Nguyễn Hải Chi đang chín trong thơ lục bát
hoangtrongmuon 05.11.2010 21:05:33 (permalink)
NGUYỄN HẢI CHI
ĐANG CHÍN TRONG THƠ LỤC BÁT


Phê bình

Xưa nay, đã là người Việt Nam, dù là không biết chữ thì ai cũng có thể làm được vài câu thơ lục bát. Đó là bởi vì thơ lục bát là loại thơ truyền thống, dễ làm, dễ thuộc, giống như một công thức toán học, chỉ cần lắp ghép câu chữ vào công thức ấy cho có nghĩa và có vần là được ngay một câu lục bát để nhớ, để đọc cho nhau nghe, thậm chí còn có thể truyền miệng cho nhiều người.

Thơ lục bát dễ làm như vậy nên cũng rất khó để có thể tạo ra được một phong cách riêng trong bút pháp, ngôn từ, dễ sa đà vào nôm na, vần vè như kiểu thơ phong trào và thực sự thì rất khó làm được thơ hay. Nhiều người đã ví thơ lục bát giống như một cái hộp cát-tông có sẵn, người làm thơ chỉ việc chọn câu chữ và sắp xếp vào hộp đó. Ai biết cách sắp xếp và lèn được chặt thì câu thơ sẽ có sức nặng về ý nghĩa và có cấu trúc chặt chẽ, còn không, ý thơ sẽ nông, câu chữ lỏng lẻo, nôm na. Chính vì thế mà những người làm thơ thường rất "sợ" và hay bị nốc-ao bởi thơ lục bát.

Rất ít người chọn thơ lục bát là thể loại thơ chính trong sáng tác của mình, mà thường chỉ coi đó là một sân chơi để dạo qua, để thử nghiệm một vài bài. Đó cũng là lí do mà những người viết rất ít khi in lục bát thành một tập riêng vì có làm thơ lục bát hay đến mấy, khi dồn lại thành một tập cũng rất khó đọc, rất khó tiêu hóa hết và thường làm cho người đọc có cảm giác nhàm chán, mệt mỏi khi phải đọc liền một lúc mấy chục bài. Thơ lục bát là thể loại thơ để nhâm nhi, ngẫm ngợi, ngâm nga nên phải thưởng thức từng ít một. Điều này cũng giống như ăn một món ăn, dù có được chế biến ngon đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ ăn một vài miếng mới thấy ngon, chứ ăn cả bữa chỉ có độc một món, thậm chí, bữa nào cũng ăn, ngày nào cũng ăn mỗi một món đó sẽ ngấy và ngán đến tận cổ, không những thế, nhiều người còn cảm thấy kinh, sau này không dám ăn nữa. Vì thế mà khi in tập, người viết thường đưa vào đó nhiều thể loại thơ khác nhau. Thế mà Nguyễn Hải Chi dám in hẳn một tập thơ lục bát riêng khi mà tên tuổi của anh, ngoài những ai quan tâm đến văn học trong tỉnh Hà Nam ra, rất ít người biết đến anh. Điều này thực sự là bản lĩnh.

Đọc xong cả tập thơ lục bát "Nơi hồn thu ở lại" của anh, tôi vẫn muốn đọc lại vì thực sự có nhiều câu thơ khá tài hoa, đáng để ngẫm ngợi, nhâm nhi. Người đọc sẽ không cảm thấy nhàm chán và tiếc nuối khi phải bỏ thời gian và công sức ra để tiêu hoá liền một lúc 49 bài trong tập thơ lục bát của anh. Đó là biểu hiện của tài năng, của sự chuyên nghiệp. Tất nhiên, không phải bài nào cũng đáng để đọc, nhưng nhìn chung, đây là tập thơ khá hay, đều tay, được lựa chọn kỹ càng nên để lại trong lòng người đọc nhiều dư vị khó quên.
Nói rất thật lòng, nếu ai được đọc tập thơ này của anh trước sẽ chẳng còn muốn đọc những tập thơ khác đang được in nhan nhản ở Hà Nam hiện nay nữa. Còn nếu đang quá mệt mỏi vì phải đánh vật với những tập thơ khác, thì nên chuyển sang đọc "Nơi hồn thu ở lại" của anh, sẽ không còn cảm giác mệt mỏi, sẽ thấy lòng mình dịu đi, mọi bực tức, ấm ức sẽ tan biến nhanh và sẽ có ngay được cảm giác hứng khởi chỉ sau vài bài.

Đến tận bây giờ, tôi mới nhìn thấy được tài năng của Nguyễn Hải Chi và tài năng đó chỉ được thể hiện trong thơ lục bát. Nếu không có thơ lục bát, có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi lại giật mình, chú ý đến thơ của anh nhiều như vậy. Nói hơi quá nhưng cũng rất thật lòng là anh chỉ nên đi vào thơ lục bát và giọng điệu của anh cũng chỉ hợp với thơ lục bát. Anh là người của thơ lục bát và ngòi bút của anh cũng chỉ dành cho thơ lục bát. Chỉ có lục bát mới làm cho thơ của anh thăng hoa, mới giúp cho anh có thể ngụp lặn trong đó, đắm đuối trong đó mà chiêm nghiệm cuộc sống, mà quan sát và liên tưởng, so sánh và trăn trở với những gì đơn giản, bình dị xung quanh anh, mới giúp anh có thể đau đớn, quằn quại, run rẩy, ẩn ức cả thể xác và cảm xúc của mình trong kiếp nhân sinh.

Người đọc có cảm nhận, dường như Nguyễn Hải Chi có nhiều duyên nợ nơi cửa Phật. Có lẽ, cuộc sống bon chen, bấp bênh nơi trần tục làm cho anh luôn lo lắng không yên nên tìm đến cửa chùa như tìm đến một sự giải thoát cho những bế tắc trong tâm hồn. Nhưng vốn là người hay quan sát, quan sát rất kỹ và luôn tìm cách so sánh, liên tưởng nên dù có đến chốn thâm thiến thì lòng anh cũng chưa thể về với cõi bình yên, thanh thản. Anh ngẫm ngợi nhiều về nhân sinh quan, về số kiếp con người. Có đến một phần tư số bài trong tập thơ, anh nói đến cửa thiền và vương vất những những tư tưởng nơi cửa thiền khi nghĩ về cuộc đời trần thế. Lạ thay, đó lại là những bài thơ có sức thu hút người đọc:

Tình xưa mắc tội gì đâu
Cũng đừng trách vội Thị Mầu lẳng lơ
Làm sao Tiểu Kính ngây thơ
Dấn thân tu, lại giả vờ làm trai

(Quả táo)

Ở đâu nước mắt đầm đìa
Nơi nao bổng lộc tranh chia nụ cười

Muốn quên ham hố trong đời
Những mong cứu độ phận người sắc không

(Yên Tử)

Trong cái mêng mông của cõi Phật ấy, anh cũng muốn tìm thấy những cái tươi non của sự sống, cái níu kéo của cuộc sống trần tục:

Em như quả táo tươi giòn
Gặp màu thiền bỗng lăn tròn sân rêu...

(Quả táo)

Dở dang duyên phận vào chùa
Gió xuân hơ hớ cứ đùa tam quan

(Thực)

Chỉ tiếc rằng, cuối cùng thì những bài thơ mang màu thiền của anh lại thất bại bởi những tư tưởng, giáo lý uyên thâm của đạo Phật, anh vẫn chưa ngộ được là bao, nên chưa hiểu được giá trị của cuộc sống nơi cửa thiền. Vì thế mà có nhiều câu thơ, vì muốn mang bóng dáng, tư tưởng của đạo Phật, anh lại làm cho nó trở nên tối nghĩa hơn, khó hiểu hơn, thậm chí là thô thiển và làm mất đi ý nghĩa nhân sinh quan của đạo Phật:

Mấy phen cửa Phật ngả nghiêng
Người thành bồ-tát, kẻ riêng phận buồn

(Quả táo)

Thực tâm dâng hết khóc cười
Đời khuyên hoàn tục, đạo mời chân tu.

(Thực)

Thành công nhất của Nguyễn Hải Chi trong tập thơ này là anh đã cố gắng đi tìm và đã tìm được những giá trị đích thực còn lại của những gì đã qua, những con người của quá khứ và những triết lí sống gần gũi, chân thực, có sức thuyết phục cao. Thực ra thì những điều đó cũng không có gì là mới bởi đã có nhiều người nói đến, nhưng những suy nghĩ, tâm trạng của anh về những điều phát hiện đó thì lạ và có chiều sâu của lí chí. Anh phát hiện ra nét buồn giấu kín của mẹ khi phố sá tiến về tận cổng làng:

Bữa thì thèm khế, thèm gừng
Nhà sang vẫn phải mua từng gói tăm

(Lên phố)

Anh có những phát hiện rất lạ và có những câu thơ tài hoa để đặc tả những chiêm nghiệm của mình về làng quê và những thứ rất đỗi gần gũi, thân quen, gắn bó:

Bão tan, cây lá tả tơi
Như vừa kiệt sức sau hồi đánh ghen

(Sau bão)

Cơn mưa ngóng tiếng ếch xa
Trăng suông nhợt nhạt tháng ba quê nghèo
Ao làng trắng giấc hoa bèo
Cánh đồng khô khát tiếng reo mưa rào.

Lúa chiêm đợi nghén đồng dao
Hát câu giã gạo cào cào mỏi chân
Nâng niu hạt ngọc trắng ngần
Nương nhờ đất nước hoá thân mà thành.

(Đồng dao cho cánh đồng)

Phát hiện về những nét đẹp của làng quê, ai có giỏi thì cũng chỉ tinh tế đến thế là cùng. Cái chất quê ấy đã làm cho thơ anh giàu nhạc điệu và đã làm nên một Nguyễn Hải Chi đằm thắm, đa mang, đa cảm:

Tôi cửu vạn, em làm thuê
Chợt nghe giọng nói cùng quê mình rồi
Dẫu xuôi ngược mấy phương trời
Tấm thân lưu lạc vẫn lời rạ rơm

(Giọng Bắc)

Với những văn nghệ sĩ, có lẽ sự mẫn cảm đã giúp Nguyễn Hải Chi dễ đồng cảm, đồng điệu với họ và dễ nhận ra những vẻ đẹp tiểm ẩn, chứa trong những trang viết của họ để lại cho đời. Với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, anh thực sự tỏ lòng kính phục:

Đâu cần hoàng hậu, ái khanh
Câu thơ kéo đổ cổng thành, cửa quan
Nổi chìm duyên kiếp hồng nhan
Lên ngôi bà Chúa - thế gian mấy người

(Đi tìm nữ sĩ)

Với Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Hàn Mặc Tử..., anh đều có những cảm xúc rất chân thành với nỗi buồn day dứt và tâm trạng ẩn ức, khắc khoải của họ:

Vườn Bùi, mẹ Mốc khóc cười
Trũng thêm dấu gậy, nghẹn hơi lối vòng
Chén thơm rượu Vọc khát mong
Trăng say khật khưỡng, nỗi lòng đầy vơi

(Nơi hồn thu ở lại)

Cũng như những người làm thơ khác, sau một thời gian tìm tòi, khẳng định phong cách của mình, Nguyễn Hải Chi cũng quay sang triết lí về cuộc đời. Ở trong những triết lí đó, anh muốn trải nghiệm, muốn ngẫm nghĩ thật sâu sắc về cuộc sống, về thân phận con người và muốn giãi bày tâm sự. Và anh cũng đã có được những thành công:

Đã một lần cháy thành than
Dâng mình rạc đến lúc tàn chưa thôi
Lạnh lùng đen đúa tiếng đời
Nóng lòng gặp lửa lại ngời lên hồng lên

(Than hoa)

Dẫu không che nổi chính mình
Xin làm bóng nhỏ ấm tình sắc hương

(Cây)

Tuy có nhiều câu thơ hay và tài hoa, nhiều suy nghĩ, lí giải độc đáo và lạ, nhiều quan sát tinh tế và góc cạnh, nhưng hầu hết các bài thơ của Nguyễn Hải Chi cũng chỉ được phần đầu và bị hụt hơi, bị đuối dần về cuối khiến bài thơ không hoàn chỉnh, giảm rõ rệt về giá trị nghệ thuật. Rất ít bài thơ trọn vẹn. Những câu kết thường làm cho bài thơ hoàn chỉnh và có ý nghĩa hơn thì trong thơ của anh, câu kết thường rất đơn giản, dễ dãi như kiểu người chạy sắp về đến đích thì bị hụt hơi, nên ý thơ thường nông và không có tác dụng nâng bài thơ lên. Rất ít gặp được những câu kết tàm tạm. Câu kết có thể làm cho bài thơ hay hơn, có lẽ chỉ có trong một bài thơ duy nhất, dù bài thơ đó chỉ ở mức độ trung bình. Đó là bài "Sóng":

Đời sông sóng gió đã nhiều
Quặn lòng ráng đỏ những chiều đợi trăng.


Đọc thơ Nguyễn Hải Chi, mọi người đều có thể nhận ra sự cố gắng xoay sở, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, cách sử dụng ngôn từ mới lạ, độc đáo và có sức gợi của anh. Nhưng mọi người cũng không khỏi ngạc nhiên về sự lúng túng, vụng về của anh trong cách xử lí ngôn từ khi thể hiện ý tưởng của mình. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều lúc anh thực sự rất bí từ, nên viết ra nhiều câu thơ tối nghĩa, vô hồn, vô cảm và rất đáng tiếc, vì nếu khắt khe hơn, chau chuốt hơn, kỹ lưỡng hơn, chắc chắn đó sẽ là những câu thơ rất hay. Điều đó đã làm cho người đọc thất vọng, giống như đang ăn một bát cơm gạo tám ngon lành thì nhai phải sạn vậy. Chỉ cần một hạt sạn thôi cũng đủ làm cho cả bát cơm không còn ngon nữa, thậm chí phải đổ đi:

Khó khăn biết nhịn kêu ca
Bỏng ngô mua chợ làm quà dễ chia

(Mẹ tôi)

Mảnh vườn lão Hạc đâu đây
Chí Phèo, Thị Nở ngất ngây phút người
Hết say tìm được cuộc đời
Đi đòi lương thiện cõi người khát khao!

(Về thăm quê Nam Cao)

Nếu được chọn những bài thơ khá nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất trong cả tập, tôi chỉ thích có hai bài và đó cũng là hai bài tương đối hoàn chỉnh. Đó là bài "Đồng dao cho cánh đồng" và khá nhất là bài "Đá làng". Đây là những bài thơ thành công nhất của Nguyễn Hải Chi và là những bài thơ không có sạn, lại giàu chất tư duy, giàu tính sáng tạo, giàu tính nhạc, giàu cảm xúc và thực sự đã đánh dấu sự vượt trội, sự trưởng thành trong ngòi bút của anh khi anh bắt đầu định hình được con đường sáng tác và thế mạnh của mình trong mảng thơ lục bát. Bài thơ "Nơi hồn thu ở lại" không phải là bài tiêu biểu, vì nó chỉ ở mức trung bình, nhưng tên của bài thơ này dùng để làm tên của cả tập thơ thì lại có sức nặng vì nó toát ra được cái hồn cốt, cái tinh anh và cảm xúc chung của cả tập thơ.

Nếu được chọn một cặp thơ lục bát thích nhất trong cả tập, tôi sẽ không ngần ngại chọn hai câu thơ đầu của bài thơ "Lên Cấm Sơn", vì nó là sự thăng hoa thực sự của ngòi bút Nguyễn Hải Chi và nó cũng đã ám vào, vận vào đời anh, vào sự nghiệp sáng tác của anh:

Cùng em leo núi nửa chiều
Với tay ngỡ chạm cánh diều chơi vơi.


Ngay khi chưa gửi sách lên nhờ Hội Nhà văn Việt Nam chấm giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ V (2001-2005), trong thâm tâm tôi đã chấm tập thơ này của anh giải Nhì. Hơi tiếc là nó lại chỉ được xếp vào giải Ba. Nhưng dù sao, với anh, đó mới chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc bứt phá.

Tháng 5 - 2007

Hoàng Trọng Muôn
(In trong tập THỬ BÀN VỀ VĂN HỌC HÀ NAM ĐƯƠNG ĐẠI - Tiểu luận Phê bình - NXB Hội Nhà văn, 2010)

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9