HỒI SINH
tahuudinhqn 18.12.2010 00:43:21 (permalink)
HỒI SINH
                      
  Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Ông Quản Trọng, một chiến lược gia của nước Tầu thời xưa nói: “Nước có bốn giềng mối. Đứt một giềng tất nghiêng, đứt hai giềng tất nguy, đứt ba giềng tất đổ, đứt bốn giềng tất diệt. Nghiêng có thể chỉnh, nguy có thể yên, đổ có thể dựng, nhưng diệt thì không thể nào dựng lại được nữa”. Bốn giềng là “Lễ - Nghĩa – Liêm - Sỉ”.
Đó là chuyện thời xưa ở nước Tầu, còn ở nước ta thì lại khác. Ngày bắt đầu xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, ta đã xoá bỏ nền kinh tế phong kiến - đế quộc nhiều thành phần và lắm bất công, người áp bức bóc lột người, nghèo nàn và lạc hậu. Ở thành thị, ta quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ của giai cấp tư sản. Thành lập các công ty, xí nghiệp quốc doanh, do giai cấp công nhân làm chủ. Nhà nước quản lý và điều hành sản xuất. Ở nông thôn ta cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân. Thực hiên khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Rồi tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp, vận động nông dân đưa ruộng đất vào Hợp tác xã, xoá bỏ chế độ cá thể sở hữu tư liệu sản xuất nông nghiệp… Và do không còn bị áp bức bóc lột, nên sức sản xuất được giải phóng, đồng thời con người cũng được tư do và bình đẳng hơn.
Dân ta rất phấn khởi, ai cũng một dạ một lòng, thắt lưng buộc bụng, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, vừa xây dưng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Rồi đất nước thống nhất, cả nước đều chung tay, dốc sức vào công cuộc kiến thiết. Tưởng chẳng bao lâu rồi “Dân sẽ giầu, nước sẽ mạnh”. Nhưng chẳng hiểu vì đâu, nửa thế kỷ trôi qua mà cái mục tiêu tốt đẹp ấy vẫn chẳng hiện hữu. Trái lại, nền kinh tế ngày càng tụt dốc rồi lún sâu vào tình trạng khủng hoảng, khiến các mặt khác của đời sống xã hội cũng khủng hoảng theo…Về nông nghiệp, ta phải nhập khẩu lương thực, phải ăn mạch, ăn mì. Chia nhau từng củ khoai củ sắn, từng con cá mớ rau. Công nghiệp thì hàng hoá thiếu. Phải chia nhau từ cái kim sợi chỉ. Mỗi đầu người chỉ được bốn mét vải/năm…
Đứng trước bế tắc nghiêm trọng đó, buộc lòng ta phải mở cửa, đổi mới nền kinh tế. Gọi là “mới”, nhưng thực ra là lại quay về “con đường cũ”. Kinh tế thị trường, nhiều thành phần và lấy quy luật cạnh tranh làm động lực thúc đẩy sự phát triển. Thế là những thành phần kinh tế trước đây đã bị tiêu diệt, thì nay lại được hồi sinh. Chỉ có điều khác là “người cũ” nhưng “tên mới”. Bây giờ ta không gọi họ là “địa chủ”, là “tư sản” nữa, mà gọi họ là “chủ trang trại”, là ”doanh nhân”.Và quả nhiên, sau đổi mới chẳng bao lâu, hàng hoá đã tràn ngập thị trường. Lương thực cũng thừa, được xuất khẩu. Chất lượng cuộc sống đã được nâng lên hơn hẳn thời bao cấp. Và đến lúc ấy người ta mới nhận ra rằng: Nền kinh tế độc quyền, quan liêu bao cấp bấy lâu vẫn tưởng là văn minh, là ưu việt, hoá ra lại không phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
Vậy thưa ngài Quản Trọng, có thể ngài đã nhầm khi nói rằng “cái bị diệt thì không dựng lại được nữa”. Hay vẫn đúng nhưng chỉ đúng với quý quốc, và đúng trong giai đoạn lịch sử đó thôi. Còn với đất nước chúng tôi thì hoàn toàn khác, cái đã bị diệt nhưng lại hồi sinh được như có phép mầu và chắc chắn sẽ là bất diệt./.
                                                        Uông Bí, ngày 5/3/2006
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9