Truyện ngắn
Xin cảm ơn và kính chúc anh NgụyXưa cùng gia quyến một năm Nhâm Thìn thật an khang, như ý.
SỢI TƠ TÌNH.
Dung duyên dáng trong chiếc áo dài lụa trắng điểm những đóa hoa cúc vàng nho nhỏ , tóc buông dài tự nhiên xuống vai. Nàng đứng trước quầy hàng sách báo của Hội sinh viên trong thành phố, trò chuyện cùng đám bạn cũ. Tiếng cười, tiếng chào hỏi, những lời chúc mừng, lời gọi nhau ơi ới … , sự ồn ào chung quanh khu Hội chợ làm cho nàng hơi ngộp một chút, nếu không có tiếng ỷ ôi năn nỉ : « Lần đầu tiên anh đi chợ Tết với vợ đó !... » thì nàng đã không ra đây.
Thấy ai cũng tươi vui , Tết đầu năm mà, ai buồn thì buồn khổ suốt năm sao ? Trời ạ, sống nếp sống Tây Phương vậy chứ cái nền móng tin dị đoan và kiêng cữ thì không thể nào gột bỏ hết được trong tâm tưởng của người Việt đâu !
Nhỏ Thảo :
- Sao mi ? Lấy chồng rồi là quên hết tụi này hả ?
Tên Tuyền xía vô :
- Còn thì giờ đâu mà lo báo chí sinh viên chứ ! Dung lo báo tường ghi việc từng ngày với ông xã cũng đủ mòn bút rồi.
.
Dung phá ra cười :
- Thôi nha, hai người đừng có dựa hơi nhau mà bắt bẽ Dung, lát ảnh tới tui mét lại xem ai đỏ mặt há !Còn hai người, chừng nào muốn ký giấy giao kèo nợ chung thân , nhớ cho Dung hay với ! Nay mai chứ gì ?
Thảo đỏ mặt lên cười và liếc qua tên Tuyền có vẻ đồng lõa nhưng chỉ im lặng, Tuyền vội vàng đỡ lời :
- Dung đừng lo xa, việc gần sắp tới rồi…
Nhỏ Phương bán xong xấp báo cho khách hàng, quay sang ngó tôi nói nhỏ :
- Mi lấy chồng mới có hơn nửa năm mà trông khác hẵn ra.
- Khác chổ nào, đừng có làm thầy bói bắt ta xem quẻ nha, ta không tin đâu ! Chổ ký tên là Madame T . hả?
- Đồ quỷ, ta đâu nói chuyện đó, chỉ muốn hỏi chàng nuôi nhà ngươi bằng gì mà nhìn thấy thương quá !
Tôi lấp liếm :
- Thôi đi nhỏ, mi học thói nịnh đầm bao giờ sao ta không hay ?! Không có bao lì-xì, khỏi tán tỉnh cho mỏi miệng và khát nước cưng.
Nhỏ Phương vẫn không buông tha :
- Chàng chưa tới, khai mau đi quỷ nhỏ ạ, hạnh phúc không ? Đã lòi bao nhiêu thói xấu rồi? Những tư tưởng lớn có xoẹt lửa với nhau lần nào chưa ?
Dung lắc đầu ngao ngán ngó nhỏ bạn thân :
- Trời đất quỷ thần thiên địa ơi , đang hỏi khẩu cung ta đó hả ? Tội tình chi mà đem ta ra chốn đông người « phanh tâm » vậy nhỏ.
Phương chợt thốt lên:
- Chết cưng rồi, có khách tới thăm.
Dung ngạc nhiên :
- Mi nói gì vậy ?
Chưa nghe tiếng trả lời của bạn, Dung đã nghe tiếng chào sau lưng :
- Dung khỏe không ?
Dường như tim Dung đập trật đi một nhịp, nụ cười tươi tắn lúc nãy tắt lịm nhanh chóng. Dung quay người lại thật chậm, cố lấy lại bình tỉnh trước khi đưa mắt nhìn anh :
- Dạ khỏe, còn anh Khoa ?
Hơn một năm trôi qua, đây là lần đầu tiên Dung thấy lại gương mặt xương xương, với những đường nét khá phong trần quen thuộc. Anh vẫn vậy , không có gì thay đổi, chiếc áo sơ- mi trắng làm cho màu da anh sậm hơn . Dung có lầm không hay là do sự phản chiếu của đèn màu chung quanh, hai bên thái dương anh, Dung thấy lấm tấm vài sợi tóc bạc ?! Chắc chỉ là do ánh sáng thôi, Dung tự nhủ thầm như vậy !
- Mình tìm chổ nào bớt ồn ào và tránh làm trở ngại quầy bán báo nói chuyện được không Dung ?
Anh vừa nói vừa tiến tới mở đường không chờ Dung trả lời .Hình như đó là ý định không cho Dung một lựa chọn nào khác chăng, Dung thầm nghĩ, nhưng vẫn bước theo phía sau anh. Dù gì cũng chỉ là lời chào hỏi đầu năm, chẳng lẽ Dung lại làm buồn lòng anh.
Tìm được một góc yên tịnh hơn, không xa mấy tầm nhìn của bạn bè nơi quầy bán báo. Anh đứng đối mặt với Dung và cười rất nhẹ :
- Dung đang hạnh phúc lắm phải không ?! Lý do duy nhứt này là điều anh cần biết nên mới ra chợ Tết năm nay.
Nghe câu nhận xét rất nhẹ nhàng của anh Khoa mà Dung lại tưởng như cả một tâm tình nặng trĩu trong giọng nói . Để tránh bộc lộ cảm xúc, Dung lấy vẻ thản nhiên hỏi anh :
- Anh Khoa đi chơi chợ Tết một mình hay đi với bạn, sao Dung không thấy?
Nói xong câu này, Dung thấy mình thiệt là lãng xẹt !
- Không, anh đi tới hai mình.
Phản ứng tự nhiên, Dung đưa mắt tìm coi « mình thứ hai » đứng ở đâu một phần vì tò mò, muốn biết « người ta » của anh thế nào, một phần sợ bị hiểu lầm, đó là điều Dung không muốn.
Anh nheo mắt, cười nhẹ (à há , không đến nỗi tang thương vì ít ra còn biết cười! ) :
-Dung tìm ai vậy ? Bộ Dung đi chơi chợ Tết một mình ?
-Dạ, ảnh đang trò chuyện với người bạn gặp tình cờ, nên Dung chạy lại quầy bán báo chơi với bạn bè đó chứ. Chắc sắp lại tìm Dung rồi , mà Dung đâu có tìm ai !
- Mình thứ hai của anh đang ở đây, Dung không thấy đâu, đừng tìm kiếm !
****
Anh Khoa và Dung ngồi đối mặt nhau trong một quán cà phê. Hai lớp kính dày chiếm trọn cả mặt tiền của quán, vừa để chống cái lạnh kinh hoàng của mùa đông, vừa cách nhiệt giữ độ mát máy lạnh vào mùa hè . Và đó cũng là tấm màn kính trong suốt làm giảm không ít tiếng ồn của xe cộ tấp nập bên ngoài. Không khí yên tịnh cho dù đã có nhiều bàn đầy khách.
Dung thích cách trang trí trang nhã nơi này, đưa mắt nhìn anh hỏi :
-Anh Khoa biết quán này từ hồi nào vậy ? Dung và nhỏ bạn thân thỉnh thoảng hay kéo vào đây nhâm nhi cà phê và ngó thiên hạ bát phố.
- Bộ tưởng anh không biết những chổ lịch sự để dẫn bồ đi chơi sao ?
- Thấy anh ít nói, mà lần nào Dung đặt câu hỏi là đúng y lần đó anh có câu trả lời rất tếu.
Anh không trả lời mà chỉ hỏi :
- Dung muốn dùng thức uống gì ?
- Anh cho Dung xin một tách cà phê đen với vài giọt sửa tươi là đủ. Dung rất ngạc nhiên khi nhận cú điện thoại của anh, định chúc mừng Dung phải không ?
Anh gọi đặt thức uống với người phục vụ xong quay qua hỏi :
- Như vậy là Dung đã quyết định thật sự ?
Dung gật đầu với nụ cười thật rạng rỡ :
- Cuối tháng tới ba mẹ ảnh sẽ sang dự đám hỏi rồi anh .
Anh Khoa :
- Nó đến quá bất ngờ đối với anh.
- Dung không hiểu ý anh?!
Ngay lúc ấy người phục vụ đem thức uống đến bày ra bàn với những động tác thật chuyên nghiệp. Dung ngó ra ngoài khung cửa kính, chiêm ngưỡng những dãy đèn màu trang trí hai bên đường.
Sắp đến mùa Lễ cuối năm nên trung tâm phố vô cùng tấp nập. Tuyết đang rơi trắng xóa bên ngoài, chừng như không làm giảm được không khí náo nhiệt.
Nói tiếng cảm ơn với người phục vụ xong, Dung đặt lại câu hỏi bị ngắt quãng lúc nãy của mình:
- Lúc nãy anh nói gì mà Dung không hiểu?
Không vội trả lời, anh Khoa cầm bình sửa tươi nhỏ, rót vào tách của Dung vài giọt xong đặt xuống bàn:
- Dung hoàn toàn không biết gì sao?
Dung nhướng mày với ánh mắt ngạc nhiên nhìn anh, nâng tách cà phê và nói:
- Biết gì vậy anh?
Anh nhìn Dung chăm chăm, buông tiếng thở dài, trả lời thật chậm :
- Biết là anh yêu Dung !
Nếu không có bàn tay anh đưa nhanh ra giữ tay Dung để chận đường rơi của chiếc tách, Dung cam đoan mình sẽ là đối tượng cho mọi người trong quán chiếu tướng lúc ấy. Tách không rơi nhưng tay anh và Dung đã thấm ướt cà phê sóng sánh ra chút ít.
Dung có cảm giác cả người mình hạ nhiệt nhanh chóng và không biết từ đâu một luồng khí lạnh chạy dài theo cột sống làm Dung rùng mình, ớn lạnh. Anh nhìn Dung và như đoán được điều gì đó nên giữ chặt hơn bàn tay của Dung mà anh vừa lau xong:
- Có gì đâu mà Dung phải thất sắc đến như vậy ?
Ngồi chết trân đó nhìn anh, môi và lưỡi cứng ngắt. Trong đầu Dung là cả một khối mù mịt như sương đêm, nhưng dòng suy tưởng chạy nhanh hơn vận tốc âm thanh « Đây là một câu đùa mới của anh hay sao ? »
Thấy Dung im lặng, anh Khoa từ tốn :
- Nghe anh nói nè. Biết Dung qua Khánh (anh vợ tương lai của thằng em trai kế Dung) tự lâu rồi .Thỉnh thoảng nghe nhắc về Dung trong các cuộc họp mặt gia đình của Khánh, anh không để ý mấy .Cho đến ngày gặp Dung trong chuyến đi chơi bên Mỹ với bạn bè và gia đình Khánh . Dung không đẹp như những người bạn trước của anh, lại trẻ tuổi hơn anh nhiều và không biết hình chung nào làm anh ngại trò chuyện với Dung. Đúng ra anh không tìm được đề tài nào hay để hòa vào sự vui vẻ thật tự nhiên và dễ thương của Dung.
Một tuần lễ đối mặt với nhau đều đặn, cho đến lúc về trở lại Montréal, anh vẫn nghĩ chỉ là những gặp gỡ bình thường như những cuộc gặp gỡ khác trong cuộc đời không hơn không kém. Sau đó là một vài bửa cơm với gia đình Khánh, ta lại gặp nhau. Dung vẫn là Dung : vui tươi, không một chút kiểu cách. Anh vẫn là anh : ít nói, hay ngồi một góc .
Có lần Dung tiến đến gần anh với dáng vẻ tự nhiên :
- Sao anh Khoa không dẫn bạn gái tới chơi vui cùng gia đình ?
Anh trả lời ngắn gọn :
- Dẫn theo rồi làm sao cua được người khác !
-Ghê chưa, từ lúc biết anh tới giờ Dung tưởng anh là một tảng băng biết đi, chỉ tan khi gặp được dung dịch nóng, đâu ngờ anh cũng phá ngầm dữ nha !
Không một thân mật, không một cuộc trò chuyện riêng tư kéo dài quá ba câu. Gặp nhau bao nhiêu lần trong vòng nửa năm qua, Dung còn nhớ không ? Anh vẫn đếm rất kỹ, vỏn vẹn không hơn một chục lần. Anh cứ cho là mình đã qua rồi cái thời nao nức, cuồng nhiệt của thuở mới lớn.
Nhưng không, anh đã lầm, lầm đến độ Khánh còn phải nói với anh :
- Mày làm sao vậy ? Dạo này, tao thấy mày cứ hỏi thăm về cô chị của thằng em rễ tương lai của tao hơi nhiều nha! Hoa đã có chủ tương lai rồi đó, đừng có đem lòng yêu bậy đi mày!
Anh cứng họng nên ấm ớ đánh trống lãng, trả lời cho qua câu hỏi đầy nghi vấn và rất tinh ý của Khánh. Anh tự tin và cho rằng khi chưa cưới hỏi là Dung vẫn còn tự do và không chắc gì đó là yêu thương thật sự.
Chưa biết phải xoay xở thế nào vì Dung đang yêu người khác. Mỗi ngày trôi qua là mỗi lần anh muốn gặp Dung thường xuyên hơn. Đôi khi anh đi làm về sớm, lái xe đến trường để mong thấy được Dung đứng chờ xe buýt với bạn bè. Những lúc đó anh không thể tìm được một lý do chính đáng để bước đến chào Dung. Cho đến lúc Dung lên xe về cũng là lúc anh tự mắng mình nhát như thỏ, ngu như bò (anh phì cười !). Anh hành động đâu khác gì một chàng trai mới lớn.
Đến khi nhận được cú điện thoại của Khánh cho hay Dung sắp làm đám hỏi trong tháng tới ! Đặt chiếc điện thoại xuống, anh chỉ muốn đập phá hết mọi thứ vây quanh, muốn chạy đến nhà Dung ngay … Kết quả của những ý tưởng điên khùng thoáng qua ấy là anh chỉ biết thừ người ngồi trong bóng tối, bắt phone hẹn Dung ra đây hôm nay đó …
Với giọng trầm trầm đều đặn, anh Khoa cho Dung có cảm tưởng như anh kể chuyện của một người nào khác chứ không phải chuyện của chính anh. Nàng ngồi nghe trong im lặng, người hơi thu lại trong chiếc ghế mây. Không biết vì do cơn lạnh khi nãy chưa dứt hay vì đó là một tư thế tự bảo vệ lấy mình, hai tay Dung cứ khoanh chặt lại trước ngực.
Tách cà phê đã nguội lạnh tự lúc nào, chung quanh dường như đã vài lần thay đổi khách mới vào quán. Dung không còn khái niệm thời gian, đến lúc anh Khoa bắt đầu im lặng. Một vài phút trôi qua, Dung bừng tỉnh :
- Tại sao anh lại nói cho Dung nghe những chuyện này vậy ?
- Vì anh thật sự muốn Dung cho anh một cơ hội !
- Cơ hội gì ?
Anh nhíu mày:
- Yêu thương em và nếu em muốn có ngay một mái ấm gia đình thì anh sẵn sàng bằng lòng với mọi điều kiện em đưa ra. Muốn học nữa thì cứ học, không cần Dung phải lo về kinh tế gia đình. Cho anh một cơ hội và tin anh là đủ rồi !
Dung trố mắt nhìn anh như để tìm xem câu trả lời này có thật mới thoát khỏi môi anh không. Danh từ « em » mà anh vừa dùng để gọi Dung làm cho nàng có một cảm giác hơi khó chịu, ai đã cho anh cái quyền thân mật ấy vậy ? Nhìn gương mặt rắn rỏi và đầy nét căng thẳng lúc đó, Dung không thấy đâu là vẻ đang đùa giỡn. Trả lời sao cho hợp lý, nàng chỉ thành thật :
- Anh có biết là người Dung yêu không phải là anh.
- Anh biết chứ, đâu cần Dung phải hành hạ anh bằng câu trả lời như vậy !
Đôi má nàng nóng ran lên, nhưng vẫn không thể chấp nhận dễ dàng lời đề nghị hoàn toàn nghịch lý của anh :
- Dung xin lỗi, anh đang hành động một cách điên rồ, mình nên ngừng việc bàn luận ở đây đi anh…
Anh Khoa chồm người tới, bàn tay anh tìm kiếm những ngón tay đang xoăn xoăn chiếc khăn bàn của Dung, nàng rút nhanh tay mình về.
Mắt anh tối sầm lại, giọng nói hơi lạc đi :
- Thôi được ! Dung không muốn nghe anh thì ít nhứt cũng nên nghĩ đến hai bác và những người bạn yêu thương Dung hết mực được không ? Dung có biết là ai cũng lo sợ cho Dung không ?
À, thì ra là vậy, anh Khoa đã tìm hiểu tận tường về chuyện của Dung.
Gia đình lúc đầu đã bày ra trăm sự khó khăn: cấm đoán, cản trở, rầy la, khóc lóc … Dung chấp nhận tất cả mọi đòi hỏi của ba mẹ, không gặp anh thường xuyên, đôi khi lỡ chạm mặt trong hành lang đại học là Dung lẫn vào đám đông hoặc cùng lắm là chỉ gật đầu chào như người quen sơ giao. Anh biết nên cứ theo thái độ của Dung mà thích nghi.
Dung tiếp tục vui chơi, học hành như xưa , ba còn tạo cơ hội cho Dung gặp một vài người con của bạn bè thân thiết, như thể Dung sẽ có đối tượng khác và quên dễ dàng người Dung thương. Tất cả công lao ấy đều không có kết quả như ý ba mẹ mong muốn, nên cuối cùng ba mẹ đã bằng lòng chấp nhận con rễ tương lai theo ý của Dung .
Phần bạn bè ư ? Họ cho rằng Dung quá thi vị hóa và nhìn cuộc đời như văn thơ Dung yêu thích, nên lo sợ cho cuộc tình đầy phiêu du của Dung. Có những lúc Dung tưởng mình phát điên lên, muốn nỗi loạn và bất chấp tất cả những hậu quả …
Nếu không có lời khuyên nhủ đầy yêu thương và kiên nhẫn, có một bờ vai cho Dung giấu vào đó những giòng nước mắt tức tưởi trong vài dịp gặp hiếm hoi và đôi tay mạnh mẽ kéo Dung ra khỏi những ý tưởng tuyệt vọng thì có thể giờ này Dung không có mặt ở đây.
Vậy đó rồi chỉ vì câu anh Khoa vừa nói ra làm cho cơn giận, nỗi ấm ức đã quên đi từ hơn mấy tháng qua, bỗng dưng dâng lên làm mắt Dung đỏ hoe, nước mắt cứ thi nhau rơi. Dung muốn rời bỏ ngay nơi này, nàng cúi xuống tìm chiếc xách tay thì anh Khoa đã giữ lấy cổ tay nàng và mềm mỏng :
- Anh xin lỗi, đừng bỏ đi Dung.
- …
Dung ngồi im, không nói năng một tiếng nào, đưa khăn tay chậm chậm mắt ướt. Chắc anh sợ nàng khóc hoài nên anh đùa :
- Lau nhanh giùm anh giòng suối trời cho để giết người ấy đi !
Dung đang ấm ức cũng phải phì cười vì câu ví von tế nhị, nhưng cự nự :
- Ai biểu anh ăn nói hồ đồ chi !
- Trời đất, Dung đang cho là anh đóng kịch hả ?
- Chứ còn gì nữa ! Khơi khơi, anh a- thần- phù đòi làm chuyện điên nhứt thiên hạ. Nếu không phải là hài kịch thì Dung thấy nó…
Anh Khoa chen vào:
- Thấy sao? Là một bi hài kịch?!
Như chiếc bong bóng bất ngờ xì hơi, Dung ấm ớ không biết trả lời anh thế nào để đừng gây gổ thêm một lần nữa.
Thế là anh Khoa tự trả lời cho chính mình:
- Cuộc đời đôi lúc bất công quá hả Dung?
Muốn nói một câu gì đó an ủi anh, lôi kéo anh thoát khỏi những ý tưởng điên rồ, kỳ lạ, muốn cầm tay anh như chia xẻ một cảm giác nặng nề trong thâm tâm. Dung muốn lắm, nhưng không một cử chỉ, một lời nào thể hiện cho anh thấy cảm nghĩ của Dung. Chính bản thân mình, Dung ghét thứ tình cảm thương hại, ủy mị vì Dung cho rằng nó chẳng đem lại lợi ích chi đối với người nhận.
Không biết anh gọi từ lúc nào, người phục vụ đem lại hai tách cà phê thơm nồng đặt lên bàn và thu dọn tách cũ. Khi ông ta quay lưng đi, Dung nghịch nghịch với chiếc muỗng nhỏ xinh xắn:
- Dung nhận thấy mọi người ích kỷ quá! Muốn Dung phải hành động theo khuôn rập lập sẵn hay sao? Cứ thế rồi lại cho là sợ Dung sẽ không hạnh phúc vì thế này hay thế kia.
- Tại vì Dung chưa bao giờ sống ngoài vòng tay của gia đình , qua đây lưu vong mà vẫn có ba mẹ chăm sóc cho chuyện học hành, không phải lo toan tất bật như bạn bè của Dung. Nhiều diễm phúc lắm Dung biết không? Chưa đủ lớn , chưa biết tự lo cho riêng mình như Dung nghĩ đâu !
Nàng hơi bực:
- Định làm anh hai của Dung hả?
- Dung dữ ghê!
-Dung không quen với tĩnh từ hiền dịu và quên mất định nghĩa của nó rồi anh!
Anh Khoa nhìn Dung như cân đo câu trả lời của nàng rồi nhẹ nhàng:
-Phải chi anh được đấu khẩu với Dung thường xuyên hơn chắc vui lắm!
Thấy anh Khoa lại bắt đầu trượt xuống con dốc nguy hiểm, nàng vội nói:
-Ủa, Dung lại thường nghe câu “ Sois belle et tais- toi !”
-Đúng là một phần tử nguy hiểm cho nhân loại.
- Bởi vậy nên tránh xa chất độc hại cho yên.
Đến đây anh và Dung phá ra cười, Dung thấy nhẹ lòng khi nghe tiếng cười của anh, cho dù trong ánh mắt anh còn phảng phất nét nghiêm trọng.
***
-Công việc của anh Khoa vẫn như xưa chứ ?
- Tuần tới anh dọn qua Mỹ làm việc rồi, muốn thay đổi không khí một chút xem sao Dung à.
-Bên đó ấm áp hơn Montréal nhiều và khá đông người Việt nhứt là Cali .
-Ờ, anh nghe nói vậy, nhưng chổ anh đến ít người Việt lắm .Mà anh đâu có nói đi tìm chổ nào đông dân đâu .
-Anh Khoa đổi nghề mới hả ?
Anh nhìn Dung với ánh mắt ngạc nhiên, không trả lời.
Dung :
-Nghề canh và bảo quản rừng á ! Chỉ có mấy chỗ đó là ít động vật hai chân.
Anh cười sảng khoái và Dung thấy vui vui :
- Vợ chồng Dung chúc anh năm mới thật thành công và như ý nha.
Anh có vẽ như muốn nói thêm điều gì nhưng Dung biết là giữa anh và Dung đâu còn gì để nói ngoài câu chúc Xuân nên nàng cười nhẹ nhàng chào anh. Thong thả quay về quầy hàng bán báo.Trong tận thâm tâm nàng là những lời cầu mong một ngày anh sẽ tìm thấy hạnh phúc cho riêng mìnhvà Dung biết người như anh Khoa sẽ không ở giá suốt đời đâu ! Biết chừng vài hay chục năm sau , có tình cờ gặp lại với tay đùm, tay dắt con cái một bầychứ. Trời ạ, sao trong hoàn cảnh nào đầu óc Dung vẫn luôn luôn lóe lên một khía cạnh hài hước vậy kìa.
- Chuyện vui gì mà vợ anh cười tủm tỉm vậy ? Nghe tiếng nói quen thuộc cùng với một bàn tay ấm đặt trên vòng eo mình, nàng quay lại nhìn chồng :
- Em gặp bạn cũ và chúc nhau con đàn cháu đống đầy nhà, hẹn một ngày cho tụi nhỏ chơi chung với nhau.
Vòng tay chồng xiết nhẹ :
- Thiệt không em ?
…
Nguyễn Mỹ Hạnh
21-01-2012
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.01.2012 01:42:46 bởi M.H. Nguyen >
"Sợi Tơ Tình" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn tác giả.
BTW anh Khoa nhờ NX chuyển lời thân chúc Ms Dung ở Montreal cùng gia đinh năm mới Nhâm Thìn yên vui trong hạnh phúc.
Tình thân,
NX
Ngày Xưa, Tháng Cũ, Năm Nào .
- Anh,
Hãy coi như lá thư nhỏ này là những lời cuối dành riêng cho anh. Em thiết nghĩ chuyện mình sẽ chẳng đi đến đâu vì những khoảng cách không lấy gì bù đắp được…
…
Em,
*
Nhét lá thư vào hộp thư cho chàng xong, nàng hấp tấp bước ra ngoài vì sợ bị chàng về kịp và bắt gặp. Tiếng giày bottes mùa đông xột xoạt trên một lớp tuyết dày, gây cảm giác cơn lạnh tối nay sao mà kinh hoàng quá. Đưa tay kéo ụp chiếc nón béret xuống che một phần khuôn mặt, nâng cao lên chiếc khăn quàng cổ bằng len, thật ra để giấu người đi đường đôi mắt đỏ hoe và những giọt nước mắt cứ lì lợm rơi.
Thà là xa nhau ngay lúc này, chưa ai nói yêu ai mà và đã là gì của nhau đâu chứ. Chỉ là tình cờ gặp hàn thuyên, biết có nhiều ý thích giống nhau, những quan niệm rất tương xứng …tất cả những lý do đó có đủ để chàng và nàng tiếp tục thân nhau, cùng nghĩ về một tương lai xa xôi hơn hay không? Nghĩ là vậy nhưng nàng vẫn cảm thấy đau đau ở nơi nào nó trong tiềm thức !
Loanh quanh với dòng suy tưởng nhuốm đậm màu mực tàu đen nhánh, nàng chẳng quan tâm đến khung cảnh quanh mình : hoa tuyết đang lất phất bay, dãy phố chìm dần dưới màu trắng xóa, người đi đường tấp nập, vội vã tìm về nơi cư ngụ ấm cúng. Thế giới này thường ngày vẫn thu hút, lôi cuốn nàng, hôm nay bỗng dưng trở nên vô cùng tẻ nhạt, mông quạnh, vô vị đến không ngờ !
Đến khúc quanh chỉ còn khoảng 200 mét nữa là tới cổng nhà, một đôi tay rắn mạnh đặt lên vai làm nàng khựng người lại, đôi tay ấy xoay nàng một nửa vòng tròn thật nhanh. Sợ nàng mất thăng bằng nên chàng giữ nguyên tư thế gần trong gang tấc. Hơi ấm cùng mùi thơm eau de cologne phảng phất quanh chiếc khăn len mềm mại và áo ấm của chàng làm nàng chỉ muốn dụi mặt vào đó, hít một hơi dài để giữ lấy chút hương. Ước gì nàng được ngã đầu vào đôi bờ vai khỏe mạnh ấy và được vỗ về cơn mệt mỏi vì sự căng thẳng từ chiều tới giờ. Đang lâng lâng trong phút giây ngắn ngủi thả hồn đi rong, thì bên tai nàng là tiếng nói giận dữ:
- Em lại bày trò quái quỷ nữa phải không ?
Nàng bừng tỉnh và nhớ tới tình thế đang gây cấn, không thể nào để cho chàng thấy một tí ti cảm xúc của nàng được :
- Trò gì đâu? Buông em ra, người ta ngó kìa !
Chàng buông nàng ra nhưng vẫn giữ khoảng cách thật gần.
Móc trong túi áo và dí dí lá thư nàng viết lúc nãy trước mắt (nhớ rõ ràng là mình đã xếp gọn lại làm tư thẳng nếp, giờ nó đã nhàu nát trong tay chàng), giọng vẫn còn đe dọa:
- Tờ giấy này em viết với ý gì đây ?
-Anh đọc và hiểu rồi, đừng hỏi nữa.
- Anh không muốn gây với em vì chưa biết lý do! Nhưng đừng tưởng anh để cho em tự do quyết định một mình.
Thánh thần ơi, chỉ mới hơn tình bạn thân có chút xíu hà, vậy mà chàng đã dùng oai quyền khống chế sự tự do bừa bãi, quyền quyết định loạn xạ và ý đồ đoạn tuyệt khơi khơi của nàng ngon lành vậy sao? Còn lâu, đừng có ỷ lớn mà dành hết mọi quyền lợi của phe ta chứ. Nghĩ vậy nhưng nàng chỉ tránh ánh mắt nghiêm nghị của chàng, trả lời:
- Đâu có gì mà gọi là gây gổ nhau. Mình chia tay vậy thôi!
Tự hài lòng khi thấy mình kịp lấy lại khí thế và trong giọng nói chứa đầy bất mãn. Không kiếm chuyện sao được, cả một buổi thuyết trình nàng ngồi một xó đó ,nhâm nhi sự tổn thương , thấy lòng tự ái của mình được chàng dẫm lên một cách êm ái giữa tấm thảm của giảng đường và đôi giày da sạch bóng . Lần này thì đừng có hòng nàng xuống nước, mềm lòng xí xóa nữa, nhứt định rồi, một là một chứ hổng có một thành hai đâu!
Chàng :
-Có thật lòng em muốn như vậy không?
Không biết chàng đang hùa theo ý định cà chớn để chọc ghẹo nàng hay không, nhưng rõ ràng là hỏi được câu trên thì đúng là chàng khờ còn hơn “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà “ nhiều; xa nhau là phải rồi, người gì đâu mà không “ tâm lý chiến” một chút nào hết trơn hết trọi!
Nàng làm ngơ câu hỏi đáng ghét của chàng, tìm lối thoát khác:
- Tối và trễ lắm rồi, em phải về.
Dợm bước đi thì chàng bắt gọn cánh tay nàng lại, đưa ngón tay trỏ nâng cằm nàng lên, tay kia chàng kéo nhẹ chiếc nón béret che khuất gần hết hàng chân mày.
Chàng quan sát gương mặt nàng vài giây rồi thở dài trách móc:
- Em thật quá lắm! Đã bao khó khăn như vậy chưa đủ sao mà còn làm khổ anh thêm chứ? Chúng ta không thể giải quyết ngay bây giờ vì đã muộn, nhưng anh không muốn em khóc một cách vô lý. Ngày mai mình gặp lại sau!
Nàng vẫn bướng bỉnh:
- Mai em không rảnh, với lại đâu có gì để nói.
- Không được bịa chuyện, ngày mai em không có cours từ 3giờ chiều trở đi. Nếu anh không lầm thì thời khóa biểu của em không có gì thay đổi cho đến cuối niên khóa. Em không có gì để nói nhưng em phải nghe anh nói …
Trời ạ, sao tự dưng bây giờ nàng lại có thám tử không lương theo dõi giờ giấc đi học, kiếm soát lộ trình lang thang, và kiêm luôn vai trò khủng bố vậy nè! Mới nghe câu tư thán, tưởng xuống nước xin lỗi, không ngờ câu kế tiếp y như một mệnh lệnh, nàng là con rối của chàng chắc?! May là nàng chưa kịp mềm lòng như bún, không thôi là thành con bông vụ cho chàng xoay xoay tùy hứng rồi.
Đang tần ngần với những ý nghĩ chẳng đầu, chẳng đuôi thì nàng đã thấy mình được chàng xiết nhẹ vào lòng, nàng có mơ không vậy trời? Chắc chắn là không, vì bên tai nàng tiếng chàng nhẹ như hơi thở:
-Sẽ đợi em sau giờ học tại chổ quen thuộc, đừng bắt anh ngồi đồng lâu quá nghen, và làm ơn thủ tiêu cái vẻ lạnh như băng giùm anh được không?!
Chưa bao giờ chàng lại tỏ vẻ thân mật đến như vậy, cử chỉ này làm nàng hoang mang và rung động đến tận các tế bào nhỏ nhặt nhứt , và chính nàng lại loáng thoáng một ước mơ táo bạo ' phải như chàng đừng buông nàng ra ' !
Nhận lời hẹn và về nhà xong nàng mới thấy mình ngu ơi là ngốc. Lúc nào cũng xẹp lép như con tép trước cặp mắt quyến rủ tha thiết, đầy hấp lực vô hình của chàng , nó biến nàng thành “nô lệ “dễ như lật ngược bàn tay. Tức quá đi, không lẽ lúc nào nàng cũng đóng vai người bại trận, kẻ phục hàng hay sao, chàng chưa là gì mà đã vậy rồi. Mai mốt tiến xa hơn nữa chắc nàng sẽ biến thành giẻ rách, và chàng muốn liệng đi đâu thì liệng sao chứ?
***
Chàng là khách thường trực cuối tuần của ngôi nhà hàng Việt nam, tọa lạc ngay trung tâm dãy phố nổi tiếng chuyên về các món ăn đặc sắc của mọi chủng dân trên thế giới: Pháp, Tàu, Ấn-độ, Việt-nam, Thái lan…
Xời ơi! Bộ dạng chững chạc, mực thước , luôn luôn ăn mặc rất chỉnh tề ,thêm cách ăn nói nhẹ nhàng, lễ phép đã làm cho bà chủ nhà hàng (nơi nàng làm cuối tuần) hậu đãi và chìu chuộng ông khách quý hết biết luôn. Lúc nàng bắt đầu việc phụ hầu bàn thì cứ vẳng vẳng bên tai : “ Con đem nước ra cho ông khách chưa ?” – “ Nhớ nói với đầu bếp thực đơn của ông giáo sư nghe con! “ – “ Tối nay mi ra phụ tiếp khách với cô và đặc biệt bàn của ông giáo nghen con “ …
Riết rồi nàng và đám bạn làm chung cứ kháo nhau : " Chắc họ phải lòng nhau rồi, tuy đã ' nửa đời hương phấn ' nhưng bà chủ vẫn còn quyến rũ chán!"- “ Ối giời ơi, may là rất ít khách được chiêu đãi như vậy, bằng không tụi mình đệ dơn xin nghĩ việc cho khỏe! “ – “ Ôi, làm chủ thì phải biết giữ khách chứ, mà giữ kiểu này chỉ khổ cho thần dân hầu việc thôi!” - Tên đầu bếp có lần đe dọa bên trong chiến trường chén bát :” Bữa nào tui bỏ thuốc chuột vô thức ăn cho biết ! Thôi, chủ làm gì kệ chủ, mấy nường đừng có bị ổng rù quến là được”. Hắn vừa nói hết câu là mấy nhánh rau cải bay vèo vèo vào người, bị vài lần như vậy rồi mà vẫn chưa biết sợ vì cái tật nói bậy sao ta?!
***
Nếu không có một buổi chiều phờ phạc vì bài vở và chợt thèm một tách cà phê thơm phức thì chàng và nàng vẫn “đường ai nấy đi, đời ai nấy sống “.
…
Chiều hôm đó , đẩy nhẹ cánh cửa, nàng bước quán cà phê, lách mình giữa những dãy bàn đã đầy khách. Vừa gọi đặt một tách cà phê cappuccino, đang loay hoay tìm cái bóp tay nhỏ thì bên tai nàng loáng thoáng:
- Chào cô!
Quay đầu về phía có tiếng chào, thấy trước mặt nàng là “ông khách” quen thuộc mỗi cuối tuần đây mà. Hơi luýnh quýnh vì không biết phải xưng hô thế nào ,ở nơi làm việc thì “ Thưa ông! “- “ Cảm ơn cô!”. Mỗi người ở một vị trí nhứt định bất di bất dịch từ mấy tháng qua. Chắc đoán được sự ngại ngùng của nàng nên chàng đon đã:
-Tôi rất vui vì bất ngờ gặp được cô nơi đây, cho phép tôi mời cô tách cà phê này được không ?
- Ồ, chào ông, nhưng tôi không dám nhận đâu, cảm ơn lòng tốt của ông!
Nàng phớt lờ khi thấy vẻ hơi phật ý trên gương mặt chàng, nhưng biết làm sao trong tình thế này: khi chưa là bạn bè hay người quen thân thì không bao giờ nàng cho phép mình nhận bất cứ thứ gì của ai, cho dù chỉ là một tách cà phê xã giao!
Coi vậy mà cũng thuộc loại lì có hạng, vì mời không được nàng, vẫn không buông tha nên chàng lên tiếng đề nghị:
- Ở trên lầu không khí thoáng hơn, nếu cô cho phép tôi được ngồi chung bàn và đây cũng là dịp được trò chuyện cùng cô!
-Dạ, thưa được chứ ông!
Cuộc đàm thoại rất khách sáo, đến giờ nhớ lại nàng vẫn không khỏi phì cười, nàng đâu có tạo điều kiện cho mọi việc suông sẻ đâu, hỏi gì trả lời nấy. Biết được trường chàng dạy nằm chót vót trên đỉnh đồi, ngành nàng học nằm ở bên kia chân đồi. An tâm, như vậy mình khỏi bị ép buộc gọi là “ Thầy “.
Khổ sở nhứt ,là chuyện nàng khám phá ra tuy không dạy trường của nàng nhưng chàng lại quen biết gần hết mấy ông giáo sư bên bộ môn nàng học. Nàng tưởng như đang ngồi trên đống lửa và cứ nơm nớp lo sợ việc biết đâu một lát nữa có ông thầy, bà cô nào cũng buồn tình đi dạo, ghé quán cà phê và thấy cô học trò của mình đang cười cười, nói nói với chàng thì có nước nàng dọn vào tu viện ở luôn cho đời trong sạch! Hoặc nhỏ bạn nào cũng nổi hứng thèm cà phê mò vào luôn nơi này , lúc đó nàng chỉ còn cách trốn vào cái xó xỉnh hẻo lánh ở tạm mà thôi!
Cuối tuần, đến phiên nàng phục vụ bàn ăn thì lại gặp nhau,thấy chàng chẳng có vẻ gì như đã gặp ở nơi khác, nàng theo đó mà tùy nghi. Ngoan ngoãn bưng cơm mời khách, đến món tráng miệng, chàng hỏi xin số phone . Nàng tá hỏa, lắc đầu nói gia đình khó lắm: đàn ông , con trai lạ hoắc mà phone là nàng bị hạch hỏi và cấm cung ngay tức khắc !
Có lẽ không tin và cho rằng nàng hách dịch hay sao đó, nên mấy tuần kế tiếp chàng giữ bộ mặt lễ phép đến phát sợ! Nàng tìm cách tránh phục vụ bàn chàng ngồi và cứ chui vào nhà bếp đến độ bà chủ ngạc nhiên hỏi:
- Con nhỏ này sao cứ chui vào bếp vậy mi? Bổn phận là ở ngoài con à, ra cho cô hỏi chuyện coi !
Nàng dùng dằng:
- Thì con chạy vô đây chơi với hậu cần chút, bên ngoài tạm yên rồi mà cô!
Anh chàng hỏa đầu quân hay bênh vực đám tóc dài điệu hạnh, xí xọn chen vào:
-Chị để đó đi, khách đâu có la làng đâu mà chị lo.
Nàng cảm ơn người đồng hương, đồng khói bằng nụ cười tươi như bó hành ngò ngâm nước.
Đến một ngày, chàng thủ thỉ mua chuộc bà chủ sao đó, nên bà gọi nàng đến phục vụ bàn của chàng.
Nàng lò dò đi tới bàn giữ bộ mặt nghiêm chỉnh :
-Chào ông, ông đã chọn món nào theo ý thích chưa?
Chàng :
-Chào cô, tôi chọn các món sau…. Cảm ơn cô rất nhiều!
Nàng hí hoáy ghi thực đơn, vừa định bước đi thì chàng nhỏ nhẹ:
- Hình như tôi đã gặp cô ở đâu rồi, thấy quen quen!
Tía má ơi, nàng ngượng đến mặt mày đỏ rần lên giống như ông Quan Công, muốn liệng quyển sổ thực đơn vào bộ mặt đẹp trai không ít cà rỡn đó dễ sợ! Đồ dã man, đồ lãng nhách, rủa thầm trong bụng nhưng không dám hỗn với khách nên nàng lí nhí:
-Ông nhớ lầm người rồi đó!
Chắc thấy ánh mắt nàng đầy « sát khí » nên chàng biết thân phận, phân trần :
-Thôi, huề đi nha, chỉ là quen biết mà sao cô khó quá vậy!
*
Một buổi tối, sau khi hết giờ làm việc, nàng sửa soạn diện chút ít chuẩn bị đi dự sinh nhựt nhỏ bạn. Mới vừa bước ra khỏi phòng thay đồ, nàng chưng hững khi thấy chàng đứng bên quày bàn từ lúc nào. Nhớ rõ ràng là chàng về sớm lắm, sao giờ lại có mặt ở đây, chắc chàng để quên gì đó nên trở lại tìm kiếm chăng ! Bà chủ đang trò chuyện cùng chàng coi cỏ vẻ vui lắm; nghe tiếng kọt kẹt của cánh cửa cả hai người quay lại, bà chủ lên tiếng trước :
- Con đi đâu chơi hay sao mà tươm tất vậy?
Nàng liếc ngang như tỏ ý chào chàng rồi trả lời bà chủ nghe như ngoan có thừa:
- Con đi đến nhà nhỏ bạn dự sinh nhựt và cả đám phục vụ lẫn hậu cần cùng đi luôn đó cô !
- Sinh nhựt gì mà giờ này mới đến?
-Tại cô không cho con nghĩ tối nay nên con hẹn đến trễ, có nhảy đầm nữa … « boom famille » mà cô, với lại …
Chưa nói hết câu là bà chủ chận ngang:
- Mi có xin phép ba mẹ mi chưa hay là lén đi chơi đó?
Nàng ngạc nhiên đến không ngờ câu hỏi của bà chủ. Trong gia đình bị quản chế bởi ba mẹ chưa đủ sao, giờ tới chổ làm việc cuối tuần lại thêm người ngó đường đi, nước bước của nàng. Khiếp quá, nàng đâu phải trẻ con mới lớn đâu mà cứ kè kè từ trong tới ngoài như vậy ? Khó chịu hơn hết là đang ở trước mặt chàng mà vẫn bị hạch sách, nàng đưa mắt ngó qua chàng mong được đồng tình thông cảm và cứu viện, nhưng chuyện nàng chờ đợi chỉ hoài công vì chàng lúc đó như pho tượng không hơn không kém
Biết không tìm được đồng minh nên nàng cầm cự:
- Con đã xin phép từ tuần rồi, cô bạn thân này và luôn cả nhóm bạn đang chơi ở đó, ba mẹ con quen tới gia đình của họ nữa, cô đừng lo.
Tới đây, chàng mới lên tiếng:
- Tôi đến định đón và đưa cô về vì bên ngoài tuyết rơi nhiều và rất lạnh, không ngờ cô đã có chương trình vui chơi khác. Chúc cô và các bạn có một lễ sinh nhựt vui vẻ, hẹn dịp khác. Chào bà và cô !
Nói xong chàng đi về phía ra vào của nhà hàng và biến mất nhanh chóng sau cánh cửa. Bà chủ nhìn nàng với ánh mắt đầy ngụ ý, nhưng lúc này nàng chẳng biết
nên làm gì, nghĩ gì. Dám đến tận nơi này đón nàng công khai như vậy là ý chàng muốn cái chi? Sao không nói đón nhỏ Trúc cùng nàng chẳng hạn, chàng quen biết cả hai mà ? Ừ, còn tiếng gọi cô, xưng tôi đầy khách sáo ấy, nghe mà rợn tóc gáy lên. Nàng thấy mình đâu có làm điều gì sai trái, tại sao chàng lại xử sự như vậy?
Chàng đâu phải người yêu thương của nàng, đúng ra chưa hẵn là bạn thân nữa là khác. Và bà chủ, cứ như là má nuôi của nàng không bằng! Thế giới này hôm nay toàn là những người già khó chịu, khó thương và khó hiểu vô cùng!
Đám bạn làm chung vừa bước ra khỏi phòng nên nàng để qua hết một bên, hòa mình vào cuộc vui, cho dù nàng biết sẽ không trọn vẹn vì sự việc vừa xảy ra.
…
Ba tuần liên tiếp không thấy chàng tới dùng cơm. Nàng bị bà chủ tra khảo tận tường về buổi đi chơi, đã gặp chàng ngoài nhà hàng hồi nào, rồi thêm màn giáo huấn là con có ăn học thì phải giao thiệp thế này, thế nọ. .. Nàng nghe mà chán ngấy cái kiểu quý tộc lỡ thời, cung cách trưởng giả bè phái! Đương nhiên nàng không hơn gì tuổi trẻ đồng niên thuở đó : luôn luôn có mầm mống nổi loạn, ước mơ thay đổi toàn diện thế gian bất công, hẹp hòi ; ghét cay, ghét đắng giới mới giàu học làm sang tự đặt mình lên cao tầng không ngai của xã hội, xem người khác như rác rưởi không đáng lân cận ! Ui chao lý tưởng hóa cuộc sống vô cùng tận !
*
Khi quen nhau rồi, nàng giới thiệu với chàng đám bạn cùng trường, nàng tạo điều kiện gặp gỡ những cô bạn (không tiếc lời khen ông thầy thế này, thế nọ…) . Nàng biết chứ, trong đám bạn nàng đã có vài nhỏ “phải lòng chàng” nên nàng mới hành động như vậy. Mời chàng cùng đến dự những buổi tiệc sinh nhựt, hẹn đi ăn hay uống nước ngọt cùng với một vài Tí cô nương xảnh xẹ trộm thương thầm chàng và đang đút lót nhờ nàng mai mối.
Thật ra đâu phải nàng cao thượng chi, chỉ vì nàng luôn nghĩ tình yêu và duyên nợ là tự nó đến, không ai bắt buộc hay xoay xở được chiều hướng của luật tự nhiên.
Ngày nọ, nhỏ Trúc (làm chung nhà hàng mà chàng đã quen mặt ) và nàng đều muốn đến hỏi bài nên hai đứa hẹn nhau đến gặp chàng tại văn phòng. Nàng đến khá trễ, Trúc về lúc nào không biết ?! Nhỏ này hôm nay cà chớn hết chổ nói ta, dám tẩu trước bỏ tui ở lại một mình để chìa cái ngu ra khi làm bài không được hay sao đây, bạn bè gì mà chơi xấu nhau đến vậy không biết nữa.
Chàng tiếp đón nàng với vẻ mặt lạnh căm:
-Em đi đâu mà giờ mới tới? Cô Trúc làm xong bài nên về trước rồi.
Nàng hơi ngạc nhiên vì thái độ của chàng nhưng vẫn từ tốn:
-Em phải ghé ngang tiệm sách mua vài thứ cần thiết cho bài học ngày mai. Xin lỗi đã đến trễ nghen, Trúc làm được bài không anh?
Chàng quắc mắt, dằn mạnh cây viết trên tay xuống bàn:
- Còn ai xinh đẹp, ngoan ngoãn, thông minh, giỏi giang nữa thì đem hết tới một lần ra mắt anh đi cho đỡ mất thì giờ!
Nàng vớt vát:
-Muốn cho anh có dịp quen biết thêm, không cảm ơn thì thôi, sao lại lớn tiếng! Anh vẫn thường nói bạn bè em nhiều cô rất dễ thương, không nhớ sao.
- Em định cưới vợ cho anh hả?
Nàng chạy tội:
- Gì mà ghê vậy! Anh hoàn toàn tự do trên mọi lĩnh vực mà.
Mắt chàng tóe lửa:
- Em ngu ngốc đến như vậy sao?
Nàng tức tối vì bị mắng nhiếc oan ức nên cũng cao giọng không kém:
- Sợ một ngày anh sẽ hối hận khi chỉ biết một mình em chứ bộ, anh thật là …détestable!
Nàng ngó dăm đăm ra bên ngoài cửa sổ, chờ đợi sự đáp ứng của đối phương, nhưng chỉ có sự im lặng kéo dài, tưởng chừng cây kim đồng hồ hết nhúc nhích. Chàng là một người rất biệt lập, nếu không muốn nói là rất kín đáo, hơi nhút nhát nữa. Bấy nhiêu là đủ cho nàng giúp chàng mở rộng sự giao thiệp, làm quen với thế giới
của nàng. Như vậy chưa đủ sao lại trách cứ nàng ?
Không một tiếng động, nàng quay lại thì thấy mình đang bị chiếu tướng tự lúc nào, vội đổi đề tài:
-Trúc có nhắn gì lại cho em không ?
- Nàng ta đến như mang trên người cả một lọ nước hoa, trang điểm rất khéo, son môi đỏ hồng, chiếc áo đầm rất thanh nhã. Thông minh nhanh nhẹn hơn thường ngày nhiều! Muốn biết thêm gì nữa cứ hỏi.
Chúa ơi ! Giận thiệt rồi, trả lời gì mà y như bài luận văn về thể loại tường thuật .Nàng vừa bực vừa mắc cười, nhưng cái vẻ lạnh lùng, giận dữ đang chứng kiến này làm nàng khó xử hơn là lúc chàng điềm đạm dễ thương. Nghĩ lại nàng thấy mình ngu thiệt, đổi đề tài gì không biết chỉ thấy đem dầu đổ vào lửa thêm thôi…
*
Chiều nay là lần đầu nàng đến nghe bài giảng thuyết về bộ môn nàng yêu thích. Cả thính đường chật ních sinh viên, tiếng cười vui nhộn vì những câu vấn đáp hài hước của chàng đã làm cho một đề tài khô khan, khó nuốt trở nên lôi cuốn, không khí thật sôi nổi.
Chính lúc này nàng mới nhận thấy khoảng cách giữa chàng và nàng nó xa muôn trùng. Trước hết là số tuổi chênh lệch gần một con giáp, chàng đã có địa vị trong xã hội, sinh và lớn lên trong một gia đình trí thức, nề nếp đến độ nàng còn ngạc nhiên cho dù nàng cũng được sinh ra và dạy dỗ trong hoàn cảnh như vậy, nhưng vẫn thua xa. Trời ơi, còn sự hiểu biết rất quảng bát về mọi bộ môn từ âm nhạc, văn chương ,thoại kịch, tôn giáo, … Hỏi xem một người như vậy làm sao thèm ngó tới con nhỏ ngu ngốc, ngang chành, chỉ biết đi học và chưa lo nổi thứ gì cho chính bản thân ! Không bao giờ nàng có thể tương xứng được với chàng và thế là nàng đâm ra tủi thân, viết lời tạm biệt !
***
Ngày mai, chàng sẽ bắt nàng nghe giảng thuyết gì đây? Định lý Pithagore ? Bài thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine ? Một vở thoại kịch nổi danh của Molière, Shakespeare chẳng hạn? …
Ngày mai thuộc về tương lai, hiện giờ nàng chỉ hồi tưởng lại phút giây rất ngắn ngủi nhưng vô cùng êm đẹp khi vòng tay ấy xiết nhẹ đôi bờ vai nàng. Tới đây thì nàng giựt mình tự hỏi : « Có phải mình đang yêu ? ».
« L’amour est le vaccin de l’amour- propre » - Friedrich Hebbel
Nguyễn Mỹ Hạnh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.02.2012 01:00:32 bởi M.H. Nguyen >
"Ngày Xưa, Tháng Cũ, Năm Nào" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn tác giả.
Anh,
Tự nhiên, em thèm viết cho anh một lá thư.
Thư trái mùa…
Sự thèm thuồng đó leo dốc hồn em mấy hôm nay, nó cao tới đỉnh ngất ngưỡng, không điểm tựa …
Sợ mình sẽ bước hụt chân và rơi xuống cái hố trầm nhiên không đáy, nên em cầm viết, bơm mực, trải những tờ giấy ra trước mắt và viết…
Viết gì ư ?
Thì viết kể anh nghe chuyện… Em đang yêu!
Yêu say đắm, yêu tha thiết, yêu đến ‘ chết nửa hồn tôi vẫn cứ yêu ‘!
Ác liệt ghê chưa?
Anh đừng rướn người ngồi thẳng lên trong chiếc ghế quen thuộc ấy. Đừng tháo kính xuống và đưa lá thư em đến gần mắt hơn . Vẫn những giòng chữ quen thuộc và những phúc trình rất thành thật giữa anh và em mà thôi!
Em đã nói trước là thư trái mùa, thì anh cũng nên ráng đọc chuyện trái lý như anh đang nghĩ đi.
Không dài dòng tự biện nữa, kể anh nghe nè :
Em yêu là vì …em đã được mơn man, tán tỉnh, âm thầm dâng tặng , được đeo đuổi tự thời xửa, thời xưa. Thời anh chưa biết yêu và em chưa có mặt khi nắng mưa điểm danh nhân số lận đó.
“ Nàng em lý tưởng hóa chuyện tình lãng nhách hay sao đây “_ Anh ậm ừ với ý nghĩ này và bắt đầu muốn quăng lá thư em vô xọt rác phải không ? Hì hì, em biết nếu anh có quăng đi, thì một chập sau lại cúi xuống lượm nó lên và … đọc tiếp mà thôi.
Lại lan man…, em trở về vấn đề chính nha!
Mỗi sáng , trên con đường đưa em đến việc làm, ông mặt trời chỉ vừa kéo he hé tấm chăn đêm xuống , dâng lên một viền trời đỏ cam ở hướng đông. Lúc ấy em thường thốt lên: ”Bonjour mon beau soleil!”.
Và chỉ mười lăm phút sau là cả một bầu trời sáng rực lên và ngày mới lại bắt đầu nhộn nhịp. Cái khoảnh khắc nửa sáng, nửa tối ấy nó tuyệt vời hơn hết. Mấy hôm nay nó lại càng đẹp gấp bội phần anh à.
Anh biết tại sao không?
Vì nó chen thêm cái lạnh đôi lúc quay quắt, em phải mở sưởi nhẹ trong xe cho ấm lên là phải biết! Người ta thường quen miệng nói :” Càng già, càng sợ lạnh “. Em thấy không đúng đối với riêng em lúc này. Vì cơn lạnh hây hây được sưởi ấm bởi mặt trời thì không có gì quyến rũ bằng, em sợ nắng nóng gay gắt, cháy bỏng hơn nhiều.
Nhờ những đêm lạnh ,những ngày man man âm ấm như vậy mà hôm kia em giựt mình khi đang ngắm dàn lá xanh chen đỏ trên bờ tường bám đầy rêu.
Bỗng dưng, em cảm nhận có cái gì đó đang thay đổi trong em, khó mà xét đoán được định nghĩa của nó! Ngớ ngẩn trước tình cảnh trớ trêu ấy , em nhìn xa hơn một chút lại thấy sừng sững trước mắt em một dãy sương mù giăng ngang triền núi thấp cạnh đó. Nó chia đôi góc đỉnh và chân núi . Em đưa mắt nhìn về hướng khác thì … chết rồi, hình như là tình yêu đang lung lay cảm thức của em…
Đành vậy anh à, em đã cố tình làm ngơ và không để cho tâm linh mình bị dụ dỗ, lôi cuốn, mê hoặc, si dại,… đến nỗi này.
Nhưng chịu hết nỗi rồi. Thôi buông xuôi đôi cánh tay mà ôm chầm, ghì thật chặt lấy tình yêu được trao tặng chân thành , vô vụ lợi cho nhẹ nhàng cả hai bên …
Anh thấy không,’ trái tim chì kẻm’ của em cũng có lúc phải đầu hàng vô điều kiện với tình yêu chứ có hơn chi ai đâu!
Rồi hôm qua, em lại được tặng thêm một món quà rất hiếm hoi : nhìn thấy tận mắt một con hoảng ( le daim )với bộ sừng tuyệt đẹp. Bộ lông vàng nâu trên lưng, lấm tấm chấm đen, nhạt dần đi đến cửa bụng. Nó đang ăn cỏ lá giữa một cánh đồng hoang, không xa thị thành là mấy.
Có những buổi xế chiều, em dẫn một bệnh nhân đi dạo dưới cánh rừng thưa ở ngoại ô ,vì sức khỏe của ông ta.
Cả hai người đồng hành suốt gần bảy cây số mà rất ít lời trao đổi với nhau. Không biết ông ta nghĩ ngợi gì. Riêng em thì thả hồn đi rong trên con đường mòn nhấp nhô sỏi đá. Lặng nghe tiếng rì rào của gió, tiếng xào xạc của các nhành cây , đám lá. Hít thật đầy lá phổi mùi rừng man dại, ngai ngái mùi lá vàng ẩm ướt sau trận mưa.
Đoán là anh đang thì thầm “ Sao có vẻ cô độc vậy ? “.
Dạ, không có đâu anh. Em thích vẻ tịch mịch , hoang dã và hoàn toàn thấy mình hạnh phúc vì được ưu đãi vô tận thì đúng hơn! Nhờ nỗi hạnh phúc vô biên ấy mà giờ em lại có chuyện kiếm cớ viết thư cho anh đó, không thấy sao ?
“ Nàng em lại lạc đề!” !
- Ừ, thì lạc đề, đâu phải là cái tội tày trời đâu mà em sợ khi anh phán xét như trên chứ. Khổ là em chỉ biết nhận thôi, chứ chưa làm nên trò trống gì để đến đáp lại những ân sủng ấy. Anh có cách gì giúp em không ?
“ Nàng em giỡn mặt đó phải không ? Muốn tôi đem cái đạo đức nghiêm minh ra mà nhắc nhở hử? “. Anh đang gõ gõ mấy ngón tay xuống cạnh bàn, nhăn trán, nhíu mày chứ gì ?!
- Xời, em hỏi chỉ để hỏi vậy thôi, không cần anh lên án buộc tội đâu.
…
Anh à, viết hoài sợ … thiếu giấy, hết chữ nên em tạm dừng lá thư ở đây.
Và sợ anh nhức đầu, ngày mai lại thêm sợi tóc bạc .
Còn em, thì sợ cười hoài vì hạnh phúc mà thêm nữa một nếp nhăn …
Thêm một câu hỏi cuối :
-Anh đoán được tình yêu của em chưa vậy ?
“ Nàng em cà chớn! Viết nhăng, viết cuội, đưa tôi đi vào labyrinthe ! “
Thôi thôi, đừng đoán già, đoán non nữa anh!
Mon amour est :
Matin d’octobre
C’est l’heure exquise et matinale
Que rougit un soleil soudain.
A travers la brume automnale
Tombent les feuilles du jardin.
Leur chute est lente. On peut les suivre
Du regard en reconnaissant
Le chêne à sa feuille de cuivre,
L’érable à sa feuille de sang.
Les dernières, les plus rouillées,
Tombent des branches dépouillées ;
Mais ce n’est pas l’hiver encore.
Une blonde lumière arrose
La nature, et, dans l’air tout rose,
On croirait qu’il neige de l’or.
François COPPÉE (1842-1908) Le Cahier rouge
Em luôn luôn cảm ơn Thượng đế đã tặng một tình yêu tuyệt diệu, bất khả di dịch cho em, cho chúng ta và tất cả những ai cảm nhận nó.
Anh đâu có ngoại lệ cho dù anh yêu mùa xuân hơn hết!
Em.
Ngày 20-09-2012
Nguyễn Mỹ Hạnh
"Lá thư mùa thu cho anh" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn tác giả.
Xin cảm ơn anh Ngụy Xưa.
Mến chúc anh một tuần mới thật như ý.
Chuyện hai năm xưa.
Đứng trước mặt anh Tiến đến mấy giây trôi qua mà Thảo vẫn chưa mở miệng nói được câu nào. Chiếc áo tu màu đen, cài chiếc thánh giá nhỏ bên ngực trái đã làm cho màu da anh sáng hẵn lên. Gương mặt với đường nét rắn rỏi hơn, đôi mắt vẫn thu hút (Thảo không biết phải dùng từ gì để diễn tả cặp mắt màu nâu thật sậm, thật ấm áp và như biết nói ấy). Ánh nhìn vẫn như xưa, có vẻ trầm nghiêm hơn một chút. Nhưng nhờ nụ cười rất cởi mở, thẳng thắn của anh đã làm cho người đối diện cảm thấy dễ gần.
Thảo thành thật nói :
- Áo tu rất hợp với anh.
Anh Tiến hơi đỏ mặt lên, nhưng điềm nhiên trả lời :
- Phải Thảo khen anh lúc trước như vậy anh đã không đi tu.
Thế là cả hai cùng cười vui vẻ. Anh và Thảo đều biết cho dù Thảo có khóc và tỏ bày tình cảm với anh lúc ấy, anh vẫn đi tu. Thảo tôn trọng sự chọn lựa của anh, vì anh là một người có lý trí và tình thương song hành.
- Vậy là mai mốt anh Tiến thành cha xứ và Thảo có thể đến xưng tội với anh được rồi.
- Thấy bề ngoài Thảo có vẻ chính chắn hơn mà sao vẫn nghịch tính.
Thảo xí xóa đổ thừa :
-Tại anh khác hẵn đi trong chiếc áo tu.
- Sao Thảo đến đây học thực tập lại không cho anh hay ? May là anh gặp chị Tuyền trong một cuộc họp, chị cho anh số điện thoại của Thảo đó.
Thảo ấp úng:
-Thảo đâu biết là đi tu vẫn được ra ngoài gặp bạn bè, thân nhân đâu. Với lại muốn để cho anh Tiến yên tĩnh mà.
- Đâu phải dòng tu kín đâu mà không được đi ra ngoài Thảo.
- Vậy ra hiện giờ anh Tiến vẫn được quyền phạm tội phải không?
Câu hỏi nửa đùa, nửa thật của Thảo làm anh hơi đỏ mặt lên.
- Cô đừng có bày trò quỷ ra mà cám dỗ anh.
Anh Tiến bắt theo câu đùa của Thảo mà trả lời.
…
Lúc mới qua xứ lạ, quê người, Thảo rất dở tiếng Pháp, đọc một câu chỉ hiểu được lỏm bỏm vài từ. Điều này làm Thảo mặc cảm với bạn cùng lớp, nên giờ ra chơi thường là lúc nàng chui rúc vào một góc sân, ngồi thơ thẩn một mình nhớ nhà, nhớ bè bạn .Có lúc ấm ức đến nước mắt chảy như suối ngầm vậy. Trường cũng có người Việt nam đó chứ, nhưng họ lớn và qua đây trước Thảo những năm, sáu năm nên đâu ai thèm chơi với Thảo. Khi ra khỏi nơi chốn sinh thành thì bạn mới hiểu được thế nào là sự lạc lỏng giữa thế giới xa lạ, mới mẻ, không đồng ngôn ngữ.
Mít ướt một mình hoài cũng chán, Thảo nghe lời ba măn, đi học thêm sinh ngữ. Nàng tìm trên mục quảng cáo của trường, ghi danh.
Ngày đầu tiên đến lớp thảo chưng hững khi thấy một anh chàng mặt mũi là lạ, chừng như lai lai nhìn Thảo buông thỏng một câu :
- Chào đồng hương.
- Dạ, em chào thầy.
Câu trả lời máy móc của Thảo làm anh chàng phì cười, đưa tay vuốt vuốt chiếc cằm nhẵn thính:
- Chưa để râu mọc rậm rìa mà đã được gọi là thầy và dạ thưa rồi, tăng tuổi thọ cho tôi sớm vậy đồng hương.
…
Sau này, khi nhắc tới cảnh gặp gở lúc đầu ấy, anh Tiến và Thảo đều được dịp cười hả hê. Nhưng giai đoạn đi dến thân thiết nhau thì đầy chông gai. Anh Tiến đã không nhân nhượng tha thứ cho Thảo bất cứ một lỗi lầm nhỏ nào. Bài vở anh đưa ra toàn là thứ văn phạm khó nuốt, nhưng đoản văn mà Thảo đọc tới, đọc lui cả chục bận vẫn không sao hiểu được cái đẹp, cái hay của tác giả muốn diễn đạt. Thảo lần mò dịch từng chữ từ tự điển theo kiểu học mò. Anh Tiến đã thẳng tay bôi xóa, gạch đỏ và bắt Thảo làm lại bài thường xuyên.
Lúc đầu Thảo nãn và chán cái thứ văn chương kỳ cục ấy. Đọc lên chẳng thấy êm đẹp, chẳng gây nên xúc động tâm hồn như đọc truyện tiếng Việt, thế là nàng trốn học. Tưởng vậy là anh Tiến buông tha, đâu ngờ anh gọi điện thoại tới nhà cho ba măn hay Thảo đã vắng mặt hai buổi học liên tiếp.
Lần đó Thảo bị gia đình rầy la thê thảm. Lúc xách tập đi học lại thấy anh còn ‘chằng lửa’ hơn trăm lần. Hôm đó, Thảo chờ vài người bạn học để vào lớp cùng lúc, rón rén ôm cặp đến chổ ngồi quen thuộc. May quá, anh Tiến đang chăm chú đọc sách gì đó, không ngẫng lên nhìn đám học trò mới vào.
Thảo cúi xuống lấy bài ra ôn lại chút, để nếu có bị tra tấn khảo bài thì còn vớt vát chút gì.
Bỗng dưng Thảo nghe tiếng anh :
- Đồ cỏ lười !
Lúc đầu Thảo tưởng anh nói với ai nên ngó quanh lớp, đâu ngờ anh đi đến ngay bàn Thảo và :
- Anh nói cô đó chứ không ai khác đâu.
Thảo chết điếng, vừa tức vừa quê cho dù mấy bạn đồng môn không hiểu tiếng Việt. Nhưng tự ái dân tộc bừng bừng như lửa trong đầu Thảo. Nàng lẳng lặng bỏ tập viết vào cặp, định đẩy ghế đứng lên thì nghe giọng anh trầm trầm bên tai :
- Em thông minh, nhưng phải biết tận dụng nó với sự kiên nhẫn để đạt được thành công em biết không ? Mà thôi, tùy ở em.
Như một chiếc bong bóng bị xì hơi, Thảo chỉ gật đầu như trả lời anh rồi lại lôi tập vở ra học tiếp.
Từ đó trở đi anh Tiến thường gọi Thảo tùy theo trường hợp, tình huống : lúc thì cỏ cháy (khi nàng bực mình và đanh đá vì chuyện gì đó), lúc thì cỏ buồn (khi Thảo kể anh nghe chuyện gây gổ với bạn bè, hoặc mết mết ai đó mà chưa dám chào), có hoang, cỏ dại, cỏ tiêu điều…. Anh không bao giờ thiếu kiểu ví von, để khi nàng nghe được là phì cười và kéo dài thêm tâm sự không đầu, không đuôi bắt anh nghe đến phát chán.
Lạ một điều là Thảo chỉ chấp nhận anh Tiến gọi Thảo là ‘cỏ’, mấy đứa bạn khác mà bắt chước anh gọi Thảo như vậy là Thảo sừng sộ cấm đoán, giận hờn ngay. Có đứa đôi lúc cáu tiết phán câu xanh rờn : « Trời, cỏ là loại mà người ta dẫm dưới chân không thương hại, chứ cao quý đẹp đẽ gì mà ham! «.
Vậy là Thảo đem cái tức về tìm dịp gây với anh Tiến:
- Anh Tiến coi thường Thảo nên mới gọi đặc danh tầm thường như vậy!
- Chuyện gì nữa đây ?
- Còn chuyện gì chứ, người ta nói cỏ là thứ mọc dại lề đường, ông đi qua, bà đi lại tha hồ dẫm lên, vv và vv… Đâu có ai thèm lưu ý, nhìn ngắm như mấy cây bông tươi tắn, xinh đẹp !
Anh tỉnh như rụi giải thích :
-Nếu gọi là Thảo cháy thì có ý nghĩa gì ? Cỏ cháy nghe đặc biệt hơn, giống như hiện giờ, cô em đang bốc lửa giận, muốn thiêu đốt cả anh nữa phải không ?
- Xì, ai mà dám, Thảo hiền thí mồ, bị bạn bè và anh ăn hiếp hoài đó.
- Ừ, đôi khi anh thấy giống cỏ thiền thiệt. Nhưng có tịnh cách mấy , khi bị gió tơi bới là cỏ xôn xao ngay.
Những lý luận của anh thường làm Thảo như đi trong màn đêm.
***
Hai năm dài đủ để trình độ pháp văn của Thảo khá nhiều hơn. Cũng hai năm dài sự thân thiết đủ để anh Tiến gọi Thảo là ‘cô em lượm được giữa đường’ lại thương hơn hết. Mối quan hệ ấy đã làm cho bạn bè Thảo không ít lời bàn tán.
Đôi lần anh Tiến rủ Thảo đi lễ, Thảo từ chối vì gia đình Thảo không có đạo và Thảo kể anh nghe chuyện lúc nhỏ, mỗi lần ngồi trong chiếc xe hơi simca của ba, chở đi ngang nhà thờ Đức Bà là mỗi lần Thảo tò mò hỏi :
-Ai ở trong đó vậy ba? Sao mình không vào coi có cái gì trong đó?
Ba luôn luôn trả lời:
- Chúa chết nằm trong đó. Ba cấm con đi vào những chổ đó nghe.
Nhưng rồi một ngày, Thảo lại lót tót theo anh đi lễ. Vào đó thấy người ta lúc quỳ, lúc ngồi, Thảo cũng bắt chước làm y chang. Đến lúc sắp hàng lên nhận Mình Thánh, Thảo lúng túng chưa biết phải làm thế nào thì anh Tiến nhỏ nhẹ:
- Thảo chưa rửa Tội thì không thể nhận Mình Thánh được. Cầu nguyện là đủ rồi.
- Đạo gì mà rắc rối vậy ? Ba em nói đúng đó …
Thảo chưa nói hết câu thì nghe anh Tiến tằng hắng :
- Hừ, đồ cỏ hoang !
Không lẽ lại cãi nhau ngay trong nhà thờ, Thảo giữ im lặng. Chấp hai tay lại, ý như cầu nguyện.
Nếu anh mà biết được trong những lời cầu nguyện của nàng, nó chen lẫn dự định kiếm chuyện gây hấn sau buổi lễ chắc anh sẽ hối tiếc đã dẫn Thảo đến đây.
Anh Tiến là con một của một cặp vợ Việt chồng Pháp, họ rất hạnh phúc với nhau, một gia đình sùng đạo. Bà mẹ hãnh diện về cậu con trai đẹp người, tốt nết, chẳng một tị kiêu căng, cho dù lắm cô nàng sẵn sàng ‘ nâng khăn, sửa túi cho chàng ‘.
Một hôm bà tâm sự với Thảo :
- Con biết không, thằng Tiến có ước nguyện không đơn giản và rất cao xa.
Lúc đó Thảo thấy mũi lòng muốn khóc, vì nàng nghĩ chắc bà muốn dặn dò Thảo là đừng có mơ tưởng đến con bà. Nàng chỉ nhỏ nhẹ trả lời :
- Bác ơi, con cũng mong ông anh hai làm vừa lòng bác mà thôi.
Nói xong câu đó thì Thảo biết mình đã không còn ở vị trí anh lớn, em nhỏ đối với anh Tiến nữa rồi.
Bà mẹ chỉ cười rất hiền từ :
- Bác cũng mong vậy Thảo à!
Thảo về đến nhà nằm ra giường khóc ngất lên, chỉ có vậy thôi sao? Chắc là anh nhờ mẹ mình làm trọng tài vì không đủ can đảm nói với Thảo là đừng quấy rầy anh nữa. Hai năm qua, nó như một làn khói mong manh mà Thảo đã vẽ vời nên giấc mơ lý tưởng của mình. Thảo đã coi anh như bạn, như anh lớn, như người Thảo có thể kể hết, nói hết những gì Thảo không thể nói với ai luôn cả đến người thân trong gia đình. Nước mắt rồi cũng cạn chi còn lại trong tiềm thức Thảo một điều là Thảo đã yêu anh. Tình yêu chưa nói ra đó đã bị tắt nghẹn thì thôi đành vậy. Thảo lợi dụng đang vào hè nên xin đi học xa. Không trả lời điện thoại cho dù anh gởi lời nhắn mấy lần.
Ba tháng hè rồi cũng đi qua nhanh chóng. Khi trở về Thảo nhìn thấy một vài bì thư được đặt ngay ngắn trên bàn học của mình. Trong đó có một bì thư màu xanh nhạt của anh. Đó là bì thư mà Thảo đắn đo cả tuần mới dám mở ra xem. Hai tờ thư với nét chữ lưu loát, bay bướm rất đẹp của anh …
Thảo đọc đến trang cuối thì mặt mũi đã nhòe nhoẹt nước mắt.
Anh Tiến đã đi rồi, một chuyến đi xa và rất lâu. Khi anh trở về thì cũng sẽ không bao giờ thuộc về Thảo hay bất cứ ai. Anh đã đi theo Ơn gọi của Chúa…
***
Khi từ biệt anh Tiến và trên đường quay về ký túc xá, Thảo thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng đến lạ kỳ!
Bên tai Thảo còn nguyên tiếng nói của anh Tiến lúc nãy với câu nói của Chúa: ” Il y a plus de bonheur à donner qu’à recevoir « ( Act20, 33) . Cho hạnh phúc hơn là nhận.
Từ đó Thảo thấy yêu tuyệt vời hơn được yêu…
cho những ngày tháng không quên...
Ngày 13-10-2012
Nguyễn Mỹ Hạnh
Từ đó Thảo thấy yêu tuyệt vời hơn được yêu…
"Chuyện hai năm xưa" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn tác giả.
NgụyXưa
Từ đó Thảo thấy yêu tuyệt vời hơn được yêu…
...
H. xin ' tái chào' và cảm ơn anh NgụyXưa . Trong một vài trường hợp, khi ta đứng ở vị thế ' chủ động' vẫn dễ chịu( hoặc dễ cư xử) hơn là trong vị thế ' bị động' ( hoặc 'thụ động'). Chắc là anh NX đồng ý với H.?!
Ngày12-12-2013. Anh, Ngạc nhiên lắm phải không ? Em biết khi cầm bì thư trên tay, anh đã lật đi, lật lại vài lần, có thể anh đặt nó nằm ngay ngắn bên góc bàn và tiếp tục làm việc khác, trước khi mở những tờ thư trái mùa ra đọc. Em nhớ có một lần cũng vì thèm viết quá nên đã gởi cho anh những giòng chữ mùa thu, tuy không vàng nỗi nhớ nhưng đã rơi ít nhiều miên man.
Năm nay lại khác, mùa thu vừa qua em rất mệt mỏi vì đủ chuyện xảy ra với người thân, thế rồi em bị cuốn trôi theo. Hôm nay chưa đúng vào tiết đông-phân (équinox d’hiver) nhưng cái lạnh làm em thích dụi tay vào chữ, 'bôi quẹt' vài hàng lên những tờ giấy trắng, gởi cho anh xem ‘dấu ấn’ của em.
Hơn hai tuần qua, mỗi buổi sáng nhìn làn cỏ xanh lục sau vườn mặc chiếc áo thật mỏng màu trắng tinh, những ống khói trên nóc nhà hay các cao ốc thả bay lên vòm trời xanh từng cụm bông gòn nặng nề, dày cộm là em biết…rất lạnh. Lạnh nhưng khô và ấm dần lại trong ngày với ánh dương le lói, chan hòa cả một không gian bao la.
Anh không thích mùa đông chỉ vì những lý do vô cùng thực tế như đêm dài, ngày ngắn. Mùa đông thường làm anh kiệt sức vì phải đối chọi với sự khắc nghiệt của nó, vì sự tù túng khi không được thong dong tản bộ thật lâu bên ngoài, vì cây cỏ khẳng khiu ngủ vùi như quên đi sự sống ! Có lần anh đã làm em bật cười khi đọc câu : » Mỗi lần thấy tuyết rơi là anh thấy mình có thêm vài trăm sợi tóc bạc ! « .
Mình đã vào gần giữa tháng mười hai rồi phải không anh, từ ngay đầu tháng em đã thấp thỏm chờ mong những dãy đèn hoa trang trí thành phố, nhấp chừng đợi người ta chở về trung tâm một cây thông rất cao to để đặt ngay giữa quảng trường. Năm nay cây thông cao tới 33 mét đó anh biết không. Ngạc nhiên hơn hết là cách trang trí rất khác với mọi năm, diễn tả thế nào để anh ‘ nhìn’ ra cây thông đẹp đến dường nào đây ? Với những chuỗi đèn màu khi được thắp sáng lên, nó giống như những lớp giấy màu đủ kiểu bọc quanh toàn thân cây từ trên xuống dưới, một ngôi sao sáng nằm trên chót vót đỉnh. Vẫn như mọi năm có những chiếc xe lửa nho nhỏ chở thiên hạ đi dạo quanh các con đường trang trí, em rủ người trong nhà cùng đi, nhưng không một ai chịu.
Chắc em phải chờ T. sang rồi hai đứa ‘ du lịch kiểu bình dân’ như nhà quê ra phố thấy cái gì cũng đẹp, cũng vui. Anh còn nhớ nhỏ T. không ? Một nhân vật khó mà quên. Nàng vẫn vậy anh à, tuy đang đổ nhiều nước mắt hơn nở những nụ cười. Chắc vì thế mà quyết định một hai sang đây chơi với em, tuy chỉ có được một tuần nghỉ lễ và chuyến bay đi về mất hết ba ngày rưởi.
Gần hai mươi năm, chỉ thấy nhau qua hình ảnh, nghe giọng nhau qua điện thoại. Chưa gì mà nàng đã dặn em không được đi xem phim này, phim nọ, không được đi mua sắm gì trước khi nàng qua, không được đi hội chợ No¨¨el:- « Để T. còn có dịp đi với H. nữa chứ, nhớ ngày xưa không, đi tiệc tùng, bát phố hay ra công viên chạy bộ rồi xích đu tưng bừng,… H. đều dẫn T. đi cùng, cứ theo H. như đứa em vậy » (sic). Đố anh là em sẽ chìu nàng hay không ? Đoán thử đi, câu trả lời sẽ đến sau chuyến du hành của T.
***
Trở lại với mùa đông đây, kẻo không anh nhăn mặt chê em hay lạc đề ! Thói quen dậy sớm đã cho em có được những tản sáng vô cùng tuyệt diệu, sáu giờ vẫn còn là màn đêm dày đặc. Mở cửa sổ thay đổi không khí trong phòng thì cái lạnh đổ ập vào như chớp. Hít một hơi dài cái không gian lạnh buốt ấy rồi xuýt xoa đôi bàn tay vào nhau để cho giòng máu đừng bị đông đặc lại. Và rồi nó trở thành một thói quen để khi có vài lần vừa trò chuyện em vừa vô tình với động tác ấy, người đối diện luôn luôn hỏi : » Bộ lạnh lắm hả, có cần tôi tăng sưởi lên không ? » (sic).
Lái xe vào sáng sớm trên những quãng đường giăng đầy hoa đèn, hay đi ngang một khu phố nhỏ nào đó với những lấp lánh sắc màu là điều em thích nhứt, nó vui vui gì đâu đó. Bóng tối đã trở nên quyến rủ chỉ vì những sắc màu linh động ấy. Chiều khoảng năm giờ là khung trời tối bưng lên và… ô kìa ! Phố lên đèn, nhưng có ngắm thì em vẫn không quên xe cộ đầy đường vì mùa này là mua thiên hạ đổ xô đi mua sắm, tha hồ nối đuôi xe với nhau và nhích từng chút một ! Nhiều lúc vì sự di chuyển thường xuyên của việc làm, em chợt ước gì mình có một cổ xe lừa, hẳn chạy còn nhanh hơn nạn kẹt xe. Anh đừng lắc đầu ngao ngán ước mơ gàn của em chứ !!!
Có một sáng nọ nhìn mấy hoa tuyết rơi rải rác đây đó, chỉ khoảng nửa giờ sau là mặt đường trắng toát, em mê khoảnh khắc tuyết rơi nhưng rất ghét sự lầy lội, dơ bẩn khi tuyết bắt đầu tan, tệ hơn là khi đường xá bị đóng một lớp băng mỏng đủ để thắng và bánh xe mất hiệu lực.
Đã một lần nhận tin anh bị tai nạn vì băng tuyết, đến giờ khi nhớ tới em vẫn còn bị lạnh buốt cả người ! Nói gì thì nói em vẫn mê mê cái mùa như ‘chết nửa hồn tôi’ này, cho dù mình đã từng cãi nhau nhiều lần vì ai cũng muốn bảo vệ cái quan niệm của chính mình ! Trời ạ, chỉ là về mùa màng thôi mà đã ‘ tay đôi cãi lý’ rồi, nói tới những chuyện khác thì … chẳng biết bão gió áp tải tới đâu anh hử ? Và như vậy khi làm hòa với nhau thì anh hay nhường vì vẫn là người lớn và em xin lỗi cho tội hay chướng, khó ưa ! Năm nay có T. cùng qua, nàng muốn đi Lễ Đêm cùng gia đình …
Trong những lời cầu nguyện em đặt dưới chân Chúa Hài Đồng trong Đêm Thánh sẽ có tên những người em yêu thương nhứt dù có ở xa em đến biết bao là cây số, hoặc đang ở thật gần.
Em không chúc tụng gì cả.
Chỉ nghĩ và nhớ thật nhiều...
Em,
Nguyễn Mỹ Hạnh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2013 04:37:51 bởi M.H. Nguyen >
Lâu quá không thấy ai làm rơi chữ ở đây, thôi thì mình phải giả vờ ...
(để lại chút xíu chữ may ra có lời ) Thương chúc Mỹ Hạnh một mùa Giáng sinh thật đầm ấm bên người thân
Nguyệt Hạ
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: