Những bài viết cho ngành Điện (EVN)
clietc 20.10.2010 01:12:27 (permalink)
        Chiều cao cột điện.
         
                  (Bài viết được đăng trên báo Người Lao Động).
         Mỗi người trong ngành điện, ít nhất một lần nhìn ngắm chiều cao cột điện. Nhìn ngắm thế nào, theo kiểu thoáng qua hay mê say, là cách nhìn của mỗi người. Nhưng có ai tự hỏi, bắt đầu mình quan sát chiều cao cột điện từ khi nào không? Riêng mình thì không  bao giờ quên.
        Con sông quê nước chảy lờ đờ, nhà ở bên kia con sông nhỏ ấy. Quê hương mình có con đò nhỏ xinh xinh, đưa mấy đứa nhỏ sang sông đi học. Điện được kéo từ trên cột tre khô, cùng băng qua con sông ấy vào nhà. Qua lại con sông quê thỉnh thoảng nhìn lên dây, tuổi thơ thắc mắc chắc rằng trong ấy có lửa nên bóng đèn cháy sáng. Tuổi thơ thuở ấy rất khát khao muốn biết, dây dẫn điện có gì trong ấy? Làm sao biết được và phải học hỏi ai đây? Quê hương mình có cuộc sống thảnh thơi vô cùng, hồn nhiên nhẹ nhàng bên ánh đèn điện leo lét, thắp sáng vừa đủ. Tối cũng như tờ mờ sáng, tụi nhỏ chúng mình như những chú dế học bài, cầm tập đọc cả xóm đều nghe hết.
        Cây tre khô được thay bằng một loại gỗ dầu. Đứng bên đây sông mừng rở: “ Vậy là lúc trời mưa, cây tre không ngã đổ nữa, không bị cúp điện nữa rồi”. Đi học khoe với đám bạn, điện nhà tao có cây cột dầu, cao cao. Có cảm giác như khấn khít hơn, tưởng như không ăn nhập gì với mình, nhưng mình học hành xem ra chăm ngoan hơn hết. Bởi vì mình muốn biết có “lửa” trong dây như thế nào thì phải học. Học cao hơn một chút, xóm nhà lá bên sông xem ra mỗi lúc mỗi đông, người ta thay cây cột dầu đó bằng cột bê tông, dây điện cũng nhiều hơn và to hơn. Mình thấy mấy anh thợ điện leo lên trụ, cây sắt gắn sâu vào trụ làm nấc thang bước lên, nhận ra việc học của mình tựa như từng nấc thang đó vậy. Lên tỉnh học, nghĩ hè về thấy người ta thay trụ bê tông bằng trụ sắt. Móng trụ được xây bốn góc vững trãi, thỉnh thoảng ngồi dưới trụ móng tán gẫu cùng bạn bè đợi con đò nhỏ. Ngước nhìn lên cao, thắc mắc hỏi chiều cao cột điện bao nhiêu? Tại sao, cứ hể mình biết một ít về điện đóm, thì cột điện thấy cao lên một tí. Thực sự rất vô tư nhưng đó là thắc mắc từ lúc nhỏ đến giờ không biết trả lời ra sao?
         Quê hương mình nuôi mình ăn học, bước vào đời, rồi am hiểu chút chút về  điện. Quê hương mình nuôi mình lớn một chút, thì chiều cao cột điện sang sông cao hơn một chút. Chiều cao cột điện lại là bao nhiêu mình tự hỏi, nhưng lúc nào nó cũng tỉ lệ thuận với những gì mình biết, tỉ lệ thuận với kiến thức, sự lớn lên trong con người của mình.
         Bước vào ngành điện, trong đầu lúc nào cũng thắc mắc chiều cao cột điện là bao nhiêu. Lúc này, có điều kiện để tìm hiểu chiều cao cột điện và cũng lại thấy theo một tỉ lệ thuận ấy: Càng hiểu càng biết, thì cột điện càng cao…Lúc vào trạm 110 kv mình học tập hiểu biết và ngạc nhiên nhiều điều, nhưng vào trạm 220kv thì cột điện càng cao hơn nữa. Mình học tập, mình hiểu về vận hành trạm 220 kv, mình sung sướng vô cùng. Nhưng đường dây 500kv đang sừng sững từ bắc vào nam, còn cao hơn đường dây 220 kv nhiều, như vậy là còn cao mãi cao mãi.
          Bước vào ngành điện. Sau này mình biết, cột điện càng cao là do nâng điện thế cao. Điện thế cao, cột điện cao, thì kiến thức con người cũng phải cao. Như vậy, chiều cao cột điện luôn luôn lúc nào cũng tỉ lệ thuận với kiến thức con người. Kiến thức con người là vô tận, nếu không học hỏi nữa thì sẽ không thấy hết được chiều cao cột điện là bao nhiêu.
        Cột điện cao không phải đưa lên cao là cao, muốn cao hơn nữa phải đào móng sâu hơn và mặt chân đế rộng hơn. Muốn cao muốn vững chắc, mặt chân đế phải rộng. con người muốn cao muốn vững chắc, cũng phải vậy. Con người ấy phải có kiến thức và mặt bằng chân đế đủ rộng. 
    Chiều cao cột điện, mình cảm thấy nó có ý nghĩa rất sâu sắc trong đời của mình.
 
                                  Nguyễn Công Liệt

 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.10.2010 00:14:36 bởi clietc >
#1
    clietc 23.10.2010 00:20:54 (permalink)
    Sợi chỉ đỏ
     
    ( Bài Viết: Cảm xúc của người thợ trong ngành Điện, nhân  chào mừng ngày 30-4)...Được giải nhì khối NPT.
     

     
    Những người dân tộc bước ra sân, họ thích ngắm nhìn sợi chỉ đỏ.
    Họ thích nhìn những sợi chỉ đỏ trên cao đó, bởi vì không riêng họ mà người phương Đông cho đó là niềm hạnh phúc, với bao nhiêu điều may mắn. Trong tập tục, đám cưới con trai cũng dùng sợi chỉ đỏ cột tay với người con gái, xem như đã cột chặt hạnh phúc hai con người.
    Trên thế giới, bao nhiêu quan niệm tốt đẹp về sợi chỉ đỏ, và ai cũng thừa nhận nó đem hạnh phúc đến muôn nhà. Sợi chỉ đỏ cột chặt hai miền, như đôi trai gái yêu thương nhau không thể rời xa nhau được. Hạnh phúc đó truyền cho mọi nơi hơi ấm ngọt ngào. Hiện tượng Vầng quang: là hiện tượng xuất hiện trên dây dẫn siêu cao thế, ion hoá với môi trường xung quanh dây dẫn nên có những vầng đỏ, chạy dọc theo đường dây 500 kí-lô-vôn từ Bắc vào Nam. Như “Những sợi chỉ đỏ” mà những người thợ điện cũng như người dân tộc thích ngắm nhìn. Họ biết đó là sợi chỉ may mắn, hạnh phúc nhất của đất nước.
     
    Uốn lượn trên đồi núi, trên các cánh rừng. Những đường cong đỏ ngầu của đường dây 500kV vượt lên trên các tán cây bên dưới tiến về thành phố. Đứng trên đỉnh ngọn đồi, cao hơn những ngọn đồi cao, nhìn xa xa: Vầng quang như những sợi chỉ đỏ chúc phúc cho các cặp uyên ương hạnh phúc, nối hai miền Nam Bắc, thống nhất nước nhà mà còn là an toàn về điện năng, miền Bắc cấp điện cho miền Nam và miền Nam cứu viện cho miền Bắc…Hiện tượng vầng quang trông đẹp mắt làm sao, vẽ lên bầu trời những đường viền tươi sắc. Đường viền đó cũng trang điểm thêm cho đồi núi thêm phong cảnh hữu tình.
    Sợi chỉ đỏ đã kết duyên hai miền Nam Bắc, không thể tách nhau ra được, không khác những cặp uyên ương bên nhau và hạnh phúc lâu dài. Sợi chỉ đỏ chứa đựng trong mình một dòng điện xuyên suốt vô biên. Gợi cho ta như muốn tự hỏi:
                 Điện ơi! từ đâu đến?
                 Hay từ rừng núi xa.
                 Vầng quang như ấm đỏ,
                 Thắp sáng cho mọi nhà.
    Sợi chỉ đỏ ấy đã chạy về thành phố, thành phố bỗng trở mình và vụt dậy phát triển đúng tầm vóc của mình, đi đầu trong cả nước không một tỉnh thành nào theo kịp. Một nguồn năng lượng vô tận mà đất nước trên đà phát triển, tiến tới Công nghiệp hoá, Hiện đại hóa vô cùng cần thiết, không có một nguồn năng lượng nào có thể thay thế được. Từ khi mạng điện cung cấp đủ, từng ngày từng giờ nhìn thấy thành phố tiêu thụ từng kw/h điện, là thấy ngay thành phố từng ngày từng giờ lớn mạnh, niềm tự hào của chúng ta càng dâng cao hơn. Bây giờ ánh sáng bao trùm khắp thành phố, đèn điện đêm đêm rực rỡ nhiều màu. Nên phải giữ cho sợi chỉ đỏ đó xuyên suốt. Muốn làm được điều đó, ngành điện tốn biết bao công sức để phát hoang, để tận dụng tốt toàn bộ công suất truyền trên đó, gìn giữ sợi chỉ đỏ ấy như hạnh phúc của mình. Nhà nước quan tâm cực kỳ lớn vào ngành điện, đó là sự dọn đường trước cho một thành phố đang khát năng lượng, cần một sản lượng dồi dào để lớn nhanh, đương nhiên muốn lớn nhanh thì năng lượng cần phải đầy đủ. Dây tải điện nâng cao công suất hết cở nhưng rồi cũng không kịp nhu cầu xả hội, và đường dây 500kv mạch 2 hình thành và lại vẽ lên bầu trời xanh những đường đỏ nồng ấm, lại sừng sững tiến về thành phố.
    Có dịp đi dưới cánh rừng, trên cao là đường dây điện, công trình lên lõi theo phong cảnh hữu tình của đất nước, một cách đi du lịch ngoạn  mục. Với những sợi chỉ đỏ vẽ lên bầu trời, hoàng hôn càng tuyệt đẹp làm sao, như tấm lòng nhiệt thành nồng ấm của những người trẻ tuổi dành cho đất nước mình. Làm cho ta không khỏi miên man nghĩ đến những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người lính trong rừng Trường sơn, cũng dành những tấm lòng chung thuỷ với  non sông nên mới có ngày hoà bình độc lập hôm nay. Nhớ lại khúc quân ca Tiến về Sài Gòn của đoàn quân giải phóng, cũng từ những cánh rừng bạt ngàn này tiến thẳng về thành phố thân yêu, làm nên ngày 30/4 lịch sử, viết vào bản hùng ca hào hùng của non sông đất nước. Từ lúc vừa giải phóng, Cách Mạng đã tiếp quản ngay các nhà máy điện và cố gìn giữ nét cơ bản của một thành phố lớn là luôn luôn có  điện...Lúc được giải phóng không hề bị một vết đạn, Cách Mạng đã trân trọng gìn giữ từ lúc ấy, chứ không phá bỏ như các thành phố bị tàn phá sau chiến tranh. Những bài hát chào mừng, những điều mắt thấy tai nghe. Thành phố đã lớn lên và phát triển một cách nhanh chóng. Bao nhiêu cuộc đời đã đổi thay trên khắp thành phố này.
    Đời sống hôm nay mà không có điện thì cũng như không! Nói nghe có vẻ trơ trẽn nhưng thật sự như vậy. Vì rằng, không có điện thì có kêu gào niềm tự hào nào đi nữa, thì cũng chẳng ai nghe đến được. Ngành điện là ngành năng lượng, luôn luôn lúc nào cũng phải đi trước một bước, mới vực dậy được sự phát triển của đất nước. Vì vậy, công việc trong ngành Điện còn phải làm nhiều…
    Sợi chỉ đỏ là động mạch chủ của cơ thể, ý nghĩa của đường dây 500kv mang lại nhiều điều to lớn, mà nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã khởi xướng. Đó là một tầm nhìn vĩ đại cho tương lai Việt Nam ta.
           
    Nguyễn Công Liệt- Công ty Truyền Tải Điện 4.
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.10.2010 00:29:13 bởi clietc >
    #2
      clietc 23.10.2010 15:05:52 (permalink)
      Người thợ điện và cúp điện.
       
               Sáng vào ca, người thợ điện nhận ngay lệnh cúp điện. Ngẫm lại đúng là tuyến đường nhà mình, trớ trêu làm sao anh gọi nhanh về hỏi xem mảng nước đá đông đặc kịp lúc không. Vợ cằn nhằn nói là năm nay quả là không có thời, nghe theo lời anh kinh doanh nước đá kiếm thêm khoản thu nhập trong mùa nóng nuôi con, thế nhưng toàn gặp cảnh cắt cúp điện. Vợ bàn thử: " Có thể nán lại không?". Anh nói hoàn toàn không thể được.
              Anh tiến hành thao tác cúp cắt điện, lòng quặng đau như cắt. Nhưng là người trong ngành thấu hiểu được nổi khó khăn trong ngành Điện đang thiếu hụt sản lượng nghiêm trọng. Cho nên EVN phải phân bổ sao cho cân bằng, việc công bằng bao giờ mới thoả đáng? Mình muốn có điện, mà người dân tộc vùng sâu vùng xa, bà con nông dân đang cần nước canh tát, người thì ấp trứng vịt, nuôi cá bè..v.v. Tóm lại là ở đâu cũng cần có điện và khi bị cúp cắt đột ngột, chắc chắn phải có sự thát thoát hư hao như mẻ nước đá của mình. Khi cúp cắt điện, lương anh cũng bị sụp giảm, vì EVN gần đây thanh toán lương cho công nhân theo sản lượng vào ra (tựa như khoáng sản phẩm). Nay thêm khoản thu nhập từ việc kinh doanh nước đá, không tìm kiếm thêm được đồng nào, bị tan chảy nghĩa là phải móc thêm tiền từ lương để trả lại tiền điện cho ngành Điện.
            Thế nhưng, thái độ thanh thản của anh làm mọi người nổi nóng. Anh còn qui trách nhiệm cho họ là không có thái độ chuẩn bị tốt, không hiểu cho EVN. Bởi vì có một gói cơm thôi thì làm sao phân phát cho mọi nơi đầy đặn, không đủ thì sẽ ăn ít như gia đình đông con mà cha mẹ không đủ năng lực lao động. Mấy năm trước, người ta trách cứ EVN đầu tư dàn trãi, rồi cho rằng độc quyền và muốn nhà nước ngưng bớt ngân sách vào lĩnh vực điện. Người có tài bỏ ra ngoài làm, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định chiến lược xa. Có một thời người ta bảo: "Chủ nghĩa Cộng Sản là Chủ Nghĩa Xã hội và điện khí hoá toàn quốc". Người ta ưu ái cho ngành Điện, nhưng rồi người ta chuyển hướng nhìn, vì sợ ngành Điện trở thành "đứa con cưng". Nếu nhìn theo góc nhìn nhân quả, quả là chính từ thái độ đó mà ra hậu quả ngày hôm nay.
             Thiên tai là việc chẳng ai muốn, đôi khi thiên tai làm mất cả một đất nước. Hôm nay, người ta mới gặp cảnh khô hạn nhẹ, phản ứng của mọi người tựa không thích ứng được. Trái đất được cảnh báo nóng dần lên, mỗi ngày sẽ gặp cảnh hạn hán nhiều hơn nữa. Ai cũng biết lỗi của con người, nhưng họ khắc phục chẳng được bao nhiêu. Đó cũng là luật nhân quả vậy, nhắc nhở rằng con người phải thay đổi thái độ của họ với môi trường, mà EVN thay trời hành xử trước vậy.
       
                              Nguyễn Công Liệt
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.10.2010 00:23:23 bởi clietc >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9