Tập truyện Lê Minh Hà
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 16 bài trong đề mục
Nguyễn Đình 27.07.2005 19:56:46 (permalink)
Tập truyện lấy từ nguồn: M và Tôi


Trăng góa

... Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng
Con sóng nào vẫn vỗ về vào đam mê...
Hà Nội đêm trở gió (Lời Chu Lai - Nhạc Trọng Ðài)



Tôi muốn ngồi dậy. Vầng trăng còn bị vướng đâu đó đằng sau một đám mây ở khoảng mênh mông bị chắn bởi khung cửa sổ và tôi muốn nhìn thấy nó. Nhưng tôi vẫn nằm im. Trong căn phòng mười sáu mét vuông của tôi dội lên tiếng thở của chồng con tôi. Ðã có một đêm mất ngủ, tôi nằm nghe những tiếng thở đó và nhận thấy chúng bao giờ cũng lệch nhịp nhau. Tôi đã gắng thở theo nhịp thở hoặc của chồng, hoặc của con. Nhưng kết quả là không thể. Ðêm ấy cũng là một đêm có trăng. Tôi đã nhìn trăng như thế nhiều năm.

Tôi đã thôi không chống chọi lại sự mất ngủ sau khi người chồng đầu của tôi mất một năm. Căn phòng nhỏ tôi đưa con về ở theo sự thu xếp của ông bà ngoại sau những dằn vặt không ngơi của nhà chồng tôi nằm ở tầng năm giữa một khu tập thể lớn. Ðêm đêm vầng trăng đi qua đó, lúc đỏ quạch, lúc sáng xanh, lúc lạnh lung linh, lúc ảo não trong mưa, lúc lại bị chìm lấpđằng sau những tảng mây nặng trĩu hơi nước. Không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy nó.
Nhưng tôi biết rất rõ rằng nó đang lang thang đâu đó trên cao và có lẽ chỉ mình nó biết rằng tôi không ngủ.

Mất chồng tuổi nào thì sự góa bụa mới trở thành một nông nỗi? Tôi goá chồng. Sớm không ngờ. Hai tư tuổi. Tôi chưa kịp làm gì, chưa kịp biết gì, hình như cũng chưa kịp mê say gì. Kể cả tình yêu.

Dù rằng tôi lấy chồng không do một sự ép buộc nào. Chúng tôi biết nhau từ lúc tôi mười bảy tuổi. Anh hơn tôi bốn tuổi, vừa rời đại học lên đường. Năm đó, tôi hăm hở bước chân vào đó. Ðúng ngôi trường anh vừa đành lòng rời bỏ. Phải! Ðành lòng! Tôi biết điều đó mãi sau này. Tôi biết anh nhập ngũ chẳng phải vì tiếng gọi thiêng liêng nào mà chỉ vì muốn đi thay người anh cả, muốn đáp lại một mong mỏi không thể nói ra của bố mẹ. Bao giờ anh cũng có một trách nhiệm nào đấy cần phải gánh vác ở thời tương lai. Thế nhưng cái trách nhiệm lớn nhất, lâu dài nhất, lằng nhằng nhất là trách nhiệm với mẹ con tôi thì anh đã không làm.Tôi làm sao trách anh được điều đó. Nghĩ về điều đó với một niềm cay đắng tôi cũng không dám. Ðiều ấy cũng từa tựa việc một người mẹ tiếc là đã sinh con chỉ vì quá cơ cực.

Vậy là anh đi đã mười một năm. Con tôi nay mười hai tuổi. Nó không biết mặt bố và lúc nào cũng thèm có bố. Cũng vì vậy mà khi có ai đó đùa nhả xui nó gọi bằng bố là nó gọi liền. Nhưng đấy là lúc nó còn bé, rất bé.

Lúc biết rằng anh không thể sống, gia đình đã nói xa nói gần về việc mang nó vào thăm anh. Anh từ chối, bảo bệnh viện bẩn thỉu không tốt cho trẻ, bảo vài ba hôm nữa ra viện anh sẽ về bế con... Tôi không hiểu vì sao. Nhưng chính tôi cũng không muốnđiều ấy. Thằng bé còn nhỏ quá.


Mới chín tháng. Nó sẽ không thể nhớ được mặt bố. Còn anh. Anh sẽ phải rời bỏ nó, rời bỏ tôi, ngày mai, ngày kia... Anh biết điều đó. Bởi anh tỉnh táo cho đến ngày cuối cùng trong đời. Một cuộc đời rất ngắn. Có hai tám năm. Mang thằng bé vàođể anh nhìn mặt như thế tôi cảm như là
bất nhẫn.

Tôi không biết anh nghĩ gì trong mấy ngày cuối cùng. Anh ngủ chập chờn. Tôi cũng chập chờn bên giường anh, trong bệnh viện. Có một lần, cảm giác như chiếc ghế chao nghiêng, tôi bừng tỉnh. Anh không ngủ. Anh nhìn tôi. Cái nhìn đó tôi không quên mười một năm qua. Có lẽ sẽ không quên suốt đời. Nỗi khổ của tôi chính là thế. Chính là không biết quên.

Lúc nào tôi cũng có cảm giác anh ở đâu đó quanh tôi và gia đình nhỏ của tôi. Bây giờ là ba người. Tôi. Con tôi. Chồng tôi. Cũng đã từng là lính như anh. Không bao giờ tôi nói với người đang sống cùng tôi cảm giác về anh - người chồng đầu đã khuất của tôi. Tôi cũng không khóc, cả vào ngày giỗ anh.

Nếu đó là tình yêu cứ sống mãi trong tôi dễ tôi còn có thể nói ra. Nhưng đó không phải là tình yêu. Ðúng! Không phải! Tôi hiểu điều đó ngay từ khi lấy anh. Tự nguyện lấy. Chồng sĩ quan, trẻ, có học. Vợ giáo viên nội thành. Bạn bè đồng thanh: Vợ chồng giáo khoa. Anh cười. Rất vui. Rất yên tâm về hạnh phúc của mình.

Chỉ riêng tôi là không. Anh biệt phái ở quân khu tả ngạn, nhưng theo xe đơn vị về Hà Nội luôn luôn. Những ngày thiếu nhau nung đốt chúng tôi làm cho những đêm của chúng tôi hừng hực, hừng hực. Nhưng dù thế, tôi vẫn không sao quên được ý nghĩ rằng mình chưa yêu, rằng mình sẽ suốt đời không biết thế nào là tình yêu.

Cái cớ để tôi gật đầu khi anh ngỏ lời thật đơn giản và thực ra là vô cớ. Anh từ quân khu về, đến thăm tôi tất cả các buổi tối còn được ở nhà. Như thế, suốt mấy năm tôi học đại học. Tôi và một đứa bạn gái một hôm hứng chí ra ga tiễn anh. Buổi trưa. Nắng gắt. Ga Hàng Cỏ sặc sụa mùi nước giải. Có cảm giác cái mùi ấy bốc lên từ mọi ngóc ngách. Từ phòng bán vé. Từ phòng chờ.

Từ đường ray. Từ các toa tàu. Tôi, con gái Hà Nội bốn đời, chưa bao giờ phải đi đâu xa một mình bằng tàu bằng xe. Chưa bao giờ ra ga. Buổi trưađó tôi sững sờ. Anh khác hẳn những tối
đến nhà tôi. Cái ba lô con cóc trĩu sau vai. Một chiếc khăn mặt buộc bên quai ba lô đã được dấp nước cẩn thận. Mồ hôi lan từ sau lưng ra, ướt sũng một khoảng vai áo phía trước. Chúng tôi nhìn nhau, lặng ngắt. Tôi có cảm giác bị một người vô hình lôi tuột khỏi thế giới của tôi. Cảm giác ấy tăng mãi khi một đám lính trẻ, có lẽ trẻ hơn tôi và anh ào tới:

- Thủ trưởng, thủ trưởng mua dùm em một vé. Em nằm ở ga hai ngày nay rồi. Quá phép mất rồi.

- Nó quá phép từ ở nhà chứ không phải vì chậm vé đâu. Nó ở nhà "cày" cho ông bà cụđấy mà.
Có em đây này. Em trả phép đúng hạn mà bị tắc ở đây. Thủ trưởng hỗ trợ em một vé.

Mỗi người một lời. Những lời giống nhau và khác giọng. Những khuôn mặt giống nhau, phờ phạc. Những cái nhìn giống nhau, nhẫn nhục, mà vẫn tinh quái khi họ liếc qua tôi và đứa bạn. Những bộ quần áo vải thô lùng thùng, nhàu nát, xệch xạc. Ba lô con cóc lộn trái thành một cái túi xách lếch thếch. Nắng như đổ lửa. Gió ào qua từng cơn phả cái nóng sặc sụa mùi nước giải...

Lần anh về Hà Nội sau đó tôi nhận lời yêu anh, lấy anh. Chỉ vài hôm sau ngày cưới tôi biết rằng tôi chưa yêu, rằng tôi sẽ không yêu. Nhưng tôi cũng biết tôi sẽ gắn bó với anh mãi mãi.

Thế mà cái chết đã tới, rất chóng vánh tách chúng tôi ra. Vậy là bao giờ chúng tôi cũng ở hai thế giới khác nhau.

Những ngày anh nằm viện vì chứng bệnh lạ lùng, tôi hầu như không ngủ. Trông anh ở viện. Ðạp về trường. Ðảo qua nhà nhìn con. Bầu vú tôi căng nhức. Nhưng tôi không thể về nhà theo cữ cho con bú. Thằng bé cai sữa vào độ ấy, lúc mới được chín tháng. Những ngày ấy tôi quên ý nghĩ vẫn luẩn quẩn trong đầu bấy lâu. Nhưng rồi nó trở lại một cách quái gở: đúng lúc tôi đứng trong nhà lạnh chuẩn bị liệm xác anh. Da anh lúc đó xám xanh, mắt nhắm, không còn ám ảnh tôi bằng cái nhìn trôi lạc, đauđáu của những ngày cuối cùng. Có hai người giữ hai cánh tay tôi.
Vô ích. Tôi đứng, không gào thét, không giãy dụa, không than thở. Nước mắt ứa ra. Người bềnh bồng như đứng trên ban công không có chấn song chắn. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nghĩ về cái hiệu giặt là tôi vừa thấy trên con đường từ nhà tới viện. Mười mấy năm rồi Hà Nội không thấy có một cái hiệu như thế.

Tôi cũng không gào thét, than thở vào buổi chiềuđưa anh. Nghĩa trang sau mấy ngày mưa, nắng chói chang trở lại. Mặt trời dường như phình ra qua sự khúc xạ của hơi nước. Không khí
như bị nung đốt. Tôi đứng bên mộ anh, chợt run, nghiến răng lại mà vẫn run. Hai đứa em gái anh, đứa hơn đứa kém tôi một tuổi lăn lộn. Tôi nhìn ra xa. Phía đằng kia nghĩa trang cũng có một đám ma. Lèo tèo vài người. Bóng đàn bà mặc áo xô. Sau này nhớ lại, tôi ngạc nhiên vì không hiểu sao lúc đó tôi lại đoan chắc người chết là cán bộ thoát ly, cỡ cán sự ba bốn gì đó và vợ con mới ở quê ra. Mà lúc ấy là lúc đắp mộ anh. Lúc ấy, tôi không dám nhìn vẻ chăm chỉ hào hứng của mấy người phu mộ. Mắt tôi chạm dáng đứng đứa em gái. Mặt nó bơ phờ. Lúc còn ở nhà xác bệnh viện tôi thấy nó mặt nhòe nước mà vẫn không tháo kính đi rất nhanh ra sau bức tường ngăn khu nhà xác với khu điều trị. Bao giờ nó cũng có kiểu ấy. Bao giờ nó cũng tách ra khỏi đám đông.

Tôi chỉ có nó làm chị em. Mẹ tôi mất khi chúng tôi còn rất bé. Nó và tôi không hợp nhau. Nó tính rất lỳ. Như một thằng con trai, dù cực ốm yếu. Thế nhưng không hiểu vì sao hôm tôi cưới, lúc đưa dâu, tới nhà anh, nó lại khóc. Rất thảm. Mắt cứ nhìn trừng trừng, nước từ đó trào ra. Nó khóc làm tôi khóc. Có một bà đã gắt cả hai chị em tôi đừng làm điều gở. Phải đó làđiềm gở?
Vì chồng tôi đi chỉ sau đó có dăm năm.

Tôi không biết có phải tôi lấy anh vì thương anh? Chắc không phải. Có thể điều đó chỉ đơn giản là cảm giác mặc cảm ở tôi, một đứa con gái không sướng mà lại biết có người lận đận hơn mình. Nhưng khi anh mất đi, lòng thương anh gậm nhấm từng ngày của tôi. Ðúng là vậy. Thương anh hơn tất cả, hơn thương đứa con mồ côi cha sớm đến thế, hơn thương thân. Những đứa em anh lấy chồng, anh trai anh lấy vợ, bố mẹ chồng tôi dần bớt vẻ rầu rĩ. Nhạt dần những lời nhắc anh, rồi những lời ấy chỉ trở lại vào ngày giỗ anh. Mà ngay cả những ngày giỗ cũng dần bớt vẻ thảm não. Em anh cùng chồng con trở về tíu tít cỗ bàn. Những câu chuyện râm ran xung quanh bọn trẻ con đang lẫm chẫm tập đi, đang bi bô tập nói. Tôi có cảm giác vẻ sầu muộn của mình như lạc điệu, như làm phiền cả gia đình. Tôi có cảm giác tôi và con tôi, và cả anh bị đẩy bật ra trong ngày đó.

Mà không hẳn chỉ là những ngày đó. Cả trong ngày 27 - 7 (1). Công đoàn nhà trường, phường phố, cán bộ phòng thương binh xã hội tới thăm mẹ con tôi. Trịnh trọng. Hoan hỷ. Ngồi tiếp mọi người mà đầu óc tôi lang thang tận đâu đâu. Có lần ý nghĩ tôi trở về nơi quàn xác anh. Nhà xác viện 108 trông thẳng ra vườn hoa Pasteur và buổi chiều đưa anh là một buổi chiều rất đẹp. Lúc xe tang từ từ đi ra, tôi thấy gần cổng đám bệnh binh đã cùng nằm với chồng tôi trong một khoa. Những người lính rất trẻ, được đưa về từ mặt trận phía bắc, có chung một chứng bệnh như anh. Da họ mỗi ngày một trong đi, trong tái, như bị rút mất máu. Mà đúng là mất máu. Chỉ cần một vết xước nhỏ là máu rỉ ra không làm sao đông lại được. Xe tang đi qua họ và tôi nhớ lúc đó tôi đã nghĩ rằng chỉ có họ là thương anh, thương tôi, thương con tôi. Chỉ có họ. Dù rằng họ không hề đến bên tôi nói một lời chia buồn. Giữa họ và tôi có một mối cảm thông, được kết bởi cái chết vừa tới và cả bởi những cái chết chưa tới. Khi hồi tưởng lại điều đó bao giờ tôi cũng đau đớn. Nỗi đau người ta chỉ có khi chứng nghiệm cái chết và hoàn toàn bất lực. Như tôi trong những ngày cuối chăm chồng.

Màđiều làm tôi thương anh nhất chính là vì tôi, vì tôi biết rằng tôi không yêu anh khi anh còn
sống. Sau cái chết còn có gì? Tôi nghĩ người chết chỉ khác người sống ở mỗi mộtđiều là không
thể nói. Người chết bay lượn quanh chúng ta, hiển hiện ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng không sao hòa được vào thế giới của người sống, và chẳng ai biết thế. Người chết đơn giản là bị quên. Chồng tôi đã bị quên, khi anh chưa đầy ba mươi tuổi.

Tôi bắt đầu mất ngủ từ khi anh qua đời. Những đêm, những đêm đi qua tôi, dằng dặc, hỗn độn bao ý nghĩ. Vầng trăng cũng từng đêm đi qua tôi. Tròn. Khuyết. Vô hình. Mất ngủ mãi, tôi đâm mong những đêm bơm nước. Ba ngày một lần tầng năm của tôi có nước, vào khoảng giờ oái oăm: đêm, mười một giờ. Phải hứng nướcđổ vào phuy, giặt chăn chiếu, quần áo... Cả tầng xôn xao tới hai ba giờ sáng. Khổ nỗi nếu tôi loay hoay chuyện nước non thì thằng con tôi cũng
thức. Nó bước những bước ngắn chủn, thập thững quanh phòng trong cơn buồn ngủ, nhưng nhất định không chịu lên giường trước mẹ. Nó chỉ có tôi để mà gắn bó và tôi sợ rằng nó sẽ yếu mềm về sau.

Những đêm khác, tôi nằm nghe thằng con thở. Thức qua đêm nhiều hôm, tôi quen dần với tiếng chim lợn kêu cữ hai giờ sáng. Tiếng chim quái gở, eng éc giữa trời thành phố hồi đầu làm tôi thấp thỏm suốt cả ngày hôm sau. Người ta bảo chim lợn không mang điều lành. Ðiều dữ nhất đối với đời đàn bà của tôi đã xảy ra rồi. Tôi hết sợ. Chắc chim lợn cũng là loài chim mất ngủ. Tôi thường có cảm giác ấy vào những đêm mùa đông trăng suông và hoa sữa. Ban ngày nắng hanh, mùi hoa sữa về đêm nồng nàn đến khó thở. Bên kia đường, dưới khung cửa sổ phòng tôi là sông Kim Ngưu - cái cống lộ thiên của thành phố - thường bốc mùi vào những chiều hè oi ả trước khi dông đến. Mùa đông. Hoa sữa thơm bứt dứt. Dòng sông đen lặng lẽ chở trăng mờ. Tiếng chim lợn kêu đêm phập phồng một niềm tiên cảm. Có vẻ cũng lãng mạn. ý nghĩ ấy có lần đã làm tôi phì cười.

Nhưng thường thì tôi nín hơi rồi thở dài, thật dài. Không bao giờ tôi khóc. Các nhà văn thường hay tưởng tượng cảnh một người đàn bà cô đơn khóc lặng lẽ một mình trong đêm. Không đúng. Người ta chỉ khóc khi có người biết mình khóc, khi hy vọng sẽ được dỗ dành. Còn tôi? Chồng chết rồi, phận sự của tôi là dỗ con chứ không phải để con dỗ. Tôi dỗ dành nó suốt bao năm qua. Khi nó còn bé, tôi phải dỗ nó rằng bố đi xa và không được gọi chú..., bác... là bố. Hồi sang cát cho chồng tôi, nó gần bốn tuổi, hý hửng suốt mấy ngày rằng sắp được đón bố về. Khi sắp xương vào tiểu sành và đưa tới nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội dưới Ngọc Hồi nó vẫn còn hý hửng. Lúc chôn tiểu xuống, nó gào lên, nhảy bổ vào người phu mộ: "Mẹ mày! Giả bố tao đây!" Tôi không hiểu nó học ở đâu và từ lúc nào câu chửi đó. Và cái lúc mọi người đứng khóc, bố mẹ chồng tôi, bố tôi, đại diện đơn vị cũ của chồng tôi... thì tôi phải cắn răng làm mặt tỉnh, rẽ rọt bảo con rằng bố sẽ về nhà, bố sẽ ở trên bàn thờ. Tám năm đã qua, nhiều lúc tôi thấy mình choáng váng vì cảm giác tiếng gào của nó buổi sáng tinh sương đó vẫn cứ chói lói trongđầu, và
cả vì cái nhìn của đứa em gái tôi lúc đó. Chỉ riêng nó không khóc. Nó đứng nhìn hai mẹ con tôi dỗ nhau và tôi thấy rất rõ gọng kính của nó lóe sáng bởi một tia mặt trời.

Ðứa em gái lỳ lợm của tôi... Bao giờ tôi cũng có cảm giác rằng mình không hiểu nó. Nó học giỏi. Thích thành nhà báo. Nhưng rút cục thì nó thành nhà giáo. Vì ốm yếu. Vì cảnh nhà. Vì đủ thứ buộc phải tính toán. Nó đích thực bị nghề chọn. ấy nhưng nó lại thành công trong nghề. Học trò nó lớn hơn học trò tôi, mê nó và sợ nó. Có lần nó than rằng nó rất dễ với học trò, cũng không già hơn học trò là bao, thế nhưng giữa nó với học trò vẫn không có sự chan hòa như giữa tôi và bọn trẻ của tôi. Tôi thì tôi biết. Cả trong quan hệ đó nó vẫn tách mình ra để nhìn. Nhưng chính vì thế mà học trò của nó mê nó. Nó giảng rất lạ. Theo tôi nó nên làm một nghề gì đó tự do. Lối lên lớp của nó vào độ mười năm trước và ở một trường huyện nào đó thì chắc ăn đủ. Sẽ không ngóc đầu lên được vì bị chỉ trích. Chẳng kiểm tra sĩ số, chẳng gọi học sinh lên bảng lấy điểm kiểm tra miệng, chẳng đọc cho học sinh chép, chẳng nêu câu hỏi phát vấn, cũng không tổng kết, củng cố và vân vân. Buông lửng như tiểu thuyết Tàu ngày xưa. Tôi có lần đến tìm nó ở trường. Ðầu hè. Nắng ong ong làm buồn ngủ. Nó đang lên lớp. Tôi đứng ngoài nhìn. Những đứa con gái mười bảy mười tám đờ ra nghe nó, rồi đột ngột vớ bút ghi lia lịa như bị ma ám. Còn nó thì cũng chẳng khác gì bị ma ám, lang thang trong lớp. Có một lúc nó cầm mẩu phấn ném đánh toách lên bảng khiến lũ học trò giật mình, tôi cũng giật mình. Và tôi lạ lùng không thấy tiếng cười của bọn học trò.

Tôi biết tôi không thể tìm đâu ra hứng để giảng bài như nó. Thế nhưng theo tôi thì lối lên lớp của nó thiếu hẳn vẻ mô phạm cần có trong nghề. Ðiều ấy chẳng ích gì cho nó và cho cả lũ học trò của nó. Hình như học trò của nó nhiễm dáng dấp kỳ kỳ của nó, lối sống của nó. Hay bọn mê văn đã sẵn tính đó rồi? Bằng chứng là mười bảy mười tám đứa học trò nó mà tôi biết độ ấy đều lấy chồng muộn. Con gái hai sáu hai bảy rồi mà cứ sống tưng tửng. Những cô gái ấy hàng năm lại cùng người yêu rồng rắn đến nhà ngoại tôi vào 20 -11 (2). Tôi có lúcđã băn khoăn
không hiểu chúng nó có liều như cô chúng nó? Có liều từ chối vào Ðảng? Có liều bỏ việc? Có liều bỏ tất cả ra đi? Em tôi viết cho nhà khá đều, giọng thường rất lãnh đạm. Châu Âu tuyết dày. Châu Âu - 10 độ. Châu Âu làng nào thành phố nào cũng có nhà thờ. Và công việc của nó. Bán Imbiss. Ði putzen (3). Có một lần nó ra khỏi sự lãnhđạm, hài hước: "Toalet nhà người tìm
đến cọ - Lâu rồi cưỡi chổi nổi chai tay." Từ ngày nó đi, những đêm mất ngủ, ý nghĩ của tôi lại thêm một lần hỗn độn.

Tôi biết sau tôi nó là người thương người chồng đã khuất của tôi nhất. Dù rằng lúc anh còn sống nó vẫn thẳng thừng tuyên bố rằng không sao hợp được với những người thích nghi được với đời sống quân ngũ. ấy là lúc anh định làm mối cho nó một cậu chàng bác sỹ quân y hết sức điển trai. Ðến lúc nó yêu thì kỳ quặc, đúng là kiểu ma đưa lối qủy dẫn đường. Lấy tiêu chuẩn thời chiến để xét thì không thể hiểu nổi. Lấy tiêu chuẩn thời bình thì cũng thế. Nó cứ lừng lững yêu. Cả nhà chẳng ai dám hỏi một câu có ẩn ý nào trước khi nó thừa nhận rằng cái thằng vẫn đi thư viện cùng nó, vẫn hay mang cho nó đủ thứ hoa dại, cả hoa rau cải cúc, là người nó yêu. Cả nhà lặng phắc nhìn bố tôi khi nó thông báo hết sức lạnh lẽo việc bố mẹ người yêu nó muốn đến thưa chuyện. Cuộc sống của nó toàn thua thiệt, cũng y như tôi. Nhưng đấy là tự nó.

Tôi không hiểu sao tính khí nó vậy mà chồng tôi lúc còn sống lại thích. Những lúc chị em lục đục, bao giờ anh cũng bênh nó. Có lần tôi cáu: "Sao anh cứ bênh nó chằm chặp thế?" Anh cười: "Không bênh em gái người yêu thì lấy ai ủng hộ mình làm một trận tổng tấn công!" Lúc anh mất, nó không gào thét như mấy cô em chồng tôi, cứ mím môi lặng lẽ, khóc. Còn lúc ở nghĩa trang mặt nó khô khốc, cái kính bắt nắng lóe sáng. Tôi biết là nó thương anh xót xa. Ðã có lần nó bảo bạn nó - một cô bé tính hay nhõng nhẽo và đáng yêu: "Khổ à? Không thiết sống thì thử chết một cái xem nào!" Sau đó lại vỗ về: "Khổ nhất là phải chết. Còn sống là còn sướng. Bây giờ buồn khổ thì cứ khóc. Tao nghe." Nói giọng ấy mà cô bé kia nín được mới kỳ.

Khi thằng con tôi tròn bảy tuổi, một chiều muộn nó lên nhà tôi, bảo mệt bỏ buổi dạy thêm, dẫn hai mẹ con tôi đi ăn phở trừ bữa. Lúc về, thằng con tôi xin sang hàng xóm xem tivi, nó bảo tôi: "Cu Chũn lớn rồi. Ngoan thì có. Nhưng hơi mềm tính. Lớn lên con trai con đứa thế là khổ. Với lại một mẹ một con, dồn hết cho con, đến lúc nó lớn, nó sống đời nó, thế nào mình cũng hẫng. Lúc ấy có muốn sống cho mình thì cũng muộn. Rồi thế nào cũng xoay ra đay đả con rằng nó ích kỷ. Chẳng ích gì. Lấy chồng bây giờ là vừa."

Rồi nó lại nói:

- Lấy chồng lần này là để tìm bố cho con. Ðừng có ngõi mấy gã trai tân. Trai tân bằng lứa thì trăm ông có chín chín ông ngẫn ngẫn. Tìm ai đồng cảnh...

Tôi không biết phải trả lời nó thế nào. Im lặng. Căn phòng cuối chiều rực màu nắng quái kỳ dị, rồi chìm rất nhanh vào bóng tối. Em gái tôi đứng dậy, thắp một nén hương trên bàn thờ chồng tôi, lặng lẽ bước ra ngoài. Tiếng chân nó xuống cầu thang, bặt hẳn, sau đó là tiếng rồ xe máy. Nó đi. Tôi ngồi nguyên thế cho tới lúc bầu trời sáng dần một màu trắng sữa. Trăng. Non tái. Dịu dàng. Xa cách. Chấp chới hiện trên bầu trời, giống như một nét mày con gái có thể ngạc nhiên trước biết bao điều. Tôi xòe tay, nhìn, những ngón nhợt nhạt. Mơ hồ nào run mãi. Mà cũng có thể là ánh trăng. Hương trên bàn thờđã tàn. Phảng phất mùi hoa sen tôi mua lúc chiều.
Mùi hương, mùi hoa. Tôi rùng mình. Mùi chùa. Hôm đưa chồng tôi lên chùa. Gần bảy năm đã qua từ hôm ấy.

Em gái tôi đi sau đó. Chồng nó đi công tác. Trong nhà nó bảo: "May. Ðiđược lần này chắc rửa
được lý lịch cho con." Ra ngoài nó cười: "Ông ấy đi vùng kinh tế mới. Thế nào, không phải à, không phải nước Ðức bây giờ là vùng kinh tế mới của dân mình à?"

Rồi nó bán nhà mang con theo chồng. Cả nhà không dám gàn. Nó bảo: "Ðời phải có lúc liều. Bố nó đã liều đi không về. May ra tính đúng thì thằng bé không phải mất công học những điều sớm muộn gì rồi cũng phải quên."

Nó đi sau khi tôi tái giá ít ngày. Không biết nó làm công tác tư tưởng thế nào mà cu Chũn của tôi người lớn hẳn. Nó gọi người chồng thứ hai của tôi là ba, dù rằng anh không phải người Nam. Mấy cô dạy cùng trường tôi tò mò, nó bảo: "Tại cháu có bố rồi. Mới lại ba cũng là bố." Hai cha con hòa hợp với nhau. Anh thương nó. Anh thương người đã khuất, người đồng đội mà anh chỉ tường mặt qua tấm ảnh trên bàn thờ. Tôi biết rằng tôi không thể mong đợi gì hơn khi đi bước nữa. Thế nhưng tôi vẫn mất ngủ. Ðêm đêm tôi nằm nghe tiếng thở của chồng, của con, dội lên, chìm đi, bao giờ cũng lệch nhịp. Ðêm đêm tôi nhìn ánh sáng bên ngoài cửa sổ để đoán độ tròn trăng và khoảng mênh mông nào trăng đi qua. Ðêm đêm vầng trăng đi qua tôi. Ðêm của tôi vẫn không đổi, vẫn như đêm của những ngày góa bụa. Hỗn độn bao ý nghĩ. Tôi biết mình may mắn khi tìm được người đàn ông hiền hậu biết thương con mình. Tôi nhớ lời em gái tôi. Nó bảo: "Tìm bố cho con." Vậy là ngay cả cuộc hôn nhân này của tôi cũng không bắt đầu từ tình yêu. Không, có bắt đầu từ tình yêu, nhưng đó là một tình yêu rất khác, không phải là tình yêu đàn bà.

Tôi nhớ em tôi. Nó đang ở rất xa. Khi vầng trăng đang rơi dần đâu đó phía chân trời thì nơi nó còn là buổi chiều. Nó đang làm gì? Bán đồ ăn ở một góc phố lạnh nào? Lau toalet, nhà tắm? Nó nghĩ gì? Tốt nhất là đừng nghĩ gì. Nó khác tôi. Nó có một tình yêu riêng để mà cố. Nhưng dù có dù không, nó cũng đâu sung sướng gì hơn tôi. Nó gửi tiền cho cả nhà. Nhận tiền nó gửi về, tôi thấy chua xót. Tôi hình dung cái dáng gầy ốm của nó nhoài bên một cái bồn tắm nào đó ở cái xứ xa xôi mà nó đã mang con tìm tới theo chồng. Chưa bao giờ nó than khổ với ai. Cứ lặng lẽ, lì lợm sống, sống cho cả người đang sống lẫn người đã chết.

Và tôi, cũng chưa bao giờ tôi nói với nó, với ai rằng tôi mất ngủ. Tôi có đi khám. Chẳng ích gì. Bác sĩ bảo tôi bị suy nhược. Mất ngủ nên suy nhược hay suy nhược nên mất ngủ? Không biết. Vẫn là những đêm như thế, vẫn vầng trăng khi tỏ khi mờ khi tròn khi khuyết, vẫn tiếng kêu éc éc kì quái của con chim lợn mà tôi không biết hình thù, vẫn mùi thum thủm xông lên từ con sông đen bên kia đường nhữngđêm trở trời, vẫn mùi nắng hanh trong nồng nàn hoa sữa, nồng
nàn như đàn bà... Tôi sống với con tôi, với chồng tôi, nhưng những đêm này của tôi hình như không chấm dứt. Phía trước tôi có bao nhiêu đêm nữa đang chờ?

13 - 3 - 1997

Chú thích:
1: Ngày thương binh liệt sỹ.
2: Ngày nhà giáo Việt Nam.
3: Quét dọn (tiếng Ðức)

#1
    Nguyễn Đình 27.07.2005 20:07:44 (permalink)
    Thành sương


    Thành phố luôn chìm trong sương mù và có nhiều kiến trúc cổ. Mọi ngả vào thành phố đều là những con đường dốc đổ. Sương từ thung lũng bốc lên, mù mịt, nặng nề đến độ có cảm giác những lâu đài, nhà thờ bề thế kia cũng nhẹ bỗng và bay lên được. Còn những buổi chiều trời đẹp, nắng cắt những mảng sáng trong vắt quađiệp trùng thông. Nắng vàng, bóng tối của những
    cánh rừng và màu xanh lục của lớp lớp lá kim đẹp hơn bất kỳ một tấm ren tuyệt xảo nào. Lác đác đây đó, vượt lên trên những triền thông xanh là những ngọn tháp cổ. Bảy trăm năm... Một ngàn mấy trăm năm? Không rõ. Từ đó, chậm rãi và thanh thản bay ra vô hồi những tiếng chuông. Chả biết ở đây còn có bao nhiêu con chiên ngoan đạo. Nhưng chuông vẫn thế, vẫn như từ ngàn năm xưa vọng lại, chậm rãi, thanh thản và không đủ làm cho những ai vốnưa uể oải rứt mình ra khỏi trạng thái này.
    Anh về định cư tại đây vào một ngày đẹp trời. Anh sung sướng vô cùng khi thoát khỏi trại trung chuyển. Nơi đó, hàng ngày có biết bao nhiêu chuyến người ra vào. Người Thổ với những hàm râu tươi tốt không thể trộn lẫn (đàn ông), với đôi mắt và thân hình bí hiểm ẩn sau những tấm khăn tùm hụp và những vạt áo dài lòa xòa không eo (đàn bà); người Phi châu với mùi mồ hôi đặc trưng và nụ cười trắng; người Nam tư với ánh nhìn trống rỗng... Anh để ý ai đến nước Ðức này xin tỵ nạn cũng đều từng có một quãng đời buồn khổ, cơ cực, song không có giống dân nào lại âm thầm như giống Tiên Rồng. Sau vài ba ngày biết chắc thoát khỏi nguy cơ chết chóc do đủ thứ căn nguyên: đói, chiến tranh, xung đột tôn giáo..., tất cả họ đều nhanh chóng thích nghi với cuộc sống tỵ nạn. Họ đi vào thành phố hàng ngày, dạo chơi trong đó với vẻ vừa lơ ngơ vừa phấn chấn, và khi về thì xách theo đủ thứ túi bọc lỉnh kỉnh, đồ ăn - công khai, rượu và bia - bí mật. Họ uống, la hét, ôm nhau nhảy thâu đêm theo những giai điệu chỉ gợi trong anh cảm giác rũ rượi. Rồi họ kéo nhau từng đoàn lên phòng xã hội để dò ngày định cư. Anh và đồng bào của anh khác hẳn họ. Anh xấu hổ và không bao giờ chen lấn trong giờ phát đồ ăn uống. Ngày nào cũng như ngày nào, anh chỉ biết duôi cái cổ lộ hầu ra nuốt mấy cục khoai tây nghẹn bứ và mấy miếng Wurst (1) có mùi ngầy ngậy hăng hắc; và lặng lẽ trả lại người phát đồ những bơ, pho mát và mứt quả. Thỉnh thoảng lắm bọn anh mới làm một bữa cải thiện bằng món rau cải luộc, hái từ những cánh đồng bạt ngàn quanh trại. Cũng lặng lẽ và nhẫn nhục như thế, anh chờ ngàyđịnh cư.
    Rốt cuộc là người ta đưa anh về thành phố này. Thành phố sương mù như anh thầm gọi. Nó khiến anh nhớ quay quắt Ðà lạt, nơi anh đã có một thời gian dài ở đó như là một kỹ sư - một trí thức xã hội chủ nghĩa với 130.000 đồng lương mỗi tháng. Cũng thông, bạt ngàn thông. Không có suối Ðamê nhưng khúc sông Lahn chảy qua đây cũng rất êm đềm. Cũng những tháp nhà thờ đâm nhói lòng. Chỉ thiếu Hạnh. Nhưng hồi ở Ðà Lạt anh cũng làm gì có Hạnh. Người con gái đã theo cha sang Mỹ. Mười ba năm cha ở trong tù, nàng một mình nuôi mẹ ốm, nuôi thân bằng nghề thêu gia công và bằng những bông hoa cắt tự vườn nhà. Nàng có yêu anh không? Người con trai Bắc kỳ thuộc thành phần mà báo chí luôn kêu gọi nhà nước ưuđãi theo các nghị quyết số... của Ðảng. Nhưng có lần nàng nói với anh, hình như chỉ nói với một mình anh:
    "Hạnh không thích hoa giả. Hạnh ghét những bông hoa Hạnh thêu cho người ta..." Tuy nhiên, chưa bao giờ anh thấy hoa tươi trong nhà Hạnh. Hoa ở vườn chỉ vừa hàm tiếu là nàng đã cắt bán. Hạnh sống thực tế hay lãng mạn? Mãi mãi anh sẽ không biết vì nàng đã xa rồi, vì nàng không hỏi địa chỉ của anh, còn anh thì không dámđưa nàng.
    Còn bây giờ Hạnh đang ở miền nào của nước Mỹ? Nàng chắc là không biết anh đã ở đây - thiên đường của những người chạy trốn trên thế giới này - những người đã bị đánh bật khỏi quê hương bởi những nỗi đe dọa đói, giết chóc. Nhưng nước Ðức có phải là thiên đường của anh không? Anh cũng chẳng biết. Ðến tận giờ, khi việc cầm theo Ausweis (2) dành cho những người xin tỵ nạn mỗi khi ra đường đã trở thành một phản xạ có điều kiện trong anh, anh vẫn không hiểu hết vì sao mình lại chọn đất này làmđiểm dừng.
    Trướcđó thì anh ở áo. Ðoàn chuyên gia áo sang Việt nam và tới Ðà lạt làm việc ít ngày. Người
    phiên dịch chính thức bất lực trước hàng lô hàng lốc những thuật ngữ thuộc chuyên ngành hẹp
    của anh. Anh được cử làm người phiên dịch tạm thời cho đoàn. Vốn tiếng Anh và những kiến thức có được từ hồi theo học ngành vật lý hạt nhân ở Nga của anh đã làm đoàn chuyên gia ngạc nhiên. Một tấm giấy mời đích danh được gửi tới anh sau khiđoàn chuyên gia về nước ít ngày.
    Nhưng phải mất sáu tháng và trên chục lần đi đi về về giữa Sài gòn và Ðà lạt anh mới có được hộ chiếu lên đường. Sáu tháng thực tập ở áo, một tuần sang Ðức thăm thằng bạn trước bỏ nghề đi làm đội trưởng lao động xuất khẩu đã thay đổiđời anh. Chia tay bạn, anh lên tàu, nhập trại.
    Một mình. Không nói trước với bạn một lời nào.
    Bây giờ anh ở đây - Thành phố của những kiến trúc baroc chìm trong sương tới ba mùa trong năm. Lúc đầu nhân viên xã hội xếp anh chung phòng với hai anh chàng da đen và một chàng Apghanistan nhuôm nhuôm. Tính bình quân đầu người thì diện tích anh được hưởng có phần rộng hơn diện tích anh được cơ quan phân cho hồi ở Ðà lạt. Chỉ có điều thật khó sống. Ðàn ông độc thân thì ởđâu mà chẳng bẩn. Nhưng bẩn như căn phòng anh ở thì thật ngoài sức chịu
    đựng. Chẳng hiểu có phải do tập quán không mà chàng Apgha lúc nào cũng kéo rèm kín cửa. Căn phòng luôn luôn tối, bí hơi và nồng nặc cái mùi mồ hôi Phi châu của hai chàng nhọ. Cũng may sau đó mấy tháng, có mấy người Việt về định cư. Anh được chuyển phòng về ở với đồng bào. Mấy anh chàng kia ít tuổi hơn, ít học hơn, nhưng lại trảiđời hơn. Về mấy bữa họ biến hết
    cả. Vào quán Tàu quán Triều tiên nào ở đâu chẳng biết. Ðến kỳ lĩnh tiền xã hội họ lại về. ầm ĩ được mấy ngày. Có điều anh không nhập cuộc được với họ. Anh không tài nào học được phép tắc chơi tá lả, binh xập xám mà họ cố công dạy cho anh. Anh cũng không uống hết được một hộp bia một lần. Nói chung anh không thích những cảm giác phấn chấn giả nhờ hơi men. Anh sống vừa như làđồng chủ, vừa như là khách lạ trong căn phòng ấy.
    Anh cũng đi xin việc. Cứ ngỡ vốn tiếng Anh và những câu tiếng Ðức học được hồi ở trại sẽ giúp anh được nhiều hơn mọi người. Vậy mà không. Một ông chủ quán Tàu thấy anh cứ lâu lâu lại lột kính chà xát đã cho anh nghỉ việc. Khốn khổ. Nào anh có lười. Nhưng hơi dầu rán, hơi nước nóng mù mịt ở bồn rửa bát cộng với đủ thứ rau cỏ thịt thà bắn lên từ mặt thớt anh đang thái đã làm cho anh chẳng làm sao nhìn được qua mắt kính sáu diop. Giá mà quẳng nó điđược!
    Một lần khác, một gã thợ xây bản xứ to vật vãđã làm ỏm tỏi lên chỉ vì anh chuyển vữa chậm và
    thế là anh lại mất việc. Anh không biết làm gì nữa ngoài việc học tiếng Ðức. Nhưng cả việc ấy anh cũng không sao làm cho ra hồn, khác hẳn hồi trước học tiếng Nga hay tiếng Anh. Hẳn là sự thể sẽ khác nếu việc học tiếng này gắn với sự học lên như trước kia. Giờ, cứ mở sách là trong trí anh lại hiện ra cảnh đại lộ chạy qua cổng trường anh ở Leningrad vào mùa thu. Lá phong vàng rười rượi, xô đuổi nhau, nhuộm sáng cả những làn gió. Có lần anh đã ép một chiếc lá vàng như thế vào thư gửi về nhà và em gái anh thường hãnh diện đem khoe chúng bạn như là một cái gì đó rất đáng gợi tự hào về ông anh học giỏi. Em gái anh còn sưu tầm đủ thứ chứng tích về thành phố nơi anh ở: bản sao các bức họa tại bảo tàng Ermitagiơ, những bức ảnh chụp hàng rào gang nổi tiếng nơi đây hay những bức tượng tuyệt vời trong công viên, và những cánh buồm xô dạt trên sông Nêva nữa. Em gái anh giờ là một giáo viên Nga văn thất nghiệp, "giáo viên mất dạy" như cô viết cho anh, đã chồng con, và vẫn giữ đủ thứ vặt vãnh ấy. Mấy hôm trước anh nhận được thư cô: ..."Em không hỏi anh vì sao anh xin tỵ nạn. Em biết rất nhiều người như anh và họ gửi rất nhiều tiền về cho gia đình. Nhưng em biết rằng anh sẽ không giàu như họ, không thể trở thành trọc phú phố phường dù anh có muốn đi chăng nữa. Giá có thể thì anh nên xinđi học... Mẹ nghĩ gì thì em không biết. Nhưng nhìn mẹ rất buồn..."
    Thư của em gái làm anh mất ngủ. Anh biết rằng em anh rất thương anh. Nhưng làm sao cô hiểu được tình cảnh của những người như anh - những người đang xin tỵ nạn và đang mong mỏi sự công nhận của nhà nước Ðức như là mong ân sủng. Dù muốn, anh cũng không thể đi học với tấm giấy cho phép tạm dung vài tháng phải gia hạn một lần và với một Konto trống. Anh lại bắt gặp mình nghĩ tới Hạnh và thành phố sương mù Ðà lạt. Có lần anh nằm mơ thấy cô mong manh trong tà áo dài màu nắng, vàng trong và hơi ngả sang màu mật óng. Anh tỉnh giấc và không dám mở mắt, chỉ sợ hình ảnh ấy tan biến. Nhưng đó không phải là sự hiện lại của một hình ảnh cũ. Chưa bao giờ anh thấy Hạnh mặc áo dài. Và nói chung, những năm anh vào Nam làm việc, anh cũng rất ít khi thấy phụ nữ mặc kiểu áo này như là thường phục. Vì đâu anh lại mơ thấy Hạnh như thế? Không thể biết được. Có thể là từ trong đâuđó cõi lòng anh, có một niềm thiết tha với dáng hình mong manh của Hạnh, với màu vàng nắng luôn luôn làm cho thành phố của những triền thông xanh và sương mù sáng lên, lung linh.
    Thành phố sương mù anh định cư giờ đây có thêm người Việt tỵ nạn. Nhiều người bảo là vui. Dĩ nhiên cuộc sống của các gia đình sẽ đầm ấm và không loạc choạc như cuộc sống của mấy thằng đàn ông không vợ. Ðã có hơn chục gia đình về sống quây quần gần nhà anh. Có cả mấy người đàn bà nom hết sức mỡ màng, có lẽ phải gọi vậy dù họ độc thân. Ðám trai trẻ cùng phòng với anh giờ cũng năng về. Hiển nhiên là như thế sẽ ồn ào hơn. Nhưng có vui hơn không thì anh cũng chưa bao giờ tự hỏi. Ðôi khi họ đưa cả bạn gái về phòng. Ðiều này thì anh cũng đã từng phải chịuđựng từ hồi là sinh viên ở chung phòng với mấy thằng bạn người nước khác.
    Nhưng quả thực chưa bao giờ anh nghĩ mình phải quađêm trong tiếng thở hổn hển, tiếng cười
    cố nén, cả những lời văng tục vừa âu yếm vừa thô bạo bằng tiếng Việt. Anh ngượng ngập khi gặp lại những đôi tình nhân hờ ấy vào buổi sáng. Nhưng những chàng trai và những người đàn bà ấy thì rất thản nhiên. Cảm giác ngượng nghịu này của anh khi giáp mặt họ trước cửa toillet hay trong căn bếp nhỏ chẳng khác gì cảm giác xấu hổ khi ta đi đòi nợ. Nó hết sức kỳ cục vì chính người mắc nợ lại không hề bối rối,đôi khi còn sùng lên quặc lại chính ta, làm ta thấy mình thô bỉ bởi không biết những nỗi khó khăn của họ.
    Ngoài ra, những đêm chung đụng công khai diễn ra rất gần giường anh còn làm anh không thể phục hiện được giấc mơ mà anh luôn luôn muốn đánh chìm mình trong đó: Hạnh. Triền thông xanh. Vạt áo dài mang mang như nắng, trong veo và đẫm một màu mật óng. Anh không dám nghĩ về Hạnh vào lúc đó. Anh cũng không dám nghĩ về Hạnh cả vào lúc phòng còn lại một mình anh. Phải saubermachen (3) lập tức. Ðể cho hết cái mùi nhàn nhạt, lờm lợm thường thấy sau khi vãn cuộc ái ân. Cái mùi ấy ám ảnh anh, lấn át cả mùi bia rượu nồng nồng khai khai và cứ lẩn quất đâu đó mãi không hết. Hạnh không thể đến với anh trong một bầu không khí ô nhiễm đến như vậy. Và như thế thì anh sẽ không cònđược nếm trải những cảm giác sướng khoái tột cùng của những cơn mơ làm cho anh vừa minh mẫn vừa bải hoải rũ liệt khi tỉnh dậy.
    Nhưng dù anh đã tẩy uế phòng sạch đến thế nào chăng nữa thì Hạnh cũng đã thôi không về. Những đêm, những đêm đi qua anh. Anh cảm thấy rất rõ bóng tối nặng nề trườn trên đôi mi nhắm nghiền. Anh thấy mình rơi xuống một cái giếng hẹp, rất hẹp, sâu hút nhưng chưa tới đáy, không bao giờ tới đáy, đã bị đẩy bồng lên, hệt như bị buộc vào dây cao su vứt xuống và khi dây căng hết độ thì lại bị kéo lên không sao tự chủ được. Rồi về sau thì cứ vừa nhắm mắt anh đã thấy những mẫu tự viết theo lối in hoa xếp hàng. Chúng cứ phình to dần, đáng sợ nhất là chữ h (H) với hai gạch thẳng đồ sộ như chân voi và gạch ngang nặng nề như một tấm bê tông, còn anh thì đứng ở giữa hai gạch thẳng và dưới gạch ngang trong cảm giác sợ hãiđến cùng cực.
    Anh không thể ngủ được. Anh không dám ngủ. Anh thôi tìm Hạnh hằng đêm. Anhđi tìm giấc mơ của mình, giấc mơ có Hạnh ban ngày.
    Những người đàn bà ở đây rất quý anh. Dù sao thì vốn liếng tiếng Ðức của anh cũng hơn hẳn chồng họ hay tình nhân của họ. Vả lại, bọn đàn ông của họ không mấy khi có nhà. Họ đi làm chui khắp đó đây. Còn khi trở về thì họ tụ bạ với nhau, say sưa với hàng két bia và những trò đen đỏ. Nếu bộn tiền thì họ bấm máy ở Casino, ít tiền thì họ "gầy" một bàn tá lả hay binh xập xám. Gọi họ về với vợ con lúc đó thật khó. Anh giúp tất cả những người đàn ông và đàn bà ấy trong những việc vớ vẩn nhất. Những người đàn ông biết ơn anh và yên tâm đã có anh giúp vợ con họ khi họ vắng nhà. Những người đàn bà thì vôơn hơn trong tình cảm, nhưng lại thiết thực
    hơn trong cách tỏ lòng biết ơn. Họ nhớ đến anh bất kể lúc nào họ cần; chẳng hề băn khoăn, cũng chẳng hề kèm theo một ánh nhìn nào khó tả. Những người đàn ôngđàn bà vô tâm ấy làm
    anh rất tủi vì họ chỉ quý anh. Ðàn bà thì không yêu anh, còn đàn ông thì không ghen với anh. Mà anh dẫu trong mơ chỉ thèm khát duy nhất có một người - Hạnh - thì vẫn hằng mong mỏi có được khả năng sống và yêu như đồng bào của anh ở xung quanh anh. Thực ra thì anh muốn một điều khác nữa. Anh muốn học. Học lại ngành cũ hay học lấy một nghề mới, nghề thật sự chứ không phải thái thịt rửa bát trong quán Tàu. Nhưng anh biết là không thể được. Bởi vì anh không có tiền. Mấy trăm mác tiền xã hội cấp hàng tháng chỉ đủ cho anh ăn dè xẻn, dành phần dư trả luật sư. Nhưng ông ta đã không có mặt lúc anh ra tòa. Chỉ có người phụ tá của ông ta. Mọi lý do anh đưa ra để xin tỵ nạn đều bị bác bỏ. Anh biết tương lai của anh sẽ thế nào! Hoặc anh phải kết hôn trên giấy tờ và có thể cả trên thực tế với một bà tây già hay một cô tây trẻ đàng điếm. (Khả năng này phải loại trừ vì tốn kém). Hoặc anh sẽ nhận Duldung (3) chuẩn bị về nước. Nhưng anh không còn cái tư cách đáng hãnh diện ngày xưa của mẹ và em. Nếu phải về lần này, may mắn nhất là anh sẽ được yên ổn ở nhà ăn bám mẹ; không phải đi trình diện công an hàng tuần. Một trí thức xin tỵ nạn không thành như anh thật khó tránh khỏi điều này khi đã được nếm mùi dân chủ ở cái chế độ mãi không chịu giãy mà chết như người ta tiên đoán. Ðộ trước, anh hay cố thủ trong phòng đọc tất cả những gì vớ được. Tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Việt, lõm bõm cả tiếng Ðức. Bây giờ thì anh thường xuyên đi. Cũng chẳng điđâu xa. Chỉ loanh
    quanh với những con đường dốc lên dốc xuống của thành phố. Anh không muốn ở nhà khinhững người ở chung về, nửa vì ngại làm phiền họ, nửa vì đầu anh cứ bốc nóng rực đến không thể chịu được khi cuộc vui của họ lên tới đỉnh cao. Những lúc ấy đàn ông thì văng tục, còn đàn bà thì cứ cười rú lên, cứ thế mãi không dứt, trong khi trên ti vi người ta cứ tuôn ra hàng tràng tiếng Ðức chẳng ai hiểu và chẳng ai buồn nghe. Anh chỉ được sống với mình khi đã ở ngoài đường. Hoặc khi ngồi trong một giáo đường Evangelisch nào đó. Anh ưa thích kiến trúc thanh nhã, giản dị, u trầm của những nhà thờ Tin lành. Nó gần với đời thường, không làm cho người ta choáng ngợp và quên mất mình như những vòm mái nhà thờ Katholisch. Nhiều buổi sáng thứ bảy, trong khi các cặp đang ngủ mê mệt, anh đã dậy và đi tới nhà thờ, không phải để nghe giảng đạo, chỉ cốt có một chỗ không cóng buốt và trang trọng để có thể tự do đi tìm giấc mơ của mình. Nhiều người cho là anh tính xa và thật khôn ngoan. Một cô mau mồm nhất trong số các bà các cô người Việt ở gần có lần hỏi anh: "Anh đi đạo để nhà thờ xin cho ở lạiđấy à?
    Liệu có ăn không? Hay là anh xin hộ chồng em một tiếng!" Cô ta đã ngạc nhiên khi thấy anh lắc đầu, lặng lẽ cười. Sau này cô bảo "lúc ấy mắt ông ấy kỳ lắm, cười cũng kỳ kỳ..."

    ... Mấy tuần liền người ta không gặp anh trên những con đường dốc lên dốc xuống. Mấy người đàn bà Việt tìm anh để nhờ anh đi cùng tới phòng khám gõ cửa mãi mà không ai ra mở. Họ dạo ra cả vạt rừng anh thường đến vào những chiều mùa hạ hết sức tinh tươm. Hỏi mấy người đàn ông xem có thấy anh làm chui ở quán nào không, ai cũng lắc. ít tháng sau nữa, một tờ báo của cộng đồng loan tin anh mất tích. Nhưng có người bảo rằng "mất tích cái gì, ông ấy sang Tiệp đấy thôi. Người thông minh như ông ấy sức mấy mà chịu ngồi yên chờ Polizei áp tải hồi hương. Bây giờ nhiều bọn phải nhận Duldung đều chạy sang Tiệp với Ba lan buôn bán cả". Nói chung nhiều người yên tâm với tin này. Có cô còn nói xưng xưng là "anh... giờ mạnh lắm. Bạn bè bên Tiệp giúp vốn mua được cả Kios, làmăn trúng gần bằng người ta bán thuốc bên Ðông thời gian trước".
    Anh không thể cải chính bất kể tin đồn nào. Người Việt trong vùng mãi mới biết rằng nhân viên xã hội đã đưa anh vào bệnh viện. Họ bảo bác sĩ chẩn đoán anh bị tâm thần phân liệt. Tiếng là điên nhưng rất hiền.

    Limburg 20.1 - 27.1.1996.

    Chú thích
    (1) Wurst: xúc xích
    (2) Ausweis: giấy chứng minh thư do Ðức cấp
    (3) Saubermachen: làm sạch, làm vệ sinh
    #2
      Nguyễn Đình 27.07.2005 20:10:22 (permalink)
      Nhà ở phố



      Ðến năm tôi sắp quá tuổi lấy vợ thì gia đình tôi đi khỏi số nhà ấy. Viện tôi
      có đợt phân nhà. Tôi lúc đó là kỹ sư hai, vì được tiếng là người Hà Nội, mà đã thế thì thể nào cũng có nơi ở rồi,dĩ nhiên không có tên trong danh sách. Lúc đó thèm một đêm trở dậy thấy mình là thằng kỹ sư nhà quê mới ra trường chỉ có cái bàn qua đêm ngay tại phòng làm việc. Rốt cục tôi cũng nhận được mười hai mét vuông, một phòng trong một căn hộ hai phòng ở một khu cao tầng mới xây phía bắc ngoại thành Hà Nội. Sau khi đã ê mặt kèo nài ở đủ mọi nhà chức sắc trong viện, từ viện trưởng tới trưởng phòng hành chính, tới thư ký công đoàn và sau khi đã nộp ba chỉ theo yêu cầu để hoàn thiện nhà. Phòng trong mời sáu mét thuộc về một anh bạn cùng viện. Anh này có cái mác như tôi từng ao ước: gốc quê, có địa chỉ thường trú là phòng làm việc cơ quan, nên sự xin nhà của anh không lắm nhiêu khê. Nhận nhà nhưng anh không ở. Anh có cái may lấy được vợ giàu nhà mặt phố nên vui lòng để lại cho tôi với giá sáu cây. Kể giá thế là rất mềm. Bố mẹ tôi tính toán một đêm rồi đưa tôi đủ số vàng để chồng cho anh. Sau đó thì bố mẹ tôi theo tôi ra ngoại thành ở.

      Các cụ có phấn khởi không tôi không rõ. Nhng tôi thì cái hôm khuân đồ đạc xuống đường chờ xe cơ quan đến chở giúp cứ nao cả lòng. Dù gì thì tôi cũng ở số nhà này từ khi được sinh ra. Bố tôi cũng sinh ra ở đây. Ông tôi cũng vậy. Cụ nội đã xây nên nó. Gốc gác nhà tôi vốn ở trên Thái. Giàu xó quê không bằng ngồi lê thành thị. Nói vậy nhưng thực ra cụ tôi bạt về Hà Nội chỉ vì nghèo. Nghe kể các cụ đã làm nhiều nghề, rất nhiều nghề. Cuối cùng trụ lại ở nghề buôn chè và nhờ thế mà xây nổi cái nhà mang số... ở Hàng Ðào này. ở chưa được mấy ngày thì tiếp quản thủ đô. Số nhà không đổi nhưng trong đó không chỉ có nhà tôi. Thoạt đầu, bà tôi mời một người bà con xa là cán bộ kháng chiến về cùng ở. Rút lại nhà vẫn bị trưng thu. Tầng dưới vốn là kho chứa chè và cửa hàng, sở Nhà Ðất điều thợ tới xây rất nhiều vách ngăn lửng chia thành từng ô nhỏ chừng mời sáu mét vuông. Mỗi ô ấy có một gia đình chiếm cứ. Nhà tôi trước ở trọn tầng trên, nay diện tích đó được chia cho hai gia đình nữa. Toalet, phòng tắm trên gác đến thời tôi lớn đã được sửa thành phòng xép vì nước không bao giờ lên tới nơi. Cả số nhà dùng chung một nhà vệ sinh hai ngăn, một bể nước, một mảnh sân chung. Tắm thì có một phòng riêng xây ở góc sân, không mái, cửa gỗ mục nên chỉ che được nửa chừng, ở ngoài có thể nhìn thấy nửa bắp chân người đang tắm.

      Khi còn nhỏ, thật tình tôi thích sự đông vui đó. Trẻ con chưa biết xấu hổ, cũng không biết chờ đợi. Buồn ị thì mẹ đặt cho cái bô ở một xó. Tắm thì cởi truồng ra chờ mẹ kỳ cho. Chẳng phiền hà. Ðầy thú vị. Cửa giả nhà nào cũng chỉ khép làm phép. Hành lang thì tối tăm. Chơi trốn tìm hết ý. Ðến lúc lớn rồi thì biết khổ. Các nhà hầu hết là con đàn. Con đàn lại sinh con. Vậy là mỗi gia đình đều có ít nhất ba thế hệ cùng chung sống. Cái sân chung đã nhỏ nay càng thêm nhỏ. Một nhà lì lợm đặt một cái chuồng gà công nghiệp để tận dụng cơm thừa của cả xóm. Nhà khác làm theo, quây một góc sân thả chú lợn choai. Cầu thang dẫn lên nhà tôi lúc nào cũng sặc sụa mùi phân gà và mùi nước vo gạo chua. Chẳng ai dám nói. Nghĩ cho cùng, nếu còn chỗ để mình làm thế thì hẳn mình cũng làm. Cũng là một món phòng khi nhỡ nhàng. Người ở tăng lên gần gấp ba mà nhà tắm vẫn là nhà tắm ấy, nhà xí vẫn là nhà xí ấy. Phải mùa nóng, khu phố cổ khổ vì thiếu nước thì cả số nhà lúc nào cũng phảng phất mùi đất trồng rau ở ngoại thành. Không có nơi nào cho khí thoát ngoài cái ngõ tối hun hút lởm chởm vách ngăn bằng ván các nhà tự tạo và mảnh sân con vốn là đáy cái giếng giời. Mỗi buổi sáng, mảnh sân con chật ngời. Ðàn bà lo cơm nước chuẩn bị đi làm. Ðàn ông dậy muộn hơn lo đánh răng rửa mặt. Nhà tắm giờ này thường vắng, nhưng nhà xí thì luôn cửa đóng then cài. Cứ nhìn mấy ngời lảng vảng ở sân là biết ngay tất cả đang chờ nhập trạm luân chuyển ngũ cốc. Tôi, một mét bảy tư, râu quai nón, mà tính lại hay ngượng, cứ mỗi lần phải đi ngang các bà các cô để bước vào chỗ đó là người nổi rôm. Cả những lúc loay hoay trong nhà tắm cũng thế. Không biết giấu đi đâu hai cẳng chân đầy lông và cái mặt nhễ nhại nước.

      Chưa ra trường tôi đã biết cái bi kịch của một số không ít trai Hà Nội. Không có nhà thì không lấy được vợ, mà không có vợ thì đừng nói tới chuyện phân nhà. Nhưng yêu, ai nhịn được yêu. Tôi đã yêu. Một cô bé cùng số nhà. Tôi lên năm cuối cùng thì em vào đại học sư phạm, khoa văn hẳn hoi. Ðúng khoa hai bác hàng xóm nhà tôi dạy. Một bác, bác già, là giáo sư cổ văn, cả đời sướng vui với những bản văn mới phát hiện được của những thời đại xa lăng lắc. Bác trẻ hơn thì nghiên cứu lý luận văn học. Ngày nào đi ngang cửa nhà bác cũng nghe loáng thoáng những là lý thuyết tảng băng trôi, những là chủ nghĩa huyền thoại - toàn những thuật ngữ tôi mù tịt. Bà tôi và hai bác giáo sư là những người sống ý nhị và có uy nhất số nhà. Hàng xóm hay nhường bà và các bác lấy nước trước có lẽ vì vậy, chứ chẳng phải vì hai bác là học giả hay vì bà tôi là chủ cũ nơi đây. Ai về số nhà này cũng là theo quyết định của sở Nhà Ðất, chẳng phải lụy bà tôi một mảy. Thời gian đã dài đến nỗi bà tôi chẳng bao giờ nhắc tới chuyện đó, mà anh em tôi lớn lên cũng chẳng mấy khi nhớ rằng lẽ ra mình đã là người làm chủ. Khi tôi và em yêu nhau, cả số nhà đều có vẻ bị kích động. Bà và bố mẹ tôi im lặng một cách đáng ngại. Hai bác giáo sư thì đầy vẻ tán đồng. Em gái tôi có vẻ phởn. Nó chơi với em và thích em thành chị nó: "Ðứa nào béo thì thường tốt bụng. Mẹ bạn em bảo thế. Nó mà làm dâu nhà mình thì yên chí cháu ông cháu bà đâu ra đấy. Vấn đề là phải chạy được một chân dạy ở Hà Nội. ấy quên! Chị ấy! Bập bập!" Nhng quan hệ giữa tôi và cô gái nhà ngoài cùng thì tồi tệ hẳn. Nhà em và nhà cô ta ở sát vách nhau. Ngày trước, khi buôn bán thì cũng chỉ được bán những thứ như ống chỉ, táo dầm hay ô mai thì nhà ngoài - xa vốn là cửa hàng của nhà tôi - chẳng bao giờ gỡ ván cửa thông ra phố. Nay, nhà ngoài phá tường, lắp cửa sắt, mở cửa hàng bán đồ xa xỉ, từ thỏi son tới xi-lip đàn bà. Toàn bán buôn. Nhà giàu lên vù vù, nhưng càng ngày càng chật vì hàng họ. Họ tính chuyện mở rộng bằng cách ép nhà trong đi nơi khác. Dàn xếp không xong. Những xích mích vụn từ đời tám hoánh nào nay biến thành căng thẳng thường nhật. Yêu em, tôi cũng bị vạ vì những quan hệ dớ dẩn đó. Có lần em và tôi vừa líu ríu dắt xe ra phố, cô gái nhà ngoài đang ngồi đếm tiền chợt nói vỏng vót: Lấy chồng thì lấy chồng gầy Về ăn rau muống nó đầy người ra Lấy vợ thì lấy vợ to Về ăn rau muống nó co thì vừa. Những tiếng cời như phá đố vỡ ra. Thật chẳng khác gì bị vả vào mặt mà hai đứa vẫn phải im lặng đi ngang. Lại có lần, tất cả đang quần tụ ở sân chờ lấy nước, ông giáo sư cổ văn chẳng biết nghĩ gì lại đùa: "ấy cứ như cô Vi lại sướng. Từ ngày bung ra, tôi để ý ít thấy cô lai vãng ra cái sân này. Ăn thì gọi hàng đa vào. Tắm gội thì ra dịch vụ nước nóng bên Hàng Da..." Cô Vi chao chát: "Cảm ơn bác đã mừng cho nhà cháu. Cháu ít học thành phải đâm sấp dập ngửa sớm. Vậy mà lại may bác ạ. Chứ thời buổi này học cho lắm vào có thành thầy thành cô thiên hạ thì rồi cũng thành giáo dở mà thôi. Cháu đọc báo thấy bảo giáo viên mới ra trường bây giờ nhiều người mất dạy lắm". Chủ ý cô nói chắc chỉ là cho chúng tôi nghe. Nhưng ông giáo sư im bặt, lùi lũi bê rổ rau lên gác. Nhìn ngang, mắt em ướt nước. Em gái tôi đang giặt đứng phắt dậy, nghĩ thế nào lại ngồi xuống hậm hực vò.

      Em ra trường, bị phân về Uông Bí và chống quyết định. Tôi đã yên vị ở một viện làm thân công chức đời mới sáng dắt xe đi tối dắt về. Em gái tôi đã lấy chồng nhà giàu về xui tôi cưới. Bà tôi lúc đó mới quay ra thư thả: "Con Thảo hay nhỉ! Phận cháu không được dính vào những việc ấy. Yêu nhau ngần ấy năm, có chậm vài ngày nữa cũng chẳng sao. Tuổi con Thùy bằng tuổi mày. Vậy năm nay là năm kim lâu, không cưới xin gì được". Mẹ tôi tiếp ngay lời bà: "Bà nói phải đấy. Với lại cháu Thùy công ăn việc làm cha đâu vào đâu. Con gái tiếng là ở phố buôn bán lớn nhng cửa hàng cửa họ không, công việc không, lấy nhau vội thì khổ sớm". Nói rồi mẹ lại nhìn sang tôi, thương cảm: "ấy là ý bà và bố mẹ thế. Con định thế nào thì nói để cả nhà cùng liệu". Chuyện chẳng đâu vào đâu. Tôi cáu, bỏ ra phố. Ngang qua nhà em, thấy em lúi húi gỡ len. Lòng yêu tự dưng nguội dần. Rồi chấm dứt. Không ngờ. Buổi sáng, tôi lăm le xuống sân tính chuyện khỏi phải xếp hàng vào nhà vệ sinh. Ðã thấy em đứng đó cùng một bà cụ già. Mặt em bồn chồn khó tả. Cửa nhà vệ sinh mở. Em đi lướt qua bà cụ. Một tay em vén ống quần hoa mặc nhà. Một tay em cầm cái gầu cao su thủng múc nước dội. Bước chân em nhón nhén. Mặt em nhăn nhăn. Ðột nhiên tôi thấy chán chường. Từ hôm đó, tôi tránh bước chân tới chốn ấy vào giờ cao điểm. Tránh gặp nhau ở sân nước. Những cuộc hẹn tối thứ bảy bắt đầu cách quãng. Rồi bặt hẳn. Em không biết vì sao. Mà có hỏi tôi cũng không biết trả lời sao. Cho tới một ngày bất chợt gặp nhau ở sân nước trước mặt nhiều người, em nói với tôi bằng cái giọng của một cô láng giềng lâu năm. Ðến tận giờ tôi vẫn thầm biết ơn em và cả nhà em. Và tôi khâm phục bà tôi. Chẳng biết bà rõ chuyện của tôi đến chừng nào. Một hôm bà nói bâng quơ: "ở ăn khốn khổ khốn nạn thế này yêu nhau mà lấy được nhau là khó lắm. Giả dụ đã thành vợ thành chồng thì có thể vì thế mà thương nhau hơn. Nhưng chưa ăn ở với nhau, hàng ngày nhìn thấy nhau xẹo xọ rồi thế nào cũng ngượng cũng chán. Mà chưa hẳn là chán nhau".

      Mấy năm về sau, bà tôi nằm liệt, song rất tỉnh. Một hôm tôi đi làm về thấy đủ mặt cả nhà, lại có cả bà Toàn Phát bạn bà tôi, trước có cửa hàng buôn tơ lụa ở Hàng Gai. Bà tôi lào thào: "Bà nói với bà Toàn Phát và bố mẹ cháu rồi. Ðêm nay mày đưa bà vào bệnh viện để bà đi". Tôi giật bắn mình. Cả nhà khóc lặng lẽ. Bà ứa nước mắt. Tôi nhìn rõ một giọt rất to lăn vào chân tóc bà. Bố tôi cáu bẳn: "Bà bệnh già. Cũng muốn chết ở nhà. Nhưng cầu thang nhà mình bây giờ bị che chắn cơi nới hết, làm sao đưa được bà đi. Không lẽ xin đập tường nhà hàng xóm dòng quan tài xuống phố". Tôi nhìn quanh. Tôi là cháu đích tôn của bà. Tôi thấy em đứng ở một góc nhà cùng với em gái tôi. Mắt em ướt nước.

      Bà tôi "đi". Nhà em chuyển đi. Nghe nói nhà ngoài đưa hai chục cây. Ngày nhà em chuyển, không khí giữa hai gia đình tưng bừng lắm. Nhà tôi cũng chuyển. Bố mẹ tôi muốn cưa đứt đục suốt bán luôn căn phòng cũ rồi đem tiền gửi tiết kiệm lấy lãi ăn. Nhưng con em tôi ra sức ngăn. Nó rất mạnh mồm: "Khi nào bố mẹ thiếu con lo. Cứ giữ nhà để đó cho anh Minh. Chẳng phải mặt phố thì cũng là nhà trong phố, cũng hàng nọ hàng kia chứ bỡn đâu. Thế nào cũng khá". Hóa ra nó tính sát. Cũng vì còn giữ nhà cũ mà tôi không thành dân ngoại thành. Trời đất run rủi thế nào mà tôi lại lấy đúng cô con gái nhà ngoài. Vi đáo để và quá quắt ngày xa lại thành cô vợ đảm và rất đỗi biết điều. Người thoải mái nhất về sự tôi lấy vợ là đứa em gái. Nó phấn khởi cũng bằng ngày xa biết tôi yêu em. Nó bảo: "Anh cứ nhìn mà xem. Viện anh chẳng ai bằng anh. Bây giờ chỉ còn phấn đấu đi tư bản một chuyến, tham quan một hai tháng thôi cũng được để cho nhà vợ thêm phần hãnh diện. Thế là tha hồ ăn lộc vợ". Nó đúng. Vợ tôi bán hàng ban ngày tầng dưới, ban đêm lên ngủ tầng trên. Căn phòng cũ nhà tôi nay đã được nới rộng bằng cách phá tường làm một cái cửa thông sang phòng bác giáo sư lý luận. Bác đi tư bản mấy chuyến về đủ tiền mua đất xây nhà ở nơi khác, để lại phòng cho vợ chồng tôi. Hàng xóm gần bây giờ còn mỗi bác giáo sư cổ văn. Vợ tôi hớn hở: "Ðất cũ của các cụ, hợp với anh. Em và anh phải làm sao thôn tính dần các nhà khác. Ðất này đang phát với chúng mình". Tôi nghe, cười thầm, bực bội nghĩ chờ đến tết Công gô bác giáo sư cổ văn cũng không đi khỏi đây được. Chẳng lẽ sang Pháp để giảng Ðại Cáo Bình Ngô hay Hịch Tướng Sĩ?

      Chính ở cửa hàng nhà vợ tôi gặp lại em. Em dường như chủ định đến đúng đó. Em gầy đi so với thời con gái. Vợ tôi vồn vã hỏi thăm và được biết em tìm mua hàng gửi cho chồng đang là nghiên cứu sinh ở Nga. Lúc em gói ghém ra về, tôi cằn nhằn vợ bán cho em còn ăn lãi. Vi nói nhẹ nhàng: "Buôn bán như anh thì có nước đóng cửa hàng vì thiếu tiền nộp thuế. Trên đời có phải mình chị ấy là người quen đâu. Chị ấy cần số lượng lớn. Cũng là để bán đi. Em ăn lãi có một giá, nhưng chị ấy mua được hàng thật. Mà lãi thế cha gọi là lãi được, vì buôn bán là phải tính chuyện vốn đọng, hàng hư hao. Có anh trách em. Chẳng qua ngày xa anh yêu chị ấy. Chứ chị ấy là người biết việc đấy. Em cũng không ngờ. Cứ tưởng vẫn như ngày xưa ở số nhà này, chỉ những sách với sách suốt ngày, nhìn sốt cả ruột. Chị ấy sẽ thành bạn hàng của em cho mà xem!" Nàng cười khó chịu: "Ôi, ông cả đời ở phố mà cứ như cả ngố. Không biết các cụ ngày xa làm ăn lớn đến ngần nào mà xây được cái số nhà này, chứ nhà mình bây giờ tôi nhìn chỉ thấy có cô Linh là đáng mặt để bàn việc lớn".

      Ðêm đó, tôi mơ thấy cụ nội tôi - Người tôi chưa bao giờ biết mặt.
      #3
        Nguyễn Đình 27.07.2005 20:18:11 (permalink)
        Kịch bản



        Chủ nhật. Tháng mười. Nắng hanh. Và chưa rét. Trước cổng ngôi trường đẹp nhất Hà Nội, vốn là trường An - be - sa - ro xưa, tràn ngập xe và người. Hội trường. Một chiếc xe máy rà sát vỉa hè, tiếng xe nhưđược nén xuống, rất êm. Một cặp vợ chồng, kính trắng, mặc trang nhã, lịch sự.
        Người chồng ngoáiđầu nhìn lại:
        - Em về lớp em. Anh về lớp anh. Chiều hai đứa mình tự túc theo lớp. Tối lại ông bà đón con. Còn sớm thì cho conđi xem múa rối không phải tội. O. K?
        Thiếu phụ ngước nhìn lên tầng hai, mỉm cười lơ đãng, gật đầu. Chiếc xe rồ máy lao qua cổng trường, để lại đằng sau một tiếng "vâng" nhỏđầy phấn khích.
        Thiếu phụ xốc cái túi to thùng thình lên vai, bướcđi. Nếp váy rất mềm lẩn vào nhau theo mỗi bước chân làm cho dáng người béo lẳn của thiếu phụ trông dường như vẫn thanh mảnh.
        Buổi trưa. Phần diễn văn thủ tục đã chấm dứt từ lâu. Các lớp học sinh mớiđã tan. Trường giờ chỉ còn toàn những học sinh cũ hẹn hò tụ tập. Không còn tiếng loa vang vang như hồi sáng. Thiếu phụ đi nhanh lên gác hai, về lớp cũ. Một hồi trốngđột ngột. Thiếu phụ giật mình, dừng bước, mỉm cười...
        Hành lang gác hai đầy người. Những gương mặt già hơn tuổi. Những gương mặt trẻ hơn tuổi. Quen. Không quen. Bao nhiêu thế hệđã qua lại nơi này. Thiếu phụ dừng bước trước cửa một phòng học, nụ cười sáng rỡ:
        - Ngà, Ngàơi! Hẹn mà sao lần chần giờ mới dẫn diệu tới?
        - Lại đây! Lại đây! Lớp trưởng lạiđây!
        Một dáng phụ nữ đẫyđà lao tới:
        - Túi đẹp gớm! Mày mang gì góp với lớpđấy?
        Thiếu phụ rút từ trong túi một hộp giấy sặc sỡ to như cái mâm nhỏ, cùng với con daoăn và cái búa:
        - Kẹo. Ðặc sản của xứ Ngàn một đêm lẻ. Vừa đi Một Răng Một Rắc về. Nhưng phải ăn bằng cái này - Và thiếu phụ giơ cái búa lênđầu.
        Tất cả cười rầm rĩ. Như thủa còn là học trò. Vẫn tiếng nói rổn rảng của người phụ nữ mập mạp:
        - Ðã mời mẹ chồng xơi chưađấy? Kia kìa! Búa này dành cho kẻ kia chắc hợp!
        Thiếu phụ nhìn về dãy bàn bên phải. Một người đàn ông ngồiđó. Lạ. Quen. Thiếu phụ cười hoang mang, tay vẫn giơ cái búa. Rồi bất chợt:
        - Khưu Vũ. Trờiơi Vũ. Về lúc nào thế này?
        Cặp kính thoắt cái loáng nước. Những tiếng cười vây lấy hai người. Người đàn bà gỡ kính, đưa tay về phía trước: Vũ... Khưu Vũ...

        Hai người ngồi đối mặt qua cái bàn học. Giống hệt cái bàn học thủa nào. Dành cho năm nhân mạng. Sứt sát. Ðầy vết mực. Chồng chất những nét vẽ không còn rõ nét nào thuộc hình nào. Thiếu phụ nghiêng người, thò tay vào ngăn bàn rút ra một nắm giấy vo tròn. Cổ áo cắt hơi già tay kéođể lộ một khoảng thịt da nõn nà, uể oải và chắc là rất ấm.
        - Vũ về khi nào? Bạn nào báo mà Vũ biết hôm nay hội trường?
        - Một tuần rồi Ngà. Vũ xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ðọc báo thấy mời học sinh về hội trường Vũ nhào ra ngay. Lúc nãy cứ ngóng Ngà. Chỉ sợ Ngà vắng mặt. Các bạn bảo Ngà hayđi lắm.
        - Ngà mới ở Trung Cận Ðông về. Cái nghề này... Vừa phải qua qùa cho vợ sếp...
        Thiếu phụđột nhiên ngừng bặt. Cười khỏa lấp:
        - Ði rồi sao Vũ không có lấy một dòng? Về có thấy Hà Nội mình khác không?
        - Khác. Ngày xưa phố phường xao xác dễ thương hơn. Trường mình cũng khác. Thiếu cây phượng cứ trống trống thế nào ấy!
        Thiếu phụ ngẩngđầu, ngỡ ngàng, bối rối:
        - ừ nhỉ. Ngà ở Hà Nội suốt mà cũng không biết. Lên cơ quan bao giờ cũng chọn đi quađường này. Nhưng chẳng bao giờ bước qua cổng trường.
        Chị bạn mập mạp ngoảnh sang, lườm:
        - Hội trường năm năm trước đã không còn cây phượng nữa rồi bà ạ. Bão làm trốc gốc. Hồi ấy mày đi làm tham tán ngồi chơi xơi nước ở xứ nào ấy, biết gì! ở trong một cái thành phố bé như cái lồng gà này mà cũng phải chờ có hội trường mới được nhìn thấyđủ mặt nhau. Rõ chán!
        Ngườiđàn ông cười:
        - Ngà biết không? Hồi xưa Vũ hay nhìn sang dãy Ngà, nhìn cành phượng chìa sát khung cửa. Vũ toàn thấy Ngà cũngđang lơ mơ nhìn ra ngoài. Có một lần Vũ thấy Ngà ngủ gật. Hình như cuối giờ kiểm tra hóa một tiết. Thật chưa thấy ai ngủ gật trong giờ kiểm tra như Ngà.
        - Thật à? ừ, hồi đó Ngà thích nhìn cành phượng ấy lắm. Nó mới vạm vỡ làm sao! Lá lăn tăn lăn tăn. Chỉ nhìn lá cũng biết gió ngoài kia êm dịu đến chừng nào. Hoa thì mới đẹp chứ. Ðỏ sẫm chứ không hoe hoe như nhiều cây phượng ngoài phố. Ðẹp thế chỉ có mỗi cây phượng ở góc Ngô Quyền Lý Thường Kiệt, chỗ Thư viện khoa học ấy. Nhưng người ta chặt điđể xây nhà rồi.
        Thiếu phụ thở ra thật dài. Cái "hồi đó" cách bây giờ mười bảy năm. Người đàn ông nói rất nhanh, nhưđùa:
        - Ði rồi Vũ mới biết Vũ mê Ngà kinh khủng. Hồi đầu, lạ lùng là Vũ không nhớ ai ngoài Ngà. Mà trong cuốn sổ đó có bao nhiêu là nét chữ, bao nhiêu ảnh của các bạn. Toàn ảnh cười. Mỗi Ngà cho cái ảnh chụp làm hồ sơ thi đại học, trông rõ ra là "trưởng lớp".

        (Người đàn bà thở mạnh, tháo kính ra lau rồi gài luôn vào cổ áo. Chỗ đó da thịt lộ ra thành hình chữ V. Chuyển cảnh. Sân khấu bài trí giống như một phòng học lúc vắng giáo viên. Học sinh chuyền tay nhau hồ sơ xin thiđại học. Cười ồn ào.)
        Ngà: Vũ đưa đây. Ðưa đây thì tớđưa của tớ.
        Vũ: Nhưng Ngà nóiđi. Ngà thi gì. Khối C hay khối A (1)?
        Ngà: C. Nhưng đưa hồ sơ của Vũ đâyđã. Người ta biết rồi, Vũ thi khối A chứ gì?
        Hai người nhoài qua khoảng trống giữa hai dãy bàn, trao cho nhau hồ sơ. Một lúc cả hai ngẩng
        lên, mắt long lanh. Vũ kẹp một tờ giấy vào hồ sơ của Ngà và đưa trả. Ngà giở ra, đọc: "Vào ngoại giao bọn mình sẽ xin học cùng lớp nhé!", cười,đưa một ngón tay lên.
        (Chuyển cảnh. Ngà đi học về, thấy Vũ đứng chờ ngoài ngõ. Trời đổi gió. Vũ mặc phong phanh, áo quần nhàu nát.)

        Ngà: (hốt hoảng) Vũ! Sao Vũ còn ở đây. Nhà Vũđâu cả rồi?
        Vũ: Dưới Hải Phòng. Hoãn. Vũ trốn mẹ nhảy tàu về đây. Ngàơi! Có cái này, Ngà viết ngay cho Vũ.
        Ngà: Lưu niệm ư? Bây giờ mới tháng ba. (Muốn khóc.) Vũ vào nhàđi...
        Vũ: Không! Ngà đi với Vũ bây giờđược không?
        Vũ đỡ lấy chiếc xe đạp trong tay Ngà. Hai người đèo nhau đi. Tới cổng trường, Vũ dừng xe, nhìn. Ngà ngồi trước cổng trường,đặt cuốn sổ lên cặp viết luôn. Vũ cầm cuốn sổ, xé tan thành
        từng tờ. Ngà kinh ngạc.
        Vũ: Ngà này, bây giờ mình đến nhà bạn nào... nhà ai gần trường nhất nhỉ? Mình nhờ các bạn truyền cho nhau viết cho nhanh cho hết lớp. Bảo Vũ chuyển trường đột xuất. Chiều nay Vũ phải xuống Hải Phòng lại rồi. Ðêm nay Vũđi.
        Ngà: (khóc) Dở dang hết cả. Cả Vũ. Cả mấy đứa nhà Vũ nữa. Thôi thì lý lịch không thi được ngoại giao thì thi trường khác. Có saođâu...
        Vũ: Ba mẹ Vũ đã quyết rồi. Vũ làm sao ở lại... Ngà, đi thôi!

        ...

        Tiếng cười xung quanh rộ lên làm thiếu phụ và người đàn ông giật mình. Một anh chàng mặt nhìnđã thấy nghịch ngầm bước tới:
        - Trình lớp trưởng với lớp phó học tập, các bạn xa rời vị trí lãnh đạo nên bọn này thỉnh ý bí thư chi đoàn và quyết định hộ rồi. Bánh tôm Hồ Tây. "Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng...Chợt hoàng hôn về tự bao giờ...ờ...ờ" (2). Nhớ đấy nhé! Ðến chiều tối mới được giải tán. Bọn này thông báo kế hoạch của lớp hôm nay từ dầu giờ rồi. Ngà chạy sang lớp B làm đơn xin chồng giải quyếtđi.
        Lúc cả lớp rầm rập kéo nhau xuống thang gác, ngườiđàn ông hỏi nhỏ:
        - Ông xã Ngà cũng khóa mình à? Lớp B? Ai thế?
        - Toản. Toản toán, lớp phó lớp B trước, Vũ nhớ không? Hồi học ở ngoại giao, Toản với Ngà cùng lớp.
        Thiếu phụ ngước nhìn người đàn ông đi bên cạnh. Một cái gì như cayđắng len vào trong giọng nói của hai người.
        - Sao Vũ về lại xuống sân bay Tân Sơn Nhất? Vũ có bà con ở Sài Gòn à? Hay về có chuyện giao dịch làmăn?
        - Vũ mới tốt nghiệp. Vậy là chậm hơn Ngà cả mười mấy năm. Quy cố hương lần này là lầnđầu. Ba Vũ giờ ở Sài Gòn.
        - Ba Vũ? Ngà tưởng... Ngà xin lỗi...
        - Xin lỗi gì cơ? Ba mẹ Vũ độ ấy bán hết nhà cửa, Ngà biết đâu. Ba phải giải ngũ hồi ấy, nhưng ba không chịu đi. Ba giữ thằng Tùng ở lại. Nó khi ấy mới bốn tuổi, ba sợ... Rồi ba chuyển vào Sài Gòn, cũng có thêm hai đứa với bà bây giờ. Vũ về thăm ba, nhưng cũng định dò ý ba xem ba có cho thằng Tùng đi đoàn tụ không? Mẹ chỉ ngày đêm mong đón được nó đi cho nó học bênđó.
        - Vũ học ngành gì?
        - Ðiện toán. Mãi mới trở lại được với sự học hành. Hồi mới sang, bập bẹ được mấy tiếng Pháp là Vũ lao đi làm ngay đỡ mẹ. Ðến tận khi cái Hoài vàođại học.
        - Mẹ Vũ giờ thế nào? Ngà nhớ cụ làm món thịt kho tàu ngon không chê vào đâu được. Miếng thịt nhừ mà vẫn nguyên hình, phải lấy thìa xúc. Thỉnh thoảng Ngà nổi hứng học cụ làm món đó, nhưng Toản chẳng bao giờ chờđược tới khi thịt nhừ.
        - Toản thua Vũ rồi. Vũ giờ nấu ngon lắm. Có thể mở quán được. Làm phụ bếp quán Tàu gần mười năm đấy. Tối tối đều thế. Giúp mẹ nuôi mấy đứa. Rồi gửi về phụ ba nuôi thằng Tùng. Ngà đi nhiều nhưng chắc không biết dân mình sống ở nước ngoài thế nàođâu. Nói vậy thôi, nếu Vũ là Toản thì Vũ cũng sẽ không chờ...
        Thiếu phụ liếc nhìn ngườiđàn ông rồi chuyển hướng câu chuyện:
        - Vũ nhớ Thư không? Thư con trai, "anh" Thư ấy. Lớp mình hôm nay vắng mỗi Thư. Ngà học toán điểm cao thế nhưng Ngà biết là Ngà ngốc toán lắm, chẳng hiểu tại sao lại phải ngồi tính toán vẽ vời như thế. Nên kính nhi viễn chi ai giỏi toán như Vũ cho gọn. Chứ Thư, Thư "nể" Vũ kinh lắm nhé. Thư đủ điểmđi Nga, nhưng lại phải chuyển ngành. Mê toán mà lại phải học xã hội. Kêu chán suốt. Thư lấy chồng chậm. Nhưng bỏ nhanh. Ðến lúc cơ quan giảm biên Thư xin
        đi phiên dịch xuất khẩu ở Nga. Lại lấy một anh chàng người Nga. Chắc sống không dễ dàng, chẳng thấy về. Vũ chán thật, thấy vắng bạn mà chả hỏi thăm gì cả.
        Ngườiđàn ông tinh quái:
        - Ngà trách gì Vũ đấy? Tình yêu học trò, tình yêu tam giác, tứ giác, tình yêuđuổi nhau... Thầy chủ nhiệm mình ngày trước toàn phòng chống chuyện ấy. Buồn cười.
        - Tình yêuđuổi nhau nào? - Thiếu phụ phì cười - Có Thư ngốc cứ nhảy chachacha quanh Vũ mà Vũ làm bộ.
        Bất chợt ngườiđàn ông dừng lại, nắm chặt tay thiếu phụ, hai cặp kính suýt chạm vào nhau:
        - Có Ngà làm bộ ấy. Ngày ấy vờ không biết đã đành. Bao giờ Ngà hết tính ương? Giá ngày ấy Vũ không khổ vì bị coi là người Việt gốc... cây thì Toảnđừng hòng nhé!
        Thiếu phụ hiểu phút này phải cười, cười to, Tiếng cười phá ra làm cả lớp ngoáiđầu nhìn lại.
        Một người nói gì rồi tất cả cười rũ theo. Như vô cớ. Như chưa hề có tuổi mười bảy ấy. Như chưa hề có mười bảy năm qua. Như vẫn mùa thu xưa. Nắng hanh. Lá phượng vĩ lăn tăn. Gió bời bời trên phố. Tiếc một cái rùng mình khó hiểu. Tiếc những nhớ thương âm thầm. Người đàn ông lặng lẽ nhìn sang. Môi thiếu phụ run. Cánh mũi run. Mắt cận thị bỏ kính trong ngơ ngác.

        ***

        Ðạo diễn buông tập bản thảo. Cáiđinh ghim long ra làm những tờ giấy rơi lả tả. Ðạo diễn với chén nước. Chè nguội ngắt, chát xít.
        - Cái kịch bản này của ông khó nhằn đấy. Cứ lãng đãng, cứ bàng bạc thế nào ấy. Tôi nói thế có đúng cái hồn của ông không? Không có mâu thuẫn, không có cao trào, không có nút để mà thắt mà cởi. Dĩ nhiên vẫn có thể chọc cười khán giả bằng tình tiết cái búa. Thêm vài cảnh sinh hoạt lớp cũ nữa là ổn. Nhưng đó là những xen phụ, rất phụ. Diễn viên bây giờ nhiều cậu đóng vai hài rất giỏi. Nhưng vấn đề là làm sao thể hiệnđược cái ngập ngừng, cái bùi ngùi, cái uể oải,
        cái chán nản mơ hồ, cái trong sáng rơi rớt, cái lãng đãng kia cơ. Mình chưa biết nhìn vào dàn diễn củađoàn nào...
        Ðạo diễn lại với chén chè, nhấp giọng, nhăn mặt:
        - Mà ông cũng rách việc bỏ mẹ. Kịch phải dựngđược thì mới là kịch chứ. Phải có doanh thu.
        Vở này của ông có phải là vở "kỷ niệm" đâu mà hòng xin tài trợ. Tập mấy thángđể diễn vài suất thì tôi chúng nó cho tôi "nghỉ khỏe". Ông làm nhòe tất cả. Ðề tài lang bang: Về thăm quê cũ hay về thăm trường cũ? tình bạn hay tình yêu học trò vớ vẩn? Chẳng ra bi thảm. Chẳng ra bi
        hài. Cứ xem mấy cái truyện bây giờ thì biết. Nếu chuyển thể thì rất dễ dựng. Rất dễ ăn. Cho một gã Việt kiều về thăm quê. Phải béo trắng, phải tiêu bằng "vé", gặp người yêu cũ vô tình hay cố tình thì người yêu cũng phải khổ sở nheo nhóc, trước "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" nay "tình trong như đã mặt ngoài còn e", mà là e thằng chồng vũ phu nào đó thôi. Rồi thì chia tay là anh ả phải nuối tiếc ra mặt, phải chán chườngđau xót vân vân...
        Biên kịch ngồi lưng gù gù, mặt như nước rau muống luộcđể tủ lạnh, buông từng tiếng:
        - Thì có thế tôi mới đưa ôngđọc trước. Nói thật, tôi ngán những trò ấy quá rồi. Cứ nống lên mà
        bi hùng chán rồi quay ra bi thảm với bi hài. Rồi thể nào sân khấu kịch của các ông cũng rơi vào
        cảnh cửa hàng mậu dịch tự hạch toán giống bọn chèo cải cách hồi nào. Mà rơi rồi đấy chứ không phải không đâu. Vọng cổ chẳng ra vọng cổ. Sử rầu chẳng ra sử rầu. Ca nhạc chẳng ra ca nhạc. Hát nhẹ, múa cũng nhẹ. Ăn chẳng có, mặc chẳng có mà qua rạp nào cũng thấy toàn những "Nàng Si Ta", với "Công chúa Ðuông Na Ly". Diễn viên hóa trang chẳng biết người của thời nào của bộ lạc nào. Ngay cả một vở như "Ngọc Hân công chúa". Mẹ... Nó lại cho Ngọc Hân gài cả một cành hoa nhựa Thái Lan bán đầy ở vỉa hè lênđầu.Y như món phở lạc bọn mình
        ăn ở Nghệ An hồiđánh phá.
        Ðạo diễnđột nhiên mỉm cười:
        - Ði. Lên Nguyễn Hữu Huân kiếm tách cà phê. Cái tang chè nguội này tiêu diệt hết mọi ý tưởng sáng tạo của tôi ngay từ lúc nó còn chưa có.

        Hai người đàn ông chụp cái mũ vải lên đầu, lừng lững ra khỏi nhà. Cậu con ông đạo diễn suốt buổi nửa nằm nửa ngồi trên giường nghe băng tiếng Anh qua cái Walkman thấy bố và kháchđi
        bật dậy chào. Cậu lột cái Headfones khỏi đầu, lừ đừ ra chỗ đặt bàn ghế tiếp khách, vớ ấm rót cạn vào cái cốc thủy tinh to vật, ngửa cổ uống một hơi. Thấy tập bản thảo để cẩu thả, vương vãi trên mặt ghế, cậu nhặt lên, tiện tay xếp lại theo thứ tự. Nhan đề tập bản thảo làm cậu chú ý:

        NHƯNG ÐẤY LÀ CUỘC ÐỜI

        Cậu đọc một hơi. Vị chát của chè làm cậu cồn cào. Lúc cậuđọc xong, trời vẫn còn rất nắng.
        Cậu con trai đứng dậy, tì người lên bậu cửa sổ. Bên dưới, đường phố thưa thớt người đi. Ve râm ran trên các vòm cây. "Ơ hay! Từ bao giờ mình thôi không để ý chờ tiếng veđầu tiên nữa nhỉ?"
        Cậu đứng đó, lắng nghe tiếng ve ran, lắng nghe nỗi ngạc nhiên trong lòng mình.

        Ông đạo diễnđẩy cửa bước vào bắt gặp thằng con trong trạng thái thộn ấy:
        - Hà... Anh chàng lãng mạn! Mai thi phỏng?
        - Vâng. Bố này, ve kêu từ hôm nào ấy nhỉ?
        Rồi cậu con trai tự dưng nhớ ra:
        - Thế cái kịch bản của chú "gì" bố có định dựng không? Con vừa xem. Lởm cởm thế nào ấy. Hay nhỉ! Chẳng lẽ đấy lại là cuộcđời?!
        Ông đạo diễn không nhìn con, im lặng, lắc lắc cáiđầu bù xù trông phát ngốt. Mãi ông mới trả lời:
        - Thếđấy!
        Ông nói rất to. Và không để ý là thằng con đã lại chụp cái Headfones lên đầu.

        Tháng 5. 1997
        #4
          Nguyễn Đình 27.07.2005 20:23:17 (permalink)
          Chó hoang



          Cái giống chó này vào lúc này chẳng được cái tích sự gì. Thịt nó hôi. Vả có thơm thì chẹp miệng ba cái là hết cả đầu lẫn đuôi nó. Người ta không mất công đập chết chúng, hay mang chúng ra sông dìm. Quan hệ giữa giống chó này với nguời không phải là quan hệ chủ tớ mà là quan hệ hàng hóa. Khi hàng mất giá thì giản tiện nhất là tống cổ mặt hàng bốn chân ấy ra đường. Và thế là thành phố đêm đêm lách nhách tiếng chó sủa. Sủa đèn đường. Sủa xe máy. Sủa dọa chuột cống. Sủa dọa nhau. Cũng có thể là những con chó bụi đời ấy chỉ sủa để mình nghe tiếng mình cho đỡ sợ. Ông hàng xóm của gã còn bảo là có khi chúng sủa cho đỡ buồn. Chó là giống vật gần vớI con người nhất trong nhu cầu biểu cảm. Giá mà chúng biết nói như người thì hẳn là lúc đó chúng sẽ ngâm thơ, sẽ rên lên một giai điệu nào đó trong một bài hát nào đó, sẽ khóc một tiếng khô khốc hoặc cười một tràng sặc sụa... Ông hàng xóm của gã nói điều đó vào buổi chiều mồng một lúc gã sang nhà ông chúc Tết. Thành phố tết nhất không có tiếng pháo, không có hơi pháo phảng phất một vẻ kỳ kỳ. Tiếng chó sủa mưa lách nhách ngoài đầu ngõ làm cảm giác ấy càng rõ. Bà hàng xóm liền vách nhà gã cùng sang chúc tết cười: "Bác nói hay qúa!" Gã cũng cười, ngó bâng quơ phòng khách của chủ nhà. Trường kỷ giả đồ cổ, chẳng biết bằng thứ gỗ gì mà đen bóng, khảm trai nhóng nhánh. Tủ tường bằng foocmica loằng ngoằng một dây đèn xanh đỏ bật chớp nhoang nhoáng. Lịch hoa hậu toàn những mặt nhẵn như sừng trong bộ dạng thơ ngây dịu dàng đông lạnh. Một cành đào bích to đùng ngự trên bàn thờ che lấp cả tấm ảnh ông cụ vừa mất hồi đầu đông dựng đằng sau mấy bát hương. Cơ man là thiếp chúc mừng năm mới gài trên đó. Lại còn, trời ạ, cả đô. Ðồng một hay một trăm đô nhỉ? Mắt gã cận và gã phải cố lắm để dẹp đi cái ý muốn đến sát bàn thờ để nhìn cho rõ. Số giàu sao mà sướng. Chắc là trong nhà mừng tuổi nhau đây! Phải vợ gã, giá có được vài tờ một trăm đô như thế! ả chắc phải kẹp chặt vào đâu đó và dúi thật kỹ vào một đống quần áo lộn tùng phèo. Nửa kín nửa hở thế mới chắc. Cái thói thu vén ấy đã làm gã điên đầu không biết bao lần. Ðiên nhất là lần ả để lẫn mấy chỉ vàng. Có mấy chỉ thôi, dành dụm suốt bao năm chẳng dám sờ lần tới phòng lúc quẫn bách. ả lấy một cái khăn mùi xoa thắt từng chỉ thành một cái nút to tổ bố. "Ðể khỏi rơi." Và ả đã khóc nức lên vì bới mãi không ra cái khăn ấy trong cái tủ đựng trăm thứ bà dằn.

          **

          Hồi còn mấy chỉ ấy vợ gã đã tính rước về một ả chó cái lông xù tép bưởi. "Bằng nắm tay thôi, thuần chủng, không lớn được đâu." ả gạ gẫm. Thằng em ả lúc đó cũng có mặt đánh một câu: - Sao lại nuôi cái thứ không lớn được? Phải kiếm giống tốt, nhất bạch nhì khoang tam lang tứ đốm, cho ăn một bát phải lên được vài lạng. Rồi xức mắm tôm cho nó, sắm cho nó củ riềng đeo cổ. Thằng trời đánh nói xoẹt cái như máy dệt len, rồi cười sằng sặc, xong chạy bắn ra khỏi cửa, vớ xe phóng thẳng, để lại cho đương kim anh vợ là gã nguyên vẹn cơn giận của bà chị nó.

          Cái ý định làm giàu trên lưng chó vợ gã theo đuổI rất "chì". Bất chấp những nguyên nhân khách quan ngăn cản. Bất chấp chuyện hai vợ chồng một đứa con chỉ có độc một cái giường một cái chạn một cái tivi hai màu đen trắng trong một căn phòng mườI bốn mét vuông. Bất chấp chuyện gã cực ghét những giống mềm mềm âm ấm gừ gừ. ả cũng không cả kịp nhớ ra việc thằng con dị ứng với đủ thứ không nhìn thấy được trong không khí. Tinh thần yêu chó của vợ gã lúc đó làm gã phát hoảng. Nghĩ tới cảnh nhịn miệng để bồi dưỡng cho nó đã đủ rầu. Sữa ông Thọ. Gan tươi. Thăn bò nõn. Cái giống ấy chỉ toàn xơi những của ngon thế. Rồi lại phải hầu hạ chị đàn bà bốn chân ấy cả chuyện dị hóa. Rồi lại phải lo bảo vệ trinh tiết cho ả chó cái chưa mua ấy để ả không đẻ ra những con chó con càng nuôi càng lớn... Gã cũng háo tiền y như vợ. Nhưng đúng là trong sự tính toán này gã thông minh hơn hẳn cô nàng.

          Tuy nhiên, vào thời điểm chó lên ngôi chứ không phải lấm lét sủa lách nhách đầu ngõ gã cũng không dám nói điều gì ngăn vợ. Nội cái việc vợ gã hoàn toàn bình thản khi gã nộp lương đã đủ để gã hiểu gã may mắn như thế nào khi cưới ả. Lương "viện sỹ" gã đưa về còn ít hơn lương khoán của ả mỗi khi nhà máy ả tìm được hợp đồng. Gã lại còn không biết gỡ len, dệt len, khâu len như ả. Lấy những thằng như gã là người ta ngõi chuyện chồng đi Tây để rửa mặt với đời. Nhưng ngõi là một chuyện. Có đi được không lại là chuyện khác. Trông vào cái số. Tốt số hơn bố giàu. "Người quân tử ăn chẳng cầu no..." (1) Có lần gã đã rống lên câu ấy. Rồi tịt mít khi vợ đay bằng giọng vô cảm: "Người quân tử ăn chẳng cầu no! Có quân không ăn thì tử ấy chứ ngồi đó mà thơ với phú." Thế cho nên gã im lặng. Gã biết lắm. Bộ lông xù tép bưởi của con chó cái Nhật bằng nắm tay kia đang phát quang trước mắt vợ gã. ả nhìn thấy từ đó nhà hai tầng, đầu vidéo cho con tập hát karaoke, cái cúp kim vàng giọt lệ để vợ chồng con cái chất lên đấy mà phóng về ông bà nội ngoại. Và còn những qủy gì có giời biết. Cơ ngơi xây từ chó đã thành đỉnh cao mơ ước của vợ gã và vô khối các bà các cô trong ngõ. Trước, cả ngõ nhà nào cũng giống nhà nào, đều một kiểu mái ngói cửa sổ gỗ lùa được các nhà thầu xây hàng loạt từ trước hòa bình lập lại để cho thuê. Giờ, ông hàng xóm trúng liền mấy lứa chó, đánh đùng một cái ông gọi thợ phá nhà cũ lên luôn nhà ba tầng, chẳng cần giấy phép. Ông truyền đạt kinh nghiệm cho cả ngõ: "Cứ xây! Ðội quy tắc tới bắt đình lại thì xin phạt cho phép tồn tại(2). Cái gì? Biên lai ấy à? Vài trăm thôi. Nhưng vấn đề là thống nhất được với nhau ở quán. Mất vài triệu nhưng được việc. Lấy vợ xem tuổi đàn bà làm nhà xem tuổi đàn ông. Chờ được cái giấy phép xây dựng thì tới mùng thất. Mà cái sự tốn thì còn đến đâu ấy chứ." Chưa ai trong ngõ được dịp áp dụng kinh nghiệm của ông. Thì lại đánh đùng một cái ông và hai thằng con cưỡi Dream. Ðánh đùng cái nữa sớm trưa chiều tối nhà ông vang vang tiếng hát karaoke "hôm nay em buồn như con chó ốm" (3). Ông giáo về hưu sát vách phải nhà ông Hoạch than thở: "Cứ nghe tiếng âm li nhà ông Hoạch lại giật mình. Cứ như nghe lại tiếng loa báo động "đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội ba mươi km" ngày xưa. Không thể nào ngủ được. Cả cái lúc nhà người ta thôi hát đi ngủ. Cứ phập phồng ngửi hít cái im lặng vừa liền lại". Bà hàng xóm sát vách trái nhà ông Hoạch thì cứ trời mưa là chửi đổng. Từ hôm nhà ông Hoạch lên tầng, tường nhà bà bị rạn và mưa ngấm từng vệt loang lổ. Cả ngõ nghe bà chửi với một niềm phấn khích. Ông Hoạch xây nhà, tôn cao mặt đường đoạn trước nhà ông lấy chỗ dựng xe làm cho nước không sao thoát ngay được lúc trờI mưa to. Ði làm về gặp chiều mưa rào, tới đầu ngõ lại phải dắt xe bì bõm trong nước bẩn, ai cũng "cú."

          Chẳng ai nhìn thấy những gì diễn ra đằng sau tấm cửa lùa bằng sắt kéo hết mặt tiền nhà ông Hoạch, nhưng hình như ai cũng bị ám bởi ngôi nhà ấy. Mấy bà thấy bọn trẻ phải chạy tóe ra khỏi chỗ chơi đầu ngõ khi xe nhà ông Hoạch phóng vào là ngấm nguýt và bàn nhau họp tổ dân phố kiến nghị cấm xe máy chạy trong ngõ để giữ an toàn cho trẻ. Cũng được mấy ngày. Ðến cái lúc vài ba nhà khác tậu được cái xe sida (4) thì nội quy kia tuy vẫn chềnh ềnh trên bảng treo đầu ngõ song chẳng ai thèm nhớ. Chẳng lẽ lại hì hục đẩy xe từ đầu ngõ tới cuối ngõ? Cấm hát karaoke to cũng không được. Con mấy bà cứ có trăm nào trong túi là tót vào nhà ông Hoạch thuê máy gào. Thằng con gã cũng thèm theo bạn lắm nhưng vợ gã quản rất chặt. Nhưng chính ả cũng như bị ám bởi cái giàu cứ phồng lên từng ngày của nhà hàng xóm.

          Một bữa, ngồi bên mâm cơm chiều, vợ gã vừa xớI cơm vừa nói đầy vẻ vô tư: - Nhà ông Hoạch vừa "gãy cầu". Nghe bảo thằng con đi Nga buôn bị hảI quan Nga thu mất mấy ba lô chó. Một bữa khác, mặt ả nở nang: -Con chó đực nhà ông Hoạch người ta trả tới hai sáu cây vàng mà chưa chịu bán "củ" mất rồi. Ðúng là hạn. Ai vào đấy mà bẫy được. Kín cổng cao tường thế cơ mà. Bà ấy bảo năm nay ông ấy bị sao Thái bạch. Cũng là của đi thay người. Rồi một hôm ả buồn xịu: - Em đã hỏi con chó cuối đàn lứa vừa rồi nhà ông Hoạch. Bà ấy nhất mực là phải cây mốt. LạI còn thẽ thọt là hàng xóm với nhau mới có giá ấy. Nhà mình mới có sáu chỉ. Hay anh hỏi thử anh em?! Dĩ nhiên là chả ai có. Mà giá có thì cũng chả ai cho vay. Nếu có đầu tư giúp nhau thì cũng phải chọn mặt biết làm ăn mà góp vốn, mà còn phải chộp cơ hộI phong trào vừa lên. Nuôi cá trê phi. Nuôi vẹt Hồng Công. Nuôi chim cút. Rồi giờ là nuôi chó cảnh. Các phong trào đến rồi đi thoăn thoắt. Ai dại gì rót tiền cho kẻ chỉ biết lạch bạch chạy theo thiên hạ lúc thiên hạ đã ăn đủ.

          Bây giờ gã vẫn mừng thầm là dạo đó nhà thiếu tiền. Vì chỉ chừng nửa năm sau là giá chó chững, rồI xuống. Ông hàng xóm nhà ba tầng bán tống bán tháo cả đàn chó đổ đồng một chỉ một con. Ông xoa tay hớn hở: - Mình biết tham thì thâm. Ăn mỏng một tý mới không "cháy cầu". Trước chó phải mua từ Liên xô về bồi dưỡng sấy nhuộm lông thật mốt rồi mới đẩy sang Trung quốc. Giờ thì bọn Tàu nó mua thẳng từ Liên xô rồi. Hữu hảo mà. Bây giờ mớI gọi bán thì trăm ngàn một con cũng không đắt. Chỉ riêng ông trúng. Trong ngõ cũng có mấy nhà tính toán như vợ gã. Xây bao nhiêu mộng thế mà... Rước con chó mấy cây vàng về lo phục dịch còn hơn phục dịch mấy đấng con, chưa được lứa nào thì giá chó xuống đùng đùng. Một nhà sơ ý để chó chạy ra đường lăng nhăng thế nào đẻ một bầy đúng loạI đáng đeo cho củ riềng vào cổ. Và bây giờ thì lũ chó ấy đêm đêm sủa lách nhách ngoài đầu ngõ, nơi cả xóm cứ chập tối lại mang rác ra đổ chờ xe công ty vệ sinh đến hót. Chúng không còn giống những quả bóng bông xinh xẻo, đời sống cao, tự tin và lườI biếng độ nào. Mình chúng dài ra, chân cẳng hình như cũng dài ra, lông chỗ thì bết lại chỗ thì trụi thùi lụi. Chúng nhanh nhảu hơn. Mà cũng nhút nhát hơn.

          Một hôm gã đưa vợ con về bên ông bà ngoại. Lúc trở lại nhà, vợ gã sai dừng xe để tạt vào chợ mua rau cỏ. Hai bố con đứng chờ ngoài cổng chợ trong khi vợ gã còn lang thang hàng nọ hàng kia. Có thằng bé đeo cái biển tổ bán báo Xa Mẹ ôm một chồng báo đi ngang, gã gọi mua một tờ rồi dí kính vào đọc. Thằng con đứng nhìn vơ vẩn rồi tự dưng níu tay gã: - Bố trông kìa! Ðúng rồi! Ðúng chị Hạnh rồi. Chị Hạnh ở nuôi chó cho nhà bác Hoạch trước kia kìa. Chị gánh gánh gì có con chó đang chạy theo ấy. Gã nhìn nhưng không thấy. Rất nhiều đàn bà gánh gánh gồng gồng. Rất nhiều đàn bà đẩy những chiếc xe cởi truồng loại không phanh không chuông không gác-đờ-bu, loại xe thồ bán rau bán chuối, đứng trước cổng chợ nhẫn nại mời mọc. Và người thì cứ như nước, lại qua, lại qua.

          1995

          Chú thích:
          1: Cao Bá Quát.
          2: Hiện tượng phổ biến ở Việt Nam: đội quy tắc các cấp phường, quận, thành phố đi kiểm tra các công trình xây dựng nhà cửa của dân, thu tiền phạt xong thì cho phép tiếp tục xây cất, gọi là phạt tồn tại.
          3: Lời một bài hát phổ thơ Nguyên Sa
          4: Xe phế thải của Nhật, được nhập thẳng về Việt Nam hoặc qua Thái lan, Campuchia
          #5
            Nguyễn Đình 27.07.2005 20:28:15 (permalink)
            Gió trở



            Gió trở từ trưa. Trời không nắng. Một sắc sáng xám bình an ngự trị trên bầu trời. Ngõ, phố từ hôm ông Táo về giời lầy lụa vì mưa phùn khô se chỉ trong vòng một tiếngđồng hồ. Sau bữa cơm chiều, mẹ ngồi dựa lưng thành giường, chân co chân duỗi, tay xoađầu gối liên tục, vừa nhăn nhó vừa hoan hỉ:

            - Ðã bảo suốt mấy hôm là đổi giời mà. Cái đầu gối này báo cấm có sai. Lại còn sớm hơn cả chương trình thời tiết ở ti-vi nữa. Chân cẳng mẹ thế này, mấy chị em mày liều liệu chợ búa cho xong đi. Mai đã hai chín tết rồi. Sang tới ba mươi là cập rập lại cái quên cái nhớ... ấy cái thằng này! Xoa nhè nhẹ cho bà thôi! Ðấm thế thì vỡ đầu gối bà ra còn gì! Tao tính thế này: Mai mẹ con thằng Thành mang qùa bố mẹ biếu ông bà ngoại, nhân tiện tạt vào chợ Hoa chọn cho mẹ chục huệ đèm đẹp vào. Ðào quất thì năm nay mồng hai bố mày đã về quê giỗ họ, thôi, mua phiên phiến lấy bó chân chim thược dược đồng tiền, cho có, chứ chúng mày tót đi cả còn ai mà ngắm. Con Trang lo mua nốt đồ nấu cho ba ngày tết với đi lấy bánh chưng mẹ đặt trên Mai Hắc Ðế. Ðấy, mấy năm nay mẹ đổi mới tư duy không luộc bánh cả nhà đỡ vất vả. Bố thằng Thành chiều mai mới ra hử? Thằng Tùng làm cho tây không láng cháng tám giờ vàng ngọc được, miễn, chỉ cần đèo mẹ đi chúc tết chiều mồng một rồi tao giải phóng...


            Thằng Tùng chắc chắn là không nghe được cái đoạn mẹ phân công cho nó. Nó đã đóng bộ từ bao giờ và chắc chắn là đã vi vu ngoài phố gió. Chị Hạnh úp bát vào chạn xong quay ra ngồi đối diện với mẹ ởđầu giườngđằng kia:


            - Ðể cô Trang đi mua hoa. Cũng tiện đường từ trường cô ấy về. Con mà tha thằng Thành vào đó thì không biết khi nào mới mò ra được. Con lođồ nấu. Cô Trangđoảng lắm. Nhỡ quên thứ rau cỏ gì thì sáng mồng một không biết lấy gì ra làm cơm cúng cụ...


            - ừ Chị em tính sao thì tính. Trangđâu rồi con? Chị vừa bảo có nghe thấy không con?


            Trang ngồi bên bàn làm việc kiểm tra bài vở của thằng cháu, lặng lẽ trả lời: "Vâng ạ". "Bao lâu rồi, sao mọi đối thoại của mình chỉ toàn là vâng ạ với không ạ thế này?"



            Gió trở thành khó ngủ. Trang nằm thu lu trong chăn, không làm cách nào cho hai bàn chân ấm lên. Nghĩ lung tung. Mai lên lớp chắc chỉ toàn dặn dò với chúc tụng. Rồi đi nhận hàng tết của công đoàn. Ngày xưa thì vui. Giờ chỉ thích quy hết vào lương. Mấy năm rồi không đi chợ Hoa. Những đứa nào như mình?



            Nhớ hồi nào... Chiều hai chín tết, lớp trưởng Hà Linh hớt hải phóng xe tới nhà: "Mai đi chợ Hoa. Toàn lớp cũ mình. Tập hợp ở nhà tớ rồi đi bộ ra chợ. Người yêu được mang theo. Số lượng không hạn chế." Cười xòe một nụ. Cả đêm lòng tưng bừng. "Chứ sao! Mỗi đứa giờ một trường. Sắp ra trường cả lũ rồi. Rồi phải đi làm, rồi đứa một đời bồđứa haiđời bồ, tự tập không phải dễ."


            Sáng ba mươi, mưa phùn rất nhẹ, và ấm. Gần đủ mặt cả lớp. Lớp trưởng Hà Linh mới bị người yêu đá mà trông không thiểu não tí nào, hăm hở xếp xe bạn bè thành một hàng dài trước cửa nhà, giao hẹn với hai thằng em: "Nguyên lành anh về mừng tuổi trước. Ðủ mua pháo đốt tới hôm đi học." Và chộp lấy Trang: "Một mình à? Hay! Látđi cùng tớ với Bá. Cậuđứng kia kìa! Hai thằng con trai cắp tay nhau trong chợ Hoa thì thành "chị ẻn" mất."


            Bá? Trông quen quen. Trang ngờ ngợ một hồi. Ðúng rồi! Giải nhất toán quốc tế. Cả lũ đứng dậy vỗ tay tưởng vỡ hội trường Ba Ðình lúc Bá lên nhận phần thưởng của thủ tướng. Hai đầu gối hai miếng vá. Bé tí teo. "Hồi đó chắc chắn là thấp bé nhẹ cân hơn mình" Trang mỉm cười, lơđãng. "Khỉ thật! chẳng thấy thi quốc tế môn văn cho mình cố giật xuôi giật ngược một cái giải gìđó. Cho cậu chàng cũng phải biết mình".


            Bá bây giờ cao lớn, cao lớnđến nỗi cái xe "cuốc" Liên xô Bá dắt nguềnh ngoàng là thế mà vẫn


            có vẻ quá thấp. Nhìn rõ ra màu bơ sữa. Lớp trưởng Hà Linhđã làm xong việc xếp xe phát số


            cho cả lớp nhảy bổ ra cườiđầy ngụ ý: "Biết nhau chứ gì? Hả các "tấm gương sáng cũ"? Trang!


            Ba năm cấp ba với mình. Giải nhất văn toàn quốc. Bá! Cùng lớp tớ từ cấp một sang cấp hai. Dân Lô-mô-nô-xôp về nghỉ tết." Trang tỉnh bơ: "Tớ tự giới thiệu được. Bá cũng thế phải không?"



            Vào đến chợ là cả lũ tự động lạc. Người như nước. Hoa trôi trên sóng người. Trang nhìn quanh.Lớp trưởng Hà Linh cũng biến mất tăm. Còn mỗi Bá lơ ngơ đứng bên cạnh. "Cao thế này đội hoa trên đầu thì chắc chắn không bị dập nát. Hay là công kênh trẻ con cũng tuyệt." Và ra vẻ tự nhiên, Trang túm ngay lấy khuỷu tay Bá: ""Ði! Khéo lạc nhau nốt thì tớ chịu không biết ra cửa chợ phía nào chođúng chỗđể xe:"


            Và hai người đi. Một lúc nào đó Trang thấy mình không nắm khuỷu tay Bá nữa. Bàn tay Trang nằm gọn trong tay Bá, ấm sực. Mắt kính hai đứa loang loáng nước mưa. Một lúc khác, Trang ngỡ ngàng thấy mình đang đi trong vòng tay Bá mà chẳng có ý định vùng ra. "Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc... Trang biết câu đó không? Mình học toán mà thích thơ lắm. Chắc gien lặn từ ông ngoại mình." "...Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất - Nhưng thủy chung như một sắc mai già - Ðôi mắt mở to dịu dàng thấm mát (*)... người ta còn thuộc cả bài ấy chứ!" Trang nghĩ, cười, lắc đầu dứt khoát: " Không! Trang học văn mà tính khô lắm." Bá cúi nhìn, mỉm cười. "Học bằng mình, hồi trước có vẻ còn thấp bé nhẹ cân hơn mình mà giờ ra dáng đàn ông chững gớm!"



            Một lúc, hai đứa thấy mìnhđứng giữa một chỗ quangđãng hẳn. Hàng Mã. Phố dành cho ông bà già. Bày toàn cây thế. Lại bán cả hoa giấy. Trang bối rối bước dấn lên thoát ra khỏi cái quàng vai trìu mến mà không dám chặt của Bá, lại bối rối ngoái nhìn.


            - Trang nhìn này! Ðẹp không?


            Cây mai trắng, ít hoa nhiều lộc. Những lá non bé bỏngđã trở màu xanh sáng. Cánh hoa mỏng manh, trắng xanh, tinh khiết. Lá hoa lấm tấm mưa xuân. Tết, miền Nam chơi mai vàng, dân Hà


            Nội chuộng đào quất. Cây mai trắng đặt bên hè phố, cô độc, và không gợi một chút gì phong túc. Ðẹp lạ lùng. Cái đẹp của thiếu hụt, của đạm bạc. Kiêu sa. Cũng lạ lùng là vẻ say mê của Bá. Bá quàng lấy vai Trang, lơ đãng kéo sát lại. Trang đi chợ Hoa bao lần. Chợ Hoa ban ngày. Chợ Hoa ban đêm. Bao nhiêu lần túm tay bọn con trai, bao nhiêu lần để bọn con trai túm tay rồng rắn lên mây trong chợ. Trang chưa yêu bao giờ. Tim gõ nhịp như những dấu chấm than: Yêu là thế này! Yêu sẽ thế này! Ông cụ bán hoa cau có nhìn. Hai đứa cười, dắt nhau đi, trong mưa, trong mơ. Thấy hoa gì cũng đẹp. Cả hoa giấy xanh xanh đỏ đỏ một cách ngoa ngoắt, vốn chỉ phù hợp với ánh đèn dầu loè nhoè và những bức vách trát rơm với bùn ở nhà quê, không thể thương được dưới ánh đèn điện thô bạo.



            ***



            Bá đi rồi. Ði hẳn. Lá thư gần nhất Trang nhậnđược từ Bá cũng cách nayđến năm năm, báo tin


            Bá bảo vệ đặc cách tiến sĩ, không ở lại Nga giảng dạy theo lời mời mà sang Pháp làm cộng tác viên khoa học. Những lá thư trướcđấy của Bá hay nhắc tới những cơn mưa phùn. Không biết trongđó có cơn mưa xuân năm nào? Mưa rất nhẹ, mưa như sương phảng phất, ta qúa hiền không cảm hết hơi mưa, phải không Bá? Hơi mưa ấy vẫn còn bỏng rẫy trong lòng Trang...




            Chuông đồng hồ điểm ba tiếng. Yên tĩnh đến độ nghe rõ tiếng nước chảy róc rách từ vòi nước công cộng ở títđầu kia của dãy nhà Trang ở, quanh năm mất khóa, chỉ thỉnh thoảng mớiđược


            một ông đàn ông mạnh chân khỏe tay thút nút bằng một cái lõi ngô. Trang xoay mình, hai tay thu lại kẹp trongđùi, cảm thấy bàn chân càng ngày càng giá, tưởngđem nhúng vào chậu nước


            lạnh thì chậu nước lập tức đóng đá. Lại nhớ lá thư cô văn thư trường trước giờ lên lớp vừa ơi ới gọi vừa lạch bạch chạy theo đưa của lớp trưởng Hà Linh. "Bá viết thư cho tớ, than chưa biết bao giờ về được để đi chợ Hoa. Lại còn làm thơ cơ nhé. Tớ chép ra đây dể Trang chấm luôn: "Từng hiểu nhau một ngày - Rồi một đời xa nhau - Người có còn nhớ không? - Người có còn như xưa?" Nghe cứ như thơ tình ấy nhỉ?"



            "Lớp mấy năm rồi không tụ tập được. Giá mà Hà Linh không vào nhận công tác ở Sài Gòn thì còn có đứa đứng ra hò hét. Cái Hằng đã hai con. Ðứa đầu năm nay mẫu giáo lớn rồi đây. Trong lúc nào cũng như mẹ bổi. Tường Anh hôm rồi gặp ngay chỗ rẽ vào trường, bước một bước bụng lại văng qua văng lại, mặt phị ra nhìn đần đần phát khiếp, cười trông càng chán. "Từng hiểu nhau một ngày - Rồi một đời xa nhau." Chẳng lẽ Bá cũng đã từng có một lần như thế? Như mình? "Người có còn nhớ không? - Người có còn như xưa?" Bên ấy Bá nhớ chợ Hoa. Bên ấy nhiều hoa lắm. Như xưa! Nhưng như xưa thì được cái gì? Trang nghĩ lan man. Nghĩ sang việc mẹ giao. "Có điên mà một thân một mình xông pha trong chợ Hoa. Mua được chục huệ tha ra thì chẳng cứ hoa đến người cũng nát. Năm nay phiên phiến thôi. Mẹ bảo năm nay phiên phiến thôi." Và quyết định: "Sang năm lấy chồng."

            11. 1997

            Chú thích:
            (*) Trích từ Tình yêu và báo động - Bằng Việt.
            #6
              Nguyễn Đình 27.07.2005 20:36:41 (permalink)
              Giổ


              Ông Toản nóng ruột chờ tiếng then cổng kêu lạch xạch. Bình thường, chừng mười giờ sáng là con gái ông đã tới, thay giặt cho mẹ, chợ búa và nấu nướng cho cả hai ông bà. Chừng độ hai tiếng mới về tiếp với chồng chuyện hàng họ. Hôm nay cô con gái đến có phần chậm hơn mọi lần. Thế nhưng lúc cô con tới ông Toản chẳng hề lộ vẻ vui mừng, vẫn giữ vẻ mặt lầm lầm sẵn sàng nổi cáu y như mọi ngày. Ông đi ra đi vào, lúc cảu nhảu con gái không chịu mạnh tay vặn chặt vòi nước để nước rỏ tong tỏng, lúc lầm bầm vì xoong thịt kho bị trào. Cô con gái loay hoay bên giường mẹ không đáp lời bố. Chỉ có đứa cháu gái ông Toản mới sáu tuổi chơi một mình ngoài sân là bối rối. Mọi hôm, tụt từ trên xe xuống là nó rađứng áp mặt vào song chắn hàng rào nhìn xe chạy từ Hùng Vương lên từ Tao Ðàn xuống. Như nước. Suốt ngày.
              Sát lề đường là một con bé bán thuốc lá chắc chỉ gấp đôi tuổi nó. Dựa lưng vào hàng rào là bà bán chôm chôm nhà trong hẻm. Từ đầu mùa bà đã có lời với ông Toản xin ngồi nhờ lấy chỗ cho xe từ Lái Thiêu lên đổ. Thấy con bé to hó mắt nhìn ra, bao giờ bà cũng dúi cho nó vài quả. Chẳng biết vì nó xinh ngoan hay vì ông nó tuy bằng lòng cho bà ngồi nhưng mặt lúc nào cũng như đâm lê. Hôm nay, thấy hai mẹ con con bé phóng xe ào vào sân, nhưng không thấy gương mặt nhỏ và cái mũi chun áp giữa hai song chắn. Con bé một mình trong sân phát hoảng vì vẻ cáu bẳn hơn mọi ngày của ông, cứ lân la bên cửa chờ mẹ ra để gạ mẹ về.

              Nó không biết rằng ông nó cũng sốt ruột y như nó. Thế nhưng lúc con gái bê chậu quần áo mới thay cho mẹ ra thì ông Toản lại lúng túng. Tới tận lúc đứa cháu đã trèo tót lên xe ngồi sau lưng mẹ, mặt mũi tươi tỉnh, mau mắn "cháu chào ông cháu về", ông Toản mới bảo con: "Mai mày về sớm làm cho bố một mâm cơm cúng." Quen với trái chứng của ông Toản từ thời ông còn mạnh chân khỏe tay, còn chưa hưu, vậy mà cô con gái cũng phải ngạc nhiên. Bố mẹ cô có hương khói bao giờ. Lông mày cô con nhướn lên. Ông Toản vội vàng: "Chiều mai bố sang bên chị Mai chị Hạnh. Các chị ấy vừa qua mời... Bố muốn thắp hương trước cho bác."

              Cô chỉ có một ông bác. Anh ruột bố cô. Cô gặp ông nhiều lần sau giải phóng. Rồi ông đi Mỹ. Và chết sau khi tới Mỹ ít ngày. Cái chết ấy phần nào cũng đã được báo trước nên cũng không gây xáo trộn gì đáng kể trong gia đình cô. Bà bác gọi điện về. Ông Toản buông máy, mặt không biểu lộ gì quay về phía giường vợ nói gọn: "Bác Hiến". Mẹ cô bảo cô giúp bà xoay mình. Từ nhà bố mẹ về, cô rẽ chợ Cũ mua đồ mang tới nhà anh chị thắp hương cho bác. Cô biết rằng đó là việc bố mẹ không quen làm.

              Thế nên cô ngạc nhiên khi về nhà bố mẹ vào hôm sau. Cái bàn viết đặt ở đầu giường ông Toản đã được dọn sạch. Sách báo chồng đống dưới gầm. Cả cái rađio. Cả telephôn. Ông Toản ra đỡ xe cho con bỏ đồ ra khỏi giỏ, bảo: "Mày lo cho mẹ rồi làm cơm hộ bố. Hoa quả để đó bố rửa cho." Ông Toản chỉ bình tĩnh được khi có mặt con gái. Lúc bê đĩa hoa quả đặt lên bàn, ông lính quýnh đánh đổ làm dập mất mấy quả na. Con gái ông nhanh trí mua về một bát hương đổ đầy gạo đặt lên bàn cho bố. Ông Toản thắp hương rồi đứng lặng. Cả đời ông chưa một lần cúng bái đúng kiểu. Ông không biết hồn anh có về? Cái mà ông cảm nhận rõ nhất là mùi thức ăn mới nấu lẫn trong mùi khói hương. Thân thuộc quá. Xa lạ quá. Ông lầm rầm khấn: "Anh về với bố mẹ rồi. Em với nhà em chắc cũng sắp theo về. Hôm nay các cháu làm giỗ anh bên nhà. Anh sống khôn chết thiêng về với các cháu... về với vợ chồng em."

              ***

              Nhà ông Toản có ba chị em. Bà chị đầu lấy chồng sớm, hồi kháng chiến vẫn ở Hà Nội làm ăn. Ông Hiến lúc đó cũng đã vợ con đi Nam tiến. Mình ông Toản lên Việt Bắc. Chín năm sau cả nhà gặp lạI nhau. Bà cụ mừng vì thêm cháu, tủi vì con trưởng biệt tăm tích. Bà chị dâu một tối đến tìm ông Toản cuống quýt: "Chú ơi, có tin anh. Anh đi tập kết ra tới Huế thì ốm nặng." Hai chị em tính toán một đêm. Ông vào phòng trong bảo vợ đưa hết tiền có trong nhà cho chị. Và hôm sau lên nhà đón mẹ với hai đứa cháu gái về.

              Ðứa út sáu tuổi bà Hiến đặt ngồi trong một cái thúng. Cái thúng kia bà để quần áo gạo mắm và cả bảy thang thuốc bắc cho chồng. Rồi ghé vai quảy hai cái thúng lên đường. Ðưa con dâu đi, bà mẹ ông Toản khóc. Nhưng ông Toản không thấy bùi ngùi. Ðỡ chị đưa cháu lên tàu xuống Hải Phòng, ông về thẳng cơ quan. Không có một điềm gì báo trước cuộc chia ly đó sẽ kéo dài.

              Sau này ông Toản biết bà chị vào tới Huế không trắc trở gì. Nhưng ông Hiến thì đuối lắm. Chồng phảI chăm hơn chăm thằng con út lên sáu. Bà Hiến không bối rối lâu. Chín năm gồng gánh mẹ già con dại đi tản cư đã biến đổi bà. Cô gái Hà thành xưa tóc cặp lửng sau lưng đi guốc phi mã mặc áo kép bên ngoài áo dài Lơ Muya theo chồng đi cầu lộc ở Trấn Ba Ðình đêm giao thừa đã thành người vợ tảo tần và quyết đoán. Bà mặc áo cánh, búi tóc cho gọn, dồn vốn xoay xỏa thuê một chái nhà ngồi tráng bánh cuốn nóng, nuôi chồng, nuôi con, nuôi mình, chờ ngày chồng khỏe để theo chân anh em ra bắc với hai đứa con còn để lại. Chất Hà Nội năm xưa bà chỉ còn cố giữ qua lối búi tóc lộn trễ đằng sau gáy nom dịu dàng uể oải. Ngày bà Hiến mong chờ không tới kịp. Ðến lúc ông Hiến khỏe lại, ông chỉ còn có thể đưa con với vợ ngược vào Sài Gòn. Vốn liếng to nhất là thằng con lúc đó đã mười tuổi và hy vọng vào tình người di cư đồng cảnh.

              ***

              Hai mươi năm sau gặp lại, ông Toản biết về gia cảnh ông anh chủ yếu qua bà chị dâu. Ông Hiến không trở lại được đời công chức như thời còn ở Hà Nội. Ông bà buôn tần bán tảo, có một xưởng dệt len. Những cái áo len Sài Gòn hàng chợ mơ ước của bao nhiêu đứa con gái Hà Nội như hai đứa con gái ông Toản sau bảy lăm đã là đầu mối của những ngần ngại và sau đó là những cãi vã giữa hai anh em. Ông Toản không đến thăm anh chị ngay mặc dù ông được biệt phái vào Sài Gòn từ những ngày đầu sau giải phóng. Ông mừng vì anh chị và các cháu lại được sum vầy. Nhưng ông ngại anh chị cho mình ngõi của ngõi nả. Ông ngại vì ngần ấy năm sau khi đứt thư từ ông không biết anh chị sống thế nào. Chính bà Hiến đến tìm ông: "Chú! Sao chú vào mà không đến anh chị?" Bà khóc: "Chú đừng ngại gì chú ạ? Chị ở Hà Nội gần hết thời kỳ tiếp quản chị biết. Nhưng anh thì buồn lắm. Các cháu vào bố mẹ con cái tìm lại được nhau, nghe các cháu nói... Anh cứ ngóng chú hòai. Anh chị ngày ấy tắc lại trong này cũng chỉ lo làm ăn nuôi các cháu thôi, không làm gì "ảnh hưởng" đâu chú ạ" Bà vội vàng sửa lại khi bắt gặp một thoáng rung động trên gương mặt em chồng: "Chú phải đến ngay. Anh em xa nhau từ bốn sáu (1) tới giờ. Chú đi luôn với chị về. Cho anh chị cảm ơn chú thím về các cháu!" Hai anh em nhìn nhau, khóc. "Anh chị ở xa, em chu toàn với mẹ. Mẹ mất sau khi đi sơ tán lần thứ hai về. Hồi bom đạn không có mẹ thì chúng em chết dở. Hai cháu nhà anh với thằng đầu nhà em đẻ trước hòa bình lập lại... hồi chị còn ở ngoài ấy đấy... lúc đó theo trường. Hai cháu đẻ sau thì theo bà. Chứ bọn em cơ quan có được đi sơ tánđâu." Ông Toản vui vẻ kể về bà chị cả:
              - Chị ấy vẫn đáo để như hồi còn con gái buôn bán với mẹ nuôi anh em mình. Hồi khó khăn, có chính sách cấm bán các mặt hàng làm từ lương thực, dẹp các quán chè chén (2), chị ấy vẫn bình chân như vại. Bên này đường là quán của chị ấy. Bên kia là đồn công an. Lại ở chỗ quan trên ngó xuống người ta trông vào, đường lên Ba Ðình Mai Dịch của người ta, người xe lúc nào cũng nườm nượp... Công an sang dẹp, chị ấy cầm cái quạt nan rách phẩy xuôi phẩy ngược: "Giang sơn nào cửa nào nhà - Bần cùng tôi phải lê ra vệ đường..."Thế mà mấy chú áo vàng (3) nhà em chịuđấy anh ạ.
              Ông Hiến ngớ ra:
              - Sao lại bần cùng lê ra vệđường? Chị ấy không ở với các cháu à?
              Ông Toản ngần ngừ. Ông không muốn kể bà chị biết bươn chải ở mọi thời đã mừng rỡ khi con trốn nghĩa vụ (4), đã chẳng nề hà bất kể việc gì, đã làm phiền vợ chồng ông không ít vì đủ thứ chuyện liên quan tới khối phố và lúc nào cũng dấm dúi cho mấyđứa con ông tiền. Tự dưng ông bối rối:
              - Con nào nuôi được mẹ hở anh? Chị ấy vẫn ở đó, trên cái phòng nhìn thẳng ra Cửa Nam ấy đấy anh chị. Tất tật cửa hàng tầng dưới nhà nước trưng thu hồi tiếp quản Thủ đô. Về sau thành cái cửa hàng xe đạp quốc doanh to nhất Hà Nội đấy. Tầng trên giữ được hai phòng. Các cháu lớn lên... Thằng Ngọc tuột xích (5) tha lôi về một con bé chỗ nó đóng quân cũ, hiền nhưng đụt lắm, lại còn bị cái tộiđẻ khỏe. Con Ngà bỏ chồng cũng lại bò về với mẹ. Nhà cửa chật chội, tới cái lúc chị ấy nằm liệt, khổ lắm.
              Câu chuyện chệch choạc hẳn. Bà Hiến làm bánh trôi tàu. Nước ngọt vừa miệng đúng vị đường phên và nóng rẫy. Lạc rang không khét. Gừng thơm và không qúa cay. Nhưng ông Toản ăn không thấy ngon. Có thể là thức qùa ấy không hợp với trờiđất Sài Gòn mà chỉ hợp với những cơn mưa phùn gió bấc của phố phường Hà Nội. Cũng có thể...
              Ông Hiến bật nói đúng cáiđiều ông Toản không dám hỏi:
              - Hồi tháng tư thằng Quân ở Mỹ về đón vợ con đi. Cứ giục vợ chồng tôi. Nhưng tôi và bà ấy không đi. Gần một đời xa quê nhưng vẫn là trên đất nước mình. Nay đến tuổi về với ông bà được rồi, chẳng về lại Hà Nội được thì đành, chứ không thể... Nhưng điều làm tôi canh cánh nhất là hai cháu chị gửi lại ngày ấy. Vợ chồng tôi đành đoạn xa các cháu, dẫu có bà với chú thím trông nom cho thì vẫn không yên dạ về phần mình. Thằng Quân chị mang đi ngày ấy còn bé, mấy cháu sinh sau... biết còn có chị nhưng chưa sống với nhau bao giờ... Cũng không thể hiểu hết lòng bố mẹ. Mấy chục năm qua, các cháu còn bố mẹ mà cũng như là mất. Nay bỏ đi, các cháu vào tìm bố mẹ mà không gặp thì chúng tôi có tội với con. Thằng Quân với ba đứa sau nàyđi cả rồi. Giờ chúng tôi chỉ còn biết bù trì cho hai cháu chú thím với bà trông nom cho ngày ấy. Nhưng chú này, chẳng biết tôi già lẩm cẩm hay sao mà tôi không hiểu chúng nó?!
              Ông Toản không nhìn anh, quay sang chị dâu cười vui vẻ:
              - Anh đúng là lẩm cẩm thật chị ạ. Hai đứa chúng nó giỏi lắm. Thằng chồng hai đứa lại càng giỏi. Nhất là vợ chồng con Mai. Em và nhà em một đời theo Cách mạng, là người Hà Nội, là người của cái thời Tân Trào Bình Ca Sơn Dương xuôi về Hà Nội, cũng bìa B (6) rồi mà đời sống không được như vợ chồng chúng nóđâu.
              Nói thế, ông Toản giật mình. Ông tới thăm anh chị. Là em. Nhưng ông còn là một cán bộ nhà nước vào tiếp quản thành phố. Nhưng bà Hiến thì mừng, xoắn xuýt:
              - Chú nói tôi mới dám hỏi. Vợ chồng tôi có thể giúp gì chú thím với các cháu? Vừa rồi chồng con Mai vào, bảo con Mai con Hạnh muốn gì là chúng tôi làm nấy. Cốt đỡ được con. Cốt cho con đỡ tủi. Tôi và anh mấy mươi năm qua lúc nào cũng xót xa vì các cháu được bố mẹ sinh mà không được bố mẹ dưỡng. Vừa giật mình đạn nổ ở Sài Gòn. Lại giật mình vì bom rơi ở Hà Nội. Nhất cái đận bảy hai... Hai nước mà vẫn một nhà chú ạ. Giờ giúp được con giúpđược em cái gì là chúng tôi mừng.
              Ông Toản luống cuống:
              - Nhà em chẳng cần gì đâu bác. Hết bom đạn, sống được mà tìm lại được nhau thế này là nhà mình có phúc lắm rồi. Em bìa B, nhà em bìa C, các cháu cũng có tem phiếu cả. Ngoài đó thế là nhà em khá giả lắmđấy anh chị ạ...
              - Tôi biết rồi. BC gì thì cũng là bìa phân phối, là thiếu thốn. Tôi với anh có bàn nhau. Xe hiến rồi. Nhà hiến rồi. Giữ có cái này thôi. Thằng chồng con Mai vào cứ tiếc hùi hụi bảo vợ chồng tôi vội vàng qúa. Nay còn ba mươi mấy cái máy dệt len - Bà Hiến
              ngần ngừ rồi nói một hơi - Tôi vẫn còn ở Hà Nội hồi rục rịch cải tạo tư doanh. Tôi đoán thế nào rồi các ông Giải phóng cũng làm thế ở trong này. Tôi tính chia cho các cháu nhà tôi và các cháu ngoài đó. Toàn của mồ hôi nước mắt không lừa gạt cướp đoạt của ai đâu mà chú ngại. Ðứa nào khéo ra thì có cơ phất. Tôi để ý vàođây ai cũng mua áo len dệt hoa mang ra. ở Hà Nội chưa có nghề này...
              Ông Toản bối rối nhưng cương quyết:
              - Anh chị giao hai cháu cho vợ chồng em, chúng em đã làm hết phận. Nuôi các cháu ăn học đến đầu đến đũa. Gả vào nơi tử tế. Ðấy là phận sự của bọn em. Bây giờ em "bàn giao " chúng nó lại cho anh chị, Anh chị với các cháu trong nhà bàn tính thế nào em không biết. Tùy anh chị. Phần nhà em em thưa với anh chị rồi. Chúng em không cần gì cả. Em và nhà em đi làm có lương. Thằng đầu nhà em cũng đã có lương. Hai cháu gái các bác cũng sắp xongđại học...
              Ông thấy ông Hiến bà Hiếnđưa mắt nhìn nhau. Ông càng thêm bối rối và cương quyết:
              - Hai bác có lòng thì em xin ba cái áo len cho ba mẹ con nó mặc tết này. Phần em thì em xin anh bộ quân cờ bằng ngà với lại bộ Ðông Chu và Tam Quốc. Anh chị đừng lo chúng em để các cháu khổ. Vả lại... Sướng khổ gì thì cũng là nhìn ngang. Thấy người ta sướng hơn mình, thế nghĩa là mình khổ. Ðằng này ngoài ấy ai chả như ai...

              ***

              Ông Toản đã không nghĩ rằng lối nghĩ ấy chỉ đủ để mỗi người tự an ủi mình khi không còn cách bươn chải nào khác. Và cũng chỉ có ích cho thế hệ ông - thế hệ "người ra đi đầu không ngoảnh lại - sau lưng thềm nắng lá rơi đầy..." (7) Với con ông, cháu ông, lối nghĩ đó chỉ thêm bận.

              Ðầu tiên hai đứa cháu ông thay anh chị nuôi nấng ngày nào xin chuyển công tác vào Sài Gòn. Thành phố mới giải phóng. Bao nhiêu nhà chủ di tản. Hai đứa cháu xin luôn được hai cái nhà không bao giờ có mặt trong ước mơ của ông bà. Rồi con trai ông chuyển. Xái nhì, cũng xin được một căn trong cư xá Thanh Ða. Rồi con gái ông chống quyết định phân công công tác, tự ý vào Sài Gòn xoay xoả sau một buổi chiều thì lì mặt trước bố mẹ cho đến lúc khóc rống lên vì ông cho một cái bạt tai. Ông Toản không nghĩ đất lành chim đậu. Ông làm ầm ỹ nhà cửa vì "chúng nó chỉ biết hưởng thụ". Bà Toản lúc đầu im lặng. Rồi phát cáu: "Chúng nó lớn rồi. Mặc xác. Ðời cua cua máy đời cáy cáy đào. Ông lo được cho chúng nó mãi không. Hay là chúng nó sẽ biến cái nhà này thành lô cốt vì không bao giờ đến lượt phân nhà? Ông có biết một tháng gạo tiêu chuẩn kỹ sư như chúng nó được mấy cân không? "Mười ba cân rưỡi" - Ông Toản mau mắn. Bà Toản cười khẩy: "Ông mê đấy à? Cái rưỡi đấy năm nào cũng bị cắt ủng hộ đồng bào lũ lụt rồi. Con Thảo cắt hộ khẩu lên trường, chống quyết định công tác rồi là hết. Phần ông phần tôi tiếng bìa B nhưng có đủ nuôi chúng nó mãi không? Hay bảo chúng nó đừng yêu đương cưới hỏi gì ở nhà đói no cùng bố mẹ. Thời buổi này... Có phải chiến tranh nữa đâu mà bắt con người ta thắt lưng buộc bụng mãi”.

              Ông Toản nhìn vợ. Ngỡ ngàng. Vẫn là gương mặt ấy. Vẫn là mái tóc hơi dợn sóng cuộn trễ sau vai như thủa nào đưa nhau lên Việt Bắc. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, qúa thanh tú so với tuổi. Nhưng giọng nói khác. Không âu yếm và uể oải...Ông Toản vẫn tiếp tục gầm gừ nhưng không lấy gì làm quyết liệt. Dù gì thì bà cũng ngang cấp với ông. Và bà hình như mới là chủ gia đình.

              ... Cái bệnh hen bị từ bé đến tuổi già quật lại buộc ông Toản phải nghĩ tới những miền mùa đông nhiều nắng. Ông xin chuyển hẳn vào Sài Gòn. Những ngày đầu mới vào, hai anh em gặp nhau đều. Rồi bắt đầu va chạm. Ông Toản thực sự điên giận khi biết chính ông anh khuyên con gái ông bỏ chỗ làm ôngđã cạy cục xin cho, tiếp tục buôn gian bán lậu với mấy con mẹ có chồng nằm trong Chí Hòa.
              - Chú cáu bực làm gì. Nó chỉ làm cái việc... cái việc... người ta gọi là gì nhỉ? Cái việc tất yếu thôi. Nếu cuộc sống đủđầy thì những người như nó cũng sẽ tất yếu bỏ cái trò buôn quẩn ấy.
              - Anh đừng ngụy biện. Nó có thể làm nhiều việc có ích hơn với cái bằng kỹ sư mà nóđã bỏ.
              - ích cho ai? Tôi nghĩ là nó đang làm tốt với cái bằng đóđấy.
              - Ðể rồi... để rồi ba chân bốn cẳngđem hiến cho nhà nước hả?
              Không kịp rồi. Bà Hiến nghe ồn ào không đừng được phải chạy từ phòng trong ra,đứng thẫn thờ. Ông Hiến lặng phắc, mãi mới thì thào:
              - Ðể cứu mạng sống, có mà hiến là quý. Tôi nói cho chú biết để chú khỏi mất công tự hào. Tôi hiến tất cả những gì còn thuộc về tôi chỉ để yên thân mà sống nốt tuổi trời cho ở đất này. Nhưng hình như không được nữa. Thằng Quân chết rồi. Tôi và mẹ nó sẽđến chết bên cạnh nó.


              ***

              Ông Hiến mất đã mười lăm năm. Càng ngày ông Toản càng xót xa vì biết không khi nào có thể đến viếng mộ anh. Ông cũng đã về hưu. Gần hai mươi năm nước nhà thống nhất làm cuộc sống thay đổI còn nhanh hơn cả hai cuộc chiến tranh dài. Nhất là mấy năm gần đây. Thay đổi đến mức ông Toản không hiểu nổi. Càng ngày càng ngỡ ngàng. Càng ngày càng hay cáu bẳn.

              Ðứa con gái giữa ngày xưa làm ông điên đầu nhiều nhất thì giờ lại làm ông bực bội nhất. Và ông biết vì sao. Ông bà đang sống nhờ vào nó. Từ hồi hết bao cấp, hai vợ chồng nó nuôi ông bà, nuôi luôn thằng anh bị giảm biên bỏ vợ. Còn nuôi những ai nữa ở bên nhà chồng nó, ông không dám hỏi.

              Bảy mươi tuổi, lần đầu ông Toản tự tay thắp một nén hương. Ngày trước, ông chu toàn mọi việc từ lúc mẹ nằm đấy rồi đi. Nhưng những việc cúng giỗ, ông khoán trắng cho bà chị tháo vát và đáo để, mặc bà bày vẽ, xoay xở, sai phái. Không phải ông ngại. Ông ngượng. Vợ ông tuy không nói ra lời với chị chồng nhưng chắc cũng vậy. Chỉ đến đời con ông. Không hiểu chúng nó học đâu cái thói mê tín dị đoan. Cái gì cũng tin. Cái gì cũng sợ. Cái gì cũng xuýt xoa van vái. Con út nhà ông ngày trước thi môn gì cũng thắp hương ở bàn học và cứ rằm mùng một là hai chị em mắt trước mắt sau rủ nhau đi chùa. Khi ông nổI khùng, nó cau mặt rồi lại cười khì khì: "Bố bôn sệt thế thì phải tuyên dương con mới phải.Con theo gương Người Mẹ Cầm Súng (8) mà bố. Lạy Trời lạy Chúa lạy Phật lạy Bác. Con tin thế thì có mất gì đâu nào. Việt Nam chắc không có thánh chiến. Tin như bọn con là rẻ nhất đấy bố." Quả là nó tin vậy thì chẳng mất gì. Ông cáu mà chẳng biết phải răn dạy thế nào. Chỉ bà Toản là nhạy cảm và dễ dãi: "Cha bố nhà con với cái. Chị nói thế là bảo bố mẹ nửa đời người tin xằng đấy phải không?"...

              Ông Toản hốt hoảng khi thấy mình đã lạc rất xa khỏi ý nghĩ về anh. Chợt ông nghe tiếng thở dài rất nhẹ bên giường vợ. Bà nằm đấy đã mấy năm nay, chịu đựng sự bất lực của chính mình, chịu đựng sự bất lực của chồng.

              Có cái gì xôn xao lắm làm ngực ông Toản nghẹn thắt. "Anh Hiến ơi! Ngày xưa anh đã làm thơ ... Xa một phút mà dài hơn vạn thủa... Ai hờ hững để cho lòng ai lạnh... Cô ấy không bao giờ biết... Anh độ lượng với em như thế. Sao đến tuổi này anh không bao dung nổi với em. Em đã đi con đường ngày xưa chính anh cũng chọn. Ði hết một đời..."
              Ông Toản không dứt nổi mình ra khỏi miên man. Ông không để ý tiếng thở bên giường vợ gấp dần lên. Ông không để ý con gái cầm tay đứa cháu nhỏ đứng lấp ló bên cửa không dám bước vào nhắc bố hương sắp tàn.

              06/1997

              Chú thích:
              1: Năm bốn sáu: 1946 - Toàn quốc kháng chiến.
              2: Quán chè chén: quán bán nước, thường là chè mạn uống bằng tách (chén). Chè tươi thường uống bằng bát nông lòng, sau này bằng cốc.
              3: Sắc phục cảnh sát trước 1975 ở miền Bắc.
              4: Trốn lính.
              5: Từ thông dụng chỉ sựđào ngũ.
              6: Loại tem phiếu dành cho cán bộ trung cấp, mua tại cửa hàng Nhà Thờ. Bìa A dành cho cán bộ cao cấp, mua tại cửa hàng Tôn Ðản, ngoài ra còn được mua trong cửa hàng Giao tế dành cho người nước ngoài ởđường Lý Thái Tổ.
              7: Trích từ Ðất nước - Nguyễn Ðình Thi.
              8: Người mẹ cầm súng:Tên một tác phẩm của Nguyễn Thi viết về một phụ nữ Nguyễn Thị út - anh hùng quânđội của lực lượng Giải phóng.
              #7
                Nguyễn Đình 27.07.2005 20:56:46 (permalink)
                Mộ



                Ông biết rõ gia đình tôi lục đục thế nào. Tự tôi khai ra. Khi đó tôi còn chưa quen ông, chỉ mới biết mặt ông qua những giờ chôn mông ở thư viện. Tôi ở đó tối ngày. Ông cũng thế. Có lần, lúc sâm sẩm tối, từ thư viện bước ra, ông hỏi tôi: "Cậu có vẻ bị vợ chê, hả?". Ông nói đầy vẻ tự tin. Mà đúng quá, mà không ra dáng thầy bói. Từ hôm đó, tôi thường qua lại nhà ông. Cái cõi đi về của tôi, hay cái gọi là nhà của ông lúc đó mới thê thảm làm sao. Nó chỉ là một cái chái, vẩy ra từ một cái chái khác. "Rộng đúng sáu mét, tớ đo rồi!" - ông bảo thế. Chái bên kia hình như nhỉnh hơn, thông sang phố bên, thuộc về sở hữu của vợ cũ và con trai ông. Hai chái được ngăn cách bởi một tấm liếp thủng, cao hơn đầu người. Sát liếp trước ông kê một cái giát giường, kề với giường chị vợ cũ bên kia liếp. Sau ông bỏ. "Cho nó rộng!" Nhà ông như thế chỉ có hai bức tường, tự xây trát nên lồi lõm khiếp lên được, nhất là vào lúc bật đèn. Ông rải trên nền nhà mấy mảnh chiếu, cắt ra từ một cái chiếu rách nào đó, nhưng vuông vắn, sạch sẽ và có cạp vải quanh mép cẩn thận. Ðấy là thảm của chúng tôi. Chúng tôi có thể đến nhà ông bất cứ lúc nào, vì cửa chỉ buông cái mành mành. Ngại mỗi nỗi là vào đó thì phải đi qua hai căn phòng: một của cụ thân sinh ra ông; một của gia đình anh trai ông. Song vượt qua đó và mảnh sân mảnh sân chung có máy nước là chúng tôi tự do.

                Hồi đó vợ chồng tôi hay cãi nhau lắm, song không đứa nào nghĩ đến chuyện ly dị. Gì thì gì chúng tôi cũng đã từng rất yêu nhau. Một lần, đêm trước vợ chồng hục hặc, trưa sau gặp ông, ông rủ tôi về ăn cơm. Ông dặn tôi đứng ngoài trông xe, vào chợ mua hai lạng thịt bò, một mớ rau muống. Nhìn ông cắp nách mấy cuốn sách, tay cầm mớ rau như cầm bó hoa khi chen trong chợ hoa ngày Tết, tôi buồn cười. Nghĩ mình chưa khổ. Lại ngạc nhiên không biết ông nấu nướng thế nào. Về nhà, ông gọi chõ sang chái nhà bên: - Dũng! Thằng Dũng đâu rồi? Xem mẹ mày có tỏi mang cho bố mấy nhánh, nước mắm nữa nhá! à, mà cả dầu nữa, dầu hỏa ấy. Chiết cho bố hai chai dầu. Bếp bố cạn dầu rồi. Tôi phì cười. Ông cũng cười, bảo: - Mẹ cu Dũng nhà mình dễ tính lắm. Bỏ nhau rồi mình lại thấy cô ấy đáng yêu. Cậu không tin sao? Nhưng bảo mình cưới lại chính cô ấy thì mình chịu. Rồi ông hỏi, và tự trả lời: - Này! Vợ cậu là người yêu đời thứ mấy của cậu? Ðời đầu à! Cũng hay! Cơ mà chắc cậu thất vọng lắm, hả? Ðúng không? Chắc cậu huyễn hoặc cô ấy lên đấy thôi! Mình trước cũng thế. Với mẹ thằng Dũng ấy. Chán chê mê mỏi rồi mới lấy được nhau. Bà nhạc nhà mình ghét bọn văn sĩ. "Rởm đời!", cụ nhiếc thế! Nhưng mà hồi ấy mình còn chưa thành được cái mà cụ ghét cơ. Mình nghe xúi dại. Tại cha Bùi Minh Quốc cả. "Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, dù xa xôi mấy cũng lên đường". Nó viết thế đấy. Hay ghê! Thế là bò lên tận Nghĩa Lộ làm đường. Ðến lúc về được thì thành thằng vô tích sự. Không điên, cũng không liệt giường liệt chiếu để nhà phải nuôi. Mình khỏe chân, mạnh tay, ăn nhiều, nhưng lại không được ăn. Trót ra đi, cắt hộ khẩu Hà Nội. Về, mãi không nhập lại được. Không hộ khẩu thì không xin được việc, không có tem phiếu mua bán, kể cả loại tem phiếu nhân dân tháng bánh xà phòng, hai lạng đường ướt cũng không! Vậy mà mẹ cu Dũng cứ nhất định lấy mình. Chấp hết. Tất nhiên va chạm thực tế, chán nhau, rồi bỏ nhau, cũng đúng thôi! Mà cô ấy không phải là người yêu đầu tiên của mình đâu nhé. Nhưng dù đầu hay cuối gì thì kết cục chắc cũng vậy. Mình biết có tay biên tập viên chỗ mình, có bà người yêu. Yêu cứ gọi là đắm là chìm. Chẳng rõ vì sao không lấy nhau. Bà ấy có gia đình; rồi chồng chết; con cái giờ cũng ra đầu ra đũa cả. Năm ngoái lại gặp nhau. Cưới. Năm nay sắp bỏ đấy. Hà, giá cứ xa nhau mãi thì đời vẫn đẹp, đỡ phiền toái, đỡ nghĩ ba lăng nhăng. Ông cứ nói toang toang. Phần vì tính ông vậy, phần vì quan hệ của ông với người vợ cũ. Hồi đầu nghe ông nói, nghĩ chị ấy cũng đang nghe, tôi ngại lắm. Giờ thì hiểu. Từ hồi bỏ nhau, chị không ghen, có vẻ lại có khả năng cảm thông nhất với ông, cả trong những chuyện tình ái vụn của ông với những cô chỉ đáng cho cu Dũng gọi là chị. Chị chăm nom cả việc nhà cho ông, quát lác từ việc giặt chiếu đến rửa bát. Như là bạn, như là em. Thực ra chị nghĩ gì, tôi không biết. Nhưng tôi thích kiểu quan hệ này. Bữa cơm của chúng tôi ngoài món thịt bò xào rau muống còn có bát canh chua và mấy miếng cà muối xổi. Cũng của mẹ cu Dũng cho, đưa qua lỗ liếp thủng. Vừa ăn, ông vừa bảo tôi: - Thấy cậu đang chán đời mình mới khao đấy. Chứ nghề mình cứ no cơm tức cật là không viết được. Cậu cười à? Cụ Tú Xương tổng kết từ lâu rồi ấy chứ. Ăn cho lắm vào thì con tự không có chỗ mà thòi ra. Quy luật muôn đời đấy. Hì! Tôi ăn. Không cãi. Tôi là dân ngoại đạo đối với giới ông. Còn ông thì im lặng ngay sau đó. Ông có tin lắm điều ông vừa nói? Tôi không dám hỏi. Song thực lòng, đôi khi nhìn ông và bạn bè tụ tập phét lác, tôi bùi ngùi. Có tay ngồi trên một manh chiếu, một manh khác kê sau lưng, áp lên bức tường trốc lở, luôn luôn ẩm vào trời nồm. Lúc ông ta cúi đầu về phía trước say sưa nói, manh chiếu rủ ngay trên đầu, rung rung, trông kỳ cục không chịu nổi. Cái giới nghệ sĩ buồn cười thật. Chả hiểu họ muốn gì trong đời. Vợ ơi! Em mà gặp họ trong nửa buổi thôi, chồng em sẽ thành "người trong cõi mộng" của em ngay. Chả hiểu ông nghĩ gì về quan hệ kỳ cục của ông và tôi nữa. Chúng tôi biết rất rõ về nhau. Lại hình như chẳng biết gì. Mà cũng chẳng định tìm biết thêm gì. Hồi đầu, tôi nghĩ ông lấy tôi làm mẫu nghiên cứu tâm trạng gì đó. Tưởng bở! Ðôi khi có những người ngẫu nhiên quen nhau, biết chắc không bao giờ gặp lại hoặc biết chắc không có một người quen chung nào khác, người ta có thể dốc ruột dốc gan mà không sợ. Không sợ bị hiểu đúng. Tôi và ông là những người như thế. Ðúng hơn là tôi thôi, trong sự hiểu biết lẫn nhau này.

                Từ hồi quen ông tôi mở rộng phạm vi đọc. Tôi có một cái thú riêng khi xem sách của ông và mấy ông nhà văn bạn ông. Ngoài đời họ hình như gàn dở, còn hơi tầm thường nữa. Họ khác hẳn trong sách của họ. Khác chứ không hẳn là hay. Kể cả truyện của ông. Nghe đâu hồi tôi còn học phổ thông ông đã ăn cái giải nhất trong cuộc thi sáng tác đề tài công nhân trí thức gì đó. Truyện ấy tôi xem thấy nhạt lắm. Ông hỏi, tôi thú thật. Tưởng ông cáu. Nhưng ông cười: - Có thế mình mới được giải. Cậu tưởng! Quan trọng lắm! Sau đận ấy mình được mời đi nhà nghỉ sáng tác, ăn không mất tiền, chẳng phải ơn ai. Mấy tháng chứ đâu phải bỡn. Về, lại được vào nhà xuất bản. Thế mới có hộ khẩu, mới được làm dân Hà Nội lại. Ðâu có như cậu, mang tiếng dân Hà Nội chẳng qua vì được phân công công tác ở đây. Cậu ấy à, có lột ba lần da thì nhà quê vẫn hoàn nhà quê. Này! Có lần mình đi với bọn Phạm Tiến Duật, bọn Nguyễn Ðình ảnh, chúng nó cũng chịu đấy. Mà chúng nó giờ như ma xó ở đất này chứ đâu có ù lì như cậu. Có vẻ như ông không muốn nhìn lại tác phẩm ăn giải đó của mình. Nhưng tôi cứ "chì": - Chả lẽ anh định viết như thế mãi? Hỏi. Rồi tự trả lời: - Thế thì cũng như bọn em. Là kỹ sư mà không đề tài, không công trình, không tiền. Mà lại làm ở viện, "viện sĩ" chứ không phải chơi đâu. Nhưng bọn em thì chẳng ai biết đấy vào đâu, chẳng dối ai, ngoài ông nhà nước. Như thế có khi còn tử tế hơn. - ... - ...

                - Này! Ðọc đi! Và khép miệng lại! Ðừng nhiếc nữa! Ông nhét vào tay tôi một tập giấy đánh máy, rồi bỏ đi. Chắc ông quên không cúi người, đầu va đánh cộp vào cái khung trên cửa. Nhưng ông cứ thế đi thẳng. Tôi đọc. Rồi tôi để cẩn thận lên mảnh ván kê mấy viên gạch ông dùng làm chỗ viết. Rồi về. Tôi không nói gì lại với ông. Ông cũng không hỏi tôi.

                ***

                Dễ tới gần mười lăm năm... Từ lâu, ông đã rời căn phố nhỏ luôn âm vang tiếng chuông nhà thờ. Ông vào Sài Gòn, làm báo, lấy thêm hai ba đời vợ. Tôi thì đã ly dị vợ cũ và cưới vợ lần hai. Vợ tôi giờ cũng chẳng khác gì người vợ trước. Cũng tần tảo, bẳn gắt, có bằng đại học song không nhớ gì chuyên môn, vì đã ghi trong đơn xin việc: "Sẵn sàng làm bất cứ công việc gì tổ chức phân công". Song tôi đã thôi không thất vọng nữa về đàn bà. Tôi còn thấy mừng: đương kim vợ cũng giống cựu vợ. Không có các cô ấy dễ là tôi cũng giống như ông hồi còn qua lại nhà ông. Mà tôi thì chỉ thích đứng ngoài nhìn dân nghệ sĩ sống thôi. Bảo sống như họ, tôi vái. Mấy thằng như tôi chỉ thích đủ sống bằng lương, đi thư viện, xin được kinh phí làm đề tài, đề tài được ứng dụng. Ðấy là ban ngày, còn tối thì được về nhà, với vợ. Vợ tôi thích đọc lắm. Có rất nhiều thứ hợp tạng cô ấy. Cũng không đắt. Báo nào cũng ra phụ trương, chữ lòe nhòe, mù mịt, nhưng bán lại chạy. Nhà tôi đầy loại đó: "Hạnh phúc gia đình", "Công an Hà Nội", "Công an thành phố Hồ Chí Minh", "Tuổi xuân"... Tôi cũng nhiễm thói ham đọc những sách báo mang tính phổ cập toàn dân này của vợ. Ðọc chúng để còn nói chuyện với nhau.

                Buổi tối, trước khi mở máy chữ - công cụ lao động chính và phụ - vợ tôi bảo: - Có bài "Làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình khi các con đã lớn". Anh phải đọc đi! Tôi đọc. Bài ấy. Xong. Giở trang: "Mộ - Ðặng Hoàng - Truyện ngắn". Ðấy là cái truyện dạo nào tôi đã đọc. Tập giấy đánh máy ấy còn nhiều chữ viết tay khác: "In ngay" - Thế Hải - Biên tập viên - Tác giả "Ði Bước Nữa". "Hay" - Tô Ngọc. "Ðưa in rồi chuồn"... Một chữ ký loằng ngoằng. Ðại loại là những câu nửa nghiêm túc nửa cười cợt. Người viết là bạn bè cùng giới với ông, có nhiều người dân "ngoại đạo" chúng tôi cũng biết tên. Ðọc truyện, tôi nổi da gà. Dữ dội. Và buồn quá. Chẳng giống với những gì tôi học thời phổ thông hay những cái in ra hàng ngày. Tôi không nói gì lại với ông. Tôi đủ hiểu rằng truyện ngắn ấy không thể in được. Bạn văn cảm thông với ông, mừng với ông vì những dòng ông viết được. Nhưng lòng can đảm của họ, và của ông chỉ đến thế. Ông không dám đưa in. Mà cũng chẳng ai dám cho in một tác phẩm như vậy: Người cha - Ðứa con bị chối bỏ - Sự vô nghĩa của những lời kêu gọi - Sự phản trắc và đạo đức giả - Cái chết của đứa con và nỗi kinh hoàng của người cha khi nhận ra con mình - Sám hối - Nấm mồ và ký ức về tội lỗi - Không thể quên vì quên có nghĩa là tự tha thứ...

                ... Giá mà ngày ấy truyện của ông được in ra. Chắc sẽ lắm ồn ào. Những tác phẩm như thế, tôi tin là các ông vẫn âm thầm viết, âm thầm giữ cho mình. Ai? Trong số những nhà văn tôi đã gặp ở nhà ông? Ai? Trong số những nghệ sĩ tôi chưa gặp? Tôi hiểu vì sao giờ "Mộ" của ông được in ra. Nhưbg tôi không hiểu vì sao ông lại đưa in. Muối mặn để lâu tan thành nước chỉ còn vị chát. Mà sao ông lại cho in ở một tập san lá cải đến như vậy?

                Có lần vào Sài Gòn tôi gặp ông. Công ty tôi tổ chức lễ báo cáo thành tích cuối năm, mời cả nhà báo. Ông cũng tới. Hỏi ông chuyện nghề, ông không cười, bảo: - Giờ mình dừng viết truyện, làm báo linh tinh thôi. Cậu nhớ có lần mình bảo thà đừng gặp lại người yêu đầu đời không? Thiết tha lắm mà đến lúc được sống chung thấy nhạt hoét, đâm bực mình. Chỉ tại mình đuối rồi. Mình viết truyện ngày trước cũng thế. Viết mãi, viết mãi, cuối cùng chỉ để đôi ba thằng đọc với nhau, khen rồi muốn khóc với nhau. Giữ bản thảo mãi đến lúc được in thì chả muốn nữa. Ðọc lại, rồi đọc bọn trẻ bây giờ, thấy họ tinh, sắc hơn mình, cũng dũng cảm hơn lũ chúng mình, cả lúc này, cả trong thời trẻ như họ. Vậy là "dụt" luôn cho xong. Tôi rụt rè hỏi ông về truyện "Mộ". Mặt ông méo đi: - Vợ mình nó gửi. Nó bảo hết tiền chợ. Rồi ông cười.

                Hà Nội,1991
                #8
                  Nguyễn Đình 27.07.2005 20:58:21 (permalink)
                  Nợ



                  Ông Dụng chậm rãi đi chéo qua căn phòng về phía một cái bàn nhỏ. ở đó, có một người ngồi quay lưng lại phía ông. Vai ông ta hẹp, gồ lên một cách căng thẳng trong bộ quân phục sĩ quan đã tầu tầu. - Cậu Hiếu! Ðôi vai trước mặt ông giật nhẹ. Nửa phút... Một phút... Người đàn ông quay lại, mỉm cười: - Ông hỏi tôi? Có lẽ ông lầm tôi với ai? Tên tôi là Chính. Có mấy người đứng quanh đó tò mò ngoái lại khi nghe lối xưng hô trái tuổi của ông Dụng. Nhưng ông không để ý: - Không! Không phải! Cậu là thằng Hiếu! Cậu biết rõ rằng chúng ta không thể quên nhau! Tiếng cười lúc đó mới bật ra, giật cục, rổn rảng. Người đàn ông được gọi là Hiếu đứng dậy: - Trí nhớ chúng ta đúng là vẫn tốt. Tôi chỉ thử cậu một chút cho vui...


                  o0o

                  Lúc đó là cuối giờ họp mặt các cán bộ được đào tạo ở trường công an từ thời kháng chiến. Không hoàn toàn đủ mặt. Người đã nằm lại đâu đó mấy chục năm nay. Người đã mất vì tuổi tác. Những người đang hỉ hả nói cười đều đã trạc sáu mươi bảy mươi cả. Nhiều người đeo hàm đại tá. Có cả tướng. Cũng có người không mặc quân phục. Nhìn phong thái thoải mái của họ trong bộ âu phục cũng có thể đoán được đời họ xuôi chèo mát mái thế nào. ở tuổi này, những người như thế rất ham các cuộc họp mặt. Nhắc nhớ nhau một thời trẻ trung đi kháng chiến. Kể cho nhau nghe những thăng tiến trong đời, những hể hả và phiền não mà đám con cái mang lại... Về hưu, hết quyền, thiếu những dịp được cảm thấy mình vẫn sống như thế, tuổi già đối với họ giống như là tội nợ. Chẳng mấy ai chú ý tới hai ngườiđàn ông vừa nhận ra nhau.
                  Trừ một người. Ông ta ăn mặc hết sức giản dị. Nhưng nhiều người có mặt ở đó biết ông là tướng. Bên an ninh. Ông là người ngày xưa cả ông Dụng ông Hiếu đều gọi là anh. Dễ đã bốn mươi năm. Thời đó, kéo nhau từ Việt Bắc về Hà Nội, cơ quan đối với từng người cứ y như một gia đình. Từ một góc phòng, ông tướng lặng lẽ quan sát hai đồng sự cũ. Ông không nghe được câu chuyện của họ. Nhưng ông đoán được...


                  o0o

                  - Cậu có nghĩ sẽ gặp tôi hôm nay không Hiếu? - Tôi... Tôi không biết. Thì cuộc họp mặt này được tổ chức cho chúng ta mà! - Tôi ra khỏi ngành lâu rồi. Hơn ba mươi năm... Là dân công an, ra khỏi ngành có nghĩa là thế nào cậu biết rõ. Khôn ngoan thì sống co mình. Cậu nói cuộc họp mặt này dành cho cả tôi ư? Không đâu! Mọi cuộc họp mặt kiểu này đều dành cho người ít nhiều thành đạt. Tôi có thể nói gì với anh em cũ ở cơ quan bộ về cuộc đời tôi gần bốn mươi năm qua? Tôi đến đây hôm nay là để gặp cậu. Tôi có ý tìm cậu suốt ngần ấy năm. Cậu sống ra sao từ bấy? - Tôi được biệt phái sang bộ đội ngay sau dạo ấy. Làm bên an ninh quân đội. Trong thành (1). Sau thì đi B. Cũng chẳng hiểu sao còn sống tới bây giờ. Lứa bọn mình ở lại công an các cậu ấy hầu hết là đại tá. Có cậu nhảy nhanh hơn nữa. Còn tôi thì hì hục mãi cũng chỉ đại tá.... - ừ, kể thế là cũng chậm. Bên bộ đội, lại đi B, nếu không chết thì thường lên nhanh hơn. Cậu lại có bằng cấp. Dân mình đi Nga về từ những năm 60, 61 đâu có nhiều. Mà có về thì một lô một lốc bị coi là xét lại. Cậu thế thì quả là lên chậm thật. Nhưng thôi, cái chính là cậu vẫn sống. Bây giờ ở đâu? Vợ con sao rồi? - Sau 73 tôi trở ra. Cuối năm ấy lấy vợ. Cơ quan anh em giới thiệu. Sốt rét bạc người. Chẳng biết có phải vì thế mà chậm con không? Giờ nhà tôi ở Kim Giang. Lẽ ra đại tá phải ba phòng, nhưng chờ mãi đơn vị không có nhà, đành nhận hai phòng vậy, chứ về hưu rồi thì... Thằng con tôi giờ mới mười lăm. Khéo mình chết mà nó vẫn chưa kịp nên người. Tôi sống cũng buồn. Mẹ nó chiều nó quá... Người hỏi vẫn là ông Dụng: - Cậu giờ gọi là Chính à? Chính với Hiếu tôi thấy có gì khác nhau đâu. Ðấy là do yêu cầu công tác hay là tự cậu? - Tự tôi! Nhưng sao cậu căn vặn tôi mãi thế? - Ông Hiếu bất chợt bốc lên - Cậu đến cuộc họp mặt này cốt để gặp tôi. Vậy thì cậu hãy nói... - Phải! Tôi đã định nói với cậu. Về chuyện ấy. Nhưng gặp cậu rồi thì tôi không muốn nữa. Cậu đã không quên được tôi. Thế là đủ. Chúng ta vẫn còn sống. Ðiều ấy mới đáng nói. Tôi ngày ấy không may mà lại thành may. Ra khỏi bộ Công an (2), hồi đánh phá tôi chỉ bị động viên vào đám sao vuông (3). Ði bộ đội thì không thể, không đủ tin cậy. Nhưng tôi đã nhiều lần muốn chết. Sống cũng là vì mấy mẹ con nhà nó. Cậu không thể hình dung được sự khủng khiếp khi phải sống gần như suốt đời trong ngờ vực bỉ báng. - Nhưng ngày đó cơ quan đâu có ý thải hồi cậu. Tự cậu xin ra cơ mà! - Phải! Tôi tự xin ra. Sau ngần ấy ngày ngồi trong đó, tôi không còn muốn ở lại bộ Công an nữa. Thế đấy! Cậu cũng không cần phải hối hận nhiều. Cậu chỉ có mặt trong đoạn đầu cuộc sống của chúng tôi. Phần sau, cái phần gần bốn mươi năm qua, tự tôi chọn. - ?..?... - Tôi sợ. Những nguyên tắc khép chúng ta trong ngành tàn nhẫn quá. Cậu nhớ anh Hệ chứ? ở phòng Chính trị ấy.Trước khi tôi bị nạn, anh em ai cũng tưởng anh ấy sang phái khiển (4) và đi xa. Tới hồi tôi lâm nạn, tôi gặp anh ấy. Lúc ấy đã bốn năm nằm trong đó, không án. Sau này ra, anh ấy vẫn tiếp tục làm ở bộ. Tôi thì tôi không thể. - ... Còn Hương? Cô ấy giờ ra sao? Lũ trẻ nữa? - Hương đã mất gần hai mươi năm nay. Một năm sau giải phóng. Hồi tôi bị nạn, chắc cậu chưa quên, Hương sinh con bé thứ hai. Rồi thôi luôn. Hương đã chạy khắp nơi, đòi thả tôi, hoặc đem tôi ra xử. Sau này, Hương lại chạy đòi minh oan cho tôi. Chúng tôi lo các cháu bị ảnh hưởng đến mụ người, nhất là hồi thằng cháu lớn thi đại học - ...!...! - Hương đã sống khổ sống sở một đời. Vì chúng ta. Nhưng cô ấy chưa bao giờ trách cứ tôi cả. Cũng không bao giờ nhắc tới cậu. Chúng tôi cố sống vì các cháu. Lúc tôi được ra, anh Kỳ gọi tôi lên, cho biết dự kiến phân công công tác lại cho tôi của tổ chức bộ. Nhưng tôi từ chối và xin ra khỏi ngành. Tôi đã tin. Bao nhiêu năm. Rằng cái ngành đã chọn tôi từ hồi còn là một thằng choai choai ở Việt Bắc là ngành trong sạch nhất. Ngày đó hình như ai cũng sống vô tư thế... "Thanh thản một gia tài vơi nửa ba lô - Còn nửa kia chứa đầy mơ mộng - Những ý nghĩ ngây thơ sa trường vó ngựa - Tấm áo hào hoa sự tích li kì - Trong quán tản cư những đêm ấm lửa - Chúng tôi gõ đàn hát khúc phân li... Ðấy! Có lần tôi đọc thấy một ông nhà thơ viết như thế đấy (5). Thật là đúng. Rồi thì tiếp quản thủ đô, cứ ngỡ đời chỉ đẹp thế trở lên... Tôi vỡ dần ra rằng ở trong cái ngành này người ta không thể sống như người ta muốn, dù ý muốn ấy hợp đạo. Cái việc liên quan đến chúng ta người ta có thể thẩm tra bằng nghiệp vụ chỉ trong vòng nửa tháng. Nhưng người ta đã không làm. Chỉ xin một tờ giấy chứng thực rằng tôi bị oan, không có sai phạm gì cũng không ai dám cấp. Thật không thể nào tin được. Mà đấy là cả một cuộc đời... Thế mà Hương vẫn ở cùng tôi. Sau tất cả những nông nỗi ấy... ... Tiếng ông Dụng chợt khàn hẳn, lôi ông Hiếu trở lại vùng có thực: - Tôi tự xin ra trong cảnh đấy nên không được hưởng chế độ chuyển ngành. Phải bắt đầu lại từ đầu. Từ một chân thợ. Hương ốm lai rai kể từ hồi ấy. Hai cháu còn nhỏ. Từ lương cán sự năm, tôi chỉ còn một phần ba khi học việc. Nhà máy Trần Hưng Ðạo. Thợ nguội. Khổ vì thiếu. Khổ vì tủi. Nhục nữa. Nhà máy người ta xì xào rằng tôi bị đuổi khỏi ngành công an. Biết nói thế nào?! Vợ chồng tôi cố sống để con mình được như con người. ở chiến trường gặp bom còn được chui hầm, nếu có hầm. Còn tôi... Thời chiến tranh đánh phá, B 52 rải thảm dọc Khâm Thiên, dân thì lao xuống hầm trú ẩn, tôi thì dẫn anh em tự vệ lao lên sân thượng bắn máy bay. Rồi cứu người. Xung quanh là hố bom, là bom bi, bom nổ chậm... Sợ lắm. Nhưng lại nghĩ là nếu có chết vào lúc đầu đội mũ sắt, không sao tròn thì cũng sao vuông, vai khoác CKC, tay đeo băng đỏ, tôi sẽ là liệt sỹ, vợ tôi sẽ là vợ liệt sỹ, con tôi sẽ là con liệt sỹ. Cái án không thành kia sẽ không còn bị nhắc tới, vợ con tôi có khổ thì cũng là khổ kiểu khác, coi như hy sinh đời bố củng cố đời con. Tôi kể cậu nghe rồi đấy: Cơ quan khi tôi đi từ chối minh oan cho tôi. Anh Hoàn lúc còn sống có lần đi dạo gặp tôi, quãng gần nhà anh ấy, chỗ hồ Ha-le (6) ấy, bảo tôi: " Là người Cộng sản thì ở đâu cũng chiến đấu được". Nghĩ buồn cười. Nhà máy thấy tôi hăng hái thế dập dình kết nạp Ðảng mấy lần mà không thành. Nghe ông phó bí thư sang thẩm tra lý lịch bên bộ Công an về kể lại, có anh nào vụ Tổ chức trả lời miệng rằng tôi không có sai phạm gì, rằng cái việc xảy ra trước đây với tôi là chuyện thuộc về nghiệp vụ ngành: " Bên các anh thấy cậu ấy xứng đáng thì cứ kết nạp. Chứ còn yêu cầu một văn bản minh oan cho cậu ấy thì không thể. Như thế thì quá bằng đòi thủ trưởng của chúng tôi thừa nhận sai lầm ". Kết cục tôi vẫn là người ngoài Ðảng. Thế có được coi là người cộng sản không nhỉ? Bao nhiêu lần tôi muốn hỏi anh Hoàn điều ấy. Khi anh ấy mất, tôi cũng đến viếng. Tôi đã hỏi thầm anh ấy như thế. Có lẽ thế cũng là không phải...


                  o0o

                  Ðã có người lục tục rời phòng họp. Hể hả. Bùi ngùi. Ông Dụng và ông Hiếu vẫn ngồi yên. Chỉ có họ làm chứng cho cuộc đời họ. Ông Dụng thấy lòng thanh thản. Còn ông Hiếu thì xót xa. Chưa bao giờ ông xót xa như thế. Nhưng hình như họ đã được giải thoát. Từ một góc phòng, ông tướng đứng dậy đi ra cửa. Bốn mươi năm trước, ở bộ Công an, ông là trưởng phòng của ông Dụng và ông Hiếu. Hồi đó họ gọi ông là anh, coi ông như anh.


                  o0o

                  Ông biết người nọ đã đẩy người kia vào tù.

                  Chú thích:
                  1. Thành: thành cổ Hà Nội, nơi Hoàng Diệu đã tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ bởi thực dân Pháp. Bộ Quốc phòng dùng di tích lịch sử này làm trụ sở suốt mấy chục năm nay.
                  2. Bộ Công an: Tên cũ của bộ Nội vụ ngày nay.
                  3. Sao vuông: một thứ phù hiệu đính trên mũ sắt của lực lượng tự vệ, hoạt động hỗ trợ cho quân đội chính quy.
                  4. Phái khiển: một bộ phận nằm trong bộ Công an, phụ trách điệp báo.
                  5. Trích từ " Nhìn lại Ðiện Biên " - Xuân Sách.
                  6. Hồ Ha-le: tên cũ của hồ Thiền Quang.

                  #9
                    Nguyễn Đình 27.07.2005 21:00:05 (permalink)
                    Về làng



                    Tôi định đi lần này là không về. Ði hẳn. Chính tôi cũng bất ngờ khi đột nhiên nghĩ mình sẽ làm thế. Có thể vì cả lần lấy chồng thứ hai này tôi cũng là người thất bại, dù rằng lần nào tôi cũng là người đâm đơn ly dị. Cũng có thể là tôi chán. Chán hết. Cái cảm giác này thật đáng sợ. Nó làm người ta không buồn không vui được nữa. Ngày nào cũng chạy nhắng lên vì việc nọ việc kia mà rồi vẫn không biết làm gì cho hết ngày. Những sáng chiều ở cơ quan, dịch vài ba tài liệu, đan một cái áo, giũa móng tay... Những giờ đảo ra chợ, tạt vào tiệm cắt tóc, ăn một đĩa ốc nóng... Những lần đi nước ngoài. Tôiđi nước ngoài khá thường.
                    Tôi học ngành hóa điện ảnh. Về nước xoay sang làm phiên dịch để lọt được vào cơ quan bộ Y. này. Ông chồng thứ hai của tôi lại là dân "tổ chức". Lý do nọ luôn là sự thay thế hợp lý cho lý do kia mỗi lần có ai đó rách việc thắc mắc rằng sao cái Hạnh được đi lắm thế.

                    Bắt đầu lại từ đầu ở xứ người vào tuổi ngoài ba mươi như thế nào tôi không hình dung được. Biết là chẳng dễ dàng. Biết là sẽ vất vả. Nhưng cái ý nghĩ kia đã đến rồi và ở tịt trong đầu tôi và tôi dù kinh ngạc về mình vẫn biết chắc chắn mình sẽ làm gì. Mọi sự nói thì nhẹ nhõm nhưng cái chuyện ra khỏi nước ai cũng biết phải giữ mồm cho tới lúc máy bay cất cánh. Ðấy là nói chuyện đường thẳng, nói chuyệnđi công tác.
                    Tính chuyện một đi không trở lại như tôi thì càng phải một mình mình biết một mình mình hay. Giấy tờ đã chạy xong. Vé máy bay đã đặt. Và tôi về quê trước ngày lên đường. Cả quyết định này của mình tôi cũng không hiểu. Ðã hơn mười năm rồi tôi không về làng. Tôi còn gì ở đó? Mộ bà nội. Gia đình bà cô và mấy đứa em sàn sàn tuổi chị em tôi nhưng già sớm vì chồng con sớm. Hàng năm, dịp áp tết, bố tôi bao giờ cũng tự mình đạp xe về quê để hương khói cho bà và đi lễ họ. Hàng năm, có mấy lần giỗ trọng, bà cô tôi hoặc tự đi xe khách ra Hà Nội hoặc sai một đứa con ra góp giỗ. Những cuộc đi đi về về ấy đối với tôi thế là đủ để yên tâm mà quay cuồng trong những phi vụ làm ăn. Khoảng cách giữa những phi vụ ấy là những giờ chạy chọt chỉ trỏ. Rất nhiều giờ. Rất nhiều ngày. Năm kéo theo năm. T Thế nhưng tôi đã về làng. Ðột ngột tôi hiểu rằng phải làm được điều này rồi có biến đi đâu thì mới biến. Bà cô tôi ớ người khi tôi phóng xe ào vào ngõ. Nắng ơi ơi nhưng cô tôi vẫn cào rơm ra phơi. Thấy tôi, bà quăng luôn cái sào gảy rơm giữa sân, réo: "ớ chúng mày!" Mấy đứa cháu họ tôi không rành mặt từ đâu cõng nhau chạy về, nhìn tôi lạ lẫm và bẽn lẽn. Mấy đứa em con cô tôi lấy chồng gần cũng lếch thếch chạy sang chào chị. Ðứa nào cũng quần xắn tới bẹn. Xà cạp bết bùn quấn từ đấy xuống mắt cá. "Gặt đồng Trằm, sao năm nay lắmđỉa quá chị ạ".
                    Giọng đứa nào cũng hỉ hả chẳng ăn nhập gì với lời than vãn: "Cứ tưởng chị quên cả đường về làng rồi"...

                    Khi nhà vãn người thì tôi lại nghe tiếng mấy đứa cháu chào ai đó. Một người đàn bà gầy, da khô, đứng phủi chân ngoài bậc cửa. Gương mặt không thể đoán tuổi. Cả cách ăn mặc cũng vậy. Quần lụa ống ngắn, gấu viền nhỏ, quăn quăn ở khoeo chân, áo cổ bẻ màu sáng, rất sạch. Bà cô tôi đánh tiếng từ ngoài sân: - - Mẹ Hoán vào đi. Hạnh ơi, cái Ðoan nó sang chơi này. Cô gặp nó ở dốc bến, bảo nó mày vừa về. Ðoan! Là Ðoan đấy sao? Ðoan da bánh mật. Ðoan mắt sáng. Ðoan răng ngô nếp. Ðoan dáng đậm thường cầm càng xe cải tiến cho tôi gò lưng đẩy năm nào đào hầm tránh bom ở trường làng. Ðoan hộc tốc chạy đến nhà tôi hổn hển: "Anh Bảo tao vừa ở ngoài tỉnh về. Nhà mày ở chỗ nào? Anh Bảo tao bảo là Hà Nội có phố gì bị B52 tan hết cả..." Tôi học cùng Ðoan hai mươi năm về trước. Là do bà tôi nhất mực bắt bố mẹ tôi đưa tôi về cho bà, không để tôi đi sơ tán theo trẻ con cơ quan bố mẹ. Tôi nhớ ngày đó Ðoan giỏi toán kinh khủng. Có vẻ như đột biến về gien trong nhà Ðoan. Anh Bảo Ðoan cũng giỏi toán. Ðoan. Thằng em Ðoan cũng vậy. Anh Bảo đáng ra đã là thầy giáo dạy cấp ba. Số anh ruồi. Sắp tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội 1thì chiến tranh đánh phá lan rộng. Anh Bảo bị trả về điạ phương. Anh còn cố thắng số phận lần nữa bằng cách thi vào một trường đại học ít tiếng tăm hơn ở Xuân Hòa. Nhưng rồi Mỹ lại leo thang. Miền Bắc lại bị oanh tạc. Anh Bảo lại phải về nhà. Lần này thì anh cam phận. Tôi còn nhỏ, chỉ nghe lào thào rằng lý lịch anh có vấn đề. Vấn đề gì thì chịu. Chỉ biết là bà mẹ nhà quê đặc. Ông bố anh bao giờ cũng mặc quần áo nâu, đi tập tễnh, đặt báo Nhân Dân và để hẳn một thẻo đất chỗ cửa sổđầu hồi trồng hoa. Có vẻ như nhà ông là nhà duy nhất trong làng làm thế. Khi trở ra Hà Nội học, tôi vẫn hay hỏi thăm Ðoan.
                    Nhà Ðoan với nhà chồng cô tôi là chỗ họ hàng gần. Rồi tôi lớn lên. Rồi tôi vào đại học và đủ điểm đi nước ngoài. Rồi tôi đi làm. Mỗi dịp cô tôi ra Hà Nội, tôi vẫn hỏi thăm mấy đứa bạn cũ, nhưng chưa bao giờ tính chuyện tìm gặp lại nhau mỗi bận về làng. Người đàn bà ngồi ghé một đầu phản, đối mặt với tôi. Cảm như có mùi băng phiến, mùi nắng khét phảng phất. Ðoan giơ tay kẹp lại mớ tóc mỏng, trông xơ xơ, bảo cô tôi: - - Mợ dừng tay sang không thầy u cháu đợi. Cơm nước đã làm xong cả. Và quay sang tôi: - - Nhà Ðoan hôm nay có giỗ. Lát Hạnh sang ăn cơm luôn thể. Thằng Ðệ nhà Ðoan năm nay ngày giỗ cũng thu xếp về được. Hạnh còn nhớ nó không?N Nghe lạ lùng. Cái cách xưng hô ấy. Tôi chỉ quen xưng tên với bạn học ở thành phố. Ngày trước Ðoan thường mày tao với tôi. Sau này trở về làng, thấy bạn bè đã chồng con quay ra gọi nhau theo thứ bậc trong họ ngoài làng, đầu tôi cứ rối tinh. Nay Ðoan xưng tên và gọi tôi là Hạnh, nghe là lạ, nhưng nhờ thế mà tôi hết bối rối.

                    Ðoan cũng như tôi. Cũng hai đời chồng. Ðoan hơn tôi một tuổi. Vậy thì đâu phải tôi cao số, hai lần đò đắm vì tuổi Hổ. Có điều tôi khác Ðoan. Cả hai đời chồng tôi đều tự chọn, rất cẩn thận, rồi tự bỏ khi thất vọng. Nhưng tôi phải nói rằng những nguyên chồng tôi đều là những người đàn ông tốt và có lẽ họ không may khi gặp tôi. Ðời chồng đầu của Ðoan tôi biết. Cậu ta cùng lớp với chúng tôi. Ðán. Ðán học dốt. Và bẩn. Vành tai như vành tai trâu bò dù ngày nào mùa hè tôi cũng thấy cậu ta lặn hụp dưới sông. Trước chúng tôi toàn ghẹo Ðán là thằng thối tai đái dầm. Ðán đúp hai năm lớp sáu, ở nhà theo trâu và đi củi (1) cho tới tuổi nghĩa vụ. Ðoan về làm dâu nhà Ðán trước ngày Ðán đi bộ đội. Sáu năm trời. Khi đó Ðoan đã xong lớp chín trường cấp ba huyện. Vẫn rất giỏi toán. Cả trường huyện biết tiếng. Nhưng bố Ðoan nhất mực bắt thôi học. Anh Bảo lúc đó đã thành thợ may làng và đã có vợ không hề phản đối ông bố. "Trông tao đây này!" Anh chấm câu bằng cách đạp cái máy may mới tậu xành xạch một hồi.- - Thế là Ðoan hết đường. Thằng Ðệ nghĩ thế nào năm sau cũng tự bỏ học xin đi bộ đội. Bây giờ nó đóng quân ở Sơn Tây. Thành lính chuyên nghiệp rồi. Có lần nó bảo nó cố sao có hàm đại tá khi về hưu. Ðoan kể và cười. Nụ cười bình thản của Ðoan tôi không hiểu. Vào thời gian đó thì tôi đã ít về làng. Tôi lên lớp mười, lo thi tốt nghiệp rồi thi đại học. Sáu năm học ở Nga, tôi qua bốn mối tình chính thức. Còn Ðoan, một đời chồng.Ðoan kể Ðán giờ ít về làng. "Ðán lấy vợ thiên hạ rồi Hạnh ạ. Chẳng đâu vào đâu tự dưng Ðoan với Ðán vác cái tiếng chê nhau, vác cái tiếng một đời vợ một đời chồng. Con em Ðán hồi Ðoan còn bên nhà ấy toàn chui vào buồng ngủ với Ðoan giờ cũng theo anh chị ăn cơm thiên hạ. Hôm rồi về làng nó tới thăm kể Ðán giải ngũ rồi. Giờ chở gỗ đường trường kiếm khá lắm. Mà ba con rồi." Ðoan cười thành tiếng:- - Hồi còn chưa bỏ nhau, Ðoan cứ bị chị em trêu là cauđiếc. Nói ra thì buồn cười chứ bọn mình với nhau trước
                    thì chả thành bạn bè dù cùng học, sau thì chả thành vợ chồng dù cùng gọi các cụ hai bên là thầy u. Ðoan cười. Ðôi mắt Ðoan bình thản. Hay là không còn cảm xúc? Hay là Ðoan cam chịu đến không còn mặc cảm? ồ... Tôi... Tôi đã qua bốn đời người yêu thời sinh viên, qua hai đời chồng. Sáu mối tình. Bạn bè thân bảo tôi là con digan. Tôi sống liều lĩnh, phóng túng, nhưng tôi chưa bao giờ đủ can đảm nói về mình như Ðoan... ... Trưa ngả sang chiều. Nắng vẫn ơi ơi làm mỏi mắt khó chịu. Một thằng cu người còi còi, mặt đầy vết lang ben nhảy phốc lên thềm rồi lúng túng thập thò bên cửa. Thằng con Ðoan. Nó được lệnh ai đi réo mẹ về:- - Ông hạ mâm rồi mẹ. Mau lên mẹ.- - Cha thằng háu đói. Vào thì phải chào cô đã chứ. Mày chạy về trước rồi mẹ với cô đi ù sau. Thằng bé lại nhảy đánh phốc từ trên thềm xuống sân, làm bầy gà đang lục tục bới rơm táo tác cả lên. Tôi ngạc nhiên thấy nụ cười Ðoan đổi khác. Vẫn lặng lẽ như thế, nhưng như có ánh sáng ùa vào. Không dưng tôi lại xúc động. Với cả hai đời chồng, tôi đều không có con. Ðã một lần tôi có mang. Nhưng lần đó chồng tôi khuyên nên bỏ để không nhỡ chuyến đi Pháp. "Một năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga". Người ta thường nói thế. Anh cũng bảo thế. Lại bảo: "Con trong bụng cả bầy, muốn gọi ra lúc nào mà chẳng được". Tôi nghe thấy phải. Sau đó thì tôi không làm sao có mang lại. Bệnh viện bảo là tôi không có cái hứng cần thiết để mỗi lần gần gụi có thể kết qủa... Giả dụ lúc này tôi đã có con, liệu tôi có toan tính chuyến đi này? Trong bữa cỗ, tôi ngồi cùng mẹ con Ðoan. Thằng bé náo nức được ăn cỗ là thế nhưng nhoáng cái đã bỏ mâm tót ra sân với mấy đứa trẻ. Ðoan nhìn theo con, bảo:- - Cháu mười tuổi rồi đấy Hạnh, mà tồ thế đấy. Nó học toán cũng được như mình ngày trước ấy. Ông nội nó là trưởng họ Ðàm. Sau này nó cũng là trưởng họ. Ðoan chỉ mong sao giời thương cho mạnh chân khoẻ tay mà nuôi nó ăn học đến đầu đến đũa. Học Sư phạm. Rồi xin về trường huyện, gần nhà dễ chạy đi chạy về. Chứ làm trưởng họ mà không quản được việc làng việc nước thì rồi chết với họ hàng... ý nghĩ thằng cu mười tuổi ngày mai sẽ lên làm cái việc hưng bái của họ Ðàm - họ to nhất làng - làm tôi buồn cười. Rồi lại đâm chán nản vì cái vẻ tự hào trang nghiêm của mẹ nó về nó. Chẳng lẽ sống chỉ là để thế, để không một ai trách cứ. Tôi không thể nào lập chương trình trước cho đời mình như thế. Ðoan dường như vẫn chưa thoát ra được những ý nghĩ về con:- - Ðoan cứ ao ước thế mà chẳng biết có thành không? Chắc đến thời chúng nó thì chuyện học hành cũng dễ dàng hơn phải không Hạnh. Có điều nghe nói tốn kém lắm. Nó cũng biết phận nhà nghèo. Sau này, may ra nó vào được đại học, thể nào Ðoan cũng phải nhờ Hạnh trông nom cháu ngoài đó. Rồi thì về quê dạy. Xin về quê chắc không khó lắm đâu Hạnh nhỉ? Tôi không hiểu những ao ước của Ðoan. Nó mới tội nghiệp làm sao. Như của một bà già. Mà chúng tôi còn trẻ thế. Tôi không thấy sợ cái tuổi ngoài ba mươi của chúng tôi. Tôi chưa cảm thấy ở tuổi này mình đã già, dù rất biết rằng mắt chẳng còn trong, tóc chẳng cón bóng nữa. Tôi chẳng biết phải nói thế nào với Ðoan. Rằng Ðoan chẳng cần lo sớm thế ư? Rằng tôi sẽ chẳng thể giúp mẹ con Ðoan, tôi sẽ không còn ở Hà Nội nữa ư? Mà có thể Ðoan đâu cần đến tôi. Ðoan chỉ cần được nói ra những ao ước chắc là không bình thường ấy trong mắt người làng. Cười và lặng im nghe có lẽ là hay nhất.

                    Buổi chiều nắng hết ơi ơi mà rực lên như nắng những ngày sau bão. Tôi đi thăm mộ bà tôi. Khi đưa bà về quê, cả nhà đã chọn chỗ đồng khá xa làng, nghĩ như thế bà lúc nào cũng được nằm chỗ quang đãng mát mẻ. Mười năm. Làng phình ra. Ðồng co lại. Mộ bà tôi bây giờ thành ra nằm sát bìa làng. Tôi nhìn lên trời. Chỉ trên kia là mênh mông. Mây xốp và bàng bạc xám như là khói hương từng lúc tụ lại thành từng tảng nặng nề, từng lúc lại tan đi để lộ một vầng mặt trời rất to, rất chói. Lúc tôi về tới nhà thì bà cô tôi đang ngồi ôm đứa cháu ươn người. Ðứa em dâu có chị nên về sớm loay hoay trong bếp cơm nước. Cô cháu tôi ngồi nói chuyện lan man. Chuyện hụi ở làng. Chuyện góp tiền kéo điện về làng mà chờ cả năm giời không thấy điện. Chuyện Ðoan. Hóa ra bố của thằng con Ðoan đã mất. Bà cô tôi chép miệng:- - Nó phục viên về thì con vợ ở nhà đã sinh hư. Về thì bỏ. Con mẹ Hoán lúc đó đã phải cắp quần áo về nhà bố mẹ vì thằng chồng bỏ lửng. Thằng tệ thế! Không ở thì nói sớm cho nó về. Con Ðoan lấy thằng sau này không cưới hỏi gì. Lệ làng bố mẹ nào gả con hai lần. Họ nhà thằng Hoán không chịu. Họ bảo gái bị chồng rẫy thế nào cũng chứng nọ tật kia. Rõ nói nhăng lấy được. Dâu nhà đấy rẫy chồng thì chắc là gái ngoan đấy. Mẹ thằng Hoán đẻ được thằng Hoán thì bố nó theo chúng theo bạn đi đào đá đỏ đâu mãi trong Nghệ. Cũng là vì túng quá. Về người cứ thũng ra. Nằm viện chán thì bệnh viện trả. Võng về đến nhà mấy tháng thì chết. Khổ. Con mẹ Hoán nó đẻ phải cái giờ gì mà số khốn số nạn... ...Những câu chuyện như từ trong bóng tối tuôn ra, như dẫn bóng tối về xóm nhỏ. Trong nhà ngột ngạt. Tôi bước ra thềm. Trăng đã lên. Ban ngày nắng ơi ơi thế mà đêm trời thật trong. ở nơi chưa có điện này ánh trăng sao mà xanh. Tôi đi ra bến sông. Trăng lung linh lặn vào sóng nước. Tôi gặp Ðoan dẫn con đi tắm vừa lên tới đầu bến.Chúng tôi ngồi bên nhau. Ðêm chưa khuya nhưng bến sông yên vắng. Tiếng những thân tre cọ vào nhau nghe nổi da gà. Còn thiếu tiếng gì? Phải rồi! Tiếng sung chín rụng nghe đánh tõm. "Cây sung...?" "Mấy ông ủy ban cho chặt lâu rồi Hạnh ạ. Nghe đâu thân cây rỗng thành bộng lớn". Bất chợt Ðoan nao nức:- - Xuôi sông là tới Xuy Xá đấy! Hạnh nhớ không? Nhớ! Sao không nhớ? Xuy Xá. Ðình tám mái sân đầy hoa gạo và cứt chim. Bãi dâu xanh mênh mông. Hoa muồng muồng vàng rực. Chợ Lai Thụ toàn thịt chuột và táo bột. Triền đê tre triền miên rì rào.Ông bà chủ nhà trọ với những vào ra âm thầm... Chúng tôi đã từng ở đó một tháng vào năm lớp bảy. Kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc năm đó tổ chức ở cái làng heo hút ấy. Máy bay Mỹ oanh tạc khắp nơi. Một kỷ niệm như thế quả thực không dễ có trong đời đi học. Nhưng tôi không bao giờ đào xới mình để nhớ, vì nó hắt hiu làm sao. ừ, hắt hiu, nhưng biết đâu với Ðoan chẳng là một vầng mây ấm mang cho Ðoan những niềm vui không bao giờ cũ. Mà có khi đó còn là điểm khởi đầu những ao ước hôm nay của Ðoan, những ao ước lớn lao, tội nghiệp mà không hiểu sao khi nghe tôi lại thấy buồn cười. Trăng lên rất nhanh. Tròn. Sáng lạnh. Như một cái đĩa được cắt ra từ một tấm kim loại có độ phản quang cao. Tôi rùng mình. Nghe Ðoan hỏi Hạnh ơi bao giờ Hạnh lại về. Tôi muốn nói Hạnh đi lần này lâu lắm. Tôi muốn nói Hạnh về làng lần này là để đi hẳn. Nhưng rồi tôi chỉ nói rằng Hạnh chưa biết. Có lẽ tôi chưa biết thật. Tôi không muốn lập chương trình cho đời mình nên tôi cũng không muốn đoán trước những khúc quanh trong đời mình. Tôi sống như dòng sông đang trôi dưới kia. Trước một dòng sông, đôi khi người ta chỉ muốn gào lên đừng trôi sông ơi! (2)

                    Chú thích:
                    1. Đi củi: vào rừng lấy củi
                    2. Nguyễn Huy Thiệp: Chảy đi sông ơi.
                    #10
                      Nguyễn Đình 27.07.2005 21:01:46 (permalink)
                      Mùa đi



                      Khánh tới vào lúc Nhã đang mồ hôi mồ kê chúi mũi vào đống áo dài chưa vén gấu. Ngọn đèn bàn nhỏ hắt từ sau vai xuống tạo thành những vũng tối sáng khôngđều nơi Nhã ngồi khiến mắt Nhã dường như sâu xuống. Thảo em Nhã chặn trước: - Bọn anh lại định rủ chị Nhã đi đâu đấy?
                      - Sầm Sơn. Bọn anh chuẩn bị hết rồi. Em có... Thảo tru tréo: - Không được đâu! Hàng một đống thế này một mình em làm sao kịp! Ðứt lưỡi người ta mới giao mình gia công, không trả đúng ngày mất mối như bỡn. Khánh nịnh nọt: - Chị Nhã sẽ thức khuya làm đỡ em. Thế Nhã nhé. Em cố một tý hộ chị ấy. Ðại hội thường niên của bọn anh lần nàyđấy. Về anh kính biếu...
                      Cháu chào bác ạ! Hôm nay oi quá bác nhỉ? Về anh kính biếu hai chục bánh đa. Ðược rồi! Một buồng dừa tươi. Tha hồ cho bọn em "đập phá"! Mẹ Nhã thu xếp xong chỗ ngồi khâu ở đầu giường, loay hoay tìm kính: - Kính mẹ đâu rồi hai đứa? à đây. Ðược rồi! Các anh các chị cứ đi đi. Một mình tôi xoay xở cũng kịp. Hè này dân tìnhđi Sầm Sơn sớm nhỉ! Nhưng trời oi thế này
                      khéo mai vào đó là động biển. Thảo có định đi cùng chị Nhã không con? - Dạ không mẹ! Ðể khi nào chị Nhã về đỡ mẹ thì con rủ hội con đi. Ði với mấy chị... ấy sợ lắm! "Ranh con vênh váo. Xem có vui vẻ trẻ trung được mãi không!" Nhã nghĩ, thờơ. Rồi hờ hững quay qua Khánh:
                      - Thì đi. Mai mấy giờ xe chạy?

                      ***

                      Chuyến đi biển do công đoàn cơ quan Khánh tổ chức. Khánh ghi tên cho cả lũ bạn còn chưa vợ chưa chồng và còn thích bìu ríu nhau. Rủi ngay từ đầu. Bảo sáu giờ xe khởi hành mà mãi tám giờ xe mới tới. Bát phở ăn từ lúc bảnh mắt đã tan thành nước từ lúc nào, cứ chốc chốc lại phải e dè đứng lên đi vào toalet, lại phải cười cầu tài trước cửa toalet với mấy bà cùng cơ quan Khánh mặt mũi đầy vẻ khinh khỉnh và ăn mặc ra vẻ trẻ trung đến ngứa mắt. Và rồi ra lại phải sà vào hàng nước ngoài cửa cơ quan tán gẫu cho đỡ nóng ruột. Hà Nội. Sầm Sơn. Có trên hai trăm cây số mà đi hết gần sáu tiếng đồng hồ. Xe chuyển bánh vào lúc mặt trời đã lên. "ở nhà quê khéo giờ này người ta đã cày xong một sào rồi đấy nhỉ?" Cười nói một hồi rồi cả xe lơ mơ ngủ trong cái nóng như rang. Nhã lì lợm chiếm chỗ sát cửa sổ, tỉnh bơ trước những cái lườm nguýt đầy vẻ ngạc nhiên của mấy bà mấy cô cơ quan Khánh. Khánh ngồi bên, quàng tay lên thành ghế của Nhã. Ðúng tầm gáy Nhã khi ngả đầu. Trong giấc ngủ nhọc nhằn, một ý nghĩ dễ chịu cứ râm ran lan tỏa: Thích thật. Thích thật. Thích thật...

                      Lúc xe dừng, cảm giác ấy không tan, không loãng. Tự dưng Nhã thấy mình muốn làm nũng. Với bất kỳ ai. Tiện nhất là với Khánh. Biết nhau quá rồi. Ðứa bàn trên đứa bàn dưới suốt ba năm cấp ba. Từng bao che cho nhau làm việc riêng trái giờ. Từng can tội cho nhau quay bài. Từng quáng quàng đuổi theo những mối tình đại học cứ tưởng là lãng mạn trong sáng tuyệt đối, cứ tưởng là vĩnh viễn rồi lại bò về tụ tập trong một hội. ở nhà mà tự dưng lại đâm dịu dàng với nhau thế này thì đúng là dở chứng. Nhưng cách Hà Nội hẳn hai trăm cây, trước biển, ai cũng phải nhỏ lại và mọi sự đều có thể.

                      Buổi tối, cả lũ kéo nhau ra bãi. Trời âm u. Mây biển đen rầm. Sóng như một đàn rắn đen ngoi ngóp trườn vào bờ, vỗ những nhịp đều và nặng nghe tức ngực. Trăng khó nhọc trồi lên trên sóng, to và xanh. Trăng lên, nhìn mây càng thấy đen rầm. Một cô bạn thì thào: - Nhìn sợ nhỉ! Sao mà nó to thế không biết! To và nặng. Trông như sắp rụng vào trong sóng ấy. Giá mà trời quang... Vĩnh vươn vai - Bà định tắm đêm à? Liều nhỉ? Nhưng thế là lãng mạn tiếp tục được. Tôi đọc từ sách đấy. Ðúng ra là thế này: "Sự lãng mạn đòi hỏi can đảm". à, còn một câu nữa hồi xưa tôi mê đến phát rồ: "Vinh quang thay sự điên cuồng của những người dũng cảm!" (1) Và Vĩnh đứng lên: - Nhưng nó chẳng liên quan gì tới việc tắm đêm cả. Ðã bảo rồi. Mấy ngày vừa rồi trời oi thế thế nào cũng có áp thấp nhiệt đới. Khéo mai trời mưa thì nẫu! Tớ điđây. Cậu
                      nào đi với mình không? Ði không Khánh? Vĩnh đi về phía cái quán nhỏ ở đằng kia bãi cát sát rừng phi lao. ở đó có đủ thứ. Như Hà Nội. Bia. Coca Cola. Kẹo cao su. Và có những cô gái, tóc xơ xơ, mặt to và tròn, tô vẽ kỹ và vụng. Cả bọn cười nói ồn ào. Làm như không để ý tới Vĩnh. Khánh nằm sóng soài trên tấm nệm mỏng và rộng, hóng về phía biển, tự dưng nhích ra, mắt không nhìn ai: - Nằm không Nhã? Nằm thế này này. Nghe thấy cả tiếng đất và tiếng sóng. Hai người nằm chống cằm nhìn trăng, từng lúc kiêu hãnh lộ ra, từng lúc bị dìm khuất đằng sau những tảng mây đen to tướng. Nhã mỏi, xoay mình nằm nghiêng. Hơi biển mặn và lạnh.Cát cũng bắt đầu lạnh. Từ phía Khánh tỏa ra một mùi gì nồng gắt và rất ấm. Nhã phải cố cưỡng không nhích gần hơn, không hít mạnh. Bỗng dưng sống mũi cay xè, nước mắt dâng mọng cả mí. Nghe tiếng nói cười của đám bạn trôi xa. Nghe tiếng sóng lùi xa. Chỉ còn gió, ngang tàng hào hiệp thổi. Và mắt Khánh. Rất gần. Rất gần. Tràn ngập. Nhã nhắm mắt, cảm thấy hạnh phúc giống như là đau đớn.

                      Ngày hôm sau trời mưa thật. Không tắm được. Vĩnh đi suốt đêm, giờ ngủ vô tư. Còn cả lũ thì sốt ruột. "Ðã cất công vào tận đây mà lại về Hà Nội ra chợ Hôm mua quà biển thì thật dấm dớ!" Linh Vũ Tuấn Phong Huyền Thủy tính toán một hồi rồi quyết định đội mưa đi chợ. Nhã cười cợt quay qua Khánh: - Thế nào? Dừa thì dọc đường về mua được rồi. Nhưng còn bánh đa? Hứa với con Thảo nhà Nhã mà không làm là nó đay cho "đến hẹn lại lên" đấy. Hay là mình cũng ra chợ? Biết nịnh có khi được làm em Nhã không chừng! - Bánh đa mua ngày mưa này ấy à? Kệ dân tình chợ với búa. Bọn mình ra biển đi! Hai người đội mưa đi ngược đường đám bạn. Biển duỗi mình chịu trận dưới mưa, trông dịu dàng khác hẳn hồi đêm. Bãi vắng ngắt. Gió cũng dịu dàng, từng lúc lại quạt nước vào mặt hai người. Mặt Khánh rạng rỡ. Mắt Khánh âu yếm. Nhã đờ đẫn. Gần như là tình yêu..

                      ***

                      Áp tết, Nhã ngồi bên bàn làm việc cầm bút di vô định trên bản kết toán địa phương mới gửi lên lơ mơ nghĩ cớ chuồn khỏi phòng. Ông trưởng phòng cười hiểu biết: - Cô Nhã có việc phải đi hẳn? Nếu có sang Tổng công ty thì tiệnđường tạt qua Ngân hàng hộ tôi luôn việc này... Chị Phượng cười cười: - Hôm qua tao nhảo lên Hàng Ngang Hàng Ðào, nhân thể tạt qua Ðinh Liệt.
                      Trên giời dưới hàng... Chuông điện thoại reo. Ông trưởng phòng kéo cặp kính trễ khỏi mũi chờ đợi. Chị Phượng mau mắn phóng tấm thân màu mỡ về góc phòng, nơi đặt máy điện thoại, miệng vẫn liến thoắng: - Hàng len năm nay đẹp kinh khủng Nhã ạ. Len lông Trung Quốc. Lộng lẫy. Nhưng con em dâu tao bảo phải mỗi tội giặt một nước là biết nhau ngay. Alô. Ai? Nói to lên nào. Vâng. Anh chờ cho một chút. Này Nhã! Nhã đón ống nghe, bụng mở cờ có cớ: - Nhã đây. à Khánh... Giọng Khánh đầy vẻ công việc: - Có việc phải giúp nhau đây! Bà biết hàng bánh cốm Nguyên Ninh, đặt giùm tôi hai trăm chiếc. Hàng Than dạo này mấy số nhà bung ra lập lờ đánh lận con đen bánh cốm Nguyên Ninh chính hiệu. Ăn nhão nhoét. Tôi sợ đặt nhầm cụ ông cụ bà lại kêu ca. Tôi bảo Vũ đến chở bà đi. Ðược không? Trái tim đập hẫng một nhịp: - Ðược chứ! Nhà có việc à? - ừ. Ăn hỏi. Loăng quăng mãi rồi. Ba mươi đến nơi rồi. Cũng đến cái lúc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thôi! Xong sớm nghỉ sớm. - Yêu bao giờ mà đùng đùng...? - Mới quen. Nhưng các cụ hai nhà biết nhau từ lâu. Mẹ bé dạy cùng trường cụ bà ngày xưa. Giờ lại là bạn hàng với nhau. Các cụ nhất quyết phải cưới trong năm nay. Ðịnh hai sáu ăn hỏi, hai tám cưới. Bé có vẻ ngoan. Còn chưa ra trường. Nhưng phải cưới để hợp lý hóa chuyện xin việc. Cụ ông nhà này năm sau về rồi. Thế nhé! Nhã giúp Khánh việc ấy nhé! Tối Khánh sẽ đặc cách đưa bé tới trình diện Nhã trước, với lại đưa tiền. - ừ tối nhé! Nhã buông máy, quên bẵng ý định mua sắm cho ba ngày tết. Cả phòng đã lại ai việc nấy. Nhã cầm bút, nhìn ra ngoài cửa sổ. Mưa phùn giăng giăng. Lá cây cơm nguội chưa trở màu bánh tẻ, xanh nõn nà. Một chiếc xe máy vọt qua. Người ngồi sau ôm cành đào trông rất "hầm hố". Tâm trí chìm trong những ý nghĩ không đầu không cuối. Miên man. "Hai tám tết. Hai tám tết. Bánh cốm hai trăm chiếc. Hai trăm bánh cốm. Hai trăm cau. Hai cân chè. Hai trăm thiếp mời. Hai cây. Hay hai chỉ? Hai triệu tiền mặt. Mồng hai tết sẽ tụ họp bạn bè. Khánh sẽ đi cùng vợ. Lại mặt sauđám cưới luôn. Lúc nãy giọng Khánh thế nào nhỉ? Như là hối tiếc. "Bé có vẻ ngoan". Chưa ra trường... Còn ít tuổi hơn cả con Thảo. Mười năm trước... Như mình. Ðan áo có kịp không?..."
                      Chị Phượng cười ròn rã làm Nhã giật mình: - Lại có trát truy nã à? - Vâng. Thằng bạn phổ thông với em. Chẳng biết xem ngày lành tháng tốt thế nào mà ăn hỏi rồi cưới ngay. Cập rà cập rập. Chị Phượng mở vòi: - Tao giờ cứ nhận thiếp mời là hãi. Ði tong một góc lương. Ðấy là đám thường đấy. Anh Toàn hôm qua về kể có ông giám đốc sở gì vừa làm đám cưới cho con. Có khi to nhất từ đầu mùa cưới năm nay đến giờ. Ăn ở những ba điểm nhé. Nhà khách bộ Năng lượng này. Câu lạc bộ quânđội này. Câu lạc bộ gì ở chỗ Tăng Bạt Hổ nữa. Ngày xưa gọi
                      là câu lạc bộ Lao động ấy. Môn đăng hộ đối. Mới chỉ là nhà gái thôi đấy. Cô dâu chú rể với hai bên thông gia lồng từ điểm nọ sang điểm kia. Anh Bình bảo gì cơ ạ? à là vì ai đi đám cưới cũng phải tìm mọi cách mà trình diện người đứng tên mời. Chẳng ai biết ai mừng bao nhiêu đâu, nhưng chắc là nhiều kinh khủng. Vô phúc cho ai lại bị cả hai nhà trai nhà gái cùng mời. Mà mời lại là vào cầu lửa. Chẳng bù cho nhà mình. Cuối tuần chồng cầm về một thiếp mời vợ cầm về một thiếp mời là run. Bố mẹ đi ăn cưới chẳng lẽ lại chỉ để cho con ở nhà ăn su hào uộc với đậu phụ rán hay lạc rang. Thành thử cứ mùa cưới là ngân quỹ thâm thủng. Ăn vàng cũng chả ngon. Thời buổi cưới chạy sô. Nghĩ buồn cười. Một tháng bốn tuần được mời ăn cưới cả bốn tuần thì cầm bằng số tận. Mày chưa chồng con, chắc nhận "trát" mệt nghỉ? - Thì tính đổ đồng cũng như anh chị - Và Nhã dẹp luôn tinh thần cởi mở của chị Phượng - Trời ấm thế này chỉ chết hàng hoa. Em vừa thấy bao nhiêu người vác đào về. Mới hai mốt mà đào đã nở toe toét thì mồng một chắc toàn là lá. Chị bảo len lông đẹp lắm à? Nhã liến láu. Lòng âm thầm một ý nghĩ bơ vơ: "Hè sang năm còn ai cùng đi Sầm Sơn không?"

                      Chú thích:
                      1: Trích "Bài ca chim báo bão" ( Gorki )
                      #11
                        Nguyễn Đình 27.07.2005 21:05:34 (permalink)
                        Cộc ! cộc ! cộc !
                        Cô thủ thư xinh đẹp ơi, dậy đi tập thể dục buổi sáng đi

                        À, có tập thể dục thì đừng mang Trăng goá theo nha, NĐ post lên rồi mới tìm thấy Trăng goá đã nằm trong tập truyện ngắn Sâm Cầm trong thư viện rồi

                        Chúc dzui dzẻ!!!!!
                        #12
                          hoang 28.07.2005 00:56:40 (permalink)
                          Dở hơi quá, đọc bài Kịch bản, trả lơi bài đó tự dưng khi bấm gửi đi xong lại thấy ở bài này, có ma à??????
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.07.2005 00:58:41 bởi hoang >
                          #13
                            Ct.Ly 09.08.2005 11:07:03 (permalink)
                            #14
                              Nguyễn Đình 09.08.2005 14:09:24 (permalink)

                              Mõi tay quá hả. tụi nghịp ghê, lại đây massage tay cho nà....
                              Vậy mà sáng nay Đình định ôm đơn khiếu nại về việc không mang truyện này vào Thư viện đấy chứ
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 16 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9