RE: GIÓ KHÔNG CÒN THỔI ĐẦU SÔNG
-
02.03.2011 11:12:25
GIÓ KHÔNG CÒN THỔI ĐẦU SÔNG
Nguyễn Phước Huy
2-Rời xa
Giờ đây – tức lúc tôi đã chễm chệ nhận cho mình cái tuổi 23 không mấy gì là trẻ trung – tôi thấy rằng dạng người như ông Tám Xỏ cũng là dạng còn “nhân từ” nhất trong những bọn bất lương mà tôi từng gặp, xót không phải ở chỗ bọn chúng làm gì tới tôi và bọn chúng đối xử tệ với đời như thế nào, mà xót là tôi chưa bao giờ có thể làm được điều gì có nghĩa ngoài sự tức tối đến vô dụng.
Tôi đến bên cái tấm ván xám xịt màu thời gian, ngồi vót lát dừa cho má làm tiếp mấy cây chổi, miếng đất xa xa tôi thấy người ta xây lên đó mấy hồ tôm công nghiệp, tôi thấy đắng đắng, cái chỗ mà ngày xưa tôi yêu nó đến phát điên, chỗ mà cánh diều tôi phấp phới bay như những ước mơ còn chờ ngày chắp cánh. Mái tóc má lơ thơ bạc, tôi nắm tay má hỏi đắng nghẹn trong lòng “má cắt đất bán rồi hả má?” má tôi cười trừ, cái nụ cười buồn sặc sụa “tiêu” như hồi nhà tôi còn ngoạm mấy con tôm chết thum thủm năm ấy. Tía tôi đang cuốc miếng đất ngoài sân, tía la vô “bán để nuôi bay, ráng mà làm nghe mạy”. Tôi lại thấy hụt hẫng ghê gớm, hụt hẫng khi hiện tại tôi vẫn còn đang còn thất nghiệp, hụt hẫng khi tôi chọn báo chí chứ không phải kinh tế như tía má tôi mong đợi ngày xưa, nhưng đoạn đường nào mình chọn đều tạo nên một số phận, tôi không tin rằng số phận là ngẫu nhiên, mà sự ngẫu nhiên là do con người tạo ra từ một sự hiển nhiên nào trước đó. Tôi nghĩ được điều này khi tôi lên mười bảy, cụ thể hơn là năm tôi vô học lớp mười.
Tía tôi là người đàn ông hiền nhất trên đời mà tôi đã từng gặp, đôi lúc ông hiền đến đáng trách, cũng đôi lúc tôi thấy thương ông nhiều hơn vì ông hời hợt với cuộc sống như cuộc sống có đắng cay thế nào ông cũng mặc kệ. Má tôi bảo má yêu tía cũng chính vì cái hiền đó, nhiều khi tôi lại thấy má thở dài, dài đến vô tận nỗi đau bởi kiếm một bờ vai mà chênh vênh cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ hình như đắng cay má vẫn không hối hận với sự chọn lựa của mình. Năm tôi mười bảy tuổi, tôi lên cơn sốt vật vã, hôm ấy tôi nhìn thấy ngoại, nội, rồi cô Tư, họ choàng tay ôm chầm lấy tôi, kéo tôi đến một cuộc sống tươi đẹp hơn, tôi chạy đi, chạy đi mãi mà không bắt được họ. Tôi nhớ ông Ngoại, nhớ tiếng sáo réo rắt rót vào hồn tôi ngày xưa những nỗi đau, rót vào trái tim tôi những phù sa, để chống chọi lại với cái nứt nẻ đến rợn người ở cánh đồng tôm bạt ngàn nước mắt. Tôi vấp ngã, họ bảo tôi quay lại đi, phía kia là gia đình, tía má và thằng Ba nữa, tôi quay ngược lại thấy xa xôi quá. Giọng tía ấm và cứng như một hòn đá nung nóng giữa con nước đêm chảy ngược, tôi nghe giọng tía càng ấm, càng lớn tôi chạy ngược lại, chạy hoài, chạy mãi…
Hồi sau tôi mới biết cơn sốt hôm đó làm tôi tái mét, má sợ sệt nhìn tôi rồi thắp nhang cầu ông bà sau khi bôi mớ dầu cù là mà tôi vẫn chưa hết sốt, nhưng tôi vẫn lịm môi lại, mồ hôi đổ như mưa mà run cầm cập. Tía tôi xóc tôi lên lưng, chạy đi lên Huyện kiếm bác sĩ, tía chạy đi, chạy mãi và khi tôi mở mắt dậy tía vẫn còn gọi tên tôi “Sinh ơi, Sinh ơi,…”. Giờ tôi vẫn nghĩ, chắc tía sợ tôi đi luôn nên cả đoạn đường gần năm cây số tía cứ gọi tên tôi mãi…
Tía vốn là người tin vào số phận và đôi lúc tía nhận ra rằng tía sai lầm vì điều đó, ngày tôi học xong lớp chín, tía hỏi tôi “bay đi học hay ở nhà làm ruộng với tía má?”, tía hỏi mà rít điếu thuốc lào sâu hun hút, thổi vào đời rồi tan nhạt nhòa như những đám mây, nhìn tía không thể nào không thấy rõ nỗi đau hằn sâu cọc cằn vào cái nếp nhăn rệp trên đôi bàn tay đen kịt vì nắng. Tôi nói thẳng thừng “con đi học…”, má biểu “làm sao mà học được”. Tôi hiểu câu hỏi của má bởi nó cũng chính là câu hỏi mà tôi đã trằn trọc suốt một năm lớp chín (bởi Huyện tôi không có trường Cấp 3), tôi sợ nghỉ học sợ nghèo như sợ một con rắn cắn phập vào da thịt của mình. Nhưng đó là khi tôi học lớp chín, giờ tôi đã có một cách để mình được đi xa, được tung rộng đôi cánh của mình trên bầu trời lộng lộng, tôi biết sẽ gặp mưa giông nhưng chắc chắn cánh diều của tôi sẽ không lạc hướng.
Đầu năm học lớp mười, tôi đã lên thị xã để học tiếp tục con đường “học chống nghèo” của mình (thằng ba lúc này cũng vào lớp một). Tôi dặn má trước khi đi rằng tôi sẽ biên thư về thường xuyên, ba má không cần phải gửi tiền cho tôi để tôi tự kiếm. Tôi được ba dẫn lên thị xã ở nhà của Mợ Hai (giờ tôi mới biết là ba tôi có một người anh, bác ấy đã mất cách đó chừng mười năm, tôi cũng hổng biết được là tôi có gặp mợ Hai lần nào chưa nhưng tôi thấy hình như tôi còn chưa biết cuộc đời của mình đang tồn tại ở chỗ nào và còn chỗ nào tôi chưa khám phá được), Mợ Hai là một cô giáo, mợ sống một mình nuôi con Jen (tên mợ gọi con mợ ở nhà, tên thiệt của nó là Thủy), ờ thì tôi phải gọi con Jen…bằng chị, bởi nó là con của mợ và nó nhỏ hơn tôi đến hơn một con giáp, nhưng vì cái lý, tôi vẫn phải gọi nó bằng chị, chị Jen.
Ký ức của tôi nó lộn xộn đến phát bực, nhưng mà chính tôi còn không muốn sắp xếp nó lại làm gì, bởi tôi nghĩ chả khác gì tôi sắp xếp những mảnh ghép của sự tổn thương, rồi lâu lâu lại có một vết hở, nhìn qua đó thấy đời càng đắng cay hơn mà thôi.
Đắng cay nhất vẫn là năm tôi học lớp mười một, ban ngày tôi đi học, ban đêm tôi đi phục vụ quán nhậu số hai mươi mốt. Cuộc sống mệt nhọc ấy vậy mà cũng vui, vui đến cay đắng. Tôi lúc nào cũng phải nở cho mình một nụ cười giả tạo khi đem cho khách những thú vui tục tĩu qua lời nói, những cách mà người ta có thể vung tiền “mua” được tôi ngay lập tức ví dụ như bảo tôi xin hộ số điện thoại của con nhỏ ngồi bàn kế bên, hay kiếm cho mấy ổng một cái hột quẹt và lập tức quăng cái cộp xuống đất khi vừa châm xong điếu thuốc,…nhưng tôi sống nhờ điều đó.
Tôi còn nhớ kỹ cái đợt tụi thanh niên đầu tóc nhuộm vàng hoe đến quán nhậu của tôi (ý tôi là quán nhận của tôi đang làm công), ông chủ đưa tôi một cái bình gaz, một nồi lẩu,…tôi vẫn y như mọi khi bật lửa để “phục vụ” khách, nhưng bỗng nhiên bình ga phừng cháy, lửa rập rờn ớn nhợm xém mất bớt tay của tôi. Tụi thanh niên hoảng hồn, chửi bới rồi đè tôi ra đánh. Kết quả của việc đó là tôi được ông chủ cho thêm tám mươi lăm ngàn và nói dối mợ là bị té xe vì chạy xe ẩu..
Nhưng nói gì thì nói, cái nỗi đau thể xác dù đau đến đâu vẫn không thể nào đau bằng nỗi nhớ của một tâm hồn. Ví như cái nỗi nhớ của tôi khi thằng Ba đêm đêm nó không còn ôm choàng tôi để ngủ, nỗi nhớ món canh măng nấu với cá lóc mà má biểu là độc quyền chỉ có ở má, hay cái cuốc đất cắt xé lòng của tía cho một bụi bắp trước nhà….Nỗi nhớ nó kinh khủng lắm kìa, nỗi nhớ của tôi còn chia sẻ cho một vài người khác, như khi cái hôm người ta phát hiện ra xác của con Hiền trôi lềnh bềnh trên mặt sông trước trường, lúc tôi nghe tin, tôi liền nghĩ ngay đến một nỗi nhớ day dứt và điên tiết. Mà thật sự là tôi nhớ nó thiệt, nó ngồi gần bàn với tôi, nó có cái gì cũng kể tôi nghe hết, cái gì có nó cũng chia sẻ với tôi, trừ lúc nó làm bài tập. Tôi thích cái cách nó đối xử với tôi như một thằng bạn tuyệt vời nhất mà nó có, nhiều khi tôi hỏi nó sao bà hông kiếm đại một nhỏ con gái nào đó trong lớp tâm sự cho dễ, nó nói lại trắng trơn, tui thích nói chuyện với mấy người im im lặng lặng như ông hà, cũng hông chừng ông hông hiểu gì hết, tui thấy thoải mái hơn.
Ừ mà đúng thiệt, tôi cả ngày ngồi nghe nó nói, nghe nó kể hết chuyện gia đình, đến chuyện bạn bè anh em rồi chuyện tình yêu đầy sóng gió, đôi khi tôi lại thấy cuộc đời hơi hà khắc khi cứ gieo giắt vào tâm hồn tôi với nó những khắc nghiệt khi còn quá sớm như vậy. Nó sống vì tình yêu mà bất chấp tất cả. Nó bảo nó với thầy Hoàng dạy Vật Lý yêu nhau, hỏi tôi có thể chấp nhân được chuyện một thầy giáo với một học trò yêu nhau như thế không. Tôi thì chẳng biết trả lời như thế nào nữa, chỉ nói lập lờ một vài câu dạng như “thứ này tui chưa thử bao giờ nên cũng không rõ có được không, nhưng nếu tôi là bà thì tôi sẽ kiếm người nào đó xứng đáng hơn”. Nhưng đó là câu nói dở hơi nhất của tôi cho một câu trả lời “không” đầy cay đắng, bởi tôi cũng ngại nói thẳng thừng ra rằng “thầy Hoàng đã có vợ rồi, đừng mơ nữa Hiền ơi”. Giờ đây tôi lại đắng cay vì mình đã không nói ra được câu đó, bởi nó đã có thai, dại khờ trẫm mình tự vẫn…còn cái thai kia của ai, tôi không biết, không rõ cũng không muốn được biết thêm điều gì! Biết nhiều thì đau xót nhiều mà thôi! Mà đôi lúc tôi cứ ngờ ngợ, hình như tôi yêu con Hiền mất rồi…
Tôi vốn rời xa quê từ lâu rồi, nên cái ngày tôi lê chân lên tận Cần Thơ để học Đại Học tôi cũng không cảm thấy lạ lẫm lắm với đời, chỉ hơi bực bội vì phải ở chung đến bảy đứa trong một căn gác nhỏ xíu đủ để được một tấm ván ở nhà tôi, tự dưng tôi thấy nhà mình…giàu dễ sợ. Giờ nghĩ vẫn còn hơi ớn ớn cái cảnh đêm đêm mặc cái quần jeans, khoác cái áo dày cộm meo mốc ra công viên ngồi đến sáng cả một lũ vì thằng Khoa dắt con bạn nó về qua đêm…
Tôi rời quê vội vã sau vài ngày thỏa hết cơn nhớ của mình để lên Sài Gòn nhận biên tập viên tập sự cho một tờ báo, má tôi dùi vào túi tôi một mớ tôm khô dặn đi phải cẩn thận nghen…rồi lặng im, cả nhà tôi lặng im, hình như họ nghĩ họ phải chờ đợi tôi thêm chừng một năm nữa thì phải…
CÒN NỮA