TIẾNG PHÁO
tahuudinhqn 29.12.2010 16:28:18 (permalink)
TIẾNG PHÁO
                                                    “Hôm qua pháo nổ đầy trời
                                           Hôm nay xác pháo còn rơi khắp làng..”
                                                                                 (Nguyễn Bính)
 Đùng!..đẹt…đẹt…Đùng!..Rất giống tiếng súng. Thoạt nghe ai cũng tưởng đó là tiếng súng cối, cùng nổ một lúc với tiểu liên giòn giã. Nhưng không phải. Tiếng pháo đấy. Đất nước yên bình đã mấy chục năm rồi, làm gì còn bom đạn, súng ống nữa. Đó là tiếng pháo đón giao thừa đấy. Nhưng chỉ là tiếng nổ “chui”, chứ không phải là nổ đàng hoàng, giữa thanh thiên bạch nhật. Vì pháo đã bị cấm hàng chục năm nay rồi. Trong các cuộc vui, người ta phải dùng một thứ thay thế, cũng được gọi là “pháo”. Nhưng khi đốt chỉ phụt ra toàn giấy vụn, chứ không có tiếng nổ!
Cả năm, 365 ngày, cũng chỉ có mỗi một lần, vào lúc đón giao thừa, nhờ đêm tối, người ta mới dám vụng trộm, lén lút, nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, mới đem pháo treo lên cành cây ngoài vỉa hè, châm lửa đốt, rồi chạy vào trong nhà, đóng cửa lại, ngồi nghe tiếng nổ để thưởng thức niềm vui một cách âm thầm!..
Trong dịp tết Kỷ Sửu vừa qua (và cả những tết trước cũng vậy), chiếc loa công cộng ở phố chúng tôi, ngày nào cũng đọc chỉ thị cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng pháo. Loa nói suốt cả ngày. Nói từ nửa tháng trước tết. Và nói đến lúc giao thừa. Thậm chí cả sau giao thừa đến  vài ba chục phút. Nhưng kết quả là lệnh cấm vẫn đọc. Mà pháo vẫn cứ nổ. Cùng một lúc người ta nghe thấy cả tiếng loa và tiếng pháo. Tạo ra cái phản cảm đầy tính bi hài. Đùng!..đẹt..đẹt..đùng!...Pháo nổ liên tiếp ở khắp nơi, hàng tiếng đồng hồ, rồi mãi sau mới dứt tiếng. Thì ra thói quen, truyền thống và nhất là tình cảm, cũng có lúc làm cho người ta trở nên bướng bỉnh, liều lĩnh, dám lấn lướt cả kỉ cương luật pháp!
Người ta bảo thuốc nổ do người Trung Quốc chế tạo ra, đâu từ những hơn hai nghìn năm trước. Và cả cái nghề sản xuất pháo, và đốt pháo, dùng tiếng nổ của pháo để bày tỏ, biểu thị sự vui mừng, trong những dịp cưới xin, hội hè, lễ tết cũng là của người Trung Hoa, rồi sau mới lan truyền ra các nước khác. Kể cả nước ta. Mà không chừng cả cái nghi thức ngoại giao, bắn hai mươi mốt phát đại bác chào mừng các nguyên thủ quốc gia đến thăm viếng lẫn nhau, cũng từ cái tập quán sử dụng pháo của người Trung Hoa mà sinh ra cũng nên ?
Còn thuốc nổ và nghề làm pháo được du nhập vào nước ta từ bao giờ, thì chẵng ai biết đích xác. Chỉ biết rằng, hằng năm, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, vào ngày mồng năm tháng giêng Âm lịch, làng Bình Đà lại mở hội tế lễ vị Tổ sư nghề làm pháo. Cũng như ngày 22/2 Âm lịch hằng năm, người Hà Nội mở hội cúng giỗ vị Tổ sư nghề Hát Xẩm vậy.
Và có một điều rất đáng trân trọng là: Tuy pháo đã bị cấm, làng Bình Đà đã được chính quyền địa phương hỗ trợ để chuyển nghề. Họ thôi không sản xuất pháo nữa. Nhưng  hằng năm cứ đúng ngày giỗ tổ nghề cũ, họ lại mở hội tế lễ. Và họ vẫn thi nhau làm những quả pháo “đại”, đường kính ba bốn mươi phân để thờ Tổ. Hôm rã đám, dân làng “rước” pháo ra cánh đồng châm lửa đốt. Pháo nổ. Nhưng không có tiếng “đùng” đinh tai nhức óc như những năm nào. Mà chỉ thấy lửa đỏ, và những cụm khói đen phụt tóe lên bầu trời. Vì đó là những quả “pháo giả”! Cúng tế thì thật, nhưng vật cúng tế thì giả!
                                              *
                                         *         * 
 Trong mỗi đời người, chắc ai cũng đã từng reo, hoặc nghe thấy tiếng reo: “A!..Mẹ đi chợ về!”. Của con trẻ. Khi vui người ta cười. Khi buồn người ta khóc. Khi mừng người ta reo. Nhà có người chết, người ta đánh trống, thổi kèn. Nhà có đám cưới, người ta đốt pháo, cắm hoa. Hoa và pháo để hiển thị sự vui mừng. Kèn trống là nhạc khí, thay cho người sống khóc thương người chết. Đó là bản năng, là thuộc tính, là tình cảm của con người.
Tôi còn nhớ hơn năm mươi năm trước, lần đầu tiên được chứng kiến, một cuộc náo động hết sức vĩ đại. Đó là ngày nhân dân ta nhận được tin Hiệp định Geneve đã kí kết. Đất nước đã hòa bình, sau chín năm trường kỳ khang chiến, đầy hi sinh gian khổ. Ngày ấy, các cơ quan và các đơn vị bộ đội địa phương của hai tỉnh Quảng Yên (cũ) và thành phố Hải Phòng, cùng những người dân đi theo kháng chiến của các huyện Kinh Môn, Thủy Nguyên, Yên Hưng và Đông Triều đều tập trung sinh sống ở khu căn cứ Tân Mộc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Hôm ấy, vào khoảng bẩy giờ tối. Ở trong rừng, bẩy giờ đã vắng bóng người. Núi rừng đang yên tĩnh. Bỗng thấy tiếng loa thông tin từ trên chòi cao vang lên, (lúc bấy giờ dân ở trong khu căn cứ kháng chiến không có máy thu thanh), báo tin đất nước đã hòa bình rồi! Cái tin mà hàng triệu con người đã ngày đêm mong đợi suốt chín năm qua!. Thế là cả một vùng rừng núi mênh mông, đang im lìm, yên lắng, bỗng dưng bật dậy, vỡ òa ra hàng vạn tiếng reo hò, vang dậy như sấm chớp, bão dông. Người nọ nhẩy bổ vào người kia, ôm chầm lấy nhau, đấm vào lưng nhau thùm thụp. Rồi cười. Rồi nói. Rồi reo hò: “A!..A!..Ha!..Hòa bình rồi! Ối trời đất ơi! Hòa bình rồi! Đồng chí, đồng bào ơi! Hòa bình rồi! Ha!..Ha!...Hòa bình rồi!!”.
Và ngay lập tức, cùng với những tiếng reo hò ấy, là những tiếng đập ầm ầm vào vách nứa, vào phên cửa. Rồi cả những thanh sắt đường tầu, treo ngoài gốc cây làm kẻng báo động máy bay, giờ đây cũng ke..eng.. ke..eng..vang lên rộn rã, hòa lẫn vào những tiếng loảng xoảng của thùng gánh nước, chậu nhôm, mâm đồng. Cả tiếng lốp đốp của ống nứa đập vào tảng đá, vào gốc cây. Thậm chí người ta đem cả súng kíp, súng trường, súng tiểu liên bắn hàng loạt lên trời… Hầu như trong lúc sung sướng đến phát cuồng lên như vậy, thì vớ được bất cứ thứ gì người ta cũng gõ, cũng đập. Miễn sao có được một chút tiếng vang là sung sướng rồi. Chỉ tiếc ở trong rừng không có pháo. Nếu có thì hẳn là niềm vui còn được nhân lên gấp bội.
                                              *
                                         *         *
 Vậy tại sao pháo lại bị cấm? Phải chăng vì pháo đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm như báo chí đã nói? Có lẽ không phải. Nói như vậy thì cái gì cũng đều có thể phải cấm cả. Bởi vì, đến ăn mà cũng còn xẩy ra tai nạn chết người, chứ là các hoạt động khác.
Hay…vì tiếng pháo giống tiêng súng, dễ gây ra sự nhầm lẫn, làm cho các nhà chức trách khó phân biệt, nên pháo tạm thời bị cấm? Nếu đúng như vậy, thì rồi đây khi cái bóng ma “Âm mưu diễn biến hòa bình” không còn nữa, chắc nhân dân ta lại được dùng pháo như ngày xưa../.
                         
                                                       Uông Bí, ngày 16/4/2009
                                                        Đại Lải, ngày 21/7/2010
                                                                  Tạ Hữu Đỉnh
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9