Những món ăn dân dã miền Nam Bộ
Bồn bồn
Ở quê, hầu hết các món nấu ngọt với nước cốt dừa đều gọi chung theo cách nấu: canh dừa. Nói đến món ngọt, thường dễ ngán, nhưng có những khi bỗng thấy thèm làm sao vị ngọt béo của các món canh dừa dân dã. Phổ biến nhất là bí rợ nấu dừa, chuối chín, khoai... Còn có một món hơi lạ miệng, tưởng chừng như chỉ ngon khi nhận dưa, đó là bồn bồn, nhưng bồn bồn tươi nấu dừa cũng rất ngon.
Cà Mau là xứ nổi tiếng với món mắm ba khía, dưa bồn bồn. Trước đây, chỉ toàn bồn bồn mọc tự nhiên, có sẵn trên các đồng, bãi, cù lao... Hiện nay, bồn bồn tự nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nên ở các huyện xuất hiện thêm nghề mới: trồng cấy bồn bồn. Số bồn bồn thu được không chỉ để làm dưa mà còn để bán tươi. Bồn bồn tươi dùng trong các món lẩu, trộn gỏi, xào tép... còn nếu đem nấu dừa ăn với cá kho tiêu cũng rất bắt.
Chọn lấy phần non trắng, cắt riêng gốc, ngọn. Phần ngọn nếu củ hủ lớn thì chẻ làm đôi. Vắt nước cốt dừa để riêng, lấy nước hai bắc lên bếp nấu trước, đợi nước sôi bỏ phần bồn bồn vào. Nêm nếm vào ít đường, chút muối cho món ăn đậm đà, chừng nào bồn bồn chín hẳn, gần nhắc nồi xuống rồi hãy chế nước cốt vào. Bồn bồn tươi nấu dừa ăn lạ miệng, vừa dai dai, có vị ngọt riêng của bồn bồn còn tươi non, vừa có vị béo ngọt của nước cốt dừa, đường. Vì đây là món ngọt nên để cân đối, nhất thiết phải ăn với món mặn mới ngon, ngon nhất là cá sặt kho tiêu
.
Dưa bồn bồn là một món dưa muối được làm từ phần gốc non của cây bồn bồn ủ trong nước gạo pha muối. Đây là một trong những món ăn đặc trưng của vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Khi ăn, dưa bồn bồn thường được chấm nước tương, nước cá kho, thịt kho. Dưa bồn bồn còn được xào cùng tép, thịt, cá, hoặc dùng để nấu canh chua với các loại cá như cá ngác, cá rô, cá bông lau, cá ba sa, cá dứa.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.11.2010 20:55:32 bởi Ct.Ly >
Bồn Bồn chấm mắm kho |
Kể từ khi khăn gói lên đường thực hiện Nam tiến, chinh phục vùng đất phương Nam, những cư dân đầu tiên của Nam bộ lúc bấy giờ phải chịu nhiều gian lao vất vả, phải đối mặt với thổ dân, với thú dữ, với rừng thiêng nước độc để bảo vệ mình và bảo vệ thành quả lao động của chính mình. Nhất cử nhất động của ngoại cảnh, cư dân phải đặt trong tình trạng sẵn sàng đối phó:
Tới đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu phải sợ, cá vùng phải lo!
Cuộc sống ban đầu của người dân Việt đi mở đất phương Nam là thế đó. Chưa hết, về cái ăn thì hết sức chật vật, mọi nhu cầu về ăn uống đều tuỳ thuộc vào sức lao động và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, mọi sự cải tạo thiên nhiên lúc ấy hầu như chưa có hiệu quả đáng kể. Chẳng hạn như khi cư dân bắt được nhiều cá ăn không hết thì nảy sinh ra làm mắm để dành. Đến mùa nghịch, cá tôm khan hiếm thì đem mắm ra kho, tìm những loại rau dại có thể ăn được như đọt bần, đọt choại, đọt sộp… để ăn. Đặc biệt là cư dân biết dùng bồng bồng ăn với mắm kho, một loại rau được đưa vào văn học dân gian ở Nam bộ:
Bồng bồng chấm với mắm kho
Cơm ăn mươi bát chưa no, còn thèm.
Bồng bồng là loại rau gì mà ăn với mắm kho hấp dẫn đến thế?
Có lẽ gọi bồng bồng là một loại rau dại thì đúng hơn, thường mọc hoang ở những nơi ruộng liền, đất có nhiều phèn mặn, cùng với các loại rau cỏ dại khác như rau choé, đồng tiền. Nó là nỗi lo của người nông dân khi gieo trồng, vì chúng phát triển mạnh thì sẽ rút hết các chất dinh dưỡng nuôi cây lúa làm lúa bị thất mùa. Vì thế chúng luôn bị nông dân tìm cách diệt trừ như nhổ bỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ.
Bồng bồng là loại cây phân nhánh, lúc cây mới mọc thì thẳng thân xốp, lên cao khoảng 15-20cm cây bắt đầu phân nhánh có nhiều cành nom như cây ớt, khi trưởng thành cây có nhiều trái mọc chỉ thiên, thân trái trông giống như trái tiêu ớt, nhưng ngắn và to hơn.
Bồng bồng ăn với mắm kho là loại bồng bồng còn thời kỳ mọc thẳng chưa phân nhánh thân còn non mềm. Trước hết người ta nhổ cây bồng bồng, cắt bỏ gốc và rễ, lặt bỏ lá ở phía trên thân, lấy một đoạn thân mềm từ phía gốc tuỳ theo cây tốt xấu khoảng 7-10cm, rửa thật sạch để ráo nước vì phần gốc nằm dưới nước lâu ngày có khi bị đóng váng phèn. Cắt thân cây ra từng đoạn ngắn chừng 5cm. Dùng tay bóp dập thân cây. Thân cây bồng bồng xốp nên cũng dễ bóp, rồi cho vào tô rưới giấm thêm một ít đường cát, và trộn đều lên.
Chuẩn bị một nồi mắm kho đặc sắc, còn nóng, có kho lẫn tôm đất hoặc tôm bạc, thịt ba chỉ, mực tươi, cá chú, cà nâu, đậu bắp, có thêm nước cất dừa vắt kẹo, nêm cho vừa ăn, đừng để mặn quá không ngon.
Thân bồng bồng có vị hơi đắng, hút các chất chua ngọt của giấm và đường, khi chấm vào mắm kho thì hấp thụ thêm chất mặn, ngọt, béo của mắm, bột ngọt, thịt, cá thì thật là hấp dẫn.
Bồng bồng chấm mắm kho ăn với cơm nóng hoặc ăn với bún thì khỏi phải chê. Còn nếu chấm bồng bồng đã được bóp giấm vào mắm kho để trong lẩu có than nóng hoặc nồi để trên bếp ga, bếp điện mà nhậu lai rai với rượu mạnh thì hết ý.
Phạm Nguyên Phương
Bông điên điển, món ngon miền sông nước Hậu Giang
|
Cây điên điển là loại cây có thân xốp, nhẹ, thường dùng để làm đế giày, nút chai, mọc hoang ở ven vùng sông miệt Hậu Giang, nước ngọt.
Có nhiều người chưa hề nghe và thấy cây điên điển ngay cả người gốc miền Lục Tỉnh...
Ở Hậu Giang, mỗi năm vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu nước lên, mà người ở đây gọi là mùa nước nổi, làm cho cây điên điển ở đây trở nên xanh tươi, rợp bóng cả bờ sông, bờ rạch... tạo nên một khung cảnh sông nước đã đẹp thêm hữu tình và thơ mộng.
Rồi gió lạnh nhè nhẹ thổi về, nắng bắt đầu vàng và cây điên điển bắt đầu trổ bông vàng rực rỡ, oằn rủ xuống tận mí nước bên bờ sông, điểm tô cho trời đất phương Nam thêm đẹp lên.
Trời vừa dứt mùa mưa, nước dâng cao hơn thì cả rừng điên điển đã trĩu nặng bông và bắt đầu rơi rụng. Cả dề bông điên điển nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tấp vào bờ sông, bềnh bồng theo cơn sóng, ôi thật đẹp!
Rồi có người nghĩ ra cách chế biến thành thức ăn mà tới nay trở thành "quốc hồn quốc túy".
Người miền Nam gọi hoa là bông, và có thói quen dùng bông làm thức ăn, thể hiện cái triết lý ăn uống "thực tế - có gì ăn nấy", không câu nệ, nguyên tắc.
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Bông bí, bông bầu, bông mướp được dùng nấu canh với tôm rất ngon. Có người dùng để "um" với mỡ hay với hột vịt. Nhiều thì luộc để chấm với món kho, món mặn, như rau luộc, ăn rất ngọt và rất bùi.
Bông cải trắng, cải ngọt, cải xanh là món ngon và cao cấp, dùng để xào tôm, xào thịt. Nay thời buổi văn minh người ta đã chuyên trồng cải lấy bông - gọi là ngồng cải. Bông cải bẹ xanh cho vị cai, thơm dùng để chế món bột cải, mù tạt (mustard). Người ở vườn còn dùng bông chuối - bắp chuối - để luộc nấu canh chua ngon độc đáo.
Còn bông vạn thọ cũng được dùng như loại rau thơm, phụ gia cho các món gỏi tôm, gỏi cua, cũng không kém phần hấp dẫn.
Riêng bông so đũa thì thôi phải khỏi chê rồi. Bông so đũa cũng trổ vào mùa nước nổi, nước lên, nhưng ở vùng nào cũng có, dễ trồng, mau lớn. Bông so đũa dùng để luộc ăn với mắm tôm chà Gò Công thì mới biết! Còn món bông so đũa nấu canh chua thì từ lâu đã có mặt trong danh mục ẩm thực của ta rồi. Mấy ông, mấy bà già xưa thường nói bông so đũa ăn rất độc, dễ bị rét và khuyên người "yếu trong mình" không nên ăn (?)
Trở lại bông điên điển với các món ngon của nó. Người Saigon, người ở vùng Tiền Giang thường được thưởng thức món bông điên điển làm dưa chua.
Dân miệt quê quen gọi các món làm chua là dưa chua, như dưa cải, dưa kiệu, dưa hành, dưa giá.... Bông điên điển làm dưa chấm với cá kho, tôm kho, thịt kho thì ngon vô cùng: Nó vừa chua, vừa mặn, hơi nhẫn đắng, giòn giòn, ngon lạ, ăn rất bắt cơm, không có gì so sánh bằng.
Ở các quán cơm bình dân, quán cơm loại phục vụ cho dân nghèo, bến xe, vỉa hè, như loại quán cơm bụi ngày nay, thường có món dưa chua bông điên điển. Nó được nhiều người thích, tìm ăn bởi lẽ rất ngon, hiếm chỉ có vào mùa nước nổi mà thôi.
Ăn dưa chua bông điên điển, ngon, khoái khẩu nhưng phải về tận quê hương điên điển mới thấy hết được mùa bông điên điển nở vàng rộ vào mùa nước nổi, bao la bát ngát, đẹp lạ thường như thế nào. Hồi đó xưa lắm, dân mình nghèo, vào mùa giáp hạt, nhà hết gạo, phải nấu cháo độn với bông điên điển ăn cầm hơi!
Nay thì người dân ở đây khá hơn xưa, sống biết lo trước lo sau, biết tận dụng mùa bông điên điển để kiếm tiền. Người ở đây sáng sớm bơi ghe cặp bờ sông vớt bông điên điển đem về làm chua, bán lại cho thương lái. Bông điên điển vớt đem về rửa sạch, lựa bỏ lá úa, bông hư, để ráo nước và ngâm nước muối, hai ngày là thành dưa chua bông điên điển ăn được rồi. Có người còn ngâm giá sống chung với bông điên điển làm ra món dưa chua vừa mang hương vị dưa giá vừa hương vị dưa bông điên điển.
Bông điên điển còn dùng để ăn sống như ta ăn rau ghém, rau thơm, rất ngon, hấp dẫn và thật khó tả hết được. Bông điên điển ăn sống không phải là loại vớt dưới nước như loại làm dưa chua, mà phải tươi, hái từ trên cây. Theo chân người ở đây đi hái bông điên điển mới thấy hết được cái sức sống, óc sáng tạo của người miệt này.
Với chiếc xuồng ba lá, chen lách vào đám điên điển, dùng chiếc dầm, đập nhẹ vào cành, vào thân thì có biết bao bông điên điển rớt xuống khoan ghẹ Cành thấp thì dùng tay rung nhẹ cũng tha hồ mà hứng bông. Cứ thế mà lần từ cây này đến cây khác, không mấy lát là dư ăn, đem ra chợ bán kiếm tiền.
Bông điên điển ăn sống cho ta một hương vị khác. Đi vòng chợ Châu Đốc mới thấy hết được cách ăn món bông điên điển sống của bà con ở miệt này. Đầu tiên là món bún nước lèo kiểu Sóc Trăng, kiểu người Khờ Me hoặc bún mắm kiểu cách VN, ăn với bông điên điển.
Múc một tô bún nước lèo hay bún mắm đang sôi trong xoong cho vào tô trộn với bông điên điển, cho thực khách một món ăn dân dã, đạm bạc, đơn sơ, nhưng hương vị độc đáo, không tìm đâu có được. Hoặc theo chân dân thổ địa về nhà thưởng thức món lẩu chua với bông điên điển thì mới biết thêm cách ăn mới lạ nữa, mà trong đời bạn chưa hề ăn, chưa hề biết.
Mùa bông điên điển là mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Con cá linh trời cho, mùa này theo con nước đổ về nhiều vô kể. Chọn con cá linh vừa phải, cỡ bằng ngón tay, nấu một lẩu nước me chua, nêm nếm vừa chua, vừa cay, vừa ngọt, cho cá linh vào. Thế là ta có một nồi lẩu cá linh đầu mùa hết sẩy luôn!
Trên bàn bày sẵn một thau bông điên điển vàng tươi, tha hồ bạn nhúng lẩu... Chỉ độc nhứt bông điên điển thôi, nếu kèm theo thêm loại rau sống khác sẽ làm mất mùi ngon của bông điên điển. Gắp con cá linh, chấm nước mắm trong, loại ngon, cắn thêm trái ớt cay... đó là món ngon tổ tiên thời khai hoang, truyền lại cho ta.
Ngon hơn nữa phải có vài ba người bạn "tâm đầu ý hợp", thù tạc bên ly rượu đế - nước mắt quê hương - thì buổi tiệc kéo dài qua đêm. Ngoài ra món bông điên điển tươi còn được dùng để xào tôm, xào tép hoặc nấu canh chua, cho ta bữa cơm ngon, đầy hương vị đồng quệ Vào mùa này, các gánh bánh xèo cũng dùng món bông điên điển để chiêu dụ khách hàng. Ăn bánh xèo với bông điên điển ngon đến đổi no hồi nào mà ta không hay, không biết!
Có một món ngon nữa từ bông, xin kể ra kẻo quên. Đó là bông súng. Bông súng là loại mọc dưới nước như bông sen, nhưng lá nhỏ, bông nhỏ hơn.
Ở miệt quê miền Nam, bông súng mọc hoang dã dưới ruộng, đìa, ao, đầm vào mùa mưa. Trong các ao làng, ao chùa, ao đình, nước ngọt quanh năm người ta thường thả bông súng hoặc bông sen. Lá súng nổi trên mặt nước, bông súng vượt hẳn lên cao giống như bông sen.
Ở quê, lớn nhỏ, giàu nghèo ai cũng đã ăn qua món bông súng, nhứt là món bông súng-mắm kho. Nói là ăn bông súng chớ thật ra là cái phần dưới bông súng, nối bông với gốc cây súng.
Bông súng thường ăn với mắm kho như ta ăn rau dừa, rau nhút, hay rau chốc, rau bồn bồn vậy. Có lẽ món bông súng-mắm kho là hấp dẫn nhứt vì được nhiều người ưa chuộng, nay các nhà hàng sang trọng bày bán chiêu dụ khách thích ăn món đồng quê, dân dã trong đó có bà con
Việt Kiều.
Bông súng trước khi ăn phải tước vỏ như ta tước vỏ bạc hà nấu canh chua, ngắt ra từng khúc cỡ một gang tay, rửa sạch và để vào thau, vào dĩa bự. Mắm kho múc ra tô còn nóng hổi bóc khói thơm bát ngát. Vừa húp mắm vừa cắn cọng bông súng, hoặc có người bẻ cọng bông súng cho vào chén, chan mắm kho, lùa vào miệng trông ngon lành.
Bông súng nhai nghe giòn giòn, cứng mà không xốc miệng, có cái hậu ngọt, ăn nhiều không bị ê miệng hay rát lưỡi như ăn rau nhút.
Nếu vào nhà hàng sang trọng ở Saigon chuyên các món miệt vườn, tìm ăn mắm kho-bông súng, xin mách nhỏ với bạn một chiêu để "lấy le" cùng mấy cô hầu bàn nhé.
Khi order bông súng bạn nhớ lưu ý cô hầu bàn rằng phải là bông súng trắng mới được chớ bông súng Đà Lạt tuy cọng bự bằng ngón tay nhưng cứng và lạt, không ngon. Nghe bạn dặn dò, cô phục vụ biết bạn là dân chơi, dân sành ăn và chắc gốc là người miệt quê rồi. Biết đâu sau bữa ăn cô ta đem lòng thương bạn không chừng?
Nói gì thì nói chớ muốn ăn mắm kho-bông súng ngon lành, điệu nghệ, như là cái gì quốc hồn quốc túy thì phải về tận gốc, đến tận nguồn của nó.
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Đồng Tháp)
Trần Văn Chi
BÔNG SÚNG - MẮM KHO
Mắm kho thơm ngon lại có chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái giòn bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời. Món ăn đơn sơ khỏi tốn tiền được chế biến bình dân, ai nấu cũng được, vừa bổ vừa ngon ít tốn kém nhưng đậm đà hương đồng gió nội.
Đồng Tháp Mười là cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó đi phải le lưỡi ngáp lên ngáp xuống nên người ta gọi là cánh đồng "chó ngáp". Mùa thu hoạch thì bạt ngàn lúa vàng nặng hạt. Vào mùa nước về cánh đồng trắng xoá gợn sóng nhấp nhô trông êm ả và thơ mộng, khi gió to sóng lớn trở nên hung dữ muốn cướp lấy mạng người, sóng nổi ầm ầm nhận chìm xuồng câu lưới trên đồng nước mênh mông. Sóng gió bẻ gãy cây cối, cỏ lúa nằm dài trên mặt nước lơ thơ, người dân ở đây phải chạy lên "gò" hay lên bờ kinh cất lều sống tạm để tránh mùa sóng nước.
Mùa nước về bông súng càng lên nhanh trắng đồng. Tuy không hương sắc nhưng màu trắng cũng làm dịu mát ánh nắng trưa hè làm con người có cảm giác nhẹ nhàng thư thái. Bông súng thiên nhiên ưu đãi cho con người sống nơi ngọn cỏ nội đồng, nơi nào có nước là có bông súng. Củ bông súng ăn vừa bùi vừa béo, bông, thân, lá non chẳng kén miệng người Đồng Tháp.
Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay để trong rổ cho ráo nước. Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng nhận trong hũ mắm bằng sành trên gài bằng nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon.
Ở đây tôi muốn nói bông súng chấm mắm kho là món ăn đặc sản của người sành điệu ở Nam Bộ, đó là món ăn hàng ngày không thể thiếu được. Tuỳ theo ít hay nhiều người ăn mà ta nấu mắm kho. Mắm lấy ra đem để trong nồi cho nước vào xâm xấp, nấu cho vừa sôi đem xuống rồi lược lấy nước bỏ xương. Nước nhứt để riêng, nước nhì, nước ba bắc nồi nấu lại thêm muối, bột ngọt, đừng quên thêm ớt, sả - hai món này không thể thiếu khi ăn mắm kho. Sống giữa đồng nước mênh mông làm gì có thịt ba rọi kho chung với mắm, ở đây chỉ trông cậy vào cây nhà lá vườn, nên nồi mắm kho ở đây chỉ có cá rô, cá linh, cá lốc, con tép đất càng ngon. Tép đất con nhỏ nhưng có nhiều trứng ăn rất ngọt khỏi phải lừa xương chỉ bỏ râu là được, ăn không thua kém tép bạc hay thịt ba rọi ở chợ.
Như vậy nồi mắm kho ở đây chỉ nấu với con tép đất bắt từ đồng ruộng lên. Khi nồi mắm sôi vài dạo rồi trút mắm nước nhứt vào cho sôi bừng hút bọt rồi nhắc xuống. Khi nấu, chúng ta có thể xắt cà nấu chung ăn càng ngon. Nồi mắm nhắc xuống bốc hơi thơm bay lan toả cả mấy chục nóc nhà, báo hại bao tử họ cồn cào khó chịu như kiến đang bò.
Nói về ăn cơm với bông súng mắm kho mà tôi thấy tội nghiệp cho mấy bà mấy cô, vì ăn mắm kho bông súng đúng cách phải ngồi ăn dưới đất, nếu cần trải chiếc đệm càng tốt. Bông súng để nguyên cọng dài dùng tay bẻ nùi bỏ vào chén, chan nước mắm kho lên cho ngập bông súng với mấy con tép màu đỏ làm tăng thêm phần hấp dẫn. Thú vị nhất khi ăn mắm kho phải cởi trần áo cho mồ hôi mẹ mồ hôi con tuôn ra mới thấm thía tình quê. Thương mấy bà, mấy cô mồ hôi đầm đìa, đỏ mặt tía tai ăn đụng phải ớt cay hít hà ra nước mắt. Mắm kho thơm ngon lại có chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái giòn bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời. Món ăn đơn sơ khỏi tốn tiền được chế biến bình dân, ai nấu cũng được, vừa bổ vừa ngon ít tốn kém nhưng đậm đà hương đồng gió nội.
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm./.
T.H (Văn hoá nghệ thuật ăn uống)
Canh rau tập tàng - Món ăn dân dã miền quê Vào những ngày nóng oi bức hay vừa ốm dậy, người ta thường thèm ăn một cái gì nhẹ bụng, vừa mát lại vừa lành. Tô canh tập tàng là một trong những lựa chọn hay nhất mà khi ai đã ra khỏi làng bãi quê nhà vẫn không thể nào quên.
Gọi là canh rau tập tàng vì nó tập hợp đủ thứ rau hái trong vườn từ rau dền, mồng tơi, rau sam, rau diệu, bồ ngót, lá ớt non, lá khổ qua kể cả trái khổ qua còn non, trái bắp vừa nhú còn thơm mùi sữa, trái mướp vừa hái trên giàn.... Những thứ rau ấy sau khi vừa hái xong về nấu chung với ít cá bống dừa hay tép bạc đâm nhỏ cho ngọt nước là làm nên một tô canh thơm lừng.
Không cao sang như các món ăn khác nhưng chỉ về quê thực khách mới có thể nếm trải món canh ngon nhất và thực nhất mùi vị của nó, từ vị đắng nhẹ của lá khổ qua non đến vị ngọt đậm đà của lá bồ ngót, vị chua nhẹ nhàng của lá rau sam, vị thơm của mướp vừa hái, vị ngọt ngào thơm tho của bắp non...tất cả hòa quyện nên một hương vị đồng quê thơm ngát. Có lẽ cũng vì thế mà người đi xa quê bao giờ cũng nghĩ món ăn quê mình là ngon nhất, ngọt ngào nhất và khó có nơi nào sánh bằng.
Mà canh rau đồng thì thức mặn ăn kèm cũng đồng nội, ngon nhất vẫn là cá lòng tong hoặc cá bống kho tiêu, thêm ít trái ớt hiểm chín làm màu. Ơ kho khô quéo dọn ra cùng nồi cơm nóng, tô canh nghi ngút khói. Bữa trưa nắng nóng và chén cơm chan ít nước canh thì mát đến tận ruột gan.
Bạn nào chưa từng thưởng thức món này thì khi về quê nhớ dành chút thời gian thưởng thức chút hương đồng cỏ nội này nhé, tuy rằng không hấp dẫn ở hình thức bề ngoài nhưng mà có ăn thì mới biết.
Simplevietnam
***
Ngày xưa má tôi thấy tôi thích ăn cơm có canh và nhất là món canh rau tập tàng
mà món này Má tôi thường nấu với tôm, và gồm các rau như rau dền, rau mùng tơi, mướp và rau bồ ngót
Hình như người dân quê, vườn nhà sẵn trồng một chút này chút nọ, cũng thành 1 món canh ngon miệng mà hương vị thật đầm đà , ngon miệng
Bây giờ người ta còn chế biến, để đủ thứ vào như đọt ớt non, , rau má, rau sam, tôi chưa ăn những món chế biến sau này, nhưng tôi thấy canh rau này, mà để đọt hủ qua , hủ qua non, không biết cái đắng của hủ qua có làm mất đi hương vị của nồi canh không? nhất là có người không ăn được hủ qua
Nhưng dù sao??? chúng ta không bỏ phí cọng rau nào cả, chỉ có 1 nhúm rau tập tàng, chúng ta có thể có thêm 1 nồi canh cho bửa ăn gia đình
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.11.2010 21:12:18 bởi Ct.Ly >
Cá bống sao - Đặc sản Cù Lao Dung, Sóc Trăng
Cù Lao Dung là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh 3 nằm cuối cù lao, là nơi tiếp giáp biển Đông. Dọc theo bờ biển là cánh rừng bần phòng hộ khổng lồ dài khoảng 300 km. Tham quan rừng bần bằng xuồng khi thủy triều lên, bạn sẽ được chiêm ngắm nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Đặc biệt, bạn sẽ bắt gặp một vài lão nông dò dẫm thò tay vào bãi bùn ở những đoạn cát bồi bắt những chú cá nhỏ trong hang. Đó là cá bống sao - đặc sản xứ này.
Cá bống sao có đốm xanh, da lấm tấm những chấm trắng li ti như hàng vạn ngôi sao. Thịt cá bống sao màu đỏ, săn chắc hơn thịt cá lóc nên rất ngon. Người ta thường dùng cá kho tiêu hoặc kho khô, địa phương gọi là “kho chồn”. Cá bống sao kho chồn ngon nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị nhân nhẩn đắng, bùi bùi của gan cá, cộng với mùi nồng hăng thơm ngát của rau cải vườn tạo nên dư vị khó quên. Cá bống sao kho sả ớt mới ngon, nhưng tuyệt vời hơn nếu được kho với mỡ heo và một chút nước cốt dừa, đun sánh lại. Để món ăn đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực Nam bộ, người ta làm sạch cá ướp với một số gia vị phù hợp để kho như đường, nước mắm, bột ngọt, nước màu... nhưng không thể không có gia vị chủ lực là sả ớt. Chính sả ớt mới là tác nhân đánh bạt mùi tanh đặc trưng của cá bống sao, song song với việc tạo hương vị dễ chịu khi thưởng thức món ăn.
Người dân Cù Lao Dung rất hiếu khách. Đến đây, bạn sẽ được họ đãi món cá thòi lòi nướng trui. Cùng họ với cá bống sao, thòi lòi nướng trui được thực hiện bằng cách cho cá vào đống rơm, đốt lửa. Món này ăn kèm với bún, rau sống, chuối chát, chấm nước mắm chua giằm bần dĩa chín cây, nếu có thêm ly rượu đế sủi tăm thì... không gì để nói! Ăn đứt món cá lóc nướng trui lừng danh Nam bộ xưa nay. Chưa hết, lẩu mẻ cá bống sao cũng là đặc sản địa phương thu hút khẩu vị khách sành ăn. Cũng giống như vậy, nhưng “tuyệt chiêu” hơn, phù hợp “phong thổ” hơn là lẩu bần cá bống sao. Tháng 6, tháng 7 âm lịch là mùa bần chín rộ. Cùng dân địa phương lội vô rừng hái bần đã thú vị, càng thích hơn khi trở về nhà thưởng thức món lẩu bần cá bống sao. Gắp, cắn một nửa con cá, lặng nghe vị nhân nhẩn, bùi bùi của gan cá, cộng mùi cải trời trong tô canh trở thành một dư vị lạ lẫm, bắt “ngây”.
Đơn giản chỉ có vậy mà cá bống sao - con vật “hèn mọn” sống trong bãi bùn ven biển đã làm nên vài “kỳ tích” ẩm thực ngon lành, khách phương xa ghé qua được thưởng thức thòm thèm là lẽ đương nhiên. Nhưng người địa phương ăn “hà rầm” vẫn còn thấy thích mới là điều đáng nói. Chính vì vậy mà họ rất tự hào khi đãi khách các món ăn làm từ con cá nhỏ cỡ ngón chân cái này.
(Theo Báo Hậu Giang)