Chuyện mất ấn kiếm Triều Nguyễn (1)
tahuudinhqn 08.09.2010 22:01:18 (permalink)
CHUYỆN MẤT ẤN KIẾM TRIỀU NGUYỄN (1)
                                                           
                                                          Tạp văn của Tạ Hữu Đỉnh

 
Từ hơn nửa thế kỷ nay, cả nước ta ai cũng biết trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945, cựu hoàng Bảo Đại đã long trọng đọc chiếu thoái vị, mà trong đó có một câu rất nổi tiếng là:” Tôi thà làm người dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Và trao hai báu vật, biểu tượng của Vương triều là chiếc ấn vàng và thanh kiếm Gia bảo cho chính quyền Cách mạng, mà người đại diện trực tiếp lúc bấy giờ là hai ông Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.
Về nguồn gốc chiếc ấn. Theo Tôn Thất Thiện tác giả bài:” Những vấn đề lịch sử của các vua Triều Nguyễn”, thì: Ngày 6/6/1884 Triều Nguyễn ký hòa ước “Giáp Thân” với Pháp. Hòa ước này làm rõ thêm quy chế bảo hộ quốc của Việt Nam, đồng thời chính thức chấm dứt quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì sau khi ký hòa ước này, Pháp đã buộc Triều đình Nhà Nguyễn phải hủy bỏ chiếc ấn Nhà Thanh đúc khi phong vương cho Gia Long.
Nếu đúng như vậy thì chiếc ấn Bảo Đại trao cho chinh quyền Cách mạng là ấn của Pháp đúc, khi phong vương cho các vua Nhà Nguyễn lên ngôi sau hòa ước “Giáp Thân”.
Nhưng thật đáng tiếc, cả hai báu vật ấy đêu đã mất. Mỗi khi nhớ lại quá khứ, ai cũng muốn biết rõ nguyên nhân. Song chung quanh vấn đề lịch sử này còn nhiều điều dị biệt.
Trong bài “Những văn bản liên quan đên chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam” (Văn nghệ số 38-39, ngày 17/9/2005. Tác giả Nguyễn Đắc Xuân viết:” Cuối năm 1946, lính Pháp đào công sự ở ngoại thành Hà Nôi vớ được chiếc thùng dầu hỏa, trong đựng ấn kiếm. Kiếm đã bị bẻ gẫy cho vừa thùng. Sau quân Pháp tổ chức lễ trao trả cho Bảo Đại vào đầu năm 1951, hoặc ngày 8/3/1952.
Đến năm 1953, vì chiến tranh ác liệt, Bảo Đại gửi ấn kiếm sang Pháp cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Khi Nam Phương mất. Bảo Đại đòi lại ấn kiếm, nhưng Bảo Long không trả. Hai cha con kiện nhau. Cuối cùng Bảo Long trả cha chiếc ấn, còn mình giữ thanh kiếm. Từ dó không biết ấn kiếm ở đâu, còn hay mất?”.
Bài viết thứ hai:”Về chiếc ấn Bảo Đại”( Văn nghệ số 44, ngày 29/10/2005), tác giả Nhật Trang nêu lên một số điểm nghi vấn, trong bài viết của tác giả Nguyễn Đắc Xuân. Rồi kể lại câu chuyện bản thân mình đã được nghe, tại hội nghị cán bộ Cục vận tải, vào cuối năm 1971, do đại úy Hoán, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ Cục truyền đạt: “Chiếc ấn đó ta vẫn giữ. Sau tiếp quản thủ đô, ấn đươc giao cho Bảo tàng Cách mạng. Bảo tàng làm phiên bản đem trưng bày. Bản chính đưa vào kho bảo quản. Rồi bị mất. Cuộc điều tra được tiến hành. Cơ quan điều tra cử cả cán bộ sang Pháp xem Bảo Đại có cho người về lấy trộm không. Nhưng mọi hướng điều tra đều bế tắc. Sau cơ quan tìm thấy một bì thư, dùng làm giấy chùi ở trên trần nhà kho của bảo tàng. Bì thư từ Quảng Ninh gửi cho một ông sửa chữa xe đạp. Ông này vốn là “đặc tình” của ta cài lại từ ngày đich còn tạm chiếm thủ đô. Ông ta cố nhớ lại và giúp cán bộ điều tra phát hiện được một đối tượng nghi vấn, có thể hắn đã vô tình hay tiện tay lấy bì thư trong những lần hắn la cà đến nhà ông ta. Tìm đến người này thì hắn đang nằm trong tù, vì một vụ ăn cắp. Cán bộ điều tra đưa bì thư ra, hắn biến sắc mặt và khai hết:
“Vào Bảo tàng hắn đoán biết bản chính chiếc ấn để trong kho. Kho ở gần cửa ra vào Bảo tàng. Hắn lấy được mẫu chìa khóa và thuê thợ làm chìa. Bảo tàng mở cửa vào các ngày thứ năm. Hắn chuẩn bị lương khô, nước uống rồi đột nhập vào kho. Đồng bọn ở ngoài khóa lại. Thứ năm sau Bảo tàng mở cửa. Đồng bọn vào mở cửa kho cho hắn ra. Hắn đã chặt môt ít bán lấy tiền, phần còn lại chôn  dưới thùng đựng nước tại nhà. Giải hắn về, đào lên, quả nhiên thấy chiêc ấn vàng”.
Sau hai bài báo trên, tác giả Nguyễn Đình Trác viết (Văn nghệ số 50, ngày 10/12/2005): “Tôi đọc báo An ninh thế giới, số 121, ngày 15/4/1999. Bài: ”Cuộc truy lùng thủ phạm lấy ấn vàng của Nam Phương Hoàng hậu”.của tác giả Lê Tuấn.
Theo ông Tuấn thì vụ trộm xẩy ra ở Bảo tàng lịch sử chứ không phải ở Bảo tàng cách mạng. Và chiếc ấn mất là của Hoàng hậu Nam Phương. Vì mặt ấn khắc bốn chữ ” Hoàng hậu chi bửu” nặng 4,9 kg vàng. Chứ không phải chiếc ấn khắc chữ ” Hoàng Đế chi bửu” nặng 10,534 kg vàng. Bài báo ấy còn cho biết Bảo tàng lịch sử có hơn ba mươi chiếc ấn vàng, Mỗi chiếc nặng khoảng vài ba kg. Mất ấn vì  việc bảo vệ còn sơ sài, chưa làm bản sao đã đem bản chính ra trưng bày.
Tháng năm 1962 (gần một năm sau ngày mất) trinh sát tìm được bức thư bị xé (không phải bì thư) có tên Đỗ Mộng Dần. Từ Dần lần ra các tên khác trong thư: Ất, Giáp, Chiểu. Tên Chiểu vì tội trộm cắp đang bị giam tại Hỏa Lỏ. Qua khai thác, phát hiện ra chính tên Chiểu đã lấy trộm cả hai lần. Lần trước cũng ở Bảo tàng này, y đã lấy chiếc ấn bạc mạ vàng và quyển sách bạc mạ vàng. Chiếc ấn đã mất hoàn toàn. Vì bọn chúng đã đập nhỏ đem tiêu thụ.
Tóm lại, cả ba bài báo trên đều không đưa ra được những bằng chứng có đủ độ tin cậy để đáp ứng đòi hỏi của ngươi đọc và công chúng muốn biết hai vật báu ấy còn hay mất? Nếu mất thì nguyên nhân? Nếu còn thì hiện nay ở đâu?
Bài của tác giả Nguyễn Đắc Xuân có hai điểm không thể tin được. Đó là thời gian “quân Pháp vớ đươc ấn kiếm” là cuối năm 1946. Mà ngày toàn quốc kháng chiến cũng là năm ấy (19/12/1946). Vậy là ta giấu ấn kiếm ở ngoại thành Hà Nội, trước khi lên Việt Bắc. Song ai cũng biết rằng, để chuẩn bị cho kháng chiến ta đã đưa hàng trăm tấn máy móc, thiết bị nhà in, xưởng quân khí, thuốc chữa bệnh, chăn màn, vải vóc, thậm chí cả muối ăn lên Việt Bắc. Vậy có lẽ nào hai vật báu ấy chỉ có hơn 10 kg mà ta lại không đưa đi được? Vạn nhất, nếu hoàn cảnh không thể đưa đi được, thì làng Nghĩa Đô cũng không thiếu gì chum vại có đủ chiều cao cho thanh kiếm, chứ sao lại phải chặt?
Còn câu chuyện đại úy Hoán, Trưởng ban bảo vệ chinh trị nội bộ Cục vận tải truyền đạt. Nghe ly kỳ y như chuyện trinh thám Tầu thời xưa. Song cũng có thể người nọ nghe qua người kia, thành ra tam sao thất bản. Hoặc do tác giả “kịch bản” này không thuộc diện ”cao tay” như các nhà tiểu thuyết Tầu, nên đã để lộ ra nhiều điều vô lý. Xin chỉ nêu ra ba điều khó tin nhất: Một là, vì sao bọn trộm không chặt ấn chia nhau? Hai là, một kẻ đã có 10 kg vàng ở trong tay mà lại cam tâm tiếp tục nghề trôm cắp để rồi phải vào tù? Ba là, kẻ trộm chỉ lấy ấn, tức là thanh kiếm vẫn còn. Vậy hiện nay kiêm ở đâu?
Còn bài thứ ba. Tác giả Nguyễn Đình Trác kể lại nội dung bài báo của ông Lê Tuấn in trên báo An ninh thế gới, 121, ngày 15/4/1999 về vụ mất ấn của Hoàng hậu Nam Phương ở Bảo tàng lịch sử.
Có lẽ đây là một vụ hoàn toàn khác với vụ mất ấn kiếm của Bảo Đại. Song chẳng hiểu sao lại có những tình tiết na ná giống nhau? Như: Vụ này tìm thấy bì thư, thì vụ kia thấy thư. Hay vụ này kẻ trộm lấy đươc ấn, rồi tiếp tục trộm cắp nên phải vào tù, thì vụ kia cũng y như vậy. Và bài báo này chẳng những đã không làm cho sáng tỏ việc mất ấn của Bảo Đại, mà trái lại còn gây ra không ít thắc mắc cho người đọc như:
- Trong lễ thoái vị, không thấy nói Bảo Đại trao cả ấn của Nam Phương. Vậy sao Bảo tàng lại có chiếc ấn ấy?
- Bảo tàng lịch sử có những hơn ba mươi ( chắc là 31) chiếc ấn vàng. Một kho tàng lịch sư vô giá. Vậy là ấn của những triều đại nào? Và do cơ quan nào giao cho Bảo tàng lịch sử bảo quản? Sao từ ngày Cách mạng tháng tám đến nay chưa thấy có nhà nghiên cứu, báo chí  hay đài phát thanh truyền hình nào đưa cái tin quan trọng này?
- Và cũng từ Cách mạng tháng tám đến nay, có lẽ cả nước ta chưa ai được biết rằng, trong kho thư tịch của nước nhà có vật quý là quyển sách mạ vàng. Vậy quyển sách ấy là của triều đại nào để lại? Và sách viết về cái gì vậy, thưa ông Lê Tuấn?
Như vậy là cả hai tác giả Nguyễn Đắc Xuân, Nhật Trang, và thêm cả ông đại úy Hoán nữa, cũng đều cho rầng dù ấn kiếm bị chặt nhưng vẫn còn, chỉ không biết chúng đang ở đâu mà thôi.
Ô hay! Nước ta có cả một Viện sử học hẳn hoi. Có việc gì của nước nhà mà các nhà sử học lại không biết. Vả lại các vị lão thành cách mạng, đã từng nắm giữ những chức vụ quan trọng ở trung ương vẫn còn nhiều. Ngoài ra, Hà Nội vẫn còn nguyên cả hai nhà bảo tàng đấy. Sao các tác giả không đến hỏi cho thật rõ ràng và chính xác?
                                                *
                                            *        * 
   Người viết bài này cũng may mắn có mặt trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy ta ở trong rừng, các phương tiện thông tin đại chúng hầu như chưa có gì, ngoài tờ báo Cứu Quốc, và tờ nội san chuyên ngành, một vài tháng mới có một kỳ. Những tin tức chiến sự, hay tình hình thời sự chỉ được nghe kể qua các cuộc nói chuyện thời sự, hay nghe kể từ người này sang người kia.
Hôm ấy, vào khoảng cuối năm 1950 hay đầu năm 1951, tại cơ quan Công an tỉnh (ở trong rừng), bọn nhân viên chúng tôi được nghe thủ trưởng đi họp trung ương về kể chuyện. Có hai chuyện bọn tôi nhớ nhất. Đó là chuyện bắn súng của “anh” Tạ Đình Đề, người bảo vệ của Bác Hồ. Anh Đề có thể tung hàng chục quả cam lên trời, rồi rút súng ngắn bắn vỡ tan, không trệch một quả nào. Tất nhiên là tung từng quả một.
Hai là chuyện ấn kiếm của cựu hoàng Bảo Đại. Ta mới cướp được chính quyền, lực lượng còn non yếu, mà đã phải đối phó với cả thù trong và giặc ngoài. Để gạt một mũi giáo đâm từ phía sau lưng, ta đã khéo léo ngoại giao và “thí” cho bọn tướng Tầu: Tôn Văn, Lư Hán một số vàng. Trong đó có cả ấn kiếm của cựu hoàng Bảo Đại. Coi đó như nhúm “gạo muối” để tống khứ bọn “Tầu ô” ấy ra khỏi biên giới nước ta, để ta rảnh tay đối phó với quân Anh, quân Pháp…
Nghe chuyện, bọn chúng tôi đứa nào cũng náo nức, vừa sung sướng vừa tự hào về sự sáng suốt và tài tình của Chính phủ mình!
Bây giờ tự nhiên thấy rùm beng về chuyện mất ấn kiếm. Nên chẳng hiểu chuyện ngày xưa thủ trưởng chúng tôi kể và những bài báo trên kia thì đâu là sự thật?
                                                *
                                            *        *
         
Người phương Bắc có câu thành ngữ “Vua Sở mất cung, người nước Sở được dùng”. Chẳng đi đâu mà thiệt. Còn nước ta mất ấn, Chẳng biết dân ta có được dùng không? Hay người ở nước nảo nước nào đã “vớ bở” rồi? !..../.
 
                                                          Uông Bí, ngày 15/3/2008
                                                                             24/4/2008    
                                                                            Tạ Hữu Đỉnh
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.09.2010 22:08:57 bởi tahuudinhqn >
#1
    clietc 08.09.2010 22:28:02 (permalink)
    Tahuudinhqn!
        Bác cho mình cùng giải mã, có gì không phải xin tha thứ.
        Nếu mình nhớ không lầm, cũng của Nguyễn Đắc Xuân là quyển "Hỏi và trả lời Huế xưa", rằng có nói tới ấn kiếm của Bảo Đại trao cho Cách Mang như bác nói. Đó là Ấn kiếm được làm lại thời Khải Định đi Pháp về và được xem là không "linh"- Tôi viết tới đây không nhớ rõ lắm, muốn dừng lại nhưng cũng thích bài viết của bác. Bởi vì bác cũng có những suy luận rất logic. Trước tôi đọc tài liệu để viết Viên Ngọc Triều Nguyễn, thì tôi có nghe có cả 2 viên ngọc bích và hồng ngọc nữa (không biết chính xác không, nhưng sử dụng để viết tiểu thuyết thì được). Tôi biết lúc vua Hàm Nghi cùng với ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết hộ tống vua ra Quảng Trị. Khi vua tiếp tục ra Quảng Bình và bỏ mấy bà vợ lại nghe đâu tặng lại cho những người trông nôm các bà phi những vật phẩm như tượng voi đồng và mấy vật phẩm bằng ngà voi. Những tài liệu tôi đọc gần đây thì có thấy kiếm vua được một gia đình ở Quảng Bình cất giữ, Tôi cũng nhớ là khoảng năm 1960 thì phải, Bảo Tàng lịch sử bị một tên trộm vào đó lấy  ấn vàng của Bà Hoàng hậu Nam Phương. Trong những tài liệu tôi xem và (đoán mò- rằng có cả viên ngọc to khoảng trái banh nỉ).
          Một người tên là Nguyễn Hồng Kông bỏ 20 năm ra Quảng Bình tìm kho báu ấy nhưng không gặp, việc này tôi nghĩ đã "ổn thoả" rồi...Nếu tìm hiểu thêm rất dễ đụng chạm.
       Bài viết bác hay, tôi quan tâm e mai mốt quên nên hơi gấp gáp...có gì thông cảm- Đúng ra phải lấy tài liệu đối đáp cẩn thận... Sờ lại lịch sử rất dễ chạm vào lòng tự hào của nhiều người, mấy lời chưa rành rẽ có khả năng làm bác giận. Tôi xin bổ sung ý thêm về từ "ổn thoả" như đã nói ở trên và đôi khi nguy hiểm...
      Tôi xin kể bóng gió thế này, chuyện tôi thôi chứ không ai khác. Khi cập nhật tài liệu, tôi cũng có tham vọng và bỏ tiền ra đi Huế 3 lần và Quảng bình 2 lần, cả chục triệu...để đi tìm. Thế nhưng trong dân gian khuyên rằng, "ổn thoả rồi! Anh chỉ đọc tài liệu mà còn tham, sờ sờ trước mắt người ta thử chuyện gì xảy ra". Nếu bác đặt thêm những nghi vấn sau đây? Người trông coi Bảo tàng chỉ một mình, vậy sinh hoạt của ông ta thế nào? Một chuyện nữa là, kẻ trộm là người bình thường mà còn tham rồi tìm phương cách lấy, còn những cấp trên nữa thì sao. Bác có tham gia kháng chiến chắc bác biết, năm 1947 quân ta thiếu thốn trăm bề...Thế mà có người ăn cắp quân nhu quân dụng đi bán. Bác Hồ phải chiếu theo quân pháp phải xử tử để làm gương. TRở lại chuyện của anh Nguyễn Hồng Công 20 năm nếm khổ ải tìm kho báu, bác thấy chính quyền ở đấy dửng dưng như không có gì, sao không thắc mắc ít ra phải có giao kèo ăn chia, mà cứ để anh ta thoải mái đào hầm đào hố? Có lẻ,ai đó tin chắc là nó không còn nữa...
          Câu nói trong dân gian làm tôi suy nghĩ, coi chừng anh nguy hiểm. Trở về, tôi nghĩ tại sao họ nói như vậy. Họ biết những gì. Nếu Bác có đi động Phong Nha, thử ngồi trên một xe ôm. Trên đường đi, trao đổi với nhau thử xem anh ta nói gì...
         Trở lại ấn kiếm, tôi chỉ xin nói một câu: " Ai mà không muốn làm vua..."
          Tôi biết bác quan tâm đến những di vật lịch sử để cho con em chiêm ngưỡng, giả sử như bác tìm được 90% manh mối, thì bác có thể gặp nguy hiểm thật đó. Nếu như vậy mấy ông nghiên cứu lão làng như Nguyễn Đắc Xuân chẳng hạn, chắc rằng mấy ổng không đặt nghi vấn như vậy? Có lẻ mấy ổng cũng nắm được một số manh mối nhưng...chết cũng không nói đâu?

       
                                                            NCL
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.09.2010 01:43:49 bởi clietc >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9