Anh Nguyên
-
Số bài
:
1747
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 21.10.2008
|
RE: Dong thơ cũ
-
21.01.2011 08:36:57
PHAN-BỘI-CHÂU (1867-1940) Quê Đan-Nhiễm, Nam-Đàn, Nghệ-An, đậu Giải Nguyên, lập Duy-Tân Hội, khởi xướng Đông du, lập Việt Nam Quang-Phục Hội, sau lại đổi thành Đảng Việt-Nam Quốc Dân, bị Pháp bắt ở Thượng- Hải, kết án khổ sai chung thân, toàn quốc đòi ân xá nên được thả và quản thúc tại Huế. TUYỆT MỆNH THI TAM THỦ Nhất lạc nhân hoàn lục thập niên Hảo phùng kim nhật liễu trần duyên Bình sinh kỳ khí vi hà tử? Nguyệt tại ba tâm vân tại thiên Sinh bất năng trừ thiên hạ loạn, Na kham tử lụy hậu lai nhân Hảo tòng hổ khẩu hoàn dư nguyện, Khẳng nhượng Di, Tề nhất cá nhân Thống khốc giang san dữ quốc dân Ngu trung vô kế cực trầm luân Thử tâm vị liễu thân tiên liễu Tu hướng tuyền đài diện cố nhân ~Phan-Bội-Châu~ Dịch: Ba bài thơ tuyệt mệnh Sáu chục năm nay ở cõi đời Trần duyên giờ hẵn rũ xong rồi Bình sinh chí lớn là đâu tá Trăng rọi lòng sông mây ngất trời Sống đã không xong trừ giặc nước Chết đi há lụy đến người sau Phen này miệng cọp âu đành dạ, So với Di, Tề có kém đâu! Thương khóc non sông với quốc dân Tài hèn không vớt được trầm luân Lòng này chưa hả thân đã chết, Chín suối thẹn thùng gặp cố nhân. ~Khuyết Danh~ ÁI QUỐC Nay ta hát một thiên ái quốc, Yêu gì hơn yêu nước nhà ta! Trang nghiêm bốn mặt sơn hà, Ông cha để lại cho ta lọ vàng. Trải mấy lớp tiền vương dựng mở, Bốn ngàn năm giãi gió dầm mưa Biết bao công của người xưa, Gang sông, tấc núi, dạ dưa, ruột tằm. Hào Đại Hải âm thầm trước mặt, Dải Cửu Long quanh quất miền Tây. Một tòa san sát xinh thay, Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn! Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp. Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu. Giống khôn há phải đàn trâu, Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng! Hai mươi triệu dân cùng, của hết, Bốn mươi năm nước mất, quyền không. Thương ôi! Công nghiệp tổ tông, Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao! Non nước ấy biết bao máu mủ, Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang? Cờ ba sắc xứ Đông Dương, Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau! Nhục vì nước, mà đau người trước, Nông nỗi này, non nước cũng oan. Hồn ơi! Về với giang sơn, Muôn người muôn tiếng hát ran câu này: "Hợp muôn sức ra tay quang phục, Quyết có phen rửa nhục báo thù..." Mấy câu ái quốc reo hò. Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng. ~Phan-Bội-Châu~ 1910 ÁI QUẦN Trời sinh ra một giống ta, Non sông riêng một nước nhà Việt Nam. Kể năm hơn bốn nghìn năm, Ông cha một họ, anh em một nhà. Giống vàng riêng một mầu da, Đen răng, dài tóc ai mà khác ai? Chỉ vì tan tác từng người, Phen này đến nỗi lạc loài, xót xa. Ai ơi! Nghĩ lại kẻo mà, Kìa gương giống đỏ có xa đâu nào: Chữ rằng: "Đồng chủng, đồng bào", Anh em liệu tính làm sao bây giờ? Sao cho nội ngoại tương phù[1], Ba mươi sáu tỉnh cũng như một nhà. Sao cho Nam Bắc hiệp hòa, Hơn hai mươi triệu[2] mà ra một người. Chớ cậy thế, chớ tham tài, Bỏ điều lợi nhỏ, tính bài lợi chung. Chớ ganh khí, chớ khoe công, Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng xai nghi[3]. Ai ơi, xin sửa mình đi, Công tư đức ấy hai bề vẹn hai. Những điều nát nước, tan loài, Rước voi, cõng rắn thì thôi xin chừa. May ra trời có chuyển cơ, Anh em ta được như xưa sum vầy. Họ hàng đông đủ cánh vây, Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn. Thể đoàn như đá chẳng mòn, Như thành chẳng lở, như non chẳng dời. Đừng như đàn quạ giữa trời, Gặp cơn mưa gió vội rời nhau ra. Có đàn thì mới có ta, Đàn là rất trọng, ta là rất khinh. Dù khi sóng gió bất bình, Lợi đàn thì dẫu thiệt mình cũng cam. Làm cho cố kết nghìn năm, Mới hay rằng bọn người Nam anh hùng. Làm cho nổi tiếng Lạc Hồng, Vẻ vang dòng dõi con Rồng, cháu Tiên. Nước nhà cơ nghiệp vẹn tuyền, Chúng ta, ta giữ lợi quyền của ta. Mấy câu thuận miệng ngâm nga, Ai ơi xin nhớ bài ca hợp đoàn! ~Phan-Bội-Châu~ GỬI PHƯỜNG HẬU TỬ Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ Thiên hạ thùy nhân bất thức quân Bảy mươi tư tuổi trải phong trần Nay được bạn mới tinh thần hoạt hiện Những ước anh em đầy bốn biển Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian Sống xác thừa mà chết cũng xương tan Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển Mừng được đọc bài văn ‘sinh vãn’ Chữ đá vàng in mầy đoạn tâm can Tiếc mình nay sức mỏng trí thêm khan Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ Dương dương hồ chí tại lưu thủy Nga nga hồ chí tại cao sơn Ðàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm Chung Kỳ chết, ném cầm không gẩy nữa Nay đang lúc tử thấn chờ trước cửa Có vài lời ghi nhớ về sau Chúc phường hậu tử tiến mau. ~Phan-Bội-Châu~ BÀI CA CHÚC TẾT THANH NIÊN Dậy! Dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy, Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng. Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng? Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng. Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót, Trời đất may còn thân sống sót, Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh. Thưa các cô, các chị, lại các anh: Đời đã mới, người càng nên đổi mới. Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội, Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn. Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại. Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi, Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần. Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn, Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa. Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ, Mới thế này là mới hỡi chư quân! Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân... ~Phan-Bội-Châu~ 1926 THIÊN VẤN PHÚ Trời cao mênh mông, Này tôi hỏi ông? Nước Việt Nam tôi, Một góc Á Đông . Dân Việt vẫn con trời thảy, cỏ cây vẫn đội trời chung; Ai vắt nên hình chử S, ai ban cho hiệu con rồng? Chẳng Mường Mọi, sao kêu bằng Lạc? Chẳng cánh lông, sao gọi bằng Hồng? Sao dài dặc hơn bốn ngàn năm, sống chẳng sống, chết chẳng chết? Sao so với năm châu muôn nước, có chẳng có, không chẳng không? Mở pho dân tộc toàn cầu, họ dân tộc sao lộn xộn, chẳng vàng chẳng trắng: Xem bức địa đồ thế giới, sắc nước tôi sao lem nhem, chẳng lục chẳng hồng? Vẫn từng nghe thiên đạo chí công, há lẽ cường phù nhược ức? Vẫn cũng biết thiên ân phổ biến, vì sao ỉ sắc tư phong? Tôi quá nghi ông! Này tôi xin kể Sử cũ nước tôi Nhiều trang sứt mẻ: Thục An Dương Vương, có đức gì mà vương? Triệu Úy Đà có công gì mà đế? Sao lờ mờ sử Việt, hơn hai ngàn năm xưa, Mà tên họ người Nam, không một trang điếm xỉa? Tới Trưng Trắc bắt đầu dựng nước; Thiệt tổ tiên tôi đó, sao ông quá ác không cho Bà vạn đại xưng vương? Kìa Mã Viện thạo ngón cướp người; Là thù địch của tôi,sao ông bất nhân đã giúp nó nhất thời đắc thế? Núi Tản, sông Lô mây nghịt nghịt tức tối vì ai? Cẩm Khê, Lãng Bạc máu ròng ròng thảm thương chăng nhỉ? Lại như sử Lý, Trần, Lê máu pha giọt mực: Thủ lỉnh Hán mười thằng chín ác, sao ông còn chấp cánh cho hùm? Độ hộ Đường ba bị chín quai, sao ông còn dẫn đường đưa giặc? Lý Thường Kiệt nhiều phen đánh Tống, rất có công cùng chủng tộc, thì sao thân bách chiến, ông cho chịu cung hình? Ngô Vương Quyền độc lập thoát Tàu, đáng thịnh thọ sơn hà, mà sao mới sáu năm, ông vội bắt về thiên quốc? Tám đời Lý, cha con thầy tớ, chung vai gánh non sông bốn mặt, lẽ đáng thương là trọn, sao thình lình đẻ mụ Lý Chiêu Hoàng? Một nhà Trần, ông cháu cha con, hùn sức lùa beo cọp trăm bầy, há để giống nào lai, sao cắc cớ sinh thằng Trần Ích Tắc? Qúy hóa thay! Trần Bình Trọng hăng hái thề làm Nam quỉ, ông sao chẳng tiếc, nỡ để chết dưới ngọn dao Nguyên? Tàn ác thay! Giặc Thoát Hoan lăm le giết sạch Nam dân, ông sao quá thương , để nó sống về bên đất Bắc? Mấy ngàn quân trung thành với nước, trên tay đề “Sát Thát’’ vẫn phục tùng mệnh ông đó, sao ông để Mã Nhi, Lỗ Xích vằm xẻo sướng tay? Mấy triệu dân tức giận vì thù, đầy ruột chứa’’ Bình Ngô ” Há chênh lệch đạo ông đâu, sao ông dung Trương Phụ, Liễu Thăng giày bừa phỉ sức? Phục Trần nọ, những phường xỏ lá, chắc ông dư biết, sao ông quá chiều lòng giặc, cha con Hồ, thảy nhét miệng kinh; Tôn Lê kia, những lũ bẻ măng, sao ông dở say, nỡ bắt đày đọa trời Minh, vua tôi Việt, hồn đau tiếng quốc! Tôn Sĩ Nghị, thiệt tay gian xảo, đáng xương bằm đất Việt, sao ông cho nách xéo khỏi Nam Quan? Nguyễn Quang Trung, thiệt đấng anh hùng, đáng bia tạc trời Nam, sao ông lại vu oan bằng Tây tặc? Tôi dám xin ông, Trả lời cho sáng! Ngôi ông vẫn cao, Đức ông vẫn rạng . Có lẽ ông quá già chăng nọ, gương nhật tinh hồ loạn thị phi, Những mong ông cải cách chóng cho, uy lôi điện phân minh hình thưởng . Non nước ấy vẫn còn non nước củ, bao tá thánh hiền hào kiệt, xin ông nay mở lượng tài bồi; Đồng bào tôi cũng như đồng bào ai, thảy là con cháu chắt chiu, nhờ ông hãy rộng đường lai vãng. Đợi đợi…Chờ chờ…Năm năm…Tháng tháng…! ~Sào-Nam Phan Bội Châu~ (1933) RU EM Ru hời, ru hỡi, ru hời Nín di em hỡi chị ngồi chị ru Nước ta từ dựng cơ đồ Bốn ngàn năm lẻ địa đồ còn kia Rừng vàng bể bạc thiếu gì Non sông đất nước cũng thì người ta Mà thử ngẫm: Xiêm La, Nhật Bản Một vót lên cùng bạn liệt cường Nước mình thua kém trăm đường Sống hay chết dở mơ màng điếc câm Nghĩ lắm lúc âm thầm chị giận Không chủ quyền nên mất tự do Cơ đồ tiên tổ để cho Chỉ vì con cháu không lo giữ gìn Nay đến nỗi không quyền tự trị Tám mươi năm sỉ nhục lắm ai ơi Ru hời, ru hỡi, ru hời Mong em khôn lớn lên người Ơn nhà nợ nước em thời lo toan Lo toan đem lại giang san Ðừng tham sống cái nhân tuần như ai. ~Phan-Bội-Châu~ NAM HẢI BÔ THẦN CA (Từ Nhật Bản kí hồi Thống sứ phủ) Á Tế Á[1] năm châu là bậc nhất, Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn. Cuộc đời mở hội doanh hoàn, Anh hùng bốn bể giang san một nhà. Gẫm từ thuở Âu La[2] tìm đất, Vượt Chi Na qua Nhật đến Triều Tiên. Xiêm La, Ấn Độ gần liền, Cao Miên, Đại Việt thông miền Ai Lao. Thịt một miếng trăm dao xâu xé, Chiếc kim âu chẳng mẻ cũng khôn lành. Tôi con Pháp, tớ thầy Anh, Nín hơi Đại Đức, nép mình cường Nga. Gương Ấn Độ còn xa đâu đó, Chẳng máu đào, nhưng cũng họ da vàng Mênh mông một dải Đông Dương, Nước non quanh quất trông càng thêm đau. Cờ tự lập đứng đầu phất trước, Nhật Bản kia vốn nước đồng văn, Thái Đông nổi hiệu duy tân, Nhật Hoàng là đấng anh quân ai bì? Dòng Thần Vũ riêng về một họ, Vùng Phù Tang soi tỏ góc trời, Kể đời trăm hai mươi hai, Năm hai nghìn lẻ năm mươi có thừa[3]. Sẵn cơ hội trời đưa lại đó, Chốn kinh thành Thần Hộ[4] mới dời sang. Dẹp Mạc Phủ, bỏ phiên bang, Đổi dòng chính sóc, thay đường y quan. Khắp trong nước dân đoàn xã hội, Nhà học đường đã ngoại ba muôn. Việc kĩ nghệ, việc bán buôn, Nơi lò hấp bát, nơi khuôn đúc đồng. Chè, lụa, tơ, gai, bông, nhung, vũ, Mọi đồ sơn, vân mẫu, pha lê. Dao với quạt, tán với xe, Đủ mùi hải lục, hợp nghề nông thương. Bốn lăm triệu kể lương dân số, Các sắc quân ước độ triệu người. Chu vi mặt đất rộng dài, Tính vuông Pháp lí bốn mươi vạn thừa. Bốn mốt huyện năm xưa mới đổi, Đầu Nại Xuyên mà cuối Lộc Nhi. Đông Kinh ba phủ cận kì, Ngoài thì Đại Bản, trong thì kinh đô. Tỉnh Bắc Hải dư đồ quanh bể, Huyện Xung Thằng chưa kể đất Lưu Cầu[5]. Gò Đối Mã bốn bể sâu, Nghiêm Đồng đặt súng, Trúc Phu đỗ tàu. Nhà dây thép đâu đâu cũng đặt, Truyền thông thương khắp mặt ngoại dương. Kìa thiết lộ, nọ ngân hàng, Đăng đàn, báo quán, ngổn ngang phụ đầu[6]. Cuộc biến pháp năm đầu Minh Trị, Ba mươi năm dân trí mở mang, Chữ Hán tự, chữ Tây dương, Mọi bài diễn thuyết, các phường chuyên môn. Đất Đại Bản mở đồn đúc súng, Xưởng Đông Kinh riêng cũng một toà. Trường Kì thuyền cục mấy nhà, Dã Tân, Tu Hạ ấy là hải quân. Tàu với súng trăm phần chấn chỉnh, Lại ngư lôi bác đĩnh[7] ai tày. Quan quân luyện tập đêm ngày, Mọi nghề so với Thái Tây kém gì. Đội mã bộ, lục sư các trấn. Từ Hà Di đến tận Tát Ma. Tám đạo rộng, bốn gò xa, Phú Sơn cao ngất, Tì Bà trong veo[8]. Tướng, tá, uý, cũng theo Tây lệ, Đủ vương binh, pháo vệ chỉnh tề, Đồng bào nghĩa khí gớm ghê, Cái thù nô lệ, ắt thề giả xong. Năm Giáp Ngọ[9] đùng đùng sóng gió, Vượt quân sang thẳng trỏ Đại Hàn. Quân Lục Áo, tướng Thái Sơn, Ra tay cho biết cái gan anh hùng. Đông tam tỉnh[10] thu trong tay áo, Bọn trắng da ngơ ngáo giật mình, Cuộc hoà đâu bất thình lình, Chủ trương này dễ Nga đình vẽ khôn. Bụng ái quốc ghê hồn Nhật Bản, Giận xung quan khôn cản nghĩa đồng cừu. Đã toan trở súng quay tàu, Y Đằng[11] can khéo mưu sâu vãn hồi. Nhận bồi khoản Bành, Đài nhượng địa, Trong mười năm rồi sẽ chịu nhau. Nga kia nước lớn lại giàu, Bên giường giấc ngáy, dễ hầu chịu yên, Hàn với Mãn lợi quyền thu sạch[12], Xe Nhĩ Tân, tàu lạch Sâm Uy[13]. Cõi Đông đương cuộc an nguy, Có ta, ta phải phù trì chúng ta. Việc khai hấn chắc là quyết liệt, Đất Á Đông thấy huyết phen này. Giáp Thìn trong tháng Chạp tây, Chiến thư hai nước đợi ngày giao tuy. Trận thứ nhất Cao Li lừng tiếng, Khắp toàn cầu muôn miệng đều khen. Sa trường xung đột mấy phen, Ngọn cờ Áp Lục, tiếng kèn Liêu Đông. Châu Lữ Thuận mơ màng khói bạc, Thành Phụng Thiên ngơ ngác non xanh. Hải quân một trận tan tành, Thái Hoa cắt núi, Đông Thanh xẻ đường. Sức hùng vũ ai đương lại được, May điều đình có nước Hoa Kì. Khéo điều hoà cuộc giải vi, Nếu không Bỉ Đắc[14] còn đâu là đời. Hội vạn quốc diễn bài thương nghị, Chấu mới voi chuyện cũng nực cười. Xem trong hoà khoản mười hai, Bề nào Nga cũng chịu lui trăm phần. Cuộc tang hải khuất thân từng lúc, Áng liệt cường nay cũng chen vai. Khen thay Nhật Bản anh tài, Từ nay danh dự còn dài về sau. Ngồi mà nghĩ thêm sầu lại tủi, Nước Nam mình gặp buổi truân chuyên. Dã man quen thói ngu hèn, Cũng như Minh Trị dĩ tiền khác đâu. Từ giống khác mượn màu bảo hộ, Mưu hùm tinh, lừa lũ voi già. Non sông thẹn với nước nhà, Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu. Việc dây thép, việc tàu, việc pháo, Việc luyện binh, việc giáo học trường, Việc công nghệ, việc nông thương, Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa. Giữ các việc chẳng qua người nước, Kẻ chức bồi, người tước culi. Thông ngôn kí lục chi chi, Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang. Các thức thuế các làng thêm mãi, Hết đinh điền rồi lại trâu bò. Thuế chó cũi, thuế lợn bò, Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe. Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc, Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn. Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền, Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn. Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn, Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn. Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã, Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông. Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng, Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì. Các thức thuế kể chi cho xiết, Thuế xia kia mới thật lạ lùng, Làm cho thập thất cửu không, Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi. Lại nghe nỗi Lào Cai, Yên Bái[15], So muôn người như giải lũ tù. Ăn cho ngày độ vài xu, Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng. Độc thay phong chướng nghìn trùng, Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương. Nỗi diệt giống bề lo bề sợ, Người giống ta biết có còn không? Nói ra sởn gáy động lòng, Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than. Cũng có lúc bầm gan tím ruột, Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra. Cũng xương cũng thịt cũng da Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long. Thế mà chịu trong vòng trói buộc, Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than. Thương ôi! Bách Việt giang san, Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa. Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh? Anh em ta phải tính nhường sao. Đôi bên, bên nọ, bên cừu, Họ khôn phải học, cừu sâu phải đền. Việc tân học phải đem dựng nước, Hội dân đoàn, cả nước với nhau. Sự buôn phải lấy làm đầu. Mọi nghề cũng ghé địa cầu một vai. Bây giờ kể còn dài chưa hết, Chữ tự do xin kết bên lòng. Gương Nhật Bản đất Á Đông, Giống ta, ta phải soi trông kẻo nhầm. Bốn mươi triệu đồng tâm nhất đức, Mãnh hổ kia đem sức với quần dương. Hiệu cờ nổi chữ tự cường, Thay bầy nô lệ làm phường văn minh. Kìa thuở trước như Anh, Pháp, Đức, Cũng chẳng qua cùng cực tắc thông, Hoạ may trời có chiều lòng, Việt Nam dựng lại, phương Đông có mình. Thân phiêu bạt đã đành vô lại, Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân. Chinh Nga nhân lúc hoàn quân, Tủi mình bô bá[16], theo chân khải hoàn. Bưng chén rượu ân ban hạ tiệp[17], Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu, Thiên Nam mù mịt ngàn dâu, Gió Tây như thồi dạ sầu năm canh. Biết bao nỗi bất bình khôn giải. Mượn bút hoa mà cải quốc âm, Thân giàn bao quản cát lầm, Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này. ~Phan-Bôi-Châu~ (1906) (Theo "Văn thơ Đông-Kinh nghĩa thục" của Võ-Văn-Sạch, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1997. Chú thích: [1] Á Tế Á: châu Á, phiên âm từ “Asie”. [2] Âu La Ba: châu Âu, phiên âm từ “Europe”. [3] Mạc Phủ: thủ lĩnh của chư hầu thường lấn át quyền vua; Phiên Bang: những nước chư hầu nhỏ. [3] Kể từ khi lập quốc đến nay có 2500 năm lịch sử và trải qua 122 đời vua cùng họ. [4] Thần Hộ: Kobe [5] Lưu Cầu: quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản, nay là Okinawa. [6] Cột đèn bể, nhà bán báo, đầy rẫy ở bến tàu (phụ đầu). [7] Bác đĩnh: pháo thuyền nhỏ, có đặt súng đại bác. [8] Phú Sĩ: núi Fuji gần Kyoto; Tì Bà; hồ Biwa gần Kyoto. [9] Năm 1894. Cả đoạn thơ này nói về việc tranh chấp giữaTrung-Nhật thời đó. [10] Tức ba tỉnh miền Đông TQ là Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang. [11] Y Đằng tức Ito, thủ tướng Nhật thời đó. [12] Chỉ Triều Tiên và Mãn Châu bị xâm chiếm. [13] Đường xe lửa Cáp Nhĩ Tân và bến tàu thuỷ hải Sâm Uy. [14] Bỉ Đắc: Thành phố Saint Péterbourg, thủ đô Nga. Ý câu này nói Nga có thề mất cả kinh đô. [15] Chỉ việc làm đường xe lửa Yên Bái-Lào Cai. [16] bô bá: trốn tránh [17] hạ tiệp: tiệc tượu vui mừng chiến thắng
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.01.2011 08:39:15 bởi Anh Nguyên >
|