Chuyện lạ!
tahuudinhqn 24.11.2010 15:49:39 (permalink)
CHUYỆN LẠ

Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh

Theo bài báo “Lạ lắm Phần Lan” của Vương Trọng (Văn nghệ số 29, ngày 17/7/2010), thì ở đất nước Phần Lan có rất nhiều chuyện lạ. Ở bài viết nhỏ này, không dám làm mất thêm thì giờ của bạn, tôi xin chỉ trích ra một chuyện:
“…Trưa hôm ấy Hằng (cháu gái của tác giả, bán hàng thuê cho chủ một quán nhỏ ở bên đường Runebergin, thuộc trung tâm thủ đô Helsinki), Hằng thấy một người đàn bà từ tầu điện xuống, đến mua một cái bánh hămbơgơ, loại giá 3,9 đồng. Khi trao bánh, Hằng mới nhận ra khách là bà Tổng thống Tarja Halonen. Hằng hỏi:
- Có phải bà là Tổng thống Phần Lan? Bà hỏi lại:
- Sao bạn biết?
- Thì cả nước có ai không biết bà!
Thấy bà Tổng thống mở túi lấy tiền, Hằng bảo:
- Cho tôi được biếu bà.
- Thế quầy hàng này là của bạn?
- Tôi chỉ là người làm công. Nhưng không sao.
- Thế thì tôi không đồng ý.
Phải nhận tiền. Hằng lại bảo:
- Số tiền này tôi sẽ để riêng ra. Vì là tiền của Tổng thống chứ không phải tiền thường.
- Bạn chẳng cần phải làm thế. Tổng thống thì cũng chỉ là một người dân thôi.
Quán nhỏ, không có bàn ghế. Nói rồi, bà cầm chiếc bánh đến bên gốc cây phong bên cạnh quán, đứng ăn hết sức tự nhiên…”.
Đói thi ăn, khát thì uống, cho dù với ai thì đó cũng là việc hết sức bình thường. Nhưng cái cách đứng tựa gốc cây ở vỉa hè mà ăn như một “phó thường dân”, của một vị Tổng thống, thì quả là chuyện hết sức lạ lùng đối với người Việt Nam chúng ta. Vì ở nước ta, có dễ đến cả bốn nghìn năm lịch sử, cũng chưa từng thấy bao giờ.
Đó là chuyện ở Phần Lan.
Còn ở nước ta? Trong con mắt của người nước ngoài, chắc cũng không ít chuyện lạ. Nhưng để làm thành một vế, cho cân xứng với trên kia, ở đây, tôi cũng xin chỉ nêu ra một chuyện lạ:
“Sân bệnh viện, người đông như hội. Sợ người ta va, làm bố ngã, anh con trai đi cùng, nắm lấy cánh tay tôi, lách bước đi lên. Còn cô con gái cầm giấy tờ, thì rảo bước đến phòng tiếp nhận giấy tờ xếp hàng.
Bước vào hành lang chật chội, kẻ xuôi người ngược, càng khó đi. Vừa phải tránh người đi, vừa phải tránh những người nằm, ngồi vạ rập ở chân tường. Họ đi nuôi người nhà ốm, phải lấy gốc cây, vỉa hè làm nơi tá túc. Có người nằm úp mặt vào chân tường, ngủ lịm đi như người chết, chắc đã nhiều đêm anh ta phải thức trắng?
Hai cha con tôi đến chờ ở cửa khoa tim mạch. Chẳng kiếm đâu ra một tẹo diện tích, để đặt cái mông móp mọp của tôi xuống đất. Loay hoay một lúc, rồi đành đứng tựa lưng vào cột hiên nghỉ vậy!
Năm năm trước đến đây khám bệnh, tôi đã thấy cái cảnh tượng này. Nhưng ngày ấy chưa đến nỗi phải chen lấn như bây giờ.
Sau chiến tranh Nhà nước chỉ chú trọng phát triển kinh tế. Lo thu hồi đất. Lo giải phóng mặt bằng, lập khu công nghiệp và mời các nước vào đầu tư. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư vào nơi nào ít rủi ro, lợi nhuận cao và chóng thu hồi vốn. Chẳng ai chịu đầu tư vào ngành Y tế. Dân số phát triển nhanh (mỗi năm thêm một triệu người). Cơ sở y tế quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy cái bệnh viện do người Pháp xây, từ thời Thống chế Pétin của nước họ còn tại vị (Hiểu theo nghĩa lâu, cũ), và mấy cái bệnh viện của các nước bạn viện trợ như: Việt - Xô, Việt - Đức, Việt - Tiệp, Việt Nam – Thụy Điển v..v…
Bệnh viện quá thiếu, nên ở đâu cũng quá tải. Vì hậu quả của chiến tranh, và do nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, nên bệnh tật ngày càng phát sinh. Thế là các “ông bà chủ của đất nước” phải chen chân nhau, phải giẫm đạp lên nhau, để giành giật lấy sức khỏe và sự sinh tồn. Còn các “ông bà đầy tớ của dân”, nếu bị nhức đầu sổ mũi, thì đã có “chuyên cơ” chở họ ra nước ngoài điều trị.
Chẳng những thiếu bệnh viện, mà cả thuốc men, dụng cụ y tế cũng vừa thiếu, vừa cũ kĩ và lạc hậu…
Ông hàng xóm là bác sĩ nghỉ hưu, bảo tôi bị bệnh “ngoại tâm thu” (tim có lúc bỏ nhịp, đập không đều). Tôi đi khám. Ông bác sĩ làm điện tim, mở cái hộp gỗ, trông na ná như cái hòm của đứa trẻ đánh giầy. Ông dán các đầu dây điện vào cổ tay, chân tôi, rồi cho máy “chạy” vài ba phút. Khi được lấy kết quả, ông bác sĩ ở phòng khám bảo: “Tim ông quá tốt. Là bác sĩ, tôi cũng chỉ mong tim mình được như vậy thôi”. Nhưng vừa về đến nhà, tim tôi lại bỏ nhịp !
Tại máy cho kết quả sai ư? Không ! Tại cấu tạo của máy. Người ta sản xuất ra cái máy để “đo đếm” nhịp tim chỉ có vài ba phút. Nếu lúc đó tim người bệnh đập bình thường, thì trên giấy điện tim cũng hiển thị như vậy. Thế mà chẳng hiểu sao người ta vẫn sử dụng cái máy như vậy?
Khám ở địa phương không thấy bệnh, nên ngày ấy tôi mới lên đây. Khi được gọi vào phòng điện tim. Ông bác sĩ bảo: “Xin bác vui lòng đặt cho cháu ba triệu” Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, không hiểu, ông giải thích: “Bác thông cảm cho. Cái máy này giá năm triệu. Nhưng bệnh viện cũng chỉ dám yêu cầu bệnh nhân đặt ba. Vì cả bệnh viện chỉ có năm cái. Cho nên cho bệnh nhân đem máy về nhà, phải đề phòng bất trắc”. À thì ra là vậy.
Máy điện tim ở đây không để ở bên ngoài, và quy trình máy không chỉ “chạy” vài ba phút. Mà người bệnh phải đeo máy vào ngực, để máy “đo đếm” nhịp tim liên tục ba bốn ngày đêm liền.
Tôi đeo máy về nhà trọ nằm.
Cái máy tuy không nặng, chỉ hơn vài cân. Nhưng rất vướng víu, khó chịu. Mong mãi mới đến ngày trả máy. Mới sáng sớm, cha con tôi đã đến trước cửa phòng điện tim. Tưởng mình đến trước. Hóa ra có người còn sớm hơn. Đó là người đàn ông, khoảng trên dưới sáu mươi tuổi, nhỏ bé, gầy còm, râu ria lởm chởm. Mặt mũi trông hiền lành, nhưng sao cặp mắt ông ta lại lấp loáng nhìn tôi như một kẻ bất lương? Cặp môi dầy nhợt nhạt thỉnh thoảng lại mấp máy, như muốn bắt chuyện, làm quen, nhưng còn e ngại. Thấy vậy, tôi chủ động hỏi:
- Chắc bác đi làm điện tim?
- Vâng. Có phải bác đến trả máy không?
- Vâng !
- Ôi ! Thế là may em rồi! Em ở mãi Hà Giang cơ bác ạ. Ốm quá. Ở trên ấy không chữa được. Xuống đây, em phải chờ đến hôm nay là vừa đúng hai mươi tàm ngày rồi bác ạ - Tôi đưa mắt sang đứa con gái cùng đi, như ngầm bảo: “Bố con mình chờ có ba ngày đã thấm vào đâu”- Cũng may em có ông anh công tác ở trung ương, ông ấy nuôi. Chứ như em thì phải về Hà Giang lâu rồi. Tiền đâu mà cơm hàng nhà trọ.
Ôi chao ! Cái bệnh viện chuyên khoa tim mạch lớn nhất cả nước, với hơn tám mươi triệu dân, mà chỉ có năm cái máy điện tim. Mỗi cái giá có năm triệu đồng! Tại sao không mua thêm máy, mà để người bệnh phải chờ đợi lâu thế? Chẳng lẽ bệnh viện không có tiền ư ?..
Trả máy xong, tôi hỏi con gái:
- Nhờ có “chân trong”, nên bố con ta chỉ phải chờ có ba ngày. Vậy con cho cái cô hộ lí giúp mình ấy bao nhiêu?
- Ba trăm. Nhưng nói mãi nó vẫn không nhận đâu bố ạ. Con quen nó, vì chị nó cùng làm một chỗ với con.
- Ba trăm thì chẳng là bao. Nhưng…vậy là lòng tốt vẫn còn, và người tốt ở đâu cũng có !
*
* *
Chờ mãi mới thấy đứa con gái tất tả chạy ra, bảo: “Sắp đến lượt mình rồi. Bố vào khám đi!”. Vào phòng khám. Bà bác sĩ áp ống nghe vào ngực tôi vài giây, rồi bảo: “Bác được chuyển viện từ tuyến dưới lên. Chúng tôi cho bác được nhập viện. Bác cầm giấy tờ sang phòng số 2. Ở đấy người ta sẽ sắp xếp cho bác”. Bố con tôi mừng quá, vội vàng cảm ơn bác sĩ rồi đi ra ngoài.
Bây giờ ba cha con tôi lại tách thành hai nhóm. Người đứng chờ và người đi xếp hàng. Ở đây không phải chờ lâu, chỉ hai ba mươi phút, đứa con gái đã trở ra. Nhưng mặt buồn thiu, bảo: “Bệnh viện không còn giường. Người ta yêu cầu mình phải làm giấy cam đoan, tự nguyện “nằm” điều trị ở trên cái giường đã có từ hai đến năm người bệnh”.
Chết ! Chết ! “Một đêm nằm, một năm ở”. Hai người thì còn có thể nằm giở giáo. Chứ những năm người, thì chỉ ngồi cũng chưa chắc xong, chứ nói gì nằm ! Đi chữa bệnh mà năm người phải ngồi chung trên một cái giường cá nhân rộng 0,80m, dài 1,80m, và ngồi suốt ngày này sang ngày khác, thì đến người khỏe như voi cũng chết chứ nói gì người ốm. Bệnh tật chưa chắc đã chết, mà chết vì phải ngồi !
Và đó quả là một chuyện lạ. Cả hành tinh này chắc không đâu có. Mà ngay cả ở nước ta, kể từ thuở Mười tám đời Vua Hùng dựng nước đến bây giờ, đây là lần đầu tiên dân ta mới “được hưởng thụ” !
Cha con tôi dẫn nhau ra ngoài gốc cây ngồi bàn bạc. Đứa con trai hỏi đứa gái:
- Ở đây có phòng “tự chọn” không?
- Có. Em hỏi rồi. Nhưng cao lắm. Sức mình không với tới được đâu. Ba trăm ngàn đồng một ngày. Đắt hơn cả khách sạn loại có sao. Mà cũng không còn giường. Tôi bàn:
- Hay mình cứ viết giấy cam đoan, nhận cái giường họ chỉ định, rồi xin ra nhà trọ nằm, đến giờ làm việc lại vào.
Bàn xong. Đích thân tôi đến nói năng. Nhưng người trực phòng số 2 cương quyết từ chối, bảo: “Cho bệnh nhân ở bên ngoài, bệnh viện không quản lý được”.
Thế là tôi phải về, và sống chung với bệnh vậy !

Uông Bí, ngày 20/10/2010
Tạ Hữu Đỉnh
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9