---------------------------------131-----------------------------
Moritz thức dậy trễ, đầu và ngực đều băng bó. Đầu anh nằm trên vai Traian. Moritz nghe gò má anh chạm vào da vai trần của Traian, vì ông không còn áo sơ mi.
Anh muốn hỏi tại sao Traian không có áo, nhưng anh kiệt sức. Anh chỉ nói:
---Tôi khát nước!
Traian làm như không nghe. Moritz lặp lại:
---Tôi khát nước!
Anh đã nằm hằng giờ như thế, ngất xỉu trên tay Traian. Trong lúc ấy, Traian xét áo sơ mi băng bó cho anh và kiếm một chỗ để anh nằm.
Moritz không nói một tiếng nào. Traian đặt tay lên ngực anh để nghe tim anh đập rất yếu. Lúc lúc, Traian rút tay ra và kề lỗ tai chỗ băng để nghe. Thỉnh thoảng, tim Moritz nhảy chậm đến đỗi tay ông không nhận được;kề sát tai, ông chỉ nghe được chút ít thôi.
Và bây giờ, Moritz nói được.
Traian vui mừng như là mình ở từ xa về.
Nhưng Moritz muốn uống nước. Như Jesus, trên thập tự giá, cũng khát nước. Mà trong toa xe không có nước.
Trọn hai mươi giờ, bọn tù bị nhốt trong toa xe, không ăn uống, và cũng không được phép ra ngoài để đi tiêu đi tiểu.
Trong xe đầy mùi phẩn. Không khí nặng nề, khó thở. Ván rầm xe đầy lền nước tiểu. Moritz đã nằm trên nước tiểu. Chính anh cũng tiểu trên đó, mà không hay. Anh chẳng biết gì hết. Mãi đến lúc ấy, anh cũng không mở mắt ra mà chỉ hé môi để nói:
---Tôi khát nước!
Traian đáp:
---Tôi rất tiếc, không có nước, không có gì để uống được!
Ông tự hỏi cói có cái gì có thể thấm môi Moritz được, nhưng chẳng có gì uống được cả.
Ông nhớ có đọc trong sách nói về quân lính của Thành Cát Tư Hãn, lúc băng qua đồng cỏ hoang bao la, không tìm được thức gì để uống và ăn, bèn xuống yên, lấy dao rọc gân gần móng cẳng ngựa rồi hút vài giọt máu. Họ băng bó chỗ ấy lại, và cho ngựa tiếp tục đi. Suốt mấy tuần lễ, quân sĩ cảu Thành Cát Tư Hãn không ăn uống gì khác hơn là vài giọt máu nóng.
Traian bị ý tưởng ấy ám ảnh. Ông muốn lấy máu mình cho Moritz đỡ khát. Máu ấy có thể giúp Moritz đỡ khổ nhiều.
Anh van lơn:
---Tôi khát nước!
Traian an ủi:
---Bạn ơi! Không có gì uống được, giọt nước mà tôi kiếm được và vui lòng hiến cho anh đỡ khát là giọt máu của tôi. Nhưng anh đừng uống máu . Con người uống máu là con ma cà Rồng. Nó có mặt người, nhưng không phải là người. Nó là cái máy, con quỷ, quần chúng. Nó là con người, nhưng thiếu linh hồn.
Moritz thều thào:
---Tôi khát nước!
---Tôi hiểu! Nhưng dầu sao, anh đừng uống máu. Tôi không có gì khácddeer cho anh. Anh là con Người duy nhứt trong đám người vây quanh tôi, mà không uống máu người. Anh hiểu không? Các kẻ khác đã uống máu nên đã thành tinh kết rồi. Họ không còn phải là người nữa. Bọn tù kia, các lính canh gác, lũ tù vừa được thả đã ném đá vào anh, không ai còn là con người. Chỉ có một mình anh còn là người vì anh còn thương người.
---Tôi khát nước!
---Tôi hiểu! Tôi biết rằng anh khát và anh sẽ chết nếu không uống nước. Nhưng thà chết còn hơn sống như họ. Anh đừng uống máu người. Anh hiểu rõ lời tôi nói đó không?
Moritz thì thào một lần nước:
---Tôi khát nước!.
---------------------------------132--------------------------------
Đơn Thỉnh nguyện của Iohann Moritz.
Tôi ký tên dưới đây, Iohann Moritz, ở làng Fantana, xứ roumanie, gởi đơn nầy cho nhà cầm quyền nơi tôi bị giam, để xin hỏi tại sao các ông giam cầm tôi và hành hạ khổ sở tôi như chỉ có một mình Chúa Jesus bị khổ hình trên thập tự giá vậy.
Nếu tôi không hỏi câu nầy từ lâu,--như tôi có thể làm,--, là vì tôi bẩm tính kiên nhẫn. Tôi là một nông dân. Các nông dân đều biết chờ đợi.
Tôi chờ cả một mùa xuân. Tôi chờ cả một mùa hạ. Và trọn cả một mùa đông dài dặc. Giờ đây, mùa xuân trở lại. Tôi chỉ còn xương với da. Linh hồn tôi đen tối, vì buồn rầu, vì đau khổ. Đen tối như than hầm, như mực đậm.
Hiện giờ , tôi không thể chờ đợi được nữa, nên xin hỏi: tại sao các ông giam cầm tôi6
Tôi không trộm cướp, tôi chẳng giết người, tôi không lường gạt ai, và tôi không phạm tội lỗi nào mà Pháp luật và Giáo hội ngăn cấm cả.
Nếu tôi không can án giết người, trộm cướp, bất lương, tại sao các ông cứ giam mãi tôi trong tù.
Các ông đã nhốt giam và tra tấn hành hạ tôi đến nỗi tôi chỉ còn là một cái bóng trên mặt đất.
Tôi đã bị lưu đày trong mười bốn trại giam. Tôi thiết tưởng đã đến lúc nên hỏi các ông đã khiển trách tôi về tội gì?
Phần tôi, tôi rất khó khăn để quyết định. Nhưng bây giờ, tôi đã nhứt định hỏi các ông.
Tôi gởi đơn nầy theo lối bưu chính cho nhà cầm quyền xứ nầy. Tôi cũng gởi cho lính gác cửa khám để chuyển đạt đến. Đơn tôi sẽ tới tay nhân viên chánh phủ, dầu có phải đi vòng quanh thế giới. Nhà cầm quyền phải nghe đơn khiếu nại của tôi, dầu có bịt lỗ tai đi nữa.
Tôi dán đơn tôi trên các cửa khám; tôi gói đá liệng nó ra đường.
Tôi bắt mấy con chim bay ngang trại giam, cột đơn vô cẳng để được gởi đi cùng khắc thế giới.
Từ nay, tôi không ngừng kêu van, tôi gào thét mãi cho tới khi được minh oan. Có thể các ông sẽ nhốt tôi trong hầm tối để không ai nghe được tôi. Nhưng dầu ở đâu, tôi cũng không ngớt kêu van. Nếu tôi không có viết chì và giấy, tôi sẽ viết bằng móng tay tôi trên vách khám. Móng tay tôi có mòn đến da thịt, tôi sẽ chờ nó mọc ra, và viết nữa.
Nếu các ông bắn tôi, linh hồn tôi không xuống Địa Phủ, cũng không lên Thiên Đàng, hay vào Luyện Ngục. Oan hồn tôi sẽ vẩn vơ trên mặt đất và đeo đuổi mãi các ông.
Nó sẽ ám ảnh các ông như một bóng ma. Ban đêm tôi sẽ phá phách mãi giấc ngủ các ông và của mấy người yêu các ông, để kêu la rằng tôi có lý.
Và các ông không thể chợp mắt ngủ yên được. Mãi cho đến chết, các ông sẽ không nghe được diệu nhạc thâm trầm và lời nói yêu thương,--các ông không thể nghe được gì nữa hết--, lỗ tai các ông vẫn bị rên vang lời kêu oan của tôi, Iohann Moritz nầy.
Tôi là con người. Nếu tôi không làm gì sái quấy, thì không ai được quyền đánh khảo, giam cầm tôi. Đời sống và hình bóng tôi là của tôi. Và các ông là ai đi nữa, dầu có xe tăng, súng máy, phi cơ, trại giam hay tài sản cự phú đến đâu, các ông cũng không có quyền chạm đến đời sống và hình bóng của tôi.
suốt đời , tôi chỉ cầu mong một chuyện rất tầm thường: được yên thân làm việc, có chỗ đùm đậu với vợ con và kiếm đủ ăn cho gia đình.
Chính vì vậy mà tôi bị bắt sao?
Nhà cầm quyền Roumanie sai hiến binh bắt tôi sung công,-- như sung công món đồ, con vật. Tôi để cho sung công. Tay trơn, tôi làm sao chống lại với nhà vua, với hiến binh có súng lục và súng trường. Họ nói tôi tên Iacob chớ không phải tên Ion như mẹ đặt. Họ nhốt tôi chung với dân Do thái trong trại giam rào dây kẽm gai, như nhốt súc vật,--và bắt tôi làm những việc khôt sai. Nơi trại, chúng tôi ngủ cả bầy như thú vật, chúng tôi ăn, uống cả bầy, và chỉ chờ dẫn đem đi lò thịt như bầy thú. Các người khác chắc đã bị dẫn đi lò thịt, còn tôi, tôi trốn thoát được.
Có phải vì đó mà các ông bắt tôi không? Vì tôi vượt ngục, không chịu chờ dẫn đi lò sát sinh chăng?
Dân Hongrois nói tôi không phải tên Iacob, mà tên là Ion. Họ bắt tôi vì tôi là dân Roumain. Họ tra khảo, đánh đập tôi, làm tôi đau đớn khổ sở, rồi bán tôi cho Đức quốc xã.
Người Đức nói tôi không phải tên Ion, hoặc Iacob, mà tên là Ianos và đánh khảo tôi thêm, vì tôi là dân Hongrois. Kế đó, có một Đại tá Đức tới nói tôi không phải tên Iacob, hoặc Iankel,--mà tên là Iohann, và cho tôi được làm lính binh nhì. Đại tá đo đầu cổ tôi, đếm răng tôi, và đựng máu tôi trong ống chai nhỏ. Ông làm tất cả công việc ấy cốt để chứng minh rằng tôi có một danh tính khác hơn tên của mẹ tôi đặt. Có phải vì vậy mà các ông bắt tôi không?
Lúc làm lính, tôi giúp tù Pháp vượt ngục, có phải vì vậy mà các ông bắt tôi không?
Lúc chiến tranh dứt, tôi tưởng tôi cũng như ai, có quyền được hưởng hòa bình. Quân lính Mỹ đến và rặng biếu tôi chocolat và đồ ăn thức uống ê hề, như tặng cho một ông hoàng. rồi, không nói không rằng, họ bắt tôi bỏ tù. Họ đày tôi trong mươi bốn trại giam, như những tướng cướp ghê gớm nhứt trần gian.
Và bao giờ, tôi cần muốn biết: tại sao?
Có phải tại các ông không ưa tên tôi Ianos, hoặc Ion, Iohann, Iacob, hay Iankel chăng? Các ông muốn thay đổi tên tôi nữa sao? Thì cứ tha hồ? Ngày nay tôi biết rằng con người không có quyền mang tên của mẹ đặt cho nữa. Song tôi xin cho các ông hay rằng, từ giờ trở đi, tôi không thể chờ đợi. Tôi muốn biết lý do nào tôi bị bắt và bị tra khảo?
Tôi mong đợi các ông trả lời và kính cẩn chào các ông.
Ký tên: Moritz Ion, Iohann- Iacob- Iankel- Ianos, nông dân và cha một gia đình.
Traian đọc xong lá đơn, rồi hỏi Moritz:
---Tại sao anh khóc?
---Tôi không khóc!
---Tôi thấy mắt anh rướm lệ. Tại sao anh khóc?
---Tôi không biết.
---Anh có sợ gởi lá đơn nầy hay không? Chuyện tôi viết có đúng sự thật không?
---Tôi không sợ. Những gì ông viết đều đúng cả.
---Vậy tại sao anh khóc?
---Chính vì đó mà tôi khóc. Rõ là đúng y sự thật.
Ba ngày sau khi gởi đơn, Moritz được kêu lên thẩm vấn.Traian cho anh mượn áo sơ-mi với quần dài và nói:
- Ta đã thắng, lá đơn có kết quả.
Mắt Moritz sáng lên, anh tưởng như sắp được trả tự do, anh nói:
- Ta đã thắng, cũng nhờ ông tất cả, những gì ông viết trong đơn đúng sự thật làm sao!
Đừng sợ nghe anh, có bọn chúng mới sợ vì chính chúng là thủ phạm!
Moritz vui vẻ đi ra.
Trưa anh trở về, Traian chờ anh ngoài cửa, vội vã hỏi:
- Chuyện ra sao? họ có hứa thả anh chưa?
Moritz cúi xuống, vẫn giữ vẻ mệt mỏi, anh đáp:
- Để sau rồi tôi nói, bây giờ chưa được!
- Trời ơi! bộ anh điên rồi sao hả, tôi trông mong anh cả buổi, rồi bây giờ anh bảo tôi chờ một lúc nữa!
Moritz lượm tàn thuốc ở phòng, thủng thẳng xé giấy bỏ, gom thuốc thành hai phần, một cho anh, một cho Traian, rồi lấy giấy nhật trình gói một điếu thuốc. Anh chậm rãi nói:
-Tốn hơn để sau tôi nói, ông Traian à!
- Họ có hứa thả anh không?
- Không, họ không hứa với tôi chuyện ấy!
- Họ có chửi mắng anh không?
Moritz vẫn tiếp tục vấn thuốc, và đáp:
- Họ không chửi mắng tôi!
- Họ có đánh anh không?
- Không!
- Vậy tại sao anh không nói, họ có làm gì khổ anh đâu?
Moritz đốt thuốc rồi đáp:
- Họ không làm gì hêt!
- Hay chưa tới phiên anh, không hại gì hết, mai họ kêu anh nữa!
- Có, phiền tới tôi rồi!
- Họ có hỏi anh chuyện gì không?
- Có.
Lưỡi Moritz như líu lại, anh phải gạn từng tiếng, Traian nóng nảy nói:
- Anh thuật hết tôi nghe coi, khởi đầu làm sao?
- Tôi được kêu vô trước hết, vô phòng, tôi được mời ngồi ghế, để trước bàn.
- Vô đầu như vậy tốt lắm, nếu chúng nó mời anh ngồi là điều lành rồi, chắc chúng nó có đọc hồ sơ và thấy anh vô tội. Không phải ai cũng được mời ghế đâu, nói tiếp đi.
- Một viên đội hỏi tôi.
- Nó có lễ phép không?
- Lễ pháp lắm!
- Nó hỏi câu gì trước!
- Trước hết y xem giấy tờ, rồi y hỏi tôi: "Anh là Iohann Moritz phải không?"
- Tôi đáp: "phải". Rồi y xem giấy tờ một lần nữa. Đoạn y hỏi tôi: "Tên Moritz viết như thế nào? "t" hay "tz" sau chót?" Tôi đáp với y tôi viết hai cách, ở Roumanie tôi viết "t", còn ở Đức, viết "tz".
Moritz ngừng nói, nhìn Traian, vẻ thất vọng, Traian nói:
- Rồi sao nữa, tại sao anh bị bắt?
- Viên đội nói với tôi: "Cảm ơn anh, đươc rồi, anh về chỗ."
- Có vậy thôi sao?
- Có bấy nhiêu thôi.
- Anh không rán nói thử vói nó chút gì khác nữa sao? Tại sao không thuật gì hết những gì tôi dạy anh đó?
- Tôi có nói, nhưng viên đội không muốn nghe, y gọi: "người kế."
- Rồi anh nói gì?
- Không nói gì hết.
- Vô lý quá, hoàn toàn vô lý, rồi sao anh đi ra.
- Phải, tôi đi ra.
- Một cuộc thẩm vấn mà chúng ta mong đợi suốt năm trong tù là như thế sao? Không có gì khác nữa sao? Hoặc giả anh có quên cái gì chưa?
- Không, chẳng hỏi gì thêm nữa. Tôi đi ra, khi tôi đóng cửa, tay tôi còn run. Họ kêu người kế, là Thomas Mann.
- Y hỏi người đó chuyện gì?
- Hỏi xem tên Mann viết 1 hay 2 chữ "n" ở cuối.
- Có bấy nhiêu à, không hỏi chuyện gì khác sao?
Hai dòng nước mắt chảy dài theo má Moritz, giọt lớn bằng hột trân châu.
Traian vỗ vai an ủi.
- Thôi, ta phải kiên nhẫn, anh Moritz à! Khi mấy con thỏ bạch chết dưới tàu ngầm, thì không còn giải pháp nào hơn là ráng- chịu...
134
Đơn thỉnh nguyện số 5: - Đề tài: Công Lý(Cơ giới hóa các cuộc thẩm vấn.)
Tôi biết các người được chỉ thị để hỏi cung tội nhân trại giam này một cách đặc biệt riêng rẽ. Cố nhiên, lịnh vô lý quá, trong lúc các người này bị bắt giam từng đoàn, một cách tự động thì thẩm vấn từng người thật vô lý!
Tuy vậy tôi hiểu tại sao lịnh đó được đưa ra. Văn minh các người phải tỏ vài cử chỉ lễ độ đối với dân bản xứ. Đó chỉ là chút nhân nhượng cho có lệ, theo pháp lịch sự vậy thôi.
Một sĩ quan phải thẩm vấn năm trăm tù binh mỗi sáng và năm trăm mỗi chiều. Tôi nhận thấy với ai, các người cũng chỉ hỏi một câu giống nhau mà không cần nghe trải lời. Thật vậy, có khờ dại lắm mới nghe tù nhân kể chuyện này chuyện nọ, có hay ho gì đâu, chẳng có gì hết.
Nhưng tôi nghĩ đến hơi sức các người đã phung phí để hỏi các câu hỏi ấy. Cả ngàn lần một ngày cũng chỉ câu hỏi đó mà thôi. Tổn lực biết là chừng nào, tôi nghĩ mấy sĩ quan được cử làm ở phòng thẩm vấn, chắc phải đau quai hàm và mỏi miệng lắm, lúc mãn giờ chiều.
Vì thế tôi đề nghị thâu vào máy mấy câu hỏi ấy, cách thực hiện thế này. Vị sĩ quan giữ phận sựu thẩm vấn cừ ngồi tại phòng làm việc vì thủ tục thẩm vấn từng người bắt buộc phải như thế, rồi cho máy phóng thanh chạy. Khi từ nhân vào phòng, trong tiếng dĩa nói: "Ngồi xuống đây", người tù ngồi, đĩa tiếp tục quay. Nghe câu hỏi thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba. Đĩa kết thúc: "cảm ơn, đủ rồi." Khi người từ đến trước cửa, thì đĩa quay cũng quay tới câu cuối cùng: "Người kế".
Cuộc thấm vấn cứ như vậy là xong! Người từ khác bước vô phòng, đĩa lại quay và hỏi những câu như lần trước. Với một đĩa thâu nhanh, các người có thể thẩm vấn bốn năm trăm tội nhân.
Trong khi đó sĩ quan thẩm vấn cứ ngồi tại bàn và đọc tiểu thuyết trinh thám, tới trưa khi đi ăn, y có thể ăn uống như thường mà khỏi bị đau hàm. Nên nhớ là cách sắp đạt các cuộc thẩm vấn ấy chỉ cần nêu ra câu hỏi mà không cần nghe câu trả lời. Máy móc có thể làm việc đó, chuyện này hoàn toàn hợp lý. Đã tuân theo thủ tục mà không làm mệt sức nhân viên thẩm vấn. Công lý được áp dụng khi áp dụng phương thức ấy. Xã hội văn minh phải được xử đoán tự động. Đâu phải dùng lối xưa như hồi chưa tìm ra điện lực. Bao nhiêu kĩ thuật có khí mà làm gì khi công lý chưa dùng tới máy phóng thanh.
NGƯỜI CHỨNG.
135
Darmstadt: trại giam thứ mười lăm. Cũng giống như các trại giam trước, nhưng có thêm một nhà thờ chính thống giáo. Một nhà thờ nhỏ lâm thời dựng lên. Traian và Moritz đội mũ. Nhà thờ ở dưới lều vải, cũng có bàn thờ chúa. Tượng thánh làm bằng giấy cứng, vẽ bằng phấn màu và than.
Trong nhà thờ không có ván rầm; nền bằng đất.
Đêm qua trời mưa, nước chảy vô lều, đất trở thành bùn.
Giữa nhà thờ, có một tượng thánh giá cỡ người lớn, Traian quỳ dưới bàn thờ chúa. Đức Jesus làm bằng giấy cứng, vòng gai trên đầu làm bằng thiếc đồ hộp cắt mỏng.
Traian ngó lên vết thương ở tay và lương long chúa Ki-tô. Họa sĩ không có màu đỏ để tô màu máu, nên chỗ nào là vết thương thì lấy giấy đỏ ở bao thuốc Lucky Strike dán lên. Chữ đen không thể bôi nên còn đọc được. Traian nói:
- Không bao giờ con thấy Chúa bị đóng đinh đau thương nhường này! Con đến để cầu nguyện cho vêt thương của con, nhưng con không còn cảm thấy còn can đảm nữa, xin Chúa tha tội cho con. Con xin cầu nguyện các vết thương, bằng Lucky Strike, đẫm máu ở đùi, ở chân bàn tay Chúa. Các vết thương ấy còn đau đớn hơn các vết thương bằng máu thịt của con. Con xin cầu nguyện vòng gai bằng chiếc đồ hộp trên đầu chúa nữa.
Traian nhìn lên mình Chúa, thấy ở trên ngục đấng Cứu-thế một chữ "M" bằng chữ in. Chữ M đó trong hộp "Menu Unit"; giấy hộp này dùng để cắt thành thân thể Chúa.
Traian đứng dậy, hôn bàn chân Chúa và nói:
- Bây giờ con mới thấy đồng điệu với thân thể của Chúa. "Thực đơn" đời đời của chúng con là hi vọng. Chúa là "Menu Unit" của con, không lúc nào bằng lúc này, con mới hiểu rõ thân thể Chúa là món ăn bồi dưỡng của chúng con. Làm sao người tù họa sĩ lại có sáng kiến làm thân thể Chúa bằng hộp "Menu Unit". Hiện giờ Chúa tượng trưng tất cả lòng khát khao thành kính các thánh, lòng khát khao bánh mỳ và tự do của con.
Traian đang trầm mặc thoát tục, chẳng còn thấy ai xung quanh.
Moritz ngắm nhìn mấy thiên thần bằng giấy láng bao điếu thuốc, tượng thánh đồng trinh theo dây chuyền bằng nắp hộp mạ vàng của hộp thịt dồi.
Moritz làm dấu thánh giá trước tượng thánh Nicolas, ông thánh giống mục sư Koruga.
Đoạn anh đến quỳ gần Traian và nhìn mấy vết thương của Chúa Ki-tô. Traian cầu nguyện:
- Lạy Chúa, con không xin Chúa cất ly trên môi con. Con biết rằng việc ấy không được. Con khẩn cầu Chúa giúp con uống cạn ly ấy. Từ một năm nay con ở cạnh lề cuộc sống và cái chết. Từ một năm nay con ở lằn ranh giữa thực tế và cõi mộng.