Học Sinh, Sinh Viên Xuất Sắc
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 8 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 115 bài trong đề mục
HongYen 01.11.2006 10:40:35 (permalink)
David Huỳnh Bành - Kỳ tài Một năm của Trường Ðại học Virginia

17/10/2006


David Huỳnh Bành - Kỳ tài Một năm của Trường Ðại học Virginia

Học sinh Việt Nam vẫn nổi tiếng là học giỏi và chuyên cần, và David Huỳnh Bành là một trường hợp tiêu biểu. Em hoàn tất học trình đại học trong 1 năm trong khi nhiều học sinh thường phải mất 6 năm. Minh Phượng đã nói chuyện với em học sinh đặc biệt này và ghi lại trong Câu Chuyện Phụ Nữ sau đây.

Bài viết trên báo Washington Post mới đây đề cập đến em David Huỳnh Bành dưới tựa đề là U-Va’s One-Year Wonder, xin tạm dịch là Kỳ tài Một năm của Trường Ðại học Virginia.

Em David cho biết em sinh năm 1987 ở bắc Virginia, và đã theo học các trường tiểu học Columbia và Belvedere, trường trung cấp Glasgow và sau đó là trường trung học Thomas Jefferson chuyên Toán và Kỹ Thuật.

Em nói rằng em luôn đạt thành tích cao hơn các bạn cùng lớp vì cha mẹ em đã chỉ dẫn cho em những điều cơ bản lúc em còn ở nhà, và khuyến khích em tiếp tục cố gắng trên đường đời.

Em David nói rằng động cơ thúc đẩy em lấy những lớp đặc biệt, dành cho các học sinh giỏi, là những lớp này giúp em được tính thêm tín chỉ ở đại học, và hơn nữa, em thấy thích thú hơn vì nội dung đòi hỏi nhiều cố gắng hơn.

Trả lời câu hỏi em đã xác định các mục tiêu ra sao, và kế hoạch trong tương lai gần của em là gì, em David nói rằng chủ yếu, em thường cố gắng làm việc chăm chỉ hơn và tích tụ những cố gắng đó. Em dự tính theo học ngành luật tại trường đại học George Mason hay George Washington hoặc một trường nào ở thủ đô Washington. Em giải thích lý do là vì trong gia đình có nhiều người theo ngành này và em có dịp làm việc cùng với một vài người thân và thấy thích thú.

Em David cho biết ngoài việc học, em vẫn dành thời giờ để giải trí như những người trẻ tuổi khác. Em thích chơi môn bridge và trong mùa hè vừa qua, em đã đi Slovakia, Đức, Áo, Chicago và Thái Lan để thi đấu môn này. Tuy nhiên, em chưa có ý định đi Việt Nam vì em chưa có đủ phương tiện và thời gian.

David kể rằng mới đây, em đã được mời tham dự một chương trình truyền hình hội thoại rất nổi tiếng của Mỹ, do nữ nghệ sĩ hài hước Ellen de Generes phụ trách.

Em có mách nước gì cho các bạn trẻ đạt được nhiều thành tích tốt hơn trong học tập?

Em David nói rằng cơ bản các bạn phải dồn sự chú tâm và cố gắng vào việc học, nhưng đồng thời cũng nên để ý đến cách học và định ra những mục tiêu. Nếu có được một mục tiêu, thì phải hướng vào mục tiêu đó, chứ không nên làm lung tung, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu. Cố gắng mỗi ngày chăm chỉ hơn một chút.

Thân mẫu của em David cho biết gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ năm 1980, và David có một em trai và một em gái.

Mẹ của em David nói thêm rằng ngay từ lúc bắt đầu biết đọc khi em được 2 tuổi, em đã rất thích đọc các loại sách về khoa học và luôn luôn đặt ra những câu hỏi và em thường tự đi tìm hiểu những vấn đề về toán học. Bà kể thêm về con đường đi vào đại học của con mình:

Bà cho biết David dự định sẽ tốt nghiệp luật khoa trong 3 năm, với bản tính thích tự đặt ra cho mình những thách đố để vượt qua, em muốn chứng tỏ là em sẽ đạt được mục tiêu đã định.

Và David xin gửi lời cảm ơn và chúc lành tới thính giả của đài VOA:

Cảm ơn Quí vị đã nghe con nói chuyện, chúc quí vị nhiều may mắn!

http://www.voanews.com/vietnamese/2006-10-17-voa21.cfm
#46
    HongYen 26.11.2006 09:22:04 (permalink)
    Cậu bé khiếm thị tặng tranh Phu nhân Thủ tướng Nhật
     
    Thứ Bảy, 25/11/2006, 09:49
     
    Đào Thanh Tuyền kính tặng phu nhân Nhật Bản Akie Abe bức tranh về tình hữu nghị Việt – Nhật



    TPO - Khi phu nhân Thủ tướng Nhật đến thăm trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (HN)– trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc dịp APEC, bà đã được một em học sinh khiếm thị tặng một bức tranh đặc biệt. Bức tranh đã khiến bà vô cùng xúc động.
     

    Đó là một bức tranh giản dị được vẽ bằng sáp màu trên nền giấy trắng. Trong tranh là cảnh hai em bé đang dắt tay nhau. Bé trai mặc chiếc áo sơ mi màu đỏ, trên ngực có hình sao vàng- tượng trưng cho Việt Nam. Bé gái mặc chiếc áo màu trắng, bên ngực có hình tròn màu đỏ- tượng trưng cho Nhật Bản.
    Bức tranh đơn giản, nhưng rất có hồn. Tác giả bức vẽ là cậu học sinh khiếm thị Đào Thanh Tuyền.
     
    Một giờ sau khi đoàn của Phu nhân Akie Abe rời trường, tôi mới có cơ hội tiếp cận ngôi trường THCS Nguyễn Đình Chiểu nằm sâu hút bên kia cầu Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cô giáo Giang dẫn tôi vào khu nhà trọ của Tuyền và gọi: “Tuyền ơi, có người muốn gặp em này!”. Một học sinh cao, trắng trẻo nhanh nhẹn bước ra, không cần gậy dò đường như tôi vẫn nhìn thấy những người khiếm thị đi trên đường phố.
     
    Thấy tôi ngạc nhiên trước việc Tuyền có thể đi lại nhanh nhẹn mà không cần bất kỳ một dụng cụ dò đường nào, em khoe: “Thế đã là gì. Em có thể tự mình đi về nhà cách trường 50 km mà không cần ai dắt. Tất nhiên là em đi bằng xe buýt, nhưng đường từ trường ra bến xe và từ bến xe về nhà, em có thể tự đi một mình mà không cần dùng gậy. Ở đây ai cũng vậy. Chúng em đều được học mà”.
     
    Tuyền mới nhập trường được 3 năm, trong đó mất một năm học dự bị. Năm học dự bị đó, các em được trang bị đầy đủ các kiến thức giúp người khiếm thị có thể “tự thân vận động” mà không cần tới sự trợ giúp của ai, chẳng hạn như học cách định hướng, biết được khi nào đi tới chỗ trống, cửa lớp…
     
    Tuyền kể, em bị cận bẩm sinh và vẫn có thể đi học bình thường với các bạn khác. Tới  năm em 8 tuổi thì bị bong võng mạc và không thể nhìn thấy vĩnh viễn. Sau khi chạy chữa các nơi không được, gia đình rất tuyệt vọng. Từ khi biết có trường dành cho người khiếm thị, gia đình đã tới đây xin cho Tuyền được đi học. Đến bây giờ, Tuyền đã  tự tin rất nhiều và em rất thích tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ, đàn, hát…
     
    Nhận xét về Tuyền, thầy Hiệu trưởng Phạm Hữu Quỳ cho biết: “Tuyền hiện đang  học lớp 3, em bị mù khi đang học bình thường. Vì thế, Tuyền thường buồn và mặc cảm hơn những học sinh khác. Khi mới vào trường, em rất trầm, ít tham gia các hoạt động chung. Hiện Tuyền rất tích cực tham gia học vẽ, đàn, vi tính dành cho người khiếm thị và học rất chăm chỉ, đặc biệt em có khiếu vẽ.Tuyền là một học sinh ngoan và gương mẫu, luôn tuân thủ mọi nội quy của nhà trường”.
     
    Năm 2005, Tuyền là một trong  bảy học sinh của trường được chọn đi giao lưu hội họa tại Thụy Điển. Tại đó, các em đã  có 3 cuộc triển lãm tranh. Các em vẽ rất nhiều tranh và  có vinh dự được tiếp kiến và tặng tranh Hoàng hậu Thụy Điển.
     
    Hoàng hậu đã ân cần hỏi chuyện từng em và hỏi các em đã làm thế nào có thể vẽ được những bức tranh đó khi không trông thấy gì cả. Nghe xong những câu chuyện vẽ tranh của các em, Hoàng hậu rất thán phục và cảm động. Hoàng hậu nói: “Người bình thường vẽ tranh đã khó, các em cũng có thể vẽ tranh, quả là  phi thường”.
     
    Chuyến đi đó đã để lại cho Tuyền và các thành viên trong đoàn những kỷ niệm khó quên vì được giao lưu với các anh chị học sinh trung học của Thụy  Điển, được các anh chị dắt đi chơi phố, ra bãi biển nghe sóng vỗ rì rào…
     
    Tuyền bồi hồi nhớ lại: “Em không bao giờ dám mơ rằng một người mù như em lại có thể được chu du ở xứ xở Bắc Âu xa xôi đến vậy. Mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng em có thể cảm nhận được qua âm thanh và những lời mô tả của các anh chị”.
     
    Có một câu chuyện vui mà các thầy cô vẫn còn nhớ khi nói về Tuyền. Đó là em rất thích vẽ trâu và vẽ rất nhiều. Các chú trâu mà Tuyền vẽ khá giống, nhưng chú trâu nào cũng…gầy. Mọi người cứ nói vui rằng, trâu của Tuyền trông giống như con chó mọc sừng. Mỗi khi nhận được lời nhận xét đó, Tuyền cười cười và bảo lần sau sẽ rút kinh nghiệm, nhưng rút cục, trâu vẫn… không thể béo ra được.
     
    Ngoài việc tham gia các lớp học vẽ năng khiếu vào các buổi chiều thứ 6 hàng tuần, Tuyền cũng tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức như các liên hoan ca múa nhạc hay các ngày hội. Tại các ngày hội đó, bao giờ các bạn cũng có tranh vẽ để triển lãm và bán. Tranh của Tuyền và các bạn cũng bán được kha khá, phần vì người ta muốn ủng hộ các em, phần vì thấy là lạ. Có bức tranh bán được 5 triệu đồng.
     
    Có lẽ trường Nguyễn Đình Chiểu là trường học đầu tiên của Việt Nam có phương pháp dạy vẽ cho học sinh khiếm thị. Các thầy cô giáo của trường cũng đã mày mò, thử nghiệm nhiều  phương pháp và cuối cùng đã nghĩ ra phương pháp vẽ dùng lưới chắn. Ngoài giờ học trên lớp, các em cũng có những tiết ngoại khóa. Khi vào Văn Miếu- Quốc Tử Giám tham quan, các em được sờ đầu rùa đội bia tiến sỹ rồi vẽ lại rất ngộ nghĩnh.
     
    Thầy Quỳ cho biết, hiện Tuyền  còn 6 năm học tại trường, sau đó em cũng như tất cả các em sẽ phải tự ra đời bươn chải. Thầy hy vọng sẽ tiếp tục phát hiện ra những khả năng đặc biệt của Tuyền.
     
    Song điều thầy băn khoăn nhất vẫn là vấn đề hướng nghiệp cho học sinh khiếm thị nói chung để sau này ra trường, các em có nghề để sống, bởi một người khiếm thị rất khó có thể xin việc làm.
     
    Hiện nay, trường đang có dự án phối hợp với làng gốm Bát Tràng để mở lớp học. Còn Tuyền, cậu vẫn khát khao một ngày nào đó được nhìn thấy ánh sáng. 
    Lan Anh
     
    http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=67771&ChannelID=2
    #47
      HongYen 27.11.2006 08:18:44 (permalink)
      Thợ sửa xe trở thành tiến sĩ
       
      Thứ Tư, 15/11/2006, 16:15
       

      Đầu tháng mười một, Ngô Minh Toàn vừa nhận bằng tiến sĩ loại ưu của SISSA (Trường Nghiên cứu khoa học tự nhiên, Ý) ngành vật lý sinh học, với điểm phát hiện mới trong công trình nghiên cứu khoa học của mình.






      Ngô Minh Toàn
      Lớp 4, Toàn đoạt giải nhất HS giỏi toán tỉnh Nghệ An. Ba Toàn khi ấy đã đùa: “Nhất nguyên rồi nhé, thêm hai nguyên nữa là đủ tam nguyên!”.
       
      Rồi tuổi thơ êm đẹp của Toàn trôi qua rất nhanh. Gia đình phải chuyển vào Đắc Lắc, cuộc sống khó khăn và bệnh tim của ba khiến Toàn sớm ý thức lo toan cùng anh chị, từ làm nương rẫy đến... cả thợ sửa xe.
       
      Trong những ngày tháng khó khăn ấy, cậu học trò vẫn học xuất sắc: luôn đứng đầu lớp suốt 12 năm học phổ thông, giải khuyến khích quốc gia môn vật lý lớp 12.
       
      Đậu ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhưng phải nhập học thêm ĐH Ngoại thương theo ý gia đình, rốt cuộc Toàn quyết định giấu ba mẹ nghỉ ngoại thương, theo đuổi niềm đam mê vật lý. Nhiều người lúc đó nói: “Học gì ngành chả làm ra tiền!”.
      Ba mất khi Toàn là SV năm nhất, gánh nặng đôi khi khiến anh gần như phải nghỉ học. Vậy mà anh đã tốt nghiệp thủ khoa ngành vật lý ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
       
      Ra Hà Nội làm một năm tại Viện Vật lý - điện tử VN, Toàn đoạt một suất học bổng sang Ý. Thêm lần nữa, Toàn tốt nghiệp thủ khoa lớp Diploma (tương đương thạc sĩ) của Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP - Trieste, Ý), cùng luận văn xuất sắc đã giúp anh được đặc cách nhận thẳng vào SISSA với một suất học bổng.
       
      Luận văn “Nghiên cứu vai trò của hiệu ứng loại trừ không gian trong các tính chất đàn hồi và động học của các polymer sinh học” của Toàn đã thuyết phục tất cả giáo sư (GS) thống nhất trao anh mức tiến sĩ cao nhất SISSA: loại ưu (cum laude).
       
      Vậy là Toàn đã làm tròn mong ước “tam nguyên” của ba. Nhắc đến những ngày vượt khó, chàng tiến sĩ 27 tuổi này bảo: “Tôi không muốn người khác nói về quá khứ ảm đạm của mình như một cách tô sáng hiện tại”. Đến với vật lý bằng nỗ lực và đam mê, với Toàn, tất cả chỉ là một dòng chảy tự nhiên.
       
      Bạn bè Toàn bảo: “Hắn không biết mùa thu đã rụng lá nhưng biết rõ ADN xoắn thế nào, không biết trong miệng bao nhiêu răng nhưng biết rất rõ độ dày một ADN”.
       
      Toàn chịu khó, tỉ mỉ với các cấu trúc, hình dạng tưởng chừng như không tồn tại. Lúc nào cũng suy nghĩ, rất nhiều khi đang ngủ bỗng... chợt lóe ra lời giải, anh chàng bật dậy liền để làm tiếp phép toán dở dang.
       











      Minh Toàn và món quà của bạn học cùng khoa tại SISSA trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: CTV
      GS phản biện Marek Cieplak (Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan) nói: “Tôi thật sự ấn tượng bởi sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề liên quan của Toàn. Toàn thuyết trình nội dung rõ ràng, đơn giản nhưng hiệu quả, ai theo dõi cũng hiểu.
      Tôi muốn nói là tính đơn giản (simplicity) khác với tính tầm thường (triviality). Phải có cái nhìn rộng về vấn đề, hiểu sâu mới trình bày được như vậy”.
      GS Marek cũng là người quyết định việc trao “cum laude” và các GS khác đều đồng ý.
      Toàn bộc bạch: “Tôi không thể nói nhanh ra những suy nghĩ của mình vì luôn phải hoàn chỉnh ý tưởng trước khi nói”. Đó cũng là lối tư duy làm việc của anh: mọi vấn đề cần được nhìn nhận, phân tích sâu, trọn vẹn, bản chất hơn, và... tốt nhất là luôn có chứng minh bằng những con số!
      Cùng với GS hướng dẫn Cristian Micheletti, Toàn là một trong những người tiên phong trong việc đề ra mô hình và phương pháp tính đến hiện tượng “loại trừ không gian” (excluded volume effects) để suy ra các thông số cấu trúc ba chiều của một sợi polymer sinh học.
      Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một bằng chứng lý thuyết quan trọng để tìm ra lời giải cho bài toán “tạo vòng” (loop formation) của phân tử ADN và sợi nhiễm sắc (chromatin fiber). Công trình được đánh giá cao và đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín ngành vật lý: Physical Review Letters.
       
      Trong thư chúc mừng Toàn, GS Nguyễn Văn Liễn, Viện Vật lý - điện tử VN, viết: “Mình tin rằng Toàn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công lớn hơn trong khoa học. Hãy sống đúng như bản chất mình: sâu sắc mà mộc mạc, sôi nổi mà khiêm tốn”.
       
      Luôn giữ mối liên hệ với thầy cô trong nước để hợp tác và giúp đỡ các bạn trẻ hơn chưa có điều kiện như mình, Toàn chia sẻ: “Phải nạp thêm nhiều kiến thức, chờ cơ hội về VN cống hiến”.
       
      Tháng mười hai tới, Toàn sẽ tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ (post-doc) tại ĐH Maryland (Hoa Kỳ) với GS Thirumalai, một trong những GS hàng đầu trong lĩnh vực vật lý sinh học của thế giới. Mong muốn trở thành một người làm khoa học đích thực và chuyên nghiệp, Toàn tự nhủ: con đường chỉ mới bắt đầu!
       
      Theo Lê Quỳnh - Mai Hiên
      Tuổi Trẻ
      http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=66760&ChannelID=4
      #48
        HongYen 29.11.2006 10:40:15 (permalink)
        Bùi Khắc Danh
        Phạm Đình Hiệp
         
        Thứ Ba, 28/11/2006, 08:16

        TP - Ai cũng khen ngợi việc Bùi Khắc Danh (sinh năm 1990 ở xóm 3, xã Cao Sơn) là học sinh lớp 11P trường THPT Anh Sơn II (Nghệ An) đã dũng cảm cứu sống hai người bạn trai cùng xóm là Đậu Văn Hội và Đậu Văn Nghĩa khỏi chết đuối.

        Bùi Khắc Danh
        Anh Tiến - Trưởng công an xã Cao Sơn - dẫn tôi đến gặp từng người trong cuộc. Ngồi đối diện với tôi là Đậu Văn Hội, 22 tuổi, tốt nghiệp THPT cách đây 2 năm. Người ngồi bên (em ruột Hội) là Đậu Văn Nghĩa, 19 tuổi vừa tốt
        nghiệp THPT. Bà nội hai em cũng có mặt. 

        Bà xúc động nói: “Phúc nhà tôi to lắm, nếu không gặp được cháu Danh thì hai đứa cháu tôi hôm nay không còn ngồi đây nữa”… 
         
        Hội kể lại sự việc xảy ra hôm đó. Lúc ấy, khoảng 15 giờ ngày 20/10/2006, hai anh em đi xúc cát ở bờ khe gần cầu Trai ở xóm 3, xã Cao Sơn. Khi đang xúc thì không may chỗ Nghĩa đứng đất bị lở rồi tụt chân rơi tõm xuống khe, hai tay chới với kêu cứu.

        Hội vội vàng cầm chiếc vên chạy lại đưa cho em để mình kéo lên nhưng do Nghĩa kéo mạnh quá nên cả 2 đều rơi xuống nước và chìm. Vì khe hôm đó sau những ngày mưa to nước dâng cao, dân ở đây là vùng núi nên không mấy người biết bơi. Thế là cả hai anh em ôm nhau cố ngoi lên tìm cái sống le lói. 
         
        Rất may, Bùi Khắc Danh đi qua thấy thế vội lao xuống vớt được Nghĩa lên bờ. Được cứu thoát, Nghĩa chỉ tay xuống khe nói: “Anh Hội đang bị chìm dưới đó”. Danh tiếp tục lao xuống dòng nước sâu, lặn tìm.
        Mấy phút sau, Danh tìm được Hội thì vừa gặp Phạm Đình Hiệp (thanh niên cùng xóm) đi qua thấy thế đã lao xuống đỡ Hội giúp Danh. Danh và Hiệp đã đưa được Hội lên bờ rồi kêu mọi người đến tìm cách sơ cứu, hô hấp nhân tạo.
         
        Bà con lối xóm, anh em đã kịp thời đưa Hội đi bệnh viện cấp cứu. 10 ngày sau, Hội bình phục về nhà.

        Chúng tôi đến nhà Danh nhưng chiều hôm đó Danh đi học thêm, phải ra trường tìm gặp em.
         
        UBND xã Cao Sơn đã làm báo cáo gửi ban Giám hiệu trường THPT Anh Sơn II, Huyện Đoàn và UBND huyện để khen thưởng Bùi Khắc Danh, biểu dương Phạm Đình Hiệp về hành động dũng cảm cứu người.

        Sỹ Thuần
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.11.2006 10:43:51 bởi HongYen >
        Attached Image(s)
        #49
          HongYen 08.12.2006 10:10:06 (permalink)
          Nữ sinh lớp 10 và 22 bộ huy chương
          Thứ Sáu, 08/12/2006, 07:55
           
          TP - Nhìn vẻ ngoài nhút nhát, không ai nghĩ cô bé Trần Ngọc Bảo Châu, HS lớp 10 A10, trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) đang sở hữu đến 22 bộ huy chương qua các giải cờ tướng, cờ vua và Judo
           
          Châu là con út, sinh ra trong một gia đình nông dân, bố hiện đang làm Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Mỹ Lợi; mẹ là công nhân một xí nghiệp. Gia đình có 5 anh em thì hai người đã tốt nghiệp đại học, hai người tốt nghiệp cao đẳng. Châu sinh sau đẻ muộn nhưng cũng không chịu thua chị, kém anh.
           
          Mười năm liền là học sinh xuất sắc và cũng là người gặt hái nhiều huy chương nhất so với các bạn học sinh cùng trang lứa. Tính tới thời điểm này, Châu  đạt 22 Huy chương trong đó có 11 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng, của hai môn cờ tướng và Judo.
          Châu mê môn cờ tướng từ nhỏ. Khi 3 - 4 tuổi em thường xuyên xem ông nội đánh cờ. Nhiều hôm khi ông ngồi chơi cờ với bạn, em xán lại xem. Ông nội vẫn để ý  cô cháu nội  khi cô cháu gái xem mình đánh cờ. Thế là ông trở thành thầy giáo, từ chỉ cách nhận mặt quân, đến cách xếp quân theo thứ tự, cách đánh…
           
          Một hôm ông bạn đánh cờ sang muộn, bé Châu trở thành bạn đánh cờ  của ông. Thật ngạc nhiên, mới có mấy nước cờ mà Châu đã dồn ông vào thế bí. Ông giật mình tự hỏi: “Cách này mình chưa dạy, nó học tự bao giờ?”.
           
          Năm Châu học lớp một, quận tổ chức giải cờ tướng dành cho thiếu niên nhi đồng, gia đình động viên em đi thi để học hỏi.  Châu  trở thành vận động viên nhỏ tuổi nhất của cuộc thi. Qua ba ngày thi đấu, Châu đã vượt qua nhiều đối thủ, đoạt Huy chương Vàng. Cùng năm đó, quận tổ chức giải cờ vua và Châu lại đoạt Huy chương Vàng.
           
          Các năm sau thi cấp thành phố em đều giành huy chương. Năm 2000,  ngoài hoàn thành tốt việc học văn hóa ở trường, buổi tối em đi học thêm môn võ Judo. Và năm nào cũng đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cấp quận và thành phố.
           
          Năm 2003, em vinh dự đươc chọn đi tham dự giải “Vô địch Judo  thiếu niên toàn quốc”, tổ chức tại Huế và đã đoạt Huy chương Bạc. 
          Mười năm học phổ thông là mười năm không ngừng phấn đấu và rèn luyện, Trần Ngọc Bảo Châu đã đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt là 22 huy chương.
           Hiếu Cầu
          http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=69105&ChannelID=71


          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/64126480E4934AE18EF78236A97CBD8E.jpg[/image]
          Attached Image(s)
          #50
            HongYen 17.12.2006 00:01:32 (permalink)
            Quảng Trị: Học sinh dũng cảm cứu người
            Thứ Bảy, 16/12/2006, 15:19
             
            TP - Ngày 13/12, học sinh Võ Văn Hải - lớp 8B, trường THCS xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), đã dũng cảm lao xuống sông sâu, cứu sống một em bé học lớp 1.
             
            TP - Ngày 13/12, học sinh Võ Văn Hải - lớp 8B, trường THCS xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), đã dũng cảm lao xuống sông sâu, cứu sống một em bé học lớp 1.
             
            Chiều 15/12, trường THCS xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã kịp thời tuyên dương hành động dũng cảm cứu người của học sinh Võ Văn Hải - lớp 8B và kêu gọi, phát động học sinh toàn trường noi gương tốt của em Hải. 
             
            Trước đó (sáng 13/12), tại cầu Ông Thi - xã Hải Vĩnh, em Võ Thị Phương, học sinh lớp 1B Trường tiểu học Hải Vĩnh, trên đường đi học không may bị trượt chân, từ trên cầu rơi xuống sông sâu.
             
            Cũng đang trên đường đến trường, Võ Văn Hải nghe tiếng kêu cứu, đã lao ngay xuống sông, kịp thời cứu em bé vào bờ an toàn.
            N.V.N
             
            http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=70023&ChannelID=2
            #51
              HongYen 02.01.2007 09:09:51 (permalink)
              Phần mềm soạn thảo công thức toán đoạt cup TTVN 2006
              Thứ ba, 2/1/2007, 01:00 GMT+7
               
               
              Vương Bá Quý trong giây phút đăng quang. Ảnh: Hoàng Hà.
               
              Sản phẩm của sinh viên Đại học Nanyang (Singapore) Vương Bá Quý đã giành cú đúp khi nhận tới hai giải thưởng trong đêm tôn vinh các sáng tạo phần mềm Trí tuệ Việt Nam 2006. Tác giả mơ ước sẽ được hỗ trợ để chương trình có thể đến với người dùng một cách miễn phí.
               
              8h tối 1/1/2007, tất cả ghế ngồi của Hội trường lớn trong Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) đều kín chỗ. Buổi truyền hình trực tiếp lễ trao giải Trí tuệ Việt Nam (TTVN) lần thứ 7 diễn ra với kịch bản khá hấp dẫn bằng sự kết hợp của âm nhạc, hình ảnh, vũ đạo dựa trên triết lý ngũ hành gắn với tinh thần tuổi trẻ đã làm nên một đêm hội đầy màu sắc và chiều sâu văn hoá. Các hạng mục giải thưởng lần lượt được giới thiệu bằng 5 màn biểu diễn nghệ thuật bao hàm ý nghĩa nhân sinh như: khởi nguồn, sáng tạo, khám phá... mang tới cho khán giả nhiều cảm xúc ngay từ khi mở màn cho đến giây phút đăng quang của Vương Bá Quý. Nam sinh viên quê Hải Phòng là người đầu tiên được xướng danh nhận giải thưởng của nhà tài trợ và cũng là người cuối cùng bước lên nhận giải thưởng danh giá nhất cuộc thi.
               
              "Tôi chưa từng nghĩ sẽ có lúc được đứng giữa Trung tâm hội nghị quốc gia và ở vị trí cao nhất của TTVN. Đây là phần thưởng cho những nỗ lực của tôi trong suốt một năm qua và tôi dành nó cho quê hương của mình", Vương Bá Quý chia sẻ. "Sản phẩm của tôi còn đôi chỗ chưa hoàn thiện. Tôi mong nhận được nhiều sự ủng hộ để có thể nâng cấp chương trình và tôi không có ý định thương mại hóa nó".
               
              Quán quân sinh năm 1983 đã nhận học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) để làm nghiên cứu sinh ở Mỹ trong năm 2007. Với giải nhất là 70 triệu đồng và một máy tính xách tay hiệu FPT Elead cùng phần thưởng nhà tài trợ trị giá 5 triệu đồng, Vương Bá Quý đã tặng lại 10 triệu đồng cho các quỹ từ thiện.
               
              Hai giải nhì, mỗi giải trị giá 40 triệu đồng và một bộ PC FPT Elead, được trao cho nhóm Mắt Thần (Trung tâm công nghệ Mô phỏng - Học viện Kỹ thuật Quân sự) với chương trình Hệ thống ghi vé xe tự động và quản lý phương tiện sử dụng công nghệ xử lý và nhận dạng ảnh nhóm Bạn Đồng Hành (Hà Nội) với Bộ thiết bị sạc điện và sao lưu dữ liệu cho điện thoại di động.







              Nhóm Mắt thần giành giải nhì. Ảnh: Hoàng Hà.
               

              Đồng giải ba là các sản phẩm Bản đồ điện tử trên điện thoại di động của tác giả Nguyễn Văn Minh (TP HCM) và Viennews của Hà Duyên Hoá (Hà Nội), được trao 25 triệu đồng và bộ PC hiệu FPT Elead.
               
              http://www.vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2007/01/3B9F1E98/
               
               
               
               
              #52
                HongYen 03.01.2007 08:50:33 (permalink)
                Thần Đồng Piano Trình Diễn Âm Nhạc Cổ Điển
                Việt Báo Thứ Ba, 1/2/2007, 12:02:00 AM
                 
                Phạm Nguyễn Lan Phiên trình diễn. Ảnh Nguyễn Hiền
                 

                Westminster (VB) . - Một tài năng trẻ VN vừa xuất hiện ở phương trời Âu Châu, đạt 3 giải nhất và ưu hạng trong các cuộc thi 73 Đức, Hòa Lan.
                Đó là em PHẠM NGUYỄN LAN Phiên, 11 tuổi, lớn lên và học nhạc tại Đức quốc, theo lời kể của giáo sư Lê văn Khoa, trong buổi trình diễn của Lan Phiên chiều Chủ Nhật 31-12 tại hội quán đài Little Saigon.
                "Quí vị đến đây để chứng kiến một vì sao chói sáng, để thấy có nhiều thiếu nhi VN có tài năng về nghệ thuật", giáo sư nói trong phần giới thiệu thần đồng dương cầm Phạm Nguyễn Lan Phiên.
                "Tên em mang cả họ cha (Phạm trung Chính) và mẹ, Nguyễn châu Liên. LAN PHIÊN chào đời ngày 26-3-95 tại Wiesbaden (Đức) và được mẹ dạy piano từ lúc lên 6 tuổi. Một năm sau, Lan Phiên theo học trường nhạc Bad Vilbel trong 3 năm, được thầy cô, các nhạc sĩ tên tuổi, và cha mẹ, uốn nắn thành một nhân tài vượt bực như hiện nay", theo lời giới thiệu.
                 
                Các thành tích đáng kể gồm có: hạng nhất cuộc thi Jugent Musiziert tại Frankfut (2005), hạng nhất cuộc thi Willy Bissing tại Hanau (2005), và Outstanding Achievement Award trong cuộc tranh tài phiano quốc tế tại Enschede (Hòa Lan) tháng 10-2006.
                 
                Cuộc trình diễn chiều Chủ Nhật qua, có hơn 200 người dự chật kín phòng hội. Lan Phiên trình diễn các nhạc khúc cổ điển của J.S. Bach, F. Liszt, J.Haydn, G. Ligeti, F.mendelssohn-Bartholdy, soạn từ những thế kỷ trước.
                 
                Khách đến thưởng thức có nhạc sĩ Nghiêm phú Phi cựu giám đốc Trường âm nhạc Saigon, cựu nghị viên Tony Lâm, đông đảo thiếu nhi mê nhạc cùng phụ huynh.
                 
                http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=100209
                #53
                  HongYen 03.01.2007 09:41:22 (permalink)
                  Lớp học của người thầy tật nguyền
                  21:59:00, 01/01/2007

                   
                  Lớp học tại nhà của thầy Nguyễn Trần Khiêm - Ảnh: Cao Nguyên

                  Năm 1997, cả xã vùng cao Canh Hiển, huyện Vân Canh (Bình Định) không ai tin khi Nguyễn Trần Khiêm trở về với tấm bằng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng hệ chính quy trên tay. Vốn bị bại liệt từ nhỏ, gia đình lại nghèo xơ nghèo xác nhưng người thanh niên này vượt qua mọi gian khó để đến trường và nay trở thành một người thầy được cư dân địa phương kính trọng.

                  Vượt lên số phận
                   
                  Anh Khiêm tâm sự: "Tôi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ thì quanh năm làm lụng ngoài đồng để nuôi hai anh em khôn lớn. Bị bại liệt nên không thể giúp mẹ được gì, bởi vậy gia đình luôn thiếu thốn, đôi khi không có gì để ăn. Ở quê lúc đó, chuyện học hành của mấy đứa trẻ bình thường là điều gì đó quá xa vời huống gì tôi còn bị bại liệt, trường học lại ở xa". Vì quá nghèo, dường như trong suy nghĩ của cậu bé Khiêm lúc đó không có hai chữ "đi học" cho đến một ngày mẹ anh động viên: "Con phải biết chữ thì mới biết sống, con không thể dùng sức thì lấy học hành để sống, mẹ không thể theo con suốt cuộc đời". Ngày anh đi học, gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mẹ anh phải đi làm thuê để có thêm tiền trang trải kinh phí. Không phụ lòng mẹ, suốt 12 năm học anh luôn là học sinh xuất sắc, thường xuyên được trường chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Năm 1986, anh đạt thủ khoa môn Văn với điểm 9 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi nộp hồ sơ thi đại học, anh giật mình khi biết không đủ điều kiện dự thi chỉ vì lý do... bị bại liệt.

                  Mãi đến năm 1992, khi xã hội đã chấp nhận cho những người như anh được thi đại học, ngay lần thi đầu tiên, anh đã thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong sự hãnh diện của người mẹ già. Nhưng niềm hạnh phúc chưa vơi đi thì phía sau là chồng chất những nỗi lo về tiền ăn học. Anh làm liều ra Đà Nẵng để nhập học như bạn bè, mặc dù không biết lấy tiền đâu ra để đóng học phí. Để có tiền nộp học, chàng sinh viên Khiêm lại lặn lội chống nạng đi dạy thêm suốt 5 năm. Năm thứ tư ở giảng đường đại học, khi khó khăn vẫn chưa buông tha thì nỗi đau bất ngờ ập tới: mẹ bị bệnh qua đời. Thời gian đó, anh dường như suy sụp và phải cố nén nỗi đau để tiếp tục con đường học tập của mình.

                  Ra trường, về lại ngôi nhà vắng lặng, không còn người mẹ già ngồi đợi trước ngõ như thời anh còn đi học. Một thân một mình, anh đi "gõ cửa" nhiều cơ quan xin việc, nhưng ở đâu, câu trả lời cũng là... đợi. Biết không thể đi theo con đường mà mình đã chọn, anh Khiêm mở một lớp học nhỏ tại nhà để dạy học cho học sinh cấp 1, cấp 2. 

                  Người thầy của học trò nghèo
                   
                  Học trò của anh Khiêm đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Quanh năm các em phải phụ giúp gia đình việc đồng áng nên thời gian dành cho việc học rất ít. Anh Khiêm nhớ lại: "Hồi trước, mấy đứa nhỏ chỉ học được vài ngày là xin nghỉ mặc dù tui đâu có lấy học phí, mà lúc đó khác bây giờ, học phí đôi khi là củ mì, củ khoai chứ mấy em nhà nghèo làm gì có tiền. Hỏi mấy đứa trẻ mới biết là mấy em không có tiền mua sách vở". Thế là anh lại lấy tiền của mình mua sách cho mấy đứa học trò nghèo. Những người học trò của anh, em nào cũng tốt nghiệp trung học, thi đỗ đại học, cao đẳng. Anh kể: "Tôi nhớ hoài một đứa học trò cách đây 8 năm đã làm tôi phát khiếp. Do không thích đi học ở trường, nên khi gia đình gửi tới tôi dạy, nó liền cầm rựa chém nát bộ bàn ghế với mục đích là để tôi đuổi học. Tôi cố thuyết phục em đi học và đến nay, em đang học năm thứ 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM".

                  Một cán bộ xã Canh Hiển cho biết: "Hễ một cơ quan, trường học nào trong xã có máy vi tính bị hư hỏng, họ sẽ tới "rước" thầy Khiêm tới chữa là "lành bệnh" ngay. Anh Khiêm là người đầu tiên dạy vi tính ở xã này. Vừa qua, có một tổ chức nước ngoài hỗ trợ anh Khiêm mấy cái máy vi tính, nhiều cán bộ xã đến đăng ký học để phổ cập tin học". Hiện giờ cuộc sống của anh vẫn còn không ít khó khăn vì mọi chi tiêu trong gia đình một tay anh gánh hết. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Chín vì anh phải nghỉ dạy ở trường mầm non để ở nhà săn sóc anh trong sinh hoạt hằng ngày...
                  Cao Nguyên
                  http://www.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2007/1/1/176327.tno
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.01.2007 09:43:52 bởi HongYen >
                  #54
                    HongYen 07.01.2007 22:12:47 (permalink)
                    14 tuổi vượt Đại Tây Dương
                     
                     

                    Một em trai 14 tuổi người Anh vừa lập kỷ lục là người trẻ nhất thế giới một mình vượt Đại Tây Dương.
                     
                    Em Michael Perham, từ Potters Bar, Hertfordshire, đã vượt qua chặng đường 3.500 dặm và cập bến Nelson's Dockyard lúc 1400 GMT.
                    Trước em, người trẻ nhất vượt Đại Tây Dương là em Seb Clover từ Isle of Wight, 15 tuổi.
                     
                    Thuyền của Michael được các tàu tháp tùng vào cảng sau sáu tuần trên biển. Khi lên bờ, em được dàn nhạc kèn chào đón.
                    Michael Perham nói với BBC News rằng em "cảm thấy thật kỳ diệu khi được quay trở lại đất liền".
                     
                    Thuyền của em, có tên Cheeky Monkey, luôn được cha của em là Peter theo dõi liên lạc radio.
                     
                    Mẹ của em là Heather thì cất tiếng chúc mừng con trai qua đường video link.
                     
                    Stuart Phillips, hiệu trưởng trường cấp hai Chancellors Secondary School, nơi Michael học tập, nói: "Đây là thành tựu tuyệt vời, cho thấy thanh thiếu niên thời nay có thể đạt được điều gì".
                     
                    Ông Phillips cho biết đã thay đổi chương trình học của Michael để em có thể thựchiện chuyến đi.

                    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culturesport/story/2007/01/070103_boy_sailing_record.shtml
                    #55
                      HongYen 07.01.2007 22:17:10 (permalink)
                       
                       
                      Trang nhà của Michael Perham:
                       
                      http://www.sailmike.com/
                      #56
                        HongYen 08.01.2007 01:30:18 (permalink)
                        Vụ học sinh “hack” Bộ Giáo Dục Việt Nam “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
                        Thursday, January 04, 2007
                         

                        VIỆT NAM - Vào lúc 14 giờ ngày 27 Tháng Mười Một, 2006, trên trang tin điện tử chính thức của Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo có địa chỉ http://www.moetgov.vn đã bị hacker xâm nhập và thay ảnh Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo Nguyễn Thiện Nhân thành ảnh của một thanh niên ở trần ngồi trước màn hình vi tính. Bên cạnh đó còn có thêm dòng chữ “Catch me if you can” (Ngon thì bắt tôi đi). Ngày 5 Tháng Mười Hai, Cục Cảnh Sát Ðiều Tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công An được trung tâm tin học Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo (GD-ÐT) đề nghị truy tìm thủ phạm tấn công website của bộ. Sau một thời gian điều tra, hacker trên đã được xác định là em Bùi Minh Trí, sinh năm 1989, học sinh lớp 12 chuyên Lý-Tin, trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 4, thị xã Vĩnh Long. Bùi Minh Trí đã thừa nhận tất cả việc xâm nhập website của Bộ GD-ÐT với tên tài khoản là Guan Yu (Quan Công).
                        Sự việc một học sinh trung học “hack” vào một website chính thức của một bộ thuộc chính phủ Việt Nam, đã dấy lên cả một làn sóng bênh và chê, đối với cả hai phía “hack” và “bị hack.” Tuy nhiên, có một thời điểm đặc biệt xảy ra trong thời gian công an Việt Nam điều tra vụ hack này. Ðó là lúc một chuyên viên thuộc Trung Tâm An Ninh Mạng thuộc Ðại Học Bách Khoa Hà Nội, ông Nguyễn Tử Quảng, được cử vào Sài Gòn điều tra. Dư luận báo chí và quần chúng đã thay đổi “180 độ” đối với Bùi Minh Trí.
                        Trước khi ông Quảng vào miền Nam, dư luận quần chúng gần như đồng thuận tin rằng Trí là một nhân tài, giỏi, lương thiện, và chỉ muốn giúp Bộ Giáo Dục “vá” các lỗi trên web của mình. Sau khi ông Quảng, với đầy đủ chứng cứ và khả năng của một chuyên viên, chứng minh những điều ngược lại, dư luận quay 180 độ, cho rằng luật pháp phải nghiêm minh với hành động của Trí.
                        Ðiều quan trọng, không chỉ dư luận, cả báo chí, qua cách trình bày sự việc, cho thấy họ “ủng hộ” hacker Bùi Minh Trí; và chỉ đến sau khi ông Quảng trình bày khá đầy đủ chứng cứ “chống” lại Trí, báo chí bị một phen... tẽn tò.
                        Ông Quảng, qua trả lời báo chí, khẳng định rằng, không như Trí và một số quan chức Bộ Giáo Dục phát biểu trước đây, rằng họ đã cùng nhau làm việc để giúp Bộ Giáo Dục “vá lỗi.” Ông Quảng chứng minh rằng “với những chứng cứ đưa ra Trí đã không thể phủ nhận động cơ của mình.” Cụ thể: “Sau khi hack website home.vnn.vn của VDC, Bùi Minh Trí đã khoe khoang chiến tích này trên một forum hacker, nói rõ là đã để lại file GuanYu.html để “ghi dấu”. Hoặc ngay như trên diễn đàn edu.net.vn, Trí cũng dùng từ “moet bị thịt” để nói về việc hack site của Bộ Giáo Dục-Ðào tạo. Những điều đó chứng minh động cơ của cậu học trò này không hề nhằm cảnh báo.” Ý ông Quảng nói rằng, Trí chỉ muốn phá hoại.
                        Ông Quảng khẳng định thêm rằng: “hacker tấn công thành công website nào đó cũng chẳng có gì gọi là nhân tài,” trong trường hợp của Trí, ông Quảng nói rằng: “việc tấn công các website có thể học được dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ cần vào Internet, bằng vài từ khóa là tìm ra hàng loạt công cụ (tools), bài hướng dẫn hack hay phá hoại các website.”
                        Ngoài ra, các dữ liệu lưu lại trên máy của Trí, theo lời ông Quảng, cho thấy Trí có thể là thủ phạm ăn cắp dữ liệu cá nhân của một số website thương mại để mua sắm cả ngàn đô la. Khi bị phát hiện, Trí đã để lại những lời chửi rủa rất thiếu văn hóa.
                        Sau khi ông Quảng đưa ra các lý lẽ này, dư luận quần chúng, thông qua báo chí, đã xoay hướng, bắt đầu chỉ trích Trí. Có người tỏ ra ân hận đã từng bênh vực Trí trước khi ông Quảng đưa ra nhận định của mình. Người khác bảo rằng, Trí cần phải bị nghiêm trị theo đúng pháp luật.
                        Ðiều đáng nói ở đây, giới chức Bộ Giáo Dục Việt Nam, kể cả Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân, đã tỏ ra lúng túng, đôi khi đến yếu đuối, trong việc nhận định về vai trò của luật pháp đối với Bùi Minh Trí. Ông Quách Tuấn Ngọc, một chuyên viên cao cấp chịu trách nhiệm website của bộ, thì vội vã lên tiếng xin lỗi người dân, xin lỗi bộ trưởng, thậm chí bào chữa cho hành động của Trí (những bào chữa này bây giờ được chứng minh là hoàn toàn sai). Về phía Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân, không một nhận định cụ thể nào được đưa ra đối với thủ phạm đã phá website của một bộ do mình làm bộ trưởng. Trong vụ này, Bộ Giáo Dục lúng túng vì gặp phải “nan đề.” Dù gì đi nữa, cái website của Bộ Giáo Dục chắc phải tệ lắm mới bị một học sinh trung học hack vào. Và nếu như Bộ Giáo Dục tệ như thế, khó mà công khai lên tiếng yêu cầu luật pháp trừng trị hacker Bùi Minh Trí.
                        Sự việc Bùi Minh Trí cho thấy cả báo chí, một số dư luận, và cả quan chức Bộ Giáo Dục, đã hành xử thuần túy cảm tính, bỏ qua sự kiện, và thậm chí, không thấy sự hiện diện của luật pháp.
                        Thật vậy, một giai đoạn dài khi cơ quan chức năng điều tra Bùi Minh Trí, ít thấy ai nhắc đến vai trò của luật pháp. Họ chỉ nhắc đến một chữ: nhân tài.
                        Còn chữ “tâm?” “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!”
                         
                        http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=53834&z=2
                        #57
                          HongYen 06.02.2007 05:57:49 (permalink)



                          SG: Đấu Võ Đài, Bước Xuống, 1 Học Sinh Lớp 9 Gục Chết   Việt Báo Thứ Sáu, 2/2/2007, 12:02:00 AM



                          SG: Đấu Võ Đài, Bước Xuống, 1 Học Sinh Lớp 9 Gục Chết
                           
                          Theo báo điện tử Tin Tức Tìm Nhanh ngày 1/2/2007,  vừa qua, tại giải võ học cổ truyền quận Bình Thạnh TPSG, có 1 học sinh lớp 9 đã chết sau khi thi đấu và đoạt chức vô địch. Báo Tin Tức TN ghi nhận diễn tiến vụ việc như sau.
                           
                          Sáng 28/1/2007, tại Giải võ cổ truyền học sinh quận Tân Bình, TP.SG lần đầu tiên được tổ chức ở hồ bơi Cộng Hòa. Ở trận chung kết nam hạng cân dưới 57kg, Hồ Công Nhật Thành, 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường Lý Thường Kiệt II, đã đoạt HC Vàng. Sau khi kết thúc trận đấu, Thành xuống đài, cởi bỏ các vật dụng bảo hộ và ra một góc ngồi nghỉ cho thoáng. Nhưng sau đó em đã gục xuống. Mọi người lập tức đưa em đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế quận Tân Bình, rồi bệnh viện Trưng Vương và Chợ Rẫy. Tại đây, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Thành đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và mất lúc 2 giờ sáng 29/1/2007. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, Hồ Công Nhật Thành chết vì bị xuất huyết não.
                           
                          Dù hết sức đau đớn vì cái chết của con nhưng gia đình Thành cho biết: "Vì muốn giải quyết êm đẹp cho cháu ra đi được thanh thản nên chúng tôi đã làm bản cam kết không truy cứu trách nhiệm với nhà trường lẫn Trung tâm Thể dục Thể thao quận Tân Bình. Và hai nơi này phải có trách nhiệm chịu mọi chi phí ma chay và chôn cất cháu Thành". Tuy nhiên, phải đến đêm 31/1/2007, các bên mới thống nhất được với nhau về 50 triệu đồng chi phí đám tang.
                           
                          Cũng theo báo Tin Tức TN, điều đáng nói là việc Nhật Thành đi thi đấu giải nhưng gia đình không được thông báo hay xin phép gì. Thậm chí đại diện Trường Lý Thường Kiệt II và Trung tâm  Thể dục Thể thao quận Tân Bình cũng không ai nhận trách nhiệm về việc đưa em Thành đi thi đấu ở giải này, dù trường là nơi ký quyết định đưa Thành đại diện cho trường đi thi đấu.
                           
                          Theo lời một nhà phân tích Quận Cam, điều cần ghi nhận rằng, nếu chuyện này xảy ra tại Hoa Kỳ thì sẽ có hàng loạt cán bộ mất chức tức khắc. Vì đưa 1 thiếu niên lên võ đài, cần phải có giấy cho phép của bác sĩ và gia đình, trên mẫu đơn phải ghi rõ công ty bảo hiểm y tế khi gặp bất ngờ. Trọng tài cũng sẽ bị điều tra, để xem trong khi điều khiển trận đấu có để cho ai phạm luật hay quá đà gì không. Còn Trường và Trung Tâm Thể Thao cũng sẽ là đối tượng bị điều tra, cho dù rằng bố mẹ nạn nhân có chấp thuận bỏ qua. Vì tuổi 15 của em là tuổi chưa có quyền tự quyết định, và bất kỳ ai quyết định giùm em đều là có lỗi, nếu sai trái đã xảy ra. Phải biết tôn trọng quyền trẻ em, chứ đừng cưỡng bách trẻ em lao động tại hãng xưởng rồi cũng làm cả ở võ đài thì là lạm dụng.


                          http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=101904
                           
                          #58
                            HongYen 07.02.2007 09:24:31 (permalink)



                            Công trình nghiên cứu y khoa đầy triển vọng của một học sinh Mỹ gốc Ấn Ðộ


                            06/02/2007

                            Bấm vào đây để nghe
                            Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe
                            Bấm vào đây để tải xuống


                            Một học sinh Mỹ gốc Ấn Độ 17 tuổi tại trường học có tên là Toán Học và Khoa Học bang Mississippi đang cố gắng tìm tòi để có thể mang đến những phương thuốc chống lại bệnh xơ hóa nang, bệnh ung thư và bệnh AIDS. Mời quí vị theo dõi những chi tiết về em học sinh này qua câu chuyện của Erika Cekeste Lan Phương trình bày:
                             






                            Madhavi Gavini Madhavi Gavini là một trong những học sinh thầm lặng trong trường học nội trú nổi tiếng này. Tuy nhiên theo giáo viên dạy khoa học Gil Katzenstein thì em là 1 trong những học sinh xuất sắc nhất.
                            Thông thường em không mấy khi giơ tay đứng lên trả lời những câu hỏi, nhưng em thích đặt câu hỏi, những câu hỏi về những điều mà em không biết. Em thực sự là một học sinh xuất sắc đúng nghĩa, rất thích học hỏi và tìm tòi.
                             
                            Chính sự khao khát hiểu biết đã thúc đẩy Madhavi tìm kiếm một phương cách giúp cho một người bạn của em bị bệnh xơ hóa nang.
                             
                            Em quan sát thấy hầu hết những nạn nhân mang bệnh xơ hóa nang chết vì những chứng nhiễm loại vi trùng hình que, vì thế em muốn xem thử coi có cách nào em có thể giúp bạn em hay không. Lúc em bắt đầu tìm tòi thì em mới 14 tuổi. Em biết mọi người nghĩ 14 tuổi thì làm gì được cho ai, nhưng em thì không nghĩ như vậy.
                             
                            Ngoài việc làm cho những bệnh nhân mang chứng xơ hóa nang tử vong, những ai mà hệ miễn nhiễm bị suy yếu như những bệnh nhân bệnh AIDS hay ung thư hoặc những nạn nhân bị bỏng nặng rất dễ bị nhiễm loại vi trùng này. Loại vi trùng này thường tạo một lớp màng dầy bao quanh nó, khiến các loại thuốc trụ sinh hầu như không thể nào xuyên qua lớp màng đó để hủy hoại con vi trùng.
                             
                            Để tìm ra một cách chọc thủng màng bảo vệ con vi trùng, nhà khoa học trẻ này đã quay sang điều mà ông bà của em đã chỉ dạy cho em, đó là môn y học cổ truyền của Ấn Độ có tên là Ayurvedic medicine. Mặc dù lớn lên tại bang Ohio, nhưng Madhavi ra đời tại Ấn Độ, là nơi mà ông bà của em vẫn còn hành nghề thầy lang cổ truyền của nước này.
                             
                            Lúc em lớn lên, em học được của ông bà em rất nhiều. Ở xứ em rất nhiều người chữa trị theo đường lối này nên em biết rằng đường lối chữa bệnh theo y học của Ấn Độ cũng có hiệu quả nào đó. Nếu không hiệu nghiệm thì người dân Ấn đã chẳng sử dụng đến nó hằng bao nhiêu thế kỷ nay. Vì thế em quyết định theo đuổi đường lối tiếp cận này và nó đã mang lại hiệu quả.
                             
                            Dùng cuốn sách dược thảo của ông bà cho để tra cứu, Madhavi đã đến các tiệm thực phẩm và các nhà vườn để tìm tòi những loại dược thảo thông thường như quế, gừng và lô hội. loại vi trùng pseudomonas thì do trường đại học tại địa phương cung cấp cho em, và rồi em bắt đầu thí nghiệm với nhiều chất rút ra từ các loại dược thảo khác nhau.
                             
                            Một trong những loại nước cốt trích ra từ các loại cây cỏ vùng nhiệt đới đã thấm được qua lớp màng bảo vệ con vi trùng. Sau đó thì Madhavi thí nghiệm xem em có thể nào trích được phân tử đặc biệt trong loại nước cốt đã chặn đứng được sự phát triển của loại vi trùng này hay không.
                             
                            Phân tử này có thể chịu đựng được áp suất cao, có thể chịu được sức nóng, nó giết được con vi trùng bằng cách ngăn không cho các genes của vi trùng hấp thu năng lượng, biến dưỡng, thích ứng và tiết ra chất độc.
                             
                            Nhà khoa học trẻ này có rất nhiều ý tưởng về việc áp dụng khám phá của em như thế nào.
                             
                            Một trong những điều em đang muốn làm là phát triển một loại thuốc xịt qua đường mũi. Hiện giờ có rất nhiều người trên thế giới bị nhiễm trùng phổi kinh niên. Lá phổi là một trong những bộ phận của cơ thể dễ bị nhiễm trùng nhất. Vì thế một loại thuốc để hít qua đường hô hấp sẽ có thể trực tiếp đến được lá phổi.
                             
                            Em còn nghĩ tới chuyện có thể phát minh một loại thuốc xịt để khử trùng dùng cho những vết thương ngoài da và những vết bỏng nặng.
                             
                            Công trình nghiên cứu của em đã mang đến cho em nhiều giải thưởng toàn quốc, trong số này có giải thưởng danh tiếng tại cuộc thi tài Khoa Học và Công Nghệ năm 2006 của công ty Intel và cuộc thi tranh giải khoa học dành cho các học sinh của hãng Siemens Westinghouse.
                             
                            Một học sinh cùng lớp với em, em Ryan Peek cho biết tuy các em đang theo học tại 1 trường dành cho các học sinh trẻ xuất sắc về khoa học, nhưng tài năng của Madhavi vượt xa hầu hết những bạn cùng lớp.
                             
                            Khi Madhavi trình bày nghiên cứu cho các bạn cùng lớp nghe thì hầu như mọi người đều chẳng có một ý niệm gì. Nhưng giờ đây thì rất nhiều học sinh tỏ ra thích thú với các dự án nghiên cứu về vi trùng Pseudomonas.
                             
                            Trong lúc Madhavi có thể trở thành triệu phú bằng cách xin công chứng bản quyền cho công trình của em nhưng nhà khoa học trẻ này lại nghĩ khác.
                             
                            Nếu em xin công chứng bản quyền thì bản quyền này sẽ được bán cho một công ty được phẩm, và công ty này sẽ phải có lời nên giá loại thuốc này sẽ tăng lên rất cao. Vì thế, để ngăn chặn chuyện này xảy ra, em sẽ cho công bố các thông tin về khám phá này và bất cứ công ty nào cũng có thể biết được và nếu muốn bào chế loại được phẩm đó thì đều có thể làm được. Và do đó giá thuốc sẽ hạ hơn nhiều và những ai cần đến sẽ có thể mua dễ dàng.
                             
                            Madhavi Gavini nghĩ rằng còn có nhiều phương thuốc khác để trị bệnh và đang chờ mọi người khám phá. Thày giáo Gil Katzenstine tin tưởng rằng nếu có ai đó có thể tìm ra những phương thuốc như vậy thì người đó chính là em Madhavi Gavini.
                             
                            http://www.voanews.com/vietnamese/2007-02-06-voa33.cfm
                            #59
                              HongYen 07.02.2007 09:37:09 (permalink)
                              Madhavi Gavini Madhavi Gavini
                               

                               

                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                               
                              http://www.cogito.org/Articles/ArticleDetail.aspx?ContentID=15951
                              #60
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 8 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 115 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9