MỐT
tahuudinhqn 24.12.2010 22:03:54 (permalink)
MỐT
 
Hôm ấy tôi được ông hàng xóm mời cơm mừng tân gia. Ông vốn là thiếu tá, mấy chục năm binh nghiệp đều phụ trách quân nhu, lo cơm áo gạo tiền cho đơn vị. Nay, nghe đâu ông mới được lên sao, thành trung tá, và đang chuẩn bị về  nghỉ hưu.
Khỏi phải nói về cái to, đẹp của ngôi biệt thự ấy. Lúc vừa đến tôi đã bị hút ngay vào các bộ phận bằng gỗ của công trình. Ngoài thị trường đang khan hiếm gỗ. Rừng bị lâm tặc tàn phá, ta phải nhập khẩu gỗ ép của Malaixia và Singapore, nhưng ở đây tất cả cánh cửa, khuôn cửa, cầu thang, tay vịn, ván lát sàn, ván ốp chân tường, ốp cổ trần và lá chắn mái đều là gỗ quý như đinh, lim, cẩm lai hay pơ mu, đánh véc ni bóng loáng, mùi gỗ thơm tỏa ra vừa êm dịu, vừa ngọt ngào, tưởng có thể ăn được.
Và cũng khỏi phải nói về cỗ bàn to, nhỏ làm gì. Vì bây giờ vật chất dồi dào, chuyện ăn uống không còn là mối quan tâm hàng đầu như thời xưa nữa. Vả lại tiền nào của nấy. Cỗ càng sang thì phong bì càng phải dầy chứ sao.
Lúc tôi đến thì trời đã bắt đầu nhập nhoạng tối. Hàng phố đã lên đèn. Ngoài sân, ô tô, xe máy đỗ chật cứng, chỉ còn chừa ra mỗi lối đi. Trong nhà cỗ bàn la liệt từ tầng trên xuống tầng dưới. Khách khứa chen vai nhau. Quân phục, quân hàm, com lê, cavát, áo dài, áo ngắn đủ kiểu. Lẵng hoa, chậu cảnh trưng bày khắp nơi. Đèn nê ông, đèn chùm sáng choang. Quạt máy chạy vù vù, mặc dù trời khắ mát mẻ. Những chiếc li pha lê rót rượu tây bắt ánh đèn, sáng lóe lên, và những tia phản quang lóng lánh xanh đỏ như kim cương, như hồng ngọc. Tay bắt mặt mừng. Tiếng cười, tiếng nói chen nhau. Lời chúc tụng, câu ngợi khen quấn quýt. Tiếng cốc tách chạm nhau. Tiếng chân rình rịch vội vã leo lên, chạy xuống ở cầu thang, ở sàn nhà cuả khách đến sau và của những người phục vụ hòa vào nhau, lấn át nhau âm vang rộn rã.   
Tự nhiên tôi cảm thấy mình lạc lõng, ngột ngạt, cần phải “đánh nhanh, rút gọn”. Ăn uống quếnh quáng xong, tôi ra bàn ngồi uống nước. Chợt thấy một cái đĩa khá to, để trên chiếc đôn sứ Giang Tây ở đầu bàn. Trong đĩa đựng một thứ nước gì đó, trông đỏ ôi như đĩa tiết canh. Nhưng chắc là không phải. Vì trên mặt nước lổn nhổn nổi lên những mảnh nhỏ và cong như những cánh hoa.
Cũng chẳng tò mò làm gì. Nhân lúc không mấy ai nhìn về phía mình, tôi vội đưa cho ông hàng xóm chiếc phong bì, nói mấy câu chúc tục lệ, rồi lặng lẽ “chuồn”.
                                                 *
                                              *    *
Sáng hôm nay nhân có chút việc đi qua phố trên, tôi ghé vào nhà thăm anh bạn. Anh là họa sĩ nghỉ hưu, ở với con trai. Con anh tốt nghiệp trường Mỹ thuật công nghệ, về nhà lập công ty trang trí nội thất.
Ơ…Ơ…Chưa kịp ngồi xuống ghế, tôi đã trông thấy chiếc đĩa sứ to, đường kính khoảng 35 phân, men lam, hàng giả cổ, mặt ngoài vẽ hoa cúc dây. Đĩa đựng nước lã, thả đầy những cánh hoa hồng nhung đỏ thắm, để trên chiếc kỉ gỗ gụ, chân quỳ, mặt đá, đục bong rỗng rất đẹp, đặt ở giữa bàn trà.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh bảo:
- Mốt mới đấy. Dân sành điệu bây giờ họ không chơi theo kiểu truyền thống, cắm hoa vào bình nữa, mà vặt cánh thả vào đĩa nước.
À, thì ra là thế!..Bây giờ thì tôi hiểu, cái đĩa đỏ ối trong đám tân gia hôm nào, không phải là đĩa tiết canh, mà là hoa hồng!
Tôi nghĩ, hoa là loài thực vật đẹp và quý. Nó đẹp cả từ dáng cây đến cành, đền lá. Đẹp từ mầm, từ nụ đến bông hoa. Đẹp từ lúc hoa vừa hàm tiếu, và đẹp cả lúc đã mãn khai. Thậm chí ngay cả lúc hoa đã tàn rồi, cánh hoa đã rụng xuống gốc, xuống mặt bàn rồi, trên cành chỉ còn lại cái chu, cái cuống nhưng cũng vẫn còn đẹp. Đó là cái đẹp của tự nhiên. Có nở có tàn, có sinh có hóa. Hoa cũng như con người, đẹp từ lúc sơ sinh bụ bẫm, khi khóc lúc cười. Rồi khi lớn lên thành thiếu niên, thành thanh niên lại càng đẹp. Và rồi ngay cả lúc đã già, cũng vẫn có cái đẹp của tuổi già.
Và vẻ đẹp của hoa từ bao đời nay đã được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, mà việc nào cũng là cần thiết, là quan trọng cả. Ngoài nhu cầu trang trí, thưởng ngoạn, hoa còn để tiếp tân, đón khách, để trao tặng, thưởng công, để cúng lễ thần linh, tiên tổ. Và đặc biệt là để chú dể trao cho cô dâu, trong giờ phút trọng đại nhất của đời người con gái. Đó là lúc cô bước lên xe hoa về nhà chồng. Rồi hoa còn giúp cho người sống, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, khi có người thân đi sang thế giới bên kia…
Song, dù dùng hoa vào việc gì, thì cung cách sử dụng cũng rất đẹp đẽ và trang nhã. Như trồng vào châụ sứ, cắm vào lọ thủy tinh, vào bình gốm, kết thành lẵng, thành bó, và cài thành vòng có lớp lang đẹp đẽ. Chứ chưa bao giờ lại vặt rời ra từng cánh như thế này – đang tay dập liễu vùi hoa – Thì còn gì là đẹp nữa!..
Cũng có trường hợp người ta tách cánh hoa, nhưng đó là để ướp lấy hương. Nghe đâu ngày xưa bà Từ Hi thái hậu của nước Tầu, khi pha trà bà thường dùng một chiếc kẹp bằng vàng, ngắt mấy cánh hồng nhung thả vào ấm trà, để ướp lấy hương thơm.
Còn cái kiểu thả cánh hoa vào đĩa nước, mà bảo là “mốt mới”, là “sành điệu”, hay có người còn gọi là “mô đéc” nữa thì…Vâng đúng là “mới”. Nhưng “sành điệu” thi chưa hẳn. Có lẽ cái “mốt” đó cũng “lẩm cẩm” như bộ quần áo bò vừa may xong, mới cứng, nhưng vẫn chưa phải là xong, mà còn phải qua một công đoạn nữa. Đó là công nghệ mài mòn. Người ta dùng máy móc chà xát như thế nào đó, để mới mà thành ra cũ, vải sờn, mầu bạc đi. Rồi mới được coi là sản phẩm đã hoàn thiện. Đúng mốt!
 Hay như nữ ca sĩ kia, muốn gây ấn tượng mạnh, đã cắt tóc ngắn như đàn ông, lại vuốt sáp cho tóc dựng ngược lên, nhọn hoắt như lông nhím. Là đàn bà, giọng kim, nhưng lại thích giọng trầm như đàn ông. Nên khi biểu diễn, vừa lắc mông, nhẩy nhót, vừa ép ngực, nuốt hơi, gằn cổ, khiến giọng hát khàn khàn như tiếng vịt đực!
Rồi cả một số “đại ca’’ cũng vậy. Để “khác đời”, họ cạo đầu trọc lốc như đầu sư. Có anh lại cắt kiểu “móng lừa” (còn gọi là tiền văn minh, hậu sư cụ). Tức là đằng trước để một bạt chân tóc xanh, đằng sau cạo trắng lóp như đầu sư.
Người xưa bảo “Cái răng cái tóc là góc con người”, Vâng đúng là như vậy. Răng và tóc không chỉ để làm đẹp, mà còn giúp cho con người sinh sống được tốt hơn. Răng để nhai, để cắn, xé. Tóc để ấm và êm cho cơ quan đầu não. Cho nên người thời xưa rất coi trọng mái tóc. Người ta kiêng, không cắt tóc. Cả đàn ông và đàn bà đều để tóc dài, đều bối tóc cài trâm. Rồi sau do đặc thù lao động và sinh hoạt của mỗi giới có khác nhau, nên đàn ông mới cắt tóc ngắn như bây giờ.
Nếu bạn hỏi: “Vậy, các nhà sư trọc đầu cũng là xấu ?”. Thưa không! Sư cạo trọc đầu thì lại là đẹp. Vì ngay từ lúc mới xuất gia vào cửa Phật, họ đã tự nguyện xin “xuống tóc, quy y”, bỏ mái tóc xanh đẹp đẽ, bỏ y phục rực rỡ sắc mầu, mặc nâu sồng giản dị. Để chứng tỏ mình không quan tâm đến vẻ đẹp của hình dáng bên ngoài nữa, mà chỉ chú trọng đến cái đẹp nội tâm. Họ tự nguyện từ bỏ mọi lạc thú của cuộc sống, bỏ cả cao lương mĩ vị, sống cuộc đời khổ hạnh, muối dưa, ăn chay niệm Phật, dốc một lòng “Tam quy -  ngũ giới”, vâng lời Phật dậy… Cho nên họ có cái đẹp của sự từ bỏ, vì mục đích tu hành, cứu nhân độ thế, chứ không phải là “Mốt”.
                                              *
                                          *        *
Người ta thường bảo, người già hay bảo thủ, lạc hậu. Có lẽ đúng. Nhưng thưa bạn, tôi nghĩ tất cả cái mới chưa hẳn đã là đẹp, và cái cũ không phải cái gì cũng xấu./.
 
Uông Bí, ngày 4/5/2009
Đại Lải, ngày 20/7/2010
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9