Viet duong nhan
-
Số bài
:
6666
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 25.10.2004
- Nơi: Suối Yêu Thương
|
NĂM NGÀY LÊU LỔNG Ở PARIS
-
04.10.2010 03:51:14
NĂM NGÀY LÊU LỔNG Ở PARIS Phan Thanh Tâm Năm ngày lêu lổng lu bù với hai bạn thổ công ở Paris Trần Văn Ngô và Trần Công Sung, cùng trong nghề báo bổ hồi trước 1975 cho tôi thấy Paris là một thành phố không có ngủ. Càng về khuya, cuộc sống càng có ý nghĩa. Đêm tối là lúc mọi người túa ra đường vui đùa, tận hưởng, như thể không có ngày mai. Paris đúng là kinh đô của ánh sáng, có rất nhiều thứ lạ, đầy nghệ thuật, vừa cổ kính vừa tân thời, quyến rũ vô cùng. Đời sống đắt đỏ, chật chội nhưng lại có vẻ thanh thản, ung dung, vui hưởng, nhâm nhi khắp nơi. Hàng quán lúc nào cũng đông khách. Giữa tiếng ồn ào, huyên náo, tôi mơ hồ cảm thấy lẫn quất dấu vết của người xưa từ mấy trăm năm trước trên từng viên gạch, trên mỗi lối đi; hay nghe văng vẳng đâu đó tiếng vó ngựa lọc cọc ở cuối góc phố. Có đến đây mới thấy ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Pháp trong cuộc sống của ngưởi Việt Nam . Từ ga Lyon chạy vào thành phố, Paris đã có dáng dấp mỹ miều. Hai hàng cây cao, cũng là buồng phổi của thành phố, trông rất mát mắt. Lá xanh um đan vào nhau. Vòm cây chạy dài tới tận đàng xa trên con đường nhỏ nhắn, đầy xe cộ chen chúc. Có lẽ không có thành phố nào cây cảnh được chăm sóc cẩn thận và đầy mỹ thuật như ở Paris ; nhất là ở các vườn hoa, công viên. Nhà cửa xinh xắn, mang dấu kiến trúc đậc biệt của thời xưa cũ. Thành phố được tân trang nhung vẫn giữ lấy nét riêng của mấy thế kỷ trước. Paris còn là thành phố của ái tình, của đôi lứa. Họ hôn nhau đắm đuối, trọn vẹn; trên ghế đá công viên, trên xe điện, giữa lộ, bên đường hay vừa đi vừa hôn, như chim chóc, tíu tít, quấn quýt lấy nhau. Hạnh phúc chan hòa. Thiên hạ tôn trọng chuyện riêng tư; thông cảm tuyệt đối. Chỉ ở chốn giáo đường là có bảng kêu gọi mọi người nên có những hành vi tự chế. Nghệ sĩ với cây đàn Pardon (xin lỗi) hay merci (cám ơn), hai tiếng thường nghe khi chen chúc trong đám đông hay phố xá. Ông bạn Trần Văn Ngô, trong buổi gặp đầu tiên đã biếu cho tôi một cái thẻ gọi điện thoại télécarte. Muốn liên lạc các nơi khi xử dụng điện thoại công cọng, phải mua thẻ naỳ. Ở đây, các máy điện thoại không nhận tiền đồng hay tiền cắt. Chỉ vì Tây con, rắn mắc đã khều tiền, lấy hết. Phương tiện giao thông ở Paris muốn cho tiện lợi và nhanh chóng thì dùng xe điện ngầm hay xe buýt. Cả một thế giới ở dưới mặt đất. Đèn đuốc sáng trưng. Hàng quán, buôn bán tấp nập. Ông đi qua bà đi lại, lên xuống ào ào, như trẩy hội. Ở các lối đi thuận tiện là chỗ trấn đóng của các nghệ sĩ giang hồ, phiêu lãng. Họ sống nhờ vào tiếng đàn, giọng hát, cây cọ và lòng tùy hỷ của khách bộ hành. Hình ảnh người nghệ sĩ với cây đàn, giá vẽ cùng nét vẽ nguệch ngọc hay câu ca, điệu nhạc réo rắc, gieo vào lòng du khách nhiều ấn tượng khó phai. Paris mà thiếu họ chắc hẳn bớt đi phần lãng mạn, thi vị. Ngưòi âu tây ở Paris không to lớn, mập bự như người Mỹ. Dáng vẻ tầm thước, roi roi như người Việt Nam nên thấy người mình cũng bề thế không đến nỗi nào. Phải chăng vì uống nhiềù rượu vang đỏ, thường đi bộ hay vì cuộc sống vô tư dễ dãi, với lối làm việc tà tà nên họ có tầm vóc như thế? Nhà báo Trần Công Sung, sang Pháp từ năm 1968, hồi hòa đàm Ba Lê, cho biết, ở Paris vào mùa hè mà bệnh nặng sẽ rất nguy vì bệnh viện không có bác sĩ, y tá. Hầu hết đi chơi xa. Ông bạn Sung còn bày kế, muốn chiếm thành phố Paris , hãy đợi vào muà hè. Nội các chính phủ đóng cửa nghỉ họp. Họ đang phơi nắng, ngắm ngực và đùi đầm non ở các bãi biển. Ngay cả cảnh sát cũng không thấy. Xe cộ chạy như mắc cửi; mạnh ai nấy lấn; chẳng có len, liếc gì cả. Buổi chiều tối mà tìm chỗ đậu là cả một kỳ công. Phải nhanh tay lẹ mắt; đậu xuôi, đậu ngược gì cũng được; có chỗ là mau mau lủi vaò. Chậm thì phải lái vòng vòng cả giờ. Đái đường Sống ở Mỹ hơn gần ba mươi năm tôi chưa hề thấy cảnh đái đường. Trong năm ngày ở Paris, xứ văn minh bậc nhất, một bửa, hơn nửa khuya trong lúc thả bộ về chỗ trọ, tôi thấy, một anh chàng đang tè vào góc tường, y như năm xưa ngày nào ở Saigon về đêm. Nơi này, cũng như ở các thành phố của Âu Châu, cầu tiêu công cọng rất hiếm thấy, đều phải trả tiền. Ngay cả khi vào viếng cung điện Versailles . Dù đã mua vé vào cửa nhưng khi muốn xử dụng cầu tiều cũng phải đóng 20 cent. Đi đâu, chỗ nào cũng thấy yêu đương thắm thiết, nhưng tôi không thấy có bà nào mang bầu. Ông bạn Sung tiên đoán, nước Pháp, hiện có 60 triệu người, trong tương lai sẽ toàn dân tứ xứ vì các bà không thich chuyện đẻ đái. Khi cần có tiếng cười hay khóc của trẻ thơ trong nhà, họ đi rước con thiên hạ về nuôi. Việc trao chồng đổi vợ vui chơi qua đêm hiện là một lối sống rất phổ thông, được dân Paris ưa chuộng. Các câu lạc bộ này mọc lên khắp nơi. Nửa đêm được đưa đến ngồi ở quán Les Deux Margots, nơi các văn nhân triết gia Pháp như Jean-Paul Sartre một thời hay đến, ông bạn Trần Công Sung, hiện làm cho một hảng thuốc, từng giang hồ khắp chốn cho biết, những người chạy bàn ở đây lương lớn hơn kỹ sư. Còn dân rệp, lố nhố ở bên kia đường gốc ở Trung Đông, chính phủ nuôi cho tới chết. Thất nghiệp nhiều không phải không có việc mà vì không ai dám mướn. Xứ Pháp đuổi người khó lắm. Lỡ mướn rồi thì thà cho nó ngồi chơi xơi nước, hút thuốc lá vặt, hơn là tìm cách sa thải. Đụng tới họ là rắc rối, phiền hà vô kể. Cũng như các thành phố khác, dưới ánh đèn đường, từng đám xúm nhau chơi trò bịp: thảy bài ba lá. Paris hiện có nạn ôm con đi ăn xin. Đa số là dân Đông Âu thuộc các xứ cọng sản củ mò sang kiếm sống. Phần lớn là dân Lỗ Mã Ni. Người đẹp mời gọi Đêm lể độc lập của Pháp 14/7, sau khi xem pháo bông ở tháp Eiffel, chúng tôi không biết xe mình đậu ở đâu nữa vì xe thiên hạ đậu bừa phứa, ngang dọc, xuôi ngược; ngay cả giữa lộ; khiến cho chủ xe mất phương hướng. Sau đó là nạn kẹt xe. Lạ cái là trong cảnh hỗn loạn đó, không hề thấy có một ông cảnh sát nào cả. Mạnh ai nấy bóp; mạnh ai nấy xấn tới. Tiếng còi inh ỏi. Càng lúc càng rối nùi. Ay vậy mà chẳng có cọ quẹt hay tai nạn gìû. Cũng không có cãi lộn, chửi bới. Xe cộ ở Paris đều nhỏ, gọn; dân Paris quen lái, lách, lòn. Trên đường về gặp nhiều kiều nữ, chận đầu xe, đưa tay vẫy, mời gọi. Viens ici, viens ici ! Tới đây. Tới đây ! Theo bạn Sung, ở các nơi khác, nghề rước mối là bị hoàn cảnh đưa đẩy. Còn đây là dân làm ăn lẻ, cần tiền xài; thuộc loại mì ăn liền. Khỏi cần tán tỉnh lôi thôi. Từ ngày có internet người đẹp đứng đường vẫy khách ít đi. Chị em ta chuyên nghiêp cho khách phương xa thì có cả một khu phố ở Montmartre . Tại đây, đèn đuốc sáng trưng. Các cửa hiệu treo giăng đầy hình ảnh vú vê, thân xác lõa lồ, với các kiểu cách làm tình rõ ràng, to bự. Màu sắc lập lòe, đập thẳng vào mắt người qua đường. Cạnh đó có một của hàng tên Chaò Bà; nghe nói do đảng ta khai thác và quản trị. Hôm đầu tiên vừa đến thành phố này, gia đình tôi du ngoạn sông Seine nổi tiếng bằng thuyền tàu. Thuyền chạy chầm chậm dọc con sông để cho du khách thấy Paris ở hai bên bờ sông về đêm. Có rất nhiều công trình kiến trúc của Pháp. Mỗi ông vua làm một cây cầu. Mỗi chiếc cầu bắc qua con sông là mỗi tác phẩm điêu khắc khác biệt, của một thời Trung Cổ. Từ bến Pont de l'Alma, chiếc tàu chạy quanh Ile de la Cité, với tượng Nữ thần Tự Do,(chị em của Nữ thần Tự Do ở Nữu Ước), nhà thờ Notre Dame de Paris, được nhắc nhở nhiều nhờ truyện về Quasimodo, Thằng Gù" của Victor Hugo. Dọc theo sông có nhiều lâu đài, công thự, viện bảo tàng như Musée du Louvre, d'Orsay, d'Art Moderne. Về con sông Seine không có gì là thơ mộng, quá sạch sẽ quá tươm tất. Cảnh sông nước đầy vẻ nhân tạo, không còn nét thiên nhiên của con sông về đêm. Như mạ với con Mấy hôm sau chúng tôi viếng cung điện Versailles, cách Paris 20 cây số, để thấy vẻ nguy nga, huy hoàng, tráng lệ của các thời vua chúa; leo lên tháp Eiffel nhìn bao quát Paris, khâm phục cái ngông của của một kỹ sư muốn dựng một cái tháp bằng sắt từ hơn trăm năm trước; vào nhà thờ Notre Dame de Paris để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc hồi thế kỷ thứ 13 và tính sáng tạo của văn hào Victor Hugo. Ông bạn thân Trần Văn Ngô, làm báo từ năm 1960 có bút hiệu là Từ Nguyên, ngồi tại Paris mà làm chủ bút tờ tuần báo Đất Việt, báo quán tại Garden Grove, California, phát hành nhiều tiểu bang ở Mỹ, đã hướng dẫn gia đình chúng tôi viếng viện bảo tàng Louvre và vườn Luxembourg. Chúng tôi còn lướt qua xem những sạp buôn sách cũ dọc bờ sông Seine, có từ bao thế hệ, khiến tôi không khỏi lẩn thẩn nghĩ tới sự giao tiếp giữa người xưa và nay cùng cuộc sống lặng lẽ của các chủ sạp. Trong thời gian ở Paris tôi được ăn một bữa ăn đáng nhớ. Đó là ăn cá kho tộ trong quán Le Palanquin, một tiệm ăn xinh xắn, sang trọng nằm trên đường Princesse (Công Chúa) thuộc Quận 6. Con đường có nhiều tiệm ăn Mỹ, Anh, Pháp, Mễ Tây Cơ, nổi tiếng dành cho du khách và giới nghệ sĩ. Ngay giữa lòng thủ đô Paris, sau hơn nửa tháng chỉ biết toàn đồ tây, tàu, pizza, hay tay cầm, mà được ăn cơm với cá kho, thiệt là hết sẩy. Đúng là cơm với cá như mạ với con. Ca dao, tục ngữ Việt Nam quá súc tích, tóm gọn cả ý và tình. Năm 1976, trong lúc chuẩn bị khai trương quán thì cuốn sách Le Palanquin des Larmes (kiệu nước mắt), nói về cuộc đời của một người đàn bà bị ép duyên hồi còn nhỏ, của nhà văn nữ Trung Hoa Chow Ching Lee xuất hiện và bán rất chạy. Bà Từ Dung, bà xã của ông bạn Trần Văn Ngô, cùng với cô em gái mới dựa vào đó mà đặt cho tên quán. Sau hơn một phần tư thế kỷ quán trờ thành một nơi không thể không đến nếu du khách có viếng Paris . Sách báo và các khách sạn lớn đều có giới thiệu về quán ăn, nấu theo lối gia đình, thuần túy Việt Nam này. Quán ăn có cả một trang nhà để giới thiệu về quán của mình www.lepalanquin.com. Không đem về nhà Bữa ăn tối đó ngoài cá kho, thịt sườn nướng, thịt gà kho, còn có một tô phở nhỏ. Tráng miệng có một loại kem đặc biệt. Bà Từ Dung cho biết, bà thích khách hàng người Mỹ. Họ kỹ luật, lịch sự, chờ hướng dẫn vào bàn. Ăn xong là ra về, không ngồi lì lai rai. Ông Tây bà đầm thì khác. Họ tự tiện vào quán, ngồi la cà tán dốc tới khuya, và nhả khói mù quán. Khách Nhật thì khó tính. Họ gọi thực đơn từ món, không đặt một lúc và lại hay giục muốn cho mau. An còn thừa thì để đó. Dân Au Châu chưa có thói quen bỏ vào hộp mang về. Dịp này tôi còn gặp lại một người bạn thân sau hơn 30 năm không gặp: ông bạn Trần Công Sung. Cơm ngon, gặp lại bạn cũ, chuyện vản không ngừng. Một buổi tối rất thú vị. Trần Công Sung vẫn như xưa, vẫn đùa giỡn nói: dân Việt Nam nào ở Mỷ cũng giống nhau. Lao động tối mặt tối mũi, dành dụm tiền sang tây vaì ngày, tới sờ tháp Eiffel chụp vài tấm hình, trở về khoe nhặng lên là biết Paris ! Nhà quê dễ sợ! Đúng vậy. Đi du lịch theo lối cưỡi ngựa xem hoa thì làm sao thưởng ngoạn được hết hương hoa của đồng nội.Tuy nhiên, mình nên đại khái, có một cái nhìn bao quát, vì làm sao xem hết và rành rẽ cho được. Ngay cả sách viết về Paris có cả ngàn cuốn. Trong một tiệm sách lớn ở khu Bercy, sách loại này, chiếm cả một khu bằng tiệm sách Nam Á của bà Kim Thúy ở chợ Việt Nam trong Quận 13. Họ viết về đủ mọi góc cạnh. Muốn mua một cuốn cũng không biết nên lựa cuốn nào. Vào viện bảo tàng Louvre mà muốn xem cho hết, muốn cho rành về hội họa hay nghệ thuật nắn tượng thì không biết bao lâu mới xong. Tại đây có cả ngàn bức tranh, tượng đồng, tượng đá từ thòi thượng cổ, trung cổ, cận đại cho tới ngày nay. Nó còn chia ra nhiều phái: phái Ý, phái Đức, phái Pháp, phái Anh. Còn muốn xem cho hết cung điện Versailles, với vườn ngự uyển, trung tâm chính trị của Pháp hồi thế kỷ 17, thì phải mất mấy ngày cho thỏa? Nụ cười Mona Lisa Cho nên, cũng như như bất kỳ người Việt Nam nào đến Paris, tôi chỉ có thể, ngoài những nơi đã kể, còn tới chiêm ngưỡng nụ cười thâm trầm, có một không hai của Mona Lisa; ngắm tượng vai trần của nữ thần Venus; đi qua vườn Lục xâm Bảo, nhớ cậu bé tung tăng đi học ngày tựu trường trong đoản văn bất hủ của Anatole France: lá thu rơi từng chiếc, từng chiếc trên đôi vai trắng của các pho tượng trong vườn; thỉnh thoảng dừng chân ở các quán nhỏ bên viả hè, trầm ngâm với cốc cà phê đen, nhìn ông đi qua bà đi lại; hay đêm khuya nện gót giày trên các viên gạch lót từ xa xưa ỏ các khu phố; hoặc lên đồi cao của nhà thờ Sacré Coeur ngắm các vì sao trên trời và Paris sáng choí lộng lẫy dưới kia; rồi nhìn các nghệ sĩ, mưu sinh bằng cách vẽ chân dung, hay dùng kéo cắt thành hình dáng khuôn mặt cho du khách. Mỗi bức giá $20. Trong số các nghệ sĩ này, tôi thấy có hai người Việt Nam đang vẽ cho khách hàng. Ngoài ra, tôi còn đến viếng khu Chinatown ở quận 13 vài lần. So với các khu chợ Á Đông ở Mỹ nơi này không bằng. Thành công có lẽ là các cửa tiệm của ngưòi Hoa và Miên. Nhất là của dòng họ Tang Frères. Bạn Sung cho tôi biết, năm 1975 có hai tiệm bán thực phẩm Việt và Hoa cùng mở ở khu này. Gần 30 năm sau, số thương vụ hàng năm của người Trung hoa gần một tỷ. Mỗi ngày có một chiếc máy bay chuyên chở rau, trái, hoa, qủa tươi tới Paris . Tiệm Việt Nam vẫn còn đó. Có điều khác là ông bà chủ Việt Nam lụm khụm, già hơn. Bàn ghế cũ kỹ hơn. Quán hàng của ông bà vẫn kiên trì không có gì thay đổi. Trong các món ăn, phở là món được phổ biến khắp nơi. Tiệm nào cũng có ông tây bà đầm xì xụp húp. Tô phỏ nhỏ, mắc nếu so với ở Mỹ. Các thứ thực phẩm khác như, sầu riêng, xòai tượng, nhản từ Việt Nam qua không thiếu thứ gì. Cơ sở buôn bán của người Việt Nam ở rải rác, nhiều nhất là ở ngoại ô phiá nam Paris . Báo Việt ở Paris Về báo bổ, người Việt Nam có mặt ở đâu thì báo có mặt ở đó. Tuy nhiên so voí thủ đô của người tị nạn ở Mỹ, thì báo địa phương ở Paris rất là khiêm tốn, chỉ có vài ba tờ sống bằng quảng cáo. Ngoài ra còn có một tờ ra hằng tháng, có đặt bán ỏ các hiệu sách: tờ Nhân Bản của Tổng Hội Sinh Viên. Báo tư nhân thì có tờ Tin Tức, song ngữ Việt Pháp, do ông Nguyễn Đình Nhân, từng làm việc với đài truyền hình Pháp chủ trương. Hai tờ khác là: Áp phe, nhại theo tiếng Pháp Affaires (kinh doanh) do Trần Trung Quân chủ trương và tờ Bạn Đường của Từ Ngọc Lê. Tiệm sách trong khu 13 có ba tiệm: Nam Á, Diễm Phương và Khai Trí. Tiệm Nam Á là tiệm có khá đầy đủ sách báo Việt. Ngoài ra, còn có một tiệm chuyên bán sách của chính quyền Cọng Sản Việt Nam . Tôi định ghé qua nơi này nhưng khi đi ngang thì thấy đóng cửa. Về sinh hoạt cộng đồng, theo sự dò hỏi của tôi thì không có sôi nổi như các năm trước. Năm nay có một tổ chức mới khai sanh gọi là Cộng Đồng Việt Nam Tự Do tại Pháp bao gồm Văn Phòng Liên Lạc các Hội Đoàn. Tháng 7 và 8 là hai tháng nghỉ hè của dân Pháp. Trời chợt nắng, chợt mưa, bất thường. Sau mỗi cơn mưa rào thành phố tươi mát ra như một thiếu nữ vừa mới tắm.Cây cối tươi tỉnh hẳn. Dân mít ở Pháp lâu năm gọi tháng bảy là tháng khát tình; tháng dễ dụ đàn bà, con gái về nhà. Trong khi dân địa phương rũ nhau đi ra biển thì du khách trên thế giới đổ về thủ đô nước Pháp. Một thủ đô, có nhiều di tích lịch sử vừa bảo thủ vừa tân tiến, dung hòa, kết tinh mọi luồng tư tưởng, mọi loài hoa quí và hiếm; rất cần thiết cho sinh họat văn hóa, nghệ thuật và sự tiến bộ. Tuy nhiên, Paris chỉ là nơi đến để mà viếng, để mà vui chơi, tận hưởng chớ không phải là nơi để mà ở. Muốn bồi bổ tinh thần, và có một nơi để mà nhớ, để mà quyến luyến thì nên lêu lổng năm ba ngày ở Paris, kinh đô ánh sáng của thế giới./. Phan Thanh Tâm Saint Paul, Minnesota ___________ Nguồn : e-mail ảnh net
|