BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG Phan Vinh
NHỮNG LỜI KHUYẾN HỌC VÀ GÓP Ý ĐỄ GIẢM BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG ***** Của Phan Vinh. Mỗi ngày tôi hay xem TV, đọc báo, nghe thấy học sinh ngày nay đi học thường gây bạo lực trong nhà trường, hay ngoài đường xá trong những giờ tan học, làm cho lương tâm tôi bức xúc rồi suy nghĩ, cháu chắt nội ngoại trong gia đình tính ra quá đông, lớn nhỏ cũng trên vài mươi đứa, đang tuổi cắp sách đến trường. Nếu để tình trạng nầy tiếp diễn xẩy ra, không tìm được phương pháp ngăn chặn, thì tương lai con cháu chúng ta sẽ ra sao? Đây là một nỗi lo chung của xã hội, chuyện không phải riêng ai. Tự nhiên tôi thấy động lòng cảm xúc mới viết ra bài này. *** LỜI KHUYÊN CÁC CHÁU HỌC SINH TỪ CẤP I ĐÊN CẤP III : 1.- Các cháu được bố mẹ sinh ra và nuôi dưỡng lớn khôn, cho cắp sách đến trường để học tập là một sự may mắn diễm phúc nhất đời, còn có một số cháu rủi ro bất hạnh, vì gia đình nghèo hoặc là mồ côi cha mẹ, không thể vào trường lớp đễ tiếp tục học hành thì tương lai có thể đen tối vất vả. Các cháu còn có cha mẹ được sống trong thời hoà bình và phát triển, nên phần lớn gia đình khấm khá có điều kiện nuôi con ăn học, một phần nhờ nhà nước khuyến khích xoá nạn mù chữ phổ cập tiểu học và giúp đở, nên phần đông con em được đến trường, không phân chia biệt giàu nghèo sang hay hèn đều được học hành, những gia đình khó khăn, nhưng tối thiểu con em cũng học hết cấp I, biết viết chữ quốc ngữ và đọc được sách báo là quá tốt. Thời xa xưa lúc còn chiến tranh nông dân sống vùng sâu, vùng xa bị mù chữ có nơi trên 90%. Thời nay đời sống văn minh đủ mọi mặt, các cháu từ lớp 5 trở lên siêng năng có chí mua sách tự học, tranh thủ thời gian nghỉ việc, hoặc ban đêm đi học bổ túc cũng vẫn có tiến bộ kết quả như thường. Các em còn nhỏ phải tranh thủ ráng học, bé mà không học lớn như bò ngựa mặc quần áo vậy. Với cao chẳng được ở thấp không xong, ngồi với người trí thức nói chuyện chẳng hiểu gì để đối đáp mình tự xấu hổ. 2.- Các cháu hiện đang sống trong nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nhgĩa Việt Nam chúng ta tự hào và hãnh diện có được truyền thống của ông cha trải qua hai cuộc chiến tranh gian khổ, chiến thắng hai cường quốc mạnh nhất thế giới mới có được ngày hôm nay. Các em các cháu đã học qua trong sách sử cũng hiểu ít nhiều, nhưng không vì vậy mà cống cao ngã mạng, kiêu căng tự đắc học theo thói côn đồ, du đảng háo thắng ngoài đời, và nhiễm bạo lực game Online trong máy Vi tính, rồi hành động theo tánh ý xấu xa riêng tư của mình, khinh bỉ những bạn học bố mẹ thất thời nghèo khó, phát xuất những thành kiến không tốt, chia rẽ phe cánh mới có xẩy ra trường hợp bạo lực học đường, làm mất đạo đức văn hoá, vi phạm kỹ luật còn gây ảnh hưởng xấu cho bản thân, xã hội và đất nước. Tuổi tác của các cháu đang non trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường không phải học giỏi, học cao là được. Mà phải ngoan ngoản vân lời thầy cô, trước hết nên học lể phép sau mới học đến chữ nghĩa, phải học lấy chữ Hiếu, chữ Để, chữ Kính, chữ Nhẫn các cháu chưa hiểu nghĩa thì hỏi thày cô. Sau khi đã rõ thì nhớ lấy và học cho giỏi, hành cho đúng, mới là cháu ngoan trò giỏi của thời hiện đại, khăn quàng đỏ xứng danh với truyền thống cháu chắt của bác Hồ. 3.- Các cháu là những mầm mống của tương lai đất nước chúng ta, đất nước có văn minh giàu mạnh hay không cũng nhờ sự học hỏi và nhân lực lớn mạnh lên của các cháu trong nay mai, sức mạnh không thể để đè bẹp bạn bè và kẻ yếu, thượng cẳng chân hạ cùi tay với bạn học là không nên, học mà không bạn thì kiến văn không rộng, bạn cùng chung lớp chung trường các em phải có tinh thần đoàn kết, không nên phân chia giàu nghèo sang hèn, thương yêu giúp đỡ chỉ vẽ cho nhau, lá lành đùm lá rách, đễ cùng thi đua học tập mới mau tiến bộ. Sức mạnh và trí tuệ của các cháu để dành tương lai gánh vác giang sơn và nâng đở kẻ yếu đuối trên đôi vai mình mới là người nghĩa dũng cao thượng. Nếu cháu nào có năng khiếu về võ nghệ thích đấm đá cũng nên học chữ cho giỏi và thành đạt trước đã sau mới học võ nghệ để đấm đá. Thời nay nhà nước cũng khuyến khich đưa võ thuật vào học đường. Tuỳ theo ý thích của các em muốn học môn nào cũng được, nào là vỏ cổ truyền Vôvinam, vỏ Nhật Bản, Trung Quốc, Quyền Anh v.v. Khi học vỏ chớ nên nóng nẩy ngứa ngáy chân tay đi đánh lộn là bị thầy đuổi học, cố gắng nhường nhịn và học cho siêu đẳng võ văn song toàn. Khi trưởng thành rồi đi đăng ký vào Quân Đội hoặc ngành Công An, Cảnh Sát đi đánh quân thù, bắt bọn du đảng kẻ cướp, bài trừ tệ nạn xã hội bảo vệ cho đồng bào tổ quốc, hoặc xin thượng đài để tranh giải thể thao, thì tha hồ mà đấm đá, nếu chiến thắng vừa được thăng cấp, thưởng tiền, vừa phục vụ nhân dân, khán giả, vừa được đồng bào cổ vũ và khen ngợi, phải là có ích lợi cho mình cho xã hội là hay hơn tốt hơn, mà không ai cấm đoán chê trách gì cả. Các cháu nên ghi nhớ những lời trên đây mà hành động cho đúng, mới được xứng danh là anh hùng võ sĩ đạo, là người hiền nhân quân tử của thời hiện đại, mới được xã hội yêu quý, bạn bè kính nể mến thương. Các cháu ngoan của Bác nên nhớ lấy. *** TÂM SỰ VỚI CÁC BẬC PHỤ HUYNH HỌC SINH : 1.- Có con em mà chỉ nuôi cho lớn cho mập cho mạnh mà không dạy lễ nghĩa phép tắc, thì không thể nên người được. Có câu hán tự: “dưỡng tử bất giáo phụ (1) chi quá”. Ngày xưa cho con đi học không những học chữ nghĩa, mà đưa đến nhà trường thì tiên học lễ hậu mới học văn, đem tiền đi thuê thầy đánh dạy cho có lễ phép, ngoan hiền mới học giỏi được. Thời nay lại khác, không được phép sinh đông con, gia đình chỉ sinh một hoặc hai, dù trai hay gái thì phải làm kế hoạch ngưng đẻ. Những đại gia tiền của quá nhiều, con cái hiếm hoi ít ỏi nên yêu quý con như cục vàng cục ngọc, con cái được cha mẹ cưng và nuông chiều như trứng mỏng, không dám đụng đến sợi lông chân, đừng nói chi đến sự răn đe, đánh mắng nên sinh ra ngỗ nghịch quậy phá gia đình, trong trường lớp thường dùng bạo lực với bạn bè. Thầy cô bực mình đánh một cái tát nhẹ hoặc một roi để răn đe, khi về nhà cáo lại với bố mẹ anh chị, có một số phụ huynh bênh vực con em nóng nẩy vô ý thức, chạy đến trường mắng mỏ thày cô, không có tinh thần tôn sư trọng đạo, thì con cái nó vin theo đó mà hư đốn. 2.-Cho nên chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ của người xưa truyền lại : “thương con cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi, măng không uốn để thành tre uốn không được.” Yêu cầu các bậc phụ huynh chớ chiều chuộng con em quá đáng, phải khuyến khích thầy cô dạy cho nghiêm hơn, tốt hơn. Không có trò nào thầy cô dạy không giỏi không sáng cả. Chỉ vì cản trở vướng mắt luật pháp nay nên dạy không nghiêm, thì sinh ra hư đốn. Có câu hán tự ngày nay: “giáo đạo bất nghiêm sư (2) chi noạ.” Nên học trò sinh ra u mê hư hỏng. “Câu hán tự trên nghĩ ra oan uổng phần lớn thầy cô ngày nay.” Tôi mong các bậc phụ huynh nên xét lại mà hiểu rằng: cha mẹ nuôi con không dạy là không yêu con, dậy mà không nghiêm cũng không yêu con vậy. Con chẳng vâng lời cha mẹ dạy là không yêu da thịt thân thể mình. Bản thân của mình mà mình không biết yêu thì còn yêu ai được, nên gây mâu thuẫn mà đánh nhau. Dạy con phải nghiêm cho chúng thấu hiểu lý lẽ hiếu đạo… mới hiền ngoan được, thì học hành chăm chỉ mà thành đạt. Có tài, đức, lễ, nghĩa, trung, hiếu, biết ăn biết ở với bà con, đối nhân xử thế ngoài xã hội biết khiêm nhường nhẫn nhục xã hội mới an bình. Để tránh cái nạn “con dại cái mang”, mai nầy mình già nua bệnh hoạn yếu đuối, con cái lớn mạnh không thể dạy được nữa, thì lễ nghĩa xa dần con cháu ngu, nó sinh bản tánh ngang ngược bất hiếu xấu xa, gia đình không còn thuận hoà ấm êm như ngày trước nữa, bạn bè chê trách xã hội khinh khi. Phụ huynh biết hối cải thì than ôi! Đã quá muộn màng, lúc nầy mình đi trách mình rồi phiền não buồn rầu vì con đau ốm mà chết. 3.-Bởi phần đông bố mẹ học sinh còn cường tráng lanh lẹ lo chạy theo tiền tài danh vọng, tham tiền tiếc việc không bỏ chút thời gian trực tiếp quan tâm đến học hành tánh nết lễ nghĩa của con cái, giao khoán cho nhà trường thầy cô dạy sao cũng được đến học kỳ lên lớp thì thôi, chữ có lễ nghĩa không nên bị lắm điều chẳng lành bất ngờ xẩy ra. Nhận thấy bị hơi nhiều trong cái xã hội ngày nay là như vậy, mong quý vị luôn luôn lưu ý đến con cái của mình răn đe để ngăn chặn bạo lực. *** TÂM SỰ VỚI THẦY CÔ GIÁO : 1.-Làm thầy cô giáo trong thời thế hiện đại nầy nó khó khăn hơn ngày xưa nhiều, vì không cho phép dùng kỷ luật mạnh bằng roi đòn như thày giáo thời xưa. Con người bản tánh khác nhau, người khôn kẻ ngu, người hiền kẻ ác, có người quân tử, kẻ tiểu nhân dùng lời nói khuyên răn người quân tử biết nghe liền sửa đổi tính nết, kẻ tiểu nhân thì lì lợm, khuyên giảng nghe lỗ tai nầy ra lỗ tai kia, cứ tánh nào tật nấy không thay đổi tí nào, đối với các trò không chịu nghe lời, thầy cô phải dùng roi vọt trừng trị cho giật mình biết sợ, bắt buộc hứa với thầy cô xin chừa điều sai quấy tội lỗi xấu xa, thì học mới tiến bộ được. “Có câu: Tề Thiên Đại Thánh không mạnh bằng roi”. Trò nào cứng đầu khó dạy, thì dùng cái roi mây giống như các cụ thầy đồ ngày xưa phết vào mông những trò lười biếng nghịch ngợm, nổi lên lằn ngang lằn dọc đau điếng người mới kinh hãi, mà chừa cái thói hư tật xấu mới nên người ngoan hiền tiến bộ. “Sách minh tâm nói : phép tắc dành cho quân tử, roi đòn trị kẻ tiểu nhân. Có câu: “Hổ dữ không khi nào ăn thịt con”. Cha mẹ thầy cô đánh dạy cho nên người, chứ phải đánh để gây thương tật, chết chóc gì mà ngăn cản, “Nên phải ngừa bệnh hơn chữa bệnh.” Buông thả để chúng đánh nhau đến khi nổi nóng đâm chém gây thương tích hoặc xẩy ra án mạng, chẳng may gặp phải trong đám học trò trường lớp của mình thì hỡi ôi! Đổ tội lổi cho ai bây giờ, thật vô phương cứu chữa. Biện pháp trên để áp dụng cho học trò cấp I và cấp II, những trò không chịu nghe lời lì lợm ngỗ nghịch mà thôi. 2.-Còn học sinh cấp 3 lớn rồi, nếu vi phạm kỷ luật đánh nhau, ghi vào học bạ cảnh cáo, răn dạy bằng lời nói ba lần không sửa đổi bản tánh thì đuổi ra khỏi trường, con ông cháu cha cũng đuổi, không nên thiên vị chấp chứa mang tai tiếng. Có câu tục ngữ: “ một con sâu làm râu nồi canh”. Tánh nết xấu xa, trong học bạ ghi đầy sai quấy tội lỗi không được trường nào tiếp nhận lại. Để cho đương sự đi học cuốc, học cày, tay bùn chân lấm, hoặc tìm việc làm mà sống vất vả cho biết thân. Biện pháp mạnh nầy để làm gương cho học sinh trong trường lớp. 3.- Viết ra đoạn nầy có lời cứng rắn ác ý đối với các cháu, nhưng tôi đã biết trước cũng có người yêu kẻ ghét, nhân vì lòng thương cháu chắt mà viết thẳng nói thật. Nếu có độc giả hoặc cháu nào bên ngoài ghét tác giả cũng xin chấp nhận, vì tôi đã sống trải nghiệm cuộc đời nhớ lại thời thơ ấu mới viết ra. Sau đây xin yêu cầu thầy cô, vì lương tâm nghề nghiệp, dạy dỗ thưởng phạt, phải hắc bạch phân minh, không thiên vị mờ ám, không tiền bạc bất chính, thành tích chi cả. Có sự dạy tốt công bằng, học sinh vui vẻ có tinh thần thi đua phấn đấu để học tập mới tiến bộ. “Sách minh tâm nói: -Trong không cha anh hiền, ngoài không cô thầy nghiêm, bạn bè tốt mà nên người là ít có lắm vậy.” *** GÓP Ý VỚI CÁC EM SINH VIÊN : 1.-Các em S.V. yêu quý! Do các em có ý chí học tập siêng năng tinh tấn không làm lãng phí thời gian, biêt nắm bắt thời cơ, hết sức cố gắng phấn đấu và cũng nhờ một chút may mắn. Do phúc đức tổ ấm, bố mẹ có truyền thống đạo đức, biết yêu thương nuôi dạy con cái đúng cách. Các em chăm chỉ có năng khiếu và trí thông minh tiếp thu nhanh, làm bài thi chính xác mới vào được đại học. Có một số em tuy gia đình khó khăn thiếu kinh tế, nhờ nhà nước cho vay vốn, hoặc vận động các cơ quan xí nghiệp cấp học bổng, để cho các em được tiếp tục trên đường học vấn đến nơi đến chốn theo mong muốn bố mẹ và ước mơ của các em được toại nguyện. 2.- Nói đến cái học hỏi là vô hạn không có biên giới, càng học vẫn thấy mình còn thua kém. Nhưng phải nghĩ lại thời gian tuổi tác và sự sống của con người thì có hạn. Đã là sinh viên thì vừa học vừa hành, học cho giỏi, hành cho đúng, cũng phải nghiên cứu để phát minh khoa học một đề tài tác phẩm luận án nào đó v.v mới lạ, xuất sắc nhất đễ tốt nghiệp ra trường theo năng khiếu của mình, với tầm cỡ quốc gia, quốc tế để làm sở hữu vốn liếng tồn tại lâu dài lưu truyền hậu thế. Các em được thành quả như trên là những em trên đường học vấn không bị trở ngại vướng mắc, có ý thức nghiêm túc luôn cầu tiến, tâm trí sáng suốt học hành siêu đẳng kết quả tốt thành đạt bậc thầy, thuộc vào hạng ưu việt thật đáng biểu dương và khen thưởng. 3.- Tuổi của các em nếu không vào đại học thì đã lớn, có B.PTTH đi học nghề ra làm thợ, trai khôn biết yêu lấy vợ gái lớn thì gả chồng là chuyện bình thường. Bởi vì số các em còn có chút may mắn được tiếp tục học hỏi nên dẹp chuyện yêu đương trai gái một bên, để tâm trí vào sự học hành đã. Đa mang tình ái trong khi đang học bị loạn tâm, chia trí học không tốt chẳng đạt yêu cầu của mình mong ước. Yêu nhau va chạm da thịt cảm giác lửa dục tình gần rơm lâu ngày cũng bốc cháy, lỡ ra gái phải mang bầu rồi sinh con ngoài ý muốn, mất danh tiết người con gái thật uổng phí cuộc đời, “chữ trinh giá đáng ngàn vàng” mất hết giá trị. Cả hai nam lẩn nữ bị cha mẹ quở mắng, bạn bè cười chê, sai phạm thuần phong mỹ tộc, dở dang sự học hành, thân bại danh liệt, uổng phí cái công mười mấy, hai mươi năm theo đuổi đèn sách, phụ bạc công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, công thầy dạy dỗ. Yêu cầu các bạn nên thận trọng việc nầy. Tôi được biết các em gái có tánh đua đòi nhẹ dạ bị một số con em đại gia rủ rê ăn chơi trụy lạc đủ kiểu v.v. Do ái dục bị bốc lửa bồng bột xẩy ra trong học đường, có khi phụ tình bạc ngãi, ghen tuông gây bạo lực với nhau. Tuy rằng không phải con cháu của tôi, vì lòng nhân ái tánh nhạy cảm, nên tôi rất thương xót đau lòng. Cuộc đời son trẻ của các em, ví như mẹ mới may cho một chiếc áo dài hoặc sơ mi vải trắng hồi còn đi học cấp 3. Mình không biết giữ gìn lúc ban đầu, để lấm vào một vết mực đậm đen, dù khéo léo giặt giũ tẩy xoá cách nào nó cũng vẫn còn tỳ vết, nên các bạn phải khôn khéo vượt qua những giây phút cám dổ, sa ngã nói trên để đạt thành tích về học vấn. Cố gắng trổ tài trong khi thi cử, chiếm đặng bảng vàng vinh quy bái tổ ví như đậu Trạng ngày xưa, làm rạng danh dòng tộc, bố mẹ vui lòng nở mặt nở mày với bà con làng xã. Khi đã ổn định công việc, muốn lập gia đình, vàng tìm vàng làm bạn, ngọc kiếm ngọc sánh đôi, đã thành tài thiếu gì con nhà sang giàu quyền quý, trí thức đạo đức, hộ đối môn đăng tìm tới cầu hôn rồi tổ chức lễ cưới lớn tại nhà hàng sang trọng, xứng đáng thông gia, khách, bạn, hai họ nội, ngoại vui vẻ. Tân lang, tân nương đẹp duyên cầm sắc, Long Phượng hòa minh. Thành một đôi vừa tài lẫn sắc trăm năm hạnh phúc, đẹp như gấm như hoa đâu có muộn màng chi mà nóng vội. Trước báo hiếu cha mẹ, sau trả nghĩa cô thầy. Thật rạng danh đáng trân trọng gia đình văn hoá, gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình có văn hoá xã hội mới văn minh giàu mạnh. *** KẾT LUẬN. Con nguời học hành đến nơi đến chốn, thành đạt có kiến thức văn hoá tài đức là một vốn quý của nước nhà còn hơn vàng, ngọc, châu, báu. Cha mẹ giàu có để lại vàng ngọc, của cải, ruộng đất nhiều không biết giữ gìn lâu ngày xài cũng hết, thêm sinh ra tội lỗi. Học hành giỏi bằng cấp cao, có nghề nghiệp, trí tuệ và kiến thức để phục vụ bản thân, gia đình và làm ích quốc lợi dân cho xã hội thì tiền của phúc lộc không bao giờ hết. Đến khi già chết vẫn còn tiếng thơm và tấm gương sáng cho thế hệ nối tiếp gần giống như tấm gương Bác Hồ vậy. Quý vị, độc giả, phụ huynh và học sinh muốn mình tốt hay xấu, thiện hay ác tuỳ ý, tôi thiết nghĩ ở đời không ai muốn mình dốt nát thì bị nghèo khổ lận đận lao đao. Nên tìm đọc kỹ bài viết nầy để mà hành động cho đúng theo lối sống có đạo đức, phải học hành thành đạt đễ làm người trước đã, sau hảy lo đến sự nghiệp tương lai của cuộc đời mới được giàu sang lâu dài bền vững./. Chú thích: (1) Nuôi con chẳng dạy lổi của cha. (2) Dạy đạo chẳng nghiêm thầy lười biếng. HẾT Viết xong bản thảo Bùi chu, ngày 23-8-2010.
Viết cho niên học mới 2010/2011.
Đễ răn dạy cháu chắt. Tặng bạn bè thân, các con để kinh nghiệm và kỹ niệm.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2010 11:13:56 bởi thaisan >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: