NHỮNG THÁNG NGÀY QUA - Anchu
Trước khi về Hòa Bình, tôi học ở một trường huyện cách Long Khánh hơn 40 km. Vào thời đó đường xe đi không thuận tiện cho lắm, những cảnh gài mìn, đắp mô thường xuyên xảy ra, nên mẹ tôi có ý nghĩ đưa tôi về một chốn nơi yên lành hơn, tôi vốn là con gái rượu mà. Gần nhất là về Long Khánh, thuận tiện nhất là tìm một ngôi trường cùng đạo, thế là mẹ tôi cho tôi xuống học ở Hòa Bình.
Ngày tôi bắt đầu vào học thì các bạn khác đã học được một tháng rưỡi rồi, vì lúc đó Hòa Bình nhập học từ tháng 8 mà tôi thì mãi đến 12/9 mới rút được hồ sơ ở trường cũ. Tôi vào muộn, nên phải chịu ngồi trong góc kẹt, bên cửa sổ và gần cuối lớp. Gần cuối là vì tôi cao vỏn vẹn có 1m53 nên mới được ngồi trước 2 cô bạn cao lêu nghêu chớ chẳng phải là vì lý do gì đâu. Cũng vì vô học muộn gần 2 tháng mà về sau này tôi không đủ điểm để giành phần thưởng cuối năm với các bạn, một lý do làm tôi ấm ức giận dỗi.
Mới đầu tôi ở trọ nhà dì tôi trong làng phế binh, cạnh Quốc lộ 1, bây giờ là chỗ nào tôi cũng không biết. Ngày ngày tôi đi đi về về với Huỳnh Liên, một cô bạn ngồi bàn trên, ở trong hẻm Ba Tiều. Huỳnh Liên đi đến 1/3 hẻm thì vào nhà, còn tôi đi hết hẻm, băng qua đường Quốc lộ 1, qua một khoảng sân rộng của làng mới vào được nhà. Không biết các bạn có thấy xa không chớ hồi đó còn nhỏ tôi thấy sao mà nó xa tít tắp, nhất là cái đoạn sau khi Huỳnh Liên vào nhà, tôi một mình đi cho hết cuối con đường, nó dài ơi là dài, xa ơi là xa.
Phơi nắng nhiều nên khi tôi về thăm nhà má tôi la làng suýt không nhìn ra con gái. Mẹ nào mà chẳng thương con. Má tôi xót ruột lập tức xuống Long Khánh hỏi thăm tìm nhà trọ, chẳng biết ai đưa lối ai dẫn đường mà bà đem tôi gởi vào Lưu xá Anna, sát bên trường Hòa Bình – gần nhà nhưng xa ngõ. Lại bắt đầu một cuộc sống mới.
Tôi ở Lưu xá, học Hòa Bình, mỗi ngày đi qua con đường có nhiều lá cây khuynh diệp reo vi vu, có những viên sỏi trắng nho nhỏ rào rào dưới chân, có mùi ngọc lan nồng nàn sang trọng, có vườn hoa khoe sắc, vườn cây rợp nắng. Một năm học kỷ niệm của cuộc đời tôi mang những nốt nhạc vui tươi thơ dại, tôi nhí nhảnh giữa đám bạn bè cùng lớp và các bạn lớn nhỏ trong Lưu xá, chẳng hề biết đau thương, lo sợ là gì. Tôi đâu biết rằng ở thời khắc đó, các bạn cùng lớp với tôi đã không được như tôi, có người hằng ngày đạp xe mấy chục cây số tới trường, màu đất đỏ Long Khánh bám trên áo học trò giặt mãi không ra; người khác mỗi ngày lên lên xuống xuống xe đò chen chúc, có người cũng như tôi năm trước, luôn luôn đối mặt với nỗi sợ hãi từ cái bóng đen đáng ghét mang tên chiến tranh.
Do hoàn cảnh, mỗi năm học từ lớp 7 đến lớp 12 tôi thay đổi một trường, từ ngôi trường huyện nhỏ xíu miền Đông đến trường to nhất một thành phố lớn ở miền Tây. Hầu như chương trình học của trường nào cũng giống nhau. Chỉ duy nhất có một môn học tôi chỉ được học ở trường Hòa Bình, hay nói ngược lại, chỉ trường Hòa Bình mới dạy môn học đó, chắc các bạn, các anh chị nào đã học ở Hòa Bình chưa quên, đó là môn Lịch sự. Tôi còn nhớ câu mở đầu của cuốn sách này là: Lịch sự là bông hoa thơm của nhân loại. Hồi đó tôi học môn này rất thích thú nhưng nhiều khi tự hỏi không biết người ta dạy làm gì mà kỹ thế. Từ cái rất nhỏ như chải đầu, ngoáy mũi, xỉa tăm cho đến những cái lớn lao như vị trí của mỗi người khi ngồi vào các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ, 12 chỗ. Rồi cách ngồi bàn ăn, bàn họp với người Việt, người Anh, người Pháp, người Hoa, cách đón tiếp khách nước ngoài; cách nhận hoặc tiếp thức ăn trong bàn tiệc. Những điều đó tưởng rất vô lý đối với bọn trẻ nít như chúng tôi, không ngờ về sau này nó lại trở thành ưu thế cho riêng tôi trong cuộc sống bon chen giành giật với vai trò một thư ký văn phòng.
Hồi ở Lưu xá mỗi tuần 3 lần có các cha vào làm lễ Misa trong nội trú, khi là cha Thế, khi là cha Trinh. Vườn hoa trong Lưu xá rực rỡ sắc màu, ngôi nhà nguyện bình thường đã được các sơ chăm sóc cẩn thận, những ngày có lễ bọn trẻ con chúng tôi còn góp vào đó một tay làm cho nhà nguyện đẹp lung linh hơn. Đứa nào cũng hăng hái lau lau chùi chùi hết bàn đến ghế dù thật ra đã bóng loáng từ lâu, đứa lại mon men đi theo các sơ góp ý thêm bông này bớt bông nọ, và trong những ngày lễ thuộc mùa chay không cắm hoa mà chỉ dùng toàn màu tím chúng tôi cũng len lén bứt bông để cạnh bàn quỳ. Không biết có ông cha bà dì nào biết không?
Thầy Lộc giám thị trường Hòa Bình có tiếng là đánh học trò ghê nhất, còn thêm cái khoản cắt ống quần hippy nữa chứ. Eo ơi. Quá khiếp luôn, gan tôi vốn nhỏ mà, chắc nhờ vậy mà tôi ngoan. Thầy Hưởng dạy Toán đánh cũng danh tiếng lắm, có lần thầy đánh một bạn trai, đánh xong phóng vút cây roi mây ghim thẳng vào bảng, đuôi cây roi còn rung rung một lát mới dứt, trở thành huyền thoại của lớp tôi mãi đến bây giờ. Thầy Thuấn thì đi đến lớp nào lớp ấy cứ hát vang trời. Năm đó thầy dạy cho lớp tôi bài “Tàu hôm nay nếu đi an lành, chắc tối nay sẽ quay về nhà …” Tôi hát mà chẳng thích chút nào, tôi thích bài của lớp lớn cơ, bài Bình ca 2 với câu “Này em đã đến giờ, mẹ đưa em đi chợ … gặp anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ, trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ”. Nhưng tôi thích nhất là mỗi khi thầy Thuấn cao hứng lên giảng một điển cố văn học nào đó (năm đó thầy dạy cả môn Văn cho lớp chúng tôi) lại phóng tay viết tiếng Tàu ngang dọc trên bảng, tôi vốn rất thích cái nét đẹp lãng đãng trong chữ Hoa mà.
Mỗi ngày tôi đi đi về về với bạn bè lớn nhỏ cùng ở trong Lưu xá, riêng ngày thứ năm tôi học thêm một tiết, phải về sau cùng, vừa đói vừa mệt. Có vài lần tôi gặp một bạn trai cùng lớp cũng đi vào con đường đó. Ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Đi đâu vô đây?
Người đó ấp úng.
- Tui đi thăm cháu tui.
- Cháu ông là ai?
- Là Bích đó.
Thế là tôi lon ton chạy vô Lưu xá, gào toáng lên:
- Bích ơi. Chú mày kiếm mày nè.
Nhiều lần sau cũng vậy, ngày thứ năm tôi lại đi cùng, lại gào lên. Rồi có khi buổi sáng tôi thấy người bạn đó đứng ở bên hè trường Tiểu học Thánh Gioan, chờ bọn nội trú chúng tôi đi ra rồi nhập bọn đi chung vô trường. Ba mươi mấy năm sau nhắc lại chuyện xưa, bạn ấy hỏi tôi: Không biết thật hay giả bộ không biết? Ước gì lúc đó tôi biết bạn ấy muốn gì.
Cuối năm học, vì thiếu điểm tôi không được phần thưởng, một điều chưa từng xảy ra với tôi từ khi đi mẫu giáo. Tôi ấm ức khóc hu hu rồi đùng đùng xách valy te rẹt về nhà, bỏ lại sau lưng những cái vẫy tay tạm biệt và nụ cười, nước mắt trong nội trú.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua một cách tàn nhẫn, tóc ai rồi cũng chuyển từ màu nọ sang màu kia, má ai, mắt ai giờ cũng hằn những nếp nhăn tuổi tác. Ấu thơ trôi qua rồi, những ngây ngô hồn nhiên cũng biến mất, giờ đây tôi thủ đoạn như Tào Tháo, gian ác như phù thủy, nói dối như ông bạn của Hằng Nga. Nhưng trong lòng tôi ký ức về những tháng ngày đẹp đẽ ấy luôn luôn tồn tại, và gan tôi bỗng mềm đi, ruột tôi bỗng chùng lại, tim tôi bỗng nhẹ tênh khi nghe lại bài hát năm xưa “Cất bước lên ta vào cuộc đời….”
Anchu