Dòng thơ ngoài nước
DÒNG THƠ NGOÀI NƯỚC
1975-......
ẨN DANH
BÀN TAY AI? Bàn tay nào đeo nhẫn Mười ngón tô đỏ hồng
Bàn tay nào ấm áp
Nâng niu con trong lòng
Tay nào lau nước mắt
Khóc cho ngày ba mươi
Bàn tay nào xiết chặt
Giã biệt người một nơi
Bàn tay ai gân guốc
Vất vả đường thăm nuôi
Tay nào xào mắm ruốc
Rang muối đậu cầm hơi
Tay giờ đây giá buốt
Quê nhà xa mù khơi
Một mình trong băng tuyết
Lòng thương nhớ nào nguôi?
~Ẩn danh~
HAI MƯƠI NĂM NGÀY CƯỚI
Từ sáng sớm ra đường chờ xe bus
Ontario mười tám độ dưới không
Bông tuyết rơi trắng xóa cả đồng
Trời lạnh giá hay lòng em tê tái?
Anh còn nhớ hôm nay là ngày mấy?
Ngày hai mươi năm - đám cưới chúng mình
Hơn mười năm em phải sống xa anh
Vì mất nước gia đình ta ly tán
Vì mất nước nên chồng nam bợ bắc*
Em một mình giá buốt giữa trời đông
Một gánh cho con một gánh cho chồng
Chân muốn qụy vì ai em gắng bước
Nàng Tô Thị ngày xưa còn hạnh phúc
Chỉ chờ chồng hóa đá ôm con
Tô Thị ngày nay chất ngất lo toan
Bill tới tấp bay vào tay hằng tháng
Sức đã kiệt mới bắt đầu tay trắng
Lực đã tàn mới đổi nghiệp cu li
Đến bao giờ ta mới hết chia ly?
Đời mất nước đời không còn hạnh phúc
~Ẩn danh~
(Chị vợ một anh cựu SV/QGHC)
* Chồng Việt Nam, vợ Bắc Mỹ MINH-ĐỨC-HOÀI-TRINH
1930
Tức Võ-Thị-Hoài-Trnh, Sinh1930
tại Huế, Sống ở Pháp từ năm 1953
đến 1964. Định cư tại quận Cam,
Hoa Kỳ từ năm 1982. Có các bút
hiệu khác: Hoàng-Trúc, Nguyễn-
Vinh, Bằng-Cử.
ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh
Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
~Minh-Đức-Hoài-Trinh~
KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi.
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ.
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở.
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận ngàn sau
Tình xanh khong lo sợ.
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi?
~Minh-Đức-Hoài-Trinh~
THANH NAM
1931-1985
Tức Trần-Đại-Việt, quê Mỹ-Trọng, Nam-Định,
Năm 15 tuổi đã công tác với báo Thiếu Nhi HN,
19 tuổi bắt đầu viết văn, vào Sàigòn năm 1953,
Di tản sang HK năm 1975 tiếp tục viết văn làm báo.
THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH
Tờ lịch đầu năm rớt hũng hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
Trôi dạt từ Đông sang cõi Bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa
Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!
Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn nước đánh phải đành thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!
Bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ
Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
Đứa nằm yên phận vui yên ấm
Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa
Mây nước có phen còn hội ngộ
Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục
Đối bóng mình ta say với ta...
~Thanh Nam~
1977
R
NGUYÊN SA
1932-1998
Sinh Hà-Nội, du học Pháp. Giáo sư triết.
Sang Mỹ 1975, làm báo.
CÓ PHẢI EM VỀ ĐÊM NAY
Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh
Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như lá vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội
Có phải em về đêm nay
Để phá tan những nụ cười thắt se sầu tủi
Như anh vẫn cười mà đau dớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tình yêu
Những ngón tay có đưa đến bàn tay
Những mùa thu có đến gió heo may
Hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh
Có phải em về đêm nay
Giữa lòng chiều tím lặng
Cho anh đừng tìm thấy anh
Đo đếm thời gian
Bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm
Đầu gối trên cánh tay
Để giấc mơ đừng tẻ lạnh
Em đừng trách anh đã quá lo âu
đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn cơ em
Dù không muốn gục ngã trong đêm
Nhưng đã bao lần đêm khuya
Anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
Đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
Sao em không về
Để dù nắng dù mưa
Dù trong thời gian có những sắc mầu của những
thiên đàng đổ vỡ
Anh vẫn chăn chùm kín cổ
Ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết - dù để làm thơ
Nên tất cả chỉ vì yêu em
Và làm thơ cho đến chết
Em sẽ về, phải không em
Có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh: sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc
Có phải em sẽ về
Dù bầu trời vẩn đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi.
~Nguyên-Sa~
BÀI HÁT CỬU LONG
Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nữa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Để sáng ngày mai làm sông làm biển.
Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả dòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đệ
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi
Nhớ không em?
Nhớ không em
Họ gặp nhau
Chờ nhau
Đón nhau
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Hội lòng người như nước nguồn xối xả
Mưa trường thiên chảy ứ vào trào thơ
Mưa đời người trôi cả nghĩa vu vơ
Để lòng chúng mình
Và mạch máu Đồng Nai
Đập cùng một nhịp
Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Dòng sông dài dữ dội bản trường ca...
Phải, dòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về làm tràn đầy mặt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Đợi từ chín kiếp giao thừa
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa dòng sông
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa mùng một Tết...
~Nguyên-Sa~
DI CHÚC
Có một đêm tỉnh giấc
Tôi thấy cần viết một tờ di chúc
Của một người sống giữa cuộc đời
Mà chỉ là một gã giang hồ cắm trại
Đốt lửa bằng thơ
Tôi ca, tôi hát
Nhưng khi những người thích ngao du
Đến xin cùng nhập bọn
Tôi vẫn khước từ
Có cả những người con gái
Đến bảo tôi yêu
Tôi cũng vẫn khước từ
Làm thế nào được?
Tôi chưa già nhưng cũng không còn trẻ
Tôi chưa cằn cỗi
Những cũng không còn là một gã trai tơ
Có trăng, hoa, chim, bướm thì tôi làm thơ
Nhưng vẫn không quên
Chỉ là hiện thân của một người tử tù
Có gục đầu nhìn cuộc đời
Cũng chỉ như nhìn khung cửa nhà giam
Vẫn có một chút trời xanh
Nhưng rất nhiều đơn độc
Sẽ có một buổi ban mai
Mắt vẫn mở to
Mà lòng không thỏa đáng
Miệng không thể hát ca những lời hoan lạc
Tôi nhổ neo:
Tôi chỉ là người nhân ngãi của cuộc đời
Sống bên nhau không bao giờ hôn thú
Tôi đến đây không ai mời
Cũng mong rằng: đi đừng ai giữ
Có nhớ, có thương
Có tạc nên tượng hình bằng đá trắng, đồng đen
Đừng bày giữa những công trường
Xin nhớ để giùm ở một góc công viên
Để những đêm khuya
(rất khuya)
Tôi nhìn mặt trăng soi gương
Và ngắm những người yêu nhau tình tự.
~Nguyên-Sa~
PARIS
Mai tôi ra Đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau
Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đợi trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy.
Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một lũy tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris
Để khói thuốc xám trên môi đám người bạn
và trên môi tôi
Điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
Điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
Đôi chân người mà tôi không dám nhớ
cũng không dám quên
coụn quay đảo giữa Điệu nhạc mềm như khói thuốc
Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh mầu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ...
Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một lọai sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô
những minh búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liệm mình
hay khâm liệm một người yêu
Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng
Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về
xứ đũa son nên tôi không dám hỏi:
tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
Đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc
Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi
tại sao anh về
tại sao anh không ở
Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu
Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
Dẫn những người con gái nhỏ đi về
Trên hè phố Saint Michel
gò má đỏ hồng bánh graffen
Để nhũng hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên
Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơ là hở khuy cặp môi nghiêng
trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vội với
giòng Seine cười ngỏanh mặt quay đi
Dù đêm nay tháp Eiffel
vẫn kiễng mình trong đêm khuya
nhìn bốn phía chân trời
Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn
Và từ mai trên những tờ thư xanh
Tôi không được bắt đầu bằng một chữ P hoa
Như tên một người con gái...
~Nguyên-Sa~
TRUNG-NHÂN
1934 Tức Nguyễn-Phương, sinh năm 1934 tại
Duy Xuyên, Quảng Nam, cán bộ Hành chánh,
Làm thơ từ năm 1983, cộng tác với báo Tiền
Phong tại Philadelphia. BÀI THƠ SAY Ta thấy cô đơn Dù sống giữa thác người quen kẻ lạ dập dìu ngựa xe, đời sống phồn hoa Ngày lại ngày Đêm thâu đêm Ru giấc ngủ mê, mong tìm lại chút êm đềm Sợ tỉnh ra rồi, ôi nhân thế phù sinh Thả hồn lên chót vót đỉnh núi xinh Thét một tiếng cho vơi sầu lữ thứ * Rượu rót cho ta Bạn bè không tới Khúc ca ân tình Mình hát mình nghe Mở cửa hồn Khép chấn song Ngọn gió đông lạnh về nghe mát rượi Mềm môi quay cuồng nửa tỉnh nửa say Bóng nguyệt bay Hôm nay mồng bốn tết Có khác gì đâu Sáng tối trưa chiều ăn ngủ và say Cuộc đời này vô nghĩa thế mà hay Phú quý vinh hoa, giàu sang phó mặc Tri kỷ ai đây ta mời chén rượu cay * Tết đến Xuân về Mấy đứa con bận đi làm không đến Mẹ đợi cha chờ không một tiếng hỏi thăm Thằng em trai Cô dâu mới Giỗ cha không về đốt một nén hương Đứa em gái ta thương Giờ khi mê khi tỉnh Lỡ một đời hoa Tàn nhạt phấn hương Ta thương! Cây thùy dương, ngả bóng bến nước trong Cô gái thẹn thùng chờ người yêu cũ Sóng gợn bóng trăng gió đùa liễu rủ Cảnh cũ mơ về núi khuất bóng mây Tri kỷ ai đây Lòng ta là vậy Núi biếc Non xanh Ưa nhàn sợ khổ Bạn bè thân tình Nhân thế phù sinh Rủi cho ta Nhân sinh quan yếm thế Sống giữa chốn phồn vinh Bạn thân khó tìm Tri âm khôn kiếm Đường trường độc hành Bầu rượu túi thơ ~Trung-Nhân~
Viết hôm mồng bốn tết
Nhâm Thân 92 SẦU BAY THEO KHÓI THUỐC Chiều nay Buồn vô cớ Điếu thuốc đầu ngón tay Không hút Nhìn làn khói tỏa mắt vướng cay cay Khói bay Quyện vào không gian Như cô gái đẹp khẽ cau mày Khói bay Tan trong hư vô Như tâm sự ta nỗi buồn muôn thuở Chí không thành Danh chẳng toại Đôi bạn thân chừ khói thuốc và ta Bướm với hoa Dĩ vãng Tương lai Hiện tại tan theo khói thuốc Rít chút hư không chẳng có gì trong tim phổi Thở làn hơi cay cho ngập không gian Nhìn khói thuốc tan Quên thời gian Cái tuyệt diệu khi cô đơn dâng tràn Khói thuốc mở lời an ủi bạn Riêng ta Bàng hoàng Thả hồn theo khói thuốc tan. ~Trung Nhân~ 92 MƠ Bỏ hết lại trần gian bao khổ luỵ Ta dìu em lên tận đỉnh non cao Ở đây chỉ có trăng sao Và hơi thở nhẹ Giọng ái ân thì thào Cô em gái ngực trần yếm thắm Tung làn tóc rối bờ vai ngọt ngào Dáng em nằm nghiêng ẻo lả In đậm hình loài bờ cỏ xanh Môi mím môi cười tình Mắt ướt my xinh Em rướn người sung sướng Anh xiết tay trao tình Ước ao ta sống mãi Trăng sao và ái tình. ~Trung-Nhân~ TRỐNG KHÔNG Quỳ tạ Chúa con lên chùa lễ Phật Chúa ở trên cao, Phật ngự tòa sen Chúng sinh khổ rồi, Chúa, Phật cảm thông chăng Sám hối ăn năn cầu an giải thoát Đừng hiện nguyên hình ngạ quỷ sa tăng * Vỗ mạnh hai bàn tay Cho tiếng vang rơi vào nơi vô thuỷ Nức nở nguyện cầu Thì thào đồng vọng, rớt cõi vô chung Bản ngã hư không buông xả tận cùng Địa ngục thiên đường nhập vào cuộc sống Đau khổ Niết bàn, có cũng như không Hãy đứng thẳng người Dịu hiền đôi mắt Ta vẫn là ta Một khoảng trống không. ~Nguyễn-Phương~ BÀI PHÚ GỞI PHÓ CAO Mác Xít Liên Xô trốc gốc Tam vô Việt Cộng ô hô Chàng số bù ngu đã quá ngu Chú kỳ cục dại ơi là dại * Nhìn xem: Hô hào đổi mới, kinh tế thị trường Tung hô cũ mèm độc tài đảng trị Xin vốn đầu tư Mấy ai gánh vàng đi đổ sông Ngô Giải tỏa cấm vận Chiếc phao đắm tàu dật dờ đất khách Như Việt Cộng bây giờ Bị đàn anh vĩ đại, đá giò lái còn đau hơn hoạn, ăn ngủ không yên Nay thần phục Thiên Triều, cú nghịch lân luống những sượng sùng, đêm ngày lo sợ. Cho nên: Đứa trẻ lên ba cũng biết: Cộng Sản Việt Nam rày đã hết thời. Tại sao: Chú già trên sáu chục chẳng hay, giải toả cấm vận đưa ra, bày trò bợ đít. Nhớ tuở xưa, Chức chưởng cũng là Phó Tổng, áo bay đen, khăn quàng tím, hào hoa phong nhã, rõ ràng con nhà tướng như ai Hô hào chính phủ Dân nghèo, tả trừ gian, hữu diệt nhũng, nói năng bộc trực, ra tuồng dũng sĩ ta đây. Sao bây giờ tuyên bố; Phủ nhận Quốc gia, không giây mơ, chẳng rễ má, rõ ràng vong ân bội nghĩa, hạt cơm trắng miền Nam cò dính kẽ răng. Khoe rằng giữ Việt tịch, kìa Việt gian, rõ Việt cộng đày đọa dân mình khốn khổ, hột bo bo đất Bắc xé nát ruột gan. Có phải chăng? Mở quán rượu làm ăn lỗ lã, vợ bỏ rơi, thân thế tơi bời, rồi giận để mất khôn nói năng bậy bạ. Hay đánh cá tôm thuyền lũng, lưới trôi, con ngổ ngáo, gia đình tan rã, nên nộ khí hóa ngu xướng ngôn phản trắc. Ta đây, Thất thập cổ lai hy, điếc không sợ súng, có đôi lời mhắn nhủ bảo em quay về nẻo chính. Lục thập nhi bất hoặc, đui chẳng thấy đường, mới theo đóm ăn tàn loài khỉ chết đã đến nơi. Xưa nay! Chánh sẽ thắng tà Người Quân tử chí hướng sáng ngời con đường thẳng tắp, dù hiểm nguy há dễ chồn chân. Kẻ tiểu nhân sớm đánh tối đầu, lẽ đạo xỏ xiên, ngấm thế sự mấy ai thành tựu. Mấy ời nhắn nhủ Phó cựu, Tàu bay Xính xái Gút bay. ~Trung-Nhân~ 92 LŨ CHÚNG TA Lũ chúng ta Tóc đã điểm sương Tuổi đời sáu chục Thở thanh xuân Lỡ vay nợ cung tên Bây giờ lòng dẫu có muốn quên Kỷ niệm Vẫn về trong giấc ngủ Kiếm quân trường Trơ vơ trên vách cũ Mảnh chiến y Xếp lại dấu đáy tim Ai an ủi dùm ta Cơn vận bĩ của nước nhà Gắn bó khoảng đời là Chịu phongả ba Bến Ô giang Ngọn sóng đùn uất hận Ta thương anh hùng Hạng Võ Dũng mãnh có thừa Mà thua trí gã Trương Lương Cảnh ngộ vấn vương * Rượu cô đơn Độc ẩm Bản Hồ Truờng Sông Dịch Thủy Trách Kinh Kha bất trí Khánh Kỵ Yêu ly Ôi, Hai chàng dũng sĩ Chúng giết nhau mà để được cái gì đây * Bọn chúng ta Những áng mây Kết tụ lại để thành mưa Tưới cho quê hương cỏ hoa tươi thắm Còn chút xương tàn Nương theo gió Bay xa… ~Trung-Nhân~ 92/3 PHÚ CHÂN DUNG Nhớ xưa kia, Quan tước không to không nhỏ Một thời lửa hét ra mồm Bổng lộc chẳng ít chẳng nhiều Cũng thuở ăn tiêu trác táng Nhà gạch cất ba gian ngói đỏ Việt Cộng tịch thu Bạn bè thân dăm kẻ vô tù bởi quân Cộng Sản Xa nhà tỵ nạn Xứ người mười tám năm dư Bỏ của lấy người Đất lạ lại nghèo xơ xác Tôi thân già Ngày hì hục đi làm tám tiếng ông hóa ra thằng Thương con thơ Đêm thao thức chỉ ngủ vài giờ già lo cho trẻ Câu văn minh vật chất Đua đòi mua nhà tậu xế cho sang Chữ tâm đạo tinh thần Bỏ lững mua đức vay tinh là tạm Quê hương ảm đạm Đất khách thê lương Thẹn với đời! cuộc sống quá tầm thường, giá áo túi cơm, ba vạn sáu ngàn ngày như chớp mắt. Hổ cùng ai! Vùng vẫy thuở còn trai, nợ nướ thù nhà, lịch sử bốn nghìn năm cơn gió thoảng. Cùng đồng bào một bọc Chung tổ quốc ba miền Hồn thiêng sông núi linh thiêng Khắc khoải tâm tư đòi đoạn Buồn thế sự Viết vài câu tự thán Đau nhân tình Ghi đôi chữ thở than Bạn bè mấy thằng trở mặt, xun xoe áo gấm về làng Đồng chí vài ngoe phản thùng, xỉnh xẹ vinh quy bái tổ Giận mà nói! Cho bớt cơn phẫn nộ, bởi mình ngu nên Trung Nghĩa quyết một đường Tức mà kêu! Cho vơi nỗi bồn chồn Chúng nó khôn lại trở cờ hai lối phất Thôi thì Chén rượu đắng, uống cho say cà gật Tương lai hậu thế luận tội ghi công Điếu thuốc cay, nhả khói nhạt khật khà Hiện tại hà nhân thanh bần tri túc!... ~Trung-Nhân~ Xuân Quý-Dậu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.07.2013 12:31:56 bởi Anh Nguyên >
Đất khách quê người bụi phong trần.
Ngọt bùi cay đắng tháng ngày xuân.
Con tim khao khát mờ sương khói.
Nhớ nhà tha thiết đứng tần ngần.
Con chim vỗ cánh bay không mỏi.
Hỏi chốn đất khách ta dừng chân.
NGUYỄN TẤT NHIÊN
1952-1992
Quê Bình-Trước, Đức-Tu, Biên-Hòa.
Sau 1975 sống tại Hoa-Kỳ.
BÀI ĐẦU NĂM TÌNH YÊU
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình
đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ
óng ả linh hồn, ríu rít nhịp tim
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
linh hồn anh từ đó ướp trầm hương
linh hồn anh, từ đó, ngạt ngào thơm
máu, như nước hoa chan đời lễ lạc
máu, như gió lành chảy qua ruộng đồng bát ngát
chở chuyên mùi lúa chin quanh năm
như sông hiền chia chin ngả: cửu long giang
ôm ấp phù sa, lẫy lừnng sức sống
tình, đã mở ra một bầu trời mạm ngọc
linh hồn anh, từ đó, khảm muôn sao
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
thơ học trò anh thách thức thời gian
có luật đào thải khắt khe, có kẻ cùng thời gian ghen tị
hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ
hạt răng đều chới với đứa ngồi trông
thơ học trò anh gieo vần tuyệt kỹ
thơ học trò, anh thổi ấm gió tàn đông
cho ai mang vào trường khoe với bạn: của anh Nhiên…
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
mười ngón tay gầy anh có cách chi không
nhặt cả bóng cả hình chàng thi sĩ
lẫn cái tài hoa, trao gọn giữa tròng đen
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
linh hồn anh, từ đó, bỗng ham vui
linh hồn anh, từ đó, mãi mê chơi
thượng đế nếu hỏi tại sao, anh sẽ trả lời mạnh dan:
thiên đàng của ngài là an bình, thanh thản
ngài nên đem phủ dụ những bà cả ông già
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình
đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ
quên hết phận người, hiện tại, việt nam…
~Nguyễn-Tất-Nhiên~
LƯU VONG
Có lẽ em không hay
Đôi cánh chàng, đã gẫy
Chàng cần được ngủ yên
Trong nấm mồ hiện tại
Phải, chính em đang mang
Bão bùng hung hãn tới
Quật mồ chàng lạnh tanh
Bỗng thành tang tóc, mới
Em buộc chàng hồi sinh
Sống, bằng đôi cánh gẫy
Định mệnh vút như tên
Cắm ngập từng thân phận
Phải, chính em giương cung
Hồn chàng đành rơi rụng
Hồn chàng đành rơi rụng
Ngoan ngoãn xuống tay ai
Như ngoài khung kiếng cửa
Chiếc lá khẽ qua đời ...
Bây giờ vốn liếng anh
Chỉ còn đôi mắt dại
Trông vời hướng cố hương
(Tinh anh nào sót lại
Đủ xanh màu nhớ nhung?)
Bây giờ trí óc anh
Vang vang hoài sóng bạc
Cách chi thơ thành vần
Tặng em mừng, chớp mắt
Ôi những chiều bên nhau
Hai đứa cười chung nụ
Gìn giữ được bao lâu?
Chút sương tình óng ả?
Ôi, những chiều bên nhau
Hát chung bài hát cũ
Dăm nụ cười nít nhỏ
Chén vơi sầu vong lưu
~Nguyễn-Tất-Nhiên~
(Paris, 18/11/79)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2012 14:16:28 bởi Anh Nguyên >
THANH-TÂM-TUYỀN
1936-2006
Tức Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh.
Chủ trương Nguyệt san Lửa Việt,
nòng cốt của nhóm Sáng Tạo.Đi
cải tạo tại miền Bắc 12 năm. Sang
định cư tại Saint Paul, Minesota,
HK năm 1990.
BÀI NGỢI CA TÌNH YÊU
1.
Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi
Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những giòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng
Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh
cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng
chảy máu
tiếng kêu
2.
Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
nhìn gót giầy miệng uống tro than
nghe tiếng ca của một người không quen
của cuộc đời tình nhân
3.
Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
của anh của anh tất cả
Em gối đầu sương xuống
chuyện trò bằng bóng hình
Tôi đẹp như hình tôi
như cuộc đời
như mọi người
như chút thôi
anh yêu lấy em
Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là sương khói
đêm màu hồng
Vòng tay dĩ vãng và bát ngát
chỗ yên nghỉ cuối cùng
dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con
4.
Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đọa đầy
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam
~Thanh-Tâm-Tuyền~
BÀI THƠ CỦA THÁNG GIÊNG
Con đường chưa ai tới
Màu hoa nào chưa ai trao nhau
Những chữ nghĩa còn hoang
Câu thề thốt lạ thường
Nơi không gian còn tuyết trinh
Lửa ấm cho lời nói
Những đêm sao ở mắt nhìn
Bắt đầu từ trao tặng
Bắt đầu từ một lần hò hẹn
Cách nắm tay nghẹn ngào
Ngón tay âm thầm trò chuyện
Những bước chân thỏ rừng
Chạy trên cỏ sắc
Sợi tóc đen như một chuỗi cười
Trên chúm môi lá biếc
Những chòm hôn vội vàng
Làm những vì sao đổi ngôi
Anh muốn làm mới tình yêu
Thuở nhớ nhung chất ngất
Tưởng khoảng đường liên hành tinh
Giữa phố đông đón đợi
Những ước mơ hiền đi cùng mọi người
Trong vòng tay ôm xiết
Ý nghĩa những ước mơ
Những ảnh hình nghĩ chết
Anh phải làm mới tình yêu
Như sửa sang nhà cửa
Như xây dựng thành phố
Như vun bón ruộng vườn
Như nhìn vào vũ trụ
Khi thế giới vừa dựng
Sẽ mời mọc tình nhân
Khi mặt trời vừa thức
Đòi gặp mùa xuân
Cho làn mi lá ngủ
Cho khóe mắt biển sâu
Cho đồi hoa bát ngát
Bài thơ tình đã bỏ
Ngôn ngữ thiên nhiên của mọi tình duyên là một
Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhứt
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau.
~Thanh-Tâm-Tuyền~
NGÃ TRÊN NÚI VIỆT HỒNG Ở
YÊN BÁI KHI ĐI VÁC NỨA
Tuột dốc té nhào trên hẽm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu
Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sướt đau
Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm tối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?
~Thanh-Tâm-Tuyền~
Yên Báy, 9-1979
VỀ QUÁCH THOẠI
Còn gì chăng?
Tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa
Trời đất rưng rưng
Em không để cầm tay
Khi người thi sĩ ấy chết trơ trụi
Không một lời trối trăng từ biệt
Mắt khép không đợi vuốt
Nửa đêm
Còn gì chăng?
Tôi ngồi khóc bên bờ sông trôi mãi
Em bỏ đi
Những người thân nhất đều hắt hủi
Giữa xứ sở đau thương tôi chịu đọa đầy
Khi người thi sĩ ấy đã gặp
Người tình ngàn đời là vô cùng
Trong hồn đất
Còn gì chăng?
Tôi bé nhỏ và tôi than thở
Em bỏ đi
Em cũng chẳng trở về
Những vì sao rụng bỗng đầy lề nhân gian
Người thi sĩ bay vào miền đất lạ
Không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng
Ở đấy tôi còn mở mắt
Dìu linh hồn lang thang.
~Thanh-Tâm-Tuyền~
TUỆ-NGA
1936 Tên thật Trần Thị Nga. Sinh năm 1936
tại phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Phật tử gia
đình Minh Tâm chùa Quán Sứ Hà Nôi.
Làm thơ từ năm 17 tuổi, hội viên Thi Đàn
Quỳnh Dao, Sài Gòn. Tuệ Nga sống cùng
gia đình tại miền bắc tiểu bang California
và Oregon, Hoa Kỳ.
NHỚ XUÂN TRỜI QUÊ HƯƠNG
Đêm giao thừa pháo nổ
Ban thờ nến sáng trưng
Cúc vàng tươi mướt cánh
Trầm hương bay thơm lừng
Bà kể chuyện cổ tích
Chuyện danh nhân phi thường
Chuyện khai sơn phá thạch
Chuyện lịch sử quê hương
Nay giao thừa không pháo
Bâng khuâng lòng tha phương
Tâm tình ai trao gửi
Vời vợi... sóng trùng dương
Hoa vườn ai nở rộ
Mai trắng Cành Hoài Hương
Đêm giao thừa vắng lặng
Đâu xuân trời cố hương
Hồi chuông điểm canh trường
Bút khai vần tịch mặc
Ý thơ ai tư lường
Khối sầu miên thao thức
Quê hương mờ khói sương
Áo em bay tà mộng
Nhớ vô cùng em thương
Xuân về trên đất lạ
Rối bời mây vấn vương
Đôi vần cho Quê Mẹ
Đôi vần cho Em Thương
Một trời xuân hoài niệm
Bút nghẹn tình tha phương
Gió ơi! cho gửi nhớ
Qua đôi bờ đại dương
Nhớ Xuân Mai, Đào thắm
Nhớ Xuân Trời Quê Hương.
~Tuệ-Nga~
MÙA XUÂN TRÊN ĐỒI GIÓ
Tôi đi tìm mùa xuân
Nắng tơ vàng lâng lâng
Hoa nở trên vách đá
Hai ngàn năm một lần Tôi đi tìm mùa xuân
Nắng trải vàng phố thị
Mây xanh mầu Thiện Mỹ
Thơ vẽ cánh Chân Không
Giữa biển trời mênh mông
Mùa xuân trên đồi gió
Mùa xuân giữa biển khơi
Biển dâng ngát men đời
Tôi đi tìm mùa xuân
Giữa thị trấn đông người
Nét hồn nhiên em bé
Sáng tươi Đóa Hoa Đời
Tám nẻo đường luân lạc
Gió lành đưa hương ngát
Ai hát bài ca xuân
Tôi nghe thơ vào nhạc
Mùa xuân trên đồi gió
Gió bay hương trầm thơm
Hoa nở trên vách đá
Hoa nở trong tâm hồn
Tâm Đại Bi ngời sáng
Thế giới vui mừng xuân
Hoa Đại Bi bát ngát
Nhân loại chan hòa xuân.
~Tuệ-Nga~
ĐÔI BỜ HƯ ẢO
Sợi buồn trên trán đong đưa
Mà thương ngày cũ nghe mưa đầy hồn
Hoàng hôn, ai đợi hoàng hôn
Sông chia mấy nhánh nước nguồn bâng khuâng
Người đi mỏi giấc phù trầm
Tôi về tĩnh lặng thả vần thơ quên
Đêm qua trăng rọi bên thềm
Nhớ mùa thu ấy êm đềm trúc tơ
Gió về bảng lảng trời mơ
Nửa vầng trăng lạnh bơ vơ ý đời
Thuyền từ tách bến ra khơi
Quê hương khói sóng, nước trời chênh vênh
Đàn đâu vẳng khúc phù sinh
Nửa cung tài mệnh, bồng bềnh mây qua
Tiếng trầm trầm... lạnh âm ba
Thơ tôi viết nửa vần hoa ngại ngờ
Vần gieo núi đợi sông chờ
Vần gieo tịch mặc, gió bờ như nhiên
Nửa khuya vẳng tiếng Kinh Hiền
Đôi bờ hư ảo trắng triền lan hoa. ~Tuệ-Nga~
CÕI RIÊNG
Thơ gửi cung Hàn, hay biển xa
Trăm năm thì vẫn cõi người ta
Một vòng hư ảo càn khôn chuyển
Còn mất vô thường mỗi sát na
Ta ném não phiền cho gió bay
Phù du ba vạn sáu ngàn ngày
Một cơn bão nổi chìm hưng phế
Thơ thả về đâu! Hỡi nước mây!
Tịch mịch cõi riêng thơ lại thơ
Thời gian êm ả đẹp cung chờ
Chuỗi dài hệ lụy xin hoàn trả
Thì trả nợ đời mấy đoạn thơ
Là ý thơ đan những sắc mầu
Mầu xanh biển cả, cánh chim Âu
Mầu hồng phơn phớt, hồn nhiên nắng
Có tiếng chuông ngân, thật nhiệm mầu
Ta vẽ Trăng Thiền, vẽ Suối Hoa
Có lời đôn hậu cõi người ta
Có Hoa Như Ý, vườn xanh biếc
Một khoảng trời riêng bát ngát thơ
Nợ đời trang trải mấy vần thơ
Cõi tạm, nhân sinh cõi mộng hờ
Tám hướng mây bay dòng mộng huyễn
Sen hồ tịnh thủy vẫn hằng mơ...
~Tuệ-Nga~
CỔ MỘ AI ChỜ ĐÁ NỞ HOA
Một cõi trời riêng ta với ta
Hoa tiên vừa thảo mực chưa nhòa
Em ơi chớm gió mùa thu đấy
Có gợn trong lòng chút xót xa
Ta với ta riêng một mảnh trời
Vần thơ ướt lệ...tuyết sương rơi
Bốn mươi năm tưởng như vừa mới
Nhặt cánh hoa niên mộng nửa vời
Một cõi trời riêng mình với mình
Non sông dời đổi lắm điêu linh
Ngược dòng tâm tưởng gom hoa nắng
Chị viết bài thơ chuyện của mình
Duyên khởi trùng trùng thoáng sát na
Ai đi tìm lại bóng ngày qua
Để nghe tiếng hát ngàn xưa vọng
Cổ Mộ ai chờ đá nở hoa
Gió thoảng bồng bềnh Hương Tịnh Đế
Nắng vàng tươi ngát Cội Đa La
Bánh xe chuyển pháp thơm xuân mới
Một cõi trời riêng bút nở hoa...
~Tuệ-Nga~
AI VỀ HỎI ĐÁ
Mưa rơi từng giọt thu sầu
Mưa rơi ướt lá, mưa nhầu tâm tư
Biết đâu là Thực, là Hư
Giọt sầu thế kỷ thiên thu cõi người
Mây tha phương, gió u hoài
Ai về hỏi đá ngậm ngùi ý hoa
Ta về ta lại hỏi ta
Biển chiều thầm lặng nhạt nhòa khói sương
Gối chiêm bao, giấc mộng trường
Ngàn năm mây trắng mà thương kiếp dài
Soi gương lại thấy hình hài
U mê bao kiếp lạc loài trầm luân
Mưa rơi trên lá phân vân...
Mưa trong thơ... vẫn âm thầm mưa rơi
Mưa rơi từng giọt mưa đời
Giọt ta hệ lụy, giọt người điêu linh
Vào thơ ai viết chuyện mình
Đầy vơi thế sự tâm tình đầy vơi
Giọt mưa! Ơi giọt mưa đời
Giọt trong thơ, giọt ngậm ngùi hiên sương
Giọt đau buốt lạnh canh trường
Thương đời phù ảo vấn vương giọt nào
Nghe trong ý gió lao xao
Phù du giọt ấy thả vào sông trăng... ~
Tuệ-Nga~
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.07.2011 12:24:47 bởi Anh Nguyên >
DU-TỬ-LÊ 1942 Tức Lê-Cự-Phách, sinh tại Vân-Lâm, Kim-Bảng,
Hà-Nam. Di cư vào Nam, ở Hội-An, Quảng-Nam,
rồi vào Sàigòn. Học Chu-Văn-An và Văn-Khoa.
Làm thơ rất sớm. Nhập ngũ, làm phóng viên chiến
trường. Dạy học tại Sàgòn. Được trao thưởng Giải
thưởng Văn chương toàn quốc về Thơ. Bị MTGPMN
kết án tử hình. Tỵ nạn sang nam California HK, tiếp
tục viết và là nhân viên đài Tiếng nói HK.
KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
~Du-Tử-Lê~
12-77
NGƯỜI ĐỀN TA NGỰC MẸ
Em đã là sớm mai
ta thiết gì chim, hót
đời héo dần trái vui
người vẫn cho quả ngọt
Em đã là nắng, mưa
ta thiết gì vũ trụ
tuổi thơ rẫy, ruồng ta
người bù cho xứ sở
Em đã là âm giai
ta thiết gì tiếng hát
sóng xô, dồn xuống vai
thùy dương người rắc hạt
Em đã là mùi hương
ta thiết gì trí nhớ
quá khứ: những dòng sông
người lọc, phân quặng mỏ
Em đã là không gian
ta thiết gì dưỡng khí
chân rỗ giầm trái oan
người đền ta ngực mẹ
Em đã là trái tim
ta đâu cần thở nữa.
~Du-Tử-Lê~
9-94
NHÌN NHAU CHỢT THẤY RA SÔNG NÚI
ba mươi năm lẻ ai ngờ được
tao với bay, giờ gặp tại đây
chiến tranh đã dứt nhưng thương tích
vẫn ở cùng tao, ở với bay
bay đã kinh qua địa ngục đời
từng nhìn binh biến giống trò vui
chiến xa, đại bác bay chơi nổi
bom ném ngang trời cũng được thôi
trận mạc ngày xưa còn chẳn ngán
nhằm nhò chi ít vỉ bia "cua"
cười khan những buổi đi "chà láng"
mà lại buồn so diện H.O.
nốc rượu nguyên đêm chờ được xỉn
ôi mái trường rêu: Chu Văn An
nhiều thằng "thăng" lúc còn hôi sữa
dăm tên đầu bạc kể hung hăng
đạn bom ngốn mất thời trai trẻ
cải tạo khơi khơi năm mười niên
ra tù mất vợ, con quay mặt
cười gượng ra điều ta vẫn ... ngon
trong mắt bay nay vàng kỷ niệm
tao đầy gân máu nhớ quê hương
đêm đêm ác mộng còn truy kích
lạnh cẳng tao hầm nhất biển Đông
tụi bay muốn sống? - Quên cho lẹ!
mũ đỏ, đen gì ...cũng đã xong
tao cam phận kiếm tô canh cặn
bay rồi cũng thế! Liệu nghe con
Xa trường mất xác giờ đâu khác?
xương bỏ quê người, cỏ cũng chê
chắc chi đã được như Tư Cóc
chết giữa quê hương, đắp mảnh cờ
Minh dê, Hồnng Trố tao mừng lắm
những tưởng không còn gặp tụi bay
đêm qua uống rượu con nhà Kiểm
thương bạn, tao thèm được khóc ngay
nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau
hẹn bay về chết trong tay mẹ
tổ quốc nghìn năm bỏ được sao?
~Du-Tử-Lê~
AI NHỚ NGÀN NĂM MỘT NGÓN TAY
Tháng tư tôi đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
Có môi chưa nói lời chia biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia
Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân ai dưới tàng phong ốm
Mà tiếng giày rơi như suối reo
Tháng tư khao khát, đêm, vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao anh biết trăng không lạnh
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi
Tháng tư hư ảo người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi: một khán đài
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự biển khơi
Tháng tư xe ngựa về ngang phố
Đôi mắt nào treo mỗi góc đường
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bến sông
Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như chiều: tôi mồ côi
Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trộn, như sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thươn?
Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi
Tháng tư người nhắc làm chi nữa
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôị. Mưa…đã …mưa
Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?
~Du-Tử-Lê~
VÌ EM TÔI ĐÃ LÀM SA-DI
thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo: kinh mà không phải kinh
thế giới vì em sẽ dịu hiền
biển đời phút chốc bỗng bình yên
cánh chim tịch mịch miền vô niệm
vô chấp, em ngồi như Quan Âm
ba nghìn thế giới quy về đây
vóc ốm em đi. Ngón cũng gầy
thấy trong Địa Tạng em và mẹ
Tam Bảo theo tôi: có dáng người
muông thú vì em ở với rừng
tôi vì em ở với thi ca
thấy nhau là một đâu còn ngã
thân chẳng riêng thì tâm nào riêng?
phá chấp. Như Lai ở dưới trần
hiện thân Bồ Tát cứu nhân gian
cây oan khuất vẫn nghìn tay vẫy
tôi vẫn nhìn em là chân kinh
xuống tóc. Theo em khép cửa đời
vào thiền để chỉ thấy viền môi
yêu nhau ai bảo tâm không trụ?
quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi.
vì em tôi biến thành sơn tự
mái đỏ tường rêu. Hoa hổ ngươi
tình tôi là thảm xin em bước
rất khẽ mà nghe đất nhớ trời
nước mắt em trên chánh điện tình
nở hoa siêu độ hoá tâm kinh
đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
và thấy trong kinh đủ bóng, hình
vì em tôi đã làm Sa Di
không đi nên ý vẫn quay về
bế quan toạ thị. Tôi và vách
em tụng kinh gì? Cho nghe đi
hôn em Bồ Tát. Chuông kinh hãi
rung hoảng vì tôi? hay cả em?
~Du-Tử-Lê~
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.05.2011 20:13:21 bởi Anh Nguyên >
MAI-THẢO
1927-1998
Tức Nguyễn-Đăng-Quý, quê Chợ Cồn,
Quần-Phương hạ, Hải-Hậu, Nam-Định.
Định cư Hoa-Kỳ 1978, làm thơ, làm báo.
HỎI MÌNH GIỮA BIỂN
Bảy ngày bảy đêm theo sóng nước trôi đi
Lúc báo động xuống hầm tàu đóng kín
Báo động qua lại thảnh thơi hơi thuốc nhìn trời
Trong đêm dài bó gối nhìn lên
Biển sao sáng xuống lòng tối thẳm
Đụng cây neo lạnh buốt bên mình
Mới nhớ mình ngồi đó suốt đêm qua
Giữa nghìn con sóng tới
Giữa ngần ấy sóng xa
Giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta
Nghĩ mãi tới một điều
Không bao giờ tỏ rõ
Là ngọn sóng ấy đã mất tăm về phía bên trong
Cửa khẩu một đêm nào
Và ngọn sóng này chảy theo người
Từ cửa khẩu ra khơi
Có phải là sóng của hai trời
Đập mỗi sóng một bờ bến khác?
Tiếng đập gần nghe ào ạt kín trùm quanh mạn
Tiếng kia xa đã nhỏ dần một cuối đáy thời gian
Tổ quốc bất khả phân đã phân
Từ dòng sông từ bản hiệp định kia
Đất nước mấy nghìn đời không thể mất
Chỉ một ngày đã mất
Lịch sử triệu trang vàng một trang đen đã lật
Trăm trận đánh không thua, thua vì Buôn Mê Thuột
Thì vượt tuyến có phải là phân thân
Bản ngã đã nhị trùng?
Tôi ném lại cái tôi xưa đã diệt
Tôi mang theo cái tôi mới lên đường
Như hạt huỷ thể cho mầm sinh từ hạt
Hai ngọn sóng ngược chiều về mỗi ngả
Ngọn quá khứ mịt mùng không thấy nữa
Ngọn tương lai đang trắng xoá theo tàu
Hai tâm thể chia đôi miền cách biệt
Ngọn đã nghìn thu ngọn mới bắt đầu?
Hay chỉ một?
Hai mươi năm trước dưới bóng liễu Hồ Gươm Hà Nội
Mười năm sau vẫn liễu xưa một hiên mưa
Góc phố Sài Gòn
Hay chỉ một? Ba mươi năm trước
Dấu chân ấy trên đồi sim Thanh Hoá
Ba mươi năm sau vẫn dấu chân xưa
Trong vườn bưởi Biên Hoà
Trăm hướng tư duy vẫn từ một bản ngã
Vẫn chỉ một sóng gần và sóng xa?
Bay trọn đường bay trái đất đêm qua
Bay mải miết từ biển Đông bay tới
Con chim én báo trời đất mới
Trên chót vót cột buồm gió thổi
Đã tới đây, vừa đậu xuống vai người?
Không biết nữa
Vậy phục sinh nào mà từ cõi chết trôi ra
Sau trương thối nghìn ngày cộng sản
Cái tử thi đã bằn bặt tâm linh băng tuyết hình hài
Chợt tuyết rã băng tan
Một tiếng biển, chỉ một tiếng biển thôi
Vừa thức động
Vậy phục sinh nào mà cái xác chết
Trong hầm tàu chật tối
Như con cá sót của một mùa lưới
Bỗng động dần từng cái vẩy cái vây
Một tiếng biển chỉ một tiếng biển thôi
Một tiếng biển thì thầm mà lớn tới mênh mông
Lại róc rách trôi vào cửa sống
Không biết nữa
Điếu thuốc cháy trên tay
Điểm lửa soi hồng khúc biển này
Cái tàn rụng đã mịt mùng biển khác
Giọt nước ấy bắn lên từ Vàm Láng
Ba ngày sau tới ngang tầm hải phận Thái Lan
Giọt nước ấy còn long lanh giữa trán
Những tuyến đất đã rụng khuất những chân trời trí nhớ
Những tuyến trời bay nghiêng hình
Từng sợi tóc bay nghiêng
Những sợi tóc thả bóng tóc trôi theo từng tuyến biển
Tôi hỏi tôi trên mỗi tuyến hồn mình
Bảy đêm bảy ngày hỏi mình giữa biển
Bảy ngày bảy đêm giữa biển hỏi mình
Trên mỗi ngọn sóng dữ
Từng thực thể hiện hình rồi vụt biến
Về bên kia những bờ bến siêu hình
Trên mỗi ngọn sóng hiền
Từng chân lý sáng ngời rồi vụt tắt
Xuống đáy biển không cùng như những giọt lân tinh
~Mai-Thảo~
THƠ SAY TRÊN MÁY BAY
tặng Mặc Đỗ
Nắng rất xa xôi nắng vẫn gần
Rừng ngoài muôn dặm ở trong thân
Trăm năm gió ấy là hơi thở
Đêm vẫn về chung một chỗ nằm
Mây ở trời ta mấy dáng khác
Giờ mấy trời người mây vẫn mây
Mây trong tâm thức trong hồi tưởng
Cùng bay về một hướng mưa bay
Ly rượu ở lừng chừng trái đất
Trước mặt kẻ lạ uống say ngất
Ở cạnh loài người cạnh loài người
Thành khối đau thương của một đời
Tôi buồn quá bèn rút cây bút
Cái cây bút mẹ cái cây bút
Viết không thành tiếng không thành lời
Thành những trang câm của một thời
Lúc nào cũng gọi chiêu đãi viên
Này ly nữa mấy cô chiêu đãi
Thơ tôi làm ở thượng tầng trời
Là nỗi niềm riêng của một người
Tôi vô giác với người cùng chuyến
Tôi biên giới với người cùng thuyền
Như con cá xưa như cánh bướm
Như con thuyền trong Nam Hoa Kinh
Trang Tử, Nam Hoa, ừ thì ừ
Giữa không và có thôi và mất
Giữa bay và đáp của đêm nay
Huệ Tử nào đón ở dưới chân?
Ầm ầm ỳ ỳ ầm ầm ỳ
Sao tiếng động xui lòng nhớ lại
Nhớ thảm thể nhớ lại làm gì
Nhớ không cùng nhớ lại làm chi
Tôi tự do phơi phới một đời
Sao từng lúc lòng còn nhỏ lệ
Sự không hiểu vẫn là như thế
Như đầu thềm một ánh trăng soi
Tôi bay mãi trên trời trên biển
Tưởng là tuyệt vời tưởng là vậy
Nào ngờ vô tận ở ngàn mây
Chỉ là huyễn tưởng của cơn say
Cơn say ấy mang đi cùng khắp
Qau hết năm châu tới chốn cùng
Triệu câu hỏi không còn giải đáp
Trên chuyến bay chiều về Texas
Này những cuồng nộ những mặt trời
Này những tiếng người những tiếng đời
Này hãy im hết hãy lui hết
Nhìn ta say vùi xuống Texas
Máy bay đáp xuống chuyến bay đáp
Hồn bỗng thương tâm một cảnh mình
Điều chỉ nên vẫn là chẳng tới
Nghĩ vậy trong lòng bỗng nín thinh
~Mai-Thảo~
THỦY TẬN
Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thuỷ tận giữa đôi ta
~Mai-Thảo~
CHỖ ĐẶT
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào
~Mai-Thảo~
KHÔNG HIỂU
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
~Mai-Thảo~
TA THẤY HÌNH TA NHỮNG
MIẾU ĐỀN
ta thấy tên ta những bảng đường
đời ta, sử chép cả ngàn chương
sao không, hạt cát sông Hằng ấy
còn chứa trong lòng cả đại dương
ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi
ta thấy đường ta Chúa hiện hình
vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
sao không, tâm thức riêng bờ cõi
địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi!
ta thấy nơi ta trục đất ngừng
và cùng một lúc trục đời ngưng
sao không, hạt bụi trong lòng trục
cũng đủ vòng quay phải đứng dừng
ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay
ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
nhìn hình ta khuất bóng ta xa
sao không, huyết lệ trong trời đất
là phát sinh từ huyết lệ ta
ta thấy rèm nhung khép lại rồi
hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
sao không, quay gót, tên hề đã
chán một trò điên diễn với người
ta thấy ta treo cổ dưới cành
rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
sao không, sao chẳng không là vậy
khi chẳng còn chi ở khúc quanh
~Mai-Thảo~
VIẾT VĂN TRỞ LẠI
Viết văn trở lại
Trước một hàng người
Im lặng và hấp hối
Sau kẽm gai cùng thẳm một trại giam
Cộng sản
Hàng ngàn người có Nguyễn Sỹ Tế ở đầu
Phan Nhật Nam ở giữa
Và Tô Thuỳ Yên ở cuối
Viết văn trở lại ở Mỹ
Nước Mỹ của những ngày dài nhất
Sự ăn không ngồi rồi khủng khiếp của tâm hồn
Lao động tám tiếng một ngày
Hay nhàn du cũng vậy mà thôi
Ăn không ngồi rồi
Ngồi rồi ăn không
Viết văn trở lại
Mới tháng đầu của mùa đông này mà ở Minnesota
Vũ Khắc Khoan đã té sấp hai lần vì tuyết
Té sấp chỉ là vì té sấp
Chúng ta đứng thẳng thế nào được nữa Khoan
Đừng thẳng thế nào Việt Nam đã sập
Và cái té sấp của mày trên tuyết
Như trên giấy
Một ngòi bút bẻ gẫy
Bạn bè nhắc tri âm cũng nhắc
Viết lại đi vâng thì viết lại
Trọn một ngày chủ nhật ở đại học Cornell
Tôi tới đó
Xuống phần thư đọc lại sách mình
Những trang chưa xưa bài viết cũ
Bằng hữu
Những dấu tích một đời
Những ám ảnh siêu hình
Giàn giụa
Lên khỏi phần thư buổi tối mưa bay
Đi dưới mưa một mình
Tuyết sặc sỡ và nắng lạnh buốt
Ủng, lông, da, len, dạ một đồng lù lù
Những sớm mai ở Virginia
Trong bếp nhà Ngọc Dũng
Tôi một đống tôi sặc sỡ tôi lù lù
Ở Huntington Beach có Nghiêm Xuân Hồng
Và Los Angeles Võ Phiến
Mấy địa chỉ âm thầm
Sống không thành tiếng động
Những người da đen đứng câu cá suốt đêm
Dưới bãi biển mù sương
Đất nước khuất
Bầy hải âu cất cánh
Ống khói một con tàu trở về
Hơi thở. Rác. Và bọn gái điếm
Cái máy chữ Nhà Thờ
Đập nhễ nhại trận cười xác thịt
Ở Houston có Mặc Đỗ một mắt đã mù
Vượt bốn ngàn cây số tới thăm nhau
Đi với bạn lên ngôi nhà trên núi
Thằng đã tới thềm thằng còn ở dưới
Cùng trẻ như rừng cùng già như suối
Ở Seattle có Thanh Nam cuống họng đứt lìa
Chứng ung thư tàn độc
Cây gậy chống trên tay
Cái mũ dạ che cái đầu trọc lốc
Trước dòng lệ Tuý Hồng
Cuộc bút đàm lần cuối
Trong ngôi nhà bóng tối
Không bận gì tháng tới
Về đây đưa đám tao
Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sỹ điên thế kỷ mù rồi
Những Thanh Tâm Tuyền trăm năm đã xa
Những Vũ Hoàng Chương nghìn ngày đã khuất
Những bạn bè mày chúng nó đã giết
Còn viết được ư, thằng sống sót?
~Mai-Thảo~
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.06.2011 01:11:43 bởi Anh Nguyên >
TRẦN-NGÂN-TIÊU
BỐN BỂ
Bốn bể gặp nhau lạ hóa quen
Siết tay một cái dễ gì quên
Dẫu xưa lạ hoắc giờ huynh đệ
Xướng hoạ tâm đầu Lý Bạch ghen
Ta còn gì nữa để cho nhau
Ngoài nỗi chung mang một khối sầu
Nhớ nước thương quê cung kiếm gẫy
Tháng năm hoài niệm bạc đầu râu
Xa cách hai phương tình vẫn đậm
Dặm dài chưa tận nghĩa văn chương
Trùng phùng nửa chén còn say khướt
Phiêu bạt trăm năm vẫn nhớ thương
Độc ẩm trăng suông ly rượu nhạt
Đắng môi nhớ bạn chín phương xa
Kẻ trong tù ngục người trôi giạt
Uống mãi không vơi nỗi xót xa
Hội ngộ khi nào bạn với ta
Cụng ly cùng hát khúc tâm ca
Biển dâu thành bại bao năm cũ
Còn lại cho nhau một tiếng khà.
~Trần-Ngân-Tiêu~
HÀ-HUYỀN-CHI
HỎA TÁNG
Anh chết em đừng thảm thiết đau
Cũng đừng mũ mấn khóc thương nhau
Em cho cả cái em không có
Anh vẫn ơn em đến bạc đầu
Tôi chết xin đừng đọc điếu tang
Hãy cười ba tiếng thật hân hoan
Là thù, là bạn, là con nợ
Thì cũng lêu bêu ở suối vàng
Ta chết đừng chôn, chật đất thêm
Cờ Vàng, Mũ Ðỏ, nếu chưa quên
Xác này đáng đốt bao năm trước
Từ tháng Tư buồn đến héo tim.
~Hà-Huyền-Chi~
THUỐC ĐỘC
Lệ chẩy đi từ trại cấm Bạch Ðầu
Mắt kẽm gai đỏ máu khóc tủi sầu
Thông điệp ngắn nhưng buồn hơn nỗi chết
Có dao nhọn trong mỗi lời em viết
Huyệt mở ra sau sàng lọc điêu ngoa
Khiến khan hiếm khí trời trong trại cấm
Toan dập tắt chút than tro còn ấm
Trong gió mưa còn le lói mặt trời
Không trở lực nào ngăn được tuổi 20
Tim thắt nghẹn vẫn bơm đầy lượng máu
Trăm lần ngã vẫn vùng lên tranh đấu
Với quyết tâm sẽ thắng trận sau cùng.
Người phấn son che tâm địa gian hùng
Người bịp bợm dựng canh bài đàng điếm
Cộng sản Việt vừa nhổ xong lại liếm
Trại Cát Bà đang xây cất khẩn trương
Vì Ðô-la, nhận cưỡng bách hồi hương
(Với xương Mỹ, đảng cũng từng mặc cả.)
Món tỵ nạn, đảng coi như được giá.
Lệ chẩy đi từ trại cấm Thái Lan
Từ bao giờ em bỏ cuộc đầu hàng
Từ bao giờ những vần thơ tâm cảm
Ðã sơ cứng đến trở thành nhàm chán
Như những dùi cui cảnh sát dàn chào
Ðứng thẳng lên em, hãy dũng cảm lên nào!
Em bỏ cuộc khiến lòng ta vụn vỡ
Nếu trại cấm chiếu trên màn ảnh nhỏ
Lương tâm ngừơi sẽ biển động phong ba.
Thế giới này nhiều kỷ lục bỏ xa
Với tay trần người bám trèo vách núi
Với xe lăn người đi vòng thế giới
Người nói gì bằng những quyết tâm này?
Trại Mã Lai em nhẫn nhục từng ngày
Bị tước đoạt quyền làm người tỵ nạn
Người hèn mọn đạp lên lòng dũng cảm
Người dối gian đang phỉ báng nhân quyền.
Trước nỗi nhục em, ta trơ mắt đứng nhìn
Ta bất lực, em rã rời tuyệt vọng:
“Hãy gửi cho em một viên thuốc độc
Như tình nồng còn có thể trao nhau
Bao hẹn thề xin dành lại kiếp sau
Sống bất hạnh đã trở thành vô nghĩa..”
Thức dậy đi, hãy vùng lên cô bé!
Ðường tự do không chỉ có hoa tươi
Khắc phục chông gai bằng não tim người
Nghe lời ta, thêm một lần em nhé
Em yêu ơi, chết đi không phải dễ
Như lông hồng, như đá núi ngàn cân
Trong tim ta chứa đầy đọa nhiều năm
Mỗi giọt máu là một liều độc dược
Tim đã chết từ ngày ta mất nước
Từ yêu em ta sống lại đôi lần
Hãy phấn đấu, hãy không ngừng tranh đấu!
Ðời còn xanh cô bé vội vàng chi
Hãy đứng vững hỡi người ta yêu dấu
Dù mai này thêm lần nữa ra đi.
Tim tẩm độc đã trao em rồi đó
Hãy yêu ta bằng phân nửa ta yêu
Em sẽ thấy cõi lòng em bão tố
Sẽ đời này không một phút nào yên
Em đã hẹn cùng ta chung nhịp bước
Ðường gian nan vui khổ có nhau chung
Cô bé xạo toan nuốt lời minh ước
Thiếu em rồi ta sống ích gì không?
~Hà-Huyền-Chi~
SAO ĐÀNH LÃNG QUÊN
Mưa đi mưa tới
Em buồn em vui
Con tim nhức nhối
Tình xa vời vời
Duyên đi duyên tới
Anh chờ, em mong
Duyên ngoài tay với
Ðời quay mòng mòng
Em xa, rượu gần
Ðâu rồi chính tâm
Em là cõi hạnh
Cũng là sầu lâm
Hôn em một lần
Thơm môi nhiều tuần
Hương còn ngan ngát
Quãng ngày trầm luân
Hát nữa đi em
Những lời gắn bó
Những lời uyên nguyên
Cho lòng mưa gió
Rót nữa đi em
Cho đầy chén nhớ
Cho đầy chén quên
Là duyên, là số
Xa nhau ngàn ngày
Thương yêu còn đầy
Gặp mà chưa gặp
Say còn chưa say
Ðược nằm trong mất
Vui ngoài cơn đau
Giữ lòng chân chất
Gìn đời cho nhau
Mưa đi mưa tới
Xanh chiều, tím đêm
Duyên xưa duyên mới
Sao đành lãng quên?
~Hà-Huyền-Chi~
HÀ-NGUYÊN-DU
SÀIGÒN TRONG MƠ,
SÀIGÒN TRONG THƠ
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
Ngày về xa không, ngày về có gần
nước mắt em sa, nụ cười anh lịm
dấu chấm than như cột cờ không chân!
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
rừng tàn theo cây, rừng buồn thú l ạc
núi tiếc thương sông, mạch nguồn vẫn đục
dấu chấm than như lệ hờn em rơi
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
máu anh rơi xuống, ruột em cũng mềm
ái ân tan tác, cơn thác nào xui?
ta sẽ điên lên, khi hoài trong đêm
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
người về bao lâu, đời mẹ có còn
tóc rói em rơi, bạc đầu anh rụng
dấu chấm than như lệ hờn anh rơi
~Hà-Nguyên-Du~
NGUYỄN-TĂNG-CHƯƠNG
Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế
Việt-Nam
Chuyển ngữ từ thơ René Tavernier
Bên kia nghìn dặm
Tôi thấy
Một đất nước lặng câm
Bất động
Hiến dâng cho dối trá phĩnh phờ
Và cuộc sống lúc nhúc dưới những từ ngữ vu vơ
Dưới muôn điều cấm đoán
Như một đoàn sâu bọ
Có vùng vẫy cũng bằng thừa
Bị vây chặt giữa muôn trùng ăng ten bọ rết
Nơi đây không có chuyện quyền làm người
Nhà cầm quyền lại còn nói
Ồ! Chúng tôi phải cải tạo họ từ từ, thấu dáo
Dạy họ khom lưng cúi đầu
Ngậm miệng
Nhắm mắt
Biết làm ngơ trước nỗi khốn cùng của kẻ khác
Nhân ái là tội ác
Dạy cách điếc tai để không nghe
Từ lòng đất
Tiếng kêu la vang dội của đớn đau
Tràn lan đây đó trên những lớp sóng bạc đầu
Nơi những trại tù dựng giữa những trại tù
Lệnh tuyệt kỹ sống mà không sống
Người ta dạy vâng lời chấp nhận
Thụ động và sẵn sàng chờ chết
Hỡi nhà cầm quyền tối cao, còn thiếu một bài học
Bài học cho dân Việt Nam, bài học thật
Bài học của những người nô lệ, bài học của bóng tối
Bài học của những người bị gạt, bài học cuả những
kẻ ốm đau và bài học của những người phải ly cách
Bài học không ai dám thốt mà ai cũng biết
Bài học chỉ thu gồm một tiếng
Một tiếng như ước mơ như yêu thương như hy vọng
Một tiếng như hạnh phúc hòa bình bằng hữu
Một tiếng: Tự do
Con sông đẹp chảy từ miền rất cao
Và chầm chậm hướng về biển rạt rào
Trên con sông, xin cho tôi được biết?
- Khát
Kìa những cánh đồng xanh nước uốn quanh
Đất cát phì nhiêu, vườn trên ruộng dưới
Xin trả lời cho tôi biết, hà danh?
- Đói
Những đền đài âm thanh còn vang vọng
Tiếng nói của ngàn đời trong khoảng trống
Thánh đường nhà ở nhà xe lò sát sinh
Xin cho được biết tên
- Chúa, Phật, thần, thánh hiền đều chết hết
Những thành phố rộn ràng, những con đường, hẻm nhỏ
Nơi mùi châu Á xông lên lờ mờ
Những đám đông tươi vui
Mắt còn long lanh
Chút niềm tự lập trong tình bằng hữu
Họ vẫn sống dưới ánh mặt trời thiêu đốt?
Những khốn cùng và những cô đơn
Giá băng và lửa hồng ung hoại đánh phá ngôn từ
Ngôn ngữ hạ thấp dụng cụ tử thần
vật dung của bất động
Vùng đất sinh sôi, nơi hột tụ nhửng giòng lịch sử
Việt Nam Việt Nam trong tiếng Pháp vần rất dễ thương
với chữ femme
- Chỉ còn lại sa mạc im lặng và ở tất cả mọi người:
sợ hãi!
Vùng đất chân tôi có lẽ sẽ không bao giờ đạp đến
Vùng đất tôi phải tưởng tượng có khung
cửa sổ đóng kín
Nhắm mắt để cho trí bay về
những đồng ruộng lúa
những miền cao nguyên
những rừng sâu ấm áp
những con sông rộng bắt nguồn từ tim châu Á
những chiếc thuyền Sàigòn nơi lẫn lộn sống, đánh nhau
và thương yêu
hai dân tộc chúng ta
Huế làm tôi mơ đến những vì Đại Đế thuở trước
Hà nội với tôi dính liền cầu Doumer
Và ông Doumer ấy bị giết chết tại Ba Lê
Trong một ngày bán sách cùng tên ký
Đông Dương huyền bí
Đông Dương đau thương
Đông Dương sầu buồn
Ai xóa bỏ linh hồn dân tộc đó
Ai vùi quá khứ, đánh cắp tương lai
Điện Biên Phủ đối với người Pháp
Là một đêm dài vô tận
Dưới mặt trời chiếu sáng
Dân tộc Việt Nam! là thi sĩ, tôi cúi chào
Nỗi khổ cực từng ngày, xin được cùng thương đau
~Nguyễn-Tăng-Chương~
Tháng 1, 1987
Nguyên văn tiếng Pháp:
Par delà milliers de kilomètres
Je vois
Je vois un pays voué au silence
Voué à l’immobile
Consacré au mensonge
Et la vie qui grouille sous les mots sans consistance
Sous tous les interdits
Semble une colonie d’insectes
Cette agitation désiroire
Limitées par les Autorités aux cafards aux cloportes
Rien de ce qui est humain ne peut y avoir droit
Il va même nous falloir disent-ils
Soigneusement lentement oh! les rééduquer
Leur apprendre à se courber
Leur apprendre à se taire
A fermer les paupières
A ignorer la misère des autres
A proscrire la compassion
A rester sourd tandis que monte
Des entrailles de la terre
L’immense clameur de la souffrance
Qui se répand ca et là sur les flots de la mer
A ces camps imposés dans les camps
Ordonnance exemplaire de la non-vie
Qui enseignent à obéir qui enseignent à accepter
Passivement et préparent à mourir
Il manque Autorités suprêmes il manque une lecon
C’est la véritable lecon du peuple Vietnamien
La lecon des esclaves la lecon des ténèbres
La lecon des dupés la lecon des malades et
celles des séparés
Cette lecon donc personne n’ ose parler et
que chacun connaìt
Ne comporte qu’un mot
Un mot comme rêver vivre aimer espérer
Un mot comme bonheur paix amitié
Un mot: Liberté
Ce fleuve splendide qui naìt de très haut
Et s’avance lentement vers la mer
Comment se nomme-t-il
- Soif
Ces champs rayés de verdure et d’eau
Où la fécondité du sol s’affirme
Comment les nommez vous?
- Faim
Ces temples où dans le vide résonne encore
La parole des âges
Ces églises maisons garages abattoirs
Ces palais habités par l’immémoriel
Comment les nommez vous?
- Dieu, les dieux et les sages sont morts
Ces villes affairés, ces ruelles
Où l’ordeur de l’Asie ruisselles
Ces foules souriantes
Encore avec au fond des yeux
Un peu d’indépendance avec l’amitié
Vivent-elles toujours sous le soleil qui brùle
Misères et solitudes
Glace et feu corrompus qis’attaquent au verbe
Language descend outil de mort instrument
instrument d’immobile
Cette terre multiplie, ce confluent d’histoires
Viet Nam Viet Nam qui rime si tendrement
en francais avec femme
- Rien que le désert le silence et chez tous la peur!
Une terre que je ne foulerai peut-être
jamais
Une terre que je dois imaginer la fenêtre
fermée
Les yeux clos, et l’esprit volant vers
les rizières
les hauts plateaux
la jungle chaude
les grands fleuves qui descendent du coeur de l’Asie
les jonques Saigon où semêlèrent et luttèrent et
s’aimèrent
nos différent peuples
Hué qui me fait rêver aux grands Empereurs morts
Hanoi lié pour moi au pont Doumer
Oui ce Doumer qui fut tué à Paris
A une vente signature de livres
Mystère de l’Indochine
Souffrance de l’Indochine
Tristesse de l’Indochine
Arracher son âme à un peuple
Arracher son passé le priver de futur
Dien Bien Phu pour les Francais
Une longue une intermidable veillée funèbre
Sous le soleil éclatant
Peuple du Viet Nam un poète te salue
Et souffre du quotidien de ton humiliation
~René Tavemier~
Janvier 1987
NHẤT-UYÊN
Nhục nước đói nghèo
Xưa nhục nhã làm thân mất nước
nay nhục làm dân nước đói nghèo...
bữa đói, bữa rau cả nước nhóc nheo
ai bóc lột? mà nước nghèo khổ thế?
kẻ trí hề: ngửa mặt thét trời xanh
vì đâu nước nhà mang thân khất thực?
tại lụt tại trời tại người quấy phá?
hay tự trói tay trong cơ chế chính mình
và tự đói, tự nghèo, tự chết...
mọi tổ chức chỉ trở thành vô dụng
khi không đủ sức mang ấm no hạnh phúc cho đời.
nhục những tài năng lưu vong phụng sự sứ người
mà nước mẹ, đường về sao quá hẹp?
nhục với tài nguyên thiên nhiên bốn mùa cây trái
nhục với biển dài, sông rộng đất phì nhiêu
nhục với trẻ thơ tong teo mẹ gầy đói ôm con
nhục với mẹ cha già trên vỉa hè lây lất
nhục với độc lập mà đói hơn thời thuộc địa
nhục với tự do, dân gào thét tự do
nhục với công bằng, dân gào thét bất công
nhục với dân chủ, mà khổ hơn thời địa chủ
nhục với Thái Lan, Nam Hàn đã tiến xa
trên đường kỹ nghệ
mà nước ta còn nghèo đói xin ăn!
nhục với lý tưởng đẹp cao, nhục thần tượng tôn thờ
nhục với lịch sử ngàn năm dựng nước
nhục những kẻ không còn biết nhục
hãm hại người ngay, xua đuổi người tài
nhục kẻ thất phu...không biết đến kiếm Lư Cầu
khi dẫn một dân tộc đến cơ hàn cùng cực.
Ai là người vì vận nước ngày mai
Nuôi chí kinh bang để cùng nhau rửa nhục.
~Nhất-Uyên~
Paris 1988
L.
AI DẠY TÔI DẠO CUNG ĐÀN
I
Tính tình tang...
Dư âm nào thoáng chạm tơ vàng
Rung lên vang vang cung đàn réo rắt
Lúc găy gắt
khi man man
khi dìu dặt
rì rào như gió đùa hàng thông
thánh thót như khánh ngọc chuông đồng
run run như mặt hồ trước gió
dồn dập như đại dương cuồng nộ
man mác như buồn ngày biệt ly
Chợt u ám như ma âm cõi A Tỳ
Rồi thét lên như mưa gầm sét nổ
như Trường Sơn ngục ngã
như Trụ Đồng gẫy ngang
như Cửu Long đứt đoạn
như vỡ ải Nam Quan...
Thét...
thét lên trong giờ hấp hối
Vang...
vang mãi như giục giã như réo gọi
Những Vô Cùng Vô Kể cùng Quá Khứ Vị Lai
Hãy về đây
tất cả hãy về đây
Nghe cho rõ nỗi đắng cay uất ức,
thấu nỗi niềm cay đàn dây sắp đứt...
II
Việt cầm
Việt cầm
Việt cầm hề...
Thanh âm nào ta sùng bái say mê
Đến với ta từ lời ru của mẹ
từ tiếng sáo mục đồng
từ câu hò xứ Huế
từ thi văn
từ tục ngữ phong dao
từ tiếng hát thôn quê hòa tiếng lúa rạt rào
tiếng học trò ê a
tiếng thầy sang sảng.
Việt cầm, Việt cầm,
với ta...
người là bạn
là cha anh
là thầy
là tình nhân
Thanh âm người ta nghe từ thuở lọt lòng
Vậy mà đã mười chín năm rồi đó
Sao tháng ngày cứ vụt bay theo gió
Cung điệu kia ta vẫn chưa thông
Mà giờ đây...
người, dây lỏng phím mòn
thanh âm yếu ớt
cung điệu thôi dồn dập.
Còn xung quanh...
phong ba bão táp
ác thần ca
ma hát
quỷ làm thơ
tiếng chát chúa
tiếng ủy mị
tiếng lẳng lơ
quyết tặng người lưỡi gươm thần chết...
không...
không...
tất cả hãy đi hết
trả lại ta Việt cầm của ta
Để ta được
nghe mãi tiếng người ca
suốt đời ta
và qua mọi kiếp...
III
Giữa đêm khuya mơ màng giấc điệp
Kìa bóng ai thấp thoáng nơi xa
Ôm cây đàn cổ
một người nhạc sĩ già
tay run run, mong đem tàn lực
giữ bản đại trường ca kia đừng dứt
Giọt mồ hôi chập chùng vầng trán nhăn
Mười ngón tay run rẩy lướt phím đàn
Mắt long lanh chợt đổi màu sầu hận
Người nhạc sĩ biết sức mình sắp tận
Mà xung quanh, hỡi ơi...
bày trẻ thơ
kẻ chán chường
kẻ ngơ ngác
kẻ thờ ơ
Cũng có kẻ say mê...nhưng được mấy
và mấy kẻ biết làm cung điệu kia sống lại
biết dạo cung đàn nối tiếp bản trường ca
Nhưng nếu không người dạo phím tơ
Thì, trời hỡi...
vũ trụ này sẽ mất
một tiếng đàn đã vang suốt bốn nghìn năm...
Người nhạc sĩ trao tôi chiếc Việt cầm
Ráng cất tiếng thều thào qua hơi thở
Phải giữ
phải giữ
mãi mãi phải giữ
tiếng Việt cầm vang mãi không ngưng
tôi sững sờ
vội đỡ lấy cây đàn
rồi tần ngần thử đưa tay dạo phím
Tay rung hoài
nhưng dây tơ kia im tiếng
không van được
dù một chút dư âm
Bên tôi...
người nhạc sĩ đã chết âm thầm
Ai?
Ai biết làm bản trường ca kia sống lại?
Ai?
Ai biết giữ tiếng Việt cầm kia vang mãi?
Hãy lại đây dạy tôi dạo cung đàn...
~L. ~
12/91
(Canada, Báo Quốc Gia số 23)
VƯƠNG-LONG
MÙA XUÂN ẤY
Nơi này mùa Đông, nơi ấy mùa Xuân
Mùa quê hương đi trước mùa tha hương một bước
Xuân Tây Nguyên làm sao ta quên được
Một trời hoa rực rỡ, áo Xuân vàng
Tây Nguyên, mùa Xuân nào cũng đầy lửa đỏ
Đạn pháo ngút trời, nhưng hoa vẫn nở
Những người yêu nhau vẫn tưởng ở bên nhau
Áo trắng sân trường, thương áo trận rừng sâu.
Có một vùng trời
Bao lần ta bay qua bay lại
Những chuyến bay tuần tra biên giới
Những địa danh kiêu dũng dưới chân ta
Dak Pek, Dak Seang, Đức Cơ, Pleime...
Để hai mươi năm, sau ngày mất nước
Ta còn gọi tên nhau trong ký ức...
Những con dốc hụt hơi chân bước
Leo từ sáng đến chiều chưa tới ngọn Chu Pa
Những cái tên nghe đầy đe dọa:
Thung Lũng Tử Thần, Cơn Sốt Vàng Da
Ya Drang, Chu Prong, Se San, Tieu-Atar
Từng đoàn quân tiến vào vùng đất chết
Cho quê hương những mùa Xuân bất diệt...
Nhớ thuở Bình Tây
Ta đóng quân bên dòng Yaly cuồn cuộn chảy
Chợt thấy Chúa Xuân vươn vai một sớm mai
Cùng tiếng chim ca, tiếng đạn rít lưng trời...
Nhớ Xuân Pleime mấy độ yêu người
Một nửa mùa Xuân nằm trong lô cốt
Quên cả rừng mai, quên mây trời bay
Một nửa mùa Xuân chìm trong pháo địch
Một nửa mùa Xuân mưu chuyện phá vòng vây
Trong giao thông hào, ta như loài chuột bọ
Giữ từng thước rào
Canh từng vuông đất nhỏ
Cho ngọn cờ vàng, ngạo nghễ bay trong gió
Cho em và cho con, bình an nơi thành phố...
Nhớ Xuân Tây Nguyên...
Đoàn quân xa đi ngang qua thị xã
Áo trận hoa rừng phủ đầy đất đỏ
Ta ghé thăm Em và bé mới ra đời
Em cười, giọt nước mắt trên môi lăn vội
Ta chỉ biết nói lời xin lỗi
Đã để cho Em ‘‘Một mình đi biển mồ côi’’
Ta ôm con vào lòng, bé bỏng con tôi!
Ta chỉ bên Em, bên con một giờ nắn ngủi
Chiến trường sục sôi, chiến trường réo gọi
Đoàn quân xa lại chuẩn bị lên đường
để lại Bé, để lại Em và tị xã sau lưng...
Tuổi trẻ, một thời để yêu
Tuổi trẻ, một thời để chết
Mùa Xuân ra đi biền biệt
Ngày xanh, tuổi trẻ của ta
Ta đã cho quê hương tất cả.
Nơi ấy, Tây Nguyên mùa Xuân
Nơi này, Seattle mùa Đông
Người Biệt Động nhớ Tây Nguyên vô cùng
Còn Tây Nguyên, có nhớ gì ta không?
~Vương-Long~
TẠ-TỴ
1922-2004
Sinh trưởng Hà-Nội, vào Nam 1954, SQ/QL
VNCH, tù cải tạo nhiều năm, họa sĩ, làm thơ,
viết truyện, soạn kịch. Định cư tại HK nhưng
năm 2002 lại về sống ở VN và mất ở quê nhà. NHỮNG CON ĐƯỜNG HÀ NỘI
Hà Nội chao ơi, Hà Nội
Với những con đường đọng tím
Những con đường chết lịm ở tim tôi
Tuổi hoa niên từng hát khúc yêu đời
Và nhảy múa khắp nẻo đường Hà Nội
Bao thương mến và bao nhiêu bối rối
Tôi về đây tàn tạ cõi tâm linh
Trắng đêm thâu trắng cả khối ân tình
Từng xác lá thu về vàng lối cỏ
Mùa úa héo dâng đầy đôi mắt nhỏ
Em ơi, em có biết thuở nào khuây
Nhớ thương anh qua những cánh đêm gầy
Màu gương mặt hãi hùng tan giấc ngủ
Ôi Hà Nội, ôi những con đường cũ
Đâu Hàng Bông, Hàng Trống với Hàng Khay
Đâu Hàng Đào khoe nõn nà mấy bàn tay
Những đôi mắt nhìn nhau mà xa cách
Nước hồ Gươm có xanh màu cẩm thạch
Tà áo ai còn đẹp buổi hoàng hôn
Nhớ hương xưa nhạt nắng mấy khung tường
Nghiêng nghiêng xuống mặt hồ ôm bóng nước
Những con đường, những con đường năm trước
Của ngày xưa xa lắm... Hà Nội ơi!
Đêm nay về ngự trị giữa hồn tôi
Đêm nay về với Năm Cửa Ô nghẹn lối
Thao thức mãi từng canh gà báo vội
Rạng đông mà gối lạnh tóc đêm sâu
Ở ngoài kia bóng tối đã phai mầu ...
~Tạ-Tỵ~ LONG LANH NÉT CHỮ
Hãy quên đi đừng bao giờ nhắc nữa
Đừng bao giờ nói đến chuyện ngày xưa
Kỷ niệm đừng bâng khuâng ngoài khuôn cửa
Và thời gian đừng chuyển động sang mùa
Thôi thôi nhé, mùa Xuân hoa với lá
Bướm bay đầy trong quá khứ xa xôi
Xin trả lại cho người yêu tất cả
Chỉ còn đây, một khúc hát đầy vơi
Trời miền Nam mùa này mưa hay nắng
Mây còn xanh hay tím sắc từ lâu
Cánh mai cũ rơi đầy trong câm lặng
Nhớ thương xưa như cánh áo phai mầu
Thơ với mộng chỉ dệt bằng tưởng tượng
Đi hay về quanh quẩn với bơ vơ
Hỡi ai đó đừng trông chờ vọng tưởng
Mặc đời trôi theo ảo ảnh bất ngờ
Thôi đành vậy, cứ đánh lừa tuổi trẻ
Bằng đam mê với từng ngón ngọt ngào
Những cay đắng bùi ngùi đầu lối rẽ
Sẽ tan vào khoảng trống ở trên cao
Ta muốn lắm cùng trời Xuân nào đó
Hãy đùa vui như chửa có một lần
Nghe hơi gió tiễn đưa mùa lá đổ
Cát bụi đời chưa vướng nặng đôi chân
Nhưng không được, ở cuối đường tưởng nhớ
Vừa hiện lên từng nét chữ long lanh
Với môi mắt dìu nhau vào hơi thở
Cố quên đi sao lòng vẫn không đành
Hỡi tuổi nhỏ, hãy nằm yên trong dĩ vãng
Vùng tiếc thương nức nở giữa lời thơ
Hồn ta đó như mặt trời tan vỡ
Hoa héo tàn vì nước mắt đã khô.
~Tạ-Tỵ~
TƯỜNG-VI
THƯ TÌNH TUỔI MƯỜI BA
Tuổi mười ba nhiều ước mơ vụng dại
Tôi tập tành học hai chữ yêu đương
Có cô bé nhà bên xinh xắn dễ thuơng
Nàng tên Thảo, vô tư không hờn dỗi
Đôi mắt đen tròn, mái tóc mềm như suối
Dáng nhỏ thanh thanh, tuổi mới mười lăm
Ôi đẹp sao lứa tuổi trăng rằm
Trái tim nhỏ chắc có nhiều mơ ước
Tôi với nàng quen nhau từ trước
Cùng chơi đồ hàng bắt dế nhảy dây
Mỗi lần nàng xin được gói ô mai
Cười hớn hở gọi tên tôi í ới
Những ngày trời mưa hai đứa rủ nhau ngồi
Khua bong bóng bập bềnh trên sân nước
Tôi mơ màng...mái tóc nàng tha thướt
Giọng nói dịu dàng, đôi mắt ướt long lanh
Tiếng cười vui như tiếng thủy tinh
Để đêm đến chỉ mình tôi mất ngủ
Sáng dậy chải đầu nhìn mình sao ủ rũ
Tôi giận mình, quyết thổ lộ tình yêu
Gặp nàng ngập ngừng...thôi hẹn đến buổi chiều
Thêm chiều nữa...rồi thêm hai chiều nữa
Tôi sợ tình tàn nếu cứ còn lần lữa
Nên đêm nay tôi viết lá tình thư
Tình thư đầu tiên trên giấy trắng học trò
Chỉ vỏn vẹn một dòng...‘‘Anh yêu Thảo!..’’
Ngày hôm sau dấu thư trong túi áo
Nhìn qua hàng song, chẳng thấy bóng nàng đâu
Lòng tôi miên man, chan chứa âu sầu
Sợ nàng đã vui trong duyên tình khác
Ngờ đâu chị tôi tình cờ bắt được
Lá thư tình còn thơm giấy học trò
Ba mẹ cười thằng con mới mười ba
Bài chưa thuộc còn tương tư cô hàng xóm
Tôi giận chị phá tình yêu vừa chớm
Cũng chẳng gặp nàng để thổ lộ tình yêu
Lá thư lãng quên trong ngăn kéo buổi chiều
Tôi mải vui trong nhiều tình yêu khác...
Bao nhiêu năm qua, đời đổi thay phiêu bạt
Thảo giờ đây chắc cũng đã lấy chồng
Biết có phút nào nàng nhớ đến tôi không
Tôi vẫn nhớ lá tình thư chưa gửi...
~Tường-Vi~
(12/19/95)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2010 18:11:02 bởi Anh Nguyên >
PHẠM-TĂNG
RỠN TRỜI
Đã lâu không nói tiếng người
Lặng thinh chẳng đặng rỡn...Trời một câu
Hỏi Trời: Trời ngụ nơi đâu
Cao xanh nhìn xuống địa cầu nghĩ chi?
Chốn này sớm đến chiều đi
Đến thì trần trụi, đi thì tay không!
Ruột gan một mớ bòng bong
Không chà muối ớt, sao lòng đắng cay?
Hết lo đêm lại lo ngày
Ngủ không yên giấc, còn quay giữa trời
Quay cho trọn cả cuộc đời
Khi thành cát buị, rã rời vẫn quay!
Hỏi Trời, Trời tỉnh hay say
Chẳng say sao lại đỏ gay mặt trời?
Có điên mới tạo nên người
Có khùng thì mới vẽ vời thế gian
Yên lành sỏi đá tro than
Nặn chi tim óc ruột gan thành người
Ấm no đã chẳng dưỡng nuôi
Còn đem sống chết dọa người non gan
Sợ Trời kẻ vái người van
Chắp tay lạy lục, thiên đàng cầu lên
Ngờ đâu Ông, kẻ có quyền
Ngôi cao tuyệt đỉnh, Ông quên mất Người...
Xưa kia, tôi cũng vẽ vời
Đỏ xanh bôi bác cho đời mua vui
Ngẩng đầu, chẳng cúi chẳng chui
Sáu nhăm gác bút nhìn người, ngắm Ông:
Nhìn trời, lúc có lúc không
Nhìn người, quả thực thấy Ông...bất tài
Nặn người, được Mắt, được Tai
Mắt nhìn, Tai ngóng! Thừa hai: Răng - Mồm
Mồm là cái hố không trôn
Nhồi cơm, nhét gạo sớm hôm chẳng đầy!
Còn Răng, là cuốc là cầy
Đào đào, xới xới , tối ngày vì ăn!
Có mồm bới móc lăng nhăng
Có răng thì chỉ để nhằn, để đay
Lại thêm thừa thãi chân tay
Người sao chẳng mọc cánh bay, lại bò???
Ngứa tay, hết nặn lại vò
Người đang một cục, bày trò xé đôi:
Đàn ông lắp ngược khúc...đuôi!
Đàn bà ghép một cặp môi...lộn chiều!
Áo cơm đã lụy đến điều
Còn thêm cái Xếch, khổ nhiều vì...Ông!
Thế gian loạn vợ, loạn chồng
Ghen tuông hờn giận cứ Ông mà gào!
Nghĩ rằng đất thấp trời cao
Gào cho rách miệng, Ông nào có hay
Nhà Ông khuất mấy tầng mây
Quan binh thần tướng lấp đầy thiên nhan
Miệng người dù muốn thở than
Làm sao hạ giới kêu oan tới Trời?
Lầm than phó mặc phận Người
Thiên cung bó gối kệ đời, thây tôi!
Ví dù thay bậc đổi ngôi
Ông thành người...ngợm và tôi thành...Trời
Nhất tâm tôi nặn lại Người
Tháo răng, bịt miệng, gỡ rời ruột gan
San bằng luôn cả Nữ, Nam
Khâu liền miệng rách, cưa ngang đuôi thừa
Không tình, người hết đong đưa
Không ăn, người sướng hơn Vua trên trời...
Hỏi Ông, Ông chẳng trả lời
Hỏi đi hỏi lại, Ông ngồi lặng thinh
Nhẽ đâu Trời lại vô tình
Ngẫm ra, Ông vẫn bình sinh không mồm.
Đất Trời vô tự vô ngôn
Thế gian điên đảo, lắm mồm điêu toa
Chữ Lời dệt gấm, thêu hoa
Đạo này, thuyết nọ, không qua lỗ mồm
Đói ăn, lạy lục, cúi luồn
Thừa ăn, móc họng hết nôn lại nhồi
Bao giờ tro bụi trả Trời
Không ăn mới hết của người của ta!
Ngồi buồn nghĩ ngợi gần xa
Chán đời, lấy giấy bút ra chọc...Trời
Kiếp sau xin chớ làm Người
Làm mây lơ lửng giữa trời với Ông
Mây trời soi bóng lòng sông
Bóng in đáy nước nhưng không nhiễm bùn
Mây trôi, tiếc cội thương nguồn
Mỗi khi vướng núi, Mây buồn...lại mưa.
~Phạm-Tăng~
TRẦN-VẤN-LỆ
CHỢT NGHE TÓC AI THƠM
MÙI HƯƠNG BỒ KẾT
Đi giữa phố nghe mùi hương rất lạ
không thơm lừng chỉ phảng phất thanh thanh
ngó hàng cây - cây thắm thiết màu xanh
hoa không có, thế mùi hương đâu thế?
hỏi rất khẽ, hỏi trong lòng rất khẽ
nỗi ngỡ ngàng như thể kẻ bơ vơ
chưa bao năm mà quá khứ thành xưa
mùi hương cũ gợi Sài Gòn thuở Tết!
Hoa Nguyễn Huệ và dòng người nhộn nhịp
hương đồng xa thuyền chở tấp bờ sông
Sài Gòn xưa trong nắng rực mây lồng
và gió quyện và mùi thơm bất tận...
tôi hồi đó có phút nào lấn cấn
ngó ai hoài ôm một bó Glaieul
nghĩ một ngày người đó hóa Tân Nhân
tôi, Tân Khách, lỡ làng đau biết mấy!
Sài Gòn xưa Sài Gòn xưa lửa cháy
tôi đi tù qua những phố tan hoang
mùi hương Xuân ba bữa Tết bay còn
tôi hít thở giấu dưới tầng ngục thất
mấy mươi năm mà mùi hương chưa mất
sáng hôm nay nghe giữa phố người dưng
sáng hôm nay, tôi, một gã tù rừng
đứng hít thở một mùi hương kỷ niệm...
Giữa phố phường có một người áo tím
đi dịu dàng với dáng điệu Việt Nam
tay không cầm dù một nhánh Glaieul
sao đôi mắt cánh đồng hoa hiển hiện?
ôi cô gái thuở chao lòng Lính Chiến
trước mặt trời thơm ngát tóc mồ hôi
mùi Đồng Bào, mùi Tổ Quốc đấy thôi
hương bồ kết...đời tôi thèm muốn chết!
Cảm ơn Trời! Ở đây còn nước Việt
Cho bài thơ tôi có những câu thơm...
~Trần-Vấn-Lệ
WA.1997
SÀI GÒN ƠI, TẠI SAO THƯƠNG KHÔNG Ở, NHỚ MÀ ĐI, ĐI ĐƯỢC, TRỜI ƠI!
Sài Gòn bây giờ sao em nhỉ? Mười năm rồi, anh có biết gì đâu! Chiều hôm nay, nghe lạnh, biết là Thu, anh nhớ quá lá me bay hồi đó…Hồi đó em còn là cô bé nhỏ, tóc thề buông che kín nửa bờ vai. Em tan trường về giữa lá me bay, chiều lành lạnh khiến chân mày líu ríu. Anh sắp đi, gặp em lòng bỗng dịu, tưởng như mình còn mãi tuổi thanh niên! Chẳng hiểu vì sao anh với em quen. Anh chỉ nhớ đã cầm tay em rất chặt…Anh chỉ nhớ đã hôn em ở mắt. Mắt em chao như thể lá me bay…
Sài Gòn bây giờ, em không nhớ đến ai. Mười năm rồi, anh chờ thư không thấy. Những mùa Hạ đốt lòng em, đã cháy, chút tình yêu thơ dại chắc chi còn? Lá me bay, mùa Thu, hẳn buồn. Em đã lớn…Mười năm. Hăm sáu tuổi! Hồi gặp em, anh là người chết đuối. Xa em rồi là tan, tựa mây tan. Lá me xanh khi đã nhuốm sắc vàng, rồi sẽ rụng, trải lên đường quá khứ…
Sài Gòn bây giờ, nếu anh về làm khách lữ, em làm gì, có nhoẻn nụ cười duyên? Hình như anh sắp sửa phát cơn điên! Phải trở ngược, phải băng về dĩ vãng! Lá me vàng, mùa Thu nào vẫn sáng, chắc vẫn còn cài trên tóc em thôi…Mười năm, ôi! Anh cứ nhớ em hoài, quên cả tuổi mình đang mùa sương tuyết! Nhiều lúc anh chỉ muốn làm một bài thơ Tứ Tuyệt như Thôi Hộ ngày xưa gặp một giai nhân đứng dưới cội đào một sáng mùa Xuân, khi trở lại nghe tin nàng đã chết. Em ơi em chẳng có gì bất diệt, thiệt vậy sao? Ngay với cả Sài Gòn!
Sài Gòn bây giờ ra sao? Anh hỏi mãi hỏi mòn, lá me rụng trong hồn bay tứ tán…Phải chi anh đừng đi, đừng xa “Cách Mạng”, lá me bay chắc đầy ấp mộ tàn binh? Bạn bè anh còn mãi tuổi Xuân xanh, như em vậy…làm cho anh thương nhớ! Sài Gòn ơi, tại sao thương không ở? Nhớ mà đi, đi được, trời ơi!
~Trần-Vấn-Lệ~
NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT LÀ NƯỚC
NHƯỢC TIỂU!
Em nói con mèo Múp, năm giờ sáng phá em, nó bắt em bồng lên không cho em ngủ nữa…Nó xé mùng mấy chỗ, nó cào, đau tay em, nó muốn em đừng quên rằng đời em có nó!
Em nuôi nó từ nhỏ, em thương nó như con. Nó đợi em đến trường, ba bốn giờ về lại, Em đi, cửa khóa trái, nó nằm ngoan góc giường. Em nghĩ chắc nó buồn khi em không gần nó. Xa em những lúc đó, nó làm sao? Ngủ chăng?
Em nói chuyện trời trăng, thế cũng mòn năm tháng. Chúng ta có quyền chán biết bao chuyện ở đời. Nếu đừng có đổi dời, đừng đồng dâu hóa biển, mùa Xuân còn én liệng, vườn hoa còn bướm bay. Anh đừng là bóng mây, em đừng mưa nước mắt…
Em nói. Và, em khóc. Việt Nam! Việt Nam ơi! Giọt nước mắt trên môi chảy xuống nằm trên ngực. Em nghe lòng tưng tức: Tại sao là Việt Nam? Tại sao không Đại Nam? Tại sao không Đại Việt? Sao không Đại Cồ Việt? Nhược Tiểu, trời ơi trời! Buồn quá, ai nói hoài: Nước Mình Nước Nhược Tiểu! Người ta không muốn hiểu Lịch Sử là Hãn Thanh? Những thẻ tre mong manh…cháy tan tành quá khứ?
Con mèo Múp rên nhỏ, bên em nó chỉ chờ em ngó xuống bài thơ anh vừa làm, ngơ ngác! Chúng ta không thấy mặt nhưng chúng ta thấy lòng. Em đang lạnh, mùa Đông; tiếc anh, không mùa Hạ…Em ơi, đường xa quá, làm sao về với em?
Nhiều lúc tôi như điên, nói hoài con mèo Múp. Tôi biết là em khóc, đọc thơ tôi, em buồn…
~Trần-Vấn-Lệ~
CAO-TẦN
Tức Lê-Tất-Điều
KẺ TRỞ VỀ
Thằng bạn đòi về trên tầu Thương Tín
Hoan hô đảng và tranh đấu rất chì
Giờ được tin vùi thây Yên Bái
Thôi còn chê trách nó mà chi
Nó tưởng được về hôn con, ôm vợ
Bước rưng rưng trong những phố phường xưa
Ôm vợ, hôn con ngă'm trời đât cũ
Chỉ một lần thôi rồi tịch cũng vừa
Nhớ nó xưa chọc trời, xô núi
Thân nam nhi ngang dọc cõi bờ
Bỗng di tản ra thân lúi xúi
Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ
Trong trại sáng giật mình khóc nức
Đêm bụng đầy nhóc rượu tìm quên
Gọi vợ trong mơ, gào con lúc thức
Nằm thì trằn trọc, đứng thì điên
Nó chợt đòi về trên tầu Thương Tín
Anh em xúm xít khản cổ can hoài
Thằng bạn cười buồn, tác phong lính chiến
"Thôi coi đời tao là con củ...khoai"
Thấy nó lên tầu biết xong một kiếp
Nhưng hy vọng hão vẫn nguyện như thường
Cầu nó bình an thấy con thấy vợ
"Khổ như thằng này chắc đất trời thương"
Nó bước xuống tầu giữa rừng cán bộ
Về quê hương mà như lạc tinh cầu
Rồi trôi dạt trên nghìn dặm khổ
Rồi âm thầm đổ giữa rừng sâu
Mày có linh thiêng qua đây tao cúng
Một chầu phim X, một quả tắm hơi
Thiên đàng mày hụt thì tao đang sống
Cũng ngất ngư đời như...con củ khoai
~Cao-Tần~
Tháng 2, 77
CHỐN TẠM DUNG
Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực
Bắt đầu ngày bằng một chút vui
Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
Bài ca quen bỗng chợt quên lời
Chút kỷ niệm còn lại mất khơi khơi
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa
Giang hồ một túi bài ca cũ
Hát nhảm cho qua nốt tuổi già
Qua những bình minh còn ngái ngủ
Còn như chưa lạc mất quê ta
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
Ðã chán nhân gian ở cuối đường
Chiều về lên dốc thân tơi tả
Một quả hoàng hôn đỏ kín trời
Mình mới ngoi lên ngày đã ngã
Ðêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.
~Cao-Tần~
(tháng 5, 77)
CẢM KHÁI
Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu
Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngay đơ rất mực cù lần
Da nhợt nhạt như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn
Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
Tên chụp hình làm ta xấu như ma
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà
Hai mươi mốt tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai
Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt khôi ngô bàng hoàng xớn xác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly
Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
Chợt nhớ câu thơ Gẫy cánh đại bàng
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang
Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như bỗng qua đời
Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám
Người sắp thành ten mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví những người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngơ ngơ
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ
~Cao-Tần~
tháng 6, 77
KHO TÀNG
chàng cù lần có cái túi nhỏ
suốt bốn mùa giấu giếm như điên
anh em sùng, nghĩ thằng này chơi khó
thủ cẳng tí tiền, len lén tiêu riêng
hết chuyện chơi một chiều đông lạnh cóng
đè thằng em ra cướp túi coi chơi
gác trọ rung rinh như thuyền biển động
thằng em kêu như sắp sửa xong đời
miệng túi mở kho tàng rơi tung toé
một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
một đứa hét :"vàng này thằng em bé
không mại đi, mày tính để đem thờ ?"
"sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
ông bán ra bắt gọn mấy trăm đô
còn cục này tàn đời ông cóc bán
lúc lên đường bà cụ dúi tay cho"
một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
"giẽ rách gì đây hở thằng chết tiệt ?"
"khăn vợ trao ngày khoác áo nhà binh"
đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
những tên người tên tỉnh đã xa xưa
những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
những đường quen không trở lại bao giờ
trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ
cù lần xấu hổ chửi như ca
cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
hoá đem theo muôn vạn mảnh quê nhà
cù lần dọa đêm nay đâm chết hết
ôi, ví dầu chú mở được tim anh
chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
với khăn tay nhàu nát chữ thêu xanh
với danh thiếp những tên đường đã đổi
những số nhà chớp mắt đã tang thương
những chốn hẹn nghìn năm không trở lại
những tên đời tơi tả khắp quê hương
~Cao-Tần~
tháng 10/77
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.02.2011 06:56:18 bởi Anh Nguyên >
LÊ-ĐỨC-MINH-HOA
TẾ TRƯNG-VƯƠNG
Từ thuở Mê-Linh dấy nghĩa,
Đánh đuổi quân thù,
Đến khi sông Hát tự trầm,
Đền ơn tổ quốc.
Hồn linh hiển thiên thu cân quắc,
Gương anh thư vạn thế soi chung,
Trải ba năm vuơng nghiệp lẫy lừng,
Bỗng một sớm cột trời nghiêng đổ.
Nùng, Nhị, hắt hiu nỗi mhớ,
Tản, Đà man mác niềm thương.
Than ôi!
Nhớ Đức Trưng Vương
Vốn dòng thế phiệt,
Cha: Lạc Tướng, võ công kiệt liệt,
Mẹ: Man Thiên, ngôn, hạnh, công, dung.
Song sinh hai liệt nữ anh hùng
Giữa mùng một mùa thu Giáp Tuất.
Chị, mệnh danh Trưng Chắc,
Em, đặt hiệu Trưng Nhì, (1)
Vẻ đoan trang, tú mục, thanh mi,
Tài quán thế, lục thao, tam lược.
Chu Diên Lệnh, một phen đính ước,
Thi Sách cùng Trưng Trắc nên duyên, (2)
Chí kình thiên nay gặp bạn hiền,
Mầm cách mạng đấu tranh càng mạnh.
Đại cuộc còn đang trù hoạch,
Không may Lạc Tướng qua đời,
Trao quyền vợ góa con côi,
Rể quí ra tay phụ chính,
Thuở ấy tham quan Tô Định
Hung tàn, bạo ngược, hiểm sâu,
Máu mỡ dân, bóc lột,
Mặc sức làm giàu,
Moi vàng bạc, ngọc châu,
Chuyên dần về nước.
Nào lông trĩ, nào ngà voi,
Bắt săn cho được,
Một con trâu, một đấu muối,
Dân chúng điêu linh.
Nào đắp lũy, xây thành,
Nào sưu cao, thuế nặng;
Trai chẳng rảnh lo toan đồng áng,
Gái không yên tính việc tầm tang,
Dìm dân trong kiếp sống điêu tàn,
Bất kể mối nguy vong sớm tối.
Nhân tâm càng hận tủi,
Sĩ khí lại càng cao;
Giết Đặng Công
Như lửa cháy thêm dầu,
Lửa cách mạng
Đã châm ngòi bột phát.
Bảo kiếm phục thù,
Bành voi thiêng bất khuất,
Uy quyền nương tử,
Vó ngựa chiến dập dồn.
Bạch Hạc phấp phới bóng cờ vàng,
Mê Linh hiên ngang đoàn dũng sĩ.
Vang trời câu quyết tử,
Phong Châu, Giao Chỉ;
Dậy đất bước quân hành,
Hợp Phố, Cửu Chân.
Quân uy rúng động cả núi rừng xanh,
Sát khí bừng bừng như than lửa đỏ.
Địa lợi, thiên thời, nhân hòa, gồm đủ,
Thù nhà, nợ nước, chính nghĩa rõ ràng.
Loa gọi về Nam
Nhân dân hưởng ứng,
Kiếm vung sang Bắc
Quân địch khiếp oai.
Tham quân hết cả mưu tài,
Thái thú còn đâu chước giỏi?
Sáu mươi lăm thành không cứu nổi,
Ba mươi sáu kế, chạy là cao.
Bỏ phăng ấn kiếm lẫn chiến bào,
Vứt cả quân trang cùng binh mã.
Trông hướng biên cương bôn bả,
Thoát vòng chiến địa tháo thân.
Thế quân ta như trúc chẻ, ngói tan,
Lũ cường địch phải hồn bay, mật vỡ.
Vĩnh Phúc lầy đường máu đổ,
Long Biên chật đất thây phơi,
Tuyên Quang quân mã tơi bời,
Lãng Bạc vô phương chống đỡ.
Chiến tích, quân công rực rỡ
Non sông, xã tắc huy hoàng,
Nhân dân chấm dứt lầm than,
Đệ nhất anh thư kim cổ.
Đô Mê Linh, lên ngôi Cửu ngũ,
Đất Lĩnh Nam riêng một góc trời,
Phong cho em: Công chúa Bình Khôi,
Thưởng Tướng sĩ, quân dân rộ rã.
Rửa quốc nhục, nêu cao đại nghĩa,
Trả phu thù, giữ vẹn cương thường.
Nhưng uy danh chấn động Bắc phương,
Loài dương cẩu quyết tâm phục hận.
Quang Vũ lệnh sai Mã Viện,
Đoàn Chí sửa soạn lâu thuyền;
Vừa ra quân, Đô đốc sợ, chết liền,
Khiến hổ tướng phải men theo đường bộ.
Phó tướng Lưu Long hăm hở,
Tham quân Hàn Vũ rộn ràng,
Theo đường hiểm Quỷ Môn Quan,
Trực chỉ trung châu Bắc Việt.
Tưởng tặc tướng uy phong lẫm liệt,
Thua Thanh Thiên, về thủ Mã Giang,
Dâng sớ tâu, xin viện binh sang,
Đành nói rõ: ‘‘Thanh Thiên quá giỏi.’’
Chán thay!
Thân trai sao đến nỗi
Thất trận, bẽ bàng chưa?
Chí anh kiệt bgày xưa:
‘‘Chết bọc thây da ngựa;’’
Câu danh ngôn muôn thuở,
Giờ biết tính sao đây?
Kẻo ngày lụn tháng chầy,
Làm ô danh Đại tướng.
Được binh viện, Bắc quân bèn đổi hướng,
Né Thanh Thiên, ngầm tiến ngả Cao Bằng,
Đường Bảo Châu, quân hùm sói tràn sang
Như thác lũ, xuống Tuyên Quang đốt phá.
Trận kế tiêp, nơi Phong Châu nghiêng ngửa,
Quân Trưng Vương, Thái Hậu với Trưng Nhì,
Xua voi thần ra tốc chiến một khi,
Quân Mã Viện lại thất điên bát đảo.
Chí quyết chiến, quân ta như vũ bão,
Lũ hùm, beo, kình, ngạc, cũng phải lùi,
Thêm sơn lam, chướng khí khắp nơi nơi,
Bọn cuồng khấu phải thiên về Lãng Bạc.
Lưu Long thân sơ xác,
Hàn Vũ đã bỏ mình,
Lại thêm quân ba Nữ kiệt vây thành,
Cơ nghiệp Mã chắc phen này hưu hĩ.
Thôi, đành rằng vận bĩ,
Lại dâng sớ xin binh.
Cả triều đình Đông Hán hoảng kinh,
Vội tức tốc thêm quân năm vạn.
Ban mật lệnh hành quân thích đáng,
Quyết tung quân xung sát Hồ Tây,
Khói chiến chinh mờ mịt trời mây,
Niềm căm phẫn tỏa nhòa nhật nguyệt.
Tiếc thay!
Trưng Vương tuy dũng liệt,
Nhược vẫn không thắng nổi cường,
Quân thế chẳng tương đương,
Nghĩa nhân đành thua cường bạo.
Hao tốn biết bao xương máu,
Rút quân về giữ Mê Linh.
Nơi kinh khuyết, Mã Viện lại công thành,
Đất Cấm Khê, Trưng Vương lo phòng giữ.
Thành bị phá, ngôi Đế Vương sụp đổ,
Bến Nam Nguyên, Đức Thái Hậu gieo mình,
Nơi Hát giang, em cùng chị hy sinh,
Thân ngà ngọc, mặc cát vùi sóng lấp.
Ôi đau đớn! thực trời nghiêng đất sập,
Tướng Lê Chân cũng tuẫn tiết theo vua,
Gương trung trinh, sao Bắc đẩu phải mờ,
Tài đảm lược, lũ xâm lăng còn khiếp.
Chiến tường chót, theo sử xanh ghi chép
Truyện Thanh Thiên ngăn đường tiến địch quân,
Giúp thêm uy, có nữ tướng Bát Nàn,
Hai công chúa cùng quyết tâm tử thủ.
Ôi thôi!
Trời xanh kia sao nỡ
Dứt sự nghiệp từ đây,
Vòng vây mỗi phút thêm dày,
Dẫu cánh chim bay chẳng lọt,
Trong cảnh nguy nan cùng tột
Nam quân phải rút hai đàng:
Thanh Thiên về giữ Ngọc Lam
Cùng mấy trăm quân thủ túc,
Giao chiến đến khi kiệt lực,
Thày trò đều chết vinh quang.
Về phần công chúa Bát Nàn,
Thí phát, tu chùa Tiên Lữ,
Quyết chí không hàng giặc dữ.
Quên mình trong kiếp nâu sồng.
Đô Dương oai trấn Cự Phong,
Mấy trận trổ tài hùng liệt,
Rút cuộc, thành vây, lương hết,
Cũng đành xếp giáp qui hàng.
Thế là triều đại Trưng Vương
Đến đó tan tành mây khói.
Cột trụ đồng được dựng lên trong cõi,
Ghi chiến công cho bè lũ hung tàn.
Than ôi!
Yêu nước thương dân,
Chí tài siêu việt,
Toàn danh, toàn tiết,
Thiên cổ vĩ nhân!
Sức vẫy vùng giữa chốn muôn quân,
Đời xuôi ngược trên trường chinh chiến.
Năm hăm bảy, đã nên vinh hiển,
Tuổi ba mươi, Vương vội về Trời,
Để lòng người thương tiếc khôn nguôi,
Hương khói tỏa muôn đời thờ phụng.
Trước uy đức, chúng con cảm phục,
Cùng cúi dâng lên tấc lòng thành,
Vương cùng tướng sĩ anh linh
Xin hãy giáng lâm chứng quả.
Thượng hưởng, thượng hưởng!
~Lê-Đức-Minh-Hoa~
Nhân ngày húy kỵ Trưng Vương lần thứ 1954
Năm Đinh Sửu (Tây lịch 1997)
Tháng Hai, ngày Ất Mão.
Giao chỉ Viễn thần, Lê Đức Minh Hoa
Báo Việt Nam Mới vọng bái.
(1) Bà Man Thiên Trần Thị Đoàn gốc nghề
tầm tang, nên lấy tên kén chắc (kén dày) và
kén nhì (kén mỏng) đặt tên hai con là Chắc
và Nhì. Sau bị chép sai thành Trưng Trắc và
Trưng Nhị.
(2) Ông Thi Sách họ Đặng, gọi kính trọng là
Đặng Công.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2011 12:32:17 bởi Anh Nguyên >
HÀN-NGUYỄN
KHI TÔI CÒN CÓ CÁC ANH
Tôi đã gặp các anh,
Đâu đó trên đường phố xứ người.
Những người anh khả ái,
Mà đôi mắt quầng sâu thâm...
Như chứa đụng mọi khổ đau của loài người.
Ôi, những nụ cười,
Có hắt hiu, nhưng mang một niềm tin bất tử.
Niềm tin ấy đơn sơ như chân lý
Rằng:
Tình người tất thắng,
Cuồng ngạo ắt tiêu vong.
Tôi đã gặp các anh,
Ôi, những mảnh hình hài tiều tụy...
Ở đất nước tự do và thanh bình này,
Có ai hiểu được không?
Đòn thù...
Đòn thù.
Có ai từng trong nghịch cảnh?
Năm năm, bảy năm, mười năm...
Được ‘‘bồi dưỡng’’ đủ thứ hằm bà lằng.
Ngoại trừ gạo trắng cá tươi...
Có ai từng dằn vặt khổ đau?
Tâm cơ bị giày xé từng giây phút.
Vì trong khi người chồng nơi chốn lao lung ấy,
Thì ngoài kia thiếu phụ vọng phu...
Đang dang tay chèo chống
Giữa chốn chợ đời cùng bầy quỉ dữ, sói lang...
Thay chàng nuôi mẹ, bao bọc con thơ...
Cụ bị đường xa từng nắm cơm viên thuốc,
Gặp mặt nhau trong gang tấc đã chia lìa.
Ôi! Cho dù vàng đá cũng nát tan...
Huống hồ là hình hài của tinh cha huyết mẹ!
Giòng đời cứ mãi trôi...
Sự đời đâu đã dứt.
Văng vẳng đâu đó lời ong tiếng ve:
‘‘Mấy ông H.O. chống Cộng tới chiều’’
Chống Cộng tới chiều!
Xin cho tôi được nói dùm các anh,
Bằng lời của đức thánh:
‘‘Ôi, ta không vì con người ấy mà khóc...
thì còn khóc cho ai?
Chống Cộng tới chiều!
còn có thể cười đùa được sao?
‘‘Có người nghe đạo thì cười.
Nhưng nếu không cười thì không đủ gọi là Đạo’’
Xin cho tôi vì các anh,
Bắt chước người xưa...
Khóc và cười ba tiếng.
Lệ tôi rơi vì đời còn có những người anh từ ái.
Tôi cười vì bầy lũ gian nhân
hiệp đảng sắp tiêu vong.
~Hàn-Nguyễn~
Góp Gió 5-9-97
TRẦN-THIỆN-HIỆP
EM VỀ MÙA XUÂN
chiều ngiêng rừng, mây vấn vương
em cùng mùa xuân soi gương
mưa bay bên đồi hoàng hoa
mưa bay dòng sông nhạt nhòa
cành non lá xanh lao xao
lối em đài hoa anh đào
bước lơi áo màu xa xưa
chờ ai ấm vòng tay mưa
nhớ con đường hoa hướng dương
Lâm Viên đồi thông mờ sương
suối đưa ta vào mộng du
tóc em nhánh sầu thiên thu
tháng năm còng nguyên hôm nay
tình yêu cho nhau thật đầy
em về mùa xuân trên cao
em về nghe xuân ngọt ngào
~Trần-Thiện-Hiệp~
(Đỉnh Mây Qua)
MẠC-PHƯƠNG-ĐÌNH
Tức Lê-Tuấn-Ngô, quê Cẩm-An, Tam-
Kỳ, Quảng-Nam, học Quốc-Học Huế,
viết văn, làm thơ. Định cư ở Mỹ năm 95.
nhớ Saigòn buổi chiều mưa bất chợt
mái hiên nào anh đã đứng cùng em
cơn mưa ngắn đủ cho mình quen biết
và cho nhau một nỗi nhớ êm đềm
nhớ Sàigòn, những hàng cây bóng mát
ta chờ nhau vào những buổi tan trường
những chiếc lá bay trong chiều kỷ niệm
xuôi dòng đời như những sợi tơ vương
nhớ Saigòn, con đừờng qua Chợ Cũ
một đêm nào mình đã nắm tay nhau
trăng mười tám phía bờ sông rọi lại
ánh trăng khuya lấp lánh nụ hôn đầu
nhớ Saigòn một mình anh ngóng đợi
chuyến tàu đêm em trở lại sân ga
tàu đến chậm trong màn mưa buổi tối
mừng ôm nhau mưa, nước mắt nhạt nhoà
nhớ Saigòn ngày chia tay lặng lẽ
em trở về vàng võ ánh đèn khuya
đêm chôn dấu nỗi buồn anh để lại
bánh xe lăn qua vũng nhớ đầm đìa
nhớ Sàigòn, một nửa đời ở đó
bao yêu thương xin giữ lại cho mình
từng góc phố từng con đường năm cũ
vẫn từng ngày theo gót kẻ lênh đênh.
~Mạc-Phương-Đình~
XA XĂM
hai năm chưa gặp lại
em bây giờ ra sao?
phương này nồng lửa hạ
bên kia mùa hoa đào
phía hai đầu nỗi nhớ
tưởng như lời ca dao
buổi chiều ra cửa ngó
kỷ niệm xưa ngọt ngào
hai năm chưa gặp lại
tháng ngày như chiêm bao
người đi vẫn quay quắt
bỏ quên một câu chào
hai năm sao dài dặc
giậu cúc nở đầy bông
quay lưng không lời hẹn
sao vẫn còn nhớ mong
thời gian qua rất chậm
xa xôi chùng nỗi lòng
ngại ngùng câu thăm hỏi
như dấu đời long đong
hai năm chưa gặp lại
mây nước vẫn xuôi dòng
câu hỏi không lời đáp
lặng trôi vào hư không
~Mạc-Phương-Đình~
NỖI LÒNG XA XỨ
đêm qua trời lạnh, buồn không ngủ
nằm nhớ quê hương, nhớ bạn bè
mới đó mười năm như chớp mắt
mái đầu còn mặn chút hương quê
Trường Giang sóng vỗ đau bờ cát
Núi Chúa, Dùi Chiêng dựng ngõ về
mây trắng Sơn Chà che mất lối
Ngũ Hành chuông vọng khuất sơn khê
kẻ đi lòng thẹn cùng sông núi
người ở buồn trông cảnh não nề
xin hiểu dùm cho người viễn xứ
lòng xưa quay quắt gió sương che
nước sông chẳng rửa xong thù hận
giọt lệ càng đau chuyện ước thề
không nhắc nhưng lòng sao nhớ quá
những con đường đất những bờ tre
nương khoai rẫy bắp, mùi hương lúa
trường học làng xưa, phượng đỏ hè
mưa giục đông về giăng nước bạc
quê nghèo chìm đắm cảnh lê thê
những hình ảnh đó sao quên được
đất Quảng trong tim vẫn bộn bề xin hẹn cùng nhau ngày trở lại
đẩy thuyền ra khỏi bến sông mê. ~Mạc-Phương-Đình~
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.01.2011 09:45:47 bởi Anh Nguyên >
CHU-TOÀN-CHUNG
NHẮC NHỞ EM
Em giờ bên ấy có vui không
Nhớ giữ dùm anh cặp má hồng
Đừng để nắng hè vương mái tóc
Hay buồn vời vợi mắt mùa đông
Cẩn thận nghe em cả nụ cười
Đề phòng kẻ lạ ngắm môi tươi
Và điều tối kỵ anh thường nhắc
Đừng để cho ai tán tụng Người
Những lúc em đi dạo một mình
Sơ sài trang điểm đủ vừa xinh
Vì em lộng lẫy anh thừa biết
Đá cũng thầm ghen chuyện chúng mình
Em cũng đừng ra tựa gốc mai
Kẻo anh hàng xóm ngó sang hoài
Về đêm khi ngủ em đừng để
Giấc mộng thiên thần nhập bóng ai
Này nữa anh cần nhắc nhở em
Phòng em thường trực nhớ buông rèm
Bởi anh không muốn người qua lại
Dừng bước nghiêng mình ngưỡng vọng em
Nhắc nhở em yêu thế đủ rồi
Chờ ngày hoàng hậu trở về ngôi
Hình như anh cũng ghen rồi đấy
Ghen để em cười nở ngát môi.
~Chu-Toàn-Chung~
THÁI-THĂNG-LONG
NHỚ NÚI Nhớ núi, nhớ rừng, nhớ bạn
Mấy mươi năm ai còn hát
Chót vót tầng mây bom dội đỉnh đèo.
Nhớ núi
Mảng sương trong veo.
Con dốc oằn vì bom pháo
Nhớ núi
Sốt rét qua như cơn bão
Nặng trĩu vai, súng lại lên đường.
Nhớ núi
Chập chùng, chập chùng mây trắng
Cô đơn mãi mãi rừng già.
Nhớ núi
Đám vắt hoang thèm máu.
Rau rừng lẫn rau dại tràn lan.
Nhớ núi
Một thời khốc liệt
Cảnh đồng đội đi rồi lại cáng về.
Nhớ núi
Nỗi nhớ cuộc đời máu lửa.
Đã xanh trong trí nhớ
Với thời gian như thể mãi mãi xanh ~Thái-Thăng-Long~ Cuối năm 1997
VƯỜN XƯA Anh tìm
Bóng dáng mùi hương xưa quyến rũ
Anh tìm
Cánh hoa lan dạo nọ
Dạo nọ mấy mươi năm chẳng ghé về
Anh tìm
Gốc hoàng lan dưới mùa thơm ngát
Người ơi
Đôi mắt về nẻo khác
Vời vợi rồi
Vườn cũ ở đâu?
Chầm chậm
Chầm chậm
Tóc đã sang màu
Chầm chậm gieo trong lòng ta
Cả đời giông gió
Mảnh vườn xưa
Nhớ ai dang dở
Hương còn đây
Người ở tít tít xa. ~Thái-Thăng-Long~
4-1998
VỀ LẠI PHỐ XƯA
Không còn những gốc bàng mùa đông
mười bảy
Không còn tiếng đàn trong lửa cháy.
Không còn mái ngói rêu xanh với sự tích
của mình.
Không còn những mùa heo may về rét mướt.
Ngoại ô đêm cô đơn.
Để lòng người yên lặng
Bước chân về trên lá nhớ ai?
Gió tha hương
Nhớ đôi vai gầy của mẹ
Người tha hương
Chập chờn như thể
Đêm không đâu
Gió lạnh rít hiên thềm.
Phố xưa
Ta tìm những ô ăn quan năm ấy.
Ta tìm gương mặt bé con của em.
Vụt lớn sau chiến tranh.
Ta tìm màu rêu chầm chậm
Ngân ngân tiếng guốc
Lọc cọc xe qua
Tiếng tàu điện rập rình
Phố xưa
Trong nỗi nhớ của em
Ta hoang vắng mỗi chiều giá lạnh
Chợt niềm vui
Nhận lại những tiếng đàn. ~Thái-Thăng-Long~
Mùa đông, 9-12-1999
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.01.2011 10:57:32 bởi Anh Nguyên >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: