THẬT - GIẢ
tahuudinhqn 11.12.2010 08:01:12 (permalink)
THẬT, GIẢ
                                                                               Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
         
          Có câu thành ngữ: “Chó ăn đá gà ăn sỏi”. Chẳng biết có đúng không? Sỏi đá, gả chó có ăn được thật không? Nhưng người ăn…đá thì chắc chắn là thật rồi!...
          Có lẽ ai đọc báo An ninh thế giới số 789, ngày 19/9/2008 cũng phải sửng sốt bởi bài báo: “Trộn bột đá vào kẹo - Một sự thật kinh hoàng”. Đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ công an, Bộ y tế, Sở y tế Hà Nội) đã giả dạng lái buôn đến ba nhà sản xuất bánh kẹo ở xã Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội mua hàng. Trong giao dịch, họ đề cập đến một số nhà sản xuất đã trộn bột đá vào bánh kẹo. Ông H. (một nhà sản xuất bánh kẹo) nói thẳng: “Nếu không trộn thì sao cạnh tranh được với các loại bánh kẹo khác trên thị trường”. Ông ta còn chỉ vào bao bột của nhà mình nói: “ Bột đá tự nhiên đấy! Rẻ hơn bột nếp đến hơn mười lần. Đây là loại đá mài trắng được xay thật mịn, siêu mịn. Người ta trộn tỷ lệ 50 - 50 hoặc 70 - 30. muốn lãi nhiều thì trộn nhiều. Người có lương tâm hơn thì trộn ít. Nhưng nhà nào cũng trộn”.
          Đọc bài báo này, tôi lại nhớ ngày xưa còn bao cấp. Tôi có người anh đi bộ đội về chơi. Tuy đang lúc cả nước kho khăn, gạo sổ, thịt tem, ăn mạch ăn mì. Nhưng đi chợ, vợ tôi cũng cố gắng mua môt con gà, gọi là để tiếp anh, song cũng là để cả nhà được một bữa “cải thiện”. Khi mổ gà mới biết, cái diều gà đầy ứ đến tận cổ toàn đất bùn! Ôi chao cái tham lam của con người mới dã man làm sao! Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy.
          “Ăn một bữa bán vườn”. Từ ngày còn bé tôi đã được nghe mẹ tôi nói như vậy, mỗi khi nhà có lợn, gà đem đi chợ bán. Gà thì mẹ tôi cho ăn thóc, lợn thì mẹ nấu một nồi cám thật ngon, ngon hơn tất cả mọi ngày, để lợn ăn thật no cho được nhiêu cân. Còn bây giờ, con  gà này cũng được “ăn một bữa bán vườn” đây!..
          Để anh tôi được ăn ngon miệng, vợ chồng tôi giấu nhẹm cái chuyện đất bùn ghê tởm ấy đi, không dám nói cho anh biết. Và đến bây giờ anh đã thành người thiên cổ rồi, nhưng vẫn không biết rằng ở cõi người, nơi mình đã từng sống, đồng bào mình có kẻ đã đang tâm nhét đất vào diều gà rồi đem đi bán!
          Nhà bác học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng nói: “Không gì nguy bằng lòng người. Nếu không biết giữ gìn mà buông phóng ra thì hoá thành quỷ quái cả”. “Chợ giời thật giả đâu chân lý”. (Tố Hữu). Ở đâu cũng có “chợ giời”. Phân biệt được thật, giả quả nhiên không phải là dễ. Hàng hoá trên thị trường, thượng vàng hạ cám đầy rẫy của giả. Vàng giả. Tiền giả. Cám giả thì người ta trộn mùn cưa, hoặc trấu nghiền…
          Đó là loại giả lấy cái thật để ngụy trang, che giấu. Lại còn loại giả khác trắng trợn hơn, giả công khai, bày ra trước mắt mọi người. Như cái khăn mặt chẳng hạn. Rõ ràng nhãn mác ghi 100% cotton. Nhưng chỉ dùng khoảng mươi mười lăm hôm sau, thì sự thấm nước và mềm mại đặc trưng của bông đã hoàn toàn biến mất, khăn trơ ra toàn sợi nhựa, nhúng xuống nước trơn nhẫy, lau không bám da. Khô thì cứng như mo cau, lau không cẩn thận bị trầy da, xước mặt.
          Hay như cái sợi dây buộc con cua bể cũng thuộc vào loại trơ tráo. Có lẽ suốt cả chiều dài lịch sử của sự trói buộc cũng chưa bao giờ trắng trợn đến thế. Con cua chỉ vài lạng, trước đây người ta chỉ dùng hai cái lạt mỏng như lá lúa để buộc ghim hai cái càng. Nhưng bây giờ người ta lấy dây chuối phơi khô, bện to như sợi dây chão buộc oẻ cày để “trói”, rồi dội nước cho dây ngấm thật nhiều nước. Người tiêu dùng mua một con cua, phải chịu tiền oan đến hai ba lạng! Con cua mang sợi dây to kềnh càng. Trông nhức nhối, tội nghiệp y như người tù thời trung cổ mang cái gông, vừa xiết vào cổ, vừa đè nặng trĩu trên đôi vai gầy còm khổ cực.
          Đó là sự giả dối ở chợ búa, ở thương trường không sao kể xiết được. Song chẳng riêng gì ở nơi dân dã ấy, mà ở chính trường cao quý, sự giả dối cũng chẳng kém. Bộ giáo dục - Đào tạo vừa kiểm tra hai trăm ngàn văn bằng, phát hiện ra sáu nghìn tám trăm bẩy mươi người sử dụng bằng giả, bất hợp pháp. Kỹ sư giả, thạc sĩ giả. Tiến sĩ giả…Trước nạn học giả, bằng thật ấy. Chủ tịch nước đã phải lên tiếng: “Phải dậy thật, hoc thật, thi thật. Dậy thật, học thật để có cơ sở thi thật”.(Tạp chí Thế giới mới 13/6/2006).
           Tất nhiên là đạo đức cũng giả, cũng xuống cấp. “Làm thì láo báo cáo thì hay”. Các quan chức có chức có quyền, thi nhau lập các dự án “ma” để thu hồi đất của dân. Hoặc nhu cầu đất đai thực tế của dự án thì ít, nhưng thu hồi nhiều để lấy số dư chia nhau, xây khu chung cư bán lấy tiền. Người dân mất đất, mất nhà, giá đền bù không thoả đáng (chỉ bằng một phần mười giá thị trường), nên đơn từ khiếu tố triền miên. Hoặc xin dự án trồng rừng, rồi phá rừng tự nhiên đi lấy gỗ bán. Rừng mới chưa thấy đâu, nhưng rừng cũ đang có độ che phủ đã bị phá mất (thực chất đây là thủ đoạn phá rừng lấy gỗ, nấp dưới cái vỏ trồng rừng)!
          Họ còn lập những công ty giả mạo xuất khẩu lao động, đi lừa những người dân chát phác ở nông thôn, ít hiểu biết thông tin. Khiến họ phải thế chấp nhà cửa, bán chác, vay chạy lấy tiền nộp cho “Công ty”. Cuối cùng là “tiền mất tật mang”. Làm cho biết bao gia đình khuynh gia bại sản, làm đến hết đời cũng không trả xong nợ.
          Có thể nói cái giả ở chính trường cũng không thể kể xiết được.
          Xin trở lại chuyện bột đá. Bài báo: “Trộn bột đá vào kẹo…”, vừa ra mắt công chúng mấy hôm, thì trên màn hình thấy xuất hiện bà đại diên Bộ Y Tế nói đó không phải là bột đá, mà là chất…(bà ấy nói tên, nhưng người viết bài này không kịp nhớ). Chỉ nhớ đó là một chất phụ gia. Nếu dùng nhiều quá thì không tốt cho dạ dầy. Còn dùng bao nhiêu là an toàn thì Bộ Y Tế chưa quy định.
Thế là cùng một sự việc, nhưng báo viết thì bảo đó là đá tự nhiên, còn  báo nói thì lại bảo đó là chất “phụ gia”, ăn ít vẫn an toàn.
Vậy báo nào đúng đây? Hay kẻ “làm giả” đá chạy chọt nhờ kẻ “nói giả” giải nguy cho đây? Và cứ cái đà này, không khéo rồi chất menamin cũng chỉ độc hại, chỉ chết người Trung Quốc, chứ người Việt Nam chúng ta dùng có khi lại có lợi cho sức khoẻ cũng nên !./.
#1
    NgụyXưa 12.12.2010 02:14:18 (permalink)

    không khéo rồi chất menamin cũng chỉ độc hại, chỉ chết người Trung Quốc, chứ người Việt Nam chúng ta dùng có khi lại có lợi cho sức khoẻ cũng nên !./.


    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9