“Gia tài tuổi hai mươi” – Gia tài của một người viết trẻ cả nghĩ và nhân hậu
VoThiMaiPhuong 18.10.2010 14:31:49 (permalink)
“Gia tài tuổi hai mươi” – Gia tài của một người viết trẻ cả nghĩ và nhân hậu
(Đọc tập truyện ngắn“Gia tài tuổi hai mươi” của Lưu Quang Minh)



Hai mươi tuổi, Lưu Quang Minh đã kịp có một “gia tài” văn chương của riêng mình. Hai mươi truyện ngắn đầu tay của anh cũng đã in rải rác ở đâu đó nay được tập hợp lại trong tập truyện “Gia tài tuổi hai mươi” do NXB Văn học ấn hành còn chưa ráo mực. Như một lời tự bạch ở ngay nhan đề tập truyện, người viết mới chỉ bước vào tuổi hai mươi vậy mà đọc truyện ngắn của anh, người ta thật ngạc nhiên ở sự già dặn, sâu sắc với những dằn vặt, trăn trở về cuộc sống. Đọc trọn vẹn “Gia tài tuổi hai mươi” của Lưu Quang Minh, tôi mới nhận ra anh là một người cả nghĩ. Những ngẫm ngợi, âu lo rồi có cả sự xót xa trong những tiếng thở dài cứ đầy ăm ắp trong mỗi truyện ngắn của Minh. Chất “cả nghĩ” ở một người viết trẻ như anh thực đã quá hiếm hoi trong đời sống văn chương bây giờ. Truyện ngắn Lưu Quang Minh khiến người đọc thảng thốt nhận ra mình cũng chỉ đang đứng ở đâu đó ở một góc thành phố nhỏ bé và đơn độc. Nhưng có lẽ điều đáng trân trọng nhất ở anh là loạt truyện ngắn đầy dằn vặt về cuộc sống của những con người lầm lũi ngày đêm dưới “Những ô cửa sáng đèn” mà ở đó ánh sáng của thành phố không bao giờ hắt tới. Và Lưu Quang Minh đã để những nhân vật của anh sưởi ấm cho nhau bằng một thứ ánh sáng lung linh hơn gấp bội phần. Kết thúc mỗi câu chuyện, có thể là tiếng cười hạnh phúc của đứa bé bán hủ tiếu đêm, có thể là những giọt nước mắt rơi trên xác chết đã lạnh cứng của con mèo đen, của con thỏ Ragu nhưng Lưu Quang Minh bằng cách của mình, đều thổi được vào đằng sau tất cả một cảm giác ấm áp của lòng nhân ái.

Rất dễ nhận thấy trong những truyện ngắn “Cô đơn trên mạng”, “Con mèo đen”, “Đàn ông đi chợ”, “Thỏ Ragu”…một Lưu Quang Minh chất chứa nỗi cô đơn thường trực, nỗi cô đơn của con người trong thành phố hiện đại. Ở mỗi một truyện ngắn của mình, tác giả lại có một cách xử lý tình huống khác nhau. Truyện ngắn “Cô đơn trên mạng” là một truyện ngắn khá điển hình. Trong nỗi cô đơn, một cô gái chỉ còn biết bấu víu vào thế giới mạng. Những dòng entry đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của một blogger trên thế giới ảo chỉ vẻn vẹn: “Tôi cô đơn, cô đơn hơn hết thảy mọi sinh linh từng tồn tại. Mỗi ngày tôi đi học về và chui vào góc tối nhất trong căn phòng mình. Hết sức lẻ loi và trơ trọi. Đôi khi tôi tự hỏi mình sinh ra để làm gì?”. Cô gái đã tuyệt vọng với thế giới mà cô đang sống, Cũng chỉ trong thế giới ảo, cô mới tìm thấy sự đồng cảm. Nếu truyện chỉ kết thúc ở đó, bi kịch hẳn sẽ được đẩy lên cao nhất. Thế nhưng, Lưu Quang Minh nhất định bằng mọi cách đã đưa được cô bé về với cuộc sống thực cô mỉm cười nhận ra rằng: “Em hiểu dù là ảo hay thực, trong thế giới nào cũng cần lắm những con người có tình yêu thương và biết cuộc sống để yêu thương”.

Một trong những truyện ngắn hay và đáng suy ngẫm nhất trong tập truyện là “Thỏ Ragu”. Vẫn viết về nỗi cô đơn nhưng lần này Lưu Quang Minh chọn nhân vật là một bà lão đã gần bảy mươi tuổi. Tác giả lấy điểm nhìn từ xa, có thể là một người hàng xóm hay cũng có thể là một đứa cháu nào đó của bà cụ đã quan sát và ghi lại. Điểm nhìn như thế đã tạo được tính khách quan của truyện. Bà cụ ở cùng với con cháu. Một gia đình khá giả. Con trai bà cụ làm bác sĩ. Con dâu làm ở một trung tâm tư vấn. Thằng cháu đi học cả ngày, về nhà là bắn điện tử pằng pằng, chéo chéo. Công việc một ngày của bà cụ chỉ dồn tâm sức vào bữa cơm. Con dâu về bảo: “Mẹ cứ ăn đi con và nhà con ăn tiệm rồi”. Bà cụ mua một con thỏ về nuôi. Ngày ngày quấn quýt với con thỏ. Con dâu bảo: “Mẹ định nấu thỏ Ragu à”. Rồi con thỏ lớn, con dâu lại khó chịu: “Mẹ ơi, làm thịt đi”. Từng câu văn cứ tưng tửng như thế. Mỗi một câu nói của con dâu, một lời thủ thỉ cùa bà cụ với con thỏ con lại như vết dao xa xót cứa vào lòng đọc. Người viết vẫn thản nhiên kể. Cho đến khi con thỏ chết, từ dạo ấy bà ăn chay. Bà mua bó rau muống luộc hoặc xào. “Thỏ Ragu” là một truyện ngắn đặc sắc của Lưu Quang Minh. Chỉ bằng vài nét chấm phá, anh đã tái hiện được cả một bi kịch khủng khiếp về sự đổ vỡ mô hình gia đình truyền thống trong cuộc sống đô thị. Ở đó, con người bị đẩy vào tận cùng của sự cô đơn. Mọi mối liên hệ giữa con người với nhau bị cắt đứt. Con người trở lên khô cứng và lạnh lùng. Chi tiết bà cụ ăn chay ở cuối truyện là điểm chốt cuối cùng của bi kịch hay nói đúng hơn đó là một bi kịch không thể cứu vãn.

Mảng đề tài thứ hai trong “Gia tài tuổi hai mươi” là loạt truyện ngắn về những thân phận không trọn vẹn phía dưới “những ô cửa sáng đèn” của thành phố như: “Tiếng lanh canh và những ô cửa sáng đèn”, “Già trước tuổi”. “Bắp xào ơi”, “Mẹ Loan”, “Gia tài tuổi hai mươi”, “Một tháng khuyến mãi ở Phong Vũ”, “Thằng Khỏe”, “Nàng Sứt”…Có thể nói, Lưu Quang Minh đã dành phần nhiều tâm sức của mình cho mảng đề tài này. Đó thực sự là một điều đáng ngạc nhiên. Trong khi những cây bút khác trong độ tuổi như Minh còn đang loay hoay với những câu chuyện tình yêu, những sex hay đồng tính thì Minh đã mở rộng lòng mình, hồn mình với cuộc sống xung quanh, đã trăn trở, đau đớn cho cuộc sống. Mỗi một truyện ngắn của Minh là một lời tri ân, một sự sẻ chia nhân hậu, đằm thắm với những thân phận không trọn vẹn. Ở mảng đề tài thứ hai, Minh có khá nhiều truyện ngắn hay như “Tiếng lanh canh và những ô cửa sáng đèn” hay “Một tháng khuyễn mãi ở Phong Vũ”…Truyện ngắn “Già trước tuổi” của Lưu Quang Minh, một truyện ngắn đã dành giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn trên wep Hội ngộ văn chương của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, là một truyện ngắn mang phong cách rất rõ của anh. Minh viết về một thằng bé không có bố với những đoạn đối thoại độc đáo: “Nó bảo: “Má đừng đi kiếm tiền nữa!”. Má hỏi: “Tại sao? Không kiếm tiền lấy gì nuôi con trai má đây nè!”. Nó lắc đầu quầy quậy: “Không má à. Có tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc đâu”. Hay: “Chiều hôm sau nó về khoe bài tập thủ công được tám điểm. Nhìn nó hồn nhiên, má thấy mình cả nghĩ quá. Thế nhưng, đến tối nó nói: Má biết sao con chỉ được tám điểm không?”. Má lắc: “tại tụi nó không nhìn nhau đó má”. Má giật mình. Thằng người má lặn đứng hững hờ, quay đi hướng khác. Hai tượng còn lại co ro dựa vào nhau, một lớn một nhỏ”. Phải chăng ngay chính nhan đề “Già trước tuổi” cũng chính là câu chuyện tự thuật của Lưu Quang Minh – một người viết trẻ 8X cả nghĩ và nhân hậu.

Đọc hai mươi truyện ngắn trong tập truyện “Gia tài tuổi hai mươi” của cây bút trẻ Lưu Quang Minh, chúng ta thấy một văn phong chững chạc của một người viết trẻ biết đào sâu vào đời sống bằng những rung cảm, âu lo và ngẫm ngợi có trách nhiệm của người cầm bút. Xin chúc mừng Lưu Quang Minh và chờ đợi những tập truyện tiếp theo của anh.

(Nguyễn Anh Thế - Hà Đông 16/04/10)

Các bạn yêu thích văn chương muốn giao lưu, kết bạn và quan tâm đến cây bút trẻ tài năng Lưu Quang Minh hãy nhanh chân đăng ký làm thành viên của Diễn đàn.nhé wWw.LuuQuangMinh.Com/forum/     

<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.10.2010 22:22:08 bởi VoThiMaiPhuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9