Lời giải đáp
tahuudinhqn 08.09.2010 21:36:16 (permalink)
LỜI GIẢI ĐÁP
                                                                                   Tạp văn của Tạ Hữu Đỉnh
Trong dịp kỷ niệm một trăm năm ngảy sinh nhà văn Hoài Thanh vừa qua, đọc một số bài viết về ông, đăng trên ba số báo Văn Nghệ 27, 28, 29, ngày 29/7/2009, chúng tôi mới hiểu: Hóa ra cái điều mà bấy lâu mình vẫn đinh ninh là thế, thi giờ đây lại hoàn toàn trái ngược. Và cái cụm từ: “Nghệ thuật vị nghệ thuật” chẳng qua cũng chỉ là một “cái mũ” mà nhà văn chẳng may bị người ta chụp lên đầu mình. Cũng như cái mũ sau đó các văn nghệ sỹ “Nhân văn – Giai phẩm” phải đội vậy.
Nguyên nhân chỉ vì mỗi cái tiêu đề một bài viết: “Văn chương là văn chương”, mà thành rùm beng, to chuyện. Chẳng biết vì động cơ gì? Vì ghen ghét tài năng, vì nhiệm vụ phải bảo vệ quyền lợi giai cấp vô sản? Hay đơn giản chỉ là lúc mới khởi nghiệp, người ta cần một vật hi sinh như Lưu Bang chém “con rắn trắng” lúc dựng cờ khởi nghĩa chăng?..
Người ta đổ tội cho ông là kẻ đứng đầu phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Và ra sức công kích, phê phán ông, coi ông “như kẻ thù rất ghê gớm của xã hội” (câu của Thành Duy). Mặc dù ông đã hết sức thanh minh: “Tôi đã nói đi nói lại rằng tôi không chủ trương thuyết gì và trong lúc bình phẩm một quyển sách, tôi chỉ theo cảm xúc tự nhiên của tâm trí tôi mà họ không nghe. Một hai họ buộc tôi phải chủ trương thuyết: “Nghệ thuật vi nghệ thuật” cho kỳ được”.
Ông còn nói: “Huống chi tôi không nói “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Tôi chỉ nói văn chương là văn chương. Tôi chỉ muốn người ta phân biệt văn chương với những tính cách phụ thuộc của một tác phẩm văn nghệ. Làm công việc phân tích ấy, tôi chẳng hiểu sao lại có thể có hại đến lợi quyền của giai cấp lao động? (Trích bài Hoài Thanh với cuốn Văn chương và hành động – của Thành Duy).
Cũng trong buổi kỷ niệm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói: “Chúng ta đã từng biết có những cuộc tranh luận nẩy lửa, nhưng bình tĩnh lai, ngẫm ra lại là cuộc “chạm trán giữa quân ta với quân mình”. Cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh” diễn ra rất sôi nổi, có lúc quyết liệt, nhưng lại có một hồi kết có hậu. Các chủ soái của hai bên đều gặp nhau trên đại lộ Cách mạng tháng tám”.
Nếu là một người nào đó nói như vậy, chắc bạn đọc sẽ nghĩ: Ông này nói thế là nhằm để được lên làm lãnh đạo đây. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh nói, thì đó là lẽ đương nhiên, vì là người lãnh đạo nên ông nói như vậy. Chứ nếu đơn giản chỉ là “cuộc chạm trán giũa quân ta với quân mình”, thì sau Cách mạng tháng tám, khi đã nhận ra nhau cùng chiến tuyến, sao các vị chủ soái hai bên lại không bắt tay dàn hòa với nhau để chấm dứt hiểu lầm ? Mà cuộc “chạm trán” ấy lại kéo dâi đến suốt cả đời nhà văn Hoài Thanh. Đẻ rồi đến nỗi chính ông cũng phải phủ định mình, giày vò mình, cho mình là kẻ có tội, mình đã làm thiệt hại đến quyền lợi của giai cấp cần lao vô sản!
Hay vì vị chủ soái của bên “Nghệ thuật vị nhân sinh” là cán bộ lãnh đaọ quan trọng mà nhà văn Hoài Thanh (sợ hãi), như bài thơ ai đó đã tả chân dung ông:
        “Vị nghệ thuật một nửa đời
        Nửa đời lại phải vì người cấp trên
        “Thi nhân” còn một chút duyên
        Chẳng cầm cho vững mà lèn cho đau!..”
(Trích trong bài “Lời cuối sách” của Từ Sơn in trong Thi nhân Việt Nam, trang 398 – 399)
Vậy tại sao một sự thật hiển nhiên như vậy, mà lại bị vùi lấp đi đến hai phần ba thế kỷ (64 năm)? Để đến bây giờ, sau hai mươi bẩy năm nhà văn đã qua đời, những lớp người sau mới hiểu đúng sự thật, nhận ra chân lý và đưa trả ông về vị trí cũ, là một nhà lý luận phê bình văn học kiệt xuất của nền văn học Việt Nam? (Ngày 9/7/2009 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học đã tổ chúc trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Hoài Thanh 15/7/1909 – 15/7/2009).
Để trả lời câu hỏi trên, mạn phép vong linh cụ Phùng Mộng Long, tác giả bộ tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc, người viết bài này xin chép ra đây chuyện Ngu Công, rút trong bộ tiểu thuyết đó, để bạn đọc tham khảo và suy ngẫm:
“Tề Hoàn Công đi săn, đuổi theo con hiêu chạy vào cái hang, gặp một ông lão bèn hỏi:
- Hang này là hang gì? Ông lão đáp:
- Tên hang là Ngu Công. Tề Hoàn Công hỏi:
- Tại sao lại đặt tên như thế? Ông lão nói:
- Tại vì kẻ hạ thần này mà có cái tên ấy. Tề Hoàn Công nói:
- Ta xem tướng nhà ngươi không phải là kẻ ngu, cớ sao lại gọi là Ngu Công? Ông lão nói:
- Chỉ vì nhà thần có con bò cái, đẻ được một con. Khi bò đã lớn, hạ thần đem đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về hang nuôi cùng con bò cái. Một hôm có một chàng thanh niên từ xa lại, lấy lý là: “Bò không thể đẻ ra ngựa”, rồi bắt mất con ngựa của thần. Thần không có lý gì cãi được. Việc ấy đồn đến tai mọi người. Mọi người đều cho thần là kẻ ngu, nên gọi hang là Ngu Công. Tề Hoàn Công nói:
- Nếu thế thì nhà ngươi quả ngu thật.
Buổi chầu hôm sau, Tề Hoàn Công đem việc ấy thuật lại với Quản Trọng (quan Tể tướng của nước Tề), Quản Trọng nói:
- Ông già ấy là một kẻ trí. Chính tôi đây mới là người ngu. Vì nếu luật pháp công minh thì làm gì có kẻ dám cướp đoạt con ngựa của kẻ khác. Ngu Công chịu để mất ngựa là biết luật pháp nước Tề ta chưa giữ được lẽ công bằng. Xin Chúa Công sửa lại chính sự.
                                                       *                           
                                                 *        *
Nước Tề tồn tại từ hơn hai nghìn năm trước, nên luật pháp của nước họ chưa được công bằng. Vậy, hơn hai nghìn năm sau, luật pháp của nước Việt Nam ta thì sao?...
                                    
                                                                  Uông Bí, ngày 19/7/2009  
                                                                         Tạ Hữu Đỉnh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.09.2010 22:09:33 bởi tahuudinhqn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9