Kỷ niệm một chuyến đi
kuclanga 10.08.2010 21:34:31 (permalink)
KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI (Anchu)

Tôi nghe có người nói rằng: Tuổi trẻ thì hướng tới tương lai, còn người già thì quay về ký ức. Tôi cho rằng điều này cũng đúng. Thường khi người ta lớn tuổi, thời gian dư giả nhiều hơn, những kỷ niệm ngày còn thơ ấu đôi lúc bất chợt kéo nhau về lũ lượt trong bộ nhớ. Người ta bỗng dưng nghĩ đến ngày còn là đứa trẻ ranh bì bõm lội suối hay những buổi chiều cả bọn đuổi bắt dưới chân đồi. Và những câu chuyện ấy đôi khi cũng được kể lại cho con cháu nghe, kèm theo hai chữ "ngày xưa". Lũ con cháu của thời @ không mấy đứa thích nghe chuyện cổ tích, nếu có nghe cũng chỉ là bất đắc dĩ, đó là chưa nói có đứa còn nhăn mặt rên rỉ : Ối giời, lại ngày xưa. Nhưng người già chúng ta thì lại luôn nhớ về ngày xưa, lại luôn muốn quay về những tháng ngày thơ ấu của tuổi trẻ, lại luôn thiết tha tìm gặp một chút ngày xưa của mình. Có lẽ vì thế mà người ta mới sớm sinh ra cái chuyện họp lớp họp trường, mặc dù thật ra đây không chỉ là đặc quyền của tuổi già, tuổi trẻ cũng vẫn họp lớp mà. Nhưng dù là họp lớp của tuổi trẻ hay tuổi già, cái mà người ta không thể không nhắc tới đó cũng vẫn là những tháng ngày của quá khứ .

Tôi cũng thuộc lớp người già, mặc dù đôi khi tự an ủi mình chưa già lắm. Nhưng nói gì thì nói, không ai chấp nhận được nếu ở tuổi đầu năm mà cứ tưng tửng nghĩ là mình còn trẻ, dù thật lòng vẫn thèm được nhí nha nhí nhảnh như lúc còn đi học, thèm được một lần trở lại làm "Ngày xưa Hoàng thị", nên đôi khi cố giả vờ như cần phải làm một việc gì đó, gọi là kiếm cớ ấy mà, để lửng thửng đi vào con đường mà khi xưa ta bé ta đã từng đi, bước lại những bước chân đỏng đảnh của một thời áo trắng ta đã từng bước.

Một trong những lần lang thang như vậy, tôi đã gặp một người bạn - không, phải gọi là anh, một bậc đàn anh lớp lớn, có lẽ cũng có những hòai niệm nhang nhác giống tôi, chúng tôi đã gặp nhau - ngay tại sân trường Hòa Bình.

Đó là một lần vào khoảng năm 78 - 79 gì đó tôi không nhớ chính xác, trong một lần tôi quay về Long Khánh, lúc đó Long Khánh chưa đổi thay nhiều như bây giờ, để ghé thăm một người bà con bên mẹ. Lúc ở ngã 3 Dầu Giây, đến thăm một đứa bạn ngày xưa rất thân, tôi bảo:
- Tao muốn ghé trường ghê .
Hiếu liếc tôi:
- Ai ở đó mà mày ghé. Mấy thầy cô chắc đi vượt biên hết rồi. Tao còn nghe nói trường bị đóng cửa. Có ai đâu mà vô?
Rồi nó thì thào:
- Coi chừng Công an họ để ý đó mày ơi.
Dừng lại một lúc, nó nói thêm:
- Tao nghe nói hồi chiến tranh, người ta chết ở đó nhiều lắm. Trường không có ai, mày vô ma nó bắt mày.
Tôi phì cười:
- Ban ngày ban mặt làm gì có ma.
Nó gân cổ:
- Mày biết gì, người ta chết đầy một chợ, máu ngập tới nửa ống chân.

Đúng là tôi có biết trận đánh kinh hoàng nhất năm 75 là ở tỉnh Long Khánh (chớ không phải là ở Ban Mê Thuột như một số người nói), đúng là tôi cũng có nghe nhiều về nỗi xót xa, cơn quặn thắt đau lòng mất mát trong chiến tranh, và cũng đúng là tôi rất sợ ma; nhưng sao trong tôi vẫn có ý muốn quay nhìn lại nhìn ngôi trường thân quen mà tôi đã có một thời gian học. Tôi chỉ nói một thời gian, vì hồi đó chuyện thay đổi trường lớp khi gia đình chuyển đi là chuyện rất bình thường. Tôi học ở Hòa Bình không nhiều, nhưng đó lại là khoảng thời gian lãng mạn nhất, thơ mộng nhất của tuổi trẻ. Cho nên, không có gì lạ khi tôi mãi hoài niệm về một trường Hòa Bình thân ái.

Gần trưa, sau khi đã từ biệt người bà con, tôi quyết định đi vào khuông viên nhà thờ Chánh tòa, quay tới quay lui một hồi tôi mới tìm ra được con đường đi vào Lưu xá, nơi tôi từng trọ học. Người ta rào ngoằn nghèo kẽm gai, tôi phải lách mình qua mấy bụi cây rậm rạp để vào. Tôi thẩn thờ tiếc nuối cho vườn hoa tươi tốt ngày xưa với những cây ngọc lan cao lớn thơm nồng nàn, hai bên vệ đường mấy cây khuynh diệp xác xơ, cỏ tranh mọc dày và gai mắc cở bắt đầu tìm được chốn dung thân. Đâu rồi vườn hoa hồng ngào ngạt qúy phái? Đâu rồi những bụi hoa dâm bụt được các sơ dày công tháp ghép xanh đỏ tím vàng? Đâu rồi giống cây nguyệt bạch tôi yêu thích, ban ngày mờ nhạt ban đêm lộng lẫy dưới ánh trăng? Tôi chỉ nhìn thấy những vồng khoai, bụi chuối, loại lương thực cứu đói hữu hiệu nhất vào thời ấy.

Các sơ cũng không còn ai quen cho tôi nói chuyện, phần đông đã chuyển đi nơi khác. Nơi nhà ngang của Lưu xá, tôi thấy một số người nhìn không giống người tu hành ở đó, họ nhìn tôi chăm chú. Sau khi kính chuyển lời thăm các sơ quen biết, tôi lại lặng lẽ quay ra, ái ngại vì những con mắt xa lạ ở nhà ngang nhìn tôi đầy nghi kỵ. Tôi lại lững thững đi ra trên con đường mà tôi vẫn thường đi, cố tưởng tượng dưới chân mình là những hòn sỏi trắng ngày nào, cố nghe tiếng gió rì rào thổi qua những chiếc lá khuynh diệp, cố gắng hít hơi tìm lại mùi hương ngọc lan nồng nàn sang trọng. Rồi tôi lại chui qua cái khe hẹp bé xíu để đến bức tường loang lỗ vì vết đạn của trường Tiểu học thánh Gioan, để đứng trước sân trường Hòa Bình.

Tôi còn nhớ tôi đã rất buồn khi nhìn thấy những vết hư hại trên ngôi trường. Nó không nhiều như tôi tưởng tượng, nhưng nó như những vết cứa nhẹ nhàng vào tâm hồn tôi. Tôi thẩn thờ nhìn cuộn kẽm gai chăng ngang qua cái lối vào sân trường, tôi ngơ ngác nhìn những cây mã tiền đứt ngọn, cái băng ghế đá dưới gốc phượng mà ngày xưa tôi, Hiếu, Đào, Liên, Qúy hay giành nhau ngồi đã chổng chơ nghiêng ngã. Lác đác trên sân cỏ mọc xanh rì, cỏ như cố chen mình vào cuộc sống, oằn mình tránh né từng khối xi măng vô cảm, giãy dụa giữa những tảng đá, gốc củi mục trên sân. Tôi chua chát nghĩ về chính mình, về tuổi trẻ sắp đi qua một cách vội vàng và hờ hững, cũng oằn mình tránh né và giãy dụa cô đơn. Có tiếng chân đến gần bên tôi, rồi tiếng nói:

- Trưa nắng không nên đứng phơi đầu như thế đâu cô gái.
Tôi quay lại để nhìn thấy một mái tóc bù xù và một đôi kính cận, cái áo trắng đã ngã màu trên đôi vai gầy ốm. Anh nhìn tôi chăm chú:
- Ngày xưa em cũng học ở Hòa Bình.
Tôi gật đầu, từ "cũng" có nghĩa là anh giống tôi, một học sinh Hòa Bình, nhưng anh phải lớn hơn tôi mấy lớp. Anh bảo tôi:
- Đứng ở đây nắng lắm, anh nhìn thấy có một chỗ vào được trong sân trường.
Tôi theo anh luồn lách qua mấy đợt kẽm gai, để lại trên cánh tay vài vết xướt nhỏ, sau cùng chúng tôi đến dưới gốc phượng có chiếc ghế đá ngã chổng chơ. Tôi bảo anh:
- Ngày xưa bọn em hay giành nhau chiếc ghế này.

Anh gật đầu, rồi anh kể anh đến đây từ sớm, anh đã nhìn thấy tôi cố gắng để vào cổng lưu xá như thế nào, anh đã đứng ngơ ngác ngòai đường nhìn bọn trẻ cắp cặp đi học mà tiếc nuối cho thời thơ ấu của mình. Chúng tôi im lặng một lúc lâu, tôi miên man nhớ lại từng hình ảnh trong quá khứ. Nào là buổi sáng chúng tôi lũ lượt xếp hàng vào lớp, đi ngang qua chỗ thầy Lộc giám thị đứng, tiếng roi thầy vụt vào mông những đứa quên không mang phù hiệu. Nào là những ngày thứ hai đầu tháng chúng tôi xếp hàng dưới sân chờ nghe đọc tên các tội phạm trong tháng và trao giấy khen học tập cho học sinh xuất sắc. Tôi nhớ từng khuôn mặt thân quen của thầy Trang, thầy Thuấn, thầy Hưởng, cô Nga, thầy Hậu. Tôi nhớ nụ cười trẻ thơ của thầy Hải, nhớ dáng vẻ thanh cao sang trọng của cha Giám học. Tôi cũng nhớ cả những lúc bọn con gái chúng tôi ù té khi phát hiện ra mấy con sâu lủng lẳng trên cành lá đong đưa, nhớ cả lúc chen chúc nhau trong căn tin. Trời ơi ! sao mà nhớ quá chừng. Đột nhiên anh hỏi:
- Về thăm trường cũ, thấy hoang vắng như vầy, em buồn lắm phải không?

Câu hỏi thật không hay chút nào, nhất là đối với tôi, một đứa thuộc dạng người mà ngày xưa thi hào Nguyễn Du đã dè bỉu "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa". Anh vừa hỏi dứt câu, tôi đã ngân ngấn nước mắt rồi sau đó thì tiếp tục rơi tự do, chảy ào ào như mưa tháng 7, mặc dù hai tay tôi không ngớt làm cái thủ tục quẹt lia quẹt lịa. Chắc sợ tôi ngượng, anh lững thững bỏ đi quanh sân trường, để tôi lại với tiếng hít mũi rột roẹt và một cây mít ướt.
Một lát anh quay lại, châm thuốc hút, nghĩ sao đó lại dập đi. Anh bảo tôi.
- Về đi thôi. Cái gì cũng là số mệnh, phải lạc quan em ạ. Em quên là "Trường Hòa Bình sẽ sáng chói mãi" sao ?

Chúng tôi ra về, từ sân trường đến cổng nhà thờ anh hỏi tôi tên tuổi, địa chỉ. Tôi mãi hít mũi và hắng giọng nên chỉ trả lời anh cho có lệ, cũng không hỏi anh tên gì. Một tháng sau tôi nhận được một lá thư không ghi địa chỉ người gửi, trong đó mở ra vỏn vẹn một bài thơ : Mùa thu - Hoa Cúc - Cổng trường. Cũng không thấy ghi tên tác giả.

Ba mươi năm trôi qua, tôi chưa từng gặp lại anh, ngày đó tôi quá vô tâm để không biết anh tên gì, ở đâu, học lớp nào. Ba lần trở về trường Hòa Bình gặp mặt, tôi mong được nhìn thấy đôi kính cận và cái dáng cao gầy của anh. Nhưng đã 3 lần rồi tôi đều thất bại.

Hỡi người anh Hòa Bình đáng kính, đã nhiều năm qua bài thơ của anh em vẫn giữ, dù nó đã nhuốm bụi thời gian. Em mong được ngày nào đó gặp lại anh trong ngày hội của trường, và bảo với anh rằng: "Trường Hòa Bình sẽ sáng chói mãi" một cách đầy lạc quan như anh đã bảo. Em mong như thế.


MÙA THU - HOA CÚC - CỔNG TRƯỜNG

Anh đứng hân hoan bên hè phố
Chào các em bé nhỏ đến trường
Mùa thu - mùa thu hoa Cúc nở.
Phải chăng mà cặp sách thêm hương?

Thu ở phố phường thu không lạnh.
Heo may ngọn gió trốn nơi nào?
Lá me rụng xuống đường đi học.
Lòng anh bất chợt cũng xôn xao.

Lòng anh giũ hết mười phương bụi.
Ao lại tinh khôi thuở học trò.
Nhưng nay quá tuổi đi vào lớp.
Anh thành chú bé đứng buồn xo.

Không lên bục giảng làm thầy giáo.
Thì đứng làm cây phượng góc trường.
Già cỗi nhưng còn xòe bóng mát.
Che cho hoa Cúc chẳng phai hương.

Sáng nay anh đứng bên hè phố.
Hoan hỉ và lòng như nắng mai.
Sáng nay thèm thuốc mà không đốt.
Khói thuốc - Cổng trường không được bay.

Anchu - Mùa thu 2008
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9