Chương II
MÙA XUÂN LỊCH SỬ
HỒI SINH
(Khe Sanh đã từng là nơi vùi chôn biết bao vong hồn tử sỹ, thế mà nay im lìm, không còn nghe tiếng súng mà chỉ có tiếng cây reo. Dường như ngọn lửa cuộc chiến đã di chuyển đến cao nguyên,)
Bây giờ phải chăng là mùa Xuân?!
Bây giờ phải chăng là đầu năm?!
Nơi đây phải chăng là miền Nam?!
Ngoài kia phải chăng là biển Đông?!
Sau khi được Phật Bà quan âm truyền cho phép thuật, Sen tung tăng như một đứa trẻ, nàng vừa bay nhẩy vừa thưởng thức cảm xúc mới lạ mà chỉ có con người mới có được. Nàng đã nhận ra đây là đâu, bây giờ là khi nào trong năm…nàng vừa bay nhảy vừa tự hỏi rồi lại tự trả lời.
Đã quá nửa đêm mà người ta vẫn nườm nượp trên đường, xe vẫn chạy ồn ào xả khói mù mịt, rú còi inh ỏi, mà hầu như người ta đi Sài gòn?! Sen đến gần để nghe họ đối thoại với nhau.
-Chi mà mắc dữ vậy? Mọi ngày giá làm sao chị Hai?
Hành khách thấy giá vé xe lên quá mắc nên hỏi, chị ta đang dắt theo một đứa con nhỏ chừng 3 tuổi, chủ xe như không muốn nhận chị ta lên xe.
-Nếu sợ mắc thì để tiền đó mà xài đi, Việt cộng đang vô tới đó!- Chủ xe trả lời.
Sen thấy ái ngại cho chị kia quá nhưng bây giờ nàng chỉ là một vong hồn, còn giúp gì được họ. Một lúc sau chị kia cũng quyết định trả tiền xe với giá cắt cổ, vừa lên xe vừa khóc tức tưởi. Dẫu sao chị ta cũng lên xe rồi, Sen thấy tâm mình cũng nhẹ nhàng hơn trước, vả lại nàng cũng nhận ra rằng những ngày nghỉ tết đã hết, cuộc chiến đã được châm ngòi lại.
Những âm thanh làm bọn chuột và rắn kinh hoàng chính là những tiếng dội của súng đạn, của chết chóc. Điều mà nàng không ngờ nhất chính là sự tấn công rất bất ngờ của bộ đội miền Bắc, có lẽ họ đã tính toán từ trước, nàng cũng đã từng là quân nhân, đồng chí của họ mà không hiểu được họ. Hiệp định Paris đã ký rồi, cứ từ từ mà tính, tại sao các đồng chí ấy không nghỉ ngơi ăn tết mà đánh nhau sớm thế?!
Phải về Khe Sanh trước khi trời sáng, Sen bắt đầu bay thử xem tốc độ thế nào, khoảng bao lâu về tới Khe Sanh, nếu bay như con vạc thì lâu lắm.
Ồ quả là Phật Bà, quả là thánh, ngài đã ban cho nàng phép mầu thật rồi. Nàng có thể bay tốc độ bao nhiêu tùy thích, nhưng nàng cần làm quen đã. Không thể hình dung được, niềm hạnh phúc lớn lao này đâu phải ai cũng có, nhưng cuộc chiến đã không để cho nàng được thanh thản, dưới tầm mắt của nàng là hàng trăm vong hồn tụ vào nhau như một đám mây tràn từ phía Tây Nam xuống, hướng ấy chắc là khu cao nguyên hay biên giới Việt-Miên. Sen bay vọt lên nhắm vào một tốp, đến chặn họ lại hỏi thăm.
-Các anh mới chết à? Đánh nhau hay sao mà chết nhiều thế?
Sen cũng đoán vậy nhưng cứ hỏi xem tình hình ra sao. Một anh là bộ đội miền Bắc, thấy bị chặn lại hỏi còn chưa hiểu chuyện gì nhưng cũng bình tĩnh đứng lại trao đổi với Sen.
-Mới chết trên biên giới.
-Đã chết rồi còn sợ chết lần thứ 2 à? – Sen hỏi cái vong hồn đen nhẻm, đang hớt hải không biết đi đâu về đâu.
-Không, vì Thổ Công nói sẽ đầu thai ngay vào động vật nên chuồn vội, tìm cách về thăm thầy u tôi đã rồi tính sau.
-Vậy chứ quê anh ở đâu?- Sen lại hỏi.
-Nam Định.
-Sao lại đi hướng đó, không biết mình đang đi ra biển à?- Sen thấy lạ hỏi luôn.
-Tôi không biết Nam Định hướng nào.
-Vậy thì hướng này. – Nói rồi Sen chỉ đường đi cho họ.
Bản thân Sen chỉ có một mình, không thể quan tâm hết mọi chuyện được. Vả lại nếu quan tâm được thì cũng chỉ để giúp những người gặp nạn chứ không phải để can thiệp, cuộc chiến đang nóng lên khôn lường. Xa xa phía Tây Nam là những đụn khói lẻ tẻ bốc lên, dưới mặt đất là những đội quân đang di chuyển, họ đang đánh qua vờn lại. Các vong hồn tụ nhau lại bám theo các đoàn quân, trong đó có một số muốn tách ra nhưng lại phải nhập bọn ngay, có thể họ không biết đi về đâu, mà đội vong hồn dường như ngày một đông thêm.
Một đất nước có hình dáng mảnh mai, nằm dọc theo một kinh tuyến Bắc Nam, có bờ biển dài. Khi di chuyển quân, từ Trịnh Nguyễn cho đến Nguyễn Huệ rồi thậm chí đến hôm nay, họ đều đi theo chiều Nam-Bắc, nhưng sau khi tử trận họ đều như muốn thoát ra phía biển. Bờ biển Việt nam dài hàng ngàn cây số, đã là nơi chứng kiến những trận chiến kinh hoàng từ truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, là nơi chôn vùi biết bao nhiêu sinh mạng, cũng là nơi tá túc cho biết bao vong hồn chiến sỹ.
Hôm nay mới là 16 tháng Giêng, Phật Bà đã nói năm nay Ất Mão, miền nam có biến. Ngài mới nói chuyện này mới từ hôm qua, mà thực ra cuộc chiến có thể đã khai hỏa từ mấy ngày trước, và kế hoạch chiến tranh đã được ấp ủ từ rất lâu. Cái biến của hôm nay đã manh nha từ một hay những cái biến trước đó, mọi sự việc hay sự kiện đều có gắn kết với nhau theo một logic nhân quả. Đã từ lâu, Sen là một vong hồn ngày đêm chờ cơ hội thoát ra khỏi cái thể xác ngày một tan ra của mình, không còn đủ tỉnh táo để quan tâm tới thời cuộc.
Trước một cuộc đổi thay lớn lao như hôm nay, Sen cơ hồ như lạc lõng giữa mênh mang các khái niệm trần tục. Vượt qua bao núi, băng qua bao rừng; được thấy những đoàn quân đi như nước đổ và những cỗ xe tăng nối đuôi nhau rung chuyển càn khôn; những vong hồn kết lại với nhau rồi lại tan ra, rồi lại kết như những đám mây lang thang gặp thời giông bão.
Sen đã về tới ‘’ngôi nhà của mình’’ sau gần 1 tháng trời xa cách. Simon, Simon, cất tiếng gọi mấy lần mà không thấy hắn đâu, bỗng hắn nhẩy bổ ra quấn lấy Sen. Hôm nay nàng mạnh mẽ, lộng lẫy làm Simon bị choáng ngợp, họ quấn lấy nhau hỏi han, ân cần rồi lại nhìn ngắm 2 cái xác ướp vẫn ôm dính vào nhau, âu yếm, đằm thắm. Những chuyện đầu tiên mà đôi bạn kể cho nhau nghe là chuyện bố mẹ Sen, chuyện về Hà nội, và sau đó là chuyện nóng nhất mà nàng đang nén mãi xuống để dành thời gian kể chuyện gia đình và quê hương.
-Lúc mới về, nhìn thấy con chim của ‘’em’’ cứ ngóc đầu lên như đòi bay ra ngoài, ‘’chị’’ cũng thèm phát uất lên.
-Xạo! Vắng nhau, có nhớ người ta không?
-Không nhớ?! Mà Simon biết không? Theo lý thuyết thì một khi mạch máu còn chạy với tốc độ 1/10000. của tốc độ khi còn sống, tần suất giao cấu của một thanh niên như Simon chỉ giảm 1000 lần thôi.
-Tức là sao? Chưa hiểu lắm.
-Tức là máu vẫn chạy qua bộ phận sinh dục và nó vẫn hoạt động với công suất 1/1000 khi còn sống. Thế thôi, có lý luận gì đâu.
-À, thế là vẫn tốt à?
Họ lại quấn vào nhau mà âu yếm, mà cười sảng khoái. Sen không quên truyền cho Simon một phần sinh lực để hắn khôi phục trí tuệ và sức lực, hy vọng hắn giúp được Sen nhiều việc sau này.
Khe Sanh đã từng là nơi vùi chôn biết bao vong hồn tử sỹ, thế mà nay im lìm, không còn nghe tiếng súng mà chỉ có tiếng cây reo. Dường như ngọn lửa cuộc chiến đã di chuyển đến cao nguyên, còn Khe Sanh đã lùi vào dĩ vãng, và vĩ tuyến 17 hay sông Bến Hải chỉ được coi là một ranh giới ước lệ chia đôi hai miền Nam-Bắc. Quân đội Sài gòn ngầm hiểu rằng có thể đây là bẫy nghi binh, nhưng lực bất tòng tâm. Thấy nóng ở cao nguyên mà không tập trung quân về đấy thì sẽ mất vị trí chiến lược ấy, và rồi sẽ mất miền Nam.
Hai kẻ cô đơn gặp lại nhau sau cả tháng trời xa cách, nào hàn huyên, nào giận dỗi rồi ‘’điều tra xét hỏi’’, họ lại quấn vào nhau mà ngủ ly bì. Cho đến một hôm, những tiếng động mạnh từ phía Nam vọng tới làm họ thức giấc. Những tiếng nổ vang rền lẫn trong thét gào, tiếng gió rít liên hồi lẫn trong tiếng lửa reo phập phùng kinh sợ suốt mấy ngày đêm.
Bỗng có tiếng rùng mình của núi, tiếng chuyển mình của hang rồi tiếng siết vào nhau của đá, Sen và Simon như rơi tõm vào hư không, cả hai cùng chìm sâu vào lòng đất. Họ ra ngoài để đi thăm hàng xóm, và chợt phát hiện ra rằng tất cả họ đã bị vùi sâu thêm. Những tiếng dội của bom đạn trong cuộc va chạm của 2 phe ở cao nguyên đã làm cho một vài hang trong lòng núi đá chồng bị sập, kéo theo luôn cả mấy xác ướp vào trong lòng nó.
Simon bây giờ đã minh mẫn và mạnh mẽ như một linh hồn người sống, và cũng như Sen, y hiểu rằng tương lai của họ có thể bế tắc nghiêm trọng. Họ đã nằm sâu dưới nhiều lớp đá chồng, cần bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian để dỡ hết những lớp đá ấy ra?!
Họ là năm vong hồn của 5 chiến binh thất lạc trong những ngày cuối cùng của trận Khe Sanh, tên của họ xếp đầy 5 ngón tay của một bàn tay:
-Đại tá Nguyễn thế Ngũ,
-Đại tá John E.
-Trung tá Công,
-Trung tá Simon B. và trung úy bác sỹ Tô Thị Sen.
Đã 7 năm qua, nhờ đá thiêng nơi đây gìn giữ, thân xác họ vẫn còn nguyên vẹn, vong hồn của họ cũng vẫn còn quanh quẩn nơi đây, hy vọng một ngày hết chiến tranh, người ta sẽ mang họ về nghĩa trang chôn cất tử tế và truy tặng công trạng của họ. Nhưng hôm nay, những cuộc đụng độ mới đã xẩy ra và làm cho niềm hy vọng trong họ vốn vẫn mong manh nay như càng mong manh hơn.
Sen buồn bã nhắc Simon không nên nói ra thực tế này, những vong hồn khác không đủ khôn ngoan để nhận ra sự sập hang, rồi hai vong hồn bọn họ cùng nhau ra khỏi Khe Sanh.
Khe Sanh ngày 12 tháng Hai, Ất Mão.
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN
(…nay thống nhất thì dùng chung niên hiệu là năm cộng hòa, năm nay gọi tắt là cộng hòa I , bất luận con người gán cho nó tên gọi hay hoa mỹ gì.)
Khi còn ở dưới hang, tiếng rung rền như lở đất long trời, lúc lên trên sườn núi, tiếng nổ liên hồi dội về khi đanh khi đục như càn khôn xuất nhập, như đất trời xung đột thủa hồng hoang, họ đang đánh nhau rất gần và dữ dội. Bây giờ Sen không còn là một vong hồn bác sỹ, cũng không phải là vong hồn của một kẻ phàm phu tục tử, mà là một đệ tử chân truyền của Phật Bà, là đại sứ của cái thiện và sự công bằng của tiên giới, nay mai nàng sẽ thành thánh thần? Phải làm gì đây? Sen tự hỏi mà không trả lời ngay được, nàng chưa bao giờ tự vạch ra kế hoạch để làm việc thiện, nhất là bây giờ trước buổi loạn ly, nàng lúng túng. Simon đang ngỡ ngàng trước một thiên nhiên hòanh tráng mà trước đây mình chưa bao giờ được thưởng lãm, anh xoay một vòng, chưa thỏa, anh nhẩy lên cao rồi quay vòng nữa. Nhưng bỗng thấy Sen ưu tư nên đến bên vỗ về; hơn ai hết, anh có kinh nghiệm chiến trường nên hiểu rằng cuộc chiến đang hồi gây cấn, nóng bỏng vô cùng:
-Sen đang lo lắng, không biết phải làm gì?
-Đúng vậy Simon ạ, không phải là Sen phải làm gì mà ‘’chúng ta phải làm gì’’?
Khi khó xử là lúc người ta cần đến một sự chia sẻ của người thân, bè bạn. Là một bác sỹ, Sen tốt nghiệp đại học là được phong hàm sỹ quan ngay, nhận một khẩu K54 rồi vào Khe Sanh chịu trách nhiệm luôn một phòng sơ cứu, đến khẩu súng ngắn của mình còn chưa biết hết về nó. Hơn hẳn Sen, Simon từng trải nhiều, nhất là trong chiến tranh, anh như hiểu được băn khoăn của Sen nên từ tốn giảng giải, bàn bạc để chuẩn bị ứng phó với tình huống.
Sen cẩn thận dặn dò, bắt Simon phải nhớ, nhắc lại đúng yêu cầu việc thiện trong chiến tranh, không phân biệt giầu nghèo, màu da hay chủng tộc; hễ là nạn nhân chiến tranh thì phải giúp. Simon chưa quen lối suy nghĩ từ bi của đức phật, cứ hỏi lại luôn, nhưng rồi cũng thông đạt được.
Còn việc di chuyển, mặc dù Simon cũng được truyền một phần sức mạnh của Sen nhưng e rằng anh chưa quen bay đi bay về, nên Sen phải thử thách, rồi lại dặn. Simon vừa làm theo hướng dẫn vừa nghĩ bụng, quả đây vừa là một người thầy, vừa là một người bạn lại là vợ và là em, nàng mới là vợ yêu của mình. Thực ra, về mặt thiên văn địa lý, Simon có đầy đủ kiến thức để bay đi khắp nơi trên thế gian như một phi công, nhưng Sen cẩn thận nên cứ bắt phải thử, Simon lại mỉm cười vui lòng, đây là cách chiều lòng người đẹp rất Mỹ của anh.
Thế rồi họ chia tay nhau, kẻ vào Nam người xuống biển. Trời còn mùa Xuân mát mẻ, cây cối nơi nơi đâm chồi nẩy lộc. Ấy vậy mà Đà nẵng như đã sang Hè, trời nóng hầm hập, gió biển thổi tốc bụi lên phủ trắng cả những ngọn đồi, làm lá cây không còn xanh nữa.
Đội quân đã qua đây, để lại phía sau lưng mình một đội quân quản và trên tất cả, đó là một sự xáo trộn, thay cũ đổi mới. Trong đó nhiều người hăm hở đón chào chính quyền cách mạng, ngược lại không ít người bị hụt hẫng trước sự đổi thay ngoài dự kiến của họ. Đà nẵng đã dưới sự kiểm soát của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt nam. Cuộc đụng độ mặc dù không dữ dội, chẳng thấm thía gì so với Khe Sanh ngày nào, nhưng cũng lấy đi khá nhiều sinh mạng.
Những người hy sinh trong thành phố chủ yếu là bộ đội miền Bắc trong các đội xung kích, họ đụng độ với những phản ứng dữ dội của quân đội Sài gòn trong khi chưa thông thạo địa hình. Sen thầm thương xót, thầm thán phục sự gan góc của họ; ai vẫn ở rừng nay có thể nói rằng mình thông thạo tác chiến trong thành phố, nhưng họ vẫn tiến lên phía trước dù biết rằng mình có thể bỏ xác nơi này. Có nhiều cái xác không đầu, mất chân tay hay thậm chí mất một nửa chưa kịp chôn cất vẫn còn rải rác đâu đây.
Ở Đà nẵng, đền thờ ông A-di-lac đập vào mắt Sen như gợi ý nên tá túc nơi đây. Nhưng rồi như nhiệm vụ còn nhiều chưa cho phép nàng ngơi nghỉ hôm nay nên lại lần theo bờ biển, nhằm hướng miền Nam mà đi tới.
Cảm nhận trong lòng Sen như mách bảo rằng hãy đi đi rồi sẽ thấy, và quả là không thể hình dung được người ta chết dọc đường nhiều đến mức nào. Mặc dù vậy, khác với Khe Sanh là nơi chết tập trung hàng ngàn binh sỹ một nơi, các cuộc đụng độ dọc tuyến bờ biển để lại các xác chết rải rác, mà các xác chết được chôn cất nhanh nên không để lại nhiều hình ảnh tang thương cho người phàm. Sen không phải người phàm, nên với nàng thì hình ảnh ấy không chỉ tang thương mà nhiều lần hơn thế, các linh hồn chưa được an bài, các vong hồn của những xác vô thừa nhận không tên tuổi nhan nhản, nhiều vô số kể. Sen không hề được thảnh thơi, hết chỉ bảo linh hồn này lại hướng dẫn vong hồn kia, ai cũng muốn tái thế làm người. Thậm chí có nhiều bộ đội còn rất trẻ, linh hồn họ chỉ muốn được chứng kiến ngày chiếm được Sài gòn rồi đầu thai vào đâu cũng được.
Hàng triệu quân nhân cùng có chung một khao khát duy nhất là tiến vào Sài gòn, bất chấp sự hy sinh gian khổ, đây phải chăng là cái ý chí đã thấm vào máu của họ. Cánh quân này hôm nay chắc đã vào tới Nha trang, còn các cánh quân khác có thể đang tập kích sát nách Sài gòn cũng nên, Simon đang theo họ.
X
X X
Đã là một sỹ quan cao cấp của quân đội Hoa kỳ, Simon hiểu con đường tiến quân của Việt cộng nhất định phải lấy sườn Tây làm chủ yếu. Và thực tế không thể khác được, cửa ngõ Tây Bắc trên tuyến QL13 và 14, nối liền biên giới Tây Bắc với Sài gòn đã mở.
Ngày 11 tháng 3 Ất Mão, trước sức ép của công luận và quân lực, ông Thiệu từ chức. Người lên nắm cương vị tổng thống là ông Trần Văn Hương; xuất thân là một trí thức, đã từng là một đồng chí của những Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp thời chống Pháp, nay nhận chức vụ tổng thống lúc lâm nguy, không biết ông sẽ làm được gì?!
Simon bây giờ chẳng còn là lính của ai, mà là một linh hồn đi giúp người, cứu nhân độ thế, anh chỉ có thể vì con người. Suốt mấy ngày nay, anh quanh quẩn khu vực dinh độc lập để theo dõi chiến sự. Thực trạng của cuộc giao tranh không phải thần tốc một chiều như báo chí đã thổi lên suốt mấy ngày này, các cứ điểm quan trọng vẫn tử thủ bảo vệ thủ đô Sài gòn. Nhưng xét tổng thể, mặc dù Việt cộng chết rất nhiều nhưng họ vẫn tử chiến để hướng vào Sài gòn. Bên quân lực Việt nam cộng hòa cũng hết lòng tử thủ nên số thương vong chết chóc không ít.
Còn nhớ, Hàn Tín thời Hán Sở tranh hùng, trong ngày đầu bái tướng, để lấy uy trước ba quân, Hàn đã chém mấy tên lính quèn không tuân lệnh. Sự nghiêm minh ấy quả là có tác dụng, ông không những để lại tiếng thơm cho muôn đời sau mà còn rửa được nỗi nhục do thằng bán thịt lợn dán lên tên tuổi mình.
Ông lão Trần Văn Hương, khi lên nắm quyền tổng thống thì đã xế chiều một cuộc đời binh nghiệp, ông đã 73 tuổi. Là một người am hiểu đường lối chiến lược, ông nhận ra Việt cộng đang dàn quân rất mỏng, hiện nay chủ yếu tập trung cho Sài gòn. Nếu cầm cự được 30 ngày thì có thể cứu vãn được, thế cờ này lật ngược lại không phải dễ nhưng vẫn có cơ hội, mặc dù rất nhỏ.
Ngay sau khi tiếp nhận chức tổng thống Việt nam cộng hòa, ông kêu gọi toàn dân tử thủ bảo vệ thủ đô. Thăng chức một loạt các tướng sỹ có công trong những trận vừa qua, đồng thời thi hành kỷ luật rất nghiêm minh một số sỹ quan không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với kẻ thù, tổng thống Trần Văn Hương ra lệnh rải chất độc nồng độ cao những khu vực đang đóng quân của Việt cộng quanh Sài gòn, họ đã chết rất nhiều. Đồng thời bằng nhiều phương tiện thông tin báo cho đối phương và đích thân ông Giáp hay rằng quân lực Việt nam cộng hòa sẽ phản công, còn đọc ra vanh vách là quân ông Giáp có bao nhiêu, ở cứ điểm nào.
Đòn gió này không phải chỉ là gió, hơn ai hết ông Giáp hiểu mình phải làm gì, ông cũng khẩn trương củng cố các cứ điểm, ngày đêm lo lắng truy quét tàn quân của Việt nam cộng hòa còn sót lại các địa phương. Các cánh quân đang bao vây Sài gòn cũng có phần nao núng, một vài nơi án binh bất động. Trong khi đó ông Dũng đang trên đường từ Tây Ninh xuống Củ Chi, ông ta phớt lờ các điện khẩn của ông Giáp yêu cầu trả lời việc chỉnh đốn đề phòng địch phản công. Tướng ngòai mặt trận thì tùy cơ ứng biến cũng là lẽ thường. Sau chiến tranh, ta sẽ về ngồi vào chỗ bộ trưởng quốc phòng vả lại nếu có hậu quả xấu thì lại quay về đổ lỗi cho anh cả
[1], thật lưỡng toàn kỳ mỹ.
Lầu Năm Góc, sau khi nhận được kế hoạch phản công của tân tổng thống Việt nam cộng hòa Trần Văn Hương, họ có vẻ đắc ý. Liệu lịch sử chiến tranh Việt nam có lặp lại một mậu thân 68 nữa chăng? Hồi ấy trong khi Việt cộng ém quân trên mái nhà nhịn đói, chuẩn bị giải phóng Sài gòn, giành lấy chính quyền thì lính Mỹ vẫn nhẩy đầm, vẫn ôm gái trong các quán ba thâu đêm suốt sáng. Chiến dịch Mậu Thân của Việt cộng thất bại rồi mà mãi tới những năm đầu 70, nhiều gia đình vẫn còn tìm thấy xác Việt cộng khô nỏ trên nóc nhà mình.
Có kẻ ở Lầu Năm Góc còn nói đến tai tổng thống Hoa kỳ rằng các đời tổng thống trước sẽ cảm thấy sai lầm vì không phò cho ông Hương lên thay ông Thiệu sớm hơn. Có kẻ còn chỉ trích Kissinger
[2] là một tên ba phải, ôm chân cộng sản; rằng Trần Văn Hương và Sài gòn là thực tế, còn quan hệ Washington –Hà nội là chuyện hão huyền, viển vông. Họ chuẩn bị cho chiến dịch luộc chín Việt cộng mang tên ‘’Sóng biển Đông 1975’’, có kẻ còn ngông cuồng đặt tên là ‘’VC Stew 1975’’
[3]. Văn phòng tổng thống của ông Trần Văn Hương nhận được điện trả lời là hãy tử thủ, chờ hỗ trợ, kế hoạch của ông được chấp thuận.
Tuy nhiên, tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuổi Quý Sửu, chiêm tinh gia của ông, một người Mexico gốc Da đỏ nổi tiếng tên là Adam Rio, khuyên rằng ông nên tấn công vào Việt nam những ngày đầu tháng Tân Tỵ, vì những ngày đó hợp tuổi Quý Sửu của ông. Thực ra cũng chẳng vội gì, ông Trần Văn Hương chắc là tử thủ được, hồi 68 dữ dội thế mà Sài gòn chẳng hề hấn gì, huống hồ hôm nay.
Ngay sau khi kế hoạch của ông Trần Văn Hương được quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, tổng thống duyệt chi một khoản ngân sách bạc tỷ, lớn chưa từng có cho một kế hoạch phản công của Hoa Kỳ trong lịch sử các cuộc chiến tranh có mình tham gia. Hơn 200 Oanh kích cơ các loại F115, F111, F4 và pháo đài bay B52, hàng trăm trực thăng, cán gáo; 50 hạm đội và khu trục các loại; 50 sư đoàn quân lính thủy đánh bộ tinh nhuệ đã sẵn sàng. Các trung tâm phản ứng linh hoạt của Hoa kỳ trong khu vực, từ Phi luật tân, đến Băng cốc, Gu-Am đều đã sẵn sàng chờ lệnh. Đó là quân lệnh số I, tháng 3 năm 1975, dự định sẽ luộc chín tại chỗ vài triệu cộng quân. Sau khi đã ký quân lệnh, Gerald Ford mỉm cười mà rằng: ‘’thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào, hồi ’68 chết hàng triệu còn chưa quên sao?! Món VC Stew ‘75 sẽ phủ một màu đỏ rực lên Điện Biên Phủ và Khe Sanh của tướng Giáp.’’
Hôm ấy là ngày 16 tháng Canh Thìn (3) năm Ất Mão, sự kiên nhẫn trong ngài tổng thống Trần Văn Hương dường như cạn kiệt, ngược lại sự hăng hái trong ngài tăng lên quá cao. Sau khi đã rải chất độc liều cao một vài khu vực, tin báo cho hay khá nhiều cộng quân tử nạn; thế mà quân ta cũng vẫn thua trận, vẫn tử nạn, tình hình chưa được cải thiện. Ông ra lệnh cho đội không quân cảm tử của tổng thống tập kích khu vực đóng quân của Việt cộng ở Cổng trời- Đồng Nai.
Mọi hành vi của tổng thống dưới mắt quan sát của Simon đều là chống đỡ thụ động. Hiện nay tình thế đang ở trạng thái cực kỳ nhạy cảm, Sài gòn đã ở trong tình trạng rất nguy hiểm. Việt cộng không chỉ có những anh lính khờ khạo chỉ biết dùng AK47 hay lựu đạn, nếu vậy thì không có Điện Biên Phủ hay Khe Sanh. Hiện nay mật độ quân của Việt cộng quả là rất mỏng ở miền Trung, nhưng họ đang tử chiến nơi này, các trung đoàn thiết giáp hùng hậu, các trung đoàn cao xạ, các trung đoàn đặc công của Việt cộng đã sẵn sàng. Rõ ràng họ không phải là đội quân của 1968, ông Trần Văn Hương đã đánh giá quá thấp về Việt cộng hôm nay.
Nếu mất thì ông chỉ mất một cái thân già của ông lão 73, nhưng nhân dân Sài gòn thì mất tất cả, mạng sống của họ cũng không giữ được. Nhân dân Việt nam sẽ mất vô số người con, người em, người chồng, người cha. Hiện nay người chết quanh Sài gòn hàng ngày hàng giờ, vô số kể, không phải chỉ có Việt cộng.
Mặt khác, có một nghịch lý là quân đội Sài gòn không trông chờ vào các tướng lĩnh mà chỉ có tổng thống, đây là một sự xuống cấp trầm trọng của một cơ cấu tổ chức, mà tổ chức ấy lại là một nhà nước. Còn phía Hoa kỳ, để bổ sung lực lượng, phải chờ tới 2 tuần. Nếu để ông cụ 73 tuổi này làm việc thì chỉ tổ chết thêm người. Simon suy xét khả năng can thiệp vào an nguy của người Việt. Đến gần sáng anh quyết định thông qua người vợ của anh phi công sẽ lái một chiếc máy bay đặc biệt theo lệnh trực tiếp của tổng thống ngày mai.
Ngày 17 tháng Ba (Canh Thìn), năm Ất Mão, hồi 10 giờ 30 sáng, 2 máy bay của không lực Việt nam cộng hòa đã nã rocket liên tục vào dinh tổng thống, không có người bị thương nhưng báo chí đã loan tin là: ‘’số thương vong chưa xác định. Các máy bay trên sau khi oanh kích dữ dội, liên tục hàng giờ vào dinh Độc Lập đã bay thẳng ra Hà nội, hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm an toàn, phi công được ông Giáp đón tiếp nồng hậu, họ thực ra là VC nằm vùng, những đảng viên đảng lao động Việt nam.’’
Chiều cùng ngày, tổng thống cho gọi ông Dương Văn Minh vào để chuẩn bị cho buổi họp nội các khẩn cấp sáng mai. Bị bất ngờ, Lầu Năm Góc sau khi nghe tin rất sửng sốt, họ triển khai phương án dự phòng của kế hoạch ‘’Sóng Biển Đông 1975’’, tất cả bắt đầu ngay trong đêm18 tháng Ba năm Ất Mão, sau khi ông Trần Văn Hương thoái vị.
Buổi sáng ngày 20 tháng Ba năm Ất Mão, một lực lượng hùng hậu hải-lục-không quân theo lệnh của ông Gerald Ford, duới sự chỉ huy của một vị tướng đặc biệt duới quyền tổng thống Hoa Kỳ, đã dàn thành thế trận từ Hải Phòng đến Vũng Tầu, món Stew Việt cộng sẽ được chế biến nay mai. Ở Sài gòn, ông tân tổng thống Dương Văn Minh không trả lời một bức điện nào của Hoa Kỳ, mọi lực lượng vẫn đang chờ lệnh. Buổi trưa cùng ngày, ông Dương Văn Minh tuyên bố thất thủ, kêu gọi mọi lực lượng không chống trả, bàn giao chính quyền cho chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam. Món hầm Việt cộng như dự kiến đã không kịp thắp lửa.
Sau khi chiếm được Sài gòn, ông Dũng giao lại cho tướng Trà chỉ huy lực lượng quân quản, còn bản thân thì bay ra Hà nội để gặp trung ương gấp. Tại sân bay Gia Lâm, ông Võ Nguyên Giáp ra tận sân bay chúc mừng. Thay cho lời chào, ông Dũng bộc trực chỉ trích: chậm chạp như anh thì bây giờ tôi vẫn còn đang ở Trường Sơn, anh đến tuổi hưu rồi nhỉ? Tướng Giáp chỉ cười mà rằng: anh già nua mới cần có chú, chú khá lắm, chúc mừng chú. Ngoài mừng công, mừng chiến thắng, ông còn mừng một điều rất riêng là em của mình đã có thể gánh vác nhiệm vụ thay cho mình.
Đã qua rồi Võ Nguyên Giáp của Điện Biên năm xưa, cũng chẳng còn đâu tên ta trong Khe Sanh năm nào, ông im lặng ngồi ghế sau chiếc com-man-ca cũ kỹ. Cuộc đời binh nghiệp của ông tưởng như mới chập chững hôm nào với 12 đồng đội, rồi cũng qua một khúc ca Điện Biên hùng tráng. Mà cái thằng De-Castre mới là lạ, khi đánh trận thua thì đáng lý phải im lặng trước nỗi nhục, hắn lại nỏ mồm mà bình loạn rằng mình nói tiếng Pháp giọng dân trồng nho Avignon; thực ra mình chỉ có vài âm có lẫn giọng quê mình đôi chút, mà kể ra hắn cũng thính tai thật. Còn hồi sửa sai sau cải cách ruộng đất mới hay làm sao, lính ông Giáp mà không biết nhảy đầm sao được, cảnh lính ông Giáp ôm một chị nông dân quần xắn vát móng lợn mà nhẩy twist bên đống rơm ngày mùa, chẳng phải là một biểu trưng của hòa bình và thịnh vượng sao?! Không nhớ thằng nào gắn cho mình cái nhãn hiệu ‘’xét lại’’ lên quân hàm đại tướng, kể cũng ức thật. Nhưng rồi tất cả đã qua, hôm nay là chiến thắng.
Ông Dũng vẫn chưa hết cảm xúc hồ hởi, nghĩ miên man không biết nên tách mũi tiến công sườn bên Tây Trường Sơn của mình ra thành một bài học về tổng tiến công hay không. Cách đây mấy thế kỷ, Nguyễn Huệ phò Lê diệt Trịnh bằng cuộc hành quân thần tốc, cuộc hành quân ấy đã đưa ông vào lịch sử chiến tranh và lịch sử Việt nam như một thiên tài quân sự áo vải. Tại sao có Nguyễn Huệ mà chẳng có Văn Tiến Dũng, ông là anh hùng áo vải thì Văn Tiến Dũng hôm nay cũng có mặc áo giáp đâu?!
À, ta nghĩ ra rồi, mũi tấn công quyết định ấy phải là ‘’Nguyễn Huệ nam tiến’’. Anh Giáp với mình là anh em, không nỡ tay, nếu là người khác thì anh sẽ phải rời bộ quốc phòng vào sáng ngày mai. Khi tổng tấn công mà lừng khừng thế thì sao thành công được, không có tôi hôm nay thì sao nhỉ? Xe ngừng lại trước bộ quốc phòng để ông Võ Nguyên Giáp về nghỉ, Văn Tiến Dũng đi thẳng đến văn phòng bí thư đảng Lao động Việt nam, ở đó các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đang chờ.
Buổi tối, sau khi mừng chiến thắng và tuyên dương công trạng ông Dũng, ông Phạm Văn Đồng ghé qua tư gia ông Giáp. Là anh em, là đồng chí từ những ngày dưới bóng đa Tân Trào, nay thấy như có chuyện lạ nên ông ghé thăm hỏi han, ông Giáp chỉ im lặng rồi cáo ốm mà lui vào trong.
Ngoài Biển Đông, các hạm đội, khu trục hạm rục rịch rút lui theo nhiều ngả khác nhau. Các hạm đội từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tân Tây Lan, Úc-đại-lợi đều được lệnh quay lại nơi xuất phát. Các tuyến giao thông đường biển từ Băng Cốc, Singapore lên phía Tây Bắc Á và ngược lại, đi qua Biển Đông Việt nam, sau 3 ngày bị phong tỏa, nay bình thường trở lại. Vài tàu chiến Trung Quốc đang đóng tại Hoàng Sa, sau mấy ngày mất liên lạc, nay lại điện về tổng hành dinh của họ ở Quảng Châu, báo những tin tối mật.
Các lực lượng tham gia cuộc ‘’tập trận’’ vừa qua đều được thông báo rằng đó chỉ là một cuộc thực tập tổng công kích. Tại Lầu Năm Góc, chiến dịch ‘’VC Stew 1975’’ không chỉ gắn liền với mật lệnh số I từ dinh tổng thống Gerald Ford, mà còn gắn liền với những con số thật ấn tượng mà trong lịch sử chiến tranh của nhân loại ít khi xuất hiện. Sau đó ít ngày, tổng thống Gerald Ford được nghe mật trình một bản thống kê tóm tắt về chi phí của cuộc tổng diễn tập sau mật lệnh ấy. Từ ngày đó, ông trở nên không được khỏe rồi càng ngày càng suy tư, dường như những con số ấy đã làm ông mệt mỏi.
Simon không vất vả lắm, anh thảnh thơi thư giãn, số thương vong hay tử nạn của cả hai phe cũng chẳng đáng là bao, hầu hết đều được lo chôn cất tử tế. Kể cũng còn may, nếu chiến dịch ‘’VC Stew ‘75’’ của ông Gerald Ford mà châm ngòi thì sao nhỉ, quả là không thể hình dung được. Hàng trăm lượt rải thảm B52 trên toàn cõi Việt nam, 50 sư đoàn quân tinh nhuệ đổ bộ lên bờ biển. Trong khi Bắc Việt đã dồn hết vào Sài gòn, bỏ Hà nội, Hải phòng không có phòng bị, họ sẽ mất cả miền Bắc và Hà nội vào tay ông Gerald Ford. Vài triệu người sẽ bỏ mạng…, máu họ sẽ đổ về đâu? Ôi lạy chúa, chuyện ấy đã không đến. Chúc mừng ông Kissinger còn giữ được thể diện. Chúc mừng những người còn sống sau cuộc chiến nhiều ngàn ngày không nghỉ.
Phần vì nhớ Sen, phần vì không phải lo toan nhiều, Simon ra đại sứ quán Mỹ xem người ta di tản, ghé thăm bà thánh Terressa ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, ra Gia Lâm để tiễn ông Dũng về Hà nội. Anh vẫn còn thời gian thăm bố mẹ Sen ở Hàng Bông, ông bà cùng ôm nhau khóc không thành tiếng trong niềm vui chung chìm trong nỗi lòng riêng sâu thẳm. Anh chẳng cầm lòng nổi rồi vội quay trở về Khe Sanh trong một nỗi buồn về một cuộc chiến đầy máu và nước mắt. Vào nửa đêm ngày 20 Tháng Ba năm Ất Mão, anh về tới Khe Sanh, hôm nay nơi đây im lìm trong đêm Xuân mát lạnh, mưa phùn lất phất làm ướt đẫm những vạt cỏ bên sườn đồi, bụi đất đỏ quện vào nhau thành từng hạt lăn trên vách đá. Sen vẫn chưa về.
X
X X
Đà nẵng là nơi mà Phật Bà đã gặp và ban cho phép thuật, ngoài Hà nội, Khe Sanh, từ nay Sen có thêm một nơi để nhớ. Sau nhiều ngày tất bật với những linh hồn kẻ chết ở khắp nơi, Sen đã về Đà nẵng. Người chết ở miền Nam chạy giạt ra miền Trung và miền Bắc nhiều vô số kể, Sen vừa lo hướng dẫn họ tận tình về cách đi lại, hướng nào cho đúng…ấy là chưa kể phải truyền sức mạnh cho họ. Những người chết ở Sài gòn cho biết cuộc giao tranh không kém phần dữ dội, nhưng qua hết rồi. Simon sau khi xong việc chắc là phải về lại Khe Sanh, hắn bây giờ lười biếng, chỉ nghĩ đến có mình Sen thôi. Kể ra hắn cũng có nét dễ thương.
Tình hình tạm lắng dịu, không dám mong nhiều chỉ muốn xem Phật Bà có nhắn gì mình không, Sen tính ghé qua chào ông A-Di-Lạc. Bỗng nghe Phật Bà lên tiếng:
-Bây giờ thì nhà ngươi đã mãn nguyện rồi chứ, một trong 2 bên tham chiến đã giành thắng lợi, mà bên thắng là đồng đội của nhà ngươi, đúng không?
Sau nhiều ngày không gặp lại, nay gặp nhau khi cuộc chiến coi như đã kết thúc, Phật Bà thăm dò xem Sen có tiến bộ trong cảm thụ thế giới hay chưa. Vừa mừng rỡ được gặp lại Ngài vừa mừng vì nước nhà hết chiến tranh, Sen quỳ xuống vái lạy mà rằng:
-Đội ơn Ngài đã ban cho sức mạnh để giúp người phàm và chúng sinh nơi đây trong chiến tranh. Nay con rất mừng vì không còn đạn bom, không còn cảnh tàn sát nhân gian.
Phật bà cảm nhận được sự tiến bộ trong nhận thức của Sen, nàng dường như đã bớt thiên vị miền Bắc hay Hà nội hơn. Nhưng về chiến tranh và chết chóc thì dường như còn non lắm, Ngài lại dụ:
-Ta đã nói rằng hòa bình hay chiến tranh cũng cần có thời gian, và phải trả giá cho nó, không biết nhà ngươi có hiểu không? Hiểu thế nào?
-Thưa, chiến tranh thì phải chi phí cho lương thảo của quân đội, chi phí cho bom đạn và vũ khí. Còn hòa bình thì chi phí cho sửa chữa những hư hỏng do chiến tranh gây ra phải không ạ.
Phật Bà tỏ ra hơi phật ý nhưng nhìn xuống cái nét phàm, cái vẻ ngây ngô của một vong hồn, Ngài lại thương cảm rồi dụ:
-Nhà ngươi quả là có chút suy nghĩ về thị trường, nhưng cái giá mà ta vẫn nhắc với nhà ngươi không phải tính bằng tiền. Mà đó là máu xương của binh sỹ và nước mắt của người thân ở hậu phương. Nhà ngươi chết ở Khe Sanh, hãy nói cho ta hay, cái giá của một Khe Sanh bình yên là bao nhiêu?
Sen giật mình tỉnh ngộ, sau khi được Phật Bà sửa sai và nhắc nhở, Nàng đã nhận ra một phần cái ý nghĩa thâm thúy của từ ‘’giá’’ mà Ngài vẫn nhắc đến khi luận về chiến tranh rồi từ tốn đáp:
-Thưa, khoảng 3000 mạng sống và 15000 người bị thương tật ạ.
Phật Bà lại hỏi:
-Vậy, chiến trường miền Nam Việt nam, nếu lấy Khe Sanh làm đơn vị thì bằng bao nhiêu?
-Dạ, con trộm nghĩ khoảng 50 lần ạ.
Phật Bà tỏ ra vừa lòng với tiến bộ trong tư duy của Sen rồi lại hỏi:
-Xem trong chiến dịch vừa qua, chẳng tốn kém gì mấy, bây giờ hòa bình rồi nhỉ? Vậy cái logic trong suy luận của nhà ngươi ở trên còn đúng không?
Sen như chợt nghĩ có sự bất hợp lý trong suy luận của mình, và cũng sợ Ngài phật ý nên vội quỳ xuống xin lỗi. Nhưng Phật Bà khoan thai dụ:
-Ta hỏi để ngươi suy ngẫm, không có ý khảng định nhà ngươi sai. Nếu ngươi đúng thì loài người, và cụ thể các bên tham chiến hay những ai cùng hưởng nền hòa bình này còn nợ rất nhiều. Không biết là khi nào sẽ phải trả, câu trả lời nằm ngoài tầm hiểu biết của ta.
Sen chợt cảm thấy ghê sợ, không lẽ sự vay trả trong cái cơ chế này lại khắc nghiệt đến thế sao, ai kiểm soát cơ chế này. Phật Bà như hiểu sự hoài nghi trong Sen, Ngài lại dụ:
-Con người có trái tim, cội nguồn của sự nóng giận, sự căm phẫn, sự thù hằn…tất cả những thuộc tính đó đã tạo ra cơ chế của vay trả và quy định cái giá của một nền hòa bình. Không phải ta là thánh mà có quyền can thiệp trực tiếp vào các cơ chế ấy được. Nhiệm vụ của ta là phủ dụ, khuyến khích tình yêu thương đồng loại, sự bao dung tha thứ trong lòng người, chỉ mong mang lại hiệu quả là làm nguội đi cái cơ chế khắc nghiệt kia. Tuy nhiên, hồi thế chiến thứ II, ta sai lầm trong việc đánh giá người Mỹ nên hậu quả là chết thêm rất nhiều người Nhật. Xét lại thì ta không đạt được một chỉ tiêu nào.
Sen bất giác nghĩ về thảm họa 2 quả bom nguyên tử mà Hoa kỳ ném xuống Nhật bản, điều mà Phật Bà vừa mới nhắc tới. Quả là khó hiểu, Phật bà mà còn sai lầm, ai có thể minh triết hơn Ngài được, như vậy hóa ra cả thánh thần cũng bị hạn chế, thậm chí ở nhiều lĩnh vực. Sen tính hỏi cho rõ thì Ngài lại tiếp:
-Vì ta nghĩ rằng người thắng trận không thù người bại trận. Ta là một đại sứ hòa giải, làm nhạt đi thù hận, không có việc gì làm ở Mỹ cả. Bất ngờ là ở chỗ người Mỹ rất lạnh, không thù hận nên ta không nhận ra; hành vi của họ là phục vụ mục đích tối thượng của họ, thế thôi. Không phải chuyện của ngươi nhưng nói để ngươi hiểu rằng ta không thể làm thay tất cả các vị thánh thần được.
Quả là Sen đang được nghe một lý thuyết căn bản về các thuộc tính cố hữu của con người, nào là yêu thương, hận thù; nào là xung đột, rồi hòa hoãn; còn giá cả thì tính bằng máu và nước mắt. Sen dự cảm sau những bài phủ dụ dài thế này sẽ là một thời gian dài không gặp Ngài, Nàng quỳ thụp xuống xin thưa rằng Nàng cần được Ngài chỉ dụ luôn luôn, để khôn lên, vì nàng còn rất khờ khạo. Phật Bà như hiểu rõ điều này nên lại để bàn tay phải lên đầu Sen mà rằng:
-Ta hiểu ý nhà ngươi muốn gì, nhưng ta không thể quan tâm đến nhà ngươi nhiều hơn người khác, cần phải công bằng, có thể chỉ có một bài giảng nữa thôi, nhưng có dịp là ta lại tranh thủ giảng giải cho ngươi. Nhìn vào mắt ngươi, ta thấy sự ngạc nhiên trước bộ trang phục của ta, rách rưới quá chứ gì? Là người Việt, ngươi nghĩ gì, nói ta nghe.
Sen hoảng hốt vì không biết bằng cách nào mà Ngài nhận ra, quả là Sen vẫn băn khoăn về bộ quần áo rách rưới của Ngài. Phật Bà lại tiếp:
-Người Việt các ngươi vẫn hay nhạo báng ta.
Sen hoảng sợ, quỳ xuống trước Phật Bà mà xin chịu tội cho cả dân Việt, bà chỉ nhoẻn miệng một lần để tỏ sự độ lượng rồi tiếp:
-Không phải thế sao?! Họ vẫn nói ‘’đi với Bụt thì mặc áo cà-sa, đi với ma thì mặc áo giấy’’. Với họ thì gặp Bụt theo Bụt, gặp ma theo ma, ta có muốn giận họ cũng không được. Sau này nhà ngươi cũng vậy thôi, không có quyền trừng phạt ai. Lại nói bộ trang phục của ta, đây là nhằm phù hợp với hoàn cảnh. Ở một đất nước mà đâu cũng chỉ thấy tang thương, chết chóc, máu và nước mắt, thử hỏi mặc đẹp để khoe ta đây là giầu có hay là thánh thần hay sao. Đêm nay sau bài giảng này, ta sẽ đi Băng Cốc, trang phục của ta sẽ dát vàng.
Phật Bà chợt nhận ra thời gian dành cho Sen không còn nhiều, Ngài vội vào bài võ thuật.
-Nhà ngươi xuất thân là nữ sinh, ra đời thì làm bác sỹ, nhưng nay làm đệ tử chân truyền của ta ở Việt nam, ngươi sẽ phải biết cầm kiếm. Vũ khí và vũ lực, bản thân chúng không từ bi, nhưng để bảo vệ người hiền, giữ gìn tâm thiện không thể chỉ ngồi yên cầu kinh, phải biết sử dụng vũ khí và vũ lực.
Phật Bà hiểu rằng Sen cũng đã thấm nhuần được ít nhiều tư tưởng của Ngài. Nay gặp lại là để truyền dậy thêm một số kiến thức và kỹ năng căn bản. Được Ngài gọi là đệ tử chân truyền, Sen xúc động cúi lạy ba lần rồi lại ngồi cho Phật Bà phủ dụ. Ngài lại để một bàn tay lên đầu nàng mà rằng:
-Binh khí thích hợp nhất với phụ nữ Việt nam là kiếm ngắn. Tuy nhiên, phải hiểu rằng khi mình không biết sử dụng điêu luyện vũ khí của mình, đối phương có thể cướp được và biến thành của chúng. Trong trường hợp đó, kiếm là của ta nhưng cũng không còn là của ta. Còn nữa, một khi ta đã điêu luyện với kiếm thì đôi khi không có kiếm mà vẫn có khả năng chiến đấu và sát thương như có kiếm. Hãy xem đây.
Nói rồi Ngài lấy từ tay áo ra một cành liễu chỉ ngắn bằng cánh tay, và một giọt nước từ cái lọ bên tay trái của Ngài. Giọt nước đã biến thành một tảng băng bay qua trước mặt.
Ngài tung mình lên, chỉ bằng một cú hích nhẹ, tảng băng bay vút lên cao cả trăm thước. Rồi trong khi tảng băng rơi, Ngài băng qua phải, chém xuống, cắt vát lên, chém qua trái; cánh tay và cành liễu liền vào với nhau như một. Bình nước bên tay đối diện cũng uyển chuyển, khi dùng làm khiên đỡ, lúc dùng để cân đối trọng một bên. Mỗi động tác là một sự liên tiếp của động tác trước và uyển chuyển làm nền cho động tác tiếp theo.
Sen đứng ngây ngắm những đường kiếm điêu luyện của Phật Bà, không biết phải mất bao nhiêu lâu thì mới điêu luyện được như thế. Chỉ trong vài khắc, tảng băng đã được đẽo gọt thành hình một người.
Trước sự ngạc nhiên đến sửng sốt của Sen, ngài phất cành liễu, tảng băng có trang phục một nữ bác sỹ, giống Sen như thật, rồi Ngài hỏi:
-Nhà ngươi có thấy giống mình hay không?
Nhưng không để tảng băng hình người ấy tồn tại lâu được, ngài phất nhẹ cành liễu làm tảng băng tan vụn ra rồi phán rằng, phàm làm thánh mà có hình dạng hiện diện và mang đầy tính phàm thì không được việc. Rồi Ngài lại truyền:
-Vừa rồi là những bài kiếm căn bản mà ta vẫn dùng, các động tác rất liên tục, liên hoàn. Điều quan trọng hơn cả là mục đích của bài này, không có gì khác là bảo vệ con người, trong đó có mình; vả lại khi có thể bảo vệ được thì sát hại được, cái ranh giới giữa sinh và sát ở đây là mong manh, hãy cẩn thận. Và bây giờ là lúc nhà ngươi thực hành.
Nói đoạn Ngài ban cho Sen một cành liễu rồi hỏi: nhớ được các động tác ban nẫy ta truyền không? Sen nói thật là nhớ nhưng chỉ nắm rõ được phân nửa; thế là Ngài lại dặn rằng bài thực hành này sẽ hợp vói khả năng của Sen, là chỉ cần tạo ra 2 cạnh thẳng của thỏi băng. Nói rồi Ngài đưa ra một tảng băng gồ ghề, Sen cũng học theo cách hích vai của ngài, tảng băng tung lên khá cao.
Sen biến cành liễu thành kiếm rồi chém liên tục nhằm hoàn thành bài tập như Phật Bà đã dậy, tạo ra 2 cạnh thẳng hai bên. Tảng băng bị chém xoay loạn xạ trên không, rơi xuống đến mặt đất mà cũng chẳng ra hình thù gì.
Phật Bà thông cảm vì Sen chưa bao giờ thực hành binh khí nên vậy, Ngài lại kiên nhẫn chỉ dậy.
-Dù trong tay mình là thanh kiếm hay cành liễu, khi triển khai công lực đều phải truyền nội công vào nó. Nội công gồm công lực và ý chí, công lực để sát thương còn ý chí để hướng đường kiếm theo ý mình. Tảng băng hay tảng đá trong thí dụ vừa rồi đều di chuyển tự do, đối phương cũng vậy, vì tự do để duy trì sự tồn tại của nó. Muốn đường kiếm của mình có hiệu quả, cái ý chí phải làm việc cùng với thanh kiếm. Phải quan sát để nhận ra cái nào động, cái nào tĩnh trong cái tương quan kiếm và đối thủ; tùy vào hoàn cảnh mà dùng động chế tĩnh hay tĩnh chế động, âm chế dương hoặc ngược lại trong một không gian động đa phương.
Sen như lạc lõng giữa một rừng lý luận mênh mông, chỉ nắm được một phần nhưng nhờ có trí nhớ tốt nên cứ ghi nhận, hy vọng sau rồi nhớ lại mà suy ngẫm, mà thực hành. Đoạn, nàng ngày càng ngạc nhiên khi nhận ra hiểu vốn hiểu biết của Phật Bà là bao la, ngài học ở đâu, khi nào.
Hơn ai hết, Phật Bà là người hiểu đệ tử của mình nắm được bao nhiêu. Ngài vừa cho thực hành vừa giảng giải và sửa chữa khuyết điểm của Sen. Rồi đến nửa đêm thì Sen cũng tạm có thể dùng kiếm được, Ngài cho ngồi nghỉ rồi lại truyền dậy:
-Cấp tiếp theo của kiếm pháp là ‘’kiếm lệnh’’, hầu như loại kiếm lệnh chỉ dùng cho Việt Nữ Kiếm. Đây là môn phái của đàn bà Việt nam, tận dụng 2 khả năng quan trọng của nữ Việt là nhanh nhẹn và uyển chuyển để khắc phục 2 nhược điểm cố hữu của họ là sức bật kém mà lại hay nóng giận trong giao đấu. Mà nhà ngươi có chỗ nào không hiểu không?
Quả là Sen không hiểu nhiều câu trong bài giảng này nên Phật Bà hiểu ý, Ngài tạm ngưng chờ Sen hỏi.
-Trong giao đấu mà không nóng giận thì sao giao đấu được ạ?
-Khá khen cho một câu hỏi hay. Có vô số người biết đánh kiếm nhưng không hiểu điều này. Khi nhà ngươi căm phẫn muốn sát hại một ai đó, không thiếu gì cách. Thậm chí có thể dùng một con dao làm bếp để ra tay, những chuyện như vậy xẩy ra hàng ngày giữa những kẻ phàm phu tục tử, có một vị thánh khác cai quản họ, không phải ta. Song, một khi đã dùng kiếm, không có một kiếm sỹ nào vô cớ sát hại ai, chỉ có thể tội nhân đáng chết hoặc đó cũng là một đối thủ dùng một binh khí khác. Vậy, nóng giận sẽ làm cho đường kiếm đi ra khỏi cái nguyên tắc căn bản mà kiếm sỹ phải theo là: giết kẻ đáng chết hoặc giết đối phương để bảo vệ mình hoặc bảo vệ sự sống hay bênh vực kẻ khác yếu đuối hơn. Tóm lại là thanh kiếm thay mặt cho công lý, không tiếp tay cho sự nóng giận.
Đây là một bài ngắn lý luận về giá trị của cây kiếm, tâm lý người kiếm sỹ, dễ hiểu nên Sen nắm ngay được, nàng cảm kích quỳ xuống 3 lần cảm tạ Phật Bà. Rồi nàng ngồi lại cho Phật Bà phủ dụ.
-Kiếm trong môn phái này ngắn, nhẹ, sắc bén, trang bị cho một cá nhân như để phòng thân. Các loại kiếm khác dữ dội, mạnh mẽ và có tính sát thương cao, thậm chí dùng chung trong một đội các kiếm sỹ. Ngược lại Việt nữ kiếm là môn chỉ có thể đánh trận chung trong một nhóm với các binh khí khác, tức là không thiết kế được một bài giống các bài kiếm xung trận của Thiếu Lâm, Võ Đang hay các môn truyền thống Trung Hoa khác.
Hãy xem đây, hai chân đứng giang ra ngang vai, cầm kiếm bằng hai tay, mắt nhìn thẳng vào đối phương, mũi kiếm hướng lên thiên đỉnh song song với cơ thể mình, lưỡi hướng ra phía trước. Trong hai bàn tay, tay nào dự định sẽ ra đòn thì nằm dưới tay kia và thả lỏng ra dưới chuôi kiếm. Đây là động tác đặc biệt của môn này. Động tác ra đòn chỉ gồm ba bước: lấy kiếm từ tay cầm kiếm, sát thương, trở lại vị trí lệnh.
Vị trí này gọi là vị trí lệnh, để thể hiện là mình đang dùng kiếm, và rằng đây là thanh kiếm của sự công bằng và nhân đạo. Đồng thời kiếm lệnh rất quan trọng với bản thân người dùng kiếm, là để điều tiết tâm lý của kiếm sỹ, đặc biệt là không cho sự nóng giận hay một cảm xúc phàm tục nào ảnh hưởng đến các động tác trong giao đấu.
Nói rồi Ngài thực hành cho Sen học theo, tổng cộng có 32 cách ra đòn khác nhau, vị trí lệnh là một vị trí cực kỳ lợi hại. Sen rất thích thú với động tác đẩy chuôi kiếm lùi về một bên trong khi tay kia vuốt lưng thanh kiếm rồi chỉ vào mặt đối phương, ngay sau đó thì chính bàn tay ấy lại ra đòn.
Sen chăm chú học từng động tác rất cẩn thận và dùng kiếm 2 tay tiến bộ nhanh. Xem ra Sen có thể nhớ hết bài giảng, nhớ các đường kiếm chân truyền, chỉ có chưa thực hành được điêu luyện mà thôi. Phật Bà tỏ ra vừa lòng rồi dặn sau này phải tập hàng ngày cho điêu luyện mới được. Ngài còn dặn nên tập cả bài 1, sau này có thể dùng đến khi cần thiết. Nàng cảm thấy như sắp phải chia tay Phật Bà nên vội quỳ xuống thưa:
-Xin Phật bà cho con hỏi đôi câu kẻo Người ra đi mà con còn chưa tỏ. Rằng các nhịp chân bước, di chuyển theo nguyên lý nào?
Phật Bà tỏ ra vừa lòng vì thấy đệ tử có nhiều câu hỏi tỏ rõ sự nghiêm túc trong quá trình học, Ngài lại giảng giải:
-Ta thấy nhà ngươi thực hành được, có vẻ tiếp thu bài tốt, vậy mà chưa hiểu được các bước di chuyển; mà cũng không lấy gì làm lạ. Phàm đã lâm trận, một động tác thừa sẽ là một bất lợi, bởi nếu đối phương không thừa như ta, thì nó sẽ dứt điểm nhanh hơn ta. Vậy nên mỗi bước di chuyển của ta, mặc dù cũng có cả đá ngang hay nhẩy lên, hoặc chuyển thế chân nhưng tóm lại có những mục đích căn bản là: Giành lợi thế trước đối phương trong một địa hình cụ thể, đưa cái yểu thế của đối phương vào đúng tầm sát thương của mình.
Sen cảm như mình được khai sáng, nàng đã bước qua bước lại, nhảy lên hay đá ngang nhiều lần trong bài tập mà không hiểu được hết cái thâm sâu trong các động thái. Sự khao khát trong học hỏi môn này dường như là một bản năng, rõ ràng là chưa hình dung thấy tương lai mình sẽ dùng kiếm trong hoàn cảnh nào, ở đâu, chỉ biết rằng thanh kiếm này là công lý, là nhân đạo. Mà cứ thấy các đường kiếm và phương thức giao đấu mà mình đang luyện tập cũng dự cảm được, những đối thủ khả dĩ trong tương lai không hề đơn giản.
Rồi nàng lại quỳ xuống kính cẩn thưa rằng:
-Người học từ khi nào và ở đâu mà kiến thức và võ thuật lại uyên thâm đến vậy.
Phật Bà khoan thai mà luận:
-Ngươi không hỏi ta cũng sẽ dụ, nhưng cứ suy nghĩ cũng hiểu được. Từ Nam Đế, Bắc Cái đến Lý Tiểu Long, khi thác thì đi đâu nếu không phải lên cõi của tiên giới. Trần gian là nơi phát minh và thực hành rồi thành quả thì đúc kết lại, khi chết thì mang về trên ấy. Lý thuyết cũng vậy, có nhà khoa học nào, nhà văn nhà thơ nào sống mãi hay không, họ về trên ấy với bọn ta cả. Ai có khả năng làm việc gì thì lo coi sóc lĩnh vực ấy.
Sen cảm thấy mãn nguyện, nàng quỳ lậy ba lần rồi lại thưa chuyện tái đầu thai của 5 vong hồn trong đó có mình. Phật Bà tỏ ra dễ dãi rồi khoan thai dặn từng câu rằng Ngài đã biết nguyện vọng ấy, đó là chính đáng, và rằng:
-Ta gửi lại đây 5 viên ngọc, mỗi viên dành cho một linh hồn. Hãy nhớ, không phải dành riêng cho 5 vong hồn các ngươi mà cho những linh hồn tiêu biểu của Việt nam mà ngươi cho là xứng đáng, đây là đặc ân về quyền lực cho ngươi. Mỗi viên ngọc ta sẽ yểm vào một ngọn núi nhỏ ở Ngũ Hành Sơn, khi muốn cho linh hồn nào đầu thai lại thì dẫn linh hồn ấy đến bên người đàn bà sắp sinh con, đọc khẩu quyết của ta. Đứa trẻ ra đời sẽ là truyền nhân của linh hồn ấy. Ngay khi đó, viên ngọc ở đây sẽ nổ tung và biến mất.
Hàng ngày có biết bao kẻ phàm phu tục tử chết đi, bù vào đó cũng có không biết bao nhiêu trẻ thơ ra đời trên thế gian và trên toàn cõi Việt nam, ta không cai quản hết họ được, mà cũng không phải việc của ta. Bây giờ hãy nghe và nhớ, năm nay đất nước nhà ngươi thống nhất, nên ta cho ngươi một niên hiệu. Trước đây miền Bắc là dân chủ cộng hòa, còn miền Nam là cộng hòa; nay thống nhất thì dùng chung niên hiệu là năm cộng hòa, năm nay gọi tắt là cộng hòa I, bất luận con người gán cho nó tên gọi thường hay hoa mỹ gì. Còn đây là khẩu quyết, ta chỉ đọc khẩu quyết này một lần, nhắc lại cho ta nghe một lần.
Sau khi dậy khẩu quyết cho Sen, Phật Bà bay thẳng lên trời, y phục của Ngài dần dần trở nên vàng ánh rồi khuất hẳn trong mây. Từ đó Sen luôn gọi các năm là cộng hòa thứ mấy, còn khẩu quyết là điều tuyệt mật, trong tương lai chắc chắn là phải dùng, nhưng trớ trêu nhất là phải cho người khác trước rồi mới tới lượt mình sau cùng, đó là quyền lực, ngài đã nói vậy? Quyền gì? Đó là nhiệm vụ không thể bàn cãi. Mà năm kẻ may mắn kia là ai, tại sao họ lại được hưởng sự may mắn ấy? Phải chăng họ là chỗ thân quen của Phật Bà?
Đêm nay sẽ phải truyền sức cho đại tá Ngũ, đại tá John, sẽ phải có Simon phụ giúp; mà còn cả trung tá Huỳnh Chí Công nữa chứ. Xác hắn chắc là có vấn đề rồi, đã lâu không quan tâm tới ai, nhưng hôm nay thì phải quan tâm đây. Ở Khe Sanh có năm vong hồn bọn mình, Ngài lại cho 5 viên ngọc, không biết Ngài có ý gì? Quả là Thánh ý, ta không hiểu được.
Đà nẵng ngày 20 tháng 3 Ất Mão
(Nhằm ngày 30 tháng Tư năm cộng hòa thứ I)
[1] Ông Võ Nguyên Giáp đôi khi cũng được gọi là anh cả.
[2] Kissinger là chủ nhân của nhiều bằng tiến sỹ, cố vấn chính trị của Hoa Kỳ trong hiệp định Paris về Việt nam 1973. Nobel hòa bình 1973.
[3] Stew là một món nấu kiểu Ý, giống chua ngọt của ta.