Giờ Phút Cuối
Mienkim 23.09.2010 02:48:39 (permalink)
Giờ Phút Cuối

Miên Kim


Mấy tuần nay bà Nam bị liệt giường. Bà biết giờ phút này cũng sẽ đến khi bịnh xơ gan trở thành ung thư gan.

Có tiếng mở cửa trước, rồi đóng lại.

- Thanh đó hả con?

Bà lên tiếng hỏi nhưng thừa biết đó là Thanh, đứa con dâu trưởng.

- Con đây me ạ. Tối qua me ngủ được không?

Vừa nói Thanh vừa bỏ đồ vào tủ lạnh rồi cởi áo choàng ra:

- Trời hôm nay lạnh lắm, người ta nói chắc đêm nay lại có tuyết

Thanh ngồi xuống bên cạnh chiếc xa lông mà bà Nam đang nằm:

- Đêm qua me thấy bụng đỡ không? Tối qua me ăn được bao nhiêu?

Thanh hỏi để mà hỏi chứ nàng cũng biết câu trả lời như thường lệ:

- Ờ cũng dễ chịu, tối qua me ăn cũng hết món con nấu, chỉ trừ vài ba miếng thịt.

Gần hơn một tháng nay bụng của bà bị phình lên vì nước trong người tiết ra không đủ. Đây là triệu chứng bình thường đối với những người bị ung thư gan vào giai đoạn cuối.

Hơi và nước nhiều quá làm bụng bà căng như có bầu sắp đẻ. Bà Nam đi đứng đã khó khăn, ngồi lại càng khó hơn nên mỗi lần ăn, bà phải nằm để cho con cái đút cho. Mỗi lần ăn xong, bà lại cảm thấy khó chịu, tối ngủ không yên. Sau ba tuần như thế, Thanh bắt đầu nấu ăn cho bà vì mấy đứa em chồng phải học thi. Thanh ngày ngày ghé qua vào khoảng chín giờ sáng. Nàng hỏi han, nói chuyện cho bà đỡ buồn rồi đi nấu bữa trưa và nấu luôn bữa chiều. Bà ăn trưa xong, nàng mới về.

Thanh tránh cho bà ăn bún, cơm, hoặc những loại bánh có bột gói bằng lá chuối. Nàng chỉ nấu rau cải với thịt nạc. Bà không thích ăn thịt nạc vì nó khô quá, nhưng Thanh nói:

- Chất bột làm cho khó tiêu. Me nên ăn rau cho nhẹ bụng. Ăn thịt nạc như ức gà để cho có sức vì me ăn ít quá.

Bà cố gắng ăn để con cái vui lòng nhưng thật sự bà thèm cơm lắm. Nhưng rồi ăn thức ăn của con dâu nấu được vài ba bữa, bà cảm thấy đỡ hơn, hơi trong bụng bớt hẳn đi. Bà đã thôi uống thuốc trị hơi mà vẫn thấy dễ chịu…

Bà nghĩ đến tình cảm của con cái. Tụi nó thương bà nên nấu những món bà thích nhưng thật sự là có hại cho bà. Biết bà thích ăn loại bánh kẹp, thằng con trai thứ từ California về thăm, mua cho hai thùng để bà ăn cho đã. Đứa con dâu thì bảo bà không nên ăn, vì chất ngọt sẽ làm bà mệt. Bà miễn cưỡng nghe lời nhưng phải công nhận bớt ăn đồ ngọt thì thấy khỏe hơn. Bà thấy đôi khi lý trí thật cần thiết trong việc ngừa bịnh…

Có tiếng chén lạch cạch trong bếp, chắc việc nấu nướng cũng sắp xong. Bà nhìn đồng hồ. Kim chỉ gần mười hai giờ trưa, đã đến giờ ăn rồi. Thanh bưng ra một chén nhỏ:

- Hôm nay con nấu canh mồng tơi với thịt gà mà me thích. Me cố gắng ăn cho có chất bổ.

Đứa con dâu lúc nào cũng nói câu đó cho bà rán ăn.

- Được con! Me ăn được mà.

Bà cố vui vẻ ăn, nhưng cũng chỉ vơi được có nửa chén!



Không ăn uống được nhiều, sức khoẻ của bà càng ngày càng sa sút. Sáng sáng leo lên cân là bà lại bị mất đi cả một phần tư ký. Bà nặng từ gần năm mươi ký mà bây giờ chỉ còn lại dưới ba mươi lăm ký.

Thấy bà xuống cân lẹ quá, con trai trưởng của bà là Luân đã cho bà uống thêm sữa có chất đạm và calories cao. Mấy hôm vừa rồi bà không còn sụt ký nữa. Luân vui lắm và hy vọng mẹ vẫn còn phương cứu chữa.

Thứ hai, nhằm vào ngày cuối năm, bà Nam lâm vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Luân gọi xe cứu thương, đưa mẹ vào phòng cấp cứu. Hỏi ra mới biết là chất ammonia trong người không bài tiết được vì lá gan đã bị hư nặng.

Luân lặng người, bao nhiêu hy vọng cho mẹ khoẻ lại đều tan thành mây khói.

Nằm trên giường bịnh trong nhà thương, Bà Nam thì thào:

- Bác sĩ chịu thua rồi hả con?

Thanh bối rối trả lời:

- Tụi con sẽ đem me về nhà, cho me uống thuốc bổ để me khoẻ lại.

Nói xong Thanh rơm rớm nước mắt. Nàng đã nói dối. Khi còn tỉnh táo, bà Nam nói là nếu bịnh chữa không được, bà sẵn sàng từ biệt thế gian để gặp lại bà con ở thế giới bên kia, nhưng bây giờ trong trạng thái gần đất xa trời, bà lại đâm ra lưu luyến con cái, chưa muốn ra đi.

- Về nhà hầm thức ăn rồi đút cho me được không con?

- Được me ạ, me muốn ăn gì thì tụi con sẽ nấu cái đó

Thanh tiếp tục nói dối, nàng thừa biết bà không còn ăn được gì thêm nữa vì lá gan hầu như đã ngưng làm việc. Bà Nam thiếp đi một chập rồi lại tỉnh giấc:

- Về nhà thì me cứ phải nằm hoài rồi chờ chết hả con?

- Tụi con sẽ tiếp tục cho me uống thuốc bổ như bốn năm vừa rồi để cho me khoẻ lại.

Thanh không biết nói gì hơn ngoài những lời mà nàng nghĩ là mẹ chồng muốn nghe. Bốn năm trước khi khám phá ra bà Nam bị ung thư gan, bác sĩ nghĩ bà chỉ sống được từ ba đến sáu tháng. Bướu ung thư nằm ở một vị trí rất ngặt nghèo, nếu cắt bớt hoặc chạy điện thì bà có thể sẽ chết. Sau bao ngày nghiền ngẫm, nghiên cứu, hỏi người này người kia, Luân, chồng nàng, tìm được một ông bác sĩ người Ba Tư, cách nhà khoảng một giờ lái lái xe. Ông bác sĩ này ngày xưa chuyên về giải phẫu nhưng vì thấy tỉ lệ bịnh nhân chết quá cao, ông bỏ nghề và bây giờ chỉ tin vào sự tẩm bổ để chống bịnh hơn là dùng dao kéo. Trong bốn năm liên tục, tiền thuốc mỗi tháng tốn khoảng từ bốn trăm tới sáu trăm đô la. Mỗi ngày bà phải uống trên hai mươi loại thuốc cộng thêm thuốc chích mua từ bên Nhật.

Bà Nam tiếp tục hỏi:

- Rồi mình có rút nước trong bụng ra không con?

Thanh lại tiếp tục nói dối:

- Không me ạ, me có nhớ bốn năm về trước khi me làm sinh thiết gan không? Nó làm cho me đau gần chết. Me cứ tiếp tục uống thuốc bổ, khi khoẻ lại, nước sẽ tự động đi ra khỏi người. Me cứ an tâm, mọi chuyện để tụi con lo.

Thanh thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Nàng mong mẹ chồng thảnh thơi ra đi, không phải bận tâm gì hết. Cách đây mấy tháng, nước đọng trong người quá nhiều làm cho bà khó chịu, phải nằm hoài. Lúc đó bác sĩ nghĩ, chỉ có thể rút nước ra được khoảng hai mươi phần trăm và rồi nước cũng sẽ tiếp tục đọng lại. Suy đi nghĩ lại bà Nam thấy không có lợi, mà có thể bị nhiễm trùng nữa.

Đôi mắt bà Nam lờ đờ. Thanh lấy cái que mút, thấm nước rồi bỏ vào miệng cho mẹ chồng ngậm, nút chầm chậm cho đỡ khát, nếu nút nhanh bà lại bị sặc.

- Khi về me có phải nằm giường của nhà thương không con?

Thanh phải để tai sát vào miệng của mẹ chồng mới hiểu bà muốn nói gì:

- Me có muốn nằm loại giường này không?

Bà Nam lắc đầu:

- Không!

- Vậy thì me nằm giường của me ở nhà. Giường của mình thì vẫn êm và dễ ngủ hơn hả me?

Bà Nam gật gật cái đầu:

- Ừ, êm hơn!

Luân đã dàn xếp cho hospice đưa chiếc giường giống như của nhà thương về ngày mai. Thứ sáu thì bà Nam sẽ xuất viện. Thanh suy nghĩ, nếu mẹ chồng còn sáng suốt để lựa chọn, thì giường nào cũng được miễn sao thoải mái thôi.

Thanh nhìn đồng hồ, đã gần mười giờ đêm. Thu, em của Luân mới đến để trực bên cạnh mẹ cho đến sáng. Thanh cảm thấy mệt. Nàng đã ở đây từ hồi tám giờ sáng vậy là gần mười bốn tiếng rồi. Dọn sơ sơ xong Thanh gọi cô y tá vô phòng để giúp nàng thay tã cho bà Nam. Đút thêm một chút nước cho bà đỡ khô miệng, xong xuôi, Thanh nhè nhẹ cầm lấy bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương của mẹ chồng:

- Me à, Thu nó sẽ ở với me đêm nay, bây giờ con về, me ngủ ngon nhé!

Bà Nam trở mình, gật đầu, đôi mắt như đang mở nửa chừng. Bà lấy hết sức nắm chặt tay con dâu. Trong khoảnh khắc, mẹ chồng nàng dâu như hiểu nhau nhiều hơn. Thanh lấy tay kia vuốt nhẹ vài sợi tóc trên trán bà. Bao năm nay Thanh vẫn biết là mẹ chồng thương nàng lắm. Bà Nam thả nắm tay ra. Thanh rón rén choàng áo vào và dặn dò Thu những điều nên để ý khi ở lại với mẹ. Thanh nhìn mẹ chồng một lần nữa rồi bước ra khỏi cửa phòng.

Khuông viên của bịnh viện khá lớn. Bà Nam nằm ở tầng thứ tám. Thanh lấy thang máy xuống hành lang rồi ra cửa chính. Đeo găng tay, kéo cổ áo lên cho cao, bước qua cánh cửa tự động, một cơn gió lạnh tạt vào mặt, Thanh biết mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn mấy đông trước nhiều lắm…

*

* *

Sau khi nghe nói gia đình sẽ đưa bà về nhà, mặt của bà Nam sáng hẳn lên. Bà bắt đứa con gái dìu bà ra khỏi giường để tập đi qua đi lại. Bà biết mình không còn đủ sức nhưng bà phải tập để không phiền con cái về chuyện vệ sinh. Loan, đứa con gái trưởng, đỡ bà lên một bên, nhưng đành phải thả bà nằm lại trên giường vì nó làm một mình không nỗi. Nó cũng không muốn làm phiền mấy cô y tá. Hơi buồn nhưng bà kiên nhẫn, nghĩ thầm, chờ khi về đến nhà cũng không muộn.

Ba giờ rưỡi chiều sau khi được dìu vào nhà, bà Nam nằm nghỉ một chặp rồi lên tiếng:

- Me muốn ngồi.

- Me muốn ngồi lên để uống nước hả?

Mấy đứa con đưa mắt nhìn bà rồi nhìn nhau không hiểu .

- Không, me muốn đứng dậy để đi.

- Được me ạ.

Mặc dầu nói được nhưng những cặp mắt đều nhìn bà ái ngại. Thanh và Loan nhè nhẹ mỗi người một tay đưa ra phía sau lưng bà còn tay kia thì nắm lấy cánh tay. Mỗi người một bên từ từ nâng bà lên khỏi đầu giường. Luân cầm hai chân bà đặt xuống đất. Bà Nam thở hổn hển. Bà ngồi trên mép giường nghỉ một chặp rồi lại nói:

- Đỡ me đứng dậy.

Đám con hỏi:

- Me muốn đi đâu?

- Me muốn vào toilet.

Thanh nói nhỏ nhẹ:

- Me à, tụi con không tháo bọc nước tiểu ra được, nếu me muốn đi thì tụi con dìu me đi vòng vòng trong nhà được không?

Hỏi xong Thanh và Loan nâng bà Nam lên. Từng bước từng bước một nhưng bà lại cảm thấy quá khó nhọc:

- Cho me ngồi xuống.

Hai đứa lại dìu bà trở lại chiếc giường và đặt bà xuống. Suy nghĩ một vài phút rồi bà nói với giọng cương quyết:

- Luân, con chích cho me một mũi thuốc để me …đi.

Luân nhìn mẹ rồi chợt hiểu:

- Me à, chuyện sống chết là của trời định, con không dám.

Luân vừa trả lời vừa nghĩ đến mấy hộp thuốc mà hospice mới đưa đến để giúp cho những người sắp chết được ra đi nhẹ nhàng. Chàng biết mẹ cũng hiểu công dụng của nó như thế nào.

- Me không muốn làm phiền các con nên không muốn sống như vậy nữa.

Luân biết mẹ đang khổ tâm. Khi còn mạnh khoẻ, nhiều lần bà đã nói khi không còn đủ sức để tự lo cho mình về vấn đề vệ sinh thì bà không muốn sống nữa. Luân ra dấu cho vợ để mẹ nằm xuống. Chàng nhỏ 5 mg morphine vào miệng để mẹ dễ ngủ. Bà Nam nhắm mắt lại. Xa xa sau những cụm mấy trắng, bà thấy mẹ của bà như đang dang tay chờ đón bà…

Luân vào hãng lo thu xếp công việc với nhân viên. Chàng biết mấy ngày sắp tới có thể sẽ không vào văn phòng được. Từ hôm thứ sáu tới giờ mẹ không ăn uống gì được ngoài vài muỗng nước. Sáng nay đứa em gái gọi điện báo cáo tình trạng của mẹ. Luân biết giờ phút cuối cuộc đời của mẹ mình không còn bao lâu, có lẽ là chiều hoặc tối nay.

Luân bình tĩnh vừa lái xe về vừa ôn lại những ngày tháng từ lúc mẹ qua Mỹ cách đây mười bảy năm. Chàng cảm thấy không còn điều gì để mà ân hận hoặc phải hỏi những câu như: "Ờ phải chi biết vậy thì mình làm cái này cho mẹ, làm cái kia cho mẹ."

Luân về đến nhà khoảng mười hai giờ trưa. Hơi thở của bà thật khó khăn, cứ phải hít vào một cách nặng nhọc Luân khẽ hỏi thăm mẹ như thế nào nhưng không thấy bà phản ứng như mọi hôm.

Thanh cầm lấy khuỷu tay của mẹ chồng. Nàng nhìn đồng hồ và bắt đầu đếm một, hai, ba,.. rồi nàng lẩm nhẩm:

- Tim đập quá nhanh…

Ngực của bà Nam phập phồng. Thanh lật tấm mền ở dưới chân lên, rờ vào hai bàn chân gầy guộc, nàng cảm thấy lành lạnh. Nàng biết giờ ra đi của mẹ chồng không còn bao lâu. Nhịp tim hôm thứ sáu là chín mươi hai, thứ bảy là một trăm lẻ hai, chủ nhật là một trăm mười hai, và hôm nay thứ hai lại lên tới một trăm hai mươi hai nhịp trong một phút.

Luân nói tình trạng của mẹ cho ba chàng biết và đề nghị là ông nên mời các tín đồ Cao Đài địa phương đến để tụng kinh theo đạo nhà. Chàng bắt đầu dựng bàn thờ cho mẹ, đặt hoa quả, lư hương và thắp nhang. Tiếng kinh thanh thoát bắt đầu vào ba giờ chiều. Hơi thở của bà Nam có phần nặng nhọc hơn. Nửa tiếng sau, bà tắt thở...

Luân nhẹ vuốt mắt mẹ. Bà Nam thanh thản ra đi. Nhìn gương mặt hiền hậu của mẹ chàng biết rồi đây mình sẽ nhớ mẹ nhiều lắm...
#1
    Mienkim 16.10.2010 12:53:09 (permalink)
    [font=""]Đi Thăm Mộ

    Luân chạy xe chậm lại rồi quẹo trái vào cái cổng đề tên Fairfax Memorial Park. Hôm nay là thứ bảy trước ngày Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, nghĩa trang chỉ lác đác vài ba người ra thăm mộ. Chiếc xe từ từ leo lên con đồi rồi dừng lại dưới một tàn cây đầy bóng mát. Luân lo ghé thăm mẹ trước vì thứ hai sở đóng cửa, Luân lợi dụng ba ngày nghỉ này để đưa Thanh, vợ chàng, đi chơi xa.

    Hồi mới qua Mỹ mỗi lần đi ngang qua mấy nghĩa trang, Luân cứ nghĩ đó là những công viên yên tĩnh hoặc là nơi để chơi golf. Nhìn xa tưởng chỉ là một thảm cỏ xanh rì thật mát mắt, tới gần mới thấy tên tuổi và ngày ra đi của những người đã khuất trên tấm bia làm bằng đồng lát trên đá hoa cương nằm sát trên mặt đất. Luân hiểu là người ta làm bia như vậy để cắt cỏ cho dễ dàng, không như ở VN, những bia mộ được dựng đứng và to đủ cỡ .

    Ngày mốt, nghĩa trang sẽ có hàng trăm người đến đễ dự Thánh Lễ được tổ chức hàng năm vào 11 giờ. Những lần không có dự tính đi xa, hai vợ chồng Luân vẫn hay đến dự và thăm viếng chị Mai, chị của Thanh, và bé Khanh, đứa cháu mười hai tuổi chết vì ung thư họng khi mới qua Mỹ chưa được một năm. Luân nghĩ tới chị Mai và bé Khanh rồi lại nghĩ tới ngôi mộ của mẹ nằm cách hai ngôi mộ đó không đầy mười bước, mới đây mà mẹ đã ra đi hơn một năm rồi. Đôi lúc trong giờ làm việc, có chút thời giờ rảnh rổi, theo thói quen, Luân cầm điện thoại lên để gọi cho mẹ, như mọi lần, lại bỏ điện thoại xuống, những giây phút đó chàng nhớ mẹ vô cùng. Đều đều mỗi cuối tuần Luân hay đi thăm mẹ: một là với vợ, hai là chàng ghé qua nhà của nhỏ em để đón cha đi chung.

    Luân tắt máy xe rồi mở chiếc hộc nhỏ để lấy hộp quẹt. Thanh quay ra phía sau, vói tay lấy cái bọc nhựa trắng đang nằm trên băng ghế rồi mở ra và đếm tổng cộng mười hai cây nhang dài chừng nửa thước .

    -Đừng quên 3 cây cho chị Lộc nha Thanh.

    Luân dặn Thanh trước khi mở cửa xe. Chị Lộc là vợ của người em họ của Thanh nhưng vì chị ấy lớn tuổi hơn nên Luân gọi là chị. Chị Lộc mới chết cách đây có sáu tháng vì bị ung thư nơi bụng. Trước khi chết, chị Lộc trối lại với Luân là nếu có ra mộ thắp nhang cho mẹ thì nhớ thắp cho chị ấy với . Ngôi mộ của chị ấy nằm sát bên cạnh mẹ của Luân nên vấn đề thắp nhang cho chị rất dễ dàng. Thanh đếm lại nắm nhang đang cầm trên tay rồi mở cánh cửa xe bên tay phải, ra khỏi xe xong Thanh đi theo Luân về hướng bốn ngôi mộ .

    Trời trong xanh, những con sóc đuổi bắt nhau trên những cành cây gần đó. Luân bật hộp quẹt lên còn Thanh thì cầm bó nhang đứng sát bên cạnh. Mỗi lần lửa được bật lên là lại bị gió thổi tắt ngúm. Luân đi tìm một bụi cây rồi lum khum bắt đầu lại. Ngọn lửa leo lét không còn bị gió thổi nữa. Luân với lấy nắm nhang từ tay Thanh rồi bắt đầu đốt . Mười hai cây nhang, mỗi cây lớn gần bằng ngón tay út nên hơi khó cháy. Luân kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi đầu của mấy cây nhang đỏ hoét rồi mới thổi cho tắt hộp quẹt. Đưa cho Thanh chín cây nhang, còn giữ lại ba cây, Luân đứng trước mộ mẹ lâm râm khấn, lạy ba lạy rồi cắm nó xuống đất trước tấm bia dài, bên trái là tên, tháng, năm sinh và ngày tử của mẹ, còn bên phải thì khắc tên của cha nhưng ngày tử thì để trống. Mỗi lần ra thăm mẹ và cắm nhang xuống đất là Luân phải bật cười khi đọc hai câu: Hồng trần là chốn giác mê; Phản hồi tiên cảnh là quê hương mình . Hai câu được khắc trên tấm bia là theo ý của cha. Luân cười vì nếu ổng nghĩ là phản hồi tiên cảnh là quê hương mình thì tại sao mấy tháng trời ông lại sợ và ngủ không được khi thấy tên của mình trên tấm bia sau khi đi thăm mộ vợ về ...

    Lấy lại ba cây nhang nơi Thanh, Luân bước sang bên phải, đứng trước mộ của chị Lộc, Luân lẩm nhẩm:

    -Chị Lộc, những điều tui hứa với chị trước khi chị chết tui đã làm xong tất cả rồi. Con Lan đã có giấy tờ ở lại Mỹ hợp lệ . Chị có thể yên tâm, đừng lo gì nữa nha chị.

    Nói xong Luân vái ba cái rồi cắm ba cây nhang xuống trước tấm bia đề tên Têrêsa Nguyễn Thị Lộc còn mới toanh. Chị Lộc, người đàn bà xấu số đã ra đi một cách bất ngờ sau khi ngã bịnh chỉ có năm tháng. Lan, đứa con gái của chị ở VN, được chính phủ Mỹ cho qua thăm mẹ. Trong thời gian bị bịnh, chị Lộc cứ lo lắng chuyện con Lan phải về lại VN. Luân hứa với chị là sẽ hết sức để giúp cho con Lan ở lại Mỹ luôn. Lúc đang hấp hối, Chị Lộc nghe xong lời hứa, cảm động, ứa nước mắt, và cảm ơn Luân trước khi chị ấy chết .

    Nghĩ tới chị Lộc, Luân lại nhớ nỗi băn khoăn của mình về con Lan cách đây mấy tháng. Luân tìm mọi cách hợp pháp để lo cho con Lan ở lại Mỹ, nhưng tất cả đều đi vào ngõ cụt ngoại trừ chuyện nó lấy chồng. Chuyện lấy chồng có liên quan đến một người thứ ba thì làm sao Luân có thể chủ động được, nhất là có liên hệ đến vấn đề tình cảm, mà thời gian con Lan được ở lại Mỹ chỉ còn vọn vẹn có năm tháng ... Cũng may là trong một buổi tiệc gia đình, Thanh hỏi đứa em dâu là Hạnh về thằng Tính, em của nó. Thằng bé này hồi Luân mới gặp mười mấy năm về trước, nó mới có mười hai tuổi, lù khù, mập, và chẳng nói câu nào. Khi Thanh hỏi Hạnh về Tính, Luân đã xua đi và nói không hợp với con Lan. Thanh chỉ cười và nói chuyện tình duyên ai mà biết trước được ...

    Nhân dịp tổ chức ngày sinh nhật cho đứa con trai, Hạnh mời bà con thân thuộc và cả gia đình con Lan tới dự . Luân rất đổi ngạc nhiên khi gặp thằng Tính lại sau bao nhiều năm, ngày xưa nó lù khù bao nhiêu thì bây giờ lại chững chạc, điềm đạm bấy nhiêu. Luân hỏi thêm thì mới biết nó ra trường kỹ sư bốn năm và đang đi làm cho một hãng khá lớn. Thằng Tính mới gặp con Lan thì như là bị tiếng sét ái tình đánh trúng, nó ngẩn ngơ như người mất hồn. Con Lan cũng thích thằng Tính. Sau ba tháng, Luân hỏi thằng Tính:

    -Con Lan chỉ còn được ở Mỹ thêm hai tháng nữa thôi, nếu con thích con Lan thì tiến tới, không thì chú phải tìm cách khác cho nó ở lại .

    Thằng Tính trả lời:

    -Con không muốn Lan về VN .

    -Nếu con không muốn nó về lại VN thì chỉ có cách là làm giấy hôn thú .

    Thằng Tính không ngần ngại trả lời :

    -Con muốn xây dựng hạnh phúc với Lan. Con sẽ thưa với ba và chị Hạnh, và sẽ đưa ba qua nói chuyện với bác Minh, ba của Lan. Nhẫn cưới thì má của con đã mua rồi .

    Má của thằng Tính mất cách đây cũng không lâu. Tội nghiệp bà ấy, có ba đứa con, hai gái một trai, thằng Tính là út, bà chỉ mong sống cho tới ngày thằng Tính yên bề gia thất, khi biết mình không còn sống được bao lâu, bà đã lo mua nhẫn cưới cho nó. Có thể vì hai đứa cùng mất mẹ nên thằng Tính và con Lan dễ thông cảm với nhau trong một thời gian quen biết ngắn ngủi. Luân muốn biết cho chắc chắn nên hỏi thêm:

    -Con có chắc không Tính ?

    Thằng Tính gật đầu. Luân thở nhẹ nhỏm và nói tiếp:

    -Vậy thì chú sẽ tìm luật sư để tiến hành chuyện giấy tờ. Con lo giấy hôn thú sau khi hai gia đình đồng ý, chắc làm một cái đám cưới nho nhỏ, chỉ trong gia đình, mai mốt có muốn đám cưới lớn hơn để chia vui với bạn bè thì mình tính sau .

    Thằng Tính lại gật đầu .

    Luân được biết chuyện hai ông sui gặp nhau rất là tương đầu ý hợp. Ba của thằng Tính nói là từ ngày gặp con Lan, cái tánh lầm lầm, lì lì, không nói một câu của thằng Tính biến mất, mặt mày của nó tươi hẳn lên, nói năng cũng nhiều hơn, thậm chí là nó còn hỏi ông khoẻ không mỗi khi đi đâu về. Coi như mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp cho cả hai bên, Luân thật mừng cho họ .

    Chi phí luật sư để làm giấy tờ cho con Lan là khoảng năm ngàn đô, trong số đó thì khoảng hơn một ngàn là phải đóng cho bộ di trú, coi như tiền luật sư là cỡ ba ngàn rưỡi. Luân suy nghĩ thật nhiều về số tiền này; con Lan chưa đi làm, ba của nó đi làm ba cọc ba đồng rồi lại mới chôn cất má nó tốn kém hơn cả mười ngàn đồng; để cho thằng Tính trả thì sợ ba của nó nói bên nhà gái lợi dụng thằng con trai của ổng. Luân tự nghĩ, nếu chàng đã làm giấy tờ cho con Lan qua tới Mỹ được thì chắc nghiên cứu cách làm giấy tờ cho nó ở lại cũng không khó hơn bao nhiêu. Tối hôm đó Luân bắt đầu lên web tìm tòi về thủ tục làm giấy tờ di trú.

    Ba ngày trời và bao nhiêu cái bấm trên bàn phiếm, Luân tìm được một trang trên web chỉ dẫn cho cách thức điền giấy tờ. Luân trả cho người ta bốn mươi chín đô rồi in tất cả ra và bắt đầu đọc. Đọc tới đâu là Luân thúc thằng Tính với con Lan làm tới đó; nào là đi lăn dấu tay, đổi địa chỉ, làm giấy hôn thú, mở chương mục tiết kiệm ở nhà băng ... điền hết trang này đến trang nọ, sau một tuần là mọi chuyện đều xong. Luân nói hai đứa nó đến nhà để ký tên rồi gởi hồ sơ đi. Thằng Tính dành trả số tiền mà Luân phải gởi kèm theo. Một tháng sau đó, con Lan được bộ di trú kêu đi phỏng vấn. Luân về nhà nói cho Thanh nghe. Thanh khen:

    -Luân giỏi thiệt.

    Lúc nào mà nghe vợ khen là Luân đều thấy hả hê .

    Ngồi trước ngôi mộ của chị Lộc, Luân thấy tâm hồn thật thanh thản. Luân mừng cho chị là không còn lo lắng gì về chuyện con Lan nữa. Luân vỗ nhẹ nhẹ lên thảm cỏ xanh trên ngôi mộ của chị Lộc và nói :

    -Mọi chuyện đều xong hết rồi, đừng lo gì nữa nha chị. Thôi tui đi đây, chào chị.

    Nói xong Luân đứng dậy và đi về phía Thanh. Thanh cũng đã cắm nhang xong cho chị Mai và bé Khanh. Luân đến trước hai ngôi mộ và thầm chúc cho hai linh hồn được bình an rồi cùng Thanh đi ra xe .

    Luân vừa cho xe chạy chậm chậm xuống con đồi trong nghĩa trang vừa nhìn trời nhìn đất. Hôm nay trời thật đẹp, khung cảnh thật yên bình. Thanh chợt nói:

    - Nhìn bên trái kìa Luân, coi bà cụ với chậu hoa, làm như bà ta xách không nỗi .

    Luân nhìn theo hướng chỉ tay của Thanh, dừng xe, rồi kéo cửa kiếng xuống nói vọng ra:

    -Bà ... bà có muốn tôi giúp không?

    Bà cụ khoảng tám mươi tuổi, vóc người mảnh khảnh, quay lại:

    -Cậu làm ơn giúp tôi.

    Luân ra khỏi xe, tiến lại bên bà cụ rồi xách chậu hoa tươi khá nặng. Luân hỏi:

    -Bà muốn để hoa ở đâu?

    -Mộ của chồng tôi ở gần đây, nhưng tôi không nhớ chính xác là ở chỗ nào, tên là Turcott, đánh vần là T U R C O T T.

    Luân để chậu hoa xuống đất, nói bà ta đứng yên đó rồi đi tìm ngôi mộ có tên Turcott. Đi dọc, đi xuôi không lâu thì Luân đã tìm ra. Chàng đi lại hướng bà cụ đang đứng thì thấy Thanh đang nói chuyện với bà ta.

    -Tôi đã tìm ra mộ của chồng bà rồi.

    Luân vừa tiến lại, vừa nói, vừa đưa tay với lấy chậu hoa.

    -Cám ơn cô cậu nhiều lắm, tôi ra thăm chồng tôi đã nhiều lần nhưng lần nào cũng phải đi tìm, chắc tôi đã bị bịnh lẫn.

    Bà cụ đi theo Luân và Thanh một cách khó khăn, được biết là bà ấy đang bị đau khớp xương. Nhìn mỗi bước đi của bà cụ là Luân có cảm tưởng như có ai xoáy dao vào tủy của bà . Đi có một khoảng cách ngắn mà tốn khá nhiều thời gian, cuối cùng ba người đứng trước một ngôi mộ có đề tên George C. Turcott ở bên trái, phía bên phải là Hellen M. Turcott với ngày sinh còn ngày tử thì để trống, Luân đặt chậu hoa xuống giữa hai tên và hỏi:

    -Vậy thì bà là Hellen?

    Bà Hellen gật đầu trả lời:

    -Đúng rồi, đáng lẽ tên tôi là Hellen M. Turcotte có chữ E phía sau nhưng vì má chồng tôi ghét chữ E nên đã lấy nó ra. Má chồng tôi hợm hỉnh nên đã từ chối chồng tôi một chữ E, coi như tôi bị mất chữ E cũng tại vì bà ấy.

    Vừa nói bà Hellen vừa nháy mắt một cách tinh nghịch. Luân chắc là bà Hellen không mấy thích má chồng cho lắm. Bà Hellen nói tiếp :

    - Chồng tôi ngày xưa đi đánh trong thế chiến thứ hai, bị quân Đức bắt ở tù, cũng may là chiến tranh chấm dứt nên ổng mới được về .

    Luân nhìn ngôi mộ của ông Turcott với chiếc cờ Mỹ mới cắm. Luân lại bùi ngùi nghĩ đến những chiến sĩ VNCH đã bỏ mình trên trên chiến trường, mồ mả đã bị ủi đi hoặc không còn người thân để thăm viếng, những chiến sĩ đã bị chết trong trại cải tạo mà người thân không biết ở đâu mà đi viếng, và những chiến sĩ phải bỏ quê hương ra đi như cha, để rồi chết một cách âm thầm trên đất người, con cháu cũng không còn biết hoặc nhớ đến công lao bảo vệ tổ quốc của họ một thời. Bên Mỹ này dầu sao thì đến ngày Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, chính phủ vẫn cho người ra cắm cờ trên ngôi mộ, dù họ tử chiến, chết vì bệnh tật, hay bệnh già, miễn sao là họ là cựu quân nhân là được.

    Luân vừa nghe bà Hellen nói vừa nhìn khuôn mặt đã tám mươi lăm tuổi mà vẫn còn nét thanh tú của một người mà Luân nghĩ hồi trẻ rất là đẹp. Đôi mắt bà Hellen tự nhiên thành xa vắng, giọng nói trầm xuống:

    -Mới đó mà đã hơn mười năm từ ngày ông mất, tôi muốn đi thăm mộ thường hơn nhưng sức khoẻ không cho phép, con cái thì ở xa .

    Luân đùa:

    -Sao bà không lấy chồng khác ?

    Đôi mắt của bà Hellen chợt sáng lên:

    -Chồng tôi là nhất thì tôi còn muốn ai nữa .

    Luân nghĩ ông Turcott thật may mắn khi có một người vợ coi mình là nhất. Bà Hellen bắt đầu kể thêm những chiến tích của người mà mình đã chung sống trong bao nhiêu năm. Luân và Thanh yên lặng nghe, lâu lâu chỉ gật gật cái đầu . Một lúc sau bà Hellen có vẻ hơi mệt nên ba người bắt đầu đi về hướng hai chiếc xe đang đậu .

    Giúp bà Hellen vào trong xe và chào bà ấy xong, Luân và Thanh trở về xe của mình và trực chỉ hướng ra ngoại ô sau khi vẫy tay chào bà Hellen thêm một lần nữa...

    @@@
    [font=""]Miên Kim
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9