Tập truyện ngắn của THƯƠNG GIANG
Lâu đài trên cát
Buông điện thoại, Dung trở nên đẫn đờ như kẻ mất hồn, căn phòng như ngả nghiêng khiến Dung cảm thấy choáng váng, chóng mặt. Cô lảo đảo rồi ngã quỵ xuống sàn nhà… Trời đất như tối sầm lại Dung không còn hay biết gì nữa. Có lẽ phải khá lâu Dung mới lờ mờ nhận ra những tiếng lao xao rì rầm quanh cô. Dung nghe rõ tiếng chị Cúc đang nói với mọi người: - Rõ khổ, già nửa đời người rồi mà vẫn còn yêu đắm đuối đến ngu muội rồi bây giờ mới ra nông nỗi này đây … - Mà cũng chẳng ai dại và sĩ như bà này, chỉ vì thích oai, thích tiếng nên mới ném hết tiền của cho “sếp”, giờ trắng mắt ra thì đã muộn mất rồi … Dung nghe rõ tiếng chì chiết khinh miệt trong giọng nói của Oanh. Dung cảm thấy trái tim mình như có ai cầm dao cứa … Cảm giác đau đớn, cay đắng, nhục nhã dồn nén trong con tim bé nhỏ khiến nó đau thắt tưởng chừng đến nghẹt thở … Dung biết mọi người đang chĩa mũi nhọn nhằm vào mình để xỉ vả không thương tiếc. Câu chuyện của cô đang là đề tài nóng hổi cho những kẻ rỗi hơi, ngồi lê đôi mách và đơm đặt chuyện tha hồ dè bỉu, tô vẽ hay phóng đại … Biết làm sao được khi cơ sự đã như thế này? Dung vẫn nhắm mắt nằm im vờ như không nghe thấy nhưng bên tai cô, tiếng chị Loan vang lên rõ mồn một: - Sang bên này cặp bồ, cặp bịch dựa vào nhau để làm ăn cũng đã có lỗi với chồng con ở nhà rồi … Đằng này, cặp bồ để đến nỗi khuynh gia bại sản, bán hết nhà cửa tài sản khiến chồng con phải vất vưởng đi ở nhờ nhà người khác thì loại đàn bà này có nhảy xuống sông mà tự vẫn cũng không gột rửa được hết ô nhục, tội lỗi được … Dung cảm giác như có khối đá ngàn cân đang đè nặng lên đầu cô và trời đất xung quanh cô như sụt lở … Dung cay đắng khi những hình ảnh quá khứ dẫu cô cố gắng muốn quên đi nhưng nó vẫn cứ tái hiện như mới hôm qua thôi … Đầu tháng 04-1999 Dung từ Mátxcơva xuống nhà một người bạn ở Kiev. Trước mắt là khảo sát qua thị trường cho đợt hàng mùa hè cô sắp “đánh” xuống, dưới này họ nhận và giao. Sau nữa là cô muốn ghé qua Kharcov đòi số nợ mà người ta lấy hàng của cô hơn một năm nay chưa thanh toán. Vợ chồng anh chị Đức Hoa chuẩn bị đón tiếp Dung rất chu đáo. Biết cô vốn thích vui văn nghệ nên hai vợ chồng bàn nhau sắm cả một bộ dàn karaoke vi tính xịn để phục vụ mua vui cho Dung dù anh Đức tiếc tiền đến đứt cả ruột. Chị Hoa thẽ thọt động viên chồng: - Chẳng gì chị ấy cũng là “soái” lớn trên Mát* xuống đây để bàn chuyện làm ăn và rót hàng cho nhà mình chứ có chơi không đâu? Đúng ra mình còn phải đưa đi nhà hàng, khách sạn ấy mới xứng tầm. Nhưng điều kiện không cho phép nên mình phải tiếp đón người ta ở nhà. Như thế vừa rẻ, vừa tiện cho mình anh ạ! Chỉ cần tìm cho “bà” này một “ông” nào hình thức kha khá, biết tán chuyện và ngồi hát karaoke đôi với bà ấy thì việc gì cũng "thông đồng bén giọt "cả thôi! Nghe vợ nói cũng có lý, nhất là nhìn thấy những món lợi nhuận béo bở của những container hàng mà Dung sắp “đánh” xuống cho họ nên Đức đành phải tuân thủ theo sự dàn xếp, sắp đặt của vợ … Khi chuyến tàu Mátxcơva-Kiev vừa vào ga Dung đã nhận ngay ra vợ chồng Đức Hoa cùng với một người đàn ông lịch sự, bảnh bao và khá điển trai tay ôm một bó hồng nhung đỏ sẫm đang đứng chờ trên sân ga. Dung cảm thấy trái tim đập rộn rã … Cô mở hộp mỹ phẩm ngắm nhìn lại mình một lần nữa dù vừa mới trang điểm khi vừa ngủ dậy, xong cô vẫn thoa nhẹ thêm một lớp phấn mỏng để che dấu bớt những nếp nhăn và sự mệt mọi trên gương mặt do dấu ấn thời gian để lại. Vừa bước xuống tàu, cả ba người cùng lao ra đón cô. Vợ chồng Đức Hoa ôm chầm lấy cô mừng ríu rít, người đàn ông lạ mặt đến bên cô nhẹ nhàng nói: - Anh là bạn thân của vợ chồng Đức Hoa, anh đã được nghe Hoa kể rất nhiều về em, mãi đến hôm nay mới có được vinh dự cùng Đức Hoa đi đón em … Rất vui mừng được gặp em! - Miệng nói tay Lê – tên người đàn ông đó ,trao cho cô bó hoa hồng và cúi xuống hôn nhẹ lên gò má cô rất kiểu cách, lịch thiệp. Dung mỉm cười sung sướng. Mùi nước hoa thoang thoảng, hăng hắc của Lê có một sức hút lỳ lạ khiến cô ngất ngây … Chiếc xe Toyota đời mới, màu mận chín bóng lộn của Lê chở hai vợ chồng Đức Hoa và Dung đang lăn bánh về nhà. Hai chị em Dung và Hoa đang rôm rả trò chuyện bỗng thấy xe chạy chậm và dừng lại. - Nhanh thế, đã đến rồi hả em? – Dung quay sang hỏi Hoa. - Ồ không! Nhà Đức Hoa thì còn xa nhưng em ngồi tàu hàng ngàn cây số cũng đã mệt mỏi rồi, đằng nào từ giờ đến tối em vẫn có mặt ở nhà Hoa, lúc ấy hai chị em còn có bao nhiêu thời gian để tâm sự và bàn bạc cơ mà. Chính vì thế anh muốn mời vợ chồng Đức Hoa và Dung vào nhà anh nghỉ tạm một lát cho Dung đỡ mệt, rồi anh sẽ đưa mọi người về nhà. Vừa nói, Lê vừa mở cửa và đưa tay đỡ Hoa và Dung ra khỏi xe … Trong thâm tâm vợ chồng Đức Hoa có vẻ không thoải mái về quyết định đường đột của Lê, song dù sao thì cũng đã đến nơi rồi chẳng lẽ lại từ chối thì thật là bất lịch sự. Hơn nữa, thấy Dung có vẻ cũng có cảm tình và tỏ ra vui vẻ khi nghe Lê mời nên hai vợ chồng đành phải ghé qua nhà Lê “nghỉ ngơi” một cách bất đắc dĩ. Căn hộ của Lê được sắp xếp bố trí một cách hài hòa, lịch sự, gọn gàng và rất đẹp mắt. Chỉ nhìn thoáng qua cách sắp xếp bố trí ở phòng khách, Dung cũng đủ hiểu chủ nhà là người ưa hình thức và có khiếu thẩm mỹ. Dung đang thả hồn với những ý nghĩ của mình nên không để ý Lê đang đứng bên cô từ lúc nào … - Em vẫn còn mệt phải không? – Lê nhẹ nhàng hỏi cô. Ròi chẳng để cho Dung kịp trả lời Lê giục cô:
– Thôi em vào tắm và ngâm mình trong nước ấm một lát sẽ tỉnh táo ngay, còn Hoa ra đây cho anh nhờ chút nhé. Thực lòng Dung chẳng cảm thấy mệt mỏi vì cô đã quá quen với công việc của mình, hơn nữa, từ Mát xuống Kiev cô ngủ một mạch đến sáng đấy chứ … Thấy Dung có vẻ lưỡng lự, Lê cười bảo: - Anh là bạn thân của vợ chồng Đức Hoa nên em đừng ngại. Nước ấm anh đã chuẩn bị rồi đấy. Em vào tắm đi. Lê và Hoa sang phòng bên, Đức ngồi trên đi-văng xem ti-vi nhưng đã gà gật từ bao giờ. Còn lại mình cô, Dung ngắm nhìn căn phòng sang trọng và nhớ lại những lời nói, ánh mắt, cử chỉ của Lê, có một cái gì đó rất đặc biệt khiến cô thấy lòng mình cứ nôn nao. Cầm chìa khóa ra mở cốp xe lấy túi đồ, Dung bước vào phòng tắm. Một mùi thơm nhè nhẹ lan toả .Cô trút bỏ y phục ngâm mình trong bồn nước ấm trắng xoá bọt sữa tắm pha tinh dầu hương hoa dìu dịu khiến Dung cảm thấy khoan khoái vô cùng. Bước ra khỏi bồn tắm cô với tay lấy hộp kem trên giá mỹ phẩm, Dung bỗng thấy ghen tị với người đàn bà nào đó có được người chồng hào hoa, lịch thiệp và tâm lý như Lê. Giá như … nhưng Dung chợt tắt ngấm cái ý nghĩ ấy khi cô nhìn thấy gương mặt và tấm thân đẫy đà, lõa lồ của mình trước gương. Cô vội vàng mặc bộ véc lửng màu vàng nhạt, trang điểm qua và bước ra khỏi phòng tắm. Bữa cơm thịnh soạn được dọn ra, mọi người vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ. Lê luôn tỏ ra là một người chủ nhà lịch sự và hiếu khách. Suốt bữa cơm, anh gắp thức ăn và quan tâm đến mọi người, đặc biệt là Dung.
Dung biết, mình không đẹp, nhưng đi đến đâu cũng luôn được cánh đàn ông săn đón chiều chuộng và xin được làm “ga nhỏ dọc đường” cho cô nghỉ chân trong những chuyến khảo sát thị trường để rồi cô rót hàng xuống cho họ. Vốn tính phóng khoáng, đa tình nên Dung quan niệm “chuyện ấy” rất đơn giản. Nhiều người nửa đùa nửa thật trêu cô lắm bồ, cô cười tặc lưỡi bảo “chuyện làm ăn ấy mà, ở bên “tây” bao nhiêu năm rồi sao mọi người vẫn cổ hủ thế nhỉ? Hãy vứt bỏ những ý nghĩ lạc hậu ấy đi thì mới khá được! “Cơ chế” phải thoáng lên chứ lị …”. Nói là nói như vậy chứ trong thâm tâm nhiều khi Dung cũng cảm nhận được rằng những người đàn ông quanh cô săn đón, chiều chuộng cô là để lợi dụng đồng vốn mà cô rót bằng hàng xuống cho, chứ đâu có phải vì cô hấp dẫn họ … Ngược lại, cô cũng giao được nhiều hàng mà lãi vẫn cao chứ có phải bồ bịch không đâu? Thực ra cả đôi bên cùng có lợi thì tội gì mà không “vui vẻ”?
Trong số những người tình “ga xép” ấy hầu như ít ai có được hình thức và galant như Lê mặc dù họ cũng vung tiền để mua vui và chiều chuộng cô. Tiền bạc bây giờ có nghĩa lý gì với cô đâu, khắp các thành phố lớn ở Liên bang Nga cô đều cho họ lấy hàng, nợ tiền. Bản thân cô muốn gì được nấy nhưng cô vẫn thấy như thiêu thiếu một cái gì đó . Khi đặt chân đến Kiev và gặp Lê cô mới hiểu ra cái điều mà bấy lâu cô cảm thấy như thiêu thiếu ấy chính là sự quan tâm chu đáo của một người đàn ông lịch sự hào nhoáng dành cho mình. Lê giới thiệu qua cho Dung biết về công việc của mình đang làm . Dung vô tâm khuyên Lê nên chuyển sang làm hàng vải vì lãi suất rất cao mà không để ý đến thái độ khó chịu của vợ chồng Đức Hoa. Sáng hôm sau, vợ chồng Đức Hoa đi chợ hết, chỉ còn mình Dung, cô vừa tắm xong thì Lê bấm chuông, anh đến để đưa cô đi ăn sáng và thăm quan thành phố. Loay hoay một hồi cô mới chọn được bộ đồ ưng ý để đi chơi cùng Lê. Dù “quá niên đã ngoại tứ tuần” nhưng Lê trông vẫn còn rất phong độ, hơn nữa, anh lại biết chọn cho mình những bộ đồ sang trọng và luôn tỏ ra là một người đàn ông chu đáo, tâm lý và rất galant. Ăn sáng xong, anh dẫn cô vào siêu thị, chọn mua tặng cô son phấn, nước hoa, quần áo … Anh bảo cô: - Theo anh, màu son này có vẻ hợp với em hơn, hay em mặc thử chiếc váy này để anh ngắm thử có được không? Anh thấy em mặc chiếc váy này trông có vẻ cao hơn, thon thả hơn và trẻ ra nữa đấy, Dung ạ …! Dung ngụp trong niềm hạnh phúc bởi những lời khen của Lê. Cô xoay người ngắm nghía trong gương một cách chăm chú – “Ừ, quả thật, hôm nay mình có vẻ ưa nhìn và trẻ hơn thì phải.” Đi dạo một vòng dọc mấy cửa hàng lớn ở trung tâm thủ đô, hai người đã thấm mệt, Lê cho xe đưa cô về nhà mình. Dung không còn cảm thấy ngại ngùng nữa vì căn hộ hôm nay chỉ có hai người. Cô ngả đầu dựa vào chiếc ghế mềm như nhung, miệng lẩm nhẩm hát theo lời bài hát quen thuộc mà cô rất thích. Một lát sau, Lê từ nhà tắm bước ra, anh đã thay bộ đồ sang trọng bằng chiếc kha-lát** màu xanh rêu.
-Ta uống một chút gì em nhỉ? – ,Miệng nói, tay Lê đã rót rượu vào hai chiếc ly để trên bàn. Rượu để trong tủ lạnh nên mát và ngọt lịm, hơn nữa, rượu nho cũng dễ uống. Lê ngồi xích lại gần và rót tiếp cho cô. Dung nghe tim đập loạn xạ khi Lê đặt bàn tay lên đùi, lần ngược theo chiếc juyp ngắn cô đang mặc. Rượu ngọt nhưng cũng làm cho Dung chuếnh choáng khi cạn đến ly thứ ba. Căn phòng lung linh ánh đèn mờ, tiếng nhạc du dương, mùi nước hoa dìu dịu, hăng hắc, cùng với mấy ly rượu ngọt khiến cho cả hai đang tuổi “hồi xuân” bỗng bừng trỗi niềm khao khát, rạo rực … Lê cởi áo và ôm hôn cô một cách điệu nghệ và thành thục. Dung mềm đi trong vòng tay của Lê. Sau lần đó, Dung trở về Mát. Khoảng chục ngày sau, Lê cũng làm thủ tục bay lên đó vì nhớ cô. Dung cảm động lắm, nhưng phải bố trí cho Lê ở khách sạn vì sợ Tiến - anh bồ ở cùng ,biết được. Họ quấn lấy nhau trong khách sạn. Dung cũng không giấu nổi tình cảm của mình, cô bộc bạch tâm sự: - Anh biết không? Từ hôm ở Kiev về, em như người mất hồn, ăn uống chẳng thấy ngon miệng gì cả. Em nghĩ, tốt nhất anh nên chuyển sang làm hàng vải đi. Như thế em sẽ có lý do hợp lý để xuống với anh thường xuyên được mà lão Tiến vẫn không thể nghi ngờ … Lê trầm ngâm ra chiều suy nghĩ một lát rồi bảo cô: - Anh cũng nhớ em và muốn bay ngay lên với em sau khi em về Mát. Nhưng giấy tờ thủ tục, viza làm gấp mà gần một tuần mới xong. Còn vấn đề em vừa nêu ra anh sẽ về công ty rút tiền và bảo vợ anh chuyển thêm sang để làm.Như thế anh sẽ có cơ hội được gần em nhiều hơn. - Chuyện rút tiền để sau cũng được, vấn đề trước mắt anh về tìm mối tiêu thụ, sau một tuần em sẽ xuống Odessa để nhận hàng với anh. Còn bây giờ, mặc quần áo rồi em đưa anh đi siêu thị mua ít quà cho mấy đứa nhỏ, ngày mai về rồi em sợ anh không có thời gian đâu, hơn nữa em cũng phải về không lão Tiến lại tra hỏi, rồi cằn nhằn vì em đi lâu. Vừa nói Dung vừa với lấy bộ quần áo mặc vào người. Về Kiev, Lê cứ mong đứng, mong ngồi đến ngày Dung điện xuống nhận hàng. Lần này xuống, Lê đón cô về thẳng nhà. Hai người lại quấn lấy nhau như thể lâu lắm rồi mới gặp … Dung có cảm giác chưa hề yêu ai cuồng nhiệt như Lê. Mỗi lần gặp Lê, cô lại thấy trong người trào dâng niềm khao khát chuyện ái ân mà khi ở bên Tiến cô không có cảm giác ấy. Về sức khỏe và thể lực thì Lê không thể bằng Tiến được. Tiến là con người quen mang vác nặng nên cơ bắp nổi cuồn cuộn. Mỗi lần bên cô, Tiến không biết dùng ngôn ngữ màu mè, hoa lá gì cả, những lời thủ thỉ, những cử chỉ âu yếm vuốt ve cũng không, anh ta chỉ biết hùng hục cho xong phận sự rồi lăn ra ngáy như sấm. Bù lại, anh ta có một thân hình tráng kiện, khỏe mạnh, nên luôn đem lại sự no nê thỏa mãn cho người đàn bà đang ở độ tuổi hồi xuân như cô … Có lẽ chính vì thế mà cô chọn Tiến trong số những người tình của mình để cặp bồ hay nói cách khác là anh ta được chọn làm “ga chính”. Số còn lại, chẳng có gì nổi trội nên họ được cô xếp vào loại “ga xép” mà thôi. Ngay cả với Hải – chồng cô cũng vậy, tuy xa nhau lâu ngày nhưng mỗi lần về phép cô chẳng thấy hứng thú gì “chuyện ấy” cả. Nhìn cặp kính cận dày như đít chai của chồng, cô thấy anh cứ chậm chạp, khô khan và cù lần đến phát chán. Chính vì thế, cô chỉ đảo qua nhà ít ngày rồi lại bay vào Sài Gòn với người tình mới. Mỗi lần cô đi như thế, Hải chỉ im lặng, chỉ có thằng Duy là năn nỉ mẹ ở nhà thêm ít ngày với nó. Nhưng cô giải thích với nó rằng công việc không cho phép. Thằng bé phụng phịu nhưng không dám nì nèo thêm, nó thấy vừa sợ mẹ lại vừa xa lạ chứ không gần gũi như bố nó, vả lại nó cũng đã quen với sự vắng mặt của mẹ từ lâu rồi. Chỉ có Lê trong số những người đàn ông mà cô gặp mới thực sự làm cô si mê đến cuồng nhiệt. Người ta bảo, đàn bà thường yêu bằng tai quả không sai chút nào cả. Nhiều khi nghe Lê khen, dù biết rằng không có thực nhưng cô vẫn cứ muốn nghe, mà Lê lại khéo ăn nói, vừa biết cách nói chuyện hấp dẫn mê hoặc người nghe lại vừa có khiếu kể chuyện hài hước khiến cho người nghe cứ ôm bụng mà cười. Dung thầm nghĩ, chắc phải có nhiều người đàn bà phải điêu đứng, khổ sở vì yêu Lê, vậy mà giờ đây Lê đã là của cô.
Tuy nhiên, cô vẫn ngại vợ chồng Đức Hoa biết chuyện lần này xuống Kiev, cô không đến nhà họ. Dung điện cho vợ chồng Đức Hoa và thông báo rằng chuẩn bị có hàng mới, vài ngày nữa cô sẽ bay thẳng xuống Odessa để nhận hàng, vợ chồng Hoa không phải đón tiếp cô nữa. Hoa giận lắm vì nhà cô có máy điện thoại hiện số, cô biết Dung hiện đang sống với ai, ở đâu? Song cô vẫn im lặng và không dám nói, vì sợ chồng biết sẽ nổi giận và hỏng việc. Theo như kế hoạch thì hai container hàng áo phông, quần soóc Dung sẽ giao cho Hoa và Lê, mỗi người một nửa. Thế nhưng hai vợ chồng cô cháu hờ của Lê nói rằng hàng này đang “cháy chợ”, nên Lê muốn lấy cả hai container đó. Dung lấy làm phân vân, khó nghĩ. Sau một lát đắn đo suy nghĩ, Dung bảo Lê: - Hay anh bảo vợ chồng đứa cháu giao cho vợ chồng Đức Hoa một nửa hay 1/3 số hàng cũng được, chẳng gì thì cũng nhờ họ mà chúng mình quen được nhau phải không anh! Chiều mai sẽ về Mát nhận lô hàng mới xong sẽ chuyển cho mình anh, anh đồng ý không? Thay cho câu trả lời, Lê nhỏm người dậy rót thêm ly rượu, dường như để tiếp thêm sinh lực cho nguồn sinh lực tự nhiên đã bị cạn kiệt. Hơn nữa, ngày mai Dung về chuẩn bị “đánh” tiếp hàng xuống nữa. “Phải cố gắng thôi!” – Nghĩ vậy, Lê ngửa cổ và uống cạn ly … Dung về Mát được được ít ngày, hai vợ chồng cô cháu hờ cùng Lê bàn bạc tính toán, sau đó họ chuyển tiền qua dịch vụ lên cho Dung, dù tiền hàng chưa thu về hết. Dung nức nở khen mối làm ăn mới sòng phẳng và nhanh thu được tiền về chứ không như vợ chồng Đức Hoa, mãi chẳng giao được hàng mà tiền thì mỗi đợt gửi một ít, chẳng ra tấm ra món gì cả. - Có lẽ mình phải cắt cầu vợ chồng nhà này thôi! – Dung quay sang nói với Tiến. - Nhưng dù sao thì mình cũng làm ăn với vợ chồng nó lâu rồi. Tiền nong dẫu có chậm một chút nhưng vợ chồng nhà ấy rất đứng đắn và sòng phẳng ... – Tiến định cản Dung nhưng Dung lại liến thoáng ngắt lời Tiến: - Anh không biết đấy thôi, “cửa” mà em mới tìm được họ làm ăn lớn và uy tín lắm, tiền nong không phải lo nghĩ. - Mà thôi, việc giao hàng cho khách đường xa là phần em, anh chỉ lo phần trên Mát này thôi – nghĩ cản cũng chẳng được nên Tiến cũng chẳng muốn nói thêm. “Nhưng dù sao em cũng phải thận trọng và dè dặt với các “cửa” mới kẻo không có ngày bán nhà đi mà đền đấy”– Tiến cố dặn dò thêm. - Rõ là dở mồm! – Dung cười và ném cho Tiến một cái nguýt dài rõ tình tứ rồi cởi đồ đi vào phòng tắm. Còn về phần 2 vợ chồng Đức Hoa thì đang quay sang dằn vặt, trách móc và đổ lỗi cho nhau vì bị Lê nẫng mất “cầu cửa” của họ. Đức đay nghiến vợ vì đã nghĩ ra trò nhờ Lê đi đón rồi hát karaoke đôi để cho họ quen nhau, giờ thì mới trắng mắt ra. Hoa cũng nhận ra sự sai lầm, ngu xuẩn của mình. Cô gọi điện gặp Dung để khuyên Dung nên tỉnh táo và thận trọng trong quan hệ với Lê. Mọi người trong ốp – nơi mà Dung thuê để mỗi lần từ Mát xuống cô sẽ ở đó – đều khuyên cô nên cảnh giác với Lê. Dung nghĩ vợ chồng Đức Hoa hậm hực vì cô không giao hàng cho họ nên mới quay sang nói xấu Lê. Thực tế họ làm sao hiểu Lê bằng cô được. Hết đợt hàng mùa hè, Lê cho hai vợ chồng cô cháu hờ lên Mát để thanh toán tiền hàng mùa hè , đặt hàng mới cho mùa thu đông đó là hàng áo kút-ka*** và áo da. Họ còn ngỏ ý bảo Dung đánh đồng hồ, vì không quen về “nghạch” đó nên Dung lưỡng lự, thấy thế Tùng – cháu Lê nói rằng: - Ở dưới Kiev rất nhiều người đặt loại hàng này với cả chú Lê cho nên chú muốn cô làm hoặc đứng ra lấy giúp cho chú ấy. Khi nhận được hàng, chú sẽ chuyển ngay tiền để cô trả người ta. Thấy Tùng nói thế Dung sợ Lê và Tùng nghĩ cô lo lắng chuyện tiền nong, liền bảo ngay: - Được rồi! Cháu bảo chú cứ yên tâm. Cô sẽ đứng ra bảo lãnh chuyện tiền nong, cháu bảo chú không phải lo nghĩ gì chuyện ấy cả. Khi nào có giấy báo nhận hàng cô sẽ xuống, nhớ bảo chú thế nhé! Hai tuần rồi ba tuần trôi qua, Dung không thấy Lê điện nói có giấy báo nhận hàng, cô nghĩ chắc trục trặc hải quan đây! Quả nhiên, sau đó ít ngày Lê điện lên thông báo lô hàng đang bị hải quan giữ, nhưng dù sao cũng sẽ chạy được ra và khuyên cô cứ yên tâm. Đúng lúc ấy, cô lại phải bay sang Trung Quốc để ký hợp đồng mới với cơ sở sản xuất áo da bên đó. Hơn một tuần sau cô mới về đến Mát, cô liền điện ngay cho Lê xem lô hàng đã làm xong thủ tục hải quan chưa, nhưng Lê trả lời rằng: - Phải mất ít nhất là ba mươi lăm ngàn đô cho ba container áo da và hai container đồng hồ cơ. Số tiền này anh đã điện về bảo vợ anh chuyển sang rồi, chỉ có điều cô ấy bảo sẽ trực tiếp mang tiền sang xem anh làm ăn ra sao. Em biết đấy, từ ngày có em, anh chẳng muốn cô ấy sang đây nữa, nhưng lần này bất đắc dĩ đành phải để cô ấy sang thì anh mới lấy được mấy container hàng ra được. Thôi đành phải xa em một thời gian vậy … Đêm đó, nằm bên Tiến mà cô cứ trằn trọc mãi mà không sao ngủ được, phần thì lo Tiến biết chuyện, phần thì lo hàng nếu bị giữ lâu sẽ gặp rất nhiều phiền toái vì đã hơn 1 tháng trôi qua, áo da mỏng chỉ bán vào mùa thu thôi. Ngoài ra, còn hai container đồng hồ cô đứng ra lấy hộ nữa chứ, chủ hàng đã nhắc thanh toán rồi mà hàng vẫn chưa nhận được. Đã thế, bà vợ Lê lại định sang… Dung cứ nghĩ đến cảnh người đàn bà khác đang âu yếm trong vòng tây của Lê là Dung thấy nóng ran cả người. Cô biết rằng mình không có quyền ghen ngược nhưng chẳng hiểu sao máu trong người cứ sôi lên. Cô rón rén ra bếp, đóng chặt cửa, ngồi châm thuốc và nghĩ cách … Nhận xong lô hàng mới, cô để cho mình Tiến giao cho khách, còn mình thì bí mật đi vay lãi và bay ngay xuống Kiev. Công việc đầu tiên là cô thông báo cho Lê biết là cô đã lo được tiền để đút lót cho hải quan rồi. Công việc thứ hai là anh sẽ không phải xa cô vì có đủ tiền thì sẽ không cần vợ Lê phải mang sang nữa. Sáng hôm sau, Lê ăn mặc chỉnh tề rồi bảo Dung trang điểm để hai người đi ăn sáng, sau đó anh và cô sẽ đi giao tiền và nhận hàng. Trước khi đi, hai người cẩn thận kiểm tra lại tiền. Ba chục ngàn đô Dung vừa đưa được xếp gọn gàng vào trong chiếc cặp số sang trọng của Lê. Dời nhà hàng, Lê chở Dung đến một ngôi nhà gần Đại lộ Chiến Thắng, sau đó anh bảo cô ngồi trong xe chờ vì có người lạ mặt họ sẽ không nhận và lỡ việc. Dung lo lắng sợ có điều gì bất ổn, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của Lê, nhưng Lê cười bảo anh đã điện cho họ xuống cửa đón và anh động viên cô đừng lo. Nửa tiếng sau, anh quay trở lại, nhìn gương mặt không giấu nổi niềm vui của Lê, Dung mới thấy thở phào nhẹ nhõm. Hai ngày sau, giữa đêm khuya, khi Lê và Dung đang say giấc nồng thì một hồi chuông điện thoại vang lên. Dung không giấu nổi sự bàng hoàng khi Ngọc Anh – vợ Lê – gọi điện báo là đang chuẩn bị ra sân bay để sang chỗ Lê. Không nén nổi, Dung quay sang trách Lê sao vẫn để vợ sang nhưng Lê lại ngọt ngào dỗ dành: - Khổ quá! Vì em báo lo được tiền muộn quá nên khi anh điện về cô ấy đã lo xong thủ tục rồi. Nhưng không sao, cô ấy bảo chỉ ghé qua thăm bố con anh ít ngày rồi bay sang Úc thăm cậu em ruột bên đó ngay. Tạm thời, em dọn vào trong ốp ở mấy bữa nhé. Hàng ngày anh sẽ vào thăm em. Vào ốp đã 3 ngày, mà cô không thấy Lê đâu cả, cô điện vào máy di động thì máy bận liên tục, hàng hóa lại chưa thấy động tĩnh gì cả, khiến ruột gan cô cồn cào, cả ngày cô cứ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Đến chiều hôm đấy thì cả gia đình Lê cùng vào trong ốp. Không thể chịu đựng được hơn nữa, Dung lao vào túm lấy Lê hỏi dồn dập khi Lê vừa bước chân ra khỏi xe: - Anh ở đâu mà mấy hôm nay không thấy mặt? Hàng hóa sao mãi không thấy báo đi nhận? Anh có biết trên Mát người ta đã gọi điện đòi tiền mà tôi phải tránh mặt đấy không? Thế mà anh … - Có chuyện gì thế anh? – Một người đàn bà mặt trát một lớp phấn dày nhưng không che nổi 2 gò má bị nhám, có lẽ do dùng quá nhiều mỹ phẩm bước ra khỏi xa, ném một cái nhìn đầy ngạo mạn về phía cô và hỏi Lê. - À, không có gì! Người ta nhờ anh lo chạy khâu hải quan để lấy hàng ra ấy mà! – Lê lấp liếm. - Ôi dào, tưởng chuyện gì quan trọng, hóa ra lại nhờ vả. Bây giờ đang bận, không phải lúc nhờ vả, anh bảo với mọi người như thế. – Nói xong cô ta cong cặp môi xẻ chắc vừa qua phẫu thuật thẩm mỹ và định bước đi … Dung giận sôi người vì cách ăn nói ngang ngược và vẻ mặt ngạo mạn của con đàn bà ấy. Ngay lập tức, cô rảo bước đuổi theo và chặn mụ ta lại. Thế là cuộc đôi co, xô xát nảy lửa giữa hai người đàn bà bắt đầu … Mọi người trong ốp đổ ra xem, Lê chỉ còn nước độn thổ mà không được. Lợi dụng lúc mọi người không chú ý, anh ta chuồn thẳng lên phòng và khóa trái cửa lại. Dung bước về phòng, áo quần, đầu tóc tả tơi sau trận giao tranh, toàn thân cô rũ ra như tàu lá héo. Đúng lúc ấy, ở trên Mát, Tiến giục cô phải chuyển tiền về trả cho chủ đồng hồ ngay bởi vì họ đang làm ráo riết. Hơn nữa, chủ áo da cũng bay từ Trung Quốc sang và đang chờ cô ở nhà. Ruột gan rối bời nhưng cô phải vội bay về Mát để thu xếp công việc. Với chủ tàu, cô không được phép trì hoãn. Đến nước này, cô buộc phải nói thật với Tiến cũng như chủ áo da và chủ đồng hồ toàn bộ sự thật về lô hàng đang bị giữ và xin khất họ thêm ít ngày nữa. Cũng may cô cũng là người có uy tín trong chuyện làm ăn nên mọi người cũng để cho cô thu xếp dần. Công việc trên Mát thu xếp tạm ổn, cô lại vội vàng bay xuống Kiev để chờ lấy hàng. Nhìn cô lo lắng gầy rộc đi, chị Cúc và chị Loan cứ động viên cô giữ sức khỏe kẻo ốm ra thì khổ, nhưng cô làm sao mà nuốt nổi cơm bây giờ? Hàng hóa vẫn chưa có tin tức gì, tiền vay ngân hàng ở Việt Nam cũng đã đến ngày phải trả cả gốc lẫn lãi, mà cũng chẳng liên lạc được với Lê nên cô càng sốt ruột. - Thằng cha này nó lừa mày rồi, tiền nong chắc nó cuỗm sạch rồi chứ đút lót gì. Tốt nhất là bây giờ nhờ công an can thiệp hay nhờ bọn đầu gấu bắt cóc hai vợ chồng nó, rồi gọi điện cho lũ con mang tiền đến nộp rồi xẻo cha nó tai, cho chúng nó chừa bớt cái kiểu lừa đảo thất đức ấy đi. – Chi Loan cay cú thay Dung. - Khổ quá! Thực ra anh lê không phải muốn lợi dụng em hay cố tình lừa đảo đâu. Anh ấy cũng vất vả, chạy ngược chạy xuôi để lo lấy hàng ra đấy chứ. – Dung vội vàng ngắt lời chị Loan để lý giải, biện bạch và bênh vực cho Lê - khổ nỗi, đang lúc lo công lo việc gần ổn thỏa rồi thì con “mặt nạ” – Dung muốn ám chỉ vợ Lê vì cô ta đã đi thẩm mỹ lại tất cả những chi tiết chính trên gương mặt nên không còn giống như khuôn mặt tự nhiên – xuất hiện và giở trò ghen tuông và không cho anh Lê đi lo chạy chọt nữa thành ra công việc bị ách lại. - Tôi không thấy ai si tình và dại trai như bà! Đến bây giờ mà vẫn còn tin cái thằng lừa đảo ấy được thì tôi cũng chịu bà. – Chị Oanh vừa cho con ăn vừa với theo. Bà tưởng tự nhiên vợ con lão ta lại bay sang đúng lúc thế ư? Nhầm to. Tất cả chuyện bị hải quan giữ hàng để bà lo tiền chạy, rồi mụ vợ lão ta bay sang giở trò ghen tuông …, tất cả đều do chính tay Lê vừa là người viết kịch, vừa là đạo diễn và kiêm luôn cả vai chính nữa. Cả gia đình lão ta lừa bà vào tròng và bà đã sập bẫy mà không mở mắt ra … - Em đừng đổ tiếng ác cho người ta như thế! – Dung phản đối có vẻ yếu ớt. - Bà dốt lắm, đã thế tôi cũng mặc xác bà. – Chị Oanh nổi cáu. Trong giọng nói không giấu được vẻ giận giữ. - Thôi, Oanh! Dung nó cũng đang rối ruột, rối gan lên, em đừng chấp nó. – Chị Loan nhẹ nhàng lên tiếng. – Chỉ có điều này thì Dung cần phải lưu ý và ngay ngày mai em phải ra chợ xem thực hư ra sao vì chiều nay Oanh nó bảo với chị là buổi sáng nay, chợ đuội nên nó và cái Trâm rủ nhau đi lượn chợ chơi. Khi nó đi ngang qua dãy công Tàu, thấy Tây xếp hàng để mua, còn tranh nhau chí chóe. Thấy lạ, hai đứa chúng nó cũng ghé vào xem hàng gì mà chạy thế. Em biết không? Thì ra là họ bán áo da giống hệt như hàng mẫu em mang xuống, chỉ có điều, không phải bảy tám mươi đô như giá em định giao mà chỉ có bảy mươi, tám mươi grivna thôi. Thảo nào, dân tình tranh nhau như cướp cháo thế là phải! Dung thấy tối sầm mặt mày, cô linh cảm thấy có điều gì đó chẳng lành, suốt cả đêm cô trằn trọc không sao ngủ được. Mới sáng sớm tinh mơ, cô đã có mặt ở ngoài chợ, phải khá lâu, những người chủ công mới ra. Vừa nhìn qua hàng bày mẫu, cô đã nhận ngay ra tên nhãn hiệu của cơ sở sản xuất mà cô đã đặt tận bên Trung Quốc. Cô hỏi 2 container, họ đều nói là hàng “đánh” từ Tàu sang, đi đến mấy container cách đó 1 đoạn, cô vờ vào thử hàng và tỏ vẻ nghi ngờ hàng chất lượng kém nên mới bán rẻ, người bán hàng thuê nói như phân bua: - Hàng chất lượng tốt đấy, mấy ngày hôm nay chúng tôi bán mỗi ngày được mấy trăm chiếc ấy chứ, nghe ông chủ tôi bảo là người đánh áo da này cần bán nhanh để thu tiền đưa cả gia đình về nước hay đi đâu đó, thành ra họ mới phải bán tháo vốn. Tính ra giá thành còn thấp hơn bao nhiêu lần so với giá mua ở tận gốc ấy, cô ạ. - Dung thấy tai ù đi, người lảo đảo chực ngã. Sau giây lát trấn tĩnh lại, cô vội bắt taxi lao đi. Đây rồi, căn hộ này đây đã từng chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm, chứng kiến những phút giây cô tưởng như hạnh phúc nhất đời, và cũng căn nhà này Lê đã ôm cô trong vòng tay và hứa xong chuyến hàng này sẽ đưa cô đi Krưm để nghỉ ngơi và chọn mua tặng riêng cho cô một biệt thự sang trọng gần biển. Khi hè đến cô từ Mát sẽ bay xuống nghỉ ngơi trong tòa lâu đài hạnh phúc ấy. Dung bơi trong niềm hạnh phúc và háo hức chờ đợi cho chuyến hàng nhanh chóng đến tay người tình. Giờ đây căn nhà sao bỗng dưng xa lạ với cô đến thế. Cô run run ấn chuông, lòng phấp phỏng lo âu hồi hộp. Con tim đập loạn xa, tưởng chừng muốn bắn ra khỏi lồng ngực. Một lát, có một người đàn ông đầu đen ra mở cửa, có lẽ là người Azecbaizan. Dung lạnh toát sống lưng, đôi chân run lẩy bẩy, tưởng muốn ngã quỵ. - Có chuyện gì thế? Cô đến tìm chủ cũ phải không? Họ không còn sống ở đây nữa, nhà này đã bán rồi. – Thấy cô ngạc nhiên đến giật mình, người đàn ông lên tiếng. - Có thật thế không? Làm sao mà làm giấy tờ nhanh thế được cơ chứ? Mà họ đi đâu ông có biết không? – Dung cuống quýt hỏi. Chủ nhà mới nhìn cô một lượt dường như đoán có việc gì quan trọng liên quan đến chủ cũ, nên ông ta dè dặt trả lời: - Tôi và ông ta đã ra công chứng để thông qua các thủ tục hành chính gần 1 tháng nay rồi cơ, nhưng tôi mới chính thức dọn về đây ở được hai ngày . - Thế họ đi đâu ông có biết không? – Dung vội vàng hỏi tiếp. - Chính xác thì tôi không biết nhưng nghe nói hình như họ về nước hay đi nước khác gì đó vì thấy vợ con cũng đi theo. – Người đàn ông lịch sự trả lời trước khi chào tạm biệt và bước vào trong, để lại cho Dung bao suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Dung mở cửa phòng và gieo người xuống ghế, đúng lúc ấy thì có tiếng chuông điện thoại vang lên, cô cố gượng dậy và nhấc ống nghe: - A lô! Ai đấy? – Dung mệt mỏi hỏi. - Chị làm ơn cho gặp Dung ở Mát có chuyện gấp. – Đầu dây bên kia hỏi gấp. - Ai đấy? Dung đây – Dung ể oải hỏi. - Trời ơi, Dung đấy hả? Tao Quế đây! Dung ơi, mày thu nhanh tiền hàng ở dưới đó, rồi cùng lão bồ dưới đó bỏ trốn càng nhanh càng tốt, thằng chủ hàng áo da nó bảo nếu mày không gửi tiền sang trả nó thì tuần này nó bay sang đây để tính sổ với mày đấy. Lão Tiến nghe tin, sợ nó sang cắt cổ nên cùng với con Chinh – bồ lão Tài “bọ” vét sạch tiền nong rồi cuỗm hết cả đi rồi, còn mụ Ngân thì đang lồng lên ở trên này vì mày chưa thanh toán cho mụ tiền hai container đồng hồ mày đánh xuống đấy. Mụ ấy đang bận nhận hàng mới, thấy bảo xong việc sẽ bay xuống Kiev tìm mày đấy, viza làm cũng sắp xong rồi. À, mà mày nhờ lão bồ dưới đấy đứng tên chuyển tiền về cho bố con ông Hải ở nhà đi, hôm qua hai bố con ông ấy điện sang báo, ngân hàng đã niêm phong tịch thu toàn bộ nhà cửa vì đã quá hạn phải trả ngân hàng rồi đấy, bây giờ hai bố con đang đi ở nhờ. Hình như ông ấy đã khóc, nghe tội lắm… - Quế làm cho 1 tràng dài, chẳng hiểu Dung có nghe được từ nào không nữa. Dung thấy đầu óc quay cuồng, cô lại lịm đi … Quanh cô như có tiếng rì rầm của những con sóng biển đang xô bờ, và hình như cô đang ngồi bên cửa sổ của tòa lâu đài đang được xây bằng những con ốc biển xanh biếc, chiếc ghế cô ngồi được làm bằng những viên ngọc trai lấp lánh. Xung quanh bậu cửa sổ, những chùm san hô đỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nhưng sao hai bố con Hải trông đen đúa, gầy guộc đến thế nhỉ? Họ đều dang tay chạy về phía cô, như thể đang cố chống đỡ một điều gì nguy hiểm đang tới. Mà hình như họ đang khóc mới lạ chứ ??? Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, những cơn sóng tạo thành những cột nước lớn, hung dữ chồm lên. Tòa lâu đài nguy nga tráng lệ ấy của cô bị những con sóng đánh tan tành và chìm dần xuống đáy biển sâu. Còn cô đang chới với giữa đại dương bao la. Dung thấy khoảng cách với bờ ngày càng xa dần, xa dần. Có lẽ cô đang chìm dần theo tòa lâu đài của cô chăng?. Đang vùng vẫy trong cơn tuyệt vọng, Dung bỗng nhìn thấy bố con Hải đang lao ra cứu cô. Khoảng cách giữa họ và cô ngắn dần… ngắn dần, cô nghe thấy tiếng gọi: - Du … du … u … Dung … !!! - Mẹ … e … e … ơ … ơ…ơi …ơi…! Dung khẽ cựa mình … A, nó tỉnh rồi!!! Dung nghe như tiếng ai reo lên, cô từ từ mở mắt … giọt nước mắt nóng hổi đang trào ra từ hốc mắt đen sẫm của cô.
*) Mát - tên gọi tắt của Mátxcơva ,thủ đô nước Nga. **)Khalat -là loại áo khoác mặc trong nhà có dây để buộc ngang lưng. ***) áo kút-ka là mặt hàng áo khoác dày ,ấm thường may lót bông hoá học hay lông gà.
người đàn ông lạ mặt đến bên cô nhẹ nhàng nói:
- Anh là bạn thân của vợ chồng Đức Hoa, anh đã được nghe Hoa kể rất nhiều về em, mãi đến hôm nay mới có được vinh dự cùng Đức Hoa đi đón em … Rất vui mừng được gặp em! - Miệng nói tay Lê – tên người đàn ông đó ,trao cho cô bó hoa hồng và cúi xuống hôn nhẹ lên gò má cô rất kiểu cách, lịch thiệp.
Người lạ mới gặp nhau lần đầu mà đã hành xử như thế này thì "tây" hơn cả Tây chính cống. Thán phục.
Truyện đã được mang vào thư viện.
Happy New Year, TG.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2012 02:36:11 bởi NgụyXưa >
Chuyện ngắn
Hai đứa trẻ
Đến lượt anh đi rồi đấy! – Lâm giục Phúc.
- Đi cái con khỉ, tao chuyển con xe sang đây mày mất toi thằng tướng rồi còn đánh đấm gì mà đi … Thôi, quá tam ba bận chẳng còn ân hận gì nữa …
- Dở quá! Thế mà em không tính ra nên mới đi như vậy … Anh cho em hầu thêm một ván nữa để em còn “gỡ gạc” tý chút, Lâm năn nỉ.
- Gỡ làm đếch gì cho mệt! Hôm nay coi như hòa, tao không bắt chú mày phải khao rượu như đã thỏa thuận đâu. Khi nãy tao đã nói chỉ chơi thêm một ván này nữa là kết thúc cơ mà. – Phúc đứng dậy.
- Em đùa vậy thôi chứ thua anh ba ván liên tiếp mà chỉ mất có “xì tô gờ ram vốt ka”(100ml rượu trắng) thì nhằm nhò gì! Nhạt toẹt! Cái chính là em muốn được chơi tiếp để “sư phụ” chỉ giáo thêm mà học hỏi chứ em biết thắng được “thiên hạ đệ nhất …cờ” như anh đâu phải dễ mà dám mơ …
- Chợ búa đuội như thế này thiếu chó gì cơ hội cho chú mày học đánh. Riêng hôm nay chỉ đánh “ví dụ” vậy thôi , vì tao còn muốn dọn hàng sớm để về nhà chuẩn bị tối cho cháu đi dự Tết …
- Ừ nhỉ! Anh nói em mới nhớ ta … Vậy thì tối nay anh em mình nhất định sẽ uống với nhau ở đó nhé! Giờ em cũng dọn hàng luôn …
Phúc gật đầu rồi lững thững đi về sạp hàng của mình.
Rõ khốn nạn! Năm nay thật là xui xẻo hết chỗ nói … Chẳng bù cho năm ngoái, trời rét đậm lại kéo dài nên hàng áo đúp -lôn-ka* bán chạy chợ. Mỗi ngày bán lẻ cũng được dăm chiếc, có những ngày thứ bảy chủ nhật nhiều nhà bán được 15, 20 chiếc, lãi suất thấp nhất cũng từ 18 đô trở lên chứ có ít đâu. Nhìn họ bán mà chóng mặt, xót cả ruột. Trong khi đó, Phúc không có vốn nên phải lấy toàn những loại quần len, thể thao, áo phông dài tay … rặt đồ rẻ tiền lại tồn kho lâu không bán được, người ta mới giao xu-khôi** cho anh nên nhiều khi chẳng cả có người mua mở hàng … Đúng là lực bất tòng tâm! Cứ cái cảnh không vốn, đi lấy hàng tồn bán chẳng đủ chi phí cho tiền thuê chỗ chứ có đâu mà dành dụm được tiền …
Sau nhiều đêm trăn trở, Phúc quyết định gọi điện về Việt Nam, nhà nghèo nhưng thương cảnh gà trống nuôi con nơi đất khách quê người, mẹ Phúc phải cắt nửa mảnh vườn bán đi chuyển sang cho anh làm vốn. Nhận được ba ngàn đô mẹ gửi, Phúc hăm hở đi lấy hàng từ đầu vụ, hy vọng năm nay sẽ kiếm được ít tiền đủ mua hai vé máy bay đưa thằng Đức về cho bà cháu gặp mặt. Trớ trêu thay, năm nay lại không có mùa đông! Suốt từ tháng 11 đến bây giờ tuyết chỉ rơi có mấy ngày mà chưa kịp chạm đất đã tan hết rồi còn đâu … Đã thế tình hình an ninh, chính trị luôn biến động, bất ổn. Ai đời có mấy tháng mà bầu cử tới ba lần, rồi lại còn ngày lễ, ngày tết nữa, toàn rơi vào thứ 7, chủ nhật thì lấy đâu ra người đi chợ mà mua hàng cơ chứ ???
Tháo gấp xong đống hàng Phúc thấy rời rã cả người …
- Mẹ kiếp! Nhanh thế, ngày mai đã đến hạn phải đóng tiền thuê nhà rồi, chợ đuội mọi người cũng chẳng bán được thì biết xoay đâu ra tiền bây giờ? – Phúc lẩm bẩm chửi thầm khi bước chân về tới cửa căn hộ hai bố con đang thuê .
- Con chào bố! Hôm nay bố về sớm quá nên con chưa kịp làm mì cho bố rồi …
Miệng nói, tay thằng Đức định cầm bình đi lấy nước để đun, nhưng Phúc ngăn lại bảo:
- Thôi con không phải úp mỳ cho bố nữa đâu. Con chuẩn bị giày dép, bố tắm xong sẽ đưa con đi dự Tết như năm ngoái ấy …
- Thật hả bố? – Thằng Đức reo lên sung sướng. Thế thì con phải chuẩn bị để hôm nay bố con mình mặc đẹp mới được. Con sẽ lau giày cho cả bố nữa. Thằng Đức hăm hở chổng mông bò vào gầm giường lôi ra cho bố đôi giày bám đầy bụi và mạng nhện. Nó vớ lấy cái giẻ rồi hí hoáy lau. Xong việc nó để giày, tất, quần áo của bố lên ghế rồi tự chuẩn bị mặc quần áo, tìm tất, đi giày cho mình và háo hức ngồi đợi bố.
* *
*
Hai bố con Đức đến nơi cả hội trường đã chật kín. Sau phần phát biểu của ban tổ chức, của các vị đại biểu, đến phần liên hoan mừng Xuân. Tiếng mở sâm-panh nghe lốp bốp, tiếng cụng ly lanh, tiếng chuyện trò, chúc tụng nhau … bị nuốt chửng bởi tiếng nhạc đã nổi lên.
- Bố ơi! Cho con ra chơi với các bạn một lát được không?
- Nhưng con nhớ phải ăn gì đi kẻo đói nhé. – Phúc dặn con.
- Vâng. – Thằng bé hớn hở chạy.
Phúc nhìn theo thì thấy cu Đức đang chạy về phía bé Thảo. Anh yên tâm … Nào, anh em mình cạn ly … Phúc ngửa cổ dốc cạn chén.
Đức chạy đến gần đám trẻ con thì dừng lại. Đúng lúc ấy, bé Thảo nhìn thấy, nó liền bỏ đám bạn chạy ào về phía Đức, mừng quýnh hỏi:
- Cậu đến lâu chưa? Ra đây chơi với các bạn đi, vui lắm. Đi nào … - Bé Thảo định kéo tay Đức nhưng nó rụt lại lắc đầu:
- Tớ không muốn chơi đâu …
- Cậu làm sao thế? Vừa mới đến à? Chắc là đói phải không? Ra kia bọn mình lấy bánh chưng ăn xong thì chơi nhé!
Thằng Đức khẽ gật đầu vẻ bẽn lẽn.
Thảo chạy ra chỗ mẹ nó đang đứng rồi quay trở lại với đĩa bánh chưng trên tay. Nó kéo Đức đi tìm chỗ để ngồi. Vất vả lắm hai đứa trẻ mới tìm được một chỗ trống cuối góc bàn đặt cành đào, khuất sau cột nên chẳng có ai trông thấy chúng nó.
- Này, cậu phải ăn hết góc bánh chưng, mấy cái nem với miếng chả này không đói thì chẳng có sức mà chơi đâu. Thảo đưa đĩa bánh cho Đức.
- Thế cậu không ăn à?
- Không! Tớ chẳng thích. Hôm qua mẹ tớ gói bao nhiêu là bánh nên tớ đã ăn chán rồi. Giờ cậu cứ ngồi đây ăn một mình nhé, tớ chạy ù ra ngoài kia, chỉ một loáng là vào ngay thôi. Vừa nói Thảo vừa chạy biến vào đám đông. Quả nhiên, chưa đầy chục phút sau nó quay trở lại, hai tay lại lễ mễ bưng đĩa thức ăn đựng trong chiếc đĩa nhựa mỏng mảnh nên nó chỉ sợ đổ, đã thế ở nách nó còn kẹp thêm một chai nước khoáng còn non nửa.
- Nước đây, cậu uống đi không nghẹn đấy! Còn đĩa bánh này tớ lấy phần để tý nữa cậu mang về lúc nào đói thì ăn – Thảo đặt đĩa bánh xuống bàn rồi đưa tay ngang mặt quệt mồ hôi.
- Sao Thảo lấy nhiều thế? Không sợ người ta mắng à? – Đức tròn mắt hoảng hốt.
- Cậu chẳng biết gì cả! Người ta mời mọi người đến đây, ăn bao nhiêu mà chẳng được, đồ ăn còn thừa đầy trên bàn kia kìa. Cứ việc ăn tự nhiên, thoải mái có mất tiền đâu mà lo. Nếu không ăn ở đây, mình có thể lấy phần ấy để mang về lúc nào thích thì ăn chứ có phải mình ăn cắp đâu mà cậu sợ. – Bé Thảo giải thích cho bạn theo cách suy nghĩ của nó đến là ngộ nghĩnh.
Thằng Đức uống một ngụm nước rồi lại tiếp tục ăn. Lâu lắm rồi nó mới có được bữa ăn ngon miệng và no nê như thế, còn bé Thảo ngồi nhìn bạn ăn. Chợt nó như nhớ ra điều gì quan trọng, nó bảo Đức:
- Cậu ngồi dịch ra ngoài này một chút.
- Để làm gì? – Đức ngơ ngác không hiểu.
- Đưa lưng đây cho tớ xem dạo này cậu còn hay bị bố đánh nữa không?
- Không! – Thằng Đức oằn người để tránh nhưng Thảo đã nhanh tay lật áo lên.
- Thế này mà cậu bảo không á? Vẫn còn đầy vết tím trên lưng mà còn định giấu. Tớ biết ngay mà …. Какой он злой!!!*** – Mặc dù bị mẹ bắt phải thường xuyên tập nói tiếng Việt, nhưng đôi lúc gặp từ nào khó Thảo lại dùng tiếng Nga.
- Đấy là vết cũ từ lâu rồi. Thằng Đức chống chế. Mà cũng chỉ tại rượu làm bố tớ say, chứ bình thường bố tớ yêu tớ lắm, chứ chẳng đánh tớ đau thế đâu …
- Xì … ì …ì! Tớ chẳng tin! – Bé Thảo trề môi phản đối. Bố tớ thỉnh thoảng cũng bị say rượu nhưng có bao giờ đánh tớ hay nói to đâu. Say rượu bố tớ kêu đâu đầu rồi đi ngủ. Mẹ tớ bảo bố cậu có chuyện buồn nên hay cáu giận vô cớ, khiến cậu bị đòn oan thôi. Bố mẹ tớ thương cậu lắm nhưng tiếc là nhà tớ lại chuyển đi chỗ khác mất rồi. Mỗi lần mẹ tớ nấu món gì ngon lại nhắc tới cậu. Nếu ở gần thì ngày nào mẹ tớ cũng sai tớ mang đồ ăn xuống cho cậu như trước kia cho mà xem. Chán thật! – Thảo buông tiếng thở dài, mắt thoáng buồn …
- Ừ! Từ ngày nhà cậu chuyển đi tớ nhớ lắm.. . Cả ngày tớ bị nhốt trong nhà, chẳng có ai để chơi ngoài cái máy điện tử bấm tay với trò chuột hứng trứng … nhìn mãi nhức hết cả mắt mà vẫn phải chơi vì chẳng có trò gì khác. Thằng Đức buồn rầu than thở.
- Cậu đừng chơi trò ấy nữa không thì sẽ hỏng mắt rồi lại phải đeo kính cận như tớ đấy. Hôm nào tớ xin mẹ gửi cho cậu mấy hộp xếp hình, ghép tranh hay hơn. – Bé Thảo an ủi bạn.
Ngày trước nhà Thảo ở tầng trên, nhà Đức ở tầng dưới, hai nhà chơi thân với nhau từ khi chúng nó vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Rồi chúng nó được sinh ra cùng một năm, bé Thảo sinh sau gần 3 tháng và hai gia đinh cứ trêu nhau là thông gia. Tất nhiên chúng nó chẳng biết gì chuyện đùa của người lớn mà chỉ biết ngày nào mẹ Đức cũng lên nhà Thảo chơi, nếu không mẹ Thảo lại dắt Thảo xuống. Người lớn ngồi xem phim, tán gẫu, còn chúng nó ngồi xếp hình, nghịch đồ chơi với nhau. Đó là tháng ngày hạnh phúc nhất của Đức mà khi ấy nó đâu có biết …
Cuộc sống tưởng như bình lặng trôi đi. Bỗng dưng, giông tố ở đâu bất ngờ ập xuống gia đình của Đức và bố nó đã không có đủ sức chèo chống, níu giữ nổi con thuyền hạnh phúc của mình trước cơn bão cuộc đời … Mẹ Hạnh đã bỏ bố con nó đi theo người bạn mà hai người vẫn cùng đi thành phố xa để lấy hàng …
Lúc ấy nó mới gần 5 tuổi. Đức chỉ nhớ rằng bố mẹ nó cãi nhau rất là nhiều. Mẹ nó khóc sưng cả mắt, còn bố nó quát tháo, chửi mắng, đập phá chán rồi cũng khóc. Mỗi lần như thế, mẹ Thảo đều có mặt. Công việc đầu tiên, mẹ Thảo đưa Đức lên nhà rồi mở phim hoạt hình cho Thảo và Đức ngồi xem, sau đó mới xuống nhà nó để khuyên giải … Ít lâu sau, mẹ Đức đi lấy hàng rồi chẳng thấy về nhà nữa. Bố nó thì say bí tỉ. Mẹ Thảo chăm cả hai đứa chúng nó. Suốt ngày chúng mải mê xếp hình chán rồi lại xem hoạt hình nên có biết buồn, nhớ gì đâu. Bẵng đi một thời gian, mẹ nó đột ngột trở về, mua cho Đức bao nhiêu là quần áo, đồ chơi, bánh kẹo ….. Nó hỏi mẹ đi đâu mà lâu thế. Mẹ nó nói phải đi làm xa, thỉnh thoảng mới thăm nó được … rồi mẹ ôm nó khóc … Nó mải nghịch đồ chơi say sưa tới mức mẹ nó lặng lẽ đi từ lúc nào chẳng biết …
Chiều tối, bố nó đi chợ về. Vừa nhìn thấy túi quà và hộp đồ chơi, bố nó giận giữ vơ tất cả rồi thẳng tay ném vèo qua cửa sổ. Đức òa khóc ăn vạ đòi khiến bố nó thêm điên tiết, vớ luôn cái roi vụt nó tới tấp. Đau quá nó hét lên thất thanh và cố sức giãy giụa … Cũng may hàng xóm nghe thấy, họ đập cửa mãi rồi phải gọi cả công an đến bố nó mới chịu dừng tay. Khi ấy thằng Đức quằn quại rồi lịm đi trong đau đớn, sợ hãi …, còn bố nó bị lập biên bản về tội ngược đãi, hành hung trẻ em. Nhờ có bố mẹ Thảo xuống giải thích nguyên nhân, hoàn cảnh của gia đình nó và xin bảo lãnh cho bố nó chỉ phạt hành chính. Sau trận đòn nhớ đời ấy, thằng Đức thật sự khiếp đảm và hoảng sợ. Chẳng thế mà có đôi lần mẹ nó cũng vẫn lén lút đến thăm, dù nó nhớ mẹ tới mức vừa nghe tiếng gọi cửa, nó đã bật dậy như lò so định lao ra mở … nhưng rồi nó vội khựng lại khi nhớ lời bố dặn và trận đòn chí tử nó đã nếm trải … Đức vội vã trở lại giường nằm ép sát vào tường, người run cầm cập và tức tưởi khóc một mình, miệng thì thầm gọi mẹ trong tiếng nấc nghẹn ngào đứt quãng …
Từ ngày mẹ nó bỏ đi, nó không còn nhớ nỗi đã bị bố đánh bao nhiêu trận … Ngày nào đi chợ, bố nó cũng uống rượu , về đến nhà là chửi bới, đập phá. Có hôm vừa mở cửa vào đến nhà, bố nó cúi xuống định cởi giày thì nôn thốc nôn tháo ra khắp nhà rồi gục xuống cạnh đó ngáy … Có hôm thì vô cớ quát tháo thằng Đức rồi đánh đập nó dã man. Những lúc ấy, trước mắt bố nó không phải thằng Đức mà có lẽ là hình ảnh mẹ Hạnh – người vợ lăng loàn, đổ đốn đã làm cho gia đình tan nát, bố con nó phải khổ …, cho nên bao nhiêu thù hận bố nó dồn hết vào ngọn roi trút lên người thằng Đức. Nó đã quen dần với tính thất thường của bố nên mỗi lần thấy bố quát tháo , nó hình dung ra trận đòn roi khủng khiếp sắp sửa giáng xuống đầu nó … thằng Đức chỉ còn biết co rúm người lại, nép vào góc nhà chuẩn bị chịu trận …
Thực ra bố nó là người đàn ông hiền lành tốt bụng và rất yêu thương vợ con, dù hơi cục một chút - ấy là bố nó ngày trước, nhưng từ khi mẹ nó bỏ đi, bố nó đã trở thành một người hoàn toàn khác, hay cáu kỉnh, tức giận vô cớ và uống rượu rất nhiều … Đôi lúc tỉnh rượu, ngồi lặng lẽ hút thuốc trông bố nó rất hiền. Hình ảnh này của bố, Đức rất hiếm gặp vì thường là nửa đêm, khi nó đã mệt mỏi, chìm sâu trong giấc ngủ. Bố lấy dầu xoa bóp những vết roi hằn tím trên người nó. Nhìn nó nằm co quắp ngủ, bố nó lại lặng lẽ bế nó đặt ngay ngắn, kéo chăn đắp lại rồi ngồi ngắm nó. Thỉnh thoảng nó giật mình ngủ mơ, miệng ú ớ, hoảng hốt, người đầm đìa mồ hôi và khóe mắt long lanh giọt nước …bố nó vội ôm ghì sát nó vào lòng, người bố nó rung lên để kìm chế tiếng khóc không bật ra …
- Đức ơi! Cũng may có con là niềm an ủi, nguồn động viên trong cuộc sống này, vậy mà bố lại hành hạ, làm khổ con. Bố đúng là thằng khốn nạn … Trăm ngàn lần xin con tha lỗi … Từ nay bố sẽ không bao giờ đánh con đau thế này nữa đâu. Bố sẽ cố gắng kiếm tiền để bù đắp những thiếu thốn cho con …Bố sẽ quên tất cả, sẽ làm lại từ đầu, sẽ sống cho con, vì con …
Khổ nỗi, chưa quên được nỗi đau vợ bỏ theo người khác thì lại buồn vì chuyện làm ăn thất bại. Bán đất có được ít tiền dồn hết vào lấy hàng thì lại bị đắp đống, ngày nào cũng chở ra, chở vào, mắc lên, tháo xuống mà chẳng bán được. Sang năm hết vụ, lỗi mốt bán rẻ như cho chưa chắc đã được … Mỗi ngày hàng trăm thứ tiền phải tiêu pha, chi phí, biết đào đâu ra? Thằng Đức suất ăn mỗi ngày vẫn là ba gói mỳ tôm chứ đã được cải thiện gì hơn ngoài một vài gói phở ăn liền nhưng rất hãn hữu … Làm sao mà Phúc không khỏi chán đời và anh lại tìm đến rượu để quên đi mọi chuyện.
Phải nói, thằng Đức là đứa trẻ khôn ngoan và rất có hiếu. Bao nhiêu lần bị bố đánh đập , dù rất sợ nhưng nó vẫn thương và quấn bố. Cả ngày nó lủi thủi tự chơi trong nhà một mình rồi lại dọn dẹp nhà cửa, nhặt quần áo bẩn ngâm vào chậu. Đến tối, xả nước sẵn cho bố đi chợ về tắm rồi quay sang đun nước làm mỳ tôm cho bố tắm xong vào ăn. Hôm nào bố nó uống say quá mà ngủ luôn thì nó sẽ phải chờ cho bố ngủ vài tiếng mới đi lấy khăn ấm lau mặt, đắp lên trán chờ bố tỉnh rượu, nó đi đun nước làm mỳ tôm cho bố ăn xong nó mới yên tâm đi ngủ. Hình như trong tiềm thức non nớt của mình nó cũng mơ hồ hiểu rằng, nếu bố nó không ăn mà đói quá sẽ lả đi …, lúc ấy nó biết sống và trông cậy vào ai nữa?
- Sao cậu ăn ngắc ngứ thế, no rồi hả? Thế thì bọn mình ra kia chơi cùng các bạn đi, ngoài ấy vui lắm! – Bé Thảo đập mạnh vào vai khiến Đức giật cả mình.
- Còn đĩa bánh chưng này thì để đâu? – Đức hỏi Thảo.
- Đưa đây tớ dồn vào túi rồi giấu ngay dưới chỗ cành đào này sẽ chẳng ai thấy đâu, tẹo nữa chúng mình quay lại lấy sau.
Hai đứa trẻ tung tăng dắt tay nhau hòa vào đám trẻ con đang ríu rít nô đùa. So với các bạn cùng trang lứa, hai đứa này tỏ ra khôn ngoan và “già” hơn hẳn. Thằng Đức thì dễ hiểu vì hoàn cảnh đã tạo cho nó sự khôn ngoan để thích ứng, còn con Thảo thì có lẽ mấy năm sống cạnh nhà thằng Đức nó đã được chứng kiến mọi chuyện … Con bé vốn thông minh và nhạy cảm nên nó sớm hiểu lẽ đời: biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ cho bạn mình chăng???
Đùa nhau với đám trẻ một lúc, Thảo chạy đi uống nước, thằng Đức cũng chạy theo. Uống nước xong thằng Đức bảo bạn:
- Tớ không đi chơi đâu, cậu ra chơi tiếp với các bạn nhé!
- Cậu làm sao thế, mệt rồi à? – Bé Thảo ngạc nhiên hỏi.
- Tớ phải đi tìm bố tớ đây, suốt từ tối đến giờ chắc bố tớ đã say ở đâu rồi ... – Thằng Đức lộ vẻ lo lắng.
- Lại uống say, thế thì tý nữa làm sao mà về nhà được? – Bé Thảo càu nhàu.
- Thôi Thảo à, cậu chả bảo hôm nay ai cũng vui vì cả năm có một ngày Tết họp mặt mà. Hiếm khi lắm bố tớ mới vui vẻ, cứ để bố tớ uống. Nếu say rồi thì phải bảo bố mẹ Thảo đưa về thôi, tớ sợ rằng, đường xa thế này chắc bố tớ chẳng nhớ mà về nhà đâu.
Thảo im lặng một lát rồi gật đầu.
Không khí trong hội trường vẫn ồn ào, náo nhiệt, rượu bia đồ ăn, hoa quả … nằm ngổn ngang trên bàn. Mọi người càng sôi nổi và tự nhiên hơn khi hơi men đã ngấm. Họ nói cười hỷ hả, nét mặt rạng rỡ niềm vui, nụ cười luôn trực sẵn trên môi … Chỉ có hai đứa trẻ duy nhất không có được tâm trạng ấy. Niềm vui, nét hồn nhiên thơ ngây của chúng đã bị những người lớn đánh cắp mất rồi …
Tiếng nhạc ngày càng chát chúa hơn khi rượu trên bàn đã ngấm hết vào mạch máu của người điều khiển nó … Thảo và Đức cố luồn lách qua đám vũ hội một cách khó khăn …
- Ối … ối ….i …! – Bé Thảo kêu toáng lên khi một cậu thanh niên đang nhảy, tay vung mạnh hất cả vào cặp kính cận của nó. Thằng Đức vội nhoài lao theo chiếc kính. Nó vội chộp lấy rồi đeo cho bạn, miệng xuýt xoa khen may vì kính không bị vỡ … Đám thanh niên vẫn đang quay cuồng, say sưa theo tiếng nhạc, chẳng ai để ý đến hai đứa trẻ trong hội trường đông nghịt người ấy …
- Cậu đưa túi bánh cho tớ xách, một tay cậu giữ kính, một tay túm lấy tớ cho khỏi lạc. Phải cẩn thận , lần này mà bị rơi kính là vỡ mất đấy. Đức quay sang dặn Thảo. Hai đứa trẻ 9 tuổi: một gầy nhẳng như cò hương, một đeo kính cận nom “già” như “bà cụ” lại chen lấn, len lỏi, luồn lách cố nghển cổ, kiễng chân nghiêng ngó tìm … một người lớn giữa mấy trăm con người trong không khí ồn ào của bữa tiệc mừng Xuân.
Xuân Kỷ Dậu – 2005
TG *-Áo khoác bằng da thú may lộn rất ấm.
**-Lấy hàng trước sau đó mới thanh toán trả chậm dần.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.02.2012 05:55:10 bởi THƯƠNG GIANG >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: