CÒ GỖ MỔ CÒ THẬT
tahuudinhqn 09.11.2010 08:57:23 (permalink)
CÒ GỖ MỔ CÒ THẬT
 
                                             “Con cò lận lội bờ sông
                                     Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…”
                                                                                    (Ca dao)
 
Làng tôi ở trên bờ đầm Tám xã. Đầm không to lớn lắm, chỗ rộng nhất cũng chỉ vài ba nghìn mét. Nhưng rất dài, quanh co uốn lượn hàng chục cây số, trên địa bàn tám xã. Về mùa khô đầm bị thu hẹp lại. Vì hai bên bờ người ta cấy lúa, lấn ra mãi ngoài lòng sâu, đến lụt cây mạ mới thôi. Còn mùa mưa thì nước cả mênh mông. Lũ trẻ con chúng tôi, chiều nào cũng rủ nhau ra bến, cởi quần áo để lên bờ, trần truồng nhẩy ùm xuống nước, bơi lội, vẫy vùng, té nước, bốc bùn ném toẹt vào mặt nhau thỏa thích!
Cũng chưa có nhà khoa học nào tính trữ lượng nước chứa ở đầm được bao nhiêu khối? Chỉ biết đồng ruộng của tám xã ấy, quanh năm không bao giờ thiếu nước cho hai vụ lúa và hoa mầu. Cho nên dân cư ở đây có phần trù phú hơn các vùng khác
Ngoài nông nghiệp, nguồn thủy sản ở đầm đem lại lợi nhuận cho cư dân cũng không nhỏ. Đầm có rất nhiều loài thủy sinh, cá chép, cá nhòng, cá vược, cá quả, cá diếc, cá rô, cá trê, lươn, ốc, ếch, tép và cua đồng…Có năm nước mặn tràn vào đầm, nước ngọt thành nước lợ. Tôm, cua, rạm sinh ra nhiều vô kể. Cả làng đua nhau đi mua đó, sắm đăng đơm tôm. Tối đến mặt đầm nhộn nhịp thuyền bè, đèn đuốc sáng như sao sa. Đăng cắm từ trong bờ ra, dài ba bốn chục mét. Đầu ngoài cùng đặt chiếc đó. Trong đó treo chiếc đèn chai. Đêm tôm đi ăn, lần theo bờ đăng, đến chỗ đèn sáng râu vướng vào cửa đó hẹp, liền khom lưng bật “tách” một cái. Thế là lọt vào trong đó. Sáng sớm hôm sau nhấc đó lên, hàng mấy trăm con tôm tươi xanh ngằn ngặt, lao xao nhẩy nhót.
Rạm cũng rất nhiều. Ban ngày đứng trên thuyền thấy chúng “bay liệng” lấp loáng hàng đàn dưới lưng chừng nước. Giống rạm rất phàm ăn. Nên đánh bắt chúng cũng rất dễ dàng, đơn giản. Bắt nhái băm nhỏ, lấy giẻ rách gói lại rồi bỏ vào trong lờ. Chiều đem lờ thả xuống đầm. Đêm rạm đi ăn, thấy mùi tanh tìm đến rồi chui vào trong lờ. Sáng vớt lên, lờ nào cũng được vài ba chục con.
Ngoài ra đầm còn là cái kho thức ăn vô tận cho chim muông. Nhiều nhất là cò và bồ nông. Đêm thì vạc. “Vạc đánh bạc với cò/ Ruộng nương bán hết lần mò ăn đêm”. Ban ngày từng đàn cò trắng nhởn nhơ bay lượn. Đàn thò chân đáp xuống, đàn vỗ cánh bay lên. Và những con bồ nông bụng trắng, lưng xám nâu, to như con gà trống, cổ dài như cổ hạc, đứng trên mặt đầm rình mồi lặng phắc như hóa đá…
Bẫy chim cũng là một nguồn thu, vừa là ngồn vui không thể bỏ qua của một số người. Người ta dùng gỗ đẽo thành hình tượng con cò. Hay chọn những gốc tre mọc tự nhiên đã gần giống con cò, đẽo gọt nhẵn nhụi, làm cái mỏ và đôi chân, rồi quét vôi, sơn trắng toát. Thế là thành con cò mồi. Đặt con mồi đứng bên gò đất thấp, hay những bờ ruộng có khúc nổi, khúc chìm, cỏ năn, cỏ lác mọc rậm rạp. Rồi cắm “dò” ( một loai bẫy được làm bằng cật tre và dây gai, rất tinh xảo) lẫn vào trong cỏ, chung quanh con mồi. Ở trên không trung, đàn cò đang bay, trông thấy đồng loại ở dưới đầm, liền hạ cánh xuống để kiếm ăn và tìm bạn tình. Sau khi hạ cánh, chỉ cần chúng bước đi vài ba bước, là những cặp chân vàng suộm ấy đã vướng phải dò. Thấy vướng, chúng liền co chân đạp, rồi hốt hoảng vỗ cánh bay tung lên. Nhưng lập tức lại rơi xuống. Cũng có con tinh khôn, sau vài lần vỗ cánh, không bay lên được, nó đứng yên lấy mỏ cặp dây gỡ. Nhưng càng gỡ, dây càng xiết chặt.
Thế là con cò gỗ đã mổ được con cò thật rồi !
 
*  *  *
Phố chúng tôi có một doanh nghiệp vừa bị phá sản. Không phải do làm  ăn thua lỗ mà bị “dính một quả lừa”. Chỗ nào cũng thấy xôn xao bàn tán. Người thì bảo ông Đức Minh bị lừa chín tỉ. Đang treo biển bán nhà để trả nợ Ngân hàng”. Người lại bảo: “Hơn! Đâu những mười hai tỉ”. Cũng có người không tin, bảo: “Ông ấy đào đâu ra mà lắm tiền thế?”…
Chủ doanh nghiệp Đức Minh vốn là một học sinh trung học, sau ba năm đi lính trở về. Gặp lúc bà mẹ già yếu, bệnh tật không tiếp tục kinh doanh được . Bà cho con trai cái ki ốt bán hàng tạp hóa và cưới cho anh cựu binh một cô vợ, để họ bảo ban nhau lầm ăn. Họ gặp lúc Nhà nước chuyển đổi đường lối quản lý nền kinh tế. Thành phần kinh tế tư nhân được khuyến khích. Đức Minh lại có người anh trai đi xuất khẩu lao đông nước ngoài, thỉnh thoảng gửi tiền về cho mẹ, cho em. Vừa có địa điểm tốt, ở khu trung tâm thương mại, vừa có vốn, có bạn hàng cũ của mẹ. Thế là nhà Đức Minh phất lên như diều gặp gió. Chỉ bẩy tám năm mà đã có hai ba cửa hàng lớn nhỏ.
Cụ Các Mác bảo: “Vật chất quyết định hết thẩy”. Quả là thế. Nếu không có cơm ăn, nước uống thì đến bụt cũng chết nhăn răng chứ là người. Song, trong thực tế đời sống con người cần cả “Bánh mì và Hoa hồng”. Có cái “miếng” rồi thì người ta lại nghĩ ngay đến cái “tiếng”. Chỉ “giầu” thì chưa đủ. mà còn phải “sang” nữa. Phải có danh vọng, tiếng tăm. Và phải có…Phải có…Rất nhiều thứ nữa…
Và để đạt được mục đích đó, nhiều người đã nhân danh “cái Tâm”, “cái Đức”, đem tiền đi làm từ thiện. Là một “phó thường dân” (ông Đức Minh vẫn xác định và tự gọi mình bằng cái danh xưng như vậy), không có địa vị, vây cánh, thân cô, thế cô. Ông cũng có những ham muốn như mọi người. Nhưng ông không làm từ thiện, mà đem tiền đi…”mua các sếp”. Làm thân, thậm chí còn kết nghĩa anh em với các sếp. Biết sếp tòa án sắp xây nhà, Đức Minh đến nhà bảo: “Em xin đỡ anh chị số tiền cửa. Anh chị cứ vô tư đi. Bao giờ có hoàn lại em cũng được”. Rồi hôm bà cụ thân sinh ông chủ tịch qua đời cũng vậy. Vừa được tin, Đức Minh đã chạy đến. Tuy chẳng phải là thành viên Ban lễ tang, nhưng ngoài chiếc phong bì khá dầy, ông ta còn mất mấy ngày phục dịch vất vả.
Ngoài những việc hiếu hỉ như vậy, Đức Minh còn biết cách đáp ứng những ham muốn của các sếp.  Những ngày nghỉ cuối tuần, hay những dip đi thăm quan du lịch, vào nhà hàng, siêu thị, sêp thích cái gì cú việc lấy, đã có người chi, Nhà hàng nào có đặc sản quý hiếm, có nữ tiếp viên trẻ, đẹp mới tuyển chọn ở quê ra, Đức Minh cũng không ngại tốn kém, sẵn sàng chiêu đãi sếp “bóc tem”…
Rồi một hôm Đức Minh được sếp Thìn phôn, hẹn đến khách sạn Akari cùng ông ta tiếp khách. Chẳng biết khách là ai, mà sếp lại tiếp ở cái nơi sang trọng và đắt đỏ nhất thành phố?. Nhưng Đức Minh rất vui, vì lần này mình không phải chi. Sếp có nhã ý đã dặn trước rồi. Hôm ấy đáng lẽ Đức Minh phải về  giỗ bên quê ngoại, nhưng sếp Thìn vừa là chỗ thân tình, vừa là cái khiên, cái mộc trên con đường kinh doanh của mình, nên Đức Minh không thể chối từ. Đúng bẩy giờ tối Đức Minh đến khách sạn, sếp tươi cười giới thiệu: “Đây là chú Khánh em tôi, công tác ở đại sứ quán ta ở nước ngoài về nghỉ phép”. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một quan chức ngoại giao, khiến Đức Minh rất vui và thêm cả một chút tự hào nữa. Rượu Mao Đài. Nhắm tái dê. Họ nâng cốc chúc tụng nhau và chuyện trò rôm rả…
Nhà ngoại giao khoảng trên dưới năm mươi tuổi. Mặt mũi tinh anh tuấn tú. Đôi mắt sáng và rất linh lợi, biểu hiện của một cái đầu thông minh. Cử chỉ lịch thiệp, nói năng lưu loát, nhỏ nhẹ, hay nói “cảm ơn” và “xin lỗi”. Là người được đi nhiều, biết nhiều, nên chuyện của ông Khánh rất hấp dẫn. Nhất là khi ông nói về nữ giới. Ông bảo, người ta cứ truyền tụng câu nói: “Ăn cơm Tầu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây”. Coi đó là những cái sung sướng ở đời. Nhưng gái Nhật bây giờ đã Mỹ hóa rồi, thua xa gái Vùng vịnh. Dân Hồi giáo. rất khéo chiều chồng, mà đặc biệt là sự thủy chung thì có thể coi là tuyệt đối.
Cuối cùng, nhà ngoại giao chuyển đề tài sang chuyện làm ăn, kinh tế. Ông ta bảo: Ngân hàng phát triển Châu Á (EU) vừa ký kết viện trợ vốn ODA cho Việt Nam. ODA là chữ viết tắt của nhóm từ: Viện trợ phát triển chính thức (Official Development Assitant). Đây là loại ODA kết hợp, bao gồm một phần vốn không hoàn lại (25%), và một phần vốn tín dụng ưu đãi (75 %). Lãi suất cực kì thấp, chỉ có 0,75 % và thời hạn hoàn trả cũng rất dài: 30 – 40 năm. Đây là vốn dành riêng cho câc xí nghiệp tư nhân, loại vừa và nhỏ của Việt Nam, để khắc phục những ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Như vậy, cứ một triệu đồng vốn ODA kết hợp thì có 250.000 USD thuộc diện không phải hoàn lại. Còn 750.000 USD thuộc diện tín dụng ưu đãi, lãi suất chỉ có 0,75 %. Nếu so với lãi suất vay ngoại tệ của Ngân hàng Việt Nam, từ hai đến ba phần trăm năm, thì chỉ riêng số tiền chênh lệch ấy đã là một khoản lợi nhuận khổng lồ rồi.
Ông Khánh còn cho biết: Doanh nghiệp nào muốn vay một phần, hay vay cả số tiền khổng lồ (50 triệu USD), thì phải bỏ vốn đối ứng và phải lo chi phí để chạy thủ tục. Ông ấy có bạn bè, ở nhiều cơ quan liên quan, được họ giúp đỡ, bảo đảm sẽ thành công và an toàn tuyệt đối.
Sau gần một tuần suy nghĩ, đắn đo, bàn đi tính lại nhiều lần. Cuối cùng Sếp Thìn bảo, khả năng ông chỉ có thể góp được một tỷ. Còn đâu phần chú Đức Minh, lo được nhiều thì vay nhiều. Và vốn ai bỏ ra nhiều, thì lợi nhuận sẽ được hưởng nhiều, vốn bỏ ra ít thì lợi nhuận ít.
Do uy tín của sếp Thìn, và cả cái “uy tín” của một tỷ sếp đầu tư, đã thúc đẩy Đức Minh đi đến quyết định cuối cùng: Đem cả ba sổ đỏ của ba ngôi hàng đến Ngân hàng làm thủ tục thế chấp. Rồi dồn cả tiền vay và vốn tự có được ba tỷ, Đức Minh đưa cho ông Khánh đem về Hà Nội. Và đinh ninh rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ thành một đại phú gia!..
Nhưng rồi thời gian cứ ì ạch trôi đi. Ông Đức Minh kiên trì chờ đợi ba tháng, bốn tháng, rồi nửa năm. Nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới nhận được một cú điện thoại kể lể về những lý do rất hợp tình, hợp lý khiến công việc chưa xong, còn phải chờ thêm ít ngày nữa. Rồi những ngày sau đó thì điện thoại luôn luôn mất tín hiệu. Thế là nhà ngoại giao Hoàng Quốc Khánh bặt vô âm tín!..
Đức Minh hốt hoảng, lao đi hỏi sếp Thìn. Sếp bâo: Nó là thằng em con bá con dì của sếp. Hai người cùng vào đại học. Sếp học luật. Khánh học ngoại giao. Còn từ ngày ra trường, mỗi người một ngả. Sếp ở trong nước, Khánh ra nước ngoài, sếp không biết gì về Khánh nữa. Và chính bản thân sếp cũng đang lo đến phát điên lên, không biết số tiền một tỷ của mình còn hay mất?
Nghe lời lẽ, giọng điệu, và quan sát cử chỉ có vẻ khác thường của sếp Thìn, khiến Đức Minh càng thêm thất vọng, mặt đỏ bừng, mồ hôi vã ra, chân tay run rẩy. Nhưng có lẽ ông vẫn chưa thật tin rằng mình đã bị lừa.
 
*  *  *
Thấy doanh nghiệp Đức Minh bị phá sản, tôi lại nhớ đến người bẫy cò ở đầm Tám xã quê mình…. Vậy, trong vụ lừa đảo này, liệu sếp Thìn có phải là con cò mồi không, thưa bạn đọc?./.
 
                                                           Uông Bí, ngày 7/5/2009
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9