GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
tahuudinhqn 11.11.2010 10:42:07 (permalink)
GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
 
                                                                Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Sau ngày “Mở cửa thị trường”, thấy dư luận xôn xao về cái giá “cat sê” của các ”ngôi sao” ca nhạc. Nếu không đủ bẩy hay tám triệu đồng cho một đêm diễn thì họ không lên sân khấu. Mới nghe nhiều người không dám tin ngay. Vì số tiền đó so với lương của đại đa số những người làm công ăn lương thì sự chênh lếch quá lớn: Hai triệu chia cho hai mươi sáu ngày, và tám triệu chia cho hai tiếng!.
Nhưng khi đọc bài “Lại chuyện cát sê” của Đức Dũng (Văn nghệ số 21, ngày 24-5-2008), tôi mới sửng sốt mà hiểu ra rằng, bẩy tám triệu cho một đêm diễn vẫn còn là quá rẻ. Nếu so với cái giá của một vị “danh ca” nào đó đã đòi Hội VHNT tỉnh Phú Thọ mười triệu đồng, hát hai bài ! Và vị nghệ sĩ ngâm thơ cũng ra giá: Một triệu đồng cho một bài ngâm ! (Trong khi chính những người chịu khó nhọc “sản xuất” ra thơ, các nhà thơ danh tiếng, thì vì văn hóa đọc xuống cấp,  mà phải bỏ tiền túi ra in thơ để biếu không bạn đọc ! Mà cái giá cắt cổ ấy lại “cắt” ngay vào Ban tổ chức Đêm thơ, nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương mới nực cười chứ !
Chắc hẳn các “ngôi sao trên bầu trời văn nghệ” ấy và những người trong Ban tổ chức Đêm thơ cũng đều là con cháu các vua Hùng cả? Nhưng một bên thì lo sao cho ngày giỗ tổ được long trọng hơn, vui vẻ hơn. Còn bên kia thì lại nhân ngày đó để “kiếm chác” ! Như vậy chẳng phải họ là lũ con cháu bất hiếu với tổ tông ư?
Lại còn chuyện một nhà văn già, cặm cụi suốt hai năm, viết được một tập tiểu thuyết, đem đến Nhà xuất bản X. Biên tập đọc, yêu cầu sửa đi, chữa lại mấy lần rồi mới được in, Nhuận bút được một triệu hai. Sau, nghĩ cám cảnh cho người vất vả, Nhà xuất bản “biếu thêm” nhà văn hai trăm nghìn đồng nữa. Và lờ đi, không khấu trừ 50% tiền thuế thu nhập cao!
So sánh những cái giá đó với nhau, ai cũng thấy rằng, chính chúng ta đang tạo ra rnhững bất công trong xã hội.Thiết nghĩ, muộn vẫn hơn không. Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch nên có những định chế để tạo một sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ trong biểu diễn, và xuất bản các tác phẩm  văn học nghệ thuật. Nhất là trong bối cảnh ta đã ký Công ước Quốc tế về bản quyền tác giả. Nhà xuất bản in sách, phải trả tiền nhuận bút cho tác giả. Vậy tại sao ca sĩ dùng nhạc phẩm của nhạc sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ, dùng thơ của nhà thơ để biểu diễn, thu giá cao như vậy, mà chẳng cần biết tác giả là ai?./.
 
                                                                   Uông Bí, ngày 6-6-2008
                                                                                 Tạ Hữu Đỉnh
#1
    NgụyXưa 12.11.2010 01:46:55 (permalink)

    Vậy tại sao ca sĩ dùng nhạc phẩm của nhạc sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ, dùng thơ của nhà thơ để biểu diễn, thu giá cao như vậy, mà chẳng cần biết tác giả là ai?./.

    Các nghệ sỹ sáng tác (nhất là các thi sĩ) thường ít khi để ý tới vấn đề tiền bạc, thấy tác phẩm của mình được phổ biến là đủ vui.
     
    Chỉ mong là các nghệ sỷ trình diễn đừng quên giới thiệu tên bài thơ được phổ nhạc, và tên tác giả, là người làm thơ đã được an ủi rất nhiều.  Các bạn có nghĩ vậy không?
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9