩm “Không lẽ bọn chuột biết mình sắp đi nên cũng di tản tìm nơi ở mới, số kiếp chúng phải cùng sống lẫn lộn với con người, cùng chia chác miếng ăn cho dù là bẩn thỉu?. Đúng là…đồ chuột?”. Nổ máy xe, anh chầm chậm ra khỏi con hẻm, tâm trạng không buồn không vui…
         
                                                                                                 NGUYỄN KIM
                                                          
        #4
          BĂNG NGUYỆT 30.09.2010 10:29:13 (permalink)
                                            MỘT THOÁNG SÂN NHÀ
           
             Hầu như ai cũng có một khoảng sân nhà để nhớ để thương, cho dù trong tâm tưởng hay thực tế, ký ức hay hiện tại. Đó có thể chỉ là một mảnh đất con con trồng vài cây cau, hàng dâm bụt hoặc rộng đủ đề tụ tập bên gốc mít, gốc ổi chơi ô ăn quan, chơi cò chập hoặc xới đất ven rào bỏ hột mồng tơi, hột sâm lá bò lan xanh mướt…Tôi quen một bác cả đời sống dưới ghe cùng vợ chồng người con trai, hai đứa cháu gởi nhà bà con đi học. Ghe bác chở thuê khoai củ, cá mắm…đủ thứ, lâu lâu cặp bến gần nhà tôi đôi ngày nên có dịp trò chuyện nhau. Tuổi già hay ôn lại chuyện cũ và những ước mơ chưa và có lẽ không bao giờ thực hiện được. Bác thường nhắc những nơi mình đã đi qua, nơi mình ghé lại, lạ riết thành quen. Trong câu chuyện, quãng thời gian nhiều kỷ niệm với bác là lúc ghe đậu bến chợ Trường An thuộc địa phận Vĩnh Long cho cô con dâu sinh đứa cháu thứ hai. Một gia đình nhơn hậu cho bác ở nhờ cái chòi lá trước nhà suốt hơn hai tháng, đôi bàn chân trần bén hơi đất quyến luyến chẳng muốn rời. Sân nhà chằng chịt dây leo, cây dại, không người dọn dẹp. Bác tẩn mẩn dọn cỏ, xới đất trồng ớt, cà, đu đủ…lại thêm mấy cây cau tây, dưới gốc dậm bông mười giờ, bông soi nhái. Vậy mà bác vui không gì bằng, rãnh rỗi lại săm soi từng chiếc lá, tìm bắt từng con sâu. Sáng sớm bên ấm trà trước sân, bác cùng người chủ nhà đồng niên chuyện vãn thế thái nhân tình, mua bán làm ăn khá là hợp ý. Thời gian qua nhanh, chừng con dâu cứng cáp thì cả nhà bác từ giã xuống ghe. Bác kể với tôi rằng lúc đặt chân lên đòn dài bác đã ngập ngừng rướm lệ, trong nỗi buồn xa người cưu mang mình còn chút bùi ngùi cho khoảng sân nhà không mong gặp lại. Chỉ là mấy cái cây bám đất bám rễ mong manh thôi mà thương, mà bịn rịn bởi nó mang hơi hướm thân quen, tựa chiếc cầu nối tình cảm quê cha đất mẹ nay đã xa vời. Tâm trạng thấp thoáng niềm ân hận, nhớ nhung như người…vô tâm phụ bạc, thật khó diễn tả cho đúng. Những người hời hợt cho là bác nặng lòng đa cảm, có đáng chi mà nhớ. Tôi thì nghe qua tâm sự của bác, đêm nằm bỗng dưng thao thức miên man rồi buồn một mình. Tết rồi, bác chở chuyến hoa kiểng bán tới mùng ba thi rời bến. Bác cho hay lần này về quê sống với đứa cháu ruột luôn vì sức khỏe đã kém nhiều, con trai con dâu thương cha không cho theo ghe cực nhọc. Đáng lẽ lui ghe chiều hăm chín, nhưng bác muốn nấn ná thêm vài hôm nữa, con phải chìu ý. Chẳng nói ra, nhưng tôi mừng cho bác từ nay tha hồ hít thở mùi mạ non, mùi lúa chín, mùi cỏ dập dưới đôi bàn chân không hay chạm đất. Rồi lại lo bác sẽ ưu tư, tình cảm ngược dòng về bạn thương hồ, sông nước lớn ròng, ngã năm ngã bảy!
             Nhà bà ngoại tôi ở quê. Phía sau có mảnh vườn trồng mía, bắp, phía trước là khoảng sân đất nện phẳng. Đậy là nơi gắn bó tuổi thơ tôi với các bạn hàng xóm cùng lứa. Đây là nơi chúng tôi chơi bắn kè, thảy lổ đáo, có khi đốt lửa nướng cua đồng, nướng bắp…Bà ngoại dễ tính, thương trẻ con nên ít khi rầy la. Cạnh rào mọc lên hai cây mù u, lá xanh dày che mát hướng mặt trời lắn. Sau nhà có cái ao được cơi lớn, bắc ván làm cầu lấy nước sinh hoạt, cũng là nơi tôi tắm mỗi chiều. Hồi chiến tranh, ngoại nhất định không chịu tản cư, tối nằm ngủ dưới bàn thờ Phật. Khuya nọ, đạn pháo bắn nổ hai trái liền kề ở góc vườn thành hố, thành ao, ngoại để vậy không lấp. Đêm trăng, ngoại đào khoai môn nấu một nồi bưng ra sân, trải chiếu cho bọn trẻ chúng tôi ăn với đường tán. Vị bùi, ngọt của món quà quê cùng trăng thanh gió mát, cử chỉ, lời nói đầy ắp yêu thương của ngoại lắng đọng mãi trong lòng tôi. Mỗi lần nhớ lại khoảng sân nhà là tôi nhớ tất cả, con người cùng cảnh vật, từng chi tiết tưởng chừng rất vu vơ, bé nhỏ. Bà ngoại tôi mất, vài năm sau nhà đổi chủ. Người ta cất nhà lớn, thu hẹp khoảng sân, đốn bỏ hai cây mù u giờ chỉ còn trong ký ức, không phai. Có lúc buồn chán, thất vọng điều gì trong cuộc sống đầy những đố kỵ bon chen, tôi lại hồi tưởng tuổi thơ, những ngày quê ngoại cùng khoảng sân nhà bình dị, bao dung. Mấy cô bạn nhỏ ngày xưa tíu tít chia nhau trái me, trái khế, giờ theo chồng xa xứ hay đã tay bồng tay bế…cháu nội, cháu ngoại?. Tóc xanh giờ thành tóc hoa râm là chuyện thường tình, sao tâm trí mình lại viễn vông, ray rức một thoáng sân nhà?...
           
                                                                                                        NGUYỄN KIM
          #5
            BĂNG NGUYỆT 04.11.2010 12:38:06 (permalink)
            NGỌC THỰC – KÝ ỨC MIỀN QUÊ

            Được xem những bài luận văn của các em học sinh tả cảnh thu hoạch mùa màng, thường chỉ thấy không khí vui tươi, lao động phấn khởi, rộn rã tiếng cười; ít khi đọc được vài dòng nhắc nhỡ đến nỗi vất vả của người làm ra hột lúa. Người nông dân trước đó phải dọn ruộng, đắp bờ, ủ gieo giống, dầm nước nhổ mạ cấy trồng…Rồi còn bao lo toan, trông trời trông nắng trông mưa, một nắng hai sương, thấp thỏm không yên giấc đêm mưa giông bão táp cho tới ngày sân phơi đầy lúa óng vàng, quây bồ đón hạt ngọc của trời; thành quả từ những giọt mồ hôi đổ ra trong nắng cháy, những cơn mưa lạnh tím môi. Biết bao câu ca dao tục ngữ ngàn xưa đã nói về sự lao động cần mẫn của nghiệp nhà nông. Bởi vậy, có thể nói chắc một điều là người ở nông thôn từ trong máu thịt đã biết tiềm tàng, quí trọng, dè xẻn hột gạo hơn hẳn người sốg nơi thành thị…
            Bà ngoại tôi cả đời sống ở quê, đạm bạc, hồn hậu, thương con thương cháu. Những lần nghỉ hè về chơi, anh em chúng tôi tha hồ leo trèo, tắm rạch, bày đủ thứ trò chơi dân dã. Vận động nhiều nên mau đói bụng, nhưng thuở đó đâu có nhiều quà bánh, hàng quán như bây giờ. Biết ý, bữa nào ngoại cũng hốt gạo nấu vun nồi, ăn cơm chiều rồi mà cơm trong nồi vẫn còn. Khuya sớm, ngoại lụm cụm thức dậy nấu nồi cháo trắng bằng cơm nguội cho chúng tôi lót dạ với tép rang, khô mặn. Trời nực giông, cơm hay bị “đổ mồ hôi” thì ngoại nấu nồi nước sôi cho cơm ấy vào chắt nước gút ráo. Một lần tôi chê cơm nhạt, lén bưng cả chén cơm trắng đổ mé hè nhà. Ngoại biết mà không rầy, nhưng lúc sau tôi thấy ngoại ngồi tẩn mẩn nhặt kỳ hết chén cơm tôi vừa đổ rồi trút vào mo cau cho vịt ăn. Chuyện đó làm tôi ân hận tới giờ vẫn chưa quên. Cơm đáy nồi hơi già lửa, ngoại rưới nước bóp rời, rải ra nia phơi khô cất vào giỏ đệm treo cạnh giàn bếp để dành. Kể ra như vậy, tôi càng cảm nhận tính ngoại rất cần kiệm, không bao giờ lãng phí hột gạo cho dù lúa trong bồ đầy ắp. Những đêm thức chờ các cậu đi soi cá, cắm câu về, ngoại xúc tô cơm khô rang với đường cho anh em chúng tôi ăn. Nhai thong thả để nghe được tiếng giòn cốm hòa cùng vị thơm ngọt cơm đường như tẩm mật. Giống tính ngoại, mẹ tôi cũng rất tằn tiện. Cơm nguội thì hấp lại hoặc chiên mỡ cho các con ăn sáng chắc bụng trước khi đến lớp. Qua nhiều năm sau này lớn khôn, kỷ niệm đó vãn còn sống trọn vẹn trong ký ức, trong tâm hồn anh em chúng tôi. Hời nhỏ, có lần được mẹ hứa dẫn đi Sài Gòn thăm ba, tôi rất mừng nên đêm đó cứ trằn trọc mãi. Mẹ dậy sớm chuẩn bị xong xuôi mới đánh thức tôi cùng ra bến xe, thời ấy có đâu chừng bốn, năm chiếc thôi. Bóng đèn vàng quạch trong xe soi những khuôn mặt lộ vẻ sốt ruột bởi chú lơ è ạch quay ma-ni-ven cả chục lần…hết cơm trong bụng, máy mới chịu nổ. Tôi thiu thiu ngủ tới Cần Giuộc thì tỉnh giấc và kêu đói bụng. Mẹ tôi mở giỏ xách lấy ra gói lá chuối bọc cơm nắm với ít tôm rang mặn. Mẹ trìu mến nhìn tôi, đứa con háu đói ăn ngon lành cùng hơi ấm nắm cơm còn đó, miếng lá chuối thì mềm tái đi như sự chịu đựng, đùm bọc không vơi của người mẹ. Điều ấp ủ từ gói cơm nắm ấy về sau tôi mới hiểu, mà có khi cả đời vẫn không đền đáp được. Mẹ già đâu có sống đời với con!
            Lớn lên lập gia đình ở riêng, ký ức nếp sống ngày xưa thỉnh thoảng lại quay về tâm tưởng. Những lúc bị cúp điện cả ngày, các con tôi hí hửng vì sẽ được ăn cơm nấu bằng…lửa củi. Chắc mẫm là ý chúng muốn dặn thêm “Ba nấu thay mẹ để tụi con có…cơm cháy ăn!”. Không ai nói ra, nhưng mấy đứa nhỏ thừa biết rằng tôi cũng có sở thích giống hệt. Cơm nấu hơi khô một chút, để than đượm, chừng nghe mùi thơm bốc lên thì nhấc nồi xuống. Ăn lưng lững bụng, tôi dùng đũa bếp lấy gọn khoanh cơm cháy vàng thơm tròn như vầng trăng mười sáu, lật úp vào dĩa rồi rưới mỡ, tóp mỡ lên trên. Mấy cha con dùng tay bẻ từng miếng cơm cháy âm ấm, rắc chút muối tiêu hoặc nước mắm ngon tùy khẩu vị, cùng nhai rau ráu tận hưởng niềm thú vị rất đổi bình dân thấm vào cả ngũ quan. Mẹ chúng đùa “Ăn cơm cháy thì khỏi…về Tàu!”. Thằng con út tay dính mỡ, miệng nhồm nhoàm trả lời “Cho con ăn hoài cũng được, vì con là người Việt chính tông mà mẹ!”. Cả nhà cùng cười, vui biết mấy!
            Trời lạnh mau xót ruột, nhất là vào đêm mưa. Những lúc như vậy, vợ tôi thử “đặt vấn đề” nấu nồi cháo trắng thì ai cũng hoan nghênh. Thức ăn kèm theo không kén: vài khứa cá lóc, cá ngừ hoặc chén tép rang sả bữa chiều còn lại. Tất cả cho vào ơ đất cùng nước mắm xâm xấp, tiêu bột…kho lửa riu riu tới khi quéo rặt, nổi muối lách tách thơm lừng, thêm muỗng tóp mỡ là xong “sản phẩm”. Nhìn những người thân yêu trong gia đình quây quần bên nồi cháo nóng, goài trời thì mưa lâm râm, có lẽ ai cũng có cảm giác êm đềm, ấm cúng ngập lòng như tôi…
            Trong bữa cơm gia đình họp mặt đầy đủ, thể hiện rất rõ nếp nhà hòa thuận, chăm sóc lẫn nhau. Và từ lúa gạo, hạt ngọc- thực thấm đẫm tình đất, tình người, cội nguồn của tình yêu quê hương; mấy ai không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại câu “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. hoặc bâng khuâng với giọng ngâm nga “…Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…” bên khu nhà trọ người-của-bốn-phương khi trời vừa nhạt nắng!

            NGUYỄN KIM

            #6
              BĂNG NGUYỆT 04.11.2010 12:40:00 (permalink)
              CHA VÀ CON
              “…Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
              Điệu hò ơ…theo nước chảy chan hòa
              Năm tháng đã trôi qua
              Ray rức mãi đời ta
              Nắng mưa miền cố thổ…”
              (Thơ Sơn Nam)

              …Ông già lắt lĩu gánh trên vai, tần ngần đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ, ngó vô. Hai thanh niên mình tràn, quần đùi đang nằm trên giường tán gẫu giật mình nhỗm dậy. Một cậu nhảy vội xuống cầm tay ông già, giọng mừng rở thảng thốt:
              - Ba..ba mới lên…Ủa! sao ba tìm được ngay chỗ con hay vậy?
              Cậu thanh niên kia đứng lên nhấc cái ghế đẩu thấp, tay phủi bụi, miệng lí nhí chào:
              - Dạ thưa bác! Mời bác ngồi nghỉ mệt…Mày không lo giúp bác để đồ chỗ này, nặng gần chết!
              Gật gật đầu ra ý cảm ơn bạn con trai mình, ông già xoay người nặng nhọc đặt hai cái giỏ đệm lớn quãy bằng đoạn cây tràm non xuống góc phòng, tay bóp bóp vai, mắt ngó lên trần nhà, nhăn mặt:
              - Chà chà…trưa nắng mà nằm trong mái tôn này giống như sắp lớp lò bánh mì. Vậy mà tụi bây sống được, hay thiệt!
              Đưa cha ca nước mát, người con trai ngồi bệt bên chân ông, vân vê ống quần nhăn nheo, nhỏ nhẹ:
              - Đã con biểu ba đừng lên chi cho cực…Tháng rồi ít việc ít tiền nên con không về, tính tháng sau…
              - Biểu biểu thằng cha mày! Nhớ mày chớ bộ nhớ tiền sao? Má mày trông ngóng gần hai tháng trời bặt tăm hơi, bả cằn nhằn thúc tao lên coi mày có thiếu hụt hay bệnh hoạn gì không? Bả hiểu tánh mày từ nhỏ, thằng con trai ương bướng, quen chịu đựng mình ên. Ờ…mà già cả rồi ưa nghĩ mông lung chuyện không hay!
              Nhìn quanh gian phòng đơn sơ, chắp vá bằng những mảnh thiếc, bìa giấy cứng…loang lổ ố vàng, góc trống cạnh giường là cái bếp dầu hen gỉ, tô chén ngổn ngang, vung vải bao giấy mì gói; ông già thở dài:
              - Chỗ bây ở còn thua…cái chuồng trâu ông nội mày hồi xưa! Má mày thức khuya soạn sành, gói ghém chút đồ đem lên đây, anh em chia sớt nhau ăn lấy cái tình nghen con!
              - Dạ…ba gánh gồng chi đủ thứ cho cực. Mà từ bến xe tới đây ba đi bằng gì?
              - Tao đi bộ riết cũng tới, bây thấy rồi đó. Thằng cha xe ôm chắc biết tao nhà quê mới lên, nó dụ khị chở hai chục ngàn, tao ngó lơ, nó lẩm bẩm chửi thề, tao giả điếc. Má mày lâu lâu cấy dặm lúa mướn cả ngày, đêm nằm nhức xương nhức cốt cũng được nhiêu đó thôi. Già làm công rẻ mà con!
              Người con trai dụi dụi mắt, im lặng ngó xuống soạn hai giỏ đồ. Ông già chỉ vào từng món, hứng khởi giải thích:
              - Nè…mớ khô cá lóc, cá sặt coi nhỏ chớ phơi đặng nắng ngon lắm nghen con! Ba hủ mắm tép tao vó từng mớ, má mày làm trước sau có xé lá chuối khô ghi dấu cho biết cũ mới, liệu mà ăn. Ờ…ba đem lên năm ký sơ ri, quãy gánh tới đầu hẻm khu nhà trọ có mấy đứa con gái chắc cũng làm công ty xúm lại bao vây. Tụi nó biết rành mày, có đứa nhí nhảnh kêu tao bằng tía, đòi về quê làm dâu! Mày ở đây lâu chắc cũng vàng trời, ba cấm bậy bạ nghen con. Thấy thương thương, ba hốt cho phân nửa bịch sơ ri. Có con nhỏ kẹp tóc hỏi thăm, đòi ba kể chuyện ruộng vườn, đồng áng, nghe ba nói đôi câu, tay nó bụm mớ sơ ri mà..mít ướt, nước mắt chảy dài trên má…tội nghiệp quá chừng! Thiệt tình ba từng tuổi này mà phải ráng dằn lòng…
              Cậu bạn đứng lên giường kiễng chân gọi nhỏ qua phòng bên rồi trở xuống bỏ nhúm trà vô ly, chế nước sôi réo từ cái ấm nhôm đen thui vào, hai tay bưng lại chỗ ông già, ngượng nghịu nói:
              - Dạ…bác uống trà cho khỏe!
              Vơ tờ báo quạt phành phạch, ông già cười, đuôi mắt nheo nheo thân thiện:
              - Cảm ơn cháu…à…quê cháu đâu? cha mẹ còn khỏe không vậy?
              Một thoáng như lúng túng, cậu bạn ngập ngừng:
              - Dạ…cháu quê Đồng Tháp, ba cháu mất vừa giáp năm. Xin phép bác, cháu ra ngoài chút!
              Chần chừ ngoái nhìn lưng áo bạc thếch mồ hôi của cha bạn, cậu ta khép nhẹ cửa ngồi ở bậc thềm. Người con trai ôm vai, ghé sát tai cha:
              - Nó ở Xẻo Quít đồng nước mênh mông, nhà nghèo xơ xác…Có đứa em gái vừa bỏ học nên nó buồn lắm, ba đừng hỏi thêm…
              - Ờ thôi…Lúc vô đây ba thấy mấy con diều vướng dây điện vật vã nhào lộn coi não nề quá. Mùa này dưới mình, tụi nhỏ ra đồng đánh trổng, thả diều mịt trời. Ai đời đánh trổng hoài, ông trời làm sao sa mưa cho được? ba rầy hoài hổng chịu nghe, bỏ luôn!
              - Quên, má khỏe hôn ba?
              - Chà…nãy giờ đợi mày hỏi! Tao tính không nói, bả đi đám giỗ về ngang rào ông Sáu-câu-rê vướng nhánh tre gai de ra đường té sưng đầu gối, đắp muối nay bớt rồi, mày chớ lo. Bả tiếc cái khăn đội đầu mày mua cho hồi trong năm giờ bị rách, nằm than thở cả đêm. Tao giận, khuya sớm xách rựa ra chặt tỉa gần nửa bụi tre cho hả. Cha Sáu cự nự tao một chập, chiều đem mớ cá trắng xào sả qua nhậu, huề! Ờ, tụi con làm công ty đây êm không?
              Ánh mắt người con trai lắng đọng, man mác, rồi ngước nhìn cha khẽ cười gượng gạo:
              - Dạ êm…mà sắp tới con tính xin việc chỗ khác, lương khá hơn. Với lại…
              Cầm chặt tay con, ông già giọng nghèn nghẹn:
              - Mày đừng giấu ba…Tao hỏi dò mấy đứa đầu hẻm biết công ty mày giải thể rồi. Tụi bây thất nghiệp nằm chèo queo cả tuần nay, phải không? Nói!
              Cậu bạn dợm bước vô, nghe loáng thoáng câu chuyện hai cha con, rụt rè thối lui. Người con trai ngó vô vách, giọng rầu rầu:
              - Nghỉ chỗ này thì con xin làm chỗ khác…Ba má thương, nhưng thiệt bụng con hổng muốn về quê. Bao nhiêu năm nay có thay đổi gì đâu ba?
              Chậm rải quơ hai cái giỏ đệm trống không bó vào đoạn tràm, ông già chống gối đứng lên, giọng ráo hoảnh:
              - Trai tráng bây giờ ăn học cao, nhưng suy nghĩ khác thời ba nhiều, nhiều lắm. Ba không chấp nhặt, nhớ một điều ba muốn nhắc con rằng có những thứ thay đổi mà ba mày, má mày, tất thảy bà con làng xóm mình hổng ai ham, hổng ai cần. Con nằm đêm mà ôn lại, nghĩ lại lời ba, vậy thôi. Giờ ba phải về cho kịp xe, má mày trông đứng trông ngồi…Coi khó khăn quá thì về liền nghen con!
              Nói vài lời chân tình an ủi cậu bạn con mình xong, ông già ra cửa, vói lại một câu:
              - Ba kẹp hai trăm ngàn trong gói chuối khô, để dành ăn tiện tặn…
              Người con trai đứng nhìn theo cha, đôi bàn chân trần lam lũ dẫm trên đường nhếch nhác. Cậu bạn ngồi lặng lẽ trên giường, đôi mắt đỏ hoe…
              -------o-------
              …Những nhát cuốc lật đoạn liếp đến cuối bờ vừa xong, ông già mệt nhọc rã rời, buông cuốc ngồi bệt. Nghĩ một lúc lại sức, ông tặc lưỡi nhặt nhạnh những ánh gừng đầy đặn chưa tới lứa cho vô bao. Chẳng đáng gì, nhưng bỏ lại thì nay mai người ta cũng tới xới tung lên, rồi đầm nện, rồi xây dựng, tội cho đám gừng non nớt. Bần thần nhìn mảnh ruộng vuông vức đẹp mắt, quen thuộc từng chỗ bùn, chỗ cạn, ông thắm thía nỗi buồn chia biệt đất đai cồn cào gan ruột. Mấy tháng nay cả xóm ấp này đôn đáo loay hoay, thấp thỏm họp hành, bàn tán quanh dự án khu công nghiệp đã triển khai. Rồi thì giải thích, đo đạc, biên bản chung, ký tên từng hộ chấp nhận đền bù; mọi việc coi như xong. Nghe nói có địa phương tỉnh bạn còn thu hồi cả vùng ruộng đât màu mỡ cận quốc lộ để làm sân gôn, sân banh cho người nhiều tiền vô chơi giải trí, đây coi bộ còn đỡ xót xa lấn cấn hơn. Giờ ruộng bỏ cỏ mọc đầy chẳng ai tới lui làm chi, phần đông nhăm nhe số tiền đền bù để tính toán chuyện cất nhà, sắm xe máy, truyền hình màu…Những người lớn tuổi thì dàu dàu nét mặt, lo mai này sống sao đây khi cây rơm, bồ lúa…căn bản gốc quê đã mất? Cũng có chương trình hướng dẫn chuyển đổi, dạy nghề mới, nhưng so với cái thiệt thòi của người nông dân thì đố ai bù đắp tương xứng được? Đành vậy thôi, thời đại tiến bộ công nghiệp mà! Ông già nhẫm tính, hai mươi sào ruộng của mình được tám chục triệu, nó là nhiều hay ít đây? Miệng mồm khô khốc, ông nhai nhai đọt cỏ đắng chát, thở ra “Không khéo xáo trộn lắm chớ hổng chơi!”. Chợt nhớ, ông lần túi áo bà ba lấy tờ thơ thằng con trai gởi hồi tháng rồi ra coi lại. Mừng cho nó có việc làm ở một công ty lắp ráp hàng điện tử tận Bình Dương, thôi cũng tốt rồi. Ông chịu đoạn này “…ngày nghỉ con học thêm chuyên môn cho giỏi hoặc tới các trại cây giống, nhà vườn tìm hiểu kinh nghiệm về đất đai, trồng trọt. Biết đâu chừng sau này là lợi ích cho mình. Con mới biết một giống tre tàu mới, dễ trồng, năng suất cao, đặc biệt là không kén đất. Mai mốt nghỉ lễ con đem ít cây giống về, ba thấy là ưng bụng liền…”. Thằng còn tiềm tàng máu nông dân như ông cha, vậy được! Mặt sau thơ, nó viết thêm “Con nhỏ kẹp tóc ba cho sơ ri lần lên con, giờ làm ở Khu chế xuất Tân Thuận, tụi con liên lạc thường và…khá thân nhau. Chừng tết con về thăm ba má, chắc có nó cùng đi cho biết quê mình…”. Ông già bật cười, lòng cảm thấy dễ chịu hơn. Nhắc tới cây tre chợt nhớ gần mươi năm trước, dịp đi miệt Bảy Núi thấy tre bạt ngàn xanh thẳm phát ham. Cũng ngộ, khoảng tháng mười trở đi thì lứa tre già đổi màu vàng nhạt, cằn cỗi, rụng lá trơ trụi, chỉa ngọn lên trời rồi…ra bông từng chùm màu đất, cam chịu lụi tàn. Lần đầu tiên ông cảm nhận cụ thể cái vòng đời tre tàn măng mọc, sự tiếp nối mạnh mẻ như những đời người, những thế hệ. Dõi mắt bao quát một vùng đất rộng chạy dài tới rặng cây mé sông, tương lai sẽ là cầu cảng, ông mường tựong đến viễn cảnh nhộn nhịp, kinh tế sáng sủa hơn. Nhà còn miếng vườn với vài chục cây dừa lão ít trái, đợi con trai về cùng bàn chỉnh đốn, sửa sang lại cho ổn định rồi lựa thế đặt cái nò mé rạch…Thôi, mình tâm niệm vì cái chung và biết tính toán căn cơ, liệu cơm gắp mắm, không đua đòi…, có lẽ cuộc sống thanh thản hơn, ông già nghĩ vậy. Trời về chiều, từng đàn chim nhịp nhàng bay theo nhóm hình rẻ quạt như giục ông đứng lên. Cột chặt bao gừng vào cán cuốc, ông quãy lên vai, bước đi vững chải. Ở xa xa, thấp thoáng bóng người phất phất khăn ra hiệu, làn khói bếp mờ nhạt lững lờ theo gió. Không dừng chân, ông già che mắt nhìn, miệng bỗng cười bâng quơ…

              NGUYỄN KIM
              #7
                BĂNG NGUYỆT 04.11.2010 12:52:53 (permalink)
                XẠC XÀO TÀU CHUỐI VƯỜN QUÊ

                Lâu quá chưa về thăm nhà, đêm nằm đìu hiu phố chợ chợt tỉnh giấc nửa khuya nghe tiếng mưa rơi nhè nhẹ xao lòng. Lặng lẽ ngồi bên cửa sổ nhìn sang mảnh đất hẹp nhà bên, bóng tối nhờ nhờ chỉ nghe tiếng mưa đều đều gõ nhịp xuống những tàu lá chuối, âm thanh đơn điệu mà gợi nhớ gợi thương quê mẹ đến cồn cào gan ruột…
                Vườn chuối ngoại trồng cho trái quanh năm, chuối sứ, chuối cau…hai mùa mưa nắng trổ bắp, ra quày không có gì vội như tuổi thơ tôi cùng đám bạn. Ở góc vướn có bụi chuối hột, thân cây chắc nịch, to bằng vòng tay ôm trẻ con. Cây non lên nhiều, bữa cơm có mắm kho, ngoại xắn một cây xắt trộn lá me non chấm ăn ngon miệng. Nghe người lớn kể những chuyện huyển hoặc quanh cây chuối hột, có đêm tôi tò mò bạo gan ra góc vườn để nghe tiếng vặn mình, cọ vào nhau ken két của những cây chuối mà tưởng tượng ra lắm điều. Chuối chín ăn không hết, ngoại tẩn mẩn ép phơi trên tràng cho bọn trẻ mê tắm rạch bắt còng chạy ra một miếng, chạy vào một miếng, vậy mà khiến ngoại vui, ngoại cười. Chuối ăn buồng xong, lúc rảnh rang ngoại đốn và rọc lấy bẹ tướt thành dây phơi dẻo để dành dùng trong nhà. Cần gói bánh, ngoại lấy liềm cắt những tàu chuối to nguyên xuống rọc lá gói. Cọng chuối bỏ lại, đám nhỏ làm súng rượt bắn nhau phành phạch không chán. Tắm sông tắm rạch, ôm thân chuối trơn lẳng, chân đạp nước tung tóe bơi sang bờ, hồn nhiên vui thú biết bao. Nhớ có lần cậu Mười xin đâu được hai cây chuối già lùn, cặm cụi đào hố bỏ phân, chăm sóc tưng tiu. Hai cây chuối bụ bẩm như hai mục măng lên được mấy lá thì sáng nọ bị con gà mẹ dẫn bầy con rứt xé, mổ còi cọc. Tôi thấy cậu Mười sững người, nhặt cục đất định ném cho hả giận, nhưng rồi cậu chỉ thở dài quay vào nhà hốt nắm gạo rải cho ăn. Mấy ngày sau, người ta cho hai cây chuối khác, cậu mừng lắm và lần này làm rào chặn không cho gà vô vườn. Giống chuối già lùn cao hơn thước đã trổ bắp mạnh mẻ. Chừng ra quày phải chặt nạng chống cho cây khỏi oằn, ai thấy cũng trầm trồ khen…
                Hồi còn chiến tranh, đêm nọ có chú cơ sở cách mạng ấp bên bị địch phát hiện, truy đuổi tới vườn chuối của ngoại thì bị chúng bắn chêt, mang xác về chợ. Tờ mờ sáng, bà hàng xóm cầm đèn soi cho ngoại đào cái hố nhỏ lấp lớp đất lẫn lá chuối khô vương máu. Làm xong, hai bà già ngồi thẩn thờ rưng rưng nước mắt thương chú ấy hy sinh, chẳng biết cha mẹ hoặc vợ con có biết tin không?. Từ đêm đó, chiều chiều ngoại hay thắp nén nhang ra cắm chỗ máu người chiến sĩ đã đổ xuống. Nhiều thế hệ đời chuối mọc lên, tàn lụi rồi tiếp tục mọc lên như đời người vững vàng trong phong ba bão táp…
                Sức sống của cây chuối tiềm tàng mà mảnh liệt. Năm kia, vùng ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông- Tiền Giang) bị ảnh hưởng cơn bão mạnh, nhà cửa cùng cây trồng bị ngã đổ nhiều. Vườn chuối nhà anh bạn tôi gần như liệt địa hết. Trước cảnh xơ xác, anh trầm ngâm rồi lại tự tin nói “Không sao! sẵn dịp này tôi bứng gốc chọn giống trồng lại, chẳng bao lâu anh coi…”. Bây giờ vườn chuối nhà anh sum suê hơn trước, lâu lâu họp mặt bạn bè bày cái bàn nhỏ nhâm nhi với hải sán, nghe nhạc Hoàng Phương, hứng làn gió biển mát rượi thì còn gì thích bắng?. Khi về, bạn gởi tặng hai nải chuối sứ sát cuống, đếm thử mười bốn, mười lăm trái một nải. Sắp ra dĩa cúng, ngày thứ ba hườm chín ăn lần là vùa, chuối vỏ mỏng ruột vàng, ngọt lịm…
                Bụi chuối vài cây hay cả vườn cây con cây mẹ , màu xanh dịu mắt của lá, bắp quày nân nẩn đua chen dễ gợi cảm xúc, liên tưởng đến những kỷ niệm quê nhà. Đêm về sáng, nằm nghe tiếng gió, tiếng mưa, tiếng lá chuối xạc xào trong tâm tưởng, bỗng dưng nhớ câu ca dao ngày xưa “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi”. Đọc đi đọc lại đôi lần, thương má lưng còng lụm cụm trước sân, tay che bóng nắng ngóng con rồi sờ lên mặt mình mới hay nước mắt đã tràn mi…
                Bài viết này còn dang dở, má thanh thản ra đi. Buổi sáng, cô em út tắm, đút cháo cho má ăn vừa xong bữa thì má lịm dần rồi mất. Má ơi! biết rằng má gắng gượng thọ chín mươi lăm năm là vì thương con, thương cháu nhiều, nhưng từ giờ con không còn được má rờ đầu, móm mém cười “Chà! tóc con cũng bạc nhiều rồi…”. Nhớ hủ mắm tép đựng trong keo chao, nhớ nải chuối chín cây má để dành cho “…thắng Sáu nó ưa ăn lắm!”. Má cả đời sống đạm bạc, chắt chiu nuôi tụi con khôn lớn rồi lần lượt từng đứa như bầy chim đủ lông đủ cánh bay đi, má không hề than phiền, trách móc. Những bụi chuối vườn nhà giờ không còn nữa và cơn gió đã vô tình lay má rụng về trời để con tấm thía, đau lòng hai chữ mồ côi!

                NGUYỄN KIM

                #8
                  Ct.Ly 18.11.2011 17:02:56 (permalink)
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9