Tản Mạn Chuyện Vợ Của Các Ông Việt Nam
Ct.Ly 29.10.2010 04:26:35 (permalink)
 Ngay từ ngày xưa, các ông Việt Nam ta tuy nhỏ người nhưng khôn có tiếng. Các ông đòi hỏi ghê lắm cơ, các ông lập đi lập lại, dặn dò các bà rằng:
 
- “Giầu vì bạn, sang vì vợ” đấy nhá, bà làm sao cho tôi được nở mặt, nở mày với người ta thì làm.“Sang” hay không, phần lớn, do người làm chủ gia đình, tại sao chàng không chịu làm mà lại đòi bán cái sang cho nàng?

Lo cho chàng được “sang vì vợ” như chàng ân cần nhắn nhủ là đủ tắt hơi. Lo cho chàng “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” như Kim Trọng. Lo cho chàng lúc nào đầu cổ, tóc tai cũng gọn gàng, áo quần là ủi thẳng nếp để bà nào không phải vợ chàng, lỡ đụng vào, đứt tay có ngày cho biết thân. Lo phụ chàng đi làm bởi vì “của chồng, công vợ” chứ có cho ai đâu mà tiếc công với chàng. Với lại, để chàng đi làm một mình, chàng buồn lắm, chả biết đến bao giờ mới cạn được biển đông!

Chàng nêu lý do: “đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”. Từ việc nhẹ tới việc nặng, chàng đều cho nàng được hãnh diện chia xẻ:

"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa"

Con trâu chàng còn chẳng cho nằm thong thả nhai cỏ, huống gì vợ chàng? Ta cứ chia xẻ công bình đỡ mất lòng nhau. Phải lo “quản lý” nhà cửa để khỏi thiếu trước hụt sau bởi vì chàng đã khôn ngoan phong cho nàng chức “nội tướng”, “tay hòm, chìa khoá” dù nhà cửa trống toang, trống tuếch, chẳng có gì để cho vào hòm và cũng chẳng có gì cần phải khóa. Chàng muốn phỉ chí tang bồng:

"Làm trai chí quyết tang bồng,
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam”

Chàng muốn làm người anh hùng, chàng muốn tỏ mặt trượng phu, muốn rạng danh dòng giống:

“Làm trai đứng ở trên đời
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta
Ghé vai gánh đỡ sơn hà
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu.”

Nói thế nhưng làm không dễ nên nàng phải vất vả khuyến khích chàng:

“Khuyên chàng đọc sách, ngâm thơ,
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.”

Chàng chỉ lo học, đêm ngày sang sảng những thi cùng phú thì nàng phải lo làm việc nuôi chàng:

"Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người.
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh"

Chàng muốn lo việc nước non, chàng muốn trổ tài kinh bang, tế thế thì con đường chắc chắn nhất, an toàn nhất bắt đầu từ chốn quan trường. Muốn chàng “thoả chí bình sanh”, muốn cùng chàng nở mặt, nở mày, muốn chàng “sang” thì nàng phải lo tính toán tiền bạc nuôi chàng ăn học, cho chàng đi thi để làm ông Tú, ông Cống, ông Nghè, quan Huyện, quan Phủ, tướng nọ, tướng kia với người ta chứ:

Một quan là sáu mươi đồng,
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi...

Học thì ai học mà chẳng được! Kinh Thi, thơ, phú, chàng học làu làu, đọc sang sảng, ngâm oang oang suốt ngày đêm, Nếu số nàng may thì sẽ có ngày nàng sung sướng đón chàng vu quy:

"Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
Tôi ra đón tận đầu làng,
Chồng tôi cưỡi ngựa, cả làng ra xem..."

Ước mơ đã toại, công lo lắng cho chàng ăn học, công khuyến khích là cuả nàng thế nhưng khi chàng thành công thì chàng lại cho đó là công khó cùa chàng và đòi nàng đền bù:

Đêm nay mới thật là đêm.
Ai đem trăng sáng rắc trên vườn chè!

Đêm trăng sáng vằng vặc, hai vợ chồng trẻ hạnh phúc tình tự say sưa, thật đáng công nàng nuôi chồng ăn học. Nhưng... học tài thi phận. Thi cử, có người đỗ đạt thì càng có nhiều người làm lạc đệ tú tài. Thiếu gì chàng sửa soạn lên đường ứng thí mà ngẩn ngơ:

Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ,
Sờ bụng thầy không một chữ gì...
Tú đơn, Tú kép, Tú đùm, Tú đụp cũng vẩn chỉ là anh đồ, thầy đồ hay cụ đồ ngồi nhà dậy học. Tiếng là dậy chữ thánh hiền nhưng gia cảnh thì thật là thanh bạch:

"Thầy đồ, thầy đạc.
Dậy học, dậy hành
Vài quyển sách nát.
Dăm thằng trẻ ranh...”

Cuối đời gặp thời nho tàn, cảnh nhà càng tiêu điều, buồn bã:

“Ba gian nhà cỏ, một thầy, một cô, một chó cái.
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi!"

Và chàng thở than:

"Lỡ quan, lỡ lính, lỡ làng
Lỡ bề dân dã, lở đường công danh?"

Nhưng thôi, nói mãi chuyện nho tàn với chàng càng thêm chán đời. Con cái là dòng dõi tổ tiên, là nối dòng huyết thống, là danh dự tổ tông, là tương lai đất nước. Bổn phận nàng phải lo cái ăn, cái mặc, lo bạn bè, dạy dỗ, khuyến khích con cái học hành bởi vì trách nhiệm cuả nàng nặng nề lắm:

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”

Có bao giờ lỗi tại ông hay tại bố đâu! 
- Trẻ nó hư là tại các bà yêu con quá, hay nhẹ dạ, yếu lòng, nâng niu, chiều chuộng quá làm hư chúng đấy. Chúng tôi luôn là những ông bố gương mẫu trên đời: “Nghiêm phụ, từ mẫu” mà. Không những chỉ lo con mà bổn phận nàng phải lo cả cha mẹ cuả chàng:

“Anh đi, em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ!"

Để chứng tỏ mình cũng biết ơn vợ, chàng nịnh vợ rằng:

“Chồng khôn vợ đặng đi giầy. Vợ khôn chồng ắt có ngày nên quan! 

Nàng nghe mà sướng tai, thấy bao nhiêu công lao cuả mình đã được chàng biết tới, cảm động quá chừng. Nuôi thế chứ nuôi hơn nữa nàng cũng sẵn sàng hy sinh. Đó là những chuyện bên ngoài, chuyện ai cũng thấy, cũng nghe. Chuyện chiều chuộng chàng trong lúc đầu gối tay ấp mới là mệt mỏi kìa. Đêm khuya, đèn tắt, cửa đóng, then cài, chỉ còn hai vợ chồng hủ hỉ. Chàng năn nỉ vợ bỏ qua nếu chàng có lỗi lầm gì:

Yêu nhau đắm điếm mọi bề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng

Một trăm chỗ lệch còn được tha thì anh có ...thiếu sót, lầm lỡ chút đỉnh có ăn thua gì, phải không cưng. Chàng lại ngọt ngào tán tỉnh, vòi vĩnh vợ rằng:

Gối chăn, gối chiếu chẳng êm,
Gối lụa không mềm bằng gối tay em!

Đố bà nào cầm lòng đậu mà không cho chàng gối đầu tay đấy! Đó chỉ là bước đầu cuả chàng, được đằng ...tay, lân đằng ...nào nữa? Ai mà biết được vì chàng còn thiếu gì chiêu đẹp hơn làm “em” phải chiều theo lời chàng. Nhờ vợ mà chàng trở thành “sang”, có chức, có quyền. Khi ra ngoài, chàng nghiêm trang, đạo mạo, ra vẻ quan lớn ghê lắm, nhưng đừng tưởng lầm bởi vì:

Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma!

Chỉ trong hai câu ca dao mà người ta lột tả hết được đặc điểm cuả một đức ông chồng khi màn đêm buông xuống! Thật tài hoa thần sầu! Thời gian qua mau, tình nghĩa không còn nồng nàn, khi “quan lớn” đã hết muốn tần mần, lại hay đá thúng, đập nia, mặt mày nhăn nhò như khỉ ăn gừng hay nổi giận đùng đùng thì nàng phải liệu mà “bớt lửa” giận cuả mình trước để làm hoà với chàng, kẻo cả hai cùng “nổi lửa” thì có cơ cháy nhà:

Chồng giận thì vợ làm lành,
Cơm sôi, bớt lửa, bao giờ cơm khê!
Còn thấy chàng có điều khó nói, ấm a ấm ức, ngồi đâu cứ mặt ủ mày chau như Kim Trọng lúc nghe Thúy Kiều đàn thì nàng phải hết sức nhậy cảm, tế nhị, vui vẻ “offer” ngay:

Thưa anh, anh giận em chi?
Muốn lấy vợ bé em thì cưới cho?

Tiểu muội bảo đảm với các bà, cứ theo đúng lời các cụ (ông) Việt Nam ta dậy bảo thì các bà sẽ trở thành người vợ lý tưởng, là niềm ao ước cuả tất cả các ông. Không những các ông ao ước có được một người vợ mà ngay phận quần thoa như tiểu muội đây cũng muốn có vợ vậy! Ai mà không muốn có một người vợ kìa? Nhất là một bà vợ theo tiêu chuẩn cuả các ông Việt Nam! Thế mà các ông vẫn chưa hài lòng. Khi trà dư, tửu hậu do vợ sửa soạn cho các ông chén thù, chén tạc với bạn bè, ăn nhậu đã đời, sương sương lên, các ông bàn loạn về những thú vui, kinh nghiệm sống ở đời, tấm tắc buông lời ước ao tàn nhẫn:
Ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật
Các ông mơ tưởng tới những món cao lương, mỹ vị, đầy dẫy thịt thà cuả những nhà hàng Tầu, các ông không biết rằng món ngon bóng bẩy, thừa thãi vậy mà chóng ngán, và dễ có hại. Còn người vợ tào khang tuy chất phác thật thà những tình nghĩa thủy chung:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi?
Thiếp như cơm nguội dành khi đói lòng

Các ông chỉ ước ao mà không biết rằng mình có khả năng thụ hưởng hay không? Các ông không hề nhớ rằng thiếu gì người sau khi niềm mơ ước được thỏa mãn hay sau cuộc hành trình tìm mơ ước đã mỏi mệt đành thở dài, nhận ra chân lý:

Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn!

Thật ra, ao nhà trong ghê lắm cơ, chỉ tại các ông đứng núi này trông núi nọ thôi. Tiểu muội chắc rất nhiều bà, sau khi lấy chồng, qua bao nhiêu năm “quân vụ”, chợt ao ước có được một người vợ.
Nói cho cùng, ai mà không muốn có một người vợ kìa!!!

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9