Học Sinh, Sinh Viên Xuất Sắc
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 8 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 115 bài trong đề mục
HongYen 21.08.2005 17:56:35 (permalink)
Bài làm


Câu 1:

Xuân Diệu (1916 - 1985) - một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Đó là bước chuyển tất yếu của một trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ. Thơ văn Xuân Diệu có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam. Có thể tìm hiểu sự nghiệp văn học của nhà thơ qua thơ và văn xuôi:

Về lĩnh vực thơ ca, chúng ta có thể tìm hiểu qua hai giai đoạn chính trước và sau Cách mạng Tháng Tám.

Trước Cách Mạng Tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn. Các tác phẩm chính tập thơ Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Nội dung của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là:

Niềm say mê ngoại giới, khát khao giao cảm trực tiếp, cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời (Vội vàng, Giục giã).

Nỗi cô đơn rợn ngợp của cái Tôi bé nhỏ giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận (Lời kỹ nữ).

Nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh một triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng (Vội vàng).

Nỗi khát khao đến cháy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy những hương sắc và thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên thật phũ phàng trước cuộc đời (Dại khờ, Nước đổ lá khoai).

Sau Cách Mạng, thơ Xuân Diệu đã vươn tới chân trời nghệ thuật mới, nhà thơ đã đi từ "cái tôi bé nhỏ đến cái ta chung của mọi người" (P.Eluya). Xuân Diệu giờ đây đã trở thành một nhà thơ cách mạng say mê, hăng say hoạt động và ông đã có thơ hay ngay trong giai đoạn đầu. Xuân Diệu chào mừng cách mạng với Ngọn quốc kì (1945) và Hội nghị non sông (1946) với tấm lòng tràn đầy hân hoan trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ ca. Ý thức của cái Tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống. Đất nước đã đem đến cho ông những nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Nhà thơ hăng say viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu: tập Riêng chung (1960), Hai đợt sóng (1967), tập Hồn tôi đôi cánh (1976).

Từ những năm sáu mươi trở đi, Xuân Diệu tiếp tục viết thơ tình. Thơ tình Xuân Diệu lúc này không vơi cạn mà lại có những nguồn mạch, cảm hứng mới. Trước cách mạng, tình yêu trong thơ ông hầu hết là những cuộc tình xa cách, cô đơn, chia ly, tan vỡ... nhưng sau cách mạng, tình yêu của hai con người ấy không còn là hai vũ trụ bé nhỏ nữa mà đã có sự hòa điệu cùng mọi người. Tình cảm lứa đôi đã hòa quyện cùng tình yêu Tổ quốc. Xuân Diệu đã nhắc nhiều đến tình cảm thủy chung gắn bó, hạnh phúc, sum vầy chứ không lẻ loi đơn côi nữa (Dấu nằm, Biển, Giọng nói, Đứng chờ em).

Về lĩnh vực văn xuôi có thể nói Xuân Diệu quả thật tài tình. Bên cạnh tố chất thơ ca bẩm sinh như thế, Xuân Diệu còn rất thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Các tác phẩm chính Trường ca (1939) và Phấn thông vàng (1945). Các tác phẩm này Xuân Diệu viết theo bút pháp lãng mạn nhưng đôi khi ngòi bút lại hướng sang chủ nghĩa hiện thực (Cái hỏa lò, Tỏa nhị Kiều).

Ngoài ra Xuân Diệu còn rất tài tình trong việc phê bình văn học, dịch thuật thơ nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu Ký sự thăm nước Hung, Triều lên, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Dao có mài mới sắc...

Dù ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có đóng góp rất to lớn với sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét "Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam". Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế có thể nói rằng Xuân Diệu xứng đáng là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.

tiếp....
#16
    HongYen 21.08.2005 22:52:41 (permalink)
    tiếp...

    Câu 2:

    Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong thủy" ấy. Ngay sau cách mạng, ông đã bắt tay vào viết ngay tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn Vợ nhặt đã ra đời. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.

    Trong một lần phát biểu, Kim Lân từng nói: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người". Và điểm sáng mà nhà văn muốn đem vào tác phẩm chính là ở chỗ đó. Đó chính là tình người và niềm hy vọng về cuộc sống, về tương lai của những con người đang kề cận với cái chết. Bằng cách dẫn truyện, xây dựng lên tình huống "nhặt vợ" tài tình kết hợp với khả năng phân tích diễn biến tâm lý nhân vật thật tinh tế và sử dụng thành công ngôn ngữ nông dân, ngôn ngữ dung dị, đời thường nhưng có sự chọn lọc kỹ lưỡng ấy, nhà văn đã tái hiện lại trước mắt ta một không gian năm đói thật thảm hại, thê lương. Trong đó ngổn ngang những kẻ sống người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ, giữa tiếng hờ khóc và tiếng gào thét kinh hoàng của đám quạ. Bằng tấm lòng đôn hậu chân thành nhà văn đã gửi gắm vào trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý ấy và nhà văn đã để những số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phấp phới cùng đám người đói phá kho thóc Nhật ở cuối thiên truyện.

    Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống Nhặt vợ của anh cu Tràng. Tình huống ấy là cánh cửa khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau khi miếng ăn của một người chưa đủ thì làm sao có thể đèo bồng thêm người này người kia. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỉ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn nhẫn, làm cho nhau đau khổ. Nhưng nhà văn Kim Lân lại khám phá ra một điều ngược lại như ở nhân vật anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Chúng ta từng kinh hãi trước "xác người chết đói ngập đầy đường", "người lớn xanh xám như những bóng ma", trước "không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi ngây của xác người", từng ớn lạnh trước "tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết" ấy nhưng lạ thay chúng ta thật không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và cả người vợ của Tràng nữa. Một anh thanh niên của cái xóm cư ngụ ấy như Tràng, một con người - một thân xác vạm vỡ, lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch, thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng biết bao nghĩa tình cao đẹp. "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào", vậy mà Tràng vẫn đèo bồng thêm một cô vợ trong khi anh không biết cuộc đời phía trước mình ra sao. Tràng đã thực liều lĩnh. Và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình. Điều ấy thật có lý và xót thương vô cùng. Và dường như lúc ấy, trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa đựng một ao ước thiết thực về sự đầm ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phơ tầm phào cho vui nhưng điều ấy cũng hé mở cho ta thấy: tình cảm của một con người, biết yêu thương, biết cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ. Như một lẽ đương nhiên, Tràng đã rất ngỡ ngàng, hắn đã "sờ sợ", "ngờ ngợ", "ngỡ ngàng" như không phải nhưng chính tình cảm vợ chồng ấy lại củng cố và nhen nhóm ngọn lửa yêu thương và sống có trách nhiệm với gia trình trong hắn. Tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tính. Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận Hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc ấy như một cái gì đó cứ "ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng". Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến "Trong một lúc Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua". Và Tràng đã ước ao hạnh phúc. Mạch sống của một người đàn ông trong Tràng đã trở dậy. Hắn có những thay đổi thật bất ngờ nhưng rất hợp lôgich. Những thay đổi ấy không gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu thương hay sao? Trong con người của Tràng khi trở dậy sau đó khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ. Tràng không là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, "Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng", "Hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này". Hắn cũng xăm xăm ra sân dọn dẹp nhà cửa. Hành động, cử chỉ ấy ở Tràng đâu chỉ câu chuyện bình thường mà đó là sự biến chuyển lớn. Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hòa thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phất phới. Rồi số phận, cuộc đời của hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi. Hắn tin thế.

    Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước, trước sức mạnh của cách mạng. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình. Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện. Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho những khuôn mặt hốc hác, u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên, từ con người chao chát chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là một quá trình biến đổi. Điều gì đã làm thị biến đổi như thế. Đó chính là tình người, là tình thương yêu, thị tuy theo không Tràng về chỉ qua bốn bát bánh đúc và hai câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng nhưng chúng ta không khinh miệt thị. Nếu có trách thì chỉ có thể hướng vào xã hội thực dân phong kiến kia bóp nghẹt đời sống con người, thị xuất hiện không tên tuổi, quê quán, trong tư thế "vân vê tà áo dài đã rách bợt", điệu bộ trông thật thảm hại nhưng chính con người lại gieo mầm sống cho Tràng, làm biến đổi tất cả, từ không khí xóm ngụ cư đến không khí gia đình. Thị đã đem đến một luồng sinh khí mới, nguồn sinh khí ấy chỉ có được khi trong con người thị dung chứa một niềm tin, một ước vọng cao cả vào sự sống, vào tương lai, thị được miêu tả khá ít song đó lại là nhân vật không thể thiếu trong tác phẩm. Thiếu thị Tràng vẫn chỉ là anh Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng trầm trong đau khổ, cùng cực. Kim Lân cũng thật thành công khi xây dựng nhân vật ấy để góp thêm tiếng lòng ca ngợi sức sống của vẻ đẹp, tình người, niềm tin ở cuộc đời phía trước trong những con người đói khổ ấy. Và thật ngạc nhiên, khó nói về ước vọng ở tương lai, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời người ta dễ nghĩ đến tuổi trẻ như Tràng và người vợ nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo vô cùng tình cảm, ước vọng ở cuộc đời ấy lại được tập trung miêu tả khá kỹ ở nhân vật bà cụ Tứ. Đến nhân vật này, Kim Lân tỏ rõ ngòi bút vững vàng, già dặn của mình trong bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Bà cụ Tứ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện nhưng nếu thiếu đi nhân vật này, tác phẩm sẽ không có chiều sâu nhân bản. Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào trong tác phẩm, Kim Lân đã cho chúng ta thấy rõ hơn ánh sáng của tình người trong nạn đói. Bao giờ cũng thế, các nhà văn muốn nhân vật nổi bật, có cá tính của mình thường đặt nhân vật vào một tình thế thật căng thẳng. Ở đó dĩ nhiên phải có sự đấu tranh không ngừng không những giữa các nhân vật mà độc đáo hơn là ngay chính trong nội tâm của nhân vật ấy. Bà cụ Tứ là một điển hình. Việc Tràng lấy vợ đã gây một chấn động lớn trong tâm thức người mẹ nghèo vốn thương con ấy. Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà lâu nay và có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên và cụ đã "cúi đầu nín lặng". Cử chỉ hành động ấy chất chứa bao tâm trạng. Đó là sự đan xen lẫn lộn giữa nỗi tủi cực, nỗi lo và niềm vui nỗi buồn cứ hòa lẫn vào nhau khiến bà thật căng thẳng. Sau khi thấu hiểu mọi điều bà nhìn cô con dâu đang "vân vê tà áo đã rách bợt" mà "lòng đầy thương xót". Bà thiết nghĩ "Người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có được vợ". Và thật xúc động, bà cụ đã nói, chỉ một câu thôi nhưng sâu xa và có ý nghĩa vô cùng:

    "Thôi, chúng mày phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng".

    Đói khổ đang vây lấy gia đình bà, cuộc sống của bà sẽ ra sao khi mình đang ngấp nghé trước vực thẳm của cái chết. Nhưng trong tâm thức người mẹ nghèo ấy, đói khổ không phải là vật cản lớn nữa. Đói rét thật nhưng trong lòng bà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương chân thành. Bà thương con, thương dâu và thương cho chính bản thân mình. Bà cụ Tứ từ những nỗi lo, nỗi tủi cực về gia cảnh vẫn không bùng cháy lên ngọn lửa của tình người. Bà đã giang tay đón nhận đứa con dâu, lòng đầy thương xót, trong tủi cực nhưng vẫn ngầm chứa một sức sống thật mãnh liệt. Chính ở người mẹ nghèo khổ ấy, ngọn lửa của tình người, tình thương yêu nhân loại ấy bùng cháy mạnh mẽ nhất. Trong bóng tối của đói nghèo đang hùng hổ vây quanh, bà lão vẫn gieo vào lòng những con niềm tin về cuộc sống. Bà nhắc đến việc Tràng nên chuẩn bị một cái phên nuôi gà, rồi việc sinh con đẻ cái, bà lão nói toàn chuyện vui trong bữa cơm ngày đói thật thảm hại ấy. Bà đã đón nhận hạnh phúc của các con để tự sưởi ấm lòng mình. Đặc biệt, chi tiết nồi chè cám ở cuối thiên truyện thể hiện khá rõ ánh sáng của tình người, nồi chè cám nghẹn ứ cổ và đắng chát ấy lại là món quà của một tấm lòng đôn hậu chất chứa yêu thương. Bà lão "lễ mễ" bưng nồi chè và vui vẻ giới thiệu "Chè khoán đây - ngon đáo để cơ". Ở đây nụ cười đã xen lẫn nước mắt. Bữa cơm gia đình ngày đói ở cuối thiên truyện không khỏi làm chạnh lòng chúng ta, một nỗi xót thương cay đắng cho số phận của họ song cũng dung chứa một sự cảm phục lớn ở những con người bình thường và đáng quý ấy.

    Kim Lân bằng nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới trong đề tài về nạn đói. Nhà văn đã khẳng định ánh sáng của tình người thật thành công ở ba nhân vật. Điều làm chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất ở những thân phận nghèo đói, thảm hại kia. Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài không mới. Tác phẩm đã thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân - một nhà văn được đánh giá là viết ít, nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.

    “Cái đẹp cứu vớt con người” C.Đôtôiepki). Vâng, Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kỳ diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm, ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.

    tiếp....
    #17
      HongYen 22.08.2005 15:53:00 (permalink)

      Nguyễn Thị Thu Trang * Huế


      Câu 3:

      Tố Hữu, một nhà thơ chiến sĩ, một người thư ký trung thành của thời đại ấy đã cùng hành trình làm cách mạng tiếp cận với thơ ca. Thơ ca đối với ông không ngoài mục đích chính trị, phục vụ lý tưởng của Đảng, của cách mạng. Trong nguồn mạch về các đề tài chính trị của đất nước ấy, Tố Hữu đã tìm về quá khứ lịch sử của cha ông, một thế hệ hôm nay vọng về thế hệ cha ông xưa để đồng cảm, thấu hiểu, để tìm nguồn sinh lực mới cất bước cho cuộc kháng chiến hôm nay. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho đề tài này không thể không kể đến bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du trích trong tập Ra trận.

      Tháng 11/1965 khi giặc Mỹ bắn phá ác liệt, nhà thơ có dịp đi qua quê hương của Nguyễn Du và nhân kỷ niệm đúng hai trăm năm ngày sinh của Người, Tố Hữu xúc động viết bài thơ này. Bài thơ đã thể hiện một cách cảm nhận, suy nghĩ và đánh giá của Tố Hữu - tiêu biểu cho thế hệ hôm nay nhìn về quá khứ, lịch sử của cha ông xưa để từ đó khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ hôm nay của dân tộc.
      Trong tiếng vọng của tấc lòng tri âm tri kỷ ấy, Tố Hữu đã thốt lên:

      "Tiếng thơ ai động đất trời
      Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
      Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
      Tiếng thiêng như tiếng mẹ ru những ngày
      Hỡi Người xưa của ta nay
      Khúc vui xin lại so dây cùng Người!".


      Bài thơ trừ bốn câu thơ đầu và cuối, tất cả có năm khổ thơ với ba cặp lục bát tương xứng. Bằng hình thức tập Kiều nhuần nhuyễn, sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh, những so sánh bất ngờ... ấy đã diễn tả thật thành công một tấm lòng của một người con cúi mình trước đại thi hào vĩ đại của dân tộc Nguyễn Du, một thi hào kỳ tài ấy đã chắp bút nên Truyện Kiều, một công trình đồ sộ và có giá trị thật lớn lao, góp phần tăng giá trị đạo đức, nhận thức vào kho tàng văn học Việt Nam. Cảm khái và ngưỡng mộ trước tài năng ấy kết hợp với một tấm lòng khát vọng tìm về quá khứ xưa, Tố Hữu đã viết:

      "Tiếng thơ ai động đất trời
      Nghe như non nước vọng lời ngàn thu"


      Tố Hữu đã ca ngợi giá trị nhân bản của tiếng thơ Nguyễn Du, một tiếng thơ vang động đến hồn thiêng sông núi, đến tạo vật muôn loài. Bằng cách sử dụng lối so sánh, ẩn dụ tài tình, nhà thơ đã nâng cao tầm vóc, giá trị của thơ ca Nguyễn Du, ông đã ví tiếng thơ ấy là "non nước" vọng về từ ngàn năm trước, của thời gian xa xưa, của quá khứ. Tiếng thơ ấy vọng về đây trong niềm tự hào, hân hoan, đón nhận của tấm lòng hậu thế muốn đền đáp tấm lòng cha ông xưa. Nỗi niềm ấy, tình cảm ấy thật đáng ngưỡng vọng. Hai câu thơ không những khái quát được tầm vóc giá trị to lớn của tài năng Nguyễn Du mà còn thể hiện sâu sắc tình cảm cao đẹp của Tố Hữu - thế hệ hôm nay ngưỡng vọng về quá khứ của cha ông.

      Lời thơ ấy, tiếng lòng hân hoan Tố Hữu lại tiếp tục rộng mở, vươn tới những giá trị vĩnh hằng khác:

      "Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
      Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày"


      "Nghìn năm" là khoảng thời gian của hồi tưởng, của ngưỡng vọng, của khát vọng mãnh liệt, của tấc lòng tri kỷ biết ơn của thế hệ hôm nay. Đó còn là khoảng thời gian của thế hệ hôm nay trả lời cho nỗi đau lịch sử của cha ông trong quá khứ. Một lần nữa, cảm hứng ngợi ca chắp bút cho Tố Hữu cất tiếng lòng tự hào trong khúc hát tràn đầy hân hoan, hứng khởi, trong sự ngưỡng vọng trước một thiên tài. Tiếng thơ của Nguyễn Du được ví như "tiếng mẹ", mà "tiếng mẹ" thì gần gũi, thân thiết quá. Đó là lời ru nhẹ nhàng, ân tình, chan chứa tình yêu thương và trong ấy gửi gắm bao mơ ước, thật cao đẹp. Và vì thế tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng ru của mẹ, ân tình, ngọt ngào thổi vào lòng bao thế hệ, có sức mạnh thật lớn lao. Tình cảm ấy, khúc hát ru ân tình ấy là lời nhắc nhở, thủ thỉ cho con thế hệ hôm nay vững bước trưởng thành.

      Tiếng lòng đồng vọng của cõi xưa nhập cùng thế hệ hôm nay để con lại vang lên lời ca tự hào:

      "Hỡi người xưa của ta nay
      Khúc vui xin lại so dây cùng Người!"


      Trên trục kết cấu "xưa nay", "Người" cùng vang lên tiếng lòng khát khao tìm kiếm tri ân. "Con" sẽ cùng "Người" hát tiếp khúc tráng ca ấy chào đón cách mạng.

      Chữ "cũng" đã thể hiện đầy đủ ước vọng của chúng con và Người. Tình cảm ấy, nghĩa cử ấy thật đáng tự hào và trân trọng.

      Sáu câu thơ, ba cặp lục bát song hành ấy là tình cảm, tiếng lòng của chúng em thế hệ hôm nay đáp lời quá khứ.

      Đó cũng là lời hứa chân thành nhất của thế hệ hôm nay cùng ngân vang theo nhịp đập quá khứ.

      Bằng lối tập Kiều nhuần nhuyễn, sử dụng hình ảnh có tính gợi hình, giọng điệu ân tình, ngọt ngào, đậm chất dân tộc, khổ thơ đã thể hiện trọn vẹn phong cách thơ Tố Hữu. Khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, một giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà tính dân tộc. Khổ thơ khép lại nhưng lại mở ra một chân trời mới, tương lai mới trong hành trình chống Mỹ hôm nay.

      "Sông Lam nước chảy bên đồi
      Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân".


      http://www3.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2005/8/20/119536.tno
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.08.2005 15:57:26 bởi HongYen >
      #18
        HongYen 22.08.2005 16:00:45 (permalink)
        Nguyễn Thị Thu Trang và "Một bài văn Đẹp"

        Đó là một cô bé có dáng người hơi gầy nhưng nét mặt rất có duyên và đầy cá tính Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1987), hiện ở tại khu tập thể đường sắt, cạnh ga Huế. Bố Trang là một cán bộ công chức của Trạm đầu máy xe lửa Huế, mẹ nội trợ. Trang là con út trong gia đình chỉ có hai chị em gái và cũng là học sinh chuyên của trường Quốc học Huế, ba năm liền em đều là học sinh giỏi. Trang đã từng được chọn vào đội tuyển thi văn của trường tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2005 và đạt giải khiêm tốn... giải khuyến khích! Kết quả 3 môn thi đại học của Trang có số điểm khá ấn tượng: Văn 10; Toán 8,5 và Anh văn 7,5. Trước khi có kết quả điểm thi, Trang chỉ tự chấm cho mình môn Văn khoảng 9 đến 9,5 điểm! Sau khi biết mình đạt điểm tuyệt đối, cô bé cũng bất ngờ vì ngay cả bản thân cũng không dám nghĩ tới điểm đó.

        Người đã chấm bài thi của Trang đầu tiên và phát hiện ra năng khiếu của cô bé này là thạc sĩ Hoàng Xuân Vinh - giảng viên khoa Ngữä văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Bà Vinh cho biết: “Tôi từng tham gia chấm thi hơn 15 năm nay, số bài đạt điểm 10 môn Văn của Đại học Huế tuy không hiếm, nhưng đây là bài thi đặc biệt mà tôi được gặp và cũng là điểm 10 đầu tiên của hơn 10 năm trở lại đây. Sau khi chấm, thấy bài viết quá xuất sắc tôi đã chuyền tay cho cả hội đồng gần 50 người tham gia chấm thi hôm đó xem và tất cả đều thừa nhận bài văn xứng đáng được nhận điểm tuyệt đối. Bài viết có tới 4 tờ, tức 8 trang đầy cho cả thời gian làm bài 120 phút đã là một điều hiếm thấy (thường thì một thí sinh giỏi văn cũng chỉ viết được khoảng 2 trang trong vòng 60 phút). Điều đó chứng tỏ mạch văn của em rất trôi chảy. Bài văn hầu như thỏa mãn một cách tuyệt đối tất cả những yêu cầu của đáp án, cả kiểu tư duy cũng trùng với người làm đáp án, nhưng lại vượt trội về tính nghệ thuật, tư duy lôgic, ngữ pháp, chính tả đều vững vàng và đặc biệt rất có cá tính làm cho bài văn có rất nhiều điểm lóe sáng... Tóm lại đây là một bài văn đã vượt qua ngưỡng của một bài văn hay chữ tốt mà đã đạt đến một bài văn Đẹp". Sau thạc sĩ Hoàng Xuân Vinh bài văn tiếp tục đến tay PGS -TS Bửu Nam là người chấm thứ hai cũng đồng thuận cho em điểm 10.

        Bùi Ngọc Long

        Bài văn thi đại học đạt điểm 10
        00:08:24, 20/08/2005
        http://www3.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2005/8/20/119536.tno
        #19
          HongYen 22.08.2005 16:03:54 (permalink)
          Thứ sáu, 19/8/2005, 19:18 GMT+7

          Bài văn điểm 10 của thí sinh ĐH Huế


          Thí sinh duy nhất được điểm 10 môn văn. Ảnh: Sông Lam


          Hôm nay, ĐH Huế công bố bài văn điểm 10 của thí sinh Nguyễn Thị Thu Trang. Chuyện về thí sinh duy nhất toàn quốc đạt điểm tuyệt đối môn văn đang gây sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận. VnExpress đăng nguyên văn bài văn này.

          ......................

          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/08/3B9E14D0/
          #20
            HongYen 22.08.2005 16:07:29 (permalink)
            Thứ hai, 26/8/2002, 09:33 (GMT+7)

            Một tuyển thủ karatedo Việt Nam bị tai nạn

            Trên đường từ đại học TDTT1 về nhà hôm 23/8, Nguyễn Thị Thu Trang, tuyển thủ karatedo hạng 60 kg, đã bị tai nạn xe máy và chấn thương nặng ở chân trái. Trang đã được đưa vào bệnh viện Việt - Đức và phải trải qua ca phẫu thuật dài 4 giờ.

            Như vậy, nhiều khả năng ĐKVĐ tuyệt đối SEA Games này sẽ không kịp bình phục để sang Hàn Quốc dự ASIAD vào đầu tháng 10.

            http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-thao/2002/08/3B9BF8CD/
            #21
              HongYen 22.08.2005 16:29:26 (permalink)

              Nguyễn Thị Thu Trang.


              Thứ ba, 9/8/2005, 18:14 GMT+7

              Một học sinh VN sẽ dự thi quốc tế về cải thiện nguồn nước

              Ngày 19/8 tới, em Nguyễn Thị Thu Trang, lớp 10 chuyên Sinh, PTTH Hà Nội - Amsterdam sẽ lên đường tới Stockholm, Thuỵ Điển, tham dự cuộc thi quốc tế về cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, dành cho học sinh phổ thông.

              Trang dự thi với đề tài “Sử dụng hỗn hợp đất sét và xơ giấy để khắc phục nạn ô nhiễm nguồn nước hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống nhất, Hà Nội” - công trình đã giúp em vượt qua gần 2000 bài thi của học sinh trên cả nước để đoạt giải nhất cuộc thi quốc gia năm nay. Ban giám khảo đánh giá em "biết vận dụng những kiến thức đã học để tìm tòi giải pháp và thực sự tiến hành những thí nghiệm có sức thuyết phục".

              Trang đã đề ra một phương án rất sáng tạo và có tính khả thi để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước hồ: Kết hợp tính năng hấp phụ chất độc của đất sét với khả năng phân hủy chất hữu cơ của vi sinh vật trong xơ giấy, tạo ra các viên đất sét - xơ giấy có khả năng xử lý nước hồ. Mặc dù chưa thực sự định lượng được các chỉ số BOD, COD, song qua đánh giá cảm quan bằng mắt, em nhận thấy nước hồ sau xử lý đã trong hơn, mất mùi hôi và giảm cặn lơ lửng.

              Đây là lần thứ hai, một học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Cải thiện nguồn nước quốc tế. Lần đầu tiên là em Triệu Tiến Chuẩn (Hà Tây) với đề án dùng cây ngổ dại để cải tạo môi trường nước của ao làng quê em.

              Cuộc thi tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ cuộc thi quốc tế này, do Báo Khoa học và Đời sống tổ chức hằng năm, với sự tài trợ của Tổ chức Sida, Thuỵ Điển. Cuộc thi là cơ hội để học sinh Việt Nam nghiên cứu nghiêm túc, bớt đi cách học "chay", chỉ sa vào lý thuyết mà xa rời thực tiễn, thiếu sáng tạo và thực nghiệm như hiện nay.

              T. An

              http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2005/08/3B9E0F4B/




              #22
                HongYen 22.08.2005 16:39:11 (permalink)

                Lần đầu tiên là em Triệu Tiến Chuẩn (Hà Tây) với đề án dùng cây ngổ dại để cải tạo môi trường nước của ao làng quê em.



                Nhiều nguồn nước mặt ở nông thôn Việt Nam cũng đã bị ô nhiễm nặng.


                Thứ ba, 8/6/2004, 17:54 GMT+7

                Trao giải thưởng quốc gia về bảo vệ nguồn nước

                Với dự án dùng cây ngổ dại làm sạch nước ao ô nhiễm, em Triệu Tiến Chuẩn, lớp 11, PTTH chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, tỉnh Hà Tây, đã đoạt giải nhất cuộc thi Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, dành cho giới học sinh, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

                Nằm trong khuôn khổ giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh, cuộc thi tại VN nhằm tìm ra một công trình xuất sắc tham dự giải thưởng tổ chức hằng năm tại Thụy Điển. Từ năm 1997, giải thưởng này đã có 26 quốc gia tham dự.

                Trong lễ trao giải chiều nay tại Hà Nội, giáo sư Lê Quý An, chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên và Môi trường VN, phó trưởng ban tổ chức cho biết tuy đây là lần đầu tiên cuộc thi về nước được tổ chức cho lứa tuổi học sinh, song đã thu hút 40 trường thuộc 25 tỉnh tham gia, với 183 tác phẩm (mỗi tác phẩm có từ 1 đến 3 tác giả), trong đó có cả đại diện ở các tỉnh miền núi xa xôi như Bắc Kạn. Ngoài giải nhất sẽ được gửi đi tham dự tại Stockholm, ban tổ chức còn trao thêm nhiều giải khác.

                Yêu cầu của cuộc thi là những ý tưởng hoặc giải pháp sáng tạo để cải tiến cách dùng nước ô nhiễm, lãng phí hiện nay và biện pháp bảo vệ nó. Học sinh phải thể hiện bài dưới dạng một "công trình khoa học" nhỏ, có nghiên cứu, điều tra cơ bản và thậm chí cả phân tích, kết luận, kiến nghị..., điều mà các em chưa từng được thực tập (song lại rất quen thuộc với các học sinh nước ngoài). Chính vì vậy, giáo sư An cho biết thời gian đầu, các dự án đa phần "lạc đề", vì đều chỉ liệt kê tầm quan trọng của nước và thực trạng ô nhiễm nước. Mặc dù vậy, ở cuối cuộc thi, số lượng bài đạt yêu cầu đã vượt sự mong đợi.

                Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN, nhận xét nhiều em đã đề xuất được những ý tưởng rất mới mẻ và có tính khả thi, dù rất đơn giản. Em Võ Ngọc Phượng (lớp 10A9, PTTH Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM) kiến nghị nuôi hàu ở cửa sông như chiếc máy lọc sống để cải tạo nguồn nước với rất nhiều cứ liệu khoa học và thực tế.

                Nguyễn Thị Phương Ngọc ở huyện Tam Nông, Phú Thọ đề xuất cách đào những chiếc hố trữ nước trên đồi để giữ nước mưa tưới cây trong mùa khô. Các em học sinh THPT nội trú Bắc Kạn đã sử dụng kiến thức bản địa để sưu tầm những cây chứa nước sẵn có trong rừng, giúp người đi rừng khỏi khát và chứng minh việc đánh bắt cá bằng phương pháp duốc cá là có hại cho môi sinh và sức khỏe con người...

                Bà Trần Thị Thu Hiên, Tổng biên tập báo Khoa học và Đời sống, trưởng ban tổ chức, nhận xét những kết quả trên chứng tỏ nếu được khơi đúng mạch, học sinh Việt Nam không hề thiếu sáng kiến và tính năng động. Những công trình đoạt giải của các em lần này tuy còn ở dạng sơ khai, non nớt, song đã chứng tỏ sự quan tâm đến khoa học ở lứa tuổi học sinh và mở ra hướng mới trong việc đưa các em đến với lĩnh vực này.

                Ban tổ chức cho biết nhà tài trợ - Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) - sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức 2 lần nữa, và sau đó chúng ta sẽ tự tiến hành hằng năm.

                Bích Hạnh

                http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2004/06/3B9D35A3/

                #23
                  HongYen 23.08.2005 16:19:09 (permalink)

                  Post #: 17

                  Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống Nhặt vợ của anh cu Tràng


                  Thứ Ba, 23/08/2005, 08:33

                  Nhà văn Kim Lân:

                  Bài văn điểm 10 đã nâng tầm truyện Vợ nhặt


                  “Tôi thật cảm động trong khi giới trẻ đang bị chi phối bởi nhiều vấn đề của xã hội, vẫn có một học sinh cảm nhận được vẻ đẹp sâu sắc của dòng văn học hiện thực trước Cách mạng. Bài văn của em thật xứng đáng được điểm 10”- Nhà văn Kim Lân đã nói như vậy về bài văn được điểm 10 của Nguyễn Thị Thu Trang


                  Nhà văn Kim Lân

                  Nhà văn Kim Lân tâm sự: “Sau khi thấy báo chí đăng tin em Trang được điểm 10 môn Văn, tôi bị bất ngờ. Tôi xin số điện thoại trực tiếp gọi cho Trang. Nhưng khi đó, cháu rất rụt rè. Thế là từ bất ngờ, tôi chuyển sang nghi ngờ “Chắc có ai nâng đỡ, chứ làm gì lại có thí sinh đạt 10 điểm môn Văn, kiểu như trong bóng đá, đưa U16 đi đá ở lứa tuổi U12…”.

                  Thế sau khi được đọc bài văn của Trang, ông có còn nghi ngờ?

                  Khi các báo đăng bài văn, ngay buổi sáng hôm đó, cháu Trang đã chủ động gọi điện cho tôi nói: “Báo đã đăng bài văn của cháu”. Lần này tôi thấy cháu tự tin hơn rất nhiều.

                  Đọc xong bài văn, chỉ với 3 tiếng đồng hồ mà cháu làm được như vậy thì điểm 10 là hoàn toàn xứng đáng. Tôi nghĩ nếu mình đi thi chắc cũng chỉ được đến 8 điểm là cùng. Và bây giờ, nếu các anh có hỏi tôi về nội dung, những cái hay của câu chuyện, tôi cũng không thể nói được hết.

                  Khi viết Vợ nhặt, tôi viết theo tình cảm, một cách tự nhiên, nó như là sự thăng hoa nhưng cốt truyện lại hóa ra rất chặt chẽ. Bởi mình đã có sự say mê tự nhiên, mình đã có một chủ đề tư tưởng sẵn rồi. Chính cái chủ đề nó bắt mình, làm mình phải viết như thế, phải nghĩ về những con người ấy như thế. Và tự nhiên những chi tiết đó đã xuất hiện ra như thế.

                  Những chi tiết như: quạ kêu, mùi đống rấm, tất cả hình ảnh về những xác chết... đều đến rất tự nhiên. Chính bạn đọc, người đọc đã khám phá ra cho tôi nhiều hơn. Bài viết của Trang đã thêm một lần khám phá ra cái mới của tác phẩm…



                  Thu Trang bên góc học tập của mình

                  Ý ông muốn nói, bài viết của Trang đã khám phá thêm những cái mới về tác phẩm của ông, mà những người trước đó chưa hề đề cập đến?

                  Đúng thế ! Khi tôi được đọc bài văn của cháu tôi thực sự bị bất ngờ ghê gớm. Tôi không thể tưởng tượng được một đứa trẻ với vốn sống chưa có được bao nhiêu, mà cái vốn sống về những năm của nạn đói lại càng không có, thế mà làm sao cháu lại nhìn ra cái đói đó để phân tích được một cách kỹ càng mà lại hợp tình hợp lý, nâng cao được những nội dung của câu chuyện đến như thế. Tôi nói thật, nói như thế này hơi buồn cười, nhưng nó lại là sự thật thế: Thủ khoa là Trạng chứ gì? Cháu Trang đã là Trạng Văn rồi chứ còn gì nữa!

                  Khi đọc toàn bài văn của Trang phân tích về “Vợ nhặt” của tôi, nói thật Trang đã tìm ra sự mới mẻ hơn so với những bài của những cây “đại thụ” như GS Đỗ Đức Hiểu, GS Đỗ Kim Hồ... Dù họ là những vị giáo sư đã từng viết rất hay.

                  Nhưng bài văn của cháu viết cũng không kém phần tinh xảo, sâu sắc và cũng không kém phần khám phá, không kém phần có những phát hiện mới ở trong đấy. Ví dụ như cháu lại ví truyện của tôi có cái gì giống với Đôtôiepki của Nga-một nhà văn viết về những người cùng khổ.

                  Từ trong hoàn cảnh đen tối, lòng thương nó nâng con người lên. Từ ví dụ như thế, tôi thấy cháu này không phải chỉ đọc của tôi mà đã đọc của nhiều người. Vì vậy, trình độ cảm nhận về văn chương của cháu cũng rất tinh tế. Tôi tâm phục, khẩu phục và thấy điểm 10 rất là đích đáng.

                  Trước đây những người viết phê bình về văn của ông chưa có ai ví “Vợ nhặt” với văn của Đôtôiepki?

                  Đúng thế ! Và cũng chưa có ai nói đến chữ hiếu của anh cu Tràng cả, mà trong này cháu lại nói đến chữ hiếu của Tràng. Quả nhiên đúng như thế thật. Trước đây nhân vật Tràng rất nhố nhăng đến khi có vợ thì về nói chuyện với mẹ rất lễ phép và tự dưng quý trọng mẹ mình vô cùng. Cảm thấy yêu thương ngôi nhà, yêu thương mảnh vườn của mình, yêu thương cả những công việc rất đỗi bình thường. Sự phát hiện đó của Trang rất đẹp đẽ.

                  Vậy sự phát hiện đó của em Trang có nằm ngoài ý đồ của nhà văn khi ông viết “Vợ nhặt” không?

                  Thông thường thì bạn đọc phát hiện, mổ xẻ tác phẩm giúp nhà văn, chứ nhà văn khi viết thì cũng chưa nghĩ được sâu sắc đến thế. Tôi thấy bài viết của cháu Trang đã nâng tầm truyện “Vợ nhặt” của tôi.

                  Trong bài viết của mình, Trang có trích dẫn một câu của ông, khi ông nói về ý đồ viết chuyện “Vợ nhặt”. Điều đó chứng tỏ, từ lâu Trang đã theo sát hoạt động của nhà văn ?

                  Trong một lần đi nói chuyện về tác phẩm này, tôi có nói với mọi người đại ý rằng: Người ta viết về cái đói, cái khát thì nó bi thảm, đau thương và tối tăm, nhưng tôi muốn viết trong cái đói, cái khát ấy, con người ta hướng về sự sống, khao khát về sự sống. Chính sự khao khát ấy đưa đến một sự thật là, có cùng khổ người ta mới thành thương yêu đùm bọc được nhau, chứ cùng sướng thì chưa chắc đã có sự thương yêu.

                  Sau đó báo chí có đăng. Trong bài viết của mình, cháu Trang đã trích dẫn rất đúng ý mà tôi đã nói. Đây có lẽ là ý không có trong sách vở, nhưng cháu lại biết để trích dẫn, rồi lấy đó làm chủ đề xuyên suốt để phân tích trong bài viết của mình. Tôi cho rằng, không phải tự nhiên nắm bắt được đâu, mà phải yêu câu chuyện mình đọc, phải yêu người viết thì Trang mới có tình cảm, mới dõi theo và biết được câu nói ấy của tôi.

                  Điều đặc biệt nữa là nhà văn không thích hình ảnh cờ đỏ sao vàng ở cuối truyện, bởi vì tình yêu đến, thương yêu nhau đến như thế, đến buổi sáng quét sân là hết chuyện rồi. Họ cho rằng, việc đưa hình ảnh sao vàng lấp lánh là gượng ép.

                  Thế nhưng Trang đã phân tích hình ảnh đó thật đẹp và rất hợp với logic của câu chuyện. Bởi vì, thương yêu nhau đến mấy mà không có Cách mạng thì cũng chôn vùi hết cả. Mà mở cho những con người này sống thì phải đi theo Cách mạng, phải có Cách mạng. Tràng sẽ tham gia Cách mạng, sẽ đi bộ đội. Đấy là thực tế của xã hội lúc bấy giờ. Khi tôi viết xong anh Nguyễn Đình Thi cũng khen tôi chỗ đấy.

                  Theo tôi đấy là sự tinh tế trong việc cảm nhận của cháu Trang. Và tất nhiên, tôi hiểu để viết được như thế cháu cũng phải đọc nhiều bài của các bậc thầy đã từng viết về tác phẩm. Dù học thầy nhưng khi viết, Trang lại viết theo cảm nhận của mình chứ không phải viết theo lối bắt chước thầy. Đấy là sự sáng tạo. Và theo tôi cháu Trang là một người già dặn hơn nhiều so với lứa tuổi. ở tuổi của cháu mà lại thích được đến thế, phân tích được sâu sắc như thế thì thật cảm động. Tôi phải cảm ơn Trang !

                  Ngoài việc phân tích, Trang còn nhận xét “thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng chuyện, dẫn chuyện…”. Một học sinh phổ thông lại dám nhận xét về bút pháp của một nhà văn, ông có tự ái ?

                  Sao lại tự ái? Trang nói thế là trúng đấy. Chính tôi viết là có cảnh, bao giờ cũng vào một cảnh ngộ. Nhận xét đó làm sao mà có thể tự ái được, mà phấn khởi quá đi chứ. Phải cảm ơn cháu nữa chứ. Tôi nói thật, một ông khác mà khen thì thiên hạ chú ý ít thôi, nhưng bây giờ một học sinh ít tuổi mà khen thế thì báo chí cũng phải chú ý. Trong thời điểm hiện nay, thanh niên quan niệm về văn học có nhiều rắc rối lắm, nên việc một người trẻ như thế mà phân tích kỹ càng, đến nơi đến chốn lại phân tích rất ngay ngắn về tư tưởng như vậy là đáng quý lắm.

                  Thưa ông, được biết đã có nhiều người làm luận văn thạc sĩ về truyện ngắn này, nhưng dường như chưa ai có những phân tích mới mẻ như của Trang, dù bài văn viết rất ngắn?

                  Tôi đã gặp rất nhiều người làm luận văn thạc sĩ về tác phẩm này, và hiện có một số người cũng đang làm. Họ đã gặp tôi và nói chuyện, nhưng nói thật, cái này (bài văn của Trang-PV), lại ngang với bậc thầy. Nó chẳng khác gì so với bài của các vị.

                  Nhưng tôi cũng phải nói đi nói lại, chắc là cháu Trang có đọc bài viết của các bậc thầy thì mới có được những nhận xét, đánh giá sâu sắc như thế. Vì vậy, nếu trước đây nghi ngờ thì bây giờ (sau khi được đọc bài văn của Trang-PV) trong tôi cái sự nghi ngờ đấy đã biến mất và thay vào đó là sự cảm phục, quý mến. Nhân gặp các anh, tôi muốn nói lời cảm ơn cháu Trang, cảm ơn cả các thầy cô đã dạy cháu.

                  Nhưng thật buồn, khi một học sinh giỏi văn như vậy lại thi vào Đại học Kinh tế-ngành Tài chính, kế toán?

                  Tôi nghĩ, cháu là người yêu văn, kính trọng nghề văn. Nhưng nghề văn không phải là trò chơi, nên việc theo được là gian truân lắm. Sự thực tôi nghĩ nếu Trang mà đi vào văn chương, tôi tin rằng sẽ viết rất khá. Việc phân tích tác phẩm của Trang thật là đáng nể, có khẩu khí và văn phong của một nhà phê bình, một nhà lý luận.

                  Tôi thấy gia đình Trang không phải dồi dào về kinh tế cho lắm, cho nên cháu phải đi vào một nghề gì đấy thiết thực hơn. Ngày xưa có ai sống chuyên về nghề văn đâu, như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan viết văn nhưng kiếm sống bằng nghề dạy học, còn Ngô Tất Tố thì kiếm sống bằng nghề thuốc... Người ta có thể làm tài chính kế toán để kiếm sống nhưng vẫn có thể viết văn. Tôi tin rằng, nếu Trang thực sự đam mê nghề văn thì sau này dù làm tài chính cháu cũng sẽ viết văn.

                  Xin cảm ơn ông !

                  Bá Kiên - Nguyễn Tú (thực hiện)

                  http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=19617&ChannelID=71

                  http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=19617&ChannelID=71

                  [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/E1F9D0DC409A4629AEA3B0047970591E.jpg[/image]
                  Attached Image(s)
                  #24
                    HongYen 23.08.2005 20:22:40 (permalink)

                    Thủ khoa ĐH Ngoại thương Huỳnh Thanh Sơn


                    Huỳnh Thanh Sơn: Học lớp không chuyên trở thành thủ khoa

                    21:46:35, 28/07/2005


                    Với số điểm tuyệt đối, trở thành thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2), cậu học trò Huỳnh Thanh Sơn đã trở thành niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bè bạn mà còn là vinh dự của lớp 12A1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.


                    Sơn sinh ra trong gia đình mà ba mẹ dồn hết sự quan tâm cho việc học tập của hai anh em. Ngay từ nhỏ, bên cạnh bản tính cẩn thận, Sơn sớm bộc lộ khả năng tư duy về các môn tự nhiên và tham gia khá nhiều kỳ thi học sinh giỏi, đạt những thứ hạng cao. Do không đủ điểm vào học lớp chuyên Trường Lê Hồng Phong nên đến lớp 10, Sơn không đủ điều kiện lọt vào đội tuyển học sinh giỏi. "Lúc đó em rất buồn và có cảm giác rất cay cú", Sơn nhớ lại. Những lúc như vậy, Sơn lại lao vào học thật nhiều. Trước hết Sơn sắp xếp thời khóa biểu cho thật khoa học. Ngoài thời gian học trên lớp, học thêm các môn phục vụ cho kỳ thi ĐH ở những thầy cô có uy tín trong trường, Sơn còn chơi quần vợt để rèn luyện sức khỏe và có thêm sự thoải mái trong học tập. Khi còn học ở bậc THCS, thấy buổi tối thức khuya không hiệu quả nên Sơn đã tập cho mình thói quen sáng dậy sớm học bài. Buổi tối, Sơn tập trung vào phần bài tập không quá 22 giờ khuya, 4 giờ sáng dậy học lý thuyết.

                    Bí quyết học tập với Sơn có thể hơi hàn lâm nhưng thật đơn giản: "Không chỉ nắm vững lý thuyết mà phải chú ý đến nhiều dạng bài tập, phải làm thật nhiều bài tập và tìm ra nhiều cách giải. Quan trọng là cần có lòng say mê với môn học". Sau khi thi ĐH, dù biết chắc mình sẽ có kết quả cao nhưng khi biết mình đạt thủ khoa trên Báo Thanh Niên, tới giờ Sơn vẫn còn cảm giác "lâng lâng". Sơn nói thêm: "Chị nhớ chờ kết quả thi ĐH Y - Dược của em nữa nhé !".

                    Bích Thanh

                    http://www2.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2005/7/29/117268.tno
                    #25
                      HongYen 29.08.2005 14:26:22 (permalink)
                      #26
                        HongYen 05.09.2005 10:05:03 (permalink)
                        Một thiếu nữ Việt Nam mới 15 tuổi được tôn vinh làm thần đồng tại Úc châu

                        Dec 02, 2004

                        Tin SBTN - 15 tuổi nhưng em Nguyễn Quỳnh Chi đã được tôn vinh làm thần đồng và được báo chí ở Úc thi nhau phỏng vấn. Cô gái học sinh tại trường Glen Iris ở thành phố Melbourne miền nam Úc châu đã tốt nghiệp trung học và đã bước vào đại học, cho dù cô thua tuổi những người bạn cùng lớp đến ba bốn tuổi.

                        Khi tốt nghiệp trung học vào mùa hè năm nay, cô Quỳnh Chi đã nhận được đề nghị tặng học bổng từ đủ mọi trường đại học danh tiếng từ Monash cho đến Swinburne. Cuối cùng thì cô đã chọn để theo học về ngành kỹ sư điện toán tại đại học Melbourne vào mùa này.

                        Tưởng cũng nên nhắc lại là mùa đông ở Hoa Kỳ tức là mùa hè ở Úc Đại Lợi, và đây là dịp các cô cậu học sinh tốt nghiệp để sửa soạn bước vào đại học. Thế nhưng Quỳnh Chi không chỉ là một học sinh giỏi được điểm A trong suốt niên học của mình. Cô đã tạo sự chú ý khi cô tự mình làm một website riêng khi cô chỉ mới có 10 tuổi. Trang website mang tên Patamon đã trở thành trang web có đông người truy cập hạng thứ 6 trong giới thích trò chơi Digimon, với hơn 1 triệu người truy cập vào trang web này. Digimon là những nhân vật hoạt họa biến từ những con thú hiền lành và dễ thương để trở thành những con quái vật có thể thổi ra lửa. Quỳnh Chi còn là một nhạc sĩ trẻ tuổi, cô đã hoàn tất bằng tốt nghiệp về bộ môn dương cầm và vĩ cầm, cũng như sẽ tham gia vào ban đại hòa tấu Thiếu niên của Úc Đại Lợi tại Melbourne vào mùa hè năm nay.

                        Theo mẹ của Quỳnh Chi là bà Hằng Nguyễn, thì gia đình không bao giờ thúc giục cô bé Quỳnh Chi phải xuất sắc trong mọi bộ môn. Cả hai vợ chồng ông bà đều là kỹ sư có bằng Cao học, người chị lớn của Quỳnh Chi là một bác sĩ, và em trai của cô cũng là một học sinh xuất sắc trong trường. Thế nhưng cô bé Quỳnh Chi nổi tiếng là lì lợm trong nhà và thường thì cả gia đình phải nghe theo những đòi hỏi của cô. Khi cô bé được đưa vào lớp 1 tại trường Shelford dành cho các em học sinh xuất sắc, ngay lập tức các giáo sư đã nhận thấy khả năng của cô bé này và phải đưa em lên lớp 2. Đến lớp 7 thì Quỳnh-Chi lại nhảy hai lớp lên đến lớp 9. Bà Hằng nói rằng gia đình cứ theo ý kiến của các vị giáo sư để toan tính về tương lai của con mình. Đến năm cô 6 tuổi thì cha mẹ Quỳnh Chi đã cho cô thử nghiệm trí thông minh tại đại học Monash. Trí thông minh của em được cho là cao hơn những trẻ đồng tuổi rất nhiều.

                        Quỳnh Chi nói rằng em rất vui kể từ lớp 9 trở lên khi em không còn bị các bạn đồng trường bắt nạt, và từ năm đó cô có những người bạn rất thân thiết. Cô kể lại rằng có 6 người bạn trai cùng với cô thành lập thành một nhóm học tập rất tốt. Cô đã không tỏ vẻ lo sợ gì về việc trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất tại đại học Melbourne, cô nói rằng cô luôn luôn là người trẻ nhất và cô đã quá quen với việc này. Cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng và cộng đồng người Việt khắp thế giới nói chung rất hãnh diện về em Nguyễn Quỳnh Chi, một thần đồng được báo chí cả nước Úc nói đến.


                        Trích: Calitoday.com
                        http://www.vinanet.dk/forum_posts.asp?TID=4358&PN=1

                        #27
                          HongYen 03.10.2005 13:01:02 (permalink)
                          Chủ nhật, 2/10/2005, 14:23 GMT+7

                          Cậu bé nghèo đoạt vòng nguyệt quế Olympia



                          Với 170 điểm, Lê Vũ Hoàng, học sinh THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình đã đoạt chức vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 6. Đây là câu chuyện cổ tích với một cậu học sinh nghèo, mẹ ốm nặng, tài sản có giá trị nhất trong nhà là chiếc xe đạp và tivi nội địa cũ.

                          Buổi thi sáng nay là cuộc đua "song mã" giữa 2 thí sinh Lê Vũ Hoàng và Nguyễn Hồng Đức. Trong câu hỏi cuối cùng, Đức trả lời không chính xác, vòng nguyệt quế thuộc về Hoàng. Giải nhì cuộc thi thuộc về Nguyễn Phú Thái, còn Nguyễn Hồng Đức và Thân Nguyên Hậu.

                          Với chức vô địch, Lê Vũ Hoàng nhận giải thưởng trị giá 35.000 USD.

                          Lê Vũ Hoàng là con cả trong gia đình có hai anh em ở Tiểu khu 8 thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Bố mẹ Hoàng trước là cán bộ Nhà nước, về hưu theo chế độ 176 (giảm biên chế). Hiện ông đang làm bảo vệ tại Huyện ủy huyện Bố Trạch với lương tháng khoảng 300.000 đồng. Khi Hoàng ra Hà Nội tham dự vòng thi quý cũng là lúc mẹ em phải nhập viện vì hai khối u trong não. Mẹ Hoàng sẽ phải mổ nhưng ca phẫu thuật chưa thể tiến hành vì thể trạng bà quá yếu.

                          Người động viên Hoàng tham dự kỳ thi Olympia là thày giáo dạy Toán Lê Văn Hùng. Hai thày trò đã miệt mài trong thư viện, sưu tầm sách. Tại cuộc thi tuần, Hoàng đạt được 240 điểm. Cuộc thi tháng, em đạt 220 điểm và đến cuộc thi quý, Hoàng đạt 200 điểm.

                          Việt Anh

                          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/10/3B9E2AC6/
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.10.2005 13:03:31 bởi HongYen >
                          #28
                            HongYen 05.11.2005 20:01:42 (permalink)
                            Huy Nguyen: HS Việt Vào Chung Kết Giải Khoa Học

                            Cuộc thi chung kết giải Siemens Westinghouse vùng miền Tây dành cho các nhà khoa học trẻ diễn ra tại trường Đại học California, Berkeley trong hai ngày: thứ Sáu 4-11 và thứ Bảy 5-11-2005. Mười bốn học sinh vào chung kết sẽ tranh tài các môn toán, khoa học và kỹ thuật, trong đó có một nhà khoa học gốc Việt là Huy Nguyễn, học sinh trường trung học Troy, Fullerton, California.

                            Cuộc thi này do Hội Đồng Các Trường Cao Đẳng (Colllege Board) tổ chức, thuộc chương trình tài trợ của Quỹ Siemens. 14 nhà khoa học trẻ sẽ trình bày dự án nghiên cứu trước các giám khảo Đại học. Những người đoạt giải các năm trước đây đã khám phá các dãy thiên hà mới, làm máy biến đổi sức sóng đại dương thành năng lượng, nghiên cứu phương pháp mới đẩy lùi bệnh ung thư ngực.

                            Trong cuộc thi lần này, người đoạt giải cá nhân được thưởng 3,000 đô; giải toàn đội là 6,000 đô cho và sau đó sẽ được tiếp tục đi vào vòng chung kết toàn quốc tại thành phố New York với giải thưởng 100,000 đô.

                            Huy Nguyễn và một đồng đội của em, Gerald Tiu cũng là học sinh trường Trung học Troy, gốc Miến Điện, đưa ra dự án nghiên cứu về hóa học, có cảm hứng từ mối lo về môi sinh. Các em sống tại Los Angeles (Huy Nguyễn bị mắc bệnh suyễn khi còn bé) đã thu hút vào việc nghiên cứu sự ô nhiễm không khí. Các em đã chọn việc nghiên cứu hydrofluorocarbons (HFCs), có thể dùng để thay thế chlorofluorocarbons (CFCs), chất làm lạnh được tin rằng đã góp phần làm suy yếu tầng ozone. Kết quả của hai bạn nhỏ này sẽ giúp vào việc giải thích ảnh hưởng của HFCs và những chất khác thay thế CFC đối với môi sinh. Tiến sĩ Fu-Ming Tao, giáo sư hóa học tại trường Đại học Calirfonia, Fullerton là thầy cố vấn của họ.

                            Nói tiếng Việt trôi chảy, Nguyễn, một học sinh có nhiều năm bơi lội, trượt nước. Em mang đai đen võ Tae-Kwon-Do. Nguyễn là chủ tịch và người sáng lập Câu lạc bộ khoa học đại dương của trường Trung học Troy. Em còn là thành viên Vietnamese In Person và Future Business Leaders (Các Nhà Lãnh Đạo Kinh Doanh Tương Lai) của nước Mỹ. Một tay chơi đàn piano hoàn hảo, em được mời tham dự Branch Honors Recital dành cho chương trình Certificate of Merit suốt 5 năm liên tiếp và tên em được ghi vào danh sách những người chiến thắng quốc gia trong National Guild Auditions dành cho người chơi piano suốt 9 năm liên tục.

                            Số: 3868
                            Ra Ngày: 4/11/2005
                            http://www.vietbao.com/

                            http://www.siemens-foundation.org/2005SWCSemifinalists.htm
                            #29
                              HongYen 17.02.2006 11:44:03 (permalink)
                              Đặng Quang Luân, chàng trai Việt trên đất Canada: Làm giảng viên khi chưa tốt nghiệp

                              22:30:11, 15/02/2006


                              Đặng Quang Luân


                              Là một trong số 50 sinh viên được tuyển vào tập sự tại công ty sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới, Electronic Arts Inc (EA) và là người duy nhất được chọn làm việc cho văn phòng Tổng giám đốc Kỹ thuật, Đặng Quang Luân trở thành ngôi sao trẻ sáng giá được nhận học bổng của EA Canada theo chương trình EA Star. Càng thú vị hơn khi biết chàng sinh viên năm 3 của ĐH British Columbia còn là giảng viên phụ trách tập huấn hàng chục nhân viên mới của EA Canada, trong đó có những kỹ sư nhiều kinh nghiệm đến từ IBM, Microsoft...


                              Trước khi lên đường sang Canada vào năm 2001, cậu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong đã mê chơi game và từng viết bình luận game cho tạp chí PC World. Tuy nhiên, cha mẹ Luân lại mong muốn con trai trở thành bác sĩ y khoa nên khi vào đại học, ban đầu Luân theo học ngành vi sinh tại ĐH British Columbia (UBC). Thế nhưng đam mê và mơ ước theo đuổi ngành công nghiệp game của thế giới đã khiến Luân quyết định chuyển ngành vào năm 2. Và cậu sinh viên bắt đầu những ngày vừa học, vừa làm từ bán hàng, trực điện thoại... đến công việc kiểm tra chất lượng, tìm lỗi trong các phần mềm cho một công ty địa phương. "Nhớ hồi hè năm 2, khi lần đầu sang thành phố Coquitlam làm thêm bị lạc đường, Luân phải đi bộ gần 12 km mới đến trạm xe buýt, đón chuyến xe gần nửa đêm về nhà. Lạnh quá trời!", Luân thuật lại kỷ niệm khó quên trong đời. Cũng nhờ những ngày "lăn lộn" làm thêm đã giúp cậu sinh viên tích lũy kinh nghiệm và phấn đấu trở thành ngôi sao của EA như hiện nay.

                              * "Bí kíp" nào đã giúp Luân trở thành ngôi sao của EA Canada (EAC)?

                              - Chắc là do trong quá trình tập sự tại EAC, Luân đã tham gia dự án thiết kế chương trình tập huấn và đánh giá kỹ sư phần mềm, lập trình viên của công ty. Theo Luân được biết thì trong ngành công nghiệp game trước giờ chưa có chương trình tập huấn và đánh giá trình độ nhân viên quy mô, chuyên nghiệp như chương trình mà EAC triển khai. Sau đó, Luân cùng với một kỹ sư nhiều kinh nghiệm khác tiếp tục thiết kế hệ thống thu thập các số liệu thống kê (metrics) về mã nguồn trong các nhóm của EA. Hệ thống này cũng được tiếp nhận khá niềm nở và đang từ từ được giới thiệu cho các chi nhánh khác của EA trên thế giới. Luân có lẽ là người nhỏ tuổi nhất công ty nhưng nhờ làm được việc nên mới được mọi người tin tưởng...

                              * Còn công việc tập huấn cho nhân viên mới của EA? Luân có cảm thấy khó khăn khi phải tập huấn cho những kỹ sư người bản xứ lớn tuổi hơn mình rất nhiều không?


                              Quang Luân (thứ hai, bên trái) cùng bạn bè ở ĐH British Columbia

                              - À, có khoảng 25 kỹ sư nhiều kinh nghiệm trong EAC được giao nhiệm vụ làm giảng viên nhưng chỉ có mình Luân là vẫn đang học năm 3 đại học. Luân quan niệm đứng lớp là làm cho người học cảm thấy thoải mái, dễ tiếp thu nên Luân thường làm bạn với tất cả mọi người, song đồng thời vẫn nghiêm túc, tự tin nên những khóa học diễn ra cũng suôn sẻ. Vì "học viên" có khi là những kỹ sư nhiều kinh nghiệm từ IBM, Microsoft... rất giỏi về chuyên môn của họ nên Luân vừa truyền đạt kiến thức của bản thân về lĩnh vực game, vừa học hỏi thêm những kiến thức từ họ.

                              * Thế thì hình dung một ngày học và làm việc của Luân như thế nào?

                              - Sáng đến văn phòng công ty làm việc, thỉnh thoảng tham gia tập huấn cho nhân viên mới. Chiều tối về nhà thì ngồi vào bàn học, giải quyết những bài tập hay các dự án nhóm do bạn bè gửi qua e-mail. Giải quyết xong tất cả mọi việc thì xem phim hoạt hình. Luân thích xem phim xưa như Tom&Jerry, Looney Toons... Nếu có thời gian rảnh thì sinh hoạt với hai câu lạc bộ sinh viên VN tại đây là VISAC và VSSBC hay đọc thêm sách về kinh doanh, marketing, quản lý nhân sự..., nhất là sách đắc nhân tâm của Andrew Carnegie.

                              * Khởi đầu thuận lợi tại EA, vậy dự định sắp tới của Luân như thế nào?

                              - Bây giờ vẫn còn sớm để nói chính xác. Nhưng Luân muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước qua việc truyền đạt kinh nghiệm làm việc trong nền kỹ nghệ phần mềm ở nước ngoài cho bạn bè và lớp đàn em sau này. Đó là lý do Luân ra đi, muốn đi lên tại đây và sau thời gian làm việc để có uy tín, có thể Luân sẽ trở về tìm cơ hội lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Còn trước mắt, năm 2006 Luân sẽ làm "cầu nối" giữa EA và UBC. Nghĩa là Luân sẽ đại diện cho EA giải đáp thắc mắc hay tổ chức hội thảo cho sinh viên của UBC về công ty cũng như tạo cơ hội để sinh viên UBC tham gia tập sự tại đây.

                              Vân Anh (thực hiện)

                              http://www.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2006/2/15/138819.tno
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 8 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 115 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9