Một số gợi ý để học tốt ở Cao đẳng, Đại học và Trung học chuyên nghiệp
venus4t.vns_hnu 07.10.2010 00:21:40 (permalink)
Các bạn thân mến! Làm thế nào để học tốt? Đây là một câu hỏi khó trả lời đối với mỗi học sinh - sinh viên chúng ta. Trên con đường tiếp cận đến kho tàng tri thức nhân loại, mỗi chúng ta đều hình thành những cách thức khác nhau nhằm đạt kết quả tốt nhất. Mỗi cách thức đó là kinh nghiệm đúc rút ra trong quá trình học tập, rèn luyện vô cùng quý báu của từng cá nhân. Có thể coi những cách thức, kinh nghiệm của mỗi cá nhân là những viên ngọc quý cần được mài rũa nâng niu. Nếu chúng ta giữ gìn những viên ngọc đó và cất giữ trong những chiếc hộp làm của riêng thì viên ngọc đó sẽ không được mài rũa trở thành đồ trang sức khoe hết vẻ đẹp lấp lánh của chúng. Vậy tại sao chúng ta không bày những viên ngọc đó cho mọi người cùng chiêm ngưỡng?

Xuất phát từ suy nghĩ trên và t
ừ kinh nghiệm học tập của bản thân, Venus lập ra topic này nhằm đưa ra một số gợi ý nho nhỏ cho các bạn học sinh - sinh viên (HSSV) tham khảo cho quá trình học tập và rèn luyện ở môi trường Cao đẳng, Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Nhân đây, Venus cũng hi vọng nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các thầy cô giáo, các cô chú, anh chị và các bạn HSSV có chung mối quan tâm đến chủ đề này!
#1
    venus4t.vns_hnu 07.10.2010 23:21:42 (permalink)
    1. Tại sao cần xác định mục đích học tập và rèn luyện?

    Có nhiều bạn HSSV không quan tâm đến việc xác định mình học tập để làm gì, lượng kiến thức thu lượm được từ quá trình học tập của bản thân có thể giúp ích những gì cho công việc sau này. Một sự thật không thể phủ nhận là, cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn trong việc định hướng sự nghiệp của con cái. Phần đông các bậc phụ huynh thường hướng cho con em theo đuổi sự nghiệp mà mình đã thành đạt. Ngoài ra, môi trường làm việc và đặc trưng nghề nghiệp của các bậc phụ huynh cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy và sự lựa chọn nghề nghiệp của con em mình sau này. Vì lẽ đó mà HSSV Việt Nam thường hay theo đuổi sự nghiệp của cha hoặc mẹ. Xuất phát từ những yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến sự lựa chọn nghề nghiệp như vậy mà đa số HSSV Việt Nam bị rơi vào thế bị động ngay từ việc hình thành, theo đuổi ước mơ hoài bão và xác định mục đích học tập của bản thân.

    Với mỗi cá nhân, khi bắt đầu làm bất cứ một công việc nào đều cần phải hiểu rõ ràng mục đích mình cần đạt đến là gì. Chính sự xác địch đúng mục đích cần đạt được sẽ quyết định đến động cơ phấn đấu và hành động của từng cá nhân.

    Đối với HSSV, việc xác định đúng đắn mục đích của việc học tập và rèn luyện sẽ đóng vai trò quyết định đến kết quả của việc học. Tuy vậy thực tiễn cho thấy, nhiều bạn HSSV trong quá trình học tập không xác định được mục đích của mình nên dễ sa vào nhụt ý chí phấn đấu, buông thả theo trào lưu hoặc sự phấn đấu học tập bị đứt quãng, sao lãng việc học hành. Vì lẽ đó, các bạn cần phải xác định được mục đích học tập và rèn luyện của mình. Mục đích càng rõ ràng bao nhiêu thì động cơ phấn đấu, cách thức hoạt động đạt mục đích càng dễ dàng bấy nhiêu.

    Vậy làm thế nào để xác định được mục đích học tập của từng cá nhân? Để xác định được mục đích học tập bản thân, bạn cần trả lời cho bằng được những câu hỏi sau:
    - Bạn học để làm gì?
    - Khả năng công việc sau này của bạn là gì?

    Tại sao chúng ta cần phải trả lời một cách dứt khoát những câu hỏi trên?
    Có bạn trả lời chung chung: học để trau dồi kiến thức nâng cao trình độ; học để biết!
    Có bạn sẽ trả lời một cách thực tế hơn là: học để có việc làm ổn định và để có cơ hội thăng tiến....
    Các bạn HSSV trước hết cần phải hiểu mình học cái gì và những điều thu lượm được từ quá trình học tập giúp ích cho mình trong những công việc nào. Đây là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, bạn không thể trả lời hoặc nhận thức quá trình học tập và rèn luyện của mình một cách chung chung. Mỗi công việc đòi hỏi bạn phải có một khối lượng kiến thức (kể cả lý thuyết và thực hành cùng các kỹ năng, kỹ xảo khác) nhất định, đồng thời bạn cũng cần có một phông tri thức liên ngành liên quan đến công việc bạn sẽ đảm đương trong tương lai. Vậy trước khi bắt đầu một khoá học nào đó, một chương trình đào tạo nào đó, đăng ký dự thi vào một trường Cao đẳng, Đại học và Trung học chuyên nghiệp nào đó thì bạn cần phải xác định rõ ràng công việc - nghề nghiệp bạn sẽ làm trong tương lai. Công việc nghề nghiệp đó có phải là ước mơ hoài bão của bạn hay là sự định hướng lựa chọn từ phía gia đình bạn. Khi nào bạn xác định được mục đích học tập thì bạn mới có thể hình thành các kỹ năng kỹ xảo, cách thức và động lực phấn đấu nhằm tích luỹ tối đa lượng kiến thức chuyên môn và liên ngành cho công việc của bạn. Nếu bạn không xác định được mục đích học tập thì bạn sẽ bị rơi vào sự hỗn độn của tri thức mà không tìm được lối ra. Tức là, bạn sẽ cảm thấy điều gì cũng cần phải nạp vào mà không thể bỏ qua hoặc bạn sẽ không biết mình cần phải học những vấn đề gì, tích luỹ tri thức chuyên môn thuộc lĩnh vực nào.
    Một học sinh có ước mơ trở thành thầy/cô giáo thì sự lựa chọn nghề nghiệp sẽ là ngành sư phạm và cần phải thi vào các trường cao đẳng, đại học thuộc ngành sư phạm. Nhưng trong trường sư phạm có nhiều chuyên ngành (bộ môn), học sinh đó phải xác định mình có thế mạnh, khả năng về chuyên môn nào để tiếp tục lựa chọn chuyên ngành mình gắn bó. Nếu là một học sinh có thế mạnh về Toán học và mơ ước trở thành thầy/cô giáo dạy Toán mà lại đăng ký dự tuyển vào một ngành nào đó không phải Toán học, chắc chắn học sinh đó học tập và tích luỹ kiến thức chuyên môn cũng như hình thành kỹ năng kỹ xảo để chiếm lĩnh tri thức không thể tốt bằng Toán học nếu em đó được học tập nghiên cứu về Toán học và các khoa học liên ngành của Toán học.

    Như vậy, để học tốt ở Cao đẳng, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HSSV cần phải xác định đúng đắn nghề nghiệp, công việc mình sẽ làm trong tương lai. Điều đó có nghĩa là, các em cần phải dự tính trước những công việc nào phù hợp với khả năng phấn đấu, trình độ của bản thân. Công việc đó có phải là ước mơ hoài bão mình theo đuổi hay không để từ đó hình thành động cơ phấn đấu chiếm lĩnh tri thức và hình thành các kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp phù hợp.

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.10.2010 00:53:22 bởi venus4t.vns_hnu >
    #2
      venus4t.vns_hnu 09.10.2010 00:59:18 (permalink)
      2. Một số kỹ năng kỹ xảo cần thiết giúp ích cho việc học tập, nghiên cứu của HSSV được tốt hơn.

      Trong quá trình học tập, nghiên cứu tiếp cận và làm chủ tri thức, mỗi chúng ta đều hình thành những kỹ năng, kỹ xảo khác nhau mà nhiều bạn gọi đó là "bí quyết", "mẹo"...phù hợp với trình độ nhận thức, khả năng tư duy của mình. Chính vì vậy, việc đưa ra
      một số gợi ý về kỹ năng, kỹ xảo phục vụ cho các bạn HSSV học tập ở Cao đẳng, Đại học và Trung học chuyện nghiệp đạt kết quả tốt quả là một việc khó đối với Venus. Mặc dù vậy, trên tinh thần cầu thị và mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân tích luỹ được trong quá trình học tập và nghiên cứu, Venus xin được đưa ra một số gợi ý - có thể tạm gọi đó là các kỹ năng kỹ xảo hay phương pháp cũng được, hầu mong giúp ích phần nào cho các bạn HSSV cũng như nhận được sự trao đổi rộng rãi của các bạn HSSV và mọi người.

      Như ở phần trên (1) Venus đã đề cập, để học tập tốt hay làm bất kỳ một công việc gì đạt hiệu quả thì yêu cầu trước hết, bạn phải xác định đúng đắn và rõ ràng về mục đích cần đạt được. Bạn phải trả lời cho bằng được câu hỏi:
      - Bạn học để làm gì?
      - Khả năng công việc sau này của bạn là gì?
      Từ việc xác định đúng đắn đối tượng chính bạn cần đạt được và những mục đích liên quan có khả năng đạt được, bạn mới có thể hình thành cho mình những cách thức (hay còn gọi là phương pháp) cùng các kỹ năng, kỹ xảo tiến hành công việc đạt hiệu quả. Thực tế là bạn đang phải trả lời câu hỏi tiếp theo:
      - Thực hiện việc tập và nghiên cứu như thế nào để đạt kết quả tốt?

      Trước tiên, bạn đừng quá nôn nóng mong muốn đạt hiệu quả tức thì trong việc học tập tích luỹ kiến thức và đạt kết quả cao ngay từ đầu.

      Nhiều HSSV khi mới hoà nhập vào môi trường học tập mới thường có tâm trạng lo lắng không cần thiết trước sự khác biệt về cách dạy của các thầy cô giáo trên giảng đường Cao đẳng, Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Thêm vào đó là sự thay đổi môi trường sống đòi hỏi bản thân đa số HSSV phải tự lập trong việc chi tiêu, lên kế hoạch hoạt động, hoà nhập với bạn bè mới... Những lo lắng đó cùng sự vất vả bước đầu trong việc tự lập trong các hoạt động đã tác động không nhỏ đến quá trình học tập của HSSV những năm đầu. Thậm chí, những khó khăn của cuộc sống thường ngày cũng ảnh hưởng đến việc học tập và nghiên cứu của các bạn. Các bạn cần phải giảm thiểu đến tối đa những lo lắng không cần thiết đó bằng việc coi những khó khăn đó là đương nhiên cần phải khắc phục vượt qua. Điều này sẽ giúp bạn chủ động, bình tĩnh để suy nghĩ tìm cách giải quyết. Đồng thời, bạn cũng sẽ kiểm soát được tâm trạng và hành vi và xác định được mình nên học hoặc nghiên cứu vấn đề gì trước và vấn đề gì sau.


      Lenin có một nhận định xác đáng "Nhận thức là một sự tiếp cận vĩnh viễn, không cùng của tư duy về đối tượng nhận thức". Điều này có nghĩa là, quá trình nhận thức và tiếp cận đến tri thức là cả một quá trình lâu dài, liên tục không ngừng nghỉ. Việc tích luỹ tri thức không thể nóng vội theo ý muốn chủ quan mà đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ cùng với phương pháp cách thức tiếp cận phù hợp, đúng đắn. Nếu bạn nóng vội trong học tập thì bạn sẽ bị rơi vào trạng thái lo lắng không biết mình nên học cái gì, hoặc là bạn lao đầu vào học tất cả mọi thứ mà không biết lựa chọn điều nên học và ghi nhớ, điều nên bỏ qua. Những thái cực tư duy và hành vi như vậy đều là không tốt trong việc học tập của bạn. Bạn sẽ dễ trở nên chán nản vì phải "bơi" trong bể tri thức mênh mông vô vờ bến của nhân loại và.... dần chìm xuống và cuối cùng sẽ thất vọng mặc dù những nỗ lực và công sức của bạn bỏ ra là không nhỏ.



      Thứ 2, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng những nội dung kiến thức trước khi nghe giảng, Xemina và luôn đặt ra các dạng câu hỏi "How", "Why" về kiến thức mình lĩnh hội.

      Trước khi chúng ta bắt tay vào bất kỳ một công việc nào thì sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc triển khai công việc đó cũng không bao giờ thừa, thậm chí chúng ta còn chuẩn bị ứng phó với những tình huống xấu khả năng có thể xảy ra ngoaà dự kiến. Trong học tập và nghiên cứu ở trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp cũng vậy. Bạn cần phải có sự chuẩn bị chu đáo cho quá trình học tập mà trước tiên là hệ thống giáo trình bắt buộc cần phải có trong chương trình đào tạo chuyên ngành của bạn.

      Trong xu thế hội nhập ngày nay cùng những bước nhảy vọt về khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã chắp cánh cho việc "phổ cập" tri thức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn có thể tìm thấy trên mạng Internet mọi thông tin đa cấp, đa chiều mà bạn cần. Đây là sự thuận lợi lớn của mọi người trong quá trình học tập, nghiên cứu và tích luỹ tri thức nhận loại. Trong giới trẻ Việt Nam hiện nay có xu hướng trông chờ ỷ lại vào Internet khá cao theo kiểu:
      "Dân ta phải biết sử ta
      Nếu mà không biết thì tra google"
      hoặc là:
      "Học làm gì cho đầu to mắt cận
      Vào google vô tận bạt ngàn...!"

      Tuy vậy, Venus khuyến cáo bạn nên cẩn thận trong việc lựa chọn thông tin, kiến thức trên mạng Internet. Nếu bạn quá đề cao sự cung cấp thông tin từ những website trao đổi, diễn đàn,... do Internet đem lại thì bạn sẽ bị thụ động trong việc trau dồi tích luỹ tri thức. Không những vậy, sự lệ thuộc vào những thông tin kiến thức hoặc những phần mềm tiện ích free do Internet đem lại sẽ làm cho bạn trở nên ỷ lại, lười vận động trí não, tư duy. Trong những trường hợp cụ thể nhất định, những thông tin, tri thức mà Internet đem lại cho bạn chưa hẳn đã chính xác, đầy đủ và có thể sai lệch hoàn toàn nếu như những tri thức đó, đặc biệt là khối tri thức thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH và NV) lại được nhận thức và phổ biến, hoặc lợi dụng từ các lực lượng đối lập chính kiến tư tưởng chính trị...

      Để học tốt, tiếp cận nhanh đến khối lượng tri thức mà thầy cô giáo giảng và làm chủ nó thì bạn cần phải có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và phải có những ý niệm nhất định về khối lượng kiến thức đó. Bạn phải đọc trước ở nhà hoặc thư viện những tài liệu đề cập đến phần kiến thức sẽ học. Bạn nên tạo thói quen ghi chép lại những kiến thức hoặc những vấn đề liên quan đến kiến thức đó vào một cuốn sổ, kể cả những quan điểm, nhận định mâu thuẫn xung quanh khối lượng kiến thức mà bạn sẽ học. Và nhất thiết, bạn phải ghi đầy đủ xuất xứ của những đoạn kiến thức hoặc quan điểm đó để sau này khi cần trở lại với khối lượng kiến thức trong sổ tư liệu, bạn sẽ dễ dàng tìm ra cuốn sách mà bạn đã đọc.
      Khi đã chuẩn bị tương đối về lượng kiến thức và có những tích luỹ ban đầu, bạn cần theo dõi bài giảng của các giảng viên để phát hiện ra những sự mâu thuẫn về kiến thức mà bạn đã đọc trước với tri thức mà các thầy cô cung cấp. Đồng thời, bạn cần phải trao đổi với giảng viên về những mâu thuẫn kiến thức đó ngay.
      Một trong những cách giải đáp tốt cho những "xung đột" kiến thức đó là bạn tự đặt ra các câu hỏi "How", "Why", tức là:
      - Mâu thuẫn đó như thế nào?
      - Tại sao lại mâu thuẫn?
      và tự tìm cách trả lời với sự gợi ý, giúp đỡ từ phía các giảng viên phụ trách giảng dạy khối lượng kiến thức đó.

      Theo kinh nghiệm bản thân, Venus thấy rằng việc phát hiện ra những mâu thuẫn về mặt tri thức về cùng một đối tượng trong các giáo trình, tài liệu tham khảo, các công trình nghiên cứu chuyên khảo, chuyên luận... khác nhau của từng nhà khoa học, nghiên cứu... và đặt ra câu hỏi "How", "Why" để tự giải quyết hoặc hỏi trực tiếp thầy cô giáo trên giảng đường, trong các tiết Xemina đã đem lại những hiệu quả rất tốt trong việc lĩnh hội kiến thức. Tại sao lại như vậy? Vì thông qua tự trả lời hoặc qua trao đổi thảo luận với thầy cô giáo cùng các bạn SV trong lớp làm cho quá trình tiếp cận và lĩnh hội kiến thức của venus trở nên chủ động hơn, hứng thú hơn, khát khao tìm kiếm và khẳng định sự nhận thức cá nhân trong nhận thức vấn đề.

      Cũng từ kinh nghiệm cá nhân, venus lúc đầu khá ngại ngần trong việc trao đổi trực tiếp công khai với các thầy cô giáo và các bạn trong lớp. Venus thường hay sử dụng cách... "thì thào mùa xuân" với các bạn ngồi bên. Nhưng ngay từ đầu, chính điều này của venus không những không đem lại hiệu quả mà lại "mất điểm" trong con mắt của các bạn và thầy cô giáo. Vì việc venus ....thì thào với các bạn vô hình chung vừa gây mất trật tự, vừa làm cho quá trình tập trung nhận thức của mọi người xung quanh bị ảnh hưởng và ...nếu thầy cô biết thì ...coi như là venus đang "tám" chuyện trên trời dưới biển. Mất điểm là cái chắc! Vì vậy, venus lựa chọn cách trao đổi trực tiếp thẳng thắn với thầy cô giáo khi hầy cô tổ chức thảo luận xemina. Nhiều khi, venus lựa chọn việc ngắt lời giảng của thầy cô sau khi thầy cô giảng xong một đơn vị kiến thức nào đó để đặt câu hỏi thắc mắc về sự "xung đột" kiến thức venus đã chuẩn bị với kiến thức thầy cô giảng. Điều này đôi khi sẽ dẫn đến phiền toái nếu như bạn không lựa "thời cơ" và đặt câu hỏi một cách tế nhị.

      Xét cho cùng thì sự chuẩn bị kiến thức và có ý niệm căn bản về nó trước khi lên lớp sẽ giúp cho bạn khắc sâu được kiến thức một cách mau chóng và bền vững. Đồng thời, bạn sẽ có cơ hội để hiểu rộng hơn những kiến thức mà bạn đã học theo nhiều quan điểm, quan niệm với những sự lập luận, trình bày khác nhau và bạn hiểu tại sao lại có những sự khác biệt về cùng một đối tượng, một dung lượng kiến thức đo.

      Thứ 3, bạn cần biết cách chọn lọc và lĩnh hội phần kiến thức trong một cuốn sách tham khảo hoặc giáo trình phục vụ cho việc lhọc tập, nghiên cứu ở trên lớp.

      Các bạn HSSV thân mến, như đã đề cập ở cac phần trên, việc không xác định được mục đích học tập, động cơ phấn đấu đạt mục đích một cách rõ ràng và khoa học sẽ làm cho chúng ta trở nên thụ động trước bạt ngàn các loại kiến thức khác nhau. Vì lẽ đó Venus nghĩ rằng, một trong những yếu tố giúp cho việc học tập của các bạn HSSV ở các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp đạt kết quả cao là bạn cần xác định rõ thêm những nội dung nào bạn cần nghiên cứu, mở rộng...

      Chúng ta đều biết rằng, bộ óc của con người không thể có đủ khả năng để lĩnh hội tất cả tri thức của nhân loại từ xưa đến nay. Kho tàng tri thức nhân loại vô cùng to lớn và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau... Nếu như bạn không xác định được vấn đề bạn cần tìm hiểu và tích luỹ thì bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái hoang mang không biết mình phải học những gì, tiếp thu những gì trong kho thang tri thứcc mênh mông đó. Để học tốt hơn ở Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp đòi hỏi HSSV cần phải có đức tính kiên trì nhẫn nại, tinh thần cầu thị, ham hiểu biết tìm tòi khám phá và sự nỗ lực không ngừng, không mệt mỏi. Ngoài ra, bạn còn cần phải biết cách tiếp cận các vấn đề của tri thức một cách hợp lý, khoa học.

      Nhiều HSSV khi bước vào giảng đường thường bị áp lực của chương trình đào tạo và yêu cầu đòi hỏi từ phía thầy cô trong từng học phần kiến thức (hiện nay những học phần này được gọi là "tín chỉ"), từng tiết giảng, thảo luận xemina. Bạn cần phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu đưa ra từ phía giảng viên và đảm bảo phải lĩnh hội những đơn vị kiến thức đó. Nếu bạn không biết cách "xử lý" thì bạn sẽ bị bơi hoài trong những yêu cầu đó mà không thể nào hoàn thành, có nghĩa là bạn sẽ liên tiếp bị vướng vào hàng loạt các yêu cầu cần phải "trả nợ" về mặt kiến thức. Điều này cũng giống như bạn rơi vào tình huống bị lạc vào một khu rừng xa lạ mà không thể tìm thấy lối ra nếu như bạn không xác định được phương hướng cùng các dấu hiệu khác chỉ dẫn giúp cho bạn thoát ra khỏi khu rừng đó.
      Từ kinh nghiệm học tập của bản thân, Venus thấy rằng việc xác định rõ phần kiến thức cần lĩnh hội đã giúp cho Venus tập trung tìm hiểu nghiên cứu và lĩnh hội được tốt hơn.

      Ví dụ như thầy cô giáo ra vấn đề A đòi hỏi cần phải giải quyết hoặc phục vụ cho một cuộc thảo luận nào đó. Bạn cần phải làm việc với hàng loạt các giáo trình, sách tham khảo, tạp chí khoa học chuyên ngành, thậm chí là cả với những thông tin bên lề đa chiều khác. Mặc dù vậy, trong mỗi giáo trình hay một cuốn sách tham khảo đều trình bày nhiều vấn đề khác nhau và vấn đề A lại chỉ chiếm một lượng nhỏ thông tin trong những cuốn sách đó. Bạn nên khoanh vùng ngay vấn đề A trong các cuốn sách đó và tập trung tìm hiểu nó, tuyệt đối không nên đọc cả cuốn sách dù nó nói về các vấn đề khác vô cùng hấp dẫn. Nếu bạn đọc cả cuốn sách thì yêu cầu tìm hiểu và giải quyết vấn đề A của bạn sẽ bị sao lãng, mất thời gian.
      Vì lẽ đó, Venus khuyên bạn chỉ nên tập trung sưu tầm tìm hiểu và ghi chép lại những nội dung kiến thức về vấn đề A bạn cần giải quyết mà không nên đọc toàn bộ cuốn sách đó. Tương tự như vậy, trong các sách chuyên khảo và các tạp chí khoa học chuyên ngành khác cũng đều đề cập nhiều vấn đề với mức độ khác nhau, bạn chỉ nên tìm kiếm thứ bạn cần ở trong các cuốn sách chuyên khảo hoặc tạp chí đó chứ không nên mất thời gian lao vào đọc "tràn giang đại hải" tất cả.
      Bạn cần phải ghi chép lại những nội dung từ các cuốn sách đề cập đến vấn đề bạn cần giải quyết. Theo thiển ý của Venus, khi đọc sách tham khảo, tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc các sách chuyên khảo mà không ghi chép lại để lưu giữ nội dung cũng như xuất xứ của chúng thì bạn thà đừng đọc sách còn hơn. Vì sao lại như vậy? Venus đã nói, trí não của con người thì có hạn nhưng tri thức của nhân loại là vô hạn. Bạn không thể nào nhồi nhét tất cả những tri thức đó của nhân loại vào đầu được. Một trong những cách để lưu giữ những tri thức đó là đọc và ghi chép lại những vấn đề bạn cần tham khảo nghiên cứu. Điều này vô cùng cần thiết trong quá trình học tập của HSSV, đặc biệt đối với những bạn HSSV thuộc các chuyên ngành của KHXH & NV.

      Thứ 4, bạn nên lựa chọn phương pháp trình bày tối ưu trong việc ghi chép kiến thức bài giảng cũng như những tri thức tham khảo.

      Cách ghi chép bài giảng hoặc những tư liệu tham khảo từ sách vở cũng đóng vai trò quan trọng giúp cho bạn nhớ nhanh và ghi nhớ lâu dài. Từ sự quan sát các bạn học xung quanh, Venus thấy rằng tuyệt đại các bạn HSSV thường ghi chép kín đặc các trang giấy (cả mặt trước và mặt sau của tờ giấy). Không những vậy, nhiều bạn HSSV còn "tích kiệm" một cách thái quá trong ghi chép lại nội dung bài giảng của các thầy cô
      mà không để lại một chỗ trống nào, kể cả lề vở.

      Khi bạn học lại kiến thức bài giảng, việc ghi chép như vậy sẽ làm cho bạn trở nên vô cùng khó khăn trong ôn tập và ghi nhớ kiến thức sau này. Bạn nhìn đâu cũng chỉ thấy chữ là chữ mà không có các dấu hiệu nào để phân biệt đâu là điểm nhấn của bài giảng, đâu là phần mở rộng và đâu là những vấn đề cốt yếu trọng tâm về kiến thức.
      Theo Venus, bạn nên lựa chọn cách ghi chép lại nội dung bài giảng hoặc những tri thức từ các cuốn sách tài liệu tham khảo khác làm sao cho thật thoáng, giữa các đoạn nội dung cần có sự phân biệt bằng sự cách dòng xa hơn bình thường. Bạn cũng nên ghi chép từng đoạn sao cho dễ phân biệt giữa đâu là nội dung kiến thức chính và đâu là nội dung kiến thức mở rộng, tham khảo .v.v... 

      Theo Venus, sổ vở của bạn không nhất thiết là phải....sạch đẹp theo kiểu như kẻ lề và tuân thủ các quy tắc viết vở như trong các cuốn sách. Đôi khi bạn nên tô điểm cho những đoạn nội dung bằng các dấu ký hiệu khác nhau, gạch chân, gạch sổ thẳng.... hoặc những bông hoa nho nhỏ xinh xinh ngay trên từng trang vở đó. Điều này sẽ giúp cho bạn không bị rối mắt trong quá trình học lại kiến thức. Không những vậy, việc ghi chép như thế sẽ cho bạn một ấn tượng mạnh về từng kiến thức trên từng trang vở và giúp cho bạn ghi nhớ lâu dài hơn về những loại kiến thức mà bạn đã trình bày.

      Mỗi chúng ta có sự ghi chép riêng nhưng mục đích cuối cùng không thay đổi đó là: lĩnh hội tri thức một cách nhanh nhất và ghi nhớ lâu nhất. Vì vậy, bạn cần phải tạo ra điểm nhấn độc đáo nào đó trên những trang giấy thay vì việc bạn ghi chép dày đặc chỉ có chữ và chữ trên đó. Từ kinh nghiệm cá nhân với cách ghi chép như vậy, Venus thấy rằng nó thật hữu hiệu đối cho việc Venus khắc sâu bài giảng trên lớp của thầy cô.

      (Mách nhỏ với bạn là, đôi khi venus còn vẽ...cả chim chóc, hoa lá cây cối, hoặc vẽ lại hình ảnh thầy cô giảng dạy học phần, bộ môn đó với những đặc trưng bề ngoài...Hic hic đương nhiên là xấu tệ hại...và phóng đại nên tí ti. Điều này thật tuyệt vời và lý thú vì nó giúp venus cảm thấy không nhàm chán hoặc căng thẳng khi học lại bài giảng của thầy cô ở trên lớp...)

      Thứ 5,
      (còn tiếp)
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2010 21:45:29 bởi venus4t.vns_hnu >
      #3
        venus4t.vns_hnu 19.10.2010 21:52:36 (permalink)
        3 Học ở Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp là: tự học và làm quen với khả năng tự sáng tạo, học tập lĩnh hội tri thức đi đôi với thực hành áp dụng kiến thức đã học.



        #4
          venus4t.vns_hnu 19.10.2010 21:56:26 (permalink)
          4. Một số quan niệm về học tập cần tránh trong quá trình tiếp cận và lĩnh hội kiến thức của HSSV ở trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp.


          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9