Giờ Phút Cuối
Mienkim 23.09.2010 02:48:39 (permalink)
Giờ Phút Cuối

Miên Kim


Mấy tuần nay bà Nam bị liệt giường. Bà biết giờ phút này cũng sẽ đến khi bịnh xơ gan trở thành ung thư gan.

Có tiếng mở cửa trước, rồi đóng lại.

- Thanh đó hả con?

Bà lên tiếng hỏi nhưng thừa biết đó là Thanh, đứa con dâu trưởng.

- Con đây me ạ. Tối qua me ngủ được không?

Vừa nói Thanh vừa bỏ đồ vào tủ lạnh rồi cởi áo choàng ra:

- Trời hôm nay lạnh lắm, người ta nói chắc đêm nay lại có tuyết

Thanh ngồi xuống bên cạnh chiếc xa lông mà bà Nam đang nằm:

- Đêm qua me thấy bụng đỡ không? Tối qua me ăn được bao nhiêu?

Thanh hỏi để mà hỏi chứ nàng cũng biết câu trả lời như thường lệ:

- Ờ cũng dễ chịu, tối qua me ăn cũng hết món con nấu, chỉ trừ vài ba miếng thịt.

Gần hơn một tháng nay bụng của bà bị phình lên vì nước trong người tiết ra không đủ. Đây là triệu chứng bình thường đối với những người bị ung thư gan vào giai đoạn cuối.

Hơi và nước nhiều quá làm bụng bà căng như có bầu sắp đẻ. Bà Nam đi đứng đã khó khăn, ngồi lại càng khó hơn nên mỗi lần ăn, bà phải nằm để cho con cái đút cho. Mỗi lần ăn xong, bà lại cảm thấy khó chịu, tối ngủ không yên. Sau ba tuần như thế, Thanh bắt đầu nấu ăn cho bà vì mấy đứa em chồng phải học thi. Thanh ngày ngày ghé qua vào khoảng chín giờ sáng. Nàng hỏi han, nói chuyện cho bà đỡ buồn rồi đi nấu bữa trưa và nấu luôn bữa chiều. Bà ăn trưa xong, nàng mới về.

Thanh tránh cho bà ăn bún, cơm, hoặc những loại bánh có bột gói bằng lá chuối. Nàng chỉ nấu rau cải với thịt nạc. Bà không thích ăn thịt nạc vì nó khô quá, nhưng Thanh nói:

- Chất bột làm cho khó tiêu. Me nên ăn rau cho nhẹ bụng. Ăn thịt nạc như ức gà để cho có sức vì me ăn ít quá.

Bà cố gắng ăn để con cái vui lòng nhưng thật sự bà thèm cơm lắm. Nhưng rồi ăn thức ăn của con dâu nấu được vài ba bữa, bà cảm thấy đỡ hơn, hơi trong bụng bớt hẳn đi. Bà đã thôi uống thuốc trị hơi mà vẫn thấy dễ chịu…

Bà nghĩ đến tình cảm của con cái. Tụi nó thương bà nên nấu những món bà thích nhưng thật sự là có hại cho bà. Biết bà thích ăn loại bánh kẹp, thằng con trai thứ từ California về thăm, mua cho hai thùng để bà ăn cho đã. Đứa con dâu thì bảo bà không nên ăn, vì chất ngọt sẽ làm bà mệt. Bà miễn cưỡng nghe lời nhưng phải công nhận bớt ăn đồ ngọt thì thấy khỏe hơn. Bà thấy đôi khi lý trí thật cần thiết trong việc ngừa bịnh…

Có tiếng chén lạch cạch trong bếp, chắc việc nấu nướng cũng sắp xong. Bà nhìn đồng hồ. Kim chỉ gần mười hai giờ trưa, đã đến giờ ăn rồi. Thanh bưng ra một chén nhỏ:

- Hôm nay con nấu canh mồng tơi với thịt gà mà me thích. Me cố gắng ăn cho có chất bổ.

Đứa con dâu lúc nào cũng nói câu đó cho bà rán ăn.

- Được con! Me ăn được mà.

Bà cố vui vẻ ăn, nhưng cũng chỉ vơi được có nửa chén!



Không ăn uống được nhiều, sức khoẻ của bà càng ngày càng sa sút. Sáng sáng leo lên cân là bà lại bị mất đi cả một phần tư ký. Bà nặng từ gần năm mươi ký mà bây giờ chỉ còn lại dưới ba mươi lăm ký.

Thấy bà xuống cân lẹ quá, con trai trưởng của bà là Luân đã cho bà uống thêm sữa có chất đạm và calories cao. Mấy hôm vừa rồi bà không còn sụt ký nữa. Luân vui lắm và hy vọng mẹ vẫn còn phương cứu chữa.

Thứ hai, nhằm vào ngày cuối năm, bà Nam lâm vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Luân gọi xe cứu thương, đưa mẹ vào phòng cấp cứu. Hỏi ra mới biết là chất ammonia trong người không bài tiết được vì lá gan đã bị hư nặng.

Luân lặng người, bao nhiêu hy vọng cho mẹ khoẻ lại đều tan thành mây khói.

Nằm trên giường bịnh trong nhà thương, Bà Nam thì thào:

- Bác sĩ chịu thua rồi hả con?

Thanh bối rối trả lời:

- Tụi con sẽ đem me về nhà, cho me uống thuốc bổ để me khoẻ lại.

Nói xong Thanh rơm rớm nước mắt. Nàng đã nói dối. Khi còn tỉnh táo, bà Nam nói là nếu bịnh chữa không được, bà sẵn sàng từ biệt thế gian để gặp lại bà con ở thế giới bên kia, nhưng bây giờ trong trạng thái gần đất xa trời, bà lại đâm ra lưu luyến con cái, chưa muốn ra đi.

- Về nhà hầm thức ăn rồi đút cho me được không con?

- Được me ạ, me muốn ăn gì thì tụi con sẽ nấu cái đó

Thanh tiếp tục nói dối, nàng thừa biết bà không còn ăn được gì thêm nữa vì lá gan hầu như đã ngưng làm việc. Bà Nam thiếp đi một chập rồi lại tỉnh giấc:

- Về nhà thì me cứ phải nằm hoài rồi chờ chết hả con?

- Tụi con sẽ tiếp tục cho me uống thuốc bổ như bốn năm vừa rồi để cho me khoẻ lại.

Thanh không biết nói gì hơn ngoài những lời mà nàng nghĩ là mẹ chồng muốn nghe. Bốn năm trước khi khám phá ra bà Nam bị ung thư gan, bác sĩ nghĩ bà chỉ sống được từ ba đến sáu tháng. Bướu ung thư nằm ở một vị trí rất ngặt nghèo, nếu cắt bớt hoặc chạy điện thì bà có thể sẽ chết. Sau bao ngày nghiền ngẫm, nghiên cứu, hỏi người này người kia, Luân, chồng nàng, tìm được một ông bác sĩ người Ba Tư, cách nhà khoảng một giờ lái lái xe. Ông bác sĩ này ngày xưa chuyên về giải phẫu nhưng vì thấy tỉ lệ bịnh nhân chết quá cao, ông bỏ nghề và bây giờ chỉ tin vào sự tẩm bổ để chống bịnh hơn là dùng dao kéo. Trong bốn năm liên tục, tiền thuốc mỗi tháng tốn khoảng từ bốn trăm tới sáu trăm đô la. Mỗi ngày bà phải uống trên hai mươi loại thuốc cộng thêm thuốc chích mua từ bên Nhật.

Bà Nam tiếp tục hỏi:

- Rồi mình có rút nước trong bụng ra không con?

Thanh lại tiếp tục nói dối:

- Không me ạ, me có nhớ bốn năm về trước khi me làm sinh thiết gan không? Nó làm cho me đau gần chết. Me cứ tiếp tục uống thuốc bổ, khi khoẻ lại, nước sẽ tự động đi ra khỏi người. Me cứ an tâm, mọi chuyện để tụi con lo.

Thanh thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Nàng mong mẹ chồng thảnh thơi ra đi, không phải bận tâm gì hết. Cách đây mấy tháng, nước đọng trong người quá nhiều làm cho bà khó chịu, phải nằm hoài. Lúc đó bác sĩ nghĩ, chỉ có thể rút nước ra được khoảng hai mươi phần trăm và rồi nước cũng sẽ tiếp tục đọng lại. Suy đi nghĩ lại bà Nam thấy không có lợi, mà có thể bị nhiễm trùng nữa.

Đôi mắt bà Nam lờ đờ. Thanh lấy cái que mút, thấm nước rồi bỏ vào miệng cho mẹ chồng ngậm, nút chầm chậm cho đỡ khát, nếu nút nhanh bà lại bị sặc.

- Khi về me có phải nằm giường của nhà thương không con?

Thanh phải để tai sát vào miệng của mẹ chồng mới hiểu bà muốn nói gì:

- Me có muốn nằm loại giường này không?

Bà Nam lắc đầu:

- Không!

- Vậy thì me nằm giường của me ở nhà. Giường của mình thì vẫn êm và dễ ngủ hơn hả me?

Bà Nam gật gật cái đầu:

- Ừ, êm hơn!

Luân đã dàn xếp cho hospice đưa chiếc giường giống như của nhà thương về ngày mai. Thứ sáu thì bà Nam sẽ xuất viện. Thanh suy nghĩ, nếu mẹ chồng còn sáng suốt để lựa chọn, thì giường nào cũng được miễn sao thoải mái thôi.

Thanh nhìn đồng hồ, đã gần mười giờ đêm. Thu, em của Luân mới đến để trực bên cạnh mẹ cho đến sáng. Thanh cảm thấy mệt. Nàng đã ở đây từ hồi tám giờ sáng vậy là gần mười bốn tiếng rồi. Dọn sơ sơ xong Thanh gọi cô y tá vô phòng để giúp nàng thay tã cho bà Nam. Đút thêm một chút nước cho bà đỡ khô miệng, xong xuôi, Thanh nhè nhẹ cầm lấy bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương của mẹ chồng:

- Me à, Thu nó sẽ ở với me đêm nay, bây giờ con về, me ngủ ngon nhé!

Bà Nam trở mình, gật đầu, đôi mắt như đang mở nửa chừng. Bà lấy hết sức nắm chặt tay con dâu. Trong khoảnh khắc, mẹ chồng nàng dâu như hiểu nhau nhiều hơn. Thanh lấy tay kia vuốt nhẹ vài sợi tóc trên trán bà. Bao năm nay Thanh vẫn biết là mẹ chồng thương nàng lắm. Bà Nam thả nắm tay ra. Thanh rón rén choàng áo vào và dặn dò Thu những điều nên để ý khi ở lại với mẹ. Thanh nhìn mẹ chồng một lần nữa rồi bước ra khỏi cửa phòng.

Khuông viên của bịnh viện khá lớn. Bà Nam nằm ở tầng thứ tám. Thanh lấy thang máy xuống hành lang rồi ra cửa chính. Đeo găng tay, kéo cổ áo lên cho cao, bước qua cánh cửa tự động, một cơn gió lạnh tạt vào mặt, Thanh biết mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn mấy đông trước nhiều lắm…

*

* *

Sau khi nghe nói gia đình sẽ đưa bà về nhà, mặt của bà Nam sáng hẳn lên. Bà bắt đứa con gái dìu bà ra khỏi giường để tập đi qua đi lại. Bà biết mình không còn đủ sức nhưng bà phải tập để không phiền con cái về chuyện vệ sinh. Loan, đứa con gái trưởng, đỡ bà lên một bên, nhưng đành phải thả bà nằm lại trên giường vì nó làm một mình không nỗi. Nó cũng không muốn làm phiền mấy cô y tá. Hơi buồn nhưng bà kiên nhẫn, nghĩ thầm, chờ khi về đến nhà cũng không muộn.

Ba giờ rưỡi chiều sau khi được dìu vào nhà, bà Nam nằm nghỉ một chặp rồi lên tiếng:

- Me muốn ngồi.

- Me muốn ngồi lên để uống nước hả?

Mấy đứa con đưa mắt nhìn bà rồi nhìn nhau không hiểu .

- Không, me muốn đứng dậy để đi.

- Được me ạ.

Mặc dầu nói được nhưng những cặp mắt đều nhìn bà ái ngại. Thanh và Loan nhè nhẹ mỗi người một tay đưa ra phía sau lưng bà còn tay kia thì nắm lấy cánh tay. Mỗi người một bên từ từ nâng bà lên khỏi đầu giường. Luân cầm hai chân bà đặt xuống đất. Bà Nam thở hổn hển. Bà ngồi trên mép giường nghỉ một chặp rồi lại nói:

- Đỡ me đứng dậy.

Đám con hỏi:

- Me muốn đi đâu?

- Me muốn vào toilet.

Thanh nói nhỏ nhẹ:

- Me à, tụi con không tháo bọc nước tiểu ra được, nếu me muốn đi thì tụi con dìu me đi vòng vòng trong nhà được không?

Hỏi xong Thanh và Loan nâng bà Nam lên. Từng bước từng bước một nhưng bà lại cảm thấy quá khó nhọc:

- Cho me ngồi xuống.

Hai đứa lại dìu bà trở lại chiếc giường và đặt bà xuống. Suy nghĩ một vài phút rồi bà nói với giọng cương quyết:

- Luân, con chích cho me một mũi thuốc để me …đi.

Luân nhìn mẹ rồi chợt hiểu:

- Me à, chuyện sống chết là của trời định, con không dám.

Luân vừa trả lời vừa nghĩ đến mấy hộp thuốc mà hospice mới đưa đến để giúp cho những người sắp chết được ra đi nhẹ nhàng. Chàng biết mẹ cũng hiểu công dụng của nó như thế nào.

- Me không muốn làm phiền các con nên không muốn sống như vậy nữa.

Luân biết mẹ đang khổ tâm. Khi còn mạnh khoẻ, nhiều lần bà đã nói khi không còn đủ sức để tự lo cho mình về vấn đề vệ sinh thì bà không muốn sống nữa. Luân ra dấu cho vợ để mẹ nằm xuống. Chàng nhỏ 5 mg morphine vào miệng để mẹ dễ ngủ. Bà Nam nhắm mắt lại. Xa xa sau những cụm mấy trắng, bà thấy mẹ của bà như đang dang tay chờ đón bà…

Luân vào hãng lo thu xếp công việc với nhân viên. Chàng biết mấy ngày sắp tới có thể sẽ không vào văn phòng được. Từ hôm thứ sáu tới giờ mẹ không ăn uống gì được ngoài vài muỗng nước. Sáng nay đứa em gái gọi điện báo cáo tình trạng của mẹ. Luân biết giờ phút cuối cuộc đời của mẹ mình không còn bao lâu, có lẽ là chiều hoặc tối nay.

Luân bình tĩnh vừa lái xe về vừa ôn lại những ngày tháng từ lúc mẹ qua Mỹ cách đây mười bảy năm. Chàng cảm thấy không còn điều gì để mà ân hận hoặc phải hỏi những câu như: "Ờ phải chi biết vậy thì mình làm cái này cho mẹ, làm cái kia cho mẹ."

Luân về đến nhà khoảng mười hai giờ trưa. Hơi thở của bà thật khó khăn, cứ phải hít vào một cách nặng nhọc Luân khẽ hỏi thăm mẹ như thế nào nhưng không thấy bà phản ứng như mọi hôm.

Thanh cầm lấy khuỷu tay của mẹ chồng. Nàng nhìn đồng hồ và bắt đầu đếm một, hai, ba,.. rồi nàng lẩm nhẩm:

- Tim đập quá nhanh…

Ngực của bà Nam phập phồng. Thanh lật tấm mền ở dưới chân lên, rờ vào hai bàn chân gầy guộc, nàng cảm thấy lành lạnh. Nàng biết giờ ra đi của mẹ chồng không còn bao lâu. Nhịp tim hôm thứ sáu là chín mươi hai, thứ bảy là một trăm lẻ hai, chủ nhật là một trăm mười hai, và hôm nay thứ hai lại lên tới một trăm hai mươi hai nhịp trong một phút.

Luân nói tình trạng của mẹ cho ba chàng biết và đề nghị là ông nên mời các tín đồ Cao Đài địa phương đến để tụng kinh theo đạo nhà. Chàng bắt đầu dựng bàn thờ cho mẹ, đặt hoa quả, lư hương và thắp nhang. Tiếng kinh thanh thoát bắt đầu vào ba giờ chiều. Hơi thở của bà Nam có phần nặng nhọc hơn. Nửa tiếng sau, bà tắt thở...

Luân nhẹ vuốt mắt mẹ. Bà Nam thanh thản ra đi. Nhìn gương mặt hiền hậu của mẹ chàng biết rồi đây mình sẽ nhớ mẹ nhiều lắm...
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9