Ô hô! Bảo hiểm
tieuboingoan 13.08.2005 04:33:44 (permalink)

Ô hô! Bảo hiểm


H.N.S


1. Chín giờ sáng, vợ tôi bất thần gọi điện thông báo phải ra ga đón người nhà tôi từ chuyến tàu đêm và sau đó đưa thẳng sang bệnh viện. Chuyện này tôi đã biết, nhưng không nghĩ lại nhanh đến thế. Bệnh nhân là chị họ tôi, con người bác ruột. Chiều hôm trước, chồng chị gọi điện bảo tôi là chị sẽ ra mổ ngoài Hà Nội. Tôi hỏi bệnh gì. Anh nói một lô xích xông, rằng chị bị cường tuyến giáp với vô số các triệu chứng: khó thở, tim loạn nhịp, huyết áp cao, sụt cân, teo nhẽo cơ bắp, nổi nhiều hạch ở cổ và nách. Đây là chứng bệnh Bazado, không chữa chạy kịp thời sẽ dẫn tới cố tật lồi mắt bạnh cổ như rắn hổ mang chúa. Thầy thuốc cỡ tỉnh anh không tin và đang chuẩn bị chuyển ra bệnh viện trung ương chữa trị tiếp.

Vốn tính cẩn thận, lại nhất mực chiều chồng thương con nên vợ tôi đã không quên dặn dò tôi kỹ lưỡng về cách thức chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Chả là lâu nay tôi vẫn khư khư một thói quen, hễ xong việc cơ quan, mắt trước mắt sau thế nào cũng tót ngay về nhà để tận hưởng sự chăm sóc ân cần của gia đình. Thi thoảng lắm tôi mới có buổi vắng mặt vì phải tham dự tiệc cưới hay nể tình mà nhận lời mời chiêu đãi của ai đó thật thân thiết. Thời buổi này, cách sinh hoạt ấy có phần cổ hủ cứng nhắc, nhiều khi bị bạn bè và đồng nghiệp trách móc, châm chọc là chẳng ga lăng chút nào. Kệ. Tôi đâu bận tâm chuyện đó. Mỗi người một nếp sống. Nhiều năm qua, tôi đã quá đắm đuối cảnh cơm nhà và không thể bớt đi một giấc ngủ trưa đẫy đà thoải mái. Vả lại, cơ quan tôi với một môi trường đặc thù nên từ nhiều năm nay nhân viên chỉ phải làm việc có một buổi, thời gian còn lại tự do đọc sách nghiên cứu hoặc sáng tác văn chương.

Xế trưa, tôi về nhà. Không buồn xuống bếp, tôi nằm khểnh trên giường xem tivi. Mặc dù biết mọi thứ đã được vợ tôi chuẩn bị chu đáo từ trước đó, nhưng cái tính lười nhác và quen được phục vụ làm hư tôi mất rồi.

Cửa phòng bật mở khi tôi vừa thiu thiu ngủ. Vợ tôi mệt mỏi bước vào. Tôi bật dậy theo phản xạ tự nhiên:

- Sao rồi em?

- Nhìn chung là tốt. - Vợ tôi vừa nói vừa thở - Chị Mai đã nhập viện và vào phòng bệnh. Cũng may có anh bác sĩ thân quen nhận là người nhà nên mọi thủ tục đã trở nên đơn giản. Có điều em hơi lo...

- Chuyện gì thế?

- Chị bịt kín mặt, hở mỗi đôi mắt, chân tay run lảy bảy, răng đánh vào nhau lập cập, trả lời câu được câu chăng, dáng dấp thì lụ khà lụ khụ như một bà lão bát tuần! Mấy năm chưa gặp, nào ngờ chị lại tiều tuỵ và sa sút đến vậy!

- Trời rét căm căm, - Tôi vội giải thích - lại bệnh nặng và mới vượt hàng trăm cây số đường trường, tránh sao khỏi sự lôi thôi.

Đoán tôi vẫn nhịn đói, vợ tôi ào ngay xuống bếp chuẩn bị bữa cơm trưa. Dặn chồng vậy, nhưng cô ấy thừa biết là chẳng bao giờ tôi chịu mó tay vào cái việc bếp núc, kể cả lúc đói rã họng.

*

* *

2. Cơm nước xong đã sang chiều. Nghỉ ngơi một lát, tôi thư thả cuốc bộ sang bệnh viện cách nhà không bao xa. Cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu và mùi bông băng hôi hám tanh tưởi của viện khiến cho tôi vừa bước chân vào đã vội vàng bịt mũi che miệng, rồi ý tứ ra góc khuất khạc nhổ một thôi một hồi. Cũng may đang vào những ngày đông giá rét nên cái hương vị nồng nàn đặc trưng ấy không dư dả bốc lên.

Tôi lách qua đám người nhà bệnh nhân đi lại vô lối hoặc trải chiếu ngồi dọc hành lang hồn nhiên xơi bánh và nhấm nháp trái cây một cách ngon lành. Họ vừa ăn vừa nói cười thoải mái như giữa sân ga góc chợ.

Buồng bệnh của chị tôi nằm ở phía cuối hành lang. Trong phòng cỡ hơn chục bệnh nhân cuốn băng kín cổ. Người nằm. Người ngồi. Người đăm chiêu đọc báo. Người chăm chú nghe đài. Người đang nhẫn nại truyền huyết thanh.

Chị tôi lim dim ngủ, bên cạnh là anh chồng ngồi gà gật, tờ báo trải rộng trên đùi. Tôi đặt nhẹ tay lên vai chị. Chị từ từ mở mắt và khẽ mỉm cười với tôi. Đôi mắt chị đen láy, sáng trong. Hàm răng trắng lốp, đều tăm tắp như hạt na. Lâu rồi không gặp, trông chị vẫn trẻ trung tươi tắn so với cái tuổi bốn bảy sắp xế chiều. Khuôn mặt chị thanh thoát. Da dẻ hồng hào, mịn bóng. Đuôi mắt và khoé miệng chưa hề vương một nếp nhăn. Thế mà trước đó, vợ tôi dám chê là nom chị như một bà lão sắp gần đất xa trời!

Chị bấm bấm tay vào đùi chồng. Anh choàng tỉnh và nhận ra tôi. Đoạn, anh hấp hả kéo tôi đi ngay. Tôi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, chị liền khoát tay ý nói cứ lặng lẽ theo anh ra ngoài phòng. Nhìn thái độ úp mở của chị, tôi càng ngỡ ngàng hơn.

Hai anh em xuống gác, đi sâu ra phía sau viện rồi chọn một ghế đá chỗ khuất nẻo. Xung quanh ngập ngụa cỏ tranh, vỏ bánh trái, bông băng bẩn và xi lanh vứt tứ tung. Không biết xi lanh bệnh viện hay của bọn nghiện hút mượn góc thanh vắng này để tận hưởng thú vui chích choác. Cảm giác ghê ghê cái mùi bệnh viện lại choán ngợp trong tôi. Vừa ngồi xuống, anh đã chỉ thị:

- Những ngày chị nằm viện, cứ gọi là Liên, Nguyễn Thị Liên. Vợ chồng cậu chớ có nhầm là Mai đấy nhé.

- Ô hay! Sao lại thay đổi cả tên họ như vậy?

- Vì hiện giờ... chị không phải là chị Mai của cậu!

- Cái anh này... - Tôi gắt - ăn nói đến lạ!

- Cậu bình tĩnh, đừng vội nổi cáu với anh. Tất cả đều từ cái sáng kiến chết tiệt của chị cậu! - Giọng anh đầy bực bội - Đã bảo thư thư một chút để mua bảo hiểm rồi hẵng ra Hà Nội chữa bệnh, đằng này chị cậu cứ lồng lên không chịu, một mình một phách, sấp ngửa đòi ra tàu đi ngay trong đêm! Thành thử đâm lao đành phải theo lao!...

Xả xong mấy câu cho bõ tức, anh rút thuốc châm lửa và bập bập rít liên hồi. Mặt anh căng thẳng, chứa chất vẻ lo âu. Tôi đã ngờ ngợ có điều gì đó không minh bạch khiến chị phải đội tên một người khác. Chắc cả hai hiện đang phải gồng mình đóng kịch. Vai diễn đạt, mọi việc êm xuôi. Nhược bằng một trong hai người nhập vai dở, màn kịch sẽ hỏng bét!

Anh quăng mẩu thuốc hút dở, nhăn nhó thở dài:

- Chẳng những phải thay tên đổi họ, mà tuổi tác của người cho mượn thẻ cũng vô cùng bất hợp lý! Cậu thử xem, một người hơn hớn như chị, nào ai tin tuổi đời đã xấp xỉ U.60! Rõ đồ dở hơi!

Tôi suýt bật cười trước cái trò ma lanh ma giáo của bà chị họ và thực sự cảm thông cho anh vì những bực bội thái quá. Là cán bộ thanh tra cấp tỉnh, một năm xử lý không ít những vụ việc tiêu cực, nay phải cuốn theo trò trí trá vặt vãnh của vợ thì quả là điều hổ nhục. Giờ thì tôi đã rõ vì sao hai người lại phải lén lút như buôn bạc giả. Ngay khi làm thủ tục nhập viện, cả anh lẫn chị đã phải vào vai diễn. Chị đóng giả một bà lão già nua nghễnh ngãng, đạt đến độ vợ tôi tưởng nhầm như một cụ bà sắp bước vào ngưỡng hai năm mươi! Anh với khuôn mặt nhàu nhò mệt mỏi, râu ria lởm chởm không chịu cạo, tóc tai rối tung rối bù, cố làm ra vẻ tuổi cao sức yếu, luôn kè kè bên bà "vợ già" sợ sẩy chân lỡ miệng. Tất nhiên, vở diễn muốn thành công thì không thể thiếu vai trò đạo diễn sắc sảo của anh chàng bác sĩ thân quen nọ!

Tôi đề xuất:

- Nhà mình có điều kiện, lại không đến nỗi khó khăn, sao anh không thuê hẳn cho chị một phòng theo chế độ dịch vụ của bệnh viện? Nằm riêng sẽ ít va chạm và dễ dàng xử lý hơn nhiều.

- Ôi dào!... Đừng bàn tới chuyện đó! Với chị cậu, hầu bao phải giữ chặt và luôn luôn thực hiện nghiêm túc phương châm tối ưu: tăng thu, giảm chi! Lắm lúc anh thật tủi bởi cái tính ki kiết của bà ấy!

- Thôi thì... việc đã thế rồi, lúc này càng thận trọng càng tốt, anh ạ. - Tôi lựa lời khuyên nhủ - Anh bảo chị tâm sự in ít thôi, chứ luôn mồm luôn miệng như ở nhà là bất lợi lắm đấy.

- Không những căn dặn cẩn thận, anh còn thường xuyên túc trực bên giường bệnh, phòng khi có ai đó hỏi han nhiều thì ngay lập tức phải nháy mắt hay gãi gãi chân ra hiệu ngầm bảo chị chỉ ngay vào cổ, rằng tràng hạch đang chèn ngang gây đau tức. Cậu xem, số anh thế có khổ không! Muốn thăm thú họ hàng, bạn bè cũng chả dám! Chỉ cần vắng anh một lúc là chị cậu đã ngứa mồm buôn chuyện ngay!

*

* *

3. Sau hàng loạt những xét nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan, hai ngày tiếp theo, ca mổ được tiến hành. Sức khoẻ tốt, lại có điều kiện bồi bổ, chị phục hồi khá nhanh. Vợ tôi gần như bỏ bê cả việc nhà, ngày ngày vào viện chăm sóc chị. Mỗi sáng khi tôi trở dậy đã thấy một nồi cháo sườn to ụ lịch sịch sôi trên bếp với đỗ xanh, khoai tây, cà rốt trộn lẫn. Vợ tôi bảo, người mổ nên ăn nhẹ nhưng giàu đạm, có thế mới mau lại sức, mới nhuận trường lợi tiểu. Thấy vợ chăm sóc bà chị họ chu đáo, tôi lấy làm cảm động và sẵn lòng chịu đựng sự thiệt thòi. Chị ăn cháo, tôi cũng ăn cháo. Chị đổi cháo sang cơm, tôi chén cơm đẫy bụng. Chị ăn ngon miệng như người khoẻ. Tôi là người khoẻ mạnh vâm váp lại đều đều xơi theo thực đơn của người ốm!

Chị ốm tuy xa nhà, nhưng không vì thế mà thiếu vắng khách thăm. Anh thuộc diện cán bộ vai vế hàng tỉnh, nên mượn dịp may hiếm có này, nhiều người đã không quản ngại đường xa, lặn lội hàng trăm cây số tàu xe, tìm đến thăm chị. Không ít người lạ hoắc, chính tông dân Hà Nội, anh chị chưa từng gặp bao giờ. Hoá ra họ được người nhà trong quê uỷ quyền, giống như ngành bưu điện vẫn thực hiện loại dịch vụ điện hoa nhân ngày lễ tết, sinh nhật, đám ma hay đám hỏi. Sáng chiều mỗi ngày, khách khứa vào ra tới tấp, quà cáp rất chi gọn gàng và hầu như không có hoa quả đường sữa, đa phần là những chiếc phong bì nặng nhẹ. Chị mừng ra mặt, riêng anh lại thấp thỏm không yên vì những phần quà đó có can hệ đến những vụ việc tiêu cực đang trong quá trình điều tra xử lý.

Hai ngày sau mổ, chị cơ bản đã lại sức. Mấy hôm nằm bất động, chị tỏ ra bức bối, muốn vùng vẫy cho thoải mái chân tay và nói cười sảng khoái một chập mới tĩ tã cơn thèm. May có vợ tôi và anh tiết chế, chị đã giảm tông được đôi phần.

*

* *

4. Tối qua, mới ngoài tám giờ, trong khi tôi còn nhâm nhi bên ly rượu thuốc thì anh hơ hải từ viện chạy sang. Lưỡi líu ríu, mặt anh biến sắc như vừa xảy ra một việc hệ trọng. Biết tính anh hay quan trọng hoá vấn đề và thường cầm đèn chạy trước ô tô, nên tôi vẫn thủng thẳng chờ đợi. Thấy anh không nói gì, tôi mới chậm rãi hỏi:

- Chị ngủ chưa mà anh đã vội vã sang đây?

- Vừa ngáy o o. Anh phải tống hai viên Sedusen, sớm hơn một tiếng so với mọi hôm.

- Có gì không anh?

- Gay... gay rồi cậu ạ!

- Gay là gay thế nào chứ?

- Mọi việc lộ tẩy hết trơn! Cũng tại chị cậu! Hai hôm rồi cứ bô bô cái mồm! Là bệnh nhân dởm mà đòi hỏi toàn thuốc quý! Không những thế còn đọc vanh vách tên các loại thuốc đặc trị.

- Làm sao chị biết được tên các loại thuốc tân dược?

- Cậu quên là chị đã mua cái giấy phép chui để kinh doanh buôn bán thuốc tân dược tại nhà ư? - Anh tôi hoảng hốt thực sự - Thảo nào sáng nay mụ y tá trưởng cứ xăm xoi mãi, rồi lấy cái thìa inox gõ gõ vào hàm răng, khen chị cậu tuổi cao mà răng chắc khoẻ như thanh niên mới lớn.

- Biết đâu bà ta đùa? Các cụ chả vẫn nói, có tật thì giật mình?

- Chuyện này đùa sao được! Mới trưa, cậu bác sĩ điều trị vừa thông báo với anh xong.

- Cậu ta nói gì?

- Cậu ta bảo, trong buổi giao ban sáng, giáo sư viện trưởng đã cảnh báo có bệnh nhân gian lận về chế độ bảo hiểm y tế.

- Thông tin này ở đâu ra? - Tôi nhăn mặt - Chỉ có anh chị, cậu bác sĩ và vợ chồng em biết, không lẽ...

- Bác sĩ còn cho hay, Ban giám đốc bệnh viện đã nhận được thư do người nhà bệnh nhân tố giác!

- Thế thì nguy thật rồi! Bao giờ họ tiến hành kiểm tra?

- Nghe nói ngày mai. Cậu tính xem, anh phải làm gì bây giờ?

Tôi thần người nghĩ ngợi và cố tìm một giải pháp thoả đáng cho cả anh và chị. Việc này bại lộ, danh dự của anh chắc chắn sẽ bị phương hại.

- Theo em, chuồn vẫn là thượng sách! Tốt cho anh và bền cả cho chị, lại không ảnh hưởng gì đến tay bác sĩ nọ.

- Nhưng chị vẫn còn trong thời gian điều trị?

- Anh chuồn và chị ở lại. - Tôi tiếp tục hiến kế - Không ai đang tâm đuổi một bệnh nhân vừa mới mổ xẻ ra khỏi bệnh viện. Hơn nữa, đây là vụ việc dân sự chứ không giống như hình sự. Cùng lắm, họ lập biên bản bắt bồi thường thiệt hại. Mai, nhà em sẽ sang đó với chị cả ngày. Ai hỏi giấy tờ bảo hiểm, cứ bảo anh về quê đột xuất, không biết để lẫn ở đâu. Anh có thể thanh thản về nhà làm việc và bảo thằng lớn ra trông mẹ vài hôm. Tới ngày xuất viện, mình nộp tiền sòng phẳng theo quy định là xong. Anh thấy thế nào? Đã tối ưu chưa?

Anh trầm ngâm một lúc rồi bỗng ngả người ra phía sau, bật cười ha hả:

- Cậu khá hơn anh tưởng! Nào... cho anh xin chén rượu.

Tôi lấy ly rót rượu mời anh. Anh vê vê ly rượu trong tay một lúc, rồi ngửa cổ làm một hơi:

- Chiêu này... tuyệt!

Anh khoái chí vỗ bồm bộp vào vai tôi. Nét mặt anh rạng rỡ như vừa trúng mánh lớn hay vớ được con lô đề khá nặng cân. Mấy ngày nay, thật không thể bói ra một nụ cười hả hê như thế trên gương mặt hốc hác của anh.

- Khổ thân cậu bác sĩ, luôn ở tình trạng nơm nớp lo sợ! - Giọng anh chợt trầm xuống - Cậu ta bảo đã từng giải quyết nhiều trường hợp như chị, nhưng chưa bao giờ bị lâm vào một cảnh huống trớ trêu thế này. Càng giữ kín quan hệ với gia đình mình thì chị cậu lại càng như thể ra oai muốn khoe khoang về mối qua lại thân quen với bác sĩ. Tội nghiệp... đêm nào cậu ấy cũng mò ra gốc đa sau viện thắp hương khấn vái thần linh phù độ. Việc này bại lộ, cậu ta mất nghề như bỡn!

- Anh thấy đấy, phát kiến của em quả là lưỡng tiện. Buông một mũi tên, trúng liền mấy đích. - Vẫn cái lối kề cà của một mưu sĩ, tôi lại đưa đẩy - Tuổi anh bốn chín, năm nay chính hạn, phải hết sức thận trọng. Sáng mai mồng Một, ngày Tỵ, tháng Mão, anh tuổi Dậu phải đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Không thị phi cũng hao tổn tiền bạc lắm đấy...

*

* *

5. Hôm sau, ngỡ anh đã xuôi tàu, tôi chủ động ra quán xơi liền hai xuất cơm bụi rồi thong thả về nhà làm một giấc ngủ trưa ngon lành và định bụng chiều tối sẽ sang viện thăm chị.

Vừa dắt xe máy vào sân thì ngờ đâu vợ tôi từ trong nhà đủng đỉnh bước ra. Tôi sững người vì sự có mặt của bà xã vào thời điểm này. Đoán được những băn khoăn của tôi, cô ấy làm bộ bí hiểm:

- Kế hoạch của anh đã thay đổi.

- Sao lại thay đổi cơ chứ?

Vợ tôi không trả lời ngay. Cô lẳng lặng pha cho tôi cốc chè Líp-tôn, rồi thả vào đó thìa đường và lát chanh thái mỏng. Tôi vừa nhâm nhi chén trà nóng vừa hỏi lại:

- Đã xảy ra chuyện gì vậy?

- Thật là nhân bảo như thần bảo. Sáng sớm nay, anh ấy đã gặp hạn.

- Gặp hạn thế nào? - Tôi hơi sững người - Có sao không?

- Không sao cả. Chỉ mất của thôi.

- Mất những gì?

- Một máy quay đĩa mini hiệu Walkman. Một điện thoại di động Sony Ericsion loại xịn. Thế là đi toi hơn chục triệu đồng! Xét chi li, toàn bộ ca mổ, rồi tiền thuốc thang giường phòng và bồi dưỡng y bác sĩ giỏi lắm cũng chỉ mất vài triệu. Đằng này một tiền gà, những ba tiền thóc!

- Có biết ai lấy trộm không?

- Biết. Nhưng đành chịu.

- Chịu sao được. Kẻ nào vậy?

- Anh ấy nói, chồng của con bé nằm giường bên. Bốn giờ sáng nay, một bệnh nhân nhìn thấy nó giả bộ đi tiểu, rồi mon men đến đầu giường anh ấy lục lọi một lúc và lấy trộm những thứ trên.

- Đã báo bảo vệ hay công an chưa?

- Lúc đầu cũng định làm thế, sau lại thôi.

- Trời đất! - Tôi giãy nảy - Phải bắt giam ngay cái quân trộm cắp ấy chứ! Ai lại để cho nó nhơn nhơn như thế bao giờ!

- Anh ấy làm vậy cũng có lý riêng. - Vợ tôi giải thích - Báo với công an hay bảo vệ, liệu có đòi lại được tài sản đã bị mất trộm không? Chưa chừng trong quá trình điều tra và lấy lời khai, họ lại phát hiện ra sự gian dối của mình. Chung qui cũng tại số giời, tránh cái này lại vương phải thứ khác. Thôi thì của đi thay người, anh ạ.

Nghe bà xã thuật lại, tôi gật đầu đồng ý. Trong trường hợp này, im lặng vẫn là thượng sách. Nếu ầm ĩ, rõ ràng sẽ bất lợi cho anh chị. Công an hay bảo vệ sẽ ghi cụ thể tên tuổi, địa chỉ và lý do vào viện của chị rồi của anh. Làm vậy có khác nào lạy ông con ở bụi này.

Uống cạn cốc trà Líp-tôn, tôi lại hỏi:

- Bao giờ anh ấy về quê?

- Em vừa nói với anh, kế hoạch thay đổi rồi mà.

- Anh chưa hiểu.

Vợ tôi búng hai ngón tay rất chi là điệu đàng:

- Anh ấy đã ở lại chăm sóc chị.

- Ngộ nhỡ họ kiểm tra phát hiện ra thì sao? Lúc đó, tiền mất mà danh dự cũng không còn.

- Ban đầu anh ấy cũng lo lắng như vậy, nhưng em đã gạt ngay. - Vợ tôi cười mãn nguyện như người vừa lập được một chiến tích huy hoàng - Nhân cơ hội này, tội gì ta không loan báo là toàn bộ giấy tờ tuỳ thân cũng như bảo hiểm y tế đã bị kẻ gian đánh cắp. Thế mới biết... trong cái rủi vẫn còn có cái may, anh ạ.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, rồi bắt tay bà xã lắc mạnh như đang chúc mừng một đồng nghiệp vừa phát huy sáng kiến:

- Gần anh chị có ít ngày mà em đã trưởng thành ghê gớm. Giỏi. Sau này cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, em nhé.

- Lần sau... em xin chào thua. - Vợ tôi vội xua tay - Mình là người đàng hoàng, có nhân cách, tự nhiên cứ phải làm cái điều gian dối khó coi, em thấy xấu hổ lắm!...

Tôi im bặt và ngượng ngùng nhìn vợ, tự hứa sẽ không dại gì nhân rộng cái sáng kiến vĩ đại của bà chị họ tới toàn thể bà con nội ngoại chưa có ý định mua bảo hiểm y tế./.

Ngày 1/5/2005


TBN sưu tầm







#1
    tieuboingoan 13.08.2005 05:33:13 (permalink)
    Anh rể con sẽ thanh toán viện phí



    Ông Smith được đưa khẩn cấp tới Bệnh viện Nhân từ (một bệnh viện Thiên chúa giáo) để phẫu thuật vành tim. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp và khi bắt đầu phục hồi ý thức, ông đã trông thấy một bà xơ đang ngồi chờ ngay bên cạnh giường.


    "Ông Smith, ông sắp hoàn toàn khoẻ mạnh rồi," bà xơ nói và vỗ nhẹ vào tay ông. "Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết ông sẽ thanh toán viện phí ra sao? Ông có được bảo hiểm không?"

    "Không, con không có bảo hiểm." người đàn ông thì thầm với giọng khàn khàn.

    "Thế ông có trả tiền mặt chứ?", bà xơ kiên trì.

    "Con e rằng không thể, thưa Xơ."

    "Vậy ông có họ hàng thân thiết nào không?", bà xơ hỏi một cách cứng rắn.

    "Chỉ có chị gái con ở bang New Mexico," ông trả lời. "Nhưng chị ấy chỉ là một bà xơ không chồng tầm thường thôi."

    "Ồ, ta phải nhắc ông, ông Smith, các bà xơ không phải là không có chồng, mà là họ được gả cho Chúa."

    "Hay quá," ông Smith nói, "Vậy thì Xơ hãy gửi hoá đơn tới chỗ anh rể con"

    Trần Trọng Hoàng (Dịch)
    #2
      tieuboingoan 13.08.2005 05:39:56 (permalink)
      Mua bảo hiểm ô tô



      Một người đàn ông muốn mua bảo hiểm ô tô. Vì thế anh ta đến công ty bảo hiểm mà hỏi mức phí bảo hiểm. Nhân viên lễ tân cho biết, Thứ nhất, phí bảo hiểm cho rủi ro hoả hoạn là 200 đô la, phí bảo hiểm cho rủi ro mất cắp là 150 đô la. Phí bảo hiểm cho cả rủi ro hoả hoạn và mất cắp là 10 đô la.

      Người đàn ông lấy làm ngạc nhiên bèn hỏi nhân viên lễ tân, "Tại sao trên thế giới này lại có loại phí bảo hiểm cho cả hai rủi ro lại thấp hơn hẳn phí bảo hiểm cho từng rủi ro?"

      Nhân viên lễ tân đáp lại: "Vì chẳng ai lại lấy trộm xe rồi đem đốt đi".

      Trần Minh Tân (dịch)
      #3
        tieuboingoan 14.08.2005 15:07:37 (permalink)

        Nên lấy nhân viên bồi thường bảo hiểm



        Một phụ nữ được bác sĩ thông báo đã bị ung thư và chỉ còn sống được 6 tháng nữa. Bác sĩ khuyên chị nên lấy một nhân viên xem xét bồi thường của công ty bảo hiểm.

        “Làm như thế sẽ chữa được bệnh ung thư chứ?” Người phụ nữ hỏi.

        “ Ồ không,” vị bác sĩ trả lời, “nhưng 6 tháng đó sẽ có vẻ dài hơn nhiều”

        Trần Trọng Hoàng (Dịch)

        #4
          tieuboingoan 14.08.2005 15:09:22 (permalink)

          Sự giống nhau giữa phụ nữ và bảo hiểm


          Trần Trọng Hoàng


          Hai sinh viên trò chuyện với nhau trong một khóa hội thảo.

          Hỏi: Cậu có biết phụ nữ và bảo hiểm có điểm gì chung không?

          Trả lời: Cả hai đều đắt, khó hiểu và những gì cậu có không được đảm bảo.



          #5
            tieuboingoan 14.08.2005 15:12:31 (permalink)


            Làm ra lũ lụt bằng cách nào?


            Trần Trọng Hoàng (Dịch)


            Ba quý ông trung tuổi trên một chuyến tàu rất sang trọng, ngồi cạnh bể bơi và ngắm những bộ bikini lượn qua lượn lại. Quí ông thứ nhất nói: “Căn nhà của tôi bị thiêu thành tro trong một vụ cháy chết người. Công ty bảo hiểm đã bồi thường cho tôi tất cả và đó là lý do tại sao tôi có mặt trên chuyến đi này.”

            Quí ông thứ hai gật đầu một cách hiểu biết và nói: “Ngôi nhà của tôi cũng bị phá huỷ trong một vụ nổ ga khủng khiếp. Công ty bảo hiểm chi trả tất cả và đó là lý do tôi có mặt ở đây.”

            Quí ông thứ ba góp chuyện: “Thật không tin nổi, tôi trải qua một trận lụt khủng khiếp và mất hết mọi thứ. Giống như các ông, công ty bảo hiểm thanh toán hết và hôm nay tôi ngồi đây cùng các ông.”

            Hai người kia nhìn vào quí ông thứ ba đầy ngạc nhiên và hỏi, “Lụt ư? Thế ông đã gây ra lụt bằng cách nào?”





            #6
              tieuboingoan 14.08.2005 15:19:35 (permalink)

              Ai bị đẩy ra trận trước?


              Trần Trọng Hoàng (Dịch)


              Jones, một nhân viên bảo hiểm của chính phủ được phân công đến Trung tâm giới thiệu quân đội, nơi anh sẽ tư vấn cho quân nhân mới về các chương trình phúc lợi của chính phủ, nhất là chương trình bảo hiểm đặc biệt. Gần đây, vị sỹ quan chỉ huy rất ngạc nhiên khi thấy Jones bán được bảo hiểm này cho tất cả số quân nhân mới, điều trước đây chưa từng xảy ra.


              Thay vì hỏi Jones về điều này, vị chỉ huy đứng bên ngoài và nghe Jones thuyết trình. "Nếu các anh mua bảo hiểm, khi ra chiến trường và bị giết, Chính phủ sẽ trả 200.000 đô la cho người thân của các anh. Nếu không tham gia, khi ra chiến trường và bị giết, Chính phủ chỉ phải trả tối đa là 6.000 đô la."

              "Vậy bây giờ," Jones kết luận, "các anh nghĩ ai sẽ bị đẩy ra trận trước?"


              #7
                tieuboingoan 14.08.2005 23:36:45 (permalink)

                Huỷ ngay hợp đồng chồng tôi mua cho tôi


                Nhà bếp của Tom bị hoả hoạn, và Susan, vợ của ông gọi điện đến công ty bảo hiểm thông báo. Susan nói với công ty bảo hiểm: "Cái nhà bếp đó được bảo hiểm 50.000 đô la và tôi muốn tiền ngay".


                Đại lý đáp lại: "Ồ, chị Susan, đợi một chút. Bảo hiểm không phải như chị nghĩ đâu. Công ty sẽ xác định chính xác giá trị thiệt hại, và sẽ thay thế cho nhà chị một cái bếp mới có giá trị tương đương."

                Sau một hồi lâu im lặng, Susan đáp lại: "Tôi muốn huỷ hợp đồng bảo hiểm mà chồng tôi đã mua cho tôi."


                Trần Trọng Hoàng (Dịch)

                #8
                  tieuboingoan 14.08.2005 23:38:01 (permalink)

                  Vỏ quýt dày - Móng tay nhọn


                  Charlotte mua được một hộp xì gà rất đắt tiền và quý hiếm liền mua bảo hiểm cháy ngay cho hộp thuốc này. Trong vòng một tháng, ông ta đã hút hết cả hộp thuốc và sau đó đệ đơn đòi bồi thường cho hộp thuốc lên công ty bảo hiểm.


                  Trong đơn đòi bồi thường, ông ta ghi rõ các điếu xì-gà đã bị tổn thất trong một loạt các vụ cháy nhỏ. Công ty bảo hiểm từ chối trả tiền với lý do rõ ràng rằng người đàn ông đã tiêu dùng hết hộp xì-gà một cách bình thường. Ông ta liền kiện và đã thắng.

                  Khi đưa ra phán xét, quan toà đồng ý rằng yêu cầu bồi thường là rất linh tinh, tuy nhiên ông ta đã mua hợp đồng bảo hiểm của công ty trong đó đảm bảo xì gà được bảo hiểm trước lửa, mà không xác định rõ thế nào là “lửa không được chấp nhận” và phải có trách nhiệm bồi thường.

                  Tránh không phải theo vụ kiện kéo dài và tốn kém, công ty bảo hiểm chấp nhận phán quyết và trả cho người đàn ông 15.000 đô la cho hộp xì gà quý hiếm bị tổn thất trong “vụ cháy”.


                  Tuy nhiên, sau khi ông ta chàng nhận tiền, công ty bảo hiểm đã yêu cầu bắt người đàn ông này với nhiều lời buộc tội. Cuối cùng, ông ta bị kết tội cố tình huỷ hoại tài sản được bảo hiểm và bị kết án 24 tháng tù giam cộng với 24.000 đô la tiền phạt.

                  Trần Trọng Hoàng dịch

                  #9
                    tieuboingoan 14.08.2005 23:39:37 (permalink)

                    Chuyện về định phí viên: Để yên tâm hơn


                    Một định phí viên bảo hiểm đang đi tới gần cầu thang bỗng nhiên thấy đau nhói ở ngực. Ngay lập tức, anh ta bước nhanh đến cầu thang và buông mình ngã xuống. Bạn anh ta, khi đến thăm tại bệnh viện mới hỏi tại sao lại làm như vậy.

                    Chàng định phí bèn trả lời: "Xác suất chết do vừa bị đau tim vừa bị ngã cầu thang thấp hơn nhiều so với xác suất chết do đau tim."

                    Trần Trọng Hoàng (Dịch)

                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9