HẠT NẮNG LUNG LINH
kuclanga 18.08.2010 09:03:14 (permalink)
HẠT NẮNG LUNG LINH

Kính tròn mắt nhìn Chúc, hỏi:
- Vậy chớ Chúc tưởng ở đâu ra? Tất nhiên là mình phải mua mới có chớ.
Chúc lúng túng:
- Mình tưởng Kính lấy ở trên kệ sách nhà cô Ngọc.
Kính nhăn nhó:
- Mình tệ vậy sao? Nói cho Chúc biết mình nhịn tiêu vặt cả 2 tuần mới đủ tiền mua cuốn sách đó đó.
Rồi Kính mơ màng:
- Chúc có nhớ hồi xưa kế bên trường mình có quán nước của ông Trung sĩ Tích hông? Mỗi ngày anh Ngọc cho mình tiền để ăn sirô đá nhận. Mình không ăn, để dành mua sách tặng cho Chúc. Vậy mà …..
Chúc bối rối:
- Mình xin lỗi, bao nhiêu năm nay mình không hề biết chuyện đó.
------------------------

Hồi đó Chúc còn nhỏ lắm, cũng như Kính và hầu hết các bạn khác, đơn giản là vì đang học lớp 9. Lớp 9 là mới hết cấp 2, nhỏ xíu xiu thôi mà. Một bầy con nít nhố nhăng, với đủ mọi nét xấu nét đẹp lung linh như hạt nắng của cái gọi là … thứ ba học trò. Kính là em vợ của thầy giáo môn Văn, mà cô em gái của thầy giáo lại dạy môn tiếng Anh, ở chung trong nhà. Thế là Kính lời quá chừng - theo cách nghĩ của Chúc, vì ở cùng nhà với 2 giáo viên. Làm gì mà chẳng biết trước bữa nay kiểm tra cái gì – Chúc toàn nghĩ vậy mỗi lần thấy Kính được điểm cao.

Chúc học giỏi, và hay ghen tỵ, hay ấm ức như bất kỳ cô nhóc đỏng đảnh nào khác. Nhìn chung Chúc hơi … xâu xấu. Béo thù lù như cái lu và mặt mũi hơi chút là phụng phịu. Bà nội Chúc hay chửi: Đồ cái mặt má bầu ngó lâu muốn chửi. Mày mà bùng thụng nữa là tao đập chết.… con đĩ mụ nội mày bây giờ. Lớn lên Chúc cứ nhớ hoài câu chửi kỳ cục này của nội và mãi sau này khi có con, nựng con, Chúc mới hiểu đó là những câu chửi yêu thương.

Hồi đó Kính nhỏ con, mặt mũi bình thường, cũng hơi … xâu xấu. Tóc cắt caro, bây giờ gọi là đầu đinh, nhưng ngày ấy kiểu tóc đó để dành cho người nhà quê, vì đang là lúc thịnh hành kiểu tóc hippy dài tới vai. Quần áo rộng thùng thình như để dành chờ lớn, nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, chả gì thì cũng là một nhà thầy cô giáo. Kính không ở với ba mẹ mà ở với chị gái anh rể. Chị Kính làm chủ một lò bánh mì, ngoài việc đi học Kính còn làm thêm công việc theo xe giao bánh mì bỏ mối. Mười bốn mười lăm tuổi, được ngồi xe Dahatsu, được quản lý hàng, oách muốn chết.

Chúc ở với cha mẹ, và bà nội. Bà nội Chúc khó có tiếng, dữ cũng có tiếng, nhưng thương con thương cháu cũng không ai bằng.Cái sự tích bà nội Chúc dữ thì bạn gần nhà Chúc đứa nào cũng biết, vô chơi năm ba phút thì được, lâu hơn một chút là xách chổi đuổi thẳng cổ liền, bạn gái đó nhen, con trai thì lo mà biến từ ngoài ngõ. Cho nên Chúc có rất ít bạn, mấy ai dám xung phong vô cái nhà có bà già phù thủy với cây chổi đâu (đó là biệt hiệu của con bạn gian ác đặt cho bà nội Chúc). Nhưng mà con bạn gian ác thì không sợ bà nội, nó tự hào là người chống lại thế giới phù thủy, nên nó thường xuyên đến, hễ thấy phù thủy xuất hiện gườm gườm là nó nhanh chân biến. Nhiều lúc Chúc có cảm giác nó đến chơi với Chúc là để trêu gan bà nội. Mà nó thì có nhiều tính xấu, đặc biệt là ăn cắp vặt và quậy tan nát đầu làng cuối xóm, đứa nào hiền thì nó chế diễu, chọc ghẹo; đứa nào dữ là đánh lộn ngay, mà đã đánh thì nó còn nhanh tay lột vòng vàng của đối phương nữa. Vậy mới gớm.

Nhưng mà Chúc đâu có bạn, bà nội như cái pháo đài ác liệt sẵn sàng nã đạn ầm ầm vào bất kỳ ai lượn lờ quanh Chúc, bà sợ cháu mình mê chơi không lo học hành. Quanh quẩn Chúc chỉ có bạn trong lớp thôi. Muốn đến nhà đứa nào chơi thì mắt trước mắt sau nhìn đồng hồ mà chạy về cho lẹ, nếu không muốn ăn mấy roi vô đít. Vậy cho nên dù biết con bạn xấu nết vẫn phải chấp nhận, nhiều khi….. nhiều khi đau lòng chảy nước mắt vì nó.

Hồi đó Kính học giỏi, luôn luôn ở vị trí tranh giành với Chúc, cùng với Hưng, Dân. Nhưng Chúc chỉ phục Dân, không phục Kính – nói ở trên rồi. Con nít suy nghĩ đơn giản thế thôi. Với lại ai dám hỏi là bộ hôm qua anh mày/chị mày nói trước cho mày rồi hả. Hỏi cũng không ai trả lời đâu, có trả lời cũng hổng tin. Con nít mà. Kính đi học thân với Hưng, Hưng cũng học giỏi, mà lại con nhà giàu, lại đẹp trai, nhất là chiếc răng khểnh duyên dáng, có đứa còn bảo Hưng đẹp trai nhất trường. Chả biết 2 ông nỡm đùa cợt nhau thế nào, một hôm mới học hết tiết Văn, trên bảng còn ghi 4 câu thơ của Nguyên Sa: Áo nàng vàng anh về yêu hoa Cúc - Áo nàng xanh anh mến lá sân trường – Sợ thơ tình chưa đủ nghĩa yêu thương – Anh pha mực cho vừa màu áo tím. Hưng nhặt viên phấn, ngoay ngoáy sửa lại trên bảng: Áo nàng vàng Kính về yêu con Chúc. Bao nhiêu đứa cười ầm. Chúc xấu hổ lườm Hưng còn Kính thì vội vàng lau bảng, giơ nắm tay về phía Hưng đấm gió.

Cơ khổ là kể từ hôm đó Kính về nhà lại suy nghĩ đến tiết học Văn và lại nghĩ đến Chúc, trước đây nghĩ ít ít, nghĩ hơi hơi, nghĩ chút chút. Bây giờ nghĩ nhiều hơn, nghĩ thường hơn, nghĩ tới nghĩ lui hoài. Gọi là cái gì nhỉ? Chả biết nữa. Còn nhỏ quá mà. Nghĩ là nghĩ chớ nghĩ là cái gì. Chỉ biết là mỗi ngày đi học thích được thấy Chúc, thích quay lại phía sau để nhìn Chúc ngồi che cuốn vở trước mặt chừa mỗi 2 con mắt, thích giờ học nữ công gia chánh lượn lờ bên ngoài cửa sổ nhìn các bạn nữ loay hoay nhồi bột, vắt nước cốt dừa và cái kiểu Chúc rón rén cấu thử miếng bánh nhai tóp tép. Ăn vặt như thế chả trách tròn như cái lu.

Nghĩ tới đã đành, hình như lại còn hơi nhơ nhớ. Có những ngày đi học vắng Chúc, nghe chừng chả muốn học chút nào, uể oải như người ốm vặt. Nguyễn Bính viết: cái gì như thể nhớ mong – Nhớ nàng – không quyết là không nhớ nàng. Ừ, nhất định là không – không nhớ mà. Ai tự dưng hơi đâu đi nhớ một con nhỏ xấu ỉn và suốt ngày tranh thứ hạng với mình. Biết cho nó lên mặt á. Đừng hòng nhá. Chỉ ghét cái thằng Hưng. Bạn bè thân thiết ăn chung học chung, vậy mà nó chả biết giữ ý giữ tứ gì hết.

Thi đệ nhất lục cá nguyệt xong, cả lớp xúm xít làm báo tường. Kính và Hàn, Hưng vẽ đẹp được phân công vẽ vời hoa hoét. Chúc và Mỹ Hương chữ đẹp được phân công viết bài lên báo. Có lần Kính nghe Chúc hỏi Hưng ai vẽ đẹp vậy. Kính khoái, đó là cái ảnh hoa mai được Kính cắm cúi búng mực bằng cái bàn chải đánh răng nhỏ xíu. Chả bù hôm đi mua giấy Troky về làm báo tường, Kính một tay ôm giấy, một tay cầm ghi đông xe đạp; xuống cái dốc trước cổng trường làm một phát ngã lăn quay, vừa đau, vừa bẩn, xấu hổ đỏ hết mặt mũi. Vậy chớ mà nhìn quanh quất không thấy Chúc trong đám bạn cười hô hố là Kính yên tâm rồi.

Ngó tới ngó lui mà năm học qua vù vù. Lũ con trai đã chán cái trò đi quanh cửa sổ nhìn bọn con gái làm bánh mà thèm thuồng, nên rủ nhau bày trò khác cho vui. Giờ bọn con gái học nữ công thì con trai kéo nhau đi chơi để sau đó tiếp tục quay lại học nhạc. Chỗ được chọn phần lớn là ngôi chùa Thiên Chơn xinh đẹp nằm trong bãi đá chập chùng. Các ông mãnh thi nhau xem ai trèo nhanh nhất lên tượng Phật cao chót vót nhìn xuống thị trấn. Kể ra hồi đó đúng là điếc không sợ súng, chớ mà trượt chân ngã cái đùng thì nhẹ nhất cũng gãy xương.

Ở bãi đá xinh đẹp sau chùa còn có cây si già ngã dài nằm sau tượng Phật Quan âm. Đôi lúc cũng có vài bạn nữ rủ nhau trốn học môn nữ công chạy vào đây trốn nắng, co co khom khom nằm trong tán lá cây um tùm đó. Phía sau tượng Quan âm có một cái hang động mát rười rượi nhưng phải nhỏ người mới chui vào lọt. Bọn con trai bịa ra đủ thứ chuyện hù dọa các bạn nữ, thậm chí phịa là có cả cọp (?) Thế mà lũ con gái ngớ ngẩn sợ chí chết, chả đứa nào dám mò vào. Thật ra, sau này gặp lại kể chuyện xưa, mới biết trong đó chỉ có mỗi một … ông ăn mày. Vậy mà cũng đủ làm cho bọn con gái chết nhát sợ vỡ mật.
Đi sâu vào phía trong bãi đá là 2 tảng đá hình con voi đứng gần nhau, Kính và Hưng hay leo lên lưng voi, la hét toáng lên cứ như là … hai bà Trưng đánh giặc. Có hôm các ông mãnh bò lóp ngóp qua tận hòn đá dĩa phía bên kia đồi chuối, cao hứng lại vật chuối xuống, ủ vào gốc đá; mấy hôm sau giờ ra chơi nháy nhó nhau chân thấp chân cao mò vào tìm chiến lợi phẩm. Có lúc lục ra được buồng chuối chín vàng, có hôm bị chuột cắn nham nhở còn hôm khác lại mất trắng mới tức.

Chơi bãi đá mãi cũng chán, nhất là sau Tết trời càng lúc càng nắng. Cái lũ thứ ba học trò lại nghĩ ra chuyện tắm sông. Từ trường đến sông ít ỏi gì đâu, gần chục cây số. Mới đầu các ông mãnh đạp xe, bọn con gái đi xe đò giảm giá – học sinh mà. Sau đó thấy mệt quá chừng, lúc đi đạp còng lưng lên dốc 12, lúc về lại còng lưng đạp lên dốc lẻ 10, mồ hôi mồ kê chảy ào ào còn hơn lúc tắm. Đó là chưa kể các ông mãnh còn bày đặt khôn vặt, đạp xe lên dốc không theo đường thẳng mà chạy quanh qua quẹo lại theo hình chữ S cho đỡ mệt. May là lúc đó QL 20 còn ít xe, chớ nếu như bây giờ thì……. Thế là cả lũ chất lên xe đò, vừa đi vừa về tốn 20 đồng ăn sáng, khỏe re…..

Sông La Ngà hồi đó không xấu như bây giờ, xưa kia nó đẹp mơ mộng như bài thơ học trò, còn được soi bóng bằng ngọn đồi xanh ngát hùng vĩ kế bên. Mùa nắng nước trong leo lẻo, đứng trên cầu nhìn thấy được hòn sỏi dưới sông. Chập chùng trên sông là đá. Đá ưỡn người điệu đà tạo dáng. Đá trải ra bằng phẳng như những cái bàn, làm nên chỗ giặt quần áo vừa tiện vừa mát dưới chân cầu. Đá lung linh soi bóng nước chập chùng đẹp như thơ. Trên đá lại còn có hoa. Những cụm hoa dại nhiều màu sắc lẳng lơ khoe mình trong gió trên nước. Hoa lã lơi nghiêng ngã theo sóng. Hoa chen chúc nhau tranh giành phô phang trước nắng. Hoa nũng nịu điệu đàng như những cô gái mười bốn mười ba. Cá ở sông cũng nhiều lắm. Từng bầy ròng ròng đủ sắc đủ màu kéo nhau lũ lượt, nhưng mà bọn nhóc chỉ thấy cá nhỏ thôi, hình như cá lớn trốn đâu ở chỗ nước sâu ấy. Thấy người ta đi thuyền ra tuốt luốt đằng xa, tung cái lưới lên rồi một lát è ạch kéo cá đổ vào thuyền. Nhưng mà mấy chỗ ấy bọn nhóc chả dại, nhí nha nhí nhố chết như chơi.

Đi vào quá phía trong là gần nhà tụi bạn, vườn xoài vườn mận tràn lan. Thế nên bọn nhóc thích tắm ở bến phía trong hơn, mặc dù bến trong không đẹp, chỉ lỏm tỏm vài ụ gốc cây vất vưởng. Nhưng mà nước ở đây êm, không chảy xiết như bến ngoài. Đứa biết bơi thì tung tẩy ra xa, đứa không biết thì quanh quẩn trong bờ. Lại còn đi xin xoài xanh chấm mắm đường, mua mận ăn muối ớt, vặt vú sữa ném nhau túi bụi.

Chúc thuộc nhóm nhà không gần sông, nhưng thỉnh thoảng cũng cúp tiết nhạc lý, tham gia hội hè tắm sông như ai, không biết bơi nên chỉ quanh quẩn gần bờ, để thỉnh thoảng bơi chó vài phát và nhấm nháp trái cây trên bờ liệng xuống, rồi lại lên bờ ngồi phơi cho khô ráo mới dám ôm cặp về nhà. Vậy mà về sau nghe kể rằng, đã có lần Chúc và vài bạn gái khác tách nhóm đi tắm ở bến ngoài hụt chân uống nước no nê, nhưng các cô nương này sợ quá giữ kín chẳng dám hé môi.

Gần cuối năm học Chúc nghe mẹ tính với bà nội năm sau gởi Chúc đi học nội trú cho có nề nếp, Chúc lay hoay làm một cuốn lưu bút cho mình. Vẽ vẽ vời vời mãi cũng có 1 cuốn đẹp như ai. Chúc khéo tay mà. Lưu bút gởi đi đến gần hết lớp, các bạn viết, dán ảnh vào đó. Chúc vui lắm, ra đi cũng có chút gì để nhớ. Hết bạn gái rồi, Chúc nghĩ mãi mới dám đưa thêm cho vài bạn trai, trong số đó có Kính. Ngày trả Lưu bút lại, Kính không chỉ trả có một, mà còn kèm thêm 1 cuốn nữa. Chúc liếc qua tựa đề: Cách làm những món bánh Pháp. Chúc … bùng thụng: ý là chê nấu ăn dở đây mà. Lật vào trang trong, mới đọc được 2 chữ Tặng Chúc thì đã bị 1 bàn tay giật phắc đi.

Lại con bạn gian ác. Chúc giành lại liền. Bộ tưởng giựt dễ lắm ha? Từ hồi nhỏ tới giờ có ai tặng Chúc cái gì đâu. Đồ đạc, sách vở, học cụ má mua, nội mua là hổng tính rồi. Phần thưởng mỗi năm mỗi lãnh cũng hổng tính luôn. Bây giờ tự nhiên được tặng, món quà tặng đầu tiên trong đời, dễ dầu gì Chúc để cho nó giành của Chúc chớ. Giành được cuốn sách thì trống đánh vô lớp. Chúc vội vàng cất vô hộc bàn, tính để lát mở ra coi bên trong viết cái gì. Cảm động lắm chớ bộ, món quà đầu tiên trong đời của Chúc mà. Lại là của một bạn nam tặng mới oách.

Cô giáo vô lớp, cho phép 5 phút ôn bài. Cuốn sách được tặng nằm chễm chệ trên chiếc cặp oai phong lẫm liệt, Chúc vừa nhìn vô vở, vừa liếc chừng cuốn sách. Được một lúc, có lẽ thái độ lơ là của Chúc làm cô ngứa mắt, gọi liền một phát. Chúc chẳng sợ. Bài này Chúc thuộc làu làu.

Rồi Chúc về bàn, việc đầu tiên là thò tay tìm cuốn sách. Tái mặt. Bao nhiêu cái phấn khởi mấy phút trước tan nhanh chóng. Chúc quờ tay vào tìm lần nữa, lần nữa, rồi lần nữa. Chẳng thấy gì. Con bạn gian ác ngồi bàn trước liếc xuống cười đắc ý. Chúc lục tung cả cặp, dù biết rằng mình chưa kịp cất vào. Làm gì có. Chúc thò tay kéo cổ áo con bạn xuống, gầm gừ nho nhỏ:
- Mày lấy cuốn sách của tao. Trả đây.
Nó bỉu môi, thách thức:
- Sách gì? Ai làm chứng? Mày thưa cô đi.

Cô liếc xuống bàn. Chúc cắn răng tức uất. Thưa cô? Thưa cô để cả lớp biết là Kính tặng quà cho Chúc sao? Có khi cô lôi cả 2 đứa ra cho một trận ấy chứ, vớ vẩn. Chưa nói là cả lớp sẽ đồn um lên là 2 đứa nó có gì với nhau, mà có gì chớ? Xấu hổ lắm. Rồi nữa, đó đâu phải cuốn sách giáo khoa, sách học gì đâu. Nó là cuốn sách nấu ăn. Vậy thì chắc chắc không phải của Kính. Nhất định nó là của cô Ngọc rồi. Chắc là cô để trên kệ sách, Kính tiện tay lấy đem tặng Chúc. Ra cái vụ này nữa thì Kính thêm cái tội ăn cắp đồ nhà. Cả buổi học hôm đó, Chúc chẳng học được gì, nước mắt cứ rân rấn chảy vì tiếc món quà đầu đời của mình. Chúc có thể mua đến 10 cuốn như vậy nhưng Chúc sẽ chẳng thể có được món quà nào thay thế cho cái đã mất đi.

Tan học, Chúc đi theo năn nỉ nó:
- Mày trả lại cho tao đi.
Nó quát:
- Tao lấy bao giờ mà trả?
Chúc kiên nhẫn:
- Tao biết chắc chỉ có mày lấy thôi.
Nó chỉ vào mặt Chúc:
- Tao tát vỡ mặt mày bây giờ. Bắt trộm phải bắt tận tay. Tao mở cái cặp tao ra không có là tao xé nát mặt mày đấy.

Chúc thừa biết nó chẳng bao giờ thèm để trong cặp. Có khi nó gửi ở đứa nào đấy. Có khi nó xé rách nham nhở rồi vất đi không chừng. Nó là thế. Sẵn sàng chửi bới, sẵn sàng nhục mạ vu khống, sẵn sàng làm khổ người khác dù chẳng được lợi điều gì. Cứ thấy người khác xấu hổ, đau đớn, khóc lóc là nó vui thôi.
Chúc căng thẳng:
- Tao biết mày không để trong cặp. Nhưng tao biết chắc chắn là mày lấy. Nếu mày không trả cho tao, thì từ giờ trở đi đừng bao giờ bước chân tới nhà tao nữa.

Nó sững người, chưa bao giờ nó thấy Chúc quyết liệt như vậy. Với lại, nó lên nhà Chúc, dù là để trêu tức bà nội, vẫn là cơ hội cho nó gặm bánh kẹo thỏa thuê. Chúc bồi thêm:
- Tao không nói đùa đâu. Mày không trả tao nói bà nội tao cấm cửa mày.
Nó tru tréo lên:
- Đồ mê trai. Có cuốn sách của thằng Kính mày làm gì dữ vậy? Từ trước tới giờ mày mất bao nhiêu thứ có khi nào mày nói tao thế đâu. Bây giờ mất có cuốn sách mày nghỉ chơi tao. Được rồi. Tao mang cuốn sách đó mách bà nội mày.

Thôi rồi. Gậy ông đập lưng ông. Nó điểm ngay huyệt của Chúc. Chúc câm luôn. Bà nội mà biết chuyện này coi như ăn 20 cây là ít nhất. Có khi bà còn gườm gườm lên tận trường xem coi thằng nào dám tặng quà cho cháu bà lắm chớ. Lúc đó thì cả trường cùng biết chớ không phải cả lớp. Xấu hổ lắm. Đành chịu thua.

Đầu năm học mới, Kính cao vọt hẳn lên, soi gương thấy mặt mũi thêm sáng sủa rạng rở. Ngày tựu trường Kính phỗng phao xí xớn trong bộ đồ mới. Anh hai chọc: bữa nay cậu ngó đẹp trai dữ a. Kính mắc cở, giả bộ lục soạn lại cặp sách rồi mau lẹ tới trường. Dùng từ gì bây giờ ta? Nôn nóng. Phải rồi. 3 tháng dài đằng đẵng hổng gặp thầy gặp bạn. Học trò ai mà không có những ngày nao nức như vậy chớ. Nhứt là khi người ta có để trong bộ nhớ một hình ảnh nào hơi kỹ một chút, một chút xíu thôi mà.

Kính cất xe đạp. Năm nay lớp học buổi chiều. Vậy là nhóm bạn ở LN khổ lắm đây. Đón xe đò giấc này cực lắm, chắc các bạn phải đi học từ 12 giờ trưa mới kịp. Rồi trống đánh tùng tùng, trời nắng chang chang cũng phải đứng dưới sân nghe thầy hiệu trưởng láp dáp vài câu cho có vẻ buổi đầu năm học. Rồi thầy trò vô lớp liền, nắng muốn bửa cái đầu ai chịu cho nỗi. Năm nay lớp có thêm nhiều gương mặt mới, nam cũng có nữ cũng có. Mấy bạn nữ cũ đã ra dáng cô gái rồi nghen. Nhìn ai cũng dễ thương, cũng xinh xắn hết, khác xa năm ngoái. Mới có 3 tháng hè mà thay đổi mau thiệt. Hưng cũng vậy, bữa nay Hưng đẹp trai lồng lộng, đúng là đủ 3 tiêu chí: Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Chắc Kính cũng vậy, anh hai mới khen tức thì. Mà sao nãy giờ Kính ngó đi ngó lại thấy vậy mà lớp còn thiếu nhiều, hình như mấy bạn ở LN chưa tới kịp. Kệ hổng sao, ngày đầu năm ai mà khó khăn chi với học trò ở xa. Trễ chút có sao đâu.
Rồi cả buổi chiều hôm đó cũng không thấy ai vô lớp thêm. Chắc mấy bạn LN quên bữa nay nhập học rồi. Gì mà hư vậy hổng biết. Năm nào mà không tựu trường đúng ngày chớ. Làm như mới vô cấp 2 hổng bằng. Thôi kệ. còn thiếu gì ngày. Trễ một bữa có sao đâu

Một buổi, hai buổi rồi đến cả tuần sau Kính chờ mãi chờ hoài mà không thấy Chúc đi học, mặc dù các bạn khác gần như đầy đủ. Kính lăng quăng đi ra đi vào, sau cùng chịu hết nổi, hỏi nhỏ Hưng:
- Năm nay con Chúc đâu sao không thấy?
Hưng không trả lời, cười ranh mảnh rồi nhảy chân sáo ra khỏi lớp. Một lát quay lại gào lên:
- Nó chuyển trường rồi.
Kính giật mình:
- Sao mày biết?
Hưng cười đắc chí:
- Tao đi hỏi tụi con Lan, con Vui chớ đâu.
Rồi thêm:
- Nghe nói nó về Long Khánh học rồi.

Kính choáng váng, sao lại thế nhỉ, ít gì cũng phải nói cho người khác biết chớ. Sao lại tự nhiên biến mất như chưa từng có trên cõi đời này vậy. Năm ngoái viết lưu bút sao không viết vào: các bạn ơi tui sắp chuyển trường nè. Sao lại lặng lẽ ra đi không ngó ngàng gì đến ai hết?

Một trăm cái sao vậy nhảy múa lung tung trong đầu Kính. Một trăm cái thẩn thờ chạy dài trong trái tim ngây thơ của chú nhóc lớp 10. Một trăm cái ngẩn ngơ, một trăm cái nuối tiếc, một trăm cái giận hờn ùa đến bóp chặt trái tim non nớt. Có phải yêu không nhỉ? Không – Còn bé quá mà. Yêu gì cơ chứ. Nhưng sao Kính thấy hụt hẫng, thấy mất mát, thấy như đã đánh vỡ, như đã tuột khỏi tay vật gì bằng pha lê qúy giá.

Ngày lại ngày trôi qua, đã nhiều lần Kính ước gì điều đó không phải là sự thật, là Chúc chỉ trễ học vài hôm, hoặc vài tuần, chậm nhất là một tháng. Rồi Chúc lại sẽ quay về, sẽ ngồi học với cuốn vở che mặt chừa 2 con mắt, sẽ quanh quẩn ra vô nếm những món ăn trong giờ nữ công, và nhất là sẽ tranh giành thứ hạng với Kính. Nhưng bây giờ Kính không thế nữa, Kính sẽ ngoan ngoãn lùi xuống nhường cho Chúc như trong ngày nhận phần thưởng cuối năm hôm trước. Kính sẽ chẳng thèm tranh chấp điểm với Chúc như trước đây, sẽ hỏi nhỏ Chúc xem đã biết làm món bánh nào trong cuốn sách Kính tặng chưa, sẽ mời Chúc ăn chuối giấu trong khe đá, sẽ một ngày nào đó nhìn vào mắt Chúc và bảo: Mình thích bạn lắm.

Nhưng mà. Điều đó đã không bao giờ có. Chúc đã ra đi biền biệt để Kính buồn bã, âu sầu một mình chịu đựng thầm lặng. Mãi đến bây giờ Kính mới dám xác định rằng Chúc đã mang đi của Kính rất nhiều những hình ảnh bất chợt, những nỗi nhớ dịu dàng, những hồn nhiên vốn có. Để hai mươi năm sau, đọc bài thơ của Đỗ Trung Quân, Kính đã thấy bài thơ khắc họa lại tình cảm của mình thật chính xác.

Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại… mang về.
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
Cuối năm đó, Kính xin chuyển trường.
-------------------------------------------------------------------

Cuộc họp trường dần đi vào nề nếp, tiếng ồn ào rồi cũng lắng dịu từ từ. Cô giáo già đang nhắc lại cho lớp dưới nghe một kỷ niệm ngày còn làm chủ nhiệm. Lớp của Kính một nhóm đang xoay quanh Mỹ nói chuyện làm ăn, nhậu nhẹt. Nhóm khác đang nghe Tuyết Nga hào hứng múa tay chỉ trỏ gì đây không biết. Lan đi ngang chỗ Chúc ngồi, ghé tai Chúc hỏi :
- Tâm sự được gì rồi. Hồi đó tao thấy nó thương mày lắm mà.
Chúc đỏ mặt, lắc đầu. Kính lớn tiếng:
- Lan nói xấu gì đó?
Lan cười hi hí bỏ đi. Kính hỏi:
- Lan biết sao? Mình tưởng hồi đó chuyện mình thích Chúc chỉ có Hưng biết thôi chứ?
Chúc ngần ngừ:
- Không biết nữa. Hồi lúc mới gặp lại, Tuyết cũng hỏi mình y như vậy.
Kính thắc mắc:
- Hỏi gì?
Chúc ngượng ngùng:
- Tuyết hỏi: Kính gặp mày có nói gì không? Hồi đó tao thấy nó để ý mày lắm.
Kính thở dài:
- Cái này gọi là sao biết hông? Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu.

Chúc không trả lời. Nhìn ra xa xa. Thấp thoáng tượng Phật cao chót vót của ngôi chùa ngày thơ bé. Phía sau ngôi chùa đó, nhắm mắt lại Chúc cũng tưởng tượng được bãi đá với những hàng chuối ven đường, cây si đổ dài sau tượng Quan âm. Thấy lại hình ảnh Kính ngày ấy với chiếc mũ bêrê màu xám và nét mặt hiền lành chân chất. Thấy lại các bạn cùng lớp nhiều năm trước đây, những buổi cúp cua giờ nhạc lý, những người còn gặp lại và những người không bao giờ còn gặp lại, có Hàn với mái tóc bạc sớm, có Hùng với dáng người thật đẹp, có Mai với chiếc mũi cao và đôi mắt long lanh, có Tâm với những nốt ruồi vô trật tự. Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ? (Thơ Vũ Đình Liên)

Ngoài kia, trong vườn, trên những phiến lá xanh, từng vạt nắng đổ dài trên hoa, trên lá. Nắng vẫn lung linh.


Anchu 4/7/2010
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9