Học Sinh, Sinh Viên Xuất Sắc
Thay đổi trang: << < 78 > | Trang 7 của 8 trang, bài viết từ 91 đến 105 trên tổng số 115 bài trong đề mục
HongYen 08.08.2007 13:13:42 (permalink)

Nguyễn Hồng Ngọc Lam, Nguyễn Đức Phú Thọ









Thứ tư, 8/8/2007, 11:29 GMT+7




Thủ khoa Văn bắt nguồn từ bài viết 'Thủy Tinh'
 
Tình cờ, tình yêu môn Văn của Nguyễn Hồng Ngọc Lam và Nguyễn Đức Phú Thọ đều bắt nguồn từ những bài viết khi còn nhỏ như "Sơn Tinh Thủy Tinh", tả cảnh cây mai... Với 9,5 điểm, họ đã trở thành thủ khoa môn Văn kỳ thi đại học năm nay.

> Hai thí sinh đầu tiên đạt 9,5 điểm Văn
> Những bài văn hài hước mùa tuyển sinh
 






Nguyễn Hồng Ngọc Lam bên góc học tập của mình. Ảnh: T. Nga.
 

Nguyễn Hồng Ngọc Lam, THPT Trưng Vương, TP HCM và Nguyễn Đức Phú Thọ, THPT Thoại Ngọc Hầu, An Giang rất tự tin sau khi hoàn thành bài thi và nghĩ có thể đạt 8-8,5 điểm. "Em hơi bất ngờ với mức 9,5 nhưng thấy cũng xứng đáng vì đã dành cho Văn nhiều thời gian và tâm huyết", suy nghĩ này của Lam đồng điệu với Thọ.
 
Tình yêu Văn "di truyền" từ cha
 
Lam thi vào khoa Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Em gần như không mất nhiều thời gian suy nghĩ khi làm môn Văn, với gần 4 tờ A4. "Không biết ý ở đâu tràn về. Câu nào em cũng viết một mạch và chỉ kịp điền xong họ, tên, số báo danh là chuông thu bài reng", Lam nói.
 
Lam bắt đầu học chuyên về văn từ năm lớp 9, từng đạt hai giải nhất thi học sinh giỏi Văn cấp quận và giải 3 cấp thành phố năm lớp 12. Điểm trung bình môn này từ THCS đến THPT thấp nhất là 8,4. Riêng năm lớp 12, em được 8,9.
 
Em cho rằng, có lẽ tình yêu môn này "di truyền" từ người cha. Ông cũng đam mê Văn từ nhỏ và là người cung cấp thường xuyên truyện, sách tham khảo về cho em. Nhưng niềm đam mê thực sự bột phát sau một bài văn tả cảnh lớp 4, được điểm cao và cô giáo đọc, khen trước lớp.
 
"Hồi đó, đề bài tả cây mai Tết, em không phải suy nghĩ nhiều mà yêu thích nó ở điểm nào thì viết ra như thế. Sau đó, được cô khen viết tốt, gây xúc động. Tự nhiên em thấy yêu môn Văn hơn, vì thấy có thể gửi gắm suy nghĩ, tình cảm của mình trong đó", Lam nói.
 
Lam đặc biệt yêu thích các tác giả Việt Nam, như: Tô Hoài, Nam Cao... và dường như phong cách ít nhiều ảnh hưởng những cây bút "nhà vườn" đó. Lam thỏ thẻ: "Em thấy văn phong và đời sống nhân vật trong truyện của họ gần gũi với mình".
 
Cô Nguyễn Thị Hoàng Lan, dạy văn THPT và bồi dưỡng thi học sinh giỏi của Lam cũng cho rằng, cách viết của em rất chân phương. Tính cách cô học trò này thế nào thì văn như thế. "Lam cần cù, giản dị, nhẹ nhàng, ngôn ngữ bài làm mượt mà, lưu loát, súc tích. Em ấy không quá nổi bật trong lớp nhưng tôi vẫn tin, em sẽ đạt điểm cao trong các kỳ thi", cô Hoàng Lan nhận xét với giọng trìu mến.
 
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Lam cho biết, thi vào ngành Xã hội học nhưng mong muốn được học về Marketing "vì ngành này có thể vận dụng được khả năng văn chương, như lên ý tưởng thiết kế các chương trình quảng bá sản phẩm, viết slogan"...
Lam chuẩn bị thực hiện dự định của mình từ năm lớp 10, với việc theo học các lớp tiếng Đức để du học. Và em giải thích, học tiếng Đức rẻ, du học ở Đức gần như không mất tiền học phí nên vừa dễ biến ước mơ của mình thành hiện thực, vừa đỡ gánh nặng cho gia đình.
Chàng Thủy Tinh vượt lên chính mình
Nguyễn Đức Phú Thọ cũng yêu môn Văn từ một bài kiểm tra đạt điểm cao năm lớp 6. Khi cô giáo ra yêu cầu mỗi học sinh hóa thân vào một nhân vật trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh để kể lại truyện này, các bạn trong lớp đều nhận "vai" Vua, Sơn Tinh hoặc Mỵ Nương, chỉ có Thọ chọn Thủy Tinh và đạt điểm 8, cao nhất, được cô khen sáng tạo.






Nguyễn Đức Phú Thọ bên 1 cô bạn cùng học. Ảnh: P.T.
 

"Thủy Tinh bị người đọc ghét nhưng em nghĩ nhân vật này đáng được cảm thông, vì cũng có tài và rất cố gắng, chỉ vì nước không thể dâng cao được bằng núi nên mới chịu thua. Không ngờ những ý kiến chủ quan của mình được cô ghi nhận như thế", Thọ nói. "Khi đó, em vô cùng hạnh phúc, thấy mình có khả năng và phải học Văn giỏi hơn nữa. Và thực tế, càng học, em càng yêu môn này".
 
Thọ ở thành phố Long Xuyên, là thành viên của lớp chuyên Văn, THPT Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Mẹ mất khi vừa tốt nghiệp THCS, cả nhà lo Thọ buồn, ảnh hưởng tới việc học. Nhưng Thọ đã cố gắng vượt qua những cảm xúc bi lụy, quyết tâm thi vào trường chuyên. Em còn thuyết phục được cha cho mình học về Văn, giúp cha thay đổi quan niệm những người theo Văn sẽ vất vả, khó ổn định, con trai dễ mềm yếu. Và những năm THPT, cũng như các năm THCS, điểm trung bình môn Văn của em không khi nào dưới 8,3.
 
Thọ mê đọc sách, và từ nhỏ đã mê truyện chữ hơn truyện tranh, tuần nào cũng mượn thư viện 2 cuốn. "Em mê đọc và mê Văn vì thấy mỗi tác phẩm hay, mỗi tình tiết đắt giá đều bày tỏ quan điểm của tác giả, phản ánh cuộc sống và là sự thể hiện xuất sắc một thông điệp từ thời đại", Thọ nói như một nhà phê bình thực thụ.
 
Thọ cho rằng, kiến thức văn học giúp em có vốn từ phong phú và linh hoạt, tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè, xã hội. Và em quyết định thi vào Khoa Sư phạm, ĐH An Giang, với tâm nguyện là có thể đứng lớp, truyền giảng về những bài văn hay, như cô giáo dạy em suốt 3 năm THPT. Em còn định trong quá trình học ĐH, sẽ tìm hiểu thêm về nghề báo để có thể viết bài cộng tác với các báo, phát huy hơn khả năng viết của mình.
 
Còn cô giáo Phạm Thị Thanh Tú, "thần tượng" của Phú Thọ nhận xét, Thọ là người khá kín đáo nhưng khi viết, biết cách thể hiện mình, có cảm xúc riêng với văn phong giản dị. Văn em thiên về buồn, chất trữ tình thể hiện tốt.
 
"Trước khi các em thi ĐH, tôi giỡn là phải mang về điểm 9, điểm 10 cho cô, Phú Thọ không sôi nổi hùa theo như các bạn mà chỉ nói nhẹ nhàng như hứa: "Em sẽ cố gắng". Khi đó, tôi tin em sẽ giành điểm cao và cuối cùng, em không phụ lòng tin của tôi", cô Tú xúc động nói.
 
Chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi "trả môn" trên lớp, Thọ và Lam đều cho rằng, cần bám chắc dàn ý, tránh lan man, sáng tạo cũng lựa theo dàn ý này. Mở bài không nên dài dòng mà vào thẳng vấn đề.
Thanh Lương

 
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2007/08/3B9F8F62/
#91
    HongYen 18.08.2007 12:09:05 (permalink)
    Thứ Bảy, 18/08/2007, 07:37 (GMT+7)

    Chàng trai 20 tuổi nhảy cầu Sài Gòn cứu người
     
    Link:  http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=211355
    Đoàn Hữu Đức (phải) và bạn thân Nguyễn Trí Hoàn trên cầu Sài Gòn - Ảnh: V.T.B
     
     
    TT - Nhiều người bảo chưa ai nhảy cầu Sài Gòn mà thoát chết, nhưng một chàng trai 20 tuổi đã nhảy và cứu được một cô gái cũng vừa 20.
     
    Thành cầu Sài Gòn cách mặt nước gần 20m, nhưng Đoàn Hữu Đức - SV ĐH Văn hóa TP.HCM - đã lao mình xuống dòng nước chảy xiết để cứu sống một cô gái nhảy sông tự vẫn.
     
    Khoảng 12g30 ngày 16-8, Đoàn Hữu Đức và bạn thân Nguyễn Trí Hoàn đi chơi về đến giữa cầu Sài Gòn thì thấy một cô gái trẻ đứng chênh vênh ngoài lan can thành cầu và nức nở khóc. Vài người đi qua cũng dừng lại, rồi một người đàn ông định chộp lấy cô gái nhưng không kịp vì cô đã buông tay khỏi thành cầu. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến Đức chỉ kịp tháo cặp kính cận, cởi chiếc quần dài, trong khi Hoàn giục bạn: “Nhảy nhanh lên Đức ơi!”.
     
    Xuống tới mặt nước rồi, chỉ cần bơi khoảng 2m là Đức đã với được cô gái, nhưng vì nước sông chảy quá mạnh, Đức không thể bơi vào bờ được và cả hai chới với giữa dòng sông...
     
    Lúc này mọi người trên cầu bắt đầu la hét tìm cách ứng cứu. Đức vẫn quàng tay qua cổ cô gái và trôi chới với. Mãi tới 15 phút sau, một chiếc tàu chạy qua quăng dây xuống cứu và đưa cả hai vào một quán ăn bờ sông gần đó. Cô gái trẻ bị sốc nước, còn Hữu Đức bị choáng vì đuối sức, nôn hết thức ăn ra ngoài.
     





    Đức đang học môn thanh nhạc, chơi trong ban nhạc của lớp và thỉnh thoảng vẫn đi đánh organ ở nhà hàng, đám cưới để kiếm tiền. Sáng 17-8, chàng SV dũng cảm, người mảnh khảnh với gương mặt điển trai kể: “Lúc lên bờ, nghe mấy người nói trước giờ chưa có ai nhảy cầu Sài Gòn mà thoát chết, tôi thấy cũng hơi sợ, dù tin mình có thể bơi qua sông này được. Chỉ có điều lúc nhảy xuống thấy lâu quá, sao chờ hoài không tới mặt nước...”.
    Cả hai được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Gia Định. Bác sĩ cho biết cô gái chỉ bị chấn thương nhẹ nơi cổ và sẽ sớm bình phục. Còn Đức thì nhanh chóng khỏe lại ngay và cùng Trí Hoàn trở về nhà. Một anh phóng viên biết chuyện đã trả tiền taxi cho chàng trai dũng cảm.
     
    Hữu Đức chuẩn bị vào năm 2 ngành quản lý văn hóa. Đang nghỉ hè, nhưng vì ngày 20-8 tới ĐH Văn hóa đã khai giảng nên chàng SV quê Bình Định phải vào TP.HCM sớm. Lớn lên ở xã đảo Nhơn Hải, lúc chưa có cầu Nhơn Hội phải đi ghe mất 45 phút vào học THPT ở trung tâm thành phố, Đức bơi rất giỏi. “Nhưng tôi chỉ lao từ trên ghe xuống biển chứ chưa nhảy cầu bao giờ” - Đức nói. Mà lúc ấy Đức cũng chỉ biết là cầu cao, rồi lao xuống chứ có kịp suy nghĩ gì đâu.
     
    Khi còn ở trên sông, sau khoảng 10 phút chiến đấu với dòng nước, Đức thú thật đã mệt lắm rồi. Còn cô gái thì hoảng sợ vùng vẫy, càng kéo chàng trai chìm xuống. Lúc ấy Đức không sợ mình có thể chết với cô gái luôn? “Tôi cũng đuối lắm, nhưng nghĩ đã nhảy xuống đây rồi thì cố hết sức. Lại nghe trên cầu la là có tàu đến cứu nên cố giữ cho cả hai cùng nổi”. Còn Trí Hoàn vừa nãy thúc giục bạn là thế, lúc ấy cũng cuống cuồng lên vì lo lắng: “Nhưng tôi vẫn tin là bạn mình sẽ không sao vì bơi giỏi, chỉ sợ cho cô gái kia thôi”.
     
    Tại cầu Sài Gòn lúc ấy người đã tụ tập xem khá đông. Hoàn kể lại rằng có người còn đoán là Đức nhảy xuống sông để cứu người yêu, vì chỉ yêu nhau mới làm như thế. Cô gái tên Lê Thị H., quê Hà Tĩnh, vào Sài Gòn làm công nhân. Đến chiều cùng ngày cô vẫn chưa tỉnh hẳn và không cho biết lý do mình tự vẫn. Trần Ngọc Tùng, bạn cùng phòng trọ với Đức, cho biết: “Đức hiền lành, vui tính. Tôi biết bạn ấy bơi giỏi vì đã từng đi bơi với nhau ở hồ bơi An Phú, nhưng không ngờ bạn ấy liều đến thế”.
     
    Năm nay Hữu Đức mới 20 tuổi và cô gái được Đức cứu sống cũng vừa tròn 20 tuổi.
     
    VŨ THANH BÌNH
     
    http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=215919&ChannelID=7
     
     
    #92
      HongYen 23.10.2007 11:44:18 (permalink)







      Thứ bảy, 11/8/2007, 11:03 GMT+7




      Nữ tiến sĩ tuổi 25
       





      Tiến sĩ Nguyễn Kiều Liên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Dân Trí
      Trong số gần 300 tiến sĩ từ nhiều quốc gia được nhận bằng vào tháng 7 năm nay của ĐH Cambridge (Anh) có duy nhất một người Việt Nam - Nguyễn Kiều Liên.
       
      Tốt nghiệp Đại học Adelaide (Australia) vào cuối năm 2003 với bằng ưu hạng nhất (fist-class Honous), Kiều Liên đã vượt qua cuộc tuyển chọn gắt gao với 4 tiêu chuẩn: Trí tuệ đặc biệt ưu tú; Có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập; Có tư chất của một nhà lãnh đạo trong tương lai có thể góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới; Có mong muốn và khả năng cống hiến cho nhân loại bằng công trình nghiên cứu cụ thể.
      Cô được chọn là 1 trong 50 sinh viên trên toàn thế giới nhận học bổng Bill Gates trị giá 200.000 bảng Anh (tương đương 400.000 USD) để học thẳng tiến sĩ tại ĐH Cambride, không phải theo học thạc sĩ.
       
      Trong thời gian học ở Cambridge (2004 - 2006), không chỉ nghiên cứu đề tài Công nghệ trong lĩnh vực cấu trúc nguyên tử và phổ cộng hưởng từ nhân trong dược phẩm với cơ thể con người, Kiều Liên còn được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới.
       
      Điều này lại giúp cô tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế để rút ngắn thời gian học tiến sĩ trong một lĩnh vực mới trong 2 năm.
       
      Cô tâm sự, chính những lời động viên của Bill Gates trong lá thư gửi cho cô 3 năm trước đã là nguồn khích lệ mạnh mẽ, thúc đẩy cô học tập: “Tôi mong muốn cô có thể là một trong nhiều nhà lãnh đạo tương lai có thể thay đổi cái nhìn về thế giới, làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn”.
       
      Vì lý do công việc, nên lễ trao bằng tiến sĩ của Kiều Liên phải hoãn vào tháng 7 năm nay, nhưng cô đã tốt nghiệp từ năm ngoái, khi vừa tròn 25 tuổi.
      Kiều Liên đang là Giám đốc các Dự án nghiên cứu quốc tế của Tập đoàn TWI, Vương quốc Anh.
      (Theo Dân Trí)





      ShowArticleLogoDate();ShowArticleLogoQuantity();




      Các tin khác:
      [Trở về]


      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/Nhip-dieu-tre/2007/08/3B9F915C/
      #93
        HongYen 23.10.2007 11:51:58 (permalink)

        Thiếu nữ bản Mường trở thành thủ khoa đại học (10/08)

         








        Thứ sáu, 10/8/2007, 09:13 GMT+7




        Thiếu nữ bản Mường trở thành thủ khoa đại học
         
        Hai tháng nữa con gái đầu Phạm Thị Quỳnh Như mới vào đại học, nhưng ông Cường, bà Thúy đã còng lưng, mỏi gối lên rừng kiếm thêm bó củi, chăm cho luống đậu, đồi mía tươi tốt để bán lấy tiền cho cô con gái vừa đỗ thủ khoa nhập học.

        > Bán bún cá đỗ thủ khoa đại học
        > Thủ khoa giỏi cấy lúa
         
        Trên mảnh vườn trước nhà, Như cặm cụi nhổ cỏ đậu thoăn thoắt. Đôi tay chai sần của cô thủ khoa ĐH Y Thái Bình miệt mài với công việc hằng ngày của mình.
         
        Suốt thời gian học tiểu học, THCS, Phạm Thị Quỳnh Như, dân tộc Mường, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) học ở thị trấn Ngọc Lặc. Từ nhà ra thị trấn gần 10km, Như phải dậy từ sáng sớm đi bộ ra trường cho kịp giờ học.
         
        Có hôm đi học, gặp mưa lũ cuốn trôi cầu bản Thắng, bản Chông, cắt đứt con đường đến trường, cô bé ham học của bản Lún chỉ biết ngồi bên bờ suối nhìn nước lũ cuộn chảy mà khóc, sợ phải nghỉ một buổi học ở trường.
         
        Biết con ham học, không muốn bỏ học giữa chừng như các bạn cùng trang lứa ở bản, bà Thúy, ông Cường (bố, mẹ Như) thay nhau mượn xe đạp đưa con đến trường. Thương bố mẹ vất vả, suốt những năm học tiểu học, THCS, Như đã gửi đến bố mẹ nhiều niềm vui khi liên tục là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của trường. Năm học lớp 5 Như đã đoạt giải ba môn toán, môn văn toàn tỉnh.
         
        Học cấp III tại THPT Ngọc Lặc, Như bắt đầu bộc lộ năng khiếu học thiên về khối B. Được các thầy cô nhiệt tình dạy bảo, định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức bài bản, liên tục các năm học cấp III Như là học sinh luôn trong tốp dẫn đầu của lớp. Cô Trương Thị Giang, giáo viên chủ nhiệm của Như từ năm lớp 10 đến lớp 12 cho biết: “Như thông minh, có tính tự học cao; luôn chịu khó hết mình để học tập tốt và nhiệt tình tham gia các hoạt động ở lớp, ở trường, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè”.
         
        Nhưng niềm vui đỗ thủ khoa đại học (29,5 điểm) trong Như qua đi rất nhanh, còn lại là nỗi lo bởi suốt sáu năm học đại học thật dài, bố mẹ hay đau ốm, chưa biết gia đình phải tính sao.
         
        Hai tháng nữa con gái đầu mới vào trường đại học, nhưng ông Cường, bà Thúy đã còng lưng, mỏi gối lên rừng kiếm thêm bó củi, chăm cho luống đậu, đồi mía tươi tốt để bán lấy tiền cho Như nhập học. “Ở bản nghèo này có con đỗ đại học thật là vinh dự, tự hào nên có phải ăn cháo, ngô, sắn, vợ chồng tôi cũng cố lo cho các con học hành thành đạt”, bà Thúy nhìn ra đồi mía trước nhà, cố giấu những giọt nước mắt hạnh phúc đang lăn trên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ dân tộc Mường.
        (Theo Tuổi Trẻ)

         
        http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/Nhip-dieu-tre/2007/08/3B9F90B5/
        #94
          HongYen 08.02.2008 20:08:00 (permalink)
          Nguyễn Thục Quyên
           
           
          Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên
           
           
          Nữ tiến sĩ gốc Việt đoạt giải lớn của UCSB
          Cập nhật cách đây 1 giờ 51 phút
          (12.1.2008 19:29:49)
           
           Theo tin từ trang web Đại học California, Santa Barbara (UCSB), tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên, giáo sư khoa hóa và sinh hóa, vừa đoạt giải Harold J. Plous Award 2008 của đại học này.


          Plous Award là một trong hai giải thưởng uy tín nhất của UCSB do hội đồng khoa (academic senate) xét và trao cho giáo sư đạt thành tích đặc biệt trong nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ.

          Nghiên cứu của giáo sư Thục Quyên đóng góp rất lớn vào việc phát triển vật liệu thu hút ánh sáng, như pin mặt trời, điôt ánh sáng và những dụng cụ điện tử, trong đó có chất nhựa dẫn điện.

          Giáo sư giải thích: "Thông thường nhựa không dẫn điện. Bây giờ ngành hóa hữu cơ phát triển và chế tạo được loại nhựa dẫn điện và ánh sáng có thể sử dụng trong chế tạo những cơ phận máy móc và bóng đèn. Nghiên cứu của tôi phần nào đóng góp thêm cho ngành hóa hữu cơ”. Giáo sư Thục Quyên sẽ có dịp trình bày công trình của mình khi có buổi diễn thuyết "Plous lecture" trong khóa mùa xuân năm nay.

          Viện trưởng UCSB Henry Yang cho biết giáo sư Thục Quyên từng nhận hai giải thưởng quan trọng tại Mỹ là giải "2005 office of naval research young investigator award" và giải "2006 national science foundation career award". Tại UCSB, ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu, giáo sư Thục Quyên đang phát triển một lớp học dạy các khoa học gia làm thế nào áp dụng sự nhiệt thành trong nghiên cứu khoa học vào việc phục vụ công chúng.

          Giáo sư Thục Quyên sang Mỹ năm 1991 và lúc đó không nói được tiếng Anh. Cô đã nỗ lực vượt bậc để có được thành công như ngày hôm nay.  
          Theo N.Quân - Tuổi Trẻ
           
          #95
            HongYen 08.02.2008 20:12:08 (permalink)
            Đóa Thục Quyên Việt "nở" trên đất Mỹ
            09:57:00, 20/01/2008

             
            Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên - Ảnh: TPO
             
            Một cô gái VN nói không nổi một câu tiếng Anh trong những ngày đầu sang Mỹ, đã từng làm công việc rửa cốc chén tại phòng thí nghiệm sinh vật của trường Đại học, vừa đoạt giải thưởng dành cho giáo sư đạt thành tích đặc biệt trong nghiên cứu, giảng dạy. 
             

            Đó là giải Plous Award, một trong hai giải thưởng uy tín nhất của trường Đại học California, Santa Barbara California (University of California, Santa Barbara - UCSB).
            Cô là tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên, giáo sư khoa Hóa - Sinh của trường đại học nêu trên. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, một giáo sư của khoa Hóa - Sinh lại giành được vinh dự này.

            “Cô hãy về nước của cô đi”
            Sinh ra ở Ban Mê Thuột, tuổi ấu thơ học trường làng, do đó khi theo gia đình sang Mỹ năm 1991, Nguyễn Thục Quyên bắt đầu cuộc sống nơi đất khách quê người với vốn tiếng Anh... bằng không.

            Đi đâu, làm gì cũng phải nhờ người bà con làm thông dịch. Những người anh, chị em của Quyên chán nản cứ đòi về lại Việt Nam, còn Quyên quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký đi học ở ba trường trung học ở ba thành phố cùng một lúc. Sáng học một trường, chiều học một trường và tối lại học ở một trường khác.

            Nhớ lại vốn tiếng Anh của mình những ngày đầu sang Mỹ, Thục Quyên vẫn không thể nào quên những kỷ niệm buồn, những cảm giác tủi hổ khi bị khinh rẻ. Có những giáo viên thấy Quyên nói tiếng Anh kém thường chế nhạo tiếng Anh của Quyên trước cả lớp để cho mọi người cười.

            Một số thầy giáo còn khuyên cô nên học lại tiếng Anh rồi hãy tiếp tục theo học đại học. Thậm chí, có người bạn Mỹ còn nói thẳng vào mặt cô rằng: “Cô hãy về nước của cô đi”.
            Không chỉ bị cười chê vì vốn tiếng Anh nghèo nàn, mà những sự hiểu lầm về tiếng Anh cũng đã nhiều lần làm Quyên mắc cỡ. Trong một lần đọc báo để xin việc làm, cô thấy có một quảng cáo cần người lái xe tải (truck).

            Lúc đó, Quyên có một xe tải nhỏ vì cô làm việc từ thiện cho một trung tâm Việt Nam và thường chở đồ cho những người Việt mới sang Mỹ. Thế là cô tự tin tới đó xin việc. Khi tới nơi, cô thấy toàn đàn ông to cao, bặm trợn, xăm trổ đầy mình... Mọi người cười ồ lên khi biết rằng cô đã nhầm lẫn truck (xe tải cỡ lớn 18 bánh) với chiếc xe tải nhỏ mà cô vẫn lái. Còn Quyên thì xấu hổ quá, bỏ đi thật nhanh.

            Rồi một lần khác, một người bạn học rủ Quyên đi trượt băng. Trước khi đi, anh ta gọi điện thoại nhắn Quyên nhớ mang theo tất (socks) vì lúc đó trời mùa đông rất lạnh. Quyên lại tưởng anh bạn dặn mặc quần đùi (shorts). Khi tới nơi, Quyên cởi áo khoác ra và chỉ còn độc... chiếc quần đùi bên trong khiến anh bạn cười phá lên vì sự hiểu nhầm này. Cuối cùng, cô đành phải mặc cả áo khoác để trượt băng.

            “Hãy tin vào bản thân mình”
            Đầu tiên, Quyên xin học ở Đại học Santa Monica, nhưng do làm bài thi tiếng Anh dở quá, cô không được theo học. Quyên đã năn nỉ nhà trường cho cô được học thử một học kỳ. Để được nhận vào học chính thức như các sinh viên khác, cô đã học suốt ngày, rồi tối lại tới học thêm ở những trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên trong trường. Sau một năm, Quyên được nhận vào học chính thức.

            Nhà nghèo, kiến thức bắt đầu từ con số không, nên Quyên phải nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn bè. Cô xin làm thêm trong thư viện của trường từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối vào các ngày trong tuần. Ấy vậy mà vẫn không đủ tiền học, do đó cô phải vay thêm tiền của chính phủ (Education Loan) để có thể tiếp tục theo học.

            Năm 1995, Thục Quyên xin chuyển lên Đại học California, Los Angeles (UCLA). Trong hai năm cuối đại học, Quyên xin làm ở một phòng thí nghiệm của ngành sinh vật, nhưng công việc chính chỉ là... rửa cốc chén thí nghiệm.
            Sau một năm, Quyên thấy công việc nghiên cứu rất thú vị, cô xin làm thí nghiệm với mấy sinh viên học tiến sĩ và một tiến sĩ trong phòng thí nghiệm đó, nhưng họ không chấp thuận vì họ thấy cô nói tiếng Anh dở. Quyên rất buồn vì bị coi thường.

            Nhưng chính nhờ vậy mà cô cố gắng nhiều hơn. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1997, Quyên nộp đơn xin học cao học và chỉ trong vòng một năm, cô đã có bằng cao học ngành Lý - Hóa và quyết định học tiếp để lấy bằng tiến sĩ.

            Với nỗ lực vượt bậc, năm cuối của chương trình tiến sĩ, Quyên là một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất được trao học bổng. Năm 2000, cô được thêm hai giải thưởng quốc tế cho những nhà khoa học trẻ tuổi: Graduate Student Award của Mỹ và Outstanding Innovative Research Award của Áo.

            Tháng 6.2001, Quyên đã ra trường trước những sinh viên trong phòng thí nghiệm sinh vật mà cô đã từng rửa chén cho họ. Thục Quyên tâm sự: “Nếu lúc đầu, mọi người nghĩ rằng Quyên không đủ trình độ làm nghiên cứu, mà Quyên có nói gì hay thuyết phục bằng cách nào thì họ cũng không tin. Chỉ có cách là chứng minh bằng hành động”.

            Khi ra trường, Quyên được giải thưởng xuất sắc của phân ngành Lý - Hóa. Sau đó, cô cộng tác nghiên cứu với giáo sư Louis Brus và Colin Nuckolls ở trường Columbia ở New York trong ba năm. Trong thời gian ở trường Columbia, Quyên hợp tác với hai nhà khoa học nổi tiếng ở IBM về công nghệ nano.

            Quyên chia sẻ: “Hãy tin vào bản thân mình và khi bạn có ước mơ, hãy biến nó thành sự thật, đừng để mọi người làm bạn thay đổi ý định đó. Và đặc biệt, đổ lỗi cho người khác sẽ không bao giờ giúp mình tiến lên được”.

            “Làm giáo sư ngành khoa học bên Mỹ rất vất vả. Đây là lý do không có nhiều phụ nữ làm giáo sư” - Thục Quyên tâm sự. Cô liệt kê hơn 12 công việc mà một giáo sư khoa học ở Mỹ như cô phải đảm nhiệm như: giảng dạy sinh viên đại học, cao học và tiến sĩ; làm nghiên cứu khoa học; xin tiền để làm nghiên cứu; kiểm duyệt bài báo đăng cho các tờ báo khoa học; kiểm duyệt kế hoạch khoa học đề xuất cho nhà nước; làm trong ban tuyển sinh đại học; làm cố vấn cho sinh viên học tiến sĩ; phục vụ cho phân ngành, trường đại học và cộng đồng; giúp đỡ giáo viên và học sinh cấp 1,2,3 học hỏi khoa học; phát triển những lớp học mới... Ngoài ra còn biết bao công việc không tên nữa.

            Cho đến nay, TS Thục Quyên đã về Việt Nam bốn lần. Lần đầu tiên là năm 1999 về thăm gia đình, năm 2004 về thuyết trình về Du học ở Mỹ cho sinh viên Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005 về tham dự và thuyết trình tại Viện khoa học công nghệ Hà Nội và bàn về tổ chức Đại hội khoa học ở Hạ Long, tháng 12.2006 về tham dự Hội thảo khoa học ở Hạ Long cùng 8 giáo sư Mỹ và Canada.

            Năm 2008, Quyên sẽ lại được trở về quê hương để tham dự một hội thảo khoa học. Chị mong muốn trong tương lai sẽ trở về Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên hơn để truyền đạt những kỹ thuật mới nhất cho các sinh viên Việt Nam.
            Lan Anh - Báo Tiền Phong
             
            #96
              HongYen 08.02.2008 20:20:12 (permalink)
               
              Vương Bá Quý trước Science Hall của ĐH Wisconsin-Madison
              (Ảnh: Vương Bá Quý cung cấp)
               
               
              10:04:53, 05/02/2008
              Người được cấp 9 học bổng nghiên cứu sinh
              Hà Ánh
               
               
              "Sẽ quay về Việt Nam ngay khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ", đó là khẳng định của Vương Bá Quý, chàng trai 24 tuổi được cấp 9 học bổng nghiên cứu sinh.



              Tốt nghiệp đại học chỉ sau 3 năm rưỡi với tấm bằng danh dự của trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), được cấp 9 học bổng cho chương trình tiến sĩ về khoa học máy tính từ ĐH Công nghệ Nanyang, 7 trường ĐH của Mỹ và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), Vương Bá Quý đã quyết định chọn ngành Database của trường ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ).  Theo Quý thì: "Database là một trong những hướng đi mới có tầm ảnh hướng rất lớn trong lĩnh vực khoa học máy tính hiện nay, mình đặc biệt yêu thích lĩnh vực nghiên cứu này và ĐH Wisconsin-Madison lại là một trong những trường hàng đầu về Database. Vì vậy, dù trường này không nằm trong khối các trường liên kết với VEF nhưng mình vẫn quyết định đi theo hướng nghiên cứu mà mình yêu thích nhất".

              Trong suốt thời gian theo học tại Nanyang, Vương Bá Quý luôn nằm trong số 5% sinh viên xuất sắc nhất, được lựa chọn vào chương trình cử nhân tăng tốc của trường; từng giành giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2006 với đề tài "Hệ thống soạn thảo, nhận dạng và tính toán biểu thức toán học". Ngoài ra, Quý còn có 6 công trình khoa học đã hoặc sẽ được công bố tại các hội thảo và tạp chí uy tín về khoa học máy tính, như: Tạp chí Pattern Recognition Letters, Hội thảo quốc tế về công nghệ thông tin tại Bồ Đào Nha, Hội thảo về thư viện số ở Hungary...

              Quý cho biết sẽ hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh vào năm 2012, còn dự định tương lai thì "có lẽ vẫn còn hơi sớm để nói về một điều gì cụ thể". Trước mắt là tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt luận án tiến sĩ. "Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là mình sẽ quay về Việt Nam để sinh sống và làm việc ngay khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Đó là mong muốn của mình, và mình nghĩ cũng là của nhiều du học sinh khác, nhất là khi đất nước đang tạo ra được nhiều cơ hội và thách thức cho giới trẻ như hiện nay", Quý khẳng định.

              Tết năm nay, Quý sẽ đón giao thừa cùng các du học sinh Việt Nam bên này. Quý nói: "Sẽ khó tìm bánh chưng, nhưng chắc chắn sẽ có một bữa tiệc nho nhỏ với một số món ăn truyền thống trong đêm giao thừa".
              Hà Ánh
              #97
                HongYen 08.02.2008 20:38:54 (permalink)
                Phạm Nguyễn Thanh Tuấn
                 
                 
                Cao học trường Corvallis, Oregon.
                 


                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/FF6F345C1720487FBA3B7CCC87FB3EA5.jpg[/image]
                Attached Image(s)
                #98
                  HongYen 09.02.2008 04:35:01 (permalink)
                   
                   
                   
                   
                   
                   
                   
                   
                  Corvallis: A Unique Quality of Life

                  ( a slideshow )







                  In the mid-1800's the Oregon Trail began to open the American West to the world. And what was the single thing that was drawing those rugged pioneers? It was the great Willamette Valley — a lush, fertile paradise.

                  Today, in the very heart of the Willamette Valley, Oregon State University also thrives. And this is where we live — Corvallis. Join us as we explore the amazing quality of life that Corvallis has to offer.





                  School of Electrical Engineering and Computer Science, 1148 Kelley Engineering Center
                  Oregon State University, Corvallis, OR 97331-5501
                  Send a comment about this web site | This page was last modified on Thursday, January 30, 2003
                  Copyright © 2008 | Disclaimer | Committed to Diversity

                   
                  >>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>.
                   
                  Students
                  • The average high school GPA of incoming OSU first-year students was 3.46 this past fall--the highest of any Oregon University System school.
                     
                  • Nearly 1,000 international students are studying at OSU, adding diversity and richness to the university's academic and cultural life.
                     
                  • Internships and undergraduate research opportunities offer OSU students the opportunity to gain actual career-related experience while in school.

                  http://oregonstate.edu/about/#Location


                   
                  #99
                    HongYen 09.02.2008 09:19:34 (permalink)
                     
                    Lê Đức Bảo - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
                     
                    Từ trường làng đến ĐH Paris 6
                    Cập nhật cách đây 2 giờ 31 phút
                    Phương Nguyên
                     






                    Lê Đức Bảo trong một chuyến du lịch "bụi" tại Pháp - ảnh: L.Đ.B
                    Một chàng tỉnh lẻ ngơ ngác vào Sài Gòn, bươn chải tự nuôi thân, lo việc học hành, rồi bước ra biển lớn...
                     


                    10 năm trước, chàng trai sinh năm 1980 Lê Đức Bảo giã từ các ngôi trường làng Quảng Nam để khăn gói vào TP.HCM ứng thí. Năm đó, Bảo đỗ hai trường: ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Cậu chọn trường thứ  hai, khoa Toán. Suốt những năm ĐH, chiếc xe đạp cà tàng không còn rõ nhãn hiệu đã đưa Bảo đi khắp ngõ ngách Sài Gòn để kiếm tiền ăn học. Công việc làm thêm mà Bảo có "thâm niên" nhất là gia sư và đồ họa máy tính. Đất Sài Gòn không phụ người cần cù, tiền kiếm được cũng đủ cho Bảo hoàn thành chương trình đại học.
                     
                    Rồi trong thời gian theo học chương trình Thạc sĩ công nghệ thông tin tại Viện Tin học Pháp ngữ (Hà Nội), Lê Đức Bảo đã giành được tài trợ trị giá 4.500 USD của Tập đoàn Google nổi tiếng cho  dự án mã nguồn mở của mình. Cơ duyên để Lê Đức Bảo nhận được tài trợ của Goolge diễn ra khá tình cờ. Từ một đường dẫn trên trang web http://code.google.com, Bảo đăng ký xin tài trợ, nêu ý tưởng và giải pháp của mình. Dự án của Bảo được chọn do Google nhận thấy có tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu phát triển phần mềm mã nguồn mở. Tại Việt Nam, Bảo là 1 trong 2 người đầu tiên được nhận tài trợ này. Sau 3 tháng thực hiện, dự án của Bảo được đánh giá tốt và đã được đưa vào sử dụng.
                     






                     

                    Tốt nghiệp trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và Viện Tin học Pháp ngữ, hiện Lê Đức Bảo đang là giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Sau Tết Đinh Hợi, Bảo xin được học bổng của Viện Nghiên cứu về tin học và tự động hóa (INRIA) của Pháp. Thời gian này, Bảo cũng tham gia phát triển một dự án về giáo dục cho Liên minh châu Âu.
                     
                    Lần đầu tiên sang Pháp, ngoài việc làm quen với đời sống và tìm hiểu nước Pháp, việc quan trọng mà Bảo và bạn bè đặt ra là tìm tiếp một... học bổng nữa để học lên tiến sĩ sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ. Vì vậy, trong 6 tháng này, ưu tiên hàng đầu của nhóm là học phong cách làm việc, xây dựng mối quan hệ với các giáo sư Pháp để tìm hiểu xem họ đang có những lĩnh vực nghiên cứu nào phù hợp với hướng phát triển của mình.  "Cách tìm  học bổng phổ biến là tìm một thầy nào đó thấy hợp với lĩnh vực mà mình quan tâm.  Sau khi phỏng vấn nếu mình đáp ứng được yêu cầu thì thầy sẽ nhận. Mình được một thầy bên Đại học Paris 6 và một thầy ở Trung tâm Nghiên cứu của Công ty France Télécom phỏng vấn, đánh giá khả năng nghiên cứu và đồng ý cấp học bổng 80.000 euro cho 3 năm học tiến sĩ tới" - Lê Đức Bảo cho biết.
                     
                    Đã chắc chắn sẽ quay lại Pháp để tiếp tục nghiên cứu, nên khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, phần lớn đồ đạc Bảo vẫn để lại bên đó. Thế nên lần này, hành trang quay trở lại Paris của Bảo nhẹ tênh, chủ yếu là quần áo ấm và... cà phê cho đỡ "ghiền" những lúc nhớ nhà. Hỏi Bảo đi xa thì sẽ nhớ gì nhất, anh cười hiền: nhớ những ngày bé chăn trâu cắt cỏ ở quê, nhớ những ngày đầu tiên ngơ ngác tới Sài Gòn, nhớ thời tiết Hà Nội mỗi khi chuyển mùa...
                     
                    Ngoài đam mê về công nghệ mới, sở thích lớn nhất của Bảo là đi du lịch. Bảo tâm sự: "Một trong những nơi mình rất muốn đến tìm hiểu là Ấn Độ. Về công nghệ thông tin, Ấn Độ là nước năng động hàng đầu trong số những nước đang phát triển. Mình rất muốn tìm hiểu môi trường làm việc bên đó, xem họ làm như thế nào để học hỏi. Thời gian tới, ngoài việc nghiên cứu, mình phải phát triển các mối quan hệ để mở rộng "mạng lưới" bạn bè ở khắp nơi. Sau đó, từ Việt Nam, mình có thể kết hợp cùng với họ làm nhiều việc để phát triển công nghệ thông tin ở nước mình, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm mã nguồn mở".
                    Phương Nguyên
                     
                     
                     
                    HongYen 09.02.2008 23:59:23 (permalink)


                    Phạm Nguyễn Thanh Tuấn

                    Bài viết đã đăng: 6691
                    Gia nhập ngày: 26.7.2003
                    Đến từ: Sài Gòn
                    Hiện trạng: online Phạm Nguyễn Thanh Tuấn

                     
                    Phạm Nguyễn Thanh Tuấn tốt nghiệp cử nhân và được học bổng, vừa học vưà phụ giáo của đại học Corvallis.
                     
                    Chúc Mừng Năm Mậu Tý thu hoạch được dồi dào sức khỏe và kiến thức.
                    HongYen 12.02.2008 22:12:12 (permalink)
                    Thạc sĩ tuổi 20
                    10:04:07, 05/02/2008
                     
                    Bích Thanh













                    Ngoài thời gian làm việc, Hải Ly có những sở thích rất trẻ con - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
                    Mới 20 tuổi, nhưng Nguyễn Hải Ly đã chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ của ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ.
                     


                    Cuối năm 2003, khi mới học lớp 10 tại trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) được 3 tháng thì Hải Ly theo ba mẹ sang Moscow (LB Nga). Do Hải Ly được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ khi còn rất nhỏ nên gia đình đã cho cô học tại trường International School Tomorrow - một trường quốc tế của Mỹ tại thủ đô nước Nga. Khi vào trường, căn cứ theo độ tuổi, Hải Ly được xếp vào học lớp 9. Tuy nhiên sau khi xem qua chương trình, "em đã lên gặp trực tiếp hiệu trưởng và bày tỏ mong muốn được học lớp cao hơn", Hải Ly nhớ lại. Lúc đó vị giáo sư người Mỹ đã khá ngỡ ngàng trước một học sinh châu Á nhỏ xíu mà tự tin đến vậy. Cuối cùng, ông cũng đồng ý để Hải Ly học lớp 10 với điều kiện phải hoàn thành 24 pace (tương đương 24 tín chỉ) của chương trình lớp 9. Và Hải Ly đã nhanh chóng vượt qua các bài test đó.
                     
                    Chương trình trung học của trường International School Tomorrow bao gồm 124 pace. Kết thúc mỗi pace có 3 bài test nhỏ và 1 bài test lớn. Thông thường, mỗi học sinh chỉ hoàn thành từ 2-3 pace/tuần nhưng với Hải Ly thì chừng đó quá ít. "Do hứng thú với phương pháp giảng dạy mà ở đó giáo viên chỉ là người hướng dẫn, học sinh phải tự học, tự nghiên cứu nên hằng tuần em dễ dàng vượt qua 12 pace với 48 bài test", Hải Ly kể. Cứ như vậy, chỉ sau 1 năm, khi mới 16 tuổi Hải Ly đã hoàn thành chương trình trung học với số điểm trung bình 99,75/100 - một kết quả cao chưa từng có trong lịch sử 10 năm hoạt động của trường International School Tomorrow tại Moscow.
                     
                    Khi được hỏi về bí quyết học tập, Hải Ly đáp ngay: "Em chẳng có bí quyết gì cả, chỉ học với khả năng của mình. Nói thật, kết quả trên có được là nhờ một phần vào sự... cay cú". Hải Ly kể tiếp: "Là trường quốc tế nên học sinh đến từ 25 quốc gia trên thế giới. Trước khi em vào học, chưa có học sinh châu Á nào dẫn đầu kết quả học tập của trường. Trong mắt học sinh các nước khác, học sinh châu Á rất bình thường. Tự nhiên em có cảm giác mình phải làm một cái gì đó để thay đổi suy nghĩ trên". Không chỉ là người thay đổi quan niệm của học sinh trong trường với thành tích học tập đáng nể, đầu năm 2004 Hải Ly còn được mời tham gia Hội nghị Lãnh đạo trẻ toàn cầu do Mỹ tổ chức với tư cách là đại diện cho học sinh, sinh viên LB Nga.
                     
                    Năm 2004, Hải Ly trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh trường Touro (trường Đại học của Mỹ tại Nga). Vừa học được một học kỳ và hoàn thành trước 6 môn học thì Hải Ly phải theo gia đình về nước. Trở về Việt Nam, Hải Ly vượt qua kỳ thi IELTS của Hội đồng Anh với số điểm 7,0 và được nhận vào học tại Đại học RMIT Việt Nam (có chương trình đào tạo tương đương Touro). Do được miễn một số môn đã học tại Nga nên thời gian học tập ở RMIT của Hải Ly được rút ngắn chỉ còn hơn 2 năm. Ngày ấy, hình ảnh một sinh viên Việt Nam thường xuyên tranh luận "tới bến" với các giáo sư của RMIT không còn xa lạ và điểm học lực của Hải Ly được xếp vào top 15% của sinh viên RMIT toàn cầu.
                     
                    Không dừng lại đó, cuối năm 2006, ngay khi vào làm việc tại Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), Hải Ly tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng của chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ và trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Chỉ vài tháng nữa Hải Ly sẽ hoàn tất chương trình thạc sĩ, nhưng "em đang suy nghĩ xem có nên học tiếp để lấy bằng tiến sĩ hay không. Thú thực là em vẫn ưu tiên phương án vừa học vừa làm. Biết đâu trong tương lai em sẽ trở thành một CFO (giám đốc tài chính) trẻ nhất Việt Nam", Hải Ly tự tin cho biết.
                     
                    Bích Thanh
                     

                    HongYen 18.04.2008 12:08:40 (permalink)
                    Thứ Sáu, 18/04/2008, 04:30 (GMT+7)

                    Họ bước vào Intel như thế nào?
                     







                    Các kỹ sư trẻ VN đầu tiên làm việc tại văn phòng Intel tại TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh
                    TT - Trong 2.000 người dự đợt khảo sát chất lượng SV và phỏng vấn tuyển dụng của Intel, chỉ 40 người được tuyển chọn. Những kỹ sư trẻ đầu tiên của VN này đã làm thế nào để được vào làm việc ở một trong những nhà máy "xịn" nhất thế giới ở VN?
                     
                    Bước vào tòa nhà ICDC - văn phòng Intel nằm trong Khu công nghệ cao TP.HCM, chúng tôi nhận ra nhiều gương mặt khá quen thuộc.
                     
                    "Công nghệ" tự đào tạo...
                    "Sao tháng giêng" của ĐH Bách khoa TP.HCM Phan Võ Kim Anh khẳng định: "Công tác Đoàn - Hội đã giúp tôi trưởng thành hơn, tự tin trước đám đông, trong các kỳ dự tuyển học bổng hay khi phỏng vấn tuyển dụng". Kim Anh cũng nói thêm trường ĐH trang bị cho SV những kiến thức căn bản nhất về chuyên môn, còn mỗi SV cần phải chủ động rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho chính mình về đàm phán, cách điều phối, cách sắp xếp công việc, khả năng phân tích, lên kế hoạch... "Nếu chủ động tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các phong trào ở trường, chúng ta sẽ có những kỹ năng đó” - Kim Anh chia sẻ.
                     
                    Cô kỹ sư trẻ Trần Thị Thúy Vân, "bóng hồng" đội Robocon BKDC từng vô địch Robocon VN 2007, cựu cán bộ Đoàn khoa cơ khí ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cũng cho rằng những ngày tháng "lăn lộn" với Đoàn đã cho mình có được rất nhiều kỹ năng mềm, hành trang quan trọng giúp mình đủ sức "marathon" trong nhiều cuộc đua cũng như được vào làm việc cho Intel hiện nay.
                     
                    Nhiều bạn trẻ khác vốn cũng là những "tay đua" trên thương trường. Với họ, cách tự học từ cuộc sống hiệu quả rất nhiều so với chỉ ngồi trên giảng đường. Như Nguyễn Văn Tuân (ĐH Bách khoa Hà Nội) cùng với vài người bạn mở một trung tâm gia sư - giới thiệu việc làm cho SV. Trung tâm chỉ "sống" được vỏn vẹn... năm tháng, lỗ gần 10 triệu đồng nhưng với Tuân, đó là "học phí” giúp bạn nhận ra nhiều giá trị bổ ích cho công việc và tương lai.
                     
                    Với kỹ sư cơ khí tài năng Lưu Triều Phát (ĐH Bách khoa TP.HCM), đó còn là tìm đến các anh chị khóa trên để học hỏi cũng như tìm cơ hội tham quan nhà máy, hội chợ triển lãm công nghệ để tìm hiểu các dây chuyền sản xuất, công nghệ mới... "Mô hình liên kết đào tạo với các công ty cần được phát triển và nhân rộng hơn ở các trường" - Phát nói.
                     
                    Phải giỏi tiếng Anh!
                     
                    Những kỹ sư trẻ đầu tiên của Intel Products VN vừa được tuyển dụng hiện chưa chính thức làm việc và vẫn phải học rất nhiều thứ kể cả những điều nhỏ nhặt nhất, từ cách sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại (inet, netmeeting, telecom...); cách đặt phòng, làm việc trực tuyến, đến phong cách, văn hóa của Intel... Trong văn phòng hiện tại của Intel, tất cả mọi thứ ở đây đều gắn liền với công nghệ và mọi người đều phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Mỗi tuần mọi người được họp qua mạng với các nhân viên cùng bộ phận trên toàn cầu để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tất nhiên phải sử dụng tiếng Anh!
                     
                    Các ứng viên lọt vào danh sách tuyển chọn khẳng định ở môi trường làm việc đa văn hóa, đa quốc gia như Intel thì tiếng Anh rất quan trọng. Đây là nguyên nhân chính của việc có rất ít SV đạt yêu cầu trong đợt khảo sát chất lượng SV cũng như phỏng vấn tuyển dụng vừa qua của Intel. Vấn đề này được các bạn nhìn nhận do ngay từ thời phổ thông chất lượng dạy ngoại ngữ còn hạn chế. Mỗi người nên ý thức việc tự trau dồi ngoại ngữ cho mình để đủ bản lĩnh hơn trong thời hội nhập hiện nay. 
                     





                    Bà Hồ Thị Thu Uyên - giám đốc đối ngoại Intel VN:
                    "SV khi chọn ngành kỹ thuật thường chú tâm đến kiến thức chuyên môn mà ít trau dồi những kỹ năng khác như tiếng Anh, nên khi vào làm trong môi trường quốc tế, họ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp. Khi Intel vào Trung Quốc, SV Trung Quốc cũng thế, rất giỏi về kỹ thuật nhưng không giao tiếp được tiếng Anh nên họ khó thành công và thăng tiến. Thật ra, tiếng Anh trong môi trường kỹ thuật không cần lưu loát như các ngành chuyên về ngoại ngữ nhưng phải giao tiếp được. Các bạn SV cần biết mình thiếu gì và chủ động học thêm từ bên ngoài để chuẩn bị tốt hơn khi tốt nghiệp".
                     
                    Ông Lương Vân Trúc Giang - phụ trách tuyển dụng SV của Intel Products VN:
                    "Chúng tôi tiến hành khảo sát SV năm cuối của năm trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật và ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bao gồm các khoa: điện, điện tử, cơ khí, cơ điện tử, tự động, khoa học máy tính, hóa. Có khoảng 70 câu trắc nghiệm trong thời gian 60-70 phút. Chỉ cần trả lời được 60% là đạt yêu cầu (tức 40/70 câu). Các câu hỏi của đợt khảo sát bằng cả tiếng Việt và Anh, dựa trên kiến thức nền tảng, khả năng tiếng Anh kỹ thuật và các kỹ năng mềm: kỹ năng phân tích, suy nghĩ độc lập...
                     
                    Với 40 người trúng tuyển, ba tháng đầu Intel hỗ trợ những kỹ năng mềm, những kiến thức và thuật ngữ kỹ thuật cơ bản, làm quen với môi trường văn hóa công ty. Sau đó họ sẽ được cử sang Malaysia học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ chín tháng tới một năm. Đây sẽ là lớp kỹ sư tiên phong của Intel Products VN".
                     
                    VŨ THANH BÌNH ghi

                    TRẦN HUỲNH
                     
                    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=253187&ChannelID=7
                    HongYen 20.04.2008 01:30:17 (permalink)
                    Học sinh 13 tuổi phát hiện lỗi NASA





                    "Đường đi nguy cơ” của thiên thạch Apophis năm 2036
                    17-04-2008 14:36:47 GMT +
                     
                    Một học sinh 13 tuổi người Đức tên Nico Marquardt đã phát hiện lỗi trong bài tính của Cơ quan Hàng không và không gian Mỹ (NASA) về khả năng một thiên thạch va vào Trái đất.
                     











                    Báo Đức Potsdamer Neueste Nachrichten cho biết Nico đã sử dụng các dữ liệu của Viện Vật lý học thiên thể Postdam để chứng minh khả năng thiên thạch Apophis va vào Trái đất lớn gấp 100 lần mức NASA từng tính: 1/450, thay vì 1/45.000 theo NASA.
                     



                    Theo Nico, NASA đã không tính đến nguy cơ Apophis đâm vào một trong 40.000 vệ tinh đang quay quanh Trái đất trong quá trình thiên thạch này tiếp cận Trái đất năm 2029. Các vệ tinh này đang đi với vận tốc 3,07km/giây và đang ở độ cao cách Trái đất 35.880km, trong khi Apophis sẽ tới rất gần Trái đất vào ngày 13-4-2029 ở khoảng cách 32.500km.



                    Chỉ cần Apophis va vào một trong các vệ tinh trên, nó sẽ thay đổi quĩ đạo và va vào Trái đất trong vòng quay quĩ đạo lần sau vào năm 2036 (trước đó, NASA không tính đến khả năng va vào các vệ tinh nên nhận định chỉ khi Apophis lọt qua được một khu vực của vũ trụ mà họ gọi là "lỗ khóa", độ lệch do lực hấp dẫn tạo ra mới thay đổi quĩ đạo của nó, khiến nó va vào Trái đất năm 2036).
                     



                    Cả NASA và Nico đều thống nhất nếu Apophis va vào Trái đất, nó sẽ tạo ra một quả cầu sắt và iridium, đường kính 320m và nặng 200 tỉ tấn, đâm vào lòng Đại Tây Dương. Vụ va chạm sẽ gây ra sóng thần hủy diệt hai bờ đại dương và các vùng đảo, tạo ra một đám mây bụi dày có thể làm tối bầu trời suốt một năm.
                     



                    Phát hiện của Nico là một phần trong bài thi của cậu tựa đề "Apophis - thiên thạch giết người" tham gia một cuộc thi khoa học khu vực. Sau khi chi tiết này được công bố, NASA đã phải thừa nhận với người anh em của mình là Cơ quan Hàng không châu Âu (EPA) rằng Nico đã đúng!
                     
                    Theo TRẦN ĐỨC THÀNH (VNE/AFP)
                     
                    http://www.nld.com.vn/tintuc/khoa-hoc/221653.asp
                    Học Sinh 27.06.2008 11:42:14 (permalink)



                    Sắc màu của Thúy
                    15:43:38, 26/06/2008
                    Diệu Hiền









                    Thúy bên tác phẩm Phố Hội tại triển lãm tranh - Ảnh: Diệu Hiền
                    Những bức tranh của cô bé khiếm thính Nguyễn Thị Thanh Thúy vừa được trưng bày tại Viện Anh ngữ (Đà Nẵng) khiến nhiều người ngưỡng mộ...
                     



                    Cha mẹ của Nguyễn Thị Thanh Thúy có 3 người con, nhưng không may có đến 2 người bị mắc chứng câm, điếc bẩm sinh. Gia cảnh khó khăn, cha mẹ Thúy đành gạt nước mắt đưa hai chị em Thúy vào làng Hy Vọng (Đà Nẵng) khi Thúy mới tròn 7 tuổi. Hành trang mang theo của Thúy là nỗi nhớ quê nhà da diết, cùng tình yêu thương vô bờ bến dành cho cha mẹ. Ở làng Hy Vọng, Thúy cùng người chị hòa nhập cùng 38 trẻ khiếm thính khác và được đi học. Nhưng, chỉ học tới lớp 5 thì... hết nơi dạy học lên lớp cao hơn, Thúy đành gác lại ước mơ được đi đến cùng bến bờ tri thức. Và những nỗi niềm của mình, Thúy đã tìm cách diễn đạt mới, đó là bằng tranh vẽ. Thầy Lê Quý Đôn (Thanh Khê, Đà Nẵng), người trực tiếp giảng dạy môn hội họa cho Thúy, đã bất ngờ khi nhận ra những nét vẽ tài hoa và đầy cảm xúc ở cô học trò bé nhỏ. Cảm nhận đây là một tài năng cần bồi dưỡng, thầy đã dày công giúp đỡ Thúy tiếp tục phát huy nội lực cùng sự sáng tạo tài hoa của em trong lĩnh vực nghệ thuật này.
                     
                    Thúy mang đến triển lãm 30 bức tranh với chất liệu arilic, màu bột... Với "Hoàng hôn trên sông", hình ảnh đoàn thuyền trở về với đầy ăm ắp cá được Thúy khắc họa rất sinh động. Lấy màu vàng làm chủ đạo, cảnh hoàng hôn của Thúy không u ám, buồn bã mà sống động lạ thường. "Em yêu biết bao quê hương xinh đẹp" lại là một hình ảnh khác, hình ảnh của những người nông dân đang chuẩn bị mang những thành quả lao động của mình về với mọi người, là con sông êm đềm với thú vui câu cá của trẻ nhỏ. Có một bức tranh, tên rất dài, nhưng xem nó thì không thể không xúc động. Đó là bức "...Và mẹ lại thức khuya để may vá. Con chỉ muốn nói Mẹ ơi con yêu mẹ nhiều lắm". Hình ảnh người mẹ cần mẫn bên chiếc bàn máy may cũ kỹ, chiếc đồng hồ phía sau đã nhích dần sang ngày mới, nhưng mẹ vẫn ngồi. Còn người con, vẫn đang còn say giấc. Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện bằng tranh của Thúy, đó là "Múa lân", "Sông trăng", "Hình ảnh gắn bó thân quen khi em còn thơ bé", và "Sống chung với lũ"...
                     
                    Những thầy cô ở làng Hy Vọng kể, Thúy say mê hội họa đến cuồng nhiệt, có đôi khi em bật dậy giữa khuya và vẽ. Hỏi, Thúy thích nhất bức tranh nào, em dẫn đến bên bức tranh "Sự yên lặng" và chỉ vào. Ở đó, có 5 chú hổ với 5 màu sắc khác nhau, nằm im lìm. Dưới bức tranh là lời đề tặng của Thúy "tặng mẹ Tsugie Lfrano". Đó là người mẹ đỡ đầu có quốc tịch Nhật Bản, người bao nhiêu năm nay đã hỗ trợ, giúp đỡ Thúy về mặt vật chất lẫn tinh thần, để Thúy tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành họa sĩ trong tương lai... 
                    Diệu Hiền
                    http://www6.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2008/6/27/247264.tno
                    Thay đổi trang: << < 78 > | Trang 7 của 8 trang, bài viết từ 91 đến 105 trên tổng số 115 bài trong đề mục
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 6 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9