Chúng ta nói tiếng Việt mỗi ngày nhưng ít khi ta nhận thấy rằng trong Việt ngữ không có những chữ đúng ý nghĩa và được sử dụng chính xác như là “you” và “I” của Anh ngữ. Chúng ta xưng hô với nhau, dù lạ hay quen đều như thể cùng chung một nhà. Đây cũng là một ưu điểm của văn hoá Việt, tuy nhiên nó cũng phát sinh một số phiền toái.
Phong tục gọi người khác bằng “anh”, “chị”, “cô”, “bác”, “con”, “tên riêng”… và xưng là “anh”,”cậu”, “cháu”, “dì”, “tớ”,”tên riêng”… đã có từ lâu. Có thể nào, nó phát sinh từ môi trường sống gần gũi, ai cũng quen biết nhau, và đa số có quan hệ máu mủ hoặc hôn nhân với nhau trong cùng một làng. Ngày xưa rất xưa Việt nam là một tập hợp của hàng ngàn cái làng. Mỗi làng có một số lệ riêng và cuộc sống rất riêng biệt đối với những làng kế bên. Dân làng cũng lẫn quẫn sinh hoạt, vui chơi và làm việc với nhau trong phạm vi làng. Vì vậy có thể nói nhu cầu của “you” và “I” hầu như không có đối với người Việt xưa.
Vấn đề là chúng ta có nên cứ tiếp tục mỗi khi gặp nhau phải nhìn nhau để suy đoán tuổi người kia, để xem nên gọi thế nào. Đối với những người dạn dĩ , giỏi ăn nói hoặc xã giao nhiều thì ít gặp vấn đề gì. Tuy nhiên đối với những người thiếu tự tin, ít giao tiếp hoặc nhút nhát thì khác. Nhiều người quen nhau lâu năm nhưng vẫn giử cách xưng hô “trỗng trỗng”, nghĩa là câu nói của họ luôn thiếu các chủ từ và túc từ “anh”, “chị”, “em”…Có người không vui vì được gọi bác thay vì ông, chú thay vì anh, hoặc cô thay vì chị… Nhiều lúc chỉ vì lỡ sử dụng từ không phù hợp mà quan hệ mất tự nhiên, gây vụng về, lúng túng, kể cả mất thiện cảm. Thiếu “you” và “I” gây nhiều khó khăn cho Việt kiều không nói giỏi tiếng Việt. Chính tôi có 1 bác sỉ gia đình nhỏ hơn tôi chừng 5 đến 10 tuổi nhưng suốt 5 năm qua ông ta lúc nào cũng xưng là bác sỉ nhưng không bao giờ gọi tôi bằng “anh,” “chú” hay bằng tên mà lúc nào cũng nói trổng trổng và dỉ nhiên là khó để cho tôi cảm thấy thân mật khi người đối thoại cứ tìm cách lẫn tránh sử dụng “you” và “I.”
Cuộc sống đã thay đổi thật nhiều, nhờ phương tiện di chuyễn, phương tiện truyền tin…mỗi ngày chúng ta nhìn thấy hoặc giao tiếp với người lạ nhiều hơn người quen, người thân hay người “cùng làng” . Và dĩ nhiên nó làm chúng ta lắm khi phải suy nghĩ một cách xưng hô phù hợp cho mọi đối tượng mà lần đầu mình tiếp xúc, giao dịch.
Thật ra những vấp váp lặt vặt (nêu trên) phát sinh từ cách xưng hô hiện tại là có thật trong đời sống hằng ngày, nhất là đối với những người trẽ tuổi. Có thể nói nó không quan trọng lắm so với nhiều vấn đề khác trong xã hội. Tuy nhiên trong môi trường sống mới, xảy ra nhiều tình huống nếu có những từ như “you” và “I” của tiếng Anh thì hay hơn. Nó sẻ tạo điều kiện dễ hơn cho 2 ngưòi lạ bắt chuyện, nó tạo cảm giác thoả mái vì không phải phán đoán, dò xem tuổi tác của người kia, nó tăng thêm tính chuyên nghiệp cho người sử dụng, nó tạo sự bình đẵng trong giao tiếp giửa 2 nguòi lạ, và chắn chắn nó sẽ làm cho tiếng Việt chúng ta hoàn thiện hơn một tí.
Việt ngữ có từ “bạn” rất gần với “you”. Hơn nữa, chữ “bạn” đã xuất hiện từ lâu trong văn viết: thông báo, sách báo… hay trong văn nói như trên TV, radio, phim và trong nhiều chương trình TV. Thường thường “bạn” được dùng để nói chung chung với toàn thể mọi người, nhưng thỉnh thoảng vẫn được dùng trong đối thoại giửa 2 cá nhân. Vậy chúng ta có thể chấp nhận “bạn” đóng một vai trò lớn hơn nữa trong văn nói của người Việt bằng cách thay thế “bạn” cho tất cả nào là anh, chị, em, cô chú, bác, dì, dượng, cậu, mợ, ông, bà, và tên riêng mà không bị xem là vi phạm lễ giáo Việt Nam. Dĩ nhiên là chúng ta vẫn duy trì cách xưng hô truyền thống đối với những người thân thuộc họ hàng. Nói cho cùng mối quan hệ giữa 2 người không có quan hệ máu mủ, gia đình hay dòng tộc, dù cho có khi tuổi tác chênh lệch rất nhiều thì cũng vẫn là mối quan hệ bạn bè.
Cũng giống như “you” trong tiếng Việt có quá nhiều từ ngữ tương tự để thay thế cho “I” tuỳ theo từng trường hợp Nếu phải chọn một từ để thay thế cho tất cả, tôi chọn “tôi” vì chỉ có “tôi” mới có thể đảm nhận vai trò này. Dĩ nhiên là tôi đang nói về cách xưng hô giữa những người không là họ hàng thân thích với nhau.
Trong các cuộc nói chuyện hằng ngày bằng Việt ngữ có biết bao nhiêu câu nói chung chung, nhát gừng, đôi khi thiếu sự tôn trọng, không có cấu kết văn phạm đúng vì thiếu chủ từ và đôi khi thiếu cả túc từ; hoặc là vì giửa người lạ với nhau mà cứ phải xưng hô như người trong nhà. Bởi vậy tôi tin “you” và “I” chắc chắn sẽ tạo sự thoải mái khi đối thoại với người chưa quen và chưa thân, có thể kích thích sự giao tiếp giữa 2 người lạ; nó đơn giản vấn đề; nó còn mang tính chuyên nghiệp trong một số lãnh vực giao dịch và hơn nữa nó còn mang lại sự bình đẳng ít nhất là trong cách xưng hô giửa 2 con người chỉ có quan hệ quen biết. Vì những tiện lợi vừa nêu, đồng thời cũng nên làm giàu ngôn ngữ của chúng ta. Vậy, nếu được quyền chọn “you” và “I” cho tiếng Việt thì tôi có liền “bạn” và “tôi.”
Hy vọng những người có trách nhiệm ở bộ giáo dục bộ văn hoá Việt Nam, những bậc Việt ngữ học, nhà báo, nhà văn đã thấy vấn đề này và đang nghiên cứu làm cho tiếng Việt giàu hơn đồng thời giảm đi những khuyết điểm có thể khắc phục được. Tôi chỉ góp ý những gì tôi mong ước sẽ xảy ra, nếu bạn cũng có những ý tưởng tương tự thì hãy góp thêm một tiếng nói.
http://songtra.wordpress.com/2010/07/30/you-va-i-trong-van-hoa-vi%E1%BB%87t-nam/