Rừng già Nam Cát Tiên: Khu du lịch sinh thái kỳ thú!
na_ro 11.08.2010 11:16:29 (permalink)
Từ ngã 3 Tà Lài thuộc huyện Tân Phú- Đồng Nai du khách đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên chỉ khoảng 24 km. Khi đến với Nam Cát Tiên, du khách như đến với một thế giới yên tĩnh của rừng núi bạt ngàn để khám phá vẻ đẹp nguyên sơ đến mê hồn của những nhánh lan rừng hay lắng nghe những bước chân thú ăn đêm… đến nao lòng!

Những ai muốn khám phá… thì đến với rừng

Ngăn cách vườn quốc gia Nam Cát Tiên với đời sống xã hội bên ngoài là con sông Đồng Nai uốn mình xanh trong bao quanh 73 ngàn héc ta rừng tự nhiên trải dài trên ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Hệ động thực vật phong phú và đa dạng đã tạo nên một Nam Cát Tiên nên thơ với nét tự nhiên hoang sơ. Đây chính là điểm du lịch sinh thái tuyệt vời!

Ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường- Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên - Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, Trung tâm đã khai thác các sản phẩm du lịch của vườn quốc gia Nam Cát Tiên như: sản phẩm du lịch xem thú vào ban đêm, tour xem chim và tour xem cá sấu ở Bàu Sấu đã tạo được hứng thú cho du khách khi tham quan và khám phá vẻ đẹp của rừng”. Đặc điểm thú vị của tour xem thú rừng chính là xem thú tự nhiên trong rừng, trong sự chờ đợi phấp phỏng và hồi hộp. Trong sự hoang sơ của núi rừng chìm trong bóng tối, xe chuyên dụng của Trung tâm sẽ chở du khách đi trong đêm và đến một đồng cỏ xanh mướt, ướt đẫm sương đêm. Trong khoảng thời gian 20 giờ đến 21 giờ đêm… du khách có thể thả lỏng mình, căng mắt để thấy được hình ảnh chú lợn rừng đuổi nhau trong đêm, hay những chú hươu, nai đang nhởn nhơ gặm cỏ...

Hay như du khách có thể xem cá sấu ở bàu Sấu, nơi đây khi vào mùa mưa thì bàu có thể ngập nước 2 ngàn héc ta, nhưng vào mùa khô bàu chỉ còn 200 héc ta nên khi vào tham quan du khách sẽ phải đị bộ mất 5 km ngắm loại bò sát lưỡng cư này sống trong môi trường hoang dã. Một đêm nghỉ dưỡng trên bàu, sẽ cho bạn thêm phần thích thú. Ông Việt cũng cho biết thêm: Công tác bảo vệ hết sức nghiêm ngặt để bảo tồn loại động vật hoang dã này, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như các tổ chức nước ngoài đang có những giải pháp để bảo tồn các động vật trong Vườn Quốc gia.

Theo ông Việt thì nét đặc thù của Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên là loại hình du lịch xem chim, do điều kiện sinh cảnh của nhiều loại chim di trú, chim bản địa. Nơi đây có 64 loại chim được chia ra 18 họ mang tính đa dạng về sinh học cũng như các loại gen quý hiếm để các nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu. Chính những điều kiện đặc điểm tự nhiên như vậy, Trung tâm du lịch sinh thái đang xây dựng chương trình tour về nghiên cứu khoa học. Ông Việt nói. Các tour xem chim, có những đoàn khách đăng ký trước hai năm và chọn thời điểm đến để xem chim. Những chương trình tour như vậy, chủ yếu là dành cho nhà khoa học nghiên cứu về động thực vật của hệ sinh thái rừng. Theo tài liệu có được, các nhà khoa học đã tìm thấy tại vườn Quốc gia Cát Tiên có 113 loại thú, 351 loại chim và 159 loại cá… trong đó có các loại đặc hữu trên thế giới và Việt Nam.

Du khách khi đến với Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên sẽ được hướng dẫn viên nơi đây giới thiệu về cánh rừng Bằng Lăng hàng trăm năm tuổi, đứng sừng sững và vững chãi như thách thức những sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Để rồi khi qua rừng Bằng Lăng là du khách đến cây Tùng 400 tuổi với 20 vòng tay người ôm, với một sự thán phục sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Và chúng tôi cũng vậy, đã đi để thả hồn mình vào núi rừng để bắt gặp và trải nghiệm. Nhưng ngạc nhiên và thú vị là đến với cây Gõ của bác Đồng. Du khách sẽ hỏi vì sao lại có cây Gõ trong rừng mang tên bác Đồng? Sự thể là năm 1987, khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Vườn quốc gia và bác đã căn dặn anh em kiểm lâm cũng như cơ quan chức năng là “Hãy ra sức bảo vệ rừng, vì chính rừng là tài sản quý của đất nước…!” và hôm nay du khách đến đây, hãy vào tham quan cây Gõ bác Đồng với 700 năm tuổi, vững chãi với thời gian, trường tồn cho một màu xanh của núi rừng. Khám phá rừng núi với sự bí ẩn ấy chính là động lực cho du khách muốn tìm về một chuyến trải nghiệm và đam mê với rừng. và hôm nay chúng tôi đang đứng giữa rừng để nghe đất trời hát khúc hát giao duyên của mùa xuân.

Du lịch nhân văn cũng thật đặc sắc!


Cũng theo ông Nguyễn Đình Quốc Việt thì du lịch nhân văn tìm về với bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc bản địa như dân tộc STiêng, Mã sống gần vùng đệm quanh vườn Quốc gia của cũng rất phong phú và tạo nên một bản sắc riêng. Ông Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch cho biết, đã có các dự án của Nhà nước và của một tổ chức phi chính phủ xây dựng chương trình du lịch cộng đồng cho người dân ở đây có điều kiện và các kỹ năng về hoạt động và bán các sản phẩm du lịch cho khách du lịch để bảo tồn cũng như quảng bá nét văn hóa của các dân tộc anh em với bạn bè du khách quốc tế khi đến tham quan Vườn Quốc gia.

Theo như lời ông Việt thì ý nghĩa sâu xa hơn nữa, chính là các dân tộc anh em người STieng, Mã cũng đã có công lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ngày xưa, khu vực xã Tà Lài hiện nay, chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù nơi “rừng thiêng, nước độc” để giam cầm những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Hồi đó, các chiến sĩ cách mạng đã nhờ những người dân bản địa ở đây che giấu và nuôi nấng, nên mới trốn trại tù, vượt ngục của kẻ thù để trở về hoạt động cách mạng trở lại… đó chính là ông Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư xứ ủy Nam Bộ, anh hùng Tô Ký, nhà hoạt động cách mạng Dương Quang Đông... Họ đã thấm thía nghĩa tình đồng bào của các dân tộc anh em. Cộng đồng dân tộc ở đây cũng có những nét văn hóa đậm đà bản sắc của những ngày hội chiêng, hội cồng và lễ hôi đâm trâu.


Vườn Quốc gia Cát Tiên còn có sự đặc biệt nữa, đó chính là di chỉ khảo cổ Cát Tiên. Theo các nhà khoa học di chỉ này nằm trên địa bàn của 3 tỉnh nhưng trung tâm của di chỉ khảo cổ thì ở tỉnh Lâm Đồng. Khu di chỉ Cát Tiên đã được nhà nước công nhận là di chỉ văn hóa khảo cổ cấp Quốc gia và di chỉ này có niên đại từ thế kỷ thứ ii đến thế kỷ thứ V, (sau Công nguyên). Theo ông Việt thì đây chính là di chỉ khảo cổ học rất có giá trị về vùng đất và con người bản địa nơi đây. Và một điểm thú vị trong tương lai không xa, nơi đây sẽ xây dựng chương trình tour cho du khách đi tham quan di chỉ khảo cổ Cát Tiên. Ông Việt nói. Hiện nay chương trình các tour du lịch Trung tâm du lịch Sinh thái, và giáo dục Môi trường mới khai thác tiềm năng du lịch trong những chương trình nhất định. Cũng theo ông Việt thì công tác vừa khai thác du lịch vừa bảo tồn, nên Trung tâm cũng vừa khai thác các chương trình tour và cũng vừa thử nghiệm để nắm bắt tâm lý và sự thích thú của du khách sau mỗi chuyến tham quan vào rừng.

Chia tay với Vườn Quốc gia Cát Tiên khi ánh tà đang chầm chậm xuống núi, chúng tôi mãi mang theo cảm giác bí ẩn và bất tận của rừng thiêng đại ngàn.

Theo dulichvn.org.vn
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.08.2010 03:16:48 bởi Ct.Ly >
#1
    Sleepwalker 29.08.2010 22:15:54 (permalink)
    Bên kia sông là rừng cấm NCT



    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/23602/376F9F40DD36429AAA0E5DFD1E0B956A.jpg[/image]
    Attached Image(s)
    #2
      Sleepwalker 29.08.2010 22:19:32 (permalink)
      Nước sông Đồng Nai đỏ ngầu do rừng đầu nguồn bị tàn phá



      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/23602/D95F9D8EB46D45E4AEADBB5A7BFC5C57.jpg[/image]
      Attached Image(s)
      #3
        Sleepwalker 29.08.2010 22:21:21 (permalink)
        Hướng dẫn viên giới thiệu về rừng NCT

        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/23602/839B571195ED40309DE17A67C02C5677.jpg[/image]
        Attached Image(s)
        #4
          Sleepwalker 30.08.2010 20:51:04 (permalink)
          Ở đây cần phải có một chuyên gia về du lịch mới khai thác tốt tiềm năng của NCT



          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/23602/D8ABE0E5898748BE84194F26A336EEAE.JPG[/image]
          Bảng giá nước uống trong phòng
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.08.2010 20:52:49 bởi Sleepwalker >
          Attached Image(s)
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9