TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA
tahuudinhqn 18.11.2010 15:04:21 (permalink)
TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA
 
                                                               Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Bài báo “Bộ óc tốt nhất sau Mác” của Nguyễn Hải Hoành (Văn nghệ số 20, ngày 16/5/2009) viết: “Ngày 15/1/2009 vừa qua, tại Beclin, thủ đô nước Cộng hòa liên bang Đức đã diễn ra trọng thể lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht, hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào công nhân Đức. Cuộc mít tinh năm nay có nhiều nhân vật đặc biết như các ông: Lothar Biski, Chủ tịch đảng xã hội chủ nghĩa dân chủ Đức (PDS tiền thân là đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức), Grego Gysy, nguyên là Chủ tịch và hiện là trưởng đoàn nghị sỹ Quốc hội liên bang của đảng PDS, Egon Grenz, nguyên Tổng bí thư đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Hans-Modow, nguyên Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng cuối cùng của nước cộng hòa dân chủ Đức.
Đặc biệt hơn cả là sự có mặt lần đầu tiên của một nhà chính trị cao cấp phía Tây Đức – Ông La-fontaine, nghị sĩ Quốc hội nước Cộng hòa liên bang Đức, cựu Chủ tịch đảng Xã hội dân chủ Đức (SPN, đảng lớn nhất nước Đức trước kia và là đảng cầm quyền của nước Cộng hòa liên bang Đức, dưới thời thủ tướng Gerhard Sehroder…”.
Xin bạn đọc vui lòng nhìn lại quá khứ nước Đức một chút: Năm 1945, năm cuối cùng Thế chiến Hai, Hồng quân Liên Xô tiến vào phía đông thủ đô Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hitle. Quân đồng minh Anh – Pháp – Mỹ tiến vào phía tây Berlin. Phát xít Đức - Ý – Nhật đầu hàng. Thế chiến Hai kết thúc. Nước Đức bị chia cắt. Phía Đông thành nước Cộng hòa dân chủ Đức. Do đảng “Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức” lãnh đạo. Phía Tây thành nước Công hòa liên bang Đức. Do đảng “Xã hội dân chủ” (SPD) lãnh đạo. Rồi sau, do kinh tế bên Tây phát triển hơn, dân bên Đông lén lút chạy sang bên Tây cư trú. Nên Chính phủ Đông Đức xây tường ngăn trên biên giới hai nước ở giữa thủ đô Berlin.
Năm 1989, khối Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã. Ở Đông Đức, Nhà nước vừa tổ chức lễ mừng Quốc khánh 40 năm, thì bốn ngày sau dân chúng phá bức tưởng Berlin đổ sập. Dân hai bên chạy ùa sang nhau, ôm nhau nhẩy múa, tay bắt mặt mừng. Thế là sau 40 năm chia cắt, nước Đức đã hòa bình thống nhát. Người dân vui sướng nhặt những viên gạch ở bức tường mình vừa đập vỡ, để lưu giữ một kỷ niệm buồn của lịch sử.
Ông Honecker, đương kim Tổng bí thư đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, chạy vào doanh trại quân đội Liên Xô đồn trú tại Đức để lánh nạn. Rồi ông đi theo, khi họ rút quân về nước. Còn tất cả cán bộ, đảng viên của nước Cộng hòa dân chủ Đức, từ các vị đứng đầu như cựu Tổng bí thư, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trở xuống, sau khi ra trình diện chính quyền mới (tức chính quyền Tây Đức cũ), họ vẫn được hưởng đầy đủ quyền công dân. Được tự do làm ăn sinh sống. Kể cả quyền tự do hoạt động chính trị.
Đó là chuyện đảng phái chính trị của nước người. Còn sau đây là chuyện ở nước ta: Trong bài báo “Bài thơ dâng Bác”, tác giả Phạm Trường Thi viết (Văn nghệ số 20, ngày 16/5/2009): “Sau những ngày chiến đấu vô cùng gay go và quyết liệt, ta đã tiêu diệt hoàn toàn sào huyệt cuối cùng của bọn phản động Đại Việt và Việt Nam Quốc dân đảng ở thủ đô Hà Nội, tại các phố như: Ôn Như Hầu, Đỗ Hữu Vy, Duvigneau (tức phố Bùi Thị Xuân hiện nay), Quan Thánh, Lê Quý Đôn, Ha Le…Bọn đầu sỏ phản động, bọn bồi bút của báo “Việt Nam” và một số tên khác bị tóm gọn…”.
Đọc bài báo này, khiến tôi lại nghĩ đến ông Nguyễn Thái Học, lãnh tụ tiền bối của Quốc dân đảng. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 thất bại, nếu ông không bị bắt ở thôn Cổ Vịt, và không bị thực dân Pháp kết án tử hình, mà vẫn sống đến khi quân ta tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Quốc dân đảng ở Hà Nội, thì liệu ông có được tha không, hay ông cũng bị “tiêu diệt” ?..
*
*       *
Theo bộ sách “Lịch sử kinh tế Việt Nam”, do Viện kinh tế Việt Nam xuất bản, thì Cải cách ruộng đất đã tiến hành ở  3.563 xã, với mười triệu dân. Tỷ lệ địa chủ được quy định là 5%, thì số địa chủ lên tới 500.000 người. Song, thực tế đã xẩy ra số nạn nhân là 172.008 người. Hơn mười nghìn người bị xử bắn. Trong đó hầu hết đều bị Đội cải cách quy là đảng viên Quốc dân đảng. Thậm chí nhiều người trong đó còn xác định là ủy viên trung ương Quốc dân đảng.
Nào ngờ, khi sửa sai mới vỡ lẽ, họ đều là đảng viên của đảng ta cả!
*
*         *
Do quan điểm chính trị cho rằng, tư sản là giai cấp áp bức bóc lột, và chủ nghĩa tư bản là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với những đảng đối lập như Quốc dân đảng và Đại Việt, ta sẵn sàng coi họ là kẻ thù, cần phải loại bỏ, phải đấu tranh một mất một còn. Nhưng đó là trước đây. Còn từ ngày mở cửa hội nhập với thế giới, ta đã tuyên bố sẵn sàng “làm bạn” với tất cả các nước. Vậy, bây giờ ta có coi chủ nghĩa tư bản là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội nữa không? Hay bên ngoài ta coi họ là “bạn”, nhưng bên trong thì vẫn là “thù”?
Vậy mà ở phía bên kia, hình như họ không coi ta như ta coi họ là kẻ thù. Cho nên ông Lafontaine đi dự mít tinh, kỉ niệm ngày sinh hai nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Đức.
Xã hội loài người đang nhanh chóng biến đổi từng ngày, và mối quan hệ giữa con người với con người mỗi ngày một thêm bạn bớt thù. Có lẽ đã đến lúc người Việt Nam chúng ta nên coi việc làm của ông Lafontaine là tấm gương tốt./.
                                                                                                              Uông Bí, ngày 25/5/2009
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9