Lão Bường bom (Truyện ngắn)
Andy Tran PBH 16.11.2010 04:25:13 (permalink)
                                           
                                              
                                             LÃO BƯỜNG BOM
                                ( Truyện ngắn của: Andy Tran PBH.)

                                                      * *
               Tên thật của lão là Vũ Văn Bường, nhưng cả cái khu này đều gọi      hắn là Bường nổ vì lão phét lác thành thần, một tấc lên đến giời. Dân cư ở khu Tân Mai này  thấm thía lắm lắm với tính cách của lão. So với cái tên ấy thì sự phét lác còn  vượt xa một tầm một với.
              Có người đề nghị đặt tên khác cho lão.  Nó phải nổ to hơn, giòn giã hơn, hợp với tính cách thực sự của lão. Thế là người ta đặt cho lão một cái tên mới: Bường lựu đạn. Dân trong vùng gọi mãi lâu dần thành quen, người ta chả còn nhớ cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho lão, mà tất cả từ già cho chí trẻ em đều gọi hắn là Bường lựu đạn.
* * *
    Một hôm  vừa về tới xóm, tiếng quát lác của lão đã át cả tiếng chó sủa. Lão bô bô la hét thằng con trai còn bé tí tẹo:
             - Cu Ti đâu rồi? Ra đỡ xe cho bố. Mẹ kiếp cái khẩu súng chết toi này cứ vướng vào yên xe nên làm tao không dựng được nữa.
             Mục đích lão là muốn mọi người biết là mình có súng.  Đèn cổng, đèn sân bật lên sáng choang, lão đi đi lại lại chán chê mà chưa chịu vào nhà. Các nhà xung quanh thấy tiếng la hét, họ tưởng có gì lạ nên lé mắt nhìn sang. Chỉ đến khi nhìn đích xác những đôi mắt tò mò, thô lỗ ghé qua hàng rào hắn mới chịu vào nhà cho. Lão khệnh khạng đi lừng khừng vào nhà, bên hông có đeo khẩu súng, tất nhiên chả biết là giả hay thật. Cái bao da cứ lủng là lủng lẳng trước bụng khiến hắn trông giống như một diễn viên hài. Mà nếu lão có kêu bô la bô lô là súng thật thì cũng chả ai tin.
    Từ cái việc này đến việc nọ, lão càng ngày càng phét lác. Dân cư quanh vùng lại một lần nữa đổi tên cho lão.  Chẳng họp hành, thông báo gì cả mà lần này mọi người nhất loạt gọi lão  với một cái tên mới: Bường bom. Sự thật thì bà con chẳng có ai ác ý gì đâu. Âu là người ta muốn cái tên mới phải nổ to và vang đi xa hơn để cân xứng với sự phét lác của lão.
              Đùng một cái lão khoe với mọi người sắp đi Mỹ, mà là định cư ở Mỹ hẳn hoi.  Đi đâu lão cũng  khoe om tỏi:
    - Hồi xưa tôi làm cho sở Mỹ ở Biên Hoà. Xét thấy công trạng của tôi quá lớn, giờ họ bảo lãnh tôi qua để trả công. Và có thể lại tiếp tục hợp tác với họ nữa ấy chứ.
    lão nói cứ là ngọt xớt. Mấy ông anh cùng mẹ khác cha với lão thì lại nói với mọi người là lão đi theo diện con lai. Và rồi lão đi Mỹ thật. Một ngày kia vợ chồng lão, hai đứa con, một trai, một gái và một đứa cháu gái lão khai gian là con để được đi kèm. Cùng với  lão con  lai nữa cả thảy là 6 người cùng nhau  huyênh hoang đi Sài Gòn chờ chuyến bay  đi Philippnes.
             Lão đi rồi, cả khu Tân Mai  nhẹ hẳn đi. Im lặng hẳn đi. Từ đó người ta không còn nghe tiếng nổ ầm ì phát ra từ miệng của một gã phét lác như lão. Ngay đến cả những con chó cũng bớt sủa đi nhiều.
***
            Đến Mỹ, lão lại tìm cách để phát huy hết công lực của cái mồm. Lão đi nhà thờ tìm những ngưòi quen ở Biên Hoà. Ở đâu không cần biết, miễn là có dính chút Biên Hoà là lão nhận đồng hương tuốt. Rồi lão lân la mời về nhà chơi  đãi một bữa tuý luý rồi kết nghĩa anh em, chú cháu. Lão xưng hô anh em chú cháu cứ là ngọt xớt. Chỉ dùng ba tấc lưỡi có đáng là bao thế mà lão làm được khối việc. Những thủ tục cho người mới nhập cư lão nhờ người ta làm vài ba bữa là xong. Nếu có ai hỏi thì lão nói lão tự làm. Lân la đến nhà mấy ông sỹ quan cao cấp, làm quen và mời tới nhà, đãi tiệc rượu là ngà lão cứ thế mà kêu ba ngọt xớt. Ai mà không thích, bởi cũng có mất vốn mất lãi gì đâu. Lão đợi cơ hội mà tự quảng cáo về mình :
    - Ở Việt Nam tôi từng là đội trưởng đội xe của xí nghiệp vận tải Tỉnh Đồng Nai. Máy móc xe cộ tôi rành một cây. Chỉ nghe tiếng máy là tôi biết tình trạng xe như thế nào.
    Mọi người tin như điếu đổ. Ông Thành trong hội đồng hương băn khoăn về chiếc xe Toyota định mua. Có người giới thiệu sang ông Bường ông ấy giúp. Thế là ông Thành đon đả chạy sang nhà lão:
         - Đây rồi, may quá bác Bường ơi. Chả là tôi đang định mua chiếc xe để
đi chợ, đi búa cho tiện. Hiềm một nỗi máy móc thì tôi có biết gì đâu, nhờ bác giúp cho, tôi đội ơn bác.
         - Ấy chết! Đồng hương với nhau, tôi lại là người Biên Hoà, cùng quê ta cả mà. Tôi chẳng gíup bác còn giúp ai. Mà bác định mua xe như thế nào ?
         - Ông Tư có chiếc Toyota đời 92, ông ấy đang muốn bán.
         -Tôi biết rồi, xe đó chạy cả hơn trăm ngàn miles rồi. Hôm nọ tôi có chạy thử, máy yếu lắm lên dốc ì ạch như xe bò. Ở tiểu bang mình đây, đồi dốc nhiều phải mua xe kha khá một chút. Mấy lại mai mốt mùa tuyết nữa còn đủ sức chống chọi chứ.
         - Thì bác tính thế nào giúp tôi, tôi nhờ cậy cả vào bác.
         - Con trai tôi nó mới mua chiếc Toyota Camry cũng đời 92 nhưng mới qua một chủ thôi. Thằng Mỹ già này nó giữ kỹ lắm, chưa bị trầy một chút sơn. Bo đi (body) còn nguyên xi. Bác qua đây tôi cho bác coi.
          Lão nhanh nhảu dẫn đến chỗ để xe, mở cửa xe, nổ máy còn cái miệng thì tía lia :
         - Máy chạy êm ru. Nội thất bên trong còn thơm phức. Bác nhìn những thứ này để bác tự đánh giá máy móc của nó phải như thế nào. Tôi mua cho thằng con tôi nhưng nếu bác cần thì tôi để lại cho với giá gốc. Cái tình đồng hương là ở chỗ đó đấy, nó còn cao hơn tiền bạc nhiều.
          Lão giở bài ca giáo lý muôn thuở:
         - Bán anh em xa mua láng giềng gần là cái cốt lõi để mình sống ở nơi xứ lạ quê người bác ạ.
           Ông Thành nghe mà mát ruột. Gật gù tán thưởng và cám ơn. Khuôn mặt quá khổ bình thường của hắn như nở rộng hơn ra, làm cho kích thước chiều ngang càng dài hơn chiều dọc. Trong lúc dẫn ông Thành vào nhà. Mặt lão trông lanh lợi hẳn ra, vẻ đắc thắng thoáng hiện trong nụ cười mim mím. Nét gian rảo thoắt  ẩn thoắt hiện trong cặp mắt lươn của lão làm người ta không dễ gì nhận ra.
        Lão nhẩm tính và ra giá trước với cái giọng sơn sớt, còn lanh hơn bọn cò mồi:
        -Tôi mua nó hai ngàn tám, tính bác chẵn ba ngàn. Còn hai trăm kia coi như  là tiền chuyên trở xe giùm cho bác. Anh em, đồng hương giúp nhau là chính chứ lời lãi buôn bán gì đâu.
         Lão  nhanh chóng gút lại:
        - Thế nào bác Thành, đồng ý tôi giao giấy tờ luôn nhé?
         Ông Thành ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, nên gật đầu đại nhưng trong bụng thì nấn ná, muốn nói một lời " Để tôi về hỏi má nó đã" mà cấm có nói được.
    Cuộc mua bán thế là xong. Tiễn ông Thành ra khỏi nhà cũng vừa lúc vợ lão  về đến nhà. Lão kéo vợ lại gần và nói nhỏ " Lời bẩy trăm rồi em ơi!". Cùng lúc trong đầu lão  hình thành hẳn một kế hoạch lớn : Buôn bán xe hơi.
    Từ hôm đó, hàng ngày lão cứ đi dọc đường, hễ thấy xe nào có gắn chữ "cần bán" là  rẽ vào. Gặp người Việt thì lão nói chuyện bằng miệng. Gặp người Mỹ thì lão nói chuyện bằng tay. Cứ ra hiệu, khua chân khua tay cho đến khi Mỹ hiểu thì thôi. Mỹ nó cũng chẳng để ý chi cho mệt. Kết quả cuối cùng là giá tiền thì lão viết nguệch ngoạc ra giấy. Hai bên viết qua viết lại. Khi nghe tiếng “OK” là chấm dứt việc mua bán. Lão trả tiền và lái xe về.
         Hôm sau lão lại dùng cái " tình cảm đồng hương " mà rao bán chiếc xe đó. Ai đến coi xe nghe lão quảng cáo cũng mê. Mà nhu cầu mua xe của người Việt ngày càng nhiều. Bởi thế trong vòng mấy tháng cứ mua qua bán lại, lão cũng kiếm lời từ trên cả chục chiếc xe.
          Nhưng rồi cuộc đời của  lão cũng đến hồi báo động. Đầu tiên là chiếc xe của ông Thành. Ai đời đang chạy lên con dốc để về nhà thì bị bể hộp số, ông đành phải bỏ xe bên lề đường mà lết bộ về nhà. Ông Thành nhã nhặn phàn nàn thì lão nói nghe trợt lớt :
    - Mua bán sòng phẳng. Thuận mua vừa bán. Tôi đâu có ép ông mua.
    Ông Thành nghe lão nói vậy, không nói được gì, chỉ nghe thấy tiếng lẩm bẩm gì đó nghe âm hưởng cuối cùng đâu như là tiếng "A men".
           Tiếp sau đó là ông Thìn, bà hai Thịnh, ông ba Thừa... cũng đến nhà lão  mà phàn nàn về những chiếc xe mà lão đã bán cho họ. Cái " tình đồng hương" của lão từ đó cứ lan dần thành tiếng xấu chả có gì tẩy rửa cho đựoc. Mà cũng đơn giản thôi : Những chiếc xe kia mà lão rước về để bán lại, lão cũng rước từ cái "tình đồng hương" của người khác. Té ra ở nơi đất khách quê người này người ta đã khéo lợi dụng cái "tình đồng hương" để trục lợi. Cái "tình" đó đã trở thành vật mua qua bán lại kiếm lời. Mà người sau cùng phải gánh chịu là người mới tới, ôm sự thiệt thòi mà rơi nước mắt vì cái "tình" đó.
***
            Kiếm được ít vốn liếng lão nhanh chóng chuyển sang đi làm ở hãng. Vào làm ở hãng sản xuất đồ nhựa một thời gian lão thấy chán và muốn bỏ nghề, vậy mà mỗi khi có ai hỏi thăm thì cứ tía lia:
    - Tôi làm ở đó tốt, rất tốt là đằng khác. Lương đương đối cao so với mấy hãng khác, công việc thì ổn định, bảo hiểm y tế rất tốt.  Mà muốn vô vào  làm thì không dễ, phải có người cũ làm việc có uy tín giới thiệu.
    Thế là nhiều người bu theo gã để nhờ cậy. Ai cũng muốn tìm một công việc ổn định để nuôi sống gia đình. Chẳng ai muốn bám lấy mấy đồng trợ cấp của Chính Phủ làm gì.
            Lão Bường gặp may. Giữa lúc đó hãng cần tuyển thêm người. Công nhân cũ giới thiệu được một người mới được hưởng một trăm ngàn đồng tiền thưởng. Một lần nữa lão lại dùng cái "tình đồng hương" mà tìm người vô hãng nhựa để ăn tiền thưởng. Gặp ai cần xin việc là lão bô bô :
    - Tôi là người làm rất tốt nên được hãng cử làm đại diện để kiếm người làm cho họ. Cũng là vì cái tình đồng hương nên tôi cũng muốn giúp anh em, bạn bè đó chớ.
    Mọi người cứ lăn kềnh ra mà tin lão như điếu đổ. Cuộc vận động thành công lớn, kết cục lão giới thiệu được mười người, lãnh trọn một ngàn đồng tiền thưởng. Đùng một cái lão xin nghỉ việc. Mọi người ngơ ngác, lão giải thích:
    - Nghề chính của tôi là lái xe. Tôi phải cầm tay lái vi vu như ngày nào ở Việt Nam thì mới phù hợp và mới phát huy được sở trường.
            Rồi lão mua được căn nhà, gặp ai cũng khoe và còn mời hẳn về nhà mà làm một bữa nhậu nữa. Lão lôi hẳn khách ra vườn và chỉ chỏ:
    -  Đất rộng lắm, mãi tít bờ rào kia kìa. Khi nào thằng con trai tôi lấy vợ tôi sẽ làm cho nó căn nhà ở đó.
     Lão dẫn khách đi đủ các phòng trong nhà khoe lấy khoe để:
    - Tôi mua được căn nhà này là nhờ bà mẹ nuôi người Mỹ đó.
    Chả hiểu lão có mẹ nuôi từ bao giờ. Họ ngờ ngợ là vậy nhưng cũng chỉ nghe thôi mà chẳng thắc mắc làm gì cho mệt xác.
            Gặp ai ở chỗ đông hay ở chợ lão cũng bô bô:
    - Mua nhà chưa anh ? Anh qua đây năm nào? Anh đi diện gì? Tôi mới mua căn nhà đẹp mà rẻ nữa.
    Cứ thế lão xông xổng cái mồm giữa đám đông. Người nghe ngượng muốn chết. Khi ấy vẻ mặt đắc thắng của lão hiện ra rỡ ràng. Cái mặt đã to, bây giờ giãn rộng ra trông lại càng phèn phẹt và trơ trẽn. Cái miệng cá ngão của lão khi cười cứ ngoác lên gần mang tai. Trong con người lão lúc nào cũng dư giả thuốc nổ, giống như được cấu trúc bằng chất TNT vậy.
***
            Hôm nay nhà lão mở tiệc ăn mừng vì vợ lão -bà Kim Mai- được vô làm trong hãng cà phê. Hãng Starbucks coffee. Bạn bè lão mời khá đông. Nhưng đặc biệt hôm nay có nguyên một thằng Mỹ là manager của vợ lão. Lão hãnh diện lắm. Ngồi sát bên thằng Mỹ, hắn xổ ra hàng loạt những câu tiếng bồi nghe cứ như đang nhai đá. Những người Việt thì thấy lãng nhách. Họ thấy mất ngon khi trong bàn có một người chẳng đồng ngôn ngữ với mình.
         Làm chưa đầy tháng. Từ công việc ban đầu là dọn dẹp, làm vệ sinh trong hãng vợ lão được chuyển lên làm ở bộ phận pha chế và đóng gói. Lại còn được làm overtime nữa. Xưa nay ít người được làm overtime lắm. Ngày nào vợ lão cũng được ở lại thêm hai tiếng để dọn dep văn phòng của manager, kể cả việc sắp xếp cho ngăn nắp giấy tờ trên bàn của của ông chủ nữa. Mặc dầu mụ rất mu ti về chữ nghĩa.
         Bà Kim Mai tuy đã hơn năm chục nhưng còn óng mượt lắm. Nước da trắng che lấp những yếu điểm trên khuôn mặt vô duyên. Nói đúng ra thì  đây là khuôn mặt thịt. Nó có một cái gì vừa đần đần vừa ngu ngu. Mà một đặc điểm khá rõ về quan niệm cái đẹp của người Mỹ với người Á đông thì cái gì đàn ông Á châu chê  Mỹ lại thích. Chả thế mà mấy thằng Mỹ đẹp trai lại sở hữu một bà vợ người Việt trông xấu ình. Bà Kim Mai là một trường hợp không ngoại lệ. Nhìn tướng bà đi người ta phát ớn. Lắc bên đông một cái. Lắc bên tây một cái. Nếu bà ta đi nhanh thì hai cái mông cứ ngoáy qua ngoáy lại y như cái mũi khoan bị vênh khi đang khoan vấp phải cục sắt rỉ. Con mắt bà ta hay liếc xéo. Mỗi lần bà liếc ai là như muốn nhấc bổng người đó lên. Bà phát huy hết mức tác dụng cái nước da trắng ngần của mình. Bà ta luôn mặc một cái áo với chiếc cổ quá rộng, để lộ cái ức trắng bềnh bệch. Cái ức ấy khêu gợi như một miếng cheese trước mặt một thằng Mỹ dư thừa dục vọng khi đang đói.
           Mới vào làm được một tuần, bà tuyên bố một câu xanh rờn:
    - Tôi đã tiệt sản cả mười năm nay rồi.
    Có trời mà biết bà muốn nói gì ? Bà ta được thằng Mỹ tin dùng lắm. Số tiền bà mang về cho gia đình mỗi tháng cũng bộn, đủ chi trả mọi thứ nợ nần hàng tháng trong lúc lão Bường bị hãng sa thải vì lái xe gây tai nạn.
           Có hôm bà vừa về tới nhà đã lại nghe điện thoại của gã manager gọi tới " Mai come and do somethings at office". Lão Bường bắt phone và trả lời
    -Yes sir !
     Bà Kim Mai chỉ kịp tắm và lật đật đi ngay. Ấy là những hôm bà về theo giờ của hãng trong lúc gã manager không có mặt ở đó. Khi gã manager về tới hãng không thấy bà nên nó gọi tới nhà, mời bà đến để nó tặng bà hai giờ overtime.
           Biết vợ mình hồi này ăn diện hơn trước, lại hay sức dầu thơm khi đi làm, lão Bường sinh nghi. Khi đi làm về vợ lão chỉ lo tắm rửa và lăn đùng ra ngủ. Mỗi khi lão đánh thức, mụ vợ cứ nhắm nghiền hai mắt còn miệng thì ú ớ:
    - Mệt lắm ông ơi, để tối mai đi.
    Lão cứ là phát điên, phát rồ lên vì ghen. Khổ nỗi sự sống của cả gia đình  giờ chỉ trông vào một mình bà Kim Mai và đứa con lớn. Vì thế mọi nghi ngờ, hờn ghen, lão tự kiềm chế. Lão tự động viên mình:
    - Chắc Thiên Chúa lòng lành cũng chở che bao bọc cho gia đình mình. Bởi mình là một con Chiên ngoan đạo...
***
           Lợi ai người nấy hưởng thì chẳng nói làm gì, đằng này mụ Kim Mai mỗi ngày lại càng lên mặt. Mụ chọc chẹt thế nào không biết, thế mà có khối người Việt bị manager gọi lên office răn đe đủ điều. Một số còn bị hăm doạ sa thải nữa. Người Việt  trong hãng bắt đầu không ưa mụ. Nhưng mụ vẫn kênh kiệu và sống phây phây. Mặt mụ lúc nào cũng nhìn ngược lên cỡ trụ điện là còn thấp.
          Một số người tò mò, trong đó có Dân và Hậu muốn biết công việc mụ Kim Mai làm overtime là gì. Một bữa nọ họ đậu xe ở cây xăng ngoài hãng cà phê. Trời tối hẳn, thấy xe của gã manager và xe của mụ Kim Mai ra khỏi hãng. Dân và Hậu liền chạy xe theo họ. Cũng chỉ muốn xem xem họ đi đâu thôi. Hai chiếc xe từ từ vào parking của một motel gần SeaTac Air port. Hậu lấy celle phone chụp hình trong lúc hai người tay trong tay dắt nhau vào khách sạn.
           Mụ Kim Mai ngày càng lộng hành và mối đe doạ bị đuổi việc cứ ám ảnh trong mỗi người Việt làm trong hãng . Cả Dân và Hậu cũng không nằm ngoài số đó. Trong hai người Dân và Hậu, chính Hậu là người đã giới thiệu mụ ta vào hãng làm. Vậy mà bữa nọ chính mụ lại "thọc mẹt" với gã manager về vợ của Hậu.Thế thì tức thật. Làm ơn trả oán là vậy. Rõ là làm phúc phải tội !
***
          Hậu cũng chẳng cần trả thù. Dù trả thù bằng cách nào đi nữa cũng là đồ hèn. Nhưng cũng phải nói cho lão Bường bo biết sự thật. Khớp cái mỏ bốc phét  lại, lão nhai đi nhai lại bài ca muôn thuở:
    - Bà xã tôi là người uy tín nhất hãng. Bà ấy mới được tăng lương. Cuối năm vừa rồi lãnh thưởng gấp hai năm ngoái đấy. Làm overtime cũng gần  bằng nửa lương người khác. Ai muốn vô làm chỉ cần nói với bà ấy một tiếng là xong.
           Cái chất "Nổ" trong con người lão cũng còn vượng lắm. Bây giờ chỉ còn cách là làm cho nó xì bớt ra thì may ra lão mới bớt "nổ", bằng cách cho lão biết vợ lão đã làm overtime như thế nào.
           Sáng chủ nhật lão thường ở nhà vì chỉ đi nhà thờ vào ngày thứ bẩy, Hậu và Dân đến rủ lão đi uống cà phê. Lão nhận lời ngay không từ chối. Bởi chỗ đông người là gu của lão. Có vậy lão mới có cơ hội tuôn ra những lời phét lác.
             Chưa ngồi ấm chỗ lão đã mở lời :
           - Công việc ở hãng hồi này ra sao? Nghe bà xã nói bận lắm.
           - Cũng bình thường thôi nhưng cũng có nhiều chuyện không hay-Hậu  nói.
           - Lại chuyện nội bộ của người Việt mình chứ gì? Tôi nói thật với mấy ông chứu người mình đi đến đâu là thối chuyện đến đấy. Ganh tị, nói xấu nhau như hát hay. Thấy ai hơn mình một chút là nhẩy ngược lên rồi tìm cách nói xấu. Tôi nghe vợ tôi nói mỗi ngày. Tôi cứ khuyên hoài đấy chứ. Mình phải thương lấy người mình ở nơi đất khách quê người mới phải.
         Dân phụ hoạ:
         - Nhưng chị nhà cũng là đầu mối của mọi sự ganh tị đó, anh biết không?
         Lão nhẩy dựng lên:
         - Là chú nói thế nào ấy chứ. Bà xã tôi là một người từng giúp đỡ nhiều người mình trong hãng đấy chứ?
         - Có giúp, nhưng mà giúp manager để đuổi người mình khi người ấy nói động đến bà ta. Hậu nói.
         Lão tím mặt:
         - Được rồi, để tôi về hỏi tội bà ấy. Nếu đúng vậy tôi sẽ cho bà ấy một trận.
         Hậu dàn hoà :
    - Anh cũng đừng có nóng, sẽ làm hư hết việc. Chỗ anh em trong nhà tôi nói thật, người ta nói vợ anh với thằng manager có quan hệ với nhau.
         Lão hùng hổ :
    - Tôi thề là vợ tôi không bao giờ làm như vậy. Bà ấy là một con chiên ngoan đạo. Các chú cứ nói cho tôi biết ai nói chuyện này, tôi xin ăn thua đủ với họ.
          Hậu định bụng sẽ dẫn lão về nhà và cho xem hình mà họ ghi lại được. Nghĩ đi nghĩ lại  anh nhã nhặn dàn hoà :
        - Chẳng qua tụi tôi cũng vì anh, vì hạnh phúc gia đình anh nên mới nói với anh điều này. Nếu anh không muốn biết rõ sự thật thì thôi vậy.
         Chọc đúng thói tò mò của lão. Lão muốn biết sự thật ra sao, nên lão xuống giọng :
         - Thì tôi coi các chú như em tôi vậy. Có gì các chú cứ nói thật hết ra. Và tôi hứa cũng chỉ anh em mình biết thôi. Mình ở nơi đây cứ coi tình thương là quý các chú à.
         - Anh phải hứa là không làm to chuyện với chị nhà. Bởi đây là miếng cơm manh áo của tụi tôi nữa. Thằng manager mà biết được thì anh em tôi bị đuổi việc là cái chắc.  Hậu bình tĩnh giải thích.
          Mặt lão thuỗn ra, có vẻ buồn lắm. Nhưng lão cũng nhận ra nếu chuyện này mà đổ vỡ thì ngay  cả vợ lão cũng sẽ bị thất nghiệp. Mà thất nghiệp trong những ngày này có mà tự tử. Suy đi nghĩ lại lão xuống giọng:
    - Thôi thì các chú tính sao tôi nhờ.
           Hậu gút lại:
    - Chúng tôi sẽ cho anh biết sự thật. Nhưng anh hứa phải giữ kín, không  được có hành động thô bạo với chị ấy. Chúng tôi sẽ cho anh coi hình mà tình cờ hôm  nọ  chúng tôi ghi lại được.
            Hậu mở điện thoại, tìm đến chỗ hai người vào motel. Đúng lúc ánh sáng đèn của motel sáng rực nên hình khá rõ nét. Chỉ nhìn qua cũng biết là ai. Lại có thêm tấm hình chụp xe hai người đậu trong parking, có cả tên motel. Thế là đã quá đầy đủ.
         Mặt lão tím lại. Rồi chuyển sang mầu tím bầm, sau cùng nhợt  nhạt, trắng xanh không còn hột máu. Lão nhắm nghiền hai mắt và đưa tay bóp trán. Hậu an ủi :
          - Âu cũng là vận hạn. Anh đừng buồn phiền quá.
           Dân thì khoá miệng lão lại :
          - Anh cũng nên nghĩ tới sinh mạng của gia đình. Bao nhiêu tiền nợ hàng tháng, tiền ăn cho mọi người, tiền lo cho tụi nhỏ ăn học, đều do một mình chị ấy lo cả. Ở đời chẳng ai cho không ai bao giờ. Ông mất chân giò thì bà phải thò chai rượu. Có ném hòn đất đi mới lấy được hòn chì chứ anh .
           Mặt lão buồn rười rượi. Lão nghĩ tới đống billes tháng này chưa trả mà ra mồ hôi nhớt. Miệng lão lẩm bẩm một câu kinh nghe không thành tiếng...
***              
           
          Lão Bường từ đó sống im lặng lắm. Lão như tách ra khỏi cuộc sống ồn ào náo nhiệt, đứng trong khoảng lặng của đời. Lão thấy mình như đang bị một vật nặng đè lên người và nó có thể giết chết bất cứ lúc nào. Tính mạng cả gia đình lão cũng đang bị đe doạ bởi nó. Rồi đây lão chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn thấy ai. Chẳng còn có thể  khoe khoang, khoác lác với thân nhân bên Việt Nam nữa. Nó như một bóng đen bao trùm  lên người lão. Nó che kín cả đôi mắt lươn của lão, đôi mắt lanh lợi và gian xảo đã có những thời kì làm vinh quang cho cuộc đời lão. Lão đang kề cận với cái vật kinh hoàng: Đồng tiền!
          
          Thỉnh thoảng vài người gặp lão đi ngoài đường. Lão tránh mặt. Lão im lìm như một cái bóng. Cái tên mà dân Tân Mai đã đặt cho lão bây giờ chẳng còn ý nghĩa nữa. Trông lão như một cái bong bóng xì hơi mà bọn trẻ vứt ở lề đường bị nhiều người dẫm đạp  lên.
         Bầu trời vùng White Center đầy mây đen. Gió thổi vù vù. Tuyết đang rơi lả tả. Bầu trời mùa đông ảm đạm, lão Bường bon nặng nhọc, cô đơn bước những bước nặng nhọc giữa dòng người xe tấp nập, giữa cuộc sống đô hội phồn hoa nơi đất khách...

                                                                 Seattle, Đông 2009
                                                                           PBH
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9